XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Công ty TNHH một thành viên KTCT thuỷ lợi Gia Lai 30 năm hình thành và phát triển





38 năm cùng đất nước hát chung bài ca xây dựng và hơn 26 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Gia Lai đã luôn xứng đáng với miền đất anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn. Hiện nay, Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, là nơi “giao lưu” không chỉ là các bản sắc văn hóa mà còn là nơi “gặp gỡ” của sự phát triển kinh tế, và đang từng bước trở thành vùng kinh tế động lực trong khu tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Trở lại Gia Lai vào thời điểm này, ai đó sẽ không tránh được sự ngỡ ngàng bởi sự đổi thay và phát triển không ngừng ở nơi đây, ngày mỗi ngày những con đường mới mở, những căn nhà mới xây, những công trình thuỷ lợi, thuỷ điện mới hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, những nương rẫy cà phê, tiêu chè, cao su xanh mướt bạt ngàn trải rộng, những cánh đồng lúa chín vàng, trĩu hạt, bội thu đã tạo nên cho Gia Lai một dáng dấp mới gợi mở bao điều hy vọng trên bước đường hướng tới tương lai. Trong thành tích chung đạt được của Đảng Bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc có sự đóng góp của Cán bộ, công nhân viên công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai.
     Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai (tiền thân) là Công ty thủy nông Gia Lai-Kon Tum, được thành lập theo quyết định số 11/QĐ-UB-TC ngày 27/4/1983 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum, năm 1996 chuyển sang hoạt động công ích, ngày 16/12/1999 được thành lập lại theo quyết định số 124/1999/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia lai “V/v Đổi tên công ty Thuỷ nông Gia Lai thành công ty khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai”, Chuyển đổi sở hữu công ty từ công ty nhà nước sang công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005 theo Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 11/8/2010 của UBND tỉnh Gia Lai “Về việc phê duyệt đề án chuyển đổi Công ty khai thác công trình thuỷ lợi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai. Ngày 17/11/2010 chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty có chức năng, nhiệm vụ sau:
01-Vận hành hệ thống tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác.
02-Xây dựng, sửa chữa, nâng cao, hoàn chỉnh công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
03-Tư vấn lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công công trình thuỷ lợi cấp 3 trở xuống.
04-Dịch vụ bán vé vào công trình đầu mối thuỷ lợi Ayun hạ tham quan các hạng mục và cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo.
05-Dịch vụ đưa khách tham quan dã ngoại thắng cảnh lòng hồ, đáp ứng các nhu cầu: gửi xe, nhiếp ảnh, câu cá, ăn uống của khách tham quan;
06-Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
07-Lập dự án và thực hiện các chương trình khuyến ngư, hướng dẫn phổ cập kỹ thuật, phương pháp sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh;
08-Liên doanh, liên kết nuôi trồng thuỷ sản các hồ chứa do công ty quản lý.
09-Dịch vụ Du lịch; 
10-Sản xuất kinh doanh mua bán điện.
       Hoạt động Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi của công ty mang tính đặc thù riêng: Mô hình sản xuất toàn tỉnh, Địa bàn quản lý rộng, phân tán, dàn trải, cơ sở sản xuất là công trình thuỷ lợi nằm ở ngoài trời, chìm trong đất, ngập trong nước, chịu sự tác động trực tiếp của thiên nhiên, nắng, mưa, bão lũ, con người, súc vật, do vậy công việc quản lý, vận hành, bảo vệ công trình của người công nhân thuỷ nông công ty luôn gắn liền với chính quyền địa phương, nông dân, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty phụ thuộc vào kết quả sản xuất của nông dân và đồng bào dân tộc, phụ thuộc vào sự lên xuống của giá cả nông sản, thậm chí phụ thuộc vào an ninh chính trị và trật tự xã hội khu vực trong từng năm.
     Trải qua 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đến nay công ty đã trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị UBND tỉnh giao, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, du lịch, thủy sản, thuỷ điện, khai thác có hiệu quả các công trình thuỷ lợi công ty quản lý. Số lượng sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, bảo toàn được nguồn vốn sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Uy tín doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, tạo được niềm tin đối với người nông dân, đồng bào các dân tộc địa phương, các thành phần kinh tế dùng nước, thể hiện đúng vai trò là doanh nghiệp nhà nước giữ thế chủ đạo trong quản lý, phân phối nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đảm bảo an ninh lương thực mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ các nhiệm kỳ đã đề ra. Ngoài ra công ty cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc điều tiết lũ lụt, giải quyết phòng và tránh hạn hán, gìn giữ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng đặc dụng, tiên phong và vệ tinh cho hoạt động du lịch sinh thái của tỉnh, góp phần ổn định đời sống cho dân cư trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai. Qúa trình hình thành và phát triển của công ty có thể chia thành 4 giai đoạn sau:
* Giai đoạn 1983 - 1985: Công ty tập trung quản lý khai thác 22 công trình thuỷ lợi (trong đó có 07 hồ chứa, 11 đập dâng, 04 trạm bơm điện) và đã sớm tạo được nền nếp quản lý, tổ chức ổn định, bảo vệ công trình an toàn, đẩy mạnh công tác thủy nông mặt ruộng, tăng diện tích tưới, đáp ứng được nước tưới ổn định cho cây lúa nước đạt năng suất cao như: Công trình đập dâng An phú (Pleiku), Đắc Tía (Kon Tum), Diện Bình (Đắc tô), Ia Rbon (AyunPa), hiệu quả thu được năm 1985 là nhà nước không phải bù lỗ, thủy lợi phí thu được ngoài chi phí trả lương cho cán bộ CNV và chi phí quản lý doanh nghiệp Công ty còn mua sắm thêm thiết bị, thực hiện sửa chữa thường xuyên, nâng cấp, nâng cao được nhiều công trình và nộp đủ ngân sách cho nhà nước.
*Giai đoạn 1986¸1991: Thực hiện phân cấp quản lý cho cấp huyện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, quyết định của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum; năm 1987 Công ty bàn giao lại cho các huyện quản lý 21 công trình. Công ty chỉ quản lý duy nhất 01 công trình hồ chứa thuỷ lợi Biển Hồ, đồng thời chủ động làm thêm nhiệm vụ XDCB để duy trì lực lượng lao động, phấn đấu tự chủ về tài chính và phát triển đi lên theo hướng mới theo xu thế kinh tế thị trường.
* Giai đoạn 1992 ¸1996: Năm 1992 Công ty lập luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng mô hình công ty và được thành lập lại theo Nghị định 388/CP của Chính phủ. Sau gần 01 năm ổn định tổ chức và sản xuất kinh doanh, năm 1993 Công ty nhận lại các công trình: Hồ Hoàng Ân (Chư prông), hồ Ia Glei, đập dâng Ia Peet, đập dâng Ia Ring (Chư sê) và công trình thủy lợi Ayun Hạ (tháng12/1993), năm 1996 nhận lại công trình đập dâng Ia Rbon (Ayun Pa), trạm bơm Đắc Chá (Ayun Pa) và sát nhập các công trình trạm bơm khác thuộc Xí nghiệp thủy nông Ayun Pa quản lý, kèm theo con người và bộ máy quản lý về Công ty.
*Giai đoạn 1997¸2008: Năm 1997 sau khi được UBND tỉnh Gia Lai chuyển Công ty sang hoạt động công ích theo tinh thần của Nghị định 56/CP, Công ty tiếp nhận quản lý lại công trình hồ chứa Ia H’Rung huyện Ia GRai, năm 1999 tiép nhận công trình Ia Vê, năm 2000 tiếp nhận bàn giao quản lý khai thác Hệ thống thuỷ lợi H’ra (2 hồ chứa, 2 đập dâng) huyện Mang Yang,  Năm 2001, 2002 tiếp nhận hệ thống thuỷ lợi An Phú (gồm 5 công trình đập dâng thường xuyên bị hạn thuộc TP Pleiku) và công trình đập dâng Chư Jôr (huyện Chư Păh) Năm 2005 tiếp quản công trình hồ chứa Chư Prông, năm 2008 nhận bàn giao công trình Hồ chứa Ia Ring, đập dâng Plei Thơ Ga (Chư Sê);
*Giai đoạn 2009 đến nay: (Giai đoạn nhà nước trả thay thuỷ lợi phí cho dân theo quy định tại Nghị định 115/2008/NĐ-CP và Nghị định 67/2012/NĐ-CP) Năm 2010 công ty tiếp quản và nhận bàn giao công trình Ia M’Lah (Krông Pa), năm 2013 nhận bàn giao quản lý Hợp phần thuỷ lợi Hồ chứa-Đập dâng Plei Pai - Ia Lôp (huyện Chư Prông)
      Qua mỗi tháng năm hình thành và phát triển nêu trên, tính đến năm 2013 Công ty được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ 36 công trình thuỷ lợi loại vừa và lớn (gồm 12 hồ chứa, 21 đập dâng, 3 trạm bơm điện) với tổng năng lực thiết kế là 30.586 ha, đảm bảo phục vụ tưới đủ nước cho trên 26.000 ha diện tích lúa, màu, cây công nghiệp, ao nuôi thuỷ sản trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai. Những năm trước 2008, thuỷ lợi phí thu được từ các công trình này khoảng 9 tỷ đồng/năm, cơ bản đủ bù đắp chi phí cho hoạt động công ích của Công ty. Những năm thay đổi chính sách thuỷ lợi phí nhà nước trả thay dân (2009-2013) giá trị thuỷ lợi phí phải thu và được cấp bù của công ty nằm trong khoảng từ 18 tỷ đến 34 tỷ đồng/năm đủ bù đắp chi phí hoạt động của công ty, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 5 triệu đồng/tháng đạt mức tiên tiến so với các doanh nghiệp trong tỉnh.
      Mặc dù gặp không ít khó khăn do hoạt động trên một địa bàn trải rộng và chịu sự tác động trực tiếp của thiên nhiên, nắng mưa, bão lũ, nhưng trong những năm qua, tập thể CBCNV của Công ty đã đoàn kết, nỗ lực để tìm ra biện pháp quản lý hữu hiệu, chỉ đạo sản xuất hợp lý; tăng cường công tác bảo vệ công trình; phân cấp, phân quyền cụ thể cho cơ sở; áp dụng cơ chế khoán hiệu quả công tác vào lương, xây dựng quy chế trả lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả công tác, thực hiện khoán quỹ lương, khoán chi phí từng phần cho đơn vị sản xuất cơ sở, giao kênh mương cho từng người lao động quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng hàng ngày (thực hiện bằng sổ công tác) theo chủ trương kênh mương có chủ, hộ dùng nước có người chuyên quản. Thực hiện nguyên tắc tăng cường bảo dưỡng công trình để giảm chi phí sửa chữa thường xuyên. Thực hiện sửa chữa thường xuyên đúng địa chỉ để giảm chi phí sửa chữa lớn và giảm chi phí khôi phục và nâng cấp công trình từ ngân sách nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với hộ dùng nước, chính quyền địa phương thực hiện xử lý kịp thời các sự cố công trình đột xuất, nhỏ lẻ. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi. Giáo dục Cán bộ, công nhân phục vụ tưới nhiệt tình và đáp ứng tốt được các yêu cầu khó tính của người dùng nước. Tăng cường công tác thuỷ nông cơ sở, công tác hướng dẫn các tổ thuỷ nông của địa phương dẫn nước mặt ruộng. Không ngừng tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức và tổ chức lại các tổ thuỷ nông cơ sở trong từng hệ thống công trình công ty quản lý phù hợp với tính đặc thù của từng vùng kinh tế, dân cư, đồng bào dân tộc địa phương, vùng cao, vùng sâu, vùng xa v.v....
... Nhờ đó, Công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ tưới tiêu và đáp ứng được yêu cầu dùng nước của dân sinh trên địa bàn. Bên cạnh hoạt động công ích, Công ty cũng hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh bổ sung (từ năm 1999 đến nay, cùng với việc tái thành lập, chuyển đổi sở hữu sang loại hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, Công ty đã mở rộng kinh doanh bổ sung thêm một số ngành nghề mới như: Thi công xây dựng thuỷ lợi, tư vấn thiết kế, giám sát thi công trong lĩnh vực thuỷ lợi, dịch vụ du lịch, sản xuất kinh doanh điện, khuyến ngư, phát triển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và liên doanh, liên kết nuôi trồng thuỷ sản các hồ chứa do công ty quản lý...). Trong hoạt động Công ích bắt đầu từ năm 2000 cho đến nay công ty đã không ngừng đẩy mạnh khai thác tổng hợp tiềm năng của các công trình hồ chứa công ty quản lý nhằm nâng cao doanh thu tiền nước cho công ty qua đó kết hợp bảo vệ công trình an toàn và bền vững lâu dài. cụ thể:
      1- Công trình hồ chứa thuỷ lợi Ayun Hạ ngoài việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân trên địa bàn ba huyện Phú Thiện, Ayun Pa và Ia Pa xấp xỉ 13.500ha lúa nước 2 vụ, công trình còn Cấp nước phát điện cho nhà máy thuỷ điện Ayun Hạ công suất 3.000 kw/h đạt sản lượng 21 triệu kw/năm, tương ứng doanh thu cho ngành điện: 14 tỷ đồng/năm, mang lại doanh thu tiền nước cho công ty hàng năm trên 1,6 tỷ đồng. Cấp nước phát điện cho nhà máy thuỷ điện Kênh Bắc Ayun Hạ, công suất 900kw/h đạt sản lượng 5 triệu kw/năm, tương ứng doanh thu cho ngành điện 3,5 tỷ đồng/năm và doanh thu tiền nước cho công ty 300 triệu đồng/năm; Cấp nước công nghiệp mía đường: Trên 400.000 m3/năm, thuỷ lợi phí thu được: 388 triệu đồng/năm. Cấp nước thô sinh hoạt cho nhà máy nước Ayun Pa: 680.000 m3/năm, thuỷ lợi phí thu được 612 triệu đồng/năm. Cấp nước tưới cho vườn ươm cao su của công ty Hoàng Anh Gia Lai 54.000 m3/năm, thuỷ lợi phí thu được gần 50 triệu đồng/năm. Thành lập xí nghiệp thuỷ sản và tự tổ chức nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích 3.700 ha mặt nước, sản lượng thu được trên 250 tấn cá/năm chưa kể trên 1.500 ao cá lớn nhỏ (khoảng 121,27ha) của nhân dân 3 huyện dùng nước Ayun hạ. Trong công tác bảo vệ an toàn hồ đập Công ty đã liên kết với các đơn vị tham gia khai thác tổng hợp công trình (Như nhà máy thuỷ điện Ayun Hạ, Lâm trường Chư Sê, lâm trường Ayun Pa, Kiểm lâm, và chính quyền địa phương 6 xã ven hồ) bảo vệ an toàn tuyệt đối lòng hồ và vùng bán ngập ven hồ, tiết kiệm chi phí bảo vệ hồ chứa trên 400 triệu đồng mỗi năm. Về với miền quê Ayun Pa hay thung lũng Ayun Hạ hôm nay du khách được thưởng thức không chỉ có hương vị ngọt lành của những cánh đồng lúa trĩu bông, không chỉ có những nếp nhà sàn lúp súp chen nhau dưới lúa, hồ chứa Ayun Hạ giờ đây còn là điểm du lịch đầy lý thú, thực sự thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn bởi truyền thuyết huyền thoại về vùng đất Ayun Pa cổ xưa... nơi có những dũng sỹ Jơ Rai tuốt gươm thần chiến đấu với các loài ác thú, nơi quê hương của 16 đời Vua lửa và sự tích gươm thần và cũng là nơi của những dòng Soan, điệu nhạc uyển chuyển gợi mời trong  thanh âm của tiếng còng, tiếng chiêng bên ché rượu cần sóng sánh men say. Những năm gần đây công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai đã đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình đưa vào khai thác sử dụng phục vụ nhu cầu tham quan và dừng chân của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Với những dịch vụ của công ty du khách sẽ được đi du thuyền tham quan dã ngoại thắng cảnh lòng hồ và tham gia dịch vụ kéo dù rớt nước bằng tàu cao tốc. Doanh thu dịch vụ du lịch do công ty tổ chức ước tính đạt khoảng trên dưới 300 triệu đồng/năm, mỗi năm có tới trên 30 ngàn lượt khách trong và ngoài nước ra vào khu đầu mối công trình tham quan các hạng mục và cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo trong hồ và ven hồ, hàng ngàn lượt khách đi du thuyền thăm quan thắng cảnh lòng hồ và thưởng thức sinh thái rừng tự nhiên quanh hồ. Hiện nay công ty đang cùng với Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, công ty Dịch vụ Văn hoá du lịch Gia Lai và các doanh nghiệp Du lịch của thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng hồ Ayunhạ thành điểm du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí với giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng (Gồm 6km đường giao thông từ quốc lộ 25 gần chân đèo Chư sê băng rừng, núi đi thẳng vào lòng hồ, 01 làng du lịch gồm nhà nghỉ, trò chơi, nhà hàng, khách sạn quy hoạch khoảng 10 ha ven mép nước, 30 ha rừng tự nhiên có cải tạo lại phục vụ du khách đi voi thưởng thức thắng cảnh, non nước Tây nguyên, 01 bến cảng lớn phục vụ du thuyền, nhà hàng nổi di động. Trên mặt nước 3.700ha tổ chức các trò chơi cảm giác mạnh như du thuyền, đua thuyền, lướt ván, câu cá chạy.....Trong tương lai không xa Ayunhạ sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong tuor du lịch Hồ Chí Minh - Tây nguyên - Huế - Hà nội - Hồ chí Minh.
      2-Công trình Hồ chứa thuỷ lợi Biển hồ được xây dựng từ năm 1978. Đến năm 1983 hoàn thành và bắt đầu tưới phục vụ sản xuất tưới 2.300 ha cà phê và cây trồng các loại trên địa bàn thành phố Pleiku và khu tưới cà phê Ia Sao huyện Ia Grai, cho đến năm (2008) công trình được sửa chữa nâng cấp. Ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp Công trình Biển hồ được công ty tổ chức khai thác nguồn lợi tổng hợp sẵn có từ tiềm năng của công trình như phục vụ cấp nước cho nhà máy thủy điện của Sư 320-Quân đoàn 3, công suất 160 kw/h; Phục vụ bổ sung nước sinh hoạt cho thành phố PleiKu từ năm 1980 cho đến năm 2011. Tổ chức xây dựng khu du lịch sinh thái Biển Hồ trên diện tích 3,9ha rừng đặc dụng và 240ha diện tích mặt nước hồ thuỷ lợi với các dịch vụ, tàu cao tốc, thiên nga, xe đạp đôi, cà phê và ăn uống nhẹ vào các kỳ nghỉ lễ mỗi năm đem lại doanh thu cho0 công ty hàng trăm triệu đồng. Đồng thời góp phần giải quyết an ninh - an toàn xã hội và ổn định môi trường sinh thái khu vực. Giá trị sản lượng công trình đem lại từ nông, công nghiệp và dịch vụ ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Được xác định là công trình thủy nông lớn của Tây Nguyên.
      3- Công trình Hồ chứa Ia GLai (nằm trên địa bàn Thôn Thuỷ lợi xã Ia GLai, huyện Chư Sê) ngoài nhiệm vụ tưới cho 210.67ha cà phê của nhân dân công ty còn tổ chức cấp nước cho nhà máy chế biến mủ cao su 180.000 m3 nước/năm mang lại doanh thu tiền nước cho công ty 162 triệu đồng/năm, ngoài ra còn cho Doanh nghiệp của huyện Chư Sê thực hiện Mô hình nuôi cá lồng miền núi và nuôi cá hồ chứa theo mô hình của Bộ Khoa học và công nghệ qua đó chuyển giao mô hình nuôi cá hồ chứa và cá lồng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven hồ và trên địa bàn toàn huyện Chư Sê.
      4. Công trình thuỷ lợi Hồ chứa Ia Ring
         Hồ chứa Ia Ring-Chư Sê là công trình thuỷ lợi cấp 3, được khởi công xây dựng từ năm 2003, chặn dòng (suối Ia Ring) năm 2006, bàn giao đưa vào sử dụng năm 2008, hồ Ia Ring có dung tích hữu ích 10,18 triệu m3 nước, diện tích lưu vực 24 km2, diện tích mặt hồ (ứng với mực nước dâng bình thường): 116 ha (cao trình 689,4), ứng với MNGC: 131ha (cao trình 691,2), ứng với mực nước chết: 17ha (cao trình 671,5). Đập đất dài 537m, cao 30,65m, đỉnh đập rộng 6m, cao trình đỉnh đập 691,5 Diện tích tưới theo thiết kế 2.300ha, Vị trí công trình và vùng hưởng lợi nằm trong toạ độ 13o35'00''-13o50'00'' vĩ độ Bắc, 108o05'00''-108o15'00'' kinh độ Đông, lòng hồ và đầu mối công trình thuộc địa giới hành chính xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Lòng hồ Ia Ring chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu Tây Trường sơn. Công trình hồ chứa thuỷ lợi này được Ban QLDA Thuỷ lợi 8-Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho công ty KTCT thuỷ lợi Gia lai quản lý khai thác tại “Biên bản bàn giao quản lý sử dụng lòng hồ và vận hành thiết bị đóng mở của tràn xả lũ, cống lấy nước” ký ngày 25/10/2008. Tính cho tới hôm nay hồ chứa Ia Ring đã cấp nước tưới phục vụ sản xuất 1.584,56 ha đạt 68,89% diện tích thiết kế.
      5-Công trình thuỷ lợi Hồ chứa Ia M’La
   Hồ chứa Ia MLah-huyện Krông Pa là công trình thuỷ lợi cấp 3, được khởi công xây dựng từ năm 2004, chặn dòng (sông Ia Mlah) năm 2007, có dung tích toàn bộ 54,15 triệu m3, dung tích hữu ích 48,64 triệu m3 nước, diện tích lưu vực 110 km2, diện tích mặt hồ (ứng với mực nước dâng bình thường): 404,3 ha (cao trình 215m), ứng với MNGC: 420ha (cao trình 215,9m), ứng với mực nước chết: 125ha (cao trình 196,8m). Đập đất dài 403m, cao 34,20m, đỉnh đập rộng 6m, cao trình đỉnh đập 217m, cao trình đỉnh tường chắn sóng 218,1m. Cao trình đỉnh tường hào 216m. Diện tích tưới theo thiết kế 5.150ha. Vị trí công trình và vùng hưởng lợi nằm trong toạ độ 13o08'00''-13o18'00'' vĩ độ Bắc, 108o35'00''-108o52'00'' kinh độ Đông, lòng hồ và đầu mối công trình thuộc địa giới hành chính xã Ia MLah và xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Lòng hồ Ia Mlah chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu Đông Trường sơn. Công trình hồ chứa thuỷ lợi này được Ban QLDA Thuỷ lợi 8-Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho công ty KTCT thuỷ lợi Gia lai quản lý khai thác tại “Biên bản bàn giao quản lý sử dụng lòng hồ và vận hành thiết bị đóng, mở cửa tràn xả lũ và cống lấy nước” ký ngày 24/9/2008.
     Tính đến thời điểm vụ đông xuân 2012-2013 Công trình hồ chưa Ia M’Lah đã phục vụ sản xuất tưới đủ nước cho 3.400ha lúa màu đạt 66,1% diện tích thiết kế, ngoài ra công ty còn tự tổ chức nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên mặt nước rộng 404,3ha sản lượng thu được 80 tấn cá thịt bình quân/năm
      6- Công trình hồ chứa thuỷ lợi Plei Pai và đập dâng Ia Lốp
    Công trình Hồ chứa Plei Pai thuộc hợp phần PleiPai-Ia Lốp được khởi công xây dựng năm 2009 đưa vào sử dụng năm 2011, vị trí công trình nằm trọn trong địa bàn của xa Ia Lâu huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai, cách Quốc lộ 14 khoảng 45 km về phía Tây, cách thị trấn Chư Prông, huyện lỵ Chư Prông khoảng 40km về phía Tây Nam. Từ thành phố Pleiku đi theo QL14 về hướng Đăklăk khoảng 20km rẽ phải theo tỉnh lộ 675 khoảng 30km, sau đó rẽ trái vào xã Ia Lâu 12km đến khu đầu mối công trình PleiPai. Hồ Plei Pai có năng lực phục vụ tưới cho gần 877 ha lúa 2 vụ, cây công nghiệp và hoa màu; góp phần cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp du lịch, nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan cho khu vực biên giới. Công trình thủy lợi Plei Pai có tổng vốn đầu tư khoảng trên dưới 200 tỷ đồng (từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ), do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 làm chủ đầu tư, bàn giao cho công ty đưa vào khai thác sử dụng bắt đầu từ vụ đông xuân 2012-2013. 
    Tính đến nay công trình đã tưới phục vụ sản xuất 361,4ha (trong đó 201,4ha lúa nước và 160ha màu) ngoài ra còn nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tên 477ha mặt nước hồ sản lượng dự kiến 60-70 tấn cá thịt/năm
      7-Công trình hồ chứa nước Tân Sơn là công trình thuỷ lợi cấp 2, cách thành phố Pleiku 17km về phía Bắc, nằm phía thượng nguồn của công trình thuỷ lợi Biển Hồ, được khởi công xây dựng từ năm 2009, chặn dòng (suối Ia Rơ Nhinh) năm 2010, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai quản lý, vận hành từ năm 2011. 
      Hồ Tân Sơn có dung tích toàn bộ 5,284 triệu m3, dung tích hữu ích 4,090 triệu m3 nước, dung tích chết 0,3139  triệu m3, diện tích mặt hồ (ứng với mực nước dâng bình thường): 41,060 ha (cao trình 780,5m), ứng với MNGC: 43,950ha (cao trình 782,6m), ứng với mực nước chết: 9,130ha (cao trình 764,8m). Đập đất dài 533,3m, cao 27,50m, đỉnh đập rộng 5m, cao trình đỉnh đập 783,8m, cao trình đỉnh tường chắn sóng 785,25m. Tràn xả lũ tự do, lưu lượng xả lớn nhất 97m3/s; cột nước tràn cao nhất 2,1m; cao độ ngưỡng tràn 780,5m, chiều rộng ngưỡng tràn 15,7m; chiều dài tràn 259,4m.
         Nhiệm vụ công trình Hồ Tân Sơn: Cấp nước tưới cho 450ha. Trong đó 400ha lúa nước 2 vụ và 50ha hoa màu. Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xoá đói giảm nghèo cho 3 xã Nghĩa Hưng; Chư Jôr huyện Chư Păh và xã Tân Sơn thành phố Pleiku. Kết hợp tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thuỷ sản, cải thiện cảnh quan môi trường trong khu vực
        Tính đến năm 2013 công trình đã tưới phục vụ sản xuất cho 573,24ha, trong đó có 12,57ha cà phê và 560,7ha lúa nước 2 vụ
      8- Các công trình hồ chứa còn lại (5 công trình) thuộc quản lý của công ty gồm (hồ chứa Hoàng Ân, hồ Chư Prông, hồ H’ra Bắc, Hồ H’Ra Nam, hồ Ia H’Rung) trong đó có công trình Hoàng Ân đã tưới vượt diện tích thiết kế 701,9ha/500ha. Các công trình còn lại tính đến vụ đông xuân 2012-2013 đều tích đủ nước và thực hiện tưới đủ nước không xảy ra hạn hán trong khu tưới của công trình.
*Thực hiện chính sách đối với người lao động và công tác xã hội, từ thiện
-Đối với người lao động: Từ ngày thành lập, thành lập lại và chuyển đổi sở hữu công ty cho đến nay 100% người lao động trong công ty được ký hợp đồng lao động thời hạn không xác định, được đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTT, được trang bị Bảo hộ lao động và học tập về an toàn lao động. Tiền lương hàng tháng thanh toán kịp thời từ ngày 5 đến ngày 10 đầu tháng sau, nếu ốm đau được quan tâm chăm sóc, chữa trị đầy đủ theo chế độ quy định đồng thời được Công đoàn công ty tổ chức thăm hỏi chu đáo.
-Đối với xã hội và công tác từ thiện: Công ty và người lao động trong công ty tham gia đầy đủ và tự giác các phong trào thi đua của chính quyền và các tổ chức chính trị cấp trên phát động. Thực hiện tốt các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “phòng chống tham nhũng, lãng phí”; “giảm thiểu tai nạn giao thông”, “ngày vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”,..Ngoài ra hàng năm công ty còn tham gia ủng hộ đồng bào bị bão lụt, quỹ người nghèo, nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, quỹ từ thiện xã hội khác từ quỹ phúc lợi của công ty và đóng góp của CBCNV công ty mỗi năm bình quân trên 60 triệu đồng.
 *Những sáng kiến, nghiên cứu có ích cho sự phát triển của Công ty và cộng đồng.
      +Năm 2007 Công ty tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ III với giải pháp “Tổ chức khai thác các tiềm năng đa mục tiêu từ hồ chứa thuỷ lợi Ayun Hạ đạt hiệu quả kinh tế cao” đạt giải III, gái trị làm lợi mang lại cho công ty  mỗi năm 1,2 tỷ đồng.
      +Năm 2008-2009 Công ty tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ IV với giải pháp “Sáng tạo biện pháp bổ sung nước cho công trình Ia H’rung và cải tiến kỹ thuật trong Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Biển Hồ” đạt giải nhì, Tổng giá trị làm lợi của toàn giải pháp gần 15,3 tỉ đồng, chống hạn cho gần 200 ha công ty đang tưới và tưới thêm 100 ha cà phê của dân. Ngoài ra còn có hiệu quả về tạo việc làm, dân sinh, lao động và xã hội;
      +Năm 2010-2011 Công ty dự hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ với giải pháp “Cải tiến ngưỡng tràn xả lũ, tăng dung tích hiệu dụng hồ chứa nước Hoàng Ân phục vụ chống hạn cuối vụ và mở rộng diện tích tưới” Tổng giá trị làm lợi của giải pháp: 4.336.500.000,0 đồng (Bốn tỷ, ba trăm ba sáu, triệu, năm trăm ngàn đồng), tưới 701ha vượt diện tích thiết kế 201ha.
     + Năm 2012-2013 sẽ tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ VI tổ chức vào Qúi III năm 2013 với giải pháp đăng ký “Sáng tạo biện pháp chống thấm công đầu mối công trình thuỷ lợi Ayun Hạ mang lại hiệu quả kinh tế -kỹ thuật cao”
      Với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Công ty, trong suốt gần 30 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, các cá nhân đoàn viên và tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động trong Công ty đã được Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp ghi nhận thành tích và đã vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu thi đua cao quý của Đảng và Nhà nước: 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba,  01 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 01 Cờ thi đua và 2 Bằng khen của Chính phủ cho tập thể, 05 bằng khen thủ tướng chính phủ cho cá nhân, 03 cờ thi đua cuả Tổng Liên đoàn cho tập thể và 2 bằng khen cho cá nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, 03 Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh, 1 cờ thi đua của Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam, 01 cờ thi đua của liên đoàn lao động tỉnh, 3 bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn, 17 danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 03 bằng khen UBND tỉnh cho tập thể công ty về thành tích lao động sáng tạo, 60 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 28 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các cá nhân trong công ty, Thương hiệu “Thuỷ lợi Gia Lai” của Công ty nằm trong tốp 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2008. Tập thể lao động xuất sắc năm 2008, 2009. 2010. Chứng nhận và gắn biển “Doanh nghiệp văn hoá UNESCO Việt nam” năm 2009. Cup “Tam Nông” vì sự phát triển Nông nghiệp-Nông dân– Nông thôn Việt Nam năm 2010 cho tập thể và cá nhân công ty.
*Giới thiệu du lịch hồ Aun Hạ Công trình thủy lợi Ayun Hạ là công trình thủy lợi khai thác tổng hợp nguồn nước lớn nhất Tây Nguyên, cách thành phố Pleiku 65km về hướng Đông Nam và cách quốc lộ 25 Gia Lai-Phú Yên-Khánh Hòa 1km, rất thuận tiện cho việc mở Tour du lịch. Hồ nước rộng 37km2 là điểm du lịch có môi trường sinh thái tự nhiên, đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của nhiều du khách. Đứng trên đập chính phóng tầm mắt về phía Bắc là hai dãy núi sừng sững ôm lấy dòng sông Ayun hiền hòa; dưới chân đập là nhà máy thủy điện Ayun Hạ và dòng nước trong xanh chảy theo kênh chính dài 47km, uốn lượn theo những cánh đồng xanh mướt chạy dài xuống thị trấn Ayun Pa tạo nên bức tranh đồng quê tự nhiên, hài hòa, trù phú. Nếu chúng ta đi du thuyền thăm quan dã ngoại thắng cảnh lòng hồ thì sau 1 giờ lênh đênh trên mặt hồ phẳng lặng, hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh núi non, sông nước; nếu muốn sẽ dừng chân ở trạm nghỉ chân bìa rừng còn được người địa phương gọi là bãi hang Dơi. Chúng ta có thể nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt sức khoẻ và điều kiện cho cuộc vượt dốc lên núi. Rừng ở đây xanh tươi quanh năm, với nhiều thảm và tầng thực vật xanh tốt. Những cây cổ thụ cao vút, thân bám đầy rêu soi bóng xuống lòng hồ. Đặc biệt nơi đây có nhiều hang đá tự nhiên được tạo bởi những hòn đá to (Granits) chồng lên nhau; trên mặt phiến đá và thân cây có nhiều loài hoa phong lan bám sống tầm gửi sắc màu rực rỡ, thoang thoảng hương thơm ong bướm lượn quanh. Hang Dơi với vẻ huyền bí; vào trong hang cảm giác mát lạnh làm cho con người kính cẩn trước vẻ uy nghi, hoang dã của núi rừng. Phía trên hang Dơi là những cánh rừng nguyên sinh, chúng ta có thể cắm trại, picnic hay dã ngoại rừng già. Đối diện với hang Dơi bên kia dòng nước, chiều về nghe tiếng cồng, chiêng rộn rã vui tai cảm nhận không gian văn hoá phi vật thể của các tộc người Tây Nguyên, quý khách có thể dùng ống nhòm cá nhân sẽ nhìn thấy từng cặp công rừng xòe cánh múa dưới ráng chiều tà trông rất bắt mắt và dễ thương.
Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình lên thượng nguồn, ngồi trên thuyền ngắm nhìn những cánh rừng già, những dãy núi nhấp nhô xa xa ... Đây rồi, bãi tắm tiên! (Nhớ Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung xưa kia) Mời quý khách dừng chân. Trên bãi phủ đầy cuội sỏi, làn nước trong xanh, khí hậu mát lành. Tại đây quý khách có thể nghỉ ngơi hoặc có thể đắm mình dưới làn nước mát rượi đùa giỡn thỏa thích như thuở còn ấu thơ tắm không quần áo của tre chăn bò ven sông vùng đồng bằng Bắc bộ. Hướng lên thượng nguồn, đi thuyền khoảng 30 phút trong tầm mắt của chúng ta đã là những mái nhà sàn, những cây Kơnia sừng sững gợi nhớ đến dáng vẻ cần cù, bất khuất của Tây Nguyên hùng vĩ. Cạnh đó là những mái nhà tạm của ngư dân đánh cá, những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ; những chú cá mắc lưới quẫy đuôi làm nước bắn lên tung tóe trong thật vui mắt và thật tự nhiên. Điểm dừng chân hoang dã tại núi nhọn như hòn đảo nhô lên giữa mặt nước hồ, với rừng cây xanh thẳm bao quanh, chúng ta có thể cắm trại nhiều ngày và ở lại để thư giãn với cuộc sống hoà quyện với nhiên nhiên sơn thuỷ, hữu tình,...dưới chân núi nơi đây còn có bãi Trai tự nhiên. Mọi người có thể dừng chân, kiếm củi khô, lá khô nhóm lửa rồi nhặt Trai tự nhiên ngay ở mé hồ lên nướng chín chấm với muối tiêu, muối é ớt xanh, nhâm nhi ly rượu đế hoặc hớp rượu Ghè Tây nguyên sẽ quên đi những ồn ào, bụi bặm của phố phường, vứt bỏ hết mọi nỗi lo toan, mệt nhọc của đời thường. Trên đường về nếu còn thời gian chúng ta hãy vào thăm Trạm nuôi trồng thủy sản của Xí nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trực thuộc công ty thực hiện nhiệm vụ nuôi trồng đánh bắt cá lòng hồ. Tại đây chúng ta có thể thưởng thức món cá nướng lụi, món gỏi (hoặc chả) cá thát lát hoặc những món cá đặc sản khác như (lóc, đối, lăng, chình) mà Trạm nuôi trồng thủy sản đánh bắt, bán lại rất rẻ bằng giá bán buôn.
Hồ Ayun Hạ có thể gọi là hồ trên núi, du khách tham quan còn được thưởng thức hương vị ẩm thực của miền sơn cước (Cơm lam, thịt rừng nướng, rượu ghè...); nghe và biết được nhiều điều thú vị, huyền bí từ xa xưa ...cho đến hôm nay đã đi vào huyền thoại như: Tín ngưỡng Vua lửa, Vua nước, Vua gió... trong đó Vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jơ Rai. Hay huyền thoại về dũng sỹ Đam San tuốt gươm thần trừ loài quỷ dữ mang lại tự do và cuộc sống thanh bình của các tộc người Jơ Rai tiền sử xa xưa, truyền thuyết về những mối tình thắm thiết của các chàng trai, cô gái JơRai không thành do ràng buộc khắt khe của những luật tự đặt ra của các bộ tộc và họ đã cùng nhau quyên sinh để bảo vệ mối tình đầu trong sáng đó,....Đặc biết đến với hồ Ayun Hạ quý khách sẽ được thưởng thức khí hậu của vùng giáp gianh Đông Trường Sơn và Tây Trường sơn (bên nóng, bên lạnh-bên mù, bên trong-bên nắng, bên mưa rất rõ rệt), vì gianh giới của hai vùng khí hậu cắt ngang lòng hồ Auyn Hạ. Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi Gia Lai thường xuyên có 4 chiếc thuyền (1 chiếc 40 chỗ ngồi, 2 chiếc 20 chỗ ngồi, 1 chiếc tàu cao tốc kéo dù rớt nước, 1 tàu thường trực cứu hộ) phục vụ quý khách du thuyền, nhảy dù theo hành trình đã định hoặc hành trình do quý khác tự chọn.
*Giới thiệu du lịch hồ thuỷ lợi Biển Hồ và hồ Tơ Nưng (Biển Hồ)
Những du khách đến Gia Lai thường ghé thăm Biển Hồ Pleiku bên phố núi thơ mộng (bởi vì có câu châm ngôn truyền miệng nếu chưa biết Biển Hồ, Hàm Rồng thì có thể nói rằng chưa biết Gia Lai) ai ai cũng đều khen ngợi thắng cảnh có một không hai trên cao nguyên có độ cao gần 1.000m này. Cảnh đẹp của Biển Hồ mà thiên nhiên ban tặng ở đây bất kẻ ai cũng dễ dàng nhận thấy, nhưng xung quanh thắng cảnh hữu tình ấy còn có nhiều câu chuyện khá thú vị mà không phải ai cũng biết đến. Thực tế, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng; Ia Nueng) nguyên là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Sự rộng lớn mênh mông của hồ nước này tựa như biển khơi nên người dân địa phương đặt tên là Biển Hồ. Dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng từ trước đến giờ nước Biển Hồ này vẫn chưa bao giờ cạn. Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn người dân TP Pleiku. Đây còn là nơi có nhiều tôm cá, phong cảnh xung quanh hồ rất hoang dã, nguyên sơ, tươi đẹp, mát mẻ quanh năm và là nơi hẹn hò thú vị của nhiều đôi nam nữ yêu đương. Có những bạn tình sau lần đến với Biển Hồ Pleiku đã rất thích thú và viết nên những cảm nhận trên Blog của mình: "...Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây rất dễ chịu, không khí trong lành và mát rượi. Đứng trước hồ nước mênh mông, ngắm cảnh rừng thông trữ tình mà lòng càng đầy ắp tình yêu lãng mạn...". Nhiều người còn ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là "đôi mắt" của phố núi Pleiku (Do có Hồ thuỷ lợi -Hồ B xây dựng từ năm 1978 ngay cạnh hồ Biển Hồ có diện tích mặt nước khoảng 240ha gần bằng diện tích hồ Biển Hồ, hai hồ nối với nhau bởi kênh thông hồ (50m) nên từ không trung nhìn xuống giống như đôi mắt). Gần đây, tỉnh Gia Lai dự định sẽ cho phép một doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư thực hiện dự án "Lâm viên Biển Hồ" hàng trăm tỷ đồng với nhiều loại hình dịch vụ du lịch khác nhau nhưng phải bảo đảm tính bền vững về môi trường sinh thái ở đây. Dự án đến nay chưa triển khai nên chưa thể nói gì thêm, tuy nhiên vẻ đẹp tự nhiên của Biển Hồ trên phố núi Pleiku đã được xếp hạng là thắng cảnh đặc biệt và độc đáo./.
Phát Biểu của Ông Trương Vân-Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty
*Về công tác thuỷ lợi
      Công tác thuỷ lợi của tỉnh Gia Lai có rất nhiều tiềm năng và phong phú, toàn tỉnh hiện có 315 công trình thuỷ lợi (100 hồ chứa, 176 đập dâng, 39 Trạm bơm điện) ngoài ra còn có khoảng 1.300 đập bổi thô sơ của dân, với tổng năng lực tưới theo thiết kế 48.384 ha cây trồng các loại (trong đó cây công nghiệp 17.314ha, lúa màu 31.070ha) thực hiện tưới đủ nước cho 39.103ha cây trồng (Cây công nghiệp 14.503ha, lúa, màu: 24.600ha). Riêng công ty quản lý khai thác 36 công trình (12 hồ chứa, 21 đập dâng, 3 trạm bơm điện) với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 30.586 ha, đảm bảo phục vụ tưới đủ nước năm 2013 cho 26.167,73ha diện tích lúa, màu, cây công nghiệp, ao nuôi thuỷ sản trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai (18.244,53ha lúa 2 vụ, 4.621,54ha cà phê, chè, 3.054,42 ha màu, 150,64ha tiêu, 96,6ha ao nuôi trồng thuỷ sản).
   Trong đó có công trình hồ chứa thuỷ lợi Ayun Hạ được coi là công trình thuỷ nông lớn nhất Tây Nguyên. Từ nhiều năm nay công ty đã tập trung sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, khai thác tổng hợp nguồn nước và tiềm năng sẵn có của các công trình thuỷ lợi hồ chứa, cụ thể ngoài tưới tiêu còn khai thác thuỷ năng thuỷ điện, dịch vụ du lịch, cấp nước công nghiệp, cấp nước sinh hoạt và cấp nước nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Những đổi mới trên đã nâng cao được hiệu quả công trình thuỷ lợi hồ chứa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Từ nay đến năm 2015-2020 công ty sẽ nhận bàn giao quản lý khai thác thêm công trình thuỷ lợi hồ chứa Ia Mơ (12.500ha), Ia Tull (5.500ha) là những công trình lớn thứ nhì và thứ 3 sau công trình hồ Ayun Hạ. Đặc biệt trong quản lý khai thác công trình hồ chứa còn điều tiết được lũ lụt, chống được hạn hán, cân bằng sinh thái, môi trường và vệ tinh cho công tác du lịch của tỉnh Gia Lai. Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt hiện nay, công ty đang đứng trước nhiều cơ hội và không ít thách thức, hy vọng từ những kinh nghiệm đã trải qua, những thành quả công ty đã đạt được và những định hướng mới cho tương lai công ty sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu dùng nước cho nông nghiệp và các thành phần kinh tế có dùng nước trên địa bàn, nhu cầu phát triển thuỷ lợi theo hướng xã hội hoá của tỉnh nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động công ích trên cơ sở ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, đổi mới tổ chức và hoạt động trong quản lý khai thác, đổi mới kinh doanh dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao suất sinh lời trên vốn kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động trong công ty, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành, tỉnh Gia Lai và đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới hiện nay.
* Về công tác quản lý điều hành công ty trong thời kỳ bão giá, khủng hoảng tài chính tiền tệ (2008-2012):
    Như chúng ta đã biết bất cứ một Doanh nghiệp nào cũng chứa trong lòng nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, những tranh chấp nội bộ thường xuyên và liên tục phát sinh cần được giải quyết kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều quan trọng và cũng là yếu tố xác lập vị thế của một Giám đốc (chủ doanh nghiệp) là khả năng nhìn nhận vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề ấy theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phải thực sự khách quan. Một doanh nhân đúng nghĩa phải là người cùng doanh nghiệp mình đáp ứng được cả một chuỗi trông cậy của người lao động trong công ty và cộng đồng. Bắt đầu từ việc thấu hiểu được xã hội để từ đó, nhìn nhận được những vấn đề cần phải giải quyết. Trách nhiệm kế tiếp là phải sáng tạo ra những giải pháp (đúng luật) để giải quyết những vấn đề này. Rồi biến các giải pháp ấy thành sản phẩm, thành dịch vụ để đưa vào cuộc sống nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đi lên một cách tốt đẹp hơn. Lúc đó, sản phẩm và dịch vụ của doanh nhân và doanh nghiệp sẽ trở thành phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội. Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi chúng tôi từ 2008 đến nay cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý công ty, khó khăn về tiền vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình, khó khăn từ nguồn thu thủy lợi phí nhà nước trả thay dân không đủ bù đắp chi phí hoạt động, từ tiền lương Nhà nước 3 lần tăng mức tối thiểu chung nhưng giá thủy lợi phí vẫn không tăng, khó khăn từ đời sống công nhiên viên chức trong công ty khi giá cả tiêu dùng không ngừng tăng lên,.v.v... nhưng công ty đã vượt qua được tất cả cũng là nhờ vào sự đoàn kết nội bộ và phương pháp giải quyết khó khăn tranh chấp phát sinh hàng ngày nêu trên. Tuy nhiên có những vấn đề cần phải được xác định ngay từ đầu và xử lý nghiêm nếu để xảy ra vi phạm đó là: Bảo toàn vốn, bảo vệ công trình an toàn và bền vững lâu dài, khai thác tối đa tiềm năng các công trình thủy lợi công ty quản lý, vận động tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sửa chữa công trình, bắt đầu từ cá nhân chủ doanh nghiệp và gia đình, sau đến Ban lãnh đạo công ty và cho đến từng cán bộ công nhân và gia đình công nhân trong toàn công ty, tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc nhất, trả lương đều đặn đúng thời gian quy định cho người lao động từng tháng trong năm, đáp ứng đầy đủ các chế độ nhà nước quy định đối với người lao động, thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước đầy đủ và đúng hạn để tạo niềm tin cho người lao động vào công ty.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét