XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Đền thờ thần ở Thanh Hóa nơi lưu giữ những giá trị về tư liệu lịch sử

 
Núi Thạch Bi ở phường Mỹ Quan, thuộc huyện Tống Sơn (nay là phần đất xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn - PV). Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ “Thần” viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  LÊ NGỌC TẠO1

TÓM TẮT

     Hệ thống đền thờ thần ở Thanh Hóa vốn là chủ đề hấp dẫn không chỉ đối với giới nghiên cứu nghệ thuật mà còn đối với các nhà sử học. Mỗi đền thờ, thông qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, đều có những “câu chuyện lịch sử”. Giá trị của hệ thống di tích đền thờ được nhìn nhận dưới nhiều chiều khác nhau, nổi bật là giá trị văn hóa – nghệ thuật, giá trị tâm linh và giá trị lịch sử. Trong công tác nghiên cứu lịch sử, nếu biết đào sâu khai thác các thông tin gắn với di tích thì đây cũng là một nguồn tài liệu đáng quý cho sử học.

Đặt vấn đề

     Trong tâm thức người Việt, nói đến đền thờ là nói tới tín ngưỡng thờ một vị thần mang tính tâm linh thông qua một kiến trúc vật chất có tên là ngôi đền được lưu truyền từ xưa và còn hiện diện trong đời sống hôm nay. Trên thực tế tại Thanh Hóa, trong khi rất nhiều loại hình di tích khác ít được hưng công tôn tạo, thậm chí bị xóa sổ theo thời gian và nhận thức hạn chế của con người qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, thì ngôi đền vẫn được người dân chú trọng tôn tạo, gửi gắm, cầu mong những điều tốt lành. Theo nguồn tài liệu hiện lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 7 năm 2017, cả tỉnh Thanh Hóa có 822 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di sản thế giới, 03 di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích quốc gia và 677 di tích cấp tỉnh. Trong tổng số 822 di tích đã nói có 245 ngôi đền (không kể miếu, nghè, phủ… cũng có chức năng thờ thần) trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt và 30 di tích quốc gia. Như vậy, số lượng đền thờ được nhân dân tôn vinh, Nhà nước công nhận đã chiếm gần 1/3 số lượng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Điều đó nói lên giá trị nhiều mặt của đền thờ, đặc biệt là giá trị về tư liệu lịch sử.

     Cùng với kết quả xếp loại đã được Nhà nước công nhận, kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác nữa, chúng ta có một bức tranh phác thảo rằng: Đền thờ ở Thanh Hóa được phân bố khắp nơi từ miền biển, đồng bằng, trung du đến miền núi. Tuy nhiên, đậm đặc nhất là vùng đồng bằng ven biển được chi phối bởi đặc trưng về cơ cấu kinh tế truyền thống, với nông nghiệp lúa nước là trọng tâm. Bước đầu nghiên cứu hệ thống đền thờ ở Thanh Hóa chúng ta nhận thức giá trị về tư liệu lịch sử của đền thờ biểu hiện như sau:

     1. Nơi nhận diện những vị thần được thờ tự

     Khác với tôn giáo, tục thờ thần là tín ngưỡng bản địa của người Việt đã có mặt từ lâu đời trước khi các tôn giáo du nhập vào. Cùng với sự phát triển của xã hội, ban đầu ngôi đền chỉ là một địa điểm cầu cúng giản đơn sau dần cần phải có một kiến trúc được hoàn chỉnh cho phù hợp với một chỗ thờ cúng mang tính linh thiêng được dân gian gọi là nghè, miếu, đền… Tùy theo tên gọi của mỗi địa phương, song phổ biến là đền thờ. Tín ngưỡng thờ thần là một trạng thái tâm lý quan hệ đến các hiện tượng tự nhiên, xã hội mà con người cảm thụ nhưng chưa được nhận thức đầy đủ. Đó là một dạng tín ngưỡng nguyên thủy, thể hiện sự sợ hãi và kính trọng nhằm cầu mong cho cuộc sống yên vui ở một xã hội phụ thuộc nhiều vào thế giới tự nhiên.

     Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, tín ngưỡng thờ thần gắn với ngôi đền của người Việt cũng như người Thanh Hóa là đã có trước khi tục thờ thành hoàng cũng như kiến trúc đình làng ra đời. Theo sách Trung Quốc thần bí văn hóa2 của Chu Lập Phương giải thích: Thành hoàng tức Thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng, là vị thần bảo vệ thành trì cho quốc gia, phủ, châu, huyện, xã trong một thành trì. Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục cũng nói về tục thờ thành hoàng có nguồn gốc từ bản địa kết hợp với việc du nhập từ Trung Hoa như sau: “Xét về cái tục thờ thần hoàng này từ đời Tam quốc trở về đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi… Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kể đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tế cho việc ấm tý một phương mà thôi. Kế sau triều đình tính biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy… tổng chi là dân ta tin rằng: đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ nào phải có thành hoàng ấy, vậy phải thờ phục để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thần một tịnh”3. Cũng ở sách này, Phan Kế Bính căn cứ vào vị trí các thần được ban sắc phân thành 3 loại:

     Thượng đẳng thần là những thần danh sơn đại xuyên và những bậc thiên thần như: Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Chữ Đồng Tử, Liễu Hạnh công chúa, các vị ấy có sự tích linh dị mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào cho nên gọi là Thiên thần. Hai là các vị nhân thần như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… các bậc ấy đều có sự tích, công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong là Thượng đẳng thần.

     Trung đẳng thần là những vị dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ ràng công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc những thần có chút linh dị, tới khi nhà vua sai kỳ tinh đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình liệt vào tự điển mà phong làm Trung đẳng thần.

     Hạ đẳng thần là những vị thần dân xã thờ phụng mà không rõ sự tích ra sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.

     Sự xếp loại mang tính quy định ấy của triều đình phong kiến được Phan Kế Bính chỉ ra, không ngoài tình hình chung của Thanh Hóa khi chúng ta nghiên cứu về hệ thống đền thờ được bao bọc bên trong là những vị thần vốn là linh hồn của một ngôi đền.

     Với tư cách là những sử liệu, sự có mặt của các vị thần được thờ ở Thanh Hóa giúp chúng ta hiểu khái quát về xã hội Thanh Hóa qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài những ngôi đền được Nhà nước công nhận, một nguồn tư liệu hết sức quý giá được ghi chép về các vị thần thờ ở Thanh Hóa phải kể đến cuốn Thanh Hóa chư thần lục. Đây là cuốn sách được công bố vào ngày 15 tháng 10 năm Thành Thái thứ 15 (1903), được “phụng biên” tức biên soạn theo lệnh vua, một văn bản nghiêm túc trong hệ thống “quan bản” của triều đình Huế, có lượng thông tin cao và đáng tin cậy. Trong một nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm4 căn cứ vào văn bản của Thanh Hóa chư thần lục đã phân chia các thần được thờ ở Thanh Hóa thành hai loại:

     – Nhất tính hạt phụng tự dương thần liệt vị thần hiệu (tức nam thần) với 770 vị thần.

     – Nhất tính hạt phụng tự âm vị liệt vị thần vị (tức nữ thần) với 173 vị thần.

     Căn cứ vào sách Thanh Hóa chư thần lục (Bản dịch và phụ chú hiện lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa) chúng ta biết cho đến khoảng đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh có 3.561 phủ, nghè, đền, miếu là cơ sở thờ tự 804 thần nam và 171 thần nữ. Thông thường mỗi cơ sở thờ một vị thần nhưng cũng có nơi thờ nhiều thần. Việc phân bậc nam thần hay nữ thần là mang tính tương đối vì có những loại thần không thể phân biệt như: thần sấm, thần sông do đó đây là hạn chế của sách Thanh Hóa chư thần lục trong cách phân loại. Theo chúng tôi, các đền thờ ở Thanh Hóa chỉ thờ hai loại thần: nhiên thần và nhân thần, tiêu biểu là:

     Nhiên thần gồm:

Thần núi: Thờ Cao sơn tôn thần, Thái sơn tôn thần;

Thần sông: Long vương tôn thần, Long uyên tôn thân,…

thần sấm: Thiên hóa lôi công, Thiên lôi linh ứng;

Thần biển: Đông hải tôn thần, Áp lãng chân nhân tôn thần;

Thần mây: Đông phương linh ứng tôn thần;

Thiên thần: Đại càn quốc gia Nam Hải, Thượng ngàn sơn tinh công chúa tôn thần,…

     Nhân thần chiếm số lượng chủ yếu trong các vị thần được thờ ở hệ thống đền thờ ở Thanh Hóa. Đó là các bộ tướng của Hùng Vương như Phan Tây Nhạc tôn thần, Hưng Đạo Vương tôn thần, Mục uyển vũ dũng tôn thần (Lý Thường Kiệt), Kim ngô long hổ thượng tướng quân (Trần Khát Chân), Khương Công Phụ tôn thần,… các thần là Hoàng đế như Lê Đại Hành hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đế miếu, Lê Thái Tổ Hoàng đế,… Thần là các nghệ nhân như Thanh Xà trợ thuận tôn thần (Lê Phong – ca hát), Khổng Minh Không tôn thần (tổ sư nghề đúc đồng), tổ sư nghề dệt săm xúc (Bà Triều),… Một số đền thờ thần ở Thanh Hóa còn thờ cả những thần nước ngoài như: Chiêm quốc hoàng phi tôn thần (vợ vua Chiêm Thành), Mãn Đường hoa công chúa tôn thần (con gái Hán vũ đế)…

     Như vậy, qua các đền thờ ở Thanh Hóa, về mặt sử liệu, ta có thể hiểu được một cách khái quát diện mạo của các vị thần ở Thanh Hóa. Đó là bức tranh về xã hội Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng trong thời phong kiến. Từ những hiện tượng tự nhiên đến các nhân vật truyền thuyết, huyền thoại, dã sử, đến các nhân vật lịch sử có công với đất nước, mang lại sự bình yên cho con người đều được tôn vinh, thờ phụng qua nhiều thế hệ, được nhà nước thừa nhận, nhân dân ghi nhớ.

     2. Nơi lưu giữ những thần tích, thần phả, những nguồn sử liệu quý giá

     Thần tích ở Thanh Hóa chủ yếu được viết dưới thời Lê Trung Hưng, vào mùa xuân niên hiệu Hồng Phúc thứ 1 (1572) đời vua Lê Anh Tông. Người soạn là Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính. Đến mùa đông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) đời vua Lê Ý Tông, Quản giám Bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân sao theo nguyên bản chính. Cũng có những bản được đời sau căn cứ vào bản gốc sao lại như Thần tích thần Bảo Hựu (Đồng Cổ) ở Mỹ Đà, xã Hoằng Minh được sao lại đời vua Duy Tân. Thần tích Khuông quốc Đô thống Lê Phụng Hiểu ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, ngoài việc ghi chép ban phong mỹ tự theo bản gốc, người sao chép còn ghi bổ sung thêm các mỹ tự được ban dưới triều Nguyễn và tổng hợp những nơi thờ thần,… Nội dung thần tích ghi chép lại sự tích, lịch sử, công lao hành trạng các nhân vật ở địa phương, vùng miền. Đôi khi là những giai thoại, chuyện kể, lời đồn có liên quan đến địa phương qua những hình ảnh, hành vi đã được mọi người truyền tụng mang tính cách siêu nhiên, thần bí, tô điểm cho sự siêu phàm của nhân vật được nhắc tới.

     Chúng ta biết, hơn 900 vị thần được thờ ở Thanh Hóa ghi chép trong Thanh Hóa chư thần lục chỉ có 229 vị được ghi thần tích. Số còn lại chưa cung cấp cho chúng ta đầy đủ những thông tin cần biết. Nhiều vị thần không có thần tích, lý lịch cụ thể về công trạng của thần khiến cho các nhà nghiên cứu phải lần mò tìm kiếm. Điều này cũng dễ hiểu, lẽ đương nhiên mỗi vị thần đều có thần tích riêng về hành trạng, công tích, song triều đình chỉ quan tâm đến các vị thần có tầm bao quát, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của nhân dân, được các chức sắc trong làng xã tấu trình. Song, nhân dân có cách giải thích riêng, đều khoác lên thần những mỹ tự cao quý theo ước vọng của mình. Ngoại trừ những sắc phong do triều đình ban tặng, nhiều ngôi đền được dân tôn vinh là Thượng đẳng thần hoặc Thượng thượng đẳng thần nhằm đề cao vị thần mà cộng đồng mình đang thờ tự.

     Trong các thần tích hiện còn lưu giữ tại các ngôi đền ở Thanh Hóa, chủ yếu mang nội dung: giúp dân yên vui, giúp vua đánh giặc quán xuyến toàn bộ công trạng của thần ở bất cứ góc độ nào. Qua thần tích, chúng ta thấy được vai trò của các thần trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ, trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đầu Công nguyên, có sự tham gia đông đảo của nhân dân nhiều vùng đất nước, có nữ tướng Lê Thị Hoa (Từ Thiện phu nhân) công trạng của Bà được lập đền thờ ở Nga Sơn. Quản gia Đô Bác Đại Vương Trịnh Gia, biết thương người nghèo đói đem lại của cải cho nhân dân trong vùng được 72 nơi thờ. Thần tích về Cao sơn tôn thần có tới 441 nơi thờ. Theo các tác giả sách Các vị thờ thần ở xứ Thanh, thì đây là một trường hợp khá đặc biệt mà người ta dễ nhầm lẫn. Có rất nhiều thần Cao sơn như Cao Sơn là một thầy thuốc, Cao Sơn là con của Lạc Long Quân, Cao Sơn Đại Vương (Dương Tự Minh) được tiên trao cho áo tàng hình giúp vua đánh Tống5. Lại có Cao Sơn tôn thần là Cao Hiển tự Vân Trường, quận Quảng Nam nước Đại Minh, thi đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Thừa tướng, có công tuần tiễn ở Nam Man, khi mất được lập đền thờ;

     Đến thời kỳ xây dựng nhà nước phong kiến độc lập, các thần cả nhiên thần và nhân thần, số lượng thần tích khá nhiều. Tiêu biểu phải kể đến thần tích Đồng cổ Đại Vương ở Yên Thọ (Yên Định), Bảo hiệu tôn thần (Thần Đồng cổ ở Hoằng Minh, Hoằng Hóa), Độc cước siêu dũng (thần Độc Cước ở Hoằng Kim, Hoằng Hóa). Hàng loạt các thần tích nhân thần khác như Nguyễn Tuyên ở Hoằng Lộc, Lê Phụng Hiểu ở Hoằng Sơn, Chu Minh-Chu Tuấn ở Hoằng Hóa, Hoàng Tá Thốn ở Yên Định, Đỗ Tương ở Tĩnh Gia,…

     Nhìn chung, nguồn tư liệu thần tích hiện còn ở các đền thờ Thanh Hóa phản ánh khá đa dạng đời sống tâm linh của người dân qua các triều đại. Thần tích ở đây đều có cốt lõi của lịch sử là nguồn tư liệu quý giá bổ sung cho chính sử.

     So với thần tích, thần sắc ở các đền thờ Thanh Hóa phong phú vì đây là những sắc chỉ của triều đình ban phong, có sự lựa chọn chặt chẽ. Thực chất đây là những văn bản của Nhà nước khen thưởng cho những nhân vật có đóng góp cho địa phương đất nước. Ở các đền thờ thần tại Thanh Hóa các sắc phong đều được lưu giữ cẩn thận, bảo quản như một tài sản vô giá của địa phương, dòng họ, là niềm tự hào chân chính mà mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn. Theo nghiên cứu của các tác giả Thần tích – Thần sắc Thanh Hóa (tập 1) thì đạo sắc cổ nhất hiện còn là đạo sắc của vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1460 – 1497) ban cho con cháu dòng họ Lê Lai được lưu giữ tại đền thờ Lê Lai ở Hoằng Hải, Hoằng Hóa. Sắc phong thời Lê Trung Hưng xuất hiện nhiều nhất vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đời vua Hiển Tông. Đặc biệt, dưới triều Nguyễn, số lượng sắc phong tại các đền thờ hết sức phong phú đa đạng gắn với kiến trúc đền thờ ở thời kỳ này. Có vị thần được ban rất nhiều đạo sắc có tới 7 đạo như Đông Hải Đại Vương ở Bái Nại, Nga Sơn…

     Như vậy, nếu như thần tích là những tư liệu lịch sử ghi chép về lai lịch các vị thần được thờ thì sắc phong là những văn bản hành chính của Nhà nước công nhận vị trí của thần đối với dân, với nước, có ý nghĩa sâu sắc bổ sung chính sử khi biên soạn về một nhân vật lịch sử.

     3. Nơi gìn giữ những tấm bia, nguồn sử liệu quan trọng bậc nhất

     Bia ký là một thể loại ghi văn tự dưới dạng một biểu tượng văn hóa, nhiều dân tộc trên thế giới sử dụng bia ký khắc ghi văn tự, hình vẽ trên chất liệu đá, kim loại, đất nung… Bia ký ở Thanh Hóa có số lượng lớn, tập trung ở thế kỷ XV – XVIII. Nhiều bia ký to lớn về kích thước, đa dạng về hình thức bố cục, trang trí và phong phú về nội dung. Cũng như đình, chùa, các đền thờ đều được dựng bia tuy số lượng không nhiều nhưng hàm chứa nguồn sử liệu vô cùng quý giá, giúp cho chúng ta hiểu biết rõ hơn nhân vật và xã hội đã qua.

     Thông qua bia ký ở Thanh Hóa cho chúng ta biết một khuynh hướng khích lệ phát triển kinh tế thương mại, phát triển giao thông, làm đường, làm cầu, làm chợ diễn ra khá nhộn nhịp, những điều này đã được tư liệu hóa thông qua thông tin trên bia ký. Các bia như Tướng Công thọ bi dựng năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1626) ở đền thờ Tạ Tôn Đài huyện Hậu Lộc là một ví dụ.

     Ngoài việc phản ánh một cách sinh động lịch sử, kinh tế, xã hội xứ Thanh, còn có các bia ghi công đức khai sáng dựng nghiệp của các vua chúa cho đến quan lại, công thần, tướng lĩnh: bia Vĩnh Lăng ghi công nghiệp Lê Lợi ở Xuân Lam, Thọ Xuân; 02 bia Lê Đại Hành hoàng đế điện miếu bi và Lê Đại Hành hoàng đế điền điện chí ở đền thờ Lê Hoàn (Xuân Lập, Thọ Xuân); bia ghi chép về tướng tá, công thần như Nguyễn Chích (bia Quốc triều tá mệnh công thần chi bi ở Đông Lĩnh, Đông Sơn), Lê Lệnh công sự nghiệp bi ở Thọ Phú, Triệu Sơn; Sinh từ bi ký ở đền thờ Mãn Quận Công (Đông Tân, Đông Sơn); bia đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Đông Thanh, Đông Sơn),…

     Cũng thông qua các thông tin trên bia ký, người ta còn biết đến việc các vua, chúa thường lấy đất công ban tặng làm lộc điền và đất thờ tự cho các công thần.

     Trong hệ thống đền thờ Thanh Hóa còn lưu giữ tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn6 dựng năm 618 tại đền thờ Lê Ngọc xã Đông Ninh huyện Đông Sơn hiện lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giúp chúng ta nhiều tư liệu quý giá. Sự tích về Lê Cốc (tức Lê Ngọc) không được chép trong chính sử nhưng căn cứ vào ghi chép ở văn bia, nhà sử học Đào Duy Anh khẳng định đây là nhân vật lịch sử gắn liền với một thời kỳ lịch sử có quá nhiều biến động ở thời Tùy Đường. Văn bia cho biết Lê Cốc tự là Ngọc, thời Tùy được bổ làm Tuyên Úy tướng quân Thái Thú Nhật Nam sang thời Tùy Đại Nghiệp được bổ làm Thái Thú Cửu Chân đã cùng các hào trưởng địa phương nổi lên hùng cứ một phương. ng đã cùng các con tham gia chống nhà Đường trong đó có Tham Xung tá quốc hy sinh trong chiến đấu được nhân dân tôn vinh là đức Thánh Lưỡng, lập đền thờ nhiều nơi ở Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Công. Lê Cốc được xem là người có công đánh giặc và là Phúc thần của nhiều làng.

     Đối với Lý Thường Kiệt, một vị anh hùng dân tộc đã được nhiều công trình biên khảo của các sử gia phong kiến cũng như hiện đại đánh giá, ngợi ca. Nhưng qua văn bia do Nhữ Bá Sĩ biên soạn cho dựng vào năm Tự Đức thứ 13 (1860) tại đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung chúng ta biết rõ hơn đóng góp của ông với quê hương Thanh Hóa. Sau khi tổng kết đóng góp của người anh hùng dân tộc, văn bia có đoạn: “Trộm nghĩ nói sự tích Thái úy có thể so với tài cao của Tử Trường, công lớn của Tôn Vũ Bộ, Liên Hoàng Thát là những bậc khác thường người đời cũng không ngoa lắm”.

     Tại đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân có bia Sáng lập Lê Đại Hành hoàng đế đại miếu bi minh tự dựng năm 1926 do Thượng thư Nguyễn Thực soạn văn bia. Nội dung cho biết bà Đặng Thị mộng hoa sen sinh ra Lê Hoàn, biên giải việc lên ngôi vua cũng như những chiến công của ông trong sự nghiệp kháng Tống bình Chiêm. Cũng tại đền thờ này còn có tấm bia dựng vào triều Lê Kính Tông (1600 – 1619). Nội dung văn bia nêu rõ những người hưng công xây đền có đến hàng trăm. Đây là tấm bia hậu điển hình về vị trí ngôi đền trong đời sống người dân và sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ đối với người anh hùng cứu nước,…

     Như vậy, cùng với sự hiện diện của các vị thần linh, thần tích, thần sắc, bi ký mà trong bài viết này chưa thể chuyển tải hết được, đã cho thấy hệ thống đền thờ ở Thanh Hóa thực sự là kho tàng tư liệu quý giá đối với lịch sử dân tộc luôn cần tìm biết, khai thác.                __________

Chú thích:

1. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa;

2. Dẫn theo Nguyễn Văn Hải, Thần tích thần sắc Thanh Hóa, tập I, Nxb Thanh Hóa, 2015, tr.10.

3. Phan Kế Bính (2003), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.110.

4. Lê Huy Trâm (2003), Nhìn lại cuốn Thanh Hóa chư thần lục, trong Thanh Hóa thời kỳ 1802 – 1930 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb Thanh Hóa, tr.347.

5. Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng, Thích Tâm Minh (2008), Các vị thần ở xứ Thanh, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.9.

6. Đào Duy Anh, Cái bia cổ ở Trường Xuân với vấn đề nhà Tiền Lý, Nghiên cứu Lịch sử số 50 (5/1963, tr. 22 – 28)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Thanh Hóa chư thần lục, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thanh Hóa.

     [2]. Quốc Chấn (2007), Những thắng tích của xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa.

     [3]. Vũ Tam Lang (2008), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng.

     [4]. Trần Lâm Biền (2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hóa Thông tin.

     [5]. Nguyễn Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương (2010), Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn hóa,

Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, ISSN 2588 – 1264, Số 01 (02), T1/2018

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đền thờ thần ở Thanh Hóa nơi lưu giữ những giá trị về tư liệu lịch sử

(Tác giả: TS. Lê Ngọc Tạo)

 

Thực chất và rất có thể là Cao Sơn tôn thần là Cao Biền được vua Đường sai sang Vùng Tả ngạn sông Mã dẹp giặc Nam Chiếu..nhưng chưa được ghi trong thần tích Chư Thần Lục; Còn tích Cao Hiển tự Vân Trường, quận Quảng Nam nước Đại Minh, thi đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Thừa tướng, có công tuần tiễn ở Nam Man, khi mất được lập đền thờ có vẻ như không trùng khớp với lịch sử Việt Nam…. các sử gia nên xem lại thần tích này;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét