XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

KHI BỐ KHÔNG CÒN NỮA

                            tg: Rafael Zokhler

Cái chết luôn bất ngờ. Thậm chí những người bị bệnh hiểm nghèo cũng hy vọng là họ chưa chết hôm nay. Có thể một tuần nữa. Nhưng không phải là bây giờ, không phải là hôm nay.
Cái chết của bố tôi còn bất ngờ hơn. Ông ra đi ở tuổi 27, giống như một vài nhạc công thuộc nhóm “Câu lạc bộ 27”. Ông còn trẻ, quá trẻ. Bố tôi không phải là nhạc công, cũng chẳng phải là người nổi tiếng. Bệnh ung thư không chọn nạn nhân của nó. Ông ra đi khi tôi mới 8 tuổi – và tôi đã khá lớn để buồn nhớ ông cả đời. Nếu ông mất sớm hơn thì tôi đã chẳng có hồi ức nào về bố, và tôi sẽ chẳng cảm thấy đau đớn gì, nhưng khi đó thực chất là tôi không có bố. Tuy nhiên tôi nhớ ông vì tôi đã có bố trong đời.
Nếu còn sống ông có thể khích lệ tôi bằng những câu đùa vui. Có thể hôn vào trán tôi khi tôi đi ngủ. Có thể chia sẻ cùng tôi nỗi buồn về đội bóng đá ông yêu và giải thích cho tôi một số điều tốt hơn mẹ.
Ông không bao giờ nói với tôi là ông sắp chết. Ngay cả khi ông nằm trên giường bệnh với dây nhợ cắm khắp người ông cũng không nói một lời nào. Bố tôi đã lên kế hoạch cho năm sau, dù ông biết sang tháng sau ông đã không còn nữa. Năm sau hai bố con sẽ đi câu cá, đi du lịch, thăm thú những nơi chưa bao giờ đến. Năm sau sẽ đầy hứa hẹn. Hai bố con đã mơ ước như vậy.
Tôi nghĩ ông tin là bằng cách như vậy sẽ đưa tôi đến thành công. Xây dựng kế hoạch cho tương lai là một cách giữ gìn hy vọng.
Ông buộc tôi mỉm cười cho đến ngày cuối cùng. Ông biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng không nói gì – ông không muốn thấy tôi khóc.
Một hôm mẹ tôi bất ngờ đưa tôi rời trường và hai mẹ con đến bệnh viện. Bác sĩ nhẹ nhàng thông báo tin buồn. Mẹ khóc, vì bà vẫn còn chút hy vọng nhỏ nhoi. Tôi bị sốc? Chuyện này là sao? Hóa ra đây không phải là căn bệnh thông thường mà các bác sĩ dễ dàng chữa được? Tôi cảm thấy mình bị phản bội. Tôi hét lên vì tức giận cho đến lúc hiểu ra rằng không còn bố bên cạnh nữa. Và tôi cũng bật khóc.
Lúc này có một việc xảy đến. Một cô y tá cắp một cái hộp đi lại gần tôi. Cái hộp đó đựng đầy các phong bì đã dán, bên ngoài là những hàng chữ đánh dấu thay cho địa chỉ người nhận. Sau đó cô y tá đưa cho tôi một bức duy nhất lấy từ hộp ra.
“Bố cháu nhờ cô chuyển cho cháu cái hộp thư này. Ông ấy đã để cả tuần để viết chúng, và muốn bây giờ cháu đọc bức thư đầu tiên. Hãy mạnh mẽ lên cháu”.
Chiếc phong bì này đề dòng chữ “KHI BỐ KHÔNG CÒN NỮA”.

"Con trai
Nếu con đọc thư này nghĩa là bố đã chết. Bố lấy làm tiếc. Bố biết là mình đang chết dần.
Bố không muốn nói với con chuyện gì đang xảy ra, bố không muốn để con khóc. Bố đã quyết như thế. Bố nghĩ rằng con người sắp chết có quyền hành động ích kỷ hơn một chút.
Bố còn nhiều điều muốn dạy con. Xét cho cùng, con chưa biết chút gì cả. Vì vậy bố viết cho con những lá thư này. Đừng mở chúng khi chưa đến lúc cần thiết, được không con? Đó là giao kèo của hai bố con ta nhé.
Bố yêu con. Con hãy quan tâm đến mẹ. Bây giờ con là người đàn ông trong nhà.
Yêu con, bố."

Bức thư vụng về tôi vừa đọc đã an ủi tôi, khiến tôi mỉm cười. Bố tôi đã nghĩ ra một trò thú vị thế đấy.
Cái hộp đó trở thành vật quan trọng nhất đời đối với tôi. Tôi bảo mẹ không được mở nó. Các bức thư là của tôi, và không ai khác được đọc chúng. Tôi học thuộc lòng tất cả tên các bì thư mà tôi sẽ đọc dần dần. Nhưng phải đợi thời gian để đến những lúc đó. Vì thế tôi quên mất những bức thư.
Bảy năm sau, khi đã chuyển đến chỗ ở mới, tôi không biết cái hộp để ở đâu nữa. Tôi quên khuấy mất nơi để nó và cũng chưa vội tìm nó. Cho đến một hôm có chuyện.
Sau khi bố mất, mẹ tôi không lấy chồng nữa. Tôi không biết vì sao nhưng cứ muốn tin rằng bố tôi là tình yêu của cả đời bà. Nhưng vào khi ấy bà có một anh chàng trông chẳng ra gì. Tôi nghĩ mẹ đã hạ thấp mình khi hò hẹn với gã đó. Gã không tôn trọng bà. Bà xứng đáng với một người tốt đẹp hơn cái gã mà bà gặp trong một quán bar đó.
Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái tát mà mẹ vả vào tôi sau khi tôi thốt ra hai tiếng “quán bar”. Tôi thừa nhận mình đáng bị vả như thế. Khi má tôi còn bỏng rát vì cái tát tôi chợt nhớ đến cái hộp thư, chính xác hơn là nhớ đến một bức thư cụ thể có đề trên phong bì “KHI CON VÀ MẸ CÓ BẤT HÒA LỚN”.
Tôi đi vào phòng ngủ và tìm thấy cái hộp trong chiếc va li để ở phía trên tủ quần áo. Tôi lục lọi các phong bì và thấy mình đã quên mở bì thư có đề “KHI CON HÔN LẦN ĐẦU”. Tôi thấy bực mình vì việc này và quyết định để mở nó sau. Cuối cùng tôi đã tìm thấy bức thư cần tìm.

"Bây giờ con phải xin lỗi mẹ.
Bố không biết vì sao hai mẹ con bất hòa và bố không biết ai đúng. Nhưng bố biết mẹ con. Đơn giản là con hãy xin lỗi, như thế sự việc sẽ tốt hơn.
Bà ấy là mẹ con, bà ấy yêu con hơn mọi thứ trên đời. Con có biết mẹ đã đẻ theo cách tự nhiên không, vì có người nói với mẹ là như thế sẽ tốt hơn cho con? Con đã khi nào thấy người phụ nữ sinh đẻ chưa? Hay con còn cần thêm một bằng chứng tình yêu lớn hơn nữa?
Con hãy xin lỗi. Và mẹ sẽ tha thứ cho con."

Bố tôi không phải là một nhà văn lớn, ông chỉ là một nhân viên kế toán ngân hàng bình thường. Nhưng lời lẽ của ông đã có ảnh hưởng lớn đến tôi. Đó là những lời đầy sáng suốt, hơn tất cả những cái gộp lại trong 15 năm sống của tôi cho đến lúc đó.
Tôi chạy sang phòng mẹ, xô cửa vào. Tôi khóc khi bà quay lại để nhìn vào mắt tôi. Tôi nhớ mình đã đi lại bên mẹ, tay cầm bức thư bố tôi đã viết. Bà đã ôm lấy tôi và cả hai mẹ con đứng im.
Chúng tôi làm lành với nhau và trò chuyện về bố. Bằng cách nào đấy mà tôi cảm thấy như bố đang ngồi bên cạnh hai mẹ con. Tôi, mẹ tôi và một phần của bố tôi, cái phần nhỏ ông để lại cho chúng tôi trên tờ giấy thư.
Thêm một thời gian nữa trôi qua cho đến khi tôi mở phong bì “KHI CON MẤT TÂN”.

"Chào con trai,
Đừng lo lắng, dần dần rồi sẽ ổn. Lần đầu bao giờ cũng khủng khiếp. Lần đầu của bố xảy ra với một phụ nữ không đẹp, lúc đó cô ta là gái điếm.
Bố sợ nhất là con sẽ hỏi mẹ trai tân là gì khi đọc thấy cái từ này."

Bố tôi đã đi theo tôi qua suốt cuộc đời. Ông vẫn ở bên tôi dù đã mất từ lâu. Những lời lẽ của ông đã làm được cái việc không ai có thể làm hơn được: chúng truyền cho tôi sức mạnh để vượt qua vô số những rắc rối, khó khăn trong cuộc đời. Ông luôn biết cách làm cho tôi mỉm cười khi mọi thứ xung quanh xám xịt, giúp tôi thanh thản đầu óc những lúc bực bội.
Bức thư “KHI CON CƯỚI VỢ” làm tôi rất xúc động. Nhưng không mạnh như bức “KHI CON LÀM BỐ”.

"Bây giờ con sẽ hiểu tình yêu thực sự là gì, con trai ạ. Con sẽ hiểu con yêu nàng mạnh đến thế nào, nhưng tình yêu thực sự - đó là cái con cảm thấy đối với sinh linh nhỏ bé bên cạnh con. Bố không biết là con trai hay con gái."

Bức thư đau đớn nhất mà tôi từng đọc cũng là bức thư ngắn nhất trong các thư bố viết cho tôi. Chắc rằng vào lúc ông viết mấy chữ này bố cũng đau khổ y như tôi. Phải chờ đợi thời gian, nhưng rốt cuộc tôi cũng phải mở bì thư “KHI MẸ CON MẤT”.

"Bây giờ bà ấy là của bố."

Quả là người thích đùa! Đó là bức thư duy nhất không đem lại nụ cười trên mặt tôi.
Tôi luôn giữ lời hứa, không bao giờ mở thư trước hạn. Ngoại trừ bức “NẾU CON HIỂU CON LÀ GAY”. Đó là một trong những bức thư buồn cười nhất.

"Bố có thể nói gì? Mừng là bố đã chết.
Gạt chuyện đùa sang một bên, nhưng trước ngưỡng cửa cái chết bố hiểu rằng chúng ta bận tâm quá nhiều về những thứ không có mấy ý nghĩa. Con có nghĩ điều đó thay đổi được gì không, con trai?"

Tôi luôn chờ đợi đến lần sau, đến lượt bức thư sau để được nhận thêm một bài học bố dạy cho tôi. Thật ngạc nhiên là một người 27 tuổi lại có thể dạy cho một ông già 85 tuổi phải trở thành người thế nào.
Giờ đây khi nằm trên giường bệnh với các thứ ống cắm vào mũi, vào họng do căn bệnh ung thư quái ác tôi rờ rẫm ngón tay trên tờ giấy đã bạc màu của bức thư duy nhất chưa kịp mở. Bản án “KHI GIỜ CỦA CON ĐÃ ĐẾN” được ghi trên phong bì.
Tôi không muốn mở nó ra. Tôi sợ. Tôi không muốn tin là giờ của mình đã cận kề. Không ai tin một hôm nào đó mình sẽ chết.
Tôi hít một hơi thở sâu và mở phong bì.

"Xin chào, con trai. Bố hy vọng con đã là một ông già.
Con có biết không, đây là bức thư bố viết đầu tiên và nó khiến bố thấy nhẹ nhõm nhất. Nó đã giải phóng cho bố khỏi nỗi đau mất con. Bố nghĩ đầu óc sẽ sáng sủa khi con đã tới rất gần kết cục. Dễ nói về điều này hơn.
Những ngày cuối cùng ở đây bố nghĩ về cuộc đời mình. Nó ngắn, nhưng rất hạnh phúc. Bố là bố của con và chồng của mẹ con. Bố còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa? Điều đó đã đem lại cho bố sự thanh thản tâm hồn. Bây giờ con cũng hãy làm như thế nhé.
Lời khuyên của bố cho con: đừng sợ."

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)
Nguồn Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét