XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

ĐÔI BỜ-Dân ca Nga

Những bản tình ca Nga ngọt ngào đi về trong tâm hồn những con người đã từng đến Nga và chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất của tuyết trắng ấy. Tôi là một nguời chưa từng một lần đặt chân đến nước Nga. Đất nước Nga trong tôi chỉ là những bài hát và những bộ phim một thời: Khi đán sếu bay qua, Maxcova không tin vào những giọt nước mắt... Chỉ có vậy mà sao thân thương đến thế.
Một ngày lang thang trên sông Hồng lặng nhìn con nước lững lờ trôi cuốn theo những mệt mỏi và muộn phiền qua đi theo tháng năm tôi nghĩ về bài hát Đôi bờ. Dường như cảm xúc trong tôi tận đến lúc ấy mới tìm được điểm khởi nguồn.

"Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói lên lời, em hạnh phúc nhất đời
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa. "


Từ “đêm dài” chuyển thành “cây cỏ hoa như nói lên lời” - có gì như thể đổi thay…Tôi nghĩ về một câu hát tôi chưa thể giải mã được:

“Mình em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta
 Một dòng sông sóng nước long lanh”


Giữa hai người có một dòng sông ư, phải chăng dòng sông ấy chính là sự xa cách? Một dòng sông sóng nước long lanh mà đôi bờ không cách xa, thế thì hẳn phải có một chiếc cầu. Tôi ào lên cầu Thăng Long để mà đứng nhìn xuống. Gió sông thổi lồng lộng. Lắm lúc người ta suy nghĩ thiệt là trẻ con ghê, em nhỉ? Cứ nghĩ đến một dòng sông dài lại ước hiện ra một chiếc cầu nối đôi bờ lại. Dưới chân tôi là sông, nước trôi hờ hững. Tôi ngóng cổ xuống mong tìm một cánh bèo, tìm một màu tím lung linh giữa những con nước ấy. Còn những bông hoa tím ngắt thuỷ chung là còn chờ đợi nhau…
"Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên dòng sông, vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em đứng ngóng trông anh, với niềm tin thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa."

Gió sông Hồng cứ thổi vào xơ xác. Ai đang trong tay ai giờ này ấm êm? Đợi chờ ấy là nhớ mong khắc khoải. Đợi chờ ấy là dằng dặc một niềm mong. Nhưng người ta còn có một “niềm mong” để mà ngóng về. Cô gái trong bài hát của tôi và em đang nghĩ về những điều thật là đẹp. Hẳn niềm tin của cô ấy vào ngày mai sẽ là trong trẻo vô cùng, em nhỉ? Chàng trai sẽ trở về sóng vai cùng cô ấy bước theo dòng. Cô gái ấy đang một mình nhưng cô ấy không cô độc lẻ loi vì trong trái tim cô ấy ngập tràn một niềm yêu, em có thấy không em?

"Đêm dần qua, ánh ban mai đang lan tràn dâng tới
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa."


Câu hát sao mà giống một bức vẽ đến thế, một bức vẽ đẹp lung linh. Này là sắc rực rỡ tươi tắn lung linh của nắng, màu trời chắc chắn là xanh lắm, phải thế không em? Giữa cỏ cây hoa lá có một dáng người nhỏ bé bên dòng sông nước xanh thẳm, với đôi mắt sáng long lanh và cái dáng thiệt mềm mại ấy hoà cùng vào dáng của sông và cây cỏ. Một bức tranh với nhiều ánh sáng trong đó điểm nhấn của ánh sáng sẽ dồn cả vào mắt để ánh lên một niềm tin diệu kỳ. Tôi biết rồi, bức tranh ấy đẹp lắm.
"Mình em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa... "


Cuối cùng của từng đoạn lời bao giờ cũng được chốt lại bằng một câu hát:

"Một dòng sông sóng nước long lanh đôi bờ đâu cách xa."

Tôi đã hiểu vì sao họ không cách xa rồi. Ánh mắt lung linh niềm tin ấy sẽ thay cho một chiếc cầu để nối đôi dòng. Sẽ không còn sự cách xa nữa, em nhỉ? Em sẽ trở về vào một ngày nắng…

Khắc khoải, da diết, những giai điệu của Đôi bờ lặng lẽ trôi trôi như dòng sông đang chảy dưới chân tôi. Gió lại táp vào mặt, cảm giác mình nhỏ bé vô cùng. Ước mình như đôi tình nhân kia

Đôi bờ đâu cách xa....
ДВА БЕРЕГА

Ночь была с ливнями
И трава в росе,
Про меня "счастливая"
Говорили все.
И сама я верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой - два берега
У одной реки.

Утки все - парами,
Как с волной волна,
Все подруги с парнями,
Только я одна.
Всё ждала и верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой - два берега
У одной реки.

Ночь была, был рассвет,
Словно тень крыла.
У меня другого нет,
Я тебя ждала.
Всё ждала и верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой - два берега
У одной реки...

ĐÔI BỜ
Trình bày: Thảo Vân

Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với niềm tin thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới.
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời.
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…


Bài hát ĐÔI BỜ và tác giả lời của bài hát.

Grigory Pozhenyan là một nhà thơ, nhà văn lớn của nước Nga, là công dân Nga, hai lần được giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga.
Ông sinh ra ở Kharkov, lớn lên ở Odessa. Bố người gốc Armenia, là giám đốc một viện nghiên cứu lừng danh. Mẹ gốc Do Thái, là một bác sĩ nổi tiếng. Chiến tranh xảy ra, vừa tốt nghiệp phổ thông năm 1939 là chàng trai tham gia quân đội, phục vụ trong hạm đội Hắc Hải.
Các tướng lĩnh trong binh chủng hải quân chưa bao giờ thấy một tay lính thủy đánh bộ dũng cảm và liều lĩnh như chàng trai này. Trận chiến nào có Grigory tham gia thì các vị tướng đều tin rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Anh dẫn đầu nhiều toán biệt kích đi phá những chiếc cầu, để ngăn chặn đà tiến công của quân Đức. Chiếc cầu đầu tiên mà anh phá sập là cầu Varvarovsky ở Nikolaev. Rồi tiếp theo nhiều cầu nữa, cho đến chiếc cuối cùng là ở Belgrade.
Trận đánh mà Grigory nhớ đời là trận cứu toàn dân ở Odessa. Năm 1941, thành phố bị bao vây. Nhà máy cấp nước cho thành phố nằm cách xa 40 km lại bị Đức chiếm. Dĩ nhiên bọn chúng cắt nước, định làm toàn dân Odessa chết khát. Dự trữ nước của thành phố cạn kiệt dần. Người ta phải phân khẩu phần cho mỗi người mỗi ngày chỉ đươc một ca nước. Thế mà cái khẩu phần chết tiệt kia cũng không chắc kéo dài được mấy ngày. Bộ chỉ huy thành lập một toán biệt kích gồm 32 chàng lính thủy đánh bộ sừng sỏ nhất, do Grigory làm toán trưởng. Nhiệm vụ của toán biệt kích này là bí mật hành quân đến gần nhà máy nước rồi bất ngờ đánh chiếm. Sau đó phải cố giữ cho bằng được một thời gian đủ dài để nhà máy cung cấp một lượng nước dự trữ cho Odessa. Trận đánh đã nhanh chóng thành công, nhưng giữ được lâu mới là khó. Van nước về thành phố đã được mở. Công nhân cho máy vận hành hết công suất. Những chàng biệt kích thì phân nhau các vị trí để chống trả bọn Đức tấn công vào. Chúng huy động tới cả trung đoàn với đủ các phương tiện để chiếm lại nhà máy. Cũng may là nhà máy còn dùng để cấp nước cho cả một quân đoàn của Đức cho nên chúng chỉ muốn chiếm lại chứ không dùng máy bay, đại bác phá hủy. Các chiến binh của Hồng quân ngã xuống dần. Đến khi chỉ còn 5 người, nhưng 5 ụ súng vẫn nhả đạn liên tục. Khi chỉ huy điện cho Grigory: “Khá lắm, cố giữ lấy một giờ nữa nhé, là lúc cả đội chỉ còn một mình anh. Lúc này anh phải di chuyển liên tục, nhà đạn từ ụ này một ít rồi lại sang nhả đạn ở ụ súng kia, để bọn Đức vẫn tưởng là bên ta vẫn còn mấy người. Đến khi chỉ huy ra lệnh: “Nhiệm vụ đã hoàn thành, lệnh cho rút lui”, thì Grigory trả lời: “Tôi e rằng không còn ai nữa để rút”. Ngay chính lúc đó, một loạt đạn đã nhắm trúng anh. Anh ngất lịm không biết gì nữa.
Quân Đức vẫn ngần ngại, thận trọng theo dõi mấy tiếng đồng hồ rồi mới dám tiến vào. Chúng đếm số xác chết và công bố đã tiêu diệt toàn bộ toán biệt kích Nga. Tình báo Liên Xô cũng đưa tin về như thế, Vậy thì còn một cái xác nữa biến đi đâu?
Vì khi đó mọi người đều nghĩ là Grigory đã hy sinh nên trong bảng tưởng niệm sau này đặt trên đường Pauster ở thành phố Odessa có ghi tên ông.
Lúc đó, Grigory tỉnh dậy, thấy người bê bết máu. Anh đang nằm dưới tầng hầm của một ngôi nhà. Một bà già khẽ đặt ngón tay lên môi ra hiệu anh im lặng, rồi bà nói: “Con đã tỉnh rồi. Mẹ biết là con chưa chết, không thể chết, khi ông ấy cõng con về đây. Thì ra, trong khi bọn Đức còn thận trong chưa dám vào, một lão công nhân đã phát hiện là anh chưa chết, đã cõng anh về nhà. Sau mấy tháng lặng lẽ điều trị cho anh, ông lão đã liên hệ với du kích bí mật đưa anh ra ngoài.
Hết chiến tranh, Grigory thi vào trường đại học viết văn Gorky và trở thành nhà văn, nhà thơ với 30 đầu sách, tác giả của 60 lời bài hát, tác giả nhiều kịch bản phim...
Sau khi tốt nghiệp trường viết văn Gorky, Grigory gặp Tanhia, một cô gái Nga chính hiệu. Da trắng, tóc vàng, đôi mắt xanh, một ngoại hình hoàn chỉnh. Tanhia đang là nghiên cứu sinh ở trường đại học và đang làm đề tài tại một viện nghiên cứu. Rất nhiều chàng trai theo đuổi, vây vo quanh nàng, nhưng nàng không yêu. Cũng chẳng hiểu tại sao, nàng lại thích những vần thơ êm dịu trong con người ngỗ ngược của Grigory. Hai người thường đi chơi với nhau vào các buổi chiều. Nhưng nhiều lý do khác nhau đã cản trở tình yêu giữa chàng và nàng. Grigory tin rằng họ sẽ vượt qua, nhưng Tanhia thì vẫn còn hoang mang lắm. Có hôm Tanhia nói: “Anh và em ở hai bờ của dòng sông này. Không có cầu, không có phà, làm sao mà gặp nhau đây?” Nhưng chàng nói đôi bờ đâu cách xa và chúng ta sẽ đến được với nhau thôi.
Tanhia vẫn rất buồn. Những ngày này Grigory hiểu rõ và cảm thông với nàng. Chàng đã làm những vần thơ mà sau này bao người xúc động:
“Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.
Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.
Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới.
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời.
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa....”
Bài thơ này sau đó được Andrey Yakovlevich Eshpai phổ nhạc và làm bài hát trong bộ phim “Khát” do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu chiếm nhà máy nước mà anh đã chỉ huy.
Bài hát rất hay và rất buồn, tất nhiên “Đôi bờ” buồn, buồn lắm, nhưng ý nghĩa của bài hát, của đôi bờ sông này hiểu thế nào đây, hát mãi rồi nhưng cho đến tận ngày nay người ta cũng chưa thống nhất được là ý nghĩa thực sự mà tác giả lồng vào đấy là gì đâu. Đa số nghĩ rằng, và có lẽ không sai, là: đôi trai gái dù yêu nhau nhưng cuộc đời trái ngang nên không thể đến được với nhau, tuy vậy họ mãi giữ tình cảm đẹp với nhau, mãi song hành trên con đường đời nầy, như đôi bờ sông của một con sông vậy! Rất logic thôi, nhưng có một số người khác không nghĩ thế, trong đó có thể có cả... tác giả của ca từ tuyệt đẹp này!
Cũng có người suy diễn bài hát nói về một mối tình vô vọng của một cô gái chung thủy với một chiến sĩ hi sinh ngoài mặt trận, và chính bản thân người con gái cũng nhận thức được điều ấy. Nhưng sâu thẳm tận đáy lòng mình, cô gái lại không hề muốn tin và vẫn hy vọng, đợi chờ. Hình ảnh những con thiên nga đều có đôi và những bạn gái đều đã có người yêu làm cô không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến tình cảnh hiện tại của mình và người con trai như hai bờ của một dòng sông. Tuy vậy, cô vẫn kiên định chờ đợi...
Sau này, khi đã về già, có người hỏi bài hát có ý nghĩa gì, thì Grigory đùa rằng đó là bài hát trong phim, và phải hỏi cô gái đó mới biết được. Chỉ có một lần ông trải lòng ra với bạn bè về hình tượng “đôi bờ” ấy. Đó chính là cuộc đời ông, ông không sinh ra ở biển nhưng suốt cuộc đời thường luôn gắn liền với biển, ngay tìm ra cô gái sau này làm người vợ yêu thương cũng ngoài biển. Và hầu hết các con sông đều đổ ra biển lớn, nếu đủ sức mạnh thì đôi bờ sông sẽ gặp nhau chính ở nơi đó, là biển. Cũng vậy, cô gái trong bài hát ấy vẫn tin vào tình yêu, vẫn tin rằng họ sẽ lại bên nhau! Vậy là, với một bài hát tưởng như rất buồn, tưởng vô vọng, thì nó chính ra là một bài hát nói lên quyết tâm, bởi điệp khúc “đôi bờ đâu có cách xa".
Đối với bạn đọc Việt Nam thì từ lâu bài hát “Đôi bờ” đã chinh phục biết bao con tim đang yêu bởi giai điệu mượt mà, thiết tha mà say đắm. Mặc dù lời dịch có phần chưa thể hiện đúng tình cảm của cô gái trong một tình yêu có phần tuyệt vọng vì những cách trở nào đấy nhưng một khi người ta đã yêu thì khó có bản dịch nào khác có thể thay thế. Vì rằng, nói như Moses Saphir, thì bản dịch thơ (mà đặc biệt là dịch lời của bài hát) cũng giống như phụ nữ vậy, nếu đẹp thì không chung thủy, mà nếu chung thủy thì không đẹp.
Grigory Pozhenyan mất tại Moskva ngày 20 tháng 9 năm 2005, vào chính ngày sinh nhật lần thứ 83 của mình.
Mọi người có thể xem phim "Khát" sản xuất năm 1959 do chính Grigory viết kịch bản dựa trên cuộc chiến đấu tại nhà máy nước mà tác giả đã trực tiếp tham gia" trên Youtube: https://m.youtube.com/watch?v=zho-Hsyz3fY
Ngoài ra, có thể xem bộ phim màu "Khát" mới được quay lại sau này tại đường link: https://m.youtube.com/watch?v=E3M0fsvuaP0
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét