XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LICH SỬ LÀNG PHÙ LƯU XÃ VĨNH YÊN, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HOÁ.

Làng Phù Lưu xưa kia thuộc đất của Yên Tôn Thượng, đất của làng Yên Tôn Thượng giáp với làng Yên Tôn Hạ ngày nay; Để giữ đất một số hộ của làng Yên Tôn Thượng chuyển lên ở đất làng Phù Lưu ngày nay; Dần dần các hộ Yên Tôn Thượng (bấy giờ là An Tôn) và các nơi khác đến sinh cơ, lập nghiệp, lập nên xóm rồi nên thôn Phù Lưu; Thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) đơn vị hành chính cơ sở lúc đó gọi là thôn, có lúc gọi là làng, có lúc gọi là xã; Vì sự ràng buộc về nhiều mặt nên thôn Phù Lưu chưa bao giờ tách khỏi làng (xã) An Tôn Thượng; Bởi vậy trong nhân dân có câu (An Tôn Thượng nhất xã, nhị thôn) nghĩa là một xã An Tôn Thượng có hai thôn An Tôn Thượng và Phù Lưu; Theo các cụ cao niên trong làng hiện nay cho biết An Tôn Thượng và Phù Lưu lúc nào cũng một Lý trưởng, một đồng triện (con dấu bằng đồng); Làng Phù Lưu có thời kỳ có người trong làng được bầu làm lý trưởng; Nếu Làng Phù lưu có người làm lý trưởng thì phó lý phải là người làng An Tôn Thượng hoặc ngược lại;
Đất làng Phù lưu là đất phù sa sông Mã bồi đắp rất màu mỡ và cao ráo, thoát nước tốt thích hợp với trồng cây trầu không; Theo chữ nho thì Phù chỉ một loại câu thân thảo, Phù Lưu (Thực) là cây trầu không;
Sau tháng 8 năm 1945 thực hiện chủ trương của cấp trên, chính quyền cách mạng huyện Vĩnh Lộc đã tiến hành xoá bỏ đơn vị hành chính cấp Tổng thành lập cấp xã với những tên mới. Cơ bản Tổng Cao mật được lập ra 4 xã trong đó có xã An Hoà, Xã An Hoà gồm 3 làng Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn Hạ; Làng Phù Lưu lúc này chính thức là một làng riêng thuộc xã An Hoà; Từ đó về sau những lần sáp nhập rồi lại tách làng Phù Lưu vẫn là một làng riêng biệt; Đầu năm 1968 hai HTX Nông nghiệp làng Yên Tôn Hạ và Làng Phù Lưu hợp nhất thành 1 HTX lấy tên là HTX Phú Yên; Thời bấy giờ HTX có vị trí rất quan trọng, Ban chủ nhiệm HTX ngoài nhiệm vụ chăm lo quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp còn kiêm luôn nhiệm vụ hành chính, thôn (làng); Ở các làng không có trưởng làng (thôn), không gọi đơn vị hành chính là làng hay thôn mà gọi theo tên HTX, thậm chí còn gọi theo đội sản xuất như đội 1, đội 2, đội 3,…Phú Yên, xã Vĩnh Yên, Huyện Vĩnh Lộc,…Vì vậy trong một thời gian dài từ 1968 cho đến 2008 tên làng Yên Tôn Hạ và Làng Phù Lưu không có trên trên giấy tờ hành chính của xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc; Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá về tổ chức Thôn, (Làng), bản, tháng 3 năm 2008 Phú Yên được tách thành hai làng và các làng lấy lại tên cũ Yên Tôn Hạ và Phù Lưu;
Căn cứ vào lịch sử hình thành làng Yên Tôn Thượng thì đất làng Phù Lưu cũng là đất của làng Việt cổ; Nhưng qua biến động của thời gian những người Việt cổ trên đất này không truyền lại cho bất kỳ dòng họ nào đang sinh sống hiện nay; Hiện chỉ biết các cư dân sinh sống ở làng Phù lưu lâu nhất là khoảng 400 năm.
Làng Phù Lưu hiện có 11 dòng họ đang sinh sống, gồm: Trịnh, Nguyễn, Vũ, Thiều, Bùi, Phạm, Dương, Ngô, Trần, Trương, Lê; Trong đó họ Trịnh có tới 8 dòng, Họ Nguyễn 6 dòng, họ Phạm 2 dòng,…Họ Trịnh có 8 dòng nhưng chỉ có vài dòng Trịnh đến đất này từ lâu đời, hiện số hộ, số đinh trong dòng họ đông, đó là dòng họ Trịnh do ông Trịnh Xuân Uy làm trưởng tộc, cụ tổ dòng họ đến đất này từ đầu thế kỷ thứ XVII truyền đến nay đã được 15 đời, khoảng gần 400 năm, hiện họ Trịnh này có tới 6 chi với tổng số trên 100 hộ đang sinh sống ở làng; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Lô làm trưởng tộc truyền lại từ làng Biện Thượng xưa nay là xã Vĩnh Hùng Huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá; Họ này từ Biện Thượng lên An Tôn từ thời Nguyễn Huệ ra Bắc Phù Lê – Diệt Trịnh (1786) đến nay đã được 225 năm, hiện dòng họ (gốc Chúa Trịnh) này có 28 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Hùng Thanh làm trưởng tộc thờ cụ tổ là Trịnh Phúc Minh truyền lại đến nay được 7 đời như vậy cụ tổ đến đây mới được 175 năm; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Trung làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến và đến vào thời kỳ nào hiện nay dòng này có 24 hộ đang sinh sống ở làng; Còn lại các dòng họ Trịnh như: Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Hiếu làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Chếnh làm trưởng tộc, Họ trịnh do ông Trịnh Văn Viên làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Đắc làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Toàn làm trưởng tộc đến đất Phù Lưu từ đầu và giữa thế kỷ thứ XIX;
Về Họ Vũ ở làng Phù Lưu có họ Vũ do ông Vũ Văn Hồng làm trưởng tộc, đến đây từ lâu đời, số đinh đông; Còn Họ Vũ do ông Vũ Văn Dởn làm trưởng tộc có một hộ từ Thái Bình vào mới trên 30 năm nay; Họ Vũ do ông Vũ Văn Hồng làm trưởng tộc gốc từ ngoài Bắc (Nam Định) có cụ tổ là Vũ Duy Xưởng (có người dịch là Vũ Duy Thưởng), có tài võ nghệ được nhà vua phong là cử nhân võ. Cụ Tổ Họ Vũ đến đất Phù Lưu sinh cơ lập nghiệp năm 1760 (đời vua Lê Hiến Tông), Hiện nay Họ Vũ này có 3 chi với tổng số hộ là 44 đang sinh sống tại làng. Trong họ còn giữ được một số sắc phong của nhà vua ban cho ông Vũ Duy Xưởng vì đã có nhiều công lao trong phò vua giúp nước;
Họ Nguyễn có 6 dòng, trong đó có chi họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Xuyên làm trưởng tộc đã ở lâu đời trên đất làng Phù Lưu; Còn lại có dòng họ khác đó là dòng của ông Nguyễn Văn Thanh đến đây cũng chỉ mới khoảng 100 năm, hiện có 3 hộ; Các dòng nguyễn do ông Nguyễn Văn Châu làm trưởng tộc, dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Mạc làm trưởng tộc, dòng Nguyễn do ông Nguyễn Văn Vê làm trưởng tộc, dòng Nguyễn do ông Nghuyễn Văn Hanh làm trưởng tộc….đều mới đến và chỉ có 1 hộ. Riêng họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Xuyên làm trưởng tộc hiện có 17 hộ gia phả bị thất lạc, không được truyền lại nên con cháu không biết được nguồn gốc từ đâu và đến làng Phù Lưu từ năm nào, hiện nay chỉ biết đã ở đất này được 5 đời. Tiếp đến là họ Bùi do ông Bùi Văn Càng làm trưởng tộc cũng không rõ xuất xứ và thời gian đến làng Phù Lưu lập nghiệp, hiện họ Bùi có 15 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Trần do ông Trần Văn Luận làm trưởng tộc từ Hà Trung chuyển đến làng cách đây 100 năm, hiện có 4 hộ đang sinh sống ở làng; Các dòng họ khác như Họ Thiều do ông Thiều quang Hòng làm trưởng tộc, họ Phạm các dòng do ông Phạm Văn Lưu, Phạm Văn Diệp làm trưởng tộc, Họ Dương do ông Dương Văn Tình làm trưởng tộc, Họ Trương của ông Trương Văn Nội, họ Lê của ông Lê Văn Lấn, Họ Phạm của ông Phạm văn Lít,….mỗi dòng chỉ có từ 1 đến 3 hộ;
Dân làng Phù Lưu lấy Nông nghiệp làm nghề chính, cây trồng đầu tiên là cây lúa nước, cây lúa lốc (lúa gieo trên đất bãi phù sa), rồi cây ngô, đậu, vừng, khoai lang, lạc; Cây công nghiệp có cây Bông, cây Dâu và nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa; Về chăn nuôi dân làng nuôi những con gia súc như Trâu, Bò, Gà, Lợn, dê,…gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng
Làng có đình, nghè, chùa, đền, Đình 5 gian, Nghè 3 gian 2 dãy có hậu cung, có nghinh môn ở khu vực bản thổ (ở ngoài bãi sông phù sa giáp làng); Đền ba gian ở phía đông làng, gọi là Đền Bà; Chùa 3 gian và hậu cung…những chùa Nghè, đền này đã mất từ lâu, hiện còn lại ngôi đình đã được làng trùng tư vào năm 2019;
Tổng diện tích đất của làng Phù Lưu hiện nay là 126,69ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 84,48ha, đất ở 13.03ha, núi đá 25,29ha còn lại là đất khác; Phía Tây Bắc giáp làng Yên Tôn Hạ, Phía Đông giáp làng Yên Tôn Thượng, phía Bắc giáp xã Vĩnh Quang, phía Nam giáp Sông Mã, bên kia sông là đất huyện Yên Định; Làng Phù Lưu hiện có 299 hộ với 1.200 khẩu; Trích từ lịch sử xã Vĩnh Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét