XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Binh chế trong lịch sử

  • Lê Nguyễn
  • Thứ hai, 27 Tháng 2 2017 10:52
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Lịch sử loài người là một chuỗi dài những cuộc tương tranh và quân đội hầu như hình thành đồng thời với sự hình thành cơ cấu quốc gia. Song, qua thời gian, tổ chức quân đội thường thay đổi cho phù hợp với lực lượng cơ hữu và tình hình an ninh trật tự trong nước, mối quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực.
QUÂN ĐỘI QUA CÁC TRIỀU ĐẠI 

 Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), ngay từ thời kỳ đầu lập quốc, nhân dân ta đã phải đối phó với giặc ngoại xâm: Phù Đổng Thiên vương phá giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh tan quân Hán … Điều đó chứng tỏ quân đội đã có mặt từ lúc hình thành cơ cấu xã hội đầu tiên. Song thời kỳ này còn mang nhiều màu sắc truyền thuyết nên không thể biết được tổ chức quân đội ra sao. Phải đợi đến sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi nhà Ngô giành lại chủ quyền và nhà Đinh thống nhất đất nước, sử sách mới ghi khá rõ nét tổ chức của quân đội Việt. Thời Đinh Tiên Hoàng, đơn vị quân đội cao nhất là đạo, mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 người. Người tổng chỉ huy quân đội thời đó là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, coi toàn bộ 10 đạo quân trong nước, về sau trở thành vua Lê Đại Hành.
Năm 1428, sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, trong 25 vạn quân đã kháng chiến gian khổ, Bình Định vương Lê Lợi cho 15 vạn người về làm ruộng, giữ lại 10 vạn quân chia làm 5 đạo: Đông – Tây – Nam – Bắc đạo và Hải Tây đạo.
Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, ở Đàng ngoài, chúa Trịnh đặt ra hai thứ quân: Ưu binh ở kinh thành, canh giữ cung vua, phủ chúa, và Nhất binh ở các trấn, chia thành nhiều cơ, cứ mỗi cơ 200 người thì 100 người tại ngũ, 100 người về làm ruộng, lần lượt luân phiên nhau như thế. Còn ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn có khoảng 30 ngàn quân chia thành 5 cơ: Trung cơ, Tả cơ, Hữu cơ, Tiền cơ, và Hậu cơ. Quân số này có lẽ được bổ sung thêm trong thời gian xảy ra 7 lần đụng độ giữa quân Trịnh và quân Nguyễn vào những năm từ 1627 đến 1672. Đến khi chúa Nguyễn Ánh tiêu diệt xong nhà Tây Sơn, lên ngôi với niên hiệu Gia Long, tổ chức quân sự được cải tiến để đảm bảo sự ổn định chính trị. Tại kinh thành Huế, có tổ chức Kinh binh gồm ba thứ quân: Thân binh, Cấm binh và Tinh binh, chia thành doanh, vệ, đội, ngũ; một doanh có 5 vệ, một vệ có 10 đội, một đội có 50 người.
Phục dịch nhà vua có các đội Cẩm y, Kim ngô, Loan giá, Thị vệ, còn bảo vệ kinh thành có Thần cơ, Tiên phong, Long võ, Hổ oai, Hùng nhuệ … Tại các trấn (về sau là tỉnh), có Cơ binh, chia thành cơ và đội.
Ngoài bộ binh, triều Nguyễn còn tổ chức chặt chẽ hệ thống thủy binh, tượng binh, kỵ binh, pháo thủ binh … Theo J.B. Chaigneau, một người Pháp làm quan triều Gia Long và Minh Mạng với tên Việt Nguyễn Văn Thắng, quân đội nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX vào khoảng từ 80 ngàn đến 200 ngàn người, tùy tình hình và nhu cầu sử dụng mà tăng hay giảm. Riêng thủy quân có 26.800 người với khoảng 1 ngàn tàu thuyền lớn nhỏ.

 
  
 
CÁC NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI

Quân đội thời xưa được tổ chức trên nguyên tắc “động vi binh, tĩnh vi dân” hay “ngụ binh ư nông”. Khi có biến, mọi người đều ra trận, khi thái bình, phần lớn trở về làm ruộng, chỉ giữ lại một thành phần nhỏ để canh gác, bảo vệ trật tự trị an và phục dịch vua quan. Năm 1728, chúa Trịnh Cương đặt ra phép mộ lính: phàm người nào cơ thể khỏe mạnh, tình nguyện làm lính thì nộp đơn xin xét duyệt để sung vào đội ngũ và được cấp cho quan điền để sinh sống. Đến năm 1733, chúa Trịnh Giang thấy nhiều người tình nguyện quá, phải tốn nhiều ruộng đất để cấp, thuế tô sút kém, nên bỏ hẳn lệ này.
Triều Gia Long đặt ra phép giản binh, lấy lính trong số dân đinh với tỷ lệ thay đổi tùy theo vùng, chẳng hạn ở Trung kỳ, cứ 3 đinh lấy 1 lính, ở Bắc kỳ cứ 7 đinh lấy 1 lính, còn ở Nam kỳ thì 5 đinh lấy 1 lính. Lại ban lệ biền binh, lính chia làm 3 phiên, 2 phiên về quê quán làm ăn, 1 phiên ở lại ban và luân phiên nhau. Về trang phục, đời Đinh đã định cách ăn mặc đồng nhất, binh sĩ nào cũng có áo giáp, mũ bình đính để phân biệt với dân thường. Đến thời Nguyễn, mỗi binh lính được cấp hàng năm hai bộ quần áo, gồm áo đen lót màu vàng, quần lụa tinh màu đỏ, cùng thắt lưng, đẫy bằng vải. Lương bổng gồm có gạo và tiền. Ngay đầu thế kỷ XIX, triều đình qui định các làng xã phải gánh vác chi phí về trang phục cho binh lính trong địa hạt của họ.
Thông thường có hai tệ nạn xảy ra trong việc binh. Một là nhờ người đi lính thay, hai là đào ngũ. Năm 1728, chúa Trịnh Cương định rõ biện pháp tróc nã những ai mướn người đi lính thay. Người mướn hay người đi thay đều bị xử tội đồ, tức bị đày đi lính phương xa để làm những việc hạ tiện như chăn voi, chăn ngựa, xã trưởng và quan sở tại dung túng việc mướn người đi lính thay cũng bị tội.
Năm 1859 khi cuộc chiến Việt-Pháp bùng nổ, vua Tự Đức ban chỉ dụ đối phó với nạn đào ngũ ngày càng nhiều bằng ba biện pháp trừng trị:
- đào ngũ lần thứ nhất: xuyên cây qua vành tai
- đào ngũ lần thứ hai: đánh 100 gậy
- đào ngũ lần thứ ba: chém đầu
Trong lãnh vực võ trang, ngoài các binh khí thời cổ như gươm đao, giáo mác, cung tên, đầu thế kỷ XVII, chúa Trịnh cho lập sở đúc súng đại bác, mở trường bắn. Tuy vậy, đến thời Tự Đức, trang bị vũ khí của quân lính vẫn còn khá lạc hậu: một đội 50 người chỉ có 5 khẩu súng điểu thương, mỗi lần bắn phải châm ngòi. Cả năm, lính mới tập bắn một lần, mỗi người chỉ được bắn 6 phát, ai bắn quá số đó phải bồi thường. Vì tình trạng ấy mà năm 1861, trên 30 ngàn quân của Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương ở đồn Chí Hòa phải thất thủ trước 3 ngàn quân Pháp với súng ống hiện đại hơn nhiều.

 
    
 
VÕ QUAN NGÀY XƯA

Do sự hạn chế của sử liệu thời trước, người ta chỉ biết một cách đơn giản rằng chức quan võ đời Hùng vương là Lạc tướng. Đến đời Đinh-Lê, tổ chức quân đội đã có qui củ, nhưng cũng chỉ thấy có thập đạo tướng quân, chức quan võ cao cấp nhất của triều đình, không rõ những người trông coi các quân, lữ, tốt, ngũ gọi là gì. Đời Hậu Lê, tổ chức quân sự cao cấp nhất là Ngũ phủ: Trung quân, Đông quân, Tây quân, Nam quân, Bắc quân. Mỗi phủ đặt một đô đốc phủ, có tả hữu đô đốc trông coi. Năm 1664, chúa Trịnh Tạc đặt thêm hai chức quan võ cao cấp nữa là Chưởng phủ sự và Thự phủ sự. Một điểm đặc biệt trong thời Lê-Trịnh là giới nội giám (hoạn quan) rất được tin dùng, nên trong triều, ngoài hai ban văn và võ, còn có giám ban, quyền hành thực tế rất lớn. Dụng ý của chúa Trịnh khi lập ban này nhằm biến họ thành một thế lực hậu thuẫn cho mọi hoạt động của chúa. Song về sau, giới này quá lộng quyền, gây sự oán thán cho các hàng quan lại khác nên cuối cùng bị giải thể vào năm 1780.
Dưới triều Nguyễn, quan chế được vua Gia Long đặt định và vua Minh Mạng hoàn chỉnh với hai hệ thống văn quan và võ quan, cùng có 9 phẩm cấp (cửu phẩm), mỗi phẩm cấp có hai bậc: chánh và tòng. Chánh nhất phẩm bên văn quan có tứ trụ triều đình, theo thứ tự từ trên xuống, gồm: Cần chánh điện Đại học sĩ, Văn minh điện Đại học sĩ, Võ hiển điện Đại học sĩ, và Đông các Đại học sĩ; còn bên võ quan có: Ngũ quân Đô thống, đô thống chưởng phủ sự, gồm Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân. Quan võ dưới hàng chánh nhất phẩm có Đô thống (tòng nhất phẩm) ở kinh đô, trông coi hết các doanh. Đứng đầu mỗi doanh là các Chưởng vệ (tòng nhị phẩm), đứng đầu mỗi vệ là một Vệ úy (chánh tam phẩm), đứng đầu mỗi đội là một Chánh đội trưởng suất đội (tòng ngũ phẩm). Ở các tỉnh, viên võ quan cao nhất là Lãnh binh, hàm chánh tam phẩm. Ở các tỉnh thành lớn, đôi khi có chức Đề đốc, hàm chánh nhị phẩm, bằng với Tổng đốc và Thượng thư (thành Hà Nội). Quân đội ở tỉnh chia ra Cơ và Đội, đứng đầu cơ là Quản cơ (chánh tứ phẩm), đứng đầu đội là suất đội (tòng ngũ phẩm). Về mặt hệ cấp, tuy có sự sắp xếp các phẩm cấp ngang nhau giữa văn quan và võ quan, song thành kiến “trọng văn khinh võ” vẫn luôn tiềm tàng trong nếp nghĩ của người xưa. Trong dân gian thường truyền tụng các câu thơ:
Văn thì cửu phẩm là sang,
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu
hay:
Văn quan mất một đồng tiền,
Làm cho quan võ mất quyền Quận công
Sở dĩ có thành kiến này một phần vì văn quan là những người có học vấn cao, đỗ đạt trong các kỳ thi chọn người tài. Để được cử giữ chức tri huyện vào hàng chánh lục phẩm thôi thì đã phải đỗ từ cử nhân trở lên; còn quan võ chức Vệ úy vào hàng chánh tam phẩm cũng chỉ chọn trong những người có sức mạnh, giỏi võ, phần lớn không có mấy “chữ thánh hiền” trong bụng. Để giảm thiểu bớt sự chênh lệch giữa quan văn và quan võ trong cái nhìn của xã hội phong kiến, các triều đại xưa đã tính đến việc mở trường dạy võ. Thời Lê Dụ Tông (1706-1729), chúa Trịnh Cương mở trường học võ, đặt quan giáo thụ để dạy, mỗi tháng tiểu tập một lần, ba tháng đại tập một lần. Đến triều Nguyễn, năm 1846, vua Thiệu Trị mở trường dạy võ tại kinh thành, và năm 1865, vua Tự Đức cho mở kỳ thi võ tiến sĩ đầu tiên. Từ đó về sau, các khoa thi võ thường mở song hành với khoa thi văn, nhưng với qui mô hạn chế hơn. Các bài thi võ gồm đủ thập bát ban võ nghệ, thí sinh thi võ kỳ thi Hội phải sử dụng thành thạo 18 món binh khí, đấu quyền, đấu roi, đấu côn. Chẳng những thế, thí sinh còn phải dự kỳ đối sách, bình luận về Tôn Ngô binh pháp, Binh gia yếu lược … Những người đỗ kỳ thi võ tiến sĩ được gọi là Tạo sĩ. Đề đốc Lê Trực là một trong những người đỗ võ tiến sĩ đầu tiên vào thời kỳ này, sau năm 1885, ông là một lãnh tụ kháng chiến nổi bật của phong trào Cần vương, rất được tướng sĩ dưới quyền yêu kính và kẻ thù là thực dân Pháp cũng phải nể trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét