Cái mà mọi người đều nhìn
thấy ở họp lớp sau 40 năm ra trường Đó là những tình cảm chân thành bạn đồng học dành cho
nhau không dễ gì tìm được. Thật cảm động biết bao khi nhìn họ lao vào ôm chầm
lấy nhau mà không hề có sự phân biệt về địa vị sang hèn, kinh tế giàu sang,
khốn khó thậm chí không nề hà giới tính Nữ-Nam. Ai cũng rất chân thật, chia sẻ
những niềm vui, nỗi buồn, những biến cố cuộc đời của họ đã và đang gánh chịu.
Sau phút giây gặp gỡ, là lời thăm hỏi từng người. Họ mừng vui khi bạn mình sung
sướng, hạnh phúc. Họ xót xa, đau lòng, thở dài khi ai đó không được may mắn
trong cuộc đời. Họ sẵn lòng giúp đỡ bạn mình trong điều kiện có thể của bản
thân…Tuy nhiên có nhiều người tò mò muốn biết nguyên nhân…Muốn biết thì hãy
quan sát và suy nghĩ về mặt trái của nó nhiều hơn những gì mà mọi người đã nhìn
thấy:
Hầu hết mọi người tham gia
đều đã về nghỉ hưu hoặc chí ít tuổi cũng đã trên 60 không còn háo hức như xưa
nữa và cũng không còn ý niệm so sánh bạn bè với nhau và với bản thân mình như
hai mươi năm trước nữa.
Họp lớp 40 năm thường là buổi
họp đông thành viên tham dự nhất (nếu đem so sánh với cả quá trình) vì mọi
người đều đã về già, không còn phân biệt chức tước, địa vị, học vị, gia cảnh
giàu nghèo, thu nhập cao thấp, hôn nhân buồn vui như 20 năm trước đây, cái mà
mọi người quan tâm là sống có vui vẻ không ? sức khỏe ổn không ? Con cái thế
nào, có thành đạt và hiếu nghĩa không? Những người còn lại không tham dự có lẽ
chỉ còn duy nhất một lý do duy nhất đó là sức khỏe không cho phép hoặc quan
chức tham nhũng, mất uy tín;
Quan sát buổi họp tính cách
các bạn học vẫn như ngày xưa “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” cộng thêm bệnh
nghề nghiệp thật đúng với câu nói “nghề nào nghiệp nấy” của người xưa; Có đến
100% người khi ra trường đến lúc nghỉ hưu chỉ làm một nghề duy nhất mắc bệnh
nghề nghiệp;
-Quân đội: Bệnh công thần (hay kể công
cống hiến xương máu) và tư lự gần như tự kỷ vì những điều không thể nói ra được
nơi chiến trường đẫm máu đã qua;
-Công an thì nói năng với bạn bè
người thân cứ như nói năng với tội phạm, đôi lúc cũng thầm lặng suy tư về quá
khứ đã làm những đều chưa đúng, bất công;
-Giáo sư, tiến sỹ, giáo
viên nói chung: Mắc bệnh nói nhiều vì sợ người khác cũng như học sinh không
hiểu được những điều mình đang nói; Nhưng một khi để cho lòng mình lắng lại
cũng ân hận vì đã dạy cho học sinh nhưng điều thừa thải vô lý, mất thời gian
hoặc làm tê liệt khả năng tự học và sáng tạo của học sinh…người có tâm đôi lúc
cũng suy nghĩ có phải mình đã làm hỏng một thế hệ hay không ?
-Bác sỹ, y sỹ, thầy thuốc nói
chung: Nhìn
đâu cũng thấy vi trùng, ăn đâu cũng nghĩ là thực phẩm bẩn, thuốc nào cũng có
tác dụng phụ, tuy nhiên lại không nhìn ra bệnh của bản thân; Mắc bệnh làm thầy,
bắt người khác trả tiền không mặc cả, nguy hiểm hơn là không học hỏi từ người
khác để nâng cao kiến thức và khả năng chữa bệnh;
-Chủ đầu tư: Mắc bệnh duy ý chí (ý của
mình là đúng, ý người khác dứt khoát sai …vì nói cho B nghe cái gì B cũng khen
hay khen đúng quen rồi thành bệnh) và bệnh ăn quán không trả tiền (vì ăn cả đời
đều do B trả cũng thành bệnh thành quen)
-Chủ tịch, bí thư, chủ nhiệm: Mắc bệnh họp và bệnh đọc
báo cáo của thằng khác viết, bệnh nói nước đôi, nói chung chung hiểu thế nào
cũng được và bệnh hay dùng tính từ để ngợi ca, hay dùng uyển ngữ để giảm nhẹ
sai lầm, tội lỗi; Bệnh ăn quán hay để cấp dưới và người nghèo hơn trả tiền;
Bệnh nhận tiền nhờ vả của cấp dưới nhưng không làm và không trả lại tiền và hay
coi đó là tiền giữ ghế của cấp dưới đối với cấp trên là mình, hoặc tiền chạy
chức, chạy tội của bản thân và người thân (nếu có);
-Doanh nghiệp, đại gia: Mắc bệnh đối tác, có nghĩa
là đối với cấp trên thì dùng tiền, đối với cấp dưới thì dùng quyền, còn lại
không bạn, không bè, không thân, không quen, không hiếu, không nghĩa, không gia
đình, không người thân, tất cả đều được coi là đối tác; Không phải đối tác
không quan hệ, coi tiền tài là trên hết, có tiền là ắt hẳn có tài không có điều
ngược lại xảy ra; Ăn quán trả tiền nói hết phần người khác và cái tôi rất lớn,
hỏi sao lại như vậy thì trả lời là do tao trả tiền; Về dự họp lớp góp tiền
nhiều hơn người khác nghiễm nhiên ngồi ghế cùng thầy giáo và quan chức không
ngồi chung bàn với bạn học, trong khi giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, …đều ngồi
chung bàn với bạn bè cùng lớp cùng trường; Tóm lại mắc bệnh nghề nghiệp Đó là
bệnh tất cả đều là đối tác và bệnh nhiều tiền ít văn hóa;
- Nông dân, công nhân: Làm nghề gì thì mắc bệnh
độc hại của nghề đó không có bệnh nghề nghiệp về tính cách như các loại trên;
- Ô sin: Nghe nói thì rất vô lý vì
tốt nghiệp đại học ai đi làm ô sin làm gì nhưng trong thực tế thì vẫn có, chồng
(vợ) quá thành đạt kiếm được nhiều tiền nên làm công tác nội trợ gia đình thay
cho người đi làm, để người đi làm an tâm kiếm tiền lâu rổi thành quen; có ô sin
thấp hèn nhưng cũng không thiếu ô sin ông nọ bà kia vì chồng (vợ) của mình là
những người có chức vụ; tạm gọi ô sin thấp hèn là ô sin loại 1, ô sin ông nọ,
bà kia là ô sin loại 2; Ô sin loại 1 mắc bệnh nghề nghiệp luôn có thói quen làm
vừa lòng người khác, từ ngữ thường dùng thường chỉ có 4 từ: Vâng, Dạ, xin lỗi,
cảm ơn; Loại này về hưu sướng vì đã chấp nhận thân phận; Ô sin loại 2 mắc bệnh
nghề nghiệp nguy hiểm hơn do luôn là cái bóng của người thành đạt bên cạnh mình
nên tưởng cái bóng đó cũng là mình trong thực tế; Khi người thành đạt ông nọ bà
kia không còn làm ông kia bà nọ nữa thì bị sốc do mất chỗ dựa (cây sống trong
bóng râm khi cây chủ mất bóng, rụng lá thì thường bị cớm nắng là như vậy)…bệnh
nghề nghiệp mắc phải là bệnh sống ảo, sống trên mức của mình và duy ý chí (vì
xưa nay cái gì nói ra cũng được người xung quanh cho là đúng quen rồi); Khi
nhận ra bản thân có thay đổi định lùi lại sống đúng với bản chất, năng lực thật
sự của mình thì đã quá muộn vì năng lực sống tự lập và kinh nghiệm sống so sánh
với bạn bè cùng trang lứa quá thấp (đã bị đánh mất, hay nói mạnh hơn đã bị cái
người thân của mình đánh cắp) nên dễ dẫn đến trầm cảm, tự kỷ, nếu đi một mình
ra ngoài không có người kèm cặp rất dễ bị lừa; Lòng tin tự nhiên bị thiếu hụt
và khủng hoảng hay dấn thân đi tìm lại niềm tin ở một tín ngưỡng nào đó;
Ngụy quân tử, háo danh: Là người ít năng lực nhưng
muốn nổi danh nên hay dùng thủ đoạn để mua bán năng lực giả, tu luyện sức mạnh
ngầm của năng lực thật mong cầu kiếm một cái danh nào đó cho bản thân, người
này có khả năng che dấu bệnh nghề nghiệp bằng lý trí có tính toán kiểu ngụy
quân tử (giả vờ mắc bệnh không phải nghề của mình để đánh lạc hướng nhìn nhận
tính cách của người khác); Trước chỗ đông người hay ra cái vẻ tự tin, hay tham
gia các trò ít người quan tâm để ý, ít xấu hổ vì những trò mình cố tình làm ra
để che dấu mọi người không đạt, không thành; Nhưng về hưu sẽ rất khổ vì ngụy
quân tử không sợ quân tử càng không sợ tiểu nhân, cái mà họ sợ là cầu danh
không thành sẽ hủy hại cuộc đời họ Mộ Dung Phục trong Thiên Long Bát bộ của Kim
Dung là một ví dụ điển hình;
- Những người làm từ ba nghề
trở lên tính
tình cũng có điểm khác hơn ít nhất cũng không có nghề để mắc bệnh và nhìn đời
cũng như sự vật, hiện tượng khách quan hơn; Càng làm nhiều nghề càng nghèo
(nhất nghệ tinh, nhất thân vinh) nhưng hiểu biết rộng hơn và tha thứ dễ hơn;
40 năm trôi qua, đường đời
mỗi người mỗi khác. Sự thay đổi có đôi khi khiến người ta cảm xúc trước đây lẫn
lộn nay thì lại rất rõ ràng; Lý do gì khiến một số người thành công vượt bậc?
lý do gì khiến một số bạn cứ dậm chân tại chỗ; Trong đám người thành công Người
nào thành thật và thực sự cố gắng, người nào dùng mưu hèn, kế bẩn, bán thân và
thủ đoạn hại người để thăng tiến trong buổi họp lớp 40 năm không cần phải chứng
minh nữa vì hết thảy mọi người đều đã rõ vì họ sẽ không có mặt trong buổi họp
này hoặc có mặt nhưng tính cách đã thay đổi do bản thân cố tình thay đổi để che
dấu bản chất thật chứ không phải vì nghề nghiệp mà mắc bênh như trên;
Qua họp lớp 40 năm có thể rút
ra:
1- Cuộc đời vốn rất công bằng
chẳng giành may mắn hay rủi ro cho riêng ai, mọi người hết thảy đều có thời cơ,
có điều chớp được thời cơ hay không thì phụ thuộc vào số phận và sự may mắn của
từng người;
2- Có hy sinh, cố gắng ắt
được đền đáp xứng đáng; Làm điều ác, điều không phải ắt bị quả báo; Người được
tạo hóa cho nhiều thứ ắt cũng sẽ bị tạo hóa lấy đi thứ gì đó đáng quý nhất;
3- Ai cũng phải sống chung
với lũ tuy nhiên lọc được phù sa từ lũ hay không phụ thuộc vào khả năng từng
người;
4- Sai lầm nào cũng phải trả
giá vì đó là lẽ công bằng, sai lầm càng lớn giá trả càng đắt; Không nhận sai
đẩy sai cho người khác chịu, trả giá còn đắt gấp bội;
5- Người sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người yêu mến là người sung sướng nhất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét