XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Quan đô hộ Trung Hoa ở Việt Nam (106 TCN - 905)


(lưu ý: năm cai trị của họ chỉ có tính tương đối)

Tham khảo các tài liệu:

1. Ngô Thì Sĩ (1775), Việt sử tiêu án, NXB Văn - Sử xuất bản.

2. Ngô Sĩ Liên (và những người khác), Đại Việt sử ký toàn thư. Dịch, chú giải và hiệu đính: Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long, Hà Văn Tấn. Hội đồng khoa học Nguyễn Khánh Toàn, Phan Huy Lê và Nguyễn Đức Diệu. NXB. Khoa học xã hội, 1993.

3. Lê Trắc (1335), An Nam chí lược (Uy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch), Viện đại học Huế xuất bản.

4. Khuyết danh (1388), Đại Việt sử lược (Nguyễn Gia Tường dịch), NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh

5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển II - V, NXB Giáo dục, Hà Nội

6. Nguyễn Khắc Thuần (1997), Việt sử giai thoại, tập 1: 40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỷ thứ X, NXB Giáo dục.

7. Keith Weller Taylor (Lê Hồng Chương dịch), The Birth of Vietnam, University of California Press, 1991.

8. Lý Tế Xuyên (1329), Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục dịch, NXB ?

9. Trần Trọng Kim (1920), Việt Nam sử lược, Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản.

10. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (179 TCN - 938), NXB Chính trị quốc gia.

11. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, 1960; tái bản 1963.

1. Thời Hán

(Bắc thuộc lần 1 (111 TCN – 42 SCN)

Thạch Đới (110 - 84 TCN), cai quản 9 châu, đóng ở Lũng Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Chu Chương (83 - 78? TCN)

Chúc Lương (78 - 74 TCN?), ghi theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ.

Ngụy Lãng (69 - 60 TCN?) (chắc do tình cờ trùng tên, tên khắc chính xác là "Ngụy Lãng Tử Minh"). Nhưng khi tra trong các sách lịch sử hiện có thì không thấy tên Ngụy Lãng của Tây Hán mà chỉ có Ngụy Lãng của Đông Hán. Hậu Hán thư chép: "Thời nhà Đông Hán hoàng đế, quan huyện lệnh ở Cư Phong là người cực kỳ tham lam tàn bạo. Lúc bấy giờ người trong huyện là Chu Đạt tập hợp dân Man đông đến bốn, năm nghìn nổi lên giết quan huyện lệnh và tiến đánh quận Cửu Chân. Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức bị tử thương. Nhà Hán cho Ngụy Lãng sang làm quan Đô úy quận Cửu Chân đem quân tiến đánh Chu Đạt, phá được quân Chu Đạt. Tuy vậy, thế lực của Chu Đạt vẫn rất mạnh. Sau nhà Hán phải cho Hạ Phương sang đánh mới được yên".   Trích theo "Đại Việt sử lược", quyển 1 của Khuyết danh, tr. 19.

Ích Cư Xương (59? - 54 TCN)

Đặng Nhượng ( ? - 29)

Tích Quang (2 - 31), chép theo Hậu Hán thư, sách này ghi: " Năm 31, triệu hồi Thái thú Giao Chỉ Tích Quang về triều"

Nhâm Diên (29 - 34)

Tô Định (34 - 40)

Bắc thuộc lần 2 (43 – 544)

Mã Viện (43 - 49)

Đặng Huân ( ? )

Lý Thiện (50 - 67), thái thú Nhật Nam, rất nhân từ.

Trương Khôi (68 - 72?), bị vua Hán bắt chém đầu vì tội tham ô. Có tài liệu khác ghi là Trương Hối.

Dương Phò ( ? - ?), người Cối Kê, cháu của Dương Mậu. Mậu theo vua Hán Quang Vũ chinh phạt có công, nay phong cho Phò làm Thứ sử Giao Châu.

Hồ Cống (94 - 135). Cha của Hồ Quảng, Đô úy quận Giao Chỉ.

Chu Xưởng (136 - 137), chép theo Đại Việt sử kỷ toàn thư, ngoại kỷ, quyển 3.

Phàn Diễn (137 - 138)

Trương Kiều (138 - 141). Ông ta vốn là thuộc tướng của Doãn Hựu, người đàn áp khởi nghĩa của người Khương năm 137 - 138. Ở Giao Châu có người ở Tượng Lâm đang nổi dậy chống chính quyền, Kiều vâng lệnh vua Hán sang phủ dụ, lấy lòng thành của mình khuyên bảo, dân chúng đều hàng phục.

Chúc Lương (141)

Chu Xưởng (141 - ? )

Hạ Phương (143 - 144). Người đời Hán Thuận đế, có tiếng uy đức.

Lưu Tảo (144 - 160), Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Lưu Tháo. Năm Kiến Khang thứ nhất đời Hán Thuận đế (10/144), Hạ Phương phủ dụ người Cửu Chân, về sau ông ta đổi làm thái thú Quế Dương, Lưu Tháo (hay Tảo) sang thay.

Nghê Thức (154 - 157)

Ngụy Lãng (157 - 158)

Chúc Điềm (159 - 160)

Hạ Phương (160 - 162). Năm Diên Hy thứ 3 thời Hán Hoàn đế (160), người dân quận Cửu Chân nổi dậy chống chính quyền. Vua Hán phong Phương làm thứ sử Nhật Nam. Phương đến nơi, nhân dân (20.000 người) kéo nhau đến hàng phục ông.

Cát Kỳ (162 - 163)

Chu Thừa (163)

Đinh Cung

Trương Bàn (164 - 167). Ông có công dẹp khởi nghĩa 3.000 người của Hồ Lan ở Quế Dương

Ngu Thiều

Chu Ngung (181 - 184), Đại Việt sử kỷ toàn thư ghi Ngung bị giết năm 183.

Chu Tuấn (181 - 184), mất năm 195. Ông ta là huyện lệnh Lan Lăng, năm Quang Hòa thứ 4 đời Linh đế (181), được cử sang đánh bại quân Lương Long, thu phụ lòng người.

Giả Tông (184 - 187). Tự Mạnh Kiên, có tài về chính trị. Năm Trung Bình thứ nhất đời Linh đế (184), ông được cử sang làm thứ sử Giao Châu. Giả Tông đến vỗ về, hòa hợp lòng người. Đất nước yên ổn

Lý Tiến (187 - 200), người Giao Châu.

Chu Thặng

Kiến Lan

Lại Tiên

Hoàng Cái

Đam Manh

Chu Phù (200 - 201), có tài liệu ghi ông cai trị một năm (195 - 196).

Trương Tân (201 - 206). Ông nhận chức vào năm Kiến An thứ 6 (201), thích việc quỷ thần, gảy đàn, đốt hương, đọc sách Đạo giáo nói rằng có thể giáo hóa được dân. Sau ông ta bị Khu Cảnh giết chết.

Lại Cung (206 - 207), một bộ tướng của Lưu Biểu, được ông cử làm thứ sử Giao Châu.

Ky Vô Hạp

Chu Trị (202)

Sỹ Nhiếp (187 - 226)

Sỹ Huy (226)

Trần Thời (226), Việt Nam sử lược ghi là Trần Thì.

2. Thời Ngô, Lục triều

Bộ Chất (211 - 225)

Đới Lương (226) (có tài liệu ghi là Đái Lương). Đại Việt sử ký toàn thư ghi ông này cầm quyền từ năm 227 (Ngô Hoàng Vũ năm thứ 6), dẹp yên loạn của Sĩ Huy, Sĩ Nhất... (con của Sĩ Nhiếp), bình định Giao Châu.

Lữ Đại (226 - 231). Cùng Lương sang Giao Châu dẹp yên Sĩ Huy, đến năm 231 thì về nước.

Tiết Tông (231 - 248)

Lục Dận (tức Lục Doãn) (248 - 258)

Đặng Tuân (258 - 263) (Ngụy chí 4 tờ 27a3 viết là Đặng Cú) đến Giao Chỉ vào năm 257

Tôn Tư (263)

Lữ Hưng (264). Ông nổi lên giết quân Ngô cùng hai thứ sử tham tàn Tôn Tư và Đặng Tuân, xin nội thuộc nhà Tấn. Về sau Hưng bị công tào là Lý Thống giết chết.

Hoắc Dặc (264)

Soán Cốc (264), đem quân sang giúp Hưng giữ chính quyền, nhưng thất bại và ốm chết.

Mã Dung (265), được vua cử sang thay Hưng khi Hưng chết, trị vị được vài tháng thì ốm chết.

Dương Tắc (265 - 271), thay Mã Dung làm đô hộ Giao Châu

Tu Tắc (265 - 271). Tuy rằng hai người cùng tên Tắc, nhưng có tài liệu nhập thành một (Tu Tắc, gọi khác là Dương Tắc, xem Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần), An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư tách 2 tên này thành 2 người riêng biệt. Tu Tắc là quan đô hộ thời Ngô, về sau bị vua Tấn Vũ đế cử Dương Tắc, Hoắc Dặt, Mao Quýnh, Đổng Nguyên sang Giao Châu, chém được Tu Tắc và Lưu Tuấn vào năm 268.

Lưu Tuấn (268), được vua Ngô cử làm thứ sử Giao Châu, cùng Đại đô đốc Tu Tắc, tướng quân Cố Dung tấn công Dương Tắc của nhà Tấn, nhưng bị Dương Tắc cùng tướng quân Mao Linh, Đổng Nguyên đánh bại ở Cổ Thành (Hợp Phố). Dương Tắc cử Đổng Nguyên làm thái thú Cửu Chân.

Ngô Hưng (266)

Trần Tập (265 - 268)

Ngu Phiếm (269 - ? )

Cốc Lăng

Ky Vô Hậu

Hấn Tông

Mao Quýnh

Đổng Nguyên (271), thái thú Cửu Chân.

Mạnh Cán (280)

Đào Hoàng (271 - 300). Tướng nhà Ngô, sau phụ thuộc Tấn đã đem quân đánh bại Dương Tắc, chiếm lĩnh Giao Châu.

Ngô Ngạn (300 - 320). Khâm định Việt sử thông giám cương muc ghi là Ngô Nghiện, cai trị 25 năm thì mất. Năm cai trị này ghi theo An Nam chí lược.

Cố Bí (301). Người ôn hòa, nhã nhặn được quân chúng yêu mến.

Cố Sâm (hay Tham) (302)

Cố Thọ ( 303?)

Đào Oai (hay Thành, Uy) (303 - 317), Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, ghi ông cai trị 30 năm.

Đào Thục (317). Em của Đào Oai.

Đào Tuy (317 - 318), Thái thú Thương Ngô, là em (Đại Việt sử ký toàn thư), hoặc con (Việt sử thông giám cương mục), rất được lòng dân.

Đào Khản (318 - 322). Mùa đông năm Đại Hưng thứ nhất (318), Tấn Nguyên đế cử Khản làm Đô đốc Giao Châu.

3. Thời Tấn

Vương Đôn (318). Trấn Đông đại tướng quân thời Tấn, kiêm quản 6 châu: Giang, Hoài, Kinh, Tương, Giao, Quảng.

Vương Cơ (318 - 322). Tự Lệnh Minh, đến xin Đôn làm Thứ sử Quảng Châu nhưng không thành. Vừa lúc đó nhân dân Quảng Châu làm phản, mời Cơ về thay Quách Nột trấn thủ thành Quảng Châu. Sợ Đôn đánh, Cơ phải lĩnh chức đô hộ Giao Châu. Sang Giao Châu, Cơ bị Thạc chặn lại, rút về hùng cứ ở Lâm Hạ, sau bị Đào Khản dẹp yên.

Tu Trạm (322)

Vương Lượng (322 - 323). Năm 322, Vương Đôn cử Lượng sang cai trị Giao Châu. Lượng đem quân đánh Lương Thạc ở Long Biên, nhưng thất bại và bị Thạc chặt mất cánh tay trái. Được 10 ngày thì Lượng mất.

Lương Thạc (323), "Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 2 ghi là Lương Thục. Ông ta tự tiện lên cầm quyền ở Giao Châu, rất tàn bạo, chống đánh Vương Lượng, cuối cùng bị Cao Bảo (tướng của Đào Khản) giết chết.

Đào Khản (323)

Nguyễn Phóng (323). Em họ của Nguyễn Phu, được họ Dữu (lúc này cầm quyền ở Tấn) cử sang đô hộ Giao Châu. Phóng tới châu, chết vì bệnh (ghi theo An Nam chí lược). Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi ông là cháu của Hàm (có lẽ là Đằng Hàm), xin vua làm thứ sử và được vua bằng lòng. Phóng đến nơi, lập tức đặt âm mưu giết Cao Bảo, Bảo biết chuyện nên đánh bại Phóng, Phóng bị thương và chết dọc đường.

Biện Triền. Thái thú Giao Châu

Chử Đào. Thái thú Cửu Chân.

Trương Liễn (328 - 345). Thứ sử Giao Châu. Tấn thư chép rằng: "trong mùa thu năm Hàm-Hoà thứ 3 (328), Trương Liễn làm Thứ sử Giao Chỉ, cứ đất Như-Cụ làm phản, tiến công Quảng-Châu, bị Tăng-Khối đánh tan. Vương-Húc (?) chép rằng: "Liễn làm Thứ Sử Giao Châu được phong Cao hầu, đi đường ngang qua núi Cư-Sơn, thấy phong thổ lấy làm vừa ý, bèn lập chỗ ở tại đó" (theo An Nam chí lược)

Hạ Hầu Lãm (345 - 347)

Chu Phiên (347 - 351)

Dương Bình (351 - 353)

Nguyễn Phu (353 - 358)

Đỗ Bảo (358), An Nam chí lược ghi là Đỗ Bửu.

Ôn Phóng Chi (358 - 370)

Chu Phù (370)

Lý Tốn (370 - 381). Tống sử chép: "Lý Tốn làm thái thú Cửu Chân, có quyền thế và uy đức lừng lẫy. Lúc nghe thứ sử Đằng Độn Chi đến, Tốn sai hai con chặn ở những nơi hiểm yếu. Đỗ Viện đem binh đánh bại và giết được Lý Tốn".

Đằng Hàm (Đằng Độn Chi ?) (380)

Cát Hồng ( ?)

Phó Vĩnh (380)

Đỗ Viện (380 - 411). Ông là người Chu Diên (Giao Chỉ), năm Thái Nguyên thứ 5 đời Hiếu Vũ đế (380), ông sang làm thứ sử Giao Châu, liên tiếp đánh bại quân của Lý Tốn (380), quân Champa (399). Đất nước yên ổn.

Đỗ Tuệ Độ (411 - 423). Đại Việt sử lược ghi là Tuệ Độ. Độ là con của Viện, năm Nghĩa Hi thứ 7 (411), được Tấn An đế cho làm thứ sử. Độ đến nơi, nhanh chóng đánh bại đội quân 2.000 người của Lư Tuần. Tuần bị chết đuối ở Nam Long Biên (Giao Chỉ). Năm 413, ông đánh bại quân Champa, đất nước tạm yên.

Đỗ Hoành Văn (423 - 426). Con trưởng của Tuệ Độ. Năm 423, ông được Cung đế cử làm thứ sử, tước Long Biên hầu. Tháng 4/427, Tống Văn đế đòi ông về làm đình úy, ông về nhưng chưa đến nơi đã chết dọc đường.

Đằng Tốn (426 - 427)

4. Nam Triều

Vương Huy Chi (427 - 430)

Lưu Nghĩa Khang (430 - 431)

Nguyễn Di Chi (431 - 432)

Lý Tú Chi (432 - 434)

Lý Đam Chi (434 - 435)

Cẩu Đạo Phúc (hay Từ Đạo Phúc) (435 - 437)

Từ Xâm Chi (437 - 443)

Đàm Hoà Chi (443 - 445)

Tiêu Cảnh Hiến (446 - 454; 12/455)

Hoàn Hoằng (454 - 456), còn gọi là Phiệt.

Viên Hoành (5/455 - 12/455)

Phi Yên (456 - 458)

Viên Lãng (458 - 462)

Đàn Dực Chi (462 - 465)

Nguyễn Nghiên

Nguyễn Phiên

Trương Mục Chi (465 - 468)

Lưu Mục (hay Trương Mục) (468)

Tôn Phụng Bá (468)

Lưu Bột (4/468)

Trần Bá Thiệu (469 - 477)

Lý Trường Nhân (468 - 479), sách Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 2 ghi ông cai trị trong những năm 468 - 477. Sau khi ông mất thì em ông là Hiến lên cầm quyền, nhân đó nhà Nam Tống cử luôn Thẩm Hoán qua cai trị, nhưng ông này bị Hiến chống đánh nên thất bại và bị chết ở Uất Lâm.

Lý Thúc Hiến (479 - 485)

Thẩm Cảnh Đức (477 - 478)

Triệu Siêu Dân (478 - 485)

Thẩm Hoán (479)

Lưu Hiệu (485)

Lưu Khải (485 - 487)

Phòng Pháp Thừa (488 - 490)

Phục Đăng Chi (490 - 493)

Tống Linh Trí (494)

Tống Từ Minh (494 - 495)

Lý Nguyên Khải (495 - 505)

Lý Tắc (505 - 541)

Vương Nhiếp (505 - 506)

Tiêu Tư (541 - 542); Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là Tiêu Dư. Ông ta vốn họ Tiêu, là tôn thất của nhà Lương. Đầu thời Vũ đế nhà Lương, ông ta được phong làm Vũ Lâm Hầu và có quyền hành rất lớn. Năm 541, Vũ đế cử Tiêu Tư sang cai trị Giao Châu. Ông ta là thứ sử khét tiếng tàn bạo. Chính sử Trung Quốc như Lương thư, Trần thư đã phải ghi nhận ông ta là kẻ "tàn bạo, mất lòng dân". Ngay chính Trần Bá Tiên khi đàn áp các cuộc phản loạn ở phương Nam cũng phải nói về nguyên nhân của các cuộc phản loạn này là do "tội ác của các Tôn thất", trong đó có cả quan thứ sử. Khi bị quân Lý Bí nổi dậy tháng 1/542, Tiêu Tư không dám kháng cự, quá hoảng sợ đã phải chạy trốn về Hợp Phố (theo Lương thư) và Quảng Châu.

Tôn Quýnh (542 - 543). Ông ta được vua Lương phong làm thứ sử "thay" Tiêu Tư, theo lệnh vua đem quân đánh quân Lý Bí lần thứ hai (543) bị thất bại và phải tự tử.

Bắc thuộc lần 3 (545 – 938)

Dương Phiêu (545). Mùa hè năm 545 được vua cử xuống Giao Châu đánh quân Lý Nam Đế.

Trần Bá Tiên (545 - 550)

Tiêu Bột (550 - 557). Sau khi dẹp xong loạn Hầu Cảnh, Lương Nguyên đế cử Bột cai trị phương Nam (trong đó có Giao Châu). Ông ta giúp vua dẹp yên cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu, huấn luyện quân đội. Năm 557, ông ta bị thứ sử Cửu Đức Trần Pháp Vũ giết chết ở Thủy Hưng.

Vương Lâm (554 - 557), được Nguyên đế cử xuống phương Nam thay Bột, tìm cách ngăn chặn Bột tạo phản chống nhà Lương. Mâu thuẫn Lâm - Bột bột phát cho đến cuối năm 554, khi Lâm chuyển về Bắc thì chấm dứt.

Lưu Nguyên Yển (554 - 555), được Vương Lâm tiến cử làm thứ sử danh dự Giao Châu mặc dù ông ta không sang Giao Châu bao giờ. Năm 555, ông ta theo Vương Lâm về Bắc.

Trần Pháp Vũ (555 - 557), người làm phản và giết Tiêu Bột, được Trần Bá Tiên tiến cử làm thứ sử danh dự Giao Châu mặc dù ông ta không sang Giao Châu bao giờ.

Viên Đàm Hoãn (556 - 560), thứ sử Giao Châu thuộc nhà Trần.

Âu Dương Nguy (556 - 563), thứ sử Giao Châu thuộc nhà Trần.

Âu Dương Thịnh (563), giúp anh trai là Nguy giữ yên Quảng Châu.

Âu Dương Hột (563 - 570), thay Thịnh cai trị Giao Châu. “Rất oai nghiêm nhưng tử tế với người Bách Việt”.  Thời Âu Dương Hột, hai châu Quảng, Giao hưởng cảnh thái bình. Năm 567 - 569, ông theo thứ sử Hồ Nam nổi loạn và cuối cùng bị giết chết.

Nguyễn Trác (570 - 576), được vua Trần Tuyên đế cử sang cai trị sang khi Âu Dương Hột bị giết do tạo phản. Ông đánh lui các cuộc tấn công của người Lao, viễn chinh xuống phương Nam.

Trần Quân Cảo (576 - 578), nho sĩ thời Trần, làm Đô đốc Quảng Châu. Sử chép rằng: “Bộ lạc Di và những người Lao liên tục đánh lẫn nhau. Quân Cảo lại là một nho sĩ, không thông thạo việc quân sự; nên ông dốc hết tâm lực vuốt ve xoa dịu họ và giảng giải phải trái để đem lại sự hài hoà trong dân chúng”. Năm 578. Quân Cảo chết, thọ được 48 tuổi, chỉ sau hai năm tại chức.

Dương Tấn (578 - 589), cai trị hai châu Giao và Ái

Dương Hưu Phố (589 - 602? )

5. Thời Tuỳ và Đường

Lưu Phương (603 - 605)

Lý (không rõ tên) (605 - 611?)

Khâu Hoà (612? - 627). Thời Tùy Dưỡng đế, được cử làm Thái thú Giao Châu thay Lý (không rõ tên), cai trị khoảng 20 năm (Đại Việt sử ký toàn thư ghi ông ta cai trị 60 năm). Khi nhà Tùy đổ, ông thần phục nhà Đường (năm 622, lúc đó ông 71 tuổi). Thời Khâu Hòa, chính quyền cho củng cố La Thành (618 - 621) "đắp tại đó một tòa thành nhỏ, rộng 900 bộ (1,65 km)" và đời phủ trị về đó, đầu thời Đường gọi là Tống Bình. Năm 627 ông về nước và hưởng già cho đến 86 tuổi thì mất.

Lý Đại Lượng (627). Đầu thời Trinh Quán, cai trị Giao Châu.

Lý Thọ (627). Người thuộc hoàng tộc nhà Đường, đô đốc đầu tiên ở Giao Châu (?). Đầu năm Trinh Quán, Đường Thái tông tiến hành nhiều cả cách tích cực làm ông ta bị sa thải vì tội tham nhũng.

Lư Tổ Thượng (627). Tự Quý Lương, người Quang Châu. Đầu thời Trinh Quán, Lý Thọ bị tội, vua Thái tông cho đòi Lư Tổ Thượng, một quan chức có tài và có danh tiếng đến bảo: “Giao Châu là một vùng biên giới rộng lớn, cần phải có quan chức tốt trông coi nhưng cho đến bây giờ chưa có một đô đốc nào làm đầy đủ nhiệm vụ cả. Xét thấy ngươi có khả năng, vậy hãy đi và phòng thủ Giao Châu cho trẫm. Không được viện lẽ xa xôi mà từ chối.” . Tổ Thượng tạ ơn, nhưng viện cớ bệnh hoạn để từ chối và không chịu xuống miền Nam nhậm chức mới. Sau nhiều lần cử sứ giả khuyến dụ mà không được, vua cho vời anh rể là Phạm Chu đến khuyên giải ông nghe. Sau khi nghe anh rể nói hết lời về danh dự và bổn phận, Tổ Thượng từ chối: "… miền Nam có nhiều bệnh sốt rét hoành hành; nếu đệ đi đến đó thì sẽ chẳng có ngày về". Vua bèn khiến chém ngay trước triều đường. Về sau, vua hối hận và cho phục chức như cũ.

Lý Đạo Hưng (635 - 636). Tôn thất nhà Đường, được phong làm Quảng Ninh quận vương, sau vì có lỗi nên giáng xuống làm Huyện công. Năm Trinh Quán thứ 9 (635), vua cử xuống làm Đô đốc Giao Châu; và ông này chết vì bệnh trong lúc đương làm quan.

Lý Đạo Ngạn (637 - 640). Thời Trinh Quán bị đổi làm Thứ sử Giao Châu. Rợ Lèo (sơn liêu) làm phản ở châu Minh, Đạo Ngạn dẹp yên. Không lâu sau, châu Minh sát nhập vào châu Hoan.

Lý Giám

Liễu Sở Hiền

Đỗ Chính Luận (643 - ? ) (có tài liệu ghi là Luân). Người Tương Châu, vua biết tiếng và vời ra làm Trung Thư thị lang, phụ tá cho Thái tử Thừa Kiền. Nhưng khi Thái tử âm mưu cướp ngôi năm 643 thì ông bị biếm chức, đổi ra làm Đô đốc Giao Châu.

Đậu Đức Minh, làm thứ sử Ái Châu thời Đường.

Ninh Đạt

Sài Triết Uy (653 - 655). Thời Cao tông, bị liên lụy vì em là Lệnh Vũ theo Phòng Di Ái (653) làm phản, bị đày ra Thiệu Châu. Sau lại được tha, phong làm Đô đốc Giao Châu.

Chử Toại Lương (656 - 658). Ông tự Đăng Thiện, người Tiền Đường, làm chức Trung thư lệnh, cuối thời Trinh Quán (649) đổi làm Đô đốc Đàm Châu và Quế Châu. Sau đó, Hứa Kính Tông và Lý Nghĩa Phủ vu tấu ông làm phản, Vũ Hậu đổi ông sang làm thứ sử Ái Châu, được hơn 1 năm thì mất. Năm Hàm Thông thứ 5 (864), Cao Biền tâu vua cho đem thi hài ông về chôn ở Dương Địch.

Lang Dư Khánh (658 - 681?). Làm quan thanh liêm, nhưng tính khắc bạc, dần dần thăng lên chức Ngự sử Trung thừa, sau vì bị lỗi, giáng làm Thứ sử Giao Châu

Lưu Diên Hựu (687). Năm Thủy Củng thứ 3 (687), do liên lụy đến việc cháu của Lý Tích là Lý Kính Nghiệp làm phản nên Diên Hựu bị cử làm Đô đốc Giao Châu. Lệ cũ, dân quê nộp một nửa số thuế trong năm, ông ta bắt nộp hết nên dân sinh oán giận và nổi dậy. Diên Hựu giết  người lãnh đạo là Lý Tự Tiên (687), đồng đội của Tiên là Đinh Kiến nổi dậy, chiếm cứ Giao Châu. Sau, tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh dẹp yên.

Lưu Hựu (688? - 705), quan Đô hộ An Nam thời Võ Tắc Thiên đế. Sử Trung Quốc chép ông ta sinh ra trong gia đình khá giả và ông ta có tật "ăn trọn một con gà trong bữa cơm". Sách còn viết rằng "cứ mỗi khi làm thịt một con gà, lão ta lại ra lệnh cho gia nhân nuôi thêm hai con khác vì lúc nào lão ta cũng thích ăn ngon".

Khúc Lãm (có tài liệu viết Phúc Lâm) (706 - 709). Đô hộ An Nam, cai trị tàn bạo, tham nhũng nên bị một thuộc hạ giết chết.

Đỗ Minh Cử (709 - ? ). Người Dương (?), cuối thời Cảnh Long (709) làm quan Úy quân Tế Nguyên, nằm chiêm bao thấy đi vào một phủ đường, gặp một người mặt áo xanh, vái chào rất cung kính và nói rằng: "Ông sẽ làm An Nam đô hộ, tôi là dân An Nam, nên đến đây chào mừng trước, xin ông hãy giữ gìn quý thể". Quả nhiên ông được cử làm An Nam đô hộ.

Tống Chi Đễ (720 - 721)

Quang Sở Khách (722 - 724)

Lư Ngư (724 - 751). Ông là người Việt, quê ở làng An Viễn (đẹp nhất Việt Nam, không rõ nơi nào), cai trị An Nam thời Đường Huyền tông. Thời Lư Ngư, ông cho dời tổng hành dinh của chính quyền đô hộ về một ấp ở An Viễn. Ngay trung tâm tổng hành dinh, ông xây đền thờ vua Đường còn tại vị để tưởng nhớ với tấm bia ghi công đức "Khai Nguyên Thiên tử". Cạnh đó, ông ta cho dựng tượng thần linh địa phương, viết bài thơ ca tụng vẻ đẹp An Viễn.

Hà Lý Quang (751 - 756). Người gốc Quế Châu, làm Đô hộ An Nam thời Đường. Năm 751, ông đem quân vào Vân Nam tiến đánh quân Nam Chiếu nhưng thất bại... phải lui quân.

Trương Khiêm (756 - 757)

Trương Thuận (757)

Trương Bá Nghi (757 - 761)

Khang Khiêm (761)

Triều Hoành (761 - 767), người Nhật Bản (tên: Abe no Nakamaro), sang Trung Quốc du học năm 717 lúc 19 tuổi và làm quan ở đây một thời gian dài. Năm 753, ông định dong thuyền về nước, nhưng thuyền bị bão tố nên ông quay trở lại Trung Quốc và đến năm 761 được vua Đường cử làm Đô hộ An Nam. Trong thời cai trị An Nam, ông đem quân đánh dẹp các cuộc nổi loan trong nước và vùng Vân Nam (Trung Quốc), được vua khen thưởng. Ông cho tách châu Diên ra khỏi châu Hoan để tiện cai trị.

Trương Bá Nghi (767 - 777). Vừa lên thay Triều Hoành, Trương Bá Nghi đã phải đem quân đối đầu với các cuộc tấn công của quân Java (Chà-và) vào An Nam đô hộ phủ. Thế giặc mạnh, Nghi chống không lại nên xây một ngôi thành mới cạnh thành cũ để tiện đánh giặc và nó có tên mới là La Thành. Về sau, ông nhờ Cao Chính Binh sang giúp và nhân đó nhường An Nam đô hộ phủ cho ông ta cai trị.

Cao Chính Bình (777 - 781). Thay Nghi đô hộ An Nam. Năm 768, vua Đường đặt lại An Nam đô hộ phủ và Đô hộ sứ kiêm luôn chức Kinh lược sứ. Ông ta đem quân đánh quân Phùng Hưng  vừa nổi lên khoảng năm 780, nhưng thất bại rồi chết.

Ô Sùng Phúc (781 - 782)

Phụ Lương Giao (782 - 787), Đô hộ sứ, có công dẹp loạn của Lý Mạnh Thu - Bi An ở Phong Châu.

Trương Ứng (788 - 789)

Lý Phục (789 - 790), tướng nhà Đường, đàn áp khởi nghĩa Lý Nguyên Do và được phong làm Đô hộ An Nam.

Triệu Xương (791 - 802; 804 - 806). Tự Hồng Tộ, làm quan cai trị Giao Châu sau khi đàn áp xong khởi nghĩa Phùng Hưng. Thời Triệu Xương, ông ta tiến hành cho người đi tìm hiểu các phong tục, tập quán của người Việt, và hay lui tới đình làng Chèm (nay thuộc Hà Nội) thờ cúng, sửa sang đền đài, chủ trì cúng tế. Ông ta cũng là người diễn giải kinh Xuân Thu, cho người tới xem xét, thu thập các thông tin về phong tục, tập quán Việt Nam viết thành một quyển sách gọi là "Giao Châu ký". Năm 802, lúc 70 tuổi, ông viện cớ đau chân nên xin nghỉ, Hàn Lâm viện học sĩ Bùi Thái sang thay nhưng ông ta lại bóc lột nhân dân thậm tệ nên đầu năm 803, Thái bị đánh đổi và ông ta lên cai trị lần nữa. Năm 806, ông ta cáo bệnh xin nghỉ, được vua cho cai trị Quảng Châu và mất ở tuổi 85.

Bùi Thái (802 - 803), năm cai trị ghi theo Cựu Đường thư, quyển 13, tờ 196 và Tân Đường thư, quyển 170, tờ 8b - 10a. Ông nguyên là học giả của Hàn Lâm viện, thay Xương làm Đô hộ Giao Châu vào mùa hè năm 802. Thời Bùi Thái, cuối năm 802, quân Hoàn Vương xâm lăng và thêm nữa Thái lại bắt dân làm phu xây dựng La Thành rất khắc nghiệt, nên ông ta bị thuộc hạ là Vương Quý Nguyên đánh đuổi.

Trương Chu (806 - 810), phó kinh lược sứ, thay Xương cai trị Giao Châu. Thời Trương Chu, chính quyền đô hộ cho sửa sang, mở rộng La Thành thành một ngôi thành lớn hơn và gọi là Đại La. Thành này có tường cao 6 m, 11 cửa và 10 tòa nhà mới được xây dựng. Ông ta củng cố quân đội: từ 8.000 lên 300.000 quân chính quy, 10 thuyền tăng đến 32 thuyền chiến; 30 kho vũ khí. Năm 809, Chu đem quân đánh bại Hoàn Vương.

Mã Tổng (810 - 813), ghi theo Cựu Đường thư, quyển 14, tờ 17a. Tổng sang Việt Nam năm 810, tự xưng là hậu duệ của Mã Viện nên bắt chước tiền bối xây thêm hai trụ đồng ở biên giới phía Nam. Ông ta nổi tiếng thanh liêm, không hề nhũng lạm. Một bài thơ thời đó viết:                        “Lá cờ đỏ (tượng trưng vương quyền) rực rỡ tung bay ngoài biển cả

Đem luật pháp và trật tự đến cho biên cương phía Nam.”

Triệu Quân (813)

Trương Miễn (813),

Bùi Hành Lập (813 - 817), năm cai trị ghi theo Cựu Đường thư, quyển 14, tờ 15b.

Lý Tượng Cổ  (818 - 819)

Quế Trọng Vũ (819 - 820)

Bùi Hành Lập (820) ;  Theo Cựu Đường thư, 16, 2a, Bùi Hành Lập được tái bổ nhiệm xuống An Nam vào tháng 2 năm 820. Triều đình nhận được tin Hành Lập chết vào tháng 7 trong năm (Cựu Đường thư, 16, 4a)

Quế Trọng Vũ (820 - 822), tái cai trị An Nam vào tháng 7/820. Ông ta đánh bại và tiêu diệt khởi nghĩa Dương Thanh. Năm 822, ông về nước, thay thế Phó Đô hộ An Nam Thôi Kết lúc đó cai trị Ung Châu.

Vương Thừa Biện (822), thay thế Vũ vài tháng rồi bị Lý Nguyên Hỷ thay thế.

Lý Nguyên Hỷ (có tài liệu ghi là Lý Nguyên Gia) (823 - 827); Việt điệu u linh tập, ghi ông bắt đầu cai trị từ năm 822, không rõ năm kết thúc. Năm 823, ông đã hai lần báo cáo về triều định vụ giặc Lão cướp phá các vùng nông nghiệp; "Man Hoàng Động" cướp phá Ung Châu và An Nam. Mùa thu năm 824, "Man Hoàng Động" lại sang cướp phá An Nam. Để giải quyết tình trạng này, năm 825, ông đề nghị vua Đường Kính tông cho rời bỏ thành Đại La, dời phủ trị lên vùng Bắc sông Hồng, xây thành tại nơi đã sinh ra một vị thần linh thiên là thần sông Tô Lịch (Tô Lịch Đại vương). Khi xây thành, ông có tham khảo ý kiến của người địa phương, điều đó chứng tỏ ông rất có quan hệ thân thiện với người địa phương. Năm 827, lấy lý do "Giao Chỉ có loạn", vua Đường Văn tông thay thế bằng Hàn Ước.

Lý Nguyên Thiện (825 - 826)

Hàn Ước (827 - 828);  Cựu Đường thư, 17a, 12a, có chép ngày tháng bổ nhiệm Hàn Ước. Tiểu sử Hàn Ước (Tân Đường thư, 179, 10a) chép: “Giao Chỉ có loạn. An Nam Đô hộ phủ được giao cho Hàn Ước”. Việc bổ nhiệm ông ta làm Đô hộ phủ đi đôi với việc đơn giản hóa chính phủ đô hộ, loại bỏ quyền lực của các "thanh tra châu" tập trung quyền lực vào Đô hộ phủ. Tuy nhiên, ông ta vẫn còn quyển kiểm soát một vùng lãnh thổ khá rộng để thu thuế để làm ngân quỹ, đút túi riêng. Năm 828, Ước dẹp được loạn Giao Chỉ, bắt thứ sử Châu Phong Vương Thăng Triều đem xử chém. Mùa thu năm 828, lấy lý do Ước tham nhũng, quân địa phương nổi dậy đuổi Ước ra khỏi Đô hộ phủ.

...... (không rõ tên quan cai tri trong thời gian 828 - 831)

Trịnh Xước (831 - 833)

Hàn Uy (834 - 835)

Điền Tảo (835 - 836). Sau khi lên nắm quyền, ông cho dựng hàng rào để ngăn chặn quân ngoại tộc xâm nhập. Vài tháng sau, Đường Văn tông cử 3 tướng tài xuống giúp Tảo chống giặc man, thu thuế. Do bị nhân dân phản đối đóng thuế, Văn tông ra Sắc chỉ tháng 4/836 nói rằng: "Về việc thu thuế của các dân tộc vùng xa; mỗi năm khi đi tu thuế, nếu thấy dân chúng kêu ca về sự khổ sở hay thiếu thốn, hãy tạm miễn cho họ; đối với An Nam cũng áp dụng như thế và hãy miễn cho họ vụ thuế mùa Thu năm nay. Nay truyền lệnh cho Đô hộ Điền Tảo, trừ khi quân sĩ thiếu thốn lương thực mà phải đói, hãy họp dân lại và loan báo về việc miễn thuế này". Sắc chỉ còn tiếp rằng triều đình sẽ thỏa mãn nhu cầu của Đô hộ phủ, đáp ứng nhu cầu và củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền đô hộ.

Mã Thực (836 - 841). Tháng 9/836, Văn tông phái Mã Thực, một người tài giỏi xuống cai trị An Nam. Tân Đường thư, tờ 1a viết rằng ông là người có học thức, rất tài giỏi trong công việc hành chính, có văn hóa, rất liêm khiết và tao nhã lịch sự và chính đức tính đó khiến nhiều người Việt Nam coi trọng và hợp tác với ông. Tôn chỉ của Thực là "đúng đắn và lương thiện", không bao giờ nhũng nhiễu hay phiền hà công việc của dân, giảm nhẹ thuế má. Ông tái sinh lại Lục châu, bổ nhiệm người địa phương làm Thứ sử. Những việc đó khiến dân chúng tin phục ông, các tù trưởng vùng núi cử người mang quà cáp xuống biếu ông để tỏ lòng quy thuận.

Vũ Hồn (841 - 843). Kế nhiệm Mã Thực năm 841, hai năm sau bắt quân và tướng sửa sang La Thành, nhưng họ nổi loạn buộc Vũ Hồn chạy trốn về Bắc. Sau, giám binh Đoàn Sĩ Tắc dẹp yên cuộc nổi loạn này.

Bùi Nguyên Hựu (844 - 848). Năm cai trị chưa rõ, Việt sử lược, quyển 1, tờ 11a chép Nguyên Hựu cai trị vào thời Vũ Tông (841 - 846). Năm 846, ông đánh đuổi quân Nam Chiếu, giữ vững biên cương.

Điền Tài Hựu (849 - 850). Ông được sử ghi chép là "làm việc tốt ở nơi biên cương".

Thôi Cảnh (851 - 852)

Lý Trác (853 - 855). Người (?), cai trị An Nam đô hộ phủ từ năm 853. Ông ta nổi tiếng cai trị hà khắc, tham nhũng, tính tình nóng như lửa, xử ép các tù trưởng vùng núi (Đỗ Tồn Thành bị Trác  giết chết). Cái chết của Tồn Thành làm bùng lên phong trào chống nhà Đường, tạo cơ hội quân Nam Chiếu xuất hiện

Chu Nhai (857), có tài liệu khác ghi là Tống Nhai.

La Hành Cung (857 - 858)

Lý Hoằng Phụ (857 - 858)

Vương Thức (858 - 859); Cựu Đường thư, tờ 18a-b, 18c ghi Vương Thức thay thế Lý Hoằng Phủ tháng 3-858.

Lý Trác (859 - 860)

Lý Hộ (860 - 861), An Nam chí lược ghi là Lý Vu.

Vương Khoan (861 - 862). Đánh quân man, bắt giết tù trưởng Đỗ Thủ Trừng. Người Man cầu cứu quân Nam Chiếu sang can thiệp.

Sái Kinh (862)

Sái Tập (862 - 863); An Nam chí lược, quyển 9 ghi là Thái Tập.

Tống Nhung (863 - 864)

Trương Nhẫn (864), Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển 5 ghi ông là Trương Nhân.

Cao Biền (864 - 875)

Cao Tầm (875 - 877)

Tăng Cổn (877 - 880)

Kính Ngạn Tông

Thôi Lập Tín

Chu Toàn Dục (892 - 905). Ông ta là anh trai của Chu Toàn Trung, được Trung cử sang cai trị Giao Châu. Ông ta bất tài, không kham nổi công việc nên bị em trai gọi về.

Độc Cô Tổn (4/905 - 6/905). Ông ta nguyên là tể tướng thời Chiêu tông, bị biếm chức và đày sang cai trị nước ta. Họ "Độc Cô" của ông ta, tiếng Hoa đọc là "Tuyếccô" cùng nhiều minh chứng khác chứng tỏ vua sáng lập nhà Đường (Lý Uyên) không phải họ "Lý" của Lý Đam - Lão Tử như sử sách Trung Quốc rêu rao, mà chính là có gốc nửa thiểu số Đột Quyết (semi-ture). Sau khi Khúc Thừa Dụ nổi binh đánh đuổi quân Đường, Tổn phải chạy trốn ra Hải Nam và chết ở đó

Khúc Thừa Dụ (860? - 907). Ông quê ở Hồng Châu (Hải Dương) là một hào trưởng lớn, có thế lực ở vùng Chu Diên. Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 5 chép: “Họ Khúc là một dòng họ lớn lâu đời ở Hồng châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy Tôn. Gặp thời loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy”. Khoảng tháng 9/905 (tài liệu khác ghi tháng 6/905), ông lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành quyền tự chủ. Nhà Đường buộc phải chấp nhận sự việc đã rồi. Tháng 1/906, ông được vua Đường Ai đế phong làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Ngày 7/2/906, ông lại được Ai đế phong thêm chức "Đồng Bình chương sự". Sau đó, ông lấy quyền mình, trao cho con là Hạo chức Tiết độ sứ và chỉ định Hạo kế vị ông. Ngày 9/2/907, ông mất và được người đời sau gọi một cách tôn kính là "Khúc Tiên chúa" (Vân Đài loại ngữ).

Khúc Hạo (885? - 923). Ông là con trưởng của Khúc Thừa Dụ, thay cha nắm quyền sau khi cha mất. Ngày 1/9/907, vua Hậu Lương là Thái tổ Chu Toàn Trung phong ông làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ. Trong thời kỳ cai trị của mình, ông thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Về mặt hành chính. Khúc Hạo chia cả nước thành các lộ phủ, châu, giáp và xã, mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Một số xã gần nhau trước gọi là hương nay đôi là giáp , mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc thu thuế. Theo An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt 150 giáp, cộng với những giáp có trước cả thảy gồm 314 giáp. Chính quyền tự chủ ngay từ khi mới thành lập đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việt tổ chức bộ máy cơ sở cấp giáp và xã, những đơn vị hành chính cấp cơ sở xây dựng trên cơ sở kinh tế - xã hội vốn có của công xã nông thôn và nhằm quản lý công xã đó. Về mặt Tô thuế, Khúc Hạo sửa lại chế độ điền Tô, thuế má và lực dịch. ông chủ trương “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi”.

          Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Khúc Hạo tha bỏ lực dịch, quân bình thuế ruộng.  Điều này vừa có ý nghĩa xác lập quyền sở hữu tối cao của nhà nước đối với đất đai cả nước, vừa có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất và đề cao tính ưu việt của một nhà nước tự chủ. Bấy giờ, toàn bộ ruộng đất đều thuộc sở hữu công xã, chưa có sở hữu tư nhân về ruộng đất. Những cải cách của họ Khúc bao gồm những nội dung lớn:

          • Bỏ lực dịch tức là xoá bỏ chế độ bóc lột nặng nề của chính quyền đô hộ, nhất là thời thuộc Đường.

         • Nguồn thu nhập chủ yếu của nhà nước là thuế ruộng đánh đồng đều theo hộ khẩu chứ không phải căn cứ vào diện tích ruộng đất.

         • Ở cấp xã, giáp trưởng là những người quản lý hộ khẩu và cũng là người chịu trách nhiệm thu thuế nộp cho cấp trên.  Đối với nhà nước, thuế ruộng tính theo hộ khẩu nhưng đơn vị thu là xã.

         Chính sách cải cách nổi tiếng của Khúc Hạo là cơ sở để nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và công xã thời đó. Chính sách Tô thuế lúc đó chỉ có thể hiểu và giải thích được khi ta hiểu rõ tổ chức hương - giáp - xã trên nền tảng công xã nông thôn.

         Lúc bấy giờ công xã nông thôn còn tồn tại phổ biến và giữ vai trò hạ tầng cơ sở bền vững của xã hội.  Những công xã đó có những đặc điểm riêng của Việt Nam, nhưng cũng mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của hình thái á châu mà đặc điểm quan trọng nhất là trong thời kỳ đầu, toàn bộ ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của công xã, chưa có sở hữu tư nhân về ruộng đất.

          Đường lối chính trị chung của Khúc Hạo thừa kế từ người cha Khúc Thừa Dụ được tóm tắt ngắn gọn song rất rõ ràng rằng “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui”. KHOAN - GIẢN - AN - LẠC là chiến lược chính trị của thời tự chủ Việt Nam thuở đó.

          Khoan dung, tức là không thắt buộc, khắt khe quá quắt đối với dân, chống bọn tham quan ô lại, một tệ nạn lớn của thời Bắc thuộc.

         Giản di, là không làm phiền hà, nhiễu dân bởi quá nhiều thủ tục hành chính quan liêu. . .

         An lạc (yên vui), “an cư lạc nghiệp” là lý tưởng của nếp sống nông dân nơi làng xóm.

        Đường lối đó của Khúc Hạo phản ánh quan hệ dân chủ bên trong công xã và quan hệ còn mang ít nhiều chất dân chủ giữa nhà nước với công xã nông thôn.

        Tóm lại, đường lối chính trị của Khúc Hạo là một đường lối chính trị thân dân. Nó chứng tỏ bất cứ một phong trào dân tộc chân chính nào cũng phải có một nội dung dân chủ nào đó. Trong khi phải tập hợp mọi lực lượng yêu nước để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chính sách của họ Khúc đã phát huy được nhiều tác dụng lớn.

Khúc Thừa Mỹ (900? - 930). Ông là con trai của Khúc Hạo, thay cha cai trị Giao Châu sau khi cha mất (923, có tài liệu viết ông đồng cai trị với cha từ năm 917 - 918). Sau khi lên cai trị, ông liên tiếp mắc sai lầm trong đối nội và đối ngoại để rồi cuối cùng làm mất nước vào tay Nam Hán.

Lý Tiến (930 - 931). Xuất thân không rõ (tên của ông ta trùng hợp với một thứ sử cũng tên Lý Tiến, sống cuối thời Đông Hán), chỉ biết vào thời Ngũ đại thập quốc, ông theo Lưu Nghiễm (sau là Lưu Nham) làm tướng và quan lại cho nước Nam Hán. Năm 930, ông cùng Lý Khắc Chính vâng lệnh vua Nam Hán là Cao tổ Lưu Nham sang xâm lược nước ta, đánh bắt Khúc Thừa Mỹ về giam ở Phiên Ngung rồi trực tiếp cai trị nước ta. Đầu năm 931, ông và quân Nam Hán bất ngờ bị quân của Dương Đình Nghệ đánh bại phải bỏ trốn về nước, sau bị  vua bắt giết vì tội hèn nhát.

Dương Đình Nghệ (931 - 937). Ông vốn là hào trưởng, quê ở làng Giàng (Thanh Hóa), có thế lực lớn. Trong nhà ông nuôi 3000 "con nuôi" đều lấy họ Dương. Tháng 3/931, ông nổi binh đánh thành Đại La, đánh đuổi Lý Tiến về nước, đồng thời đánh tan quân cứu viện của Nam Hán, giết chết thừa chỉ Trình Bảo và dựng nền tự chủ. Tháng 4/937, ông bị hào trưởng Phong Châu là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ.

Kiều Công Tiễn (937 - 938). Ông là hào trưởng Phong Châu từ thời họ Khúc tự chủ. Khi Nam Hán đánh nước ta, ông theo Dương Đình Nghệ đánh thắng giặc, lập nhiều công trạng. Theo Thiên Nam ngữ lục, Tiễn lấy cớ Dương Đình Nghệ ngộ sát vị chúa họ Khúc cuối cùng để ra tay hạ sát Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết độ sứ. Một số tướng cũ của Dương Đình Nghệ, tiêu biểu là Ngô Quyền đã tập hợp lực lượng, phát lời kêu gọi chống Tiễn. Tháng 4/938, Ngô Quyền mang quân ra Bắc, hạ Đại La, giết chết Tiễn và chuẩn bị chống quân Nam Hán xâm lược.

6. Thời thuộc Minh

Bắc thuộc lần 4 (1408 – 1427)

Năm 1408, nhà Minh kiểm soát được dân số 3.120.000 người, người "man" 2.087.500 người thì sau 10 năm chỉ còn quản lý được 162.558 hộ với 450.288 nhân khẩu.

Quận Giao Chỉ được thiết lập bộ máy cai trị giống như các đơn vị hành chính của nhà Minh khi đó, gồm có 3 ty (Tam ty) trực tiếp thuộc vào triều đình Yên Kinh (sau này đổi thành Bắc Kinh):

Giao Chỉ đô chỉ huy sử ti (交址都指揮使司) phụ trách quân chính.

Giao Chỉ đẳng xử thừa tuyên bố chính sử ti (交址等處承宣布政使司) phụ trách dân sự và tài chính.

Giao Chỉ đẳng xử đề hình án sát sử ti (交址等處提刑按察使司) phụ trách tư pháp.

         Bản đồ hành chính Trung Quốc thời Minh từ 1402-1424.

Các quan chánh, phó các ty đều là người phương Bắc sang. Một số người Việt được trọng dụng vì có công với nhà Minh như Nguyễn Huân, Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Đỗ Duy Trung…

          Để duy trì bộ máy cai trị, năm 1407, nhà Minh thiết lập các vệ quân (5.000 quân) bản xứ, gồm Tả, Hữu, Trung đóng trong thành Đông Quan, Tiền quân đóng ở phía bắc sông Phú Lương, và các thiên hộ sở (1.000 quân), đóng đồn ở những nơi xung yếu, như Thị Cầu cần hai thiên hộ sở, Ải Lưu một thiên hộ sở. Đặt tại Xương Giang một vệ, và Khâu Ôn (Lạng Sơn ngày nay) một vệ quân canh giữ. Trong đạo quân viễn chinh, 2.500 quân Quảng Tây, 4.750 quân Quảng Đông, 6.750 quân Hồ Quảng, 2.500 quân Triết Giang, 1.500 quân Giang Tây, 1.500 quân Phúc Kiến, hơn 4.000 quân Vân Nam được lệnh ở lại. Việc bắt lính bản địa được xúc tiến để hỗ trợ quân Minh đóng đồn giữ.

Các tướng văn, võ nhà Minh ở Giao Chỉ:

Người Minh: gồm có Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân, Vương Thông, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Hoàng Phúc, Liễu Thăng

Người Việt: gồm có Nguyễn Huân, Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Đỗ Duy Trung, Phan Liêu

        Cao Hùng Trưng, tác giả sách An Nam chí cho biết: Nhà Minh chia quận Giao Chỉ làm 17 phủ là:

1. Giao Châu

2. Bắc Giang

3. Lạng Giang

4. Tam Giang

5. Thái Nguyên

6. Tuyên Hóa

7. Kiến Bình

8. Tân An

9. Kiến Xương

10. Phụng Hóa

11. Thanh Hóa

12. Trấn Man

13. Lạng Sơn

14. Tân Bình

15. Nghệ An

16. Thuận Hóa

17. Thăng Hoa

Dưới 17 phủ là 47 châu, 154 huyện, 1 vệ, 13 sở, 1 thuyền chợ.

          Trong 17 phủ trên, phủ Thăng Hoa thực chất chỉ đặt khống vì khi quân Minh tiến đến Hóa Châu thì vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại đã mang quân chiếm lại những vùng đất phải nộp cho nhà Hồ trước đây (năm 1402) là 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Do đó trên thực tế nhà Minh chỉ cai quản Giao Chỉ gồm 16 phủ, địa giới phía nam chỉ đến Hóa Châu.

Năm 1408, Trương Phụ tâu về nhà Minh: Giao Chỉ đông tây dài 1760 dặm, nam bắc dài 2700 dặm.

Để tăng cường quản lý Giao Chỉ, năm 1.419, theo đề nghị của Lý Bân, nhà Minh tổ chức lại hệ thống xã thôn thành lý và giáp. Cứ 10 hộ thành 1 giáp do Giáp trưởng đứng đầu; 110 hộ thành 1 lý, do lý trưởng đứng đầu. Tương đương với lý, tại nội thành gọi là phường, tại ngoại thành gọi là sương.

Chức năng chính của Lý trưởng và Giáp trưởng là thu thuế cho chính quyền đô hộ. Họ thường bị ép bức và đánh đập nên khi được giao chức đều rất lo sợ.

Để đảm bảo giao thông liên lạc giữa các phủ, châu, huyện của Giao Chỉ với Trung Quốc, năm 1415, nhà Minh cho mở đường thủy Vĩnh An, Vạn Ninh, đặt trạm tiếp đón tận Khâm Châu; đồng thời cho đặt trạm ngựa đến thẳng phủ Hoành Châu. Trên toàn địa bàn Giao Chỉ có 374 nhà trạm, nhiều nhất là phủ Giao Châu có 51 nhà trạm.

6.1. Giáo dục

         Năm 1407, khi mới chiếm được Giao Chỉ, nhà Minh sai lùng tìm người tài năng, có sức khỏe, các thợ giỏi bắt mang về Trung Quốc. Kết quả bắt được 7000 người về phục vụ cho triều đình nhà Minh. Nhiều người tài, nghệ nhân của Đại Việt bị bắt đem sang Trung Hoa phục dịch cho Minh triều, mà nổi bật nhất còn lưu lại trong sử sách nước này phải kể đến các vị Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An...

          Từ năm 1410, nhà Minh cho lập trường học ở các châu, phủ, huyện theo quy chế của Trung Quốc. Đến năm 1417 có 161 trường học. Tuy mở trường nhưng nhà Minh không tổ chức cho người Giao Chỉ thi mà chỉ để lựa chọn các nho sinh có học vấn để sung vào lệ tuyển cống cho triều đình hằng năm.

6.2. Kinh tế

          Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh đã vơ vét mang sang phương Bắc 235,900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 13,6 triệu thạch, thuyền bè 8.670 chiếc, binh khí hơn 2,5 triệu chiếc.

Nhằm thực hiện nền thống trị lâu dài, nhà Minh không ngừng xây thành lũy, cầu cống, đường sá. Hàng chục vạn dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải ra các công trường với chế độ lao dịch cưỡng bức và sinh hoạt rất thiếu thốn.

Các công trường khai thác mỏ và mò ngọc trai cũng nhiều nhân công. Những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

6.3. Dịch bệnh

         Cuộc xâm lăng của quân Minh cộng với di dân ồ ạt từ Trung Hoa vào Đại Việt đã mang theo nhiều dịch bệnh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: Năm Hưng Khánh năm thứ I (1407), năm ấy đói và dịch bệnh, nhân dân không cày cấy được, người chết gối lên nhau. Hưng Khánh năm thứ 3 (1409), năm này đói và dịch bệnh còn nặng hơn năm trước.

6.4. Thuế khóa

       Chính sách thuế khóa mà nhà Minh áp dụng với Giao Chỉ là rất nặng nề, trong đó có 2 ngạch chính là thuế ruộng đất và thuế công thương nghiệp. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình. Các viên quan này tham lam đến độ chính bản thân Hoàng đế nhà Minh phải can thiệp vào việc chỉ định quan lại sang Giao Chỉ. Vua Minh Nhân Tông phải bác việc Mã Kỳ tiếp tục muốn được bổ nhiệm quản lý việc thu vàng, bạc, trầm hương, ngọc trai tại đây năm 1424.

        Do thường xuyên phải đối phó với những cuộc chống đối của người Việt, phạm vi kiểm soát ruộng đất của nhà Minh chỉ chủ yếu ở miền xung quanh Đông Quan.

         Từ năm 1407 – 1413, nhà Minh không có khả năng quản lý ruộng đất, số ngạch khi tăng khi giảm không ổn định. Ruộng đất chỉ được trưng dụng một phần để ban cấp cho các thổ quan người Việt thay cho lương. Để cung ứng lương thực cho quân đội, nhà Minh không trông chờ vào nguồn tô thuế ruộng mà phải cho lính mở đồn điền tự sản xuất hoặc dùng hình thức trưng thu để vơ vét.

        Năm 1414, sau khi dẹp xong nhà Hậu Trần, nhà Minh bắt dân Việt kê khai số ruộng đất trồng rau, trưng thu lương thực, tơ tằm và bắt đầu định ngạch thuế ruộng. Trên danh nghĩa thì lấy mức thu 5 thăng trên 1 mẫu như thời nhà Hồ, nhưng bắt dân tự khai khống 1 mẫu thành 3 mẫu để thu 3 phần thuế. Do đó trên thực tế mức thu cao gấp 3 lần nhà Hồ.

          Ngoài thuế ruộng, còn nhiều loại thuế thủ công nghiệp và thương mại. Hàng loạt Ty Thuế khóa, Ty Hà bạc, Ty Tuần kiểm được đặt ra để tận thu.

        Để tăng cường khai thác tài nguyên, năm 1415 nhà Minh tiến hành khám thu các mỏ vàng, mỏ bạc, mộ phu đãi vàng và mò trân châu. Năm 1418, nhà Minh mở trường mò ngọc trai, tìm kiếm hương liệu; bắt người Việt săn bắt những thú vật quý để nộp như rùa 9 đuôi, vượn bạc má, chồn trắng, hươu trắng, voi trắng.

        Đối với nghề nấu muối và bán muối, nhà Minh nắm quyền khai thác độc quyền. Người đi đường chỉ được đem 3 bát muối và 1 lọ nước mắm.

        Chính sách thuế khóa của nhà Minh làm người Việt kiệt quệ điêu đứng. Việc làm sai dịch và nộp lương liên miên khiến năm 1418 từ Diễn Châu trở vào nam không được cày cấy. Tuy nhà Minh thực hiện chính sách thuế khóa nặng nề, trưng thu lương thực, nhưng các cuộc nổi dậy liên tiếp cùng tình hình loạn lạc tại Giao Chỉ khiến việc chiếm đóng của nhà Minh trở nên rất tốn kém. Lương thực thu được tại chỗ không đủ cung ứng cho số quan lại và binh lính. Từ khoảng những năm 1420, nhà Minh liên tục phải vận chuyển lương thực từ Lưỡng Quảng sang Giao Chỉ để cung cấp. Việc điều động người và của cho các đợt viễn chinh liên tục đòi hỏi cả miền nam Trung Quốc phải cung cấp, phục dịch. Năm 1424, khi khởi nghĩa Lam Sơn lớn mạnh, nhà Minh mới ra một số chính sách xoa dịu người Việt như đình chỉ khai thác vàng bạc, khoan giảm trưng thu thuế khóa…

6.5. Chính sách đồng hóa

6.5.1. Tôn giáo tín ngưỡng

          Người Việt bị bắt phải theo những phong tục tập quán của Trung Quốc: phải để tóc dài, không được cắt tóc; phải để răng trắng không được nhuộm; phụ nữ phải mặc áo ngắn quần dài (nguyên văn tiếng Hán: 短衣長裙 (đoản y trường quần), từ "quần" ở đây cũng có nghĩa là chỉ "váy") giống Trung Quốc. Quan lại phải đội khăn đầu rìu, áo viền cổ tròn có vạt, áo dài vạt bằng tơ lụa, hài ống cao có dây thắt.

         Tục thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cũng bị đàn áp thô bạo. Nhiều đàn tràng thờ kiểu Trung Quốc được lập.

        Đạo Phật tại Việt Nam phát triển cực thịnh vào thời Lý, Trần, có ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống người dân Đại Việt. Số lượng trước tác về đạo Phật thời này rất nhiều, ngày nay chỉ còn lại Thiền Uyển tập anh cũng là do chính sách hủy diệt của nhà Minh. Đại Tạng Kinh thực hiện và ấn loát nhiều lần dưới triều Trần, mỗi lần in hàng ngàn cuốn; sách Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Đẳng Sám Hối Khoa Văn của Trần Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục, Tăng Già Toái Sự của Trúc Lâm Điều Ngự (tức vua Trần Nhân Tông) và tám tác phẩm của Pháp Loa không tác phẩm nào còn lại.

          Nhà Minh đưa sang những tác phẩm Trung Hoa về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo cho người Việt học. Chính quyền đô hộ lập Tăng Cương Ty và Đạo Kỳ Ty để lo việc giáo dục Phật giáo và Lão giáo theo mẫu mực Trung Hoa.

6.5.2. Văn hóa

          Đại Việt từ khi chính thức độc lập vào thế kỷ X, trải qua gần 500 năm đã lớn mạnh nhanh chóng, giữ vững bờ cõi, xâm lấn về phía nam, tất cả các mặt đều phát triển mạnh mẽ, nhất là văn hóa đã trở thành quốc hồn quốc túy và có nhiều nét riêng biệt so với Bắc triều. Chẳng hạn vua Trần Nhân Tông xuất gia lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là việc chưa hề thấy trong lịch sử Trung Hoa. Sự lớn mạnh và độc lập của Đại Việt là một hiểm họa cho Bắc triều đã được chứng minh qua các cuộc chiến tranh Việt - Tống, Việt - Nguyên; nên nhà Minh từ khi nắm quyền không thể không biết. Nhằm thủ tiêu nền văn hóa của người Việt, ngay năm 1406, khi phát binh đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ đã ban sắc viết:

         Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.

Năm 1407, Minh Thành Tổ ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn:

          “Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. … Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại”

Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng: “Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn”.

Năm 1418, nhà Minh sai Hạ Thanh và Hạ Thì sang thu các loại sách ghi chép về sự tích xưa của người Việt đưa về Trung Quốc. Các tác phẩm văn học, sử học, pháp luật, quân sự của đời trước đã bị tịch thu gồm:

1. Hình thư của Lý Thái Tông: 3 quyển.

2. Quốc triều thông lễ của Trần Thái Tông: 10 quyển.

3. Hình luật của Trần Thái Tông: 1 quyển.

4. Khóa hư tập của Trần Thái Tông: 1 quyển.

5. Ngự thi của Trần Thái Tông: 1 quyển.

6. Di hậu lục của Trần Thánh Tông: 2 quyển.

7. Cơ cừu lục của Trần Thánh Tông: 1 quyển.

8. Trần Triều đại điển của Trần Dụ Tông: 1 quyển.

9. Trùng Hưng thực lục của Trần Nhân Tông: 1 quyển.

10. Thi tập của Trần Nhân Tông: 1 quyển.

11. Thủy vân tùy bút của Trần Anh Tông: 1 quyển.

12. Thi tập của Trần Minh Tông: 1 quyển.

13. Bảo Hòa điện dư bút của Trần Nghệ Tông: 8 quyển.

14. Thi tập của Trần Nghệ Tông: 1 quyển.

15. Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên: 1 quyển.

16. Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo: 1 quyển.

17. Vạn Kiếp bí truyền của Trần Hưng Đạo: 1 quyển.

18. Tứ thư thuyết ước của Chu Văn An: 1 quyển.

19. Tiều Ẩn thi của Chu Văn An: 1 quyển.

20. Sầm lâu tập của Trần Quốc Tụy: 1 quyển.

21. Lạc Đạo tập của Trần Quang Khải: 1 quyển.

22. Băng Hồ ngọc thác tập của Trần Nguyên Đán: 1 quyển.

23. Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn: 1 quyển.

24. Hiệp thạch tập của Phạm Sư Mạnh: 1 quyển.

25. Cúc Đường di cảo của Trần Nguyên Đào: 2 quyển.

26. Thảo nhàn hiên tần của Hồ Tông Thốc: 1 quyển.

27. Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc: 1 bộ.

28. Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc: 1 quyển.

29. Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu: 1 quyển.

30. Nhị Khê thi tập của Nguyễn Phi Khanh: 1 quyển.

31. Phi sa tập của Hàn Thuyên: 1 quyển.

Lịch sử       

 - Nhà Hồ thất bại          1407

 - Nhà Hậu Trần thất bại         1413

 - Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, chấm dứt Bắc thuộc.        1427

Dân số:

 - 1408        3.120.000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét