(Công lý) - Chiến tranh mang theo đau thương và mất mát
nhưng chiến tranh cũng dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện nghĩa tình ấm
áp. Một thanh niên người dân tộc Mường,
Một thanh niên người dân tộc Mường, Ninh Bình có mặt tại Biển Hồ Pleiku
trong đêm lửa đạn đầy trời Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 khiến cả cuộc
đời ông gắn bó máu thịt với vùng đất này, với đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên, là một câu chuyện đầy ắp ân tình như thế. Ông được bà con nơi
đây gọi theo tiếng Gia Rai là Ơi IaNuêng - Ông già Biển Hồ.
Lời hứa đêm giao thừa
Sinh ra và lớn lên ở làng Xích Thổ, bên con sông Hoàng Long, Ninh Bình,
khi vào tuổi thanh niên, Quách Ngọc Hoan - chàng thanh niên dân tộc
Mường tuổi Tân Tỵ (1941) theo bạn bè đi thanh niên xung phong. Không ngờ
chiến tranh kéo ông đi miết khắp chiến trường ba nước Đông Dương cuối
cùng trở thành một ông già Tây Nguyên thực thụ, sống chết với đồng bào
Tây Nguyên, gắn bó với họ như những người ruột thịt.
Tiếp chúng tôi dưới tán cây um tùm trong căn nhà sát bên Biển Hồ ở
thành phố Pleiku, ông cho hay, ông sống ở đây mấy chục năm rồi. Ông có
bốn người con đều thành đạt, vợ con ở trong thành phố, ông sống một mình
nhưng không cô đơn vì có quá nhiều người hàng ngày tìm đến ông.
Ngược dòng thời gian, ông kể cho chúng tôi nguyên do dẫn dắt ông định
cư nơi Biển Hồ được người ta ví như “đôi mắt Pleiku” này. Đó là gần Tết
Mậu Thân năm 1968, ông ở bộ phận hậu cần của Bộ Tư lệnh mặt trận B3,
nhiệm vụ rất đa dạng, làm giao liên, phụ công binh gỡ bom mìn, cáng
thương, phụ nhà bếp lo bữa ăn cho đơn vị. Khi tiếng súng đồng loạt nổ ra
cũng là phút giao thừa, khiêng thương binh trong tiếng đạn bắn, pháo nổ
của cuộc giao tranh ông thấy khu rừng âm u bỗng sáng rực, đạn pháo bắn
lên trời như pháo hoa mà khi đó Quách Trọng Hoan chưa bao giờ được thấy.
Giữa lúc bom đạn sinh tử ông nhìn thấy vùng Biển Hồ đẹp đẽ lạ lùng. Một
vùng trời nước mênh mông, xung quanh là rừng thông hùng vĩ và lung linh
dưới ánh sáng đạn pháo. Không biết sống chết thế nào, bất chợt ông nói
thầm: Nếu may mắn được sống sót thì sau chiến tranh nhất định mình sẽ
trở lại nơi này. Nhất định sẽ trở lại.
Năm 1974 trở về quê lấy vợ, năm 1978 ông dẫn gia đình
vào Nam đi kinh tế mới. Ông kể: Ông bố tôi thì muốn tôi ở Đồng Nai vì
xưa các cụ vẫn nói “Làm trai cho đáng lên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng
Nai đã từng”. Tôi cũng muốn bố tôi vui nhưng cuối cùng Tây Nguyên vẫn
níu kéo và tôi không thể không trở lại Tây Nguyên. Gia đình tôi sống tại
thành phố Pleiku, nhưng tôi vẫn tìm cơ hội để được sống bên Biển Hồ.
Năm 1988, khi mua được mảnh đất này, vợ con không chịu lên, tôi quyết
định một mình thực hiện ước mơ, hay nói cách khác là thực hiện lời
nguyền giữa đêm giao thừa bom đạn năm đó.
Ông nổi tiếng là người đã cứu sống nhiều người vô tình ngã xuống hay có
ý định tự tử ở Biển Hồ, nơi có diện tích mặt nước đến 250 ha này. Danh
tiếng đồn xa, ông cũng nổi tiếng là người đã vớt xác giỏi, khắp vùng đều
có dấu ấn của ông. Ông cũng đã vớt rất nhiều người xấu số thiệt mạng ở
Biển Hồ.
Nhưng trong buổi gặp gỡ hôm ấy, tôi không muốn ông kể về những chuyện
đó, mà muốn ông kể về những chuyện tình, tình nghĩa, tình yêu mà ông đã
trải qua để trở thành một thành viên tin cậy của bà con các dân tộc nơi
đây.
Ngọn núi Chư Hoan
Cả đời ông gắn bó với Tây Nguyên nên chuyện tình, chuyện nghĩa ông kể
cả ngày không hết. Ông có đến hơn 200 con nuôi, anh em kết nghĩa. Ông
được bà con dân tộc Gia Rai gọi là Ơi IaNuêng – Ông già Biển Hồ. Còn
Bà con còn lấy tên ông đặt cho một ngọn núi.
-Nghe nói đồng bào lấy tên bác đặt cho một ngọn núi là sao bác?
-À, đó là do giai đoạn 1978-1982, tôi công tác ở Ban định canh định cư
tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Lúc đó vẫn còn Fulro, tôi được phân công về vùng
Ia Grai, Chư Păh để vận động bà con không nghe theo kẻ xấu, chống
Fulro. Tôi đóng vai một người Gia Rai, lên ngọn núi ở buôn Bàng, xã Ia
Mơ Nông, huyện Chư Păh để khai hoang, trồng lúa rẫy, trồng bắp như một
người dân thường để tiếp cận với đồng bào.
Chỗ đó xưa có hổ dữ nên không mấy ai dám khai hoang, khi ông đến thì hổ
đã bỏ đi nên ông yên tâm dựng lán. Bà con qua lại, dần dà thân thiết
với ông. Ông nói được tiếng Gia Rai như bà con bản địa, tiếng Ba Na ông
cũng nói được một ít nên chẳng ai nghi ngờ ông không phải người địa
phương. Cùng Công an và bộ đội, ông xác định chắc chắn đối tượng cầm đầu
Fulro với quân hàm trung tá là Rơ Châm Loăk. Ông kiên trì vận động,
cuối cùng thuyết phục được chính vợ của Rơ Châm Loăk hợp tác. Biết được
thông tin ngày giờ Rơ Chăm Loăk về thăm vợ con, ông báo
cho lực lượng chức năng… Rơ Chăm Loăk về, vợ anh ta nói: Anh lúc nào
cũng chui lủi như con hươu con nai trong rừng, khổ quá. Ở nhà vợ con
cũng lo sợ lắm, anh về đầu thú đi. Rơ Chăm Loăk nói: Không được đâu, về
thì sẽ bị giết đó. Người vợ đã được giác ngộ nói rằng anh về sẽ không ai
giết anh cả, vừa nói cô vợ vừa tháo khẩu súng trên vai chồng quăng ào
ra suối và túm lấy mớ tóc của chồng ghì xuống nền nhà. Bị bất ngờ, Rơ
Chăm Loăk không kịp phản ứng, Công an và bộ đội ập vào… Sau khi Rơ Châm
Loăk bị bắt, cả đường dây Fulro lần lượt ra đầu thú. Không gia đình nào
còn phải nơm nớp lo con em mình đang trốn chui trốn lủi bị bắt, bị giết
nữa, dân làng rất vui mừng. Rơ Chăm Loăk cũng chỉ phải đi học tập cải
tạo 3 tháng rồi về. Dân làng nhớ đến ông, đã đặt tên ngọn núi nơi ông
từng sống và làm rẫy là Chư Hoan. Chư theo tiếng Gia Rai, Ê Đê là núi.
Biển Hồ nhìn từ nhà ông Quách Ngọc Hoan
Bây giờ Rơ Châm Loăk trở thành một người giàu có nhờ cà phê, làm Chủ
tịch Mặt trận tổ quốc của buôn và là người bạn thân thiết của ông Hoan.
-Tôi đang ủ ghè rượu ngon để mấy hôm nữa mang vào thăm anh Rơ Chăm
Loăk đây. Hôm nọ có nhà báo gặp Rơ Chăm Loăk, anh ấy nhắn mời tôi vào vì
nhớ tôi quá mà anh ấy không đi được xe máy- ông Hoan hỉ hả nói.
Câu chuyện lan man, chuyện này sang chuyện khác, ông kể: Con Ksor Vit
làng Tút 1 bên Chư Păh, năm đó nó 16 tuổi, bị bỏng không khỏi, người hôi
thối lắm nên một lần nó nhảy xuống sông Pô Cô, hai lần nhảy xuống suối
tự tử mà không chết. Bố nó đưa xuống bảo tôi cứu nó. Tôi nói bệnh này
phải đi bệnh viện. Vậy là tôi đưa hai bố con nó xuống Bệnh viện tỉnh gặp
bác sĩ Măng Đung, giám đốc bệnh viện. Măng Đung khám bệnh, cho thuốc và
một cuốn sách hướng dẫn về cách uống thuốc, lau rửa vết thương. Khi về
đến lán gần buôn thì nó kêu mệt, muốn nghỉ lại ở lán rồi về sau. Bố về
khỏi thì nó tự uống hết tất cả thuốc, nó muốn tự tử một lần nữa. Nhưng
lần này nó cũng không chết, bốn ngày sau nó ngồi dậy đòi uống nước. Cho
uống nước xong, bố mẹ nó vội bắt gà nấu cháo cho nó ăn. Thế là hết bệnh,
bây giờ nó có chồng và bốn đứa con trai rồi. Ông kể và cười tươi rói.
Anh bạn tôi ở Pleiku thân thiết với Ông già Biển Hồ vì là bạn học với
con ông nói: Bác kể chuyện Rơ Chăm Nul đi. Ông già cười hiền, chuyện đó
thường mà… Rơ Chăm Nul rất nghèo lại bị cụt mất hai chân và một tay vì
cưa bom đạn khi buôn phế liệu. Nhà anh ta lại có mẹ già và con nhỏ nên
cuộc sống chật vật vô cùng. Ông có mảnh đất vốn là nghĩa trang cũ đã dời
hết mồ mả, ông thuê cày lại phẳng phiu để cho bà con dân tộc nghèo, ai
không có đất thì đến đó canh tác. Ai làm thì ông hỗ trợ ít gạo và hạt
giống.
-Rơ Chăm Nul đến trồng rau, nuôi gà vịt lấy kế sinh nhai, nhưng anh ta
không làm được, lại quay về buôn rồi. Nó vẫn nghèo khổ lắm. Bây giờ, khi
có quà từ thiện của bà con các nơi nhờ tôi phân phát, bao giờ Rơ Chăm
Nul cũng đứng đầu danh sách.
Con nuôi, anh em nuôi của ông là thế. Nhiều đứa chán đời định tự tử,
ông cứu rồi khuyên giải nên thành con nuôi, có đứa vì nghèo khó ông giúp
đỡ mà gắn bó. Ông sống đơn sơ, bình dị, những đồng tiền dành dụm được
ông để làm việc tình nghĩa. Nhiều người trong vùng đồng bào thiểu số quá
nghèo, ông giúp đỡ họ, có khi ông dành tiền lo vợ cho một đứa con nuôi
mồ côi… Ông tìm thấy niềm vui trong những việc làm tình nghĩa ấy. Cũng vì thế mà đồng bao nơi đây thương ông, kính trọng ông.
-Trong chiến tranh, tôi được bà con bên Lào, đồng bào Tây Nguyên bao
bọc, cưu mang nhiều lắm, ơn trả không hết đâu. Ông nói như giải thích
cho chúng tôi hiểu vì sao ông gắn bó với đồng bào đến thế.
Ông già Biển Hồ trò chuyện với tác giả
Ông kể: Trong chiến dịch mà Mỹ gọi là Gian-xơn Xi-ty năm 1967 đó, tôi
và anh Rơ Chăm Bo được phân công chặn hậu một đoàn xe tăng và xe bọc
thép. Đoàn xe dài như một con rết. Khi xe đi đầu chưa tới điểm đến thì
phía cuối, anh Rơ Chăm Bo trèo lên một cái cây và phụt trái B41 vào
đoàn xe, một xe tăng và một xe bọc thép bốc cháy. Khi đó tôi chưa biết
người ta bắn B41 như thế nào, thấy lửa phụt ra trên cây và anh Rơ Chăm
Bo rơi xuống tôi hiểu là anh ấy đã bị bắn chết, thế là tôi chạy, cắm đầu
cắm cổ chạy dọc theo con suối, súng trên các xe của đối phương bắn
xuống như vãi đạn. Tôi chạy mãi rồi kiệt sức, tôi cố gắng ăn một con cá
suối chết do đạn pháo và nằm cho nước chảy vào miệng rồi lịm đi. Mãi đến
chiều, một người đàn ông đi qua mới lay gọi tôi dậy. Lúc nó quần áo
trên người tôi đã bay hết, ông ấy cắt đôi cái khố của mình, quấn cho tôi
một nửa và dẫn về nơi dân làng đang sống. Đến nơi, bà con xúm vào chăm
sóc, rửa vết thương cho tôi và cho ăn cháo nhái để có thêm dinh dưỡng.
Các bà mẹ nhai lá rừng để đắp lên các vết thương trên người tôi. Lá
thuốc làm thân thể tôi đen kịt trong mấy ngày.
Khi tôi khỏe trở lại, ông già lại dẫn tôi về đơn vị. Tôi báo cáo là Rơ
Chăm Bo đã hy sinh… Mọi người reo lên gọi Rơ Chăm Bo, anh ta ôm chầm lấy
tôi vừa khóc vừa cười vì cũng nghĩ là tôi đã chết.
Mối tình Mainivon và 100 bài thơ tình
Hỏi chuyện tình yêu trai gái, hỏi mối tình nào khiến ông nhớ nhất, ông
nói tôi được nhiều chị em yêu mến nhưng với tôi tình yêu nó thiêng liêng
như ngôi sao trên trời, tuyệt đối không thể dễ dãi. Suốt thời chiến
tranh tôi có hai mối tình dang dở nhưng không thể nào quên được, mối
tình đầu với một cô gái Lào và mối tình thứ hai với một cô gái xinh đẹp ở
Ninh Bình.
Hồi đó, Quách Trọng Hoan từ chiến trường trở về nhận công tác quản lý
Trường Đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh, trường có đến 700 đoàn viên nữ. Chị em
phụ nữ vây quanh nhưng anh chỉ quan tâm đến Đào Thị Hồng Tơ, cô gái
xinh đẹp nhất, hoa khôi của trường, nhưng không có cơ hội nói ra vì
quanh cô không thiếu vệ tinh.
Một lần mọi người cùng đứng ở sân nhìn ra vách núi thấy mấy con chim
đậu trên mỏm đá. Một cô gái nói: Thách anh Hoan bắn được con chim đó.
Hoan nói cứng, nếu tôi bắn được thì sao? Mấy cô cười khúc khích và nói:
Anh mà bắn trúng thì muốn thưởng gì cũng được. Được rồi, anh bắn trúng
thì phải gả cô Tơ cho anh nhé – Hoan liều nói mà cô Tơ mặt đỏ bừng rồi
nói: Đồng ý... Anh giơ súng lên, thật tình là đạn không trúng con chim
nhưng trúng vách đá khiến một miếng đá văng ra trúng con chim, con chim
rớt xuống trong sự thán phục của mọi người.
Từ hôm đó, mỗi ngày Hoan làm một bài thơ gửi tặng Tơ. Có đến cả 100 bài
được chép trong sổ thơ của ông. Thơ mộc mạc nhưng nồng nàn, say đắm.
Một hôm Hiệu trưởng gọi lên nói: Tôi biết anh và cô Tơ yêu nhau nhưng cô
Tơ là người Công giáo, cô ấy sẽ có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, nên
nếu lấy anh thì hôn nhân ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cô Tơ mà tổ chức
đang xây dựng. Vì thế, chúng tôi mong anh chia tay cô ấy, chúng tôi sẽ
tạo điều kiện để anh xa cô ấy.
Nghe cấp trên nói, anh choáng váng như đất dưới chân mình sụt xuống…
Nhưng dù sao cũng phải chấp hành. Thế là theo sự phân công của tổ chức,
Quách Trọng Hoan được cử đi học lớp Bổ túc công nông và năm 1968 được
học Đại học Kinh tế kế hoạch, năm 1974 anh tốt nghiệp.
Mối tình sâu nặng trước đó của ông gắn bó với Savanakhet Lào. Hồi đó,
ông được phân công phụ trách bến phà Tà Khống, chuyên chở bộ đội, lương
thực, thực phẩm… vào Nam ra Bắc, đây là một trong những trọng điểm ác
liệt nhất tuyến đường 9 - Nam Lào. Một lần Quách Trọng Hoan bị ốm phải
nằm bẹp một chỗ nên rất buồn. Thấy vậy, Đại đội trưởng nói: Em có biết
săn thỏ, săn gà rừng không? Lấy mấy viên đạn vào rừng săn cho nó vui.
Hoan lấy 3 viên đạn, xách súng vào rừng, thấy thấp thoáng một con heo,
Hoan bám theo, nó chạy thì đuổi. Khi đã đến gần, anh nổ luôn ba phát
súng. Con heo rừng to tướng bị hạ. Lúc đó mới thấm mệt, anh lê lết về
đơn vị gọi anh em ra khiêng heo.
Cơn sốt bất chợt lại kéo đến, người sốt sình sịch, Đại đội trưởng phải
cõng Hoan trên lưng để đi tìm con heo. Con heo được khiêng về trong sự
vui sướng của cả đơn vị. Lúc đó chiến tranh ác liệt, đời sống anh em rất kham khổ nên con heo rừng mang đến cho cả đơn vị bữa đại tiệc.
Hôm sau, có ba người Lào tìm đến đơn vị, họ đi tìm con heo. Họ nói đó
là con heo của bé Manivon này, họ chỉ vào cô gái bẽn lẽn, “nó chăm từ
khi con heo còn nhỏ đến giờ”… Đại đội trưởng cho gọi Hoan lên, anh em
thành thật xin lỗi đồng bào vì cứ nghĩ đó là heo rừng nên bắn nhầm. Bà
con nói: Thôi thì lỡ rồi, bộ đội đền cho bà con một bao muối là được.
Đại đội trưởng nghe vậy mừng quá lệnh cho anh Hoan dẫn đồng bào đi lấy
muối. Hồi đó đơn vị có một xe muối lâu nay bị sa lầy bên bờ suối. Anh
Hoan nói đồng bào về gọi mọi người ra gùi muối đi, đồng bào cứ lấy cho
đủ, không chỉ hạn chế một bao đâu. Bà con sướng quá, nhà nào cũng ra gùi
muối. Hoan trở thành ân nhân của bà con.
Manivon khi đó 17-18 tuổi, xinh tươi như bông hoa pơ lang, suốt ngày
quanh quẩn bên Quách Trọng Hoan. Anh ở trong căn hầm chữ A, hàng ngày cô
mang ra hầm cơm nếp, cá suối nướng, thịt heo cho anh bồi dưỡng. Mối
tình của họ cứ ngày càng sâu nặng, năm đó anh 25 tuổi, anh hứa hết chiến
tranh sẽ cưới Manivon và đưa cô về Việt Nam.
Tâm sự với Đại đội trưởng, ông nói: Không được đâu Hoan ơi, chết đấy.
Hồi chống Pháp, tớ có nghe kể về một ông tên là Hồ Du Tử yêu một cô dân
tộc nên bị xử bắn vì tội vô kỷ luật, yêu đương bất chính. Nghe Đại đội
trưởng nói Hoan sợ phát khiếp. Suốt đêm ấy trong hầm chữ A, Hoan thao
thức không ngủ, anh cầm trên tay chiếc khăn Manivon thêu rất cầu kỳ để
tặng anh mà đau xót, vừa thương mình, vừa thương người yêu.
Sáng hôm sau, Đại đội trưởng gọi Hoan lên, anh chuẩn bị nghe bài giáo
huấn thì hóa ra không phải. Sau một đêm suy nghĩ Đại đội trưởng hỏi:
Đồng chí có thật sự yêu cô Manivon không? Hoan gật đầu lia lịa nói: Báo
cáo thủ trưởng, em yêu cô ấy chân thành ạ. Em muốn cưới cô ấy và đưa về
quê em ạ… Thôi được rồi, tớ hiểu, đồng chí cứ tiếp tục duy trì tình cảm,
khi điều kiện chín muồi đơn vị sẽ tổ chức cho đồng chí, không phải chờ
đến khi kết thúc chiến tranh. Anh sung sướng như muốn bay lên để báo tin
cho Manivon…
Nhưng chiến tranh không ai học được chữ ngờ. Một đêm cuối tháng
10-1966, sau khi chở bộ đội qua sông, anh cùng một đồng đội cột phà vào
một gốc cây rồi cả hai ngủ vùi vì quá mệt sau một ngày căng thẳng. Đêm
đó, mưa rừng liên miên làm sạt lở bờ suối, kéo đổ cây khiến con phà cứ
thế trôi lênh đênh trên dòng sông Amahiên sang tận Campuchia. Tạnh mưa,
họ bàng hoàng thấy xung quanh là cánh đồng xanh mướt, không còn núi,
không còn rừng. Họ đã đi xa cách Tà Khống mấy trăm cây số. Từ đó, không
có dịp trở lại đất Lào, Hoan ôm theo mối ân hận là không gặp lại được
Manivon, không được nói với cô một lời.
Trọn nghĩa vẹn tình
Sát bên bờ Biển Hồ, trên thửa đất của mình, ông Hoan xây một ngôi đền
nhỏ, có tên là Đền Vạn Linh, để linh hồn những người chết đuối nơi Biển
Hồ cũng như linh hồn những người đã từng chết, từng an táng nơi đây có
chỗ hương khói.
Bên cạnh ngôi đền là một cây to như một cây đa, trên đó có bậc thang
tre và chỗ ngồi như đài quan sát. Tôi tò mò hỏi, ông Hoan giải thích: Ồ,
tôi gọi đó là “đài cử nhân”, tôi làm năm 1999. Hồi đó con gái út của
tôi ôn thi đại học nên vào ở với tôi cho yên tĩnh, tôi làm cái đó cho
cháu có chỗ ngồi học. Sau đó cháu đỗ đại học và bây giờ làm cán bộ ngân hàng dưới thành phố. Ông ngắm nghía công trình với vẻ tự hào.
Niềm tự hào của ông thật chính đáng, không phải chỉ ở những thành công
của con cái, mà tôi nghĩ, cái đáng tự hào của ông là ở chỗ ông dám đi
đến tận cùng ước mơ thời trai trẻ binh lửa của mình. Ông sống hết mình,
yêu hết mình với mảnh đất và con người nơi đã cưu mang ông và các đồng
đội của ông. Cuộc sống của ông bây giờ thật đơn sơ nhưng ông rất giàu
có, tài sản lớn nhất đời ông là sự yêu thương, trân quí của đồng bào các
dân tộc Tây Nguyên dành cho ông.
Năm 2011, ông Quách Ngọc Hoan vinh
dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị
Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu
trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó,
nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày
càng tươi đẹp.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét