"Nếu đối với bạn đón người mình yêu là phiền phức, là lãng phí tiền của và thời gian thì đối với tôi, tôi thích như vậy, tôi biết cái cảm giác khi có người đợi mình, cảm giác có ánh mắt tìm mình giữa đám đông trong phòng chờ sân bay".
Ai trong đời cũng có
những chuyến đi, kể cả em bé mới chào đời thì hành trình kỳ diệu nhất chính là
cách chúng đến với thế giới này.
Chúng ta háo hức khi đi đến một nơi nào đó để
du lịch, nghỉ ngơi, công tác, gặp gỡ bạn bè… nhưng khi trở về, điều mọi người
mong ước nhất là gì?
Chắc chắn ai cũng chỉ nghĩ đến người thân, gia đình, mỉm
cười khi biết rằng có ai đó chờ mình ở ga tàu, sân bay, hay đơn giản là bên lề
đường để cùng ta về nhà.
Chờ đón ai đó là một
việc làm rất đơn giản, nhưng nó lại mang ý nghĩa lớn, dễ khiến người ta xúc động,
biết ơn. Cảm giác ấy rất nhiều người hiểu, đặc biệt là đối với những người thường
xuyên phải đi xa.
Cư dân mạng đang truyền tay nhau câu chuyện rất ấm áp của một
bà mẹ trẻ, nói hộ nỗi lòng của hàng nghìn người, đó là những tâm sự băn khoăn trong
khoảnh khắc ngỡ ngàng giữa sân bay, nhận ra chẳng ai tới đón mình.
Câu
chuyện được share trên nhiều trang fanpage, chưa rõ ai là chủ nhân,
nhưng xúc cảm mà nó truyền đến mọi người thật sâu sắc và thấm thía:
“Tại sao phải đón nhau ở sân bay?
(bài viết này tôi đặc biệt gửi tặng một người bạn, hy vọng bạn có thể
đọc được và rút ra điều làm cuộc sống bạn vui vẻ hơn)
Tôi bay về sau chuyến công tác. Trên máy bay ngồi cùng một chị rất dễ
thương. Khi máy bay hạ cánh chị có hỏi tôi "Có ai đón em không?". Tôi
mới chợt nhớ đến chồng dặn "Lúc xuống sân bay em cứ bắt taxi về, đừng có
mà mặc cả". "Không có ai ạ" - tôi trả lời.
Xuống sân bay cậu em trai đến đón chị gái mình và cho tôi đi nhờ một
đoạn, đến chỗ hai chị em phải rẽ hướng khác thì tôi xuống xe.
Những chuyến bay luôn đem lại cho chúng ta trải nghiệm, bài học cuộc sống mới.
Trời mùa đông gió rất buốt, tôi tay xách nách mang đột nhiên cảm thấy
tủi thân quá. Tại sao lại không có ai đón mình, tại sao trước kia tôi cũng không
để ý những chuyện như thế này.
Đứng một hồi không thấy có chiếc xe taxi nào đi
qua, tôi mới hiểu ở đoạn này không bắt được xe. Tôi đi bộ về phía trước có một
trạm xe buýt, tôi chen lên chiếc xe đông đúc và về đến nhà. Mở cửa ra tôi chỉ
kịp đẩy mấy vali vào rồi ngồi bệt xuống đất vì mệt.
Chồng tôi đang ngồi máy
tính bận cứu thế giới nên không thể ra đỡ đồ cho tôi, nhưng anh ấy có chút phản
ứng vì tiếng động tôi gây ra “Vợ yêu, em về rồi đấy à”. Tôi nằm bất động trên
sàn. “Tôi đang làm cái quái gì với con người này?”.
Tôi cũng biết anh ta sẽ nói
đáng nhẽ em nên bắt taxi, đừng có tự tìm chuyện, anh ta sẽ nói là đêm hôm bắt
anh ấy đi taxi ra tận sân bay để đón thật là điên rồ, rằng nếu có xe riêng thì
tất nhiên anh ta sẽ làm như vậy, và tôi chỉ đang kiếm cớ để cãi nhau thôi.
Mọi
thứ nghe có vẻ rất có lý, duy nhất chỉ trong tim tôi có cảm giác sai sai”.
Phụ nữ rất
nhạy cảm, nên khi họ cảm thấy sai, thì nghĩa là 99% không đúng. À, đấy là nói
trên phương diện cảm xúc nhé.
Người vợ trong câu chuyện trên đã trải qua
khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời, khi nhận ra mình luôn cô đơn khi trở về sau
những chuyến bay.
Bao lâu nay chị thường không để ý, vẫn một mình làm mọi việc,
lặng lẽ đi rồi lặng lẽ về, nhưng trong chuyến bay định mệnh ấy, chỉ một câu nói
của người phụ nữ xa lạ đã khiến thời gian ngưng lại, đủ cho chị nhìn thấu mình
đã bỏ lỡ điều gì.
Chị luôn mặc
nhiên làm theo lời dặn “bắt taxi” của chồng, mà không nghĩ rằng đó là một điều thể
hiện sự thiếu quan tâm. Đã bao lâu rồi chị không được trông thấy khuôn mặt vui
mừng hạnh phúc, cùng vòng tay ấm áp của chồng đón chị về sau mỗi lần công tác?
Mà hình như, chưa bao giờ chồng chị làm thế. Anh vẫn gọi chị là “vợ yêu”, vẫn
hồn nhiên bảo chị tự đi từ sân bay về.
Mà trong quãng thời gian chị vật lộn với
đồ đạc lỉnh kỉnh, một mình bước trên đường vẫy xe, chồng chị ở nhà nằm chơi
game. Tất cả mọi lý do đều là vô nghĩa, trong giây phút chị nhìn thấu sự vô tâm
của chồng.
Tại sao hả
các anh?
Chưa nói đến chuyện vợ các anh mệt mỏi thế nào khi ngồi trên máy bay
đi một chặng dài, rồi làm việc vất vả trước đó nữa, cứ cho là các bà vợ tự bắt
taxi về cũng được, chẳng sao, nhưng khi vợ bước chân tới cửa nhà rồi, các anh
cũng không thể chạy ra hôn vợ 1 cái, đỡ vali cho vợ. Đó có phải là một sự bất
công không?
Khi mà ngược lại, các anh đi chơi, đi làm, đi nhậu về, luôn luôn là
vợ con đón anh từ ngoài cổng, cất áo cất giày, thậm chí chuẩn bị sẵn nước cho
các anh tắm, cơm canh nóng hổi trên bàn.
Phu nhân Michelle thường dịu dàng chờ chồng trở về sau mỗi chuyến công tác.
Và ông Obama cũng bày tỏ sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ dành cho vợ qua hành động y hệt.
Nhiều người
trên khắp thế giới ngưỡng mộ vợ chồng Tổng thống Obama, đặc biệt là phái đẹp
cực kỳ yêu mến ông Obama, vì người đàn ông bận rộn nhất nước Mỹ luôn dành thời
gian đứng chờ vợ trên phi trường mỗi lần bà công du trở về.
Phu nhân Michelle
cũng vậy, bà luôn đợi chồng xuống máy bay, với nụ cười ngọt ngào trên môi dành
cho chồng.
Vị Tổng thống quyền lực bậc nhất thế giới còn làm được điều giản dị
ấy, sẵn sàng gác công việc để đón chờ vợ, thể hiện tình cảm với vợ mọi lúc mọi
nơi, tại sao các anh lại không làm được?
Thét ra lửa trên đấu trường chính trị
nhưng lặng lẽ đón vợ ở sân bay thì trông Barack Obama chẳng khác một ông chồng
bình thường nào.
Hình ảnh vị Tổng thống da màu chờ vợ xuống sân bay đã trở
thành biểu tượng kinh điển khiến chị em xuýt xoa thần tượng. Các anh có hiểu
được hành động nhỏ ấy cũng làm phụ nữ cảm động hết lòng không?
Có thể những
bà vợ, bà mẹ sống vì gia đình thường không chú ý đến chuyện “đón đưa”, nhưng đó
là điểm khác biệt rất lớn thể hiện tình cảm, sự quan tâm dành cho nhau đấy chị
em ạ.
Đừng bao giờ mặc nhiên cho rằng mình hi sinh là đúng, còn đàn ông được
phép vô tâm. Phụ nữ chăm sóc gia đình, yêu thương chồng con, thì họ cũng có
quyền được đối xử ngược lại giống thế, thậm chí các anh phải quan tâm vợ nhiều
hơn nữa, vì họ rất dễ tổn thương dù là chuyện nhỏ nhất.
Có thể họ không nói ra,
nhưng họ sẽ buồn phiền. Phụ nữ là vậy, kể cả cố gắng mạnh mẽ thì bản chất tâm
hồn họ vẫn yếu đuối.
Còn đàn ông ư? Họ thường biện minh rằng “ôi giời, bọn tôi
sinh ra để làm trụ cột gia đình, chứ không phải là để làm mấy việc thể hiện tình
cảm này nọ”, họ cũng không giỏi chuyện bày tỏ cảm xúc.
Lắm người mặc kệ bạn
gái, vợ, thậm chí là mẹ mình loay hoay trong sự vất vả mệt mỏi sau những chuyến
đi dài. Giống người chồng ở trên. Đúng là “sai sai”, như trái tim người vợ đã
cảm thấy.
Anh chồng
thì lý sự rằng đêm hôm chẳng ai đi ra sân bay để mà đưa đi đón về được, mất công, tốn tiền, chị vợ
cũng nghĩ trong đầu như thế, cho rằng chồng mình đúng, đêm là lúc mọi người nghỉ ngơi nên tự về cũng không sao.
Thế
nhưng người phụ nữ ngồi cạnh chị suốt chuyến bay
lại vẫn có em trai tới đón, còn cho chị đi nhờ một đoạn. Chứng tỏ rằng
suy nghĩ lâu nay của chị là sai rồi. Đón hay không đón, đó
là sự lựa chọn của mỗi người.
Nhưng kết quả sự lựa chọn ấy, sẽ mang lại cảm xúc
khác nhau. Một bên là ấm áp hạnh phúc, an toàn và đầy tình cảm gia đình. Còn
một bên là trống trải, ngỡ ngàng, và cô đơn. Chị cô đơn trong chính tổ ấm của mình…
Chính vì
giây phút nhìn thấu ấy mà người vợ đã đặt ra câu hỏi: Tại sao phải đón nhau ở
sân bay? Nó không phải là đòi hỏi quá đáng, nó là sự mong đợi được quan tâm từ
trái tim của người đi xa trở về, và là sự hồi hộp, nhớ thương của người ở nhà
biến thành hành động bày tỏ tình cảm.
Giữa hàng ngàn gương mặt xa
lạ, lại bắt gặp được một dáng hình, nụ cười thân quen, đủ khiến trong
lòng trào dâng xúc động vui mừng, muốn chạy ngay đến bên người thân, bạn
bè đã chờ đợi mình bao lâu như thế.
Hãy thử hình dung xem vợ mình ra khỏi cửa
sân bay, nhìn thấy chồng con vẫy tay gọi tên ầm ĩ, cô ấy sẽ hạnh phúc đến
nhường nào.
Cả gia đình cùng trở về tổ ấm sau bao ngày xa cách, cuộc sống chỉ
vậy thôi đã không còn gì mong ước hơn. Có tiền cũng chẳng mua được nhưng kỉ niệm chan chứa yêu thương ấy.
“Mấy tháng sau khi xem một chương trình thực tế về gia
đình nhà Osborn, có cảnh mẹ bắt mấy đứa con vào xe taxi để đón bố đi công tác
về, tụi nhỏ nghịch ngợm la hét đứa bé đứa lớn, đồ đạc lỉnh kỉnh, có một đứa nói
phụng phịu: “Tại sao chúng ta cứ phải đi đón bố, sao bố không tự về?” thì mấy
đứa kia nhại lại đúng giọng của bà mẹ: “Bởi vì chúng ta yêuuuuu bố” rồi cười
khúc khích.
Lúc đó tôi mới hiểu, chúng ta đi đón người thân không phải vì những
chiếc túi chiếc vali to và nặng mà chỉ đơn giản là vì chúng ta muốn như vậy,
chúng ta muốn đón họ để ôm chầm lấy và nói là chúng ta rất vui khi thấy họ về.
Nếu suy nghĩ logic thì tất nhiên việc đưa đón nhiều khi rất phiền phức, nhiều
lúc có cảm giác không nhất thiết, vì tắc đường, vì chúng ta đang bận chơi game.
Chúng ta có thể không đến bênh viện để thăm người ốm, chỉ cần chuyển phát cân
cam cũng được, có thể không tổ chức những ngày kỷ niệm vì như vậy rất tốn kém
và không cần thiết. Nhưng thật là ngốc nghếch hy vọng nhận được sự quan tâm khi
bản thân mình hờ hững.
Bất kỳ một mối quan hệ nào cũng cần đến những nỗ lực và cố gắng để duy
trì, bởi nếu cứ mặc kệ nó tự sinh thì nó sẽ tự diệt thôi.
Chúng ta có người yêu
người thân đâu phải để khi đi xa về “tự bắt taxi đi”, “tự tìm cách đi” hay "tự
giải quyết đi, vì cái này đơn giản mà”.
Ông bố Osborn trong chương trình kia là
một người rất giàu, ông ấy có thể bảo xe riêng trở về đến tận nhà, nhưng mà sau
một chuyến đi dài người đầu tiên ông ấy muốn gặp chắc hẳn không phải là ông tài
xế mà là vợ con. Tôi tin chắc chúng ta ai cũng như vậy thôi, nhưng không phải
ai cũng sẵn sàng làm.
Nếu đối với bạn đón người mình yêu là phiền phức, là lãng phí tiền của
và thời gian thì đối với tôi, tôi thích như vậy, tôi biết cái cảm giác khi có
người đợi mình, cảm giác có ánh mắt tìm mình giữa đám đông trong phòng chờ.
Và
người thân nhất định phải là người đầu tiên tôi nhìn thấy sau một chuyến đi
dài. Sự khác biệt là ở đó”.
Càng đọc, càng ngẫm, càng thấy hạnh phúc xa xỉ lắm, nếu không giơ tay ra nắm giữ lấy, thì mọi thứ sẽ cứ chực rời xa ta mãi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét