XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LÀNG HÀ LƯƠNG THỊ TRẤN VĨNH LỘC

 (Khu phố Hà Lương)

Làng Hà Lương buổi đầu gọi là ấp A Lãng, rồi Lương Hà, Hà Lưỡng, Hà Lãng…Sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống đế quốc Mông Cổ giành thắng lợi; tết Nguyên đán Mậu Ngọ (năm 1258), vua Trần Thái Tông phong thưởng cho các tướng soái có công, đứng đầu là tướng Lê Tần và Hà Bổng. Cũng năm này, Lê Tần đổi thành Lê Phụ Trần được vua Trần gả công chúa Lý Chiêu Hoàng vợ cũ của vua làm vợ. Hai người sống với nhau từ năm 1258 tới năm 1279. Có vớ nhau 2 người con, Con trai: Thượng vị hầu Lê Tông. Con gái: Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. PGS Trần Bá Chí căn cứ vào "Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký" cho rằng Lê Phụ Trần là cha Trần Bình Trọng và có thể chính Lê Tông là Trần Bình Trọng vì tài liệu chỉ ghi Lê Phụ Trần và công chúa Chiêu Thánh chỉ có một người con trai, không nhắc đến người con trai nào khác. Trần Bình Trọng tức Lê Tông sau lấy Công chúa Nhà Trần được được vua đổi họ theo quốc tính từ họ Lê sang Họ Trần (có con hay không không thấy sử ghi lại) sau này Bị giặc Nguyên bắt và bị giết vì cương quyết không đầu hàng với câu nói nổ tiếng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không làm vương đất Bắc” được Vua Trần gia phong Bảo Nghĩa Vương; Lê Phụ Trần (Lê Tần) được vua phong thái ấp ở Hà Lương đã đưa dòng họ đến khẩn hoang, phát triển kinh tế và lập làng, tính đến nay đã là hơn 700 năm.

         Ở Hà Lương còn có Hà Lương Tự hay Chùa Thiên Phúc (chùa Hà Lương) lại nằm ở vị trí đắc địa ngay sát bờ sông tiếp giáp với làng Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh. Xa xa về phía đông là núi Đốn Sơn và núi Tiến Sĩ; phía tây là dòng sông Mã và núi Vọng phu; phía bắc là Vũng Mầu và thành nhà Hồ; phía nam vũng Vực, động Hồ Công và chùa Du Anh. Chùa Thiên Phúc nằm ở ngôi chính giữa trên một khoảng đất cao bao la giữa cảnh trời mây non nước và làng mạc trù phú.

Hiện nay, cụm di tích Chùa – Đền – Đình làng Hà Lương, xã Vĩnh Thành (nay là Thị Trấn Vĩnh Lộc) đã được xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Trong cụm di tích này, chùa Thiên Phúc nằm ở phía trước, ngay sát bờ sông, quay mặt về hướng tây. Phía sau chùa là đền (nghè) thờ Quản gia Đô bác Đại vương ( ). Bên phải chùa là đình làng có sự phối thờ các nhân vật lịch sử, người có công trạng với làng, nơi diễn ra hội họp, tế lễ của dân làng Hà Lương. Đình có Hậu cung thờ Đức Thánh lưỡng Trần Khát Chân.

        Trải qua thời gian mưa nắng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên chùa Thiên phúc đã bị hủy hoại hoàn toàn. Sau này nhân dân khôi phục lại Hậu cung trên nền móng cũ. Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, chùa Thiên Phúc thường xuyên là nơi hội họp, huấn luyện dân quân du kích, mở các lớp bình dân học vụ, nơi tập kết, tuyển quân, huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, chùa Thiên Phúc là nơi sơ tán của trường tiểu học xã Vĩnh Thành, đến năm 1983, chùa trở thành kho của hợp tác xã nông nghiệp, năm 1985, trở thành nhà trẻ, đặt dấu chấm hết cho ngôi chùa “vang bóng một thời”.

Phục dựng: Chùa Thiên Phúc nổi tiếng linh thiêng, lại nằm trong cụm di tích đình, đền, phủ Mẫu ở một nơi danh lam thắng cảnh đẹp hiếm nơi nào có được, nên từ xa xưa đã được vua chúa, các quan lại, các quý nhân văn tài tử và khách thập phương tấp nập viếng thăm, đề thơ bia đá. Rất tiếc rằng nhiều văn bia đã bị vùi lấp dưới lớp đất sâu, nhiều văn bia mới tìm thấy nhưng sứt mẻ hoặc chữ đã mờ và chưa được dịch thuật. Với bề dày lịch sử trải qua gần một nghìn năm, chùa Hà Lương lại nằm trong cụm di tích đình đền rất nổi tiếng được công nhận là cụm Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 321/QĐ-VHTT ngày 13/10/1998.

Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình cùa bà con nhân dân trong làng xã, sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, đã công cử Đại đức Thích Tâm Định, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa về trụ trì. Ngày 19/3/2009, chùa chính thức làm lễ khởi công xây dựng nhà Tổ.

Đến nay, chùa Hà Lương đã xây dựng xong Đại Hùng bảo điện bề thế khang trang. Cột kèo bằng chất liệu xi măng cốt thép giả gỗ. Tiền đường 5 gian rộng 80m2, Hậu cung 50m2, nhà Tổ 120m2 với tượng pháp đầy đủ. Đồng thời chùa cũng đã đúc được 2 quả chuông, quả chuông lớn nặng khoảng 500 kg, trước sân là tượng Quán Thế âm Bồ Tát cao khoảng 3m.

Chùa Thiên Phúc đã được khôi phục lại trong khuôn viên cũ, dưới tán cây bàng cổ thụ và ngôi đình làng cổ kính. Tổng thể khu di tích chưa được tôn tạo hoàn chỉnh nhưng bước đầu đã tạo nên một diện mạo mới cho tương lai, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch.

Làng Hà Lương từ Năm 1955, Hà Lương gọi là xóm Thành Khang, rồi khi thành lập hợp tác xã toàn xã gọi theo đội sản xuất là đội 8, có thời gian làng Hà Lương được gọi là thôn 5. Tên của thôn 5 sau khi đổi 2022 trở thành Khu phố Hà Lương;


Nguồn: Trang thông tin thị trấn Vĩnh Lộc và sử liệu Việt Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét