F0 sau khi khỏi bệnh nếu có dấu hiệu này cần khám hậu Covid -19 sớm
Hậu Covid-19 là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người gặp phải hội chứng hậu Covid-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu Covid-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…) thì cần khám để giúp phát hiện sớm và xử lý sớm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM), nhóm cần phải đi khám hậu Covid-19 sớm gồm:
- Những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức, người đã âm tính nCoV nhưng phải chuyển sang khu phục hồi chức năng điều trị tiếp. Hầu hết họ đều sẽ bị di chứng hậu nhiễm. Hậu Covid-19 với họ chính là hậu nhiễm trùng nặng. Như bệnh nhân thở máy nhiều, nằm lâu quá sẽ bị teo cơ, thậm chí phụ thuộc máy thời gian dài khiến phổi bị xơ.
- F0 đã âm tính, đang vận động mà bị ngộp thở, tức ngực, khó thở, vận động kém đi cũng cần đi khám, đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm. Nếu phát hiện ra bệnh khác không liên quan đến Covid-19 như hen, suyễn..., người bệnh phải điều trị theo phác đồ.
- Người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc cũng nên đi khám. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phải di chứng hậu nhiễm mà do đọc quá nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến stress, nhạy cảm quá mức.
- Người bệnh nếu thở nặng nhọc, đau nhức tay chân, rụng tóc, hồi hộp, đánh trống ngực... có thể tự điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu và tập thở tại nhà. Trường hợp qua thời gian dài cơ thể không tự điều chỉnh được hoặc đã uống thuốc, tập vật lý trị liệu, bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất song không cải thiện, người bệnh cần đi khám, đề phòng các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.
Bài tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi và từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.
Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên. Thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.
- Kỹ thuật tập ho có kiểm soát:
+ Người bệnh thở chúm môi khoảng 5-10 phút, giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa.
+ Tròn miệng hà hơi 5 đến 10 lần,tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản.
+ Ho: Hít vào thật sâu, nín nở và ho liên tiếp 2 lần, 1 lần nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát, căng giãn lồng ngực, hà hơi.
- Tập thở với các dụng cụ hỗ trợ: Bóng, Spiroball.
- Tập giãn cơ.
- Tập tăng sức mạnh sức bền với các dụng cụ tập tạ, bóng chày, băng chun, leo cầu thang, tập cơ đùi, tập cơ căng chân.
Theo các bác sỹ, người bệnh nên theo dõi sức khỏe trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 cho đến khi đã khỏi bệnh để hạn chế những nguy cơ hậu COVID-19 có thể gây ra.
Nguồn Kênh thông tin Bộ Y tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét