XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

TẠI SAO KHÔNG NÊN ĐI CHÙA ?

 

Bài: FB Thái Hạo

          1. Vì chùa, hiểu đúng, là trường học của nhà Phật. Chỉ nên đến trường khi là người học và có nhu cầu học.

          2. Nếu bạn không phải là người đi học thì đến trường sẽ là việc không những ngớ ngẩn mà còn làm ảnh hưởng đến những thầy trò đang học hành ở đó. Đến chùa để chơi cũng vậy, không những vô ích mà còn bị "tổn phước" vì quấy rối người tu hành. "Khuấy đảo nước ngàn sông không bằng làm động tâm người tu hành".

          3. Mọi việc đều không thể cầu. Nếu muốn có phước lộc thì phải làm việc phước lộc, như chia sẻ (bố thí), giữ gìn đạo đức (trì giới), không buông lung tâm ý (nhẫn nhục), siêng năng (tinh tấn), giữ cho tâm trí bình ổn (thiền định), thấy biết đúng bản chất của mọi sự mọi vật (trí tuệ)... Cầu cúng là hoàn toàn mê tín ngu si. Không những không có lợi ích mà còn làm hao tốn tiền của, mất ý chí và tinh thần tự lực tự cường. Tóm lại, phải cầu nơi chính mình bằng cách thấu suốt lý nhân quả của tự nhiên và kiên trì nó trong đời sống cá nhân.

          4. Chùa, còn gọi là tịnh xá, là thiền môn, tức là chốn thanh tịnh để tu hành. Bất cứ chùa nào khuyến khích hay quảng bá nhằm thu hút dân chúng đến để thu tiền hoặc sử dụng các dịch vụ thì đều không phải chùa. Nó là các cơ sở kinh doanh núp bóng chùa. Kéo nhau đến những nơi như thế đều là đang tiếp tay và làm giàu cho bọn gian thương, vừa bị mất tiền, vừa bị cười vào mặt.

          5. Ngày xưa khi sách vở hạn chế và phương tiện hiện đại chưa có thì người muốn tu học Phật pháp phải đến chùa, "tầm sư học đạo". Ngày nay nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp xúc với kinh sách và lời giảng của các vị thầy có đạo hạnh mà không cần phải tới chùa. Vì thế, người có nhu cầu học hoàn toàn có thể "học phật Pháp online". Việc đi chùa là không thật sự cần thiết nữa. Quan trọng là anh có muốn học hay không!

          6. Phật giáo là đạo tình thương (từ bi), của dũng khí và của trí tuệ, "duy tuệ thị nghiệp" - lấy trí tuệ làm sự nghiệp - chứ không phải lấy những cầu cúng mê muội làm đường đi và đích đến. Hãy chăm chỉ học 8 con đường chân chính để đưa đến thành tựu lý tưởng tinh thần (bát chánh đạo). Ngôi chùa thật sự là ở trong tâm của mỗi người. Đó mới là ngôi chùa cần trở về.

♧♧♧♧♧♧

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NGÀY CÀNG MÊ TÍN ?

          Có lẽ trong lịch sử xã hội VN chưa bao giờ tình trạng mê tín lại ngập ngụa như bây giờ, từ bói toán, phong thủy, tu hành; từ nhà ra phố tới chùa… không đâu không thấy sự mê muội đến ngớ ngẩn, bệnh hoạn như như thời này.

Người nhà chết nhiều ngày mà vẫn không chịu chôn vì…chưa được giờ; làm cái nhà lại quay lưng ra đường vì gia chủ không hợp với hướng đường, xây nhà phải kiếm người đặt móng vì khổ chủ không được tuổi, nào là nhẫn phong thủy, vòng phong thủy; đôi lứa phải chia lìa vì cha mẹ quyết ngăn cản bởi…không hợp tuổi; nhiều người sinh con bằng cách…mổ cho đúng giờ đại cát; sự mê tín hoành hành cả vào trường học với những thủ tục quái gở liên quan tới cúng bái trước các kì thi; chùa chiền chật ních những ngày tết vì người đi…cầu lộc, cầu an, thậm chí chen lấn dẫm đạp lên nhau mà tranh cướp ấn lộc… Sự mê tín bủa vây đầu óc từ người nông dân, đến thương gia, trí thức, giới chính trị…

          Mê tín là một niềm tin mê muội. Tin mà không có cơ sở, tin một cách mù quáng, rằng vì mọi người cũng tin như vậy. Tại sao ngày tết lên chùa đốt nhang khấn vái trước tượng phật lại có thể cầu được lộc được an? Ông Phật có lộc để ban ư? An hay nguy do cách mỗi người sống trong sự đối người tiếp vật chứ sao lại giao phó cho một pho tượng bằng đất đang ngồi bất động ?

Khi nào con người ném cuộc đời mình cho sự may rủi? Làm sao thánh thần lại phải gánh lấy cuộc đời chúng ta? Tại sao trời đất với bốn phương tám hướng với xuân hạ thu đông vô tư này lại phải quyết định số mệnh của mỗi người? Và con người là gì giữa vạn sự vạn vật ? Đạo đức nô lệ mới có những sự sợ hãi hoang dã, nền luân lý của chủ ông (Nietszche) là hành xử của kẻ trượng phu tự gánh vác lấy cuộc đời mình và biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Một xã hội nô lệ tất sinh ra mê tín.

         Ai là giáo chủ của thời này? Danh và lợi – hư danh và ô lợi. Khi một xã hội tuyên bố rằng kinh tế quyết định ý thức, vật chất quyết đinh tinh thần thì tất yếu nó phải dẫn tới sự sùng bái vật chất bằng cách khinh miệt và chà đạp lên những giá trị văn hóa, rẻ rúng những giá trị nhân văn và bức hại các giá trị nhân bản. Mọi sáng tạo trên hành tinh này đều đi ra từ những suy tưởng và lao động trí óc chân chính của con người. Quá trình đô hộ ngược đã được chứng mình bằng cuộc xâm lược văn hóa của người Hi Lạp đối với kẻ thắng cuộc La Mã; người Mông cổ, Mãn Thanh đã thất bại và bị Hán hóa dù chiến thắng trên mặt trận quân sự. Một đất nước lấy sự hiểu biết và trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường, đất nước ấy tất đi vào quỹ đạo văn minh.

          Chúng ta đang đi ngược lại con đường của thế giới khi nhất loạt quay về thời cổ đại của bái vật giáo, đa thần giáo cho đến nhất thần giáo. Trong khi nhân loại đang ngày càng tự chủ và tự tin vào sức mạnh của chính mình thì chúng ta lại đi ném cuộc đời mình cho ngày giờ, phương hướng, ma quỷ, thần thánh. Nỗi sợ hãi sinh ra vái tứ phương, phủ phục trước những thẻ tre, lạy lục trước tờ giấy ấn…

Nhưng cái gì sinh ra nỗi sợ hãi này? Lòng tham. Tham thì muốn có, sợ hãi nếu không có được, đau đớn nếu mất đi. Lòng tham trước tiền bạc của cải như một thượng đế toàn năng đã dẫn con người tới chỗ luôn sống trong sợ hãi và đánh mất bản thân mình trong những mớ bong bong tinh thần của Tootem / vật tổ giáo, của quỷ thần.

          Nhưng cái gì sinh ra nỗi sợ hãi ấy? Sự thiếu hiểu biết đồng nghĩa với đánh mất chủ thể tính nơi mỗi người. Khi con người không hiểu mình và mờ mịt về thế giới thì tất sinh ra sự dựa dẫm. Nó ném cuộc đời mình cho những thứ vô tri được tôn lên hàng thần thánh.

          VN có một hệ thống giáo dục thất bại và một nền khoa học què quặt không đảm đương được sứ mệnh khai minh cho dân tộc, khiến nó phải kéo dài thời kì bán khai đến tận thế kỉ XXI này. Nền giáo dục và khoa học ấy là con ruột của một thiết chế xã hội sai lầm đầy bi kịch.

          Ở phương diện tín ngưỡng, xã hội VN đang bị phân hóa thành 2 bộ phận: vô thần và đa thần. Bộ phận vô thần này không phải kiểu vô thần như Nietszche, Sartre, Camus mà là vô thần theo nghĩa hoang dã chỉ tôn thờ một thứ duy nhất là Tiền và sẵn sàng nện dày lên mọi giá trị làm người miễn là kiếm và giữ được tiền. Bộ phận đa thần thì sống trong sự dựa dẫm và sợ hãi nguyên thủy. Mọi việc trong cuộc đời họ từ lấy vợ, làm nhà, sinh con, chọn nghề đều do thầy bói quyết định. Họ không dám tự định đoạt một việc gì cả, họ giao phó cuộc đời mình cho 12 con vật trong thế giới động vật.

          Cả 2 bộ phận này cùng một thủy tổ là chủ nghĩa Tư lợi

Những người Phật giáo thuộc loại nào? Phần đa là thuộc về đa thần giáo vì họ đã biến ông Phật thành một thần linh có khả năng ban phước giáng họa. Họ đến chùa không phải là đến trường học Phật giáo để nghiên cứu, quán xét, tư duy, để trao đổi thảo luận với ông thầy (sư) mà đến với nải chuối và cầu xin. Họ cúng dường cho thầy chùa để mong được chiếu cố, họ lạy Phật để mong được ban ơn. Những sư sãi ở chùa đã phần nhiều không còn đảm trách công việc trí tuệ mà vị thầy tổ của mình đã di huấn; họ tổ chức cúng sao, giải hạn, cầu siêu để thu tiền. Họ tổ chức lễ lạt với mâm cao cỗ đầy, với ngàn ngạt những tràng hoa, với ngựa xe như nước áo quần như nêm. Cái công việc dạy và học ở chùa gần như biến mất, có chăng là vài thời khắc tụng kinh hình thức đọc như những con vẹt ngủ gật mà quên mất rằng việc đọc kinh là để hiểu chân lý được cất giữ trong ấy, từ đó mà mang vào đời sống để kiến lập một cuộc đời và xã hội hạnh phúc, an định. Sự thức hành mê tín trong chốn “Duy tuệ thị nghiệp” là một điển hình cho tình trạng mê tín đến tàn mạt ở thời đổ nát của mọi giá trị này.

          Chùa là trường học, sư là thầy giáo, kinh là sách giáo khoa. Mỗi người đến chùa đúng nghĩa là để học hỏi trở thành con người tự chủ, tự do và đầy dũng khí; là để tiếp xúc với ánh sáng chân lý mà dẫn dắt lấy cuộc đời mình chứ không phải đến đó để biến mình thành một tên nô lệ hay một kẻ ăn mày cuối đầu cầu xin đủ thứ trên đời. Những người Phật giáo chân chính càng phải có trách nhiệm với cuộc đời chứ không phải mũ ni che tai, dùng vài từ tự lừa mị mình như “buông bỏ”, “tánh không” để che đi sự lười biếng và hèn nhát của mình trước các vấn nạn xã hội.

Để giải quyết những khủng hoảng của xã hội VN đương thời không có cách nào khác là chấn hưng nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Ở đó, những người trí thức phải trở thành lương tâm của dân tộc, trở thành não bộ của của xã hội, hòng dẫn dắt đất nước ra khỏi tình trạng mông muội. Những người trí thức nếu cứ ngồi đó mà đổ lỗi và chờ đợi lịch sử sang trang thì mới có thể thi triển tài năng và cống hiến thì cũng hệt như người bệnh nói “đợi khỏe mạnh đã tôi mới đi bệnh viện được”. Lúc xã tắc lâm nguy là lúc cần người trí thức hơn bao giờ hết.

         Sẽ không một nhà khoa học hay nhà giáo nào có thể thành tựu được lý tưởng nghề nghiệp chân chính của mình trong một cơ thể xã hội bệnh hoạn, nên việc cần làm trước tiên là chung tay chữa trị cho cơ thể xã hội ấy được lành lặn đã.

“Bi kịch tột cùng không phải là sự đàn áp của kẻ xấu mà là sự im lặng của những người tốt” – M. Luther King

Sự im lặng của người có học là không thể biện minh và tha thứ. (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét