XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT BỒNG VĨNH LỘC THANH HOÁ

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Vĩnh Lộc là một huyện trung du và miền núi ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp với huyện Thạch Thành, phía Nam giáp với huyện Yên Định, phía Đông giáp Hà Trung và phía Tây giáp với Cẩm Thủy.

Vùng đất Bồng xưa nay thuộc địa phận ba xã Vĩnh Tân, Vĩnh Minh, Vĩnh Hùng, là vùng nằm trong địa phận huyện Vĩnh Lộc, cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc khoảng 15 -16km về phía Tây. Theo đường 217 từ trung tâm vùng đất Bồng Trung xuôi về thành phố Thanh Hóa khoảng 43km, vùng đất Bồng xưa trải dài khoảng 4km theo triền đê sông Mã.

Trên bản đồ địa lí vùng châu thổ sông Mã, vùng đất Bồng thuộc trung tâm của đồng bằng trung lưu sông Mã.

Vùng đất Bồng xưa nay gồm làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ, nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Lộc trên bờ Bắc sông Mã, bên kia bờ Nam là địa phận của huyện Yên Định.Tên gọi “Trung”, “Thượng”, “Hạ” là để phân biệt vị trí của làng theo cách định vị dân gian bởi ba làng Bồng cùng định cư ở bờ Bắc sông Mã: Làng Bồng Thượng ở phía trên, Bồng Trung ở giữa, Bồng Hạ ở phía dưới (theo dòng chảy của sông Mã). Làng Bồng Trung nằm giữa làng Bồng Thượng và làng Bồng Hạ, trước đây ranh giới của các làng thường không rõ ràng. Ba làng Bồng nằm ở khu vực trung tâm của châu thổ sông Mã cận kề Ngã Ba Bông (nơi sông Mã phân nhánh đẻ về với Biển). Đây là vị thế đắc địa trong lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thanh.

Là vùng nằm trong khu vực đồng bằng sông Mã nhưng cảnh quan thiên nhiên, điều kiện tự nhiên vùng đất Bồng khá đa dạng và phong phú.

Với điều kiện tự nhiên, địa hình đa dạng có sông, có núi, có đồng ruộng, có bãi bồi ven sông tạo nên vùng đất Bồng trù phú và đa dạng.

Dọc theo triền sông Mã là bãi đất phù sa chủ yếu trồng rau màu. Đất ruộng sau làng có đất pha cát, đất thịt, đất sét. Điều kiện thổ nhưỡng ở đây tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, tăng vụ, gối vụ. Đặc biệt hàng năm vào mùa nước lên dòng sông Mã mang lại cho vùng một trũ lượng phù sa lớn bồi tụ cho đồng ruộng.

2. Sự hình thành làng xã

Theo các nguồn tư liệu khảo cổ thì Vĩnh Lộc là vùng đất đã có con người cư trú từ rất sớm, cách ngày nay khoảng 6000- 7000 năm trước, chủ nhân văn hóa Đa Bút đã tiến từ trong hang động ra ngoài chinh phục đồng bằng châu thổ sông Mã. Di tích cư trú của người Đa Bút tìm thấy ở Làng Còng, Bản Thủy, Đa Bút… Cơ sở để nhìn nhận là di tích khảo cổ Cồn Hến. Đó là đóng tro bếp của người Đa Bút để lại trong quá trình sinh sống.

Nguồn tư liệu địa chất, khảo cổ, văn hóa, cùng nhiều nguồn tài liệu khoa học khác cho thấy lịch sử vùng đất Bồng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng châu thổ sông Mã.

Tổ chức hành chính làng xã của vùng đất Bồng cũng thay đổi theo các triều đại, sự thay đổi tổ chức hành chính của tỉnh huyện.

Theo truyền văn và gia phả các dòng họ định cư sớm ở vùng đất này cho biết: Các làng Bồng được tạo dựng vào khoảng thế kỉ XIV và được tái lập vào đầu triều Lê. Ba làng Bồng xưa có tên là làng Đông Biện (Bồng Trung ngày nay), làng Biện Thượng (thuộc Vĩnh Hùng ngày nay), làng Biện Hạ (thuộc Vĩnh Minh ngày nay). Đến thời vua Tự Đức nhà Nguyễn đổi tên gộp thành Tổng (Tổng Biện Thượng có 9 xã, thôn, vạn gồm: Biện Thượng, Đông Biện, Biện Hạ, Mai Vực, Đa Bút, Bản Thủy,Thọ Lộc, Kim Sơn và Vạn Biện Thượng) và đổi tên Biện Thượng thành Bồng Thượng. Năm 1885 vua Hàm Nghi cho đổi Biện Hạ thành Bồng Hạ, Đông Biện thành Bồng Trung và Tổng Biện Thượng đổi thành Tổng Bồng Thượng. Bởi theo lối truyền văn chữ “ Biện” trùng tên hý với vị tổ của họ “Nguyễn Phước” nên đổi tên.

          Trước năm 1945 Bồng Trung, Bồng Thượng và Bồng Hạ thuộc tổng Bồng Thượng huyện Vĩnh Lộc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng quy định tên gọi và địa giới hành chính của xã là xã Hùng Lĩnh, đến tháng 6/ 1946 đổi tên là xã Vĩnh Hùng, xã lúc này gồm hai làng là Bồng Thượng và Việt Yên. Còn các làng thuộc Vĩnh Minh và Vĩnh Tân nay thành lập nên xã Duy Tân, đến 4/1954 xã Duy Tân lại tách thành hai xã Vĩnh Tân ( gồm làng Bồng Trung và Đa Bút) và Vĩnh Minh ( gồm 3 làng Bồng Thôn, Bồng Hạ, Mai Vực).

Từ đó tới nay, địa giới hành chính, tên gọi của huyện có thể thay đổi nhưng tên gọi của ba làng Bồng không thay đổi.

* Làng Bồng Trung nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Lộc, làng được thành lập năm Hồng Thuận thời vua Lê Tương Dực (1509-1510). Khi Hồ Qúy Ly xây thành An Tôn đã bắt nhiều người họ Mai ở đất Nga Sơn Thanh Hóa đi làm phu phen tạp dịch xây thành. Người Nga Sơn đi qua vùng đất Đông Biện thấy đất đai màu mỡ, có núi có sông, có cảnh đẹp, họ liền ở đây lập nghiệp cùng với họ Đỗ, họ Hoàng, họ Phạm sinh sống quy tụ dân cư lập nên làng Đông Biện. Đến cuối thế kỉ XIX dưới triều vua Đồng Khánh làng Đông Biện đổi tên thành làng Bồng Trung.

Bồng Trung nổi tiếng là đất học của xứ Thanh, vùng đất này xưa kia được cha ông xếp ngang với các vùng đất học nổi tiếng so với các vùng Kinh Bắc, nam sông Hồng, sông Cả.

“Đông cổ Am, Nam Hành Thiện

Nghệ Đông Thành, thanh Đông Biện”

(Trích Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Tân, Tr.13)

Chính vì vậy theo sử sách ghi lại triều Lê có cụ Đỗ Thiện Chính đậu Hoàng giáp và 8 Hương cống (cử nhân). Triều Nguyễn có cụ Tống Duy Tân đậu tiến sĩ, cụ Đỗ Thiện Kế đậu phó bảng và 31 cử nhân.

* Bồng Hạ trước đây gồm hai thôn: Thị thôn và Lại thôn. Năm Khải Định thứ 10 (1925) hai thôn nhập lại thành Bồng Hạ. Làng nằm ở khu vực trung tâm xã, phía Tây giáp với làng Bồng Thôn, phía Đông giáp làng Mai, phía Bắc là đồng ruộng, phía Nam giáp sông Mã. Nếu nhìn từ trên cao xuống, hình thể của làng giống như một con rùa lớn dưới sông Mã bò lên phía Bắc. Làng có diện tích đất tự nhiên khoảng 216,74 ha, trong đó có 121,74 ha đất canh tác. Trong làng chia thành năm ngõ xóm (với mỗi ngõ là một con đường chạy theo hướng Nam – Bắc vuông góc với chân đê). Đó là ngõ Đồng, ngõ Ba, ngõ Te, ngõ Ngược ( hay còn gọi là ngõ Chùa), ngõ Văn Chỉ. Làng Bồng Hạ có 18 dòng họ sinh cư lập nghiệp. các họ lớn là họ Trịnh ( có tới 10 chi họ), họ Nguyễn ( có 9 chi họ), họ Hoàng ( có 5 chi họ), họ Trần (có 3 chi họ) ngoài ra còn có một số họ khác như: họ Vũ, họ Phạm, họ Lê, họ Lưu, họ Lâm, họ Cao,… Một trong những dòng họ đến đây sớm nhất để sinh cư lập nghiệp là họ Trịnh với chi Trịnh Tất, theo giả phả ghi chép lại thì họ Nguyễn cũng là một trong những dòng họ có mặt ở đây sớm. Làng Bồng Hạ chính là trung tâm của Biện Hạ trước đây. Biện Hạ chính là lỵ sở của huyện Vĩnh Lộc trong nhiều thời kì. Với vị thế đó, chắc hẳn trong lịch sử Bồng Hạ từng là nơi nhộn nhịp, sầm uất. Ở đây có đầy đủ các kiến trúc của một làng Việt cổ. Ngoài ngôi đình Bồng Hạ, làng còn có nhà thờ dòng họ Trịnh có giá trị. Lễ hội làng cũng rất phong phú với các ngày lễ trong năm bắt đầu từ ngày kỵ giỗ làng 15 tháng Giêng đến lễ cơm mới ngày 1.9 hằng năm.

* Làng Bồng Thượng, trung tâm của xã Vĩnh Hùng bây giờ là một làng cổ từ xưa là làng đông dân, đất rộng nằm sát bên bờ sông Mã dưới chân núi Hùng Lĩnh. Làng Bồng Thượng xưa có tên là Biện Thượng hay còn gọi là làng Báo. Đối với làng Bồng Thượng các ngõ xóm được ra đời cùng với việc thiết kế khuôn viên chữ Điền, vuông vức có đường ngang, ngõ dọc với 5 ngõ song song: ngõ Đông, ngõ Thẳng, ngõ Hát, ngõ Chửa, ngõ Chùa và ba bến sông: bến Đông, bến Hát, bến Chùa. Làng nhìn ra sông Mã hướng Nam trong thế “ngũ phương long mạch” theo thuyết phong thủy.

Xưa làng có 7 xóm: xóm Thẳng, xóm Đông, xóm Hát, xóm Trung, xóm Đoài, xóm Vạn và xóm Nam. Bồng Thượng là tên gọi thay đổi từ Biện Thượng mà thành. Ở thế kỉ XVI Biện Thượng có địa giới hành chính rộng lớn. Trước đây làng Đông Biện (nay là làng Bồng Trung ) cũng được tách ra từ xã Biện Thượng.

Cùng với sự thay đổi tổ chức hành chính, địa gianh, địa giới qua các triều đại, tỉnh , huyện, thì tổ chức xã Vĩnh Hùng cũng thế mà thay đổi theo.

Tháng 6 năm 1946 đổi tên thành xã Vĩnh Hùng. Xã lúc này có hai làng là: làng Bồng Thượng và làng Việt Yên.

3. Tình hình Kinh tế - Xã hội

Vùng đất Bồng nằm ở vùng trung lưu châu thổ sông Mã. Có vị trí địa lí “đắc địa”, cảnh quan thiên nhiên đẹp, điều kiện tự nhiên môi trường tương đối thuận lợi cho việc định cư lâu dài và hoạt động sản xuất công – nông – nghiệp. Vùng đất này sớm nổi tiếng với tên gọi là “Phố Bồng” một trong những “trung tâm” buôn bán nổi tiếng thời phong kiến.

Nằm trên thềm phù sa cổ của sông Mã, dọc phía Đông,Tây, Bắc là đồi núi bao bọc, phía Nam là sông Mã. Hằng năm sông Mã bồi đắp nên đồng ruộng ở vùng đất này một lượng phù sa tương đối lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa và các loại hoa màu, rau và cây ăn quả lâu năm.

Đất thổ cũng như đất ruộng ở đây đều là loại đất cát pha, độ phì cao. Loại đất này phù hợp với việc trồng lúa, hoa màu nhất là trồng lúa và bông. Thổ nhưỡng, đất đai ở đây tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, tăng vụ, gối vụ, nâng cao năng suất. Ngoài ra còn có loại đất bán sơn địa (Bồng Thượng) thích hợp với việc trồng ngô, khoai, sắn, mía đường, đậu, lạc, vừng, thuốc lá… Bồng Thượng còn nổi tiếng với đặc sản là Sâm Báo (chỉ có ở núi Báo) loại sâm bổ và mát được dùng để tiến vua.

Nghề nông gắn với vùng đất Bồng từ xa xưa, nghề trồng lúa nước ở đây có từ lâu đời bởi đây là nguồn lương thực hàng đầu chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống nhân dân. Sức lực của người dân ở đây bỏ ra chủ yếu cho việc trồng lúa (Bồng Trung nổi tiếng gạo trắng nước trong).

Ngoài nghề trồng lúa nước, nghề trồng màu ở đây cũng rất phát triển, cư dân ở đây ngoài trồng cây lúa nước thì còn chú trọng trồng cây ngô, khoai, sắn (chủ yếu ở Bồng Thượng), lạc, đậu…vì mang lại năng suất cao, là nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc và hơn nữa việc chăm sóc cây trồng không đòi hỏi nhiều công sức và phí hao tổn.

 Bên cạnh  nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông (trước đây vùng này dải đồng cao sau núi được ưu tiên trồng bông)thì việc trồng  cây thuốc lá cũng là một trong những cây công nghiệp được trồng khá nhiều ở vùng này, nơi đây nổi tiếng với giống thuốc lá sợi vàng.

So với các vùng khác trong địa bàn thì chăn nuôi của vùng khá phát triển nhờ hệ thống cây lương thực phong phú và đa dạng. Vùng nổi tiếng nuôi nhiều trâu, bò, lợn của huyện. Nghề chăn nuôi vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động lao động và sản xuất, càng ngày càng phát triển.

Bên cạnh trồng trọt chăn nuôi khu vực này từ xa xưa phát triển loại hình kinh tế mở, đặc biệt là hoạt động giao lưu buôn bán đây có từ rất sớm, điển hình là Bồng Trung – Làng buôn nổi tiếng ở thế kỉ XVII – XVIII. Bởi làng cổ Bồng Trung nằm ở vị trí thuận lợi trên đường giao thông thủy bộ nối liền với các trung tâm kinh tế, chính trị của huyện và tỉnh nên đây sớm trở thành một cơ sở giao lưu buôn bán. Bồng Trung thời đó còn được gọi là “phố Bồng” nổi tiếng với chợ Bồng. Tại chợ Bồng có buôn bán nhiều gạo, bông và các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay vẫn còn truyền câu ca dao:

“Mưa từ trong Nghệ mưa ra

Mưa khắp thiên hạ mưa qua Báo Bồng

Gạo chợ Bồng ai đong cho xiết

Con gái Đông Biện ai biết cho thông”

(Trích Làng Bồng Trung 1930 - 2011, Tr.132)

Qua nhiều thế kỉ hoạt động kinh doanh buôn bán, chợ Bồng đã trở thành thành phần kinh tế quan trọng của làng. “Chợ đã có tác động sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của làng, biến Bồng Trung có kết cấu độc đáo làng với chợ là một” (Trích Làng Bồng Trung 1930 - 2011, Tr.132).

Chính vì vậy hơn một nửa thời gian làm ruộng người làng Bồng tự đi buôn bán, chạy chợ. Người làng Bồng buôn bán đủ nghề, người làm hàng xáo, người làm bánh, …

Ngoài ra xa xưa cư dân vùng đất Bồng sớm hình thành các nghề phụ như nghề dệt, nghề làm hương, làm bánh, ép dầu…để phục vụ nhu cầu tự cấp, tự túc cho gia đình thời bấy giờ.

Như vậy thời xa xưa kết cấu kinh tế, xã hội của vùng đất Bồng là một kết cấu kinh tế bền vững “ nông - công - thương” làm cho các làng Bồng có sức sống mạnh mẽ hơn so với những làng thuần nông, hay làng buôn bán. Bởi nó tận dụng được nguồn nhân lực sẵn có không dư thừa nên nhìn chung cuộc sống của họ tương đối ổn định. Chính vì vậy làm nên tính cách con người nơi đây hoạt bát, lanh lợi, năng động sáng tạo hơn, phóng khoáng hơn, cởi mở hơn trong lối sống, đồng thời tiếp thu được nhiều văn hóa của nhiều vùng miền, làm nên đời sống văn hóa của vùng đất Bồng trở nên phong phú và đa dạng.

Trong những năm gần đây, nhờ ánh sáng đường lối của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, ban ngành, đời sống kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội vùng đất Bồng (Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ) dần được cải thiện, kinh tế phát triển mạnh, chính trị ổn định, đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Nhân dân hăng hái tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xã hội mới.

4. Truyền thống Lịch sử - Văn hóa

Thời kì phong kiến, vùng đất Thanh Hóa được xem là “sân khấu chính trị” của cả nước thì Vĩnh Lộc được biết tới với vai trò là kinh đô “Tây Đô” của nước Đại Ngu (1400- 1407) dưới vương triều Hồ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta biết tới vị trí “Thủ đô”, “trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội” của Vĩnh Lộc.

Huyện Vĩnh Lộc nổi tiếng với truyền thống yêu nước, tinh thần hiếu học, là nơi phát tích của nhà Hồ và 12 đời Chúa Trịnh. Hệ thống các di tích lịch sử như Thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh, Nhà thờ Hoàng Đình Ái, nhà thờ mộ cụ Tống Duy Tân… là những bằng chứng hào hùng về vùng đất và con người nơi đây.

Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ là vùng đất cổ, có con người tụ cư sớm, là một trong những địa bàn cư trú của cư dân Việt cổ. Di chỉ khảo cổ học Đa Bút, các cổ vật bằng đồng, gốm và một vài vũ khí bằng sắt tìm thấy ở chân núi Hùng Lĩnh (Bồng Thượng) đã chhứng minh vùng đất Bồng cổ xưa đã có người sinh sống và hoạt động.

Theo gia phả họ Trịnh Bồng Thượng, họ Đỗ ở Bồng Trung thì vào đầu thời Lê Sơ các làng Bồng đã tồn tại đủ các xóm, dân cư đông đúc.

Từ rất sớm vùng đất này được đón nhận những người con Lạc Việt di cư từ đất Bắc vào để lánh nạn và làm ăn sinh sống. Theo một số nguồn tư liệu thì bộ phận di cư chủ yếu là từ chân bậc thềm Tây Vu và vùng trũng hồ Lãng Bạc. Khi đến cư trú ở chân núi Sóc Sơn, các làng Bồng Thượng, Bồng Hạ, Bồng Trung thuộc các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Minh, Vĩnh Tân của huyện Vĩnh Lộc họ lập làng mang theo các phong tục tập quán, thành hoàng làng và cả những địa danh quen thuộc nơi quê gốc.

Vùng đất Bồng là vùng đất lưu vực châu thổ sông Mã trực thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá có lịch sử hàng ngàn năm, đã trải qua nhiều vương triều phong kiến, cũng là nơi phát tích của nhà Trịnh và gắn với 12 đời Chúa Trịnh. Con người làng Bồng cần mẫn, siêng năng trong lao động, hăng say tham gia sản xuất.

Vùng đất Bồng có truyền thống yêu nước bất khuất, điều này được minh chứng qua các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng như Tống Duy Tân, Hoàng Đình Aí, Trịnh Tất Đạt…

Thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân vùng đất Bồng đã đón nhận nhiều đồng bào tản cư, cùng các cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học, công binh xưởng, bệnh viện của Tỉnh của Trung ương của liên khu Ba, khu Bốn. Đến thời bình cán bộ và nhân dân làng Bồng cùng cả nước hăng say tham gia sản xuất, luôn tiên phong trong các phong trào thi đua tổ chức xây dựng quy ước, hương ước xây dựng làng văn hoá. tổ chức phổ biến, tuyên truyền dường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Dưới ánh sáng đường lối, nghị quyết TW Đảng, Nhà nước đời sống nhân được nâng lên rõ rệt. Nhân dân càng yêu và tin theo chủ trương, đường lói, chính sách của Đảng. 

Các xã không ngừng cho xây dựng cơ sở vật chất cho văn hoá đầu tư ngân sách xây dựng các công trình như nhà văn hoá, hội trường, trùng tu lại đình làng (đình Bồng Trung, đình Bồng Hạ…) để vừa là nơi hội họp, vừa là nơi sinh hoạt tập thể cho nhân dân cũng như truyền tải nội dung đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước tới nhân dân.

Vốn là vùng đất cổ, có truyền thống Lịch sử - Văn hoá lâu đời và là một trong những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh, các làng Bồng còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, lễ hội thu hút đựơc mọi người trong xã và khách thập phương, con cháu dòng họ ở xã nô nức tụ hội: Đình Bồng Trung, đình Bồng Hạ, Nghè Vẹt, Phủ Trịnh, các nhà thờ họ...Chính quyền, các cơ quan lãnh đạo cho tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá lễ hội nhằm gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy các giá trị văn hoá của vùng đất.

Bên cạnh chăm lo cho đời sống nhân dân về mặt tinh thần,vật chất. Các cấp còn quan tâm chú trọng đến công tác giáo dục, y tế, hoạt động tình nghĩa… Truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” thể hiện qua các hoạt động tình nghĩa, qua các phong trào thi đua lập thành tích, các ngày lễ hội, giỗ tổ, tế họ, các phong trào đền ơn đáp nghĩa… Đây là những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam cần được phát huy.

Những giá trị Lịch sử - Văn hoá quý giá đó của nhân dân Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ càng tô điểm thêm cho lịch sử vẻ vang, hào hùng của xã, của huyện. Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Thượng xứng đáng là những làng cổ tiêu biểu của Vĩnh Lộc nói riêng và của xứ Thanh nói chung.

Nguyễn Thị Tình

Phòng Văn Hóa TT





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét