Xứ
Thanh là một vùng văn hóa, trong đó ngôn ngữ người Việt, thành phần dân
tộc chủ thể rất giàu sắc thái địa phương, nhưng chưa có một công trình
nghiên cứu khoa học đầy đủ và sâu sắc.
Bản đồ Thanh Hóa cuối thế kỷ 19
Sách
“Địa chí văn hóa xã hội Thanh Hóa” cũng chỉ dành cho “lời ăn tiếng nói”
người xứ Thanh số trang ít ỏi với nội dung sơ sài. Các sách Địa chí
huyện Hà Trung, Địa chí huyện Thọ Xuân, chú ý đề cập vấn đề “thổ âm -
thổ ngữ”, nêu rõ sắc thái địa phương, tuy nhiên chỉ giới hạn phạm vi
trong huyện.
Thổ
âm - thổ ngữ Thanh Hóa là giọng nói và lời nói mang tính địa phương của
người Thanh Hóa. Người Thanh Hóa ở đây là người Việt cư trú trên đất
Thanh Hóa. Và, Thanh Hóa, chúng ta đều biết, một vùng đất lịch sử khá
lâu đời: thời Hùng vương là bộ Cửu Chân, thời Bắc thuộc là quận Cửu Chân
bên cạnh quận Giao Chỉ, thời phong kiến tự chủ là Châu Ái, lộ, trấn
Thanh Hoa rồi tỉnh Thanh Hóa.
Về
địa lý, Thanh Hóa được đóng khung bởi ba bề núi, một mặt biển, đèo Ba
Dội (Tam Điệp) mở cửa ra đồng bằng Bắc bộ bao la, khe Nước Lạnh (Hàn
Khê) thông lối vào dải đất dằng dặc miền Trung. Nhìn vào bản đồ lịch sử -
địa lý Việt Nam cận hiện đại, Thanh Hóa giống khu vực “đệm” ở giữa miền
Bắc với miền Trung. Một số học giả người Pháp thời trước muốn đem Thanh
Hóa nhập vào Bắc kỳ, dựa vào ngôn ngữ và khí hậu, để tách Thanh Hóa
khỏi Trung kỳ “trực trị” của triều đình Huế, thể hiện kín đáo một quan
điểm mang ý đồ chính trị, vì bấy giờ Bắc kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Mất
Thanh Hóa, nhà Nguyễn mất một hậu phương rộng lớn, kho nhân, tài, vật
lực dồi dào, mất luôn chỗ dựa tinh thần đất tổ quê cha. Nhìn chung,
người ta đều thấy Thanh Hóa như một nước Việt Nam thu nhỏ, có rừng,
biển, có trung du, đồng bằng, núi liền núi, sông liền sông, nhiều thành
phần dân tộc anh em cùng cư trú, đoàn kết thân ái, cần kiệm sáng tạo,
chiến đấu dũng cảm... Trong lịch sử chưa bao giờ bị chia tách, không thể
chia tách. Tính ổn định về lịch sử, địa lý và tính bền vững của cư dân
bản địa người Việt Cửu Chân (xuất hiện từ thời Hùng vương và có thể xa
xưa hơn nữa) là cơ sở để Thanh Hóa hình thành một kiểu lời ăn tiếng nói
giàu sắc thái thổ âm - thổ ngữ. Trong tiến trình lịch sử, nhiều người từ
đồng bằng sông Hồng di cư vào, từ lưu vực sông Lam chuyển ra, dĩ nhiên
họ đều mang theo lời ăn tiếng nói quê hương mình, nhưng chỉ qua một vài
đời, không ai còn nhận ra gốc tích. Ngược lại, người Thanh Hóa đi đến
phương trời nào của Tổ quốc, dù là Hà Nội với ngôn ngữ được xem là
“chuẩn” hay những miền quê Nam bộ với ngôn ngữ “lệch”, chất giọng Thanh Hóa vẫn có thể nhận ra, mặc dù họ đã cố gắng “tẩy xóa” dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh.
Nói
đến lời ăn tiếng nói Thanh Hóa, người ta thường nhấn mạnh cụm từ “mô,
tê, răng, rứa”, như là điểm đặc trưng nhất. Nhưng “mô, tê, răng, rứa” từ
sông Lam vào đến vịnh Hà Tiên, cả Trung - Nam bộ (quá nửa nước) đều
nói, chỉ khác nhau dấu giọng (phát âm) nặng nhẹ - sự thực, vùng ngôn ngữ
xứ Thanh là một thế giới âm thanh vô cùng phong phú - phong phú đến rối
rắm, phức tạp, khác nào ngàn cây nội cỏ, khiến nhà nghiên cứu ngại bước
chân vào. Tuy nhiên, khi nó được khám phá, hẳn ai cũng thấy hết sức thú
vị. Trong một chương trình truyền hình, có sinh viên người Thanh Hóa
không nói “cầm lấy” mà nói “cằm lấy” lập tức bị người dẫn chương trình
phê phán với giọng châm biếm khiến cử tọa cười ồ! Tưởng chỉ là chuyện
vui, hóa chuyện... buồn... cười! Buồn cho kiến thức nông cạn và thái độ
thô thiển đến tức cười!
Tiếng
Hà Nội được xem là chuẩn, nhưng nếu người các địa phương trong nước
phát âm chệch (không chuẩn) cũng chẳng có gì lạ. Bởi xứ sở Hà thành
chẳng phải hiếm trường hợp “nói năng” không chuẩn. Ví dụ: âm tr nói
thành âm gi (ông giời, giồng cây, ăn giầu...), âm tr thành âm ch (con
châu, chào phúng, đánh cháo...) s thành x (xo xánh, xung xướng, cam xài,
xứ xở...) âm r thành âm d (du ngủ, chín dộ, dung động...), v.v...
Tiếng
Việt phổ thông yêu cầu đọc và viết chuẩn, nhưng chưa hề quy định tất cả
người Việt phải phát âm chuẩn, nói giọng chuẩn, vì hoặc là không làm
được hay không nên làm bởi mất đi sự muôn màu ngàn vẻ của nó. Tuy nhiên,
nhìn chung phần lớn học sinh thường ngày phát âm không chuẩn, khi viết
và đọc ít khi mắc lỗi chính tả. Cũng có những trường hợp nếu khô cứng
“chuẩn hóa” chỉ gây tác hại “nghèo hóa” tiếng Việt. Ví dụ: nhầm lẫn và
lầm lẫn, lềnh phềnh và lềnh bềnh, đường sá và đàng sá, ví dụ và thí dụ,
khoác lác và phét lác, nói láo và nói phét, lười biếng và lười nhác,
v.v... Có những thành ngữ, tục ngữ, ca dao địa phương Thanh Hóa in dậm
dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh, đã góp phần làm giàu có thêm kho tàng
thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam:
- Đã mất lả lại mất cả tro bếp (lả = lửa).
- Thuốc đắng đã tật (đã là khỏi, không phải “dã”).
- Việc nhà nhác việc chú bác siêng (nhác = lười).
- Anh về cho em về theo
Bác mẹ có đánh ta leo lên giường (leo = trèo)
- Làm đẫy không xấu bằng xay cấu ban ngày.
(đẫy = đĩ, cấu = thóc gạo).
Thổ âm - thổ ngữ góp phần quan trọng tạo nên sắc thái địa phương. Như
dân ca Đông Anh có câu: “Ba bốn o có bợm cùng chăng...” nếu thay o bằng
cô, bợm bằng bạn thì không còn là Thanh Hóa. Hay bài hát về Hà Tĩnh của
Nguyễn Văn Tý: “Đi mố rồi cũng nhớ về Hà Tịnh ..” nếu thay mố bằng đâu,
chữa Tịnh thành Tĩnh thì đâu phải chất dân ca xứ Nghệ. Nghe dân ca Nam
bộ, ta như được dự những bữa tiệc thổ âm - thổ ngữ vùng đồng bằng sông
nước Cửu Long xiết bao kỳ thú...
Tuy
vậy, đối với dân ca lời cổ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta lại thấy
những từ ngữ giống như từ Thanh Hóa, lạc bước tới: Hột (là hạt trong
bài “Gọi nghé” - Dân ca Hải Phòng), phềnh (là bềnh trong bài “Qua sông
hái củi” - Dân ca Hải Phòng), Dày (là đạp trong bài “Cái cong - dân ca
Hà Nam), Huê (là hoa trong bài “Huê thơm bướm lượn” - Quan họ Bắc Ninh),
Huê tình trong bài “Đố hoa” - Dân ca Phú Thọ ... Càng ngạc nhiên hơn
khi ta được nghe người Phú Thọ - Đất tổ Hùng vương, không hát “tình là
tình tình tang tình” mà cũng hát “tềnh là tềnh tềnh tang tềnh” theo lối
phát âm “chệch” hay một lối biến âm phổ biến: “i” thành “ê” của người xứ
Thanh. Trong lời cổ dân ca trong trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta còn gặp
những từ ngữ cổ hiện nay vẫn thấy dùng ở nông thôn các huyện Nông Cống,
Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định: Sui = sôi; Tra =
bỏ; Cái thời = cái giỏ; Loa = bát to loe miệng; Lội = lặn; Bứt = cắt,
hái ... Đó là cổ ngữ xứ Thanh cũng là phương ngữ của một số miền quê khác: Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ... của thời đã qua?
Vấn
đề thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là thổ âm - thổ ngữ
của một địa phương. Nhiều, rất nhiều trường hợp không có nguồn gốc bản
địa, hoặc tiếp nhận từ miền quê khác, hay chịu ảnh hưởng qua lại của dân
tộc anh em Mường, Thái... cùng sống chung hòa hợp trong một đại gia
đình dân tộc trên đất Thanh. Sự tiếp biến văn hóa ấy cũng thấy ở các
vùng quê văn hóa in đậm sắc thái địa phương.
Thổ âm - thổ ngữ là hai thuật ngữ khoa học vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau, người ta thường đề cập như một thuật ngữ kép.
Thổ âm là sự biến âm và chuyển vần (chữ cái) theo cách phát âm có nguyên tắc và quy tắc ở mức độ nhất định. Ví dụ:
- Cầm -> cằm; Tình -> tềnh; Cắm -> cặm; Cái -> cấy..
- Trâu -> tru; Về -> viền; Củi -> củn; Bồng -> bỏng ....
Sự biến âm thường rất dễ nhận ra đối với người ở vùng quê khác. Hãy so sánh tiếng phổ thông với tiếng Thanh Hóa,
ta thấy âm “â” biến thành âm “ă”, âm “a” biến thành âm “â”, âm “i” biến
thành âm “ê”, âm “ê” biến thành âm “iê”, âm “ô” biến thành âm “o”...
Trường hợp âm “âu” biến thành âm “u” và ngược lại âm “u” biến thành âm
“âu” dường như trái “quy luật”. Ví dụ:
- Con trâu (phổ thông), con tru (Thanh Hóa).
- Cây xoan đâu (phổ thông), cây xoan đu (Thanh Hóa).
-
Đi tù (phổ thông), đi tầu (Thanh Hóa). Nhưng “cây đu đủ” (phổ thông),
Thanh Hóa không nói “cây đâu đẩu” mà vẫn nói “Cây đu đủ”, tại sao? Vì
Thanh Hóa gọi “Cây đu đủ” là “Cây hổng” còn đu đủ là từ du nhập, vay
mượn, dùng lâu thành quen, tưởng lầm là của mình ...
Khác thổ âm, thổ ngữ chính là cổ ngữ
(tiếng cổ), lưu hành từ xa xưa của Thanh Hóa, ở Thanh Hóa. Ví dụ: trốc
(đầu), trượng (mắt), cắn (sửa), me (con bê), ỉn, ỉ (con lợn), ruốc
(moi), con của (vật nuôi), anh đỏ, chị đỏ (trai gái nông dân lấy vợ, lấy
chồng chưa có con)...
Có
những địa danh cổ rất thú vị, giảng giải phải hàng trang sách: “Mười
hai xứ Láng mười tám xứ Neo” (Thọ Xuân), “Tứ xã Bản” (Yên Định), “La Mát
La Mạt” (Hà Trung), “Tạnh xá” (thành phố Thanh Hóa)... Nhiều từ ngữ cổ
trong tác phẩm văn học cổ: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức Quốc
Âm thi tập, Ngọa Long cương (Đào Duy Từ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái),
Song tinh bất dạ (Nguyễn Hữu Hào), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... hiện còn
thấy dùng ở nhiều làng quê Thanh Hóa.
Hiện
nay “Tiếng Thanh Hóa” đang phát triển theo hướng “chuẩn hóa” của tiếng
Việt. Trong lịch sử “tiếng Thanh Hóa” đã theo chân người Thanh Hóa “mang
gươm đi mở cõi” đến tận miền quê mới Cửu Long Giang và dấu vết còn in
đậm nét suốt từ đèo Hoành Sơn đến vịnh Hà Tiên. Đó là niềm tự hào không
của riêng người Thanh Hóa.
(st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét