XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LỊCH SỬ LÀNG XUÂN GIAI VĨNH TIẾN, VĨNH LỘC, THANH HOÁ

 VÀ TRUYỀN THỐNG HÁT CA TRÙ CỦA LÀNG TỪ THỜI NHÀ HỒ

            Làng Xuân Giai hiện nằm ở phía trước cổng Nam Thành Nhà Hồ, thuộc xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc). Làng Xuân Giai được hình thành từ giữa thế kỷ XIV có tên là hương Nhị Khê ở trên đất động An Tôn. Năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng Thành An Tôn - tức Thành Nhà Hồ thuộc khu vực động An Tôn, hương Nhị Khê phải rời xuống khu đất mới, cách cổng Nam Thành Nhà Hồ khoảng một cây số. Năm 1400, Hồ Quý Ly tự lập làm vua, Thành An Tôn là Kinh đô, là trung tâm chính trị của cả nước dưới triều Hồ. Nhà Hồ mở mang phố phường, chợ buôn bán ở tại Kinh đô này đã thu hút thợ thủ công, dân buôn bán đến làm ăn sinh sống. Nơi cư dân hương Nhị Khê đến ở trở thành phố Hoa Nhai - là đường phố chính từ cổng Nam Thành Nhà Hồ đến chân núi Đốn Sơn (còn gọi là đường Cái Hoa). Phố Hoa Nhai trở nên sầm uất tấp nập người mua kẻ bán.

           Nguồn gốc dân hương Nhị Khê - phố Hoa Nhai là người họ Trần, họ Tiết, họ Lê ở vùng Kinh Bắc, họ Triệu gốc làng Nành - Gia Lâm... vào đây sinh sống, nhiều người đàn giỏi, hát hay nên họ đã lập nên các phường hát ca trù ở phố Hoa Nhai.

          Sau khi giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đánh chiếm Thành An Tôn (tháng 5 năm 1407) và trong suốt 20 năm giặc Minh đô hộ, phố Hoa Nhai vừa buôn bán, vừa làm ruộng, cuộc sống người dân vô cùng cực khổ bởi bị giặc Minh áp bức, bóc lột, do đó hát ca trù ở đây bị gián đoạn. Năm 1428, Lê Lợi đại thắng giặc Minh, đất nước thái bình, nhà vua có chính sách khuyến khích nông dân khai phá đất hoang hóa phát triển sản xuất, xây dựng làng xóm yên bình, phố Hoa Nhai đổi thành làng Hoa Nhai chuyên sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian dài hát ca trù ở Hoa Nhai mới dần dần hoạt động trở lại, nhưng cũng phải đến cuối thời Hậu Lê, rồi đến thời Nguyễn mới phát triển mạnh. Làng Hoa Nhai đã qua nhiều lần đổi tên, đến thời Thành Thái (1889 - 1907) có tên làng Xuân Giai.

        Hát ca trù còn được gọi là hát ca công, hát ả đào và cũng có 3 lối hát chính là hát thờ, hát chơi, hát cửa quyền. Hát thờ là hát trong các buổi thờ cúng ở đình đền. Hát chơi là hát để thưởng thức nghệ thuật, địa điểm hát là ở dinh thự của quan lại, hay trong công sở và hát ở nhà hàng. Hát cửa quyền tức là ca trù trình diễn tại cung đình, ở Xuân Giai gọi là hát chúc hổ - chúc mừng nhà vua.

Qua khảo sát ở làng Xuân Giai hiện còn nhiều dấu tích, truyền tụng, nhân chứng... cho biết xưa kia làng Xuân Giai là một điểm hát ca trù nổi tiếng ở Thanh Hóa. Làng Xuân Giai có đền thờ Đào Hoa công chúa, gần đền thờ trên cánh đồng Cồn Cà còn thửa ruộng đắp hình cây đàn đáy (gọi là cồn đàn) và thửa ruộng đắp theo hình tròn (gọi là cồn trống). Làng có cánh đồng ruộng quan điền với diện tích 70 mẫu, do phường ca trù làng Xuân Giai nhiều lần vào hát chúc hổ trong triều đình Huế được nhà vua ban thưởng và có một mẫu ruộng gọi là nhà trò thuộc cánh đồng Mã Lội, ruộng này do làng Xuân Giai đến hát ở làng Bèo nên làng Bèo đã cắt ruộng cho.

Làng Xuân Giai có họ Trần là dòng họ lớn, người trong họ đi hát ca trù đông, nữ đi hát, nam đi đánh đàn, gõ nhịp. Họ Trần được giấy phép đi hát các nơi trong tỉnh, hát ở các đình, đền và đi hát từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, khi làng vào đám mới về. Người dân trong làng gọi họ Trần là họ Trò. Họ Trần làng Xuân Giai thờ thánh sư nghề hát, hằng năm dòng họ Trần tế tổ họ cùng với tế tổ nghề hát vào ngày 14 tháng 2 âm lịch.

         Người dân làng Xuân Giai truyền tụng xưa kia nhiều cô gái trong làng người đẹp, hát hay đi hát ca trù nhiều nơi trong tỉnh và có người được đi hát chúc hổ (chúc mừng vua) như các đào nương: Trần Thị Duyên, Trần Thị Vân, Trần Thị Vĩnh, Trần Thị Hời, Trần Thị Miêu, Trần Thị Tỳ, Trần Thị Tý, Trân Thị Ty, Trần Thị Hằng, Trịnh Thị Hỷ, Trần Thị Khớt, Tiết Thị Túc, Triệu Thị Xuân, Triệu Thị Vậy, Triệu Thị Phiêu, Triệu Thị Khớt, Bùi Thị Uyên...

Theo sách “Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm” của nhóm Trà Lĩnh, tác giả Phạm Tuấn Khánh có kể mẫu chuyện về mối tình duyên kỳ ngộ giữa quan tri phủ với cô đào hát làng Xuân Giai như sau: “Năm 1858, Đặng Huy Trứ là nhà văn hóa lớn cuối thế kỷ XIX được sung chức Nhiếp biện ấn vụ phủ Quảng Hóa (tức Tri phủ Quảng Hóa). Lỵ sở phủ Quảng Hóa bấy giờ đặt ở làng Nhân Lộ, thuộc tống Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc. Một đêm quan Đặng đi tuần trên sông Mã nghe thấy thuyền đậu trên sông có tiếng đàn ca hát xướng. Về khuya thấy bọn khách trên thuyền hành hung cưỡng bức cô gái trên thuyền, cô gái bất chợt xô rèm thuyền và nhảy xuống sông. Quan Đặng cho lính bắt bọn đàn ông trên thuyền và vớt cô gái lên, tra hỏi thì đó là bọn lái quế ở chợ Tây Giai và cô gái là đào hát Trần Thị Duyên làng Xuân Giai được bọn chúng thuê đi hát trên sông. Quan Đặng đã xử nghiêm bọn khách bậy bạ vô lại, an ủi cô gái. Rồi cảm thương và mến tài sắc, quan Đặng Huy Trứ lấy cô đào hát Trần Thị Duyên làm vợ lẻ”.

        Sau đây xin giới thiệu một số bài hát Ca trù ghi được vào năm 2004 ở làng Xuân Giai do cụ Tiết Văn Xúc 90 tuổi, cụ Bùi Thị Uyên 96 tuổi, cụ Triệu Thị Xuân 91 tuổi cung cấp.

Bài hát ở đền Bình Khương của Cống sinh Tiết Hữu Tố làng Xuân Giai sáng tác:

"Thương thay nường ả Bình Khương

Thương chồng vật khóc bức tường lở ra

Đau đớn thay phận đàn bà

Gan là vàng đá, nghĩa là sắt son

Trải bao bể cạn non mòn

Dấu in như khắc hãy còn ở đây

Tà tà mấy đám cỏ mây

Lưới giăng cỏ mọc như tằm nhả tơ

Liền tay vén bút đề thơ

Ngân nga vài phút qua đưa dưới thành

Ví dù chín suốt có linh

Làm sao cho bỏ tâm thành mới thôi

Làm cho lỡ đất long trời

Noi gương liệt tiết để người soi chung

Bùi ngùi sớm viếng hôm thăm.

Bài hát ở dinh thự các quan:

Xuân Giai ở đất vua Hồ

Trai thanh gái lịch kinh đô rõ ràng

Mừng ngài đây, mừng thọ rồi lại mừng khang

Mừng phú, mừng quý quan sang mừng giầu

Mừng ngài đây trăm tuổi sống lâu

Phơ phơ tóc bạc một màu tựa bông

Sinh con trai như bách, như tùng

Sinh con gái như phộng như loan

Con con cháu cháu đầy đàn

Của chất để như non, như nước.

Bài hát ở nhà hàng:

Thế nhỉ sao mà thế nhỉ

Tiếng tri âm rù rỉ lại buồn tênh

Vắng tiếng đàn câu hát lẫn tiếng xênh

Tom chát tỏm xinh xinh đà biết mấy

Thức hay ngủ cớ sao mình chẳng dậy

Khẽ tung màn gượng dậy để làm vui

Thảm thiết thay hạt ngọc tuôn rơi

Mai ta sẽ ngược xuôi người một nước

Duyên với nợ không sau thì trước

Nhớ lấy nhời nguyện ước ba sinh

Kẻo lại mang cái kiếp tài tình

Duyên với nợ xinh xinh đà biết mấy".

          Hiện nay làng Xuân Giai có đội tế nữ gồm 12 người, hằng năm đội hát tế lễ trong dịp kỵ giỗ Thành hoàng làng, ngày lễ Kỳ phúc... Tuy vậy, nếu Xuân Giai chính thức được thành lập phường hát ca trù thì chắc chắn những lời ca tiếng hát sẽ không chỉ dừng lại ở lễ hội làng mà còn là cơ hội để những người dân phục vụ du khách khi đến với Thành Nhà Hồ, đến với Thanh Hóa.

Hiện nay làng Xuân Giai có:

- Diện tích: 102,41 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 71,81 ha; Đất phi nông nghiệp 24,4 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 4,7 ha; Đất chưa sử dụng 1,5 ha.

- Dân số: 1.080 người; số hộ: 327 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 140 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 6.000 m2

- Vị trí địa lý: Phía Đông giáp Vĩnh Long; phía Nam giáp làng Phố Mới; phía Tây giáp làng Phú Lĩnh; phía Bắc giáp làng Tây Giai.

Sưu tầm từ bài viết về ca trù của Lê Khắc Tuế và sử liệu trên trang Vĩnh Tiến Vĩnh Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét