Golbov nhìn ông ta đăm đăm. Anh nói,
“Thằng ngu. Tao còn nhiều thứ phải làm lắm, hơi đâu làm phiền vợ
mày.” Anh gọi tổ cứu thương, rồi giữ chặt cổ tay ông ta để cầm máu
trong lúc chờ người tới sơ cứu. Khi tổ cứu thương tới, Golbov nghĩ có
lẽ đã quá muộn. Người đó vẫn cứ la hét “Để vợ tao yên! Để vợ tao
yên!” Golboov dựa vào chiếc xe và lại châm thuốc. Anh nghĩ, có vẻ
Goebbels đã làm rất tốt; bọn họ nghĩ chúng ta là ai chứ, quỷ chắc?
**************
Nước mắt lăn dài trên gương mặt,
Bruno Zarzycki đứng trên đường nhìn đội quân giải phóng đi qua, ông đã
chờ họ quá lâu rồi. Nhà lãnh đạo Cộng sản của vùng Neuenhagen-Hoppegarten,
cách Berlin 12 dặm ,
hết sức sung sướng vì giờ ai cũng có thể thấy điều mà ông đã biết
từ lâu: mấy lời tuyên truyền của Goebbels về Liên Xô đều đã được thêu
dệt nên từ những lời nói dối độc địa nhất. Lính Hồng quân đã vào
Neuenhagen rồi nhanh chóng đi qua đây, ai nấy nai nịt gọn gàng, tiến về
phía tây, hướng tới các quận Weissensee và Lichtenberg. Thực tế thì
không hề có giao tranh gì trong thị trấn này cả. Phần lớn các đảng
viên Nazi địa phương đã đi khỏi đây rừ ngày 15/4. Lúc đó, Bruno đã nói
với thị trưởng Otto Schneider, “Khi nào tôi thấy những người lính Nga
đầu tiên, tôi sẽ ra đó gặp bọn họ với lá cờ trắng trong tay. Có
chiến đấu cũng vô ích.”
Viên thị trưởng đồng ý. Chỉ có một
người chống trả: Hermann Schuster, một kẻ cuồng tín, tổ trưởng tổ
công tác xã hội của đảng. Ông ta rào quanh nhà, rồi nã đạn vào các
đội trinh sát đầu tiên. Đó là một trận đánh một chiều. Quân Nga dễ
dàng dẹp tan Schuster và căn nhà bằng mấy quả lựu đạn. Bruno và
những người cộng sản khác đốt rụi mấy cái băng đeo tay Volkssturm của
mình rồi đi gặp quân Nga với lá cờ trắng trên tay. Bruno cảm thấy
hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Ông chia sẻ mọi thông tin mình có
với quân Liên Xô và nói với bọn họ là ông và các bạn mình “đã, đang
và sẽ luôn chống phát xít.” Đối với Bruno, quân Zhukov tới đã đem đến
một liều thuốc nhiệm màu mà ông đã mong chờ nhiều tuần nay: mấy vết
lở loét của ông đã biến mất. Lần đầu tiên ông có thể ăn uống mà
không bị buồn nôn hay đau đớn gì.
Liều thuốc đã có hiệu quả khá
ngắn ngủi. Sau đó vài tuần, ông tự tin đưa cho đội quân chinh phục bản
kế hoạch điều hành thị trấn chi tiết trong tương lai của mình, và bị
bác bỏ. Một quan chức Nga nghe ông trình bày, rồi đáp cụt lủn một
chữ: “Không.” Ngày hôm đó – ba tháng sau ngày Bruno Zarzycki tự hào
đứng nhìn thần tượng của mình đi qua – những vết lở loét mà ông luôn
gọi là “đồ phát xít” đã quay trở lại, tồi tệ hơn bao giờ hết.
Trong trại giam Lehrterstrasse, hạ sĩ
Herbert Kosney, bị tuyên án tử hình, không biết vận may của mình có
thể cầm cự được bao lâu. Án tử hình do chính quyền dân sự tuyên vẫn
chưa được tòa án quân sự thẩm định. Herbert đang sống bằng thời gian
vay mượn. Vào ngày 20, anh được thông báo là tòa quân sự sẽ xử vụ
của anh vào ngày hôm sau. Anh biết rõ lời phán quyết là gì, và có
lẽ anh sẽ bị xử bắn ngay sau đó. Nhưng sáng hôm sau, khi lính gác đưa
anh đến tòa án ở Plötzensee, cả tòa nhà trống rỗng: ai nấy đều đã
trốn vào hầm trú ẩn.
Dù đợt pháo kích bất ngờ của quân
Nga đã cứu mạng anh, nhưng việc trì hoãn này chỉ là tạm thời. Kosney
nghe nói phiên tòa xử anh sẽ dời qua thứ hai, ngày 23. Quân Nga là tia
hi vọng cuối cùng của Herbert. Nếu họ không tới được nhà tù trước
ngày hôm đó, anh chắc chắn sẽ phải chết.
Vì có pháo kích nên tù nhân được đưa
xuống hầm. Herbert thấy lính gác tự dưng thân thiện hẳn ra. Có tin
đồn là một số tù nhân đã được thả ra và những người khác cũng có
thể được ra khỏi đây trong vài giờ tới. Herbert cầm chắc là mình sẽ
bị giữ lại, nhưng anh hi vọng anh trai mình, Kurt, có thể được ra
ngoài.
Kurt cũng có nghe tin đồn, nhưng anh
biết một chuyện mà Herbert không biết – đó là tin đồn cũng có phần
đúng. Một số người theo đạo Nhân chứng Jehovah (*) – bị buộc tội trốn
lính, phải làm rất nhiều việc vặt trong tù – được gọi tên, và bọn
họ được cấp lệnh thả, cho phép họ rời khỏi nhà tù. Kurt để ý thấy
có một người trong số đó không vội vàng đi khỏi đây cho lắm. Người
đó đang ngồi cạnh một cái bàn trong hầm, cẩn thận vét sạch từng
mẩu đồ ăn cuối cùng trên chiếc đĩa thiếc của mình. Kurt hỏi, “Sao anh
không đi với mấy người kia?” Anh ta giải thích rất đơn giản: “Nhà tôi
ở Rhineland , cạnh giới tuyến của quân
Đồng minh phương Tây. Chẳng thể nào đi tới đó được. Tôi sẽ ngồi chết
dí ở đây chờ mọi chuyện xong xuôi.”
Kurt liếc tờ lệnh thả của anh ta.
Nếu anh ta không định dùng tới, thì anh biết có người có thể dùng.
Khi các tù nhân tiếp tục ăn, Kurt vẫn trò chuyện với anh ta, xích lại
gần tấm giấy màu vàng báo hiệu cho tự do. Sau một hồi tán gẫu thân
mật, Kurt đã thành công trong việc xoáy được tờ giấy cho vào trong túi
áo; rồi đi khỏi đó mà không hề bị phát hiện.
Anh nhanh chóng tìm được Herbert và
đưa cho em trai tờ lệnh thả quý giá. Nhưng ngạc nhiên thay, Herbert lại
từ chối. Herbert nói mình đã bị tuyên án tử, có thế nào thì mật
vụ Gestapo cũng sẽ bắt được anh. Kurt chỉ bị bắt vì bị nghi là cộng
sản; anh vẫn chưa bị buộc tội gì cả. Herbert nói với anh trai, “Anh
có cơ hội lớn hơn. Anh đi đi.” Rồi anh nói thêm, cố tỏ ra hào hứng,
“Có khi hôm nay cả hai đứa mình sẽ được thả ra đấy. Vậy nên anh cứ đi
trước đi.”
Một lát sau, Kurt Kosney lấy cái
túi ngủ phủ lên vai, bước vào phòng lính gác dưới tầng trệt và
đứng vào hàng người theo đạo Nhân chứng Jehovah đang chờ được thả.
Một người lính gác là trung sĩ SS, tên Bathe có biết Kurt, anh ta nhìn
thẳng vào anh. Nhất thời, Kurt nghĩ mình sẽ bị tóm lại và tống vào
ngục. Nhưng Bathe lại quay đi. Người ngồi sau chiếc bàn nói, “Người
kế.” Kurt đưa tờ lệnh thả ra.
Năm phút sau, cầm tờ lệnh đã đóng
dấu chính thức trong tay, Kurt Kosney đứng đó, trên đường phố bên bên
ngoài nhà tù. Anh đã thành người tự do. Ngoài đường, đạn xẹt như
mưa, và “mảnh đạn văng tùm lum khắp nơi,” nhưng Kurt hầu như không để
ý. Anh thấy “mừng tới phát cuồng – như thể vừa nốc hai chục chai
brandy vậy.”
………………………….
(*): Một tôn giáo có tín ngưỡng
dựa trên Kinh Thánh của Kito giáo. Trong Thế chiến thứ 2, các tín đồ của tôn giáo này bị bắt vào
trại tập trung của phát xít Đức.
Quân Nga đã tới Zossen. Đoàn xe tăng
của Tập đoàn quân Tăng Cận vệ 3 của tướng Rybalko chiếm được trụ sở
của Bộ Chỉ huy Tối cao còn nguyên vẹn, cùng với một đám kỹ sư, lính
lác và kỹ thuật viên. Số còn lại đã đánh bài chuồn.
Những anh lính tăng mệt mỏi và lấm
lem bụi đất của Rybalko chớp chớp mắt ngạc nhiên trước ánh đèn sáng
rực trong các căn phòng rộng lớn dưới tầng hầm. Khi đi qua các phòng
tranh, phòng sinh hoạt và văn phòng, dấu vết của cuộc đào tẩu tốc
hành vẫn còn hiển hiện khắp nơi. Thiếu tá Boris Polevoi, một chính
ủy trong sở chỉ huy của Koniev thấy sàn nhà vương vãi bản đồ và
giấy tờ. Trong một căn phòng nọ, có một chiếc áo đầm nằm trên bàn;
gần đó là một chiếc cặp da đựng đầy ảnh chụp gia đình.
Hệ thống tổng đài điện thoại Exchange
500 bị chiếm mà không có chút sứt mẻ gì. Người ta đứng ngoài ngưỡng
cửa, há hốc mồm nhìn đèn sáng nhấp nháy trên bảng kiểm soát, giờ
chẳng còn ai vận hành. Có những tấm biển to gắn vào bảng kiểm
soát, đã viết bằng tiếng Nga rất chuẩn mực: “Gửi các bạn lính! Đừng
phá hủy hệ thống này. Nó sẽ rất có giá trị với Hồng quân đấy.”
Polevoi và các sĩ quan khác đoán những nhân viên người Đức chạy khỏi
đây “đã dựng mấy tấm biển đó để cứu mạng chính mình.”
Trong số những người ở trung tâm chỉ
huy bị bắt có Hans Beltow, kỹ sư trưởng của các hệ thống điện phức
tạp, ông đang giới thiệu hệ thống Exchange 500 với người Nga. Thông qua
các nữ phiên dịch người Nga, Beltow giải thích là có một tổng đài
viên vẫn ở lại đây, tận tới khi sở chỉ huy sắp bị chiếm mới đi. Quân
Nga cho máy ghi âm phát lại các đoạn hội thoại cuối cùng của người
đó, rồi đứng nghe trong căn phòng rộng thênh thang không chút tỳ vết.
Trong những phút cuối cùng Zossen còn nằm trong tay người Đức, các
cuộc điện thoại vẫn tiếp tục đổ về từ mọi miền của đế chế Đức
đang teo tóp cực nhanh, và toàn bộ đều được ghi âm lại.
Một người nói bằng tiếng Đức, “Tôi
cần gọi điện khẩn tới Oslo .”
Người trực tổng đài ở Zossen nói, “Xin lỗi, nhưng chúng tôi không
chuyển cuộc gọi được. Tôi là người
cuối cùng còn ở đây.”
“Chúa ơi, chuyện gì đang diễn ra
vậy…?”
Một giọng khác: “Chú ý, chú ý. Tôi
có điện khẩn…”
“Chúng tôi không nhận bất kỳ bức
điện nào nữa.”
“Còn liên lạc với Prague được không? Ở Berlin sao rồi?”
“Bọn Nga sắp tới cửa rồi. Tôi kết
thúc đây.”
Zossen đã thất thủ. Trừ cuộc kiểm
tra ngắn ngủi này ra, quân Koniev hầu như không dừng chân lại đây. Một
hàng xe tăng đang tiến về Potsdam ; một hàng
khác thì đã vượt qua kênh Nuthe và tới Lichtenrade, phía nam quận
Tempelhof của Berlin .
Những chiếc tăng khác thì tiến về Teltow và giờ đang vượt qua phòng
tuyến phía nam kênh Teltow. Đằng sau nơi đó chính là hai quận Zehlendorf
và Steglitz.
Đến chiều tối ngày 22, quân Koniev
đã phá được phòng tuyến phía nam Berlin
và tới Berlin
sớm hơn Zhukov cả một ngày.
***********
Trong căn hầm Führerbunker, hội nghị
quân sự như thường lệ bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều. Trong lịch sử 12
năm của nền Đệ tam Quốc xã, chưa bao giờ có một ngày thế này. Những
lời lạc quan mọi khi nay chẳng hề thấy đâu. Mặt trận Oder
đã thất thủ. Tập đoàn quân 9 dần bị bao vây. Đơn vị mạnh nhất của
nó, Quân đoàn Thiết giáp 56 thì bị mất liên lạc và chẳng biết ở đâu
(*). Steiner thì không thể tấn công được. Berlin gần như đã bị bao vây. Các tư
lệnh đang bị thay thế từng giờ. Đế chế Đức đang trong cơn hấp hối
quằn quại, và con người là đầu dây mối nhợ của nó giờ đã bỏ cuộc.
Thông báo của Hitler khơi dậy một cơn
lũ chửi rủa điên cuồng không kiềm chế nổi, trong đó ông ta buộc tội
các tướng lĩnh, cố vấn, binh lính và nhân dân Đức, những người đã
bị ông ta kéo vào tai ương. Hitler lắp bắp rằng đã đến hồi kết; mọi
thứ đã sụp đổ; rằng ông ta không thể tiếp tục được nữa; ông ta đã
quyết định ở lại Berlin, tự chỉ đạo công tác phòng ngự của thành
phố – và sẽ tự sát vào phút cuối. Tướng Krebs và đại diện của
Không quân là tướng Eckhardt Christian đều bị sốc cực độ. Cả hai thấy
Hitler dường như đã suy sụp tinh thần hoàn toàn. Chỉ có Jodl là giữ
được bình tĩnh, vì Hitler đã nói hết với viên Tư lệnh hành quân từ
48 giờ trước.
……………………………
(*): Trong cuốn nhật ký chiến
tranh của Heinrici, mọi cuộc nói chuyện điện thoại đều được ghi tốc
ký nguyên văn, và có một đoạn rất đáng ngjac nhiên: “12:30 ngày 21/4:
Busse gọi Heinrici: ‘Mới nghe được là tối qua Quân đoàn 56 đã dời từ
Hoppegarten vào làng Olympic dù chưa được lệnh. Đề nghị bắt giữ…’”
Không ai biết được Busse có tin tức này từ đâu, nhưng nó đã sai: làng
Olympic nằm ở Döberitz, phía tây Berlin .
Còn Weidling thì đang chiến đấu ở vùng ngoại ô phía đông thành phố.
Những người có ở đó cố thuyết
phục vị Quốc trưởng gần như đã loạn trí rằng họ vẫn chưa mất tất
cả. Họ nói, ông ta phải chịu trách nhiệm trước đế chế Đức, và phải
rời khỏi Berlin, vì không thể kiểm soát tình hình từ thủ đô được
nữa. Người từng chống đỡ thế giới của bọn họ giờ lại thô lỗ từ
chối họ. Hitler nói ông ta sẽ ở lại Berlin . Những người khác có thể đi bất
cứ đâu họ muốn. Ai nấy đều sững sờ. Để nhấn mạnh ý mình, Hitler
khẳng định rằng ông ta định thông báo công khai về sự hiện diện của
mình tại Berlin .
Rồi ông ta đọc một bản tuyên bố để phát sóng ngay sau đó.
Những người có ở đó cố thuyết
phục ông ta đừng phát sóng liền. Thông báo sẽ được dời sang hôm sau.
Trong khi đó, các sĩ quan và phụ tá trong hầm gọi cho các đồng
nghiệp ở ngoài thành phố để gia tăng sức ép lên Quốc trưởng. Himmler,
Doenitz và cả Goering cùng gọi tới, cũng van nài giống những đồng
nghiệp, hi vọng Hitler đổi ý. Nhưng Hitler sẽ không nghe lời can ngăn.
Jodl bị gọi đi nghe điện thoại.
Trong lúc ông đi khỏi đó, Keitel bảo muốn nói chuyện riêng với Hitler,
nhằm thuyết phục ông ta. Phòng họp trống không. Theo lời Keitel kể, ông
đã nói với Hitler là có hai khả năng còn đang để ngỏ: “một là đề
nghị đầu hàng có điều kiện trước khi Berlin trở thành chiến trường.”
còn không thì sắp xếp “cho Hitler bay tới Berchtesgaden và bắt đầu đàm
phán ngay từ đó.” Theo Keitel, Hitler “không cho tôi nói thêm gì nữa. Ông
ta ngắt lời và nói, ‘Tôi đã quyết định xong rồi. Tôi sẽ không rời
khỏi Berlin .
Tôi sẽ chống cự tại đây tới giây phút cuối cùng. Cho dù là tôi sẽ
thắng trận ở thủ đô của đế chế Đức, hay là tôi sẽ ngã xuống nơi
đây, như một biểu tượng của đế chế Đức.’”
Keitel thấy quyết định đó thật điên
rồ. Ông nói với Hitler, “Tôi buộc phải yêu cầu ngài hãy bay tới Berchtesgaden ngay tối
nay.” Hitler không chịu nghe nữa. Ông ta gọi Jodl trở lại, và trong buổi
họp riêng với hai người sĩ quan, ông ta “ra lệnh cho bọn tôi bay tới Berchtesgaden và cùng
nắm quyền với Goering, cấp phó của Hitler.”
Keitel phản đối, “Bảy năm nay, tôi
chưa bao giờ từ chối thực thi mệnh lệnh nào của ngài, nhưng lần này
tôi sẽ không làm. Ngài không thể bỏ rơi quân đội trong cơn hoạn nạn
được.” Hitler đáp, “Tôi sẽ ở lại đây. Điều này sẽ không thay đổi.”
Rồi Jodl đề nghị là có thể để đoàn quân của Wenck đi từ sông Elbe
tới Berlin
(*).
Keitel nói sẽ lập tức đi tới mặt
trận phía tây, gặp tướng Wenck, “bỏ hết các mệnh lệnh trước đó dành
cho ông ấy và bảo Wenck hành quân tới Berlin để hợp quân với Tập đoàn
quân 9.”
Cuối cùng Hitler cũng nghe được
một đề nghị lọt tai. Keitel thấy lời đề nhị đó có vẻ đã “giúp
Hitler thấy nhẹ nhõm phần nào trong bối cảnh cực kỳ tồi tệ này.”
Một lát sau, Keitel rời khỏi đó để
tới sở chỉ huy của Wenck.
Một số sĩ quan không có mặt trong
hội nghị, chẳng hạn như Tham mưu trưởng Không quân, tướng Karl Koller
rất ngạc nhiên khi hay tin Quốc trưởng ngã bệnh, tới mức họ không
chịu tin vào báo cáo của người đại diện của chính mình tại hiện
trường. Koller vội chạy tới sở chỉ huy mới nhất của Jodl ở Krampnitz,
cách Potsdam 5 dặm
về phía đông bắc, và được kể lại đúng nguyên văn. Jodl nói với
Koller, “Tin anh nghe được là đúng rồi đó.”
Ông cũng nói với viên tham mưu trưởng
Không quân rằng Hitler đã bỏ cuộc và định tự tử vào giờ phút cuối
cùng. Jodl nói tiếp, “Hitler nói là ông ta không thể tham gia trận
chiến vì lý do sức khỏe, và ông ta sẽ không làm thế để tránh bị rơi
vào tay giặc. Bọn tôi đều đã cố khuyên can hết lời rồi. Nhưng Hitler
nói không thể tiếp tục được nữa và giao phó mọi chuyện cho ngài
Thống tướng. Một vấn đề đặt ra là quân lính sẽ không chịu chiến đấu
dưới trướng Goering, nhưng Quốc trưởng lại nói: ‘Chiến đấu à, ý anh
là sao hả? Chẳng cần phải chiến đấu gì nhiều nữa, và trong việc
đàm phán thì ngài Thống tướng có thể làm tốt hơn tôi.’”
Jodl nói thêm, “Hitler nói quân lính
không còn chiến đấu nữa, rào cản xe tăng ở Berlin thì đang mở toang hoác và chẳng
có ai phòng thủ.”
Trong căn hầm Führerbunker, rõ ràng
ý Hitler đúng y những lời ông ta đã nói. Ông ta dành hàng giờ để lựa
tài liệu, giấy tờ rồi đem ra sân đốt. Rồi ông ta cho gọi vợ chồng
Goebbels và các con tới. Bọn họ sẽ phải ở lại trong hầm với ông ta
cho tới cùng. Tiến sĩ Werner Naumann, trợ lý của Goebbels trước đó có
nghe “Goebbels thấy hành động đúng đắn nhất khi bại trận là ngã
xuống ngoài chiến trường hoặc là tự sát.” Bà Magda Goebbels, vợ của
vị bộ trưởng cũng thấy vậy. Khi nghe nói gia đình Goebbels sắp chuyển
vào Dinh Thủ tướng, Naumann biết là “bọn họ sẽ cùng chết ở đó.”
Cũng như Hitler, Goebbels cực kỳ
khinh bỉ “những kẻ phản bội và không xứng đáng.” Trước hôm Quốc
trưởng nổi cơn, Goebbels gọi điện cho các nhân viên trong bộ truyên
truyền và nói, “Người Đức đã thua trận. Ở miền đông, người ta đang
chạy trốn, miền tây thì vẫy cờ trắng đầu hàng. Nhân dân Đức đã tự
lựa chọ số phận của mình. Tôi không ép ai làm đồng sự của mình cả.
Sao các bạn lại làm việc với tôi? Giờ các bạn sắp bị cắt cổ rồi
đó! Nhưng tin tôi đi, khi chúng ta rời khỏi đây, mặt đất sẽ phải rung
chuyển.”
Theo tiêu chuẩn của Hitler, có vẻ như
chỉ những ai định tự tử và vùi mình trong mộ mới được coi là trung
thành. Tối hôm đó, các đội SS lùng sục từng căn nhà, tìm những kẻ
đào ngũ. Hình phạt rất nhanh gọn. Ở quảng trường Alexanderplatz gần
đó, một người chạy nạn vừa mới tới Berlin tên Eva Knoblauch, 16 tuổi
phát hiện thấy thi thể của một binh nhì Lục quân trẻ tuổi nằm vắt
vẻo trên trụ đèn đường. Có một tấm thẻ to màu trắng buộc vào chân
xác chết. Trên đó viết: “Tôi là kẻ phản bội. Tôi đã trốn chạy khỏi
nhân dân mình.”
Suốt cái ngày quyết định này,
Heinrici đang đợi tin tức mà ông thấy hẳn phải sắp tới, rằng Hitler
đã cho phép Tập đoàn quân 9 rút lui. Quân của Busse đang bị bao vây và
bị chia cắt khỏi các tập đoàn quân ở hai bên sườn của nó, và sắp
bị tiêu diệt tới nơi. Kreb thì cứ khăng khăng bảo phải giữ vị trí.
Thậm chí ông ta còn đi xa hơn: ông ta
đề nghị để một vài đơn vị của Tập đoàn quân 9 thử đánh về phía nam
mở đường hợp quân với Đại nguyên soái Schörner. Bản thân Busse đang
phức tạp hóa vấn đề. Heinrici đã cố bảo Busse rút lui dù không có
lệnh; nhưng Busse kiên quyết từ chối, dù chỉ là cân nhắc vấn đề, trừ
khi có lệnh cụ thể từ Quốc trưởng.
………………………..
(*): Vì đã nghiên cứu kỹ lưỡng
các tài liệu về Chiến dịch Nhật thực, nên Jodl tin là để Wenck tiến
về phía đông thì sẽ không bị quân Mỹ ngăn cản, vì ông tin chắc là
bọn họ phải dừng lại bên sông Elbe.
Đến 11 giờ trưa ngày 22/4, Heinrici
cảnh báo với Krebs là đến chiều tối hôm đó, Tập đoàn quân 9 sẽ
bịcắt thành nhiều mảnh. Krebs tự tin dự đoán rằng nguyên soái
Schörner sẽ giải quyết được tình hình bằng cách tiến quân về phía
bắc để hợp quân với Busse. Heinrici rành hơn. Ông nói với Krebs,
“Schörner sẽ phải mất mấy ngày mới phát động tấn công được. Tới lúc
đó thì Tập doàn quân 9 chẳng còn tồn tại nữa rồi.”
Tình hình đang xấu đi từng giờ, và
Heinrici giục Krebs hãy làm gì đó hết lần này tới lần khác. Ông nổi
điên, “Anh bắt tôi giữ nguyên vị trí, đồng thời bảo tôi phải làm mọi
thứ có thể để Quốc trưởng ở Berlin không bị bao vây. Bất chấp mong
muốn của tôi, bất chấp đề nghị xin từ chức của tôi, tôi lại không
được rút đoàn quân duy nhất còn dùng được để bảo vệ Quốc trưởng và
Berlin .” Sở
chỉ huy của Quốc trưởng không chỉ gây khó khăn cho Busse; giờ lại còn
yêu cầu Tập đoàn quân 3 của Von Manteuffel phải đẩy lùi quân
Rokossovskii ra khỏi sông Oder – một mệnh lệnh bất khả thi, tới mức
Heinrici phải há hốc mồm khi nhận được lệnh này.
Lúc 12:10, Heinrici cảnh báo với
Krebs: “Tôi tin đây là phút chót còn kịp cho Tập đoàn quân 9 rút lui.”
Hai tiếng sau, ông gọi lại nhưng Krebs đã rời khỏi hội nghị của Quốc
trưởng. Heinrici nói với tướng Dethleffsen, “Chúng ta phải có quyết
định.” Đến 2:50 chiều, Krebs
gọi cho
Heinrici. Quốc trưởng đã đồng ý cho một số đơn vị của Tập đoàn quân
9 ở mạn bắc phía ngoài rút lui, từ bỏ Frankfurt .
Heinrici hừ mũi. Biện pháp nửa vời này chẳng thể giúp tình hình
cải thiện được bao nhiêu. Ông không nói cho Krebs biết là thành phố đó
vẫn đang được trấn giữ ổn thỏa bởi người Hitler từng nhận định
“không phải là Gneisenau,” tức Đại tá Bieler. Giờ Bieler sẽ thấy khó
lòng rút lui được. Gì thì gì, sự chấp thuận đến quá muộn màng.
Tập đoàn quân 9 đã bị bao vây.
Gần 2 tiếng sau, Krebs lại gọi tới
tiếp. Lần này ông ta nói với Heinrici là hội nghị của Quốc trưởng
đã quyết định để Tập đoàn quân 12 của tướng Wenck rời khỏi vị trí
ở mặt trận phía tây. Wenck sẽ phát động tấn công về phía đông, hướng
vào Berlin, giải tỏa bớt áp lực. Đó quả là một thông báo đáng ngạc
nhiên; Heinrici lạnh lùng bình luận: “Bọn họ sẽ rất được hoan nghênh
đấy.”
Nhưng Tập đoàn quân 9 vẫn chưa nhận
được lệnh cho rút lui toàn bộ. Dù bọn họ đã bị bao vây, nhưng
Heinrici tin là quân của Busse vẫn còn đủ sức để bắt đầu hành quân
về phía Tây. Giờ đây, việc Krebs báo tin về Wenck – thực tình Heinrici
chưa từng nghe đến tên Wenck trước đó – đã mở ra một cơ hội mới. Sau
này Heinrici kể, “Cái tin đó đem lại hi vọng rằng vẫn có thể cứu
được Tập đoàn quân 9 trước tình thế hiểm nghèo của nó.” Heinrici gọi
cho Busse. Ông nói, “Krebs mới nói cho tôi là quân của Wenck sẽ quay lại
và tiến tới chỗ anh.” Ông chỉ đạo Busse cho sư đoàn mạnh nhất rút
lui, đột phá qua quân Nga, rồi tiến về phía Tây để gặp Wenck. Busse
phản đối, vì làm thế sẽ khiến ông yếu đi nhiều. Nhưng Heinrici đã
chịu đựng quá đủ rồi. Ông nghiêm khắc cắt ngang, “Đây là mệnh lệnh
dành cho Tập đoàn quân 9. Cho một sư đoàn rút lui và tìm cách hợp
quân với tướng Wenck.” Ông kết thúc cuộc tranh luận tại đây.
Quanh vành đai thành phố, một quầng
sáng đỏ lờ mờ phảng phất trên bầu trời đêm. Lửa bừng bừng cháy
khắp các quận, và pháo thì dội không ngừng. Nhưng trong căn hầm của
nhà tù Lehrterstrasse lại có một cảm giác hân hoang và phấn khích
đang dần lan tỏa. Chiều nay, vừa có 21 người được thả. Sau đó, một
số đồ đạc có giá trị của các tù nhân còn lại được trả về. Theo
các lính gác, việc này là để đẩy nhanh quy trình phóng thích tù
nhân. Giờ các tù nhân có thể được thả bất kỳ lúc nào. Có người
nghĩ mình có thể về nhà trước khi trời sáng. Đến cả Herbert Kosney
cũng cảm thấy mình đã đánh bại được án tử hình.
Một người lính gác bước vào hầm.
Anh ta nhanh chóng đọc tên từ bản danh sách trên tay. Mọi người căng
thẳng lắng nghe từng cái tên được gọi. Có một người cộng sản, một
tù binh chiến tranh người Nga và mấy người Kosney biết là nghi phạm
trong âm mưu ám sát Hitler năm 1944. Người lính gác đọc to từng tên: “… Haushofer
… Schleicher … Munzinger … Sosinow … Kosney … Moll….” Một cơn sóng hi vọng
chợt dâng trào trong lòng Herbert khi anh nghe thấy tên mình được gọi.
Mười sáu người tù được thả ra. Sau
khi đếm xong, người lính gác dẫn họ ra phòng bảo vệ. Rồi họ đứng
chờ ngoài cửa, từng người một được gọi vào. Khi đến lượt Kosney, anh
thấy có 6 tên lính SS trong phòng, cả đám đều đã say khướt. Một gã
liếc nhìn tên anh và trao lại đồ đạc cá nhân đã tịch thu lúc bị bắt
cho anh. Chúng ít ỏi đến thảm hại: thẻ lương quân đội, một cây bút
chì và một cái bật lửa. Herbert ký nhận, rồi lại ký vào một tờ
đơn xác nhận anh đã được thả. Một tên lính SS nói với anh, “Ha, anh
sắp được gặp lại vợ mình rồi đó.”
Quay lại căn hầm, họ được lệnh gói
ghém đồ đạc. Kosney không thể tin nổi mình lại may mắn đến thế. Anh
gói ghém thật nhanh, cẩn thận xếp gọn bộ đồ vía vợ tặng nhân dịp
kỷ niệm 4 năm ngày cưới. Xong xuôi, anh quay qua giúp người bạn tù của
mình, Haushofer. Đồ đạc của Haushofer có một ít thức ăn, gồm một chai
rượu và một lát bánh mì đen. Haushofer không thể nhét nổi lát bánh
vào trong ba lô, nên anh tặng luôn cho Kosney. Họ phải chờ khá lâu. Rồi
chừng một tiếng rưỡi sau, 16 người đứng thành hai hàng, bước lên bậc
thang căn hầm, đi qua một cánh cửa vào trong đại sảnh tối tăm. Đột
nhiên cửa đóng sầm sau lưng họ, chỉ còn lại bóng tối dày đặc. Đèn
flash bật lên ngay sau đó. Khi mắt Herbert dần quen với ánh sáng lờ
mờ, anh thấy ngọn đèn được treo trên thắt lưng một sĩ quan SS. Đó là
một trung tá, đầu đội mũ, có mang súng. Ông ta nói với cả bọn, “Bọn
mày sẽ được đưa đi. Thằng nào định trốn sẽ bị bắn ngay. Đem đồ lên
cái xe tải ngoài kia. Chúng ta sẽ đi tới nhà ga Potsdam .”
Hi vọng của Kosney tắt ngấm. Nhất
thời, anh định lao vào một phòng giam gần đó. Anh chắc chắn là quân
Nga sẽ tới đây chỉ trong vài giờ nữa. Nhưng khi cân nhắc tới chuyện
trốn đi, anh cũng nhận thấy có những tên lính SS khác mang súng máy
đang đứng quanh phòng.
Những người tù bị lùa ra ngoài
đường Lehrterstrasse và đi về phía đường Invalidenstrasse. Trời đang mưa;
Herbert kéo cao cổ áo khoác lên và cột chiếc khăn mặt đang quàng quanh
cổ chặt hơn. Đi được nửa đường, cả bọn bị ngăn lại kiểm tra, và mấy
món đồ tùy thân vừa được trả về mới đây không lâu lại bị lấy đi lần
nữa. Hàng người lại lên đường, mỗi người có một tên lính SS đi kèm
một bên, lưng đeo súng máy, tay cầm súng. Khi tới đường
Invalidenstrasse, một trung sĩ SS đề nghị đi đường tắt qua trung tâm
triển lãm Ulap đã bị trúng bom tan tành. Bọn họ đi qua đống gạch đá,
bước vào tòa nhà đổ nát chỉ còn trơ lại mấy cây cột bê tông. Bỗng
một tên lính SS chợt xách cổ người tù đứng cạnh hắn. Một nhóm tù
nhân đi qua bên trái, nhóm lia qua bên phải. Họ bị bắt đứng úp mặt
vào tường, cách nhau chừng 2
mét . Và cả bọn biết ngay chuyện gì sắp xảy ra.
Một số tù nhân bắt đầu van xin tha
mạng. Người đứng cạnh Kosney la hét, “Cho tôi sống! Tôi chưa từng làm
gì cả.” Lúc đó, Herbert thấy lành lạnh gáy, một nòng súng chĩa vào
gáy anh. Ngay khi viên trung sĩ SS hô “Bắn,” Herbert quay đầu qua một bên.
Từng tên lính SS nổ súng thành một tràng không đều nhau. Thình lình Kosney
nghe được một tiếng nổ lớn. Rồi anh nằm bất động trên mặt đất.
Viên trung tá bước dọc theo hàng
người đang nằm la liệt, bắn thêm một phát vào đầu từng người tù. Khi
tới chỗ Herbert nằm, ông ta nói: “Con heo này nhận đủ rồi.” Rồi ông ta
lại nói: “Đi nào các cậu. Ta phải nhanh lên. Tối nay còn nhiều việc
phải làm lắm.”
Kosney không biết mình đã nằm đó bao
lâu. Một hồi sau, anh thận trọng giơ tay lên sờ cổ và má. Máu chảy
đầm đìa. Nhưng anh đã thoát được ngay tích tắc quay đầu. Anh nhận
thấy tay và chân phải không cử động được. Anh chậm chạp bò qua đống
đổ nát ra ngoài đường Invalidenstrasse. Rồi anh đứng dậy, thấy mình
còn đi được, anh bèn buộc khăn chặt hơn quanh cuống họng bị thương rồi
chầm chậm đi về phía bệnh viện Charité, hết sức đau đớn. Anh té ngã
mấy lần. Có một lần anh bị một đám đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler
chặn lại; thoạt đầu bọn chúng đòi xem giấy tờ tùy thân của anh,
nhưng rồi thấy anh đang bị thương nặng, chúng bèn cho qua.
Đi một chập, anh cởi giày ra vì
“thấy nặng quá.” Có lúc anh gặp phải một loạt pháo kích kinh hoàng.
Anh không thể nào nhớ nổi mình đã đi bao lâu – lúc đó anh nửa tỉnh
nửa mê – nhưng cuối cùng anh cũng về được tới nhà ở trên đường
Franseckystrasse. Herbert Kosney, nhân chứng sống duy nhất trong cuộc thảm
sát tại nhà tù Lehrterstrasse dằng chút sức lực cuối cùng để đập
cửa liên hồi. Vợ anh, Hedwig ra mở cửa. Cô không thể nhận ra người đang
đứng ngoài cửa. Mặt anh ta toàn là máu, vạt trước áo khoác cũng
vậy. Cô hoảng sợ bật thốt, “Anh là ai?” Kosney kịp thời nói trước khi
ngã xuống, “Anh Herbert đây.” (*)
…………………….
(*): Mười lăm cái xác còn lại được
phát hiện ra ba tuần sau đó. Tay Albrecht Haushofer vẫn còn nắm chặt
mấy bài thơ anh đã viết trong tù. Có một câu thế này: “Có những lúc
bị điên cuồng dẫn lối; Và thực lòng thấy xấu hổ thay.”
Một giờ sáng ngày 23/4, trong sở
chỉ huy nằm ở khu rừng Wiesenburg của tướng Walther Wenck, tư lệnh Tập
đoàn quân 12, điện thoại kêu reng lên. Vị tướng trẻ nhất của quân đội
Đức vẫn còn mặc quân phục, đang thiếp đi trên một chiếc ghế bành. Văn
phòng chỉ huy Alte Hölle – Địa ngục cổ xưa – của ông cách Magdeburg
khoảng 35 dặm
về phía đông, từng là nhà của một người gác khu săn bắn.
Wenck tự nhấc máy nghe. Một vị tư
lệnh báo cáo là Thống chế Wilhelm Keitel vừa đi qua phòng tuyến, đang
trên đường tới sở chỉ huy. Wenck gọi cho tham mưu trưởng của ông là
Đại tá Günther Reichhelm. Ông nói, “Chúng ta có khách tới, là Keitel.” Wenck
thực lòng không ưa được viên tham mưu trưởng của Hitler. Hiện tại,
Keitel là người cuối cùng trên đời ông muốn gặp.
Trong mấy tuần qua, Wenck đã gặp
phải nhiều phiền muộn, khó khăn và gian khổ hơn suốt cả cuộc chiến
cộng lại. Khi biên giới nước Đức ngày càng thu hẹp lại, vùng đóng
quân của ông trở thành một trại tị nạn khổng lồ. Những người dân
Đức vô gia cư có ở khắp nơi – trên đường, ngoài đồng, trong làng, trong
rừng, ngủ trong xe kéo, trong lều, trong các xe tải bị hư và toa tàu
hỏa, và ngủ ngoài trời. Wenck đã biến toàn bộ nhà cửa có thể ở
được trong vùng – như nhà dân, nhà thờ, thậm chí là cả các sảnh
khiêu vũ trong làng – thành nơi trú chân cho dân tị nạn. Sau này ông
kể, “Tôi thấy mình cứ như một tu sĩ đi ngang qua. Ngày nào tôi cũng đi
loanh quanh, cố làm những gì có thể làm cho những người chạy nạn,
nhất là trẻ em và người bệnh. Và chúng tôi luôn tự hỏi không biết
bao giờ quân Mỹ sẽ tấn công từ các đầu cầu bên sông Elbe.”
Đoàn quân của ông đang phải nuôi hơn
nửa triệu người. Tàu hỏa từ mọi miền nước Đức chạy tới vùng đất
hẹp này, nằm giữa Berlin và sông Elbe, rồi không đi được nữa. Số hàng
hóa và người được tàu hỏa chở đến là món lợi lớn, nhưng cũng là
gánh nặng cho Tập đoàn quân 12. Trên tàu có đủ thứ hàng hóa có thể
tưởng tượng ra, từ mảnh máy bay cho tới những toa tàu đầy ắp bơ. Cách
đó vài dặm, tại mặt trận phía đông, đoàn xe thiết giáp của Von
Manteuffel phải dừng lại vì thiếu nhiên liệu; ngược lại, Wenck gần như
ngập trong xăng. Ông đã báo cho Berlin về lượng xăng thừa này, nhưng
chẳng có ai tới lấy. Thậm chí còn chẳng ai biết tới báo cáo của
ông.
Trong lúc chờ Keitel, Wenck thấy lo
là nếu vị tham mưu trưởng của OKH mà biết được những hoạt động xã
hội mình làm cho nạn dân thì ông ta sẽ không chấp thuận. Theo chuẩn
mực đạo đức quân nhân của Keitel, những hành động như thế thực sự
không thể hiểu nổi. Wenck nghe tiếng xe chạy tới và một viên tham mưu
của ông nói, “Giờ xem Keitel đóng vai anh hùng nào.”
Keitel mặc bộ lễ phục hoàn chỉnh
của thống chế, đến cả quyền trượng cũng có, bước vào căn nhà nhỏ,
viên sĩ quan quản trị và phụ tá theo sau. Wenck thấy cảnh tượng đó
thật đáng hổ thẹn, “Đám người Keitel phô trương bước vào, kiêu ngạo
và vênh váo như thể mới chiếm được Paris, trong khi khắp mọi nẻo
đường, người ta đang kể lại câu chuyện đau thương của mình và nước
Đức thì đã bại trận.”
Keitel trịnh trọng chào, cây quyền
trượng chạm vào vành mũ. Qua mấy cử chỉ vụn vặt đó, Wenck nhận ra
ngay là vị khách của mình đang rất lo âu và kích động. Viên sĩ quan
quản trị của Keitel trải bản đồ ra; Keitel cúi xuống bản đồ, gõ gõ
vào Berlin, rồi không mào đầu gì hết mà nói luôn: “Chúng ta phải cứu
Quốc trưởng.”
Rồi có vẻ như thấy quá đường
đột, Keitel bỏ lửng chủ đề đó và hỏi sơ lược tình hình của Tập
đoàn quân 12. Wenck không hề nhắc tới dân chạy nạn cũng như các đơn vị
trong đoàn quân đang chăm lo cho họ. Thay vào đó, ông chỉ nói chung chung
về khu vực Elbe. Ngay cả khi bánh sandwich và cà phê được đưa tới,
Keitel cũng không nghỉ. Wenck chẳng buồn làm gì để vị khách của mình
thấy thoải mái hơn. Sau này ông giải thích, “Thực tình, bọn tôi thấy
bị coi thường quá mức. Có cái gì Keitel nói mà bọn tôi còn chưa
biết chứ? Chẳng lẽ đã tới hồi kết?”
Keitel chợt đứng dậy và bắt đầu
rảo bước quanh phòng. Ông ta nghiêm giọng, “Hitler hoàn toàn sụp đổ
rồi. Tệ hơn nữa là ông ta đã bỏ cuộc. Trước tình hình này, anh phải
đổi hướng, đưa quân về Berlin, tập hợp cùng Tập đoàn quân 9 của
Busse.” Wenck yên lặng nghe Keitel diễn tả tình hình. Keitel nói, “Trận
chiến ở Berlin đã bắt đầu. Số phận của nước Đức và của Hitler đang
rất nguy ngập.” Ông ta nghiêm nghị nhìn Wenck. “Anh có trách nhiệm tấn
công và giải cứu Quốc trưởng.” Wenck chợt nghĩ, dù không liên quan
mấy, rằng đây có lẽ là lần đầu Keitel từng tới sát tiền tuyến tới
vậy trong đời.
Trong những lần làm việc với Keitel
trước đó, Wenck đã học được một điều, “nếu anh cãi lại, thì một
trong hai điều sau sẽ diễn ra: hoặc anh bị giáo huấn nghiêm khắc trong
hai giờ đồng hồ, hoặc bị cách chức.” Nên ông tự động đáp lời, “Tất
nhiên rồi, thưa Thống chế, chúng tôi sẽ làm theo lệnh ngài.”
Keitel gật đầu. Ông ta chỉ vào hai
thị trấn nhỏ cách tiền tuyến của Tập đoàn quân 12 chừng 12 dặm về phía đông bắc
và nói: “Các anh sẽ đánh vào Berlin từ vùng Belzig-Treuenbrietzen.”
Wenck biết đó là chuyện không tưởng. Kế hoạch của Keitel được xây
dựng dựa trên các đội quân – binh lính, xe tăng và sư đoàn – đã bị
tiêu diệt từ lâu, hoặc là chưa từng tồn tại. Thực sự thì, không có
xe tăng hay súng tự động, và lính thì hết sức ít ỏi, Wenck không thể
nào vừa trấn giữ trận địa ở sông Elbe trước quân Mỹ, vừa đánh vào
Berlin để cứu Quốc trưởng. Dù thế nào đi chăng nữa, muốn đánh về
phía đông bắc vào Berlin cũng là chuyện khó khăn muôn vàn. Trên đường
đi có quá nhiều sông hồ. Với lực lượng ít ỏi có trong tay, ông chỉ
có thể tiến về Berlin từ phía bắc. Ông đề nghị với Keitel để Tập
đoàn quân 12 tiến về Berlin “từ phía bắc mấy cái hồ, qua Nuaen và
Spandau.” Wenck nói thêm, “Tôi nghĩ là mình có thể phát động tấn công
trong vòng hai ngày.” Keitel đứng im lặng một hồi. Rồi ông ta lạnh
lùng nói với Wenck, “Chúng ta không thể đợi hai ngày được.”
Lần này Wenck cũng không cãi lại.
Ông không thể lãng phí thời gian. Ông nhanh chóng đồng ý với kế hoạch
của Keitel. Khi vị thống chế rời sở chỉ huy, ông ta quay qua Wenck nói,
“Tôi chúc ngài mã đáo thành công.”
Khi xe của Keitel đã đi xa, Wenck tập
hợp ban tham mưu lại. Ông nói, “Giờ chúng ta sẽ làm thế này. Chúng ta
sẽ tiến tới gần Berlin hết mức có thể, nhưng sẽ không bỏ vị trí ở
sông Elbe. Các cánh quân của ta đóng bên sông sẽ để ngỏ lối thoát ở
phía Tây. Cứ đánh vào Berlin rồi bị bọn Nga bao vây thì đúng là ngớ
ngẩn. Ta sẽ cố gắng hợp quân với Tập đoàn quân 9, rồi đưa toàn bộ
số binh sĩ và dân thường có thể đi được tới miền Tây.”
Về phần Hitler, Wenck chỉ nói là
“giờ số phận của một cá nhân chẳng là gì cả.” Trong lúc chỉ đạo
cuộc tấn công, Wenck chợt nhớ ra, suốt buổi bàn bạc tối nay, Keitel
không một lần nhắc tới người dân Berlin.
Khi bình minh lên trên Magdeburg, ba
người Đức bơi qua sông Elbe và đầu hàng Sư đoàn Bộ binh 30 của Mỹ.
Một người bọn họ là Trung tướng Kurt Dittmar, 57 tuổi, một sĩ quan
Lục quân hàng ngày vẫn đọc các thông cáo mới nhất từ mặt trận,
được cả nước Đức gọi là “tiếng nói của Bộ Chỉ huy Tối cao Đức.” Đi
cùng ông là đứa con trai 16 tuổi của mình, Eberhard và Trung tá Werner
Pluskat, từng tham gia trận D-Day, những khẩu pháo Magdeburg của ông
đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ của
tướng Simpson vượt sông Elbe.
Dittmar được coi là phát thanh viên
quân sự chuẩn xác nhất của Đức, lượng theo dõi rất đông, không chỉ ở
Đức mà còn có cả các nhân viên vô tuyến của quân Đồng minh. Ông lập
tức được đưa tới sở chỉ huy của Sư đoàn 30 để thẩm tra. Một thông tin
của ông khiến các sĩ quan tình báo kinh ngạc: ông nói chắc như đinh
đóng cột, Hitler đang ở Berlin. Tin tức này làm các sĩ quan Đồng minh
sáng tỏ vấn đề. Cho tới giờ, vẫn không ai chắc chắn được nơi ẩn náu
của Quốc trưởng (*). Phần lớn tin đồn đều nói Hitler đang ở trong
Pháo đài Quốc gia. Nhưng Dittmar rất kiên định. Ông nói với các điều
tra viên, Quốc trưởng không chỉ đang ở Berlin mà ông còn tin là “Hitler
sẽ bị giết, hoặc sẽ tự sát tại đó.”
Có người giục, “Nói cho bọn tôi
biết về Pháo đài Quốc gia.” Dittmar trông như bị đánh đố. Ông nói,
điều duy nhất ông biết về một pháo đài quốc gia là một bài báo của
Thụy Sĩ đọc được hồi tháng 1 vừa rồi. Ông đồng ý là có một số cứ
điểm kháng cự ở miền bắc, “bao gồm cả Na Uy và Đan Mạch, và một
cái ở miền nam, trên dãy Alps của Ý.” Ông nói thêm, “Nhưng cái đó là
do hoàn cảnh bắt buộc thôi.” Khi các điều tra viên hỏi về pháo đài,
Dittmar lắc đầu. “Pháo đài Quốc gia ấy à? Chỉ là một giấc mơ lãng
mạn thôi. Chuyện hão huyền.” Vậy là đã rõ – đó chỉ là chuyện hoang
đường. Sau này, Đại tướng Omar Bradley, tư lệnh Cụm Tập đoàn quân 12
viết, “Pháo đài chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của một số tên
Nazi cuồng tín. Nó bị thổi phồng tới mức tôi thấy ngạc nhiên là
chúng tôi có thể ngây thơ tin sái cổ như thế. Nhưng trong lúc chuyện
này bị đồn dai dẳng, nó… đã định hình tư duy chiến thuật của chúng
tôi.”
Giữa đám bụi mù, từng hàng xe tăng
Đức lăn bánh qua những con đường lát đá ở Karlshorst, ngoại ô quận
Lichtenberg, phía đông Berlin. Eleanore Krüger, hôn thê của anh chàng Do
Thái Joachim Lipschitz đang trốn trong hầm nhà cô, kinh ngạc quan sát
cảnh tượng đó. Những chiếc xe tăng này đến từ đâu? Bọn họ định đi
đâu? Thay vì đi vào thành phố, đoàn xe lại tiến về phía nam, hướng
tới Schöneweide, cứ như đang chạy trốn khỏi Berlin vậy. Quân Nga đã ở
ngay đằng sau chăng? Nếu bọn họ tới đây, điều đó cũng có nghĩa là
Joachim cuối cùng cũng sẽ được tự do. Nhưng sao quân Đức lại rời khỏi
thành phố? Họ bỏ rơi nơi đây rồi ư? Hay là rút lui?
Elaeanore không biết, cái cô đang
thấy chính là tàn dư bại trận của Quân đoàn Thiết giáp 56 của tướng
Weidling đang trong quá trình khôi phục liên lạc với quân chủ lực. Sau
khi bị đẩy lui ra tít ngoại ô, quân của Weidling đã nối lại được liên
lạc với Tập đoàn quân 9 đang bị bao vây của tướng Busse bằng một cách
thức rất chi là lòng vòng: khi tới rìa thành phố, bọn họ dùng điện
thoại công cộng gọi về trụ sở của Bộ Chỉ huy Tối cao tại Berlin,
rồi sau đó được chuyển tiếp tới Quân đoàn 9 qua radio.
Quân đoàn 56 được lệnh lập tức
tiến về phía nam thủ đô, xuyên qua vòng vây bên ngoài của quân Nga và
hợp quân với Tập đoàn quân 9 lần nữa ở Königswusterhausen và Klein
Kienitz, cách thành phố 15
dặm . Tại đó, bọn họ sẽ cùng ngăn chặn quân của
Koniev.
Nhưng trước hết, Weidling còn mấy
việc dang dở cần làm. Giờ ông đã nghe được là sở chỉ huy của Busse
và Hitler đều cử người tới bắt ông, buộc tội ông đã cố tình bỏ
trốn khỏi chiến trường, bỏ lại quân đoàn như rắn mất đầu. Ông giận
dữ ra lệnh cho quân mình cứ đi trước, còn ông thì vào thành phố gặp
Krebs.
Weidling băng ngang qua Berlin tới Dinh
Thủ tướng, mấy tiếng sau, ông tới được căn hầm phụ tá, là văn phòng
của Krebs và Burgdorf. Hai người họ lạnh nhạt chào ông. Weidling hỏi,
“Cái quái gì đang diễn ra vậy? Sao tôi lại bị đem ra xử bắn hả?”
Weidling nói gay gắt, rằng sở chỉ huy của ông vẫn luôn đặt ngay ngoài
tiền tuyến từ đầu trận chiến tới giờ: sao lại có người nói ông bỏ
trốn cho được? Có người nhắc tới làng Olympic ở Döberitz. Weidling gầm
lên, Quân đoàn 56 chưa từng tới gần Döberitz; đi tới đó “là ngu xuẩn
tột độ.” Krebs và Burgdorf dần cởi mở hơn; cả hai vội vàng hứa hẹn
sẽ làm rõ vấn đề với Quốc trưởng “nhanh nhất có thể.”
Weidling tóm lược tình hình của
mình cho hai người. Ông nói, quân đoàn của mình sẽ đánh vào phía nam
Berlin – và rồi, “lúc kết thúc, tôi tình cờ nói thêm là trước khi đi
tôi có nhận được một báo cáo nói rằng đã thấy xe tăng tiên phong của
Nga xuất hiện ở gần Rudow.” Rudow nằm ngay ngoài rìa quận Neukölln,
đông nam Berlin. Krebs thấy ngay là nguy hiểm đã cận kề. Ông ta nói,
trong trường hợp đó, mệnh lệnh của Tập đoàn quân 9 dành cho Quân đoàn
56 cần phải đổi lại: quân đoàn của Weidling sẽ ở lại Berlin. Rồi cả
Krebs và Burgdorf vội vàng đi gặp Hitler.
Không lâu sau đó, Weidling được bảo là
Hitler muốn gặp ông. Chặng đường tới căn hầm Führerbunker khá dài,
phải đi qua “một thành phố ngầm,” theo lời kể sau này của Weidling.
Từ văn phòng của Krebs, thoạt tiên ông đi qua một lối đi ngầm, rồi qua
một gian bếp và phòng ăn, cuối cùng đi xuống một cái cầu thang vào
khu riêng của Quốc trưởng.
Krebs và Burgdorf giới thiệu ông
với Hitler. Weidling viết, “Quốc trưởng của Đế chế Đức ngồi sau một
cái bàn chất đầy bản đồ. Khi tôi bước vào, ông ta quay đầu lại. Tôi
thấy mặt ông ta sưng húp, đôi mắt bồn chồn. Khi ông ta cố đứng dậy,
tôi kinh hãi nhận thấy tay chân ông ta đều run lẩy bẩy. Bằng một nỗ
lực lớn lao, cuối cùng ông ta cũng đứng lên được. Ông ta nặn ra một
nụ cười méo mó, bắt tay tôi và hỏi bằng giọng nhỏ rí, gần như nghe
không ra, là chúng tôi đã từng gặp nhau chưa.”
Weidling nói, bọn họ từng gặp nhau
một lần; khi Quốc trưởng trao huy chương cho ông hồi năm ngoái. Hitler
nói: “Tôi có nhớ tên, nhưng không nhớ rõ mặt.”
Khi Hitler ngồi xuống, Weidling để ý
thấy ngay cả khi ngồi thì “chân ông ta vẫn cứ run rẩy, đầu gối đánh
qua đánh lại như con lắc, nhưng mà nhanh hơn.”
Weidling nói tình hình của Quân đoàn
56 cho Hitler nghe. Rồi Hitler xác nhận lại chỉ đạo của Krebs là Quân
đoàn 56 cần ở lại Berlin. Sau đó, Quốc trưởng nói về kế hoạch phòng
thủ Berlin của mình. Ông ta định kéo tập đoàn quân của Wenck từ phía
tây về, của Busse từ phía đông nam, và Nhóm Steiner từ phía bắc, và
bằng cách nào đó đánh bại quân Nga. Weidling viết, “Tôi nghe Quốc
trưởng nói mà thấy càng lúc càng ngạc nhiên.” Weidling chỉ thấy rõ
một điều: “Nếu không có phép màu xảy ra, thì ngày thất bại cuối
cùng đang được đếm ngược.”
Tối đó, sau nhiều tổn thất nặng
nề, Quân đoàn 56 cũng thoát khỏi quân Nga ở phía nam và tiến vào
Berlin. 24 giờ sau, Weidling kinh hãi hay tin, ông được chỉ định làm sĩ
quan chỉ huy thành phố.
…………………………
(*): Rõ ràng là sau khi London nhận
được báo cáo của Wiberg, người ta chưa kịp chuyển nó đi.
Mệnh
lệnh của Stalin được đánh số 11074. Nó được giao cho cả Zhukov và
Koniev; và chia đôi thành phố cho cả hai người. Mệnh lệnh viết, vào
hôm nay, ngày 23/4, ranh giới giữa Phương diện quân Belorussia số I và
Phương diện quân Ukraine số I sẽ là “Lübben, rồi tới Teupitz,
Mittenwalde, Mariendorf, và nhà ga Anhalter ở Berlin.”
Dù không thể công khai phàn nàn,
nhưng Koniev rất khó chịu. Phần thưởng đã được trao cho Zhukov. Giới
tuyến này chạy thẳng qua Berlin, đẩy quân của Koniev cách tòa nhà
Quốc hội chừng 140 mét
về phía tây, mà người Nga vẫn luôn coi đây là mục tiêu lớn nhất trong
thành phố, và định cắm cờ Liên Xô lên đó.
*****************
Thành phố đang chết dần. Nước và
gas bị cắt ở hầu hết mọi nơi. Các tờ báo bắt đầu đóng cửa; tờ
cuối cùng còn hoạt động là tờ Völkischer Beobachter của đảng Nazi, tờ
này đóng cửa ngày 26 (được thay bằng một tờ báo 4 trang theo ý tưởng
của Goebbels, tên là Der Panzerbar [Gấu Thiết giáp], được gọi là “Tờ
báo chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Berlin vĩ đại,” hoạt động
được 6 ngày). Toàn bộ phương tiện giao thông trong thành phố đều ngừng
hoạt động, vì đường phố không còn đi qua được nữa, xăng thì hiếm hoi,
và xe cộ đều hư hỏng hết cả. Hoạt động phân phối cũng ngừng lại;
hầu như chẳng còn vận chuyển gì nữa. Các nhà máy đông lạnh ngừng
hoạt động. Ngày 22/4, sở điện báo 100 năm tuổi của thành phố đóng
cửa lần đầu tiên trong lịch sử. Bức điện cuối cùng nó nhận được là
từ Tokyo, trên đó viết: “CHÚC CÁC BẠN MAY MẮN.” Cùng ngày, chiếc máy
bay cuối cùng rời khỏi sân bay Tempelhof, bay tới Stockholm, mang theo 9
hành khách, và 1.400 đội cứu hỏa của Berlin được lệnh dời sang phía
Tây (*).
Hiện tại, vì toàn bộ cảnh sát
đều phải phục vụ trong quân đội hoặc trong Lực lượng Phòng vệ Địa
phương, thành phố dần dần mất kiểm soát. Người ta bắt đầu đi cướp
bóc. Những chiếc tàu hỏa chở hàng dừng ngoài sân ga bị đột nhập
ngay giữa ban ngày ban mặt. Margarete Promeist từng có một chuyến đi
cực kỳ nguy hiểm tới sân ga ngay giữa cơn mưa đạn, và thoát được cùng
với một miếng thịt heo muối; sau này cô kể, “nhìn lại mới thấy mình
thật là điên.”
Elena Majewski và Vera Ungnad chạy
tới sân ga tàu hàng ở Moabit. Họ thấy đám đông đang vồ lấy từng
thùng mơ, mận và đào đóng hộp. Còn có những bao đậu gì không rõ,
nhưng hai cô gái đều bỏ qua. Họ không biết đó là hạt cà phê xanh. Bọn
họ lấy được một thùng đồ hộp đề là “Mơ” nhưng khí về nhà mới biết
nó là sốt táo. Cả hai đều ghét món đó. Robert Schultze còn thảm hơn:
anh phải mất 5 giờ chen lấn trong đám đông, cố lấy ít khoai tây trong
một cửa hàng thực phẩm lớn – nhưng lúc tới lượt anh thì đã hết
nhẵn.
Những người chủ tiệm không chịu đưa
đồ ra thì thường sẽ bị ép phải làm vậy. Đoàn viên Đoàn Thanh niên
Hitler Klaus Küster đi cùng dì vào một cửa hàng và hỏi mua ít đồ. Khi
ông chủ tiệm một mực bảo chỉ còn lại ít ngũ cốc, Küster bèn rút
súng ra và đòi đem thực phẩm tới. Ông chủ mau chóng lấy ra một mớ
đồ ăn từ ngay dưới quầy. Küster gom lại, mang theo nhiều hết mức có
thể, rồi rời khỏi đó cùng bà dì đang bị sốc vì hành vi trắng trợn
này. Khi họ ra bên ngoài, bà khóc, “Con là đứa hư hỏng. Dám dùng cái
cách của bọn du côn bên Mỹ!” Klaus đáp lại: “Thôi, dì im đi! Đây là
chuyện sống còn đấy.”
Elfriede Maigatter nghe được tin đồn
là cửa hàng bách hóa Karstadt đồ sộ ở quảng trường Hermannplatz đang
bị cướp. Cô vội vàng chạy tới cửa hàng và thấy chật cứng những
người là người. Sau này cô kể, “Ai nấy đều xô đẩy, đấm đá nhau chen
tới cửa. Chẳng còn hàng lối gì nữa. Cũng không có nhân viên bán
hàng hay người phụ trách.” Mọi người vơ vét toàn bộ các thứ trong
tầm mắt. Nếu thứ đó nếu không dùng được, họ liền vứt xuống sàn.
Trong cửa hàng thực phẩm, có một lớp bùn dinh dính dày cả tấc phủ
kín sàn nhà, được tạo nên từ sữa đặc, mứt cam, mì, bột mì và mật
ong – "những thứ bị đám người cướp bóc làm đổ hoặc vứt đi.”
Có vài người giám sát còn ở lại,
một người đàn ông hét to, “Ra ngoài! Ra ngoài! Cửa hàng này sắp bị
cho nổ rồi!” Không ai để ý tới ông ta; rõ ràng là xạo. Các bà các
cô giành giật áo khoác, đầm váy và giày dép trong cửa hàng thời
trang. Những người khác thì túm lấy khăn trải giường, đồ lanh, chăn
mền trên kệ. Ở khu bánh kẹo, Elfriede thấy một người đàn ông giật
hộp sô-cô-la của một cậu bé. Nó òa khóc và hét lên, “Con đi lấy hộp
khác đây.” Và nó làm thế thật.
Nhưng kết cục ở cửa ra lại thế
này: hai giám sát viên đang ngăn mọi người mang chiến lợi phẩm chuồn
đi. Họ cho người ta lấy đồ ăn, nhưng những thức khác thì không được.
Bên cửa dần hình thành một đống hàng hóa to đùng. Người ta len lỏi
qua đó, xô đẩy và chen lấn nhau, cố lách qua hai giám sát viên. Khi
Elfriede cố đem một cái áo khoác ra ngoài, một trong hai người đó
giật lấy nó. Cô năn nỉ, “Làm ơn cho tôi cái này đi. Tôi lạnh lắm.” Ông
ta nhún vai, kéo cái áo ra khỏi núi đồ và đưa lại cho cô. Ông nói,
“Mặc đi.” Từ đầu tới cuối, trong lúc đám người chen lấn và giành
giật mọi thứ có trong tầm mắt, có ai đó cứ hét: “Ra ngoài! Ra
ngoài! Cửa hàng này sắp bị cho nổ rồi!”.
………………….
(*):
Vẫn có hai nơi không bị gián đoạn: việc ghi chép khí tượng ở trạm
Potsdam, không lỡ một ngày nào trong cả năm 1945, và 11 trên tổng số 17
nhà máy bia của thành phố – được coi là sản xuất “thiết yếu” theo
sắc lệnh của chính phủ – vẫn tiếp tục sản xuất bia.
Linh mục Leckscheidt là một nhân
chứng trong vụ cướp bóc ở Karstadt. Ông có mặt tại đó một cách rất
lạ kỳ. Một người giáo dân của ông vừa sinh, đứa bé chết non và đã
được hỏa táng. Quá sức thương tâm, người mẹ muốn bình đựng tro cốt
phải được chôn cất đàng hoàng, và Leckscheidt đã đồng ý sẽ có mặt –
dù như thế có nghĩa là phải đi bộ mấy dặm đường dưới làn mưa đạn
đến nghĩa trang ở Neukölln, người mẹ định chôn cất ở đó. Trên đường
đi, người mẹ bỏ bình tro trong chiếc túi mua sắm, họ đi ngang qua
Karstadt và thấy đám đông đang cướp bóc. Người giáo dân của ông nhìn
chằm chằm. Đột nhiên cô nói, “Chờ đã!” Leckscheidt ngạc nhiên đứng đó,
“cô ấy đi khỏi chỗ tôi đứng và biến mất tăm trong cửa hàng, bỏ lại
bình tro, chiếc túi và đồ đạc.” Một lát sau cô quay lại, đắc thắng
vung vẩy một đôi bốt. Cô quay qua Leckscheidt nói: “Ta đi chứ?”
Trên đường về, Leckscheidt cẩn thận
để cô cách xa Karstadt. Thế thật là hay. Chiều hôm đó, cửa hàng đồ
sộ này rung chuyển và nổ tan tành. Lực lượng SS đã cho nổ trung tâm
mua sắm này, nhằm ngăn quân Nga lấy được số quân nhu trị giá 29 triệu
mark giấu trong hầm. Một số phụ nữ và trẻ em đã chết trong vụ nổ.
Khi đối mặt với những kẻ cướp,
nhiều người chủ tiệm liền đưa đồ ra. Thay vì để cửa hàng bị lũ bất
kham đó phá hoại, họ thà dọn sạch các kệ hàng và đưa đồ ra mà
không cần lấy tiền hay tem phiếu. Còn có một lý do khác: những người
chủ tiệm nghe nói là nếu quân Nga tìm thấy thực phẩm dự trữ, bọn
chúng sẽ đốt tiệm. Cách đây một tuần, ở Neukölln, Günther Rosetz,
người điều khiển máy chiếu trong rạp phim, định mua ít mứt cam tại
cửa hàng tạp hóa Tengelmann và bị từ chối. Giờ, Rosetz lại thấy
tiệm Tengelmann đang bán từng bình từng bình mứt cam, bột yến mạch,
đường và bột mì – đồng giá 10 mark 1 pound .
Vì hoảng sợ, cửa tiệm đang đem
hàng hóa đi cho, để tống khứ hết ra khỏi tiệm. Ở tiệm rượu Caspary
trên góc phố Hindenburgstrasse, Alexander Kelm thấy không thể tin vào mắt
mình: ai tới cũng được cho mấy chai rượu. Klaus Küster, đoàn viên Đoàn
Thanh niên Hitler làm một vụ cướp phá nữa trong vùng, kiếm được 200
điếu thuốc lá ở chỗ nọ, và thêm hai chai brandy ở chỗ kia. Ông chủ
tiệm rượu trong khu phố nói với cậu: “Đây, uống hết đi. Thời khắc
khó khăn sắp tới rồi.”
Ngay cả những người đi cướp dần dần
cũng kiếm không ra thịt nữa. Thoạt đầu, một số ít hàng thịt vẫn
còn nguồn cung để phát cho các khách hàng đặc biệt, nhưng rồi cũng
nhanh chóng cạn kiệt. Giờ khắp Berlin người ta bắt đầu xẻ thịt ngựa,
từ những con nằm chết ngoài đường do trúng đạn. Charlotte Richter và
em gái thấy người ta xách dao đi xẻ thịt một con ngựa xám đốm trắng
bị giết ở quảng trường Breitenbachplatz. Charlotte thấy, “Con ngựa chưa
ngã xuống hẳn, mà kiểu như đang quỳ trên hai chân sau, đầu vẫn ngẩng
cao, mắt mở trừng trừng. Mấy người phụ nữ đang dùng dao xẻ thịt trên
chân nó.”
Ruby Borgmann thích đánh răng với
rượu sâm banh; như thế tạo ra rất nhiều bọt. Trong căn hầm xa hoa nằm
bên dưới nhà hàng Gruban-Souchay thời thượng của Heinrich Schelle, cuộc
sống của Ruby và chồng cô, Eberhard thực hết sức kỳ lạ. Schelle đã
giữ đúng lời hứa; khi đợt pháo kích bắt đầu, anh mời vợ chồng
Borgmann vào ở trong căn hầm lộng lẫy của mình. Những món đồ sứ, pha
lê và bạc đẹp đẽ của nhà hàng được cất tại đó, và Schelle còn có
nhiều tiện nghi sinh hoạt khác nữa. Sàn nhà được trải thảm phương
Đông. Chỗ ngủ nằm hai bên lối vào được căng màn vải màu xám xanh khá
dày.
Quanh phòng đặt mấy chiếc ghế bành
căng phồng, một chiếc sofa và vài cái bàn nhỏ xa hoa – mỗi cái đều
phủ khăn trải bàn bằng vải lanh màu be và nâu đỏ lấy từ trên nhà
hàng xuống. Mấy ngày nay không có nước nhưng rượu sâm banh thì đầy
ắp. Ruby nhớ lại, “Bọn tôi uống sâm banh cả sáng, trưa, chiều, tối.
Nó trôi cũng như nước ấy, mà nước thì không có.”
Thực phẩm thực sự là cả một vấn
đề. Pia van Hoeven, bạn thân của vợ chồng Borgmann lâu lâu lại tới đây
ở với bọn họ, và thỉnh thoảng lại kiếm được ít bánh mì, thậm chí
có cả thịt làm quà. Tuy nhiên, bọn họ sống chủ yếu nhờ cá ngừ và
khoai tây. Ruby tự hỏi không biết có bao nhiêu cách chế biến mấy nguyên
liệu này. Mopti, bếp trưởng người Pháp của nhà hàng, vốn tính khí
thất thường, đã nhắc đi nhắc lại là ông không thể nấu mấy món này
mãi được. Nhưng có vẻ chẳng có chút hi vọng gì là quân Mỹ sẽ tới,
cả bọn quyết định cứ sống xả láng. Dù gì thì, họ có thể chất
bất cứ lúc nào.
Suốt 4 năm bị bom oanh tạc, và trong
đợt pháo kích mấy ngày qua, người cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất
78 tuổi vẫn không nghe lời dọa dẫm. Thực sự thì, bà Erna Saenger đã
hết sức thuyết phục ông chồng Konrad đừng đi ra ngoài gặp mấy người
chiến hữu hồi Thế chiến thứ nhất như thường lệ nữa. Bà đã bảo Papa
đào một cái hố lớn sau vườn để giấu ít của nả. Ông Konrad cũng
nghĩ đó là một ý hay, ông có thể giấu mấy thanh kiếm quân đội cũ
của mình cùng ít mứt và thạch trái cây, để quân Nga không tìm được
vũ khí trong nhà.
Nhưng khi công việc xong xuôi, Papa
lại ra ngoài, mặc cho cả nhà năn nỉ. Bọn họ phát hiện ra thi thể bị
trúng đạn lỗ chỗ của ông nằm trong mấy bụi cây bên ngoài căn nhà đang
cháy bừng bừng của Linh mục Martin Niemöller, cách nhà họ có một
quãng ngắn. Trong lúc pháo dội như mưa, cả nhà đưa xác ông về nhà
bằng một chiếc xe cút kít. Bà Erna đi cạnh chiếc xe, nhớ lại cuộc
nói chuyện cuối cùng của hai người, lúc đó bà có chút bất đồng ý
kiến với ông Konrad về việc câu trích dẫn nào trong Kinh Thánh phù
hợp với lúc này hơn. Papa khăng khăng là “người ta chỉ cần bài Thánh
thi thứ 90, nhất là đoạn thứ tư: ‘Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào
ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm.’” Bà Erna không đồng ý.
Bà nói với ông, “Tôi thấy bài đó bi quan quá. Tôi thích bài thứ 46
hơn: Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, ngài sẵn giúp đỡ
trong cơn gian truân.’”
Không tìm nổi một cái quan tài nào,
và đi tới nghĩa trang thì quá sức nguy hiểm. Nhưng họ cũng không thể
để cái xác trong nhà, trong này ấm quá. Họ để nó ngoài hiên. Bà
Erna tìm được hai thanh gỗ nhỏ và đóng thành một cây thánh giá. Bà
nhẹ nhàng đặt nó vào tay chồng. Bà nhìn ông và ước gì mình đã nói
là ông đúng, vì đoạn kế trong bài Thánh thi thứ 90 viết rằng: ‘Thật,
chúng tôi bị hao mòn vì cơn giận của Chúa, Bị bối rối bởi sự thịnh nộ của
Chúa.’”
Cha Bernhard Happich nhìn bài thuyết
giáo của mình. Ánh nến lập lòe mờ ảo trong nhà nguyện Haus Dahlem,
nhưng bên ngoài, vùng trời phía đông Wilmersdorf đỏ rực như màu máu,
tiếng pháo nổ làm các xơ giật mình tỉnh giấc từ lúc 3 giờ sáng,
và cứ thế kéo dài suốt gần 12 tiếng đồng hồ sau. Có tiếng kính vỡ
đâu đó, rồi cả tòa nhà rung chuyển dữ dội. Cha Happich nghe thấy
tiếng la hét ngoài đường vọng vào và tiếng uỳnh uỳnh nặng nề của
những khẩu pháo phòng không Czech ngay bên kia đường.
Mấy xơ ngồi trước mặt ông không động
mảy may. Ông nhìn họ và thấy bọn họ đã tháo sợi dây chuyền thánh
giá bằng bạc nặng trịch vẫn thường đeo xuống, theo lệnh Mẹ bề trên
Cunegundes. Thay vào đó, họ đeo chiếc thánh giá kim loại kín đáo hơn –
được gọi là Chữ Thập Chết – được gắn trên áo. Mấy chiếc thánh giá
bằng bạc, cùng với nhẫn và đồng hồ đã được đem giấu kín.
Cha Happich cũng có chuẩn bị của
riêng mình. Trong căn biệt thự Dahlem ông đang ở, ông đã đóng gói sẵn
một thùng to. Trong đó, cha Happich bỏ ít dụng cụ y tế, thuốc men,
bông băng và vải trắng do hàng xóm đóng góp. Trước khi thành tu sĩ,
cha Happich từng có bằng đại học y, và giờ ông lại làm một lúc hai
nghề; hàng ngày ông chăm sóc người bị thương vì đạn pháo, cứu chữa
nạn nhân trong các vụ tai nạn xảy ra và trị các chứng rối loạn tâm lý
và sốc. Ông bắt đầu mặc áo khoác y tế màu trắng nhiều ngang ngửa
áo chùng lễ.
Ông lại nhìn mấy bà xơ, y tá và các
phụ nữ làm công quả lần nữa, thầm cầu nguyện rằng Chúa sẽ giúp mình
tìm được từ ngữ đúng đắn, rồi ông bắt đầu.
Ông nói, “Quân Liên Xô sắp chiếm đóng
nơi này. Đã có nhiều lời đồn khủng khiếp về quân Nga lan truyền khắp
nơi. Có một số điều là thật. Nhưng có một cái không được phổ biến.
“Nếu có ai ở đây gặp phải chuyện
gì tồi tệ, hãy nhớ tới chuyện kể về Thánh Agnes bé nhỏ. Khi được
lệnh thờ phụng những vị thần giả mạo, Người mới 12 tuổi. Người đưa
tay cho Chúa Jesus và làm dấu thánh giá, rồi Người bị lột quần áo
và bị tra tấn trước đám đông ngoại đạo. Thế cũng không làm Người
khuất phục, dù cả đám người ngoại đạo đều xúc động rơi lệ. Người
bị phô bày trước đám đông, nhưng lại được một số người ca tụng, thậm
chí còn cầu hôn. Nhưng Người trả lời rằng, ‘Chúa chính là hôn phu
của tôi.’ Vậy là án tử hình được thông qua. Người đứng cầu nguyện
trong chốc lát rồi bị chém đầu, và các thiên thần liền đưa Người
đến Thiên đàng.”
Cha Happich ngừng lại. Ông nói, “Các
con hãy nhớ lấy. Như Thánh Agnes đó, nếu thể xác ta bị đụng chạm
ngoài ý muốn, thì phần thưởng vĩnh cửu trên Thiên đàng của ta sẽ
được nhân đôi, vì ta sẽ được mang vương miện của người tử vì đạo. Do
đó, đừng cảm thấy tội lỗi.” Ông ngừng lại và nhấn mạnh: “Các con
không có tội.”
Khi ông bước xuống lối đi, giáo
đoàn cất giọng hát bài thánh ca đưa tiễn. “Cầu xin Chúa luôn bên con…
Không có ân huệ của Chúa, làm sao con chống lại được cám dỗ?” Đây là
lời một bài thánh ca cổ, “Abide with Me.”
Trên bảng điều khiển trung tâm tại
tổng đài điện thoại đường dài trên đường Winterfeldtstrasse, quận
Schöneberg, từng ngọn đèn tắt phụt khi các vùng ở xa bị mất liên lạc
do quân Nga tấn công. Nhưng trong tổng đài, mọi người vẫn bận rộn như
thường. Thay vì xuống hầm trú ẩn, giám sát viên Elisabeth Milbrand và
tổng đài viên Charlotte Burmester lại đem mấy cái ghế nằm thư giãn có
nệm và gối tựa vào văn phòng; cả hai định để trên tầng năm càng lâu
càng tốt, ở chỗ tổng đài chính.
Loa đột nhiên kêu om sòm. Trong bệnh
viện dã chiến, tổng đài viên Helena Schroeder quá sức vui mừng khi nghe
tin. Trên tầng năm, Milbrand và Burmester đang viết lại tin này, để có
thể gọi báo tin cho các vùng vẫn còn kết nối với tổng đài. Người
thông báo đọc, “Chú ý! Chú ý! Đừng sốt ruột. Quân của tướng Wenck
đã hợp lại với quân Mỹ. Bọn họ sắp đánh vào Berlin. Hãy can đảm
lên! Berlin vẫn chưa mất đâu!”
*************
Bọn họ đã phá được phòng tuyến
phía ngoài của thành phố và bắt đầu khoét vào phòng tuyến thứ hai.
Bọn họ nấp sau những chiếc tăng T-34, súng tự động và càn quét các
con đường, đại lộ và công viên. Dẫn đầu là các đội đột kích thiện
chiến của Koniev và Zhukov, và những người lính đội mũ da thuộc bốn
tập đoàn quân tăng hùng mạnh. Đằng sau họ là hàng hàng lớp lớp bộ
binh. Đấy là một đội quân kỳ lạ. Bọn họ đến từ đủ các nước cộng
hòa thuộc Liên Xô, trừ các trung đoàn Vệ binh, còn lại thì từ ngoại
hình đến quân phục đều khác nhau. Bọn họ nói nhiều thứ tiếng, cũng
như tiếng địa phương khác nhau, đến mức các sĩ quan thường không thể
nào giao tiếp được với các đội quân của chính mình (*). Trong số này
có người Nga và Belorussia, người Ukraine và Karelia, Georgia và Kazakh,
Armenia và Azerbaijan, Bashkir, Mordvin,
Tartar, Irkutsk, Uzbek, Mông Cổ và Cossack. Một số người mặc quân
phục màu nâu sậm, số khác thì mặc quân phục kaki hoặc màu xám xanh.
Số còn lại mặc quần màu tối với áo choàng cổ cao; áo có đủ màu,
từ đen tới be. Mũ đội đầu của họ cũng đa dạng không kém – từ mũ
trùm đầu bằng da có miếng che tai lắc lư, mũ lông, cho tới mũ lưỡi
trai kaki bạc màu vì mồ hôi và rách tả tơi. Toàn bộ đều mang vũ khí
tự động. Bọn họ cưỡi ngựa, đi bộ, chạy xe máy, ngồi xe ngựa kéo
hoặc trong những chiếc xe đủ loại chiếm được, và cùng tiến về
Berlin.
…………………………
(*): Năm 1944, tại Normandy, tác giả đã
có mặt khi bắt được hai người lính mặc quân phục Đức, và bọn họ đã
khiến các điều tra viên tình báo của Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ gặp phải
một vấn đề kỳ quặc: không ai hiểu được bọn họ nói gì. Cả hai được
đưa về Anh, tại đây mới phát hiện ra bọn họ là dân chăn cừu ở Tây
Tạng, bị ép vào Hồng quân, rồi bị bắt tại mặt trận phía đồng và
lại bị ép vào quân đội Đức.
Trong tổng đài điện thoại ở quận
Schöneberg, giọng nói trong loa ra lệnh: “Mọi người chú ý. Tháo hết
huy hiệu đảng, sách đảng và đồng phục của các bạn ra. Quăng mấy thứ
đó vào đống cát lớn ngoài sân hoặc đem tới phòng máy để đốt.”
Người đưa sữa Richard Poganowska dừng
xe và há hốc mồm thấy năm chiếc xe tăng Nga có bộ binh vây quanh đang
ầm ầm lăn bánh trên đường. Poganowska quay xe lại, chạy về xưởng làm
bơ Domäne Dahlem.
Tới nơi, ông cùng cả nhà vội vã
xuống hầm.
Họ chờ một hồi. Rồi bỗng cửa hầm
bị đá tung ra, và mấy người lính Hồng quân bước vào. Bọn họ yên
lặng nhìn chung quanh. Rồi họ đi mất. Một lát sau tốp lính quay lại,
và Poganowska cùng các công nhân khác trong xưởng làm bơ được lệnh tới
nhà điều hành.
Trong lúc đứng chờ, ông để ý thấy
ngựa đã biến mất sạch nhưng bò thì vẫn còn. Một sĩ quan Liên Xô nói
tiếng Đức trôi chảy ra lệnh cho bọn họ quay lại làm việc. Ông ta nói
bọn họ sẽ phải chăm gia súc và vắt sữa bò. Poganowska không thể tin
nổi. Ông cứ nghĩ mọi chuyện sẽ tệ hơn nhiều.
Ở các quận ngoại ô khác cũng thế,
người ta thấy các đội quân Nga đầu tiên đã tới. Những đơn vị đi đầu
của quân Liên Xô nghiêm khắc nhưng hành xử rất chuẩn mực, không giống
như người dân Đức sợ hãi tưởng tượng.
Bảy giờ tối, Pia van Hoeven đang ngồi
gọt khoai tây tại lối vào hầm trong căn hộ của mình ở Schöneberg. Gần
đó, mấy người phụ nữ trong nhà đang tán gẫu, quay lưng lại cửa hầm
đang để mở. Chợt Pia ngước nhìn lên và há hốc mồm nhìn hai người
lính Nga chĩa họng súng tiểu liên về phía họ. Cô kể, “Tôi im lặng giơ
hai tay lên, một tay cầm dao, tay kia cầm khoai tây.” Mấy người phụ nữ
nhìn cô rồi quay lại, và cũng giơ tay lên luôn. Trước sự ngạc nhiên
của Pia, một người lính hỏi bằng tiếng Đức, “Có lính không? Quân
Volkssturm? Có súng không?” Mấy người phụ nữ lắc đầu. Hai người lính
hài lòng nói, “Người Đức tốt.” Bọn họ bước vào, lấy đồng hồ của
mấy người phụ nữ rồi đi mất.
Đêm xuống, Pia thấy quân Nga càng
lúc càng đông. Cô kể, “Bọn họ là chiến sĩ, và nhiều người nói được
tiếng Đức. Nhưng có vẻ như bọn họ chỉ muốn đi tiếp và giành chiến
thắng trận này.” Pia và mấy người phụ nữ thấy lời Goebbels nói về
bọn Hồng quân tham lam toàn là láo toét. Pia nói với các bạn, “Nếu
người lính Nga nào cũng cư xử thế này, thì ta chẳng có gì phải lo
cả.”
Marianne Bombach cũng thấy vậy. Một
sáng nọ, cô bước ra khỏi căn hầm ở Wilmersdorf của mình và thấy một
căn bếp dã chiến của Nga dựng ngay ngoài cửa sau nhà cô. Đơn vị này
cắm trại ở công viên Schwarze Grund, bọn họ đang chia kẹo và đồ ăn cho
mấy đứa trẻ trong vùng. Cung cách của họ làm Marianne đặc biệt ấn tượng.
Bọn họ lật úp mấy cái thùng rác vuông lại và dùng làm bàn. Mỗi
cái được phủ một tấm khăn lót, cõ lẽ lấy từ mấy ngôi làng gần đó.
Rồi bọn họ quây quần chính giữa khu bếp, ngồi ăn trên mấy cái ghế
dựa lưng thẳng đặt quanh thùng rác. Dù thân thiện với trẻ con, nhưng
quân Nga lại làm lơ dân thường. Bọn họ ở lại chừng vài tiếng đồng
hồ rồi đi tiếp.
Dora Janssen và người vợ góa của
cậu lính cần vụ của chồng cô hết sức kinh hoàng. Sau vụ nổ làm anh
cần vụ mất mạng, còn Thiếu tá Janssen thì bị thương nặng, Dora đã
mời cô vợ góa tới ở với mình. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm,
thần kinh mong manh vì đau thương và sợ hãi, cứ thế ở trong hầm của
nhà Janssen, cho tới khi Dora thấy “một cái bóng cao lớn hiện ra trên
tường.” Trong tay cái bóng cầm một khẩu súng. Dora thấy cái bóng đó
“giống như một con tinh tinh cầm khẩu pháo trong tay, còn đầu người
lính đó lại to và méo mó đến lạ kỳ.” Cô thấy nghẹt thở. Người
lính Nga đến gần hơn, theo sau còn một người nữa, và ra lệnh cho hai
người họ ra khỏi hầm. Dora nghĩ, “Sắp tới rồi đây.” Hai người phụ nữ
bị dẫn ra ngoài, rồi mấy người lính Nga đưa chổi cho họ, chỉ vào
đống gạch vụn và kính vỡ ngập ngụa lối đi. Cả hai ngây ra. Vẻ ngạc
nhiên và nhẹ nhõm của họ rõ rệt tới mức đám người Nga phá ra cười.
Cuộc chạm trán với những đội quân
Nga mới tới từ tiền tuyến của những người khác lại đau khổ hơn
nhiều. Elisabeth Eberhard suýt nữa thì bị bắn. Cô là một nhân viên
hoạt động xã hội do Giám mục đạo Tin Lành Konrad von Preysing thuê, và
cô đã che giấu mấy người Do Thái suốt mấy năm nay. Lúc cô tới thăm
bạn thì gặp hai người lính Nga – một sĩ quan trẻ tuổi tóc vàng, có
một nữ phiên dịch đi cùng. Cả hai đều vũ trang tận răng, bọn họ bước
vào nhà, người phụ nữ mang theo một khẩu tiểu liên. Điện thoại reng
ngay lúc đó. Khi người bạn của Elisabeth nhấc máy, viên sĩ quan tao
nhã giật lấy ống nghe. Người phiên dịch nói với bọn họ, “Hai người
là đồ phản bội, dám liên lạc với kẻ thù.” Cả hai bị lôi ra khỏi
nhà, ra ngoài vườn và bắt đứng dựa lưng vào tường. Viên sĩ quan bảo
chuẩn bị bắn bọn họ. Elisabeth quỳ xuống và thét lên, “Chúng tôi vẫn
luôn đợi các anh! Chúng tôi vẫn luôn chống Hitler! Chồng tôi đã bị giam
12 năm nay vì chống đối chính trị!”
Người nữ Hồng quân phiên dịch lại.
Viên sĩ quan chầm chậm hạ súng xuống. Ông ta có vẻ khá bối rối. Rồi
ông ta đi tới chỗ Elisabeth, cầm tay cô và hôn lên đó. Elisabeth thấy
bình tĩnh trở lại. Cố dùng giọng tự nhiên nhất có thể, cô lịch sự
mời, “Hai người muốn uống một ly không?”
Sự trật tự và kỷ luật của những
đội quân đầu tiên đã làm hầu hết mọi người ngạc nhiên. Dược sĩ Hans
Miede thấy lính Liên Xô “có vẻ cố tránh không bắn vào nhà dân, trừ
khi bọn họ chắc chắn có quân Đức kháng cự trốn trong đó.” Helena
Boese vẫn luôn sống trong nỗi kinh hoàng trước viễn cảnh quân Nga sắp
đến, đã mặt đối mặt với một người lính Hồng quân ngay cửa hầm nhà
cô. Anh ta “còn trẻ, đẹp trai và mặc bộ quân phục sạch sẽ không tỳ
vết.”
Anh ta chỉ đứng đó nhìn cô bước ra
khỏi hầm, rồi để biểu lộ thiện chí, anh ta đưa cô một cây gậy buộc
khăn trắng làm dấu hiệu đầu hàng. Cũng trong quận Wilmersdorf, Ilse
Antz vốn luôn tin là người dân Berlin sẽ bị “quân Nga nhai rau ráu như
bò nhai cỏ,” cô đang ngủ trong hầm thì một người lính Nga bước vào.
Cô tỉnh giấc và trâng trối nhìn anh ta kinh hãi, nhưng người lính trẻ
tuổi có mái tóc đen đó chỉ cười với cô và nói bằng tiếng Đức không
lưu loát lắm: “Sao phải sợ? Mọi chuyển ổn rồi. Ngủ tiếp đi.”
Có một nhóm người Berlin không
hề sợ hãi việc quân Liên Xô tới. Người Do Thái đã quen với sợ hãi
từ lâu. Leo Sternfeld, một cựu doanh nhân ở Tempelhof, bị Gestapo bắt đi
làm người gom rác vẫn luôn sốt ruột ngóng chờ quân Nga tiến lên từng
dặm. Là một người Do Thái lai, suốt cuộc chiến này ông vẫn luôn sống
trong hồi hộp và đau khổ, cứ thấp thỏm không biết mình và gia đình
sẽ bị đưa tới trại tập trung khi nào.
Trong phần lớn cuộc chiến, chính
cái tên ông đã làm cho Sternfeld và cả nhà không được chào đón tại
các hầm trú ẩn. Nhưng khi đợt pháo kích bắt đầu, Leo thấy mấy người
hàng xóm của mình đã thay đổi hẳn. Ông kể, “Cư dân trong tòa nhà gần
như lôi bọn tôi vào hầm.”
Sternfeld hết sức vui mừng khi gặp
được toán quân Nga đầu tiên trong quận Tempelhof. Bọn họ rất trật tự
và hiền hòa, và đối với Leo, bọn họ chính là quân giải phóng. Viên
tư lệnh tiểu đoàn hỏi liệu bọn họ có thể mượn một căn phòng trong
nhà Leo để tổ chức tiệc ăn mừng được không. Leo nói với ông ta, “Các
anh có thể lấy bất cứ thứ gì tôi có.” Mấy ngày trước, nửa căn nhà
đã tiêu tùng khi bưu điện gần nhà phát nổ, nhưng cũng còn lại ba
phòng. Leo cam đoan với mấy người Nga, “Các anh cứ lấy phòng có trần
nhà ấy.” Đổi lại, ông và gia đình, cùng với mấy người bạn nữa được
mời tới bữa tiệc. Quân Nga đến, mang theo hàng giỏ đồ ăn thức uống.
Leo nói, “Có lúc tôi có cảm giác như thể toàn bộ quân đội Nga đều
đến dự tiệc.” Lính Nga uống cả đống vodka. Rồi viên tư lệnh tiểu
đoàn, vốn là một giọng ca opera vàng, bắt đầu cất tiếng hát, có
một người đệm đàn accordion. Leo ngồi nghe mê mẩn. Nhiều năm nay, lần
đầu ông thấy thoải mái.
Joachim Lipschitz ra khỏi nơi ẩn náu
trong căn hầm của gia đình Krüger ở Karlshorst, đi gặp một toán Hồng
quân. Anh cố giải thích bằng tiếng Nga ngắc ngứ, anh đã tự học trong
mấy tháng trốn dưới hầm, rằng mình là ai và bày tỏ lòng biết ơn
với quân giải phóng. Trước sự ngạc nhiên của anh, toán quân Nga cười
rú lên. Bọn họ vỗ mạnh lưng anh và nói họ cũng rất vui, nhưng lại
nói thêm rằng anh nói tiếng Nga tệ quá, và cười run cả người lần
nữa. Joachim chẳng bận tâm. Với anh và Eleanore Krüger, sự chờ đợi mỏi
mòn đã kết thúc. Hai người họ sẽ là cặp đôi đầu tiên kết hôn khi
trận chiến chấm dứt. Theo lời Eleanore, tờ giấy đăng ký kết hôn của
họ sẽ đại diện cho “chiến thắng của riêng chúng tôi trước đảng Nazi.
Chúng tôi đã thắng, và không gì có thể làm tổn thương chúng tôi được
nữa.” (*)
Khắp nơi, tại các vùng bị chiếm,
người Do Thái ùa ra khỏi nơi ẩn náu. Tuy vậy, một số vẫn còn sợ
hãi nên cứ tiếp tục ở lì trong chỗ trốn, dẫu mối họa Nazi đã qua
từ lâu. Hans Rosenthal, 21 tuổi, trú tại quận Lichtenberg, cứ ở mãi
trong căn phòng ngủ không đầy 3
mét vuông của mình cho tới tận tháng 5 – tổng
cộng anh đã trốn trong suốt 28 tháng. Ở một số vùng, người Do Thái
được tự do, nhưng rồi lại phải đối mặt với viễn cảnh chuẩn bị
xuống hầm trốn tiếp, vì quân Nga tạm thời bị đẩy lui bởi những cuộc
phản công rải rác trên diện rộng nhưng rất dữ dội.
Hai vợ chồng Weltlinger ở quân
Pankow có một trải nghiệm kỳ quặc bậc nhất. Bọn họ được giải phóng
khá sớm. Siegmund luôn nhớ tới viên sĩ quan người Nga đã bước vào chỗ
ẩn náu của bọn họ trong nhà của gia đình Möhring “giống như hiện thân
của đại thiên sứ Michael.” Khi nhìn thấy hai người, anh ta bèn gọi bọn
họ bằng tiếng Đức bập bẹ, “Nga không dã man. Chúng tôi tốt với các
bạn.” Anh ta từng du học ở Berlin.
Nhưng tình hình đột ngột căng
thẳng. Viên sĩ quan và mấy người lính lục soát cả chung cư và tìm
thấy 6 khẩu súng lục ổ quay. Trước mặt mọi người trong tòa nhà, anh
ta thông báo là phát hiện thấy mấy khẩu súng này được giấu chung
với mấy bộ quân phục cũ. Bọn họ bị đưa ra ngoài và đứng dựa lưng
vào tường. Siegmund bước tới trước và nói, “Tôi là người Do Thái.”
Viên sĩ quan trẻ tuổi mỉm cười, rồi lắc đầu, làm động tác cắt cổ
và nói, “Không có người Do Thái còn sống.” Siegmund lặp đi lặp lại
rằng ông là người Do Thái. Ông nhìn những người khác đang đứng thành
hàng, lưng dựa tường. Mấy tuần trước, hẳn nhiều người trong số này
sẽ giao nộp ông ngay nếu bọn họ biết ông trốn chỗ nào. Nhưng giờ
Siegmund lại nói thật dõng dạc: “Bọn họ là người tốt, đã cho chúng
tôi trốn trong tòa nhà này. Tôi yêu cầu anh không được làm hại họ. Số
vũ khí đó là của quân Volkssturm vứt lại.”
Lời tuyên bố của ông đã cứu mạng
mọi người trong chung cư. Người Đức và người Nga bắt đầu ôm nhau.
Siegmund nói, “Chúng tôi ngất ngây vì vui mừng và hạnh phúc.” Viên sĩ
quan Liên Xô lập tức đem đồ ăn thức uống tới cho hai vợ chồng
Weltlinger và đứng nhìn họ vẻ lo âu, giục họ mau ăn đi. Cả hai vợ
chồng đều bị trúng thực, vì không quen với đồ ăn quá giàu dinh
dưỡng. Siegmund nói, “Người ta bỗng trở nên tử tế với bọn tôi. Bọn
tôi được cho một căn hộ trống, đồ ăn và quần áo, và lần đầu tiên
được đứng trong bầu không khí trong lành và thả bộ ngoài đường.”
Nhưng khi quân Nga bị đẩy lui khỏi
vùng do một toán SS tấn công – đám người mà Siegmund vừa cứu hôm qua
lại đột ngột tỏ vẻ thù địch như trước. Siegmund nói, “Thật không thể
tin nổi.”
Hôm sau, quân Nga chiếm lại vùng này
và bọn họ được giải phóng lần nữa, nhưng là bởi một đội quân khác
– và lần này quân Nga không tin Weltlinger là người Do Thái. Mọi người
trong chung cư bị tống lên một chiếc xe tải và đưa đi thẩm tra. Khi
Weltlinger tạm biệt vợ mình, ông không biết liệu có phải mọi đau
thương và trốn tránh bấy lâu sắp có một kết cục vô nghĩa. Bọn họ
bị đưa tới vùng ngoại ô đông bắc, và bị thẩm vấn trong một căn hầm,
từng người một. Weltlinger bị giải vào trong phòng, bắt ngồi cạnh
một ngọn đèn sáng rực. Có mấy sĩ quan ngồi bên một cái bàn dài ẩn
trong bóng tối. Weltlinger lại nhấn mạnh rằng ông là người Do Thái và
đã lẩn trốn hơn 2 năm nay. Rồi một giọng nữ vang lên: “Vậy hãy chứng
minh cho tôi thấy ông là người Do Thái.” “Bằng cách nào?” Cô ta bảo ông
đọc lời thề tín ngưỡng của người Do Thái.
Trong phòng im ắng, Siegmund nhìn
những gương mặt ẩn hiện trong bóng tối trước mặt mình. Rồi ông đặt
tay phải lên đầu, bằng một giọng xúc động, ông đọc một trong những
bài kinh cầu nguyện cổ xưa nhất, Sh’mah Yisroël. Ông chầm chậm ngâm
bằng tiếng Do Thái:
Nghe này, Israel!
Chúa của chúng ta,
Là Người được chọn.
Người phụ nữ đó cất tiếng, “Đi đi.
Ông là người Do Thái, và là người tốt.” Cô ta nói mình cũng là
người Do Thái. Hôm sau, Siegmund được đoàn tụ với vợ mình. Ông nói,
“Không từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi gặp lại
nhau.” Tay trong tay, họ cùng dạo bước trong ánh nắng rạng rỡ, “tự do
và hạnh phúc như trẻ nhỏ.”
…………………
(*): Sau này, Joachim Lipschitz trở
thành một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất Tây Đức. Năm 1955,
ông là thượng nghị sĩ trong Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm về lực
lượng cảnh sát thành phố. Ông luôn là kẻ địch đáng ngại của bộ máy
cộng sản Đông Đức, mãi tới khi ông qua đời năm 1961.
Nếu Mẹ bề trên Cunegundes có điều
gì sợ hãi, thì nó cũng không được biểu lộ trên gương mặt tròn phúc
hậu của bà. Trận chiến đang sôi sục quanh Haus Dahlem. Mỗi lần xe tăng
bắn, tòa nhà lại rung chuyển, và ngay cả trong căn hầm đã được tấn
bao cát cũng có thể cảm nhận được cơn chấn động. Nhưng Mẹ bề trên
Cunegundes không còn để ý tới tiếng súng máy tách tách và tiếng đại
bác nữa. Giữa lúc súng nổ không ngừng, bà đang cầu nguyện trong căn
phòng ăn nhỏ đã được đổi thành nhà nguyện; trong chốc lát, tiếng ồn
ào của trận chiến dường như biến mất. Mẹ bề trên Cunegundes vẫn quỳ
gối. Một bà xơ bước vào nhà nguyện và thì thầm với Mẹ bề trên:
“Là quân Nga. Bọn họ tới đây rồi.”
Mẹ bề trên Cunegundes bình tĩnh cầu
nguyện cho mình, rồi quỳ lạy, và nhanh chóng đi theo bà xơ ra khỏi
nhà nguyện. Quân Liên Xô tới đây từ phía sau, qua ngả vườn. Bọn họ
xuất hiện bên cửa sổ nhà bếp, cười toe toét và chĩa súng vào các
xơ và các phụ nữ làm công. Mười người lính, dẫn đầu là một trung
úy trẻ tuổi đang chờ Mẹ bề trên. Bà bếp Lena, người Ukraine được đưa
tới làm phiên dịch. Mẹ bề trên thấy viên sĩ quan “trông có vẻ rất
khôn khéo, cử chỉ thì không chê vào đâu được.”
Anh ta hỏi về Haus Dahlem. Mẹ bề trên
Cunegundes giải thích rằng đây chỉ là một nhà hộ sinh kiêm bệnh viện
và trại trẻ mồ côi. Lena nói thêm là ở đây chỉ toàn là “bà xơ và em
bé.” Viên trung úy có vẻ cũng hiểu. Anh ta hỏi, “Ở đây có lính lác
hay vũ khí gì không?” Mẹ bề trên Cunegundes đáp: “Không. Tất nhiên là
không. Trong tòa nhà này chẳng có thứ gì như thế cả.” Có mấy người
lính bắt đầu đòi đồng hồ và trang sức. Viên trung úy lạnh lùng nói
gì đó, và cả đám lùi lại, có vẻ lúng túng.
Mẹ bề trên nói với viên sĩ quan
trẻ tuổi rằng Haus Dahlem cần được đảm bảo nó sẽ được bảo vệ, vì
ở đây toàn trẻ em, sản phụ sắp sinh và các xơ. Viên sĩ quan nhún vai:
anh ta là chiến sĩ, chỉ quan tâm tới việc quét sạch kẻ thù và tiến
lên phía trước.
Khi quân Nga rời khỏi đó, có mấy
người lính dừng lại ngước nhìn tượng Thánh Michael sừng sững, “người
hiệp sĩ chiến đấu chống lại quỷ dữ của Chúa.” Bọn họ bước quanh
tượng, chạm vào mấy nếp gấp áo chùng của pho tượng và ngước nhìn
gương mặt Thánh Michael. Viên trung úy tạm biệt Mẹ bề trên. Có vẻ anh
ta có điều gì phiền muộn. Nhất thời, anh nhìn mấy người lính chăm
chú, bọn họ đang quan sát bức tượng. Rồi anh nói với Mẹ bề trên
Cunegundes: “Đây là những người lính tốt, tuân thủ kỷ luật và có
khuôn phép. Nhưng tôi phải nói với bà điều này. Cái bọn đi sau bọn tôi,
đám sắp tới đây là một lũ heo.”
Quân Nga không ngừng tiến như vũ
bão. Con người loạn tri ở trong hầm Führer-bunker liên tục ra những
mệnh lệnh liều lĩnh, khi mà phần còn lại của Đế chế Đức và của
thủ đô bị quân thù chia cắt. Lệnh cứ đưa ra, rồi lại bị lệnh khác
thay thế. Rồi lệnh thay thế lại bị hủy và có lệnh mới. Tham mưu
trưởng của Weidling, Trung tá von Dufving tổng kết như sau: “Rối rắm
dẫn tới hỗn loạn; lệnh dẫn tới mệnh lệnh ngược lại; và cuối cùng
thứ gì cũng lộn xộn.”
Hệ thống chỉ huy của Đức đã sụp
đổ. Khi quân Đồng minh phương Tây và quân Nga tiến gần hơn, OKW, vốn phụ
trách mặt trận phía tây lại rối tung với OKH điều hành mặt trận
phía đông. Tướng Erich Dethleffsen, trợ lý Tham mưu trưởng OKH nhận được
một cuộc gọi khẩn từ tư lệnh Dresden khi đoàn xe tăng của Koniev tới
gần thành phố, trên đường tiến về phía tây để hợp quân với quân Mỹ.
Ông ta được lệnh đưa quân toàn bộ sang bờ đông sông Elbe chảy ngang
thành phố. Mười phút sau, OKW lệnh cho vị tư lệnh Dresden đưa quân sang
bờ Tây.
Chỗ nào cũng thế. Liên lạc hầu như
không còn tồn tại. Sở chỉ huy của OKW giờ đặt tại Rheinsberg, cách
Berlin chừng 50 dặm
về phía đông bắc, phải phụ thuộc vào một chiếc ăn-ten truyền tín
hiệu độc nhất gắn trên một khí cầu phòng ngự để liên lạc. Tại
Berlin, mệnh lệnh nào của Hitler không truyền đi bằng điện thoại được
sẽ được phát qua sóng radio thông qua hệ thống liên lạc trong tòa tháp
phòng không nhỏ hơn trong số hai tháp ở Sở thú.
Trong phòng viễn thông rộng thênh
thang của Tháp chữ L, Trung úy Không quân Gerda Niedieck ngồi bên chiếc
máy in điện báo và máy giải mã, cô nhận thấy lúc này phần lớn bức
điện của Hitler chỉ có một chủ đề: điên cuồng hỏi thăm tin tức –
thường là về các tập đoàn quân vốn đã không còn tồn tại nữa. Hết
lần này đến lần khác, chiếc máy in vô tuyến lách cách in ra những
bức điện của ông ta. “Wenck đang ở chỗ nào?” “Steiner đâu?” “Wenck đâu
rồi?” Đôi khi cô nàng Gerda 24 tuổi thấy như thế là hơi quá sức chịu
đựng. Có mấy lần cô lặng lẽ khóc bên chiếc máy in, khi cô gửi đi
những bức điện, những lời đe dọa và mệnh lệnh của Hitler, yêu cầu
đất nước đang hấp hối này phải chiến đấu cho tới tận người Đức
cuối cùng.
......................
Cuối cùng, sau 6 năm chiến tranh, sở
chỉ huy của OKH và OKW – vốn chỉ huy các đội quân từng cách nhau cả
ba ngàn dặm – giờ tập họp lại thành một bộ chỉ huy thống nhất. Các
quan chức của bộ chỉ huy kết hợp OKH-OKW được Thống chế Wilhelm Keitel
chỉ định tức thời. Ông ta nói chắc nịch, “Quân ta không chỉ bừng bừng
ý chí chiến đấu, mà còn hết sức thiện chiến.” Ông ta rảo bước trong
sở chỉ huy mới, dưới ánh mắt soi mói của tướng Alfred Jodl, Tư lệnh
hành quân của OKW, và tướng Erich Dethleffsen, trợ lý Tham mưu trưởng
của OKH. Keitel cũng vẽ ra một bức tranh tươi sáng tương tự cho Hitler
xem vào ngày 24, ngay trước khi Quốc trưởng ra lệnh cho các sĩ quan
cấp cao của mình rời khỏi thủ đô để bọn họ tiếp tục thực hiện các
chiến dịch giải cứu Berlin từ bên ngoài thành phố.
Đó là lần cuối cùng Dethleffsen
ghé qua thế giới ngầm của Führerbunker. Khi tới đó, ông thấy mọi thứ
rối tinh rối mù cả lên. Lối vào chẳng có lính gác. Ông ngạc nhiên
thấy có khoảng hai chục công nhân trú sau cửa hầm: vì có pháo kích
nên bọn họ được lệnh “đào một con hào từ bãi đậu xe tới lối vào,”
nhưng bọn họ không làm việc được vì pháo nổ liên hồi. Ông xuống cầu
thang và thấy trong phòng đợi cũng không có lính gác nào. Không ai
kiểm tra cặp táp của ông hay là “kiểm tra xem ông có mang theo vũ khí
hay không.” Ông có ấn tượng rằng mọi thứ “đã tan rã hoàn toàn.”
Trong khu sảnh nhỏ bên ngoài phòng
họp của Hitler, “mấy chai rượu rỗng không hoặc còn một nửa nằm lăn
lóc.” Ông thấy “nguyên tắc phải giữ bình tĩnh nhằm tránh tình trạng
hoảng sợ lan tràn của người quân nhân không còn được để ý tới nữa.”
Ai nấy đều lo sợ và cáu gắt – trừ mấy người phụ nữ. “Mấy cô thư
kí, các nhân viên nữ… Eva Braun và bà Goebbels cùng với mấy đứa con…
đều tỏ vẻ hòa nhã và thân thiện, khiến cánh mày râu phải xấu hổ.”
Bản báo cáo của Keitel với Hitler
khá ngắn gọn. Dethleffsen nhớ lại, “Ông ta dùng toàn từ ngữ màu hồng
để báo cáo về tình trạng của Tập đoàn quân 12 của Wenck và về viễn
cảnh giải cứu Berlin.” Dethleffsen thấy khó mà đánh giá được là
“Keitel có mấy phần tin vào lời lẽ của chính mình: có lẽ sự lạc
quan của ông ta chỉ là để tránh cho Quốc trưởng phải bận lòng thêm.”
Nhưng giờ, trước mặt cách lãnh đạo
của OKH-OKW, cách xa tầm mắt Hitler, Keitel vẫn nói bằng giọng điệu
đó. Ông ta vừa bước quanh phòng vừa nói: “Những thất bại của chúng
ta chỉ là do các bậc chỉ huy cao cấp và trung cấp thiếu lòng can đảm
và ý chí chiến đấu mà thôi.” Cứ như là Hitler đang nói ấy.
Dethleffsen nghĩ, Keitel quả là “thầy nào trò nấy.” Và từ bản báo cáo
tươi sáng của ông ta rằng Berlin sẽ được giải phóng thế nào, “rõ
ràng ông ta chẳng biết mảy may về hoàn cảnh tuyệt vọng của quân
lính.” Keitel cứ nói mọi thứ sẽ ổn thỏa hết; vòng vây của quân Nga
quanh Berlin đang khép chặt sẽ bị phá vỡ; Quốc trưởng sẽ được cứu…
Ở Bavaria, Thống tướng Hermann
Goering gặp phải một chuyện hết sức phi lý: ông ta bị cảnh vệ SS bắt
giữ tại nhà. Tham mưu trưởng của ông, tướng Koller đã bay tới Bavaria
gặp Goering sau buổi họp đau buồn của Hitler vào ngày 22/4. Nhận được
báo cáo của Koller rằng “Hitler đã gục ngã” và Quốc trưởng đã nói
“Chuyện đàm phán thì thống tướng làm tốt hơn tôi,” Goering liền bắt
tay vào hành động. Ông gửi cho Quốc trưởng một bức điện với từ ngữ
được chọn lựa kỹ càng. Ông viết, “Thưa Quốc trưởng, trước quyết định
ở lại pháo đài Berlin của ngài, và theo sắc lệnh ngày 29/6/1941 của
ngài, ngài có đồng ý để tôi toàn quyền lãnh đạo nước Đức và được
tự do hành động cả trong nước lẫn quốc tế ngay bây giờ, với tư cách
là cấp phó của ngài hay không? Nếu đến 10 giờ tối nay mà tôi vẫn
không nhận được hồi âm thì tôi sẽ cho là ngài không còn được tự do
hành động, và tôi sẽ hành động vì lợi ích của nhân dân và đất
nước…”
Goering nhanh chóng nhận được hồi âm
– mà rõ rành rành là do kỳ phùng địch thủ của ông ta, Martin Bormann
gợi ý, một con người đầy tham vọng. Hitler làm một tràng buộc tội
ông ta là đồ phản bội và tuyên bố ông ta sẽ bị xử bắn, trừ khi chịu
từ chức ngay lập tức. Tối 25/5, đài phát thanh Berlin trang trọng thông
báo, “bệnh tim của Thống tướng Goering đã vào giai đoạn nguy kịch. Do
vậy, ông đã đề nghị được từ bỏ quyền chỉ huy Không lực và mọi
trách nhiệm liên quan… Quốc trưởng đã chấp thuận đề nghị này…”
Goering nói với bà vợ Emmy rằng ông
thấy chuyện này thật lố bịch; dù gì thì cuối cùng ông cũng sẽ
thực hiện việc đàm phán thôi. Sau này, bà Emmy kể cho Nam tước phu
nhân von Schirach là Goering đang tự hỏi “nên mặc bộ đồng phục nào khi
đi gặp Eisenhower lần đầu.”
..........................
Trong khi Berlin đang bốc cháy và đế
chế Đức dần lụi tàn, người mà Hitler không bao giờ nghi ngờ sẽ phản
bội đã vượt mặt Goering về quyền lực trong tay.
Ở Washington, chiều ngày 25/4, Đại
tướng John Edwin Hull, Quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch của Quân đội Hoa
Kỳ được Tham mưu trưởng, Thống tướng George C. Marshall gọi vào văn
phòng ông trong Lầu Năm Góc. Marshall nói với ông là Tổng thống Truman
đang trên đường từ Nhà Trắng tới Lầu Năm Góc để hội đàm với Winston
Churchill qua điện thoại chống nghe lén. Bá tước Folke Bernadotte, hội
trưởng Hội Chữ thập Đỏ Thụy Điển vừa nhận được một đề nghị đàm
phán từ phía Đức. Vị sứ giả hòa bình này không phải ai khác ngoài
người Hitler gọi là Der treue Heinrich (Heinrich trung thành) – Heinrich
Himmler.
Đề nghị bí mật của Himmler đang
được truyền đi bằng điện tín mã hóa từ chỗ Đại sứ Hoa Kỳ tại Thụy
Điển. Marshall bảo Hull cho phòng liên lạc sẵn sàng và phải tìm hiểu
ngay ở chỗ Bộ Ngoại giao xem bức điện đã tới đây chưa. Hull nói, “Tôi
đã gọi cho Dean Acheson ở Bộ Ngoại giao, ông ấy nói với tôi là mình
không hề hay biết có bức điện nào gửi tới có chứa lời đề nghị của
Himmler. Đúng ra, bức điện phải tới chỗ Bộ Ngoại giao rồi, nhưng lại
chưa ai đọc qua.”
Tổng thống Truman tới đó lúc 3:10
theo giờ Mỹ, ông nói chuyện với ngài Thủ tướng trong phòng điện
thoại của Lầu Năm Góc. Hull kể, “Khi bắt máy, thậm chí Tổng thống
còn không biết lời đề nghị của phe Đức là gì.” Theo Hull, Churchill
“mở đầu bằng câu, ‘Anh nghĩ thế nào về bức điện đó?’ Ngài Tổng
thống đáp, ‘Nó mới tới tức thì.’”
Thế là Churchill đọc bức điện ông
nhận được từ Đại sứ Vương quốc Anh tại Thụy Điển, Sir Victor Mallet.
Ông nói với Truman, Himmler muốn gặp Thống tướng Eisenhower để đầu
hàng. Nhà lãnh đạo SS nói Hitler đang ốm nặng, có khi đã chết rồi
cũng nên, còn không thì cũng chỉ được vài ngày nữa thôi. Rõ ràng
Himmler muốn đầu hàng có điều kiện – nhưng là với quân Đồng minh
phương Tây chứ không phải với Nga. Bernadotte đã hỏi Himmler, “Nếu phe
Đồng minh phương Tây từ chối đề nghị của anh thì sao?” Himmler đáp:
“Thì tôi sẽ nắm quyền chỉ huy mặt trận phía đông và tử trận ở đó.”
Hull nghe hai người nói chuyện bằng một chiếc điện thoại khác, và
nghe thấy Churchill nói, “Đó, anh thấy sao?”
Vị Tổng thống mới của Mỹ mới
nhậm chức được 13 ngày trả lời không chút chần chừ. Ông nói, “Ta
không thể nhận lời. Như thế thật đáng xấu hổ, vì chúng ta đã thỏa
thuận với Nga là sẽ không đơn phương chấp thuận đề nghị đầu hàng.”
Churchill đồng ý ngay. Sau này ông
nói, “Tôi nói với ông ấy [Truman] là chúng tôi tin là việc đầu hàng
phải là vô điều kiện và phải đầu hàng cả ba bên một lúc.” Khi cả
Churchill và Truman nói cho Stalin biết về lời đề nghị của Himmler và
bọn họ đã trả lời thế nào, vị Tổng tư lệnh liền cảm ơn cả hai, và
đáp lại, ông hứa Hồng quân sẽ “duy trì sức ép lên Berlin trên nền
tảng các nguyên tắc chung của chúng ta.”
**************
Trung úy Albert Kotzebue thuộc Sư
đoàn 69 Hoa Kỳ ngồi trong xe jeep và thấy đằng xa có một trang trại,
anh nghĩ nơi này sao mà yên ắng quá. Anh ra khỏi xe và bước tới đằng
trước đội tuần tra gồm 26 người, một mình tới gần căn nhà.
Cả vùng quê bên sông Elbe này yên
lặng đến lạ kỳ. Những ngôi làng có cờ trắng bay phấp phới trên các
nóc nhà, nhưng lại chẳng có động tĩnh gì; dân làng đều trốn trong
nhà. Kotzebue đã nói chuyện với vài người thị trưởng, và lần nào
câu chuyện cũng y như nhau: quân Nga sắp tới rồi, bọn họ chắc chắn sẽ
bị giết và phụ nữ sẽ bị cưỡng hiếp.
Kotzebue thận trọng đi tới trước
nhà. Cửa mở he hé. Anh đứng qua một bên và dùng súng trường đẩy cửa
ra. Nó mở rộng ra sau và kêu cót két thật to, và Kotzebue trố mắt
nhìn. Vợ chồng người nông dân và ba đứa con đang ngồi quanh bàn ăn.
Cảnh tượng thật thanh bình và ấm cúng – chỉ trừ một điều, họ đều
đã chết rồi. Hẳn họ đã phải sợ hãi lắm mới chọn cách uống thuốc
độc như vậy.
Những người còn lại trong đội đã
tới, viên trung úy liền nhảy lên xe jeep. Bọn họ nhanh chóng tiến về
phía sông Elbe, và rồi, ngay trước khi tới đó, Albert Kotzebue đã làm
nên lịch sử. Tại làng Leckwitz, anh thấy một người đàn ông kỳ quặc,
mặc bộ đồng phục rất quái, cưỡi một con ngựa nhỏ. Anh ta lắc lư trên
yên ngựa và nhìn Kotzebue. Viên trung úy nhìn lại. Kotzebue và người
kỵ sĩ đó đã chiến đấu qua gần nửa địa cầu để tới được đây.
Kotzebue nghĩ có lẽ mình đã gặp được người lính Nga đầu tiên.
Một người biết tiếng Nga bèn hỏi
người kỵ sĩ đó. Anh ta nói, đúng vậy, anh ta là người Nga. Kotzebue
hỏi, “Đơn vị của anh ta đâu?” Người đó trả lời cụt lủn, “Bên sông
Elbe.”
Cả đội lại lên đường đi tới dòng
sông. Người kỵ sĩ đứng nhìn họ khởi hành. Bên dòng sông, Kotzebue và
mấy người nữa tìm thấy một chiếc thuyền nhỏ, bọn họ bèn chèo qua
bờ bên kia, dùng súng trường làm mái chèo. Khi bước xuống thuyền,
Kotzebue thấy xác người phủ kín hàng trăm mét bờ sông – nam phụ lão
ấu đều có. Có mấy chiếc xe bò và xe ngựa bị lật úp; hành lý và
quần áo rải rác khắp nơi. Không có dấu hiệu gì cho biết cuộc thảm
sát này đã diễn ra như thế nào, và vì sao. Một lát sau, mấy người
lính Mỹ gặp toán lính Nga đầu tiên. Kotzebue làm động tác chào. Mấy
người lính Nga cũng vậy. Không hề có sự niềm nở khi gặp mặt, không
có vỗ lưng hay ôm nhau gì cả. Bọn họ chỉ đứng đó nhìn nhau. Lúc đó
là 1:30 chiều ngày 25/4. Quân Đồng minh phương Đông và phương Tây đã gặp
nhau tại thị trấn Strehla nhỏ bé.
Lúc 4:40 chiều, tại Torgau nằm bên sông
Elbe, cách đó chừng 20
dặm về phía bắc, Trung úy William D. Robinson,
cũng thuộc Sư đoàn 69 chạm trán mấy người lính Nga khác. Anh đưa bốn
người lính Liên Xô đi cùng mình quay về sở chỉ huy. Cuộc gặp gỡ của
anh sẽ đi vào sử sách, đó là cuộc hội quân chính thức. Dù là 1:30
hay 4:40 đi nữa thì đế chế Đức của Hitler đã bị chia đôi bởi Tập
đoàn quân số 1 Hoa Kỳ của tướng Hodges và Phương diện quân Ukraine số 1
của Nguyên soái Koniev. Và cùng ngày – không có ai nhớ giờ giấc chính
xác – Berlin bị bao vây.
Toàn bộ cánh quân phía bắc của Tập
đoàn quân 9 đã tiêu tùng. Tập đoàn quân 9 bị bao vây hoàn toàn và bị
máy bay Nga dội bom đêm ngày. Tình hình cung ứng quân nhu rất nghiêm
trọng. Không quân đã cố thả đồ từ trên không, nhưng không ổn. Họ không
đủ máy bay để thực hiện và cũng không đủ xăng để bay – và mấy thứ
đã thả lại hạ cánh sai chỗ. Nhưng bất chấp tất cả, Tập đoàn quân 9
vẫn chiến đấu kiên cường nhằm tới hợp quân với Tập đoàn quân 12 của
Wenck.
Nhưng giờ Heinrici đã biết được sự
thật về Wenck: trái ngược hoàn toàn với những gì Krebs đã nói, Tập
đoàn quân 12 hầu như chẳng còn lại chút sức mạnh nào. Ông điên tiết
gọi điện cho Krebs, cáo buộc ông ta cố tình đưa thông tin sai lệch.
Heinrici nổi khùng, “Đó là một tập đoàn quân ma. Nó không thể đủ sức
đi tới chỗ Tập đoàn quân 9, rồi hợp quân với bọn họ và tiến về
phía bắc để giải cứu Berlin được. Tới lúc hai đội quân gặp nhau thì
bọn họ sẽ chẳng còn lại bao nhiêu quân cả – và anh biết rõ điều
đó!”.
Tính ra, Tập đoàn quân Thiết giáp 3
của Von Manteuffel là tất cả những gì còn lại của Cụm Tập đoàn quân
Vistula. Von Manteuffel đang kiên cường chống đỡ, nhưng trung tâm phòng
tuyến của ông đang phình ra một cách đáng ngại. Tệ hơn nữa là các
đội xe tăng của Zhukov vốn đang áp sát mạn phía nam giờ lại đổi sang
hướng bắc và bao vây Von Manteuffel. Đội quân duy nhất chắn đường bọn
họ là nhóm quân tả tơi của tướng SS Felix Steiner.
Kế hoạch giải cứu Berlin của Hitler
yêu cầu Steiner tấn công về phía nam, cắt ngang qua lộ tuyến của quân
Nga từ bên này thành phố, còn Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân 12 sẽ
cùng tiến lên phía bắc từ phía bên kia. Trên lý thuyết, kế hoạch này
cũng khả thi. Nhưng thực tế thì nó không hề có cơ hội thành công.
Steiner chính là một trong những điểm hạn chế. Heinrici nói, “Ông ra
cứ tìm đủ cớ để khỏi phải tấn công. Tôi có cảm giác là có gì đó
không ổn.”
Vị tư lệnh của Vistula biết Steiner
không đủ quân để tới được Spandau như Hitler ra lệnh, nhưng Heinrici cũng
muốn ông ta tấn công. Ít ra thì Steiner cũng đủ sức làm mũi tấn công
của Zhukov yếu đi một chút. Nếu ông ta làm được thì sẽ có thể ngăn
quân Nga bao vây quân của Von Manteuffel.
Như thế Heinrici sẽ có thêm thời
gian cần thiết để từng bước cho Von Manteuffel rút quân về sông Elbe.
Giờ chỉ có thể cố gắng cứu quân mình chứ chẳng thể làm gì được
nữa; đế chế Đức không thể tránh khỏi sụp đổ trong vài ngày tới.
Heinrici có một tấm bản đồ, ông đã
vẽ 5 đường rút quân từ bắc xuống nam trên đó, chạy từ sông Oder qua
miền tây. Tuyến đầu tiên mang tên “Wotan,” tiếp thep là “Uecker”; mấy cái
còn lại thì đánh số. Mỗi tuyến cách nhau chừng 15 đến 20 dặm . Von Manteuffel
đang ở ngay trên tuyến Wotan. Vấn đề là liệu ông ta có thể cầm cự ở
đó được bao lâu.
Sáng 25/4, Heinrici đến chỗ Von
Manteuffel. Bọn họ đi dạo trong khu vườn nhỏ phía sau sở chỉ huy của
Von Manteuffel, và vị tư lệnh của Tập đoàn quân Thiết giáp 3 lặng lẽ
nói, “Tôi không thể cầm cự được nữa.”
Mặt ông hết sức nghiêm trọng. “Không có xe thiết giáp, cũng
chẳng có súng chống tăng, quân lính thì thiếu kinh nghiệm và đã kiệt
sức, sao người ta có thể cho là tôi còn cầm cự được nhỉ?”
“Anh có thể cố được bao lâu nữa?”
Von Manteuffel lắc đầu.
“Chắc chỉ thêm được một ngày thôi.”
Qua màn khói từ những đám cháy và
pháo nổ, máy bay lên lên xuống xuống trên thành phố hoang tàn, thả
truyền đơn xuống dưới trắng xóa. Ở quận Wilmersdorf, Charlotte Richter
nhặt một tờ lên. Trên đó viết: “Hãy kiên nhẫn! Tướng Wenck và tướng
Steiner sắp tới cứu Berlin.”
Cần phải tìm hiểu ngay xem Steiner
định làm gì. Heinrici tìm được ông ta ở sở chỉ huy Sư đoàn Đặc nhiệm
Thiết giáp 25 ở Nassenheide. Jodl cũng ở đó. Bọn họ đã bàn bạc xong
nên để Steiner tấn công thế nào. Giờ cả ba bàn lại lần nữa. Rồi
Steiner bắt đầu nói về tình hình đội quân của mình. Ông ta hỏi, “Hai
anh đã gặp bọn họ chưa?”
Jodl nói: “Bọn họ đang trong điều
kiện hoàn hảo đó chứ. Tinh thần rất tốt mà.”
Steiner kinh ngạc nhìn Jodl.
Heinrici lạnh lùng hỏi, “Steiner, sao
anh không chịu tấn công? Sao cứ trì hoãn mãi thế?”
Steiner nói, “Rất đơn giản. Tôi không
có quân. Tôi không có tí cơ hội thành công nào dù là nhỏ nhất.”
Heinrici kiên nhẫn hỏi, “Vậy anh có
cái gì?”
Steiner giải thích rằng toàn bộ lực
lượng của mình có 6 tiểu đoàn, trong đó có một số lấy từ một sư
đoàn cảnh sát SS, cộng thêm Sư đoàn Thiết giáp 5 và Sư đoàn Hải quân
3. Steiner nói, “Có thể dẹp bọn hải quân qua một bên. Tôi cá là ở
trên thuyền thì bọn họ rất ngon lành, nhưng lại chưa từng được huấn
luyện chiến đấu kiểu này. Tôi gần như không có đại bác, cực ít xe
thiết giáp và lèo tèo vài khẩu pháo phòng không.” Ông ta ngừng lại.
“Tôi nói anh nghe xem tôi có cái gì: một mớ hổ lốn không bao giờ tới
được Spandau từ Germendorf.”
Heinrici lạnh nhạt nói, “Steiner, anh
phải tấn công thôi, vì Quốc trưởng của mình.”
Steiner
nhìn ông chằm chằm. Ông ta hét, “Đó cũng là Quốc trưởng của ông nữa
đấy!”
Khi ông và Jodl rời đi, Heinrici thấy
rõ rành rành là Steiner không hề có ý định tấn công gì cả.
Mấy tiếng sau, điện thoại trong sở
chỉ huy Vistula tại Birkenhain đổ chuông. Heinrici nhấc máy.
Von Manteuffel gọi tới, và nghe giọng
rất trầm trọng. “Tôi cần anh cho phép rút quân khỏi Stettin và Schwedt.
Tôi không thể cầm cự nổi nữa. Nếu không rút bây giờ thì bọn tôi sẽ
bị bao vây.”
Nhất thời, Heinrici nhớ lại lệnh
của Hitler hồi tháng 1 dành cho các tướng lĩnh cấp cao. Cá nhân bọn
họ phải “chịu trách nhiệm trước Hitler” và không được phép rút quân
hoặc từ bỏ vị trí mà không báo trước cho Hitler để ông ta quyết
định. Heinrici nói: “Rút quân. Anh có nghe không? Tôi nói, rút quân. Và
nghe này, Manteuffel. Bỏ pháo đài Stettin ngay đi.”
Ông đứng cạnh bàn làm việc, trong
chiếc áo khoác da cừu và chiếc xà cạp từ hồi Thế chiến thứ nhất,
nghĩ lại những gì mình đã làm. Ông đã ở trong quân đội được đúng 40
năm và ông biết là giờ dù ông không bị xử bắn đi nữa thì sự nghiệp
của ông cũng đã chấm dứt. Rồi ông gọi cho Đại tá Eismann và tham mưu
trưởng của mình. Ông nói, “Báo cho OKW biết là tôi đã lệnh cho Tập
đoàn quân 3 rút lui.” Ông suy nghĩ một chút rồi nói, “Đến lúc bọn họ
nhận được tin này thì không kịp hủy lệnh nữa rồi.”
Ông nhìn Von Trotha, một kẻ cuồng
Hitler, rồi nhìn ông bạn già Eismann, và giải thích rõ chính sách
của mình từ nay trở đi: ông sẽ không bao giờ để quân lính bị tiêu
diệt không cần thiết nữa; ông thà rút lui sớm còn hơn lãng phí sinh
mạng một cách vô ích. Ông hỏi bọn họ, “Ý các anh thế nào?” Eismann
liền đề nghị nên ra lệnh “rút quân về sau tuyến Uecker, đóng ở vùng
hồ Mecklenburg và đợi bên trên đầu hàng.” Von Trotha nhảy dựng lên. Ông
ta lắp bắp, “Anh chỉ cần nghĩ tới chuyện đầu hàng, thậm chí chỉ
cần dùng cái từ đó không thôi cũng là làm trái danh dự người lính
rồi. Việc này không phải do ta quyết: phải tùy theo lệnh của OKW.”
Heinrici lạnh lùng nói: “Tôi sẽ
không làm theo mấy mệnh lệnh tự sát đó nữa. Trách nhiệm của tôi là
thay mặt cho quân lính của mình từ chối các mệnh lệnh đó, và tôi sẽ
làm thế. Tôi còn phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước
người dân Đức.”
Rồi ông nói thêm, “Và hơn hết là
với Chúa, Trotha à.” “Chúc ngủ ngon.”
Keitel chỉ cần mất 48 giờ đã hay
tin Heinrici ra lệnh cho Von Manteuffel rút lui. Ông ta còn tận mắt thấy
cuộc rút quân. Ông ta chạy xe qua khu vực của Tập đoàn quân 3 và kinh
ngạc thấy binh lính đang lui quân khắp nơi. Nổi điên lên, ông ta lệnh cho
Heinrici và Von Manteuffel tới gặp mình tại một ngã tư gần Fürstenberg.
Khi tham mưu trưởng của Von Manteuffel
là Trung tướng Burkhart Müller-Hillebrand biết chuyện, ông giật mình rồi
trầm tư. Tại sao lại là một ngã tư? Tại sao lại ở ngoài trời? Ông
vội đi tìm ban tham mưu.
Ở ngã tư, khi Heinrici và Von
Manteuffel ra khỏi xe, bọn họ thấy Keitel cùng đoàn tùy tùng đã tới
trước.
Viên tham mưu trưởng của Hitler là
một bức tranh sống động diễn tả một người thịnh nộ lôi đình, mặt
ông ta đỏ lựng, cây quyền trượng thống chế gõ lia lịa vào lòng bàn
tay đeo găng. Von Manteuffel chào ông ta. Heinrici làm động tác chào.
Keitel liền bắt đầu la hét. “Sao hai anh dám ra lệnh rút quân hả? Hai
anh phải ở lại mặt trận Oder! Hitler đã lệnh các anh phải trấn thủ
nơi đó! Chứ không phải lệnh cho các anh rời đi!” Ông ta chỉ thẳng vào
Heinrici. “Chính anh! Anh đã ra lệnh rút quân!”
Heinrici chẳng nói gì. Von Manteuffel
kể, khi cơn giận dữ qua đi, “Heinrici lạnh nhạt giải thích tình hình,
lời lẽ cực kỳ hợp lý.” Heinrici nói: “Thưa Thống chế Keitel, tôi phải
nói với ngài là tôi không thể giữ được mặt trận Oder với số quân tôi
có. Tôi không định hi sinh mạng sống của họ. Còn nữa, chúng ta sẽ
phải rút lui xa thêm nữa.”
Von Manteuffel chen lời. Ông cố giải
thích tình hình chiến lược khiến họ buộc phải rút lui. Ông kết
luận, “Tôi rất tiếc phải nói với ngài là tướng Heinrici nói đúng.
Trừ khi được tăng viện, còn không tôi sẽ phải rút lui ra xa hơn nữa.
Tôi đến đây để xem xem mình có được tăng viện hay không.”
Keitel nổi điên. Ông ta hét, “Làm gì
còn quân dự bị nữa! Đây là lệnh của Quốc trưởng!” Ông ta đập cây
quyền trượng vào lòng bàn tay đeo găng. “Các anh phải giữ nguyên vị
trí!” Ông ta lại đập vào tay tiếp. “Các anh phải cho quân quay lại ngay
tại đây!”
Heinrici nói, “Thống chế Keitel,
chừng nào còn chỉ huy, tôi sẽ không ra lệnh cho Von Manteuffel làm thế
đâu.”
Von Manteuffel nói: “Thống chế
Keitel, Tập đoàn quân Thiết giáp 3 chỉ nghe lệnh Trung tướng Hasso von
Manteuffel.”
Tới lúc này thì Keitel hoàn toàn
mất kiểm soát. Von Manteuffel kể, “Ông ta nổi cơn thịnh nộ dữ dội,
tới mức Heinrici và tôi chẳng thể hiểu nổi ông ta nói gì.” Cuối
cùng, ông ta hét, “Các anh sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động
này trước lịch sử!”
Von Manteuffel chợt nổi khùng.
“Dòng họ Von Manteuffel đã phục vụ Đế quốc Phổ hơn 200 năm nay và vẫn
luôn chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tôi, Hasso von Manteuffel,
rất vui lòng nhận trách nhiệm này.”
Keitel chĩa mũi dùi sang Heinrici.
Ông ta hét: “Anh! Chính anh!”
Heinrici chỉ vào con đường rút lui
của đoàn quân của Von Manteuffel và nói: “Thống chế Keitel, tôi chỉ có
thể nói nếu ngài muốn những người lính này quay lại để bị bắn bị
giết thì sao ngài không làm đi?”
Von Manteuffel thấy Keitel “bước về
phía Heinrici đầy vẻ đe dọa.” Rồi ông ta xổ một tràng: “Thượng tướng
Heinrici, từ lúc này anh bị cách chức tư lệnh Cụm Tập đoàn quân
Vistula. Anh phải quay về sở chỉ huy của mình và đợi người kế nhiệm
ở đó.”
Nói xong Keitel quay ngoắt đi, chui
vào trong xe và chạy vèo đi.
Vào lúc đó, Trung tướng
Müller-Hillebrand và ban tham mưu bước ra khỏi khu rừng. Mỗi người mang
một khẩu súng tự động. Ông giải thích, “Bọn tôi cứ tưởng sẽ có
chút rắc rối.”
Von Manteuffel nghĩ sém nữa là có
không chừng. Ông đề nghị sẽ cho người bảo vệ Heinrici “cho tới cùng,”
nhưng Heinrici từ chối. Ông chào các sĩ quan rồi bước vào xe. Sau 40
năm ở trong quân ngũ, trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, ông
lại bị cách chức trong nhục nhã. Ông dựng đứng cổ áo khoác cũ kỹ
lên và bảo tài xế trở về sở chỉ huy.
******************
Chỗ nào cũng kín đặc quân Nga. Lực
lượng phòng thủ mỏng manh của thành phố dần bị đẩy lui, và các
quận lần lượt thất trận. Có nơi, những người lính trong Lực lượng
Phòng vệ Địa phương trang bị vũ khí sơ sài cứ thế quay người bỏ chạy.
Các đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler, Lực lượng Phòng vệ Địa phương,
cảnh sát và lính cứu hỏa cùng kề vai chiến đấu, nhưng dưới quyền
các sĩ quan khác nhau. Bọn họ cùng chiến đấu vì một mục đích, nhưng
mệnh lệnh nhận được lại trái ngược nhau. Thực sự thì nhiều người
còn không biết ai chỉ huy mình. Sĩ quan chỉ huy mới của Berlin, tướng
Weidling đưa số binh lính ít ỏi còn lại trong Quân đoàn Thiết giáp 56
của mình đến các khu vực phòng thủ để hỗ trợ Volkssturm và Đoàn
Thanh niên Hitler, nhưng cũng không hiệu quả mấy.
Zehlendorf thất trận chỉ trong nháy
mắt. Đoàn Thanh niên Hitler và Lực lượng Phòng vệ Địa phương cố chống
trả trước khi thị trấn bị tiêu diệt; viên thị trưởng treo cờ trắng
lên rồi tự tử. Ở quận Weissensee, phe cộng sản vốn từng chiếm ưu thế
trước khi Hitler trỗi dậy, nhiều vùng liền đầu hàng ngay lập tức, và
những lá cờ đỏ xuất hiện, còn các chữ thập ngoặc màu đen thì nhanh
chóng bị tháo dỡ. Pankow chống đỡ được 2 ngày, Wedding thì được 3.
Một số cứ điểm của Đức chống cự quyết liệt đến cùng, nhưng không
một chỗ nào còn có hàng phòng thủ vững chắc nữa.
Rào chắn trên đường phố bị đập tan
tành như que diêm. Xe tăng Nga lao thật nhanh, cho nổ tung các tòa nhà
thay vì để lực lượng bắn tỉa và binh lính đi vào đó. Hồng quân không
muốn lãng phí thời gian. Có một số chướng ngại vật bị phá hủy
bằng cách cho pháo bắn trực diện, như toa xe điện và các xe kéo chất
đầy đá. Khi gặp phải các rào chắn vững chắc hơn, quân Nga liền đi
vòng qua. Ở Wilmersdorf và Schöneberg, quân Liên Xô đụng độ quân kháng
cự, bọn họ bèn vào trong các ngôi nhà nằm một bên con đường đã bị
chặn, rồi bắn xuyên từ hầm này qua hầm khác bằng súng bazooka. Bọn
họ trồi lên đằng sau quân Đức và diệt sạch cả ổ.
Pháo binh san bằng từng mét các
quận trung tâm. Các vùng bị chiếm cũng nhanh như tốc độ hành quân của
Nga với đội ngũ pháo và các khẩu Organ Stalin từng dùng bên sông Oder
và sông Neisse. Ở hai sân bay Tempelhof và Gatow, các nòng pháo đặt kề
nhau san sát. Ở Grünewald, trong rừng Tegel, trong các công viên và những
chỗ thoáng đãng khác đều như vậy – thậm chí là trong các vườn hoa
chung cư cũng có. Từng hàng Organ Stalin (Kachiusa) xếp chật kín các
đường phố chính, bắn ra hàng loạt đạn phốt pho và khiến cả vùng
chìm trong biển lửa. Edmund Heckscher, nằm trong Lực lượng Phòng vệ
Địa phương nhớ lại, “Lửa cháy dữ tới nỗi đêm mà cứ như ngày. Anh có
thể đọc báo được đấy, nếu có một tờ trong tay.” Tiến sĩ Wilhelm
Nolte, một nhà hóa học trong Sở Cứu hỏa (*), thấy máy bay Liên Xô
nhắm bắn vào các công nhân đang cố chữa cháy. Hermann Hellriegel, vừa
bị đưa vào quân Volkssturm, bị một vụ nổ hất văng lên không và ngã
xuống một cái hố gần đó. Hellriegel kinh hoàng nhận thấy mình đang
nằm trên ba cái xác lính. Người lính già 58 tuổi, vốn từng là nhân
viên bán tour du lịch vội vàng trèo ra khỏi hố và chạy ù về nhà.
Khi quân Nga tiến vào thành phố sâu
hơn, Lực lượng Phòng vệ Địa phương bắt đầu biến mất, đồng phục và
băng đeo tay của họ vứt vương vãi trên mặt đường. Một số đơn vị là do
người chỉ huy cố tình giải tán. Karl Ritter von Halt, chỉ huy tiểu
đoàn Volkssturm gọi những người còn sống sót sau một trận chiến đấu
ác liệt đến tập hợp ở sân vận động Olympic Reichssportfeld, và bảo
bọn họ về nhà. Dù gì thì nửa số đó cũng chả làm ăn gì được; bọn
họ được phát đạn Ý để dùng cho súng trường của Đức. Von Halt nói,
“Hoặc làm thế, hoặc lấy đá ném bọn Nga, vậy thôi.”
Binh lính trên toàn thành phố bắt
đầu đào ngũ. Trung sĩ Helmut Volk thấy chả có lý gì lại phải bỏ
mạng vì Quốc trưởng. Volk đang làm kế toán trong Abwehr, cục tình báo
Đức, rồi một ngày anh được giao một khẩu súng trường và lãnh trách
nhiệm canh gác ở Grünewald. Khi nghe nói có lệnh bảo đơn vị mình đến
chỗ Dinh Thủ tướng, Volk đã bỏ trốn về nhà anh, nằm trên đường Uhlandstrasse. Cả nhà gặp anh
cũng không vui vẻ gì cho lắm; bộ quân phục của anh sẽ khiến cả gia
đình lâm vào nguy hiểm. Volk liền cởi nó ra, mặc đồ bình thường và
giấu bộ quân phục dưới hầm. Vừa làm xong thì quân Nga chiếm được
vùng này.
…………………….
(*): Một số xe cứu hỏa vốn đã rời khỏi
đó vào ngày 22 đã quay lại thành phố theo lệnh Thiếu tướng Walter
Golbach, Cục trưởng Cục Cứu hỏa. Theo các báo cáo hậu chiến, Goebbels
đã ra lệnh đưa xe cứu hỏa ra khỏi Berlin để tránh bị rơi vào tay quân
Nga. Khi nghe nói mình sẽ bị bắt vì làm trái lệnh Goebbels, Golbach đã
tự sát nhưng không thành. Mặt vẫn còn chảy máu đầm đìa, ông bị một
toán SS bắt đi và bị xử bắn.
Trong sở chỉ huy bên cầu Frey, binh
nhì Willi Thamm nghe được một chuyện khiến anh quyết định ở lại với
đơn vị tới cùng. Một trung úy bước vào báo cáo với đại úy của anh,
sau khi làm một tách cà phê và một ly rượu schnapps đã nhấn mạnh
rằng: “Anh cứ nghĩ đi! Lính ở đâu cũng muốn đào ngũ hết. Hôm nay có
ba người vắng mặt mà không báo cho tôi.” Viên đại úy của Thamm nhìn
anh ta. Anh hỏi, “Anh đã làm gì rồi?” Viên trung úy nhấp ngụm cà phê
và nói, “Bắn bọn nó chứ sao.”
Từng tốp SS lục tung cả thành phố,
lùng bắt những kẻ đào ngũ, giờ đây công lý nằm trong tay bọn họ.
Bọn họ chặn lại tất cả những ai mặc quân phục để kiểm tra giấy tờ
tùy thân và đơn vị của người đó. Ai bị tình nghi đào ngũ sẽ bị xử
bắn, hoặc treo cổ trên một cái cây hay trụ đèn đường nào đấy để làm
gương cho kẻ khác. Aribert Schulz, 16 tuổi, đoàn viên Đoàn Thanh niên
Hitler, báo cáo về sở chỉ huy của cậu, nằm trong một rạp chiếu phim
bỏ không ở Spittelmarkt rằng cậu thấy một gã SS cao gầy, tóc đỏ mang
súng trường đang áp giải một người đi trên đường. Schulz hỏi có
chuyện gì và được trả lời rằng người đó là một trung úy lục quân,
bị phát hiện khi đang mặc thường phục. Schulz đi theo bọn họ tới
đường Leipziger-strasse. Đột nhiên tên lính SS đẩy mạnh người kia một
cái. Trong khi viên trung úy loạng choạng cố giữ thăng bằng thì tên
lính SS bắn vào lưng anh ta.
Đêm đó, Schulz lại gặp tên lính SS
tóc đỏ lần nữa. Cậu đang đứng gác cạnh một rào chắn cùng mấy đứa
nữa trong đơn vị mình thì thấy một chiếc tăng T-34 của Liên Xô trên
đường Kurstrasse. Chiếc tăng đang chầm chậm quay nòng thì bị trúng đạn
và bốc cháy. Người duy nhất còn sống lập tức bị bắt. Các cậu bé
tìm thấy trong túi người lính Nga đó mấy tấm hình chụp các vị trí
quan trọng của Berlin. Người lính xe tăng Hồng quân bị đưa về sở chỉ
huy thẩm tra và rồi bị giao cho một gã đeo súng trường. Cũng tên lính
SS đó. Hắn lại đưa tù nhân của mình ra ngoài, nhưng lần này lại thân
thiện vỗ vai anh lính Nga và ra hiệu bảo đi. Anh lính Nga nhe răng cười
rồi cất bước, và tên SS bắn anh ta, cũng vào sau lưng. Cậu nhóc Schulz
hiểu ra, gã SS cao lêu nghêu đó chính là người chuyên hành quyết của
Sở chỉ huy.
Lực lượng phòng thủ trên khắp
Berlin đang buộc phải dồn về các quận trung tâm đổ nát. Để cản bước
quân Nga, 120 trên tổng số 248 cây cầu trong thành phố đã bị cho nổ.
Số thuốc nổ còn trong tay tướng Weidling ít tới nỗi họ phải dùng bom
của không quân. Những kẻ cuồng tín còn phá hủy hết các cơ sở hạ
tầng bổ trợ, mà thường chẳng bận tâm đến hậu quả.
Một tốp SS cho nổ đường hầm dài 4 dặm chạy bên dưới một
nhánh của sông Spree và kênh Landwehr. Đường hầm đó vốn có tuyến
đường sắt chạy qua, và hàng nghìn người dân đang trú tại đó. Nước
bắt đầu tràn vào trong, và người ta chen lấn nhau chạy lên trên chỗ
cao hơn. Đường hầm không chỉ chật kín người trú bom mà còn có bốn
toa tàu hỏa dùng làm bệnh viện để chăm sóc người bị thương. Khi
Elfriede Wassermann và ông Erich chồng bà cố chạy ra ngoài (bọn họ mới
từ hầm Anhalter xuống đây), bà Elfriede nghe thấy những người bị thương
nằm trong tàu la lên, “Đưa bọn tôi ra! Đưa bọn tôi ra! Sắp chết đuối
tới nơi rồi!” .
Chẳng ai dừng lại cả. Nước đã lên tới
eo Elfriede. Ông Erich chống nạng chạy tập tễnh thì còn tệ hơn thế.
Người ta đấm đá lẫn nhau và la hét không ngừng, bọn họ xô đẩy, giẫm
đạp lên nhau hòng tới được chỗ an toàn. Bà Elfriede gần như tuyệt
vọng, nhưng ông Erich cứ hét, “Cứ đi đi! Cứ đi tiếp! Chúng ta sắp tới
đó rồi. Ta sẽ làm được.” Và họ đã thành công. Bà Elfriede không biết
có bao nhiêu người lên được bên trên.
Ngày 28/4, quân Nga đã tiến sát
trung tâm thành phố. Vành đai ngày càng hẹp lại. Những trận giao tranh
ác liệt diễn ra bên rìa các quận Charlottenburg, Mitte và
Friedrichshain. Vẫn còn một con đường hẹp để ngỏ đi về phía Spandau.
Những toán quân non kinh nghiệm của Weidling đang cố trấn giữ con đường
đó, để rút lui vào phút cuối. Thương vong thật kinh khủng. Đường phố
toàn xác người. Vì có pháo kích nên người ta không thể ra khỏi hầm
trú ẩn để giúp bạn bè và người thân nằm bị thương ở gần đó; nhiều
người thì bị trúng đạn khi đang xếp hàng lấy nước ở những vòi bơm
nước cổ lỗ sĩ ven đường. Quân lính cũng không khá hơn là mấy. Ai bị
thương mà còn đi được tới trạm cấp cứu dã chiến là còn may. Những
người không đi được thường phải nằm lại nơi mình ngã xuống và chết
vì mất máu.
Kurt Bohg, nằm trong Lực lượng Phòng vệ
Địa phương bị đứt gần hết gót chân, ông tập tễnh lê bước suốt hàng
dặm. Cuối cùng ông không đi nổi nữa. Ông nằm trên đường, kêu gào mong
được giúp đỡ. Nhưng số ít dám liều mạng chạy khỏi hầm dưới làn
đại bác thì bận lo cứu mạng bản thân.
Bohg nằm trong một cái máng nước,
ông thấy một bà xơ dòng Luther chạy từ nhà này sang nhà khác. Ông
gọi, “Xơ ơi, xơ. Giúp tôi được không?” Bà xơ dừng lại. Bà hỏi, “Anh
ráng đi tới nhà giáo đoàn nằm cạnh nhà thờ được không? Nó cách đây
có 5 phút thôi. Tới đó tôi sẽ giúp anh.” Không biết sao ông cũng tới
được đó. Cửa nào cửa nấy mở toang. Ông lê bước vào hành lang, rồi
tới một căn phòng đợi và cuối cùng gục xuống. Tại đó, ông như đang
nằm giữa một ao máu đang tuôn tràn. Ông chầm chậm giương mắt lên xem
máu từ đâu ra. Ông nhìn quanh phòng, ngoài kia có một khu vườn. Cửa
vẫn mở: một con bò sữa đen trắng đứng đó bất động, lặng lẽ nhìn
ông bằng đôi mắt ươn ướt. Miệng nó trào máu ồng ộc. Người và vật
cứ thế nhìn nhau trong nỗi thương cảm không lời.
Khi quân Nga bắt đầu cô lập trung tâm
thành phố, quân của Weidling càng bị dồn ép nhiều hơn. Quân nhu dần
cạn kiệt. Đáp lại yêu cầu viện trợ bằng cách thả dù của ông,
Weidling nhận được 6 tấn quân nhu và đúng 16 quả tên lửa dành cho xe
thiết giáp.
Một điều khó tin là giữa cái hỏa
ngục đáng sợ ấy, một chiếc máy bay chợt bay qua và hạ cánh xuống
đại lộ Đông-Tây – con đường chính chạy từ sông Havel bên phía tây tới
đại lộ Unter den Linden ở phía đông. Đó là một chiếc Fieseler Storch
nhỏ, ngồi bên trong là tướng Ritter von Greim và nữ phi công nổi tiếng
Hanna Reitsch. Chiếc máy bay bị hỏa lực phòng không bắn trúng, xăng
tuôn ào ào từ các bồn xăng trên cánh. Von Greim đang điều khiển thì
bị thương ở chân ngay trước khi gạt cần. Hanna chộp lấy cần gạt kéo
xuống và hạ cánh hoàn hảo. Hai người được Hitler triệu tập đến Dinh
Thủ tướng; khi tới đó ông ta liền phong Von Greim làm thống chế, thay
thế “tên phản bội” Goering chỉ huy Không quân, vốn chẳng còn tồn tại
nữa.
Hầm Führerbunker đã bị trúng đạn
pháo, nhưng tạm thời vẫn tương đối an toàn. Vẫn còn một địa điểm an
toàn nữa giữa lòng thành phố. Đó là hai tòa tháp phòng không nhô cao
bên trên sở thú. Tháp G cao 40
mét chật kín người: không ai biết chính xác là
có bao nhiêu. Walter Hagedorn, bác sĩ của Không quân ước tính có khoảng
13.000 người – cộng thêm quân lính.
Người ta đứng hoặc ngồi trên cầu
thang, đầu cầu thang, ở khắp các tầng. Không có chỗ mà nhúc nhích.
Các nhân viên của Hội Chữ thập Đỏ, như Ursula Stalla, 19 tuổi làm mọi
thứ có thể để xoa dịu nỗi thống khổ của mọi người. Cô không bao giờ
quên được mùi hôi thối quyện lại khiến người ta muốn bệnh - “mồ hôi,
quần áo bốc mùi, tã em bé, trộn lẫn với mùi thuốc sát trùng từ
bệnh viện.” Một số người đã tự sát. Hai bà già ngồi bên nhau ở đầu
cầu thang tầng một đã uống thuốc độc khi nào không ai hay: vì người
xung quanh quá đông, nên hai bà vẫn ngồi thẳng lưng dù đã chết trong
mấy ngày liền, cho tới khi có người phát hiện ra.
Bác sĩ Hagedorn đã phẫu thuật cho
những người bị thương trong bệnh viện nhỏ của ông suốt 5 ngày liền
hầu như không nghỉ. Vấn đề của ông là làm sao chôn xác chết. Người ta
không thể ra ngoài vì có pháo kích. Sau này ông kể, “Trong những
quãng pháo kích tạm lắng, chúng tôi cố đưa xác chết và các bộ phận
bị cắt bỏ ra ngoài chôn, nhưng không thể được.” Lúc đó, đạn đại bác
dội liên tục vào những bức tường bất khả xâm phạm của tòa tháp từ
mọi phía, những mảnh đạn văng tứ tung qua cửa chớp, và Hagedorn có
chừng 500 xác chết, 1.500 người bị thương, cộng thêm một lượng lớn
chưa rõ đã dở điên dở dại. Còn có người tự tử nằm ở khắp nơi,
nhưng vì quá đông và chật chội nên không đếm được. Nhưng vị bác sĩ
vẫn nhớ có nhiều người trong hầm nói, “Ta cứ ở đây chờ tướng Wenck
hay quân Mỹ tới đây.”
Phía bên đưới tòa tháp là sở thú
thênh thang, hoang tàn. Cuộc tàn sát những con thú thật khủng khiếp.
Chim chóc bay tán loạn mỗi lần có quả đại bác nào bắn tới. Những
con sư tử đã bị bắn. Con hà mã Rosa trúng đạn chết trong ao. Người
coi chuồng chim, ông Schwarz đang tuyệt vọng, vì con cò mỏ giày quý
hiếm Abu không biết làm sao đã trốn khỏi phòng tắm
nhà
ông. Và giờ chỉ huy tòa tháp phòng không ra lệnh cho giám đốc sở thú
Lutz Heck phải giết con khỉ đầu chó; chuồng của nó đã bị hư và nó
có thể trốn mất.
Heck cầm súng trường theo, đi tới
chuồng khỉ. Con khỉ đầu chó, người bạn già của ông đang ngồi thu lu
sau chấn song. Heck giơ súng lên, chĩa họng súng gần đầu nó. Con khỉ
đẩy họng súng qua một bên. Heck sợ hãi, giơ súng lên lần nữa. Con khỉ
lại đẩy qua tiếp. Heck thấy muốn bệnh và run rẩy cả người, nhưng vẫn
cố thử lần chót. Con khỉ đầu chó lặng lẽ nhìn ông. Rồi Heck bóp
cò.
****************
Trong lúc trận chiến đang tiếp tục, một
cuộc tàn sát thảm khốc khác cũng đang diễn ra, nhưng là với con người. Đám quân
Nga theo sau đoàn quân tiên phong đầy kỷ luật bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của kẻ
chinh phục, đó là phụ nữ của kẻ bị chinh phục.
Ở
quận Zehlendorf , Ursula Köster đang ngủ dưới hầm với ba mẹ và hai đứa con gái
sinh đôi 6 tuổi, Ingrid và Gisela, cùng đứa con 7 tháng của cô, Bernd, thì bốn
tên lính Nga đập cửa bằng báng súng. Bọn chúng lục soát căn hầm, tìm được một
cái va li rỗng, rồi trút mấy hộp trái cây, bút máy, bút chì, đồng hồ và ví tiền
của Ursula vào đó. Một tên tìm được chai nước hoa Pháp. Gã mở ra, ngửi ngửi rồi
đổ lên bộ đồ đang mặc. Tên thứ hai lấy mũi súng đẩy ba mẹ Ursula và bọn trẻ vào
căn phòng nhỏ hơn trong hầm. Rồi từng tên một, bọn chúng thay nhau cưỡng hiếp
cô.
Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, Ursula , quần
áo tả tơi đang cho con bú thì hai tên lính bước vào hầm. Cô ẵm con và cố chạy
ra ngoài cửa. Nhưng cô quá yếu rồi. Một tên giật đứa bé ra khỏi tay cô và bỏ nó
vào trong nôi. Tên kia nhìn cô rồi nhăn răng cười. Cả hai đều trông rất thô
tục; quần áo bẩn thỉu, ủng giắt dao và đội mũ lông. Vạt áo sơ mi một gã còn
thòi ra ngoài. Cả hai luân phiên cưỡng
hiếp cô. Kh bọn chúng đi khỏi, Ursula gom hết chăn mền tìm được bọc em bé lại,
dẫn theo hai đứa con gái chạy vào khu nhà có vườn hoa bên kia đường. Tại đó, cô
tìm được một cái bồn tắm bị vứt bên ngoài một căn nhà. Ursula bèn lật úp nó lại
rồi cùng các con chui vào đó.
Ở Hermsdorf, cô gái 18 tuổi Juliane
Bochnik nghe tiếng quân Nga tới gần, bèn chạy xuống hầm và nấp dưới ghế sofa.
Cô nghe tiếng ba mình phản đối bọn chúng vào nhà, ông là một nhà ngôn ngữ học
và có biết tiếng Nga. Bọn lính đòi biết chỗ Juliane trốn, và ba cô hét lên:
“Tôi sẽ tố cáo các anh với chính ủy!” Bọn chúng dí súng vào ba cô và đưa ông ra
ngoài đường. Juliane nằm yên, hi vọng bọn Nga sẽ đi khỏi đây. Cô đã bôi đen
gương mặt và mái tóc vàng của mình để trông già đi ; nhưng cô không dám liều.
Cô cứ nằm yên dưới sofa.
Trong căn hầm bên cạnh có hai người già.
Chợt Juliane nghe tiếng một người sợ hãi thét. “Nó ở trong đó! Trong đó! Dưới
ghế sofa ấy.” Juliane bị kéo ra khỏi chỗ trốn, cô đứng run rẩy vì sợ hãi. Bọn
lính Nga xì xồ nói chuyện một lát, rồi kéo nhau đi hết, chỉ còn một tên ở lại.
Sau này cô kể, “Gã đó là một sĩ quan trẻ tuổi, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, vì đèn
pin của hắn chói quá nên tôi cũng chỉ thấy được thế.” Cử chỉ của hắn mang ý
nghĩa không lẫn vào đâu được. Cô lùi lại; hắn liền sấn tới. Hắn cười, rồi bắt
đầu lột quần áo của Juliane “dịu dàng mà mạnh bạo.” Cô vùng vẫy. Juliane kể,
“Cũng không dễ dàng gì cho hắn. Một tay thì cầm đèn pin, rồi lại phải liên tục
ngó chừng đằng sau phòng hờ có ai tập kích bất ngờ, đúng kiểu đa nghi điển hình
của bọn Nga.”
Dần dà, bất chấp những nỗ lực của cô,
hắn cũng lột sạch được Juliane. Cô cố van vỉ, nhưng không biết nói tiếng Nga.
Cuối cùng cô bắt đầu khóc và sau đó quỳ xuống, van xin hắn hãy để cô yên. Tên
lính Nga trẻ tuổi cứ nhìn cô chằm chằm. Juliane ngừng khóc, cô đứng dậy và thử cách
khác; cô bắt đầu nói một cách kiên quyết và lịch sự. Cô kể, “Tôi bảo hắn là thế
này không đúng. Người ta không làm như thế.” Tên lính Nga bắt đầu bực mình. Cô
gái lại nức nở, cô gần như đã khỏa thân. Cô khóc, “Tôi không yêu anh! Thế này
chả ích gì! Tôi không yêu anh!” Đột nhiên gã đó “A” một tiếng đầy vẻ phẫn nộ,
rồi lao ra khỏi hầm.
Sáng hôm sau, Juliane cùng một cô gái
khác chạy trốn tới một nữ tu viện do các xơ dòng Dominica điều hành; cả hai
trốn trên gác xép suốt bốn tuần kế tiếp. Sau này Juliane nghe tin Rosie Hoffman
bạn cô và mẹ đều bị cưỡng hiếp, hai người từng thề sẽ tự tử khi quân Nga tới.
Cả hai đã uống thuốc độc (*).
Tại quận Reinickendorf, thầy giáo Gerd
Buchwald thấy quân Liên Xô đang điên cuồng chạy. Căn hộ của ông bị mấy nữ Hồng
quân lục soát, bọn họ “cứ như bị nam châm hút vào mấy bộ quần áo của vợ tôi.
Bọn họ lấy những thứ mình muốn rồi đi mất.” Ông đốt hết những gì còn lại, tháo
rời khẩu súng lục của mình và giấu ngoài vườn. Tối hôm đó, một nhóm lính Nga
xuất hiện. Cả bọn đều đã say khướt. Bọn chúng hét lên với Buchwald bằng tiếng
Đức, “Đàn bà! Đàn bà!” Ông mỉm cười thân thiện với cả đám. “Tôi đã hai ngày
liền không cạo râu, đầu tóc thì bù xù, nên có lẽ lời tôi nói dễ tin, vì tôi
trông già đi nhiều. Tôi đứng dậy, gi ang hai t ay và nói, “Đàn bà không còn.’”
Có vẻ chúng hiểu là vợ ông đã chết. Buchwald nằm dài trên sofa, còn cả đám thì
nhìn quanh quất, lấy một cái dây đeo lưng quần của ông rồi biến mất tăm. Sau
khi bọn chúng đi khỏi, Buchwald cài cửa lại. Ông đẩy chiếc sofa ra , và giúp bà
vợ Elsa chui ra khỏi cái hố đường kính gần 1 mét ông đào dưới nền nhà xi măng.
Suốt mấy tuần lễ kế tiếp, đêm nào bà cũng ngủ trong đó.
Tiến sĩ Gerhard Jacobi, linh mục của nhà
thờ Kaiser Wilhelm cũng thành công giấu được vợ mình. Dù nhiều phụ nữ bị lôi ra
khỏi hầm nhà ông và bị cưỡng hiếp, ông đã khéo léo che giấu vợ bằng một cái
chăn. Ông ngủ phía ngoài một chiếc ghế dài hẹp, còn vợ ông thì nằm bên trong.
Chân của bà hướng vào đầu ông. Phủ cái chăn dày lên trên, không ai phát hiện ra
được.
Ở Wilmersdorf, Ilse Antz, cùng em gái cô,
Anneliese và mẹ ban đầu có ấn tượng tốt với Hồng quân, và bọn họ không bị phiền
nhiễu gì trong một thời gian. Rồi một đêm nọ, ngay trước khi trời hửng sáng,
Anneliese đang ngủ với mẹ thì bị lôi ra khỏi giường. Cô la hét ầm ĩ, nhưng vẫn
bị lôi lên lầu một căn hộ, tại đó cô bị một tên sĩ quan Liên Xô cưỡng hiếp đầy
thô bạo. Xong chuyện, gã vò tóc cô và nói, “Người Đức tốt.” Gã bảo cô không
được nói với ai là có một sĩ quan Nga đã cưỡng hiếp mình. Hôm sau, một tên lính
đi tới và trao cho cô một hộp thức ăn.
Không lâu sau đó, lại có một tên lính
khác để ý Ilse. Hắn đi vào nhà, hai tay hai khẩu súng lục. Cô kể, “Tôi ngồi
trên giường và tự hỏi không biết hắn định giết mình bằng khẩu bên phải hay bên
trái.” Trong căn hầm lạnh lẽo, Ilse đang mặc mấy lớp áo len và quần vải dày.
Hắn vồ lấy cô và bắt đầu lột mấy cái áo len ra.
Rồi hắn chợt hỏi, có vẻ hoang mang, “Mày là lính Đức à?” Ilse nói, “Tôi
chẳng ngạc nhiên mấy. Tôi đói tới mức ốm nhom ốm nhách, trông không ra phụ nữ
nữa.” Nhưng tên lính Nga nhanh chóng phát hiện ra là mình đã lầm. Cô bị hắn
cưỡng hiếp. Khi đi khỏi đó, hắn nói: “Người Đức chúng mày đã làm thế trên đất
Nga đấy.” Lát sau hắn quay lại - cô hết sức ngạc nhiên , khi thấy hắn ngồi bên
giường và bảo vệ cô suốt đêm trước những tên lính Hồng quân thèm khát khác.
………………………………………………
(*).Cả hai đều còn sống. Một bác sĩ
nhanh tay cứu mạng họ.
Sau đó, gia đình Antz bị bạo hành liên
miên. Có lần bọn họ bị đưa ra ngoài, bắt đứng dựa lưng vào tường để xử bắn. Lần
khác, Ilse lại bị cưỡng hiếp. Họ bắt đầu nghĩ tới chuyện tự tử. Ilse kể, “Giá
mà có thuốc độc, chắc chắn tôi sẽ kết liễu đời mình ngay.”
Trong lúc quân Nga cưỡng hiếp và cướp bóc,
những vụ tự tử xảy ra khắp nơi. Chỉ riêng trong quận Pankow đã có 215 vụ được
ghi nhận trong ba tuần, đa số là phụ nữ. Khi các cha Josef Michalke, Alfons
Matzker và Jesuits trong nhà thờ St.Canisius ở quận Charlot-tenburg thấy người
ta vớt xác một người mẹ và hai đứa con từ dưới sông Hacel lên , bọn họ mới nhận
ra phụ nữ đã bị sự tàn bạo của quân Nga giầy vò tới bậc nào. Người phụ nữ đó đã
buộc hai túi to đầy gạch vào tay, rồi mỗi tay ôm một đứa bé nhảy xuống sông.
Một giáo dân của cha Michalke là
Hannelore von Cmuda, một cô gái 17 tuổi, đã bị một đám Hồng quân say xỉn nhiều
lần cưỡng hiếp; xong xuôi chúng bắn cô ba phát. Bị thương nặng nhưng không
chết, cô được đưa tới nhà xứ đạo bằng một cái nôi, phương tiện vận tải duy nhất
có được. Lúc đó cha Michalke không có nhà, và khi ông quay về thì cô đã biến
mất. Ông tìm Hannelore suốt 24 tiếng sau; cuối cùng ông tìm được cô trong bệnh
viện St. Hildegard. Ông làm các bí tích cuối cùng và ngồi bên giường cô cả đêm
hôm sau, bảo cô đừng lo lắng. Hannelore đã sống sót (một năm sau, cô và mẹ bị
xe tải tông chết).
Margarete Promeist phụ trách một hầm
trú không kích. Bà kể, “Trong hai ngày đêm, từng đợt từng đợt lính Nga ùa vào
hầm cướp bóc và cưỡng hiếp. Người phụ nữ nào không chịu thì sẽ bị giết. Có
người bị bắn chết dù đã chấp nhận. Trong một căn phòng nọ, tôi phát hiện được
xác của sáu hay bảy phụ nữ, vẫn nằm trong tư thế vừa bị cưỡng hiếp xong, đầu
nát bấy.” Bản thân Margarete cũng không thoát, dù bà đã phản đối với tên lính
trẻ rằng “Tôi quá già so với cậu.” Bà thấy ba tên lính Nga tóm lấy một y tá và
giữ chặt lấy cô để tên thứ tư hiếp cô ấy.
Klaus Küster, đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler,
lúc này mặc thường phục, đang nói chuyện với hai sĩ quan Liên Xô ngồi trong một
chiếc xe jeep. Một người nói được tiếng Đức, và nói nhiều tới mức Küster gom
hết can đảm hỏi một câu không được khéo cho lắm. Küster hỏi, “Có thật là lính
Nga cướp bóc và cưỡng hiếp người ta như trên báo nói không?” Viên sĩ quan hào
phóng đưa cậu một gói thuốc lá và nói, “Tôi lấy danh dự sĩ quan đảm bảo với
cậu, người lính Liên Xô sẽ không đụng tới ai dù chỉ một ngón tay. Mấy lời trên
báo toàn là dối trá.”
Hôm sau, Küster thấy ba gã lính Nga tóm
lấy một phụ nữ trên đường General- Barby-Strasse và kéo cô vào một ngôi nhà.
Một tên ra hiệu cho Küster biến đi bằng khẩu súng máy trong tay. Tên thứ hai
giữ lấy người phụ nữ đang la hét và tên thứ ba hiếp cô ấy. Rồi Küster thấy kẻ
hiếp dâm bước ra khỏi cửa. Hắn đã say khướt, mặt đẫm nước mắt. Hắn thét lên,
“Ja bolshoi swinjar“. Küster hỏi viên sĩ quan câu đó nghĩa là gì. Ông ta cười
và nói bằng tiếng Đức: “Nó nghĩa là -Tôi là đồ con heo.’”
Margareta Probst đang ở trong một hầm
trú ẩn ở quận Kreuzberg, do một tên Nazi cuồng tín tên là Möller đào trong một
căn phòng khóa kín. Quân Nga biết được chỗ gã ở, liền cố phá cửa. Möller nói
vọng ra: “Chờ tôi chút. Tôi sắp tự xử rồi.” Đám lính Nga lại cố phá cửa tiếp.
Möller kêu lên: “Chờ tí! Súng bị kẹt đạn.” Rồi có tiếng súng nổ vang lên.
Suốt mấy tiếng sau, trong hầm toàn là
lính Nga đi kiếm gái. Giống như nhiều phụ nữ khác, Margareta cũng cố làm bản
thân trong càng kém hấp dẫn càng tốt. Cô giấu mái tóc dài vàng óng trong chiếc
mũ lưỡi trai, đeo kính râm, bôi i-ốt lên mặt và dán một miếng cao dán to đùng
lên má. Cô không bị làm nhục. Nhưng những người khác thì không được thế. Cô kể,
“Các cô gái đứng túm tụm thành vòng tròn và bị đưa lên các căn hộ trên lầu. Bọn
tôi nghe họ la hét cả đêm - âm thanh đó thậm chí vọng xuống tận dưới hầm.” Sau
này, một bà già 80 tuổi nói với Margareta, có hai tên lính nhét bơ vào miệng
cho bà khỏi kêu, mấy tên còn lại thì thay nhau cưỡng hiếp bà.
Dora Janssen và người vợ góa của cậu lính
cần vụ của chồng mình đều nghĩ bọn họ được dễ thở rồi, nhưng giờ lại không được
ổn cho lắm. Trong căn hầm của họ, người vợ góa Inge đang bị một tên lính cưỡng
hiếp dã man, hắn nói mẹ hắn đã bị quân Đức đem về Berlin sau khi chúng đánh vào
Nga, và từ đó không còn gặp lại được nữa. Dora không bị đụng đến; cô nói mình
bị lao, và thấy đám lính Nga có vẻ rất sợ điều này. Nhưng Inge lại bị hiếp lần
nữa, và bị thương nặng tới mức không đi nổi. Dora chạy ra ngoài đường, tìm một
người trong giống sĩ quan và kể mọi chuyện cho ông ta nghe. Ông ta lạnh lùng
nhìn Dora và nói, “Hồi ở Nga quân Đức còn tệ hại hơn thế này nhiều. Đây đơn
giản là báo thù mà thôi.”
Elena Majewski 17 tuổi, và Vera Ungnad
19 tuổi đã gặp được cả mặt tốt và mặt xấu của quân Nga. Khi cơn lũ cướp bóc và
hãm hiếp dậy sóng quanh công viên Tiergarten, một người lính Nga trẻ tuổi đã
ngủ ngoài cửa hầm của họ để ngăn mấy người đồng đội của họ không vào trong. Hôm
sau anh ta đi mất, bảy tám lính Hồng quân bước vào nhà hai cô gái và yêu cầu
hai người tham dự một buổi tiệc quân Nga đang tổ chức ở nhà bên. Hai cô gái
không còn cách nào khác đành phải chấp nhận; dù sao thì họ thấy cũng không có
lý gì phải sợ. Chỗ tổ chức tiệc hóa ra là trong một căn phòng ngủ, có chừng 13
tên lính trong đó, nhưng thoạt nhìn thì không có gì không ổn. Mấy chiếc giường
bị đẩy vào sát tường để lấy chỗ kê một cái bàn dài, có giá cắm nến bằng bạc,
khăn ăn và đồ thủy tinh đủ cả. Một sĩ quan trẻ tuổi, tóc vàng đang mở máy hát,
phát mấy bản nhạc tiếng Anh. Anh ta cười với hai cô và nói, “Cứ ăn uống thỏa
thích nhé.” Elena ngồi xuống, nhưng Vera đột nhiên muốn đi. Cô chợt hiểu ra đây
không phải là một bữa tiệc đơn thuần như bề ngoài.
Cô cố đi ra ngoài. Mấy tên lính nhe răng
cười và ngăn cô lại. Rồi một tên nói, “Làm với mười ba thằng thì em tiêu đời;
làm với anh thì em không tiêu đâu.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, Vera đã hiểu
lý do của bữa tiệc. Nhưng cô đồng ý đi với tên lính kia: một người rõ ràng tốt
hơn 13 người; như thế dễ trốn hơn. Cô biết rõ từng ngóc ngách trong vùng; cô mà
trốn được thì bọn chúng sẽ không tài nào tìm ra.
Nhưng tên lính đó không để cô có cơ hội.
Hắn túm tóc lôi cô đi tìm một phòng trống, mặc cô vùng vẫy, la hét, cào cấu.
Dọc đường cô vùng ra được và ngáng chân hắn. Rồi cô hất đôi giày cao gót ra để
chạy cho nhanh, cô chạy chân trần trên đám kính và cao su vỡ ra sân sau, chạy
mãi tớ chỗ một tòa nhà đổ nát trên đường Putlitzstrasse. Cô điên cuồng đào một
cái hố giữa đống gạch vụn, đội một cái xô nước bỏ không lên đầu và quyết ở đây
tới lúc chết thì thôi.
Elena thì vẫn còn ở lại bữa tiệc. Cô
không thoải mái lắm, nhưng cô cũng rất đói. Trên bàn có cả mớ trứng cá muối,
hàng đống bánh mì trắng, sô-cô-la và những tảng thịt bò tái đỏ hỏn. Đám lính
Nga còn nốc vodka ừng ực, và càng lúc càng say. Cuối cùng Elena cũng tìm được
dịp. Cô lặng lẽ đứng dậy và bước ra ngoài; vui mừng nhận thấy không ai đi theo.
Nhưng khi qua phòng bên, một tên lính có vẻ lì lợm có bộ ria vểnh tóm lấy cô và
kéo cô vào một căn phòng nhỏ. Hắn ném cô xuống đất và lột bỏ bộ áo liền quần
của cô ra. Cô ngất lịm đi. Hồi lâu sau, cô tỉnh lại, đẩy tên đàn ông say khướt
đang ngủ say ra khỏi người mình và đau đớn lết ra khỏi nhà. Cũng giống Vera,
Elena đi trốn. Cô trốn đằng sau một cái bếp lò lớn trong một căn nhà gần đó.
Rudolf Reschke bé nhỏ, cậu nhóc đã bẻ đầu
con búp bê Hitler, đang cố cứu mẹ mình khỏi bị làm nhục. Một tên lính Nga đang
kéo bà Reschke thì bị vướng vào màn kéo co với Rudolf và cô em gái Christa. Càng kéo tay người mẹ
thì hai đứa trẻ càng níu váy mẹ chúng mạnh hơn và khóc lóc ầm ĩ, “Mẹ ơi! Mẹ
ơi!” Tên lính đành bỏ cuộc.
Có một số phụ nữ thoát một cách đơn
giản, họ đấm đá dữ dội tới mức làm đám lính bỏ cuộc và đi tìm chỗ khác. Jolenta
Koch bị một gã người Nga lừa vào một căn nhà trống vì nghe nói có người bị
thương trong đó. Trong nhà có một tên lính Hồng quân khác tóm lấy cô và định
quăng cô lên giường. Nhưng cô chống trả kinh khủng quá, nên cả hai không chịu được
phải thả cô đi. Người phụ nữ hàng xóm của cô, tên Schulz, thì không được may
mắn như thế. Bà Schulz bị một tên lính chĩa súng đe dọa rồi hãm hiếp ngay trước
mặt chồng và cậu con trai 15 tuổi; ngay khi tên lính Nga vừa đi khỏi, người
chồng điên lên bắn chết vợ con rồi tự sát.
Ở Haus Dahlem, Mẹ bề trên Cunegundes
nghe nói có một bà mẹ ba con bị lôi ra khỏi nhà và bị hãm hiếp cả đêm. Sáng hôm
sau được thả đi; bà vội vàng về với con
thì thấy mẹ và anh trai mình đã treo cổ cả ba đứa nhỏ rồi cũng tự tử.
Thấy vậy người phụ nữ cắt cổ tay tự sát. Các xơ ở Haus Dahlem đang làm việc
không nghỉ. Dân chạy nạn, cùng với hành vi thú tính của bọn lính Nga làm bọn họ
bận bịu hết sức. Một tên lính Nga định hiếp bà bếp Lena người Ukraina, nhưng Mẹ
bề trên Cunegundes chạy tới ngăn , hắn liền điên lên rút súng ra và bắn bà một
phát. May thay, hắn xỉn quá nên bắn trật. Mấy tên lính khác tới khu phụ sản và
cưỡng hiếp những người phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh hết lần này tới lần
khác, mặc cho các xơ ngăn cản. Một xơ kể lại, “Tiếng bọn họ la hét vang vọng cả
ngày lẫn đêm.” Mẹ bề trên Cunegundes nói số nạn nhân bị cưỡng hiếp trong vùng
có cả bà già bảy mươi
lẫn bé
gái mới mươi mười hai tuổi.
Bà chẳng thể làm gì để ngăn chặn các vụ
tấn công tình dục. Nhưng bà cho gọi các xơ và các phụ nữ khác ở trong nhà tới,
và nhắc lại những lời cha Happich từng nói. Bà tiếp tục: “Còn một điều nữa, đó
là sự giúp đỡ của Chúa Phước Lành của chúng ta.Dù gì đi nữa, Chúa đã để Thánh
Michael ở lại đây. Đừng sợ.” Bà chẳng còn biết an ủi gì khác. Ở Wilmersdorf,
người gián điệp của quân Đồng minh, Carl Wiberg và cấp trên của ông, Hennings
Jessen-Schmidt đã thành công trình báo thân phận của họ với quân Nga, giờ đang
nói chuyện với một viên đại tá Nga ở bên ngoài căn nhà của Wiberg thì có một sĩ
quan Hồng quân định cưỡng hiếp vị hôn thê Inge của Wiberg đang ở dưới hầm. Nghe
tiếng cô hét lên, Wiberg vội vàng chạy vào trong; mấy người hàng xóm kêu là kẻ
đó đã đưa cô vào một phòng khác rồi khóa cửa lại. Wiberg và viên đại tá đạp
tung cửa. Quần áo của Inge bị xé rách; còn tên sĩ quan thì chưa. Viên đại tá
tóm lấy hắn và hét, “Amerikanski! Amerikanski!” rồi lôi hắn ra ngoài, lấy súng
lục đập lia lịa không thương tiếc. Ông bắt tên sĩ quan đứng dựa vào tường và
định bắn. Wiberg lao tới chắn giữa hai người và xin viên đại tá tha mạng cho
hắn. Ông nói: “Anh không thể bắn chết người ta như thế được.”
Cuối cùng viên đại tá cũng dịu lại, còn
tên sĩ quan thì bị bắt giam. Vụ tấn công tình dục đáng mỉa mai nhất trong suốt
giai đoạn cướp bóc và cưỡng hiếp này hẳn là vụ xảy ra ở làng Prieros, ngay bên
ngoài vùng ngoại ô phía nam thành phố.
Quân của Koniev đã đi vòng qua làng này,
nên trong một thời gian dài nó không bị chiếm đóng. Nhưng rồi cuối cùng quân
lính cũng tới đây. Bọn chúng phát hiện ra trong đám người Đức này có hai phụ nữ
sống trong một cái thùng gỗ. Else Kloptsch và bạn cô là Hildegard Radusch,
“người đàn ông trong gia đình,” sắp chết đói tới nơi mới đợi được giây phút
này. Hildegard đã cống hiến cả đời mình cho chủ nghĩa Marx: quân Nga đến có
nghĩa là giấc mơ đã thành hiện thực. Khi quân Nga vào làng, một trong những
hành động đầu tiên của bọn chúng là thô bạo cưỡng hiếp người cộng sản Hildegard
Radusch(*).
Quân Nga đã hóa điên. Tại nhà kho của
Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế ở Babelsberg, gần Potsdam , nơi các tù nhân chiến tranh
người Anh đang làm việc, một toán Hồng quân say xỉn hung hăng phá hủy hàng nghìn gói thuốc, dụng
cụ y tế và thức ăn đặc biệt dành cho binh sĩ bị thương, hạ sĩ John Aherne kể,
“Bọn chúng bước vào, xuống một căn hầm, thấy ở đó hàng đống hàng lớn, thế là
chúng lấy tiểu liên nã liên hồi vào đó. Mấy chất lỏng đủ loại chảy ra từ các
gói hàng nát be bét. Thật không thể tin nổi.”
Cạnh nhà kho là xưởng phim UFA rộng
lớn. Alexander Korab, một du học sinh tại Berlin đứngs nhìn hàng trăm tên lính
say xỉn ùa vào một tiệm bán đồ hóa trang rồi khoác đủ thứ kỳ quặc ra ngoài
đường, từ áo chẽn Tây Ban Nha có cổ xếp nếp màu trắng cho tới quân phục
Napoleon và mũ, có cả những chiếc váy phồng. Bọn chúng bắt đầu nhảy múa ngoài
đường, có người thổi accordion đệm theo, rồi chúng bắn chỉ thiên - ngay giữa
lúc trận chiến vẫn còn rất khốc liệt.
Có vẻ như hàng nghìn người lính Hồng quân
chưa từng tới một thành phố lớn nào. Bọn họ tháo bóng đèn ra và cẩn thận gói
lại để đem về nhà, cứ tưởng là nó có ánh sáng bên trong và để ở đâu cũng sáng
được. Vòi nước cũng bị giật ra khỏi tường cũng vì lý do đó. Nhiều người thấy hệ
thống nước trong phòng tắm là cả một điều huyền bí; đôi khi còn dùng toilet để
rửa mặt và gọt khoai tây, nhưng bọn họ chịu không biết bồn tắm dùng để làm gì.
Hàng nghìn cái bồn tắm bị quăng ra ngoài cửa sổ. Vì binh lính không biết nhà
tắm dùng để làm gì, mà lại không tìm được nhà xí bên ngoài, thế là bọn họ phóng
uế bừa bãi khắp nơi. Có một số cũng có chút cố gắng: Gerd Buchwal đã phát hiện
ra là “có chừng một tá chai lọ của vợ tôi bỗng đầy ắp nước tiểu, mấy cái nắp
thủy tinh còn được cẩn thận vặn lại như cũ.”
Tại nhà máy hóa chất Schering ở quận
Char-lottenburg, tiến sĩ Georg Henneberg kinh hoàng phát hiện ra là quân Nga đã
đột nhập vào phòng thí nghiệm của ông và đang chơi tung hứng bằng mấy quả trứng
thí nghiệm đã bị nhiễm khuẩn sốt mò.
Henneberg phát cuồng lên, cuối cùng cũng
tìm được một viên đại tá Nga để ra lệnh cho đám lính ra khỏi tòa nhà và khóa
cửa lại.
***************
……………………
(*). Người Nga không phủ nhận các vụ
cưỡng hiếp xảy ra trong quá trình Berlin sụp đổ, dù bọn họ có vẻ khá bao che.
Lịch sử Liên Xô thừa nhận là đã không kiểm soát được quân lính, nhiều người còn
cho là những hành vi tàn ác nhất là do các cự tù binh chiến tranh thực hiện,
bọn họ được quân đội Liên Xô giải phóng trên đường tiến về sông Oder, và đầu óc
bọn họ toàn chuyện báo thù. Về các vụ cưỡng hiếp, biên tập viên Pavel
Troyanoskii của tờ báo quân đội Sao đỏ nói với tác giả: “Đương nhiên chúng tôi
không phải trăm phần trăm đều là quí ông, chúng tôi đã phải chứng kiến quá
nhiều thứ”. Một biên tập khác của tờ Sao đỏ nói: “Chiến tranh là chiến tranh,
và điều chúng tôi đã làm chẳng là gì so với những thứ bọn Đức đã làm ở Nga”.
Trong cuốn trò chuyện với Stalin, Milovan Djilas, trưởng đoàn Phái bộ Quân sự
Nam tư tại Moscow trong suốt cuộc chiến, đã viết rằng ông từng trách móc Stalin
về các tội ác mà Hồng quân đã thực hiện ở Nam tư. Stalin đáp: “Một người lính
sau khi vượt qua hàng ngàn cây số, trải qua bao nhiêu máu lửa thì chơi đùa với
một người phụ nữ hay lấy vài món đồ thì có là gì chứ, anh không hiểu à?”.
Giữa tình trạng bạo lực và cướp bóc vô
nghĩa đó, trận chiến vẫn diễn ra khốc liệt. Nằm ở trung tâm trận chiến chính là
căn hầm Führerbunker và cư dân của nó, đã bị lực lượng phòng thủ đang bị ép ra
bã và dân chúng đang hoảng loạn quên béng đi mất .
Cuộc sống trong hầm giờ cứ như trong
mộng, chẳng có chủ đích gì. Gertrud Junge, thư ký của Hitler kể lại, “Những
người còn ở lại cứ tiếp tục chờ có quyết định gì không, nhưng chẳng có gì cả.
Bản đồ nằm lung tung trên bàn , cửa nào cũng mở toang hoác, không ai ngủ nổi
nữa, cũng chẳng còn ai biết ngày tháng giờ giấc gì nữa. Hitler không thể chịu
nổi nếu phải ở một mình; ông ta cứ đi lên đi xuống qua mấy căn phòng nhỏ và nói
chuyện với tất cả những ai còn ở lại. Ông ta nói về cái chết sắp tới của mình
và cái kết đang đến gần.
Đồng thời, gia đình Goebbels đã chuyển vào
hầm, mấy đứa nhỏ chơi đùa và hát cho “cậu Adolf“ nghe. Có vẻ như không còn ai
nghi ngờ gì về ý định tự sát của Hitler nữa ; ông ta nói chuyện này suốt. Mọi
người cũng biết là Magda and Joseph Goebbels đều định tự sát - và cả sáu đứa
con của họ là Helga, Holde, Hilde, Heide, Hedda và Helmuth cũng vậy. Những
người duy nhất không biết có lẽ là chính bọn trẻ. Chúng nói với Erwin Jakubek,
một người hầu bàn trong hầm là chúng sẽ bay một chuyến khá dài đi khỏi Berlin.
Cô con cả Helga nói: “Bọn cháu sẽ tiêm một mũi phòng say máy bay.”
Bà Goebbels bị đau răng, bà cho gọi bác
sĩ Helmut Kunz, viên nha sĩ làm việc trong bệnh viện lớn nằm ở dưới hầm của
Dinh Thủ tướng. Ông nhổ cái răng hàm ra, và sau đó bà nói: “Không thể để bọn
trẻ bị quân Nga bắt sống. Nếu điều xấu hơn biến thành xấu nhất và chúng ta
không thể thoát được thì anh phải giúp tôi.”
Khi nghe nói Kunz đã nhổ răng cho Magda,
Eva Braun cũng bảo ông giúp cô ta chữa mấy cái răng. Rồi chợt nhớ ra, cô nói:
“Ồ, tôi quên mất. Làm thế ích gì cơ chứ? Chỉ mấy tiếng nữa là tất cả chấm dứt
rồi còn đâu!”
Eva định dùng thuốc độc. Cô lấy ra một
viên cyanua và nói, “Đơn giản lắm - chỉ cần cắn một phát và mọi chuyện sẽ kết
thúc.” Ludwig Stumpfegger, một bác sĩ của Hitler lúc đó cũng có mặt, ông nói:
“Nhưng làm sao cô biết nó sẽ có tác dụng? Sao cô biết trong đó có độc?” Câu này
khiến mọi người choáng váng, lập tức người ta lấy một viên cho chú chó Blondi
của Hitler uống thử. Kunz kể, Stumpfegger lấy một cái kẹp bóp vỡ viên thuốc và
cho vào miệng chú chó; nó chết ngay tức khắc.
Cú đòn cuối cùng giáng xuống Hitler vô
tình được đưa tới vào chiều ngày 29/4, do một người đàn ông ngồi bên máy đánh
chữ cách đó gần 8.000 dặm, tại thành phố San Francisco gây ra. Người đó là Paul
Scott Rankine, phóng viên tờ Reuters, đang ở thành phố này để thu thập tin tức
về hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc. Hôm đó, ông nghe Cục trưởng Cục Thông tin
Anh quốc, Jack Winocour - và ông này thì nghe tin từ Bộ trưởng Bộ ngoại giao Anh
quốc Anthony Eden- nói là Himmler đã đề nghị được đầu hàng quân Đồng minh.
Rankine liền viết bài về chuyện này, và chỉ trong vài phút sau nó được truyền
trên toàn thế giới.
Bài báo đã khiến Hitler mơ hồ nghĩ về sự
phản bội của Himler. Tin này đến tai ông
ta vào đầu buổi tối, trong lúc ông ta đang họp với Weidling, Krebs, Burgdorf,
Goebbels và trợ lý của Goebbels là Wener Naumann. Theo Weidling kể lại , “
Naumann được gọi đi nghe điện thoại, mấy phú sau ông ta quay lại. Ông ta nói
với bọn tôi là đài phát thanh Stockholm có một bài phóng sự nói là Thống chế SS
Himmler đã bắt đầu đàm phán với Bộ Chỉ huy Tối cao của liên quân Anh-Mỹ.”
Hiler lảo đảo, mặt xám như tro tàn.
Weidling nói, ông ta “nhìn Goebbels một hồi lâu rồi lẩm bẩm gì đó nhỏ tớ mức
không ai nghe được.” Ông ta trông có vẻ choáng váng. Gertrud Junge nói, “Sau đó
tôi có gặp Hitler. Ông ta xanh mét, đôi mắt trống rỗng và nhìn như thể đã mất
hết tất cả.” Quả đúng là vậy. Eva Braun nói với Gertrud và một thư ký khác của
Hitler, “Đêm nay chúng ta chắc chắn sẽ phải rơi lệ.”
Viên sĩ quan liên lạc của Himmler ở
Führerbunker, Trung tá SS Hermann Fegelein, anh rể của Eva Braun, lập tức bị
nghi ngờ là đồng lõa phản bội với Himmler. Fegelein đã biến mất khỏi hầm mấy
ngày nay; người ta mở cuộc tìm kiếm và phát hiện ra ông ta đang ở nhà, mặc
thường phục và chuẩn bị rời khỏi Berlin. Ông ta buộc phải quay lại hầm và bị
giam lại. Hitler kết luận là việc Fegelein định đi khỏi Berlin hẳn có liên quan
với tội phản bội của Himmler. Theo Đại tá SS Otto Günsche kể, “Fegelein bị tòa
án quân sự tuyên án tử và bị bắn đêm hôm đó. Cô em vợ của ông từ chối cầu tình
cho ông ta.”
Giờ đây, Hitler thấy rõ là chiến tranh
đã gần đến hồi kết. Đến rạng đông, ông ta đã để lại di chúc chính trị cũng như
cá nhân của mình, giao cái chính phủ đổ nát cho Đô đốc Karl Doenitz làm Tổng
thống và Joseph Goebbels làm Thủ tướng. Ông ta cũng kết hôn với Eva Braun.
Gertrud Junge kể, “Sau buổi lễ, Hitler
và cô dâu ngồi lại chừng một giờ với vợ chồng Goebbels, các tướng Krebs và
Burgdorf, tiến sĩ Naumann và Đại tá Không quân Nicolaus von Below.” Gertrud
Junge chỉ ở lại với bọn họ chừng 15 phút, vừa đủ để “bày tỏ những lời chúc tốt
đẹp nhất của mình dành cho cặp đôi mới cưới.” Cô nói, “Hitler nói về cái kết
của Chủ nghĩa Quốc xã, mà ông nghĩ rằng sẽ khó lòng hồi sinh trở lại, và nói,
‘Đối với tôi, cái chết chỉ là sự giải thoát khỏi cuộc sống gian nan phiền muộn
này mà thôi. Tôi đã bị những người bạn thân thiết nhất lừa dối và nếm trải mùi
vị của sự phản bội.’”
Cũng trong ngày hôm đó, Hitler lại nhận thêm
tin xấu: Mussolini và phu nhân đã bị quân kháng chiến bắt và đem treo cổ. Đêm
đó, Hitler nói lời vĩnh biệt mọi người trong hầm.
Ngày hôm sau, khi xe tăng Nga chỉ còn
cách đó không đầy nửa dặm, ông ta quyết định là đã tới lúc. Hitler dùng bữa
trưa với hai viên thư ký và người đầu bếp chuyên nấu món chay; anh hầu bàn
Erwin Jakubek kể, bữa ăn cuối cùng là “mì ống Ý với sốt.”
Hitler nói thêm mấy lời vĩnh biệt sau
bữa ăn; ông ta nói với Gertrud Junge: “Giờ mọi chuyện đã đi quá xa rồi, thôi
coi như hết. Vĩnh biệt.” Eva Braun ôm
choàng lấy cô thư ký và nói: “Cho tôi gửi lời chào đến Munich (*), và hãy lấy
chiếc áo khoác lông của tôi làm kỷ niệm nhé - tôi luôn thích những ai ăn mặc
đẹp.” Sau đó hai người vào trong phòng riêng. Đại tá Otto Günsche đứng ngoài
cửa căn phòng nghỉ dẫn vào dãy phòng của Hitler. Sau này ông kể, “Đó là chuyện
khó khăn nhất tôi từng làm. Lúc đó chừng 3:30 hay 3:40 gì đó. Tôi cố kiểm soát
cảm xúc của mình. Tôi biết ông ấy phải tự sát thôi. Không còn cách nào nữa.”
Trong lúc chờ đợi, bầu không khí xuống
tới cực điểm trong một quãng ngắn. Magda Goebbels đột nhiên lao tới chỗ ông,
đòi gặp Quốc trưởng, trông bà có vẻ hoảng loạn. Không thuyết phục nổi bà,
Günsche đành gõ cửa phòng Hitler. “Quốc trưởng đang đứng trong phòng làm việc.
Eva không có trong phòng, nhưng trong phòng tắm có tiếng nước chảy nên tôi đoán
cô ấy chắc đang trong đó. Ông ấy cực kỳ giận dữ khi thấy tôi đi vào. Tôi hỏi
ông ấy có muốn gặp bà Goebbels hay không. Ông ấy nói, ‘Tôi không muốn nói gì
với bà ấy nữa hết. ’ Thế là tôi đi ra.
Năm phút sau tôi nghe có tiếng súng nổ.
“Bormann đi vào trước. Rồi tôi theo sau
cô hầu phòng Linge. Hitler đang ngồi trên ghế. Eva thì nằm trên chiếc tràng kỷ.
Gương mặt Hitler toàn là máu. Ở đó có hai khẩu súng. Một là khẩu Waltherpp PPK.
Nó là của Hitler. Cái kia là một khẩu súng lục nhỏ mà ông ấy luôn bỏ trong túi
. Eva mặc một chiếc đầm màu xanh lam, cổ áo và tay áo màu trắng. Mắt cô mở lớn.
Mùi cyanua nồng nặc. Cái mùi đó nồng tới mức tôi nghĩ quần áo tôi sẽ bị ám mùi
suốt mấy ngày mất – nhưng có thể là do tôi tưởng tượng thế thôi.
“Borman không nói gì, nhưng tôi thì lập tức
đi qua phòng họp, Goebbels, Burgdorf và những người khác mà tôi không nhớ nữa
đang ngồi trong đó. Tôi nói, ‘Quốc trưởng đã chết rồi.’”
Một lát sau, cả hai cái xác được lấy mền
cuốn lại và đặt trong một cái hố bên ngoài cửa hầm, gần một cái máy trộn bê
tông bỏ không. Chúng tôi tưới đẫm xăng lên và châm lửa. Người lái xe của
Hitler, Erich Kempka thấy dù hai các xác đang cháy bừng bừng nhưng “chúng tôi
vẫn bị giam hãm trong sự hiện hữu của Hitler.”
Đường ống thông hơi trong hầm mang mùi xác
cháy vào trong phòng và không thoát ra được. Kempka kể, “Chúng tôi không làm
sao tránh được. Nó giống như mùi thịt heo muối bị cháy.”
……………………….
(*) Eva Braun quê ở Munich - ND.
Khi hoàng hôn xuống, vị thủ tướng mới,
Joseph Goebbels ra quyết định trọng đại đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức:
ông ta quyết định thử đàm phán đầu hàng theo điều kiện của riêng mình. Một bức
điện vô tuyến được gửi qua tần số của Liên Xô, yêu cầu gặp mặt. Không lâu sau
đó, phía Nga hồi âm; bọn họ đồng ý gặp người đại diện, và chỉ định một chỗ cho
các sĩ quan Đức có thể đi qua trận tuyến của Nga.
Lúc gần nửa đêm, Đại tướng Hans Krebs
và Tham mưu trưởng của Weidling là Theodor von Dufving (vừa được thăng hàm đại
tá) băng qua đống đổ nát, có một phiên dịch và hai người lính đi cùng, bước vào
trận địa của Liên Xô. Bọn họ gặp mấy người lính yêu cầu trình ủy nhiệm thư và
muốn tước súng của họ. Krebs lạnh lùng nói, ông vốn giỏi tiếng Nga: “Một đối
thủ can đảm sẽ để người ta mang theo vũ khí trong lúc đàm phán.” Mấy người lính
Nga lúng túng và cho phép họ giữ lại vũ khí tùy thân.
Bọn họ được xe hơi chở tới một căn nhà ở
Tempelhof, rồi được đưa vào một phòng ăn nhỏ. Đồ đạc ở đây vẫn còn dấu vết của
những người dân thường từng sống trong nhà - một cái bàn dài, một tủ quần áo to
đùng sát tường, mấy cái ghế, và trên tường treo một bản in thạch bản của bức
tranh “Bữa ăn cuối cùng” của Leonardo da Vinci.
Trong phòng còn có vài cái điện thoại dã
chiến. Krebs và Von Dufving thấy nơi này toàn sĩ quan cao cấp. Không có chào
hỏi gì cả và mấy người Nga cũng không tự giới thiệu. Do đó, Krebs không biết
người ngồi đối diện mình chính là Thượng tướng Vasili Ivanovich Chuikov danh
tiếng, người từng phòng thủ Stalingrad và là tư lệnh Tập đoàn quân Cận vệ 8.
Ông cũng không biết các “sĩ quan” Nga gồm hai phóng viên chiến trường, viên sĩ
quan phụ tá (và cũng là em vợ) của Chuikov cùng với hai phiên dịch viên. Sự
thật là thế này, Chuikov quá bất ngờ trước lời đề nghị gặp mặt đột ngột này nên
không kịp tập hợp đủ ban tham mưu của ông (*).
Ban đầu Krebs yêu cầu được gặp riêng
“trưởng đoàn đàm phán Liên Xô.” Chuikov lấy một điếu xì gà Nga dài trong cái
hộp trước mặt và châm lửa hút, nhẹ nhàng chỉ vào những người ngồi quanh mình và
nói, “Đây là ban tham mưu của tôi - hội đồng chiến tranh của tôi.” Krebs vẫn
phản đối, nhưng cuối cùng cũng bỏ cuộc. Ông nói, “Nhiệm vụ của tôi là truyền
tải thông điệp cực kỳ quan trọng mang tính tuyệt mật. Tôi muốn ngài biết điều
này, ngài là người ngoại quốc đầu tiên hay tin Hitler đã tự sát vào ngày 30/4.”
Đây quả là tin mới đối với Chuikov,
nhưng ông nói mà không hề chớp mắt, “Chúng tôi biết rồi.” Krebs choáng váng.
Ông hỏi, “Sao các anh biết được? Hitler chỉ mới tự sát cách đây mấy tiếng đồng
hồ.” Hitler đã kết hôn với Eva Braun vào ngày 29; cô ta cũng đã tự sát, xác của
hai người được hỏa thiêu và đem chôn. Ông giải thích, chuyện này xảy ra trong
hầm Führerbunker. Chuikov tiếp tục che giấu sự ngạc nhiên của mình. Ông và
những người khác trong bộ chỉ huy Liên Xô không hề hay biết chút gì về một nơi
như thế, họ cũng chưa từng nghe nói tới Eva Braun.
Rồi bọn họ bắt đầu đàm phán khá căng
thẳng. Krebs nói với Chuikov là Hitler có để lại di chúc, chỉ định người kế
nhiệm, rồi ông đưa bản sao di chúc cho Chuikov xem. Ông nói, vấn đề là không
thể đầu hàng một cách hoàn chỉnh được, vì tân Tổng thống Doenitz không có ở
Berlin.
Krebs đề nghị, bước đầu nên tạm ngừng
bắn hoặc đầu hàng sơ bộ trước - sau đó có lẽ chính phủ Doenitz sẽ đàm phán trực
tiếp với Nga. Nhưng đề nghị gây chia rẽ nội bộ quân Đồng minh này đã bị Chuikov
thẳng thừng từ chối sau một cuộc điện thoại ngắn gọn cho Zhukov (Quyết định này
sau được Moscow xác nhận).
Cuộc đàm phán kéo dài cả đêm. Đến bình
minh, tất cả những gì Krebs đạt được từ phía Ng a là một yêu cầu duy nhất:
thành phố cần đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức, thêm vào đó, cá nhân những ai
đang ở trong hầm cũng cần đầu hàng.
Trong khi Krebs ở lại tranh cãi với
Chuikov, Von Dufving đi một chuyến mạo hiểm xuyên qua trận tuyến, trong đó ông
bị một toán SS nhắm bắn và được một viên trung tá người Nga kéo vào chỗ an
toàn. Cuối cùng ông cũng về được Führerbunker và nói với Goebbels là Nga đòi
đầu hàng vô điều kiện. Goebbels bắt đầu kích động. Ông ta kêu lên, “Tôi sẽ
không bao giờ, không bao giờ chấp nhận điều đó.”
Vì cả hai bên đều ngoan cố, thế là cuộc
đàm phán tan vỡ. Cả hầm đều hoảng sợ. Có vẻ như mọi khẩu súng Nga trong quận
đều nhắm vào Dinh Thủ tướng; sau này Von Dufving đoán đó là hệ quả trực tiếp
của việc Krebs để lộ vị trí của căn hầm. Những người bị bao vây trong
Führerbunker chỉ còn lại hai phương án: hoặc tự sát, hoặc đột phá. Mọi người
lập tức lên kế hoạch. Bọn họ sẽ đi thành từng nhóm nhỏ qua hệ thống đường hầm
và hầm ngầm phức tạp nằm bên dưới Dinh Thủ tướng. Từ đó, bọn họ sẽ đi theo hệ thống
đường tàu điện ngầm tới ga Friedrichstrasse, hi vọng sẽ gặp được một đội quân
nào đó dẫn họ lên phía bắc. Sau này, trợ lý của Goebbels, Werner Naumann kể
lại, “Một khi chúng tôi vượt qua được vòng vây của quân Nga ở bờ bắc sông Spree
thì chắc chắn là có đi hướng nào cũng an toàn.”
Một số người chọn giải pháp còn lại.
………………………………………….
(*).Ngoài hai phóng viên chiến trường
mà Chuikov mời tới, còn có mặt một nhạc sĩ Liên Xô ghé qua, đó là Matvei
Issakovich Blanter, do Stalin đưa tới để viết một bản giao hưởng kỷ niệm cho
chiến thắng Berlin.Hai phóng viên hỏi viên tướng phải làm gì với ông nhạc sĩ,
và Chuikov nói: “Cứ dẫn ông ta theo”. Nhưng khi Blanter đến nơi, ông ta lại mặc
thường phục nên không được cho vào. Người ta nhét vội ông vào phòng để đồ cạnh
phòng họp. Ông ở trong dó gần hết cuộc họp. Ngay trước khi mấy vị khách đi
khỏi, ông ngất xỉu vì thiếu dưỡng khí và ngã vào trong phòng làm mấy người Đức
giật mình.
Cả gia đình Goebbels chọn cách tự tử.
Werner Naumann đã cố thuyết phục Magda Goebbels nhiều tuần nay, nhưng bà rất
kiên định. Giờ đã đến lúc. Khoảng 8 giờ rưỡi ngày 1/5, Naumann đang nói chuyện
với hai vợ chồng Goebbels thì đột nhiên Magda “đứng dậy và đi vào phòng bọn
trẻ. Một lát sau bà ta quay lại, mặt trắng bệch và run lẩy bẩy.” Gần như ngay
tức khắc, Goebbels nói lời vĩnh biệt.
Naumann kể, “Ông ấy nói riêng vài lời
với tôi - không phải chuyện chính trị hay về tương lai gì cả, chỉ là vĩnh biệt
mà thôi.” Khi Goebbels ra khỏi hầm, ông ta bảo viên phụ tá Guenther
Schwägermann hãy thiêu xác ông và cả nhà sau khi họ chết. Rồi Naumann thấy
Joseph và Magda Goebbels đi lên cầu thang, ra ngoài vườn. Goebbels đội mũ lưỡi
trai và đeo găng tay. Magda thì “run tới
mức đi lên không nổi.” Sau đó không có ai gặp hai người bọn họ nữa.
Bọn trẻ cũng đã chết , mà thủ phạm thì
thật khó tin. Naumann nói: “ Vào thời khắc cuối cùng, trước khi Joseph và Magda
Goebbels tự kết liễu, chỉ có một người vào phòng bọn trẻ, và đó chính là
Magda.”
Số trốn đi cũng không khá khẩm hơn là
mấy. Một số người bị giết. Số còn lại thì rơi vào tay quân Nga chỉ sau vài
tiếng đồng hồ; người cảnh vệ của Hitler, Otto Günsche bị giam trong nhà tù Liên
Xô 12 năm. Một số bị thương - như viên phi công Hans Baur chẳng hạn, anh ta
mang theo bức chân dung Frederick Đại đế mà Hitler tặng, rồi một quả pháo nổ
làm anh ta mất một chân, và khi tỉnh dậy trong một bệnh viện của Nga thì bức
tranh không còn nữa. Những người khác, như Martin Bormann thì biến mất đầy bí
ẩn. Chỉ có vài người thực sự trốn được-hoặc ít ra là rơi vào tay quân Anh-Mỹ.
Có ba người ở lại trong hầm và tự sát:
phụ tá của Hitler, tướng Burgdorf; Tham mưu trưởng OKH, tướng Hans Krebs, và
viên đại úy SS Franz Schedle thuộc đội cảnh vệ của hầm.
Hiện tại, khi mà các quan chức khác đều
đã đi khỏi, toàn bộ trách nhiệm về sự an toàn của thành phố, của lực lượng
phòng thủ và người dân đều rơi lên vai một người - Đại tướng Karl Weidling. Giờ
đây, Berlin chìm trong trận hỏa thiêu dữ dội. Quân đội đã bị đẩy lui vào tận
trung tâm thành phố. Xe tăng chạy dọc trên các đại lộ Unter den Linden và
Wilhelmstrasse. Giao tranh diễn ra trên toàn công viên Tiergarten và sở thú.
Pháo binh Nga đang oanh tạc thành phố từ đại lộ Đông-Tây. Quân lính có mặt tại
các ga tàu điện ngầm ở quảng trường Alexanderplatz và đường Friedrichstrasse,
và một cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra trong tòa nhà Quốc hội. Weidling
thấy chẳng thể làm gì khác ngoài chuyện đầu hàng. Ông thấy nên nói cho người
của mình biết. Ông mở một cuộc họp với các vị tư lệnh của mình và giải thích
tình hình. Weidling kể, “Tôi trình bày với bọn họ những việc vừa xảy ra trong
24 giờ qua và nêu kế hoạch của mình. Cuối cùng tôi để từng người lựa chọn xem
có cách nào khác hay không, nhưng bọn họ cũng chẳng còn giải pháp nào nữa. Tuy
nhiên, ai muốn thử bỏ trốn thì có thể làm theo ý mình.”
Gần một giờ sáng ngày 2/5, Sư đoàn Bộ
binh Cận vệ 79 của Hồng quân nhận được một thông điệp trên radio. Người đó nói,
“Xin chào, xin chào. Đây là Quân đoàn Thiết giáp 56. Chúng tôi yêu cầu ngừng
bắn. Vào lúc 12:15 theo giờ Berlin, chúng tôi đã cử người đàm phán ngừng bắn
tới cầu Potsdam. Dấu hiệu nhận biết là một lá cờ trắng. Chờ hồi âm.”
Phía Nga trả lời: “Đã hiểu. Đã hiểu.
Đang chuyển đề nghị của các anh tới Tham mưu trưởng.”
Khi nhận được bức điện, tướng Chiukov
lập tức ra lệnh ngừng bắn. Vào lúc 12:15 ngày 2/5, Đại tá von Dufving, tham mưu
trưởng của Weidling cùng hai sĩ quan nữa mang theo một lá cờ trắng đi tới cầu Potsdam. Bọn họ được đưa tới bộ chỉ huy của
Chuikov
Lát sau Weidling tới . Ngày hôm đó, loa
phát thanh trên toàn thành phố thông báo chiến sự chấm dứt.
Lệnh của tướng Weidling viết, “Mỗi giờ
xung đột chỉ làm tăng thêm số thương vong, tăng thêm nỗi thống khổ của cư dân
Berlin... Tôi ra lệnh lập tức ngừng bắn.” Dù xung đột lẻ tẻ vẫn xảy ra trong
nhiều ngày tới, nhưng trận chiến Berlin đã chính thức chấm dứt. Người đi trên
Quảng trường Dân chủ ngày hôm đó thấy cờ đỏ bay phấp phới trên nóc tòa nhà Quốc
hội. Nó đã cắm trên đó ngay từ khi chiến sự còn đang diễn ra, vào đúng 1:45
chiều ngày 30/4.
Dù quân Nga đã biết là hầm Führerbunker
nằm ngay bên dưới Dinh Thủ tướng nhưng bọn họ cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ
mới tìm được. Người đi đường bị tóm lại và bị bảo chỉ đường cho đội tìm kiếm.
Nhiếp ảnh gia Gerhard Menzel là một trong số đó. Anh chưa từng nghe nói đến căn
hầm. Nhưng anh vẫn đi cùng một tốp lính vào Dinh Thủ tướng đổ nát.
Trong mê cung hầm ngầm, các kỹ sư Nga và
đội dò mìn dẫn đường. Mỗi khi thăm dò xong một căn phòng hay hành lang nào đó,
mấy người lính lại nhặt nhạnh giấy tờ, tài liệu và bản đồ. Menzel đột nhiên
được tặng một cặp ống nhòm mới tìm được và được thả cho đi. Bọn họ đã tới được
Führerbunker.
Những cái xác đầu tiên tìm được là của
tướng Burgdorf và tướng Krebs. Hai người nằm trong phòng khách của hành lang,
ngồi bên một cái bàn dài toàn ly và chai rượu. Cả hai đều tự sát bằng súng,
nhưng có thể nhận diện được qua giấy tờ cất trong quân phục của họ.
Thiếu tá Boris Polevoi, thuộc một trong
những đội tìm kiếm đầu tiên bước vào, kiểm tra nhanh toàn bộ căn hầm. Ông phát
hiện ra gia đình Goebbels trong một căn phòng nhỏ có mấy chiếc giường đơn kê
sát tường. Xác Joseph và Magda nằm trên sàn. Polevoi nói, “Cả hai cái xác đều
bị thiêu, chỉ có gương mặt của Goebbels là còn nhận diện được.” Sau đó bọn họ
gặp chút rắc rối trong việc tìm hiểu làm sao xác hai người lại có ở đây. Có lẽ
ai đó đã đem xác hai người vào hầm sau khi hỏa thiêu một phần, nhưng không biết
là ai.
Bọn trẻ cũng có ở đó. Thiếu tá Polevoi
nói, “Thấy bọn nó như thế thật là đáng sợ. Đứa duy nhất có vẻ không bình thường
là cô con cả Helga. Nó có mấy vết bầm tím. Tất cả đều đã chết, nhưng mấy đứa
còn lại nằm đó rất yên bình.”
Các bác sĩ Liên Xô lập tức kiểm tra bọn
trẻ. Quanh miệng chúng có vết bỏng, nên bọn họ cho là bọn trẻ đã được cho uống
thuốc ngủ và bị đầu độc trong lúc ngủ bằng nhét các viên thuốc cyanua vào
miệng.Về các vết bầm của Helga, các bác sĩ đoán là cô bé đã tỉnh lại trong lúc
bị đầu độc nên đã vùng vẫy, và bị giữ chặt chân tay.
Khi đem xác lên Sảnh Danh dự của Dinh
Thủ tướng để chụp hình và gắn nhãn nhận diện, Polevoi nhìn lại căn phòng chết
chóc lần cuối. Mấy chiếc bàn chải và ống kem đánh răng của bọn trẻ nằm vương
vãi trên sàn.
Một đội chuyên gia tìm được xác Hitler
gần như ngay lúc đó, được chôn dưới một lớp đất mỏng. Một sử gia người Nga,
tướng B. S. Telpuchovskii chắc chắn đó là xác Quốc trưởng. Ông nói, “Cái xác đã
cháy đen, nhưng phần đầu còn khá nguyên vẹn, dù phần lưng có vết đạn bắn. Hàm
răng đã long ra, nằm cạnh cái đầu.”
Thế rồi nghi ngờ bắt đầu dấy lên. Trong
khu này, người ta còn tìm thấy mấy cái xác nữa, và một số cũng bị thiêu.
Telpuchovskii nói, “Chúng tôi phát hiện
ra xác của một người đàn ông mặc quân phục có nhiều đặc điểm giống Hitler,
nhưng đôi tất của ông ta lại có chỗ vá. Chúng tôi cho là đó không thể nào là
Hitler được, vì làm thế nào mà Quốc trưởng của Đế chế Đức lại mang tất vá cơ
chứ. Còn có xác một người đàn ông vừa mới bị giết nhưng không bị thiêu.”
Vấn đề về mấy cái xác càng rối hơn nữa
khi đặt cái xác đầu tiên bên cạnh cái xác thứ hai, rồi mời các cảnh vệ và nhân
viên đến nhận dạng. Bọn họ không thể, và cũng sẽ không làm.
Mấy ngày sau, Thượng tướng Vasili
Sokolovskii ra lệnh cần kiểm tra hàm răng của hai cái xác. Fritz Echtmann và Käthe
Heusermann, hai chuyên gia nha khoa từng làm việc trong phòng khám của bác sĩ
Blaschke, nha sĩ riêng của Hitler, được gọi tới. Echtmann được đưa tới Finow,
gần Eberswalde, cách Berlin chừng 25 dặm về phía đông bắc. Người ta bảo ông vẽ
phác hàm răng của Hitler. Khi ông vẽ xong, mấy điều tra viên cầm bản vẽ đi qua
phòng khác. Một lát sau bọn họ quay lại. Echtmann nghe họ bảo là “Hình vẽ
khớp.” Rồi bọn họ cho ông xem toàn bộ hàm dưới và mấy cái cầu răng giả của
Hitler.
Käthe Heusermann được đón đi ngày 7/5;
cô nhận ra cái hàm và mấy cái cầu răng giả ngay lập tức. Cô và bác sĩ Blaschke
đã làm mấy cái đó chừng vài tháng trước nên rất dễ nhận ra. Käthe được tặng một
túi đồ ăn và được lái xe đưa về Berlin. Hai ngày sau, cô lại được mời đi, lần
này là tới thị trấn Erkner . Trong khu đất hoang có một hàng mộ chưa lấp, có
thể thấy mấy cái xác bên dưới. Gã người Nga đi cùng cô nói, “Cô hãy nhận dạng
bọn họ.” Käthe lập tức nhận ra được xác của Joseph Goebbels và các con. Cô nói:
“Mấy đứa con gái đều mặc đầm ngủ bằng vải flannel in hoa hồng đỏ và xanh xoắn
vào nhau.” Không thấy Magda Goebbels ở đó.
Có vẻ như do hậu quả của việc nhận dạng
hàm răng của Hitler nên Käthe Heusermann đã phải ở tù 11 năm trong một nhà tù
Liên Xô, phần lớn thời gian là bị biệt giam.
Chuyện gì đã xảy ra với phần còn lại của
cái xác của Hitler? Người Nga tuyên bố đã hỏa táng nó ngay bên ngoài Berlin,
nhưng không nói ở đâu. Bọn họ nói chưa từng phát hiện ra xác của Eva Braun,
chắc nó đã bị lửa thiêu hoàn toàn, và những bộ phận có thể dùng để nhận dạng
được có lẽ đã bị trận oanh tạc dữ dội vào các tòa nhà chính phủ phá hủy mất
(*).
Hai bản phác thảo này được vẽ riêng cho
tác giả vào năm 1963, do Käthe Heusermann và Fritz Echtmann vẽ, đây là cách họ
giúp người Nga nhận dạng hàm răng của Hitler. Cần chú ý là trong bức vẽ của
Etchmann, vị trí của cầu răng giả ở hàm trên được đánh dấu bằng hình chữ nhật
không liền nét.
Sáng 30/4, khi Gotthard Heinrici đang đi
trên hành lang trong bộ chỉ huy của mình
trước khi khởi hành, một viên đại úy trẻ tuổi bước tới chỗ ông. Anh nói, “Thưa
Thượng tướng, chắc ngài không biết tôi đâu. Tôi làm trong Ban Tác chiến. Như
người ta, tôi cũng biết là ngài vừa bị cách chức và được lệnh tới Plön.”
Heinrici không nói gì.
Viên đại úy trẻ nói, “Tôi xin ngài, xin
đừng vội tới đó.” Heinrici hỏi, “Anh
đang nói gì vậy hả?”
Viên đại úy nói, “Nhiều năm trước, tôi
từng đi theo trung đoàn ở Schwäbisch Gmünd vào các ngày chủ nhật trong lúc diễu
hành. Khi đó ngài còn là thiếu tá. Sau này tôi có quen với viên sĩ quan quản
trị của ngài hồi ấy.”
Heinrici nói, “À, Rommel.”
Viên đại úy nói tiếp, “Thưa ngài, tôi hi
vọng ngài sẽ tha thứ cho tôi vì nói điều này, nhưng tôi không muốn ngài phải
chịu chung số phận với Thống chế Rommel.”
Heinrici nhìn anh ta sắc lẹm và hỏi, “Ý
anh là gì? Rommel đã hy sinh trong chiến đấu.”
Viên đại úy đáp: “Không phải vậy đâu
thưa ngài. Ông ấy đã bị ép phải tự sát.” Heinrici nhìn anh ta chằm chằm. Ông
gằn từng tiếng, “Sao anh biết?”
Anh ta nói, “Tôi là sĩ quan phụ tá của
Rommel. Tôi tên là Hellmuth Lang. Tôi xin ngài, hãy chạy xe tới Plön càng chậm
càng tốt. Như thế thì khi ngài tới đó có khi chiến tranh đã kết thúc rồi.”
Heinrici chần chừ. Rồi ông bắt tay Lang.
Ông kiên định nói, “Cảm ơn anh. Cảm ơn anh rất nhiều.”
Heinrici đi xuống hành lang ra khỏi tòa
nhà. Ban tham mưu ít ỏi của ông đứng bên ngoài. Có ai đó ra hiệu lệnh và mọi
người bước tới chào. Heinrici đi tới chỗ từng người một. Ông nói, “Tôi muốn cảm
ơn tất cả các anh.” Đại úy Heinrich von Bila, sĩ quan phụ tá của ông mở cửa xe.
Heinrici ngồi vào trong. Von Bila ngồi vào cạnh lái xe. Anh nói, “Đến Plön.”
Heinrici nhoài người tới và vỗ vai người
lái xe. Ông nói, “Chúng ta không cần vội lắm đâu.”
Khuya hôm sau, Heinrici tới đơn vị ở
Plön. Khi vào phòng, ông thấy có chiếc radio đang phát. Đột nhiên chương trình
bị cắt ngang. Sau một loạt tiếng trống trầm trầm, người ta thông báo Quốc
trưởng đã qua đời. Lúc đó là 10 giờ tối ngày 1/5.
……………………
(*). Tác giả tin là người Nga không
quan tâm lắm đến Eva Braun nên cũng không cố gắng nhận dạng xác của cô. Liên Xô
lần đầu tiên khẳng định Hitler đã chết là khi Nguyên soái Vassili Sokolovski
nói cho tác giả và giáo sư Erickson biết vào ngày 17/4/1963 gần 18 năm sau khi
sự kiện xảy ra .
Chuẩn úy Dixie Deans ngồi cạnh cậu lính
canh người Đức của anh, Charlie Gumbach, cùng nghe tin tức. Đây là tin tốt nhất
anh từng nghe được trong suốt một thời gian dài: “... Trong trận chiến chống
chủ nghĩa Bolshevish, Quốc trưởng đã chiến đấu tới tận hơi thở cuối cùng,”
người phát thanh viên trang nghiêm thông báo. Deans nhìn quanh quất. Anh và
Gumbach đang ở đâu đó phía đông Lauenburg, trú trong một căn hầm của một nhà nọ
nằm ngay đằng sau trận tuyến của Đức. Cả gia đình họ cũng có mặt và người vợ
rơi lệ khi nghe tin. Deans cố kiềm chế niềm vui sướng của mình. "Dù Quốc
trưởng có thể đã chết, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Trận tuyến của Đức nằm
ngay phía trước và Dixie phải vượt qua đó. Chuyện này không dễ tí nào; bắn nhau
đang rất ác liệt.”
Mọi người qua đêm trong căn hầm không
lấy gì làm thoải mái. Deans dễ dàng đi vào giấc ngủ. Anh đã phải đạp xe nhiều
ngày liền, cố tới được trận tuyến của Anh. Giờ chỉ cần chút may mắn là anh có
thể làm được - nếu anh có thể thuyết phục bọn Đức bên kia để mình qua. Đó là
điều cuối cùng Deans còn nhớ được trước khi thiếp đi.
Mấy tiếng sau, anh tỉnh giấc vì có ai
thọc vào người. Một khẩu tiểu liên chọc vào mạn sườn anh. Có người nói, “OK,
anh bạn; đứng dậy đi.”
Dixie ngước nhìn thấy một người lính dù
của Sư đoàn Không vận 6 của Anh, có gương mặt trông có vẻ rất gan góc. Vùng này
đã bị chiếm đêm qua, trong lúc bọn họ ngủ say. Deans đứng dậy, hết sức vui mừng
giải thích mình là ai. Anh và Charlie được đưa về bộ chỉ huy trung đội, rồi tới
bộ chỉ huy sư đoàn và rồi quân đoàn. Cuối cùng bọn họ gặp Trung tướng Evelyn H.
Barker, tư lệnh Quân đoàn 8.
Deans nhanh chóng giải thích tình hình.
Anh nói vội vã, “Có 12.000 tù binh chến tranh thuộc Không lực Hoàng gia đang đi
tới đây. Máy bay quân ta đã bắn vào bọn họ!”
Anh chỉ cho tướng Barker xem mình đã để
bọn họ lại chỗ nào. Viên tướng hơi choáng váng; rồi ông vội vàng gọi điện thoại
- và hủy một cuộc không kích khác đã được lên lịch tại vùng đó. Tướng Barker
nhẹ nhõm nói, “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Chúng ta sắp chiếm được vùng đó trong
vòng 48 giờ tới ; anh nên nghỉ ngơi đi.”
Deans nói, “Không, thưa ngài . Tôi đã
hứa với Đại tá Ostmann là tôi sẽ trở về.” Barker ngạc nhiên nhìn anh. Viên
tướng nói, “Thôi được, tôi sẽ cho xe cắm cờ Hội Chữ thập Đỏ đưa anh về, như thế
chắc sẽ qua được. Bảo mấy thằng Đức anh gặp là bọn nó nên ngừng làm việc được
rồi đấy.”
Deans chào viên tướng. Khi đi qua văn
phòng tham mưu trưởng, anh nhìn quanh. Anh hỏi, “Anh lính canh người Đức của
tôi đâu, Charlie Gumbach ấy?” Có người nói , “Anh ta sắp bị đưa vào trại tù
binh chiến tranh rồi.” Deans giận điên lên. Anh gầm gừ, “Không có anh ta thì
tôi sẽ không đi hỏi đây. Tôi đã hứa danh dự rồi !”
Charlie nhanh chóng quay lại, và bọn họ
cùng ngồi trên một chiếc Mercedes chiếm được có cắm cờ Hội Chữ thập Đỏ trên
mui.
Hai ngày sau, Dixie Deans đưa đoàn người
của mình đến chỗ trận tuyến của Anh, có mấy người thổi kèn túi dẫn đường. Mọi
người đứng quan sát những người lính Không lực Hoàng gia mệt mỏi, gầy trơ
xương, đầu ngẩng cao nặng nề bước vào lãnh địa của Anh. Đại tá Ostmann và mấy người
lính canh của ông bị giam lại. Deans và mấy người nữa cùng đi với bọn họ tới
trại tù binh chiến tranh của Anh. Hai bên nhìn nhau. Ostmann bước tới trước,
rồi ông ta và Deans chào nhau. Deans nói, “Tạm biệt, Đại tá Ostmann.” Ostmann
cũng nói, “Tạm biệt Deans. Hi vọng ta sẽ gặp lại nhau.” Rồi Deans hô “Nghiêm!”
và Ostmann cùng mấy người lính canh vào trong trại tù. Charlie Gumbach vẫy tay
với anh khi đi ngang qua.
Bắn nhau
rất ác liệt, từ cả hai bên. Busse đi từ chỗ này sang chỗ khác, hét vào mặt đám
lính, “Đứng dậy! Đi tiếp đi! Còn mấy dặm nữa thôi! Tướng Wenck đang chờ ta!”
Busse đã mệt tới mức không biết giờ là
mấy giờ ngày nào tháng nào. Tập đoàn quân 9 đã hành quân tới chỗ Wenck suốt mấy
tuần nay. Bọn họ gần như cạn sạch đạn, và cũng chẳng còn pháo nữa, chỉ có mấy
khẩu súng cối. Có vài khẩu súng máy nhưng chẳng có đạn mà bắn. Busse nhìn đâu
cũng thấy quân lính gục xuống, không đi nổi nữa. Ông và các sĩ quan cố hết sức
mới bắt họ đi tiếp được. Cái khó là hàng nghìn
người chạy nạn đã nhập hội với họ. Lương thực bị thiếu. Thậm chí còn
không đủ cho lính nữa là.
Wenck chỉ cách đó vài dặm là cùng,
nhưng quân Nga đánh trả rất dữ dội. Busse cho gọi chiếc tăng cuối cùng còn lại
tới. Ông giữ nó lại chỉ chờ lúc này.
Ông bảo :
- Trung tướng Wolf Hagemann dẫn đầu.
Hagemann nhảy lên và bảo cậu lái xe nổ
máy. Chiếc xe tăng lao tới trước. Bọn họ lăn bánh qua một con hào và mấy chỗ đất
gồ ghề. Chợt Hagemann thấy quân Nga xuất hiện trước mặt. Ông nhìn quanh, tìm
thứ gì bắn được. Súng máy không còn đạn, ông chụp lấy một khẩu shotgun và bắt
đầu nã đạn vào đám lính Nga đang chạy trốn.
Rồi ông nghe tiếng súng nổ từ phía bên
kia - từ sau lưng bọn Nga. Là người của Wenck. Cuộc hợp quân xảy ra đột ngột
tới mức không ai nhớ nổi nó đã kết thúc thế nào. Những con người kiệt sức ngã
vào vòng tay nhau. Wenck và Busse đã hợp lại.
Wenck kể, “Tập đoàn quân 9 mệt mỏi, kiệt
quệ và tơi tả đến khó tin.” Ông đứng quan sát, và thấy một người bước ra khỏi
hàng ngũ tới chỗ ông. Người đó mặt phờ phạc, lấm lem bụi đất, râu chưa cạo. Mãi
khi ông ta tới gần Wenck mới nhận ra đó là tướng Theodor Busse. Bọn họ bắt tay
nhau mà chẳng nói nên lời, rồi Wenck thốt lên, “Ơn Chúa, anh đây rồi.”
Ngày 7/5, hai tập đoàn quân quay trở
lại sông Elbe và hơn 100.000 người vượt qua bờ Tây và bị quân Mỹ bắt giữ. Quân
số ban đầu 200.000 người của Busse giờ chỉ còn được 40.000 người sống sót.
Thông điệp cuối cùng của Trans-Ocean,
cơ quan ngôn luận bán chính thức của Đức viết bằng tiếng pháp. Nó viết, “Sauve
qui peut ” - Hãy để họ tự cứu mình nếu được. Người Berlin làm đúng như thế. Xe
tăng, quân lính, xe nôi em bé, xe máy, xe ngựa, xe kéo, súng tự động, người
cưỡi ngựa và hàng nghìn người đi bộ cùng ùa ra khỏi Berlin qua những cây cầu
dẫn tới Spandau. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hàng giờ liền.
Thỏa thuận đầu hàng có thể đã được ký kết
nhưng vẫn chưa ngừng bắn, và người dân chạy nạn không muốn gì hơn là chạy trốn.
Thỉnh thoảng hàng ngũ chạy trốn lại bị nã pháo: rõ ràng pháo binh Nga ở phía
nam và phía bắc chưa nhận được lệnh ngừng bắn .
Brigitte Weber rời Berlin trên chiếc xe
hơi của cha chồng cô, có tài xế lái; cô mặc áo khoát lông kín mít, một giỏ đựng
mấy món đồ bạc đặt dưới chân. Chiếc xe bị kẹt giữa hàng người đi tới Spandau,
mất mười tiếng rưỡi mới đi được mấy dặm. Cuối cùng cô phải bỏ xe lại
và chậm
chạp lê bước về phía Tây như hàng nghìn
người khác.
Aribert Schulz 16 tuổi rất ngạc nhiên
khi gặp lại viên sĩ quan hành quyết của SS. Schulz đang nằm cạnh người đàn ông
tóc đỏ trong một hầm sơ cứu: gã xạ thủ cao kều của SS bị trúng đạn vào bụng; gã
la hét suốt 16 tiếng liền rồi chết.
Giữa lúc đám đông khổng lồ chen lấn trên
những ngả đường dẫn tới mấy cây cầu, pháo vẫn bắn liên hồi về phía họ.
Hildegard Panzer đi cùng Đại úy Kurt Ache, anh giúp cô chăm hai đứa con,
Wolfgang chín tuổi và Helga 5 tuổi - cô bị lạc mất hai đứa nhỏ trong lúc chen
lấn. Cô không bao giờ còn được gặp lại chúng. Tổng cộng, ước chừng 20.000 người
đã chết và bị thương trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó.
Và rồi cuối cùng thì pháo cũng ngừng
bắn, người chạy nạn bỏ lại tiếng súng sau lưng. Bọn họ đi xa hơn một chút cho
chắc, rồi ngồi phịch xuống đất. Đàn ông phụ nữ và trẻ nhỏ ngủ ngay tại chỗ -
trên những cánh đồng, dưới mương, trong những căn nhà trống, trong những chiếc
xe bỏ không, bên vệ đường và ngay dưới lòng đường. Bọn họ đã được an toàn. Trận
chiến cuối cùng giờ đã kết thúc.
Heinrich Schwarz đi giữa sở thú tan hoang,
vừa đi vừa gọi “Abu! Abu!” Ông nghĩ, chẳng còn gì hết. Sở thú sẽ không bao giờ
trở lại như xưa được nữa. Khắp nơi la liệt xác thú và gạch vụn. Ông đi về phía
ao nước. Ông gọi, “Abu! Abu!”
Có tiếng động vang lên. Bên rìa cái ao khô
queo, con cò mỏ giày Abu quý hiếm đang đứng bằng một chân và liếc nhìn Schwarz.
Ông bước qua cái ao tới chỗ con chim. Schwarz nói, “Tất cả đã qua rồi, Abu. Qua
hết rồi.” Rồi ông ôm nó đi.
Ngày 4/5, Ilse Antz chầm chậm bước ra
khỏi căn hầm nằm ở quận Wilmersdorf , đây là lần đầu tiên vào ban ngày kể từ
ngày 24/4. Đường phố yên tĩnh đến lạ lùng. “Ban đầu, chưa quen với ánh sáng nên
tôi thấy trước mắt toàn mấy vòng tròn mầu đen. Rồi tôi nhìn quanh. Mặt trời tỏa
nắng rạng rỡ, mùa xuân đã đến. Cây cối đang trổ hoa; và bầu không khí mới êm
dịu làm sao. Ngay giữa thành phố hoang tàn và đang hấp hối này, thiên nhiên vẫn
hồi sinh. Trước lúc đó, tôi chẳng cảm thấy gì; mọi cảm xúc của tôi như đã chết.
Nhưng khi tôi nhìn qua công viên, thấy mùa xuân đang hiện hữu, tôi không thể
kiềm chế được nữa. Lần đầu tiên kể từ khi mọi thứ bắt đầu, tôi òa
khóc........"
…………………………………..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét