XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LỊCH SỬ LÀNG MỸ XUYÊN, VĨNH YÊN, VĨNH LỘC, THANH HOÁ

Theo truyền lại trong nhân dân và theo quyển gia phả của dòng họ Vũ Mai, làng Mỹ Xuyên quyển thứ nhất do ông Vũ Mai Cấn họ Vũ Mai ở làng Mỹ Xuyên dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ năm 1983, quyển thứ 2 do ông Vũ Hồng Phi trong ban dịch thuật Hán – Nôm Thanh Hoá dịch năm 1999 cho biết sự hình thành làng Mỹ Xuyên Ngày nay như sau:
Đất làng Mỹ Xuyên xưa kia nằm trong đất Quan Hoàng thuộc huyện Cẩm Thuỷ, bỏ hoang rậm rạp chưa có người ở. Vào thời nhà Trần khi Trần Minh Tông làm vua (1314 – 1329) không rõ cụ thể năm nào có một người tù trưởng có uy tín một vùng họ Vũ Tên Minh cùng với vợ là Lê Thị Ngọc đến lập trại tại khu vực Mã Mốc, Sách Quan Hoàng – tức làng Mỹ Xuyên ngày nay; Hiện làng Mỹ Xuyên thờ Vũ Công tức Vũ Minh làm thành hoàng làng;
Tiếp theo cũng trong thời Trần từ Trần Hiến Tông đến Trần Thiếu đế, thời gian từ 1329 – 1400 không ghi rõ năm nào có hai anh em ruột người em huý là Ngự tên chữ là Phúc Độ, người anh tên chữ là Ngộ Thiện vốn là người ở Châu Trang xã Thạch Nội, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia Thanh Hoá) đến xứ Mã Mốc (còn gọi là Mã Cũ) thuộc Quan Hoàng Sách sinh cơ, lập nghiệp;
Từ đó cư dân các nơi đến sinh cơ lập nghiệp ở khu vực Mã Mốc ngày càng đông, trở thành Trang Mỹ Đàm (tục gọi là làng Đàm); Đến đời ông Phúc Khang thuộc đời thứ 4 của dòng họ Vũ Mai đã có công cùng dân làng đòi được Trang Mỹ Đàm tách khỏi sự quản lý của Sách Quan Hoàng; Mỹ Đàm trở thành làng riêng từ đó; Đến đầu thế kỷ thứ XIX, Mỹ Đàm đổi thành Mỹ Truyền, Đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) đổi thành Mỹ Xuyên;
Mỹ Xuyên xưa kia thời nhà Hậu Lê cũng là đất phân phong của Thiếu uý Trung Quốc Công Vũ Uy, Vũ Uy là người làng Cao Mật (nay là làng thuộc xã Vĩnh Thành), mùa đông năm 1416 ông là người có mặt trong Hội Thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi tiến hành khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1428 cuộc kháng chiến chống giặc Minh toàn thắng. Bình định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, bình công xét thưởng cho những người có công từ Lũng Nhai; Mặc dù Vũ Uy đã mất từ 1424 nhưng Vũ Uy vẫn được xếp vào hàng công thần Lũng Nhai được vua phong tặng Tuy Tiết Hầu và được táng tại Lam Sơn. Đến năm Hồng Đức thứ 5 (1464) đời vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong tặng từ Tuy Tiết Hầu lên Tuy Quận Công, con cháu Vũ Uy được ban điền ở nhiều nơi, lập trang trại khai khẩn cày cấy để làm thế nghiệp điền (thành ruộng đất riêng của con cháu sau này) trong đó ở Vĩnh Lộc có Trang Mỹ Điềm (Mỹ Xuyên), trang Đông Môn….Như vậy dòng họ Vũ ở Mỹ xuyên hiện nay có liên quan đến dòng dõi Vũ Uy (Trong hội Thề Lũng Nhai Thời Lê Lợi Vĩnh Lộc có 2 người khai quốc công thần đó là Trịnh Khả Vĩnh Hoà và Vũ Uy vĩnh Thành).
Hiện nay làng Mỹ Xuyên có 11 dòng họ đang sinh sống, gồm các họ: Vũ, Phạm, Trần, Đoàn, Dương, Hoàng Lê, Nguyễn, Lương, Lưu, Trịnh; Trong đó họ Vũ có tới 6 dòng, Họ Vũ Mai do ông Vũ Mai Vĩnh làm trưởng tộc quê ở Ngọc Sơn -Tĩnh Gia là dòng họ đến Mỹ Xuyên sớm nhất, hiện có 4 chi với 179 hộ; Theo tộc phả họ Vũ Mai chép “Họ Vũ ta xưa vốn là Họ Mai gốc là người ở Chân Trang, xã Thạch Nội, Huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Tiên tổ Mai Công huý là Ngự, tên chữ là Phúc Độ cùng anh Mai Công tên chữ là Ngộ Thiện; Thời Trần 2 anh em đã đến xã Quan Hoàng vì thấy sông núi nơi này tươi đẹp, hai anh em quyết định ở lại đất này để sinh cơ, lập nghiệp, trải qua nhiều đời con cháu ngày càng đông; Bốn đời truyền đến Mai Công tên chữ Pháp Khang mới đổi sang họ Vũ, ghi là Vũ Mai”;
Họ Vũ Đình do ông Vũ Đình Dương làm trưởng tộc quê từ xứ Dành Dành, Bò Cóc (tỉnh Nghệ An) đến đất Mỹ Xuyên năm 1665, hiện ở làng chỉ có 7 hộ; Riêng họ Vũ Bá có tới 4 dòng, Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Căn làm trưởng Tộc từ ngoài Bắc vào đất Mỹ Xuyên năm 1660, hiện ở làng có 5 hộ; Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Tấn làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến đã có 12 đời được khoảng gần 300 năm, hiện dòng họ này có 15 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Đăng làm trưởng tộc và Vũ Bá do ông Vũ Bá Huây làm trưởng tộc đều đến đất Mỹ Xuyên được khoảng 150 năm, hiện mỗi dòng họ có khoảng từ 12 – 15 hộ; Họ Phạm do ông Phạm Văn Khoa thay trưởng tộc, gốc từ Tam đồng (nay là xã Định Tiến huyện Yên Định) đến làng Mỹ Xuyên cách đây 275 năm, hiện có 39 hộ, ngoài ra ở làng Mỹ Xuyên còn có một dòng họ Phạm nhưng chỉ mới đến Mỹ Xuyên được 3 đời; Họ Trần có 2 dòng, dòng họ Trần do ông Trần Đình Lãn làm trưởng tộc và dòng họ Trần do ông Trần văn Mão làm trưởng tộc cũng đến làng Mỹ Xuyên từ giữa thế kỷ XIX; Hiện nay dòng họ Trần Đình Lãng có 8 hộ, dòng họ Trần Văn Mão có 2 hộ; Họ Đoàn có 2 dòng, dòng họ Đoàn do ông Đoàn Văn Tùng làm trưởng tộc từ ngoài Bắc vào Mỹ Xuyên đến nay được 8 đời, hiện có 7 hộ; Họ Đoàn do ông Đoàn Văn Luỹ làm trưởng tộc không biết từ đâu đến đến nay đã truyền được 6 đời, hiện có 2 hộ; Họ Dương cũng có 2 dòng, dòng họ Dương do ông Dương Văn Biền làm trưởng tộc gốc từ Hà Tây về Mỹ Xuyên được 7 đời, khoảng 170 năm, hiện có 5 hộ; Họ Dương do ông Dương Văn Minh làm trưởng tộc từ Thọ Xuân đến Mỹ Xuyên được 3 đời, hiện chỉ có 1 hộ; Một số dòng họ khác như Họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn, họ Lương, họ Lưu, họ Trịnh là những dòng họ mới đến đất Mỹ Xuyên được từ 1 đến 2 đời, mỗi dòng họ này chỉ có từ 1 hộ đến 7 hộ;
Làng Mỹ Xuyên xưa có đình, có nghè trên, nghè dưới thờ Thành Hoàng Làng và các thần, có chùa thờ phật có văn chỉ thờ đức Khổng Tử; Hiện Nghè trên, Nghè dưới đã hạ giải từ lâu;
Nhân dân Mỹ xuyên sống bằng nghề nông, sản xuất độc canh cây lúa, tuy nhiên trên các cánh đồng cao nhân dân trồng thêm các loại cây màu như đậu, lạc, vừng, khoai lang, lạc,…..chăn nuôi: Trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt…
Đất làng Mỹ Xuyên trước kia nhiều và rộng lớn, từ 1960 có phòng trào hợp tác hoá, và cả sau này vào năm 1976 thực hiện chủ trương của Đảng và chính quyền địa phương làng Mỹ Xuyên đã nhượng 66,45ha đất canh tác cho các làng, xã lân cận;
Hiện nay làng Mỹ Xuyên có đất tự nhiên là 65,46ha, đất nông nghiệp là 45ha, đất ao hồ là 13,04ha, đất ở là 7,42ha. Mỹ Xuyên nằm ở phía Tây Bắc thành nhà Hồ, cách thành nhà Hồ 1,3km; Phía Bắc giáp xã Vĩnh Quang, phía Nam giáp xã Vĩnh Tiến, phía Đông giáp xã Vĩnh Long, làng Mỹ Sơn (Vĩnh Yên), phía Tây giáp xã Vĩnh Quang và làng Yen Tôn Thượng (Vĩnh Yên) hiện nay trong làng có 162 hộ với 607 nhân khẩu;

Trích từ Lịch sử xã Vĩnh Yên và sử liệu Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét