XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Sơ lược lịch sử làng Hồ Nam (Xã Vĩnh Khang, nay là xã Ninh Khang)

 

Hình ảnh cuối nước đầu non của Phong Thuỷ Thành nhà Hồ

       Thành nhà Hồ được người xưa gọi là đất cuối nước đầu non Cuối nước là làng Hồ Nam (xã Vĩnh Khang) nơi gặp nhau hợp lưu của hai dòng sông Mã và Bưởi; Đầu non là núi Thổ tượng núi Voi có làng Mỹ Sơn cư ngụ;

        Làng Hồ Nam (Vĩnh Khang) là một xã (làng) đồng bằng của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nằm giáp với ngã ba sông, nơi sông Bưởi đổ vào sông Mã.

1. Vị trí địa lý:

       Vĩnh Khang cách huyện lỵ Vĩnh Lộc 5km về phía Nam. Xã Vĩnh Khang có mã số Quốc gia 271309. Tổng diện tích tự nhiên của xã Vĩnh Khang là 410,14 ha.

Phía Bắc giáp xã Vĩnh Thành và làng Thọ Vực xã Vĩnh Ninh.

Phía Nam giáp con sông Mã (bên sông là xã Yên Phong, Yên Thái, huyện Yên Định).

Phía Đông giáp sông Bưởi (bên sông là làng Lợi Chấp, xã Vĩnh Hòa).

Phía Tây giáp làng Kỳ Ngãi, làng Phi Bình, xã Vĩnh Ninh.

Điểm cực Bắc nằm ở khu vực bến Phà Công (cũ) giáp với xã Vĩnh Thành.

Điểm cực Nam nằm ở giữa sông Mã, giáp với xã Yên Phong, huyện Yên Định.

Điểm cực Đông nằm ở giữa sông Bưởi, giáp làng Lợi Chấp, xã Vĩnh Hòa.

Điểm cực Tây ở phía Tây chân núi Cẩm Ven, giáp làng Phi Bình, xã Vĩnh Ninh.

Xã Vĩnh Khang nằm vào vùng lõm của huyện Vĩnh Lộc, là nơi hợp lưu của sông Mã và sông Bưởi. Năm 1910, người Pháp mở con đường cho ô tô chạy từ Đò Lèn (Hà Trung) lên Phố Giáng (Vĩnh Lộc), trong đó có qua Phà Công và qua đất làng Hồ Nam (Vĩnh Khang) với chiều dài khoảng 500 m. Nhưng đoạn đường này cách trung tâm làng Hồ Nam (Vĩnh Khang) khoảng 2 km.

Xưa kia, người dân làng Vĩnh Khang ra khỏi làng thường đi trên con đường trước làng lên Phi Bình (xã Vĩnh Ninh) hoặc từ ngõ Ngã Ba đi đường Bờ Hón lên núi Công (làng Phụng Công, xã Vĩnh Thành).

Về đường thủy có đò dọc sông Mã từ Thanh Hóa lên Phủ Quảng, (Phố Giáng) lên Cẩm Thủy và ngược lại. Sau này lại có ca nô chạy từ Hàm Rồng lên Thạch Thành qua sông Bưởi và ngược lại. Ngoài ra, Vĩnh Khang còn có bến đò ngang sông Mã sang làng Lê, nay thuộc xã Yên Thái (Yên Định).

Hiện tại hệ thống đường bộ ở Vĩnh Khang từ ngõ xóm đến đường cái được bê tông hóa. Đặc biệt toàn bộ mặt đê sông Mã, sông Bưởi được đổ bê tông và trở thành đường đi lại dễ dàng, thuận tiện. Từ năm 1998, cầu Công trên dòng sông Bưởi - rồi cầu Kiểu trên dòng sông Mã được xây dựng, đảm bảo cho huyện Vĩnh Lộc nói chung và xã Vĩnh Khang nói riêng thông thương với mọi miền đất nước. Với hệ thống đường bộ hiện nay của Vĩnh Khang đã góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương.

2. Địa hình

Vĩnh Khang là một xã nhỏ, nhưng lại nằm giữa sông Mã và sông Bưởi nên có cả đồng ruộng và đồng bãi, trong đó đồng bãi ngoài đê sông Mã có tới 75ha. Vĩnh Khang có một núi đá và 2 núi đất.. Một núi đá được gọi là núi Cẩm Ven hay núi Chùa Ngói. Núi đá này nằm trên diện tích 3ha, đỉnh cao khoảng 70m. Nói là núi đá, nhưng dưới chân núi và lưng chừng núi nhân dân vẫn trồng cây lâm nghiệp được. (Diện tích trồng cây lâm nghiệp là 2,04ha, còn lại 0,96 ha hoàn toàn là đá). Về hai núi đất, đó là núi Nang và núi Thuyền, trong đó núi Nang chiếm 3,3 ha, núi Thuyền liền với núi Nang với diện tích 2,2 ha. Núi Nang trước kia có tên là núi Nùng, có độ cao so với mặt ruộng khoảng 15m, sau này chóp núi Nang được hạ thấp lấy đất đắp đê, hiện tại núi Nang có độ cao so với mặt ruộng khoảng 10m, núi Thuyền có độ cao so với mặt ruộng khoảng 2m. Trên núi Nang hiện nay có Đài tưởng niệm liệt sỹ, trường tiểu học, trạm xá và là khu dân cư của xã. Toàn bộ diện tích núi Thuyền được bố trí nghĩa địa của xã.

Đồng ruộng Vĩnh Khang có độ nghiêng từ Tây sang Đông, do đó đã tạo ra dòng chảy từ Tây sang Đông, đó là hón Công chảy ra sông Bưởi qua cống Công. Đặc biệt, đồng ruộng ở Vĩnh Khang thấp so với đồng ruộng của xã Vĩnh Thành, Vĩnh Ninh, do đó khi mưa to nước trên các cánh đồng của xã Vĩnh Thành, Vĩnh Ninh đều chảy dồn về cánh đồng của xã Vĩnh Khang để đổ ra sông Bưởi qua cống Công (cống qua đê). Cống Công được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhưng cửa cống nhỏ, những năm trời mưa to nước chảy không kịp ruộng đồng Vĩnh Khang bị ngập úng, mất mùa. Mặc dù cống Công được mở rộng, nhưng mỗi khi trời mưa to, nước ở các xã dồn về Vĩnh Khang vẫn không chảy kịp, do đó năm 2008 UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho xây dựng cống tiêu úng qua đê sông Mã (tại khu vực đầu làng).

3. Đất đai, thổ nhưỡng

Tổng diện tích tự nhiên của xã Vĩnh Khang là 410,14ha; trong đó có các loại đất:

- Đất sản xuất nông nghiệp hàng năm 267,09 ha.

- Đất trồng cây lâm nghiệp 2,04 ha;

- Đất thổ cư 22,95 ha;

- Đất ao hồ (trong đồng) 0,93 ha;

- Núi đá 0,96 ha

- Phần còn lại là các loại đất khác.

Đất ở Vĩnh Khang có hai loại đất chính đó là đất được phù sa bồi đắp hàng năm và đất không được phù sa bồi đắp hàng năm.

Đất được phù sa bồi đắp hàng năm là đất bãi bên sông Mã, nằm ở ngoài đê, chạy suốt từ đầu làng (núi Cẩm Ven) xuống đến cuối làng với diện tích 75 ha. Trong đó dải đất bãi ở phía đầu làng hẹp, đất bãi ở trước làng và cuối làng là bãi đất rộng. Hàng năm vào mùa mưa lũ, nước sông Mã lên cao lại đem phù sa màu mỡ bồi đắp cho diện tích đất bãi này.

Đất bãi phù sa là loại đất tốt cả lí tính và hóa tính, không chua. Cây trồng chính trên đất bãi là cây ngô, đậu, lạc, vừng, cây dâu và rau màu các loại. Vĩnh Khang là một trong các xã ở Vĩnh Lộc hàng năm sản xuất nhiều các loại rau, củ, quả làm hàng hóa bán ra thị trường trong huyện và ngoài huyện.

Về đất ruộng của Vĩnh Khang cũng là loại đất có độ phì nhiêu cao, được lắng đọng bởi phù sa của dòng sông Mã và dòng sông Bưởi từ xa xưa để lại. Tầng đất màu ở đây dày, ruộng đồng bằng phẳng, chế độ nước và không khí trong đất điều hòa. Thành phần cơ lý lớp đất mặt từ cát pha đến đất thịt trung bình. Đất ít chua, có độ mùn trung bình, các chất dinh dưỡng tổng hợp và dễ tiêu trong đất vào loại khá. Đây là loại đất có chất lượng tốt, là nơi trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp hàng năm, là loại đất thuận lợi nhất cho canh tác nông nghiệp. Trước đây, ngoài cây lúa, Vĩnh Khang còn trồng các cây công nghiệp là cây bông, cây thuốc lá. Loại đất này ở Vĩnh Khang có 192 ha chiếm trên 71% diện tích đất nông nghiệp của xã.

4. Đình làng Hồ Nam: Nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc, văn hóa đặc sắc

- Là công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn, đến nay đình làng Hồ Nam, xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) không chỉ còn lưu giữ những kiến trúc văn hóa đặc sắc, mà còn là biểu tượng của văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo bà con trong làng.

         Nằm ở vị trí “đắc địa” nhất của làng, đình làng Hồ Nam là nơi thờ thành hoàng làng Quản gia đô bác Trịnh Phủ Quân. Đình qua mặt hướng Nam theo thế tay ngai, phía trước là sông Mã, phía sau là làng mạc. Phía Đông (bên tả) có sông Bưởi uốn lượn quanh, phía Tây (bên hữu) giáp động Hồ Công.

         Đình có kết cấu theo kiểu chữ nhất, gồm 5 gian, dài 18,6 m, rộng 11,4 m, mỗi vì gồm 4 hàng cột gỗ và cột đá ở hiên trước. Toàn bộ công trình là một kết cấu tương đối hoàn chỉnh và được thiết kế đăng đối nhau.

         Gian giữa đình được kéo dài ra phía sau để làm nơi thờ tự. Trong đình còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối và kiến trúc vô cùng đặc sắc. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường kẻ bảy. Các đường nét gờ chỉ đều được chạm khắc họa tiết dây leo, hoa lá hết sức tinh xảo. Bức hoành phi chính giữa được chạm lưỡng long chầu nhật, theo lối chạm thủng bong sắc nét.

         Đáng chú ý nhất của đình làng Hồ Nam là 4 bức ván mê của vì ba và vì bốn được chạm trổ hình tứ linh cùng các con vật khác như: Hươu, nai, chim, hoa lá...

         Nét tiêu biểu nhất là bức chạm khắc là hình voi kéo cày. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 1 thanh kiếm gỗ, 2 bát hương gốm, 2 mâm bòng gỗ, 1 áo bào, 1 long ngai, 1 bộ bát bảo khí bằng đồng.

        Những năm qua chính quyền địa phương và Nhân dân đã góp công, góp của để trùng tu, tôn tạo đình làng Hồ Nam, qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

5. Phong tục-Tập quán – Lễ hội:

Nhà nghiên cứu văn hoá Lê Khắc Tuế viết:

         Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hồ Nam xưa kia rất phong phú với nhiều hội, hè, lễ tục, như: lễ bách tính (lễ trăm họ), kỵ Thành hoàng làng, tục mừng thọ, tục kết chạ, hội đua thuyền, hội thả diều, tục cầu mưa,... Trong đó nổi bật nhất là tục hát ghẹo.

       Làng Hồ Nam trước đây thuộc tổng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Nam là một làng (thôn) lớn, thuộc loại “nhất xã, nhất thôn”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Nam được đổi là xã Hạnh Phúc, sau đổi là xã Vĩnh Khang. Ngày 1-12-2019, xã Vĩnh Khang và xã Vĩnh Ninh được sáp nhập thành xã Ninh Khang. Hiện nay làng Hồ Nam có 4 thôn.

         Làng Hồ Nam nằm ở nơi hợp lưu của sông Bưởi và sông Mã. Trên đất Hồ Nam có di tích khảo cổ học Phà Công, các nhà khảo cổ học cho biết đây là vùng đất cổ, có cư dân sinh sống cách ngày nay khoảng chừng 2.300 năm. Làng có đủ đình, chùa, nghè. Đình làng Hồ Nam thuộc loại đình to 5 gian được xây dựng năm 1832, làm bằng gỗ lim, chạm trổ tinh xảo. Trong đó có bức chạm đặc sắc vua cày ruộng bằng voi kéo.

          Hát ghẹo còn gọi là hát đúm, hát trống quân, hát qua sông. Các học giả gọi hát ghẹo là hát đối đáp nam nữ. Ở Hồ Nam có hát ghẹo giữa trai gái trong làng, hát trong lao động sản xuất (khi cấy lúa, làm cỏ lúa, sáo cỏ bông) và hát ghẹo giữa trai gái trong làng với các làng: Phù Hưng (Yên Định) hoặc Phi Bình (Vĩnh Lộc). Hát ghẹo được diễn ra lúc nông nhàn, thường vào tháng Giêng, tháng 8 (âm lịch), hoặc những đêm trăng sáng vào mùa hạ, như một sinh hoạt văn nghệ của trai, gái trong làng.

         Sách Địa chí Thanh Hóa (tập II), viết: “Trong xã hội xưa, việc quan hệ trai gái hôn nhân và gia đình còn bị ràng buộc khắt khe trong lễ giáo phong kiến. Tình cảm trai gái vốn bị giám sát chặt chẽ trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí từ một câu nói, một cái liếc mắt, một lời chào thưa, một cử chỉ thân thiện giữa một đôi trai gái còn được cả họ, cả làng bình giá, xem xét, phê phán. Trong hát ghẹo trai gái “tha hồ nói lên tiếng nói của trái tim mình”, tha hồ ân ái bằng lời, thề non hẹn biển hoặc bỡn cợt, bông lơn mà không hề bị phê phán gì cả”...

         Hát ghẹo giữa hai làng ở hai bờ sông gọi là hát qua sông, nhưng lại dùng làn điệu hò sông Mã. Những câu hát đối đáp chủ yếu là mỗi bên tự đặt, nhưng có lúc vận dụng các câu trong Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Lưu Bình - Dương Lễ và chỉ sử dụng làn ngang hay là trống quân. Chính vì vậy mà mỗi nhóm hát qua sông có một số người tuổi trung niên cùng đi để “làm thầy” giúp cho nhóm hát gỡ bí khi có những câu hát khó của đối phương.

         Về hát ghẹo của nam nữ trong làng với nhau: Ban đêm con gái tụ tập tại một gia đình nào đó, có khi con gái ngồi quay tơ đánh sợi, con trai đứng ngoài ngõ hát vào. Nam nữ thi nhau lời ca tiếng hát, vận dụng những làn điệu quen thuộc phổ biến như hát làn ngang, hát làn trống quân. Ví dụ câu hát: “Thuyền than lại đậu bến than/ Thấy em vất vả cơ hàn anh thương”; Hát làn ngang: “Thuyền than (thời) lại (á) đậu bến (á) than/ Thấy em (thời) vất vả (chứ) cơ hàn (a à) anh (a) thương”; Hát làn trống quân: “(Thời) lại đậu (í) bến than (chứ) thuyền than (thời)/ Lại đậu (í) bến than (a)/ (Mà) thấy em vất vả (í) cơ hàn (a) anh (a) thương (ìi)”.

         Nam nữ trong làng hát với nhau gọi là hát lẻ, loại hát tự do không thành chặng như hát cuộc. Ví dụ mở đầu bên nam hát: “Hôm nay mát trời tôi đi chơi xuân/ Ở đây có hội trống quân tôi vào”. Bên nữ đáp: Ba anh em lạ cả ba/ Bốn anh lạ bốn biết là quen ai”; Bên nam hát: “Bây giờ trước lạ sau quen /Trước đứng ngoài ngõ sau len vào nhà”. Ngoài ra còn có hát đố, hát trách, hát dặn...

         Riêng hát qua sông giữa trai gái làng Hồ Nam với trai gái làng Phù Hưng (Yên Định) rất thú vị. Hai làng cách nhau bởi con sông Mã, trai gái hai làng ngồi hai bên bờ sông nơi gần nhất để hát, gọi là hát qua sông. Mỗi đêm làng Hồ Nam có hai nhóm hát, một nhóm nam và một nhóm nữ, mỗi nhóm có 10 đến 15 người, nhóm ngồi cách nhau khoảng sáu bảy chục mét. Nhóm con trai làng Hồ Nam hát với nhóm con gái làng Phù Hưng và nhóm con gái làng Phù Hưng hát với nhóm con trai làng Hồ Nam. Đặc biệt, trong cuộc hát qua sông, hát qua cánh đồng phải sử dụng một làn điệu của hò sông Mã với giọng cao vút, ngân vang để tiếng hát đến được với nhau. Ví dụ câu hát: “Yêu nhau vì thuốc vì trầu/ Vì đôi mắt liếc, vì đầu ngón tay”. Làn điệu hò như sau: (ơ ơ ơ... ớ ớ ớ... hò hò hò) Yêu nhau vì thuốc (mà) vì (ớ ớ) trầu/ Vì đôi mắt liếc, vì đầu (mà) tay ngón tay (ớ là).

       Nam nữ hò qua sông cơ bản có ba chặng. Chặng thứ nhất gồm hò dạo đầu, rồi hò mừng cho cuộc gặp gỡ và hò thăm hỏi nhau về hoàn cảnh gia đình; về tình duyên đã có lời ước hẹn với ai. Chặng thứ hai gồm có hò đối, hò đố nhau và hò se kết. Trong đó, hò đối là mỗi bên hò một câu cùng một đề tài và bên nữ là người hò trước; hò đố nhau là bên nữ đố, bên nam giải đố, đề tài rất rộng rãi; hò xe kết là lời hát hò thể hiện gắn bó yêu thương nhau. Chặng thứ ba có hát hò thề nguyện thể hiện lòng chung thủy với nhau; hò dặn nhau, và hò tiễn nhau ra về kết thúc cuộc hát.

         Theo các cụ bà, cụ ông đi hát, dù có quy định về trình tự cuộc hát ghẹo song cũng không cứng nhắc, không khắt khe, tùy từng buổi hát có thể bỏ qua phần nào đó trong chặng hát. Ví dụ chặng thứ hai chỉ có hát đố và hát xe kết, không hát đối.

         Không chỉ có ở Hồ Nam, hát ghẹo còn có ở nhiều làng quê khác ở xứ Thanh. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Dị quê ở làng Thọ Vực, nay cũng thuộc xã Ninh Khang, trong cuốn hồi ký của mình xuất bản năm 1999, phần viết về nét đẹp văn hóa quê hương có nói đến hát ghẹo giữa trai gái làng Thọ Vực với trai gái làng Đại Hải (Yên Định): “Tôi có một kỷ niệm trong sáng khó quên thời niên thiếu. Hồi tôi còn bé, hằng năm cứ đến mùa trăng từ trung tuần tháng 7 âm lịch trở đi, sau bữa cơm tối, thanh niên nam nữ quê tôi thường tổ chức hát ghẹo qua sông dưới ánh trăng thu ở vị trí đôi bờ gần nhau nhất. Ở ghềnh Đông bên tôi là nhóm nam, đối diện với bãi cát bên kia là nhóm nữ. Ngược lại ở ghềnh Đoài bên tôi là nhóm nữ thì ở bên kia lại là nam.

         Trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời trăng thanh gió mát, với núi non sông nước, giọng hát cất lên làm say đắm lòng người, không những đối với thanh niên mà cả một số trung niên hoặc thiếu niên như tôi mỗi buổi tối đều nhập cuộc. Thường những người trung niên đi cùng là vì thích “chơi trăng” và “làm thầy” cho người trẻ giúp gỡ bí mỗi khi phải tìm nội dung câu hát cho thật đắt nghĩa, đúng vần. Và mỗi buổi hát kéo dài cho đến tận đêm khuya mà không thấy buồn ngủ. Cứ mỗi tối cảnh ấy lại tiếp diễn chỉ trừ những đêm trăng thượng tuần quá sớm, hoặc hạ tuần quá muộn và tiếp diễn cho đến cuối tháng 10 âm lịch, bắt đầu đêm đông giá lạnh mới đành phải chịu để gián đoạn mối tình thanh khiết tưởng tượng ấy đến mùa trăng thu năm sau”.

         Đi hát ghẹo là đi chơi, nhằm mục đích vui đùa làm cho tâm hồn sảng khoái và có thêm bạn bè; một số người đi hát mà nên vợ nên chồng. Nam thanh nữ tú hò hẹn nhau đi hát vừa là thú vui thư giãn vừa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân làng Hồ Nam xưa.

Sưu Tầm từ nhiều nguồn sử liệu và bài viết về văn hoá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét