XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ NHÀ VĂN NAM CAO

      Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh ngày 29/10/1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).  
Ông hy sinh ngày 30/11/1951 tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi ông nằm xuống cũng có tên Vũ Đại. Ông hy sinh trên đường đi công tác vận động thuế nông nghiệp tại cánh đồng Mưỡu Giáp.
Tháng 1 năm 1996 ông được Nhà nước truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật” với cụm tác phẩm: Đôi mắt, Chí phèo, Nửa đêm và Tập truyện ngắn chọn lọc xuất bản năm 1964.
Ngày 18/1/1998 di hài nhà văn Nam Cao được đưa về an táng tại quê hương trong “Vườn hiện thực Nam Cao”. Nơi đây có Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao (khánh thành 30/11/2004)
     Ngày 18/2/1998 trường THCS Nhân Hậu đã vinh dự được gia đình nhà văn cùng các cơ quan chức năng trao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, hương hoa Phần mộ Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao.
Xuất phát từ cõi lòng: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho tổ quốc, cho nhân dân, để thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ đối với các công trình văn hoá, lịch sử của quê hương đất nước; để góp phần thực hiện mục tiêu cấp học nói riêng và mục đích giáo dục nói chung, trường THCS Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của  nhà văn liệt sĩ Nam Cao đã sớm xác định cho thầy và trò nhà trường nhiệm vụ thiêng liêng là tìm hiểu tiểu sử, đời văn và sự nghiệp vĩ đại của nhà văn liệt sĩ Nam Cao để học tập, noi gương phát huy truyền thống văn hiến của cha ông và của quê hương đất nước.
Sau đây, trường THCS Nhân Hậu trân trọng giới thiệu một số tư liệu về nhà văn liệt sỹ Nam Cao do tổ KHXH và thày giáo Trần Văn Đô sưu tầm, chắp bút và đã được đăng trên các báo và tạp chí.    
Một vài nét về tác giả : Trần Văn Đô  (Còn có các bút danh: Trần Thoa Đô, Vũ Đại, Trần Đại Hoàng )
                        Sinh: 26 - 4 - 1952
                        Quê: Xóm 11, làng Đại Hoàng - xã Hoà Hậu - Lý Nhân - Hà Nam.
                        Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm khoa Ngữ văn.
                        Hiện đang công tác tại trường THCS Nhân Hậu, xã Hoà Hậu,  huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
                        - Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
                        - Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục.
                       - Là Thông tín viên của các báo: Tiền Phong, Thiếu niên tiền phong, Giáo dục và Thời đại
                      
                       TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN:
                        - Hương sen- Hương lúa- Ty Văn Hoá Hà Nam Ninh-1976
                        - Quê Hương in chung NXB Thanh niên 2002.
                        - Những hiểu biết thêm về nhà văn Nam Cao - Nghiên cứu sưu tầm- 2009
                        - Thơ nhà giáo - in chung NXB Văn hoá Dân tộc 2004
                        - Tuyển tập Thơ nhà giáo Việt Nam- In chung- NXB Văn hoá dân tộc 2010.
                        - Đa làng - Thơ tứ tuyệt- NXB Văn hoá Dân tộc.
                        - Hoa Đất- Thơ lục bát -NXB Văn hoá Dân tộc.
                        SẮP IN:                    
                        - Cây thuốc quý quanh ta- Thơ tứ tuyệt.
                        - Câu Đối
  - Đồng hồ quả lắc – thơ viết cho thiếu nhi
  - Sông Châu – thơ
  - Nho nhỏ cùng nhau – Thơ trào phúng
   GIẢI THƯỞNG:
                        - Viện nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương IAP-
                          giải Nhì (thơ) năm 2003 tác phẩm "Giữ sạch môi trường".
                        - Giải Nhì (thơ) Tạp chí Cây thuốc quý- Hội dược liệu Việt Nam- năm 2008.
   
TRƯỜNG THCS NHÂN HẬU VỚI NHÀ VĂN NAM CAO
Xuất phát từ cõi lòng: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho tổ quốc, cho nhân dân, để thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ đối với các công trình văn hoá, lịch sử của quê hương đất nước; để góp phần thực hiện mục tiêu cấp học nói riêng và mục đích giáo dục nói chung, trường THCS Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của cố nhà văn liệt sĩ Nam Cao đã sớm xác định cho thầy và trò nhà trường nhiệm vụ thiêng liêng là tìm hiểu tiểu sử đời văn và sự nghiệp vĩ đại của nhà văn liệt sĩ Nam Cao để học tập, noi gương phát huy truyền thống văn hiến của cha ông và của quê hương đất nước.
Điều đầu tiên là nhà trường đã tổ chức cho cả thầy và trò tập trung công sức, thời gian, trí tuệ và lòng nhiệt huyết vào việc sưu tầm tài liệu, hiện vật, tranh ảnh, mẩu chuyện nói về nhà văn Nam Cao và làng Đại Hoàng - “Vũ Đại” thuở ấy,Thầy và trò của trường THCS Nhân Hậu đã được “sống lại” cái thời “Sống mòn”, cái thời mà làng Đại Hoàng có Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, Tự Lãng, Binh Chức, Trạch Văn Đoành- Những nhân vật bằng xương bằng thịt cứ hiển hiện ra trước mắt người sưu tầm, nghiên cứu! Thầy và trò trường THCS Nhân Hậu càng khâm phục, yêu mến, kính trọng, biết ơn cái tài “hư cấu”, tài sáng tạo của nhà văn quê hương
Năm nào nhà trường cũng tổ chức ngoại khoá tìm hiểu về nhà văn liệt sĩ Nam Cao để thầy và trò của cả trường nắm bắt thêm về những điều chưa biết, chưa rõ về nhà văn liệt sĩ của quê hương, thực tế làng Đại Hoàng – “Vũ Đại” xưa kia. Những cảm xúc chân thành sâu sắc, những mẩu chuyện về nhà văn do thầy và trò sưu tầm được nhà trường trân trọng lưu giữ. Những năm qua nhà trường năm nào cũng có đội tuyển văn lớp 7 (trước đây) và lớp 9 ngày nay đi dự thi HSG Văn cấp huyện, cấp tỉnh, cấp miền Bắc và cấp Quốc gia đều được giải thưởng các loại. Đó là các em Trần Thị Nguyện, Trần Thị Tịnh là học sinh giỏi đạt giải Ba cấp Quốc gia môn Văn; em Trần Thị Hà là học sinh giỏi Văn huyện Lý Nhân đi thi tỉnh và được vào học Trường cấp III Lê Hồng Phong – Nam Định. Hiện nay, Hà là phóng viên Đài truyền hình Việt Nam. Em Trần Thành Hiệp học sinh giỏi văn khoá 1968-1969 đạt giải Ba cấp Quốc gia. Hiện nay, Trần Thành Hiệp đang công tác tại xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hàng năm đội tuyển học sinh giỏi văn của nhà trường đều được xếp loại tốt của huyện, có nhiều em dự thi cấp tỉnh đạt giải.
Ngày 21/12/1998, trường THCS Nhân Hậu đã long trọng tổ chức Hội thảo về thân thế sự nghiệp của nhà văn Nam Cao, thực tế làng Đại Hoàng trước đây; Phương pháp giảng dạy một số tác phẩm của nhà văn Nam Cao trong trường THCS. Sở GD - ĐT Hà Nam, phòng GD - ĐT Lý Nhân đã về dự và chỉ đạo Hội thảo. Nhiều đại biểu các trường trong huyện Lý Nhân đã về dự Hội thảo và phát biểu tham luận.
Ngày 18/01/1998, di hài nhà văn liệt sĩ Nam Cao được đưa về an táng tại “Vườn hiện thực  Nam Cao”. Nơi đây còn có Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao (khánh thành ngày 30/11/2004 – nhân dịp kỉ niệm 53 năm ngày nhà văn hy sinh)
Ngày 18/02/1998, trường THCS Nhân Hậu đã vinh dự được gia đình nhà văn và các cơ quan chức năng trao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, hương hoa phần mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao.
(Tạp chí Sông Châu số 11 năm 1998 (có bổ sung)- Hội VHNT Hà Nam)
                                                               
VÌ SAO NHÀ VĂN NAM CAO ĐẶT TÊN CHO NHÂN VẬT CỦA MÌNH LÀ
Chí Phèo ?
Trong quá trình đi tìm tài liệu về nhà văn Nam Cao và làng Đại Hoàng – “Vũ Đại” thuở ấy, tổ KHXH trường THCS Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đã sưu tầm được những mẩu chuyện, tranh ảnh rất quý và đầy lý thú. Một trong những tư liệu quý ấy là những mẩu chuyện liên quan đên tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Chúng tôi cứ trăn trở mãi: Không hiểu vì sao nhà văn lại gắn cho nhân vật Chí cái tên “Phèo”
Đi tìm câu trả lời, chúng tôi được ông Trần Khang Hộ, người làng Đại Hoàng – Bạn học thuở nhỏ của Nam Cao, con thầy Kí Lân – thầy dạy học của Nam Cao thuở nhỏ - kể cho nghe câu chuyện sau: Khi tôi ngoài 20 tuổi, thấy ở làng có một người tên Chí, quê quán ở đâu không rõ. Vì Chí hơn tuổi, nên Chí được cánh trẻ gọi là chú. Chí người cao to béo khoẻ, khi dân làng có việc, Chí hay đi giúp nhà này nhà nọ. Các nhà có máu mặt trong làng thường thuê Chí đi đòi nợ. Xong việc, họ cho Chí vài xu đi mua rượu uống. Uống say, Chí nằm phèo ở điếm canh đê. Từ đó người làng gọi là Chí Phèo.
Chúng tôi cũng được ông Trần Đức Tuy, lão thành cách mạng, thầy giáo về hưu, quê ở làng Đại Hoàng, cũng là bạn thân của nhà văn Nam Cao kể cho nghe câu chuyện sau: ở làng Đại Hoàng hồi ấy có lão Trương Pháo chuyên làm nghề giết lợn. Ông này thường bắt “phèo” * để bán, vì món này được nhiều khách ưa chuộng Chí hồi đó có ra làm thuê cho Trương Pháo. Chí cũng “bắt phèo” cho chủ bán. Chí “bắt” cũng ngon như chủ, làm khách ăn ai cũng khen ngon. Từ đó Chí có tên là Chí Phèo
Chẳng biết vì lý do thứ nhất hay vì lý do thứ hai hoặc vì cả hai lý do trên mà nhà văn Nam Cao đặt tên cho nhân vật của mìnhlà Chí Phèo; chỉ biết rằng hai mẩu chuyện trên là có thật ở làng Đại Hoàng – quê hương nhà văn Nam Cao
        *Phèo: ruột non (phèo lợn, phèo trâu)                             
           (Báo Tiền phong - 7/11/1999 - Văn học và Tuổi trẻ số 2 - 2006)
NGUYÊN MẪU CỦA NHÂN VẬT THỊ NỞ LÀ AI?
Tổ Khoa học xã hội trường THCS Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam trong quá trình đi tìm tài liệu về Nam Cao và làng Đại Hoàng – “Vũ Đại” ngày ấy, đã sưu tầm được một số mẩu chuyện rất hấp dẫn và lý thú có liên quan đến tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Một trong các mẩu chuyện đó là chuyện về nhân vật Thị Nở – “người yêu” của Chí Phèo trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Ông Trần Khang Hộ người làng Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bạn học thuở nhỏ của nhà văn Nam Cao – con cụ Ký Lân – thầy dạy của nhà văn Nam Cao và một số cụ cao niên khác cũng ở quê hương nhà văn, có kể câu chuyện sau: Hồi ấy ở làng Đại Hoàng có Trần Thị Nở, con ông Phó Kính - ông này làm nghề đóng cối xay nên gọi là phó. Thị Nở người xấu xí, tính dở hơi, rất hay cười nên ông mới đặt tên là Trần Thị Nở.
Thị Nở chỉ biết làm việc vặt trong nhà và nhặt cỏ vườn. Thị Nở thường làm bạn với cái chép cùn (có nơi gọi là cái dầm). Tính Thị dở hơi rất vô tâm, sờ vào việc gì được một lúc là lăn ra ngủ; bất kể là đâu. Thôi thì chân đống rạ, gốc chuối, bờ ao Có lần bà ngoại nhà văn Nam Cao (bà Vân) sai Thị đi kín nước về ngâm sợi, mãi không thấy thị về, cho người đi tìm thì ra Thị đang ngủ ở ngoài gốc chuối. Người làng ai cũng cười cái tật xấu ấy của Thị. Người ta kể về “tài gia chánh” của Thị như sau: Ông bố chồng của Thị (ông Quản Dụng) thường xuyên rày la Thị về tội để cơm sống, cơm khê. Những khi ấy Thị Nở vênh mặt lên cãi lại bố chồng : “Sống đâu mà sống, chỉ hơi sường sượng thôi mà”
Tuy thị xấu và dở hơi như vậy nhưng Thị vẫn có chồng. Chồng thị anh Đào. Anh này cũng cảnh làm thuê như Thị Nở. Nhà nghèo lắm phải mua chức trùm. Thị Nở có ý vênh vang ra phết. Anh chồng thì nai lưng ra làm lấy tiền trả nợ. Ăn ở với nhau được một thời gian, Thị sinh cho Đào đứa con trai đặt tên là Trần Bá Xuyên. Năm 14, 15 gì đó, Xuyên vào Sài Gòn theo người làng đi tìm chú là ông Ba Lễ, rồi mất ở Sài Gòn lúc còn trẻ.
Khi đã có gia đình rồi Thị Nở vẫn còn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao. Nhà văn Nam Cao gọi Thị Nở là gì. Còn Thị Nở gọi nhà văn Nam Cao là cháu.
Chuyện Thị Nở ở làng Đại Hoàng là có thật. Nhưng với tài hư cấu của nhà văn, ông đã cho ra đời một Thị Nở có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Nhờ có Thị Nở mà “Chí Phèo” mới nổi tiếng, mới sống mãi trong lòng người đọc. Cũng nhờ có Thị Nở và Chí Phèo mà tên tuổi nhà văn Nam Cao đã toả sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.    
                           (Văn học và Tuổi trẻ số 5 - 2006) 
NHỮNG HIỂU BIẾT THÊM VỀ NHÀ VĂN NAM CAO
          Trong quá trình đi tìm tài liệu, hiện vật, tranh ảnh có liên quan đến nhà văn Nam Cao và làng “Vũ Đại” ngày ấy, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều nhân vật ruột thịt, bạn bè, đồng chí, đồng khoa, đồng hương với nhà văn Nam Cao về những kỷ niệm còn nóng hổi của nhiều người với ông. Ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn) kể:
          Hồi ấy, chúng tôi còn bé lắm, anh em quây quần bên nhau thật gắn bó thân thiết. Anh Tri tôi (tên thật nhà văn Nam Cao) đang học tiểu học. Mỗi kỳ nghỉ hè, anh tôi đều đặt ra chương trình học tập, lao động, vui chơi như sau: Sáng ôn tập hai tiếng, chiều lao động hai tiếng giúp gia đình, một giờ cuối ngày vui chơi thể thao: Như đi bơi ngoài sông Châu.
Anh rất yêu quý con sông Châu thơ mộng của quê nhà, đã ra sông tắm là mấy anh em vui mãi không muốn về. Buổi ôn tập nào anh cũng bắt chúng tôi học thuộc lòng một đoạn thơ Kiều mà anh cho là hay trong khoảng 30 phút. Anh còn sáng tác những bài văn vần để khuyên nhủ anh em chúng tôi. Tôi còn nhớ một bài như sau:
Em còn đang độ thơ ngây
Khuyên em, em phải tính ngày lớn lên
Cuộc đời là cuộc đua chen
Khôn ngoan thì thắng ngu hèn thì thua
Trăm năm trong cuộc ganh đua
Ngọt bùi thì ít cay chua thiếu gì
Đường đời em đã trót đi
Trót đi phải bước, bước đi hơn người
Vứt sầu đi hãy gượng cười
Cố lên cho được hơn người mới hay
Nợ đời em đã trót vay
Trót vay phải trả sau này cho xong
Làm trai phỉ chí tang bồng
Làm trai ra sức vẫy vùng dọc ngang
ơn nhà, nợ nước còn mang
Khuyên em càng nghĩ lại càng phải lo
Sinh ra thời buổi bây giờ
Trông đời rõ rệt mơ hồ được đâu
Anh khuyên em bấy nhiêu câu
Khuyên em nhớ kỹ để sau ra đời
Bông hời, bông hỡ, bông hơi.
Anh rất nghiêm khắc thực hiện những điều đặt ra và buộc chúng tôi phải làm những điều anh khuyên nhủ. Sau khi anh ra đi viết văn chuyên nghiệp, anh vẫn thực hiện nề nếp sinh hoạt trên. Mỗi ngày hai buổi ngồi viết, anh vẫn dành hai giờ đồng hồ giúp gia đình như cuốc đất, làm cỏ, đánh ống suốt, chiều nào anh cũng tập thể dục. Và bơi lội ngoài sông Châu. Những tuần có trăng đẹp, tối nào anh cũng dành một ít thời gian đến chơi thăm bố mẹ, anh em, thầy dậy cũ và bạn bè. Anh rất hay đến thăm các anh Sỹ, Tuy, Khâm, Phấn, Thiết là bạn học thời thơ ấu. Lúc này tôi còn nhỏ nên được anh hay cho đi chơi cùng. Một đêm trăng sáng đẹp trời anh đưa tôi đi chơi nhưng chẳng đến nhà ai, anh dẫn tôi đến bờ sông Châu, ngồi bên một cái lò gạch cũ (ở xóm 17 bây giờ). Anh bảo tôi ngồi ngắm trăng và ngắm sông. Trăng sáng, sông gợn sóng biết bao nhiêu vàng, gió lao xao. Những ngọn tre cao vút chơi vơi, ngả nghiêng nhịp nhàng nhảy múa. Tôi gục đầu vào lòng anh ngủ lúc nào không biết. Tôi tỉnh dậy thì đêm đã khuya lắm. Anh đưa tôi về trăng vẫn sáng. Đường vắng lắm. Tôi vưà đi vừa ngủ gật xiêu bên này nghiêng bên kia, cứ muốn lăn ra đường mà ngủ. Tự nhiên tôi thấy anh cười vang lên. Tôi tỉnh hẳn thấy anh vẫn cười. Chỉ xuống mặt đường anh hỏi tôi:
-         Em có trông thấy gì không?
-         Bóng của em và anh
-         Không phải! Nó là bóng hai thằng say rượu
Vừa đi vừa nhìn kĩ, tôi cũng bật cười mà tỉnh hẳn, phấn chấn đi về nhà mà không buồn ngủ nữa. Sau này đọc chuyện của anh, tôi đã thấy anh đưa cảnh ấy vào chuyện rất sinh động.
Anh đã ngồi viết thì ít khi tiếp khách và trò chuyện với ai, kể cả bố mẹ, anh em, vì thế mà chúng tôi ít đến với anh lúc ấy. Đặc biệt gần nhà anh có cụ trùm Ruyên sáng nào anh cũng mời cụ sang uống nước, hút thuốc lào và nói chuyện. Cụ đến vào lúc anh viết, anh cũng buông bút ngay để tiếp chuyện cụ rất nhiệt tình. Cụ rất quý và tôn trọng anh và thường gọi anh là ông giáo. Sau này đọc “Lão Hạc” tôi mới hay là anh đã lấy ông làm mẫu để tả lão Hạc.  Anh rất thương cảm những người nghèo khổ phải đi làm thuê gánh mướn. Một lần nhà anh có việc phải đi nhờ người làm giúp, chị dâu tôi mua bánh đúc về cho ngừơi làm ăn sáng gọi là “nước sáng”; mua bún cho anh và các con ăn. Anh bắt bê ra cả người làm và người nhà cùng ăn. Người làm nghỉ uống nước, hút thuốc lào, anh cũng buông bút để cùng trò chuyện thân mật, vui vẻ. Anh cũng gợi chuyện để họ nói chuyện rất bình đẳng, cởi mở, vui vẻ, chẳng còn gì ngăn cách hay phân biệt giữa anh và họ. Người mà nhiều người vẫn cứ thường kính trọng gọi anh là “ông giáo”
Anh yêu cái nơi sinh ra anh- làng Đại Hoàng yêu quý của anh. Tháng 8 năm 1945 anh cùng một số anh em tham gia kháng chiến cướp chính quyền ở quê hương Lý Nhân – Hà Nam. Anh được cử đọc bài diễn văn đầu tiên ở dốc Nga Khê – Lý Nhân. Sau đó anh về làng tổ chức thu đồng triện, văn bằng sổ sách của cường hào, hương lý, lập ra Uỷ ban lâm thời do anh làm Chủ tịch. Năm 1946 anh được bầu vào hội đồng nhân dân xã và làm chủ tịch xã Đại Hoàng lúc đó
Sau đó một năm anh được điều về làm biên tập báo “Cờ Chiến Thắng” của tỉnh Hà Nam sơ tán lên Kim Bảng. Anh cùng anh Lợi ở Nhân Hoà làm biên tập báo “Cứu Quốc” quân khu Ba rồi lên tờ  “Cứu Quốc” ở Việt Bắc.
Anh công tác ở xa nhà nhưng rất nhớ về làng quê – nơi chôn rau cắt rốn của anh. Anh xin tổ chức cho về thăm quê, trong chuyến đi này anh đã viết “Bốn cây số cách vùng địch hậu”. Anh đã không quên đưa tiếng cười của anh Hiến – bạn anh bắt chước tiếng cười của Bá Kiến vào tác phẩm của mình. Anh đã nói với bạn bè: “Cái đất quần ngư tranh thực” này mà bây giờ biết đoàn kết nhau lại để đánh tây, cường hào ác bá thế nàyNếu không có cách mạng thì người dân nghèo ở đây luôn luôn bị chèn ép đến chết dần chết mòn hết. Những người cầm bút như chúng mình mà chưa viết được gì cho quê hương thì quả là có tội lớn. Nguyện vọng của mình là thế nào cũng phải viết về làng Đại Hoàng yêu mến của chúng ta. Chúng tôi chờ đón tấm lòng của anh với một sự mong mỏi nóng bỏng, tin tưởng.
Không ngờ,anh lại hy sinh ở chiến trường một cánh đồng nước ở thôn Mưỡu Giáp, Gia Viễn, Ninh Bình trong chuyến đi thực tế để lấy tài liệu viết về thuế nông nghiệp lúc ấy. Sau chuyến đi ấy anh đã để lại tác phẩm “Định mức”, trong tiếng thổn thức và cảm động vô cùng ông Trần Hữu Đạt mắt ướt nhoà chớp chớp Chúng tôi ai cũng lặng đi, thương nhớ về một tài năng ra đi quá sớm để lại bao niềm tiếc thương vô hạn cho chúng ta!!
        (Giáo dục và Thời đại ngày 22/05/1998 )
NHÀ VĂN NAM CAO LÀM BÀ MỐI
Chúng tôi được ông Trần Văn Đa (nhân vật Mô trong tác phẩm “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao) kể cho nghe câu chuyện về nhà văn Nam Cao như sau:
Cậu giáo Tri (tên thật nhà văn Nam Cao) làm việc rất nhiệt tình và có trách nhiệm, hay thương người lao động nghèo khổ như chúng tôi, không có sự phân biệt đối xử với người nghèo hay lao động chân tay, sống rất bình đẳng và tích cực hay giúp những người xung quanh khi có nhu cầu. Ngày ấy tôi thường ra gánh nước ở ngoài phố. Tôi gặp bà ấy nhà tôi (làm ở nhà máy da Thuỵ Khuê, Hà Nội) cùng cảnh nghèo hay nói đùa với nhau yêu nhau rồi lấy nhau. Cũng nhờ có công tác thành của cậu giáo Tri, bây giờ bà ấy nhà tôi còn nói: “Nếu không có cậu giáo Tri thi chẳng bao giờ tôi lấy ông”. Bà còn nói về cậu giáo: “Chúng tôi có gì sai sót khi phục vụ cơm nước, cậu chỉ nhỏ nhẹ bảo ban góp ý không hờn dỗi, to tiếng cáu gắt như những người khác. Cậu ấy đã nói thì rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Nói năng nhỏ nhẹ như đàn bà. Cậu rất ít đi chơi. Sống ở đất đô thành phồn hoa như vậy mà rất ít chơi bời. Ngày hai buổi dạy học rồi chỉ ở nhà đọc sách, viết báo, viết văn hay đàm dạo với Tô Hoài vì ông cũng viết báo viết văn như cậu giáo Tri”
Nghe bà nói đến đây, ông vội vàng nói tiếp:
- Chuyện của vợ chồng tôi mà cậu giáo cũng viết lên báo đấy. Nghĩ lại mà cười bò ra. Chuyện của vợ chông tôi thì có gì mà viết, có gì mà đáng đọc? Thế mà thiên hạ lại thích đọc cơ đấy! Ngẫm nghĩ lại thấy cậu giáo tài thật!!
Thật đáng tiếc, nếu ông trời không bắt cậu phải mất sớm thì chắc người ta còn được đọc nhiều chuyện hay nữa .
(Giáo dục và Thời đại ngày 05/02/1999 -  Phụ nữ Việt Nam số 03 ngày 7/01/2005)
                                                                                         
NHÀ VĂN NAM CAO CHỌN BÚT DANH
Tổ Khoa học xã hội trường THCS Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đã được những người bạn đồng môn, đồng hương, đồng chí, anh em ruột thịt của nhà văn Nam Cao kể cho nghe một số chuyện rất lý thú và quý giá. Một trong những chuyện đó là chuyện nhà văn Nam Cao chọn bút danh.
Ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) kể:
Rất nhiều bạn đồng môn, đồng hữu như ông Hoàng Tùng, Hoàng Cao và một số người có dịp gặp nhà văn đều gạn hỏi: cớ sao ông lại lấy bút danh Nam Cao?
Nhà văn tủm tỉm:
- Làng mình đã có hai ông Hoàng rồi (ý nói Hoàng Tùng, Hoàng Cao lúc đấy đang giữ trọng trách trong Đảng và quân đội) còn mình thì võ giốt lắm.
Ông Hoàng Cao – bạn thân và cũng là họ hàng với nhà văn nhớ lại: Lúc chia tay mỗi người một hướng đánh giặc. Nam Cao tâm sự với Hoàng Cao: “Chúng mình là con trai làng Đại Hoàng, trai Lý Nhân, trai Nam Sang, đi đâu, làm gì cũng phải xứng danh là trai Nam Sang nhé! Các cậu là Hoàng thì phải Huy Hoàng, Đại Hoàng nhé!
Ông Hoàng Cao nhớ rõ nhiều lần ông lục tìm các tài liệu, bản thảo còn lại của Nam Cao thì thấy bản thảo nào Nam Cao cũng đề rõ ở góc trên, bên trái, trang đầu:
Đại Nam quốc
Hà Nam tỉnh
Nam Sang huyện
Lý Nhân phủ
Cao Đà tổng
Đại Hoàng xã
Các bản thảo đều được nhà văn ghi chữ Nam, có bản lại ghi chữ Cao hoặc Nam Cao ở dưới các hàng chữ trên. Nhưng vẫn không quên ghi rõ tên Trần Hữu Tri (tên thật của nhà văn) dưới bản thảo.
Theo ông Trần Hữu Đạt thì anh trai mình lấy bút danh là Nam Cao là do nhà văn ghép chữ đầu tên huyện (Nam) với chữ đầu tên tổng (Cao) để nhớ ơn mảnh đất nơi ông đã sinh thành. Nam Cao còn có ý nghĩa là nước Nam, cao cả, cao sangnữa. Nam Cao vốn là nhà văn có lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu nhân dân vô cùng sâu sắc. Nam Cao đã có những trang viết xứng đáng với niềm tin yêu quý mến của quê hương ông. Bút danh Nam Cao sống mãi và toả sáng mãi với các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn: Chí Phèo, Lão Hạc, Sống Mòn, Đôi Mắt, Nhật Ký ở Rừng
Nam Cao đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I năm 1996. Tên của ông được trân trọng đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Hà Nam lấy tên ông đặt cho một vườn hoa – công viên ở giữa lòng thành phố Phủ Lý yêu thương. Huyện Lý Nhân chọn tên ông để đặt tên cho mái trường, nơi hun đúc những tài năng tương lai của đất nước. Uỷ ban nhân tỉnh Hà Nam đã chọn tên ông để đặt tên cho Giải báo chí của tỉnh.
Ngoài bút danh Nam Cao, nhà văn còn có một số bút danh khác: Xuân Du, Nhiêu Khê, Thuý Rư, Nguyệt
Theo nhà văn Tô Hoài, Nam Cao ký bút danh Nhiêu Khê là có ý đùa. Còn bút danh Xuân Du mà nhà văn ký dưới các bài thơ của mình là do ông lấy hai chữ ở đầu câu thơ mà nhà văn và Tô Hoài hồi ấy thường ngâm ngợi:
          Xuân du phương thảo địa
          Hạ thưởng lục hà trì
          Thu ẩm hoàng hoa tửu
          Đông ngâm bạch tuyết thi
          Tạm dịch:  
Mùa xuân chơi miền cỏ non
          Mùa hạ tắm hồ sen ngát
          Mùa thu uống rượu hoàng hoa
          Mua đông ngâm thơ tuyết trắng.
Còn bút danh Thuý Rư thì do nhà văn lấy một số chữ trong tên thật của mình (Trần Hữu Tri) để ghép lại mà thành. ở đây chữ “i” đã được thay bằng chữ “y”.
Hồi hoạt động ở Việt Bắc, Nam Cao còn có tên là Ma Văn Hữu. Nhà văn Tô Hoài lấy tên là Nông Văn Tư. Khi đi công tác Nam Cao thường đem giấy tờ mang tên Ma Văn Hữu, nghề nghiệp dạy bổ túc văn hoá. Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng trong chuyến đi cuối cùng vào Khu Bốn, ra Khu Ba, Nam Cao cũng mang theo giấy tờ ghi tên đó.
Hồi làm báo Cứu Quốc ở Việt Bắc, báo tỉnh Hà Nam, báo Quân Khu Ba Nam Cao làm ca dao còn lấy bút danh Suối Trong.
Trong tất cả các bút danh mà nhà văn đã dùng, Nam Cao là bút danh để lại trong lòng người đọc và nhân dân nhiều kỷ niệm và nhiều ý nghĩa sâu sắc nhất.
          (Báo Tiền phong số 208 Ngày 20/9/2006)                                   

NHÀ VĂN NAM CAO VỚI SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Nhà văn Nam Cao (quê ở làng Đại Hoàng xã Hoà Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam) là một người rất nghèo tiền bạc nhưng lại rất giàu tình cảm. Bản tính hiền lành lương thiện khiến ông luôn yêu thương cảm thông với những số phận có hoàn cảnh éo le, nhất là những người phụ nữ
Hồi ấy, ở làng Đại Hoàng có Lý V., là người có học lại có “máu mặt”, nhưng lại đối xử với con dâu rất tệ bạc. Bao nhiêu việc lớn việc bé trong nhà đều đổ lên đầu cô con dâu, nhưng quanh năm chị chỉ được mặc áo nâu quần vá. Một lần do quá ấm ức vì bị đối xử bất công chị đã gây xích mích với mẹ chồng. Biết chuyện, Lý V. bèn sai con trai đào một cái hố ở trước sân, bắt con dâu nằm úp cái bụng chửa – lúc này chi đã có mang 6 tháng – xuống hố. Lý V. vừa quất roi mây vào mông vừa quát tháo, bắt chị phải hứa từ nay mẹ chồng bảo gì nghe đấy, bảo sao làm vậy, cho gì ăn nấy rồi mới tha đòn. Anh con trai nhìn tận mắt vợ mình bị bố chồng đánh đòn, thương vợ lắm mà vẫn không dám hé răng bênh vực vợ nửa câu.
Chuyện có thật ở làng Đại Hoàng hồi ấy đã được nhà văn Nam Cao đau xót kể lại trong thiên phóng sự  “Cảnh làm dâu trong luỹ tre xanh” đăng trên một tờ tuần báo ở Hà Nội hồi ấy.
Những năm 1940 – 1945, ở làng Đại Hoàng có bao nhiêu người bị cái đói hoành hành. Nhiều người đã chết vì đói kém. Thế nhưng, đau đớn thay! Có người lại chết no! Truyện “Một bữa no” mà nhà văn Nam Cao viết đăng ở Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1943 – kể về một bà lão đói đã lâu ngày đến thăm cháu đang đi ở cho bà Phó Thụ, để kiếm bữa cơm cho đỡ đói. Thế rồi sau bữa no ấy, bà đã ra đi! Thật là chua chát xót xa cho thân phận người phụ nữ trong cảnh cơ hàn, đói rét, lầm than!
Bà ngoại nhà văn Nam Cao có ba người con nuôi là gì Vui, gì Tuất và gì Thảo. Nam Cao thương quý nhất là gì Thảo. Ngày còn nhỏ, Nam Cao bị bệnh yếu chân, bà Minh (mẹ nhà văn) lo chạy chợ nên nhà văn được gì Thảo chăm sóc từ nhỏ. Gì dạy cháu tập hát, tập nói lại cõng cháu đi chơi. Nam Cao đi học thầy Kí Lân, được gì dắt đi. Cháu học, gì cũng học theo. Nhờ cháu mà gì biết chữ. Lớn lên gì Thảo lấy chồng là anh Quản Phượng. Quản Phượng nghiện ngập, nhăng nhít với cô bán bánh đúc ngô trên chợ Phù Nhị, khiến gì Thảo rất khổ tâm. Năm 1942, mùa rét gì Thảo đi cấy thuê về bị cảm lạnh. Đói quá gì xin củ ráy về luộc, xin mỡ về ăn, bị tả ốm nặng. Nam Cao sang thăm, dì vẫn ngồi khâu vá mấy cái áo rách bên ổ rơm nơi góc nhà. Khi biết mình khó lòng qua khỏi, gì Thảo chỉ xin ăn một miếng trầu rồi ra đi. Con gái gì Thảo tên là Kính cuộc đời cũng lận đận chẳng kém mẹ là bao. Ngày Kính đi lấy chồng, Nam Cao đã ghi lại trong truyện “Một đám cưới nghèo”, trong đó đổi tên gì Thảo thành gì Hảo, khiến ai đọc cũng phải rưng rưng lệ. Đại Hoàng xưa la một làng rất nhiều mõ: Mõ Nhắng, mõ Nhưng, mõ Tí Tèo, mõ Quyên, mõ Văn. Mõ Nhưng có cô con gái tên là Sâm. Cô này đẹp gần nhất làng lại khéo tay, đan lát thêu thùa đều giỏi, nhưng mang tiếng là con nhà mõ nên ế chồng. Trước cảnh éo le đó, Nam Cao viết truyện “Tư cách mõ. Một kiểu người bần cùng trong xã hội bị tha hoá, đã đi vào trang văn, vào tình cảm của nhà văn nông thôn giàu lòng nhân ái như thế đó.
Làng Đại Hoàng ngày đó có ông Phó Kính chuyên đi đóng cối, có cô con gái tên là Thị Nở. Thị Nở người xấu lại dở hơi, hay cười, động một tý là lăn ra ngủ, bất kỳ chỗ nào. Thị có “tài” gia chánh đặc biệt. Bữa nào bố chồng Thị (là ông Quản Dụng) cũng la rầy Thị về tội để cơm sống, cơm khê, cơm nhão. Những lúc ấy Thị vênh mặt lên cãi lại: “Sống đâu mà sống chỉ hơi sường sượng thôi mà”. Người làng rất ít người mướn Thị làm công. Bà ngoại nhà văn Nam Cao thương tình có việc gì là gọi Thị đến làm ngay.
Cũng cảnh làm thuê, anh Đào gặp Thị Nở. Họ thành vợ chồng qua sự gán ghép của mọi người. Họ ở với nhau trong một ngôi nhà xiêu vẹo do ông Phó Kính để lại. Vợ chồng Thị Nở có một người con là Trần Bá Xuyên. Xuyên theo người làng đi tìm chú là ông Ba Lễ ở Sài Gòn rồi chết trong đó lúc đấy Xuyên 15 tuổi. Lấy anh Đào, Thị Nở vẫn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao. Nhà văn phải gọi Thị Nở là gì. Thị Nở gọi Nam Cao là cháu.
Trong truyện “Chí Phèo” Nam Cao lấy nguyên mẫu bà mẹ chồng chuyên buôn trầu không, hàng chuyến để xây dựng nhân vật bà cô Thị Nở. Đó là bà Quản Dụng có tiếng là người đàn bà cay nghiệt nhất làng Đại Hoàng.
Bà Sen (vợ nhà văn Nam Cao) kể: “Bà ngoại nhà văn rất khó tính. Cụ rất phong kiến, tính hay nói. Cụ chỉ có một mình mẹ anh Nam Cao. Chúng tôi không dám nói chuyện với nhau trước mặt cụ. Có lần tôi mệt, anh Nam Cao giặt hộ quần áo cho tôi một cách lén lút, sợ cụ biết. Lúc giặt xong anh cứ để quần áo ở chậu rồi ra hiệu cho tôi dậy phơi. Anh thường khuyên tôi: “Bà có nói gì, cứ để bà nói. Nhịn là tốt nhất. Cuộc đời cụ khổ lắm. Chồng chết sớm, cụ một mình nuôi con vất vả”.
Ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) cũng kể:
Chính ông đã thấy mấy đêm Nam Cao vừa viết văn vừa khóc, nhưng rồi anh lại cắn môi không để cho cảm xúc trào dâng, một tay tỳ vào bàn viết, một tay tỳ vào ngực như để ngăn cảm xúc của mình. Viết xong nhà văn cho bài vào phòng bì dán kín lại, nhờ ông Đạt đem gửi cho nhà xuất bản ở Hà Nội. Sau này ông biết đó là Truyện Chí Phèo (lúc đó có tên là Cái lò gạch cũ)
Quả thực, Nam Cao là một nhà văn lớn – một nhà văn luôn luôn hướng tấm lòng chân tình, rộng mở của mình đến số phận đau khổ, éo le, chua xót của những người phụ nữ yêu thương, gắn bó của mình, của nhân loại!
(Báo Phụ nữ Việt Nam số 24- Ngày 24/2/2006)                                                                             
NGƯỜI KHƠI NGUỒN VÀ NUÔI DƯỠNG MẠCH VĂN CỦA NHÀ VĂN NAM CAO
Bà Trần Thị Sen (vợ nhà văn Nam Cao) sinh năm 1916 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bà sống tại quê nhà gần 40 năm; còn lại là thời gian bà sống tại Thành Nam cùng các con.
          Cha bà là ông Trần Duy Thản, làm chánh hội nên thường gọi là chánh Thản. Cụ Thản có 3 vợ. Mẹ bà Sen là vợ thứ 3, tên là Trần Thị Quyên, sinh được 5 người con gái và 1 người con trai. Bà Sen là con gái thứ 4. Nhà đông chị em, nên từ nhỏ bà Sen đã thạo nghề canh cửi, chợ búa, đồng áng, các việc vặt trong nhà.
          Đám cưới của bà Sen và Trần Hữu Tri (Nam Cao) phải tổ chức chạy tang ông quản Nhã (em ruột ông ngoại Nam Cao) vườn nhà bà Sen gần vườn nhà Nam Cao. Cuối năm 1935 đầu năm 1936, Nam Cao đi Sài Gòn. Ba năm sau, bà sinh con gái đầu lòng đặt tên là Trần Thị Hồng (trong tác phẩm văn học, Nam Cao gọi là Hường). Sau chuyến đi này, Nam Cao bị bệnh tê chân, bà Sen phải chạy chữa mấy năm mới khỏi.
          Bố đẻ nhà văn Nam Cao là nhà nho, gia đình làm ăn căn cơ, nền nếp lắm. Trần Hữu Tri hồi ấy chưa có tiếng tăm gì về văn nghiệp, mới học tới bằng tú tài, rất tử tế hiền lành, ít nói. Ông chánh Thản rất quý mến Tri, cho con gái nhà mình làm dâu nhà cụ phó Huệ.
          Có lần cậu tú Tri nhỏ nhẹ với Sen:
-  Lấy anh, chắc là em sẽ khổ. Chẳng bằng bà Ký, bà Phán, bà Chánh, bà Lý. Anh còn phải đi học tiếp, ở xa. Em có chịu được không?
Bà Sen âu yếm nhìn chồng, dứt khoát:
- Em chẳng ngại vất vả. Chỉ mong anh khỏe mạnh, chung thủy, thành đạt.
Rồi họ chia tay nhau trong niềm nhớ thương da diết.
Năm 1938, do ốm đau, cậu tú Tri trở về Bắc, xin việc ở thành Nam nhưng không được đành lên Hà Nội dạy học tư cho người anh họ, ở Thụy Khuê, cạnh Hồ Tây. Mùa xuân đẹp nhất và có ý nghĩa nhât đối với cô Sen và cậu tú Tri là mùa xuân năm 1939 gia đình được đón thầy giáo Tri về quê ăn Tết. Sau mùa xuân năm đó, bà có mang, sinh con đầu lòng. Năm sau, hai vợ chồng bà mua được ngôi nhà bé nhỏ dựng bên bờ sông Châu, do tiền dạy học tiết kiệm được của chồng và bà vay thêm chút ít. Tiếp đấy, lần lượt các con Thiên, Thành chào đời trong ngôi nhà yêu thương ấy
          Bà Sen là một phụ nữ chịu thương chịu khó, giỏi gánh vác công việc gia đình nuôi con trong nhiều năm tháng kháng chiến. Bà đã có công trong sự nghiệp văn học của chồng, sự nghiệp khoa học của các con. Năm 1996, Nhà nước phong tặng Giải thương Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I cho nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Đến năm 2000, con trai của nhà văn Tiến sỹ Giáo sư Trần Mai Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Công nghệ - Khoa học . Hai lần vinh dự lớn đã đến với bà Sen người vợ nhà văn liệt sỹ Nam Cao.
          Năm 1951, nhà văn Nam Cao hy sinh tại Ninh Bình. Khi đó bà Sen mới 35 tuổi. Bà ở vậy nuôi con, thờ chồng. Ông bà được 5 người con. Con cả là Trần Thị Hồng làm ở Viện dệt Nam Định ( nay đã nghỉ hưu) ở số nhà 16 phố Nguyễn Du Nam Định. Tiếp theo là Trần Mai Thiên Tiến sỹ Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ( nay đã nghỉ hưu). Sau đó là Trần Hữu Thành (cán bộ tổ chức Xí nghiệp Sơn Nam Nam Định). Kế đó là Trần Hữu Thực (Bí thư đoàn thanh niên Nhà máy dệt Nam Định). Còn con út là Trần Bình Yên mất năm đói kém 1945
           Điều đáng chú ý là bằng vốn sống thực tế của mình, bà Sen đã nhiều lần kể cho nhà văn Nam Cao nhiều mẫu người, nhiều sự việc có thật ở quê nhà. Từ đó, Nam Cao viết được nhiều truyện ngắn chân thực về nông thôn Việt Nam
           Một lần vợ nhà văn đi chợ và dặn ông ở nhà coi thóc phơi ở sân kẻo gà ăn mất. Nhà văn mang ghế ra ngồi ở đầu hè hút thuốc lào, uống nước chè xanh, trông thóc cho vợ. Chợt cảm hứng văn thơ nổi lên, ông đứng ngay dậy ngồi vào bàn viết trong nhà, viết liên hồi, quên cả nhiệm vụ coi thóc. Khi bà về đến nhà thì ôi thôi gà đã ăn bay mất một gọc sân thóc.
- Ối dời ơi! Gà ăn hết thóc rồi! Bà hốt hoảng kêu to
Lúc đó nhà văn mới bừng tỉnh lập cập bước ra, nói với vợ giọng thảng thốt:
- Trời! Bà đã lùa hết đàn ong vàng của tôi đi rồi!
Bà Sen chẳng hiểu gì cả:
- Ong vàng nào? Ong vàng ở đâu?  Ông tỉnh hay mê đấy!?
Nam Cao chẳng nói chẳng rằng,bỏ vào nhà như người mất hồn. Thì ra ông đã ví những cảm hứng văn chương của ông là đàn ong vàng và đàn ong ấy đã bay đi mất khi bà đuổi gà thay ông
          Hiểu ra hoàn cảnh của chồng lúc ấy, bà thấy thương ông hơn, thông cảm với ông hơn, không nghĩ đến những hạt thóc bị gà ăn mất
          Bà Sen còn nhớ: Có những lần thấy quần áo các con rách quá, ông rất buồn, bảo bà cố vá cho chúng. Ông thường an ủi bà: Thế nào con của chúng ta cũng sẽ có áo đẹp. Ngồi vá quần áo cho các con, mà nước mắt bà cứ chảy hoài.
          Nhiếu lần Tô Hoài về nhà văn Nam Cao chơi. Bà Sen nấu cá kho, nấu món chuối xanh cho chồng tiếp bạn. Đại Hoàng có món cá kho nổi tiếng, rất đặc biệt trong cách chế biến để chục ngày mà vẵn không bị thiu ôi. Tết đến, Xuân về nhà nào cũng kho một nồi thật ngon để ăn tết. Bây giờ món đặc sản ẩm thực này đã trở thành
thương hiệu”: “Cá kho Nhân Hậu, nhiều nơi về đặt hàng trước tết hàng tháng với số lượng lớn. Xã Hòa Hậu có nhiều nhà chuyên kho cá tết để bán. Có nhà kho cá tết kiếm 4 5 chục triệu đồng. Người bán nguyên liệu để kho cá tết cũng kiếm. Đắt hàng trong, bong hàng ngoàimà!
          Các nhà văn Kim Lân, Tô Hoài cứ nhớ mãi món cá kho, chuối xanh, nước chè xanh cùng những điếu thuốc lào thơm ngon, say khói thuốc mà bà Sen sắm cho chồng tiếp bạn văn của mình ở quê hương Đại Hoàng Vũ Đại yêu dấu của Nam Cao
          Lúc còn sống, Nam Cao thường ao ước sau này hai gia đình ông và Tô Hoài sẽ trở thành thông gia. Nhưng tiếc là các cháu lại không hợp nhau.
          Khi chia tay lần cuối với vợ, Nam Cao nói:
- Anh sẽ đi công tác vào vùng địch hậu. Anh nhờ em may cho hai bộ quần áo nâu
Bà Sen còn nhuộm cho chồng một cái khăn quấn đầu cũng màu nâu
Đêm trước ngày đi, nhà văn cầm đèn soi ngắm các con thân yêu. Thấy các con gầy yếu, ông nắn chân nắn tay cho các con. Sáng ra đi, bà tiễn chồng một đoạn đường. Nam Cao nói chuyện vui đùa với vợ để bà khuây khỏa nỗi buồn. Nhà văn nói sẽ viết một chuyện về làng quê mình thật hay và có ý nghĩa. Có tiền nhuận bút sẽ may cho con quần áo thật đẹp. Bà nhớ rõ, lần nhận nhuận bút quyển Chí Phèo (lúc ấy là “Đôi lứa xứng đôi”), nhà văn đem đãi bạn bè món thịt chó hết cả, về đến nhà không còn đồng nào.
Làng Đại Hoàng có nghề dệt vải truyền thống. Mẹ nhà văn chuyên dệt vải. Bà ngoại nhà văn Nam Cao rất khó tính, hay nói nhiều thành lắm điều. Cụ rất phong kiến. Cụ chỉ có mình mẹ nhà văn. Bà Sen kể: Rất ít khi bà và nhà văn Nam Cao giám nói chuyện với nhau trước mặt cụ. Có lần bà Sen ốm mệt, Nam Cao lén giặt quần áo cho vợ, sợ cụ biết; giặt xong, Nam Cao để quần áo ở chậu, ra hiệu cho vợ dậy phơi. Nam Cao thường khuyên vợ: Bà có nói gì, cứ để bà nói, nhịn là tốt nhất. Cuộc đời cụ khổ, chồng chết sơm, cụ một minh nuôi con vất vả vô cùng. Bà Sen kể: Do yêu Nam Cao mà bà đã chịu đựng mọi lời mắng mỏ của cụ. Nhiều khi ức và oan uổng quá, bà chỉ khoc thầm khóc vụng.
Bà kể tiếp: Sau khi sinh cháu Hồng được 5 tháng, vợ chông bà ra ở riêng. Nhà nhỏ lợp bằng tre. Nhà mua của người thua bạc, vợ chết. Nam Cao rầy la vợ mãi về chuyện này. Tính anh nhân hậu, rất hay thương người, nhất là những người nghèo khổ, lương thiện. Họ sảy ra chuyện mua nhà như vậy, anh rất day dứt. Anh thường nói: Đòi như một cái chăn hẹp hễ người này ấm thì người kia bị rét.
Khi cháu Thực được 6 tháng thì bà nghe tin Nam Cao hy sinh. Bà cuống lên, không tin. Sau nghe nói lại là Văn Cao chứ không phải Nam Cao. Nhưng có tin báo Nam Cao hy sinh thật. Cơ quan cử người mang về cho bà một áo sơ mi cỏ úa, một bộ quấn áo nâu, một nửa đồng cân vàng của anh gửi lại trước lúc vào địch hậu.
Sau đó cháu Thiên được Tô Hoài đón về chăm sóc, cho đi học. Thiên được nhà nước cử đi học nước ngoài. Nhớ chồng, thương con bà lao vào làm việc cho quên nỗi buồn. Bà chẳng bao giờ quên lời chông dặn: Cố gắng làm lụng để nuôi con ăn học. Nhìn các con nay đều trưởng thành cả, bà hả dạ. Bà nghĩ: Mình đã xứng đáng với lòng tin cậy của Nam Cao. Bà thường đi bán trầu vỏ để kiểm thêm tiền chi tiêu. Bà tâm niệm lời chồng dặn: cố sống, không dựa vào ai, kẻ cả con! Nhưng bà đã được các con chăm sóc chu đáo lúc về già
Bà Sen có hai nguyện ước: Một là trước vong linh ông ấy sống vậy nuôi các con bằng người, nay đã đạt; Hai là chỉ có thể nhắm mắt xuôi tay khi tìm được hài cốt chồng, đưa về quê hương
Ngày 18 tháng 1 năm 1998, lễ đón nhận di hài nhà văn liệt sỹ Nam Cao được cử hành trọng thể nơi quê hương ông tại xã Hòa Hậu Lý Nhân Hà Nam. Nơi ông yên nghỉ ngàn thu chính là mảnh đất của giáo Thứ năm xưa, gần với mảnh vườn của lão Hạc, nhân vật trong tác phẩm cùng tên của nhà văn. Phần mộ của ông và Nhà tưởng niệm của nhà văn liệt sỹ Nam Cao lúc nào cũng nghi ngút khói hương và thơm hương hoa tươi. Bà Sen đã thỏa lòng nguyện ước. Nhưng rồi, bà cũng không thể sống bên các con và gia đình mãi được. Quy luật của tạo hóa mà. Bà đã đi gặp ông nhà ngày 30/7/2002, để lại niềm tiếc thương, nhớ nhung da diết của con cháu, gia đình, họ hàng, xóm giềng, lối phố.
Bà là người đã khơi nguồn và nuôi dưỡng mạch văn của nhà văn Nam Cao. Chúng ta xin ngàn lần cảm ơn bà !!(Báo Phụ nữ Việt Nam số 5 - Ngày 11/1/2006 )
                                                                             
NHÀ VĂN NAM CAO ĐẶT TÊN CHO CON
          Chúng tôi được ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, kể cho nghe một số chuyện thú vị về nhà văn Nam Cao.
          Một trong những chuyện ấy là chuyện nhà văn Nam Cao đặt tên cho con.
Nhà văn và vợ là bà Trần Thị Sen, sinh hạ được 5 người con: Trần Thị Hồng, Trần Mai Thiên, Trần Hữu Thành, Trần Hữu Thực và Bình Yên (Bình Yên đã mất năm đói kém 1945). Trong 5 người con đó, trừ Mai Thiên do chính nhà văn Nam Cao đặt tên cho, còn những người khác đều do ông cụ thân sinh ra nhà văn (cụ Trần Hữu Huệ) đặt tên. Cụ Huệ là người thông hiểu nho học.
         Nam Cao có người bạn thân cùng học hành từ nhỏ, nguyên mẫu nhân vật Đích trong tác phẩm “Sống mòn” là Trần Đức Bao. Ông có vợ là Phượng (nguyên mẫu nhân vật Oanh trong “Sống mòn”). Hai vợ chồng ông sinh được người con trai quý đặt tên là Trần Đức Hoàng. Biết thế, Nam Cao hóm hỉnh vừa đùa vừa thật nói với vợ chồng bạn:
- Hoàng nghĩa là vua, vậy thì tôi sẽ đặt tên con tôi là Thiên (nghĩa là Trời) cho
cao hơn
         Quả nhiên, sau này, người con ấy của anh - Trần Mai Thiên - đã rất thành đạt. Anh đã trở thành tiến sĩ, giáo sư, Viện trưởng Viện nghiên cứu thủy sản I; được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II năm 2000 (Nhà văn Nam Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996).
        Các con khác của Nam Cao đều trưởng thành cả. Chị Hồng là giáo viên trường Công nhân kỹ thuật Dệt Nam Định; anh Thành là cán bộ tổ chức Xí nghiệp dệt Sơn Nam (Nam Định); Anh Thực là Bí thư Đoàn thanh niên nhà máy Dệt Nam Định.
  (Báo Tiền phong số 58 - Ngày 22/3/2006 -Báo Đại đoàn kết số 58 – ngày 28/7/2006)
 
NHÀ VĂN NAM CAO DẠY CON
         Theo lời kể của bà Trần Thị Hồng - con gái nhà văn Nam Cao, thì Nam Cao là một người cha rất nghiêm nghị và ít thổ lộ tình cảm nhưng đối với vợ, con Nam Cao yêu thương hết mực.
         Bà Hồng lúc nhỏ làm gì cũng chậm, ăn cũng chậm. Thấy con gái luôn ngồi sau cùng bên mâm cơm, Nam Cao bảo: “Con gái ăn chậm thế, sau này đi làm dâu chỉ có mà nhịn đói suốt”.
         Về tính kiên nhẫn thì Nam Cao và vợ là bà Trần Thị Sen trái ngược nhau. Mỗi lần con khóc để vòi vĩnh điều gì, thì bà Sen hoặc là dỗ dành mọi cách để cho con nín hoặc là bực tức đánh mắng. Còn Nam Cao, ông có thể ngồi hàng giờ bên tiếng khóc. Một lần bà Sen đi chợ, trời mưa tầm tã, rả rích, cậu con trai Mai Thiên khóc nhè, khóc rất lâu. Nam Cao chả dỗ dành gì, cũng không tức giận, mà bảo: “Con cứ khóc nữa đi nhá, bao giờ không thích khóc nữa thì bảo cậu!”.
         Quả nhiên, sau đó một lúc, cậu ta nín ngay và gọi: “Cậu ơi! Con không khóc nữa đâu!”
         Nam Cao cười: “Thế thôi! Lại đây chơi với cậu”. Từ đó, nếu ở bên Nam Cao, Mai Thiên không mấy khi khóc.
         Nam Cao thường nói với vợ: “Phải cho các con đi học, phải để chúng tự làm mọi việc”.
         Trong “Nhật ký Ở rừng”, Nam Cao viết: “Thiên ơi! Cha sẽ mạnh dạn ném con vào đời và cuộc đời sẽ luyện cho con nhanh chóng hơn cha luyện”.
         Nam Cao rât chiều con, không hề đánh con. Có lân Mai Thiên khóc rất dai bên mẹ. Nhà văn lại đến dỗ dành Thiên, nói khéo là thầy rất đói, Mai Thiên có thể đi mua giúp thầy mấy tấm bánh đa vừng được không? Thế là Mai Thiên hết khóc sà vào lòng mẹ xin tiền đi mua bánh đa. Hai bố con vui vẻ ăn bánh đa.
         Sau này, anh Trần Mai Thiên đã phấn đấu trở thành giáo sư – tiến sĩ – Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Anh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000 về Công nghệ và Khoa học
       Thật vinh dự cho hai cha con nhà văn Nam Cao và Trần Mai Thiên đều được tặng giải thưởng cao quý (Nhà văn Nam Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 về Văn học nghệ thuật)
                             (Tiền Phong số 142- ngày 14/7/2006)
NHÀ VĂN NAM CAO VỚI TỔ CHỨC ĐOÀN VÀ THANH NIÊN
Chúng tôi được ông Trần Đức Hiến –lão thành cách mạng, người đồng chí của nhà văn liệt sỹ Nam Cao – quê ở Đại Hoàng, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam kể cho nghe câu chuyện về nhà văn Nam Cao với Đoàn và thanh niên hồi kháng chiến chống Pháp như sau:
Sau khi nghỉ dạy học ở Hà Nội, anh Nam Cao về làng, hoạt động tuyên truyền trong đám thanh niên tiến bộ. Anh Tri (tên thật nhà văn Nam Cao) nói về tương lai của đất nước và của nhân dân, nhất là của thanh niên rất xán lạn. Nào là có micơrô truyền qua loa dẫn để cho nhiều người cùng nghe, nào là có máy cày, máy bừa, máy gặt, nào là cho tư bản vào làm kinh tế ở nước ta, sau một thời gian nhất định họ trả lại ta những nhà máy, công trình mà họ đã đầu tư để ta khai thác xây dựng đất nước, làm giầu cho Tổ quốc
  Đến nay, ngồi nghĩ lại, chúng tôi thấy lời anh nói đúng là sự thật. Chúng tôi càng khâm phục và tiếc thương anh
Anh viết văn thì trôi chảy như vậy, nhưng anh đứng trước công chúng, nhất là đám thanh niên chúng tôi, thì hai tai đỏ nhừ như hai quả nhót chín ửng, trông thật buồn cười. Tính anh nhút nhát, rụt rè ít nói, nhưng đã nói thì rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Anh hóm hỉnh, khôi hài lắm.
Anh Nam Cao rất có ý thức về đoàn thể. Chẳng hạn như khi đi thoát ly, anh chưa kịp lấy giấy chuyển sinh hoạt  Đoàn, anh yêu cầu tôi thu đoàn phí của anh và giới thiệu sinh hoạt cho anh đến cơ quan khác. Tôi cười khà khà:
Thôi xí xóa. Bây giờ cho Đoàn đi tản cư rồi. Chỉ còn mấy anh ở lại nắm tình hình và khôi phục dần. Còn giới thiệu sinh hoạt Đoàn thì tôi giới thiệu bằng miệng vậy. Mấy đồng chí cùng đi làm chứng cho nhé. Giấy bút sổ sách tôi chôn cất dấu cả rồi. Tất cả chúng tôi cùng đổ ra cười sảng khoái ở ngôi nhà ọp ẹp của ông Trần Bình Ngân (xóm 9 Nhân Hậu bây giờ).
Nam Cao đã từng tập viết những vở kịch cho cánh thanh niên công tác ở quê diễn ra trong những ngày lễ của nhà thờ, được mọi người khen ngợi và tán thưởng.
Nam Cao là người có công nhóm lửa, đưa đường, giác ngộ cho cánh thanh niên ở làng ra đi hoạt động cách mạng và trưởng thành từ đó. Nay tôi đã nghỉ hưu tại quê nhà, nghĩ lại thời ấy, không thể nào quên anh được Nhớ lắm Nam Cao - người bạn cùng chí hướng, cùng quê hương của tôi!
                              (Tiền Phong ngày 21/6/1998)                                                                      

NHÀ VĂN NAM CAO VÀ NGƯỜI LÀM THUÊ CHO NHÀ MÌNH
               Chúng tôi được ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam kể cho nghe câu chuyện rất cảm động về nhà văn Nam Cao với người làm thuê cho nhà mình, như sau:
          Lần ấy, nhà Nam Cao có việc phải đi mượn người đến làm giúp. Vợ anh bà Trần Thị Sen đi mua bánh đúc về cho người làm ăn sáng (gọi là nước sáng”); mua bún về cho Nam Cao và các con ăn.
          Thấy vậy, Nam Cao bắt bê cả bún ra cùng bánh đúc rồi cả người làm và người nhà cùng ăn.
          Người làm nghỉ uống nước, hút thuốc lào, anh cũng buông bút để cùng trò chuyện thân mật vui vẻ, cởi mở. Chẳng còn gì là ngăn cách, hay phân biệt giữa người làm thuê và anh người mà bao nhiêu người xung quanh vẫn gọi là Ông giáo một cách kính trọng.
                          (Tiền Phong ngày 28/3/1998)

MONG SAO “VƯỜN HIỆN THỰC NAM CAO” SỚM TRỞ THÀNH HIỆN THỰC!
          Vườn hiện thực Nam Cao do họa sĩ Trịnh Yên phác thảo đặt tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
          Trung tâm giao lưu văn hóa thế giới (UNESCO) phối hợp với ngành Văn hóa Việt Nam tổ chức thực hiện công trình này. Vườn hiện thực Nam Cao, theo thiết kế có diện tích từ 3000 đến 4000m2. Vườn có bố cục trồng cây xanh xung quanh vườn như: Chuối ngự  Đại Hoàng, hồng Nhân Hậu, chuối tiêu hồng, ngâu, hòe và một số loại cây lưu niên và cây cảnh khác. Phần mộ nhà văn được đặt bên mép dưới cuốn sách mở. Trên một trang sách có trang trí phù điêu trích từ một số cốt truyện của nhà văn Nam Cao. Phần mộ có bố cục đế vuông rất chắc chắn xinh xắn, trang nghiêm. Tầng bát giác tháp trên là nửa hình tròn. Dự định sẽ đặt 50 pho tượng của nhiều nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao trong khuôn viên của vườn.
          Vườn hiện thực Nam Cao có ý nghĩa như một di tích danh nhân, vừa là văn hóa đặt trưng tiêu biểu cho thời kì văn học hiện thực cách mạng mà Nam Cao xứng đáng là đại diện của dòng văn học này.
          Vườn hiện thực Nam Caocòn đáp ứng khát vọng của nhân dân, nhất là lớp trẻ từng được truyền bá các kiến thức tư tưởng tình cảm thời đại mà văn học trong đó Nam Cao đã và đang góp phần trong việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ.
          Vì nhiều lý do, đến nay phần mộ nhà văn liệt sỹ Nam Cao đã được hoàn thành, nhưng Vườn hiện thực Nam Caothì vẫn chưa được xúc tiến các bước tiếp theo. Nhân dân và gia đình nhà văn liệt sĩ Nam Cao rất mong được các cơ quan cấp trên quan tâm tiến hành xây dựng tiếp khu vườn đầy ý nghĩa này. Đảng ủy, UBND địa phương đã và đang tích cực xúc tiến những bước cần thiết để sớm mongVườn hiện thực Nam Caotrở thành hiện thực. Vì đây là ước nguyện chính đáng của toàn thể bạn đọc trong nước và cả nước ngoài đối với nhà văn liệt sĩ Nam Cao.
          Chúng tôi được ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) kể cho nghe câu chuyện rất thú vị: Toàn bộ khuôn viên Vườn hiện thực Nam Cao nằm trong khu nhà của gia đình Lão Hạc (nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao) nơi đây trước là đất của Lý Hiếu, con trai Bá Kiến (trong tác phẩm Chí Phèo). Chỗ này hồi năm 1943, 1944, là phần đất của chính nhà văn từng ở.
          Còn nhớ, lúc đầu gia đình nhà văn cũng như chính quyền địa phương có ý định đặt khu Vườn hiện thực Nam Cao ở khu vườn vải của xã (Xóm 9, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam bây giờ). Nhưng do thế đất hẹp, nên Vườn hiện thực Nam Caođã được đặt ở vị trí trung tâm của xã, đối diện với sân vận động của xã, bên dòng sông Châu thơ mộng của quê hương nhà văn. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên do tổ tìm hài cốt Nam Cao quyết định chọn lựa hay mệnh trời xếp đặt nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn liệt sĩ Nam Cao người đã sáng tác nên Chí Phèo nổi tiếng??
                                  (Tiền Phong số 6 ngày 13/01/2001)
NHỮNG TRÙNG HỢP LẠ LÙNG VÀ MAY MẮN TRONG QUÁ TRÌNH ĐI TÌM PHẦN MỘ NHÀ VĂN NAM CAO
          Trần Hữu Tri là tên thật của nhà văn liệt sĩ Nam Cao. Ông sinh ngày 29 tháng 10 năm 1915 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng: Chí Phèo, Lão Hạc, Sống Mòn, Đôi Mắt
          Ông hy sinh ngày 30 tháng 11 năm 1951 ở tuổi đầy tài năng và nhiệt huyết. Trên đường đi công tác trong đoàn chỉ đạo thuế nông nghiệp ở liên khu Ba, ông bị giặc phục kích và bắn chết tại cánh đồng Mưỡu Giáp, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cơ sở của ta đã chôn cất ông cùng ba đồng đội trong niềm tiếc thương của mọi người. Ngày cải táng phần mộ của các liệt sĩ (năm 1955) có phần mộ của nhà văn Nam Cao được xã Gia Xuân quy tập về  nghĩa trang thôn Vũ Đại, sau lại chuyển về núi Bài Thơ gần thắng cảnh Địch Lộng. Mười năm sau (1965), huyện Gia Viễn xây xong nghĩa trang liệt sĩ của huyện đã quy tập phần mộ của các liệt sĩ trong huyện về thị trần Me. Lần này, khi di chuyển hài cốt của liệt sĩ nhà văn Nam Cao cùng đồng đội có ghi đặc điểm từng mộ dán lên tiểu. Nhưng trên đường qua cầu Gián Khẩu bị máy bay Mỹ đánh phá cầu, rồi mưa lớn trút nước, làm bong những tờ gấy ghi đặc điểm các phần mộ liệt sĩ. Thế là chẳng còn nhận ra đặc điểm của từng phần mộ các liệt sĩ nữa. Các tiểu sành giống nhau đã hòa đồng các liệt sĩ trong cái nghĩa Vô danh. Năm tháng trôi đi, giữa 814 mộ liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang thị trấn Me ấy, chẳng ai nhận ra đâu là phần mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao.
          Gần 5 thập kỉ trôi qua, trong lòng bà Trần Thị Sen (vợ nhà văn liệt sĩ Nam Cao) lúc nào cũng canh cánh một nỗi niềm, một nguyện ước: Mong sao sớm đua hài cốt của nhà văn về quê cha đất tổ!.
          Hội nhà văn Việt Nam, câu lạc bộ UNESCO Việt Nam cùng 35 cơ quan, đơn vị đoàn thể và gia đình cố nhà văn đã hưởng ứng tích cực và thực hiện Chương trình tìm lại Nam Cao do Hiệp hội UNESCO Việt Nam đề xướng.
          Công việc tìm kiếm, nhận diện ngôi mộ và hài cốt nhà văn được triển khai trên nhiều hướng, với nhiều phương pháp khác nhau, phương tiện hiện đại, kết hợp kinh nghiệm dân gian và kiểm định của các nhà khoa học. Đây là một việc làm rất thận trọng, công phu, bảo đảm tính khoa học,vì thế kết quả rất đáng tin cậy. Di hài nhà văn đã được nhận diện. Ngày 18/1/ 1998, Lễ đón rước hài cốt nhà văn về mai táng ở quê nhà tại khu vườn Vườn hiện thực Nam Cao thuộc làng Đại Hoàng xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam  đã được long trọng tổ chức.
          Các chuyên gia dân dã đã đóng góp một phần công sức, trí tuệ và tài năng của mình vào việc tìm lại Nam Cao. Các ông bà Trần Ngọc Kiệm (Nam Định), Phan Thị Bích Hằng, Doãn Phú, Thẩm Thúy Hoàn (đều ở Hà Nội) đã được Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng (UIA), mời tham dự chương trình đầy nghĩa cử này. Ảnh của nhà văn Nam Cao đã được trao tận tay từng người. Họ không biết những ai được tham gia. Mỗi người tiếp cận cố nhà văn theo cách riêng của mình và thông tin nhận được sẽ ghi ra tờ giấy bỏ trong phong bì dán kín gửi tới Liên hiệp UIA (vào cuối tháng 11/1996)
          Các chuyên gia lần lượt đưa ý kiến của mình. Họ đều có những điểm giống nhau: Mộ và hài cốt Nam Cao vẫn còn, trong nghĩa trang liệt sỹ. Có thể tìm thấy. Vào nghĩa trang phải qua cây cầu bằng xi măng, đường lát gạch. Ngôi mộ số 306 là của nhà văn Nam Cao. Mộ có lẫn một ít xương nhỏ của đồng đội.
          Tuy nhiên, vẫn còn một số thông tin khác không giống nhau, âu cũng là lẽ thường tình.
          Chị Phan Thị Bích Hằng cho hay: Mộ của nhà văn vị trí đặt tiểu hơi nghiêng về phía Tây Nam khoảng 10 độ, khi đào tiểu lên, nhìn thẳng mặt liệt sĩ về phía tay phải tiểu bị nứt khoảng 10cm. Khi khai mộ mọi người thấy chị đoán đúng. Mọi người càng thêm tin tưởng vào công việc của mình đang làm.
          Ông Trần Ngọc Kiệm nói : Xương đùi trái của nhà văn bị gãy.
          Ông Doãn Phú cho biết: Xương chân trái gãy nát, một vết dạn trên trán bên trái, vết nứt trên sọ não…”
          Sau đó Viện khoa học hình sự (Bộ Nội vụ) bằng phương pháp khoa học đã xác định những thông tin trên là đúng. Mọi người càng kinh ngạc và càng tin tưởng, yên tâm.
          Chúng tôi được ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) kể cho nghe như sau: Khi khai mộ, lúc mở nắp tiểu ra, tự nhiên linh tính giục ông thốt ra lời:
          - Ối anh ơi, em được thấy anh rồi. Đúng khuôn mặt của anh đây rồi! Suốt 47 năm nay, em và các cháu đi tìm anh đây!”.
          Để khẳng định đúng là hài cốt  nhà văn, ngay đêm ấy lúc 3h15 phút, hài cốt của nhà văn đã được đưa về Viện khoa học hình sự (Bộ Nội vụ) để tiến hành nhận dạng về mặt thể chất trong sự phấp phỏng của gia đình nhà văn và mọi người tham gia chương trình tìm lại Nam Cao.
          Tay run run nâng chén nước mời chúng tôi, ông Đạt còn kể tiếp: Một cán bộ Viện khoa học hỏi chúng tôi:
- Có phải nhà văn bị vẩu?
- Không! chúng tôi trả lời.
          Liền lúc ấy, một người phụ nữ bước vào phòng. Người giám định viên nói luôn.
          - Không phải vẩu mà răng hàm hơi bị nhô ra so với hàm dưới như chị phụ nữ kia kìa.
          Chúng tôi nhìn ra thì đó là cháu Hồng, con gái đầu lòng của nhà văn.
          Một chuyên viên nhận dạng hỏi chúng tôi: Về chiếc răng số 7 không phải gãy, cũng không sún, mà chỉ còn 1 nửa răng phía dưới, có phải răng của liệt sỹ không?
          Lập tức, chúng tôi phải điện về Nam Định hỏi chị Sen. Chị Sen bảo rằng: chiếc răng số 7 của nhà tôi lạ lắm không phải sún, không phải gãy, nhưng chỉ mọc một nửa chừng. Vậy là đúng anh ấy rồi!
          Vấn đề đã được khẳng định. Đúng 2h sáng 18/01/1998 từ Viện khoa học hình sự, hài cốt của nhà văn được bàn giao về quê hương ộng. Đoàn xe ô tô gần 30 chiếc từ Hà Nội về , dừng ở Cầu Giẽ để thả chiếc tiểu cũ từng đựng hài cốt nhà văn, xuôi dòng suối Yến, nơi thắng cảnh chùa Hương.
           Đón ông ở quê nhà, có đầy đủ các Ban ngành đoàn thể của địa phương Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và khách Trung ương. Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Kim Lân. Các nghệ sĩ Bùi Cường (đóng vai Chí Phèo), Hữu Mười (đóng vai giáo Thứ), Hoàng Yến (đóng vai vợ ba Bá Kiến). Cùng có mặt trong buổi đón rước đầy thiêng liêng, xúc động, các đại biểu, bạn bè, họ hàng, gia đình cảm động thả những năm đất xuống nơi yên nghỉ ngàn thu của nhà văn yêu dấu.
          Lại nói về những người góp phần tìm lại Nam Cao Phan Thị Bích Hằng, trong một cuộc họp, bất thình lình hỏi:
- Có ai là cụ Phan Văn Phán ở đây không? cụ Nam Cao nói cụ Phán cùng đi trong chuyến công tác ấy, biết rất rõ sự việc sẽ kể lại cho bà con nghe.         
          Hôm ấy, cu Phán có dự họp, sau đó khi ra thắp hương trên mộ số 306 cụ đã rưng rưng kể lại từng chi tiết về trường hợp hy sinh của nhà văn Nam Cao.
           Bích Hằng hỏi tiếp:
- Ở đây có ai là cụ Trần Thị Sen (vợ nhà văn) và bác Mai Thiên (con trai nhà văn)? Lúc ấy chỉ có mặt bác Mai Thiên. Bích Hằng lại hỏi tiếp:
- Có ai là bà Nghị và cô Thảo? Ông Thao muốn gặp bà và con gái đấy!
          Bà Nghị nghe gọi tên mình, tên con gái và tên chồng, thật bất ngờ bà và con gái khóc òa Ông Nguyễn Văn Thao khi ấy là Ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình, trưởng đoàn công tác, bị địch bắt và sát hại cùng ngày với Nam Cao.
          Qua câu chuyện, chúng tôi còn được một số thành viên trong ban điều hành Chương trình tìm lại Nam Cao cho hay:
          Nhà văn Trần Ngọc Lân, một thành viên trong ban điều hành chương trình đã thực hiện hai trắc nghiệm không có trong dự định của kế hoạch từ trước) song song với việc giám định bằng phương pháp khoa học.
          Trắc nghiệm 1: Ông gọi điện thoại hỏi Bích Hằng vào lúc 8h30 phút ngày 9/01/1998 (chỉ sau vài giờ hài cốt của Nam Cao được đưa về Viện khoa học hình sự).
          Bích Hằng tuy không được báo trước và không có mặt ở hiện trường lúc khai mộ, nhưng chị đã cho biết Mộ của bác Nam Cao (số 306) đã được khai chuyển đêm 8 rạng 9/01/1998, không có mặt bác gái (bà Sen) có em trai bác Nam Cao (ông Đạt) và hai con trai bác là Thành và Thực. Có cô cả con gái nhà văn (cô Hồng) và dâu, rể và một người đàn ông dòng tộc khác (cháu rể Nam Cao).
          Thực tế diễn ra đúng như lời chị Hằng nói !!
          Trắc nghiệm 2: Ông đem một tấm ảnh chụp hộp sọ của  hài cốt, đưa cho ông Nguyễn Văn Liên. Xem xong ảnh, chưa cần hỏi lai lịch của tấm ảnh, ông Liên đã nói ngay: Đây là hài cốt của một người đàn ông, chết khoảng năm 1951 -1952, bị giặc càn chứ không phải đi đánh trận. Người này có tên gọi vần T (tên thật nhà văn Nam Cao là Trần Hữu Tri). Người này khi sống có một chiếc răng bị gãy chứ không phải bị nhổ Gia đình nhà văn đã xác định là đúng. Lại nói về việc đi tìm nơi hài cốt của nhà văn Nam Cao. Mới đầu, chính quyền địa phương và gia đình nhà văn cùng ban điều hành chương trình định đặt mộ nhà văn ở vườn vải xóm 9, Nhân Hậu, Lý Nhân.
          Nhưng qua nghiên cứu, khảo sát người ta lại thay đổi ý định. Ngắm nghía khu vườn vải, ông Đỗ Bá Hiệp nói : - Khu đất này đẹp, nhưng ít hồ ao, sông nước, mặt khác ở dưới đất này có âm phần. Nếu không có chỗ nào nữa thì đặt ở đây cũng được, nhưng phải di các âm phần kia đi. Nếu địa phương còn nơi nào nữa thì chúng tôi xin đi xem tiếp.
          Thế là cả đoàn ô tô đi khảo sát tiếp. Xe đi theo hướng Đền Nhà quan. Trên đường đi qua sân vận động của xã, bỗng Đỗ Bá Hiệp bảo dừng xe lại. Ông  nói vừa nghe thấy có ai gọi tên mình: Anh Hiệp! Anh Hiệp!”. Xe dừng, mọi người xuống thăm khu đất. Nhà Hán học Tá Nhí nhìn quanh khu đất, rồi thì thầm với anh Hiệp. Lát sau cả 2 người nói với đoàn:
           Chỗ đất này được đấy. Ba mặt có ao, phía sau có sông Châu, trước mặt là đường  63. Đất này hợp với nhà văn lắm
          Chỗ đất này được chọn để xây Vườn hiện thực Nam Cao trong đó có phần mộ nhà văn.
          Không ngờ chỗ này chính là đất của  nhà văn ở hồi mua nhà dựng vào năm 1942 -1943; đồng thời cũng chính là đất của cụ Trùm San và cụ Trùm Luân (nguyên mấu nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao). Nơi đây đã có lúc là đất của lý Hiếu, con trai của Bá Kiến (trong tác phẩm Chí Phèo)
          Theo sự chỉ dẫn của chuyên gia, mộ của nhà văn xây hướng về phía Tây Bắc, đúng hướng nhìn về phía Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Vì nhà văn là chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của dân tộc, của nhân dân.
          Có một điều mà chưa ai lý giải được là chẳng hiểu vì sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên thế này: Mười năm về trước nhà văn viết đến tên làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo nổi tiếng mà nguyên mẫu là làng Đại Hoàng của ông, thì sau đó 10 năm, nhà văn lại hy sinh đúng trên đất Đại Hoàng (Ninh Bình) và phần mộ của ông chôn cất ở đúng làng Vũ Đại, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngày cát táng đưa hài cốt ông về quê, khi chọn đất xây mộ ông, lại nằm trên chính đất của nguyên mẫu Giáo Thứvà “Lão Hạc” (nhân vật trong tác phẩm của nhà văn)
  (Tiền Phong ngày 29/6/2003)

" NGÔI NHÀ BÁ KIẾN "
         
          Du khách về thăm quê Nam Cao, viếng Phần mộ nhà văn, thăm Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao - tại làng Đại Hoàng xã Hòa Hậu Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; ai cũng tò mò háo hức muốn ghé thăm nhà Nghị Bính - nguyên mẫu nhân vật Bá KIến trong tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao.
          Nghị Bính tên thật là Trần Duy Bính , con cụ Trần Duy Thực - xuất thân từ một nông dân nghèo. Ông sinh vào khoảng năm 1863 tại làng Đại Hoàng (trong truyện Nam Cao đổi tên là làng Vũ Đại). Hồi ấy thuộc tổng Cao Đà huyện Nam Sang, Phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nay là xóm 11, xã Hòa Hậu, huyên Lý Nhân ,Tỉnh Hà Nam. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, Nghị Bính dáng người cao to tiếng nói sang sảng. Do khôn ngoan lọc lõi, Nghị Bính giàu lên nhanh. Lúc đầu chỉ mua được chức phó lý, lý trưởng, sau làm chánh tổng Cao Đà, Nghị Bính được lòng quan trên do giao thiệp khéo và cũng “làm được việc”, sau đó làm chánh huyện hào (đứng hàng trên mười chánh tổng trong huyện). Từng làm nghị viên Bắc Kí, được triệu về kinh đô Huế dự lễ tế Nam Giao. Nghị Bính đi đâu xa cũng cưỡi con ngựa màu nâu có gia nhân cắp tráp theo hầu. Người hầu này tên là Liên - người cùng làng. Khi chủ ngồi vào tràng kỉ làm việc, người hầu phải đi cắt cỏ cho ngưa ăn.
          Nghị Bính có 5 vợ, 12 con (3 trai, 9 gái). Trong 5 bà, chỉ có bà năm là người thiên hạ, còn bốn bà đều là người làng. Mỗi vợ ông Nghị bố trí ở một nơi riêng, bà nào cũng có cơ ngơi, vườn cây ao cáTheo mấy bà bé kể lại: Khi đón chồng đến thăm, bà nào cũng chuẩn bị sẵn chim câu, gạo tám, trứng gà tươihầu hạ phục dịch. Ngày tết các bà sắm lễ sang nhà bà ba - nơi ông Nghị ở, bà ta chỉ cười nhạt mà rằng:
- Những thứ ấy, đằng này khối!
Ông Nghị có ba con trai. Binh Tảo là con cả (cũng là nguyên mẫu trong truyện) tính thật thà, chậm chạp. Cửu Hòe, con bà hai, làm Lý trưởng, trong sáng tác Nam Cao đổi tên là Lý Cường. Ruộng nhà Lý Cường liền với vườn nhà văn Nam Cao, bên bờ sông Châu. (Ở gần “Vườn hiện thực Nam Cao” ngày nay).
Khoe quyền, khoe của, Nghị Bính nhờ ông Hùng Sơn ở Nam Định làm cho đôi câu đối treo trong nhà:
  Thập lý vân lôi thiên bất hạn
  Cửu trùng vũ lộ địa do dư
Dịch nghĩa:
            Mười dặm sấm mây trời chẳng hạn
            Chín trùng mưa móc đất còn dư!
          Nắm quyền sinh quyền sát trong tay, muốn lấy vườn, đoạt nhà, chiếm ruộng của ai, là Nghị Bính tìm mọi cách lấy cho bằng được. Theo các già làng kể lại: Sáng sáng, Nghị Bính vận bộ quần áo lụa màu mỡ gà, chân đi đôi giầy Gia Định bóng loáng đầu đội nón, đủng đỉnh ra hàng bà Bút Son, người đàn bà đã đứng tuổi nhưng còn xuân sắc, mở quán bán hàng ngay bên đường làng, cạnh nhà. Có ba người thì đánh tài bàn, đủ năm người thì chơi tổ tôm.
          Khi chính quyền về tay nhân dân, bộ máy phong kiến sụp đổ, Nghị Bính cũng đi tản cư trên Nhân Giả (Nhân Khang, Lý Nhân bây giờ). Cuối năm 1948, Nghị Bính ốm nặng, được con cháu đưa về quê và mất ngày 8/11/1948.
          Cách mạng tháng Tám thành công, đây là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc và là cuộc đổi đời của từng người dân Việt Nam. Khác hẳn với ngày trước, những người con, rể, dâu, cháu, chắt của gia đình Nghị Bính đi theo cách mạng. Người cháu đích tôn của Nghị Bính là Trần Duy Rĩ, đi bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện sống tại quê nhà, là cựu chiến binh Việt Nam. Ba người con rể tham gia cách mạng từ sớm. Ông Ký Ban làm Bí thư Đảng bộ xã Đại Hoàng. Ông Trần Huy Tặng được kết nạp Đảng CSVN từ sớm, là cán bộ cấp tỉnh thuộc tỉnh Quảng Ninh, nay đã nghỉ hưu tại Nam Định. Ông Trần Đức Phấn là cán bộ lão thành cách mạng - Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam - nguyên mẫu nhân vật San trong tác phẩm Sống Mòn của Nam Cao. Các cháu, chắt của ông Nghị đều tham gia công tác xã hội, một số người là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
          Việc đưa nguyên mẫu Nghị Bính vào nhân vật Bá Kiến đã gây nhiều rắc rối cho nhà văn. Ngày ấy, Nghị Bính đang đau đầu về những câu vè, trần ngôn, những câu ca dao do người làng sáng tác ra để châm biếm, đả kích, lên án bọn cường hào ở địa phương, trong đó phần nhiều nhằm vào Nghị Bính; lại thêm chuyện “Đôi lứa xứng đôi” (sau đổi lại là Chí Phèo). Sách về làng, cánh thanh niên truyền tay nhau đọc. Dư luận khẳng định Bá Kiến trong truyện là hình ảnh Nghị Bính, sự tức tối của đám Hào Lý càng cao. Nghị Bính dọa: “ Ném” đi vài mẫu ruộng cho nhà văn rũ tù. Nhưng Nam Cao không sợ. Ông nói với vợ:
- Hóa ra nhiêu khê nhỉ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Cứ để xem họ làm gì, nếu họ làm, mình lại có chuyện để viết.
Trước đó, có người khuyên nhà văn nên lánh đi, nhưng Nam Cao không nghe, ông cho rằng chúng không dám làm gì ông.
Trong một bưa giỗ, có đông đủ họ hàng, người anh của bà Sen (vợ nhà văn Nam Cao) đứng lên gọi em gái, nói:
Cô cứ yên tâm làm ăn, nuôi các cháu và viết thư khuyên chú ấy, cứ tự do tung hoành không sợ gì hết. Nhà văn, nhà báo học không có nhiều tiền nhưng họ có nhiều chữ nghĩa, có sự cố kết bênh vực lẫn nhau, một người bị sự vu oan, nhiều người xúm lại bênh vực thì mạnh lắm. Vài mẫu ruộng, chứ vài chục mẫu của nó cũng ném xuống sông xuống bể mà thôi!...
Còn Nghị Bính, gặp ông phó Huệ (thân phụ nhà văn Nam Cao) thì nói mát:
- Thật phúc cho nhà ông có thằng con viết văn chửi cả làng cho mà nghe.
Ông phó Huệ chỉ im lặng không đáp.
Đám kỳ hào trong làng còn cầy bẩy, tức tối mãi tìm cách khó dễ cho nhà văn Nam Cao. Thế rồi năm ấy, tri huyện mới về nhậm chức, lý dịch trong làng mang trướng, chuối ngự, hồng đỏ lên mừng. Biết họ từ làng Đại Hoàng lên, viên tri huyện nói:
- Tôi có người bạn học là Trần Hữu Tri, các vị về cho tôi gửi lời hỏi thăm.
Chuyện êm xuôi từ đó!
Nói sang chuyện “Ngôi nhà Bá Kiến”. Đây là ngôi nhà của Nghị Bính - nguyên mẫu của ngôi nhà Bá Kiến. Đó là ngôi nhà cổ, làm theo kiểu lòng thuyền, có 16 cột lim, chân kê đá tảng xanh được đẽo gọt công phu. Nhà ba gian, dùng để thờ cúng, làm theo lối dân gian cổ truyền, kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng rường, mái lợp ngói nam, bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp, cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có hàng dại bằng gỗ lim để che nắng, chắn mưa.
Tính đến nay ngôi nhà đã qua bảy chủ. Người chủ đầu tiên là ông Trùm Hanh, ông Hanh buôn bán phát tài, thuê thợ Cao Đà nổi tiếng về nghề mộc xuống làm. Nghe kể ông thợ cả chỉ vạch que xuống đất làm mẫu cho thợ thi công.
Trùm Hanh để lại cho con là Trương Xầm. Trương Xầm để lại cho con là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời có tiếng, nghiện ngập cờ bạcthiếu tiền uống rượu thường hỏi vay Nghị Bính rồi khoác lác sẽ bán nhà trả nợ. Nghị Bính nhân cơ hội đấy, muốn mua rẻ thường cho Cựu Cát vay tiền. Thế rồi nhân lúc ông Cựu say rượu, Nghị Bính đã lừa lão ký vào văn tự bán nhà. Khi tỉnh rượu thì nhà đã mất.
Điều đáng nói ở đây là ngôi nhà này so với nhiều nhà nông dân hiện nay thì nó chả thấm tháp gì, nhưng nó là chứng tích cuối cùng của thế lực phong kiến ở làng Đại Hoàng từng làm mưa, làm gió trên đất “Vũ Đại” ngày ấy trong vòng nửa thể kỷ!
Nghị Bính qua đời, con cháu bàn chuyện bán nhà: Ông Trần Thế Lễ người cùng xóm, cùng làng đánh tiếng mua về xẻ ra làm khung dệt (vì làng Đại Hoàng có nghề dệt truyền thống) nhưng rồi cũng chẳng mua được. Ngôi nhà suýt “chết” lần thư hai. Lần thứ nhất “Ngôi nhà Bá Kiến” đã bị lính Pháp hỏa thiêu. Lần ấy khoảng năm 1953, thực dân Pháp còn xâm lược nước ta. Lính Pháp từ Nam Định lên càn quét làng Đại Hoàng. Chúng châm lửa đốt một số nhà trong làng, trong đó có nhà Bá Bính. May thay, du kích trong làng đã cứu nhà Bá Bính khỏi bị thiêu rụi. Người cứu “nhà Bá Kiến” hồi ấy là ông Trần Bá Huấn và ông Trần Văn Huỳnh. Hiện nay ông Huấn vẫn còn sống (78 tuổi) là Đảng viên Đảng CSVN - nhà giáo về hưu. Ông Huỳnh đã mất cách đây vài năm.
Hồi đó gia đình nhà Bá Bính cũng đi tản cư, thi thoảng mới có người về nhà thăm nhà cửa, ruộng vườn, ao chuông
Sau này, đến tháng 8/1963, ông Trần Hữu Hậu từ Tân Thế Giới về quê, có tiền, ông mua lại ngôi nhà này của ông Trần Duy Tảo - con trai Bá Bính với giá 4.500đ (thời đó tương đương với 10 cây vàng) khi ông Hậu mất, ngôi nhà ấy thuộc sở hữu của anh Trần Hữu Hòa (cháu ruột ông Hậu) . Ngôi nhà đã được gia đình ông Hòa sửa chữa chút ít do một phần bị mối xông và nơi mái nhà bị giặc Pháp đốt hồi trước, nay ngói bị xô lệch. Tuy nhiên, ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ xưa. Nhà có chiều dài là 9,6m chiều rộng là 6,8m. Sân gạch dài 9,6m rộng 5m. Toàn bộ hệ thống cổng, tường bao, tường hoa, cây cảnh, bể non bộ, bể nước ăn của ông Nghị nay không còn nữa
Chúng tôi được ông Trần Thế Lễ, 91 tuổi ở xóm 11 cùng làng Đại Hoàng với Nghị Bính và một số cụ cao niên khác gần nhà Bá Bính kể cho nghe nhiều chuyện lý thú về Bá Bính như sau: Hồi đó các cụ là những trai đinh trong làng, lại là người cùng xóm với Bá Bính, nên khi nhà cụ Bá có việc trọng là các cụ lại được cụ Bá cho gọi đến giúp việc. Chẳng hạn như đến làm cỗ ăn khao hay các bàn giỗ kị trong nhà cụ Bá. Lúc ấy, các cụ được thấy toàn bộ quang cảnh nhà Nghị Bính
Trong nhà thờ của cụ Nghị, được bài trí rất khang trang, lộng lẫy. Gian giữa nhà bố trí bàn thờ sơn son thép vàng (gọi là án gian); Ỷ khám nằm trên mâm truyện (còn gọi là cỗ ngai) có đôi đầu rồng nhìn ra hai phía phải, trái trông thật uy nghiêm. Bát hương, cây nến, đèn đồng sáng loáng ngự trên bàn thờ. Những khi nhà có việc, hương khói nghi ngút khắp cả ba gian nhà thờ. Mâm ngũ quả thường được cụ Nghị sắp đặt thật hoành tráng, bắt mắt. Âu cúng là một cách “ăn chơi” của cụ Nghị - một người có tiếng, có quyền ở cái tổng Cao Đà, phủ Nam Sang hồi đó. Trong nhà, cụ Bá còn bày một bộ trường kỷ bằng gỗ lim, con tiện trông thật oai vệ. Bộ trường kỷ này hồi ấy bày tại gian phía Tây. Gian phía Đông cụ kê một chiếc “ghế nước” bằng gỗ vàng tâm.
Ngoài hiên rất rộng, cụ Bá kê một chiếc phản, ở chính giữa để những khi có việc trọng thì con cháu, họ hàng, làng xóm đến lễ bái sẽ phủ phục tại đó, chứ không ai được vào trong nhà thờ. Nhà thờ chỉ để bàn thờ và bày cỗ bàn. Cụ Bá và bà Ba cũng không ở đó mà nghỉ tại ngôi nhà năm gian phía Tây quay hướng Đông Nam cho mát mẻ. Đối diện với ngôi nhà phía Tây còn một ngôi nhà năm gian nữa ở phía Đông, quay về phía Tây để tạo thành chữ môn cùng với ngôi nhà thờ ba gian này.
Hai ngôi nhà năm gian ở phía Tây và phía Đông đó, nay không con nữa. Chỉ còn lại ngôi nhà thờ ba gian mà thôi
Ông Trần Thế Lễ kể tiếp:
-         Hồi ấy, chánh Bính có xây tường hoa và chơi cây cảnh, bể  non bộ. Giữa sân,
sát với tường hoa là bể nước ăn. Hai bên bể nước ăn là hai bể cạn trồng hai cây vạn tuế lúc nào cũng xanh mướt. Sân hồi đó rộng hơn sân bây giờ rất nhiều, tức là đã bị cậy đi nhiều hàng gạch rồi, qua các chủ khác nhau.
          Nghị Bính chơi hai cây hải đường ở gần hai cây vạn tuế. Đến mùa hoa, hải đường nở đỏ chói, càng làm cho quang cảnh nhà cụ Nghị thêm “giàu sang phú quý”, khiến cho ối kẻ phải nể trọng và ghen tức. Ở làng Đại Hoàng hồi đó có tới 5 cánh cường hào. Đây là mảnh đất có tiếng là “quần ngư tranh thực”!
          Chánh Bính cũng chơi bể non bộ: Có giả sơn bằng đá trên đó trồng cây si, đặt trước sân nhà. Chiếc bể này hiện nay do ông Trần Duy Ái cũng ở xóm 11 cùng làng Đại Hoàng sở hữu. Nhưng không còn núi non bộ nữa. Ông Ái đã dùng vào việc khác rồi.
          Cổng nhà chánh Bính do ông thợ Hiện xây, nay không còn nữa. Hai cánh cổng bằng gỗ lim. Ông Tảo - con trai Bá Bính đã bán cho cụ Đào Vân người cùng xóm 11. Sau đó ông Lễ đã đem chiếc bục lim của mình để đổi cho cụ Vân rồi lấy cánh cổng ấy về làm mặt bàn, mặt ghế để bán. ở hai bên cổng nhà Bá Bính có đôi câu đối như sau:
          Yến si sào lai thành địa thắng
          Giang sơn xuất ngọc hữu chủ chương
Dịch nghĩa:
          Tự nhiên con chim yến về đây làm tổ nên dành thắng lợi
          Trời đất ra ngọc cho ta là đã có chủ ý từ trước rồi
Trên nóc cổng “sang gạch” như một mái bằng trông rất kiểu cách. Ở đó có bức cuốn thư đắp nổi cũng do ông thợ Hiện xây đắp. Bức đại tự có ba chữ nho, nay ông Lễ đã quên nên không biết rõ nữa, ông nói là chỉ nhớ được hai chữ dịch theo nghĩa nôm là: chữ “Bộ”và chữ “Phận” (?!)
          Trong nhà, Bá Bính có treo đôi câu đối do ông Hùng Sơn ở Nam Định viết cho (đã nói ở phần đầu bài viết này) nay không còn trong nhà này nữa. Ông Tảo - con trai Bá Bính đã bán cho ông Bá Thản ở xã Mỹ Trung, Mỹ Lộc, Nam Định từ lâu rồi, chẳng biết nay ông Thản còn giữ lại được không?? Bức đại tự treo trong nhà thờ, ông Tảo bán cho ông lang Rụy - nguyên là con rể Bá Bính. Ông Rụy xẻ ra làm cánh cửa, nay không còn nữa.
          Ngoài ra, còn phải kể đến bếp ăn nhà cụ Bá nữa. Bếp ba gian, vừa để đun nấu vừa để nuôi lợn, gà. Trong chuồng lúc nào cũng có từ 5 đến 6 con lợn và một số gà đẻ, gà trống. Cầu ao xây gạch nghiêng, phía Đông Bắc, mãi đến tận cách đây mấy năm vẫn còn. Nay không ai dùng nữa.
          Với tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công với nước với dân; Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam cùng hơn 30 đơn vị tham gia thực hiện “Chương trình tìm lại Nam Cao” đã tìm được phần mộ nhà văn Nam Cao tại Ninh Bình, đưa về quê hương ông ngày 18/1/1998, đặt tại “Vườn hiện thực Nam Cao”. Nơi đây còn có Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao được khánh thành 30/11/2004 - đúng vào dịp kỉ niệm 53 năm ngày nhà văn hy sinh. Trong nhà có bức tượng đồng chân dung nhà văn Nam Cao. Do tập thể cán bộ chiến sỹ Nhà xuất bản Công an nhân dân kính tặng. Ngoài ra còn có chiếc giường gỗ lim, chiếc tủ đựng sách cũng bằng gỗ lim mà nhà văn dùng trước đây; Một ống đựng kim chỉ bằng kẽm của nhà văn dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong nhà tưởng niệm còn nhiều tranh ảnh, tư liệu, sách vở nói về nhà văn Nam Cao cùng phần lớn các tác phẩm của nhà văn đã in, đã được sưu tầm, trưng bày tại đây
           Nay ngành Văn hóa - Thông tin Hà Nam quyết định lữu giữ “Ngôi nhà Bá Kiến” để góp phần cho việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, đời văn của nhà văn Nam Cao là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn. Ngôi nhà này đã được Phòng Văn hóa -Thông tin - Thể thao huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Nam mua lại hồi 15giờ ngày 17/11/2007, với giá tiền là 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng) gồm ba gian nhà thờ, ngôi bếp, công trình phụ khác, cây côi trong vườn cùng diện tích sân, vườn là 900m2
          Người đứng tên bán nhà là bà Trần Thị Sâm - vợ ông Trần Hữu Hòa (đã chết)
          Hiện nay, ngành Văn hóa đang có kế hoạch trùng tu, bảo quản, coi giữ để phát huy giá trị tích cực của địa chỉ văn hóa này- một trong các bộ phận không thể thiếu của quần thể du lịch “Vườn hiện thực Nam Cao” tại quê hương nhà văn Được biết: Nơi đây, một dự án xây dựng “ Làng du lịch sinh thái và du lịch nhân văn” đang được tiến hành với những điểm nhấn đầy ấn tượng: “Vườn hiện thực Nam Cao”, “Chuối ngự Đại Hoàng”, “Hồng Nhân Hậu”, “Cá kho Nhân Hậu”; “Nghề dệt truyền thống Đại Hoàng”.
Đại Hoàng - “Vũ Đại” ngày ấy Hòa Hậu bây giờ Một trời, một vực khác xa!!!...
                                                                                         
VIẾNG MỘ NHÀ VĂN NAM CAO
Tôi về viếng mộ nhà văn
Hương hoa thơm mát mộ phần gió reo
Chẳng còn Thị Nở, Chí Phèo
Chẳng còn lão Hạc đói nghèo năm xưa
Chẳng còn “sớm nắng, chiều mưa”
Giờ đây Vũ Đại … hơn xưa rất nhiều
Nhà cao cửa rộng bao nhiêu
Đường làng nền cứng, sớm chiều loa vang
Trẻ em vui bước đến trường
Sông Châu nước chảy vấn vương con thuyền
Hồng Nhân Hậu đến mọi miền
Đại Hoàng chuối Ngự tỏa hương trăm vùng
Cá kho Nhân Hậu đã từng
Tiếng thoi rộn rã vui mừng xóm thôn
“Sống mòn” thuở ấy buồn thương
Bao người cay đắng gió sương suốt đời
Lão Hạc ơi, Chí Phèo ơi!
Hãy về thăm chút chốn nơi quê nhà
Nhà tưởng niệm điện sáng xa
Tượng nhà văn đó hay là hồn thiêng?
Mộ phần khu đất nghỉ riêng
Hỡi người quá cố có yên chút nào?
Cảm ơn tài, đức Nam Cao
Nhà văn còn sống biết bao “chuyện dài”
Rưng rưng  tay thắp nén nhang
Nhớ người vì nước, vì làng hy sinh!
   (Tạp chí Thông tin công tác dân vận - Ban dân vận tỉnh ủy Hà Nam 2/2006
 Tạp chí Dân vận của Ban dân vận Trung ương Đảng - số 7 -2008                      
Tuyển tập thơ nhà giáo Việt Nam . NXB Văn hóa dân tộc-2010)

1 nhận xét: