XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LỊCH SỬ LÀNG YÊN TÔN HẠ, XÃ VĨNH YÊN, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HOÁ.

 


       Xưa kia đất làng Yên Tôn Hạ thuộc đất kẻ Don; Kẻ Don lúc bấy giờ bao gồm các làng Yên Tôn Thượng, Yên Tôn Hạ và Phù Lưu ngày nay; Từ tên cổ chung là Kẻ Don về sau phát triển thành cụm dân cư rồi phát triển thành làng riêng có tên là Don Hạ, Làng Don Hạ, Làng An Tôn Hạ rồi Yên Tôn Hạ; Từ 1968 đến 2008 hai làng Yên Tôn Hạ và Phù Lưu sáp nhập thành lập HTX Phú Yên; Từ 2008 đến nay HTX Phú Yên giải thể Chính quyền các cấp cho lấy lại tên làng như cũ là Yên Tôn Hạ và Phù Lưu; Làng Yên Tôn Hạ cũng như làng Yên Tôn Thượng đều thuộc đất Kẻ Don của người Việt cổ từng sinh sống từ thời Hùng Vương nhưng người Việt cổ không truyền lại tên, họ trên mảnh đất này hiện nay; Đời sống của cư dân Việt cổ thời bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn từ chỗ ở cho đến cái ăn, cái mặc, thú dữ, dịch bệnh, chiến tranh, áp bức bóc lột làm cho nhiều xóm làng phiêu bạt, mất tích. Những người cao tuổi trong làng truyền khẩu lại ở Vĩnh Yên xưa ngoài làng Thắng Hào nằm giữa hai khe núi đá bị Nhà Hồ tiêu diệt ở phía trên Trạm Bơm Yên Tôn ngày nay xưa còn có một làng gọ là làng Hạ Vàng, nhưng làng này cũng bị phiêu tán từ lâu, hiện còn lại dấu tích có cánh đồng Hạ Vàng, cánh đồng chùa (cũ) nơi có chùa của làng Hạ Vàng bị mất;

        Theo truyền lại và theo gia phả các dòng họ trong làng Yên Tôn Hạ thì làng Yên Tôn Hạ được biết đến từ đầu thế kỷ XV; Cụ thể dòng Họ Nguyễn Do ông Nguyễn Đắc Trợ làm trưởng tộc có cụ tổ tên là Nguyễn Phúc Nhân, quê ở huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định, trước có đi lính cho Hồ Quý Ly, đóng ở thành An Tôn; Sau khi triều Hồ sụp đổ vào năm 1407, ông tổ dòng họ Nguyễn này đã đến đất Yên Tôn Hạ ngày nay định cư, lập Ấp làm ăn sinh sống; Sau đó một số dòng họ khác ở các nơi (họ đến trước, họ đến sau) cùng sinh cơ lập nghiệp và định cư ở đất Yên Tôn Hạ….Tuy nhiên trải qua năm tháng biến động của lịch sử, việc lập ấp, dựng làng của làng Yên Tôn Hạ xưa thật gian nan, vất vả…có thời kỳ hàng trăm năm xóm làng phát tán…Mãi đến đầu Triều Nguyễn (đầu thế kỷ thứ XIX) làng Yên Tôn Hạ mới được hình thành lại, lúc này gọi là An Tôn Hạ.

        Theo địa lý hiện nay làng An Tôn Hạ nằm ở phía trên làng An Tôn Thượng, có thuyết nói rằng khi lập làng An Tôn Hạ thì làng An Tôn Thượng đã có trước, do vậy làng lập sau phải là An Tôn Hạ, Thượng - Hạ ở đây là anh trên em dưới. Cũng có thuyết nói sở dĩ có tên làng An Tôn Hạ là vì đất là đất An Tôn còn người là người của làng Hạ Vàng chuyển xuống nên đặt là làng An Tôn Hạ;

        Vào cuối đời vua Tự Đức (1848 – 1883) không nhớ rõ năm nào Làng An Tôn Hạ xây dựng đình làng, Thờ Cao Tôn Sơn Thần làm thành Hoàng, Đình được dựng theo hướng Nam, tọa lạc trên khu đất rộng, thoáng giữa khu dân cư. Theo nguồn tư liệu điền dã và truyền thuyết ở địa phương, cùng với dấu ấn kiến trúc điêu khắc gỗ để lại trên các bức cốn, vì kèo, xà bẩy của toàn bộ khu di tích thì đình được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Toàn bộ không gian đình được phân bố bao gồm: sân, nhà tiền đường, hậu cung. Đình được cấu trúc 5 gian, hai dĩ, chiều dài 18,7m, chiều rộng 7,7 m, tổng diện tích 144m2. Ngôi đình có tổng 24 cột gỗ đứng trên hệ thống chân tảng gồm 12 cột cái, 12 cột quân và 6 cột hiên đá xanh. Các cột ở đây được tạc theo kiểu “thượng thu, hạ thách”, các xà, câu đầu có sự tương ứng với nhau. Đình làng gồm 5 gian, 6 vì, có kết cấu kiến trúc cân đối tương xứng nhau. Từ vì 1 đến vì 6 có kết cấu kiến trúc giống nhau, theo hệ thống giá chiêng, chồng rường kẻ hiên trước. Đầu con rường thứ nhất trên nóc được ăn mộng vào đầu cột cái, đầu con rường thứ hai được ăn mộng vào đầu trụ đứng (trụ quang đèn), để nối hai trụ đứng này là một con rường dài nằm ngang ăn mộng vào đứng đỡ hoành tải của hai mái trước sau (còn có tên là rường bụng lợn). Đặc biệt, trên rường bụng lợn ở những vì kèo này được các nghệ nhân thời bấy giờ tạo tác hoa văn, trang trí hoa cúc cách điệu, trang trí đầu rồng, miệng khắc chữ thọ. Được biết, đình Yên Tôn Hạ là công trình kiến trúc gỗ điển hình về phong cách nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX còn lại rất ít trên đất Vĩnh Lộc. Kỹ thuật chạm khắc đã đạt tới đỉnh cao, điêu luyện, dùng lối chạm bong, nét đục sâu, nổi rõ hình khối, nét chạm sắc, dứt khoát đã khẳng định giá trị thẩm mỹ của công trình. Đình làng là chốn tôn nghiêm trong đó có thờ vị thần bảo vệ cho làng, vì vậy các họa tiết trang trí là những vật thiêng: Long, Ly, Quy, Phượng chiếm vị trí chủ đạo của công trình. 6 bộ vì được chạm lá sen, các đấu kê được chạm hình bông sen, loài hoa biểu hiện sự tinh khiết. Trên xà hạ, ở vị trí gian giữa, phía trên bàn thờ, vị trí quan trọng nhất của ngôi đình được đặt bức đại tự với nội dung (thánh cung vạn tuế), các chữ này được đặt từng ô và gắn chạm đôi rồng chầu mặt nguyệt bằng nghệ thuật chạm bong, nét đục sâu, tạo khối nổi dáng vẻ uy nghiêm. Bên cạnh các mô típ tứ linh giữ vai trò chủ đạo bởi kích thước các bức chạm hầu như chiếm bằng hết diện tích bề mặt kiến trúc, xen vào giữa hình tượng linh thiêng (Long, Ly, Quy, Phượng) là các con vật gần gũi với đời sống cư dân nông nghiệp như con cua, con cá. Tất cả những họa tiết trang trí ở vì, trò, kẻ hiên, kẻ bẩy, đại tự đã làm tăng tính uyển chuyển mềm mại, thể hiện nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn, mang nhiều màu sắc tôn giáo, hợp với đời sống dân gian, thể hiện cuộc sống no đủ của con người lúc bấy giờ. Từ đó làng Yên Tôn Hạ phát triển ngày càng đông đúc; Ngoài trồng lúa trồng Ngô ở đây còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt lụa…Làng lại ở bên sông Mã thật hữu tình nên các chàng trai Yên Tôn Hạ đã thổ lộ mang tính khuyên bảo với bạn gái bằng những câu:

“Đừng đi đường ấy mà xa

Có về Don Hạ với ta thì về

Don Hạ có sập nằm kề

Có sông tắm mát lại kề gò dâu

Cùng về Don Hạ với nhau

Vui nghề canh cửi, hái dâu chăn tằm”

        Hiện nay làng Yên Tôn Hạ có 9 dòng họ, bao gồm: Trịnh, Nguyễn, Lưu, Phùng, Đinh, Mai, Trần, Ngô, Lê. Trong đó họ Nguyễn có tới 5 dòng, họ Trịnh 4 dòng, Họ Lê 2 dòng; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Đắc Trợ làm trưởng tộc gốc từ Nam định đến đây sinh cơ lập nghiệp đã gần 600 năm truyền tổng cộng đã 38 đời, dòng họ có 6 chi với gần 100 hộ đang sinh sống ở làng; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Kim Huynh làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến dòng họ này ở đây đã được 15 đời (gần 400 năm), hiện chỉ có 7 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Hồng làm trưởng tộc hiện nay có 15 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Khắc Nghê làm trưởng tộc từ làng Thọ Vực (nay thộc xã Vĩnh Ninh – huyện Vĩnh Lộc) đến đất Yên Tôn Hạ định cư đã được gần 200 năm, hiện có 3 chi với 18 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Ngọc Ấn làm trưởng tộc có cụ tổ là Trịnh Đình Thuật không rõ từ đâu đến nhưng đã đến đây khoảng năm 1635, hiện dòng họ có tới 7 chi nhưng chỉ có 57 hộ với 130 đinh đang sinh sống sống ở làng; Họ Trịnh do ông Trịnh Gia Đạo làm trưởng tộc được truyền lại từ thời chúa Trịnh Tráng (1623 – 1655) có một người Họ Trịnh Từ Biện Thượng nay thuộc Vĩnh Hùng – Vĩnh Lộc lên vùng Bá Thước ngày nay sinh cơ lập nghiệp; Một trăm năm sau vào khoảng năm 1760, một người của dòng họ Trịnh từ Biện Thượng lên Bá thước tên tự là Khắc Thiện đã từ Bá Thước về làng Yên Tôn Hạ lập nên họ Trịnh do ông Trịnh Gia Đạo làm trưởng tộc, truyền đến ngày nay được 10 đời và hiện có gần 20 hộ đang sinh sống ở làng; Ngoài 2 dòng họ Trịnh trên ở Yên Tôn Hạ còn có 2 dòng họ Trịnh khác mới đến gần đây đó là dòng họ do ông Trịnh Thanh Bình làm trưởng tộc, hiện chỉ có 2 hộ, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Tia làm trưởng tộc hiện chỉ có 1 hộ; Họ Lưu do ông Lưu Văn Kiên làm trưởng tộc, gốc từ làng Đan Nê (Yên Thọ - Yên Định – Thanh Hoá) đến Yên Tôn Hạ cho đến nay đã được 9 đời (có gia phả) cách ngày nay khoảng gần 250 năm hiện có 18 hộ với 40 đinh đang sinh sống ở làng; Họ Trần do ông Trần Phi Thiềng làm trưởng tộc, gốc từ xã Hoằng Yến huyện Hoằng Hoá ngày nay; Vào năm 1939 cả 3 anh em ruột Trần Văn Kinh(Ông Vở), Trần Văn Đỗ (ông Léo), Trần Văn Quý (Ông Hượm) đã đến đất Yên Tôn Hạ sinh cơ lập nghiệp, Ông Đỗ, Ông Khôi có tham gia đi lính cho Pháp theo phong trào các nước đồng Minh tập trung tiêu diệt trục phát xít Đức- Ý - Nhật thời (1939 - 1945), hiện tại họ Trần này ở làng có 6 hộ; Họ Ngô do ông Ngô Văn Tôn làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến đây đã được 6 đời, được 150 năm có 6 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Ngô do ông Ngô Văn Hoá làm trưởng tộc truyền lại từ Ninh Bình vào ở làng Cao Mật (nay là xã Vĩnh Thành) năm 1936 ông Nguyễn Văn Tài từ Cao Mật đưa vợ con lên đất Yên Tôn Hạ mở quán bán hàng và làm ăn sinh sống đến nay đã phát triển thành 7 hộ; Họ Lê do ông Lê Văn Thắng làm trưởng tộc, cụ tổ đến đây đã được 5 đời, trên 100 năm hiện dòng họ này đã phân làm hai chi nhưng cả 2 chi này cũng chỉ có 12 hộ; Họ Lê do ông Lê Như Khuê làm trưởng tộc cũng đã đến đây được 5 đời hiện nay trong dòng họ có 6 hộ; Ngoài ra làng còn có Họ Đỗ nhà Ông Láng không rõ đến làng Hạ từ năm nào và hiện tại làng có bao nhiêu hộ, bao nhiêu đinh,...

        Làng Yên Tôn Hạ xưa nay sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng trọt, làng có Đình, Nghè, Chùa, Văn chỉ, Võ chỉ. Trong làng lập ra Phe Đông, Phe Tây; Ở làng Yên Tôn Hạ xưa kia có tới 3 Nghè, 1 là Nghè Giếng (còn gọi là Đình Giếng) gồm nhà 3 gian 2 dẫy, Nghè thứ 2 là Nghè ngoài đồng là một Nghè to gồm 5 gian và Hậu cung, Nghè thứ 3 là Nghè dưới bến (bãi sông Mã gần làng) cũng gồm 5 gian và hậu cung, có chùa 5 gian và hậu cung; Tất cả Chùa, Nghè đều không còn cái nào hiện chỉ còn lại đình làng 5 gian 2 dẫy, cột lim và cột đá, bị mất hậu cung xây dựng từ đầu thế kỷ XX;

        Tổng diện tích đất tự nhiên của làng Yên Tôn Hạ là 113,62ha, trong đó đất nông nghiệp là 87,84ha, đất ở 12,75ha, đất ao hồ là 11ha còn lại là đất khác; Phía Bắc làng giáp xã Vĩnh Quang, Phía Tây và Nam giáp sông Mã, bên kia sông là quý Lộc thuộc huyện Yên Định, Phía Đông giáp Làng Phù Lưu;

       Hiện nay làng Yên Tôn Hạ có 325 hộ với 1.200 nhân khẩu;

Trích trong Lịch sử xã Vĩnh Yên và sử liệu Việt Nam



Quê tôi Don Hạ

         Tôi rất ít về quê, nhưng cũng có đôi ba lần về ngắn ngày; Thấy quê có nhiều đổi thay cũng rất đáng để mừng; Mọi nhà đã biết dùng bếp ga, bếp từ, bếp điện, đã có công trình vệ sinh hiện đại như thành phố, đã có thiết bị bơm và lọc nước giếng đúng theo tiêu chuẩn của khoa học quy định cho nước sạch nông thôn…Tuy nhiên hương, vị, sắc và màu của quê xưa hầu như không còn nữa; Đâu còn hương hoa bưởi, hoa xoan, đâu còn vị cải cay và vị thơm giòn vàng ươm của dưa Don muối vại nén nặng; Đâu còn sắc màu và bóng râm của luỹ tre, hàng rào dứa dại, cây dừa, cây vải, cây mít, cây cau, cây bưởi, cây chay cổ thụ, cây bàng thay lá đỏ mùa đông, hoa gạo (cây cáo) đỏ rực mỗi tháng ba về hàng năm; Đâu còn giông cây ngô đỏ bắp nhỏ luộc, hoặc rang lên ăn, hoặc làm thính thơm lừng cả xóm, đâu còn cây rau đay, cây mùng tơi trồng một lần ăn cả 6 tháng; Cây ngô, cây rau cải cũng không giữ được giống như các cụ xưa hay làm mà đã bị lai tạo từ rất lâu rồi, tất cả các hàng rào trong làng đều làm bằng đá núi vôi thay cho hàng rào cây dại xưa, tất cả cây tre và 100% cây ăn quả cổ thụ trong làng đề bị đốn chặt một cách không thương tiếc và tính toán, tất cả các ao trong làng đều không giữ được nước, một số bị lấp để cấp đất thổ cư, cả làng nhà nào cũng sân gạch, cổng sắt và một vài bụi chuối..rất nóng bức, khô cằn và khó chịu…cho dù có trang bị máy lạnh như thành phố nhưng không khí và môi trường kém xưa quá xa; Giống ngan ăn giun bãi phù sa sông Mã cũng mất dần thay bằng ngan Pháp 7kg/con; Ra đồng thấy cũng khô cằn không còn màu xanh mướt của lúa thì con gái như ngày xưa nữa, tuy nhìn lên núi thấy rất đáng mừng là cây xanh trên núi đã bắt đầu mọc trở lại nhìn xanh rì rất đẹp mắt và người ta cũng đã trở lại nuôi dê như ngày xưa (có lẽ do nấu bếp ga người dân không chặt cây làm củi như xưa nữa)…Ôi hai tiếng quê hương. Quê tôi đã đổi thay và giàu lên theo hướng công thương nghiệp;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét