XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Lịch sử hình thành thôn làng và phát triển xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hó

 


Vĩnh Hòa là một xã nằm phía đông Bắc của huyện Vĩnh Lộc, cách trung tâm huyện khoảng 6 km, với diện tích tự nhiên là 1488,51 ha tiếp giáp với các xã như sau:

- Phía Đông giáp Vĩnh Hùng

- Phía Tây giáp xã Vĩnh Khang

- Phía Nam giáp Huyện Yên Định

- Phía Bắc giáp xã Vĩnh Phúc và Vĩnh Hưng

1. Diện tích tự nhiên, dân số.

Tổng diện tích tự nhiên của xã: 1.488,51 ha.

- Nhân khẩu cả xã có 6.437 nhân khẩu và 1.716 hộ, Cơ cấu dân số trên 10 thôn.

- Cơ cấu kinh tế:

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ cụ thể là: Nông nghiệp 42%; XD-CN-TTCN 29%, dịch vụ thương mại 29%.

2. Hành chính

Toàn xã có 10 thôn trong đó có 1 thôn là công giáo toàn tòng

Xã Vĩnh Hòa gồm có 10 thôn, làng:

Quang Biểu 1

Quang Biểu 2

Nghĩa Kỹ 1

Nghĩa kỳ 2

Giang Đông

Pháp Ngỡ

Bỗng Phồn

Hữu Chấp

Lợi Chấp

Nhật Quang

Đặc sản: Nem chua nướng, bánh răng bừa, bánh mật...

Di tích và thắng cảnh: Chùa Vĩnh Nghiêm (làng Quang Biểu 1), Đền Trịnh Khả (thôn Giang Đông), Sông Mã, sông Bưởi...

          Vĩnh Hoà, một xã thuần nông, là một đơn vị hành chính thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, xã có một bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đã trãi qua nhiều vương triều phong kiến Việt Nam, là một xã trung du bán sơn địa. Một vùng quê với truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, cần cù siêng năng trong lao động sản xuất, giản di trong sinh hoạt, đoàn kết đồng lòng trong xây dựng quê hương đất nước.

        Cách trung tâm huyện Vĩnh Lộc gần 7 km về phía Đông Nam, xã Vĩnh Hoà một đơn vị hành chính thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 44 km về phía Tây. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 1.488,5 ha. Phía Tây giáp xã Vĩnh Thành, Phía Đông giáp làng Sóc Sơn xã Vĩnh Hùng, Phía Bắc giáp xã Vĩnh Hưng, Phía Nam giáp xã Định Hải và xã Định Liên của huyện Yên Định. Tổng dân số tính đến tháng 12 năm 2017 là 7511 nhân khẩu, sinh sống trong 11 thôn, trong xã có 01 thôn công giáo toàn tòng với gần 700 nhân khẩu.

Dựa vào các điều kiện thuận lợi như toàn bộ phía tây xã là hợp lưu sông Mã, sông Bưởi hàng năm đã bôi đắp một lượng phù sa màu mỡ hàng 100m3. Thành phần và cấu tạo địa lý đất đai xã Vĩnh Hoà được xác định nhiều thành phần mà qua phân tích thổ nhưỡng của ngành khoa học có từ đất hạng một đến hạng 5, có sông, núi, có đồng cao, đồng sâu, đồng chiêm có bãi bồi phù sa ven sông ...

          Mặc dù đã có dấu vết cư dân sinh sống cách đây hàng ngàn năm nhưng mãi đến cuối triều đại nhà Trần đầu Hồ (Khoảng năm 1360 - 1401) mới có tên địa danh xã Vĩnh Hoà đến ngày nay đã thay đổi các làng xã trang ấp của “4 tổng” hợp lại đó là:

Làng Chấp: (Tức Hữu Chấp) và làng Mới (tức làng Lợi Chấp) Thuộc tổng xã Nam Cai tổng Hồ Nam.

Làng Công (tức Phụng Công, thuộc tổng Cao Mật)

Làng Nhật (Tức Nhật Quang) Thuộc tổng Bỉm Bút. Bốn làng trên sau cách mạng 8/1945 được huyện đặt tên là xã Cộng Hoà, chủ tịch uỷ ban lâm thời của xã Cộng Hoà là ông Lê Văn Hinh người làng Lợi Chấp.

Còn tổng Sóc Sơn gồm có 7 làng:

Làng Bỉm (Tức làng Quang Biểu)

Làng Phúc Tường (tức Nghĩa Kỳ)

Làng Boi (Tức làng Giang đông)

Làng Ngỡ (Tức Pháp Ngỡ)

Làng Sóc Sơn.

Làng Cù (Tức làng Cù Đông)

Làng Toán Nghệ.

Về niên đại hình thành tổng Sóc Sơn có khoảng cuối thế kỷ thứ X (năm 940 - 975) và đã trải qua 5 vương triều phong kiến Việt Nam, đó là cuối Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê.

Như vậy, xã Vĩnh Hoà trước cách mạng tháng 8/1945 thuộc tổng Sóc Sơn, là một trong sáu tổng của Huyện Vĩnh Lộc; Gồm tổng Cao Mật, Tổng Hồ Nam, Tổng Bỉnh Bút, tổng Bồng Thượng, Tổng Thanh Xá và Tổng Sóc Sơn.

Chủ tịch uỷ ban lâm thời xã Vĩnh Hoà là Ông: Trịnh Bá Huệ người làng Quang Biểu.

Sau thắng lợi tổng khởi nghĩa 19/8/1945 do đặc điểm tình hình và địa hình dân cư, Huyện Quyết định sát nhập 2 xã từ ngày 12/12/1947 với tên gọi là xã Vĩnh Hoà cho đến ngày nay. Người chủ tịch uỷ ban xã đầu tiên là Ông: Trịnh Bá Huệ.

Đồng thời với công tác tổ chức nhân sự thì tổ chức hành chính cũng được tiến hành điều chỉnh sắp xếp lại các làng xã nhằm mục đích tạo điều kiện hợp lý trong hoạt động và điều hành công việc.

Sau cách mạng 1945, xã Vĩnh Hoà mới nhận về 5 làng thuộc các tổng khác là:

Làng Hữu Chấp huộc tổng Hồ Nam về Vĩnh Hoà.

Làng Lợi Chấp thuộc tổng Hồ Nam về Vĩnh Hoà

Làng Phụng Công thuộc Cao Mật về Vĩnh Hoà.

Làng Nhật Quang thuộc Bỉnh Bút về Vĩnh Hoà.

Làng Đồng Mực thuộc tổng Vân Lung về Vĩnh Hoà.

* Chuyển 5 làng về các xã khác là: Làng Cù Đông chuyển về xã Vĩnh Phúc, Làng Toán Nghệ chuyển về Vĩnh Hùng, Làng Sóc Sơn chuyển về Vĩnh Hùng, Làng Phụng Công chuyển về Vĩnh Thành (1967), Làng Đồng Mực chuyển về Vĩnh Hùng;

3. Thôn làng và lịch sử hoạt động cách mạng

Xã Vĩnh Hoà hiện nay có 8 làng sau: Làng Quang Biểu, Làng Nghĩa Kỳ, Làng Giang Đông, Làng Pháp Ngỡ, Làng Hữu Chấp, Làng Lợi Chấp, Làng Nhật Quang, Làng Bỗng Phồn.

          Xã Vĩnh Hoà là một địa điểm của người dân từ nhiều miền quê hội tụ, nhiều làng xóm có nguồn gốc lâu đời từ trên dưới 2 nghìn năm thuộc văn hoá Đông Sơn.

          Trải qua hàng ngàn năm hình thành, xây dựng và phát triển, với bao nhiêu biến cố thăng trầm của đất nước và vùng quê người dân Vĩnh Hoà đã cần cù trong lao động sản xuất, đoàn kết chung sức chung lòng để chống chọi với thiên nhiên.

         Vĩnh Hoà cũng là vùng đất màu mỡ nên đã tụ hội được nhiều cư dân mới, họ đã mang những kinh nghiệm sống, nếp văn hoá truyền thống của các địa phương, nhiều phong tục tập quán mới được bổ sung làm nên nét riêng cho xã Vĩnh Hoà.

          Và cũng từ đó đã sản sinh ra những con người hào kiệt của đất nước như: Thái uý Bình quân Quốc sự Trịnh Khả (mùa đông 1416 là một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi, năm 1928 kháng Minh Thành công Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế ông đã trở thành công thần khai quốc của Nhà Hậu Lê) người Kim Bôi (Tức Giang Đông); Năm 1884, vua Hàm nghi hạ chiều cần vương đánh Pháp thì Vĩnh Hoà cũng đóng góp cho nghĩa quân những người tài giỏi, mưu trí dũng lược, chỉ huy nghĩa binh cùng Tống Duy Tân chiến đấu chống giặc tại Ba đình (Nga Sơn) và núi Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc).

        Noi gương các bậc tiền bối, trước khi có Đảng cộng sản ra đời 3/2/1930 lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì Vĩnh Hoà đã có một loạt nhân tố tích cực, được giác ngộ chủ nghĩa yêu nước, tham gia tích cực các đoàn thể, các phong trào cách mạng dưới nhiều hình thức công khai và bán công khai. Tiêu biểu nhất là đồng chí Trịnh Huy Quang người làng Nghĩa Kỳ đã tham gia tổ chức cách mạng đầu tiên ở xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc và một số huyện trong tỉnh.

Từ cuối năm 1926 tại tỉnh Thanh Hoá đã có 2 tổ chức cách mạng là “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ” và “Đảng tân việt” đồng chí Quang đã tham gia tích cực và sau đó đã trở thành Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá .

Năm 1927 đồng chí Trịnh Huy Quang đã lãnh đạo một số đồng chí khác rải truyền đơn dọc các tuyến đường trưởng tiểu học Pháp – Việt đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng nhân dân, đồng thời gây thanh thế cho tổ chức cách mạng.

Giữa năm 1928, cơ sở của hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được xây dựng ở nhiều làng trong xã như Nghĩa Kỳ, Quang Biểu, Hữu chấp.

Cuối năm 1929 thì đồng chí Trịnh Huy Quang bị mật thám bắt và bị giam tù tại nhà tù Buôn Ma Thuật. Sau nhiều đợt tra tấn tàn ác không khai thác được gì ở người cộng sản này buộc địch phải trả tự do sau hơn 4 năm trong tù đế quốc (Đồng chí Quang bị tù từ tháng 8/1929 đến 11/1933).

Ra tù đồng chí đã liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động ở khu vực huyện Vĩnh Lộc, Cẩm thuỷ.

          Cùng với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thì tổ chức “Đảng Tân Việt” cũng phát triển nhanh chóng trong các làng Hữu Chấp, Lợi Chấp, Quang Biểu, Nghĩa Kỳ … thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên tham gia dưới sự dìu dắt hướng dẫn của đồng chí hoạt động tại làng Sóc Sơn (lúc đó là tổng Sóc Sơn có cả Vĩnh Hoà ngày nay). Với danh nghĩa là đi vỡ hoang sản xuất nhưng thực tế đấy là khu vực huấn luyện quân sự, chính trị còn tăng gia sản xuất là để tự túc.

Ngoài 2 tổ chức trên thì “Hội tiên long Ái Quốc” cũng hoạt động ráo riết không chỉ riêng Vĩnh Hoà mà còn rộng khắp các huyện trong tỉnh. Song, do điều kiện địch đàn áp, lùng bắt … nên hội tiên long ái Quốc chỉ tồn tại được một thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) thì tan rã trong xã Vĩnh Hoà cũng có một số bị bắt nhưng qua tra tấn đánh đập đều giữ vững được khí tiết cách mạng;

Thời kỳ từ 1931 đến 1936 cách tổ chức cách mạng hoạt động trên quy mô rộng lớn tác dụng của các phong trào yêu nước mỗi ngày mộ lên cao nhất là phong trào xô viết Nghệ Tĩnh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các địa phương trong tỉnh, trong huyện nói chung và Vĩnh Hoà nói riêng. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng ở các làng mà xã Vĩnh Hoà có các làng tiêu biểu như Lợi Chấp, Hữu Chấp, Phúc Tường, Quang Biểu.

        Sau ngày Đảng cộng sản ra đời thì ảnh hưởng của Đảng đã đi vào đời sống của người dân, quần chúng được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, càng thấm thía cuộc đời lầm than, nỗi nhục của người dân bị áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến. Nhân dân có lòng tin Đảng, đi theo cách mạng, làm cách mạng.

Trước các cao trào đấu tranh và hoạt động cách mạng của quần chúng nhân dân, địch điên cuồng lồng lộn khủng bố, đàn áp các lực lượng cách mạng bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn, xã Vĩnh Hoà cũng trong bế tắc đó. Song, các đoàn thể quần chúng vẫn bí mật hoạt động, tin tưởng vào tổ chức, tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tại xã vẫn tiếp tục hoạt động theo các hình thức như “hội truyền bá Quốc ngữ”, “Hội nông hội đỏ” “Hội đi tranh” Làm nhà với mục đích đoàn kết, tập hợp lực lượng để đấu tranh chống lại các chính sách của địch. Cơ sở nông hội đỏ được duy trì củng cố vả mở rộng, các tổ chức khác như “hội đánh tranh” “hội đi săn” thông qua các tổ chức hội biến tướng đã đưa người dân Vĩnh Hoà vào một nếp sống chân tình, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong mọi trường hợp khó khăn thiếu thốn, giúp nhau dựng nhà cửa sinh sống lúc cha già mẹ héo, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm.

        Cuối năm 1933 đầu năm 1934, nhiều cơ sở của Đảng trong huyện được phục hồi và củng cố, các tổ chức quần chúng phát triển khắp nơi điều kiện số lượng cán bộ, Đảng viên đã được rèn luyện thử thách qua thực tế công tác nên tỉnh uỷ Thanh Hoá có chủ trương thành lập chi bộ ghép hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành thì đồng chí Trịnh Huy Quang (Nghĩa kỳ) cũng tham gia và phụ trách tờ báo “Tia sáng” tiếng nói của tỉnh Đảng bộ Tỉnh Thanh Hoá.

Tờ báo “Tia sáng” được cơ quan ấn loát đặt tại nhà ông “Trịnh Văn Chế” “Quang biểu” và nhà ông “Lê Văn Lược” (Nghĩa kỳ). Năm 1934 - 1935, thực hiện chủ trương của tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc thành lập các hội ái hữu, toàn huyện Vĩnh Lộc lúc này có 11 làng có tổ chức thì riêng Vĩnh Hoà có đến 4 làng có tổ chức ái hữu đó là làng Hữu Chấp, Phúc Tường, Quang Biểu và Lợi Chấp (Vĩnh Lộc còn có các làng khác như : Cẩm Bào, Xuân Áng, Đông Môn, Yên Tôn Hạ, Thọ Đồn, Mỹ Xuyên) cũng thành lập rất sớm.

          Tháng 6/1937, một số làng tại Vĩnh Lộc đã tổ chức đấu tranh chống thuế thân, một loại thuế nghiệt ngã, dã man nhất trong các thứ thuế mà thực dân Pháp đè lên cổ người lao động phải chịu đựng. Trong huyện, một số xã đã vận động quần chúng lao động phản đối việc thu thuế thân, ở xã Vĩnh Hoà cũng dấy lên phong trào lấy chữ ký để phản đối nhà cầm quyền điển hình cuộc vận động này là cuộc mít tinh tuần hành của quần chúng nhân dân làng Quang biểu do đồng chí Cao Ngọc Oanh tổ chức, lãnh đạo trong cuộc mít tinh tuần hành có cờ loa biểu ngữ hoan nghênh mặt trận bình dân pháp.

          Cũng trong thời gian này, cuộc đấu tranh để đưa những cán bộ Việt Minh vào các cấp chính quyền Nhà nước cũng diễn ra rất sôi nổi trên địa bàn Huyện Vĩnh Lộc, trong đó tại Vĩnh Hoà có cuộc tuyên truyền vận động nhân dân bầu cho cụ Nguyễn Đan Quế (Làng Sóc Sơn lúc đó đang thuộc xã Vĩnh Hoà) vào viện dân biểu trung kỳ khu vực 5 gồm các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thạch Thành và Huyện Nga Sơn đồng chí Cao Ngọc Oanh đã lãnh đạo phong trào này thành công tốt đẹp, thu được kết quả lớn.

Tháng 7/1938 thực hiện chủ trương của tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc thành lập uỷ ban vận động cách mạng ở huyện Vĩnh Lộc gồm 10 ngườì do ông Lê Văn Thiệp làm trưởng ban và ông Đặng Văn Hỷ phụ trách công tác thanh niên thì xã Vĩnh Hoà cũng có một người đứng trong hàng ngũ, tổ chức đó là đồng chí Cao Ngọc Oanh.

        Ngày 14/7/1939, tại cửa Bắc thành Tây Giai, hàng 100 quần chúng cách mạng thuộc các tổng Cao Mật, Bỉnh Bút, Hồ Nam và Sóc Sơn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng tổ chức một cuộc mít tinh quy mô lớn. Đồng chí Cao Ngọc Oanh đã đọc diễn thuyết hùng hồn nêu rõ ý nghĩa của cuộc cách mạng tư sản Pháp, lên án chính quyền thuộc địa và thực dân phong kiến, kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức bọc lột, đòi thả tù chính trị.

Sau khi Đảng được thành lập, được sự lãnh đạo sát sao, phong trào cách mạng trong xã được triển khai sâu rộng, liên tục, mạnh mẽ thông qua các tổ chức “Hội ái hữu” “Hội Đi Tranh” làm nhà từng bước nâng cao sự giác ngộ cách mạng của nhân dân tham gia đông đảo hơn. Qua đó đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trưởng thành từ nhận thức lý luận đến hành động thực tế.

4. Đình, đền, bia ký và lễ hội

4.1 - Đình: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng Nghĩa Kỳ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc là địa điểm liên lạc của cán bộ hoạt động cách mạng, cũng là nơi thành lập Hội Tương tế ái hữu, Mặt trận phản đế cứu quốc… Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đình làng là nơi tập trung lực lượng, tổ chức quần chúng đấu tranh. Quê hương Nghĩa Kỳ đã trở thành cái nôi cách mạng của huyện Vĩnh Lộc. Nơi đây, có nhiều người con ưu tú, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh, như đồng chí Trịnh Huy Quang, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1936 - 1939; đồng chí Trần Tiến Quân (tức Trịnh Huy Lãng), Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa năm 1977. 

Năm 2022 Đình làng Nghĩa Kỳ được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong việc xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

4.2 – Đền thờ - Bia Ký Trịnh Khả

Trịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh là bậc khai quốc công thần, làm quan dưới 3 triều vua Lê: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông được ban quốc tính họ vua gọi là Lê Khả. Trịnh Quyện là cha của Trịnh Khả. Ông sinh được 4 người con trai, Trịnh Khả là con út. Trịnh Khả rất ham mê đọc sách, thường nằm nghỉ ngơi ở chùa Kiều Sơn. Sách Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí của tác giả Lưu Công Đạo viết: Năm 1407, sau khi bắt sống được cha con Hồ Quý Ly, nhà Minh đặt ách cai trị, đã sai Trương Phụ đi khắp các quận huyện nước ta xem phong thủy. Một hôm đến xã Kim Bôi ngắm kỹ non nước địa hình thì thấy: “Hướng Càn có đồn binh, hướng Cấn có chỗ lên ngựa..., trong đất ấy ắt sẽ sinh ra tướng giỏi”. Năm 16 tuổi, một hôm Trịnh Khả dắt trâu đi cày về ngồi nghỉ tại cổng chùa Kiều Sơn. Trương Phụ thấy ông kỳ lạ cho rằng đây là người mình đang cần tìm. Nhìn dung mạo khôi ngô, mày rồng, trán hổ, tai dày dính thịt, mắt nhỏ ẩn thần ông lập tức hỏi: “Con là ai ngồi đây có công cán gì” ; Trịnh Khả trả lời “Tôi là người nông canh nhàn hạ câu cá, ngồi đợi quạt gió cỏ nam thơm, đa tạ quan nhân đã để mắt tới kẻ hèn mọn. Có quan hệ gì đâu?”. Trương Phụ vừa nghe nói thất sắc đáp lại rằng “Ngươi có tướng mạo phi thường, nhưng lời nói lại càng phi thường hơn” Rồi lại nói “Câu cá phải có bạn cùng câu, ấy cỏ Nam thơm phải có người thưởng ngoạn cùng, ngươi cũng không phải là ngoại lệ, kẻ tiền bối của ta sau này ta sẽ bắt được ngươi” tức thì ông đứng dậy cười và nói “có việc nhà bức bách, vả lại phải xin cha mẹ mới đi được” rồi về nói với mẹ “Con là người nước Nam, sao lại yên việc với bọn giặc Ngô” bèn trốn đến gia đình người cô ở Duyên Phúc. Thời gian không lâu giặc Minh kéo đến nhà bắt ông không được chúng đã quay sang giết cha rồi ném xác xuống sông Mã lúc ấy là ngày 14 tháng 9. Hai ngày sau Trịnh Khả mới biết chuyện men theo bờ sông tìm cha đến Hà Uyên (vực Tôm) bỗng thấy có 2 người đương vớt xác của thân phụ ông lên đem chôn, khi lại gần ông bàng hoàng sợ hãi ôm xác cha lên bờ tìm nơi cao an táng. Lại thấy một ông lão tóc bạc chắp tay hướng về phía ông mà nói rằng “Cát địa ở trước mặt ông đó sao không mang đến táng ở đó, đất bằng huyệt khởi, chỉ có lòng đất mới giữ được lâu…sau 3 năm sẽ phát phúc”.Ôm xác cha táng ở đó rồi về xã Diên Phúc chịu tang cha vừa căm thù giặc quyết chí báo thù. Nghe tin Lê Lợi đang náu mình ở Lam Sơn ngầm nuôi binh mã, ông liền vác gươm tới xin theo. Đến với Lê Lợi, Trịnh Khả được trọng dụng tin dùng, ông được phong làm Phó chỉ huy lực lượng quân Thiết Đột. Ngày 07 tháng 2 năm 1418 Lê Lợi long trọng tổ chức lễ tế cờ, bố cáo với thiên hạ bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. Nhiều trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh điển hình là trận ở Lạc Thủy với lòng chiến đấu dũng cảm nghĩa quân đã đánh cho giặc Minh tơi bời chém được ba nghìn thủ cấp bắt sống được gần một nghìn tên. Bấy giờ, để trả thù và uy hiếp lòng tin của nhân dân đối với Lê Lợi và toàn bộ nghĩa quân, giặc Minh đã kéo đến Phật Hoàng quật mộ lấy thi hài của thân phụ Lê lợi, chúng loan báo khắp nơi rằng ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê không còn, theo Lê Lợi chỉ có đổ máu vô ích mà thôi. Lúc bấy giờ Trịnh Khả đến trước mặt Lê Lợi xin được làm việc lớn mang thi hài của thân phụ trở về. Ông liền đội cỏ mà bơi đến bến Dao Xá Thượng thẳng đến trước mủi thuyền, lúc bấy giờ quân Minh đang ngủ say Trịnh Khả bèn lấy cái tiểu đựng xương cốt thân phụ Lê Lợi đem về. Tỉnh giấc, quân Minh kiểm tra không thấy hài cốt tổ tiên của Lê Lợi đâu vô cùng sợ hãi cho rằng việc ấy là do trời giúp Lê Lợi. Mưu trả thù không thành, giặc Minh tức tốc kéo quân đánh vào Lam Sơn lần thứ 2 trận đánh quá bất ngờ khiến nghĩa quân bị tổn thất nặng phải rút lên núi Chí Linh. Trong bối cảnh đó, Lê Lợi muốn có sự giúp đỡ của Ai Lao ông đã cử Trịnh Khả là người vừa thông thạo tiếng nói, ứng xử nhanh nhẹn thông minh, nắm vững đường đi lối lại sang làm sứ giả. Triều đình Ai Lao đồng ý giúp Lam Sơn một số quân và voi chiến, binh khí cùng với lương thực. Với thành công lớn trong chuyến đi sứ Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc hồi phục lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn.

Tháng 10 năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn ồ ạt tiến công vào Nghệ An, Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh cầm quân tham gia cuộc tấn công quan trọng này, ông trực tiếp chỉ huy quân đánh nhau với giặc đến mấy mươi trận lớn nhỏ trận nào ông cũng là người xung phong lên đầu hãm giặc, lập công. Lê Lợi và bộ chỉ huy đánh giá rất cao tài năng và cống hiến đa dạng của Trịnh Khả.

Tháng 9 năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, lúc này Trịnh Khả cùng với các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy ba đạo quân có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của Thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng chặn đứng đường viện binh của giặc từ Vân Nam tràn qua, lập được nhiều chiến công xuất sắc đánh thắng 3 trận lớn đó là trận Ninh Kiều, trận Nhâm Mục, trận Xa Lộc. Đáng chú ý ở trận Ninh Kiều, Trịnh Khả đã có công chỉ huy phục binh bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời tháo chạy về Đông Quan, ngay sau đó Ninh Kiều được xây dựng thành căn cứ rất lợi hại của nghĩa quân Lam Sơn.

Ngày 10 tháng giêng năm Đinh Mùi, Trịnh Khả tiến binh về phía Bắc bờ sông Lô bao vây thành Đông Quan, Vương Thông sợ hãi cấp báo với nhà Minh. Nhà Minh sai Liễu Thăng, Mộc Thạch chia đường sang cứu viện, khi nghe tin quân Liễu Thăng thất bại Mộc Thạch gom quân chạy về. Trịnh Khả tổ chức tung quân đuổi đánh ở Đan Xá và Lãnh Châu, quân Mộc Thạch đại loạn, quân ta chém được hơn một vạn thủ cấp bắt được hơn nghìn người ngựa cùng nhiều khí giới, lương thảo không kể xiết. Lãnh Câu và Đan Xá là hai đòn cực mạnh cuối cùng, góp phần đánh gục hoàn toàn cuồng vọng của Vương Thông nói riêng và triều đình nhà Minh nói chung. Tháng 12 năm 1426, Vương Thông xin hòa, rút quân về nước.

Niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên 1428 Lê Lợi dẹp yên giặc Minh, phong tước công hầu, ban quốc tính. Trịnh Khả được ban hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tả lân Hộ vệ tướng quân, được ban túi Kim Ngưu và Ngân Phù. Năm 1429 nhà Lê cho khắc biển ghi tên tuổi của các vị khai quốc công thần trong đó có Trịnh Khả.

Năm 1434, thừa lệnh vua Lê Thái Tổ, Trịnh Khả đem quân sang giúp Ai Lao, cùng  năm ông được cử làm tướng tiên phong cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành giành thắng lợi được phong làm Thái úy ban cho sáu chữ “Công thần thủ tướng Phụ chính’.

Trịnh Khả là lão thần dưới triều Hậu Lê, trải qua 3 đời vua, công lao rực rỡ. sau này được truy tặng là liệt Quốc Công, ban cho một trăm mẫu ruộng tế điền. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, truy nhớ tới ơn cứu mẹ đã gia phong cho Trịnh Khả là Hiển Ứng Vương Thượng đẳng phúc thần và lệnh cho làng Kim Bôi (ngày nay là làng Giang Đông xã Vĩnh Hòa) lập đền thờ ông.

Đền thờ và Bia ký được xây dựng trên triền đồi, hướng Nam nhìn ra dòng sông Mã. Cấu trúc của đền gồm:

Nghinh Môn (cổng) xây gạch có 2 lớp mái lợp ngói vảy, hai bên có hai tượng hộ pháp cầm trường đao đứng dưới mái che, qua nghinh môn là dãy bậc thang dẫn lên đền chính 21 bậc, phía bên phải dãy bậc thang là nhà thủ từ.

Đền chính có cấu trúc hình chữ nhị (=), tiền đường có 3 gian 2 dĩ; hiên trước được ghép với 2 trái hai bên tạo thành hình thức 4 mái có góc đao; bốn trụ hiên xây gạch, cấu trúc vì kèo đơn giản. Mái tiền đường lợp ngói vảy cá, chính giữa bờ nóc trang trí lưỡng long trầu nguyệt.

Hậu cung tiếp nối với tiền đường qua một khoảng sân nhỏ. Hậu cung rộng 18m2 tường xây gạch mái cuốn vòm; có một cửa đi mở ra phía trước; Hai bên hậu cung có 2 nếp nhà 2 gian quay nghiêng góc 300 vào tiền đường. Nhà phía bên trái là thờ các vị con trai, bên phải thờ các vị con gái.

Nhà Bia đi về phía sau qua lối nhỏ có bậc lên, nhà bia có hình thức 4 trụ, mới được xây dựng gần đây bằng bê tông cốt thép, phía sau là khu lăng mộ của song thân cùng các con trai, con gái của Trịnh Khả.

Tấm bia đá ghi nhận thân thế và sự nghiệp của Trịnh Khả, Bia được làm bằng đá xanh nguyên khối đặt trên lưng rùa có kích thước cao 1,30m, rộng 70cm, dày 0,02m. Đỉnh bia hình vòng cung khắc hai bông cúc hóa long chầu vào nhau. Bia được soạn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1447) đời vua Lê Nhân Tông, người soạn là Thái học sinh khoa Canh Thìn (1400) triều Hồ tên là Nguyễn Mộng Tuân, người khắc là Nguyễn Thiên Lộ, ngự tiền tả ban. Toàn văn chữ Hán khắc kiểu chữ Khải, khoảng 22 dòng, mỗi dòng từ 2 đến 70 chữ.

Năm 2009, Di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt trùng tu, tôn tạo với tổng mức đầu tư là 9.780.000.000 đ.


Hậu điện thờ Thái Uý Trịnh Khả

        Nguồn: Trương Văn Trọng – Trang thông tin điện tử xã Vĩnh Hoà và sử Liệu Việt Nam, Phòng Văn hóa Thông tin Vĩnh Lộc, Thanh Hoá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét