XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Trận chiến cuối cùng (2)



  Ông ta lê bước vào hành lang căn hầm – nửa cúi, nửa kéo lê chân trái, cánh tay trái rung rẩy không kiểm soát được. Dù cao 1m74, nhưng giờ khi cả đầu lẫn cơ thể đều nghiêng về bên trái, trông ông ta thấp hẳn đi. Đôi mắt mà những kẻ ngưỡng mộ từng ca ngợi là “cuốn hút” giờ bồn chồn và đỏ ngầu như thể nhiều ngày chưa ngủ. Khuôn mặt ông ta xám xịt, sưng húp. Cặp kính mắt màu xanh nhạt đong đưa trong tay phải ông ta, giờ ánh sáng cũng khiến ông ta khó chịu. Ông ta nhìn mấy vị tướng lĩnh một cách vô cảm một chặp, trong khi họ giơ tay lên và đồng thanh cái điệp khúc “Heil Hitler.” (*)

       Hành lang chật cứng người, tới mức Hitler khó khăn lắm mới lách qua được để vào căn phòng họp nhỏ. Eismann nhận thấy người xung quanh lại tiếp tục nói chuyện khi Quốc trưởng đi qua; không hề có sự yên lặng tôn kính như ông tưởng tượng. Heinrici thì bị sốc trước bề ngoài của Quốc trưởng. Ông nghĩ, Hitler “trông như một người sắp tới số trong 24 tiếng nữa. Ông ta là một xác chết biết đi.” Hitler chầm chậm chen lấn đến chỗ ngồi ở đầu bàn, như thể đang đau đớn lắm. Eismann ngạc nhiên thấy ông ta dường như ngồi bẹp dí xuống ghế bành “như một cái bao bố, không nói một lời, và giữ nguyên điệu bộ sóng soài như thế, tay bám vào tay vịn chiếc ghế.” Krebs và Bormann đến sau lưng Quốc trưởng, ngồi lên băng ghế dựa sát tường. Tại đó, Krebs thân mật giới thiệu Heinrici và Eismann. Hitler yếu ớt bắt tay hai người.
     
       Heinrici nhận thấy mình “hầu như không cảm nhận được bàn tay của Quốc trưởng, vì không hề có tí sức ép nào.”

        Vì căn phòng quá nhỏ nên không phải ai cũng được ngồi, và Heinrici đứng bên trái Quốc trưởng, Eismann đứng bên phải ông. Keitel, Himmler và Doenitz ngồi phía đối diện chiếc bàn. Phần còn lại đứng ngoài hành lang; Heinrici ngạc nhiên thấy họ vẫn tiếp tục nói chuyện, dù đã nhỏ giọng đi nhiều. Krebs bắt đầu cuộc họp. Ông nhìn Heinrici và nói, “Để ngài tư lệnh có thể trở lại Cụm tập đoàn quân của mình càng sớm càng tốt, tôi đề nghị ngài nên đọc báo cáo ngay.” Hitler gật đầu, đeo kính lên và ra hiệu cho Heinrici bắt đầu.

       Bằng cung cách chuẩn mực, vị tướng đi thẳng vào vấn đề. Nhìn thẳng vào từng người quanh bàn, rồi nhìn Hitler, ông nói, “Thưa Quốc trưởng, tôi phải nói với ngài là quân địch đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công với hỏa lực và quân lực phi thường. hiện tại, chúng đang chuẩn bị ở các vùng sau – từ nam Schwedt tới nam Frankfurt.”

       Heinrici chỉ tay lên tấm bản đồ riêng của Hitler đặt trên bàn, chầm chậm di ngón tay dọc theo vùng bị đe dọa ở mặt trận sông Oder một đường dài khoảng 75 dặm, đi qua các thành phố mà ông cho là sẽ bị tấn công nặng nhất - ở Schwedt, ở vùng Wriezen, quanh đầu cầu Küstrin và phía nam Frankfurt. Ông nói mình không hề nghi ngờ gì “cuộc tấn công chủ lực sẽ đập vào Tập đoàn quân 9 của tướng Busse” đang trấn giữ khu vực trung tâm này; và “chúng cũng sẽ tấn công cánh phía nam của Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel ở quanh Schwedt.”

       Heinrici tỉ mỉ mô tả cách ông xây dựng lực lượng cho Tập đoàn quân 9 của Busse chống lại cuộc tấn công sắp tới của Nga. Nhưng vì cần củng cố cho Busse, Von Man-teuffel lại chịu thiệt. Một phần mặt trận của Tập đoàn quân Thiết giáp 3 đang được quân cấp thấp trấn giữ: quân Phòng vệ Địa phương già nua, một vài đơn vị Hungary và mấy sư đoàn lính Nga đào ngũ – độ tin cậy còn phải xem lại – do Trung tướng Andrei Vlasov chỉ huy.

     Rồi Heinrici nói thẳng: “Trong khi đội hình của Tập đoàn quân 9 đã tốt hẳn lên, thì Tập đoàn quân Thiết giáp 3 không thể chiến đấu cho ra hồn vào lúc này được. Năng lực đoàn quân của Von Manteuffel, ít nhất ở khu trung tâm và khu phía bắc mặt trận của ông ấy hiện rất thấp. Họ không hề có pháo hay thứ gì tương tự. Súng phòng không thì không thể thay thế pháo được, trong mọi trường hợp, mà cũng không đủ đạn cho mấy khẩu súng đó.”

       Krebs nho nhã cắt ngang. Ông ta nói mạnh mẽ: “Tập đoàn quân Thiết giáp 3 sẽ nhận được pháo nhanh thôi.”

        Heinrici nghiêng nghiêng đầu nhưng không nói gì – chừng nào nhìn thấy pháo thì mới tin Krebs được. Rồi tiếp tục như thể chưa từng bị cắt ngang, ông giải thích với Hitler rằng Tập đoàn quân Thiết giáp 3 hiện được an toàn chỉ nhờ một điều duy nhất – sông Oder đang vào mùa lũ.

      Ông nói, “Tôi phải cảnh báo với ngài là chúng ta chỉ có thể chấp nhận tình trạng yếu kém của Tập đoàn quân Thiết giáp 3 trong mùa lũ.” Heinrici nói thêm, một khi nước xuống, “quân Nga sẽ không thất bại khi tấn công vào đó đâu.”

      Người trong phòng chăm chú lắng nghe, có một số hơi khó chịu với bài trình bày của Heinrici. Việc nói toạc móng heo ở một cuộc họp của Hitler khá hiếm; đa số các sĩ quan chỉ trình bày thành tựu và bỏ qua các khiếm khuyết. Từ khi Guderian ra đi, chưa có ai dám nói thẳng đến vậy – và rõ ràng là Heinrici chỉ mới bắt đầu.

       Giờ ông chuyển qua vấn đề quân đồn trú ở Frankfurt bên sông Oder. Hitler đã tuyên bố rằng thành phố đó là một pháo đài, giống như Küstrin yểu mệnh. Heinrici muốn bỏ rơi Frankfurt. Ông thấy quân ở đó đang bị hi sinh vì chứng cuồng “pháo đài” của Hitler. Họ có thể được cứu và được dùng hữu ích hơn ở nơi khác.

      Guderian, từng có cùng ý kiến về Küstrin, đã bị rớt đài vì quan điểm của ông về thành phố đó. Heinrici có thể sẽ có số phận tương tự vì dám chống đối. Nhưng vị tư lệnh Vistula thấy mình phải chịu trách nhiệm với quân ở Frankfurt, dù hậu quả có là gì, ông cũng không bị hăm dọa. Ông đưa ra vấn đề.
..............................
    (*) Ngược lại với niềm tin thông thường, tình trạng sức khỏe suy yếu của Hitler không phải là hậu quả của các chấn thương do vụ đánh bom ám sát năm 1944 gây ra, dù đó có vẻ đã đánh dấu khởi đầu của một sự suy nhược nhanh chóng. Sau chiến tranh, các đội phản gián của Mỹ đã điều tra gần như mọi bác sĩ từng chữa trị cho Hitler. Tác giả đã đọc toàn bộ báo cáo của họ, và dù không có ai đưa ra nguyên nhân cụ thể cho tình trạng liệt của Hitler, ý kiến chung cho rằng, ban đầu một phần bắt nguồn từ tâm lý, một phần do cách sống của ông ta. Hitler hầu như không bao giờ ngủ; ngày hay đêm với ông ta đều không khác biệt mấy. Thêm vào đó, có cả đống bằng chứng cho thấy ông ta bị đầu độc chậm vì sử dụng thuốc bừa bãi, được tiêm liều cao, do bác sĩ ưa thích của ông ta là Giáo sư Theodor Morell kê đơn. Các thuốc này gồm các toa thuốc chứa morphine, arsen và strychnine, rồi các chất kích thích tổng hợp khác nhau và loại “thuốc thần kỳ” bí ẩn mà chính bác sĩ này chế tạo 

       Ông mở đầu, “Ở nơi đóng quân của Tập đoàn quân 9, một trong những điểm yếu nhất của mặt trận là quanh Frankfurt. Sức chiến đấu của quân ở đây rất thấp, và lượng đạn dược của họ cũng vậy. Tôi tin là chúng ta nên bỏ công tác phòng thủ tại Frankfurt và rút quân ra.”

      Đột nhiên Hitler nhìn lên và nói câu đầu tiên kể từ khi cuộc họp bắt đầu. Ông ta nói nhanh, “Tôi không chấp nhận chuyện này.”

       Cho tới lúc này, Hitler không chỉ ngồi im lặng mà còn bất động, như thể hoàn toàn không quan tâm. Eismann có cảm tưởng ông ta thậm chí còn không nghe gì. Giờ đây, Quốc trưởng bỗng nhiên “thức tỉnh và bắt đầu quan tâm sâu sắc.” Ông ta bắt đầu hỏi về sức chiến đấu của quân đồn trú, nguồn tiếp tế và đạn dược, và thậm chí không hiểu vì sao còn hỏi về cách triển khai pháo ở Frankfurt. Heinrici đều có câu trả lời.

       Từng bước một, ông xây dựng nên tình thế của mình, lấy các báo cáo và số liệu từ Eismann và đặt hết lên bàn, phía trước Quốc trưởng. Hitler nhìn mớ tài liệu được đặt lên từng cái một và có vẻ khá ấn tượng. Thấy có cơ hội, Heinrici nói bình thản nhưng mạnh mẽ, “Thưa Quốc trưởng, tôi thành thật thấy rằng từ bỏ việc phòng thủ ở Frankfurt là một bước đi khôn ngoan và đúng đắn.”

       Trước sự ngạc nhiên của hầu hết mọi người trong phòng, Hitler quay sang Chỉ huy trưởng OKH và nói, “Krebs, tôi thấy ý kiến của ngài thượng tướng về Frankfurt cũng hợp lý. Hãy đưa ra các mệnh lệnh cần thiết cho Cụm Tập đoàn quân này rồi đưa cho tôi trong hôm nay.”

       Giữa sự im lặng choáng váng sau đó, tiếng nói chuyện xôn xao ở hành lang bên ngoài có vẻ quá sức to. Eismann cảm giác có một sự tôn trọng mới mẻ và đột ngột dành cho Heinrici. Ông nhớ lại, “Heinrici vẫn đứng yên, nhưng ông ấy nhìn tôi như muốn nói ‘Ha, chúng ta thắng rồi.’ Tuy nhiên, chiến thắng ấy thật ngắn ngủi.

       Giữa lúc đó, có tiếng ồn ào ngoài hành lang và thân hình to lớn của Thống tướng Hermann Goering xuất hiện ở cửa ra vào của căn phòng họp nhỏ. Lách người đi vào, Goering nồng nhiệt chào hỏi những người có mặt, sôi nổi bắt tay Hitler và xin lỗi vì đã đến muộn.

        Ông ta chen vào ngồi cạnh Doenitz, và cuộc họp bị hoãn khá khó chịu vì Krebs phải tóm tắt nhanh cho ông nghe bài báo cáo của Heinrici. Khi Krebs nói xong, Goering đứng dậy và chống hai tay lên bàn, chúi người về phía Hitler như thể định bình luận gì đó về vụ việc. Nhưng thay vào đó, ông ta cười toe toét và bằng khiếu hài hước cao độ, ông nói, “Tôi phải kể ngài nghe một chuyến viếng thăm Sư đoàn không vận 9 của tôi…”

       Ông ta không nói gì thêm. Hitler đột nhiên ngồi thẳng người rồi đứng bật dậy. Lời lẽ tuôn ra từ miệng ông ta như thác lũ, tới mức những người có mặt chẳng thể hiểu được gì. Eismann nhớ lại, “Trước mắt chúng tôi, ông ta nổi cơn thịnh nộ dâng trào.”

       Trận lôi đình của ông ta chẳng liên quan gì với Goering. Đó là một bài chỉ trích kịch liệt dành cho các cố vấn và tướng lĩnh của ông ta, vì đã không chịu hiểu ý ông ta về cách sử dụng chiến thuật của các pháo đài.

      Ông ta hét lên, “Hết lần này tới lần khác, các pháo đài đã hoàn thành mục đích của chúng trong chiến tranh. Điều này đã được chứng minh ở Posen, Breslau và Schneidemühl. Bao nhiêu quân Nga đã bị tiêu diệt ở đó? Và các pháo đài đó khó chiếm biết bao! Tất cả người trong đó đều chiến đấu tới người cuối cùng! Lịch sử đã chứng minh là tôi đúng và mệnh lệnh của tôi buộc các pháo đài phải chiến đấu cho tới người cuối cùng là đúng!”

      Rồi nhìn thẳng vào Heinrici, ông ta thét, “Đó là lý do tại sao Frankfurt phải duy trì tình trạng của nó!”

       Cũng đột ngột như khi nó bắt đầu, cơn thịnh nộ chấm dứt. Nhưng dù mệt mỏi vì kiệt sức, Hitler không thể ngồi yên được nữa. Eismann thấy dường như ông ta đã mất kiểm soát. Ông nhớ lại, “Toàn thân ông ta run lên, hai tay vung lên vung xuống loạn xạ, mấy cây bút chì đang cầm trong tay đập vào tay vịn chiếc ghế. Ông ta khiến tôi có cảm tưởng là ổng loạn trí rồi. Điều này thật là không thực – nhất là khi nghĩ rằng số mệnh của cả một dân tộc lại nằm trong tay một kẻ suy sụp.”

       Bất chấp cơn giận dữ của Hitler, bất chấp việc ông ta thình lình đổi ý về Frankfurt, Heinrici kiên quyết không bỏ cuộc. Bình thản, kiên nhẫn – như thể chưa chừng có cơn thịnh nộ đó – ông tiếp tục nói về các vấn đề gây tranh cãi lần nữa, nhấn mạnh từng nguyên nhân một cho thấy cần bỏ Frankfurt. Doenitz, Himmler và Goering ủng hộ ông.

       Nhưng cũng chỉ là ủng hộ cho có lệ. Ba vị tướng quyền lực nhất trong phòng vẫn yên lặng. Keitel và Jodl không nói gì – và đúng như Heinrici đoán, Krebs không đưa ra ý kiến nghiêng về bên nào. Hitler rõ ràng đã mệt mỏi, chỉ uể oải ra hiệu bằng tay để bác bỏ từng vấn đề một. Rồi tự dưng bừng bừng sức sống trở lại, ông ta yêu cầu cho biết về phẩm cách của tư lệnh quân đồn trú tại Frankfurt, Đại tá Bieler. Heinrici trả lời, “Ông ấy là một sĩ quan đáng tin cậy và có kinh nghiệm, đã chứng tỏ được bản thân nhiều lần trong cuộc chiến.”

       Hitler ngắt lời, “Ông ta có phải là một Gneisenau không?” Hitler muốn nhắc tới Đại tướng Graf von Gnei-senau, người từng thành công trấn thủ pháo đài Kolberg trước Napoleon năm 1806.

      Heinrici vẫn điềm tĩnh. Ông bình thản đáp rằng “trận đánh ở Frankfurt sẽ chứng minh ông ấy có phải là Gneisenau hay không.” Hitler lại ngắt lời, “Được rồi, ngày mai đưa Bieler tới gặp tôi để tôi xem xem. Rồi tôi sẽ quyết định phải làm gì với Frankfurt.” Heinrici đã thua trận đầu về Frankfurt và ông tin trận thứ hai chắc cũng sẽ thua nốt. Bieler là người khá nhàm chán với đôi kính cận dày cộp. Ông ta sẽ khó mà gây ấn tượng với Hitler.

      Sau đó đến phần mà Heinrici cho là cơn khủng hoảng của buổi họp. Khi ông bắt đầu nói tiếp, ông thấy hối hận là mình không có kỹ năng giao tiếp khéo léo. Ông chỉ biết một cách diễn đạt bản thân; và giờ như thường lệ, ông lại nói ra sự thật sờ sờ trước mắt. Ông nói, “Thưa Quốc trưởng, tôi không tin là quân ở mặt trận Oder có thể chống đỡ được các cuộc tấn công cực nặng ký của quân Nga.”

        Hitler im lặng, vẫn còn run rẩy. Heinrici mô tả tình hình thiếu khả năng chiến đấu của mớ quân tạp nham – tình trạng nhân lực chung của Đức – trong lực lượng của ông. Phần lớn các đơn vị ngoài mặt trận chưa được huấn luyện, không có kinh nghiệm hoặc quá suy yếu vì đám lính mới tăng viện không tin cậy được. Nhiều tư lệnh cũng trong tình cảnh tương tự. Heinrici giải thích, “Ví dụ, Sư đoàn không vận 9 làm tôi thấy lo lắng. Các tư lệnh và hạ sĩ quan của nó hầu hết từng là sĩ quan quản trị, đều chưa được huấn luyện và không quen chỉ huy quân lính chiến đấu.”

        Goering thình lình nổi nóng. Ông ta to tiếng, “Lính dù của tôi! Anh đang nói về lính dù của tôi! Họ là lực lượng giỏi nhất hiện có rồi đấy! Tôi sẽ không nghe những nhận xét hạ nhục như vậy! Cá nhân tôi đảm bảo cho khả năng chiến đấu của họ!”

        Heinrici lạnh lùng nhận xét, “Quan điểm của ngài hơi bị thiên vị đấy, ngài Thống chế ạ.Tôi không nói gì chống lại lính của ngài, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết rằng những đơn vị chưa được huấn luyện – nhất là lại do các sĩ quan mới tò te chỉ  huy – thường bị sốc rất dữ khi lần đầu bị pháo oanh tạc, tới mức sau đó chẳng làm nổi cái gì nữa.”

       Hitler lại nói, giọng đã bình tĩnh và sáng suốt hơn. Ông ta tuyên bố, “Bằng mọi giá phải huấn luyện các đội quân đó. Chắc chắc vẫn còn kịp trước trận chiến.”

      Heinrici bảo đảm với ông ta là đang nỗ lực thực hiện mọi thứ trong thời gian còn lại, nhưng ông nói thêm, “Việc huấn luyện không giúp họ có được kinh nghiệm chiến đấu, và đó chính là cái còn thiếu.” Hitler bác bỏ giả thiết này. “Các tư lệnh phù hợp sẽ cung cấp kinh nghiệm cần thiết, và dù sao thì quân Nga cũng đang chiến đấu bằng quân kém tiêu chuẩn.”

       Hitler khẳng định Stalin “đang sắp tới giới hạn và những gì ông ta còn lại chỉ là các tù binh có khả năng cực kỳ hạn chế.” Heinrici thấy tin tức sai lệch của Hitler thật là khủng khiếp. Ông cực lực phản đối. Ông nói, “Thưa Quốc trưởng, quân Nga vừa đông vừa thiện chiến.”

       Heinrici thấy đã tới lúc nói lên sự thật về tình hình đầy tuyệt vọng. Ông nói thẳng, “Tôi phải nói với ngài, từ khi các đơn vị thiết giáp bị chuyển sang cho Schörner, toàn bộ quân của tôi – cả giỏi lẫn dở – đều phải đưa ra ngoài tiền tuyến. Không có quân dự bị. Không hề có. Liệu họ có chống cự được những đợt nã pháo trước trận đánh không? Họ có chịu đựng được tác động ban đầu không? Trong một lúc thì có lẽ có. Nhưng trước kiểu tấn công sắp tới, thì mỗi sư đoàn của ta sẽ mất một tiểu đoàn một ngày. Thế có nghĩa là trong suốt trận chiến, cứ một tuần ta lại mất một sư đoàn. Chúng ta không thể chịu nổi tổn thất như thế. Chúng ta chằng có quân để thay thế.”

      Ông ngừng lại, thấy mọi ánh mắt đều đổ dồn vào mình. Rồi Heinrici lấn tới, “Thưa Quốc trưởng, sự thật là giỏi lắm thì chúng ta chỉ cầm cự được vài ngày.” Ông nhìn quanh phòng và nói, “Rồi mọi chuyện sẽ kết thúc.”

      Trong phòng là cả một sự yên lặng chết chóc. Heinrici biết các số liệu của mình không có gì để bàn cãi. Người ở đây đều quen thuộc với số liệu thương vong giống ông. Khác nhau là ở chỗ họ không dám nói ra.

       Goering là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng tê liệt. Ông thông báo, “Thưa Quốc trưởng, tôi sẽ giao ngay cho ngài tùy ý sử dụng 100.000 lính không quân. Họ sẽ tới mặt trận Oder trong vài ngày nữa.”

      Himmler cáu kỉnh nhìn Goering, đối thủ kỳ cựu của mình, rồi nhìn Hitler, như thể quan sát phản ứng của Quốc trưởng. Rồi ông ta cũng tuyên bố bằng giọng the thé, “Thưa Quốc trưởng, tôi sẽ rút 12.000 lính thủy và đưa ngay tới mặt trận Oder.”

      Heinrici nhìn họ chằm chằm. Đây là một cuộc đấu giá kinh tởm mà họ tiêu mạng sống con người thay vì tiêu tiền, họ tình nguyện đưa ra các đoàn quân không được huấn luyện, không được trang bị, chất lượng kém cỏi trong đế chế riêng của mình. Họ đang trả giá nhắm vào đối phương, không phải để cứu nước Đức mà là để gây ấn tượng với Hitler. Và đột nhiên cơn sốt đấu giá lây lan khắp nơi. Một điệp khúc vang lên, ai cũng cố đưa ra các lực lượng có thể. Một số người hỏi số quân dự bị và Hitler kêu lên, “Buhle! Buhle!”

       Ngoài hành lang, nơi đám đông gồm các tướng lĩnh và lính cần vụ đang chờ đợi đã đổi từ cà phê sang rượu brandy, tiếng kêu la vang lên. “Buhle! Buhle! Buhle đâu?”

      Một trận om sòm, rồi Thiếu tướng Walter Buhle, Ủy viên Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm cung ứng hậu cần và quân tăng viện len lỏi qua đám đông đi vào phòng họp. Heinrici nhìn ông ta, rồi quay đi đầy ghét bỏ. Buhle mới uống rượu, cả người sực nức mùi rượu(*). Có vẻ như không ai khác chú ý hay bận tâm – kể cả Hitler.

       Quốc trưởng đưa ra một số câu hỏi cho Buhle – về quân dự bị, cung ứng súng trường, vũ khí cỡ nhỏ và đạn dược. Buhle mệt nhọc trả lời, và Heinrici thấy thật ngu xuẩn, nhưng có vẻ như Hitler lại hài lòng với những câu trả lời đó. Theo những gì ông rút ra được từ câu trả lời của Buhle, có thể vét được thêm 13.000 lính từ cái gọi là đội quân dự bị.

      Ra hiệu cho Buhle ngừng lại, Hitler quay sang Heinrici. Ông ta nói, “Vậy là anh có 150.000 lính – khoảng 12 sư đoàn. Đó là quân dự bị của anh.” Cuộc đấu giá chấm dứt. Rõ ràng Hitler coi các vấn đề của Cụm Tập đoàn quân thế là xong. Tất cả những gì ông ta đã làm là mua thêm cho Đệ tam Quốc xã tối đa 12 ngày nữa – và có thể phải trả một cái giá cực đắt bằng mạng người.

       Heinrici cố giữ bình tĩnh. Ông nói thẳng, “Bọn họ chưa qua huấn luyện chiến đấu. Họ chỉ ở hậu phương, trong văn phòng hoặc trên tàu, làm công tác bảo trì ở các căn cứ không quân… Họ chưa từng chiến đấu ngoài mặt trận. Họ chưa từng thấy qua một tên lính Nga nào.”

      Goering ngắt lời. “Quân mà tôi đưa ra phần lớn là lính chiến đấu trên máy bay. Họ là lực lượng tinh nhuệ nhất trong số những người tinh nhuệ. Và còn có quân ở Monte Cassino – danh tiếng của họ làm lu mờ tất cả.”

      Ông ta kịch liệt trình bày với Heinrici một cách lưu loát và phấn khích, “Bọn họ có ý chí, lòng dũng cảm và tất nhiên là có kinh nghiệm.”

      Doenitz cũng giận dữ. Ông ta gắt với Heinrici, “Tôi nói anh hay, lực lượng trên các tàu chiến cũng giỏi y như bộ binh của anh vậy.” Nhất thời, Heinrici nổi điên. Ông gay gắt hỏi, “Anh không nghĩ là chiến đấu trên bộ với trên biển khác nhau rất nhiều à? Tôi nói anh hay, cả đám bọn họ sẽ bị tàn sát ngoài chiến trường hết! Bị tàn sát hết!”.

      Dù Hitler có bị sốc vì cơn giận dữ thình lình của Heinrici hay không thì ông ta cũng không biểu lộ gì. Trong khi những người khác nổi xung lên thì Hitler có vẻ bình tĩnh và lạnh lùng. Ông ta nói, “Được rồi, chúng ta sẽ đưa các đội quân dự bị này đến tuyến thứ hai, sau tiền tuyến khoảng 8 km. Tiền tuyến sẽ gánh chịu loạt pháo mở màn của quân Nga. Trong khi đó, quân dự bị sẽ quen dần với trận chiến và nếu quân Nga đột phá được thì họ sẽ chiến đấu. Khi đó, để đẩy lùi quân Nga, anh sẽ phải dùng các sư đoàn thiết giáp.” Và ông ta nhìn Heinrici chăm chăm như thể đang chờ lời nhất trí về một vấn đề thực chất rất đơn giản.

       Heinrici không thấy vậy. Ông nói, “Ngài đã lấy đi của tôi các đơn vị thiết giáp dày dạn kinh nghiệm và thiện chiến nhất. Cụm Tập đoàn quân của tôi đã yêu cầu đưa họ quay lại.” Heinrici nói rõ từng chữ một: “Tôi cần bọn họ quay lại.”

       Sau lưng Heinrici, có một người giật mình, và viên sĩ quan quản trị của Hitler là Burgdorf giận dữ thì thầm vào tai Heinrici. Ông ta ra lệnh cho Heinrici, “Kết thúc đi! Anh phải kết thúc ngay.” Heinrici vẫn đứng đó. Ông lờ Burgdorf đi và lặp lại, “Thưa Quốc trưởng, tôi phải có lại các đơn vị thiết giáp đó.”

       Hitler vẫy tay gần như xin lỗi. Ông ta đáp, “Tôi rất tiếc, nhưng tôi phải lấy họ đi thôi. Người hàng xóm phía nam của anh cần quân thiết giáp của anh hơn. Cuộc tấn công chính của quân Nga rõ ràng không phải nhắm vào Berlin. Quân địch tập trung ở phía nam mặt trận của anh ở Saxony đông hơn hẳn.” Hitler chỉ lên vị trí của quân Nga bên sông Oder. Ông ta nói bằng giọng mệt mỏi và chán nản, “Toàn bộ đây chỉ là một cuộc tấn công thứ yếu để gây hoang mang thôi. Cuộc tấn công chính của địch sẽ không nhắm vào Berlin – mà nhắm vào đây.” Ông ta chỉ tay vào Prague. Quốc trưởng tiếp tục, “Kết quả là, Cụm Tập đoàn quân Vistula sẽ ổn thỏa cầm cự được các cuộc tấn công phụ.”

       Heinrici nhìn Hitler chằm chằm, không thể tin nổi(**). Rồi ông nhìn sang Krebs; chắc chắn Chỉ huy trưởng OKH phải thấy mấy thứ này thật vô lý chứ. Krebs phát biểu. Ông ta giải thích, “Dựa trên các thông tin chúng tôi có, không có gì cho thấy nhận định tình hình của Quốc trưởng là sai.”

        Heinrici đã làm mọi thứ có thể. Ông kết luận, “Thưa Quốc trưởng, tôi đã hoàn thành mọi thứ có thể để chuẩn bị cho cuộc tấn công, Tôi không thể xem 150.000 người đó là quân dự bị. Tôi cũng không thể làm gì về những tổn thất khủng khiếp mà chắc chắn chúng ta sẽ phải gánh chịu. Trách nhiệm của tôi là làm rõ ràng mọi chuyện. Trách nhiệm của tôi còn là nói với ngài rằng tôi không thể bảo đảm có thể chống đỡ được cuộc tấn công.”

      Đột nhiên Hitler bừng bừng sức sống. Cố đứng dậy, ông ta đập bàn, hét lên. “Niềm tin! Niềm tin mạnh mẽ vào thành công sẽ bù đắp được mọi thiếu hụt đó! Mọi tư lệnh phải tràn đầy lòng tin! Anh!” Ông ta chỉ vào Heinrici. “Anh phải bộc lộ niềm tin này! Anh phải truyền niềm tin này cho quân của anh!”

       Heinrici nhìn thẳng vào Hitler không nao núng. Ông nói, “Thưa Quốc trưởng, tôi phải lặp lại – trách nhiệm của tôi là phải lặp lại – chỉ có niềm tin và hi vọng không thôi thì không thể thắng được trận này.”

       Đằng sau ông có tiếng thì thầm, “Kết thúc đi! Kết thúc đi!”

       Nhưng Hitler thậm chí còn không nghe Heinrici nói. Ông ta hét lên, “Tôi nói anh hay. Thưa thượng tướng, nếu anh biết trận chiến này ta sẽ thắng, thì ta sẽ thắng! Nếu quân của anh cũng có niềm tin tương tự - thì anh sẽ giành được chiến thắng, và là thành công vĩ đại nhất của cuộc chiến!”

      Trong sự im lặng đầy căng thẳng theo sau đó, mặt Heinrici trắng bệch, ông thu thập tài liệu và đưa cho Eismann. Hai sĩ quan rời khỏi phòng họp vẫn đang yên ắng. Bên ngoài, trong phòng đợi ở hành lang, họ nghe nói có một cuộc không kích đang diễn ra. Lặng người đi, cả hai đứng đợi trong sững sờ, gần như không hề hay biết về tiếng trò chuyện đang tiếp tục xung quanh họ.

       Sau vài phút, họ được phép rời khỏi hầm. Họ đi lên cầu thang ra ngoài vườn. Tại đó, lần đầu tiên kể từ lúc rời phòng họp, Heinrici cất tiếng. Ông mệt mỏi nói, “Chả ích gì. Cứ như cố hái trăng trên trời.” Ông nhìn lên màn khói nặng nề bên trên thành phố và khe khẽ lặp lại với bản thân, “Chả ích gì. Chả ích gì.”(***)
.............................
       (*) Theo như Heinrici nói trong một cuộc phỏng vấn với tác giả thì, “Buhle đang vẫy một lá cờ ghi ‘tôi đã uống brandy’ đằng trước.”

       (**) Sau này Heinrici nói: “Lời khẳng định của Hitler giết tôi chết hẳn. Tôi không thể tranh cãi về điều đó, vì tôi không biết tình hình mà Schöner phải đối mặt là như thế nào. Tôi biết là Hitler sai hoàn toàn rồi. Tôi chỉ nghĩ được là ‘Làm sao một người có thể huyễn hoặc bản thân tới độ này?’ Tôi nhận ra họ đang sống trong một vùng đất mộng mơ (Wolkenkuckucksheim).”

       (***) Nghiên cứu về cuộc họp của Hitler chủ yếu là từ nhật ký của Heinrici, bổ sung thêm một cuốn hồi ký dài (186 trang) của Đại tá Eismann. Heinrici ghi chép tỉ mỉ về mọi chuyện đã diễn ra, bao gồm chính xác từng lời Hitler đã nói. Có một vài khác biệt giữa bản ghi chép của Heinrici với của Eismann, nhưng đã được giải quyết trong chuỗi phỏng vấn với Heinrici, kéo dài hơn 3 tháng vào năm 1963.

       Mặt nước trong xanh của hồ Chiemsee trông như những tấm gương đang chuyển động, soi bóng hàng thông cao lớn phủ kín những ngọn đồi dưới chân núi, kéo dài đến tận đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Walther Wenck nặng nhọc dựa vào cây gậy chống, nhìn ra đằng xa, về phía dãy núi trùng điệp mênh mông bên kia hồ, cách Berchtesgaden vài dặm. Phong cảnh đẹp và yên bình quá đỗi.

      Khắp nơi, những nụ hoa đầu mùa đang hé nở; tuyết trên các dãy núi cao bắt đầu tan, và dù mới ngày 6/4, hương xuân đã ngập tràn trong không gian. Sự thanh bình của cảnh vật xung quanh đã giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của cựu Tham mưu trưởng của Guderian, vị tướng trẻ nhất của quân đội Đức ở tuổi 45.

      Tại đây, ngay giữa lòng dãy Alps xứ Bavaria, cuộc chiến có vẻ như cách xa ngàn dặm. Trừ người tới đây để hồi phục sau khi bị thương trong chiến tranh, hoặc như trong trường hợp của Wenck là bị tai nạn, ở đây hầu như chẳng thấy một người lính nào.

      Dù vẫn còn yếu, sức khỏe Wenck đang hồi phục dần. Xét tới độ nghiêm trọng của vụ tai nạn, Wenck còn sống được quả là may mắn. Ông bị chấn thương ở đầu và gãy xương nhiều chỗ trong một vụ tai nạn xe hơi ngày 13/2, và đã nằm viện gần sáu tuần. Xương sườn ông bị gãy nhiều tới mức ông vẫn còn phải mặc một tấm áo lót phẫu thuật từ ngực tới đùi. Đối với ông, chiến tranh dường như đã kết thúc, và dù thế nào đi nữa, kết cục của nó đã rõ ràng một cách đáng buồn. Ông không tin nền Đệ tam Quốc xã có thể sống sót được thêm mấy tuần nữa.

       Dù tương lai của nước Đức có vẻ ảm đạm, Wenck vẫn thấy biết ơn về nhiều điều: vợ ông, Irmgard, cùng cặp sinh đôi 15 tuổi của họ, cậu con trai Helmuth và cô con gái Sigried vẫn an toàn, và đang sống cùng ông tại Bavaria. Chậm chạp và đau đớn, Wenck quay lại căn nhà nghỉ nho nhỏ đẹp như tranh vẽ, nơi họ đang ở. Khi ông bước vào phòng nghỉ, Irmgard đưa cho ông một bức điện. Wenck gọi ngay về Berlin.

       Sĩ quan quản trị của Hitler, Đại tướng Burgdorf nghe máy. Burgdorf nói Wenck phải tới Berlin báo cáo cho Hitler vào ngày hôm sau. “Quốc trưởng đã chỉ định anh làm tư lệnh của Tập đoàn quân 12.” Wenck vừa ngạc nhiên vừa hoang mang. Ông hỏi, “Tập đoàn quân 12 ư? Là cái gì đấy?”

      Burgdorf đáp, “Anh tới đây rồi biết.”

      Wenck vẫn không hài lòng. Ông nhấn mạnh, “Tôi chưa từng nghe nói tới Tập đoàn quân 12 nào cả.” Birgdorf cáu kỉnh đáp, như thể đang giải thích mọi thứ, “Tập đoàn quân 12 giờ đang được tổ chức.” Rồi ông ta cúp máy.

       Mấy tiếng sau, một lần nữa khoác lên mình bộ đồng phục, Wenck tạm biệt bà vợ âu sầu. Ông cảnh báo với bà, “Dù em có làm gì thì cũng cứ ở yên tại Bavaria. Đây là nơi an toàn nhất.” Rồi ông lên đường đến Berlin, hoàn toàn không hay biết gì về nhiệm vụ của mình. Trong vòng 21 ngày tới, tên tuổi vị tướng vô danh này sẽ trở thành biểu tượng hy vọng của mọi người dân Berlin.

                          *********************
        Ban tham mưu đã quen thấy ông thỉnh thoảng nổi giận, nhưng chưa từng thấy Heinrici như thế này bao giờ. Viên tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Vistula đang nổi trận lôi đình tột độ. Ông vừa nhận được báo cáo từ Bieler, sĩ quan phụ trách “pháo đài” Frankfurt, về chuyến thăm Hitler của viên đại tá trẻ tuổi. Đúng như Heinrici đã lo sợ, vị sĩ quan đeo kính cận với gương mặt gầy gò này không phù hợp với tiêu chuẩn anh hùng Scandinavi của Hitler. Sau vài nhận xét linh tinh, trong đó không hề đề cập tới Frankfurt, Hitler bắt tay Bieler và cho ông ra ngoài. Ngay khi Bieler rời khỏi hầm, Hitler ra lệnh đổi người chỉ huy Frankfurt. Quốc trưởng nói với Krebs, “Kiếm ngay người khác. Bieler chắc chắn không phải là Gneisenau!”

        Đơn vị đồn trú tại Frankfurt trực thuộc Tập đoàn quân 9 của Đại tướng Busse, nên ông cũng có nghe Krebs nói về vụ đổi người chỉ huy sắp tới, và ngay lập tức báo cho Heinrici. Giờ, trong khi Bieler đang đứng bên bàn làm việc của Heinrici, Giftzwerg giận dữ gọi điện cho Krebs.

         Ban tham mưu của ông lặng lẽ quan sát. Họ đã biết cách đo lường cơn giận dữ của Heinrici qua cách ông gõ ngón tay lên bàn. Ông đang gõ thật lực lên mặt bàn. Krebs bắt máy. Heinrici rống lên, “Krebs, Đại tá Bieler đang ở văn phòng tôi. Tôi muốn anh nghe cho kỹ đây. Bieler phải được tiếp tục chỉ huy quân đồn trú ở Frankfurt. Tôi đã nói với Burgdorf rồi, và giờ tôi phải nói với anh. Tôi từ chối chấp nhận bất kỳ sĩ quan nào khác. Anh có hiểu không hả?”

       Ông không chờ câu trả lời. “Một chuyện khác nữa. Huân chương Chữ Thập Sắt của Bieler đâu? Ông ấy đã chờ suốt mấy tháng nay. Ông ấy cần được trao ngay. Anh có hiểu không hả?” Heinrici vẫn không ngừng lại. Ông nói, “Giờ nghe tôi nói đây, Krebs. Nếu Bieler không nhận được Huân chương Chữ Thập Sắt, nếu Bieler không được phục chức chỉ huy Frankfurt, thì tôi sẽ từ chức! Anh có hiểu không hả?” Vẫn gõ mạnh đầy giận dữ, Heinrici nhấn mạnh. “Tôi mong anh xác nhận lại chuyện này trong hôm nay! Thế đã rõ chưa?” Ông dập mạnh ống nghe. Krebs không thốt được lời nào.

      Sau này Đại tá Eismann nhớ lại, chiều ngày 7/4, “Cụm Tập đoàn quân nhận được hai bức điện từ bộ chỉ huy của Quốc trưởng. Bức thứ nhất nói, Bieler vẫn sẽ là tư lệnh của Frankfurt; còn bức thứ hai thì nói ông ấy sẽ được trao tặng Huân chương Chữ Thập Sắt.”

       Thượng tướng Alfred Jodl, Tư lệnh hành quân của Hitler, ngồi trong văn phòng ở Dahlem, đợi tướng Wenck đến. Vị tư lệnh mới của Tập đoàn quân 12 vừa mới đi khỏi chỗ Hitler và giờ tướng Jodl có trách nhiệm tóm tắt tình hình ở mặt trận phía Tây cho Wenck. Trên bàn làm việc của Jodl là một xấp báo cáo từ Thống chế Alberg Kesselring, Tổng tư lệnh phía Tây. Các báo cáo đó vẽ ra một bức tranh đang tối dần theo từng giờ. Quân Anh-Mỹ đang đột phá ở khắp nơi.

       Trên lý thuyết, Tập đoàn quân 12 là lá chắn phía Tây của Berlin, trấn thủ 125 dặm hạ lưu sông Elbe và sông Mulde để ngăn quân Anh-Mỹ tấn công thành phố. Hitler đã quyết định là Wenck sẽ chỉ huy 10 sư đoàn, gồm các sĩ quan tập sự thuộc quân đoàn thiết giáp, Lực lượng Phòng vệ Địa phương, học viên trường sĩ quan, các nhóm quân lẻ tẻ, và tàn dư của Tập đoàn quân 11 ở dãy Harz. Dù lực lượng này có tổ chức kịp đi nữa, Jodl nghi ngờ không biết liệu nó có hiệu quả gì không.

        Và có lẽ nó sẽ không bao giờ đi vào hoạt động ở sông Elbe – dù Jodl không định nói cho Wenck biết. Jodl vẫn còn giữ bản kế hoạch Nhật thực chiếm được trong két sắt ở văn phòng ông – tập tài liệu nêu chi tiết các bước quân Anh-Mỹ sẽ thực hiện nếu Đức đầu hàng hoặc thua cuộc – và các tấm bản đồ đính kèm cho thấy các khu vực thỏa thuận mà mỗi bên sẽ chiếm đóng sau khi chiến tranh kết thúc. Jodl vẫn tin rằng quân Anh và Mỹ sẽ dừng ở sông Elbe – đường phân chia giữa vùng chiếm đóng hậu chiến giữa Anh-Mỹ và Nga. Ông thấy hoàn toàn rõ ràng là Eisenhower sẽ để Berlin cho Nga.
                                   ****************
        Đoạn cuối của bức điện mới nhất mà Eisenhower gửi cho Churchill viết, “Tất nhiên, nếu điều kiện của chiến dịch ‘Nhật thực’ xảy ra [Đức đầu hàng hoặc thua cuộc] vào bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu trên mặt trận thì chúng ta sẽ nhanh chóng tiến hành… và Berlin sẽ nằm trong số các mục tiêu quan trọng của ta.”

       Đó là lời cam kết hết mức mà vị Tư lệnh Tối cao sẵn lòng thực hiện. Nó không làm hài lòng người Anh, và Bộ tổng tham mưu của họ tiếp tục đòi phải quyết định rõ ràng. Họ đánh điện cho Washington, giục tổ chức một cuộc họp để bàn bạc về chiến lược của Eisenhower. Bức điện của Stalin khiến lòng nghi ngờ của họ nổi lên.

      Bộ tổng tham mưu của Anh nói, trong khi vị Tổng tư lệnh đã khẳng định rằng mình phải đến giữa tháng năm mới bắt đầu tấn công, thì ông ta lại không nói định phát động “cuộc tấn công thứ yếu” vào Berlin khi nào. Do đó, vẫn phải chiếm Berlin càng sớm càng tốt. Hơn nữa, họ tin là “Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ nên chỉ thị cho Eisenhower về vấn đề này.”

       Hồi âm của Đại tướng Marshall mạnh mẽ và quyết đoán chấm dứt cuộc tranh cãi. Ông nói, “Không nên để các lợi thế chính trị và tâm lý có được từ việc chiếm Berlin trước quân Nga lấn át các cân nhắc quân sự buộc phải có, mà theo ý chúng tôi đó là việc tiêu diệt và chia cắt toàn bộ các lực lượng vũ trang của Đức.”

       Marshall không hoàn toàn khép hẳn khả năng chiếm Berlin, vì “thực tế thì, Berlin nằm trong trung tâm ảnh hưởng của cuộc tấn công chủ đạo.” Nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ không có thời gian để mà cân nhắc thêm về việc này nữa. Ông nói, tốc độ tiến quân của quân Đồng minh tạo Đức giờ đang rất nhanh, tới mức nó bỏ xa khả năng “để hội đồng xem lại các vấn đề chiến dịch dưới bất kỳ hình thức nào.” Và Marshall kết thúc với một sự tán thành mập mờ dành cho vị Tư lệnh Tối cao.

       “Chỉ có Eisenhower mới biết phải đánh trận này như thế nào và làm sao tận dụng được tình hình đang thay đổi.”

       Về phần mình, Eisenhower khá căng thẳng, tuyên bố ông sẵn sàng thay đổi kế hoạch nhưng chỉ khi nào có lệnh. Ngày 7/4, ông đánh điện cho Marshall, “Tất nhiên, khi nào có thể chiếm được Berlin với một cái giá không đáng kể thì chúng ta sẽ làm thế.”

       Nhưng vì Nga đang ở rất gần thủ đô, ông xem việc “đưa Berlin làm mục tiêu chính vào giai đoạn này của cuộc chiến là không hợp lý về mặt quân sự.”

       Eisenhower nói, ông là người đầu tiên “thừa nhận rằng chiến tranh được tiến hành để thực hiện các mục đích chính trị, và nếu Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ quyết định là việc chiếm Berlin phải được ưu tiên hơn các cân nhắc quân sự đơn thuần, thì tôi sẽ vui lòng điều chỉnh kế hoạch và tư tưởng của mình để thực hiện chiến dịch đó.”

       Tuy nhiên, ông nhấn mạnh niềm tin của mình, rằng “chỉ nên chiếm Berlin nếu nó khả thi và thực tế, trong khi chúng ta tiến hành kế hoạch chung gồm (A) chia cắt các lực lượng của Đức… (B) giữ cánh trái của chúng ta thật vững vào vùng Lübeck, và (C), cố gắng phá vỡ các nỗ lực của Đức nhằm thành lập pháo đài ở vùng núi phía nam.”

      Ông đưa cho Montgomery câu trả lời gần như y hệt vào ngày hôm sau. Monty đã tiếp tục tranh cãi về việc này sau khi Churchill và Bộ tổng tham mưu Anh bỏ cuộc.

      Ông yêu cầu Eisenhower đưa thêm 10 sư đoàn để tấn công Lübeck và Berlin. Eisenhower bác bỏ. Vị Tư lệnh Tối cao tuyên bố, “Về Berlin, tôi sẵn lòng thừa nhận là nó có tầm quan trọng về mặt chính trị và tâm lý, nhưng quan trọng hơn là vị trí của các lực lượng còn lại của Đức trong mối liên hệ với Berlin. Tôi muốn tập trung chú ý vào đó. Tất nhiên nếu có cơ hội chiếm Berlin mà không quá tốn sức, thì tôi sẽ làm vậy.”

       Đến lúc này thì Churchill quyết định dừng cuộc tranh cãi trước khi quan hệ Đồng minh xấu đi thêm. Ông nói với tổng thống Roosevelt rằng mình xem như vấn đề đã khép lại. Ông điện cho tổng thống, “Để chứng tỏ lòng chân thành của mình, tôi sẽ dùng một trong số những câu châm ngôn Latin ít ỏi của tôi: Amantium irae amoris integratio est.” Dịch ra, nó có nghĩa là, Các cuộc tranh cãi giữa người yêu làm tình yêu thêm mới mẻ.

      Nhưng trong khi cuộc tranh cãi về bức điện SCAF 252 và các mục tiêu của quân Anh-Mỹ vẫn đang diễn ra sau cánh gà, thì quân Anh-Mỹ đang tiến sâu vào nước Đức từng giờ từng phút. Không ai nói cho họ biết rằng " Berlin không còn là mục tiêu quân sự chính nữa.”
      5.
       Cuộc đua đã bắt đầu. Lịch sử chiến tranh chưa từng có đoàn quân hùng hậu nào lại di chuyển nhanh đến vậy. Tốc độ hành quân của quân Anh-Mỹ đang được đẩy nhanh, trên toàn mặt trận, cuộc tấn công đang được tiến hành dưới dạng một cuộc đua khổng lồ. Các tập đoàn quân tập trung vào mục tiêu giành được bờ sông Elbe, chiếm các đầu cầu để thắng trận đánh cuối cùng và kết thúc chiến tranh, nên mọi sư đoàn ở phía bắc và trung tâm mặt trận phía tây đều quyết tâm phải là người đầu tiên tới được bờ sông. Xa hơn, Berlin là mục tiêu cuối cùng, vẫn luôn là vậy.

      Trong khu vực của Anh, Sư đoàn Thiết giáp 7 – những chú Chuột sa mạc danh tiếng – hầu như không ngừng nghỉ kể từ khi rời sông Rhine. Từ hồi vượt sông, Thiếu tướng Louis Lyne, tư lệnh Sư đoàn 7 đã nhấn mạnh rằng “mọi cấp bậc đều phải dán mắt vào sông Elbe.  Một khi đã bắt đầu, chừng nào chưa tới nơi thì tôi còn chưa ra lệnh dừng lại, dù là đêm hay ngày cũng vậy… Chặng kế phải săn cho tốt.” Giờ đây, dù gặp phải kháng cự mạnh mẽ từ quân địch, những chú Chuột sa mạc vẫn đang tiến lên trung bình 20 dặm một ngày.

       Chuẩn úy trung đoàn Charles Hennell nghĩ rằng “Sư đoàn 7 có quyền và có khả năng chiếm được thủ đô để làm phần thưởng cho những nỗ lực miệt mài và lâu dài củ mình, từ hồi còn ở Sa mạc phía Tây.” Hennell chiến đấu ở Chuột sa mạc từ trận El Alamein.

      Chuẩn úy Eric Cole còn có lý do phải tới Berlin thuyết phục hơn. Là một cựu binh trong trận Dunkirk, anh từng bị quân Đức dồn ra biển hồi năm 1940. Giờ Cole đang quyết tâm chuẩn bị để san bằng tỉ số. Anh thường bảo đội ngũ thiết giáp phải giữ trang thiết bị cơ khí ở tình trạng vận hành tốt nhất. Cole định đánh cho bọn Đức đang ở phía trước sư đoàn phải chạy về Berlin.

      Người của Sư đoàn không vận 6 của Anh đã từng dẫn đầu các đồng hương của mình đến Normandy vào ngày D-Day; và họ quyết sẽ dẫn đầu cho đến ngày cuối cùng.

      Trung sĩ Hugh McWhinnie đã nghe ngóng từ các tù binh Đức là khi quân Anh qua được sông Elbe, quân địch sẽ “mở toang cửa để họ tới thẳng Berlin.” Anh rất nghi ngờ điều đó. Sư đoàn 6 đã chiến đấu giành từng dặm đất. Đại úy Wilfred Davison của Tiểu đoàn dù 13 chắc chắn là sẽ có một cuộc đua giành lấy thành phố, nhưng giống như đa số trong sư đoàn, anh không hề nghi ngờ gì. “Sư đoàn 6 đang dẫn đầu.” Nhưng tại Bộ chỉ huy sư đoàn, Đại úy John L. Shearer bắt đầu thấy hơi lo lắng. Anh nghe đồn là “Berlin sẽ được giao cho người Mỹ.”

     Các sư đoàn không vận của Mỹ cũng nghe lời đồn tương tự. Vấn đề là nó không nhắc tới quân dù. Ở nơi đóng quân của Sư đoàn không vận 82 của tướng John Gavin, nơi các lính dù đã huấn luyện nhiều ngày nay, họ thấy rõ ràng là cuộc đổ bộ xuống Berlin coi như xong. Có lẽ chiến dịch nhảy dù sẽ chỉ diễn ra nếu quân địch đột ngột sụp đổ, khiến kế hoạch Nhật thực đi vào thực tiễn, khi đó sẽ cần quân dù đến Berlin làm nhiệm vụ chính trị.

      Nhưng chuyện này thật quá xa vời. SHAEF đã chỉ đạo cho Tập đoàn quân Không vận số 1 của Đại tướng Lewis Brereton là sẽ sớm có các cuộc đổ bộ cứu viện xuống các trại tù binh chiến tranh của phe Đồng minh, dưới bí danh “Chiến dịch Hân hoan.” Dù cũng rất muốn giải cứu các tù binh chiến tranh, nhưng viễn cảnh thực hiện chiến dịch giải cứu thay vì một nhiệm vụ chiến đấu khiến mọi người trong tập đoàn quân chẳng mấy hân hoan.

      Sự chán nản tương tự ngập tràn trong các đoàn quân không vận khác. “Những con đại bàng la hét” của Sư đoàn không vận 101 của Đại tướng Maxwell Taylor từng chiến đấu như bộ binh không chỉ một lần, lần này là ở Ruhr. Một trung đoàn trong sư đoàn 82 của tướng Gavin cũng nhận được lệnh tới đó. Sư đoàn 82 cũng nhận được chỉ thị phải hỗ trợ Cụm Tập đoàn quân 21 của Montgomery trong chiến dịch vượt sông Elbe sau này.

      Binh nhì Arthur Schultz “Hà Lan” của Trung đoàn dù 505 có lẽ là đại biểu phù hợp nhất cho cảm giác của những người lính dù. Anh trèo lên một chiếc xe tải đang hướng về Ruhr, tỏ vẻ bất cần nói với anh bạn mình là binh nhì Joe Tallett:
       “Vậy đó. Tôi dẫn bọn họ tới Normandy, phải không? Tới Hà Lan, phải không? Nhìn tôi này, nhóc. Tôi là một anh Mỹ quý phái và đất nước chỉ có một tôi mà thôi. Họ muốn tiền bỏ ra phải đáng đồng tiền bát gạo. Họ không đời nào để tôi phí hoài ở Berlin đâu. Chết tiệt, đời nào! Họ để dành lại thôi! Họ sẽ bảo tôi đổ bộ xuống Tokyo!”

       Nhưng nếu như các sư đoàn không vận bị mất tinh thần, thì các tập đoàn quân trên bộ lại đang tràn đầy cảnh giác.

       Ở trung tâm, các đội quân Mỹ đang tung hết sức và sức mạnh của họ thật dữ dội. Với sự trở lại của Tập đoàn quân 9 hùng mạnh của tướng Simpson từ Cụm Tập đoàn quân 21 của Montgomery, Bradley đã trở thành vị tướng đầu tiên trong lịch sử Mỹ chỉ huy bốn tập đoàn quân. Ngoài Tập đoàn quân 9, lực lượng của ông còn có các tập đoàn quân 1, 3 và 15 – gần một triệu lính.

       Ngày 2/4, chỉ chín ngày sau khi vượt sông Rhine, quân của ông đã hoàn thành xong cái bẫy bao vây sông Ruhr. Cụm Tập đoàn quân B của Thống chế Walter Model với quân số không ít hơn 325.000 người bị kẹt trong ngõ cụt rộng 4.000 dặm vuông. Một khi Model bị vây, mặt trận phía Tây liền rộng mở và Bradley mạnh mẽ càn lướt qua, để lại một phần của tập đoàn quân 1 và 9 để càn quét ngõ cụt đó. Giờ quân của ông đang phấn khích hò hét không ngừng. Bradley đang tiến như vũ bão qua vùng trung tâm nước Đức, về hướng Leipzig và Dresden, với quân Anh ở sườn bắc và Cụm Tập đoàn quân 6 Hoa Kỳ của tướng Devers. Trong số các tập đoàn quân trên trận tuyến từ bắc xuống nam của Mỹ, Tập đoàn quân 9 là gần sông Elbe nhất, và các vị tư lệnh thấy là có vẻ Bradley đã cho phép Simpson theo đà xốc tới Berlin.

       Ngày vòng vây vùng Ruhr hoàn thành, Eisenhower bèn ra lệnh chô các đoàn quân của ông. Cánh của Bradley sẽ “càn quét vùng… Ruhr, phát động một cuộc tấn công với trục chính là Kassel-Leipzig… tìm cơ hội chiếm một đầu cầu ở sông Elbe và chuẩn bị thực hiện các chiến dịch sau khi vượt sông.” Ngày 4/4, ngày Tập đoàn quân 9 quay về với ông, Bradley cũng đưa ra các mệnh lệnh mới cho các tập đoàn quân của mình. Trong “Thư chỉ thị số 20,”

      Tập đoàn quân 9 được lệnh, thứ nhất là tiến về phía nam Hanover, trung tâm đoàn quân sẽ nằm ở thành phố Hildersheim – cách sông Elbe khoảng 70 dặm. Rồi “khi có lệnh,” giai đoạn 2 sẽ bắt đầu. Đây là đoạn quan trọng nêu lên vai trò của Tập đoàn quân 9, và cho thấy đích đến của đoàn quân, theo các vị tư lệnh của nó. Đoạn văn viết: “Giai đoạn 2. Tiến về phía đông… tìm mọi cơ hội có thể để chiếm được một đầu cầu bên sông Elbe và chuẩn bị tiếp tục tiến về Berlin theo hướng đông bắc.” Giai đoạn một – mũi tấn công vào Hildersheim – có vẻ đơn giản chỉ là một mệnh lệnh trực tiếp. Chả ai trấn giữ ở đó. Nhưng giai đoạn 2 là lá cờ hiệu mà mọi sư đoàn trong Tập đoàn quân 9 đang chờ đợi, và không ai phấn khích hơn tư lệnh của nó, Trung tướng William Simsonp “Big Simp.”(*)
..............................
         (*) Simpson có đủ lý do để tin là mình đã được bật đèn xanh. Cũng trong mệnh lệnh đó của Cụm Tập đoàn quân 12, các tập đoàn quân 1 và 3 nhận lệnh chiếm đầu cầu ở sông Elbe trong giai đoạn 2 và chuẩn bị tiến về phía đông – đối với Tập đoàn quân 3 của tướng Patton, cụm từ được dùng là  “phía đông hoặc đông nam.” Nhưng chỉ có mệnh lệnh dành cho Tập đoàn quân 9 là có cụm từ “vào Berlin.”
      Sau này, tướng Simpson nhớ lại, “Người của tôi đều được lên dây. Chúng tôi là những người đầu tiên đến được sông Rhine và giờ sắp thành những người đầu tiên đến được Berlin. Chúng tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất – chiếm Berlin, vượt qua đó và gặp quân Nga ở phía bên kia.”

      Từ lúc Thư chỉ thị đưa xuống Cụm Tập đoàn quân, Simpson đã không lãng phí một giây phút nào. Ông mong sẽ tới Hildesheim trong mấy ngày nữa. Simpson nói với các sĩ quan tham mưu của ông là sau đó ông định “dùng một sư đoàn thiết giáp và một sư đoàn bộ binh đi theo xa lộ từ Magdeburg bên sông Elbe tới Postdam, nơi đó rất gần Berlin.” Rồi Simpson định đưa phần còn lại của tập đoàn quân 9 “đi càng nhanh càng tốt… nếu chúng ta chiếm được đầu cầu và bọn họ để chúng ta được rảnh chân rảnh tay.” Ông vui vẻ nói với ban tham mưu “Chết tiệt, tôi muốn tới Berlin và tôi cá là tất cả các cậu, đến cả anh binh nhì cuối cùng cũng muốn thế.”

      
      Thiếu tướng Isaac D. White, vị tư lệnh mảnh khảnh nhưng dẻo dai và quyết đoán của Sư đoàn Thiết giáp 2 “Bánh xe địa ngục,” đã nhanh chân đi trước Simpson một bước: kế hoạch chiếm Berlin của ông thậm chí đã sẵn sàng từ khi người của ông của chưa vượt sông Rhine.

      Tư lệnh hành quân của White, Đại tá Briard P. Johnson, đã lập kế hoạch cho cuộc tấn công vào thủ đô từ mấy tuần trước. Kế hoạch của ông tỉ mỉ tới mức các mệnh lệnh chi tiết và các lớp phủ bản đồ đã sẵn sàng từ 25/3.

      Kế hoạch tấn công của sư đoàn 2 khá giống với quan điểm riêng của Simpson. Nó cũng đi theo xa lộ từ Magdeburg bên sông Elbe. Đà tiến quân dự kiến hàng ngày được vẽ trên các lớp phủ bản đồ, và mỗi giai đoạn đều có mật danh.

      Cuộc tiến công cuối cùng cách Naddeburg khoảng 60 dặm, gồm các giai đoạn mang tên: “Bạc,” “Lụa,” “Satin,” “Hoa cúc,” “Hoa păn-xê,” “Bình” và cuối cùng, in trên một hình chữ vạn ngược to, màu xanh phủ kín Berlin là mật danh “Đích.”

       Với tốc độ trung bình của sư đoàn 2, thường đạt 35 dặm một ngày, và chỉ phải gặp kháng cự rải rác, White tự tin sẽ chiếm được thủ đô. Nếu người của ông có thể giành được một đầu cầu ở Magdeburg, giờ chỉ còn cách họ có 80 dặm, White đoán mình có thể tới được Berlin chỉ trong vòng 48 tiếng.

      Giờ đây, dọc theo mặt trận hơn 50 dặm có lẻ của Tập đoàn quân 9, Sư đoàn Thiết giáp 2 của White đang là mũi nhọn của cuộc tiến công. Sư đoàn này là một trong số những đội hình lớn nhất của mặt trận phía Tây. Những chiếc xe tăng, súng tự động, xe bọc thép, xe ủi, xe tải, xe jeep và pháo của nó xếp thành một hàng dài hơn 72 dặm.

      Để có hiệu quả chiến đấu cao nhất, cả lực lượng được chia thành ba đơn vị thiết giáp – Đơn vị Chiến đấu A, B và R, đơn vị sau cùng là quân dự bị (reverse). Dù vậy, di chuyển nối đuôi nhau với tốc độ trung bình 2 dặm một giờ, sư đoàn mất gần 12 giờ để vượt qua một điểm định trước. Đội quân thiết giáp nặng nề này đang dẫn đầu các đơn vị khác của Tập đoàn quân 9 – chỉ có một ngoại lệ đáng chú ý.

      Bên cánh phải, đang gan lì đua từng dặm một cùng Sư đoàn 2 là một tập hợp xe vận tải lộn xộn chở đầy nghẹt lính. Nhìn từ trên cao, trông nó không giống một sư đoàn bộ binh hay thiết giáp chút nào.

      Thực sự thì, trừ một số xe tải quân đội của Mỹ rải rác giữa đội hình, nó hoàn toàn có thể bị lầm là một đoàn xe Đức. Sư đoàn bộ binh 83 mang đậm tính cá nhân của Thiếu tướng Robert C. Macon, “Rạp xiếc Rách rưới,” đang chạy hết tốc lực tới sông Elbe bằng những chiến lợi phẩm chiếm được của mình. Cứ mỗi đội quân hoặc thành
phố của địch đầu hàng hay bị chiếm lại cung cấp thêm xe cho sư đoàn này, thường bằng cách chĩa súng đe dọa.

      Mọi chiếc xe mới chiếm được đều được sơn nhanh một lớp màu xanh olive và vẽ ngôi sao Hoa Kỳ bên hông; thế là nó gia nhập sư đoàn 83. Người của Rạp xiếc Rách rưới thậm chí còn chiếm được một chiếc máy bay của Đức, và khó khăn hơn, còn tìm được người lái nó, khiến toàn mặt trận sửng sốt.

      Hạ sĩ quan William G. Presnell của Sư đoàn Bộ binh 30 từng chiến đấu từ bờ biển Omaha tới tận đây, anh biết rõ hình dạng từng chiếc máy bay chiến đấu của Không quân Đức. Vậy nên khi thấy một chiếc máy bay rõ ràng là của Đức đang bay về phía mình, anh hét lên “ME-109!” rồi nhào xuống ẩn nấp. Hoang mang vì không nghe tiếng súng máy nổ, anh ngẩng đầu lên và thấy chiếc máy bay chiến đấu bay đi mất. Chiếc máy bay được sơn màu xanh olive lem nhem. Bên dưới cánh của nó là hàng chữ “Sư bộ binh 83.”

       Nếu như xe của sư đoàn 83 khiến những người đồng hương của họ bối rối, thì người Đức thậm chí còn bối rối hơn. Khi sư đoàn đang lao như điên tới sông Elbe, Thiếu tá Haley Kohler chợt nghe tiếng còi xe inh ỏi. Ông nhớ lại, “Chiếc Mercedes đó xuất hiện đằng sau bọn tôi, rồi bắt đầu vượt qua mọi chiếc xe trên đường.” Đại úy John J. Devenney cũng thấy chiếc xe. Anh nhớ là “Chiếc xe đó len lỏi trong hàng ngũ bọn tôi, đi cùng hướng.” Khi nó đi qua, Devenney choáng váng khi thấy đó là một chiếc xe sĩ quan Đức với một đám sĩ quan trên đó. Một tràng súng máy nổ chặn chiếc xe lại, và các sĩ quan Đức bị bắt vì cứ tưởng đang đi giữa quân mình. Chiếc Mercedes, trong tình trạng hoàn hảo, lại được sơn vội vàng như thường lệ và đưa vào sử dụng ngay lập tức.

       Tướng Macon quyết đưa Sư đoàn 83 trở thành sư đoàn bộ binh đầu tiên vượt sông Elbe và tới được Berlin. Sự ganh đua giữa Sư đoàn 83 và Sư đoàn Thiết giáp 2 giờ căng thẳng tới mức theo như Macon nói, khi các đơn vị dẫn đầu của hai sư đoàn tới được sông Weser cùng một lúc vào ngày 5/4, “có một trận tranh cãi đáng kể, xem ai là người được vượt sông trước.”

       Dần dần, họ đi đến thỏa hiệp: hai sư đoàn cùng vượt sông, bằng cách xen kẽ các đơn vị của mình với nhau. Ở bộ chỉ huy của Sư đoàn 83, có tin đồn là tướng White nổi trận lôi đình với Rạp xiếc Rách rưới. Vị tư lệnh của Sư đoàn 2 nói “Không một sư đoàn bộ binh chết tiệt nào có thể đánh bại được quân của tôi trên đường tới sông Elbe.”

      Sư đoàn 2 còn đang tham gia một cuộc đua khác. Sư đoàn Thiết giáp 5, “Sư đoàn Chiến thắng,” đang tiến nhanh gần như ngang bằng với quân của White, và cũng có kế hoạch chiếm thủ đô riêng. Đại tá Gilbert Farrand, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 nhớ lại, “Vấn đề lớn nhất lúc này là ai tới được Berlin trước. Chúng tôi định vượt sông Elbe ở Tangermünde, Sandau, Arneburg và Werben. Chúng tôi nghe nói quân Nga đã sẵn sàng xuất phát, vậy nên cần phải chuẩn bị mọi thứ có thể.” Theo Farrand nhớ, sư đoàn của ông di chuyển liên tục, tới mức không có ai ngủ nhiều hơn 4 hay 5 tiếng một đêm – và thường chẳng có ai ngủ cả. Vì liên tục hành quân, chiếc half-track của Farrand giờ biến thành bộ chỉ huy của sư đoàn. Tiến trình của Sư đoàn 5 được hỗ trợ một phần lớn từ sự kháng cự rải rác của địch. Farrand nói, “Quá trình hành quân chẳng có gì ngoài việc phá vỡ các hoạt động phòng vệ hậu phương.” Nhưng điều đó cũng có thể nguy hiểm chết người, khi Farrand thấy một quả đạn pháo sượt qua chiếc half-track của mình.

       Trong số các sư đoàn bộ binh, các sư đoàn 84, 30 và 102 cũng dòm ngó Berlin. Đâu đâu ở Tập đoàn quân 9 cũng vậy, những người lính mệt mỏi và bẩn thỉu vừa ăn vừa đi, hi vọng sẽ có mặt trong trận chiến. Đà tiến công thật tươi sáng. Nhưng dù quân địch không có kiểu phòng ngự thống nhất, thì vẫn có giao tranh – và đôi khi khá ác liệt.

       Trong một số vùng, những kẻ ngoan cố chống cự dữ dội trước khi đầu hàng. Trung tá Roland Kolb của Sư đoàn 84 “Những kẻ phá đường tàu” nhận thấy các nhóm SS rải rác, trốn trong rừng và tấn công liên miên là chiến đấu mạnh mẽ nhất. Các đội quân thiết giáp thường đi vòng tránh những đám tàn dư cuồng tín này và để chúng cho bộ binh xử lý. Những cuộc chạm trán nảy lửa thường xảy ra trong các thị trấn nhỏ. Trên đường tiến quân, có lúc Kolb bị sốc khi phát hiện một đám trẻ con chỉ chừng mươi mười hai tuổi đang nã pháo. Ông nhớ lại, “Bọn chúng thà chiến đấu đến chết chứ không chịu đầu hàng.”
    
      Những người khác cũng trải qua những khoảnh khắc kinh hoàng như vậy. Gần những rặng cây ở Teutoburger Wald, Thiếu tá James F. Hollingsworth, chỉ huy đội tiên phong của Sư đoàn Thiết giáp 2 đột nhiên bị một đám xe tăng Đức bao vây.

      Đội ngũ của ông đã chạy thẳng vào khu huấn luyện xe thiết giáp của Đức. May cho Hollingsworth, mấy chiếc xe tăng đó chỉ còn là phế liệu, vì động cơ đã bị lấy ra từ lâu. Nhưng súng của chúng vẫn còn nguyên, để dùng trong huấn luyện, và quân Đức nhanh chóng khai hỏa, Thượng sĩ Clyde W. Cooley, cựu binh ở Bắc Phi và là xạ thủ của chiếc xe tăng của Hollingsworth cũng lập tức hành động.

      Anh quay tháp pháo, hạ gục một chiếc xe tăng Đức cách đó 1.400 m. Anh lại quay tiếp và làm nổ tung một chiếc khác cách đó 70 m. Hollingsworth nhớ lại, “Hai bên khai hỏa, và mọi thứ tan tành.” Ngay khi trận đánh kết thúc, một chiếc xe tải của Đức chật ních lính chạy loạng choạng trên đường, về phía đội hình của Sư đoàn 2. Hollingsworth vội vàng ra lệnh quân mình chờ tới khi chiếc xe tải lọt vào tầm bắn. Còn cách 70 m, ông ra lệnh khai hỏa. Chiếc xe tải bị 50 khẩu súng máy bắn thành tổ ong, bốc cháy bừng bừng rồi lật nhào, đám lính mặc đồng phục ngồi trên đó văng ra đường. Đa số đã chết, nhưng vài tên vẫn sống sót và kinh hoàng kêu la. Đến khi lại gần để quan sát mấy cái xác cháy đen thủng lỗ chỗ, Hollingsworth mới phát hiện đây là các nữ quân nhân Đức – tương đương với lực lượng WAC của Mỹ(*).

        Sự kháng cự hoàn toàn không thể đoán trước được. Nhiều nơi đầu hàng mà không cần bắn một viên đạn nào.

       Tại một số thị trấn và thành phố, trong khi các thị trưởng đã đầu hàng, đám quân Đức đang rút lui vẫn di chuyển qua các khu vực có dân cư, thường là cách bộ binh và xe tăng Mỹ không đầy một khối nhà.

       Ở Detmold, nơi tọa lạc của một trong những xưởng vũ khí lớn nhất của Đức, một người dân đã đến gặp chiếc xe tăng dẫn đầu của Tiểu đoàn Trinh sát 82 của Trung tá Wheeler G. Merriam, đang đi trinh sát cho Sư đoàn Thiết giáp 2. Người đại diện đó thông báo là người quản lý nhà máy muốn đầu hàng. Merriam nhớ lại:

     “Khi đi vào đó, đạn pháo rơi đầy quanh chúng tôi. Đứng bên ngoài nhà máy có người quản lý, giám đốc nhà máy và các công nhân. Người quản lý nói ngắn gọn về việc đầu hàng, rồi tặng tôi một khẩu súng lục Mauser chạm trổ rất đẹp.”

      Cách đó mấy khối nhà, lại có một công ty chuyên trách phát lương cho toàn nước Đức đầu hàng Merriam – cùng với một lượng lớn tiền giấy. Nhưng sau đó vài tiếng đồng hồ, bộ binh Mỹ đến sau Merriam lại phải đánh một trận dữ dội và dài hơi hơn ở chính thị trấn đó. Thì ra, Detmold là trung tâm của một cùng huấn luyện lính SS.

      Các vụ việc tương tự xảy ra khắp nơi. Ở một số thành phố nhỏ, sự yên lặng ở một khu đã đầu hàng có thể thình lình bị phá vỡ bởi tiếng đánh nhau ầm ĩ cách đó vài dãy phố. Tướng Macon, tư lệnh Sư đoàn 83 nhớ lại, trên con đường chính của một thành phố giống như vậy:

       “Tôi đi qua cổng trước của Bộ chỉ huy của mình khá an toàn, nhưng khi tôi định đi ra cửa sau, tôi phải chiến đấu rất chật vật mới ra ngoài được.”

      Ở ngoại ô một thị trấn, Sư đoàn Bộ binh 30 gặp một tốp lính Đức cầm những khẩu súng trường buộc khăn trắng. Họ cố gắng đầu hàng quân Mỹ, trong khi đang bị một đám SS chĩa súng máy vào lưng, bọn chúng vẫn tiếp tục chiến đấu.

      Một số người đã tìm ra cách bảo vệ những kẻ đầu hàng. Đại úy Francis Schommer của Sư đoàn 83 nói tiếng Đức rất trôi chảy, đã mấy lần thực hiện thỏa hiệp đầu hàng qua điện thoại – được hỗ trợ bằng khẩu Colt 45, Schommer chĩa súng vào viên thị trưởng vừa bị bắt, nói với ông ta rằng “tốt hơn hết là ông nên gọi điện cho ông thị trưởng của thành phố kế tiếp, và bảo ông ta nếu muốn nơi đó được nguyên vẹn thì nên đầu hàng ngay đi.  Bảo ông ta cho người treo cờ trắng ngoài cửa sổ - hay đại loại thế.”  Viên thị trưởng hoảng sợ “thường sẽ làm theo ngay, nói với người hàng xóm là quân Mỹ đang ở trong thành phố của ông, họ có hàng trăm xe tăng và pháo cối, rồi hàng nghìn hàng vạn quân lính. Cái mẹo này liên tục có hiệu quả.”

      Khi đà tấn công dần tăng, các nẻo đường trở nên chật ních lính và các đội xe thiết giáp đi về phía Đông, cùng hàng nghìn tù binh Đức đi về phía Tây. Thậm chí họ không có thời gian xử lý tù binh.

       Các sĩ quan và binh lính Đức đầy mệt mỏi, râu chưa cạo, chậm chạp lê bước đi về sông Rhine mà không có ai áp giải. Một số người vẫn còn mang vũ khí. Giáo sĩ Ben L. Rose của Trung đoàn Kỵ binh Cơ giới 113 nhớ lại vẻ tuyệt vọng của hai sĩ quan vẫn còn mặc quân phục nghiêm chỉnh, đi bên cạnh đội ngũ của ông, “cố tìm một người nào đó để ý đến họ đủ lâu để tịch thu vũ khí của bọn họ.” Nhưng những người lính một lòng muốn gia tăng số dặm đi được, nên chỉ đơn giản đẩy họ đi về phía Tây.

       Các thành phố và thị trấn thi nhau đầu hàng theo bước đường hành quân. Vài người từng nghe qua tên các thành phố này trước đó, nhưng dù thế nào thì chẳng ai ở lại đủ lâu mà nhớ nổi tên chúng. Những nơi như Minden, Bückeburg, Tündern và Stadthagen đơn thuần chỉ là cột mốc trên đường tới sông Elbe. Nhưng Sư đoàn 30 lại gặp phải một cái tên quen thuộc – quen tới mức hầu hết bọn họ đều ngạc nhiên khi biết nó thực sự tồn tại. Đó là thành phố Hamelin, thành phố của Người thổi sáo danh tiếng. Sự chống cự tự sát của một số nhóm SS mà trước đó Sư đoàn Thiết giáp 2 đã đi vòng qua, cùng với loạt pháo trả đũa nặng nề của Sư đoàn 30 đã khiến thành phố trong truyện cổ tích này, nơi có những ngôi nhà bánh gừng và đường phố rải sỏi, biến thành một đống đổ nát cháy đen vào ngày 5/4. Đại tá Walter M. Johnson của Trung đoàn 117 nói, “Lần này, chúng ta đã đuổi được lũ chuột bằng một loại sáo khác.”(**)

      Ngày 8/4, Sư đoàn 84 đã tới được ngoại ô thành phố Hanover có từ thế kỷ 15. Trên chặng đường dài đi từ sông Rhine, với dân số 400.000 người, Hanover là thành phố lớn nhất rơi vào tay một sư đoàn bất kỳ của Tập đoàn quân 9. Thiếu tướng Alexander R. Bolling, tư lệnh Sư đoàn 84 vốn định đi vòng qua thành phố, nhưng lại có lệnh phải chiếm nơi này. Bolling không được vui cho lắm.

        Đưa quân vào Hanover sẽ làm ông mất bao nhiêu thời gian quý báu trong cuộc đua tới Elbe cùng các sư đoàn bộ binh khác. Trận đánh khá dữ dội; nhưng chỉ trong 48 giờ, sự kháng cự đã biến thành các hành động nhỏ lẻ. Tự hào về năng lực của Sư đoàn 84, đồng thời nóng lòng muốn tiếp tục lên đường, Bolling vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi được Tư lệnh Tối cao ghé thăm tại Hanover, cùng với Tham mưu trưởng của ông là tướng Smith, và tướng Simpson của Tập đoàn quân 9.

      Bolling nhớ lại, vào cuối buổi gặp chính thức của họ, Ike Eisenhower nói với tôi, ‘Alex, tiếp theo anh định đi đâu?’ Tôi đáp, ‘Thưa đại tướng, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước, chúng tôi sẽ đến Berlin và không gì có thể cản bước chúng tôi.’”

      Theo Bolling, Eisenhower đặt tay lên cánh tay tôi và nói, ‘Alex, cứ đi đi. Tôi chúc anh thật nhiều may mắn và đừng để ai chặn bước anh.’” Khi Eisenhower rời khỏi Hanover, Bolling tin rằng mình vừa có “một lời công nhận bằng miệng từ Tư lệnh Tối cao, cho phép Sư đoàn 84 đi đến Berlin.”

      Cũng vào chủ nhật đó, ngày 8/4, Sư đoàn Thiết giáp 2, hiện đang dẫn trước Sư đoàn 83 một chút, đã tới được trận tuyến của giai đoạn một, Hildesheim. Giờ đây, Sư đoàn 2 phải chờ lệnh mở màn giai đoạn hai của cuộc tấn công. Tướng White rất vui khi có thể dừng lại.

       Sau khi đã hành quân với tốc độ như thế, bảo trì đã trở thành một vấn đề không nhỏ, và White cần ít nhất 48 giờ để sửa chữa. Ông hiểu là lần tạm dừng chân này cũng sẽ giúp các đơn vị khác theo kịp ông. Nhưng phần lớn binh sĩ, sau mấy ngày hành quân với tốc độ điên cuồng, lại thắc mắc sao mình lại bị cầm chân ở đây. Họ sốt ruột khi bị trì hoãn; trước đây, những lần dừng chân như thế này đã giúp quân địch có cơ hội tái cơ cấu và củng cố.

       Khi kết thúc đã cận kề, không ai muốn liều lĩnh. Hạ sĩ quan George Petcoff, một binh sĩ kỳ cựu trong trận Normandy rất lo về “trận chiến giành Berlin, vì tôi bắt đầu nghĩ là mình đã tới số.” Giáo sĩ Rose nhớ là có một người lính xe tăng đã mê tín về tương lai tới mức anh ta trèo ra ngoài chiếc xe tăng, nhìn hàng chữ “Joe can đảm” sơn đằng trước rồi bắt đầu cẩn thận xóa đi từ “can đảm.” Anh ta nói, “Từ nay trở đi, nó chỉ còn là Joe mà thôi.”

        Nếu như các binh sĩ đang lo sợ vì bị trì hoãn thì các tư lệnh của họ – kể cả cấp trên trực tiếp của tướng White ở bộ chỉ huy Quân đoàn 19 – thậm chí còn đau đầu hơn.

       Thiếu tướng Raymond S. McLain, tư lệnh Quân đoàn 19 hi vọng sẽ không có chuyện gì ảnh hưởng đến kế hoạch của ông. Bất chấp tốc độ hành quân chóng mặt đó, ông không hề lo lắng về chuyện tiếp tế. Sức mạnh của quân đoàn của ông, với tổng cộng trên 120.000 người, giờ còn lớn hơn cả Tập đoàn quân Liên minh ở Getty-sburg, và ông có 1.000 xe thiết giáp. Sau này McLain nói, với toàn bộ lực lượng này, ông “tuyệt đối không nghi ngờ gì trong vòng 6 ngày sau khi vượt sông Elbe” toàn bộ Quân đoàn 19 sẽ có mặt tại Berlin.

     McLain nghe tin từ bộ chỉ huy của Simpson là lần dừng chân này chỉ là tạm thời – và do cả nguyên nhân chiến thuật lẫn chính trị. Kết quả là, thông tin của ông đã đúng trên cả hai phương diện.

       Phía trước họ là mặt trận tương lai của vùng chiếm đóng của Liên Xô, và lần dừng chân này giúp SHAEF có thời gian cân nhắc tình hình. “Đường dừng chân” về mặt địa lý của cả quân Anh-Mỹ và quân Nga vẫn chưa được quyết định. Do đó, khả năng đâm đầu va chạm vẫn còn đó. Trước tình hình quân Đức không hề kháng cự tập trung, các bộ chỉ huy cấp cao hơn không định ngừng tấn công, họ chỉ phải cân nhắc một vấn đề nghiêm trọng: một khi vượt qua ranh giới chiếm đóng của Liên Xô, sớm hay muộn thì cũng phải trao lại cho Liên Xô mỗi một dặm họ chiếm được.

        Ở điểm tiến quân gần nhất, họ chỉ còn cách Berlin có 125 dặm, và trên toàn mặt trận của Tập đoàn quân 9, binh lính đang chờ xuất phát, không hay biết về vấn đề nhạy cảm mà Bộ Tư lệnh Tối cao đang phải đối mặt. Họ có lý do để phấn khích. Binh nhất Carroll Stewart đang chờ mong được lần đầu nhìn thấy thủ đô của Đức vì anh nghe nói không thành phố nào ở châu Âu có thể sánh được cảnh đẹp của Berlin.

                                                         ******************
    (*) WAC (Women’s Army Corps) là lực lượng gồm toàn nữ quân nhân của Mỹ, được thành lập vào năm 1942, giải tán năm 1978. Sau khi giải tán, các thành viên WAC được đưa vào các đơn vị khác của quân đội – ND.

      (**) Người thổi sáo thành Hamelin (The Pied Piper of Hamelin) là một nhân vật trong truyện cổ tích, hay mặc quần áo nhiều màu sặc sỡ. Ông giúp người dân Hamelin đuổi lũ chuột bằng tiếng sáo của mình, nhưng họ lại không trả công cho ông như đã hứa. Ông tức giận bỏ đi, và khi quay trở lại, ông đã đưa toàn bộ trẻ em trong thành phố đi theo mình, khiến các bậc cha mẹ không bao giờ tìm lại được con của họ –ND
      Chuẩn úy James “Dixie” Deans của Không lực Hoàng gia Anh đứng nghiêm bên cạnh bàn làm việc, mau mắn chào viên đại tá Đức. Hermann Ostmann chào đáp lại cũng nhanh nhẹn không kém, ông là sĩ quan chỉ huy của Stalag 357, trại tù binh chiếm tranh giam quân Đồng minh ở gần Fallingbostel, phía bắc Hanover. Đó chỉ là một trong số chuỗi nghi thức quân sự mà người tù binh chiến tranh Deans và người giam giữ Ostmann phải thực hiện mỗi khi gặp nhau. Lần nào cũng một kiểu rập khuôn chuẩn xác như vậy.

       Giữa hai người tồn tại một sự tôn trọng đầy cảnh giác và miễn cưỡng. Deans coi người sĩ quan – một sĩ quan trong Thế chiến thứ nhất, đang độ tuổi trung niên, bị liệt một tay nên không thể phục vụ ở những nơi khác – là một giám ngục ngay thẳng, phải làm công việc mình không thích.

      Về phần mình, Ostmann biết Deans, 29 tuổi, được các tù nhân chọn ra làm người phát ngôn, là một tay thương lượng quyết đoán và ngoan cố, có thể và thường xuyên khiến cuộc sống của ông gặp nhiều phiền muộn. Viên đại tá luôn biết rõ là quyền điều hành thật sự của trại giam Stalag 357 nằm trong tay anh chàng Deans mảnh khảnh này, nhờ sự kiểm soát tù nhân chặt chẽ của anh ta, và lòng trung thành không lay chuyển của họ với anh ta.

       Deans là một huyền thoại. Anh là một phi công, bị bắn hạ ở Berlin vào năm 1940, rồi bị giam trong các trại tù binh chiến tranh từ hồi đó. Ở mỗi nơi, anh đã học thêm được ít nhiều về cách làm thế nào để đạt được quyền lợi tối đa cho mình và đồng bạn. Anh cũng học được nhiều về cách thương thảo với sĩ quan chỉ huy.

       Theo Deans, có một bước cơ bản: “Đơn giản là cứ gây rối liên miên.”

       Giờ đây, Deans nhìn chằm chằm viên đại tá già nua, chờ nghe lý do của lệnh triệu tập lên văn phòng sĩ quan chỉ huy mới nhất.

        Ostmann cầm một xấp đơn từ và nói, “Ở đây tôi có vài mệnh lệnh. Và tôi e là chúng tôi phải đưa anh cùng người của anh qua chỗ khác.”

       Ngay lập tức Deans cảnh giác. Anh hỏi, “Đi đâu, thưa đại tá?”

      Ostmann nói, “Về phía đông bắc. Chính xác là đâu thì tôi không biết, nhưng tôi sẽ có chỉ thị trên đường đi.”

      Rồi ông nói thêm, “Tất nhiên, anh phải hiểu là chúng tôi làm thế cũng vì an toàn của các anh thôi.”

      Ông ngừng lại và mỉm cười yếu ớt. “Quân của các anh đang đến gần hơn đấy.”

     Deans đã biết thế nhiều ngày nay. Các hoạt động “tiêu khiển” trong trại đã giúp họ chế tạo được hai chiếc radio bí mật có chức năng cao. Một chiếc giấu trong chiếc máy hát cũ kỹ thường xuyên được sử dụng. Chiếc còn lại, một máy thu tí hon chạy pin, phát đi những tin tức mới nhất đến mọi người ở Stalag 357, nằm trong bộ đồ ăn của chủ nó. Từ những nguồn tin quý giá này, Deans biết là quân của Eisenhower đã vượt qua sông Rhine và đang chiến đấu ở vùng Ruhr. Các tù nhân vẫn chưa rõ phạm vi tiến quân của quân Anh-Mỹ - nhưng nếu người Đức phải dời trại tù binh thì chắc là khá gần.

       “Thế sẽ đi bằng gì, thưa đại tá?” Deans hỏi, dù biết rõ là quân Đức luôn đưa tù binh đi bằng một cách duy nhất – đi bộ.

       Ostmann nói, “Họ sẽ đi bộ từng hàng.”

      Rồi bằng một cử chỉ lịch sự, ông đưa ra một đặc quyền cho Deans. “Anh có thể đi xe với chúng tôi nếu anh muốn.” Deans từ chối, cũng lịch sự tương tự.

      Anh hỏi, “Còn người ốm thì sao? Ở đây có nhiều người gần như không thể đi được.”

      “Họ sẽ ở lại đây, chúng tôi sẽ để lại cho họ những gì có thể để hỗ trợ họ. Một số các anh cũng có thể ở lại với họ.”

      Giờ Deans muốn biết khi nào tù binh sẽ được đưa đi. Có những lúc Ostmann ngờ là Deans cũng biết rõ về tình hình chiến trận như ông – nhưng có một điều ông chắc chắn là Deans không thể nghe nói được gì. Theo thông tin từ bộ chỉ huy, quân Anh đang tiến về Fallingbostel và giờ chỉ còn cách có 50 đến 60 dặm, trong khi quân Mỹ cũng chỉ cách Hanover 50 dặm về phía nam.

      Ông nói với Deans, “Anh đi đi. Mấy cái này là mệnh lệnh cho tôi.”

       Khi rời khỏi văn phòng sĩ quan chỉ huy, Deans biết mình chẳng thể làm gì để giúp mọi người chuẩn bị cho chuyến đi. Lương thực rất thiếu thốn và hầu hết tù nhân đều ốm yếu, gầy mòn vì suy dinh dưỡng. Một hành trình dài mệt mỏi chắc chắn sẽ kết liễu mạng sống nhiều người.

      Nhưng khi quay lại trại để truyền lời về chuyến đi cho cả trại, anh âm thầm thề: dùng mọi mưu mẹo anh có thể nghĩ ra, từ trì hoãn, đình công cho tới các cuộc nổi loạn nho nhỏ, Dixie Deans định cùng toàn bộ 12.000 người ở trại Stalag 357 tới trận tuyến của quân Đồng minh.

                                  *****************
       Địa điểm của bộ chỉ huy của Tập đoàn quân 12 vừa mới thành lập cứ tránh né sĩ quan chỉ huy của nó, Đại tướng Walther Wenck. Văn phòng tư lệnh nằm ở miền bắc dãy Harz, cách Berlin khoảng 70 đến 80 dặm, nhưng Wenck đã ngồi xe hàng giờ rồi. Đường đi đen nghịt người di tản và xe cộ chạy theo cả hai chiều. Một số dân di tản
chạy về hướng Đông, tránh xa quân Mỹ; số khác lại vội vàng đi về phía Tây vì sợ quân Nga. Những chiếc xe tải chở lính có vẻ cũng không có mục đích rõ rệt giống nạn dân. Anh lái xe Dorn của Walther nhấn còi liên tục, vất vả len lỏi trên đường. Khi đi vào sâu hơn về hướng tây nam, tình hình càng hỗn loạn hơn. Wenck dần dần thấy khó chịu và mệt mỏi. Ông tự hỏi, mình sẽ thấy gì khi tới được Bộ chỉ huy?

       Wenck đang đi theo một đường vòng quanh co để tới văn phòng của mình. Ông đã quyết định trước tiên đánh một vòng tới thành phố Weimar, nằm phía tây nam Leipzig, rồi mới đi tới bộ chỉ huy ở gần Bad Blankenburg.

      Dù chuyển hướng như thế sẽ khiến chuyến đi dài thêm gần một trăm dặm, nhưng Wenck có lý do để đi đường vòng. Tiền tiết kiệm cả đời của ông được gửi trong một ngân hàng ở Weimar, khoảng mười nghìn mark, và ông định rút hết toàn bộ.

      Nhưng khi chiếc xe đến gần thành phố, con đường tự dưng vắng vẻ lạ kỳ, và có tiếng súng nổ xa xa. Đi thêm vài cây số, xe dừng lại và quân cảnh Đức trình bày với viên đại tướng là xe tăng của Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ của Patton đã đến được ngoại ô. Wenck vừa thấy sốc, vừa thấy bị đánh lừa. Tình hình tệ hơn những gì ông được nghe từ bộ chỉ huy của Hitler nhiều. Ông không thể tin được là quân Đồng minh lại tiến nhanh như vậy – hay là nước Đức đã bị chiếm nhiều đến thế. Và cũng khó mà thừa nhận, dù thế nào thì mười nghìn mark của ông cũng bay đi mất.(*)
        Từ Bộ chỉ huy địa phương, các sĩ quan quân đội báo với Wenck là toàn bộ vùng Harz đang trong nguy hiểm, quân đang rút lui và khắp nơi đang bị địch đánh lấn vào sườn. Rõ ràng, Bộ chỉ huy của ông đã rút khỏi đây. Wenck quay lại hướng Dessau, ở đó hẳn phải có một số đơn vị của ông. Ông phát hiện ra bộ chỉ huy của mình đóng trong một trường kỹ thuật quân đội gần Rosslau, cách Dessau khoảng 8 dặm về phía bắc. Ở đó, Wenck cũng khám phá ra sự thật về Tập đoàn quân 12.

       Mặt trận của Tập đoàn quân 12 chạy dọc theo sông Elbe và phụ lưu của nó là sông Mulde trong khoảng 125 dặm – đại khái từ Wittenberge bên sông Elbe chạy theo hướng bắc nam tới một điểm phía đông Leipzig bên sông Mulde. Ở cánh phía bắc, đối diện với quân Anh là lực lượng của Thống chế Ernst Busch, Tổng tư lệnh của quân Tây Bắc. Ở phía nam là các đơn vị đã bị hành hạ thảm hại của Thống chế Albert Kesselring, Tổng tư lệnh quân miền Tây. Wenck có rất ít thông tin về sức mạnh của các lực lượng này. Trong quân khu của mình, giữa hai lực lượng
này, tập đoàn quân 12 chỉ tồn tại trên giấy. Ngoài các nhóm quân đang trấn giữ các điểm rải rác dọc sông Elbe, ông chẳng có gì ngoài phần tàn dư ít ỏi từ các sư đoàn ma. Ông phát hiện ra là các nhóm quân khác chưa được tổ chức, và thậm chí có những đơn vị còn chưa được hình thành.

      Số pháo ông có không di chuyển được, bị đặt vào những vị trí cố định quanh các thị trấn Magdeburg, Wittenberge, và gần các cây cầu bắc qua sông Elbe. Có một số súng tự động, một nhóm xe thiết giáp, và khoảng 40 xe chở lính Volkswagen dạng như xe jeep. Nhưng vào lúc này, Tập đoàn quân 12 của Wenck giỏi lắm chỉ có chừng một tá xe tăng.
..............................
  (*) Sau chiến tranh, Wenck vẫn kiên trì đòi lại món tiền của mình, nhưng khi đó Weimar lại nằm trong vùng của Liên Xô và do chính phủ Đông Đức của Ulbricht quản lý. Thật kỳ lạ là ngân hàng vẫn tiếp tục gửi bản kê hàng tháng cho Wenck, cho tới tận ngày 4/7/1947. Ông nhận thấy các bản kê cứ lặp đi lặp lại, rồi ông yêu cầu chuyển số tiền đó sang ngân hàng của mình tại Tây Đức. Nhưng mọi chuyện vẫn im lìm, cho tới ngày 23/10/1954, ngân hàng Weimar mới thông báo cho Wenck là ông phải đưa vấn đề lên Sở Nội vụ Weimar. Lá thư của ngân hàng viết, “Chúng tôi đã hủy bỏ tài khoản đã quá cũ của ngài, cùng với lợi tức dồn tich…”
      
       Dù số tàn quân rải rác gộp lại cũng được khoảng 100.000 người, hiện tại còn lâu mới đạt tới con số 10 sư đoàn mà ông đã được hứa hẹn. Trong số phần tàn dư của các đơn vị với những cái tên ấn tượng – “Clausewitz,” “Potsdam,” “Scharnhorst,” “Ulrich von Hutten,” “Friedrich Ludwig Jahn,” “Theodor Körner” – còn lại khoảng 5 sư đoàn rưỡi, tương đương 55.000 người.  Ngoài các lực lượng đã sẵn sàng vào vị trí hoặc đang chiến đấu, phần lớn Tập đoàn quân 12 mới thành lập bao gồm các sĩ quan đang huấn luyện và các học viên sĩ quan đang rất háo hức.

      Cả Wenck lẫn Tham mưu trưởng của ông là Đại tá Günther Reichhelm đều không nghi ngờ gì về kết quả của các trận chiến sắp tới. Nhưng Wenck không muốn chịu thua cảnh tượng vỡ mộng này. Vốn trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, ông thấy được điều mà nhiều vị tướng lớn tuổi hơn có thể bỏ qua: những thiếu hụt về sức mạnh của Tập đoàn quân 12 có thể được bù đắp bằng sự kiên cường và cống hiến của các sĩ quan và học viên trẻ tuổi.

        Wenck thấy đã có cách dùng lực lượng non choẹt nhưng đầy nhiệt huyết của mình làm quân tiên phong cơ động, đưa họ đi từ nơi này sang nơi khác khi cần – ít nhất cho tới khi các lực lượng khác của ông tái tổ chức và vào vị trí xong xuôi. Wenck tin là nếu làm thế thì những người lính trẻ tuổi và mạnh mẽ của ông có thể giành thêm chút thời gian quý báu cho nước Đức.

       Gần như bước hành động đầu tiên với tư cách tư lệnh của ông là ra lệnh cho các đội quân mạnh nhất, được trang bị tốt nhất của mình tiến vào các vị trí trung tâm ở sông Elbe hoặc Mulde để sử dụng. Nhìn vào bản đồ, Wenck khoanh tròn các vùng có thể có hành động – Bitterfeld, Dessau, Belzig, Wittenberge. Ông nghĩ, còn có một vùng khác, nơi quân Mỹ chắc chắn sẽ cố vượt sông Elbe. Nằm giữa ba binh chủng bên dòng sông, bị tàn phá trong Chiến tranh Ba mươi năm và gần như bị hủy diệt hoàn toàn, thành phố Magdeburg đã vực dậy lần nữa.

      Giờ đây, pháo đài vĩ đại với tòa thành trì trên đảo và thánh đường có từ thế kỷ XI của nó giống như một ngọn đèn hiệu trên đường tiến quân của Mỹ. Quanh vùng này – nhất là phía nam Magdeburg – Wenck đã  đưa số quân được trang bị tốt nhất trong các đơn vị “Scharnhorst,” “Potsdam” và “Von Hutten” của ông vào để cầm cự các cuộc tấn công của Mỹ lâu hết mức có thể.

       Hàng phòng thủ của ông đã được lên kế hoạch tới từng chi tiết cuối cùng, chiến thuật của ông đã được các sĩ quan thuộc nằm lòng. Giờ đây, tại bộ chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân Vistula, cách Wenck khoảng 120 dặm về phía đông bắc, Gotthard Heinrici đã sẵn sàng cho trận chiến.

      Heinrici đã dựng một Hauptkampflinie – tuyến kháng cự chính – thứ hai đằng sau tuyến đầu tiên của ông. Ngay trước loạt pháo dự kiến của Nga, Heinrici nói với các tư lệnh của mình, ông sẽ di tản tiền tuyến. Toàn bộ quân lính sẽ rút lui ngay lập tức về Hauptkampflinie thứ hai.

       Đó là mưu kế cũ hồi ở Moscow của Heinrici, để quân Nga “đánh vào thành không nhà trống.” Ngay khi loạt pháo của Nga chấm dứt, quân lính phải tiến về phía trước và chiếm lại vị trí ngoài tiền tuyến của mình. Mưu kế này rất hiệu quả trong quá khứ và Heinrici mong nó sẽ lại thành công. Như thường lệ, mấu chốt là phải xác định thời điểm tấn công chính xác.

      Đã có một vài đòn nghi binh. Trong quân khu của Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel ở phía bắc Berlin, Đại tướng Martin Gareis, chỉ huy Quân đoàn Thiết giáp 46 yếu xìu, tin chắc là cuộc tấn công sẽ diễn ra vào ngày 8/4. Những chiếc xe nặng nề tiến về phía trước và những khẩu pháo được tập trung dày đặc ngay trước khu vực của Gareis có vẻ là dấu hiệu của một cuộc tấn công sắp xảy ra – và những tên lính Nga bị bắt đã phun ra ngày tấn công. Heinrici không tin các báo cáo đó. Tình báo riêng của ông, cộng thêm thói quen từ xưa là tin vào trực giác của mình, nói với ông rằng ngày đó quá sớm. Và kết quả là ông đã đúng. Trên toàn mặt trận sông Oder, ngày 8/4 trôi qua yên bình và chẳng có sự kiện gì.

       Nhưng tinh thần cảnh giác của Heinrici vẫn không suy giảm. Mỗi ngày, ông đều bay qua trận tuyến của Nga bằng một chiếc máy bay trinh sát nhỏ, quan sát cách bố trí pháo và binh lính. Hàng đêm, ông lại cẩn thận nghiền ngẫm các báo cáo tình báo và thông tin thẩm vấn được từ tù binh, không ngừng tìm các dấu hiệu có thể chỉ ra ngày tấn công.

       Giữa giai đoạn quan trọng và căng thẳng này, Thống tướng Hermann Goering lại triệu tập Heinrici đến dinh thự của ông ta dùng bữa trưa. Dù Heinrici cực kỳ mệt mỏi và miễn cưỡng rời bộ chỉ huy của mình dù chỉ vài giờ, ông không thể nào từ chối.

      Karinhall, tòa tư dinh đồ sộ của ngài Thống tướng cách bộ chỉ huy Vistula nằm ở Birkenhain có mấy dặm. Đất ở đây rộng tới mức Goering có cả một vườn thú riêng. Khi tới gần, Heinrici và vị sĩ quan phụ tá, Đại úy von Bila choáng váng trước điền sản nguy nga của Goering, nơi đây trông như một công viên, với các hồ nước, vườn hoa, những bậc thềm đẹp đẽ và các con đường nhỏ trồng cây hai bên. Giữa con đường từ cổng chính đến tòa dinh thự là các đơn vị lính dù của Không quân mặc quân phục chải chuốt – lực lượng phòng vệ riêng của Goering.

      Tòa dinh thự cũng giống bản thân chủ nhân nó, vừa đồ sộ vừa sang trọng. Sảnh tiếp khách khiến Heinrici liên tưởng tới “một nhà thờ thênh thang rộng lớn, đến mức mắt người ta tự động ngó lên xà nhà.” Goering ăn vận sang trọng với chiếc áo khoác đi săn màu trắng, lạnh lùng chào Heinrici. Thái độ của ông ta như một điềm báo trước, vì bữa ăn trưa tỏ ra là một thảm họa.

       Hai vị thống chế và thượng tướng không ưa nhau rõ rệt. Heinrici vẫn luôn trách Goering vì để thua trận Stalingrad, dù đã hứa hẹn đủ điều, nhưng rốt cuộc không quân không thể hỗ trợ đám quân tan tác của Tập đoàn quân 6 của Von Paulus.

      Nhưng dù có ở đâu thì Heinrici cũng không ưa viên thống chế vì tính kiêu căng và phô trương của ông ta. Về phần mình, Goering thấy Heinrici là một kẻ không chịu phục tùng và nguy hiểm. Ông chưa từng tha thứ cho viên tướng vì đã để yên cho Smolensk chứ không chịu đốt nơi đó, và trong mấy ngày qua, sự chán ghét của ông đối với Heinrici đã gia tăng mãnh liệt. Nhận xét của Heinrici về Sư đoàn dù 9 ở cuộc họp của Quốc trưởng khiến ông khó chịu sâu sắc. Ngày hôm sau buổi họp, Goering đã gọi đến Bộ chỉ huy Vistula và nói chuyện với Đại tá Eismann. Viên thống chế giận dữ nói, “Tôi không thể chấp nhận được là Heinrici lại có thể nói về quân dù của tôi bằng cách đó. Như thế là sỉ nhục cá nhân! Tôi vẫn còn Sư đoàn Dù 2 và anh có thể nói với tư lệnh của anh là tôi sẽ không giao họ cho ông ta đâu. Không đời nào! Tôi sẽ đưa họ đến chỗ Schörner. Đó là một quân nhân thực sự! Một quân nhân chân chính!”

      Giờ đây, trong bữa trưa, Goering chĩa mũi dùi thẳng vào Heinrici. Ông ta bắt đầu bằng cách kịch liệt chê bai các đội quân mà ông ta đã thấy trong các chuyến đi gần đây tới mặt trận Vistula.

     Ngồi dựa lưng vào một chiếc ghế đồ sộ như ngai vàng, tay vung vẩy một cốc bia to bằng bạc, Goering buộc tội Heinrici đã để lỏng lẻo kỷ luật. Ông ta nói:

      “Tôi đã chạy xe qua khắp các Tập đoàn quân của anh, và ở quân khu nào tôi cũng thấy bọn lính đang ngồi không! Tôi thấy có những tên ngồi trong hố cá nhân chơi bài nữa kia! Tôi thấy các công binh có người còn không có nổi cái thuổng mà làm việc. Có mấy chỗ không có bếp dã chiến cho lính! Ở mấy quân khu khác, người ta hầu như chả làm gì để xây dựng hàng rào phòng thủ cả. Khắp nơi tôi chỉ thấy người của anh đang lười chảy thây ra.”

      Nốc một ngụm lớn bia, Goering đe dọa nói, “Tôi định báo hết mấy chuyện này cho Quốc trưởng biết.”

Heinrici thấy tranh cãi chả ích gì. Ông chỉ muốn ra khỏi đây ngay. Cố kiềm chế cơn giận dữ, Heinrici làm sao đó cũng qua được bữa ăn. Nhưng khi Goering tiễn hai vị khách ra cửa, Heinrici đứng lại, chầm chậm nhìn quanh khung cảnh nguy nga tráng lệ cùng tòa dinh thự ấn tượng với các ngọn tháp và chái nhà đẹp đẽ. Ông nói:
      “Tôi chỉ có thể hi vọng là những kẻ lười chảy thây của tôi có thể cứu được dinh thự lộng lẫy của ngài khỏi những trận chiến đang chờ phía trước.” Goering lạnh lùng nhìn chăm chăm một lúc, rồi quay gót đi vào trong.

       Trong lúc ngồi trên xe, Heinrici nghĩ, Goering sẽ không còn giữ Karinhall được lâu nữa đâu. Ông dần kết luận được thời điểm tấn công của quân Nga, dựa trên các báo cáo tình báo, những lần quan sát trên không, mực nước lũ đang xuống dần trên sông Oder và trực giác chưa từng phản bội một lần của mình. Heinrici tin là cuộc tấn công sẽ mở màn trong tuần này – đâu đó quanh quanh ngày 15 hoặc 16 tháng 4.

                                                                        **************

         Nguyên soái Georgi Zhukov giở tấm khăn trải bàn, để lộ tấm bản đồ địa hình nổi rộng lớn của Berlin. Nó giống mô hình hơn là bản đồ, với các tòa nhà chính phủ, các cây cầu và ga tàu hỏa mini, mô phỏng chính xác các tuyến đường chính, kênh đào và sân bay. Các cứ điểm phòng thủ dự kiến, các tháp phòng không và boongke đều được đánh dấu tỉ mỉ, có các nhãn màu xanh nho nhỏ
đính trên các mục tiêu chủ chốt, có đánh số bên trên. Tòa nhà Quốc hội Reichstag mang nhãn số 105, điện Reichskanzlei là 106; số 107 và 108 là văn phòng bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao.

       Vị nguyên soái quay sang các sĩ quan. Ông nói, “Nhìn mục tiêu số 105 này. Ai sẽ là người đầu tiên tới được tòa nhà Reichstag? Chuikov cùng Tập đoàn quân Cận vệ 8? Katukov và đội xe tăng của ông ấy? Berzarin và Tập đoàn quân Tiên phong 5? Hay là Bogdanov cùng Tập đoàn quân Cận vệ 2? Là ai đây?”

       Zhukov đang cố ý nhử các sĩ quan của mình. Mỗi người đều sốt ruột muốn tới thành phố trước, và nhất là chiếm được tòa nhà Reichstag. Theo Đại tướng Nikolai Popiel nhớ lại cảnh tượng đó sau này, Katukov đột ngột nói, “Cứ nghĩ đi. Nếu tôi tới được mục tiêu 107 và 108, tôi có thể tóm gọn cả Himmler và Ribbentrop một lượt!”

       Buổi họp chiến thuật kéo dài cả ngày; ngoài mặt trận, công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công đã gần hoàn thành. Súng đạn đã được đưa vào vị trí trong rừng; xe tăng được đưa lên để có thể bắn hỗ trợ pháo binh khi loạt nã pháo khởi đầu. Một lượng lớn đồ tiếp tế, vật liệu xây cầu, xuồng cao su và bè đã sẵn sàng tại các khu vực tấn công, và xe tải chạy nghẹt đường, đưa các sư đoàn đến nơi tập hợp. Nhu cầu quân số dữ dội tới mức lần đầu tiên Nga phải dùng máy bay để chuyên chở quân từ hậu phương đến. Khắp nơi, người lính Nga nào cũng thấy rõ là cuộc tấn công sắp đến rồi, nhưng không có ai ở ngoài Bộ chỉ huy biết được ngày chính xác.

       Đại úy Sergei Ivanovich Golbov, phóng viên của Hồng quân, lái xe dọc theo mặt trận của Zhukov, quan sát công tác chuẩn bị rầm rộ. Golbov đã vận dụng mọi nguồn tin để tìm hiểu ngày tấn công, nhưng không thành công. Anh chưa từng chứng kiến công tác chuẩn bị trước trận chiến như thế này, và anh tin là quân Đức cũng đang dõi theo từng bước. Nhưng khá lâu sau này, anh nhận xét rằng, “Không ai bận tâm bọn Đức thấy được cái gì.”

      Có một khía cạnh của công tác chuẩn bị khiến Golbov thấy kỳ lạ. Nhiều ngày nay, những chiếc đèn pha rọi máy bay đủ hình đủ cỡ được đưa đến mặt trận. Lực lượng đó toàn là nữ. Hơn nữa, các đơn vị này đóng cách tiền tuyến khá xa và ẩn giấu kỹ càng dưới tấm lưới ngụy trang. Golbov chưa bao giờ thấy nhiều đèn pha đến vậy. Anh thắc mắc chúng có thể làm được gì trong cuộc tấn công.

                                   ****************
       Ở Reichspostzentralamt tại Berlin, tòa nhà Quản trị Dịch vụ Bưu chính nằm ở quận Tempelhof, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Wilheim Ohnesorge cúi người nhìn chồng tem màu sắc sặc sỡ nằm trên bàn. Chúng là loạt in đầu tiên, và Ohnesorge hết sức vui sướng về chúng. Người họa sĩ đã làm rất tốt và Quốc trưởng chắc chắn sẽ hài lòng với  kết quả. Ông vui vẻ kiểm tra hai con tem kỹ hơn. Một cái vẽ một người lính SS với khẩu súng máy Schmeisser trên vai; cái còn lại vẽ một người lãnh đạo Đảng Nazi mặc đồng phục, tay phải giơ cao ngọn đuốc. Ohnesorge nghĩ đợt phát hành kỷ niệm đặc biệt này rất phù hợp với hoàn cảnh. Chúng sẽ được bán ra vào ngày sinh nhật của Hitler, ngày 20/4.

       Một ngày đặc biệt cũng đang chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí Erich Bayer. Viên kế toán của quận Wilmersdorf đã lo lắng suốt nhiều tuần nay về việc ông sẽ làm gì vào thứ ba ngày 10/4 – ngày mai. Đó là lúc phải thanh toán; nếu không đủ kiểu rắc rối và thủ tục rườm rà sẽ xuất hiện. Bayer có tiền; đó không phải là vấn đề. Nhưng giờ nó còn ý nghĩa gì nữa không? Liệu đội quân chiếm được Berlin – Mỹ hoặc Nga – có để ý đến việc thanh toán? Và nếu không đội quân nào chiếm được thành phố thì sao? Bayer cân nhắc vấn đề trên mọi khía cạnh. Rồi ông tới ngân hàng và rút 1.400 mark. Bước vào văn phòng gần đó, ông thực hiện thủ tục thanh toán cần thiết cho khoản thuế thu nhập trong năm 1945 của mình.
                                   **************
       Chuyện xảy ra nhanh tới mức ai cũng bàng hoàng. Ở mặt trận phía tây, tại bộ chỉ huy Tập đoàn quân 9, tướng Simpson ngay lập tức ra lệnh cho hai tư lệnh quân đoàn của mình, Thiếu tướng Raymond S. McLain của Quân đoàn 19 và Thiếu tướng Alvan Gillem của Sư đoàn 13. Simpson nói, mệnh lệnh chính thức sẽ có sau, nhưng giờ lệnh là “Xuất phát.” Giai đoạn hai bắt đầu. Đó là tin chính thức. Các sư đoàn sẽ đến sông Elbe – và xa hơn nữa. Ở bộ chỉ huy của Sư đoàn Thiết giáp 2, tướng White được tin và ngay lập tức gửi cho Đại tá Paul A. Disney, tư lệnh Trung đoàn Thiết giáp 67, đơn vị tiên phong số 2.

      Disney nhớ lại, khi tin tức đến, “Tôi hầu như không có thì giờ nói một tiếng ‘Xin chào’ thì tướng White nói, ‘Tiến về phía Đông.’”

      Nhất thời, Disney sửng sốt. Đoàn quân dừng chân chưa đầy 24 tiếng. Vẫn mù mờ, ông hỏi, “Mục tiêu là gì?” White trả lời gọn lỏn một chữ, “Berlin!”
        ................................  
      5.
      Sư đoàn Thiết giáp 2 đi thành năm hàng lớn, tiến nhanh về sông Elbe và Berlin. Họ vượt qua các Bộ chỉ huy đèn đuốc sáng rực mà không hề chậm bước. Họ càn quét qua các thị trấn nơi những ông già trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương cầm súng trong tay và đứng đực trên đường, sốc quá nên chẳng làm được gì. Họ vượt qua các đội quân cơ giới của Đức đang di chuyển cùng hướng. Súng nổ ran nhưng chẳng bên nào dừng bước. Lính Mỹ ngồi trên các xe tăng bắn bừa vào lính Đức ngồi trên xe máy. Ở những nơi quân địch cố chống cự từ trong các hầm trú ẩn, một số tư lệnh của Mỹ bèn dùng đến lực lượng kỵ binh giống như xe bọc thép của họ. Thiếu tá James F. Hollingsworth từng gặp tình huống như vậy, ông bèn xếp 34 chiếc xe tăng thành một hàng và đưa ra một mệnh lệnh hiếm khi nghe thấy trong chiến tranh hiện đại: “Tấn công!”.

       Súng gầm lên, những chiếc xe tăng của Hollingsworth ào vào vị trí của địch và băng qua đó. Đến tối thứ tư ngày 11/4, trong một cuộc đua thiết giáp vô tiền khoáng hậu, những chiếc xe tăng Sherman đã đi được 57 dặm – 73 dặm đường – chỉ trong không đầy 24 giờ. Vào lúc 8 giờ hơn, Đại tá Paul Disney gửi đến bộ chỉ huy một bức điện súc tích: “Chúng tôi đã đến sông Elbe.”

       Thậm chí trước đó, một nhóm nhỏ xe thiết giáp đã đến được ngoại ô Magdeburg. Hồi chiều, những chiếc xe trinh sát của Trung tá Wheeler Merriam, chạy với tốc độ lên tới 50 dặm một giờ, đã chạy vào một vùng ngoại ô bên bờ tây sông Elbe. Những chiếc xe dừng lại đó, không phải vì hàng phòng thủ của địch, mà do dân thường qua lại và đi mua sắm.

       Kết quả thật hỗn loạn. Mấy bà mấy cô ngất xỉu. Những người đi mua sắm túm tụm lại sợ hãi hoặc nằm bẹp dí xuống đất. Lính Đức chạy tán loạn, bắn như điên.

      Nhóm của Merriam không đủ sức chiếm khu vực đó, nhưng các xe trinh sát đã xoay xở thoát được đám hỗn loạn và đến được sân bay, vốn là mục tiêu của họ. Khi họ chạy xe dọc theo rìa sân bay, máy bay đang cất cánh và hạ cánh. Súng Mỹ bắt đầu xả vào mọi thứ trong tầm nhìn, kể cả một phi đội máy bay chiến đấu đã sẵn sàng cất cánh. Mấy chiếc xe thoát được mà chỉ bị tổn thất một chiếc, nhưng sự xuất hiện của bọn họ đã đánh động lực lượng phòng thủ ở Magdeburg.

       Giờ đây, khi các đơn vị của Mỹ nối đuôi nhau chạy qua hai bên thành phố tới sông Elbe, họ bắt đầu gặp phải kháng cự ngoan cường ngày càng tăng. Khi quay lại, đội trinh sát của Merriam đã báo cáo một thông tin quan trọng: chiếc cầu xa lộ ở phía bắc thành phố vẫn còn đó. Ngay lập tức, nó trở thành mục tiêu chủ chốt của sư đoàn, vì nó có thể đưa sư đoàn 2 tới Berlin.

       Nhưng trước loạt súng họ gặp phải, rõ ràng không thể chiếm được cây cầu trên đường đi nữa. Lực lượng phòng thủ tại Magdeburg quyết tâm chiến đấu. Trong khi đó, vẫn còn những cây cầu khác ở phía bắc và phía nam. Nếu có thể chiếm được một cái trong số đó trước khi quân địch kịp phá hủy, Sư đoàn 2 sẽ băng băng trên đường.

       Cách đó 7 dặm về phía nam, tại Schönebeck, một cây cầu khác bắc qua sông Elbe. Đó là mục tiêu của Thiếu tá Hollingsworth của Trung đoàn Thiết giáp 67. Suốt chiều thứ tư, những chiếc xe tăng của Hollingsworth lao băng băng qua hết thị trấn này đến thị trấn khác mà chẳng bị cản trở gì, cho tới khi đến được một nơi gọi là Osterwieck. Tại đó, một trung đoàn Lực lượng Phòng vệ Địa phương đã khiến cuộc hành quân phải ngừng lại.

        Hollingsworth rất hoang mang. Nhiều ông già người Đức có vẻ đã sẵn sàng đầu hàng – một số thậm chí còn cột khăn tay vào súng trường và giơ lên bên trên hố cá nhân – nhưng trận đánh vẫn không dừng lại. Một tù binh bị bắt trong mấy phút đầu giải thích: 11 tên lính SS trong thị trấn đã buộc Lực lượng Phòng vệ Địa phương phải chiến đấu. Giận dữ, Hollingsworth bắt tay vào hành động.

      Ông gọi chiếc jeep của mình lại, đem theo một trung sĩ và một người điều khiển radio, cùng với lái xe, viên thiếu tá chạy vòng quanh khu vực và đi vào thị trấn bằng một con đường mòn. Ông trang bị khá kỳ quặc. Bên hông dắt hai khẩu Colt tự động kiểu phương Tây trễ xuống; ngoài ra còn có một khẩu tiểu liên Thompson để dự phòng. Hollingsworth là một tay thiện xạ, từng giết hơn 150 tên lính Đức.

      Ông tóm lấy một người dân đi ngang qua, hỏi nơi đám SS đang đóng. Người đó sợ chết khiếp, vội chỉ vào một căn nhà lớn và kho thóc gần đó, xung quanh có hàng rào cao. Thấy hàng rào có một cửa vào, Hollingsworth cùng người của mình ra khỏi xe và chạy ào tới, dùng vai húc cửa, làm nó văng khỏi bản lề. Khi họ chạy băng qua sân, một tên SS chạy về phía họ, giơ súng máy lên; Hollingsworth lia khẩu tiểu liên bắn gã thành tổ ong. Ba người lính Mỹ còn lại bắt đầu ném lựu đạn vào cửa sổ. Liếc nhanh chung quanh, viên thiếu tá phát hiện ra một tên SS khác ở cửa trên kho thóc và hạ gục hắn bằng khẩu Colt 45. Trong nhà, họ tìm thấy sáu cái xác do lựu đạn gây ra; ba tên SS còn lại đầu hàng. Hollingsworth vội vàng quay lại đội ngũ. Ông đã bị cầm chân mất 45 phút quý báu.

      Ba tiếng sau, đoàn xe tăng của Hollingsworth lên đến đỉnh của khu đất cao nhìn xuống hai thị trấn Schönebeck và Bad Salzelmen. Đằng xa, sông Elbe sáng lấp lánh dưới ánh chiều, vào lúc này nó rộng gần 150 m. Nghiên cứu khu vực này qua ống nhòm, Hollingsworth thấy cây cầu ở đường cao tốc vẫn còn đó – và có lý do của nó. Những chiếc xe thiết giáp của Đức đang rút quân qua sông, đi về phía đông bằng cây cầu đó. Hollingsworth tự hỏi, làm sao chiếm được cây cầu trước khi nó bị cho nổ, trong khi xe thiết giáp của địch đang ở xung quanh?

      Trong khi quan sát, ông dần hình thành một kế hoạch. Ông gọi hai sĩ quan đi cùng lại, Đại úy James W. Starr and Đại úy Jack A. Knight, rồi Hollingsworth phác thảo ý tưởng. Ông nói, “Chúng đang đi theo tuyến đường bắc-nam này chạy tới Bad Salzelmen. Rồi chúng rẽ qua phía đông ở ngã ba đường, tiến về Schönebeck và qua cầu. Hi vọng duy nhất của chúng ta là tấn công Bad Salzelmen và giành lấy ngã ba. Giờ, chúng ta sẽ làm thế này. Khi tới ngã ba, Starr sẽ tách ra và chặn đường lại, cầm chân bọn Đức đang đến từ phía nam. Tôi sẽ đi theo phía sau đội hình của chúng, khi đó đã rẽ qua phía đông, đi vào Schönebeck và theo chúng qua cầu. Knight, anh đi đằng sau. Chúng ta sẽ chiếm cây cầu đó, và nhờ Chúa, chúng ta sẽ làm được.”

      Hollingsworth biết kế hoạch này chỉ hiệu quả nếu họ hành động đủ nhanh. Ánh nắng đang yếu dần; nếu may mắn, đám xe tăng Đức sẽ không hay biết họ theo sau chúng qua cầu.

      Sau một hồi, đoàn xe tăng của Hollingsworth đã vào vị trí. Các cửa sập được mở ra, họ nã súng vào Bad Salzelmen; trước khi quân Đức biết được chuyện gì đang diễn ra, những chiếc xe của Starr đã chặn đường ở phía nam và đi theo hàng xe thiết giáp của chúng.

      Đoàn xe tăng Đức ở đầu hàng ngũ đã rẽ, tiến về cây cầu. Dường như nghe được tiếng súng nổ đằng sau, chúng đẩy nhanh tốc độ. Vào lúc đó, những chiếc xe tăng của Hollingsworth lấp vào chỗ trống trong đội hình và đi theo với cùng tốc độ.

      Nhưng rồi họ cũng bị phát hiện. Những khẩu pháo đặt trên các toa xe trần ở đường ray gần đó khai hỏa, bắn tập hậu vào đội hình quân Mỹ. Khi những chiếc Sherman của Hollingsworth đến được Schönebeck, một chiếc xe tăng Mark V của Đức quay tháp pháo và bắn một phát vào chiếc dẫn đầu của Mỹ. Thượng sĩ Cooley, xạ thủ của Hollingsworth liền khai hỏa và làm nổ tung chiếc Mark V.

      Chiếc xe tăng xoay qua vệ đường, đâm vào tường và bắt đầu bốc cháy dữ dội. Hầu như chẳng còn đủ chỗ cho chiếc xe tăng của Hollingsworth qua lọt nữa, nhưng rốt cuộc nó cũng nặng nề len qua được, theo sau là phần còn lại trong hàng ngũ. Những chiếc xe tăng Mỹ bắn vào đuôi xe địch và bị những chiếc xe bốc cháy ép lui, nhưng rồi cũng xông được vào thị trấn.

      Lúc đến được trung tâm thị trấn, Hollingsworth nhớ lại, “mọi người đang chĩa súng vào nhau. Thực là hỗn loạn hết sức. Người Đức ló ra khỏi cửa sổ, hoặc là dùng mấy khẩu súng chống tăng Panzerfäuste bắn bọn tôi, hoặc là đã biến thành mấy xác chết đong đưa.”
     Chiếc xe tăng của Hollingsworth không bị trúng đạn và giờ ông chỉ còn cách cây cầu ba dãy nhà. Nhưng đoạn cuối là lúc tồi tệ nhất. Khi những chiếc xe tăng còn lại tiến lên, quân địch nổ súng từ mọi hướng. Các tòa nhà nổ tung, và dù đã 11 giờ đêm, khung cảnh vẫn sáng rực như ban ngày.
........................
   Phía trước là đường dẫn lên cầu. Những chiếc xe tăng ào ào lao tới. Trước đó, khi quan sát từ trên cao, Hollingsworth thấy lối vào đã bị chặn, nó là một mê cung tường đá nhô ra ngoài từng khoảng không đều từ cả hai bên đường; xe phải đi chậm lại và rẽ trái rẽ phải rất gắt mới tới được nhịp cầu trung tâm. Nhảy lên từ phía trên xe, Hollingsworth quan sát xem liệu mình có thể vừa dẫn đường vừa chỉ thị cho xạ thủ khai hỏa thông qua chiếc điện thoại móc ở sau xe hay không. Đúng lúc đó, một quả pháo chống tăng nổ đằng trước Hollingsworth, cách không đầy 15 m. Sỏi rải đường bay tứ tung, và bỗng nhiên viên thiếu tá thấy mặt mình toàn máu là máu.

      Một tay cầm khẩu Colt 45, tay kia giữ ống nghe điện thoại, ông vẫn kiên cường tiến về phía cây cầu. Chiếc tăng của ông va quệt với một chiếc jeep, và Hollingsworth gọi bộ binh tới. Ông dẫn bọn họ tới đường dẫn lên cầu, rồi bắt đầu len lỏi đi qua các chốt chặn, vừa liên tục bắn trả lại bọn lính Đức đang chiến đấu dữ dội để bảo vệ cầu. Gối trái ông bị trúng đạn, nhưng ông vẫn đi đầu, còn giục bộ binh đi nhanh hơn.

      Cuối cùng, bị choáng và mù dở vì máu chảy nhiều, Hollingsworth dừng lại. Một làn mưa đạn xối xả từ các vị trí của Đức ập đến, và Hollingsworth buộc phải ra lệnh rút lui. Ông còn cách cây cầu có 12 m. Khi đại tá Disney, sĩ quan chỉ huy của ông tới nơi, ông thấy viên thiếu tá “không đi nổi nữa và chảy máu tùm lum. Tôi ra lệnh cho ông ấy rút về phía sau.”

      Hollingsworth đã bỏ lỡ cây cầu chỉ trong vài phút. Nếu thành công, ông tin mình có thể tới được Berlin chỉ trong vòng 11 tiếng. Lúc bình minh ngày 12/4, khi bộ binh và các kỹ sư cố chiếm cầu Schönebeck một lần nữa, quân Đức cho nó nổ tung ngay trước mặt họ.

       Phía trên mặt trận của Tập đoàn quân 9, Trung úy Duane Francies đánh một vòng lớn trên chiếc máy bay trinh sát không vũ trang, chiếc Piper Cub Miss Me. Ngồi sau anh là người quan sát pháo binh, Trung úy William S. Martin.

       Hai người đã trinh sát cho Sư đoàn Thiết giáp 5 từ hồi vượt sông Rhine tới giờ, định vị các cứ điểm và gửi tin về các vị trí cho đoàn xe tăng đang đi tới. Đó không phải là một công việc nhàm chán; Francies và Martin đã hơn một lần đụng độ quân địch, thế rồi họ bắn lộn xộn vào hàng ngũ địch bằng khẩu Colt 45 của mình.

       Đằng đông, mây đã dạt ra và hai người trên máy bay có thể thấy được các ống khói cao mờ mờ xa xa. Francies hét to, chỉ về phía trước, “Berlin kìa! Các nhà máy ở Spandau kìa.” Giờ đây, mỗi ngày trôi qua Sư đoàn 5 lại tiến gần thêm, Francies bắt đầu tìm kiếm các đặc trưng khác nhau của thành phố từ vị trí trên cao khá thuận lợi của mình. Khi chiếc Miss Me dẫn đường cho xe tăng đến Berlin, viên phi công trẻ tuổi muốn có thể nhận diện các con đường và tòa nhà chính ngay lập tức để nói cho những anh lính xe tăng biết. Anh định hướng dẫn “các cậu bé” thật chi tiết khi nào họ tới gần Berlin.

       Francies đã sẵn sàng bay trở lại một bãi cỏ ở gần hàng ngũ đi đầu, bỗng anh đẩy cần gạt về phía trước. Anh đã phát hiện ra một kẻ lái chiếc mô tô thùng đang lao trên đường, gần mấy chiếc xe tăng của Sư đoàn 5. Anh bắt đầu sà xuống để kiểm tra chiếc xe đó, rồi liếc nhìn qua bên phải và choáng váng cả người. Bay bên trên ngọn cây chỉ chừng hơn trăm mét và gần như không thể nhận ra được, có một chiếc Fieseler Storch, một loại máy bay trinh sát pháo binh của Đức. Khi chiếc Miss Me đến gần hơn, có thể thấy rõ những sọc trắng trên thân và cánh máy bay nổi bật trên nền xám đen của chiếc Storch.

      Cũng giống chiếc Cub, đây là một chiếc máy bay một lớp cánh có cánh cao, phủ vải bên ngoài, nhưng nó lớn hơn chiếc Miss Me và theo như Francies thấy, bay nhanh hơn ít nhất 30 dặm một giờ. Tuy nhiên, chiếc máy bay Mỹ có lợi thế về độ cao. Khi Francies hét lên, “Bắt nó!” anh nghe Martin cũng hét lên như vậy.

       Martin báo cáo qua radio là họ vừa phát hiện ra một chiếc máy bay Đức và bình tĩnh thông báo “chúng tôi sắp chiến đấu.” Trên mặt đất, những người lính xe tăng của Sư đoàn Thiết giáp 5 vô cùng kinh ngạc khi nghe cú điện của Martin, cùng ngẩng cổ lên trời để quan sát cuộc giao tranh sắp tới.

       Martin mở cửa hông, còn Francies thì bay sà xuống. Anh lái chiếc Cub đánh một vòng tròn nhỏ bên trên chiếc máy bay Đức, cả hai cùng bắn bằng khẩu Colt 45. Francies hi vọng loạt đạn sẽ buộc nó phải bay đến chỗ các chiếc xe tăng đang đợi, ở đó các xạ thủ súng máy có thể dễ dàng bắn hạ nó. Tên phi công địch dù rõ ràng bị bối rối trước cuộc đột kích, nhưng không dễ vâng lời đến thế. Chiếc Storch trượt mạnh sang một bên, rồi bắt đầu bay vòng vòng điên cuồng. Phía trên, Francies và Martin đang nhoài ra ngoài máy bay giống như những vệ sĩ xe ngựa ngoài biên giới, họ xả súng và cố bóp cò nhanh hết mức. Francies rất ngạc nhiên khi thấy chiếc máy bay Đức không bắn trả. Ngay cả khi họ nạp thêm đạn, viên phi công của chiếc Storch vẫn cứ bay vòng vòng, thay vì tìm cách nới rộng khoảng cách. Sau đó, Francies đoán chừng tên phi công này vẫn đang cố tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra.

      Hạ độ cao xuống cách máy bay địch có 6 m, hai người lính Mỹ liên tục bắn vào kính chắn gió của chiếc máy bay kia. Bọn họ ở gần tới nỗi Francies có thể thấy viên phi công “nhìn bọn tôi chằm chằm, mắt mở to như mắt ốc nhồi.”

       Rồi đột nhiên chiếc máy bay Đức ngoặt gấp rồi xoay mòng mòng. Martin vẫn đang tường thuật nhanh trận chiến qua radio bèn hét lên, “Chúng tôi bắt được nó rồi! Bắt được nó rồi!” Giọng anh khàn đi vì phấn khích, tới mức Trung tá Israel Washburn đang ngồi trong chiếc half-track của ông cứ tưởng Martin nói “Chúng tôi bị bắn rồi!”

      Chiếc Storch xoay tròn và rơi xuống, cánh phải chạm đất và văng ra, rồi nó nhào lộn mấy vòng và cuối cùng nằm yên giữa bãi cỏ. Francies cho chiếc Miss Me hạ cánh xuống bãi cỏ gần đó và chạy tới chỗ chiếc máy bay rơi. Viên phi công Đức và quan sát viên của anh ta đã bước ra ngoài, nhưng người quan sát viên bị thương ở chân nên té xuống đất. Viên phi công hụp xuống đằng sau một đống củ cải đường to, Martin bắn một phát cảnh cáo, thế rồi hắn buộc phải bước ra, tay giơ lên trời. Trong khi Martin tịch thu súng của viên phi công, Francies kiểm tra người quan sát viên bị thương. Khi anh tháo chiếc ủng của hắn ta, một khẩu Colt 45 rơi ra ngoài. Trong lúc anh băng bó vết thương bên ngoài, tên người Đức cứ lặp đi lặp lại, “Danke. Danke. Danke.”(*)

        Sau đó, Francies và Martin vui sướng chụp hình cùng chiến lợi phẩm của mình. Trận đánh của họ có lẽ là trận hỗn chiến cuối cùng của Thế chiến thứ hai tại châu Âu và không nghi ngờ gì nữa, họ là những phi công duy nhất trong cuộc chiến này có thể hạ được một chiếc máy bay Đức chỉ bằng một khẩu súng lục. Đối với Francies, “ngày hôm đó toàn là niềm vui.” Điều duy nhất có thể vượt lên trên chuyện này là dẫn đường cho Sư đoàn Thiết giáp 5 tới Berlin. Francies tin là anh chỉ phải đợi lệnh trong một hai ngày nữa(**)

      Khi trung đội xe tăng do Trung úy Robert E. Nicodemus dẫn đầu đến gần Tangermünde vào buổi trưa, họ gặp phải một sự yên lặng rợn người. Mục tiêu của đơn vị thuộc Sư đoàn Thiết giáp 5 là cây cầu nằm trong thành phố nhỏ nên thơ này, chỉ cách Magdeburg khoảng 40 dặm về phía đông bắc. Giờ cây cầu ở Schönebeck đã mất, cây cầu ở Tangermünde là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến, ít nhất là đối với Tập đoàn quân 9.

      Chiếc xe tăng của Nicodemus lăn bánh xuống đường chính của Tangermünde và đi vào quảng trường. Đường phố ở đây cũng như ở những nơi khác trong thành phố đều vắng vẻ. Thế rồi, khi đoàn xe tăng đến được quảng trường, còi báo động không kích bắt đầu rền vang, và sau này Nicodemus nói, “mọi chuyện đột ngột xảy ra. Khắp nơi đều hỗn loạn.”

     Từ các ô cửa sổ, cửa chính và gác xép tưởng chừng trống không trước đó, lính Đức khai mào bằng loạt súng chống tăng kiểu như bazooka. Lính Mỹ bắn trả. Trong lúc đó, Trung sĩ Charles Householder đứng trong tháp pháo của chiếc tăng của anh, liên tục nã tiểu liên cho tới khi chiếc xe bị bắn trúng và anh phải nhảy ra ngoài. Chiếc tăng của Trung sĩ Leonard Haymaker, nằm ngay sau chiếc của Householder cũng bị trúng đạn; bốc cháy bừng bừng.

      Haymaker thoát ra an toàn, nhưng đồng đội của anh còn bị kẹt trong làn đạn của địch. Haymaker cúi thấp người né tránh và xoay một vòng, rồi dùng khẩu tiểu liên yểm trợ cho đồng đội chạy thoát.

       Vào đỉnh điểm của trận đánh, một người lính Mỹ nhảy lên phía sau chiếc xe tăng của Nicodemus và hét át tiếng ầm ĩ xung quanh, tự nhận là một tù binh chiến tranh vừa trốn được. Anh ta nói, có khoảng 500 tù binh đang bị giam giữ trong thành phố này, tại hai nhà tù riêng biệt. Nicodemus lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Anh đã định gọi pháo binh hỗ trợ, nhưng anh không thể nã pháo vào một thành phố đầy tù binh Mỹ. Anh quyết định đột phá vào nhà tù gần nhất để đưa tù nhân ra khỏi làn lửa đạn trước.

       Được người tù binh dẫn đường, Nicodemus đi qua những tòa nhà, sân sau và nhảy qua các hàng rào, đến một khu đất có rào vây quanh nằm ven sông. Khoảnh khắc thấy viên sĩ quan đến gần, các tù nhân người Mỹ trong trại giam nhảy bổ vào tấn công các cảnh vệ.

       Cuộc giao tranh khá ngắn ngủi. Ngay khi tước xong vũ khí của bọn cảnh vệ, Nicodemus thả các tù nhân ra ngoài. Khi cả nhóm đến gần con đường cuối cùng quân địch đang chiếm giữ và thấy mấy chiếc xe tăng Mỹ đằng xa, một người lính quay sang Nicodemus hân hoan nói: “Tôi tự do rồi. Chúng không thể giết được tôi.” Anh ta bước ra giữa đường và một tên lính bắn tỉa Đức bắn xuyên qua đầu anh ta.

       Trong khi Nicodemus đang giải phóng tù nhân, giao tranh khốc liệt giữa các căn nhà diễn ra trên toàn thành phố. Cuối cùng, khi cây cầu đã vào trong tầm ngắm, đại diện của đơn vị lính Đức đồn trú tại đây đến gặp đội quân tiên phong của Mỹ và thông báo rằng họ muốn đầu hàng.

     Trong khi đang thương lượng, đột nhiên có tiếng nổ dữ dội. Một đám mây bụi khổng lồ cuồn cuộn bốc lên và các mảnh gạch đá vỡ rơi ào ào xuống thành phố. Các kỹ sư Đức đã cho nổ cây cầu. Sư đoàn Chiến thắng, đơn vị cách thủ đô gần nhất của Mỹ, đã bị chặn bước đầy trêu ngươi trong khi chỉ còn cách Berlin có 53 dặm.

       Tâm trạng lo âu bắt đầu lan truyền trong bộ chỉ huy Tập đoàn quân 9. Cho tới giữa trưa ngày 12/4, họ vẫn rất tự tin. Sư đoàn Thiết giáp 5 đã đi được 200 dặm chỉ trong 13 ngày một cách phi thường; Sư đoàn 2 cũng tiến được chừng đó và chỉ mất nhiều hơn một ngày.Tổng cộng, tập đoàn quân của Simpson đã đi được gần 226 dặm kể từ hồi qua sông Rhine. Trên toàn mặt trận, các sư đoàn của Tập đoàn quân 9 đang lao tới sông Elbe.

       Nhưng họ vẫn chưa chiếm được cây cầu nào, cũng chưa lập được đầu cầu nào bên bờ đông dòng sông. Nhiều người đã hi vọng là chiến công nổi tiếng chiếm được cây cầu bắc qua sông Rhine ở Remagen hồi đầu tháng 3 sẽ tái diễn, chiến công này đã làm thay đổi chiến lược của Anh-Mỹ chỉ sau một đêm.

      Nhưng lần này không được may mắn như vậy. Giờ đây, Bộ chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp 2 ra quyết định: nhất định phải vượt sông. Sẽ thực hiện một cuộc tấn công dưới nước ở bờ đông sông Elbe để chiếm một đầu cầu. Sau đó, sẽ xây một cầu phao bắt qua sông. Ở Bộ chỉ huy của mình, Chuẩn tướng Sydney R. Hinds, chỉ huy Trung  đoàn Thiết giáp B của Sư đoàn 2 đã có kế hoạch. Chiến dịch sẽ diễn ra ở phía nam Magdeburg, tại một thị trấn nhỏ tên là Westerhüsen. Kế hoạch này là một canh bạc. Hỏa pháo của địch có thể hủy diệt cây cầu trước khi chiến dịch hoàn thành, hoặc tệ hơn, có thể ngăn chặn công cuộc xây cầu nữa. Nhưng càng đợi lâu, lực lượng phòng thủ của địch sẽ càng tập trung đông hơn. Và cứ mỗi giờ trì hoãn trôi qua thì cơ hội đánh bại quân Nga để tới Berlin lại càng nhỏ đi.

       Đến 8 giờ tối ngày 12/4, hai tiểu đoàn thiết giáp lặng lẽ đi qua bờ đông bằng xe lội nước DUKW. Việc vượt sông không gặp cản trở gì. Đến nửa đêm, hai tiểu đoàn đã tới nơi và rồi đến hừng đông thì có thêm một tiểu đoàn thứ ba nhập cuộc. Bên bờ đông, binh lính nhanh chóng triển khai kế hoạch, đào các công sự thành hình bán nguyệt nhỏ quanh khu vực định xây cầu phao. Tướng White hân hoan gọi điện về cho tư lệnh Tập đoàn quân 9, tướng Simpson: “Chúng tôi qua được rồi!”
                                   ***************
      (*) Tiếng Đức nghĩa là “Cảm ơn” – ND.
      (**)  Chiến công phi thường của Francies thuộc hàng độc nhất vô nhị trong Thế chiến thứ hai, lại chwa từng được Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận. Anh được kiến nghị trao tặng Huân chương Chữ Thập về thành tích xuất chúng trong không quân, nhưng chưa bao giờ được nhận. Lạ lùng thay, dù không phải là phi công, nhưng Martin lại được trao Huân chương Không lực vì đã góp phần trong chiến công này.
    
        Quân Đức hay tin về vụ vượt sông gần như cùng lúc với Simpson. Ở Magdeburg, viên chỉ huy, một cựu binh của trận Normandy vội vàng báo cho tướng Wenck ở bộ chỉ huy Tập đoàn quân 12 biết. Viên sĩ quan ở Magdeburg, một chuyên gia pháo binh, từ lâu đã học được một điều là không nên đánh giá thấp quân địch. Sáng sớm ngày 6/6/1944, từ ụ pháo của mình, ông nhìn ra ngoài và thấy quân Đồng minh tấn công. Và cũng như bây giờ, ông báo ngay cho thượng cấp.

      Ông nói, “Đó là một cuộc xâm lăng. Chắc phải có tới mười nghìn tàu chiến ngoài đó.”

     Người ta không tin bức điện đáng sợ của ông. Ông được hỏi là “Những chiếc thuyền đó đi hướng nào?”

      Lời hồi âm của ông đơn giản và cụt lủn: “Đến đúng chỗ tôi.”

      Giờ đây, Thiếu tá Werner Pluskat, người từng chỉ huy quân Đức khai hỏa từ trung tâm bãi biển Omaha chuẩn bị đến sông Elbe. Các pháo thủ của ông ở dọc bờ sông, phía bắc và nam Magdeburg sẽ cầm chân quân Mỹ chừng nào còn có thể. Nhưng Pluskat đã có đủ kinh nghiệm để khỏi cần nghi ngờ gì về kết quả nữa.

      Tuy nhiên, những học viên sĩ quan trẻ tuổi của tướng Wenck lại không hề suy nghĩ tiêu cực tí nào. Họ phấn khích và vẫn còn mới mẻ, nên thấy trông đợi vào các trận chiến sắp tới.

       Giờ đây, các đơn vị chiến đấu cơ động của các sư đoàn Potsdam, Scharnhorst và Von Hutten đang tiến vào vị trí, chuẩn bị tiêu diệt đầu cầu của quân Mỹ ở bờ đông sông Elbe. Ở bờ tây sông Elbe, các kỹ sư đang làm việc như điên. Các ngọn đèn pha được đưa vội đến, hướng thẳng lên trên để phản chiếu lại từ các đám mây, và trong thứ ánh trăng nhân tạo này, những chiếc thuyền phao đầu tiên đã hoàn thành và được đưa xuống sông. Chúng được cố định vào vị trí lần lượt từng cái một.

      Đại tá Paul A. Disney, tư lệnh Trung đoàn Thiết giáp 67 đứng gần đó, quan sát công tác xây cầu và càng lúc càng thấy mất kiên nhẫn. Đột nhiên pháo nổ vang. Khi chúng nổ gần mấy chiếc thuyền phao đầu tiên, những cột nước bắn tung lên trời. Cách bắn thật khác thường: pháo không bắn thành loạt mà lại lẻ tẻ từng phát, có vẻ như các khẩu pháo đặt khá xa nhau.

      Disney chắc chắn là loạt pháo này do một quan sát viên đứng nấp gần đây chỉ đạo, bèn ra lệnh ngay lập tức tiến hành tìm kiếm các căn nhà bốn tầng nhìn ra sông. Cuộc tìm kiếm chẳng thu được gì; pháo vẫn tiếp tục bắn, chính xác và chết chóc.

      Những chiếc thuyền phao bị xé toạc và chìm nghỉm, các mảnh đạn văng xuống nước liên hồi buộc lực lượng xây cầu phải tìm chỗ trú ẩn. Người bị thương được chuyển vào nơi an toàn bên bờ sông; và những người khác đến thay thế.

       Cuộc bắn phá diễn ra suốt đêm, làm công sức bền bỉ của các kỹ sư Mỹ tan thành mây khói. Điều Hinds sợ nhất đã xảy ra. Ông dứt khoát ra lệnh cho một đơn vị bộ binh ở phía nam. Mệnh lệnh cho họ là: tìm chỗ khác.

       Sáng hôm sau, phần còn lại của cây cầu đã bị loạt đại bác của Đức phá hủy. Khi những quả pháo cuối cùng nổ tung và phá hủy nhịp cầu trung tâm vốn đã méo mó tả tơi, lúc đó cây cầu chỉ còn các bờ đông không đầy 70 m nữa. Hinds đanh mặt lại, mệt mỏi, ra lệnh rút lui. Khi họ tập hợp lại với người bị thương, có một bức điện gửi tới: xuôi dòng một đoạn, bộ binh ở bờ đông đã tìm được một nơi phù hợp để xây cầu.

      Đến chiều thứ sáu ngày 13, những chiếc xe lội nước DUKW kéo theo một sợi cáp to nặng qua sông đến đầu cầu mới nhất. Người ta định dùng sợi cáp này làm trục. Một khi đặt vào vị trí, nó sẽ kéo theo một chuỗi thuyền phao qua sông, mang theo xe cộ, tăng và pháo. Mặc dù thế này rất chậm, nhưng buộc phải dùng nó cho tới khi vật liệu xây cầu được đem tới.

       Giờ vấn đề khiến Hinds lo lắng nhất là số phận của ba tiểu đoàn bên bờ Đông. Đội quân này đang đóng tại một vùng hình bán nguyệt giữa hai ngôi làng Elbenau và Grünewalde, quay lưng lại sông Elbe. Đó là một đầu cầu nhỏ, và họ không có pháo binh hay xe thiết giáp hỗ trợ, trừ mấy cụm pháo bên bờ tây. Nếu ba tiểu đoàn này bị tấn công mạnh mẽ, tình hình có thể trở nên nguy ngập. Bây giờ, Hinds ra lệnh cho Đại tá Disney vượt sông Elbe bằng xe lội nước DUKW để chỉ huy đội quân đó.

       Disney tìm được vị trí đóng quân của tiểu đoàn đầu tiên trong một khu rừng, do Đại úy John Finnell chỉ huy. Finnell rất lo lắng. Sức ép của quân Đức đang lớn dần. Anh nói, “Nếu chúng ta không nhanh chóng đưa xe tăng tới đây thì sẽ rắc rối to.”

      Sau khi tóm lược tình hình cho Hinds qua radio, Disney đi tiếp và tìm được tiểu đoàn thứ hai. Khi ông đến gần con sông, pháo bắt đầu ập xuống xung quanh. Disney lăn xuống một con hào, nhưng pháo rơi gần hơn nữa, nên ông lại trèo ra và nhảy xuống một con hào khác.

       Lần này ông không gặp may. Ông gặp một cơn mưa mảnh đạn, rồi tiếp một loạt nữa. Đợt pháo thứ ba khiến ông gục hẳn. Disney nằm đó bất tỉnh và bị thương nặng. Cánh tay trái của ông bị trúng đạn lỗ chỗ, còn đùi phải thì bị một mảnh đạn lớn văng phải làm rách toạc.

      Trong vòng 36 tiếng đồng hồ, Hollingsworth và Disney, hai trong số những người cống hiến nhiệt thành nhất để đưa quân Mỹ đến Berlin đã bị loại khỏi vòng chiến.

      1:15 chiều ngày 12/4, vào lúc những chiếc xe tăng dẫn đầu của Sư đoàn Thiết giáp 5 đang lăn bánh vào thị trấn Tangermünde, Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời bên bàn làm việc của ông ở Warm Springs.

       Một họa sĩ đang vẽ chân dung cho ông thì bỗng nhiên ngài tổng thống đặt tay lên đầu và than đau đầu. Không lâu sau đó ông qua đời. Trên bàn làm việc của ông có một tờ tạp chí Hiến pháp Atlanta. Trên đó có dòng tít: NGÀY 9 – CÒN CÁCH BERLIN 57 DẶM.

       Gần 24 tiếng sau, tin tức về cái chết của tổng thống mới lọt ra ngoài tiền tuyến. Thiếu tá Alcee Peters của Sư đoàn 84 nghe tin từ một người Đức. Ở một chỗ giao với đường sắt gần Wahrenholz, một ông già cầm cờ hiệu đã đến chia buồn cùng ông vì “tin tức này thật khủng khiếp.”

      Peters thấy sốc và khó lòng tin được nhưng trước khi ông kịp tiêu hóa hoàn toàn tin tức mình nghe được, thì đội quân của ông đã tiếp tục lên đường, tiến về sông Elbe, và ông có nhiều chuyện khác phải lo nghĩ.

      Trung tá Norman Carnes, chỉ huy một tiểu đoàn của Trung đoàn Bộ binh 333 đang di chuyển qua một cánh đồng dầu bị bom tàn phá ở bắc Brunswick thì nghe tin Roosevelt qua đời. Ông cảm thấy thương tiếc, nhưng tâm trí ông cũng đang bận bịu với công việc của mình. Sau này ông nói, “Đó chỉ là một cơn khủng hoảng khác. Mục tiêu tiếp theo của tôi là Wittingen và tôi đang bận suy nghĩ về nó. Dù sống hay chết thì giờ Roosevelt cũng không thể giúp gì được tôi…” Giáo sĩ Ben Rose viết thư cho bà vợ Anne của ông: “Bọn anh ai cũng đau buồn… nhưng bọn anh đã chứng kiến quá nhiều người ngã xuống rồi, nên hầu hết đều biết ngay cả Roosevelt cũng không phải là không thể thiếu… Anh rất ngạc nhiên khi thấy cả bọn có thể bình tĩnh đến vậy khi hay tin và còn nói về chuyện này nữa.”

     Joseph Goebbels hầu như không thể kiềm chế bản thân được nữa. Ngay khi nghe tin, ông ta liền điện cho Hitler đang ở trong Führerbunker.

     Ông ta hân hoan nói: “Thưa Quốc trưởng, tôi phải chúc mừng ngài! Roosevelt đã chết! Số trời đã định. Nửa cuối tháng tư sẽ là bước ngoặt của chúng ta. Hôm nay là thứ sáu ngày 13/4. Đây là bước ngoặt!”

     Trước đó, Goebbels đã đưa cho Bá tước Schwerin von Krosigk, Bộ trưởng Bộ Tài chính hai lời chiêm tinh. Một cái là cho Hitler, vào ngày ông ta nắm quyền, ngày 30/1/1933. Cái kia là vào ngày 9/11/1918, nói về tương lai nền Cộng hòa Weimar.

      Krosigk viết trong nhật ký: “Một sự thật đáng ngạc nhiên đã trở nên rõ ràng. Cả hai lời tiên tri đều dự đoán rằng chiến tranh sẽ bùng nổ vào năm 1939, giành thắng lợi đến năm 1941, và rồi sau đó tình thế sẽ đảo ngược – trong đó các thất bại nặng nề nhất sẽ diễn ra trong những tháng đầu năm 1945, nhất là nửa đầu tháng tư. Thế rồi, sẽ có một chiến thắng áp đảo trong nửa cuối tháng tư, duy trì đến tận tháng tám, và khi đó hòa bình sẽ đến. Trong ba năm tiếp đó, nước Đức sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng sang đến 1948 Đức sẽ trỗi dậy lần nữa.”

        Goebbels cũng đang đọc cuốn Lịch sử Vua Frederick II của Phổ của Thomas Carlyle, và cuốn sách khiến ông ta càng vui sướng hơn. Có một chương nói về Cuộc chiến Bảy năm (1756-1763), khi đó Phổ đơn độc chống lại một liên minh gồm Pháp, Áo và Nga. Trong năm thứ 6 của cuộc chiến, Frederick nói với các quân sư rằng nếu đến ngày 15/2 mà tình hình không thay đổi gì, ông ta sẽ tự sát. Thế rồi ngày 5/1/1762, Nữ hoàng Elizabeth băng hà và Nga rút khỏi cuộc chiến. Carlyle viết, “Phép màu của Điện Brandenburg đã xuất hiện.” Tình thế cuộc chiến dần tốt lên. Giờ đây, trong năm thứ sáu của cuộc chiến, Roosevelt đã chết. Không thể phủ nhận sự tương đồng này.

         Ngài Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền đang cực kỳ hưng phấn. Ông ta ra lệnh đãi sâm banh tất cả mọi người ở Bộ Tuyên truyền.

                                                                    *****************

        “Vượt qua! Vượt qua! Tiếp tục di chuyển!” Đại tá Edwin Crabill “Đạn chì” của Sư đoàn 83 hiên ngang đi lên đi xuống dọc bờ sông, đưa người xuống xuồng đột kích, ở chỗ này chỗ kia giúp các chiếc khởi đầu chậm chạp bằng cách đẩy mũi chân một cái.

       Ông hét với một chiếc xuồng đầy ắp khác, “Đừng lãng phí cơ hội này. Các anh đang trên đường tới Berlin đó!” Khi những người lính khác bắt đầu qua sông bằng xe lội nước DUKW, ông Crabill lùn xủn và nóng nảy lại mắng mỏ, “Đừng có chờ tổ chức lại quân! Đừng chờ người ta bảo các anh phải làm những gì! Sang đó bằng mọi cách! Nếu đi ngay bây giờ thì các anh chẳng cần phải bắn một phát nào!”

       Crabill đã đúng. Ở thị trấn Barby, cách Magdeburg 15 dặm về phía nam, Sư đoàn 83 vượt sông thành từng đoàn mà không gặp cản trở gì, ngay dưới chỗ đối thủ hàng đầu của họ, Sư đoàn Thiết giáp 2, đang cố vượt sông bằng chiếc phà dây cáp (*). Họ vào thị trấn và thấy cây cầu đã bị cho nổ, nhưng không chờ lệnh từ sĩ quan chỉ huy của sư đoàn, Crabill ra lệnh ngay lập tức vượt sông. Xuồng đột kích nhanh chóng đem tới và chỉ trong vài giờ sau, nguyên một tiểu được đã qua sông thành công. Giờ một tiểu đoàn khác đang trên đường qua. Đồng thời, pháo cũng đang được chở qua bằng thuyền phao và các kỹ sư đang xây một cây cầu phao, sẽ hoàn thành trước hoàng hôn. Ngay cả Crabill cũng thấy ấn tượng trước hoạt động điên cuồng do mệnh lệnh của mình dẫn tới. Khi ông đi từ nhóm này qua nhóm khác để giục họ làm nhanh hơn, ông cứ đắc thắng lặp đi lặp lại với các sĩ quan khác là “Mấy người ở Fort Benning sẽ không bao giờ tin được chuyện này đâu!”(**)

        Có một đám người Đức đang lặng lẽ quan sát cảnh tượng hối hả trước mắt, họ đứng trên ban công bên dưới tháp đồng hồ ở quảng trường thị trấn. Suốt nhiều giờ liền, trong lúc Trung tá Granville Sharpe chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh bận rộn càn quét lực lượng kháng cự ít ỏi còn lại trong thị trấn, ông biết đám khán giả đó đang quan sát, và thấy càng lúc càng bực mình.

      Ông nhớ lại, “Người của tôi thì đang bị bắn, còn đám người Đức đó thì khoái chí đứng coi đánh nhau trong thị trấn và ngoài sông.”

      Sharpe chịu đựng đủ rồi. Ông đi lên một chiếc xe tăng và bảo người xạ thủ. “Bắn một phát vào mặt đồng hồ, để coi, vị trí 5 giờ đi.” Người lính xe tăng vâng lệnh, bắn một cú thật chuẩn vào số năm. Đám đông đột ngột giải tán.

       Hơn nữa, dù sao show diễn cũng xong rồi. Sư đoàn 83 đã qua sông. Đầu cầu vững chãi đầu tiên đã được lập nên ở bờ đông sông Elbe.

       Đến tối ngày 13, các kỹ sư đã hoàn thành nhiệm vụ, và vẫn cẩn thận cho đến tận cùng, họ đã đặt một tấm biển báo trên đường dẫn lên cầu. Nhằm vinh danh tân tổng thống và với hào khí ngút trời quen thuộc của sư đoàn, cộng thêm đánh giá chuẩn xác giá trị của việc quảng cáo, tấm bảng viết: CẦU TRUMAN. ĐƯỜNG ĐẾN BERLIN. CÔNG TRÌNH CỦA SƯ ĐOÀN BỘ BINH 83.

       Tin tức bay đến chỗ tướng Simpson và từ đó đến chỗ tướng Bradley. Ông điện ngay cho Eisenhower. Đầu cầu của Sư đoàn 83 bỗng chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí mọi người. Vị Tư lệnh Tối cao lắng nghe tin tức cẩn thận.

       Rồi đến cuối bài báo cáo, ông hỏi Bradley một câu. Sau này Bradley đã cố dựng lại cuộc trò chuyện, theo đó Eisenhower đã hỏi: “Brad, anh nghĩ nếu ta đột phá qua sông Elbe và chiếm Berlin thì cái giá phải trả là bao nhiêu?” Bradley đang cân nhắc vấn đề đó suốt nhiều ngày nay. Cũng như Eisenhower, giờ ông không còn coi Berlin là một mục tiêu quân sự nữa, nhưng nếu có thể dễ dàng chiếm được thì ông cũng muốn chiếm. Giống như cấp trên, Bradley vẫn bận tâm về việc xâm nhập quá sâu vào khu vực chiếm đóng tương lai của Liên Xô và về các thương vong có thể xảy ra khi lính Mỹ tiến vào một vùng đất mà sau này họ sẽ phải dần dần rút lui khỏi đó. Ông tin là tổn thất trên đường tới Berlin sẽ không quá cao, nhưng ở trong thành phố đó thì lại là chuyện khác. Chiếm Berlin có thể phải mất một giá đắt. Ông trả lời vị Tư lệnh Tối cao, “Tôi đoán sẽ mất khoảng 100.000 người.”

       Hai người im lặng một lúc. Rồi Bradley nói thêm, “Đó là một cái giá khá đắt cho một mục tiêu danh vọng, nhất là khi chúng ta đã biết mình sẽ phải rút khỏi đó và để anh bạn kia chiếm lấy.”(***)

      Cuộc trò chuyện chấm dứt tại đó. Ngài Tư lệnh Tối cao không để lộ ý định của mình. Nhưng Bradley thì đã có ý kiến riêng không thể rõ ràng hơn: sinh mạng của người Mỹ quan trọng hơn là danh vọng đơn thuần hay là chiếm đóng tạm thời tại một vùng đất vô nghĩa.
...........................
  (*) Phà dây cáp là loại phà được đẩy qua sông bằng một sợi cáp được buộc vào hai bên bờ....
  (**) Fort Benning là một trường đào tạo quân sự của Mỹ - ND.
  (***) Phỏng đoán của Bradley đã gây ra nhiều hoang mang, thứ nhất là ông nói thế với Eisenhower khi nào, và thứ hai là căn cứ vào đâu mà ông đưa ra con số đó. Vụ việc lần đầu được tiết lộ trong hồi ký của Bradley, cuốn Chuyện một người lính. Trong đó không nêu ngày cụ thể. Do vậy, như Bradley đã nói với tác giả, ông cũng có phần nào trách nhiệm về sự mơ hồ sau này. Có một tài liệu nói Bradley đã nói với Eisenhower ở SHAEF từ đầu tháng 1/1945, rằng con số thương vong ở Berlin có thể lên tới 100.000 người. Chính Bradley nói: “Tôi nói dự đoán của mình với Ike qua điện thoại, ngay sau khi chúng ta chiếm được đầu cầu ở sông Elbe. Tất nhiên, tôi không nghĩ mình sẽ phải chịu thương vong 100.000 người khi đi từ đó tới Berlin. Nhưng tôi tin là quân Đức sẽ chiến đấu ác liệt để bảo vệ thủ đô. Tôi cho là  chúng ta sẽ chịu tổn thất nặng nề hơn tại Berlin.”
  
      Ở Bộ chỉ huy Quân đoàn 19, tướng McLain đứng trước bản đồ, nghiên cứu tình hình. Theo ông, trận tuyến của địch bên bờ đông sông Elbe chỉ có cái mã, không hơn. Một khi các sư đoàn của ông đã qua sông và đột phá được hàng phòng ngự này, thì không gì có thể cản họ tới Berlin được nữa.

      Đại tá George B. Sloan, Tư lệnh hành quân của McLain tin là quân Mỹ sẽ chỉ gặp phải kháng cự như họ đã gặp trên đường từ sông Rhine tới đây – các ổ kháng cự cuối cùng, và hoàn toàn có thể đi nhanh vòng qua đó. Ông tin chắc chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi tấn công trở lại, các bộ phận đi đầu của các đơn vị thiết giáp của Mỹ sẽ tới được Berlin.  

      McLain đã có một số quyết định chóng vánh. Thành tựu đánh ngạc nhiên của Rạp xiếc Rách rưới, chiếm được một đầu cầu, đưa quân qua sông và rồi bắc một cây cầu qua sông Elbe, tất cả chỉ trong vài tiếng đồng hồ, đã thay đổi bức tranh toàn cục ở dòng sông. Sư đoàn 83 không chỉ mở rộng đầu cầu bên bờ đông mà còn đang tiến nhanh về phía trước. McLain chắc chắn là đầu cầu của sư đoàn 83 rất vững chãi. Ông không chắc lắm liệu chiếc phà dây cáp mỏng mảnh của Sư đoàn Thiết giáp 2 có chịu được bắn phá hay không. Nhưng Sư đoàn 2 cũng đã có ba tiểu đoàn qua được sông và đang đóng ở đó. Ông đã sắp xếp cho một phần Sư đoàn Thiết giáp 2 sẽ vượt sông qua cây cầu Truman của Sư đoàn 83.

      Do vậy, McLain thấy chả có lý do gì để Sư đoàn 30, đang vào vị trí, lại phải tấn công Magdeburg và đi theo cây cầu xa lộ. Với tốc độ hành quân hiện tại, đầu cầu của Sư đoàn 83 sẽ nhanh chóng mở rộng và liên kết với các tiểu đoàn đơn lẻ bên kia phà. Cuộc tấn công sẽ tiếp tục từ đầu cầu rộng lớn này. McLain quyết định đi vòng qua toàn bộ Magdeburg. Như Sư đoàn 83 đã nói, cầu Truman sẽ là đường dẫn đến Berlin.

      Đến bình minh thứ bảy ngày 14/4, ở chỗ phà dây cáp của Sư đoàn Thiết giáp 2, tướng Hinds đợi ba chiếc thuyền phao buộc chung lại. Chúng sẽ làm nền cho chiếc phà, rồi dùng cáp kéo qua kéo lại cho tới khi nào cầu xây xong. Pháo vẫn rơi xuống hai bên bờ sông, chỗ đầu cầu, và quân bên bờ đông gặp phải giao tranh ác liệt. Họ có thể cầm cự một thời gian nữa nếu gặp bộ binh, nhưng nỗi lo lớn nhất của Hinds là là gặp quân thiết giáp tấn công. Quân Mỹ bên bờ đông vẫn chưa có pháo binh hay xe thiết giáp hỗ trợ.

      Chiếc xe đầu tiên được lên phà là một chiếc xe ủi; cần nạo vét và san phẳng bờ đông thì xe tăng và các vũ khí hạng nặng mới có thể lên bờ được. Một chiếc xe lội nước DUKW sẽ kéo phà đi, giúp phà đi nhanh hơn bằng cách kéo cáp. Hinds lo lắng quan sát. Hai sợi cáp đã bị phá hủy và trôi đi mất. Ông chỉ còn một sợi; và mấy chiếc thuyền phao cỡ lớn cuối cùng của ông đã được đưa ra làm phà.

      Chiến dịch cồng kềnh bắt đầu. Trong lúc mọi người đứng nhìn, chiếc phà chậm chầm đi ra đến giữa sông Elbe. Rồi khi nó đến gần bờ đông, xảy ra một chuyện không thể tin được. Một quả pháo bắn tới, và với xác suất cỡ một phần triệu đã làm đứt cáp. Hinds chết đứng vì sốc, trong khi sợi cáp, chiếc phà và xe ủi chìm xuống nước. Ông cay đắng nói, “Xuống địa ngục rồi!”

      Cú bắn khó tin đó giống như dấu hiệu của tai ương, mọi người xôn xao cho rằng quân bên bờ Đông đang bị xe thiết giáp tấn công.

      Bên bờ đông sông Elbe, qua làn sương sớm và khói pháo, Trung tá Arthur Anderson quan sát đội xe thiết giáp của Đức xông qua hàng phòng thủ của bộ binh của ông. Có bảy hay tám chiếc gì đó, trong đó có hai chiếc tăng. Nhìn qua gọng kính, Anderson thấy nhóm quân đó nằm ngoài tầm bắn của mấy khẩu bazooka chống tăng, và đang bắn vào các hố cá nhân của Mỹ rất bài bản.

      Trong khi ông đang quan sát, một trung đội đang giữ vị trí bên cánh phải bị vượt qua. Binh lính nhảy ra khỏi hố cá nhân, chạy vào vị trí an toàn trong rừng. Giờ quân Đức đang tấn công vào hai trung đội còn lại của Anderson, làm nổ tung các hố cá nhân liên tiếp. Điên lên, Anderson gọi các cụm pháo binh bên bờ tây hỗ trợ. Nhưng cuộc tấn công diễn ra quá nhanh, nên khi Sư đoàn Thiết giáp 2 bắt đầu nã pháo thì Anderson biết là đã quá muộn.

      Dọc theo đầu cầu ở đằng xa hơn, Trung úy Bill Parkins, chỉ huy trung đội 1, thình lình nghe tiếng súng máy nổ của quân mình và rồi có tiếng súng máy nhẹ của Đức bắn trả. Một người đưa tin của trung đội chạy tới.

      Anh ta báo cáo, có ba chiếc xe Đức chở đầy lính đang đến đây, “càn quét sạch mọi thứ trên đường đi.” Parkins truyền lời lại cho binh sĩ là cứ giữ nguyên vị trí và tiếp tục bắn. Rồi anh vội vàng ra khỏi nơi đóng quân để tìm hiểu xem có chuyện gì. Sau này anh nói, “Tôi thấy ba chiếc xe tăng Mark V cách đó vài trăm mét, đang đến gần từ phía đông, mỗi chiếc hình như chở theo cả một trung đội. Bọn chúng bắt tù binh Mỹ đi đằng trước, chĩa súng thẳng vào bọn họ.”

       Vài người lính của Parkins bắn trả bằng bazooka, nhưng chúng ở quá xa; mấy quả pháo dù có trúng cũng nẩy bật ra. Quân của anh sắp bị nuốt gọn. Parkins ra lệnh rút lui, trước khi họ bị bắt hay bị giết sạch.

      Xe Đức đang kéo tới cực nhanh từ phía bắc, đông và nam đầu cầu. Thượng sĩ Wilfred Kramer, chỉ huy một trung đội bộ binh, thấy một chiếc xe tăng Đức cách mình chừng 200 m, có bộ binh dàn hình quạt đằng sau. Kramer lệnh cho cả đội chờ đợi. Tới khi quân Đức còn cách không đầy 40 m, anh hét ra lệnh khai hỏa. Sau này anh giải thích, “Chúng tôi đang làm rất tốt và giữ vững vị trí của mình. Nhưng rồi chiếc tăng nã súng. Loạt đạn đầu tiên bắn đến cách mấy khẩu súng máy của chúng tôi chừng 9 m. Nó nhắm thẳng tới đây.” Kramer cố cầm cự, rồi cũng ra lệnh rút quân.

      Cuộc giao tranh quanh Grünewalde khốc liệt tới mức Trung tá Carlton E. Stewart, chỉ huy một tiểu đoàn, phải gọi pháo binh từ một trung đội của ông tới và nghe họ báo cáo rằng “chúng bắn thẳng vào vị trí của chúng ta, trong khi quân ta vẫn đang ở dưới hầm của các căn nhà.”

       Mọi người yêu cầu phải tấn công mấy chiếc tăng từ trên không, nhưng suốt từ sáng tới trưa, chỉ có vài chiếc máy bay xuất hiện. Trên đường hành quân thần tốc đến Elbe, các đường băng đã bị bỏ xa tới nỗi máy bay phải mang thêm các thùng xăng ở hai cánh để có thể theo kịp tốc độ hành quân, và thế có nghĩa là không thể mang bom theo được.

       Đến trưa, tướng Hinds đã ra lệnh toàn bộ bộ binh ở bờ đông rút lui qua sông. Dù ban đầu thương vong khá cao, nhưng mấy ngày sau thì chỉ nhỏ giọt. Tổng thương vong ở bờ sông là 304 người; có một tiểu đoàn có 7 sĩ quan và 146 lính chết, bị thương hoặc mất tích. Cuộc giao tranh đã đặt dấu chấm hết cho hi vọng dựng thêm một cây cầu hoặc đầu cầu nữa của Sư đoàn Thiết giáp 2. Giờ đây, tướng White, tư lệnh Sư đoàn 2 không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng cây cầu ở Barby của Sư đoàn 83. Quân Đức đã thành công chặn lại đà tiến quân khủng khiếp của Sư đoàn Thiết giáp 2 một cách chớp nhoáng.

       Đầu cầu bị xóa sổ chóng vánh và dữ dội tới mức thậm chí các tư lệnh Mỹ còn không biết đơn vị nào đã tấn công. Thực ra, đó khó mà gọi là đơn vị được. Đúng như tướng Wenck đã đoán, những học viên sĩ quan và sĩ quan tập sự non choẹt của ông đã làm rất tốt. Tràn trề tham vọng và khao khát vinh quang, họ đã đẩy bản thân và trang bị nghèo nàn của mình tới cực hạn, nhờ đó kéo dài thêm thời gian cho Wenck.

       Trong chiến công đẩy lui Sư đoàn Thiết giáp 2, các đội quân tiên phong cơ động này đã làm được điều mà chưa đơn vị nào làm được trong suốt 30 tháng giao tranh. Nếu như dựng được một cây cầu hay đầu cầu bắc qua sông Elbe, có lẽ Sư đoàn 2 đã tiến thẳng tới Berlin mà không cần chờ lệnh.

       Kế hoạch tấn công nước Đức của ngài Tư lệnh Tối cao đã mở đầu rực rỡ; thực vậy, màn hành quân thần tốc của quân Anh-Mỹ đến cả ông cũng phải ngạc nhiên. Ở miền bắc, Cụm Tập đoàn quân 21 của Montgomery đang tiến khá ổn định. Tập đoàn quân Canada ở gần Arnhem đã sẵn sàng càn quét hang ổ chính còn lại của địch tại Hà Lan. Tập đoàn quân 2 của Anh đã vượt sông Leine, chiếm được thành phố Celle và đang ở ngoại ô Bremen. Ở trung tâm nước Đức, vòng vây vùng Ruhr ngày càng hẹp lại, và quan trọng nhất là Tập đoàn quân 9 của Simpson cùng với các tập đoàn quân 1 và 3 đã cắt đôi nước Đức. Tập đoàn quân 1 đang tiến về Leipzig. Tập đoàn quân 3 thì đang ở gần biên giới với Czech.

...............................     
    Nhưng những thành tựu như gió lốc này cũng có cái giá của nó: tuyến cung cấp đồ tiếp tế của Eisenhower gần như đã tới giới hạn. Ngoài xe tải ra, hầu như chẳng còn phương tiện vận tải nào đến được chỗ Bradley nữa; chỉ còn mỗi một cây cầu đường sắt trên sông Rhine còn hoạt động. Lực lượng chiến đấu vẫn được tiếp tế ổn thỏa, nhưng các sĩ quan SHAEF khá phiền muộn về bức tranh toàn cảnh.

       Để cung cấp cho các đoàn quân viễn chinh, hàng trăm máy bay chở quân đã được huy động bay suốt ngày đêm, chở đồ tiếp tế đến. Chỉ riêng ngày 5/4, một phi đoàn C-47S đã chở theo hơn 3.500 tấn đạn dược và đồ tiếp tế, và gần 2.800 m3 xăng ra mặt trận.

      Thêm vào đó, khi quân Đồng minh tiến vào nước Đức ngày càng sâu, họ còn phải cung cấp thêm hàng nghìn người thuộc thành phần không tác chiến. Phải nuôi hàng trăm nghìn tù binh Đức. Lao động cưỡng chế từ một số quốc gia và các tù binh chiến tranh của Anh và Mỹ đã được giải thoát cần có chỗ trú, thức ăn và chăm sóc y tế. Mà bệnh viện, xe cứu thương và đồ dùng y tế thì giờ mới được chuyển đi. Và dù các cơ sở vật chất cho y tế cũng khá nhiều, nhưng đột nhiên nhu cầu y tế lại tăng cao không ngờ.

        Gần đây, tai họa ngầm đáng sợ nhất của nền Đệ tam Quốc xã đã bắt đầu hé lộ. Trên toàn mặt trận, trong tuần lễ hành quân thần tốc này, những người lính rất sốc và khiếp sợ khi gặp phải các trại tập trung của Hitler, có hàng trăm nghìn tù nhân trong đó, và hàng triệu cái xác còn chình ình bên trong.

       Những người lính dày dạn kinh nghiệm chiến đấu không thể tin nổi trước cảnh tượng của các trại tập trung và nhà tù rơi vào tay họ. Đến tận hai mươi năm sau, nhiều người vẫn giận dữ tột độ khi hồi tưởng lại: những bộ xương di động tiều tụy lảo đảo đi về phía mình, ý chí sinh tồn là thứ duy nhất Nazi còn để lại cho bọn họ; những ngôi mộ, hầm và hố chôn tập thể; những dãy lò hỏa thiêu đầy ắp xương cháy đen, bằng chứng kinh hoàng nhưng câm lặng của cuộc tàn sát “các tù nhân chính trị” một cách có hệ thống trên quy mô lớn – những người bị tuyên án tử chỉ vì “họ là người Do Thái,” như một cảnh vệ ở trại tập trung Buchenwald giải thích.

     Quân lính phát hiện ra các phòng hơi độc, thiết kế như phòng tắm bình thường, chỉ khác là vòi sen phun ra khí cyanide chứ không phải nước. Trong nhà của viên sĩ quan chỉ huy Buchenwald có mấy cái chụp đèn làm bằng da người. Vợ của viên sĩ quan, bà Ilse Koch có mấy đôi găng tay và bìa sách làm từ thịt tù nhân; trên chiếc kệ gỗ nhỏ đặt hai chiếc đầu người nhồi tiêu bản đã teo tóp lại. Có những nhà kho chật ních quần áo, giày dép, chân tay giả, răng giả và mắt kính – được phân loại và đánh số riêng biệt, rất có hệ thống. Những chiếc răng vàng được tháo riêng ra và chuyển tới bộ tài chính.

       Đã có bao nhiêu người bị tàn sát? Thoạt tiên, vì quá sốc khi phát hiện ra điều này, chẳng ai có thể ước tính được. Nhưng rồi các báo cáo đến từ khắp nơi trên toàn mặt trận đã cho thấy tổng số người bị giết là cả một con số thiên văn.

      Còn về việc các nạn nhân là ai thì lại quá rõ ràng. Theo định nghĩa của Đệ tam Quốc xã, họ là những kẻ “không phải người Aryan,” “những kẻ hèn kém có văn hóa nhơ bẩn,” đến từ một tá quốc gia, một tá tín ngưỡng khác nhau, nhưng phần đông là người Do Thái. Trong số bọn họ, có người Ba Lan, Pháp, Czech, Hà Lan, Na Uy, Nga, Đức. Trong vụ thảm sát khổng lồ, tàn ác nhất lịch sử, họ đã bị giết bằng rất nhiều cách quái dị. Một số bị đem làm “chuột bạch” trong phòng thí nghiệm. Hàng nghìn người bị bắn, hạ độc, treo cổ hoặc ngửi hơi độc; số khác thì đơn giản là bị bỏ đói cho đến chết.

       Ở trại Ohrdruf, do Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ kiểm soát từ ngày 12/4, tướng George S. Patton, một trong những sĩ quan cứng cựa nhất của quân đội Mỹ, rảo bước qua những căn nhà chết chóc rồi quay đi, mặt đẫm lệ và thấy muốn bệnh. Hôm sau, Patton ra lệnh cho cư dân trong ngôi làng gần đó đến chứng kiến tận mắt, vì họ khẳng định mình không hề hay biết gì về tình hình bên trong trại tập trung này; ai muốn bỏ đi sẽ được tháp tùng bằng súng trường. Sáng hôm sau, vợ chồng ông trưởng làng treo cổ tự tử.

      Trên tuyến đường tiến quân của quân Anh, họ cũng phát hiện ra sự thật khủng khiếp tương tự. Chuẩn tướng Hugh Glyn Hughes, sĩ quan quân y cấp cao của Tập đoàn quân 2 Anh quốc, đã lo lắng suốt nhiều ngày nay về khả năng lây nhiễm bệnh dịch từ một trại tập trung ở Belsen mà ông được nghe cảnh báo trước đó.

      Khi tới đó, Hughes mới thấy bệnh sốt Rickettsia và thương hàn mà ông từng lo lắng lại là những thứ nhẹ nhàng nhất. Nhiều năm sau ông nói, “Không một bức hình nào, không từ ngữ nào có thể truyền tải về quê nhà những nỗi kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến. Trong trại, có 56.000 người còn sống. Họ sống trong 45 căn chòi gỗ. Đâu cũng thế, tại một nơi chỉ đủ chỗ cho không đầy 100 người lại phải nhồi nhét từ 600 tới 1.000 người. Những căn chòi quá tải đó đều chìm trong thiếu thốn và dịch bệnh. Họ phải chịu đựng cái đói, bệnh viêm ruột, sốt Rickettsia, thương hàn và bệnh lao.

      Xác chết có ở khắp nơi, nhiều khi chất cùng một chỗ với người sống. Có tới hơn 10.000 cái xác nằm ngổn ngang trong các khu nhà, trong những khu mộ tập thể khổng lồ chưa được khai quật, trong các con hào, mương rãnh, bên hàng rào dây thép gai bao quanh khu trại và bên những căn chòi gỗ. Suốt ba mươi năm làm bác sĩ, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như thế này.”

      Để cứu những người còn sống sót, quân đội trên toàn mặt trận cần tới trợ giúp y tế tức thời. Trong một số trường hợp, nhu cầu quân sự bị đẩy xuống hàng thứ hai.

      Sau này Hughes nói, “Tôi không tin có ai có thể biết được chúng tôi sẽ phải đối mặt với những gì, hay là nhu cầu y tế sẽ bức thiết tới nhường nào.”

      Cần gấp bác sĩ, y tá, giường bệnh cùng hàng nghìn tấn thuốc và trang thiết bị y tế. Chỉ mình chuẩn tướng Hughes không thôi đã cần một bệnh viện với 14.000 giường bệnh – dù ông biết là cho tới khi kiểm soát được tình hình, dẫu có làm gì thì mỗi ngày cũng sẽ có ít nhất 500 người chết.

      Đại tướng Eisenhower đã có một chuyến đi cá nhân đến trại tập trung ở gần Gotha. Ông đi qua khắp mọi chỗ trong trại, mặt xám lại như tro, răng nghiến chặt. Sau này ông nhớ lại, “Trước đó, tôi chỉ nghe nói chung chung hoặc nghe qua các nguồn tin thứ cấp… Tôi chưa bao giờ bị sốc đến thế.”

      Tác động tâm lý của các trại tập trung đến các sĩ quan và quân lính vượt xa đánh giá ban đầu. Ở nơi đóng quân của Tập đoàn quân 9 tại một ngôi làng gần Magdeburg, thiếu tá Julius Rock, một sĩ quan quân y của Sư đoàn Bộ binh 30, đến kiểm tra một chuyến tàu chở hàng mà Sư đoàn 30 vừa chặn lại. Trên đó chật ních tù nhân trong các trại tập trung. Rock kinh hoàng, rồi ngay lập tức đưa họ xuống tàu. Rock bố trí cho bọn họ vào ở trong các nhà dân Đức, mặc cho ông thị trưởng địa phương phản đối kịch liệt, đến khi viên sĩ quan tiểu đoàn của ông lạnh lùng ra lệnh cho ông thị trưởng đang kêu ca. Anh ta nói cộc lốc, “Ông mà từ chối thì tôi sẽ bắt một đám con tin rồi bắn hết cả bọn.”
      Ở những binh lính từng thấy qua trại tập trung, quyết tâm giành chiến thắng nhanh chóng bị thay thế bởi những cảm xúc khác. Ngài Tư lệnh Tối cao cũng có cảm giác tương tự. Từ Gotha quay lại SHAEF, ông đánh điện về Washington và London, giục họ đưa các biên tập viên báo chí và các nhà lập pháp đến Đức ngay lập tức, cho họ chứng kiến những khu trại tập trung kinh hoàng, để có thể đưa các bằng chứng “không còn nghi ngờ gì được đến trước công chúng Mỹ và Anh”.

      Nhưng trước khi Eisenhower có thể kết thúc chiến tranh, ông phải củng cố lực lượng viễn chinh của mình. Đêm ngày 14, từ văn phòng ở Reims, Eisenhower gửi cho Washington kế hoạch tương lai của mình.

      Eisenhower nói, ông đã thành công đưa quân vào trung tâm, và giờ còn lại hai nhiệm vụ chính: “những đội quân dưới cấp sư đoàn còn sót lại của địch ở các vùng xa; và chiếm các khu vực mà bọn chúng có thể dùng làm cứ điểm cuối cùng.” Eisenhower cho rằng những nơi đó là Na Uy và Pháo đài Quốc gia ở vùng Bavaria. Ở miền bắc, ông định đưa quân của Montgomery vượt sông Elbe, chiếm Hamburg, rồi tấn công Lübeck và Kiel. Ở miền nam, ông định để Cụm tập đoàn quân 6 của tướng Denver tiến tới vùng Salzburg.

      Eisenhower khẳng định, “Các chiến dịch mùa đông ở Pháo đài Quốc gia sẽ cực kỳ khó khăn… Rất có thể là sau khi chúng ta hội quân với Nga, Pháo đài Quốc gia vẫn còn tồn tại… cho nên ta phải nhanh chóng hành quân trước khi quân Đức kịp chuẩn bị phòng ngự cẩn thận.”

      Còn về thủ đô của Đức, Eisenhower nghĩ nơi đó cũng sẽ “đáng để tấn công Berlin vì quân địch có khả năng tập trung xung quanh thủ đô và sự sụp đổ của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của quân địch lẫn quân ta.” Nhưng vị Tư lệnh Tối cao nói, chiến dịch đó “sẽ không được ưu tiên nhiều, trừ khi chiến dịch ở các mạn sườn của chúng ta diễn ra nhanh ngoài dự kiến.”

       Tóm lại, kế hoạch của ông là:

     (1)“Trấn giữ mặt trận vững chắc ở vùng trung tâm sông Elbe
      (2) Bắt đầu chiến dịch tấn công Lübeck và Đan Mạch;
      (3) “Phát động một cuộc hành quân mạnh mẽ” để gặp quân Nga ở thung lũng sông Danube và đánh tan Pháo đài Quốc gia.

       Eisenhower nói, “Vì cuộc tấn công vào Berlin phải đợi kết quả của ba cái trên, nên tôi không xem đó là một phần trong kế hoạch của mình.”

     Bên sông Elbe, suốt đêm ngày 14, binh sĩ của Rạp xiếc Rách rưới và Sư đoàn Thiết giáp 2 đi qua những cây cầu của Sư đoàn 83 ở Barby. Dù đã có thêm một cây cầu thứ hai được xây gần cây cầu đầu tiên, tốc độ hành quân vẫn khá chậm. Tuy vậy, hàng ngũ quân thiết giáp của tướng White lại định phát động tấn công vào Berlin lần nữa ngay khi tập hợp lại bên bờ tây. Binh sĩ của Sư đoàn 83 rỉ tai nhau rằng Đại tá Crabill đã đề nghị cho Sư đoàn Thiết giáp 2 mượn một chiếc xe bus to màu đỏ mới tịch thu được, có thể chở được 50 lính, mà ông vừa giành được ở Barby. Sư đoàn 83 có đủ lý do để có cảm giác chiến thắng. Các đội quân trinh sát của họ đã đến phía bắc thị trấn Zerbst, cách Berlin không đầy 48 dặm.

       Sáng sớm chủ nhật ngày 15/4, tư lệnh Tập đoàn quân 9 là tướng Simpson nhận được một cú điện thoại từ Đại tướng Bradley. Simpson phải lập tức bay tới sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân 12 ở Wiesbaden. Bradley nói, “Tôi có một tin rất quan trọng cần nói cho anh, và tôi không muốn nói qua điện thoại.”

       Bradley đến sân bay chờ Simpson. Simpson nhớ lại, “Bọn tôi bắt tay, rồi ông ấy nói tôi nghe tin ngay tại đó".

        Brad nói, ‘Anh phải dừng bước ở Elbe. Anh không được tiến thêm về phía Berlin nữa. Simp à, tôi xin lỗi, nhưng chuyện là thế đó.’”

       Simpson hỏi, “Anh nghe cái quỷ này từ đâu thế hả?”

       Bradley nói, “Từ Ike.”

      Simpson choáng váng tới mức không thể “nhớ nổi một nửa những điều Brad nói sau đó. Tất cả những gì tôi nhớ được là tôi đã tan nát cả cõi lòng và tôi quay trở lại máy bay trong mơ hồ. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ, Làm sao tôi có thể nói với ban tham mưu, với các tư lệnh quân đoàn và binh lính của tôi đây? Hơn hết thảy, làm sao tôi nói cho lính của mình nghe tin này được đây?”

     Từ sở chỉ huy, Simpson truyền tin cho các tư lệnh quân đoàn; rồi đi tới sông Elbe ngay sau đó. Tướng Hinds gặp Simpson tại sở chỉ huy của Sư đoàn 2 và thấy ông có vẻ lo âu. Hinds nhớ lại, “Tôi nghĩ có thể ông già không thích cách chúng tôi vượt sông. Ông ấy hỏi tôi tình hình sao rồi.” Hinds đáp, “Thưa trung tướng, tôi đoán mọi chuyện vẫn ổn. Chúng tôi có hai đường lui ngon lành. Không quá phấn khích, cũng chẳng sợ hãi, và việc vượt sông ở Barby đang êm đẹp.”
    
       Simpson nói “Tốt. Cứ để người của anh bên bờ đông nếu muốn.” Ông nhìn Hinds và nói. “Sid này, chúng ta chỉ được đi tới đây thôi.” Hinds bị sốc và không muốn chấp hành mệnh lệnh. Ông nói thẳng, “Không, thưa trung tướng. Như thế là không được. Chúng tôi sẽ tới Berlin.”

       Simpson có vẻ như đang chật vật tìm cách kiềm chế cảm xúc. Có một khoảng im lặng khó chịu. Rồi Simpson lạnh lùng nói, “Chúng ta sẽ không đến Berlin đâu Sid ạ. Với chúng ta, chiến tranh đến đây là chấm dứt”.

       Ở khoảng giữa Barleben và Madgdeburg, nơi Sư đoàn 30 vẫn đang tiến về phía dòng sông, tin tức truyền đi rất nhanh. Mọi người tụ tập thành từng nhóm, hoa chân múa tay bàn tán đầy giận dữ và kích động. Binh nhất Alexander Korolevich của Trung đội D, Trung đoàn 120 không tham gia trò chuyện. Anh không chắc mình đang vui hay buồn, anh chỉ đơn giản là ngồi xuống và bật khóc.

      Heinrici nhận thấy được mọi dấu hiệu. Ở một nơi ngoài mặt trận, quân Nga đặt một loạt pháo; lại phát động một cuộc tấn công quy mô nhỏ ở nơi khác. Đó đều là đòn nghi binh và Heinrici biết rõ điều đó. Ông đã học được mọi mánh khóe của người Nga nhiều năm trước. Mấy hành động nhỏ lẻ này chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc tấn công chủ chốt. Giờ đây, mối bận tâm lớn nhất của ông là ông nên ra lệnh cho lính của mình rút về hàng phòng ngự thứ hai khi nào.

       Trong khi ông còn đang cân nhắc thì Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Sản xuất, Albert Speer đã đến. Đây là một ngày Heinrici không muốn có khách tới – đặc biệt là người đang lo âu và phiền muộn một cách rõ rệt như Speer.

       Trong văn phòng của Heinrici, Speer giải thích lý do viếng thăm của mình. Ông ta muốn được viên tướng ủng hộ. Heinrici không được làm theo mệnh lệnh “tiêu thổ” của Hitler yêu cầu phá hủy các cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp Đức, các nhà máy năng lượng, cầu đường và những thứ tương tự. Speer hỏi, “Sao phải hủy hết tất cả, trong khi nước Đức đã bại trận rồi? Người dân Đức phải được sống.”

        Heinrici lắng nghe từ đầu đến cuối. Ông nói với Speer rằng ông đồng ý là mệnh lệnh của Hitler “quá độc ác,” và ông sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để giúp đỡ. Heinrici cũng cảnh báo, “Nhưng giờ thì tất cả những gì tôi có thể làm là cố đánh trận này cho thật tốt mà thôi.”

       Đột nhiên, Speer rút ra một khẩu súng lục từ trong túi. Ông ta nói, “Cách duy nhất để chặn đứng Hitler là dùng một thứ như thế này.”

      Heinrici nhìn khẩu súng và nhướng mày.

      Ông lạnh lùng nói, “Ờ, tôi phải nói cho anh hay, tôi không phải được sinh ra để ám sát đâu.”

       Speer bước quanh văn phòng. Dường như ông ta còn không nghe được lời của Heinrici. Ông ta nói, “Tuyệt đối không được để Hitler biết ông ta nên bỏ cuộc. Tôi đã cố thử ba lần cả thảy, hồi tháng 10 năm 1944, rồi tháng giêng và tháng ba năm nay. Vào lần cuối cùng, Hitler trả lời tôi thế này: ‘Nếu một tên lính dám nói thế với tôi, tôi sẽ nghĩ hắn đã nhụt chí rồi và sẽ ra lệnh xử bắn ngay.’ Rồi ông ta nói, ‘Trong cơn khủng hoảng trầm trọng thế này, người lãnh đạo không được mất tinh thần. Nếu họ mất tinh thần thì coi như xong.” Không thể nào thuyết phục ông ta tin là ta đã mất tất cả. Không thể nào đâu.”

      Speer đút khẩu súng vào lại trong túi. Ông ta nói với giọng bình tĩnh hơn, “Dù sao thì giết ông ta cũng là chuyện không tưởng.”

      Ông ta không nói với Heinrici là mình đã suy nghĩ về việc ám sát Hilter cùng nội các suốt nhiều tháng trời. Thậm chí ông ta còn nghĩ đến việc bơm hơi độc vào hệ thống thông gió của căn hầm Führerbunker, nhưng việc này cũng không khả thi: quanh ống thông hơi ngầm có xây một ống khói cao ba mét rưỡi. Speer nói: “Nếu giết ông ta giúp được người dân Đức thì tôi sẽ làm, nhưng tôi không thể.” Ông ta nhìn Heinrici và nói, “Hitler luôn tin tưởng tôi. Dù gì thì làm thế cũng không được đúng đắn cho lắm.”

      Heinrici không thích không khí của cuộc trò chuyện. Ông cũng khá lo lắng về cung cách và sự mâu thuẫn của Speer. Nếu như có ai biết được là Speer từng nói chuyện này với ông, có lẽ toàn bộ người ở sở chỉ huy của ông sẽ bị xử bắn. Heinrici khéo léo lái cuộc trò chuyện về chủ đề ban đầu, bảo vệ nước Đức trước chính sách tiêu thổ.

       Viên tư lệnh Cụm tập đoàn quân Vistula nhắc lại, “Tất cả những gì tôi có thể làm là thực hiện trách niệm của một quân nhân trong mọi chừng mực có thể. Phần còn lại nằm trong tay Chúa. Tôi bảo đảm với anh một chuyện. Berlin sẽ không biến thành một Stalingrad thứ hai đâu. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra.”

       Trận đánh ở Staligrad diễn ra trên khắp mọi nẻo đường, mọi khu phố. Heinrici không định để quân của mình rút lui đến tận Berlin trước sức ép của quân Nga rồi lại đánh một trận tương tự thế. Đối với chỉ đạo của Hitler phải phá hủy các cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, cá nhân Heinrici vốn không hề làm theo mệnh lệnh đó tại quân khu của mình. Ông nói với Speer rằng ông sắp gặp sĩ quan chỉ huy Berlin là tướng Reymann. Heinrici nói ông đã mời Reymann đến để bàn về các vấn đề này và cũng để giải thích riêng với Reymann vì sao ông không thể nhận quân đồn trú tại Berlin vào dưới quyền mình. Một lát sau thì Reymann đến. Đi cùng ông là tư lệnh hành quân của Heinrici, Đại tá Eismann. Speer vẫn ngồi lại dự buổi họp quân sự.

      Sau này Eismann nhớ lại, Heinrici nói với Eismann là “đừng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Cụm tập đoàn quân Vistula.”

       Reymann trông như thể tia hy vọng cuối cùng của ông vừa vụt tắt. Ông nói, “Vậy thì tôi không biết phải làm sao mới bảo vệ được Berlin nữa.”

       Heinrici bày tỏ hy vọng rằng quân của ông có thể đi vòng qua Berlin. Ông nói thêm, “Tất nhiên là tôi có thể được ra lệnh phải đưa quân vào Berlin, nhưng anh không nên trông đợi vào điều này.”

       Reymann nói với Heinrici là ông được lệnh từ Hitler phải phá hủy các cây cầu và một số tòa nhà trong thành phố. Heinrici giận dữ đáp, “Tiêu hủy mấy cây cầu hay cái gì khác ở Berlin sẽ chỉ làm tê liệt thành phố mà thôi. Nếu như tôi được lệnh đảm trách Berlin dưới quyền mình, tôi sẽ cấm phá hủy bất kỳ thứ gì.”

       Speer cũng góp lời, xin Reymann đừng thực thi mệnh lệnh đó. Ông ta nói, trong trường hợp như thế, phần lớn thành phố sẽ bị cắt điện và nước. Theo như Eismann nhớ lại lời Speer thì ông ta nói, “Nếu anh phá hủy các đường cấp điện và cấp nước, thành phố sẽ bị tê liệt ít nhất một năm. Như thế sẽ dẫn tới bệnh dịch và nạn đói cho hàng triệu con người. Trách nhiệm của anh là phải ngăn chặn tai ương đó! Trách nhiệm của anh là không được thực hiện những mệnh lệnh đó!”

       Theo như Eismann nhớ lại, bầu không khí trở nên căng thẳng. Ông nói, “Reymann đấu tranh nội tâm khá dữ dội. Cuối cùng anh ta trả lời bằng giọng khàn khàn, rằng mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một sĩ quan một cách đầy vinh dự; con trai anh ta đã ngã xuống ngoài chiến trường; nhà cửa và tài sản của anh ta đều đã mất sạch; chỉ còn lại mỗi danh dự. Anh ta nhắc lại cho bọn tôi chuyện gì đã xảy ra với người sĩ quan đã thất bại trong việc cho nổ cầu Remagen: người đó bị xử tử như một phạm nhân bình thường. Reymann nghĩ, mình cũng sẽ bị như vậy nếu không thực thi mệnh lệnh.”

      Cả Heinrici và Speer cùng cố khuyên ngăn Reymann, nhưng họ không thể khiến ông đổi ý. Cuối cùng Reymann đi khỏi đó. Không lâu sau đó Speer cũng cáo biệt. Heinrici còn lại một mình – để tập trung vào điều đang chiếm lĩnh tâm trí ông: thời điểm quân Nga tấn công.

      Các báo cáo tình báo mới nhất đã được đưa đến sở chỉ huy và có vẻ như chúng cùng chỉ ra rằng sắp có một cuộc tấn công. Thiếu tướng Reinhard Gehlen, trưởng cơ quan tình báo của OKH thậm chí còn đưa vào thông tin thẩm vấn được từ các tù binh gần đây. Có một báo cáo nói rằng một người lính Hồng quân đến từ Sư đoàn Bộ binh 49 “khẳng định là chiến dịch tấn công chủ lưc sẽ bắt đầu trong năm tới mười ngày nữa.”

       Người tù binh đó nói, “quân Liên Xô đồn rằng Nga sẽ không để Mỹ và Anh giành được Berlin.” Bản báo cáo thứ hai cũng tương tự vậy và còn chứa nhiều suy đoán hơn.

       Một tù binh bị Quân đoàn 79 bắt được vào đầu ngày hôm đó ở gần Küstrin nói rằng khi cuộc tấn công bắt đầu, mục tiêu chính của nó sẽ là “đến được Berlin trước Anh và Mỹ.” Theo người lính đó, “sẽ có những cuộc chạm trán chớp nhoáng với quân Mỹ,” họ sẽ bị nã pháo ‘vì nhầm lẫn’ cho họ biết mùi sức mạnh pháo binh Nga.”
                                                                .................................
       Cùng ngày hôm đó, chủ nhật ngày 15/4, tại Moscow, Đại sứ Averell Harriman gặp mặt Stalin để bàn về chiến tranh tại miền Viễn Đông. Trước buổi gặp, tướng Deane của Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ đã bảo Harriman chú ý tới các báo cáo trên đài phát thanh Đức rằng quân Nga sẽ tấn công Berlin vào bất kỳ lúc nào.

       Khi buổi họp với Stalin kết thúc, Harriman đã đưa vấn đề này ra một cách không chính thức. Ông hỏi, có đúng là Hồng quân định đổi kế hoạch tấn công Berlin hay không?

       Câu trả lời của vị Đại nguyên soái, được tướng Deane đánh điện về cho Washington tối hôm đó là như sau: “Stalin nói thực sự sẽ có một cuộc tấn công và ông ta không biết liệu nó có thành công hay không. Tuy nhiên, mục tiêu chính sẽ nhắm vào Dresden, như đã nói trước đó với Eisenhower, chứ không phải Berlin.”

                                                              ****************

V - TRẬN CHIẾN
       1.
      Tại Phương diện quân Belorussia số 1, trong bóng tối dày đặc của những cánh rừng là cả một sự yên lặng tuyệt đối. Pháo xếp thành hàng dài nhiều dặm, nòng súng kề nhau, nằm dưới những tán thông và lưới ngụy trang.

       Súng cối đặt đằng trước. Phía sau là những chiếc tăng nòng giương cao. Sau đó nữa là súng tự động, rồi tới các ụ pháo cỡ nhỏ và trọng pháo. Đằng sau rốt là bốn trăm khẩu Katushka – những bệ phóng tên lửa nhiều nòng có thể bắn 16 quả một lúc. Còn ở đầu cầu Küstrin bên bờ tây sông Oder là một lượng lớn đèn pha. Khắp nơi, trong những giây phút cuối cùng trước cuộc tấn công, binh lính của Nguyên soái Georgi Zhukov đang đợi đến giờ G – 4 giờ sáng.

       Đại úy Sergei Golbov thấy miệng mồm khô không khốc. Mỗi giây phút trôi qua, anh lại thấy sự yên lặng càng đặc quánh thêm. Anh đang đứng cùng một đoàn quân ở phía bắc Küstrin, bên bờ đông sông Oder, tại đó dòng sông rộng hơn 450 mét vì đang mùa lũ.

       Sau này anh nhớ lại, vây quanh anh là “hàng đám quân đột kích đông nghịt, những hàng xe tăng, các đội kỹ sư mang theo vật liệu xây cầu phao và xuồng cao su. Bờ sông chật kín những người là người, cộng thêm trang thiết bị, nhưng hoàn toàn yên lặng.” Golbov có thể cảm nhận được “những người lính đang run rẩy vì phấn khích – như những con ngựa run lên trước cuộc đi săn.” Anh liên tục tự nhủ “mình nhất định phải sống sót qua ngày hôm nay, mình có quá nhiều thứ phải viết lại.” Anh lặp đi lặp lại, “Đây không phải lúc để chết.”

      Ở trung tâm, quân lính dồn chật kín vào đầu cầu bên bờ tây. Quân Nga đã giành được công sự chủ chốt này – dài 30 dặm, sâu 10 dặm – từ tay tướng Busse hồi cuối tháng 3, và đây sẽ là tấm ván dậm nhảy cho cuộc tấn công vào Berlin của Zhukov. Từ đây, Tập đoàn quân Vệ binh 8 sẽ mở màn cuộc tấn công. Một khi bọn họ chiếm được cao nguyên Seelow trọng điểm, nằm ngay phía trước Berlin, hơi lệch sang hướng tây một chút, thì quân thiết giáp sẽ theo sau. Trung úy Vladimir Rozanov, 21 tuổi, chỉ huy một tiểu đội pháo binh trinh sát, đứng bên bờ tây, gần chỗ mấy cô gái phụ trách chiếu đèn pha. Rozanov tin chắc là mấy chiếc đèn này sẽ khiến bọn Đức phát điên; anh háo hức chờ tới lúc các cô bật đèn.

      Tuy nhiên, mặt khác, Rozanov lại thấy lo lắng một cách lạ lùng về trận chiến sắp tới. Ba anh nằm trong đội quân đánh về phía nam của Nguyên soái Koniev. Viên sĩ quan trẻ tuổi rất giận ba mình; vì ông già đã không thư từ gì về nhà trong hai năm qua. Do đó, anh hy vọng hai ba con có thể gặp nhau tại Berlin – và có lẽ cùng về nhà sau cuộc chiến. Dù đã phát chán chiến tranh, Rozanov vẫn rất vui khi được tham gia vào cuộc tấn công cuối cùng. Nhưng việc chờ đợi thật là không thể chịu đựng nổi.

       Đằng xa hơn trên đầu cầu, Trung sĩ Nikolai Svishchev, chịu trách nhiệm bảo trì pháo đứng cạnh ụ pháo của mình. Là một binh sĩ kỳ cựu, từng tham gia nhiều trận pháo kích, anh biết chuyện gì sắp đến. Lúc bắt đầu nã pháo, anh cảnh báo các binh sĩ “phải hét lên hết cỡ để cân bằng áp lực, chứ tiếng ồn lúc đó sẽ rất kinh khủng đấy.” Giờ đây, cầm dây giật khẩu pháo trong tay, Svishchev đang đợi tín hiệu khai hỏa.

       Phía nam Küstrin, ở đầu cầu gần Frankfurt, Trung sĩ Nikolai Nvikov thuộc một trung đoàn súng trường đang đọc các khẩu hiệu sơn nguệch ngoạc bên hông mấy chiếc xe tăng gần đó. Một cái viết “Từ Moscow đến Berlin.” Cái nữa thì: “Còn cách hang ổ bọn quái vật phát xít 50 km nữa.” Novikov đang phấn khích muốn điên. Bài diễn văn khích lệ tinh thần của các chính trị viên trong trung đoàn đã khuấy động nhiệt huyết của anh. Lời cổ vũ lạc quan và sôi nổi đó đã khiến Novikov kích động tới mức anh lập tức ký đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản (*).

      Trong một boongke xây trên ngọn đồi nhìn xuống đầu cầu Küstrin, Nguyên soái Zhukov say mê đứng nhìn chăm chăm vào bóng tối. Đứng cạnh ông là Thượng tướng Chuikov, người đã chỉ huy phòng thủ ở Stalingrad và là tư lệnh của quân tiên phong, Tập đoàn quân Cận vệ 8.

      Từ sau trận Stalingrad, Chuikov bắt đầu bị chàm. Chỗ phát ban phần nào ảnh hưởng đến hai bàn tay; do đó ông phải đeo găng tay đen để bảo hộ. Giờ, trong lúc sốt ruột chờ đợi cuộc tấn công bắt đầu, ông bồn chồn chà xát hai bàn tay đeo găng vào nhau. Đột nhiên Zhukov hỏi, “Vasili Ivanovich, tất cả các tiểu đoàn của anh đã vào vị trí cả chưa?” Chuikov nhanh nhẹn trả lời chắc nịch. Ông nói, “Từ 48 giờ trước rồi, thưa nguyên soái. Tôi đã thực hiện xong mọi điều đồng chí ra lệnh.”

   Zhukov nhìn đồng hồ. Ông đứng ở khe hở của boongke, xoay vành mũ qua một bên, tì hai khuỷu tay lên gờ bê tông và cẩn thận điều chỉnh ống nhòm. Chuikov bẻ cổ áo khoác dựng lên, kéo vành mũ phủ kín tai để cản tiếng pháo nổ, rồi đến đứng cạnh Zhukov và quan sát bằng cặp ống nhòm của mình.

      Các sĩ quan tham mưu tụ tập phía sau bọn họ, hoặc ra ngoài boongke để quan sát từ trên đồi. Ai nấy yên lặng nhìn chăm chú ra ngoài bóng tối mịt mờ. Zhukov nhìn đồng hồ lần nữa rồi lại nhìn vào ống nhòm. Vài giây trôi qua. Rồi Zhukov nói khẽ, “Đến lúc rồi, các đồng chí. Đến lúc rồi.” Lúc đó là 4 giờ sáng.

      Ba cột lửa đỏ rực thình lình vụt lên giữa bầu trời đêm. Trong một tích tắc, các ngọn lửa lơ lửng giữa trời, nhuộm đỏ sông Oder bằng thứ ánh sáng chói mắt.Thế rồi, ở đầu cầu Küstrin, dàn đèn pha của Zhukov rực sáng. 140 ngọn đèn phòng không cường độ mạnh, được hỗ trợ bởi đèn pha xe tăng, xe tải và các loại xe khác, chiếu thẳng vào các vị trí của quân Đức. Ánh sáng lóa mắt đó khiến phóng viên chiến trường, Trung tá Pavel Troyanoskii liên tưởng tới “một nghìn mặt trời cùng chiếu sáng một lúc”.

      Thượng tướng Mikhail Katukov, Tư lệnh Tập đoàn quân Cận vệ Tăng số 1 ngạc nhiên tột độ. Ông hỏi Trung tướng N. N. Popiel trong ban tham mưu của Zhukov: “Ta kiếm được mấy cái đèn pha này từ chỗ quái nào vậy?” Popiel đáp, “Có quỷ mới biết được, nhưng tôi đoán người ta đã đem toàn bộ hệ thống phòng không của Moscow đến đây.” Im lặng kéo dài một hồi, trong lúc những chiếc đèn pha rọi vào khu vực đằng trước Küstrin. Rồi ba ngọn lửa xanh bay vụt lên trời, và pháo đồng loạt khai hỏa.

      Cả trận địa chìm trong biển lửa cùng với tiếng nổ chói tai làm rung chuyển cả mặt đất. Mặt trận phía Đông chưa từng có trận pháo kích nào dữ dội thế, có tới hơn 20 nghìn khẩu pháo đủ kích cỡ cùng bắn phá các vị trí của quân Đức.

      Trước ánh sáng vô tình từ những ngọn đèn pha, vùng thôn quê phía tây đầu cầu Küstrin dần tiêu tan vì bị lớp lớp đạn pháo ập xuống. Toàn bộ làng mạc đều bị phá hủy. Đất cát, bê tông, thép, cây cối bay tung tóe trong không trung, và các cánh rừng xa xa bắt đầu bốc cháy dữ dội. Ở phía bắc và phía nam Küstrin, hàng nghìn khẩu pháo nã đạn vào bóng tối. Những đốm sáng bé tí, ví dụ như của các khẩu pháo chết chóc, nhấp nháy liên hồi khi hàng tấn đạn pháo ập vào mục tiêu. Cơn lốc do các vụ nổ gây ra mạnh đến mức cả bầu không khí cũng bị chấn động.

      Nhiều năm sau, những người Đức còn sống sót vẫn nhớ rất rõ ràng cơn gió nóng lạ lùng đột ngột ào tới, rít gào trên những khu rừng, bẻ cong các ngọn cây non và cuốn theo cát bụi cùng gạch vụn bay vào không trung. Cả hai bên chiến tuyến, người ta đều không thể quên được tiếng gầm khủng khiếp của các khẩu pháo. Chúng tạo nên một cơn chấn động dữ dội tới mức cả binh lính và trang thiết bị đều run như điên.

      Cơn bão âm thanh thật sự khiến người ta phải choáng váng. Ở chỗ ụ pháo của Trung úy Svishchev, các xạ thủ hét to hết cỡ nhưng cơn chấn động quá lớn từ các khẩu pháo khiến tai họ bị chảy máu. Tiếng ồn dễ sợ nhất là từ mấy khẩu Katushka hay còn gọi là “Đàn organ Stalin”.

      Mấy trái tên lửa bắn ra từ bệ phóng rít lên trong đêm, để lại vệt khói dài màu trắng sau đuôi. Tiếng ồn khủng khiếp đó làm Đại úy Golbov liên tưởng tới tiếng các khối thép lớn nghiến vào nhau. Dù ồn kinh dị, Golbov vẫn thấy trận pháp kích thật là vui. Anh thấy xung quanh “ai cũng hớn hở như thể đang đánh nhau mặt đối mặt với bọn Đức và khắp nơi mọi người đang dùng bất kỳ vũ khí gì có trong tay, dù chẳng thể thấy được mục tiêu”.

     Đứng nhìn mấy khẩu pháo khạc lửa, anh nhớ tới lời bà anh từng kể về ngày tận thế, “mặt đất sẽ bốc cháy rừng rực và những kẻ xấu sẽ bị lửa thiêu đốt.”
..............................
    (*)Rất nhiều người lính đã gia nhập Đảng Cộng sản ở sông Oder, và không phải ai cũng vì lý do chính trị. Không như quân đội Anh hoặc Mỹ, Hồng quân không có hệ thống đăng ký phù hiệu cá nhân hay còn gọi là “thẻ bài quân nhân” (dog tag); gia đình của những người lính Hồng quân chết trận hoặc bị thương trong chiến đấu hiếm khi được thông báo chính thức. Nhưng nếu một người lính Cộng sản bị thương vong, Đảng Cộng sản sẽ báo cho gia đình hoặc bà con của anh ta.


  Giữa cảnh náo động của trận pháo kích, quân Zhukov bắt đầu di chuyển. Tập đoàn quân Cận vệ 8 kỷ luật thép của Chuikov đi đầu, từ đầu cầu Küstrin bên bờ tây sông Oder. Khi tiến về phía trước, dàn pháo vẫn luôn đi đầu, dọn sạch khu vực đằng trước. Ở phía bắc và phia nam Küstrin, nơi đoàn quân phải vượt qua con sông đang dâng cao vì lũ, các kỹ sư đang đưa thuyền phao xuống nước và lắp các phần cầu gỗ làm sẵn. Xung quanh họ, các toán quân đang vượt sông Oder mà không chờ cầu xây xong, sóng xô tới làm mấy chiếc thuyền chòng chành.

      Trong hàng ngũ, có những người lính từng đóng ở Leningrad, Smolensk, Stalingrad và những nơi nằm phía trước Moscow, những người đã chiến đấu suốt chặng đường dài qua một nửa lục địa để tới được sông Oder. Có những người lính từng chứng kiến làng quê của mình bị họng súng quân Đức xóa sổ, ruộng đồng bị thiêu rụi, gia đình bị lính Đức tàn sát. Với họ, cuộc tấn công này có một ý nghĩa đặc biệt. Họ sống chỉ vì giây phút được báo thù. Quân Đức đã khiến họ chẳng còn gia đình để quay về; họ chẳng biết đi đâu trừ tiến lên phía trước.

      Giờ đây, họ chiến đấu hết sức dữ dội. Hàng nghìn tù binh chiến tranh vừa được cứu cũng khao khát tương tự vậy: Hồng quân cần quân tăng cường gấp tới mức những người tù mới được cứu cũng được trao vũ khí, dù họ hết sức tả tơi, hốc hác, nhiều người còn có dấu hiệu bị bạo hành. Giờ họ cũng tiến lên, muốn được trả thù thật tàn khốc.

      Quân Nga đi đến bờ đông sông Oder, hồ hởi la hét như những người thổ dân. Đang phấn khích vô cùng, họ thấy không thể nào chờ đến khi thuyền hay cầu sẵn sàng. Golbov ngạc nhiên thấy những người lính mang theo đầy đủ quân bị cứ thế lặn xuống, và bắt đầu bơi qua sông. Số khác thì ngồi trên các thùng xăng rỗng, các tấm ván hay khối gỗ, thân cây – bất kỳ thứ gì có thể nổi được.

      Cảnh tượng đó thật là ngoạn mục. Golbov liên tưởng tới “một đoàn quân kiến đông đúc vượt sông bằng mấy chiếc lá và cành cây. Sông Oder chật kín những chiếc thuyền nghẹt người, những chiếc bè chất đống trang thiết bị, những tấm mảng làm từ gỗ mới đốn chở súng đạn. Chỗ nào cũng thấy đầu người nhấp nhô bơi hay chèo qua sông.” Golbov chợt thấy bạn mình, viên quân y của trung đoàn, “một anh chàng bự con tên Nicolaieff, đang chạy xuống bờ sông, kéo theo một chiếc thuyền nhỏ trông rất kỳ quặc. Golbov biết đáng lý Nicolaieff “phải ở lại bệnh viện dã chiến ở hậu phương, nhưng anh lại ngồi đó, trên chiếc thuyền con con và chèo như điên.” Golbov thấy chẳng còn điều gì trên đời có thể ngăn được cuộc tấn công này nữa.

      Bỗng đợt pháo kích chấm dứt, rồi mọi thứ im ắng hẳn đi. Loạt pháo kéo dài suốt 35 phút liền. Trong boongke chỉ huy của Zhukov, các sĩ quan tham mưu chợt nhận ra mấy chiếc điện thoại đang đổ chuông. Không ai biết chuông đã kêu bao lâu; trước đó bọn họ đều bị điếc tạm thời. Các sĩ quan bắt đầu nghe điện thoại. Các tư lệnh dưới quyền Chuikov là những người đầu tiên báo cáo về.

      Chuikov nói với Zhukov, “Mọi thứ đều đúng như kế hoạch.” Một lát sau, ông nhận được một tin còn tốt hơn. Ông tự hào thông báo, “Đã chiếm được các mục tiêu đầu tiên.” Zhukov đột nhiên thấy nhẹ cả người, sau khi đứng căng thẳng suốt từ đầu cuộc tấn công tới giờ. Theo tướng Popiel nhớ lại, Zhukov “túm lấy Chuikov và nói, ‘Xuất sắc! Xuất sắc! Thực sự rất tuyệt vời!’”

       Nhưng dù vui sướng là thế, Zhukov vốn dạn dày kinh nghiệm, ông biết không nên đánh giá thấp kẻ thù. Ông sẽ mừng hơn khi nào chiếm được cao nguyên Seelow trọng yếu ở gần Küstrin. Khi đó ông mới thấy chắc chắn thành công. Việc này không được kéo dài quá lâu.

       Ngoài ra, những chiếc máy bay ném bom của Nga đã được đưa tới và bắt đầu ném bom rải thảm xuống khu vực phía trước. Theo kế hoạch, có hơn 6.500 chiếc máy bay sẽ hỗ trợ cho cuộc tấn công của ông và của Koniev. Nhưng Zhukov tin là chỉ riêng đợt pháo kích vừa rồi cũng đủ khiến quân thù nhụt chí rồi.

       Trong phòng tác chiến của văn phòng chỉ huy tiền phương nằm ở khu rừng Schönewalde, phía bắc Berlin, Thượng tướng Gotthard Heinrici bước quanh phòng, tay chắp sau lưng. Xung quanh ông, điện thoại đang reo liên hồi, các sĩ quan tham mưu nghe báo cáo, cẩn thận ghi chú lại các thông tin lên tấm bản đồ trên chiếc bàn giữa phòng. Cứ một chốc, Heinrici lại dừng bước để liếc nhìn bản đồ hay đọc một tin nhắn mà Đại tá Eismann đưa ông.

      Ông không mấy ngạc nhiên trước kiểu cách tấn công của quân Nga, dù phần đông ban tham mưu của ông đều khiếp đảm trước đợt pháo kích khủng khiếp vừa rồi. Tướng Busse của Tập đoàn quân 9 nói đó là “lần tồi tệ nhất hồi giờ”, còn Đại tá Eismann thì tin là “hỏa lực hủy diệt cỡ này có thể đã phá hủy toàn bộ công sự ngoài tiền tuyến của ta,” nhận định dựa trên các báo cáo ban đầu.

        Đêm ngày 15, phần lớn quân Vistula đã rút về phòng tuyến thứ hai như Heinrici đã ra lệnh. Nhưng việc này không phải dễ dàng. Một số sĩ quan rất phẫn nộ khi phải rút khỏi vị trí đóng quân. Họ có cảm giác như đang phải lui quân chạy trốn vậy. Vài người đã phàn nàn với Heinrici. Ông chỉ lạnh lùng hỏi một vị tướng phản đối việc này, “Bộ anh chưa từng nghĩ mấy công sự và lính của mình ngoài tiền tuyến sẽ tiêu tùng hết thảy sau đợt pháo kích mở màn của quân Nga à? Nếu anh ngồi trong một nhà máy thép, anh có dí đầu mình xuống dưới cái búa đòn bẩy không hả? Anh phải rụt đầu lại kịp thời chứ. Đó chính là điều ta đang làm.” Mưu kế này đã diễn ra suốt đêm. Toàn bộ báo cáo từ những nơi rút quân về đều nói đã điều quân thành công.

       Giờ đây, ở phòng tuyến thứ hai, họ đang đợi quân Nga tiến đến. Heinrici có lợi thế ở một nơi: phía tây Küstrin là cao nguyên cát Seelow hình móng ngựa. Độ cao ở đây nằm trong khoảng từ 30 đến 60 mét, bên dưới là một thung lũng ẩm thấp, vì có nhiều dòng suối chảy qua, được gọi là đầm lầy Oder. Quân Nga sẽ phải vượt qua thung lũng này trên đường tiến quân từ sông Oder, và dọc trên cao nguyên hình trăng khuyết này, Heinrici đã bố trí đặt mấy khẩu pháo.

       Cao nguyên trọng yếu này chính là cơ hội duy nhất cho Heinrici chống đỡ cuộc tấn công của Zhukov, và Heinrici biết rõ là Zhukov cũng đã cân nhắc nhiều đến vấn đề này trong lúc lên kế hoạch. Quân Nga cần nhanh chóng chiếm được cao nguyên, trước khi pháo của Heinrici kịp bắn phá mấy cây cầu trên sông Oder của Hồng quân và khiến đoàn quân đang tiến qua vùng trũng lầy lội đó bị hỗn loạn. Rõ ràng là Zhukov hi vọng có thể đập tan hầu hết lực lượng kháng cự bằng đợt pháo kích khủng khiếp của mình, như thế chiếm cao nguyên sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng vì quân Đức đã rút khỏi tiền tuyến, nên phần lớn quân lính và pháo của Heinrici vẫn không hề hấn gì. Kế hoạch phòng ngự diễn ra ổn thỏa. Chỉ có một điểm không ổn: Heinrici không có đủ quân số hay vũ khí cần thiết. Không có không quân hỗ trợ, cũng không có quân lính, pháo, lực lượng thiết giáp, đạn dược hay xăng dầu dự trữ, Heinrici chỉ có thể trì hoãn đà công kích của Zhukov. Dần dà, quân của ông sẽ bị chọc thủng thôi.

      Trên toàn bộ trận địa, hai tập đoàn quân của Heinrici có không đầy 700 chiếc tăng và súng tự động có thể dùng được. Số này nằm phân tán trong nhiều đơn vị của Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân 12. Sư đoàn nhiều nhất có 79 cái, là Sư đoàn Thiết giáp 25; còn sư đoàn ít nhất chỉ có vỏn vẹn hai cái. Trái ngược hoàn toàn với sức mạnh pháo binh của Zhukov – 20.000 khẩu pháo đủ cỡ (*) - Heinrici chỉ có 744 khẩu, cộng thêm 600 khẩu súng phòng không dùng thay cho pháo. Nguồn cung đạn dược và nhiên liệu cũng ít ỏi không kém. Ngoài số đạn pháo có ở các ụ pháo, lượng đạn dự trữ của Tập đoàn quân 9 chỉ đủ dùng trong hai ngày rưỡi.

         Heinrici không thể cầm chân quân Nga được bao lâu – cũng không thể phản công, vì ông đã phân tán hết số xe thiết giáp và pháo ít ỏi, để mỗi đơn vị đều có cơ hội chiến đấu. Ông chỉ có thể làm những gì mình biết là khả thi: kiếm thêm chút thời gian. Nhìn vào bản đồ có những mũi tên đỏ to tướng đánh dấu bước tiến của quân Nga, Heinrici cay đắng nghĩ đến số quân thiết giáp bị đưa tới chỗ cụm tập đoàn quân của Thống chế Schörner ở phía nam để ngăn quân Nga tấn công vào Prague, như Hitler và Schörner vẫn khăng khăng. Số quân này có thể giúp Heinrici có thêm bảy sư đoàn thiết giáp. Ông cay đắng nói với Eismann, “Nếu ta có số quân này, thì bọn Nga sẽ không được vui sướng thế này đâu.”

       Mọi chuyện đã đủ tệ hại rồi, nhưng cơn khủng hoảng vẫn còn phía trước. Cuộc tấn công của Zhukov chỉ mới mở màn. Cần tính đến quân của Rokossovsky ở phía bắc. Khi nào thì bọn chúng sẽ tấn công Tập đoàn quân 3 của Von Manteuffel? Và khi nào thì quân của Koniev ở phía nam sẽ tấn công?

       Heinrici không cần đợi lâu mới biết được ý định của Koniev. Cuộc tấn công thứ hai của quân Nga diễn ra ở rìa tận cùng phía nam của phòng tuyến do tướng Busse trấn thủ, và ở khu vực của Thống chế Ferdinand Schörner. Đúng 6 giờ sáng, Phương diện quân Ukraine số 1 của Koniev đã tấn công qua sông Neisse.
....................................
 (*): Tháng 6/1945, Zhukov nói với Đại tướng Eisenhower và báo chí rằng ông đã mở màn cuộc tấn công với 22.000 khẩu pháo đủ cỡ. Kế hoạch ban đầu của ông chỉ có 11.000 khẩu, còn ông đã làm thế nào để kiếm ra số còn lại thì vẫn chưa biết. Trong khi đó, các số liệu của Nga lại rất lung tung, thống kê từ 20 đến 40 nghìn khẩu, nhưng các chuyên gia quân sự tin là Zhukov có ít nhất 7 đến 8 nghìn khẩu pháo dã chiến, cùng một lượng tương đương các khẩu có cỡ nòng nhỏ hơn.

      Bay theo đội hình chữ V hẹp, đoàn máy bay chiến đấu của Hồng quân chao liệng về phía con sông, giữa những loạt đạn phòng không màu hồng nhạt và những luồng pháo sáng đỏ, vàng, trắng. Những chiếc máy bay thải ra khói trắng dày đặc, gầm rú trong thung lũng, bay cách mặt nước xám xịt của sông Neisse chỉ 15 mét. Các máy bay chiến đấu này liên tục lách qua loạt pháo phòng không, để lại đằng sau màn khói dày đặc khiến cho cả dòng sông lẫn hai bên bờ đều mù mịt. Nguyên soái Ivan Koniev đứng quan sát từ một cao điểm trông thẳng xuống dòng sông, và thấy khá hài lòng. Ông quay qua nói với Thượng tướng N. P. Pukhov, tư lệnh Tập đoàn quân 13 sắp tham gia vào cuộc tấn công, “Mấy ông bạn hàng xóm của ta dùng đèn pha, họ muốn sáng hơn nữa. Nhưng tôi nói anh hay, Nikolai Pavlovich à, chúng ta lại cần càng tối càng tốt.”

        Dù Koniev đang tấn công trên một trận địa rộng khoảng 50 dặm, ông lại ra lệnh tạo nên lớp màn khói dài gần gấp bốn lần để khiến quân Đức hoang mang. Quan sát qua chiếc ống nhòm đặt trên giá đỡ, Koniev thấy màn khói vẫn còn đó. Vận tốc gió chỉ khoảng nửa mét một giây – không tới một dặm một giờ. Ông hài lòng thông báo rằng lớp màn khói “có bề dày và độ đậm đặc phù hợp, và đạt đúng chiều cao cần thiết.” Và rồi, trong lúc máy bay tiếp tục nhả khói, đội pháo binh của Koniev mở màn bằng một tiếng gầm khủng khiếp.

       Đợt pháo kích của ông cũng dữ dội không kém Zhukov, nhưng Koniev sử dụng sức mạnh pháo binh của mình có chọn lọc hơn. Trước khi tấn công, khi biết là lực lượng quan sát của địch sẽ bị khói cản tầm nhìn, các tư lệnh pháo binh của Koniev đã đánh dấu các phòng tuyến và cứ điểm của địch lên bản đồ địa hình và nhắm nòng pháo đúng vào đó. Ngoài việc bắn vào các mục tiêu đã định, các khẩu pháo của Phương diện quân Ukraine I còn phá tan các đại lộ chạy từ sông Neisse về phía tây để dọn đường cho quân lính và xe tăng theo sau. Các loạt đạn pháo giống như những lưỡi liềm lửa, tạo nên những con đường rộng mấy trăm mét xuyên qua các vị trí của quân Đức. Khu rừng xung quanh bắt đầu bốc cháy, giống như ở trận địa của Zhukov, biển lửa kéo dài nhiều dặm tính từ bờ sông.

       Koniev không để điều gì phát sinh ngoài ý muốn. Động cơ của ông không chỉ vi tham vọng đến Berlin trước Zhukov, mà còn vì một nguyên nhân khác quan trọng hơn: tốc độ hành quân không ngờ của quân Đồng minh phương Tây, vốn chỉ còn cách thành phố có 40 dặm.

       Koniev nghĩ một trong hai, thậm chí cả hai đều có thể xảy ra: quân của Eisenhower có thể tới được thủ đô trước Hồng quân – và Đức có thể ký kết hiệp ước hòa bình riêng với bọn họ. Sau này Koniev nói: “Chúng tôi không muốn tin là những đồng minh của mình sẽ có thỏa thuận riêng gì đó với Đức. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó… cả sự thật lẫn tin đồn nhan nhản khắp nơi, là quân nhân, chúng tôi không có quyền bác bỏ khả năng đó… Vì thế, chiến dịch Berlin trở nên đặc biệt cấp bách. Chúng tôi phải xem xét đến khả năng là… các lãnh đạo phát xít muốn đầu hàng quân Anh và Mỹ hơn là với chúng tôi. Người Đức sẽ mở rộng cửa cho bọn họ, nhưng với chúng tôi thì bọn họ sẽ chiến đấu ngoan cường cho tới tận người lính cuối cùng”. (*)

       Trong kế hoạch của mình, Koniev đã “nghiêm túc cân nhắc viễn cảnh này.” Để đánh bại cả Nguyên soái Zhukov lẫn Đồng minh phương Tây để tới Berlin, Koniev biết mình sẽ phải vượt qua quân địch trong vòng mấy tiếng đồng hồ đầu tiên của cuộc chiến. Không giống Zhukov, Koniev không có được một đầu cầu đầy bộ binh bên bờ tây sông Neisse. Ông buộc phải vượt sông, mà đó lại là một chướng ngại vật đáng kể.

        Sông Neisse chảy rất xiết, nước thì lạnh băng. Có những chỗ rộng gần 140 mét, và dù bờ đông tương đối bằng phẳng, bờ tây lại rất dốc. Tại đây quân Đức có lợi thế nhờ phòng tuyến tự nhiên này; giờ chúng đang cố thủ trong các boongke bê tông kiên cố trông xuống dòng sông và các con đường phía đông. Koniev phải nhanh chóng vượt qua quân địch nếu không muốn bị hỏa lực từ các boongke kia tấn công. Kế hoạch của ông là đưa các sư đoàn thiết giáp vào tấn công ngay khi chiếm được các vị trí chắc chắn bên bờ Tây. Nhưng thế có nghĩa là phải xây cầu trước khi màn khói bảo vệ tan mất, và nếu như đợt pháo kích không hạ gục được quân địch thì sẽ phải xây cầu dưới hỏa lực nặng nề của địch.

       Ông định vượt sông chủ yếu ở Buchholz và Triebel. Nhưng còn có những nơi khác nữa. Koniev tin mình phải tiêu diệt quân địch hoàn toàn và nhanh chóng, nên đã lệnh thực hiện một cuộc đột kích quy mô lớn tại dòng sông, trong đó sẽ vượt sông tại hơn 150 điểm. Ở mỗi vị trí, các kỹ sư của ông đã đảm bảo cầu hoặc phà sẽ sẵn sàng trong vòng một đến ba giờ đồng hồ.

       6:55 sáng, giai đoạn 2 trong kế hoạch của Koniev bắt đầu. Dọc bờ đông, các toán quân tiên phong xuất phát từ khu rừng, dưới sự yểm trợ của pháo binh, tiến hành vượt sông Neisse bằng một lô lốc thuyền đủ loại. Ngay sau họ là lớp quân thứ hai, rồi thứ ba. Tại vùng Buchholz-Triebel, quân xung kích thuộc Tập đoàn quân 13 của tướng Pukhov chen nhau lội qua dòng nước dập dềnh, kéo theo các mảnh cầu phao. Dẫn đầu là Sư đoàn Bộ binh Cận vệ 6, do Thiếu tướng Georgi Ivanov, 44 tuổi, một tay Cossack cứng cựa chỉ huy. Ivanov cho hết mọi thứ nổi được xuống nước. Ngoài cầu phao, ông còn dùng các thùng  xăng máy bay rỗng và các thùng phân bón lớn của Đức đã được ông ra lệnh hàn lại cho kín; chúng được khiêng đến đây để làm trụ chống cầu.

       Dưới nước là hàng trăm kỹ sư; mỗi khi các khúc cầu gỗ làm sẵn được đẩy ra khỏi bờ đông là bọn họ liền ghép chúng lại. Một đám đông đứng dưới dòng sông Neisse lạnh ngắt, nước sâu đến cổ, vác các dầm cầu nặng trịch trên đầu, những người khác thì kéo các trụ chống bằng gỗ xuống dưới đáy sông. Các đội kỹ sư đặc biệt đã dùng xuồng có gắn tời kéo bằng tay để đưa mấy sợi dây cáp qua sông. Bên bờ tây, bọn họ đã đặt mấy cây trụ để buộc dây cáp, rồi kéo những chiếc xuồng chở pháo và xe tăng qua sông. Ở một số chỗ, các kỹ sư thậm chí còn đưa pháo qua sông mà không cần dùng phà: họ chỉ việc kéo mấy khẩu pháo đi dưới đáy sông bằng dây cáp. Công việc tiến triển ổn thỏa, dù hỏa lực của địch phủ khắp cả trận tuyến. Để bảo vệ công tác vượt sông, Ivanov cho các cụm pháo ven bờ bắn thẳng về phía phòng tuyến của quân Đức bên bờ Tây. Ông cho hai trăm khẩu súng máy nã đạn như mưa để hỗ trợ cho các cụm pháo binh, “cho bọn nó không ngóc đầu lên được.”

       .................................
       (*): Koniev đang nói đến các mối nghi ngờ của chính Stalin. Hồi đầu tháng 4, Stalin đã đánh điện cho Roosevelt là ông nghe nói [Anh và Mỹ] đã đạt được thỏa thuận với Đức tại Berne, qua đó Đức sẽ “mở cửa cho quân ANh-Mỹ đi về phía đông, còn Anh và Mỹ hứa đổi lại sẽ nới lỏng các điều kiện đình chiến cho Đức… Đức sẽ chấm dứt chiến tranh ở Mặt trận phía Tây… [nhưng]… vẫn tiếp tục cuộc chiến với Nga, Đồng minh của Anh và Mỹ…” Roosevelt hồi âm rằng ông rất ngạc nhiên trước những lý lẽ “rằng tôi đã bước vào một cuộc thỏa thuận với quân địch mà không được ngài đồng ý trước… Thành thực mà nói, tôi không thể không oán giận những kẻ đã cung cấp tin này cho ngài, dù bọn họ là ai, vì họ đã xuyên tạc hành động của tôi hoặc của các thuộc cấp đáng tin cậy của tôi.” Stalin và các nguyên soái của ông vẫn không tin. Thậm chí là cho đến nay, trong bản ghi chép mới nhất của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô 1941-1945, có nói rằng “để ngăn Hồng quân chiếm được Berlin… những kẻ theo
 chủ nghĩa Hitler… đã chuẩn bị đầu hàng quân Mỹ hoặc Anh. Các đồng minh của chúng ta cũng muốn chiếm… [thành phố]… dù đã có thỏa thuận trước đó… là Berlin nằm trong vùng kiểm soát của quân đội Liên Xô…” Tất nhiên, sự thật là không hề có thỏa thuận nào như thế cả.
       Đến 7:15, Koniev nhận được tin tốt lành: đã chiếm được đầu cầu đầu tiên bên bờ Tây. Một giờ sau, ông được tin xe tăng và súng tự động đã được đưa qua sông và sẵn sàng chiến đấu. Đến 8:15, vào khúc cuối đợt pháo kích dài 2 tiếng 35 phút, thì Koniev biết chắc là quân mình đã được sắp đặt ổn thỏa bên bờ tây sông Neisse.

       Bọn họ đã vượt sông thành công tại 133 trên tổng số 150 điểm. Các đơn vị trong Tập đoàn quân 13 của tướng Pukhov đã đột phá qua trung tâm ở Triebel, cùng với Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 3, và nghe nói là quân địch ở đằng trước bọn họ đã bị chọc thủng. Lực lượng thiết giáp của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 4 cũng đang băng qua khu vực đó, còn ở phía nam, Tập đoàn quân Cận vệ 5 đã vượt sông. Koniev thấy có vẻ như các đội xe tăng của mình sẽ chọc thủng phòng tuyến bất kỳ lúc nào.

       Một khi điều đó xảy ra, Koniev định sẽ nhanh chóng tiến tới hai thành phố Spremberg và Cottbus. Sau khi vượt qua Cottbus, ông sẽ nhắm đến mạng lưới đường bộ dẫn tới Lübben. Koniev đặc biệt quan tâm đến vùng đất này. Đây là điểm cuối đường ranh giới mà Stalin đã vạch ra, chia cắt Phương diện quân Belorussia I của Zhukov với Phương diện quân Ukraine I của ông. Nếu Koniev có thể nhanh chóng tới đó, thì ông sẽ xin Stalin lập tức cho phép ông đổi sang hướng bắc, tiến về Berlin. Tự tin trước diễn biến tình hình, Koniev đã truyền lệnh bằng văn bản cho Thượng tướng Pavel Semenovich Rybalko của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 3 là “chuẩn bị tấn công vào Berlin từ hướng nam bằng một quân đoàn tăng, cộng thêm một sư đoàn trong Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 3 yểm trợ”.

        Koniev có cảm giác mình vừa mới đánh bại Zhukov trong cuộc đua giành Berlin. Ông mê mải với tiến triển của cuộc tấn công tới mức không hay biết là mình đã may mắn nhường nào mới còn sống trên đời. Vào ngay những phút đầu tiên của cuộc công kích, một viên đạn từ một tay bắn tỉa đã khoan thủng lỗ gọn gàng trên chiếc giá đỡ ống nhòm, cách đầu ông có mấy phân. (*)

      Ở rìa đông Berlin, tiếng pháo dồn dập cách nơi đây không đầy 35 dặm nghe như tiếng sấm buồn thảm của một cơn bão đằng xa. Trong các làng mạc và thị trấn nhỏ nằm gần sông Oder hơn, có vài cơn chấn động kỳ lạ. Ở đồn cảnh sát tại Mahlsdorf, sách từ trên kệ rơi xuống đất, điện thoại thì tự dưng reng lên. Nhiều nơi, đèn đột nhiên tối lại và nhấp nháy liên tục. Ở Dahlwitz-Hoppegarten, một cái còi báo động không kích chợt réo ầm ĩ và không ai tắt được. Tranh ảnh trên tường rớt xuống đất, cửa sổ và gương vỡ tan tành. Ở Muncheberg, một cây thánh giá trên gác chuông nhà thờ rơi đánh rầm xuống đất, và khắp nơi, chó bắt đầu sủa inh ỏi.

      Ở các quận phía đông Berlin, một âm thanh mơ hồ cứ vang vọng giữa những bộ khung đổ nát và ám khói đen thui. Mùi thông cháy nồng nặc lan khắp quận Köpenick. Dọc theo rìa các quận Weissensee và Lichtenberg, một cơn gió đột ngột cuốn rèm cửa cuộn xoắn lại, rồi xổ ra, bay phần phật như ma làm, còn ở quân Erkner, một số người trong các hầm trú ẩn giật mình tỉnh giấc, không phải vì tiếng ồn, mà là vì một cơn địa chấn khủng khiếp.

       Nhiều người dân Berlin biết âm thanh đó là gì. Trong căn hộ ở Pankow của gia đình Möhring, nơi hai vợ chồng  Weltlinger đang ẩn trốn, ông chồng Siegmund vốn từng đi lính hồi Thế chiến thứ nhất lập tức nhận ra âm thanh xa xa đó chính là tiếng pháo nổ dữ dội; ông đánh thức bà vợ Margarete dậy để nói cho bà nghe. Có ít nhất một người dân Berlin khẳng định là đã tận mắt thấy đợt pháo kích của Zhukov. Vào lúc 4 giờ hơn, cậu thiếu niên Horst Römling 16 tuổi trèo lên tòa tháp 7 tầng ở rìa phía tây Weissensee và nhìn chăm chú về hướng đông bằng ống nhòm. Horst nhanh chóng báo cho những người hàng xóm là cậu đã thấy “ánh lửa đạn pháo của quân Nga,” nhưng chẳng mấy người tin cậu – họ chỉ coi đó là một thằng nhóc quá khích điên cuồng.

       Âm thanh đó không truyền tới được các quận trung tâm, nhưng rải rác đâu đây, vẫn có một số người dân Berlin khẳng định là mình có nghe thấy cái gì đó lạ lùng. Đa số nghĩ đó là tiếng súng phòng không, hoặc là mấy quả bom sót lại từ cuộc không kích dài 2 tiếng 25 phút hồi đêm đột ngột phát nổ, hoặc cũng có thể là một tòa nhà đổ sụp vì trúng bom.

        Một số ít cư dân biết ngay là cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu. Bọn họ là tổng đài viên trong tòa bưu điện trên đường Winterfeldtstrasse ở quận Schöneberg. Sau khi đợt pháo kích mở màn được vài phút, các đường dây liên tỉnh và đường dài của tổng đài đều nghẽn mạng vì có quá nhiều cuộc gọi. Các quan chức trong đảng Nazi ở những vùng gần sông Oder và sông Neisse lo lắng gọi về cơ quan lãnh đạo ở Berlin. Các đội trưởng cứu hỏa hỏi nên đi chữa cháy cho các khu rừng hay nên di dời trang thiết bị ra khỏi đó. Các đội trưởng cảnh sát gọi điện cho cấp trên và ai ai cũng muốn liên lạc với người thân. Nhiều năm sau, các tổng đài viên nhớ lại, hầu như mọi cuộc gọi kết nối thành công đều mở đầu bằng mấy chữ: “Bắt đầu rồi!” Elisabeth Milbrand, nhân viên giám sát bảng điều hành trung tâm, một tín đồ Tin Lành sùng đạo, lấy chuỗi hạt ra và bắt đầu nhẩm đọc kinh lần tràng hạt.

      Đến 8 giờ sáng ngày 16/4, phần lớn Berlin đã nghe tin “các cuộc tấn công dữ dội của Nga tiếp tục diễn ra trên mặt trận sông Oder” qua đài phát thanh. Tin tức thông báo ra khá dè dặt, nhưng thường dân ở Berlin chẳng cần tin tức tỉ mỉ nữa. Từ miệng những người bà con sống bên ngoài thành phố, họ biết giây phút mình hằng sợ hãi cuối cùng cũng đến. Buồn cười ở chỗ, lần này người dân ngoài đường còn biết nhiều hơn Hitler. Trong căn hầm Führerbunker, nhà lãnh tụ vẫn đang ngủ. Ông ta vừa đi nghỉ lúc 3 giờ kém, và tướng Burgdorf, viên sĩ quan quản trị, được lệnh không được đánh thức Quốc trưởng.

       Sáng nay, thế giới ngầm kỳ lạ trong căn hầm trông rất vui vẻ: các bình tulip rực rỡ được trưng trong căn phòng chờ nhỏ, phòng khách trong hành lang và cả phòng họp. Trước đó, một người làm vườn trong điện Reichskanzlei đã cắt hoa từ mấy bồn hoa còn lại trong khu vườn đầy hố bom lỗ chỗ. Burgdorf thấy đó là ý hay, vì Eva Braun thích hoa tulip. Vị đệ nhất phu nhân chưa kết hôn của Đức đã đến đây đêm qua. Bà ta mang theo quà từ mấy người bạn cũ ở Munich gửi cho Quốc trưởng. Trong đó có một quyển sách do Nam tước phu nhân Baldur von Schirach, vợ của nguyên Tổng Bí thư Đoàn Thanh niên Đức. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trải qua rất nhiều gian nan nhưng vẫn không đánh mất hi vọng. Anh ta nói, “Lạc quan chính là cho rằng mọi chuyện vẫn ổn trong khi thực sự đang rất tồi tệ.” Bà Nam tước phu nhân nghĩ cuốn sách này là lựa chọn phù hợp nhất. Đó là cuốn Chàng ngây thơ của Voltaire.
                                  ************
       (*): Koniev không hề biết về việc này, mãi cho tới 20 năm sau, khi ông đọc được hồi ký của tướng Pukhov.
    
       Thoạt tiên, Zhukov không thể tin nổi tin tức này. Ông đứng giữa sở chỉ huy Küstrin, ban tham mưu vây quanh, ông ngờ vực nhìn Chuikov rồi lắp bắp vì giận dữ. Ông hét vào mặt vị tư lệnh của Tập đoàn quân Cận vệ 8, lần này không thèm dùng tên thánh nữa, “Chết tiệt, ý anh là sao hả – quân của anh bị chặn à?”. Trước kia, Chuikov cũng từng thấy Zhukov giận dữ thế này, và ông vẫn cực kỳ bình tĩnh. Ông nói, “Thưa đồng chí nguyên soái, dù chúng ta có tạm thời bị chặn bước hay không, cuộc tấn công này nhất định sẽ thành công. Nhưng lúc này sự kháng cự đang dữ dội hơn và khiến ta bị cầm chân.”

       Chuikov giải thích, quân địch trên cao nguyên Seelow bắn dữ dội vào quân lính và xe tăng yểm trợ đang tiến bước. Địa hình ở đó lại rất khó đi đối với xe thiết giáp. Các khẩu súng tự động và xe tăng bị lún và rối loạn giữa những vũng lầy và kênh đào của đầm lầy Oder mà không làm gì được. Vài chiếc tăng lún dưới bùn đã bị bắn trúng, lần lượt từng chiếc một, và rồi bốc cháy. Chuikov nói, tới giờ này, Tập đoàn quân Cận vệ 8 của ông chỉ mới tiến thêm được gần 1.400 mét. Theo tướng Popiel kể lại, Zhukov đã trút giận bằng “một tràng chửi rủa cực kỳ thô bạo.”

       Chuyện gì đã xảy ra với cuộc tấn công được cho là không thể chống lại này? Có nhiều ý kiến khác nhau, mà tướng Popiel nhanh chóng biết được, khi ông hỏi các sĩ quan cấp cao của Zhukov. Tướng Mikhail Shalin, một tư lệnh quân đoàn thuộc Tập đoàn quân Cận vệ 1 nói với Popiel rằng ông ta chắc chắn là “quân Đức đã rút khỏi tiền tuyến trước cuộc tấn công và thiết lập một phòng tuyến thứ hai dọc theo cao nguyên Seelow. Do đó, phần lớn số đạn pháo của ta chỉ bắn vào đất trống.” Tướng Vasili Kuznetsov, tư lệnh Tập đoàn quân Xung kích 3 cay đắng chỉ trích kế hoạch của Phương diện quân Belorussia I. Ông nói với Popiel, “Chúng ta hay làm theo sách vở, và giờ thì bọn Đức biết tỏng bài vở của ta rồi. Bọn chúng lui lại chừng 8 km. Pháo của ta bắn trúng mọi thứ, nhưng lại không trúng quân thù.”

       Tướng Andreya Getman, một chuyên gia xe tăng cấp cao và là tư lệnh quân đoàn thuộc Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ số 1 của Katukov vừa phê phán vừa giận dữ, nhất là về mấy cái đèn pha. Ông nói, “Chúng không hề làm quân địch lóa mắt. Để tôi nói anh hay chúng làm được cái gì – chúng làm lộ vị trí xe tăng và bộ binh của ta cho bọn xạ thủ Đức.”

      Zhukov chưa từng cho là cuộc tấn công sẽ dễ ăn, nhưng dù đã ước tính sẽ có thương vong nặng nề, ông vẫn luôn cho là quân Đức không thể ngăn bước tiến của mình. Sau này kể lại, ông nói mình đã nghĩ là “hàng phòng ngự của địch sẽ nhanh chóng suy yếu”; rồi ông nói bằng giọng nhẹ hẳn đi, “nhưng thay vào đó, cuộc tấn công của quân tiên phong lại không được hiệu quả mấy”.

      Ông tin chắc chỉ dựa vào quân số không thôi cũng đủ để ông vượt qua quân địch, nhưng ông lo là “có nguy cơ cuộc tấn công có thể bị chậm lại.” Zhukov quyết định thay đổi chiến thuật. Ông nhanh chóng đưa ra một loạt mệnh lệnh. Máy bay chiến đấu cần tập trung thả bom vào các vị trí pháo binh địch; đồng thời, pháo binh sẽ bắt đầu bắn phá cao nguyên. Rồi Zhukov thực hiện thêm một bước.

      Dù ban đầu ông tính để khi nào chiếm được cao nguyên Seelow thì mới dùng đến các đội xe tăng, nhưng giờ ông quyết định dùng luôn. Tướng Katukov, tư lệnh Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ số 1 đang ở trong hầm nên trực tiếp nhận lệnh luôn. Ý muốn của Zhukov rất rõ ràng: phải chiếm được cao nguyên bằng mọi giá. Zhukov định đánh cho quân địch phải đầu hàng, và nếu cần thì san phẳng cả con đường dẫn đến Berlin. Rồi sau đó, vị nguyên soái ra khỏi văn phòng, vẫn còn giận dữ vì bị cầm chân, theo sau là ban tham mưu của ông. Zhukov không muốn bị trì hoãn chỉ vì vài khẩu pháo bắn giỏi của địch – cũng không muốn thua Koniev. Khi ra khỏi boongke, các sĩ quan cung kính đứng sang một bên cho ông đi qua, ông chợt quay sang Katukov và gắt, “Được rồi! Mau đi đi”.     

                                    ************   
        Mệnh lệnh trong ngày của Quốc trưởng tới được Sở chi huy của Tập đoàn quân 9 của tướng Theodor Busse vào lúc giữa trưa. Trên đó đề ngày 15/4, nhưng rõ ràng ban tham mưu của Hitler đã chờ đến khi chắc chắn là cuộc tấn công của quân Nga đã bắt đầu mới gửi đi. Các tư lệnh được lệnh phải phổ biến mệnh lệnh này đến cấp trung đoàn, nhưng tuyệt đối không được để lộ cho báo chí. Tờ lệnh viết: “Hỡi binh sĩ Mặt trận phía Đông, bọn Bolshevist Do Thái tàn ác sắp tấn công cú chót. Chúng đang cố đánh tan nước Đức và tiêu diệt nhân dân ta. Những người lính miền Đông các anh hẳn đã biết số phận đang đe dọa… phụ nữ và trẻ em Đức. Người già và trẻ nhỏ sẽ bị giết; phụ nữ bị đưa đến các doanh trại làm kỹ nữ. Số còn lại sẽ bị đưa đi Siberia.

       Chúng ta biết cuộc tấn công này sẽ đến, và từ tháng giêng ta đã cố hết sức để kiến thiết một mặt trận hùng mạnh. Quân thù sẽ phải đương đầu với một lượng đại bác khổng lồ. Các tổn thất về bộ binh được bổ sung bằng vô số đơn vị mới. Các đơn vị cảnh báo, các đơn vị mới thành lập và lực lượng phòng vệ Volkssturm được đưa đến để củng cố cho mặt trận. Lần này, bọn Bolshevist sẽ chịu chung số phận với châu Á ngày xưa: chúng sẽ chắc chắn gục ngã trước thềm thủ đô của Đế chế Đức.

      Ai không thực hiện nhiệm vụ của mình vào lúc này chính là phản bội lại nhân dân. Trung đoàn hay sư đoàn nào rời bỏ vị trí thì quá là nhục nhã so với những phụ nữ và trẻ em đang phải chống chọi với bom đạn trong các thành phố của ta.

      Hãy đặc biệt chú ý đám sĩ quan và binh lính phản bội, chỉ vì muốn giữ cái mạng hèn hạ của mình mà theo chân bọn Nga chống lại chúng ta, dù có khi còn đang mặc quân phục Đức. Hễ bất kỳ ai ra lệnh cho các anh rút lui thì phải bắt giam kẻ đó lại ngay, nếu cần thì giết luôn tại chỗ, dù quân hàm của hắn có là gì, trừ khi các anh hiểu rõ người đó. Nếu mỗi một người lính ở Mặt trận phía Đông đều làm đúng nhiệm vụ của mình trong những ngày sắp tới, thì cuộc tấn công cuối cùng của bọn châu Á sẽ bị đập tan, cũng như cuối cùng thì cuộc xâm lăng của quân thù ở phía Tây sẽ thất bại, bất chấp tất cả.Berlin vẫn sẽ thuộc về nước Đức, Vienna (*) sẽ lại quay về với Đức và châu Âu sẽ không bao giờ là của quân Nga.

      Hãy trang trọng thề sẽ bảo vệ gia đình mình, vợ con mình và tương lai đất nước, chứ không phải bảo vệ một khái niệm Tổ quốc rỗng tuếch nào. Hỡi các chiến binh miền Đông, giờ phút này, toàn thể nhân dân Đức đang nhìn vào các anh, và chỉ biết hi vọng rằng, nhờ vào sự kiên cường và lòng trung thành, vào vũ khí và tài lãnh kiên cường và lòng trung thành, vào vũ khí và tài lãnh đạo của các anh để tắm máu cho cuộc tấn công cuối cùng của bọn Bolshevist. Hiện tại, khi số phận đã đưa tên tội phạm chiến tranh khủng khiếp nhất mọi thời đại biến khỏi mặt đất, thời điểm xoay chuyển cuộc chiến đã được quyết định.”

      Busse không cần tờ Mệnh lệnh trong ngày nói cho ông biết là cần phải chặn bước quân Nga. Từ nhiều tháng trước, ông đã nói với Hitler là nếu quân Nga đột phá được phòng tuyến sông Oder, thì Berlin và phần còn lại của Đức sẽ sụp đổ. Nhưng ông nổi điên khi đọc tới đoạn viết về mặt trận hùng mạnh; rằng quân địch sẽ phải đương đầu với “một lượng đại bác khổng lồ” và “vô số đơn vị mới”. Mấy lời hùng hồn này chẳng thể chặn được quân Nga. Mệnh lệnh trong ngày của Hitler đa phần đều là hư cấu. Tuy nhiên, nó cũng đúng một chỗ: Hitler định để lính Đức chiến đấu đến chết – ở cả miền Đông lẫn miền Tây.

       Busse vẫn ấp ủ một hi vọng bí mật, được giữ kín tới mức ông chưa từng nói cho ai nghe, trừ với Heinrici và một vài sĩ quan thân cận nhất. Ông muốn cầm cự ở mặt trận Oder đủ lâu để quân Mỹ tới kịp. Ông nói với Heinrici, “Nếu chúng ta có thể cầm cự cho đến khi quân Mỹ tới đây, thì coi như ta đã hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân, với đất nước và với lịch sử của mình.” Heinrici cay nghiệt đáp lại. Ông hỏi, “Bộ anh không biết Chiến dịch Nhật thực à?” Busse chưa từng nghe nói gì. Heinrici kể cho ông nghe về việc thu giữ được bản kế hoạch phân chia khu  vực chiếm đóng của quân Đồng minh. Heinrici nói, “Tôi ngờ là quân Mỹ còn chẳng vượt sông Elbe nữa là.” Dù vậy, Busse vẫn nuôi hi vọng đó một thời gian. Giờ, cuối cùng ông cũng bỏ cuộc. Dù cho đoàn quân của Eisenhower sẽ vượt sông Elbe và tiến về Berlin thì cũng đã quá muộn. Rõ ràng, Hitler muốn giành giật từng dặm với quân Mỹ hơn hết thảy; ông ta không phân biệt được dân chủ và cộng sản. Tình hình của nước Đức thật vô vọng; và Busse tin rằng tình hình của Tập đoàn quân 9 cũng thế, nhưng chừng nào Hitler còn tiếp tục chiến tranh và không chịu đầu hàng thì Busse chỉ có thể cố cầm chân quân Nga như ông vẫn đang làm cho đến giờ phút cuối cùng. Tập đoàn quân 9 đã gánh toàn bộ sức mạnh của đợt tấn công vừa rồi; họ không thể chịu thêm được nữa.

       Khắp nơi, quân của Busse vẫn còn đang cầm cự. Ở Frankfurt, họ thực sự đẩy lui được quân Nga. Đại bác và pháo binh ở cao nguyên Seelow dù bị bắn phá, đánh bom dữ dội nhưng vẫn kiên cường chống trả, và cầm chân được quân địch. Nhưng dù quân của Busse có cầm chân được quân Nga khắp nơi như thế, bọn họ cũng phải trả một cái giá đắt. Có những nơi, sĩ quan chỉ huy báo cáo về là họ bị áp đảo về quân số, phải lên tới một chọi mười là ít. Một viên tư lệnh sư đoàn gọi điện tới, nói “Bọn chúng kéo đến ào ào như thác lũ, không biết sợ chết là gì. Chúng tôi cứ nhắm thẳng súng máy mà bắn cho bọn chúng tan xác. Người của tôi chiến đấu đến khi cạn sạch đạn. Thế rồi họ dễ dàng bị quét sạch, hoặc là bị vượt qua. Tôi cũng không biết có thế kéo dài được bao lâu nữa.”

       Gần như mọi bức điện gửi về đều giống nhau. Đâu đâu cũng cần viện trợ: pháo, tăng và hơn hết là đạn dược, xăng dầu. Có một thứ không thể thay thế được, đó là quân lính. Số quân dự bị ít ỏi của Busse đều đã được phân bổ hoặc đang điều động. Phần lớn bọn họ được đưa đến trận chiến trọng điểm ở cao nguyên Seelow.

       Trấn giữ vùng trung tâm của Tập đoàn quân 9 là Quân đoàn Thiết giáp 56. Đó là một cái tên nổi tiếng, nhưng giờ chỉ còn cái tiếng. Quân đoàn 56 đã nhiều lần tan tành, rồi lại được xây dựng lại. Giờ, nó lại đang trong quá trình tái tổ chức một lần nữa. Những gì còn lại của quân đoàn xưa kia là các sĩ quan chủ chốt. Nhưng dù vậy, quân đoàn này có một tài sản quý giá – một vị tư lệnh tài ba, giàu kinh nghiệm, là Trung tướng Karl Weidling, một người ăn nói bộc trực, thường được bạn bè gọi là “Karl đanh thép”.

       Busse đã đưa các lực lượng hỗn tạp tới cao nguyên Seelow cho Weidling chỉ huy. Hiện tại Weidling có ba sư đoàn: Sư đoàn Dù 9 bất kham và thiếu độ tin cậy của Goering, Sư đoàn Đặc nhiệm Thiết giáp 20 đã bị hành hạ tơi tả và Sư đoàn Müncheberg không đủ lực lượng. Hai cánh có hai quân đoàn hỗ trợ – Quân đoàn 101 phía bên trái, còn bên phải là Quân đoàn SS 11 – Quân đoàn 56 của Weidling đang đối mặt với mũi tấn công chính của quân Nga vào Berlin. Dù Weidling chỉ mới đến đây mấy ngày trước đó, và đang phải chiến đấu tại một địa hình xa lạ với những các cánh quân yếu xìu, thiếu kinh nghiệm, nhưng vị lão tướng 60 tuổi này vẫn đẩy lùi được mọi cuộc tấn công.

      Nhưng ông đang rất cần được bổ sung quân, và đến sáng nay, ngày 16/4, họ vẫn chưa tới. Các vấn đề của Weidling chỉ mới bắt đầu. Đến cuối tuần, ông sẽ phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng còn ghê gớm hơn những gì ông từng chạm trán ngoài chiến trường. Không lâu sau đó, Karl đanh thép bị cả Busse và Hitler tuyên án tử hình – và rồi, vận mệnh đảo chiều, ông lại trở thành người chỉ huy phòng thủ Berlin trong những giờ phút cuối cùng của nước Đức.

     Ở mặt trận phía tây, tướng Walther Wenck, tư lệnh Tập đoàn quân 12 đang vừa vui sướng vừa rối rắm. Việc các đội quân trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm của ông có thể thành công đẩy lui quân địch và dẹp tan đầu cầu phía nam Magdeburg của chúng là một thành tựu mà Wenck không dám mơ. Tuy nhiên, đầu cầu ở Barby lại là chuyện khác. Lính của Wenck đã dùng đủ mọi cách để phá hủy các cây cầu ở Barby, từ thả mìn xuống nước đến dùng người nhái. Số máy bay chiến đấu cuối cùng còn lại ở đây cũng đã thực hiện một cuộc thả bom; nhưng cũng thất bại. Giờ đầu cầu này đã được kiến thiết ổn thỏa, quân lính và xe thiết giáp của Mỹ bắt đầu ùa qua sông trong 48 giờ qua. Đó là cái khiến Wenck rối rắm, dù quân Mỹ đang củng cố vị trí bên bờ đông sông Elbe, nhưng bọn họ lại không có vẻ gì là sẽ tiến về Berlin. Wenck không tài nào hiểu nổi.

       Cuộc tấn công khủng khiếp của quân Mỹ từ ngày 12 đến 15/4 khiến Wenck tin chắc rằng mình sẽ phải đánh một trận đẫm máu ở miền Tây. Nhưng giờ quân Mỹ lại tỏ ra muốn tạm dừng. Wenck nói với Đại tá Reichhelm, tham mưu trưởng của ông, “Thành thực mà nói, tôi rất ngạc nhiên. Có thể bọn chúng đã cạn đồ tiếp tế và cần tái tổ chức.”

      Dù là lý do gì, Wenck rất mừng trước sự trì hoãn này. Quân của ông đang rải rác khắp nơi, nhiều chỗ còn đang sắp xếp lại. Ông cần tranh thủ thời gian để định hình và củng cố cho đội quân của mình, bằng bất cứ chiếc xe thiết giáp nào gì ông có thể giao cho họ. Vài chiếc xe tăng và súng tự động đã được đưa tới, nhưng Wenck không hi vọng gì sẽ có thêm nữa. Ông cũng không ảo tưởng rằng mình sẽ nhận được đầy đủ số sư đoàn từng được hứa hẹn. Wenck nghi là người ta chẳng còn gì để gửi cho mình nữa. Có một điều chắc chắn, đó là: Tập đoàn quân 12, dàn thành một hàng mỏng dọc sông Elbe, phía trước Berlin, không thể nào cầm cự được lâu trước một cuộc tấn công hạng nặng. Ông nói với Reichhelm, “Nếu quân Mỹ phát động tấn công chủ lực, bọn chúng sẽ dễ dàng phá được các vị trí của ta thôi. Sau đó thì lấy gì mà chặn bọn chúng cơ chứ? Giữa nơi đây với Berlin chẳng có khỉ gì cả.”

                                 ***************

       Tin tức này là một cú sốc lớn với Carl Wiberg. Ông nghi ngờ nhìn chằm chằm sếp mình là Hennings Jessen-Schmidt, đứng đầu đơn vị OSS tại Berlin. Wiberg hỏi, “Anh chắc không? Anh có chắc chắn không?”.

      Jessen-Schmidt gật đầu. Ông nói, “Đó là tin tức tôi mới nhận được, và tôi chẳng có lý do gì để nghi ngờ cả”.

       Hai người im lặng nhìn nhau. Mấy tháng nay, họ vẫn tin là lực lượng của Eisenhower sẽ chiếm Berlin. Nhưng cái tin tức khiến Jessen-Schmidt phải băng qua cả thành phố tới căn hộ của Wiberg đã dập tắt mọi hi vọng của họ. Một người đưa tin vừa từ Thụy Điển tới, mang theo thông điệp cực kỳ quan trọng từ London. Nó cảnh báo họ không nên trông chờ quân Anh-Mỹ sẽ tới.

       Trong suốt nhiều tháng dài sống cuộc đời thứ hai tại Berlin, Wiberg đã cân nhắc hầu hết mọi khả năng, chỉ trừ điều này. Đến giờ ông cũng chưa tin được. Ít nhất thì tạm thời kế hoạch có thay đổi cũng không ảnh hưởng đến công việc của họ: họ vẫn phải tiếp tục gửi tin đi, và Wiberg vẫn sẽ cung cấp trang bị cho các đặc vụ nếu có lệnh, với vai trò là “thủ kho.”

      Nhưng theo như Wiberg được biết, nếu có thì cũng chỉ có rất ít chuyên gia và người phá hoại được huấn luyện mới dùng tới các trang thiết bị được đưa đến đây. Jessen-Schmidt đã chờ một người suốt mấy tuần nay – một kỹ thuật viên radio, để lắp ráp bộ thu và phát sóng vẫn còn đang giấu dưới đống than trong tầng hầm của Wiberg. Trái tim trĩu nặng, Wiberg không biết liệu sẽ có ai tới không, và liệu bộ thiết bị đó có bao giờ được dùng tới hay không. Chỗ giấu đồ đó quá nguy hiểm. Bọn Đức có thể phát hiện ra. Tệ hơn, quân Nga cũng có thể. Wiberg hi vọng London đã nói cho vị đồng minh phương Đông về nhóm điệp viên bé nhỏ tại Berlin. Nếu không thì thật khó giải thích về cửa tiệm thiết bị quân sự to đùng kia.

      Wiberg còn lo âu vì một lý do cá nhân nữa. Sau nhiều năm góa vợ, gần đây ông gặp được một phụ nữ trẻ tên là Inge Müller. Họ định kết hôn khi chiến tranh chấm dứt. Giờ Wiberg không biết nếu quân Nga đến thì Inge có được an toàn không. Ông thấy tương lai cả nhóm thật ảm đạm trước viễn cảnh Berlin sắp biến thành chảo lửa. Ông cố dẹp nỗi sợ hãi qua một bên nhưng chưa bao giờ từng thấy chán nản như thế này. Họ đã bị bỏ rơi.

                           *****************
         Thượng tướng Mikhail Katukov, tư lệnh Tập đoàn quân Tăng Vệ binh số 1 dập mạnh chiếc điện thoại dã chiến, rồi xoay người đá cánh cửa văn phòng chỉ huy rầm một cái. Ông vừa nhận một báo cáo từ viên sĩ quan chỉ huy Lữ đoàn Tăng Cận vệ 65 tại mặt trận cao nguyên Seelow. Quân Nga chẳng tiến thêm được chút nào. Tướng Ivan Yushchuk nói với Katukov, “Chúng ta đang đứng sát nút bộ binh rồi. Ta đang bị kẹt!”.

      Cơn giận của ông chợt dịu đi, Katukov quay lưng lại cánh cửa, đối diện với ban tham mưu. Hai tay chống hông, ông lắc đầu không tin nổi. Ông nói, “Bọn quỷ Hitler đó! Tôi chưa bao giờ thấy chúng chống cự dữ như vậy suốt cuộc chiến này.” Rồi Katukov thông báo là ông định tìm hiểu xem “cái quỷ gì đang níu chân tất cả.” Dù gì thì ông cũng phải chiếm được cao nguyên trong sáng nay, để Zhukov có thể đột phá qua.

       Ở phía nam, lực lượng của Nguyên soái Koniev đã đánh tan lực lượng phòng thủ của Đức trên một mặt trận rộng 18 dặm ở phía tây sông Neisse. Quân của ông đang ùa qua sông. Giờ họ có 20 cây cầu có thể cho xe tăng đi qua (một số có trọng tải lên tới 60 tấn), 21 chỗ có thể để phà và quân lính đi qua, cùng với 17 chiếc cầu hạng nhẹ.

       Dùng máy bay chiến đấu Stormovik ném bom mở đường, đoàn xe tăng của Koniev đã vượt qua phòng tuyến của địch hơn 10 dặm, trong vòng không đầy 8 tiếng. Giờ Koniev chỉ còn cách Lübben có 21 dặm, đó cũng là điểm cuối đường ranh giới giữa quân của ông với của Zhukov mà Stalin đã vạch ra. Tại đó, đoàn xe tăng của Koniev sẽ rẽ sang hướng tây bắc và tiến về con đường chính đi qua Zossen, rồi vào Berlin. Trên bản đồ, con đường này mang tên Reichsstrasse 96 – con đường cao tốc mà Thống chế Gerd von Rundstedt từng gọi là “Der Weg zur Ewigkeit” – con đường dẫn đến cõi vĩnh hằng.
                             ******************
      Có vẻ như các nhà chức trách chưa sẵn sàng đối mặt với cái sự thật là Berlin đang lâm vào hiểm cảnh. Dù Hồng quân giờ chỉ còn cách đây không tới 32 dặm, nhưng lại chẳng có cảnh báo hay thông báo chính thức nào. Người dân Berlin biết quân Nga đã tấn công. Tiếng pháo nổ văng vẳng là dấu hiệu đầu tiên; giờ lại thêm những người chạy nạn, tin tức cứ thế lan truyền qua điện thoại, qua những lời rỉ tai nhau. Nhưng tin tức chỉ toàn những mẩu chuyện rời rạc và tràn đầy mâu thuẫn, và không có chút thông tin thật nào, mà chỉ toàn phỏng đoán và tin đồn. Người thì nói quân Nga chỉ còn cách không đầy 10 dặm, kẻ lại nghe nói quân Nga đã tới vùng ngoại ô phía đông. Không ai biết chính xác tình hình ra sao, nhưng hầu hết người dân Berlin đều tin là thời gian của thành phố chỉ còn tính bằng ngày, và cơn giãy chết của nó đã bắt đầu.

       Và ngạc nhiên thay, người ta vẫn làm việc bình thường. Họ lo sợ, và dù ngày càng khó duy trì vẻ ngoài bình thường, nhưng mọi người đều cố gắng làm thế.

       Ở mỗi trạm dừng, người đưa sữa Richard Poganowska đều bị túm lại hỏi thăm. Có vẻ mấy người khách hàng cho là ông biết được nhiều chuyện hơn người khác.

       Ông Poganowska ngày thường luôn vui vẻ giờ chẳng thể trả lời được gì. Ông cũng sợ hãi như bọn họ. Tấm chân dung Hitler vẫn còn treo trong phòng khách ngôi nhà của vị quan chức Nazi làm trong bưu điện, nằm trên đường Kreuznacherstrasse, nhưng nó chẳng thể làm Poganowska yên tâm được nữa.

      Ông rất vui khi thấy người bạn nhỏ của mình, Dodo Marquardt, 13 tuổi, đang kiên nhẫn đứng đợi tại một góc phố ở Friedenau. Cô bé thường ngồi xe cùng ông qua một hai dãy phố, điều đó giúp ông giữ vững tinh thần một cách lạ kỳ. Dodo leo lên ngồi cạnh chú chó Poldi và nói cười đủ chuyện. Nhưng sáng nay Poganowska thấy thật khó mà lắng nghe cô bé. Ông uể oải nhìn mấy câu khẩu hiệu mới được sơn lên các bức tường đổ nát trong vùng. Một cái viết, “Berlin vẫn sẽ thuộc về nước Đức.” Mấy cái khác thì: “Chiến thắng hay làm nô lệ,” “Vienna sẽ trở lại với nước Đức,” và “Ai tin vào Hitler thì sẽ tin vào chiến thắng.” Tới chỗ của Dodo, Poganowska nhấc cô bé xuống xe. Cô bé cười nói, “Hẹn mai gặp lại nhé bác đưa sữa.” Poganowska đáp, “Mai gặp, Dodo.” Richard Poganowska trèo lên xe và tự hỏi còn được bao nhiêu ngày mai nữa.

       Linh mục Arthur Leckscheidt, đang chủ trì một đám tang trong khu nghĩa trang gần ngôi nhà thờ đổ nát của ông, thì nghĩ những đau khổ đang chờ phía trước không thể nào tệ hơn những thứ hiện giờ. Từ ngày nhà thờ Melanchthon xinh đẹp của ông bị phá hủy, dường như nỗi đau đã trở thành vĩnh cửu. Mấy tuần nay, người chết trong các cuộc không kích đã nhiều tới mức giáo dân của ông chẳng buồn đi đăng ký báo tử nữa. Linh mục Leckscheidt đứng bên rìa một ngôi mộ lớn, trong đó chôn cất 40 nạn nhân của cuộc không kích đêm qua. Khi ông đọc kinh đưa ma, chỉ có vài người có mặt. Khi ông đọcxong, hầu hết đều quay đi, chỉ có một cô gái trẻ còn đứng lại. Cô nới với Leckscheidt là anh trai cô cũng nằm trong số đó. Rồi cô nói, mắt đẫm lệ: “Ảnh nằm trong đội SS. Ảnh không phải giáo đồ của nhà thờ.” Cô ngần ngừ, rồi hỏi: “Ngài cầu nguyện cho ảnh được không ạ?” Leckscheidt gật đầu.

      Ông nói với cô, dù ông không đồng tình với đảng Nazi và lực lượng SS, nhưng khi họ đã chết, ông “không thể từ chối đọc cho ai những lời của Chúa.” Ông cúi đầu và nói, “Thưa Chúa, xin đừng tránh mặt con… những ngày tháng của con đã trôi qua như một chiếc bóng… cuộc đời con chẳng là gì khi đứng trước người… thời gian của con nằm trong tay người…” Trên một bức tường gần đó, đêm qua có ai đã viết lên nguệch ngoạc mấy từ “Nước Đức thắng lợi.”
      .....................................  
       Mẹ bề trên Cunegundes mong chờ mọi thứ sẽ chấm dứt. Dù tu viện kiêm bệnh viện phụ sản Haus Dahlem do hội Nữ Tu Dòng Thánh Tâm điều hành chỉ là một nơi hẻo lánh nằm ở Wilmersdorf, nhưng người Mẹ bề trên mập tròn và mạnh mẽ này vẫn luôn bắt kịp dòng chảy thông tin. Câu lạc bộ Báo chí Dahlem nằm trong biệt thự của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Joachim von Ribbentrop, ở ngay trước tu viện, vừa đóng cửa đêm qua.

       Bà đã nghe từ mấy người bạn trong báo giới tới nói lời từ biệt, rằng cái kết đã cận kề, và trận đánh giành lấy thành phố sẽ xảy ra trong vài ngày tới. Người Mẹ bề trên kiên cường này hi vọng trận chiến sẽ không kéo dài. Mấy ngày trước, một chiếc máy bay của quân Đồng minh đã đâm sầm xuống vườn cây ăn quả của bà, và nóc tu viện thì bị nổ tung, nguy hiểm đang đến rất gần. Cuộc chiến ngu xuẩn và khủng khiếp này nên kết thúc đi thôi. Trong khi đó, bà phải lo cho hơn 200 người: 107 em bé sơ sinh (trong đó 91 em là con rơi), 32 bà mẹ, và 60 bà xơ và các phụ nữ làm công quả.

       Dù việc của mấy phụ nữ này đã làm không xuể, Mẹ bề trên còn giao thêm cho họ cả đống việc nữa. Với sự trợ giúp của người gác cổng, mấy bà xơ đã sơn các hình tròn lớn màu trắng với chữ thập đỏ bên trên lên các bức tường của tòa nhà, và lên mái nhà lợp giấy dầu nhựa đường của toàn bộ tầng hai (tầng ba đã biến mất theo cái mái cũ). Là một người thực tế, Mẹ bề trên đã bảo các y tá tập sự của mình biến sảnh ăn tối và phòng nghỉ thành các trạm sơ cứu. Sảnh ăn tối của các y tá đã biến thành nhà nguyện, được thắp nến cả ngày lẫn đêm; tầng hầm giờ được ngăn ra thành phòng cho trẻ nhỏ và các phòng nhỏ hơn cho các ca sinh nở. Mẹ bề trên còn cho bịt kín cửa sổ bằng gạch và xi măng, rồi tấn bao cát bên ngoài. Bà đã sẵn sàng cho những gì sắp đến. Nhưng có một điều bà không biết phải đối phó thế nào: bà đã nghe kể nỗi lo của người cố vấn kiêm giáo sĩ xưng tội của bọn họ, Cha Bernhard Happich, rằng các phụ nữ có thể bị quân chiếm đóng làm nhục. Cha Bernhard Happich đã sắp xếp một buổi nói chuyện với bọn họ về việc này vào ngày 23/4. Giờ đây, trước tin tức mà mấy người bạn phóng viên của bà đem đến, Mẹ bề trên Cunegundes hi vọng họ không phải chờ đợi quá lâu. Bà thấy có lẽ quân Nga sẽ đến đây bất kỳ lúc nào.

      Trong khi chờ tin, người ta cố giấu nỗi lo âu trong cái hài hước rầu rĩ. Một lời chào hỏi mới xuất hiện trong thành phố. Những người không quen biết nhau bắt tay và chúc nhau “Bleib übrig” – “Hãy sống sót nhé.” Nhiều người dân Berlin đang giễu cợt bài tuyên truyền của Goebbels mười ngày trước. Ông ta nhấn mạnh là vận mệnh nước Đức sẽ xoay chuyển: “Quốc trưởng biết chính xác thời khắc đó. Số mệnh đã đưa con người này đến với chúng ta, để chúng ta có thể chứng thực cho phép màu vào thời điểm khó khăn này.” Giờ đây, những lời đó đang được nhắc lại khắp nơi, thường bắt chước phong cách mê ly của vị Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền một cách nhạo báng. Một câu nói khác cũng đang phổ biến. Người ta nghiêm trang an ủi nhau, “Chúng ta chẳng có gì phải lo lắng. Gröfaz sẽ cứu chúng ta.” Gröfaz là biệt danh người Berlin đặt cho Hitler lâu nay. Nó viết tắt cho “Grösster Feldherr aller Zeiten” – vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại.

       Dù thành phố sắp nằm dưới họng súng Nga, phần lớn nhà máy ở Berlin vẫn tiếp tục sản xuất. Pháo và đạn dược đang đổ ra tiền tuyến nhanh hết sức các nhà máy ở Spandau có thể sản xuất được. Thiết bị điện được sản xuất ở nhà máy Siemens ở Siemensstadt; một lượng lớn ổ bi và dụng cụ máy móc được sản xuất trong các nhà máy ở Marienfelde, Weissensee và Erkner; nòng pháo và khung đỡ được chế tạo ở nhà máy Rheinmetall-Borsig ở Tegel; xe tăng, xe tải và súng tự động được sản xuất trên dây chuyền tự động của nhà máy Alkett ở Ruhleben; và khi nào xe tăng được sửa chữa xong xuôi ở nhà máy Krupp und Druckenmüller ở Tempelhof, công nhân sẽ trực tiếp đưa chúng đến chỗ quân đội. Tình hình gấp rút tới mức ban quản lý phải yêu cầu các công nhân nước ngoài xung phong làm tài xế khẩn cấp. Jacques Delaunay, một lao động cưỡng chế người Pháp, đã thẳng thừng từ chối. Một người lái xe tăng trở về nhà máy chiều hôm đó đã nói với Delaunay, “Anh làm vậy là khôn đó. Anh có biết bọn tôi đưa mấy chiếc tăng này tới đâu không? Ra thẳng ngoài tiền tuyến đấy.”

      Không chỉ các nhà máy công nghiệp, mà cả ngành dịch vụ và các dịch vụ công cộng vẫn tiếp tục hoạt động. Ở trạm khí tượng chính ở Potsdam, nhân viên ghi nhận nhiệt độ trung bình buổi trưa là 18,3 độ C, đến đêm giảm còn 4,4 độ C. Trời trong, có mây rải rác, gió tây nam thổi nhẹ, đến chiều tối đổi sang hướng đông nam. Ngày 17 được dự báo sẽ có thay đổi – trời âm u và có thể có dông.

      Phần vì thời tiết tốt, nên các đường phố đông nghẹt người. Các bà nội trợ đi mua hàng hóa bán không cần tem phiếu ở mọi nơi có thể, chẳng quan tâm tương lai có những gì. Mọi cửa hàng đều có người xếp hàng dài dằng dặc. Ở Köpenick, Robert và Hanna Schultze mất ba tiếng xếp hàng mua bánh mì. Ai biết được khi nào mới có thể mua thêm chứ? Như hàng ngàn người dân Berlin khác, vợ chồng Schultze cố tìm cách quên đi nỗi lo âu. Ngày hôm đó, bằng hệ thống giao thông công cộng đang hết sức thất thường, họ đổi xe buýt và xe điện 6 lần để tới rạp chiếu phim ở Charlottenburg. Đây là chuyến đi thứ ba trong tuần này của họ. Ở các quận khác, họ đã xem các phim Ein Mann wie Maximilian (Một người đàn ông giống Maximilian); Engel mit dem Saitenspiel (Thiên thần với cây đàn lia) và Die Grosse Nummer (Con số lớn). Die Grosse Nummer nói về một rạp xiếc, và Robert cho đó là phim hay nhất tuần.

      Tù binh chiến tranh người Pháp Raymond Legathière thấy sở chỉ huy quân sự ở Bendlerstrasse đang loạn tới mức chẳng ai nhớ tới sự hiện diện của anh, và thế là anh thản nhiên nghỉ làm buổi chiều. Những ngày này, mấy người cảnh vệ không còn bận tâm cho lắm. Legathière đã xoay được một tấm vé xem phim ở rạp chiếu phim gần Potsdamer Platz chuyên phục vụ lính Đức. Giờ anh đang thư giãn trong bóng tối xem phim, một bộ phim do Bộ Tuyên truyền của Goebbels đặc biệt tái phát hành. Đó là một bộ phim màu đề tài lịch sử có tựa là Kolberg, nói về công cuộc phòng thủ vĩ đại của Graf von Gneisenau ở thành phố Pomeranian trong chiến tranh với Napoleon. Suốt buổi chiếu, Legathière thích thú trước hành vi của mấy người lính xung quanh cũng như trước nội dung bộ phim. Cả hai thứ đều rất lôi cuốn. Bọn họ nào là cười nói, vỗ tay, rồi thì la hét với người khác, họ gần như bị cuốn vào mạch truyện của một trong những nhân vật quân sự huyền thoại của Đức. Legathière thấy vài người trong số những người lính này đáng lẽ đã có thể có cơ hội trở thành anh hùng.
      ...........................  
      Tín hiệu bất ngờ xuất hiện. Trong trụ sở của Dàn nhạc giao hưởng, một khu liên hợp gồm nhiều tòa nhà, trong đó có các sảnh hòa nhạc và studio luyện tập của Dàn nhạc giao hưởng Berlin, Tiến sĩ Gerhart von Westermann, giám đốc dàn nhạc nhận được tin nhắn của bộ trưởng Albert Speer: dàn nhạc sẽ biểu diễn buổi hòa nhạc cuối cùng vào tối hôm đó.

      Von Westermann vẫn biết rằng tin tức sẽ đến bất ngờ như thế này, chỉ trước buổi hòa nhạc có mấy giờ. Chỉ thị của Speer là tất cả những nhạc sĩ muốn ra đi đều phải đi ngay sau buổi biểu diễn. Họ sẽ tới vùng Kulmbach-Bayreuth, cách Berlin 240 dặm về phía tây nam – Speer đã chuyển phần lớn nhạc cụ quý giá của dàn nhạc tới đó từ trước. Theo ngài bộ trưởng, quân Mỹ sẽ kiểm soát vùng Bayreuth chỉ trong vài giờ nữa.

      Chỉ có một rắc rối mà thôi. Khi đưa ra trước toàn bộ dàn nhạc, kế hoạch ban đầu của Speer đã sụp đổ. Thoạt đầu, sợ kế hoạch có thể lọt đến tai Goebbels, Von Westermann chỉ nói cho vài thành viên đáng tin cậy trong dàn nhạc. Ông rất ngạc nhiên khi thấy phần đông đều miễn cưỡng không muốn đi, phần vì gia đình, phần vì các mối ràng buộc về tình cảm hoặc các quan hệ khác với thành phố này. Khi kế hoạch được đưa ra bỏ phiếu, nó đã bị hủy bỏ. Gerhard Taschner, nghệ sĩ violin trẻ tuổi, và là một tay bè trưởng Violon I (Concermaster) của dàn nhạc được yêu cầu đi nói cho Speer biết. Ngài bộ trưởng bình thản đón nhận tin này, nhưng lời đề nghị của ông vẫn để ngỏ: vào đêm cuối, xe hơi và tài xế riêng của Speer sẽ đợi để đưa những người muốn ra đi rời khỏi đây. Taschner cùng với vợ và hai con, cộng thêm con gái của người nhạc sĩ đồng nghiệp Georg Diburtz chắc chắn sẽ đi. Nhưng họ là những người duy nhất. Ngay cả Von Westermann, sau khi xem kết quả bỏ phiếu, cũng thấy mình phải ở lại.

      Nhưng nếu có thành viên nào trong dàn nhạc dao động, thì họ sẽ được cho biết đây là cơ hội cuối cùng. Có thể sẽ có người đổi ý và muốn ra đi. Vậy nên, khi chỉ còn ba tiếng nữa là đến buổi biểu diễn tối đó, Von Westermann dượt lại chương trình. Khi đó đã quá trễ, dù là để lên lịch tổng duyệt, và các nhạc sĩ không biết gì về kế hoạch sơ tán sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi. Nhưng dù họ biết hay không biết, bản nhạc mà Speer chọn làm tín hiệu đã khiến buổi hòa nhạc cuối cùng có một vẻ u ám và xúc động. Von Westermann cho đặt bản nhạc trước chỗ từng người, trên đó đề tựa Die Götterdämmerung – tuyệt phẩm bi kịch của Wagner về cái chết của các vị thần. Tới giờ thì mọi người dân Berlin đều thấy rõ “Pháo đài Berlin” chỉ là truyện cổ tích; ngay cả người kém hiểu biết nhất cũng thấy thành phố được chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quá sơ sài. Các con đường chính và đường cao tốc vẫn mở bình thường. Có rất ít pháo hay xe thiết giáp, và ngoài mấy ông già trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương, có người mặc đồng phục, người thì chỉ đeo băng tay may trên ống tay áo khoác, còn lại chẳng thấy bóng dáng lính lác nào.

      Để đảm bảo, chỗ nào cũng có chốt chặn và rào cản thô sơ. Ở các con đường nhánh, khuôn viên, quanh các cơ quan chính phủ và công viên, chất hàng đống vật liệu xây công sự. Có mấy cuộn dây thép gai, những khối chướng ngại vật chống tăng bằng thép, xe tải và xe điện cũ chất đầy đá bên trong. Những thứ này sẽ dùng để ngăn chặn các đợt oanh tạc chính khi thành phố bị tấn công. Nhưng liệu chúng có thể chặn được quân Nga không? Người ta đùa rằng: “Hồng quân sẽ phải mất ít nhất 2 tiếng 15 phút mới đột phá được. Bọn chúng sẽ cười đến rụng răng suốt 2 tiếng đồng hồ, rồi lại mất 15 phút để đập tan mấy cái rào cản đó.” Các phòng tuyến – hầm, hào chống tăng, chướng ngại vật và ụ pháo – dường như chỉ có ngoài ngoại ô, và kể cả thế đi nữa, người dân Berlin dễ dàng thấy là chúng còn lâu mới xong.

       Hôm đó, một người đàn ông lái xe ra khỏi thành phố và thấy công tác chuẩn bị phòng thủ “quá sức vô ích và buồn cười!” Ông là một chuyên gia về công sự. Tướng Max Pemsel từng là tham mưu trưởng Tập đoàn quân 7, phụ trách phòng thủ ở bãi biển Normandy vào ngày D-Day. Vì không thể ngăn chặn cuộc xâm lăng, Pemsel cùng mấy người nữa bị Hitler lạnh nhạt từ đó tới giờ. Ông bị giao chỉ huy một sư đoàn vô danh ở miền bắc, và cam chịu “chốn tẻ nhạt này.”

       Rồi đến ngày 2/4, Pemsel ngạc nhiên nhận được chỉ thị từ tướng Jodl, bảo ông bay về Berlin. Thời tiết xấu làm mấy chuyến bay của ông bị hoãn liên tục, mãi đến 12/4 ông mới tới được thủ đô. Jodl đã khiển trách ông về việc chậm trễ. Ông ta nói, “Pemsel, anh biết không, đáng lý anh sẽ được bổ nhiệm chỉ huy Berlin, nhưng anh lại đến trễ thế này.” Sau này Pemsel nói, khi nghe những lời đó, ông thấy “như có một tảng đá lớn rơi khỏi lồng ngực.”

      Giờ thay vì phụ trách Berlin, Pemsel đang trên đường đến mặt trận Italia: Jodl đã bổ nhiệm ông làm tham mưu trưởng cho Tập đoàn quân Italia của nguyên soái Rodolfo Graziani. Pemsel thấy chuyện này cứ như là mơ vậy. Ông thấy thật khó tin được là đoàn quân của Graziani vẫn còn tồn tại; đã vậy, Jodl còn nêu tỉ mỉ các nhiệm vụ của ông như thể họ đang thắng thế và chiến tranh sẽ còn kéo dài. Ông ta cảnh báo với Pemsel, “Công việc của anh sẽ rất khó khăn, vì nó không chỉ cần có kiến thức quân sự xuất sắc, mà phải có kỹ năng ngoại giao nữa.” Dù quan điểm của Jodl thật phi thực tế, Pemsel vẫn rất vui lòng tới Italia. Trên đường đi, ông sẽ đi ngang qua Bavaria, và gặp lại vợ con lần đầu tiên trong hai năm qua. Lúc ông tới được Italia thì có lẽ chiến tranh đã kết thúc rồi.

      Khi Pemsel rời khỏi Berlin, ông thấy cả số phận lẫn thời tiết đều thật tốt với ông. Rõ rành rành là chẳng thể nào bảo vệ được thành phố này. Chạy ngang qua một mớ thân cây, thanh thép và các khối bê tông hình nón chất lộn xộn, dùng làm chướng ngại vật chống tăng, ông lắc đầu tỏ vẻ không tin tưởng. Chạy thêm một đoạn, chiếc xe vụt qua một ông già trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương đang chậm rãi đào hầm. Sau này Pemsel nhớ lại, khi bỏ lại thành phố sau lưng, “Tôi cảm ơn Chúa vì đã cho tôi thoát khỏi ly rượu phạt này.”

       Trong văn phòng ở Hohenzollerndamm, sĩ quan chỉ huy của thành phố, tướng Reymann đang đứng trước một tấm bản đồ Berlin lớn treo trên tường, nhìn các phòng tuyến đánh dấu trên đó và tự hỏi, “nhân danh Chúa, mình phải làm gì đây.” Ba ngày qua Reymann gần như thức trắng và ông thấy mệt rũ người. Từ sáng tới giờ, ông đã nhận vô số cuộc điện thoại, tham dự vài cuộc họp, đến kiểm tra các phòng tuyến ngoài vành đai và đưa ra hàng loạt mệnh lệnh. Cá nhân ông tin là hầu hết công việc khó mà hoàn thành trước khi quân Nga vào thành phố.

       Hồi đầu ngày, Goebbels, Tỉnh trưởng Berlin kiêm phụ trách phòng thủ tự chỉ định vừa tổ chức buổi họp hàng tuần như thường lệ của “hội đồng chiến tranh” của ông ta. Reymann thấy mấy buổi họp này thật quá sức lố bịch vào lúc này. Đến chiều, ông kể lại cuộc họp mới nhất cho tham mưu trưởng của mình là Đại tá Refior nghe. “Ông ta nói với tôi mấy chuyện cũ mèm. Ông ta nói, ‘Nếu trận đánh ở Berlin diễn ra ngay bây giờ, thì anh sẽ được quyền sử dụng mọi loại xe tăng và pháo, thêm vài nghìn súng máy hạng nặng và hạng nhẹ, cộng với mấy trăm khẩu súng cối, cùng lượng đạn tương ứng.’” Reymann ngừng lại. Ông nói với Refior, “Theo Goebbels, chúng ta sẽ có được mọi thứ ta cần – nếu Berlin bị bao vây.”

      Rồi Goebbels đột ngột chuyển chủ đề. Ông ta hỏi, “Một khi trận đánh bắt đầu, anh định đặt sở chỉ huy ở đâu?” Về phần mình, Goebbels định vào Zoo Bunker. Ông ta đề nghị Reymann cũng nên ở trong đó chỉ huy. Reymann biết ngay vị tỉnh trưởng này đang nghĩ gì trong đầu; Goebbels định nắm Reymann và việc phòng thủ ở Berlin trong tay mình. Khéo léo hết mức có thể, Reymann gạt lời đề nghị đó qua một bên. Ông nói, “Tôi muốn tránh điều đó, vì cả hai bên chính trị lẫn quân sự đều có thể tiêu tùng một lúc chỉ vì một đòn bất ngờ.” Goebbels bỏ qua đề tài này, nhưng Reymann nhận thấy ông ta lạnh nhạt hẳn đi. Goebbels biết rõ là tòa tháp Zoo Bunker không thể nào bị phá hủy, dù có hàng loạt bom hạng nặng dội lên.
     .....................................
   Reymann biết ngài bộ trưởng sẽ ghim việc lời mời của mình bị từ chối. Nhưng vào lúc này, khi đối mặt với cái trọng trách gần như vô vọng là chuẩn bị công tác phòng thủ của thành phố, thì Goebbels là người cuối cùng Reymann muốn ở gần bên. Ông không quan tâm đến các tuyên bố chính thức hay hứa hẹn của viên tỉnh trưởng. Chỉ mới mấy ngày trước, khi bàn về cung ứng, Goebbels còn nói lực lượng phòng vệ ở Berlin sẽ được cấp “ít nhất một trăm chiếc tăng.” Reymann đã hỏi xin danh sách các đồ cung ứng như đã hứa. Cuối cùng, khi ông nhận được thông tin thì một trăm chiếc tăng biến thành “25 chiếc đã hoàn thành, 75 chiếc đang lắp ráp.” Dù có bao nhiêu đi nữa, Reymann biết mình sẽ không thấy được một mảnh nào trong số đó. Mấy thứ vũ khí quan trọng như vậy sẽ được ưu tiên cho mặt trận Oder.

       Theo quan điểm của Reymann, chỉ có một thành viên trong nội các là thật sự hiểu được cái gì đang chờ đợi Berlin. Người đó là bộ trưởng Albert Speer, dù ông ta cũng có điểm mù quáng. Ngay khi sau buổi họp hội đồng chiến tranh của ngài tỉnh trưởng, Reymann được lệnh trình diện với Speer. Tại tòa nhà từng là Đại sứ quán Pháp nằm ở Pariser Platz, giờ là văn phòng của bộ trưởng Bộ Khí tài và Vũ trang của Hitler, ngài bộ trưởng bình thường vốn hòa nhã đang nổi trận lôi đình. Chỉ thẳng vào con đường chính trên bản đồ thành phố, Speer muốn biết Reymann “định làm gì với Đại lộ Đông-Tây.” Reymann ngạc nhiên nhìn ông ta. Ông trả lời, “Tôi sẽ xây một đường băng giữa Cổng Brandenburg và Tượng đài Chiến thắng. Sao vậy?”

      Speer nổi điên. “Sao vậy à? Sao vậy? Anh sắp phá bỏ mấy trụ đèn của tôi, là thế đấy! Và anh không được làm thế!”

      Reymann cứ tưởng Speer đã biết về kế hoạch này. Trong các trận chiến ở Breslau và Königsberg, quân Nga đã chiếm các sân bay ở ngoại ô của hai thành phố trong tích tắc. Để ngăn ngừa tình huống tương tự ở Berlin, đã có quyết định xây một đường băng ngay giữa quận trung tâm hành chính, dọc theo Đại lộ Đông-Tây, đi ngang qua công viên Tiergarten. Sau này Reymann kể, “Vì lý do đó, chúng tôi đã thỏa thuận với Không quân, đường băng được chọn ở giữa Cổng Brandenburg và Tượng đài Chiến thắng. Thế có nghĩa là các trụ đèn trang trí bằng đồng phải bị dỡ bỏ, và phải chặt hết cây trong vòng 30 mét hai bên đường băng. Khi tôi đề cập đến kế hoạch này với Hitler, ông ta nói là có thể dỡ bỏ trụ đèn nhưng không được chặt cây. Tôi đã cố hết sức thuyết phục ông ta đổi ý, nhưng Hitler không chịu nghe. Dù tôi đã giải thích là nếu không chặt cây thì chỉ có máy bay cỡ nhỏ mới cất cánh và hạ cánh được, ông ta vẫn không chịu đổi ý. Tôi không biết lý do của ông ta là gì, nhưng có chặt thêm mấy cái cây cũng chả ảnh hưởng gì đến mỹ quan thành phố vào những ngày này. Và giờ đến lượt Speer phản đối dỡ bỏ mấy cái trụ đèn.

      Reymann giải thích tình hình cho Speer nghe, và kết luận rằng mình đã được Quốc trưởng cho phép dỡ bỏ trụ đèn. Nhưng ngài bộ trưởng không bận tâm. Ông ta khăng khăng, “Anh không được dỡ mấy cái trụ đèn đó. Tôi phản đối.” Rồi Speer nói thêm, “Có vẻ anh không biết tôi là người chịu trách nhiệm tái thiết Berlin nhỉ.”

       Reymann cố thuyết phục Speer đổi ý trong vô vọng. Ông tranh luận, “Chúng ta phải mở đường băng ở đây, đó là vấn đề sống còn, đặc biệt là trong tình huống này.” Nhưng vị bộ trưởng không muốn nghe gì nữa. Theo như Reymann nhớ lại, thì “cuộc nói chuyện chấm dứt, Speer tỏ ý sẽ đưa toàn bộ chuyện này đến chỗ Quốc trưởng. Đồng thời, mấy cái trụ đèn của ông ta phải được giữ nguyên, và việc thi công đường băng phải đình lại – dù quân Nga đang tiến thẳng tới chỗ chúng tôi.”

       Trước khi kết thúc cuộc gặp mặt, Speer đề cập đến các cây cầu ở Berlin. Ông ta lại tiếp tục tranh luận với Reymann, như ở sở chỉ huy của Heinrici hôm trước, rằng việc phá cầu là vô ích, vì nhiều cây cầu còn đi kèm các mạng lưới điện, nước, gas chính và “nếu các đường huyết mạch này bị hư hại thì sẽ làm tê liệt nhiều vùng trong thành phố và khiến công tác tái thiết của tôi càng khó khăn thêm.” Reymann có thể thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của Speer với Hitler: ông vừa nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ Dinh Thủ tướng, xóa bỏ một số cây cầu khỏi danh sách cần phá hủy. Bây giờ, Speer lại khăng khăng phải giữ nguyên toàn bộ. Reymann cũng cứng đầu không kém Speer. Trừ khi có lệnh ngược lại của Hitler, không thì Reymann vẫn sẽ thi hành chỉ thị và cho nổ các cây cầu còn lại. Ông cũng chẳng thích thú gì việc này, nhưng ông không muốn đánh đổi mạng sống và sự nghiệp chỉ để cứu mấy cây cầu.

       Rời khỏi văn phòng của Speer, Reymann ghé thăm một khu vực phòng thủ ở ngoại ô Berlin trong chốc lát. Mỗi lần đi kiểm tra thế này chỉ càng khiến Reymann thêm tin rằng công tác phòng thủ của Berlin chỉ là ảo tưởng. Trong những năm tháng thắng lợi vẻ vang, Đảng Nazi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện có ngày thủ đô lại trở thành nơi chống cự cuối cùng. Bọn họ xây công sự ở khắp những chỗ khác – Phòng tuyến Gustav ở Italy, Bức tường Đại Tây Dương dọc bờ biển châu Âu, Phòng tuyến Siegfried ở biên giới phía tây nước Đức – nhưng quanh Berlin thì không có nổi một cái hầm. Kể cả khi hàng hàng lớp lớp quân Nga vượt qua Đông Âu và xâm lấn Tổ quốc của họ, Hitler và các cố vấn quân sự của ông ta cũng không làm gì để gia cố cho thành phố.

       Chỉ đến khi Hồng quân tới được sông Oder hồi đầu năm 1945 thì người Đức mới bắt đầu gia cố cho hàng rào phòng thủ tại Berlin. Vài con hào và chướng ngại vật chống tăng chầm chậm xuất hiện ở vùng ngoại ô phía đông thành phố. Thế rồi, lạ lùng thay, khi Hồng quân dừng bước bên dòng sông đóng băng để chờ đợt tuyết tan mùa xuân, thì công cuộc chuẩn bị phòng vệ ở thủ đô cũng ngừng theo. Tới tận tháng ba thì công tác phòng thủ ở Berlin mới được quan tâm trở lại – và khi đó thì đã quá trễ. Chẳng còn lính lác, đồ cung ứng hay trang thiết bị để xây dựng các công sự cần thiết nữa.
       ................................

        Trong vòng hai tháng làm việc điên cuồng đầy mệt mỏi, một loạt phòng tuyến tạm thời mọc lên. Có lúc, vào cuối tháng hai, một “vành đai chướng ngại vật” đã được dựng lên vội vàng bao quanh Berlin, nhưng không kín hoàn toàn, cách thủ đô chừng 20 đến 30 dặm. Phòng tuyến này chạy qua các khu rừng và đầm lầy, dọc theo các hồ nước, sông ngòi và kênh rạch, chủ yếu ở phía bắc, phía đông và phía nam thành phố. Trước khi Reymann nắm quyền chỉ huy, các mệnh lệnh đưa ra đều tuyên bố đây chính là “vùng cứ điểm.” Để đáp ứng chứng cuồng pháo đài của Hitler, binh lính trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương được lệnh phải trấn giữ tại đó và chiến đấu đến tận người lính cuối cùng. Để biến những chỗ này thành một vùng phòng thủ vững chắc, cần tới một lượng lớn binh lính, vũ khí và vật liệu, vì vành đai chướng ngại vật bao lấy một vùng gần 150 dặm quanh Berlin.

        Reymann đã nhanh chóng phát hiện ra, trừ mấy chỗ được quân đội trực tiếp giám sát, còn lại thì mấy cái được gọi là cứ điểm thường chỉ có vài con hào trên các đường phố chính, vài ụ pháo rải rác, hoặc là mấy căn nhà bê tông được gia cố vội vàng thành lô cốt, lấy gạch bịt kín cửa sổ, chừa vài khe hở đặt súng máy. Mấy vị trí mong manh này, nhiều chỗ còn không có người, lại được đánh dấu là các trọng điểm phòng thủ trên bản đồ của Dinh Thủ tướng.

        Phòng tuyến chính nằm ngay giữa lòng thành phố. Ba vòng tròn đồng tâm bao lấy lực lượng phòng ngự bên trong. Vòng ngoài cùng có chu vi 60 dặm, chạy quanh vùng ngoại ô. Vì không có các công sự đúng nghĩa, thứ gì cũng được dùng để lập rào cản: xe goòng và toa tàu cũ, những ngôi nhà đổ nát, các bức tường bê tông lớn, boong-ke không kích cùng với sự đóng góp của thiên nhiên, chính là sông hồ ở Berlin. Người ta đang làm việc ngày đêm để kết nối các thứ tự nhiên và nhân tạo kia thành một phòng tuyến và rào cản chống tăng liên tục. Công việc chủ yếu được làm bằng tay, không có thiết bị máy móc nào. Đa số máy ủi đất hạng nặng đã được đưa đến miền đông để phục vụ cho các công sự ở mặt trận Oder từ lâu. Việc sử dụng các cỗ máy ít ỏi còn lại bị cấm vì thiếu nhiên liệu – từng lít xăng có được đều đã chuyển tới các sư đoàn thiết giáp.

       Có khoảng 100.000 lao động làm việc tại các vành đai công sự. Thực tế, số lao động chưa bao giờ dưới 30.000
người. Thậm chí, cả dụng cụ cầm tay cũng thiếu; các lời kêu gọi trên báo cần ủng hộ cuốc xẻng chẳng thu được kết quả mấy. Theo Đại tá Refior, “có vẻ người làm vườn ở Berlin coi việc đào khoai tây quan trọng hơn đào hố bẫy xe tăng.” Với Reymann, giờ mọi chuyện đều vô ích. Không thể nào làm kịp vành đai ngoài. Đó là một công việc vô vọng và không thể nào hoàn thành được.

      Vành đai thứ hai, hay vành đai giữa có thể coi là một chướng ngại vật khó nhằn, nếu có quân lính dạn dày kinh nghiệm và đầy đủ vũ khí. Nó có chu vi chừng 25 dặm và các rào chắn đều đã dựng lên đầy đủ. Hệ thống đường sắt của Berlin biến thành một cái bẫy chết người. Ở một số chỗ, đường ray bị tháo đi, hoặc kéo qua một bên, có khi rộng tới một hai trăm mét, tạo thành những con hào chống tăng hoàn hảo. Trong các căn nhà đã được gia cố trông ra đường ray, xạ thủ có thể nhắm bắn những chiếc tăng bị kẹt trong rãnh. Ở các chỗ khác, phòng tuyến chạy dọc theo đường sắt trên cao (S-Bahn), giúp quân phòng thủ có được những thành lũy đắp cao vững chắc.

       Dù các phòng tuyến này bị chọc thủng, thì vẫn còn vành đai thứ ba, giữa trung tâm thành phố. Vùng cuối cùng này được gọi là Pháo đài, nằm giữa kênh Landwehr và sông Spree ở quận Mitte. Gần như mọi tòa nhà chủ chốt của chính phủ đều nằm trong này. Lực lượng phòng thủ cuối cùng sẽ trấn thủ tại đây, trong những toà nhà kiến trúc đồ sộ, được nối liên tục với nhau bằng các rào cản và tường chắn bê tông, chẳng hạn trong tòa nhà rộng thênh thang của Bộ Hàng không của Goering (Reich-sluftfahrtministerium), trong các sở chỉ huy quân sự bề thế ở phố Bendler, và trong cái vỏ rỗng không của Tòa nhà Quốc hội và Dinh Thủ tướng.

      Từ Pháo đài, xuyên qua cả ba vành đai phòng thủ, tỏa ra thành 8 khu vực hình rẻ quạt, mỗi quân khu có một tư lệnh riêng. Bắt đầu từ quận Weissensee ở phía đông, các quân khu được đặt tên từ A đến H theo chiều kim đồng hồ. Vành đai trong cùng được đặt là Z. Có 6 tòa tháp phòng không chống bom kiên cố yểm hộ cho các vành đai, nằm rải rác quanh thành phố – ở Humboldthain, Friedrichshain, và ở Sở thú Berlin.

       Nhưng Pháo đài Berlin vẫn còn thiếu nhiều liên kết thiết yếu. Cái quan trọng nhất là nhân lực. Reymann tin là dù có trong điều kiện lý tưởng cũng cần khoảng 200.000 quân đã qua huấn luyện bài bản và có kinh nghiệm chiến đấu để bảo vệ thành phố. Nhưng thay vào đó, ông chỉ có một đám quân tạp nham để trấn thủ trên diện tích 321 dặm vuông của Berlin, từ những cậu choai choai 15 tuổi trong Đoàn Thanh niên Hitler cho tới mấy ông lão đã ngoài bảy mươi. Ông còn có lực lượng cảnh sát, các đơn vị kỹ sư và các đội pháo phòng không, nhưng lực lượng bộ binh duy nhất của ông thì chỉ có 60.000 quân Phòng vệ Địa phương chưa qua huấn luyện. Mấy ông già Volkssturm ấy đang uể oải đào hầm hoặc chậm chạp di chuyển vào vị trí trên các con đường dẫn vào Berlin, đến các trọng điểm phòng thủ của thành phố. Lực lượng Volkssturm giống như âm binh của quân đội vậy. Dù trên lý thuyết thì họ sẽ chiến đấu cùng quân chính quy vào lúc khẩn cấp, nhưng họ lại không được coi là một phần của quân đội. Cũng như Đoàn Thanh niên Hitler, họ thuộc trách nhiệm của quan chức địa phương trong đảng Na-zi; thậm chí sau khi trận chiến bắt đầu Reymann mới nắm quyền chỉ huy bọn họ. Cả trang thiết bị của lực lượng Volkssturm cũng thuộc trách nhiệm của đảng Nazi. Lực lượng Phòng vệ Địa phương không có xe cộ, bếp dã chiến hay phương tiện liên lạc riêng.
        .....................................

Tóm lại, một phần ba số quân của Reymann không có vũ khí. Phần còn lại thì có thể xem là có. Reymann nhớ lại, “vũ khí của bọn họ đến từ các nước từng là đồng minh hoặc kẻ thù của Đức. Ngoài nguồn cung cấp của chính chúng tôi, còn có súng từ các nước Italia, Nga, Pháp, Tiệp Khắc, Bỉ, Hà Lan, Na Uy và Anh.” Có không dưới 15 loại súng trường và 10 loại súng máy khác nhau. Tìm đạn dược cho mớ súng ống hổ lốn này là một chuyện gần như vô vọng. Các tiểu đoàn được trang bị súng Italia là may hơn cả: bọn họ được cấp tối đa 20 viên đạn 1 người. Người ta cũng phát hiện ra là súng của Bỉ dùng được một số loại đạn nhất định của Tiệp, nhưng đạn của Bỉ lại vô dụng đối với súng trường Tiệp. Còn có vài món vũ khí Hy Lạp, nhưng không biết sao lại có hàng đống đạn Hy Lạp. Đạn dược thiếu hụt trầm trọng tới mức người ta đã tìm ra cách cải biên đạn Hy Lạp để đem dùng cho súng Italia. Nhưng có ứng biến linh hoạt thế nào đi chăng nữa cũng chẳng xoa dịu được tình hình chung. Vào ngày quân Nga mở màn cuộc tấn công, trung bình mỗi người lính Phòng vệ Địa phương chỉ được phát 5 viên đạn cho một khẩu súng trường.

       Giờ đây, khi tuần tra các vị trí dọc theo vùng ngoại ô phía đông, Reymann thấy quân Nga chắc chắn sẽ vượt qua nơi này dễ như bỡn. Còn thiếu quá nhiều thứ thiết yếu. Họ gần như không còn mìn, nên cũng không có các bãi mìn, vốn rất quan trọng với một điểm phòng thủ. Một trong những công cụ phòng thủ cổ xưa và hiệu quả nhất là dây thép gai cũng không thể nào tìm được. Pháo binh của Reymann chỉ có vài khẩu pháo phòng không cơ động, mấy chiếc tăng cố thủ ở một lối vào nhất định, và những khẩu pháo khổng lồ của các tòa tháp phòng không. Dù có uy lực khủng khiếp, nhưng mấy khẩu pháo góc cao này lại không hữu ích mấy. Vì được đặt cố định, nên chúng không thể ngắm xuống đất để bắn bộ binh và xe tăng tấn công ở cự ly gần.

       Reymann biết tình hình của mình đang rất vô vọng. Ông cũng bi quan tương tự về tình hình ở các nơi khác. Ông không tin là mặt trận Oder có thể cầm cự được, cũng không mong các đội quân rút lui về thành phố có thể giúp được gì. Đại tá Refior đã bàn bạc với các sĩ quan ở sở chỉ huy của tướng Busse về khả năng được hỗ trợ. Ông nhận được một câu trả lời phũ phàng từ tham mưu trưởng của Busse, Đại tá Artur Hölz. “Đừng mong đợi gì ở chúng tôi. Tập đoàn quân 9 đã, đang và sẽ túc trực ở mặt trận Oder. Chúng tôi có thể gục ngã tại đây, nhưng tuyệt đối không lui binh.”

        Reymann cứ mãi nghĩ đến cuộc trò chuyện với một vị quan chức Volkssturm ở quân khu nọ. Reymann hỏi, “Anh sẽ làm gì nếu phát hiện có xe tăng Nga ở đằng xa? Anh sẽ báo cho bọn tôi biết bằng cách nào? Giả dụ xe tăng tiến về phía này đi. Cho tôi biết khi đó anh sẽ làm gì.”

       Ông tròn mắt nhìn người đó quay ngoắt lại và chạy vào ngôi làng đằng sau. Mấy phút sau ông ta quay lại, thở hổn hển và tỏ vẻ chán nản. Ông ta ngại ngùng giải thích, “Tôi không gọi điện được. Tôi quên mất tiêu là bưu điện đóng cửa từ 1 giờ tới 2 giờ chiều.”

       Khi quay lại thành phố, Reymann nhìn chằm chằm vô định ra ngoài cửa sổ xe. Ông cảm thấy một đám mây đen u ám đang tụ lại, và Berlin có thể sẽ biến mất mãi mãi trong bóng tối đó.

       Phòng tuyến đang rạn vỡ từ từ, nhưng không thể tránh khỏi trước sức ép khủng khiếp của địch. Heinrici đã ở ngoài tiền tuyến cả ngày, đi từ sở chi huy này qua sở chỉ huy khác, đến thị sát các cứ điểm ngoài mặt trận, nói chuyện với các tư lệnh. Ông ngạc nhiên khi thấy lính của Busse đã chống cự rất tốt dù chênh lệch cực lớn về quân số. Ban đầu, Tập đoàn quân 9 đã cầm cự được 3 ngày trước các cuộc tấn công mở đầu dữ dội; giờ bọn họ lại gánh chịu cuộc tấn công chủ lực của quân Nga. Quân của Busse đã phản công ác liệt. Nội trên cao nguyên Seelow không thôi, họ đã hạ hơn 150 xe tăng và bắn rơi 132 máy bay. Nhưng họ đang suy yếu dần.

       Khi ngồi xe quay về sở chỉ huy của mình trong màn đêm dần buông, Heinrici thấy mình đang phải đi chậm lại vì dân sơ tán quá đông. Hôm nay, chỗ nào ông cũng thấy bọn họ – có người mang tay nải, kẻ thì kéo xe tay, trên đó chất những của nả cuối cùng, người khác lại ngồi xe bò hay xe ngựa. Ở nhiều nơi, số dân chạy nạn đông đúc này là một vấn đề đau đầu không kém quân Nga.

       Trong văn phòng của ông, các sĩ quan tham mưu lo lắng tập trung lại để nghe viên tướng phát biểu về ấn tượng sơ bộ của ông về tình hình trước mắt. Heinrici nghiêm trọng tổng kết lại những gì ông quan sát được. Ông nói : “Họ không thể cầm cự được bao lâu nữa. Bọn họ mệt sắp đứt hơi rồi. Dù vậy, ta vẫn đang gắng chống đỡ. Đó là thứ Schörner không làm được. Vị quân nhân vĩ đại đó không thể cầm chân Koniev nổi một ngày.”

        Một lát sau, Đại tướng Hans Krebs, Chỉ huy trưởng OKH gọi tới. Ông ta nói với Heinrici hết sức trơn tru, “Chúng ta có lý do để thấy hài lòng.” Heinrici thừa nhận điều này. Ông ta nói: “Xét tới quy mô của cuộc tấn công, thì chúng ta vẫn chưa đánh mất nhiều đất cho lắm.” Krebs có vẻ mong nhận được phản hồi tích cực, và chính ông ta cũng lạc quan như thế, nhưng Heinrici lại không làm theo. Ông lạnh lùng nói với Krebs: “Tôi được học rằng không bao giờ ca ngợi một ngày nào chừng nào hoàng hôn còn chưa tới.”

       Trong màn đêm, binh nhì Willy Feldheim nắm khẩu Panzerfaust chặt hơn. Cậu không biết mình đang ở đâu, nhưng cậu có nghe nói dãy hố cá nhân này kéo dài qua ba con đường trong vùng Klosterdorf, cách mặt trận chừng 18 dặm.

       Trước đó không lâu, trong lúc chờ xe tăng Nga đến, Willy có cảm giác như đang thực hiện một chuyến phiêu lưu. Cậu nghĩ nếu mình thấy chiếc tăng đầu tiên xuất hiện và khai hỏa khẩu súng chống tăng này lần đầu thì sẽ ra sao. Ba trung đội đóng ở ngã tư được lệnh để xe tăng tiến gần hết mức có thể mới được bắn. Chỉ thị nói khoảng cách chừng 55 mét là vừa tầm.

       Núp trong hố cá nhân ẩm ướt, Willy nhớ lại những ngày mình còn là một cậu lính kèn. Cậu đặc biệt nhớ rõ một ngày nắng đẹp hồi năm 1943, Hitler phát biểu tại sân vận động Olympic và Willy nằm trong đội thổi kèn ầm ĩ khi Quốc trưởng đi vào. Cậu không bao giờ quên lời nhà lãnh tụ nói với các đoàn viên trong Đoàn Thanh niên Hitler đứng đó: “Các bạn là người bảo đảm cho tương lai…” Và đám đông hô vang “Quốc trưởng muôn năm! Quốc trưởng muôn năm!” Đó là ngày đáng nhớ nhất đời Willy. Chiều hôm ấy, cậu không còn nghi ngờ gì là Đế chế  Đức có đội quân thiện chiến nhất, vũ khí mạnh mẽ nhất, tướng lĩnh tài ba nhất, và hơn hết là nhà lãnh tụ vĩ đại nhất thế giới. Giấc mộng của cậu biến mất trong ánh chớp đột ngột rạch lên bầu trời đêm. Willy nhìn chăm chú về phía mặt trận và lại nghe thấy tiếng pháo nổ trầm trầm mà nhất thời cậu vừa quên đi, và cậu thấy lạnh. Bụng cậu bắt đầu đau và cậu thấy muốn khóc. Cậu bé Willy Feldheim 15 tuổi cảm thấy sợ hãi khủng khiếp, và tất cả những mục đích cao quý cùng những từ ngữ làm sục sôi lòng người giờ chẳng giúp gì được cho cậu.

      Tiếng gõ trống văng vẳng gần như không nghe ra. Tiếng kèn tuba nhẹ nhàng đáp lại. Tiếng trống mơ hồ lại vang lên lần nữa. Kèn tuba đáp lại trầm trầm, như báo trước một điềm gở. Rồi tiếng dàn bass vang lên, và tuyệt phẩm Die Götterdämmerung (Hoàng hôn của các vị thần) của Dàn nhạc giao hưởng Berlin mở màn. Bầu không khí của Sảnh đường Beethoven chìm trong bóng tối cũng tràn ngập vẻ bi kịch như chính âm nhạc vậy. Nguồn sáng duy nhất là các ngọn đèn đặt bên chỗ các thành viên trong dàn nhạc. Sảnh đường khá lạnh, ai nấy đều mặc áo khoác. Tiến sĩ Von Westermann ngồi trong lô với vợ và em trai ông. Gần đó là em gái của nhạc trưởng Robert Heger cùng với ba người bạn. Và bộ trưởng Albert Speer vẫn ngồi ở vị trí quen thuộc của ông.

      Ngay sau khi đàn xong bản Violin Concerto của Beethoven, Taschner và gia đình, cùng con gái của Georg Diburtz đã rời khỏi sảnh đường. Họ đang trên đường đến một nơi an toàn – nhưng họ là những người duy nhất. Speer đã giữ lời. Xe của ông ta đang chờ ngoài kia. Ông ta còn để viên sĩ quan quản trị của mình đi cùng cả nhóm an toàn tới nơi. Giờ, nhà kiến trúc của bộ máy công nghiệp chiến tranh khủng khiếp của Hitler đang lắng nghe điệu nhạc dữ dội kể về hành vi tàn ác của các vị thần, về cảnh hỏa thiêu Siegfried trong đám tang của chàng, về nàng Brünnhilde cưỡi ngựa chạy tới giàn thiêu để cùng chết với chàng. Rồi với tiếng Cymbal inh ỏi và tiếng trống rền vang, dàn nhạc chơi đến cao trào: trận hỏa thiêu hàng loạt đã hủy diệt Valhalla. Khi giai điệu u buồn và tráng lệ lan tỏa trong thính phòng, thính giả cảm nhận được một nỗi buồn thuơng sâu sắc đến mức không rơi lệ nổi (*).
       …………………………….
          (*): Có vẻ số phiên bản khác nhau về buổi hòa nhạc cuối cùng cũng nhiều như số thành viên dàn nhạc còn sống sót. Người kể thế này, kẻ lại kể thế khác. Có nhiều ý kiến khác nhau về ngày tháng, chương trình và thậm chí là cả nghệ sĩ biểu diễn. Những người không biết gì về kế hoạch của Speer thì không chịu tin là từng tồn tại một kế hoạch như thế. Phiên bản trong sách này dựa theo lời kể của Tiến sĩ Von Westermann, cùng thông tin bổ sung từ Gerhard Taschner.
       ................................ 
       2.
        Đế chế Đức hùng mạnh xưa kia giờ hầu như chẳng còn sót lại gì. Bị tấn công từ cả hai phía, nhìn trên bản đồ, trông nó giống chiếc đồng hồ cát: biển Bắc và biển Baltic là phần trên, còn xứ Bavaria, một phần Tiệp Khắc, Áo và bắc Italy mà Đức đang chiếm đóng tạo thành phần dưới. Ở giữa là phần eo hẹp chừng 90 dặm, chia cắt quân Mỹ và quân Nga. Chiến sự ở miền bắc vẫn còn khá khốc liệt, còn ở miền nam thì có nhẹ nhàng hơn đôi chút. Ở trung tâm, Tập đoàn quân 9 của tướng William Simpson đang đóng bên sông Elbe, càn quét các ổ chống cự mà trước đó họ đã đi vòng qua trong cuộc chạy đua tới bờ sông, và lâu lâu đánh lui các cuộc phản công sắc bén nhắm vào đầu cầu của họ. Tập đoàn quân 9 gặp phải một chỗ khó nhằn: Magdeburg. Hết lần này tới lần khác, viên tư lệnh ở đó không chịu đầu hàng. Chịu hết nổi, Simpson gọi máy bay ném bom đến và san phẳng hơn một phần ba thành phố. Rồi ông đưa quân vào.  Chiều ngày 17, khi các đơn vị của Sư đoàn Bộ binh 30 và Sư đoàn Thiết giáp 2 bắt đầu tấn công, Đại tướng Bradley đến sở chỉ huy của Simpson. Chợt điện thoại reng. Simpson nhấc máy, nghe một lúc rồi lấy tay che ống nghe và quay sang nói với Bradley, “Có lẽ ta chiếm được cây cầu ở Magdeburg rồi. Giờ làm gì đây Brad?”

      Bradley biết tỏng ngay Simpson muốn mình nói gì: Cây cầu Autobahn là tuyến đường ngắn nhất, nhanh nhất dẫn tới Berlin. Nhưng ông lắc đầu. Ông đáp, “Hồi chuông của địa ngục. Chúng ta không cần thêm một đầu cầu nào ở sông Elbe nữa hết. Tôi đoán nếu anh chiếm được cái này, anh sẽ đưa một tiểu đoàn sang đó. Nhưng hãy hi vọng là mấy anh bạn kia sẽ cho nổ nó trước khi anh sa vào.”

        Chỉ thị từ SHAEF của Bradley rất rõ ràng; ông sẽ không để Simpson có hi vọng gì về việc tiến lên. Mệnh lệnh viết: “Thực hiện các hành động cần thiết để tránh các hành vi tấn công, bao gồm việc lập các đầu cầu mới bên bờ đông sông Elbe-Mulde…” Quân của Simpson sẽ là một mối đe dọa với Berlin, nhưng chỉ thế mà thôi.

       Mấy phút sau, cú điện thoại thứ hai đã giải quyết vấn đề. Khi cúp máy, Simpson nói với Bradley: “Khỏi phải lo nữa. Bọn khốn Đức vừa cho nổ cầu.”

        Cây cầu bị nổ đã chấm dứt giấc mộng của Simpson “Simp Lớn,” vốn muốn dẫn Tập đoàn quân 9 hùng mạnh của mình đến Berlin, thành phố mà ngài Tư lệnh Tối cao từng gọi là “phần thưởng chính.”
                                    ************
       Ở các thôn nhỏ phía bắc Boizenburg bên sông Elbe, các chủ hộ giật mình trước tiếng còi báo động xa xa. Âm thanh kì lạ lớn dần, và một đội hình kỳ dị xuất hiện. Hai người thổi kèn túi Scotland bước trên đường, thổi kèn te te. Đằng sau bọn họ là những tù binh chiến tranh của Chuẩn úy “Dixie” Deans, mười hai nghìn người, bước thành hàng dưới sự canh gác của một tốp lính Đức. Đồng phục của mấy người tù rách tả tơi. Mấy món của nả ít ỏi của họ treo lủng lẳng trên lưng. Họ ốm o tiều tụy, vừa đói vừa lạnh, nhưng vẫn ngẩng cao đầu. Anh chàng Deans kiên quyết muốn thế. Anh nói với mọi người, “Khi đi qua các thôn làng, phải thật bảnh vào, dù có đau đớn thế nào, và cho mấy siêu nhân đẫm máu đó thấy ai mới là kẻ thắng trận.”

       Xe riêng của Dixie là một chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ, sẵn sàng tan tành bất cứ lúc nào. Lốp trước có một miếng vá to căng phồng. Nhưng dù đường rất xốc, Dixie vẫn mừng là còn có xe đi. Anh đạp xe từ hàng này sang hàng khác, coi chừng người của mình và các lính gác người Đức đi bên cạnh mỗi hàng. Mọi con đường đều đông nghịt tù binh. Mỗi hàng có gần hai nghìn người, và dù Deans quyết cố gắng kiểm soát toàn khu vực, nhưng đó là một công việc mệt mỏi. Sau gần mười ngày đi không có mục tiêu rõ ràng, tình trạng mọi người đang rất tồi tệ. Trong đoàn có vài chiếc xe tải chở đồ cung ứng, nhưng đa phần họ phải sống nhờ vào vùng nông thôn. Viên sĩ quan chỉ huy người Đức, Đại tá Ostmann có vẻ hoang mang trước cuộc hành quân ngoằn ngoèo và sự thiếu hụt lương thực, nhưng ông ta nói với Deans rằng, “Tôi chẳng thể làm được gì cả.” Dixie tin ông ta. Deans nói với người đồng bạn trong Không lực Hoàng gia, Chuẩn úy Ronald Mogg, “Tôi cho là ông ta không biết chúng ta phải đi tới cái chỗ quỷ quái nào nữa.”

      Những người tù đã lang thang như dân du mục từ hồi rời khỏi Fallingbostel. Giờ họ đang tiến về thị trấn Gresse, nghe nói ở đó có những chiếc xe tải chở lương thực của Hội Chữ thập Đỏ đang chờ họ. Deans hi vọng họ sẽ dừng chân tại đó và không đi đâu nữa. Anh nói với Ostmann là cuộc hành quân này hoàn toàn vô ích, vì quân Anh sắp đến đây. Anh hi vọng mình đoán đúng. Từ những gì lượm lặt được qua hai chiếc radio bí mật quý báu mang theo từ trại giam, tin tức của quân Đồng minh có vẻ tốt lành. Mogg, chuyên gia tốc ký, đã viết lại tin tức của đài BBC hai lần một ngày. Khi nào có chỗ cắm điện, họ dùng chiếc radio trong cái máy hát cũ; còn trong chuyến đi thì dùng chiếc radio chạy pin. Một người lính gác kiêm phiên dịch của Ostmann, Hạ sĩ “Charlie” Gumbach thấy Trung sĩ John Bristow thật ngu ngốc khi vác theo chiếc máy hát cổ lỗ nặng nề trên lưng. Anh chàng người Đức hỏi, “Sao anh không vứt quách đi cho rồi?” Bristow nghiêm túc nói, “Tôi luôn dính với nó như keo, Charlie à. Dù gì thì mấy thằng cha cũng sẽ không tha cho tôi nếu mỗi buổi tối không có nhạc nhẽo gì hết.” Bristow nhìn anh người Đức vẻ nghi ngờ. Anh hỏi, “Bộ anh không thích khiêu vũ à, Charlie?” Gumbach nhún vai bất lực; mấy thằng Anh này điên hết rồi.

       Khi hàng ngũ của Deans đặt chân lên con đường dẫn vào một ngôi làng mới, hai người thổi kèn giơ cao cây kèn, và những con người kiệt quệ trong hàng bước thẳng lưng ra. Ron Mogg khéo léo bước cạnh chiếc xe đạp của Deans và nói, “Ít ra, chúng ta đang gây ấn tượng cho dân địa phương.”

                                ************     
        Ở mặt trận phía đông, quân của Chuikov và Katukov cuối cùng cũng chiếm được một chỗ trên cao nguyên Seelow nhờ áp đảo về quân số. Sau này tướng Popiel nhớ lại, gần tới nửa đêm ngày 16, “chiếm được ba căn nhà đầu tiên ở vùng ngoại ô phía bắc của thị trấn Seelow… Đó là một chiến dịch gian khổ.”

      Suốt cả đêm ngày 16/4, các cuộc tấn công của Hồng quân bị hỏa lực từ các khẩu pháo phòng không đập tan hết lần này tới lần khác. Popiel nói, “Bọn Đức thậm chí còn không thèm ngắm. Chúng cứ thế bắn bừa.” Chuikov tới được Seelow vào trưa ngày 17. Thấy địch chống cự quá dữ dội, ông bi quan nghĩ sẽ phải mất “một ngày để chọc thủng các phòng tuyến chắn giữa sông Oder và Berlin.” Đến đêm ngày 17, bọn họ mới chiếm được cao nguyên. Họ đã phải mất hơn 48 tiếng mới đột phá được hai phòng tuyến đầu tiên. Người Nga tin là còn ít nhất ba phòng tuyến như thế chắn trước Berlin.

       Popiel chật vật đi tới sở chỉ huy của Katukov, cách cao nguyên Seelow một quãng, ông thấy trận chiến đã làm chỗ này rối tung. Binh sĩ và xe tăng chỗ nào cũng có, bọn họ đứng chật cứng khắp hang cùng ngõ hẻm, phố xá vườn tược. Đức vẫn đang nã pháo. Trong lúc nỗ lực chiếm cao nguyên, quân của Zhukov trở nên lộn xộn vô tổ chức; và giờ cần phải tập trung lại rồi mới hành quân tiếp được. Zhukov nổi giận, và biết rõ tốc độ hiện tại của Koniev, bèn ra lệnh phải dốc toàn lực.

      Trong trận chiến, xe tăng Liên Xô đã tìm ra một cách giải quyết tuyệt diệu để đối phó với tên lửa chống tăng hạng nặng từ mấy khẩu Panzerfäuste. Tướng Yushchuk ngạc nhiên thấy mấy người lính xe tăng vơ vét mọi cuộn lò xo nệm tìm được trong các ngôi nhà dân Đức. Họ gắn mấy vòng dây xoắn này ra đằng trước xe tăng, để làm giảm tác động của các quả tên lửa đầu tù. Có lò xo nệm đằng trước, giờ xe tăng Liên Xô sẵn sàng dẫn đầu cuộc tấn công vào thành phố.

       Ở gần Cottbus, trong một tòa lâu đài thời Trung cổ nhìn xuống dòng Spree, Nguyên soái Koniev đang chờ nối điện thoại tới Moscow. Đâu đây, một khẩu đại bác địch vẫn còn đơn độc bắn. Lắng nghe tiếng pháo nổ đều đặn có hệ thống, Koniev nghĩ, đây quả là cách bắn điển hình của pháo binh Đức. Ông tự hỏi không biết bọn chúng đang bắn cái gì – có lẽ là tòa lâu đài, hoặc là ăn-ten của trạm radio của ông. Dù mục tiêu là gì thì hỏa lực cũng không cản được những chiếc xe tăng của ông vượt qua sông Spree từ trưa nay. Tới giờ bọn họ đã cách đó hàng dặm, vượt qua đám quân địch đang tan rã và tiến tới Lübben, gần chỗ đường ranh giới giữa quân của ông với của Zhukov dừng lại. Với Koniev, đã đến lúc gọi cho Stalin và xin phép để đội xe tăng của ông chuyển sang hướng bắc, tiến về Berlin.

       Koniev có đủ lý do để cao hứng. Đội xe tăng của ông hành quân với tốc độ nhanh không ngờ, dù nhiều nơi chiến sự vẫn còn khốc liệt và có thương vong nặng nề. Trước đó, vào sáng nay, ngày 17/4, khi ngồi xe tới mặt trận để quan sát cảnh vượt sông Spree, lần đầu tiên Koniev nhận ra trận chiến này khủng khiếp tới nhường nào. Xe ông phải chạy qua những khu rừng đang âm ỉ cháy, những cánh đồng lỗ chỗ hố bom. Ông kể, “Ở đó có hàng đống xe tăng bỏ không và cháy đen, trang thiết bị chìm trong sông suối, đầm lầy, cả mớ kim loại méo mó, và xác chết nằm la liệt khắp nơi – những gì còn sót lại của các đội quân chúng tôi đã chạm trán, giao tranh và vượt qua trên mảnh đất này.”

        Koniev nghĩ muốn vượt sông Spree sẽ khó khăn ghê gớm lắm, vì dòng sông này có chỗ rộng tới 55 mét. Lúc ông đến được sở chỉ huy của Tập đoàn quân Tăng Cận vệ của tướng Rybalko, đã có mấy chiếc tăng được phà chở qua sông, nhưng vận chuyển bằng phà thực sự quá chậm. Phải nhanh chóng vượt qua sông Spree.

       Koniev và Rybalko vội vàng đi tới một chỗ mà quân trinh sát báo về là có vẻ khá cạn. Dù khúc sông chỗ này rộng gần 45 mét, nhưng sau khi kiểm tra địa hình, Koniev quyết định liều, để một chiếc tăng lội qua thử xem sao. Rybalko chọn chiếc tốt nhất trong biệt đội tiên phong của mình và nói cho họ biết phải làm gì. Chiếc tăng lội xuống nước. Dưới làn đạn từ bờ tây, nó bắt đầu chậm chạp qua sông. Nước ngập quá bánh xích – nhưng không ngập sâu hơn. Ở chỗ này, dòng sông chỉ sâu chừng hơn 1 mét. Những chiếc tăng của Rybalko lần lượt lăn bánh xuống nước. Phòng tuyến sông Spree của Đức đã tan vỡ. Quân của Koniev ào ào vượt sông và tiến hết tốc độ về phía trước.

      Giờ đây, trong lâu đài Cottbus, cú điện thoại của ngài nguyên soái gọi tới Moscow đã được nối thông. Một sĩ quan phụ tá đưa ống nhe cho Koniev. Khi nói chuyện, ông đổi tông sang phong cách quân sự trịnh trọng mà Stalin vẫn luôn yêu cầu. Ông nói, “Tôi là Tư lệnh của Phương diện quân Ukraine số I.” Stalin đáp, “Đồng chí Stalin đây. Nói tiếp đi.”

      Koniev báo cáo, “Tình hình chiến lược của tôi như sau. Quân thiết giáp của tôi giờ còn cách bắc Finsterwalde chừng 23 km, bộ binh thì đang bên bờ sông Spree.” Ông ngừng lại. “Tôi đề nghị để quân thiết giáp của tôi được chuyển ngay sang hướng bắc.”

      Ông cẩn thận tránh nhắc tới Berlin.

      Stalin nói, “Zhukov đang gặp khó. Ông ấy vẫn còn đang kẹt ở phòng tuyến cao nguyên Seelow. Quân địch ở đó kháng cự rất quyết liệt và dữ dội.” Ông ta ngừng một chút. Rồi Stalin nói, “Giờ mặt trận chỗ anh trống rồi, sao không để quân thiết giáp của Zhukov tới Berlin từ đó? Như thế có được không?”

      Koniev vội nói, “Đồng chí Stalin, như thế sẽ mất nhiều thời gian và rất lộn xộn. Không cần phải đưa quân thiết giáp từ Phương diện quân Belorussia số I tới đây. Chúng tôi đang hành quân rất ổn.” Ông quyết đánh liều. “Tôi có đủ quân và đang ở vị trí hoàn hảo để cho quân thiết giáp của tôi chuyển hướng tới Berlin.”

      Koniev giải thích rằng ông có thể đưa quân tới thành phố qua ngả Zossen, cách Berlin 25 dặm về phía nam. Stalin chợt hỏi, “Bản đồ anh đang dùng có tỷ lệ xích bao nhiêu?” Koniev trả lời, “Một trên hai trăm nghìn.” Stalin dừng một chặp để quy đổi sang bản đồ của mình. Rồi ông ta nói, “Anh có biết Zossen là đại bản doanh của Bộ chỉ huy Tối cao của Đức không?” Koniev nói có. Lại yên lặng một hồi. Cuối cùng Stalin nói, “Rất tốt. Tôi đồng ý. Để xe tăng của anh đổi hướng tới Berlin đi.” Ngài Tổng tư lệnh nói thêm rằng ông sẽ đưa ra ranh giới quân sự mới, rồi ông ta đột ngột cúp máy. Koniev cũng gác máy, hết sức thỏa mãn.

       Zhukov nghe tin Koniev sẽ tấn công Berlin từ chính miệng Stalin nói – và với ông, đó rõ ràng không phải một cuộc chuyện trò vui vẻ. Không ai biết hai người đã nói gì, nhưng ban tham mưu trong sở chỉ huy có thể thấy được ảnh hưởng của nó với viên tư lệnh. Theo Trung tướng Pavel Troyanoskii, phóng viên cao cấp của tờ báo quân sự Sao Đỏ nhớ lại thì: “Cuộc tấn công bị chặn bước và Stalin khiển trách Zhukov. Tình huống khá nghiêm trọng, và một lời khiển trách từ Stalin thường sẽ không có từ ngữ nhẹ nhàng.” Troyanoskii có thể dễ dàng thấy được “Zhukov, một người có ý chí thép hiện rõ trên gương mặt và không thích chia sẻ vinh quang với bất kỳ ai, trở nên bừng bừng khí thế.” Tướng Popiel mô tả trạng thái tinh thần của Zhukov súc tích hơn. Ông nói với những người khác trong ban tham mưu, “Trong tay chúng ta đang có một con sư tử.” Con sư tử này không muốn để lộ móng vuốt. Chiều hôm đó, Zhukov dữ tợn nói với toàn thể Phương diện quân Belorussia số I : “Giờ chiếm Berlin thôi!”     
       Hiện tại, các phòng tuyến của Đức bắt đầu hỗn loạn. Chỗ nào cũng thiếu thốn đủ thứ. Nhất là về mặt vận tải, gần như không còn xăng nữa, đường xá thì chật ních dân chạy nạn, thành ra không thể hành quân quy mô lớn. Chuyện này đã dẫn đến các hậu quả thảm khốc: khi các đơn vị chuyển đổi vị trí, họ buộc phải bỏ lại trang thiết bị của mình, kể cả những khẩu pháo quý giá. Mạng lưới liên lạc cũng bị trì trệ, có chỗ mất hẳn. Hậu quả là, khi mệnh lệnh tới được điểm đến của nó thì thường đã lạc hậu – thậm chí là lạc hậu ngay từ khi được đưa ra.

       Tình trạng hỗn loạn càng tồi tệ thêm khi các sĩ quan ra mặt trận để đảm nhận một đơn vị nào đó và phát hiện ở đó chẳng có ai, vì đội quân đó đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt từ đời nào. Có nơi, những người lính không có kinh nghiệm, lại không có người chỉ huy, như rắn mất đầu, không biết chính xác là mình đang ở đâu hay ở cạnh quân mình là đội quân nào. Kể cả ở những đơn vị kỳ cựu, thì sở chỉ huy cũng thường xuyên phải di chuyển tới mức lính của họ không biết sở chỉ huy nằm ở đâu và làm sao để mà liên lạc.

      Các đơn vị liên tục bị mắc bẫy, bị bắt, hoặc dễ dàng bị vượt qua và bị tàn sát. Những đơn vị khác thì mất hết nhuệ khí, họ tan vỡ và bỏ chạy. Cụm Tập đoàn quân Vistula chỉ có hai chỗ còn nguyên vẹn. Vùng phía bắc do Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của tướng Hasso von Manteuffel trấn giữ, không bị ảnh hưởng gì bởi cuộc công kích khủng khiếp của Zhukov – nhưng Von Manteuffel đoán Phương diện quân Belorussia số II của Nguyên soái Konstantin Rokossovskii có thể tấn công bất cứ lúc nào. Xa hơn về phía nam, một phần của Tập đoàn quân 9 của tướng Busse cũng đang cầm cự. Nhưng bọn họ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng tan rã chung: cánh trái của họ dần vỡ nát trước cơn bão xe tăng của Zhukov; cánh phải bị mũi tiến công dũng mãnh về phía nam Berlin của Koniev bao vây một nửa. Thực sự thì, Cụm Tập đoàn quân Vistula đang vỡ tan từng mảnh một, trong hỗn loạn, hoang mang và chết chóc – đúng như Heinrici đã biết trước.

       Cũng như Heinrici, Von Manteuffel chưa bao giờ đánh giá thấp quân Nga; ông cũng từng nhiều lần giao đấu với bọn họ. Giờ ông đang ngồi trong chiếc máy bay trinh sát Storch quan sát quân địch từ phía trên sông Oder. Quân của Rokossovskii chẳng buồn che giấu công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới. Các đơn vị pháo binh và bộ binh đang vào vị trí. Von Manteuffel lấy làm lạ trước cái tính tự phụ của quân Nga. Nhiều ngày nay, khi ông bay qua bay lại bên trên trận tuyến của bọn họ, bọn họ còn không thèm nhìn lên.

      Von Manteuffel biết mình khó lòng cầm cự được lâu khi cuộc tấn công ập tới. Ông là một vị tướng thiết giáp nhưng lại chẳng có xe thiết giáp. Để chặn mũi tiến công của Zhukov ở quân khu của Tập đoàn quân 9, tướng Heinrici đã rút mất mấy sư đoàn thiết giáp ít ỏi còn lại của Von Manteuffel. Số này thuộc Quân đoàn SS 3, đóng ở rìa phía nam khu vực của ông, trong khu rừng Eberswalde.

     Tướng SS Felix Steiner, được Lục quân xem là một trong những vị tướng SS tài ba nhất, báo cáo lại là dù không còn xe tăng nhưng ông vừa được tăng viện. Ông nghiêm túc báo cáo với Von Manteuffel: “Tôi vừa mới nhận được 5.000 tên phi công thuộc Không quân, thằng cha nào cũng có một cái huân chương Chữ thập Sắt be bé đeo quanh cổ. Anh nói xem, tôi phải làm gì với bọn nó đây?”

      Von Manteuffel nói với ban tham mưu của ông,“Tôi chắc chắn là trên bản đồ của Hitler có một lá cờ nhỏ đề tên SƯ ĐOÀN THIẾT GIÁP 7, dù ở đây nó chẳng có lấy một chiếc tăng, xe tải, pháo hay thậm chí một khẩu súng máy cũng không. Chúng ta là một đội quân ma.”

       Giờ ngồi trên máy bay nhìn xuống công tác chuẩn bị của quân Nga, Von Manteuffel đoán cuộc tấn công chủ lực của bọn họ sẽ rơi vào khoảng ngày 20. Ông biết rõ mình phải làm gì. Ông sẽ cầm cự càng lâu càng tốt, rồi định để mấy người lính “tay sát tay, vai kề vai từng bước rút lui về phía Tây.” Von Manteuffel không muốn để ai rơi vào tay quân Nga, dù chỉ một người.

       Tình hình của Tập đoàn quân 9 đang bên bờ vực thẳm, nhưng các tư lệnh vẫn không nghĩ đến chuyện rút quân. Với tướng Theodor Busse, trừ khi có lệnh, còn không thì rút quân đồng nghĩ với tội phản quốc – và Hitler đã có lệnh chống chọi tới cùng. Những chiếc tăng của Zhukov đang càn quét như vũ bão sau khi vượt qua được cao nguyên Seelow, xé toạc một lỗ hổng lớn ở sườn phía nam của Tập đoàn quân 9, và giờ Phương diện quân Belorussia số I đang phóng tới Berlin với tốc độ chóng mặt. Vì phương tiện liên lạc gần như chẳng có, Busse không cách nào đánh giá được quy mô của cuộc đột phá này. Ông còn không biết mấy cuộc phản công có khép lại được lỗ hổng trong phòng tuyến của mình nữa hay không. Thông tin chính xác nhất mà ông có được là đội xe tăng của Zhukov chỉ còn cách ngoại ô Berlin có 25 dặm. Đáng báo động hơn là mũi tiến công đáng gờm của Koniev dọc theo sườn phía nam của Tập đoàn quân 9. Phương diện quân Ukraine số I giờ đang ở dưới Lübben, đang xếp hình vòng cung ngay sau Tập đoàn quân 9 và tiến về phía bắc tới thành phố. Busse tự hỏi, liệu Tập đoàn quân 9 có bị đánh tan như cụm tập đoàn quân của Model ở vùng Ruhr hay không?  Model may mắn ở một chỗ: ông ta bị quân Mỹ bao vây (*).

       Tình hình của Trung tướng Karl Weidling còn khó chịu hơn, Quân đoàn Thiết giáp 56 của ông đã gánh toàn bộ lực công kích trong cuộc đột phá của Zhukov trên cao nguyên Seelow. Quân đoàn của ông đã cầm chân Zhukov được 48 tiếng, gây ra vô số thương vong. Nhưng tướng Weidling mỏi mắt chờ các sư đoàn tăng viện được hứa hẹn trước đó – Sư đoàn SS Norland và Sư đoàn Đặc nhiệm Thiết giáp 18 hùng mạnh, khí giới đầy đủ – lại chẳng thấy bóng dáng đâu, không thì họ đã phản công và có khi chặn được đội xe tăng của Zhukov.

       Chỉ có một người của Sư đoàn SS Norland trình diện – là viên tư lệnh, Thiếu tướng SS Jürgen Ziegler. Ông ta tới sở chỉ huy của Weidling ở phía bắc Müncheberg bằng xe hơi, Ziegler bình tĩnh thông báo rằng sư đoàn của ông còn cách khá xa; vì đã hết nhiên liệu. Weidling điên tiết. Mọi sư đoàn thiết giáp đều cần quân dự bị cho những tình huống khẩn cấp như thế này. Nhưng Ziegler vốn không thích chiến đấu dưới quyền các sĩ quan quân đội, rõ ràng ông ta cho là sư đoàn của mình không cần gấp gáp tới đây. Giờ đây, phí mất 24 giờ đồng hồ quý báu để tiếp nhiên liệu, vậy mà Ziegler vẫn chưa vào vị trí. Sư đoàn Đặc nhiệm Thiết giáp 18 đáng lý phải tới chỗ Weidling hôm trước, tức ngày 17, thì chỉ vừa mới tới. Cuộc phản công mà đoàn quân này đáng ra sẽ thực hiện sẽ không thể diễn ra: sư đoàn này chỉ tới kịp giờ rút quân.
………………………….
(*): Vùng Ruhr đã bị xóa sổ hoàn toàn vào ngày 18/4. Ba ngày sau Model tự sát.    

       Weidling có vẻ khá ngoan cường trước vận xui. Khi đội ngũ xe tăng hùng hậu của Zhukov tràn xuống từ cao nguyên, đơn vị bị nặng nhất chính là đội quân mà Heinrici vẫn luôn bận tâm nhiều nhất: Sư đoàn Dù 9 của Goering. Vốn đã mất tinh thần từ lúc mới tham gia vào trận chiến trên cao nguyên, mấy anh lính dù của Goering hoảng sợ và rã đám khi xe tăng và pháo Nga bắn vào phòng tuyến của bọn họ. Đại tá Hans Oscar Wöhlermann, tư lệnh pháo binh mới của Weidling, đến đây vào ngày quân Nga mở màn cuộc tấn công qua sông Oder, đã chứng kiến sự tháo chạy tán loạn sau đó. Ông nói, chỗ nào cũng thấy lính lác “chạy đi như điên.” Ngay kể cả khi ông rút súng lục ra, mấy gã lính dù điên cuồng đó vẫn không dừng lại. Wöhlermann thấy viên tư lệnh của sư đoàn “cay đắng đứng một mình và hết sức đau lòng trước sự tháo chạy của người của mình, cố níu kéo lại những gì có thể.” Dần dần, cuộc đào tẩu liều lĩnh bị dừng lại, nhưng theo lời kể của Wöhlermann, đội quân dù được ca tụng hết lời của Goering “vẫn là một mối đe dọa đối với tiến trình của toàn bộ trận chiến.” Còn về phần Heinrici, khi hay tin ông liền gọi cho Goering đang ở Karinghall. Ông chua chát nói, ”Tôi có chuyện muốn nói với anh. Đám quân thắng lợi của anh, đám lính dù danh tiếng đó, ở, bọn nó chạy mất tiêu hết rồi.”

       Dù Weidling cố hết sức ngăn chặn quân thiết giáp Nga tấn công, nhưng mặt trận của Quân đoàn 56 cũng không thể giữ được. Tham mưu trưởng của Weidling là Trung tá Theodor von Dufving thấy rằng quân Nga “bắt đầu ép chúng ta lui lại bằng cách dàn quân hình móng ngựa – đánh từ cả hai bên và liên tục bao vây.” Quân đoàn 56 còn phải chịu không kích khốc liệt: Von Dufving đã phải xuống hầm ẩn nấp 30 lần chỉ trong 4 giờ đồng hồ. Chiến thuật gọng kềm của Liên Xô đã buộc Weidling phải di dời hai sở chỉ huy từ hồi trưa. Hậu quả là, ông đã mất liên lạc với sở chỉ huy của tướng Busse.

      Đến lúc hoàng hôn, Weidling đang ở trong một căn hầm thắp nến nằm ở Waldsieversdorf, phía tây bắc Müncheberg. Ở đó ông tiếp một vị khách: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Joachim von Ribbentrop, đang run rẩy và sợ hãi. Wöhlermann nhớ lại, “Ông ta cứ nhìn bọn tôi đầy vẻ mong đợi với ánh mắt buồn rầu và lo âu.”

       Khi nghe được sự thật về tình hình của Quân đoàn 56, “ông ta bị chấn động ghê gớm.” Ngài bộ trưởng ngần ngừ hỏi mấy câu bằng cái giọng khàn khàn, nhè nhẹ, rồi chỉ một lát sau ông ta đi. Wöhlermann và những người khác trong ban tham mưu vẫn mong Von Ribbentrop “sẽ nói với bọn tôi là phe ta đã bắt đầu đàm phán với quân Anh và quân Mỹ. Điều đó sẽ giúp bọn tôi có thêm hi vọng trong giờ phút cuối cùng.”

       Nhưng ông ta chẳng nói gì.

       Sau khi ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quay gót thì có một người khác tới là Artur Axmann, nhà lãnh đạo 32 tuổi bị cụt một tay của Đoàn Thanh niên Hitler. Anh ta đem tới một tin tức mà anh ta tin chắc sẽ làm Weidling hài lòng. Axmann thông báo rằng những đoàn viên trẻ tuổi của Đoàn Thanh niên Hitler đã sẵn sàng chiến đấu và giờ đang đóng ở mấy con đường phía sau Quân đoàn 56. Phản ứng của Weidling trước cái tin này lại không giống như Axmann mong đợi. Theo Wöhlermann nhớ lại, Weidling giận tới mức độ không nói nên lời. Rồi “bằng giọng điệu cực kỳ thô lỗ,” ông kịch liệt phê phán kế hoạch của Axmann. Ông giận dữ nói với viên bí thư của Đoàn Thanh niên, “Cậu không thể hy sinh bọn nhỏ trong khi ta đã thua tới nơi. Tôi sẽ không dùng tới bọn nó và tôi yêu cầu hủy bỏ mệnh lệnh đưa bọn nó ra chiến trường.” Anh chàng Axmann béo lùn vội nói với Weidling rằng sẽ hủy lệnh ngay.

      Nhưng nếu như chỉ thị đó có được đưa ra, thì nó cũng chưa từng tới được chỗ hàng trăm cậu bé trong Đoàn Thanh niên Hitler đang đóng ở các lối vào thành phố. Bọn chúng vẫn giữ nguyên vị trí. Trong 48 giờ tới, chúng sẽ bị các đợt tấn công của Nga đè bẹp. Willy Feldheim cùng 130 cậu bé trong trung đội của cậu bị sa lầy; cả đám hỗn loạn chạy trốn rồi cuối cùng dừng lại và cố giữ một phòng tuyến chỉ có vài con hào và một boong-ke bảo vệ. Sau rốt, Willy vì quá kiệt quệ do sợ hãi, đã nằm ngủ thẳng cẳng trên một băng ghế trong lúc giao tranh tạm lắng.

       Mấy tiếng sau, cậu tỉnh giấc và có cảm giác kỳ lạ là có gì đó không ổn. Có tiếng ai đó nói, “Không biết tình hình sao rồi? Yên ắng quá đi mất.”

       Các cậu bé ùa ra khỏi boong-ke – và thấy “một cảnh tượng điên cuồng không thể tin được, cứ như ở trong một bức tranh cổ vẽ các trận chiến của Napoleon.” Ánh nắng rực rỡ, và xác người la liệt khắp nơi. Chẳng có thứ gì còn đứng vững được. Nhà cửa đổ nát hết. Những chiếc xe hơi hỏng hóc bị bỏ lại, vài chiếc còn đang bốc cháy ngùn ngụt. Cơn sốc tệ nhất là những xác chết. Bọn họ nằm chất đống, “thành một hoạt cảnh kỳ dị, súng trường và súng Panzerfäuste của họ chất ngay bên cạnh. Thật là điên rồ. Và rồi bọn tôi nhận ra mình hoàn toàn đơn độc.”

      Bọn chúng đã ngủ suốt đợt tấn công.

      Ở Berlin, tình hình căng thẳng qua từng giờ. Các đội quân ít ỏi của tướng Reymann đóng ở các vành đai phía ngoài đã được cảnh báo là tín hiệu “Clausewitz,” mật hiệu báo thành phố bị tấn công, có thể tới bất cứ lúc nào. Nhiều biện pháp khẩn cấp được thực hiện, giúp cho mọi người dân Berlin biết khoảnh khắc của sự thật đã đến. Trong số đó, rào chắn trên các đường phố lớn đã bắt đầu đóng lại.

       Đến cả Goebbels cũng không thể lờ đi mối đe dọa này được nữa. Một loạt tin tức và khẩu hiệu kích động tuôn ra từ Bộ Tuyên truyền. Tờ báo chính thức của Đảng Nazi là Völkischer Beobachter thông báo rằng quân Liên Xô đã vượt sông Oder, và nói: “Một thử thách mới và vô cùng nặng nề, có lẽ là nặng nề nhất từ trước tới giờ, đang ở phía trước chúng ta.” Tờ báo tiếp tục, “Hôm nay, từng tấc đất mà quân thù giành lấy, từng chiếc xe tăng Liên Xô mà một người lính đặc nhiệm, một người lính Volkssturm, hay một đoàn viên Hitler tiêu diệt được đều có ý nghĩa hơn hẳn những lúc khác trong cuộc chiến này. Lời dành cho hôm nay là: Cắn chặt răng lại! Hãy chiến đấu như những con ác quỷ! Đừng dễ dàng từ bỏ một tấc đất nào! Giờ phút quyết định này đòi hỏi nỗ lực tột bâc lần cuối!”

      Người dân Berlin được cảnh báo là quân Nga đã quyết định xong số phận của cư dân trong thành phố. Goebbels cảnh báo, ai không bị giết ngoài rào chắn, thì sẽ “bị lưu đày làm nô lệ lao dịch.”

       Chiều ngày 18, tướng Reymann được lệnh từ Dinh Thủ tướng, sau đó lại được Goebbels gọi tới xác nhận, nói rằng “Tập đoàn quân 9 yêu cầu mọi lực lượng có thể có, kể cả Volkssturm, để giữ phòng tuyến thứ hai.”

      Nói cách khác, số quân bảo vệ vòng ngoài thành phố sẽ bị tước đi. Reymann choáng váng mặt mày. Mười tiểu đoàn Volkssturm vội vã tập trung, cùng với một trung đoàn gồm các đơn vị lính phòng không của trung đoàn vệ binh “Nước Đức vĩ đại.” Sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm và trưng dụng, bọn họ tập hợp được một lô xe cộ hổ lốn rồi hành quân về phía đông. Đứng nhìn họ rời đi, Reymann quay qua người cấp phó của Goebbels. Ông giận dữ nói, “Đi nói với Goebbels là không thể nào bảo vệ thủ đô được nữa. Cư dân ở đây không có thứ gì phòng bị cả.”

                             *****************    
       Carl Wiberg không lộ cảm xúc gì trên mặt, nhưng ông nhận thấy tay mình đang run rẩy. Sau nhiều tháng đằng đẵng làm nhiệm vụ, giờ ông thấy không thể tin vào tai mình được nữa. Ông đứng giữa những khách hàng khác, gần quầy tính tiền chính của cửa hàng thực phẩm chợ đen, ông cúi xuống vỗ về hai con chó nhỏ của mình; làm thế giúp ông nghe rõ hơn một chút, dù hai người phụ nữ ăn diện đẹp đẽ đứng cạnh ông không hề thì thầm bí mật gì cho cam.

       Phần lớn người dân Berlin không hề biết tới cửa tiệm vẫn còn dồi dào hàng hóa này. Nó chỉ bán cho các khách hàng chọn lọc, gồm những nhân vật cấp cao trong bộ máy Nazi. Wiberg là khách quen ở đây cũng khá lâu rồi, và ông đã lượm lặt được nhiều mẩu tin chính xác nhờ nghe ngóng từ những người khách như hai quý bà đắng trước. Ông nghĩ thông tin của họ hẳn phải chính xác; vì chồng cả hai người đều là quan chức Nazi trọng yếu.

       Wiberg quyết định là mình đã nghe đủ. Ông thu thập các món mình mua, vứt chiếc mũ mềm của ông cho chủ tiệm, rồi ra khỏi cửa hàng. Ông rảo bước nhanh trên đường, vì muốn mau chóng tìm Jessen-Schmidt.

      Mấy tiếng sau, sau một hồi dài bàn bạc, cả hai nhất trí là tin tức của Wiberg là thật. Đến chiều thứ 4 ngày 18/4, một bức điện được gửi đến London. Dù mọi hi vọng khác của họ đã tan vỡ, Wiberg rất hi vọng là phe Đồng minh sẽ có hành động khi nhận được báo cáo này. Theo những gì ông nghe được trong cửa tiệm, chắc chắn Hitler đang ở Berlin – trong sở chỉ huy ở Bernau, cách thành phố có 14 dặm về phía tây bắc. Liệu còn món quà nào tuyệt hơn được nữa cho sinh nhật thứ 56 của Hitler, vào ngày 20/4, ngoài một cuộc không kích hạng nặng?
                           *****************
     Thượng tướng Alfred Jodl, Tư lệnh Chiến dịch của Hitler về nhà lúc 3 giờ sáng ngày 20/4. Mặt ông hằn rõ vẻ mệt mỏi và lo lắng. Ông buộc phải nói với bà vợ tên là Luise, là cơn khủng hoảng đã đến. Ông nói, “Em nên gói ghém đồ đạc và chuẩn bị sẵn sàng rời khỏi đây đi.”

     Luise cãi lại; bà muốn tiếp tục làm ở Hội Chữ thập Đỏ. Nhưng Jodl cứ khăng khăng. Ông nói, “Nếu đúng tên em, bọn Nga sẽ không chờ một ngày nào mà sẽ đưa em tới thẳng nhà tù Lubianka ngay.”

      Bà hỏi, bọn họ sẽ đi đâu? Jodl nhún vai. Ông nói, “Lên phía bắc hoặc xuống phía nam, ai biết. Nhưng anh hy vọng hai chúng ta có thể cùng nhau đối mặt với cái kết.” Hai người nói chuyện gần cả đêm. Gần tới 10 giờ sáng thì còi báo động vang lên. Jodl nói, “Anh cuộc với em là hôm nay Berlin sẽ chịu một cơn mưa bom lớn hơn bình thường. Sinh nhật Hitler mà lại.”

     Jodl vội vàng đi lên lầu cạo râu trước khi quay lại căn hầm Führerbunker. Hôm nay sẽ không khác mấy với các sinh nhật khác của Quốc trưởng: sẽ có cuộc diễu hành như thường lệ của các quan chức chính phủ và thành viên nội các đến chúc mừng Hitler, và Jodl cũng phải có mặt. Khi xuống lầu, Luise đưa mũ và thắt lưng cho ông. Ông cầm lấy cặp táp và hôn tạm biệt bà. Ông nói, “Anh phải mau đến chúc mừng thôi.” Ngày nào Luise cũng tự hỏi liệu họ có còn được gặp nhau nữa không. Khi ông bước vào xe hơi, bà gọi với theo lưng chồng, “Chúa ban phước lành cho anh.”

     Một thành viên nội các khác của Hitler cũng đã sẵn sàng đến dự lễ. Thống tướng Hermann Goering định trình diện chỉ để chứng tỏ ông ta vẫn còn trung thành, nhưng rồi từ đó ông ta sẽ đi xuống phía nam. Goering quyết định là đã tới lúc nói lời tạm biệt với tòa lâu đài và dinh thự đồ sộ ở Karinhall, cách Berlin khoảng 50 dặm về phía tây bắc. Ông ta đưa ra quyết định không lâu sau khi quân Liên Xô bắt đầu dội bom lúc 5:30 sáng. Goering lập tức gọi tới sở chỉ huy của Heinrici ở Prenzlau gần đó. Ông ta được báo là cuộc tấn công vào miền bắc đã mở màn: Phương diện quân Belorussia số II của Rokossovskii cuối cùng cũng đã phát động tấn công Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel. Goering biết rõ lực lượng của Von Manteuffel hoàn toàn không tương xứng. Viên thống tướng đã dạo qua mặt trận đó vài lần trong mấy tuần trước, cao giọng nói với từng vị tướng một là “vì cứ lãng phí thời gian nên mới chưa chuẩn bị được gì. Quân Nga sẽ vượt qua phòng tuyến của các anh thôi dễ hơn ăn cháo.”

      Bản thân Goering thì đã chuẩn bị kỹ cho thời khắc này. 24 chiếc xe tải Không quân đậu thành hàng trên con đường chính bên ngoài dinh thự của ông ta, chất đầy của cải trong Karinhall – những món đồ cổ, tranh vẽ, đồ bạc và đồ nội thất. Đoàn xe chở hàng này sẽ thẳng tiến về phía nam ngay lập tức. Phần lớn mọi người trong sở chỉ huy Không quân ở Berlin, cùng tư trang của họ, sẽ đi bằng một đoàn xe khác cùng ngày nhưng muộn hơn. (1)

      Giờ đây, đứng ở cổng chính, Goering nói mấy lời cuối cùng với viên chỉ huy đoàn xe. Đoàn xe khởi hành, vây quanh bởi những chiếc mô tô. Goering đứng nhìn tòa lâu đài đồ sộ với những mái nhà và cột trụ nguy nga. Một viên kỹ sư Không quân đi tới; anh ta nói mọi thứ đã sẵn sàng. Trong lúc mấy người thuộc cấp và dân làng đứng nhìn, Goering băng qua đường, cúi xuống một cái kíp nổ và ấn nút. Với một tiếng ầm dữ dội, Karinhall (Tòa lâu đài của Goering) nổ tung.

      Không chờ bụi lắng xuống, Goering quay lại xe hơi. Ông ta quay sang một viên kỹ sư và bình tĩnh nói, “Đấy là cái mà đôi khi anh phải làm khi anh là thái tử.” Đóng sầm cửa lại, ông ta cho xe chạy tới Berlin, mừng sinh nhật Quốc trưởng.
…………………  
          (1): Goering có thể có nhiều hơn 24 chiếc xe tải. Heinrici tin là ông ta có “bốn đội xe.” Tuy nhiên, số này có thể gồm cả số xe tải rời Berlin muộn hơn cùng ngày. Một sự thật thú vị là vào thời điểm đó, máy bay phải nằm trên mặt đất và xe cộ thì không chạy được vì không có xăng, nhưng Goering không chỉ có xe tải trong tay mà còn có hàng đống xăng nữa.

      Hitler dậy lúc 11 giờ trưa, và liên tục nhận được lời chúc mừng từ bè lũ thân cận của ông ta – trong đó có Joseph Goebbels, Martin Bormann, Joachim von Ribbentrop, Albert Speer, và các tướng lĩnh quân sự....

       Karl Doenitz, Wilhelm Keitel, Alfred Jodl, Hans Krebs và Heinrich Himmler. Sau đó là các quận trưởng của Berlin, các thành viên trong ban tham mưu và các thư ký. Rồi khi tiếng súng từ xa vọng tới, Hitler đi ra khỏi hầm, đoàn tùy tùng theo sau. Tại đó, giữa khu vườn lộn xộn vì bị dội bom của Dinh Thủ tướng, ông ta đến kiểm tra hai đơn vị – Sư đoàn SS “Frundsberg”, một đơn vị vừa mới tới từ Tập đoàn quân Courland (1), và một nhóm nhỏ đầy tự hào thuộc Đoàn Thanh niên Hitler của Axmann. Sau đó khá lâu, Axmann kể lại, “Ai cũng sốc khi Quốc trưởng xuất hiện. Ông ấy đi hơi khom người, tay run run. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là từ người đàn ông đó vẫn tỏa ra sức mạnh tinh thần và lòng kiên định.” Hitler bắt tay các cậu bé và trao huân chương cho vài người mà Axmann giới thiệu là “đã chứng tỏ được bản thân ngoài mặt trận.”

      Rồi Hitler đi xuống hàng lính SS. Ông ta bắt tay từng người, rồi tự tin dự đoán rằng quân thù sẽ thua trận trước khi tới được Berlin. Himmler, thủ lĩnh lực lượng SS đứng nhìn. Từ ngày 6/4, ông ta đã nhiều lần bí mật gặp gỡ bá tước Folke Bernadotte, hội trưởng Hội Chữ thập Đỏ Thụy Điển. Himmler đã mập mờ nói với Bernadotte về khả năng đàm phán các điều kiện hòa bình với phe Đồng minh, nhưng giờ đây, ông ta bước lên trước và tái xác nhận lòng trung thành của mình và của SS với Hitler. Ông ta định gặp Bernadotte một lần nữa trong vài tiếng đồng hồ tới.

      Ngay sau buổi duyệt quân, hội nghị quân sự của Hitler bắt đầu. Vào lúc đó, Goering tới. Tướng Krebs tóm lược tình hình, dù ai cũng đã biết là quá sức quen thuộc. Berlin sẽ bị bao vây, đây là chuyện tính bằng ngày, nếu không muốn nói bằng giờ. Và trước khi điều đó xảy ra, Tập đoàn quân 9 của Busse sẽ bị bao vây và bị bắt, trừ khi có lệnh rút lui. Đối với các cố vấn quân sự của Hitler, có một điểm hết sức rõ ràng: Quốc trưởng và các bộ ngành quan trọng của chính phủ còn ở lại Berlin cần phải rời khỏi thủ đô, đi về phía nam.

      Keitel và Jodl đặc biệt thúc giục việc di dời, nhưng Hitler không chịu thừa nhận là tình hình lại nghiêm trọng tới mức đó. Đại tá Nicolaus von Below, sĩ quan quản trị Không quân của Hitler kể lại, “Hitler khẳng định là trận chiến ở Berlin là cơ hội duy nhất để tránh thất bại toàn diện.” Ông ta chỉ nhượng bộ một điều: nếu quân Mỹ và quân Nga hợp lại ở sông Elbe, thì ở miền bắc sẽ do Đô đốc Doenitz chỉ huy, còn miền nam có thể là Đại nguyên soái Albert Kesselring. Đồng thời, các cơ quan chính phủ sẽ được quyền rời khỏi Berlin ngay tức khắc.

      Hitler không nói gì về kế hoạch của riêng mình. Nhưng có ít nhất ba người trong hầm tin là ông ta sẽ không bao giờ rời khỏi Berlin. Mấy ngày trước, Johanna Wolf, một thư ký của Hitler vừa nghe ông ta nói là “ông ta sẽ tự kết liễu nếu thấy tình hình không thể cứu vãn được nữa.” Von Below cũng tin là “Hitler đã quyết tâm ở lại Berlin và chết ở đây.” Khi về nhà, Jodl nói với vợ là Hitler từng nói riêng với ông, “Này Jodl, chừng nào còn có người thật lòng chiến đấu bên tôi, thì tôi sẽ còn chiến đấu và rồi tôi sẽ tự sát.” (2)

        Phần lớn các cơ quan chính phủ đã rời khỏi Berlin, nhưng số cơ quan còn lại có vẻ như đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt nhiều ngày nay, như những vận động viên điền kinh chờ phát súng báo hiệu. Cuộc di tản thực sự bắt đầu; nó sẽ tiếp tục cho tới khi nào thành phố bị bao vây hoàn toàn. Tham mưu trưởng Không quân, tướng Karl Koller, viết trong nhật ký là Goering đã rời đi. Koller viết, “Tự nhiên ông ta bỏ tôi lại đây để đón nhận cơn thịnh nộ của Hitler.” Các quan chức lớn nhỏ đều sửa soạn chạy trốn. Philippe Hambert, một lao động cưỡng chế trẻ tuổi người Pháp, anh là người vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Tiến sĩ Karl Dustmann, một kiến trúc sư của Hiệp hội Lao động Todt, kinh ngạc đến ngẩn người khi ông chủ tự dưng tặng mình 1.000 mark (khoảng 250 đô-la) rồi rời khỏi thành phố. Margarete Schwarz đứng trong vườn nhà ở quận Charlottenburg, nhìn xuống đường và thấy một chiếc xe hơi màu xanh to đùng có tài xế đậu bên ngoài một ngôi nhà gần đó. Hàng xóm của cô là Otto Solimann nhập hội, hai người cùng quan sát “thấy một ông già mặt áo khoác trắng gọn ghẽ, cùng một sĩ quan hải quân có bộ đồng phục kín mít huy chương” rời khỏi nhà. Chiếc xe nhanh chóng được chất đầy hành lý. Rồi hai người đó ngồi vào xe “và lái đi nhanh hết cỡ.” Solimann nói với Margarete: “Lũ chuột đang tháo chạy khỏi con tàu đắm kìa. Đó là Đô đốc Raeder đấy.”

       Tổng cộng, văn phòng của Sĩ quan chỉ huy Berlin đã cấp hơn 2.000 giấy phép rời khỏi thủ đô. Sau này, Đại tá Hans Refior là Tham mưu trưởng nhớ lại, “Các công chức của đảng và nhà nước đưa ra những lý do rất buồn cười, yêu cầu rời khỏi thành phố. Dù Goebbels đã ra lệnh ‘Ai có thể cầm vũ khí thì không được rời Berlin,’ nhưng bọn tôi không làm khó ‘những chiến binh gia đình’ muốn được ra đi. Sao phải giữ mấy kẻ đáng khinh đó lại? Cả đám bọn đó đều tin là có chạy trốn thì mới giữ được cái mạng quý giá của mình. Phần đông dân cư đều ở lại. Dù gì họ cũng chả chạy được, vì phương tiện vận tải rất là thiếu thốn.”

      Tại phòng khám nha khoa ở số 213 Kurfürstendamm, cô nàng tóc vàng Käthe Heusermann có điện thoại từ ông chủ. Nha sĩ hàng đầu của đảng Nazi, giáo sư Hugo J. Blaschke sắp rời khỏi đây. Mấy ngày trước, Blaschke đã bảo Käthe gói ghém hồ sơ nha khoa, máy chụp X quang, khuôn răng và các thiết bị khác thành từng hộp để gửi về miền nam. Blaschke nói ông đoán là “nhóm Thủ tướng sẽ đi bất kỳ lúc nào và chúng ta sẽ đi chung với bọn họ.” Käthe nói cô muốn ở lại Berlin. Blaschke nổi khùng lên. Ông hỏi, “Cô có biết bọn Nga mà tới đây thì sẽ ra sao không hả? Đầu tiên cô sẽ bị hiếp. Rồi bị đưa đi treo cổ. Cô có biết bọn Nga là những kẻ thế nào không hả?” nhưng Käthe chỉ là “không thể tin mọi chuyện sẽ tệ tới mức đó.”

      Sau này cô kể lại, “Tôi không hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Có thể như thế là ngu ngốc, nhưng tôi bận tới mức không nhận ra mọi chuyện đã trở nên tồi tệ tới đâu.” Lần này Blaschke rất kiên quyết. Ông giục, “Thu dọn đồ đạc rồi ra ngoài mau. Nhóm Thủ tướng và gia đình bọn họ sắp đi rồi.” Nhưng Käthe cũng cứng đầu lắm. Cô định ở lại thành phố. Blaschke nói, “Được, nhớ lấy những gì tôi đã nói với cô đấy.” Rồi ông gác máy.

      Đột nhiên Käthe nhớ tới một chuyện mà Blaschke đã bảo cô làm vài ngày trước. Nếu ông rời khỏi thành phố mà cô còn ở lại, thì cô cần cảnh báo cho một người bạn của ông – bằng một câu mật hiệu, vì Blaschke nói “điện thoại có thể bị nghe lén” – là các đầu sỏ Nazi đang chạy trốn.

       Nếu cả đám đều đi hết thì cô sẽ nói, “Tối qua đã tháo phần cầu răng giả rồi.” Còn nếu chỉ có một số người đi, thì câu đó sẽ là “Tối qua chỉ nhổ một cái răng.” Cô không biết bạn của Blaschke là ai, trừ một điều “ông ta tên là giáo sư Gallwitz hay Grawitz gì đó và tôi nghĩ Blaschke từng nói ông ấy là một nha sĩ cao cấp cho lực lượng SS.” Blaschke chỉ đưa cho cô một số điện thoại. Giờ, khi nghe toàn thể “nhóm Thủ tướng” đã đi khỏi, cô bèn gọi tới số đó. Khi một người đàn ông nghe máy, Käthe nói, “Tối qua đã tháo phần cầu răng giả rồi.”

       Tối hôm đó, chừng mấy tiếng sau, giáo sư Ernst Grawitz, hội trưởng Hội Chữ thập Đỏ Đức và là bạn của Heinrich Himmler ngồi ăn tối cùng gia đình. Khi ai nấy đã yên vị, Grawitz, cúi xuống, tháo chốt hai quả lựu đạn cầm tay, đưa cả nhà đến cõi u minh. (3)
                       ………………………………….
         (1): Bị bao vây hoàn toàn ở vùng Baltic, phần tàn dư của Tập đoàn quân Courland cuối cùng chạy thoát bằng tàu và tới được Swinemünde vào đầu tháng 4. Trong số 18 sư đoàn, chỉ còn vài tàu chở người, không kể thiết bị, tới được nước Đức..
         (2): Lời Hitler nói với Jodl được Luise Jodl viết trong cuốn nhật ký chi tiết của bà. Sau phần mở đầu là đoạn này: “Chồng tôi nhớ lại là ‘trừ một lần khác, sau khi vợ trước của anh qua đời, đây là lần duy nhất mà Hitler nói chuyện riêng với anh.’”
        (3): Các bằng chứng tại các phiên tòa ở Nuremberg cho thấy Grawitz còn là bác sĩ phẫu thuật chính của Himmler, và đã cho phép thực hiện nhiều thí nghiệm y học trên các tù nhân trong trại tập trung.  

      Cuộc đại đào tẩu sẽ luôn được người dân Berlin nhớ tới với cái tên “cuộc chạy trốn của Chim trĩ vàng.” Nhưng hôm đó, đa phần người ta chú ý đến quân Nga đang tiến gần hơn là các quan chức Nazi chạy trốn. Helena Boese, vợ đạo diễn Karl Boese kể mối bận tâm duy nhất là “làm sao để sống sót.” Quân Liên Xô đã tới Müncheberg và Strausberg, cách phía đông thành phố chừng 15 dặm; và giờ khắp thành phố đang rò rỉ tin tức là quân Nga còn một mũi tấn công khác đang tiến về thủ đô từ hướng nam, qua ngả Zossen. Nhà biên kịch Georg Schröter, sống ở Tempelhof, nghe được chuyện này trước tiên. Vì lo cho một cô bạn là nghệ sĩ biểu diễn trong quán rượu, tên là Trude Berliner, sống ở một quận hẻo lánh phía nam Berlin, Schröter gọi điện tới nhà cô. Cô nghe máy rồi nói, “Chờ chút.” Một khoảng yên ắng. Rồi cô nói, “Ở đây có người muốn nói chuyện với cậu.” Schröter nói chuyện với một đại tá Liên Xô nói tiếng Đức rất giỏi. Ông ta nói với Schröter còn đang kinh ngạc, “Anh có thể tin là chúng tôi sẽ tới đó trong hai ba ngày nữa mà thôi không ?”

     Các mặt trận khắp nơi đang thu hẹp lại – cả ở phía bắc, phía nam lẫn phía đông. Và giờ gần như mọi cỗ máy của thủ đô điêu tàn đều đang hoạt động trì trệ, thậm chí ngừng hẳn. Các nhà máy đóng cửa; xe điện ngừng chạy; tàu điện ngầm cũng dừng hoạt động, trừ khi chở những người lao động quan trọng. Ilse König, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, làm ở sở y tế thành phố, còn nhớ tấm Roter Ausweis (vé xe đỏ) mà  cô nhận được để tiếp tục đi đến chỗ làm. Không còn ai thu gom rác nữa; cũng không thể gửi thư được. Gertrud Evers, làm ở sở bưu điện chính trên đường Oranienburgerstrasse, nhớ lại “cái mùi hôi thối kinh khủng từ mấy gói hàng thực phẩm đã hỏng chưa gửi được còn treo trong tòa nhà.” Vì phần đông cảnh sát đều được đưa vào các đơn vị chiến đấu hoặc Volkssturm, nên trên đường phố cũng chẳng còn cảnh sát tuần tra nữa.

       Đối với nhiều người, vào cái ngày 20/4 ấy, độ nghiêm trọng của tình hình đã lan đến tận nhà, bởi một sự kiện duy nhất: sở thú đã đóng cửa. Ở đó cúp điện vào đúng 10:50 sáng, nên không thể bơm nước được. Bốn ngày sau điện sẽ có lại, nhưng chỉ trong 19 phút. Sau đó sẽ cúp điện tiếp, cho tới khi nào trận chiến kết thúc. Nhưng từ ngày hôm nay trở đi, những người giữ thú biết là chắc chắn nhiều con thú sẽ phải chết – nhất là mấy con hà mã trong hồ nước và mấy con vật trong bể cá đã được cứu trước đó. Người coi chuồng chim Heinrich Schwarz thì rất lo cho tình trạng của con cò mỏ giày quý hiếm, nó đang chết đói từ từ nhưng không thể tránh khỏi trong phòng ngủ của ông, Schwarz không biết liệu con cò có thể sống sót mà không có nước hay không. Ông già 63 tuổi quyết định sẽ xách từng xô nước về nhà cho tới khi nào ông gục xuống – và không chỉ cho con cò Abu, mà còn cho con hà mã Rosa và đứa con hai tuổi của nó là Knautschke.

       Giám đốc sở thú Lutz Heck đang khó xử. Ông biết dần dần cũng phải giết mấy con thú dữ, nhất là con khỉ đầu chó nổi tiếng, nhưng ông cứ trì hoãn miết. Thấy phiền muộn và cần yên tĩnh một lúc, Heck đã làm một chuyện ông chưa từng làm trong đời: đi câu cá ngoài kênh Landwehr với một người giữ thú. Ở đó, trong lúc “suy nghĩ đủ chuyện,” hai người câu được hai con cá măng.

       Hôm đó, giám đốc mạng xe điện ngầm của thành phố là Fritz Kraft đã gặp thị trưởng Berlin, Julius Lippert. Viên thị trưởng đưa ra một số chỉ đạo khá thực tế cho Kraft và các quản lý xe điện ngầm. Lippert nói với cả nhóm, “Nếu quân Đồng minh phương Tây tới đây trước, thì cứ giao cho họ hệ thống xe điện ngầm còn nguyên vẹn. Còn nếu quân Nga tới trước…” Ông ngừng lại, nhún vai và nói, “Thì cố phá càng nhiều càng tốt.” Các tổng đài điện thoại tự động nhỏ cũng nhận được chỉ thị tương tự. Bộ phận cơ khí của tổng đài Buckow được lệnh thà phá hủy hết cơ sở vật chất còn hơn để quân Nga chiếm được. Nhưng anh thợ bảo trì Herbert Magder chợt nhận ra là không có ai hướng dẫn cho họ phải phá làm sao cả. Theo Magder biết thì chả có một tổng đài nào bị phá hủy cả. Hầu hết vẫn tiếp tục hoạt động trong suốt trận chiến.

       Các nhà máy cũng được lệnh phải tự hủy, theo đúng chính sách tiêu thổ của Hitler. Giáo sư Georg Henneberg, trưởng phòng hóa chất của nhà máy Schering ở quận Charlottenburg, kể là giám đốc nhà máy gọi toàn bộ nhà hóa học tới và đọc một mệnh lệnh mà ông vừa mới nhận được. Sắc lệnh đó nói khi quân thù tới gần hơn, cần phá hủy hết cơ sở hạ tầng điện, nước, ga và nồi hơi. Sếp của Henneberg đọc xong thì ngừng một chút rồi nói, “Các quý ông, giờ các bạn biết mình không được làm gì rồi đấy.” Ông tạm biệt bọn họ rồi đóng cửa nhà máy, vẫn giữ nguyên xi. Theo Henneberg nhớ lại thì “Bọn tôi chào nhau lần cuối với từng người một.”

        Nhiều năm sau, người dân Berlin vẫn nhớ tới ngày 20/4 đó, vì một lý do khác nữa. Không biết là vì ăn mừng sinh nhật Quốc trưởng hay vì trạng thái đề phòng cao điểm của trận chiến sắp đến, hôm đó chính phủ đã cấp thêm thực phẩm cho những người dân đói khát, gọi là “khẩu phần trong khủng hoảng.” Cựu chiến binh Jurgen-Erich Klotz, 25 tuổi và bị cụt một tay, nhớ là khẩu phần phát thêm gồm một pound sườn heo muối hoặc xúc xích, nửa pound gạo hoặc bột yến mạch, 250 hạt đậu lăng hoặc đậu Hà Lan khô, một hộp rau, hai pound đường, khoảng một ounce cà phê, một túi nhỏ cà phê loại hai (không hẳn là cà phê) và một ít bơ. Dù hôm đó Berlin bị không kích gần 5 tiếng đồng hồ, các bà nội trợ vẫn bất chấp bom đạn để đi nhận khẩu phần phát thêm. Số đó có thể dùng được 8 ngày, như bà Anne-Lise Bayer nói với chồng, “Với phần thức ăn này, ta có thể lên thiên đường được đấy.” Rõ ràng người dân Berlin nào cũng nghĩ như thế; vì phần thức ăn phát thêm đó được bọn họ ưu ái gọi bằng cái tên Himmelfahrtsrationen – khẩu phần của Lễ thăng thiên (1).

                               **************  
        (*): Ngày thứ 40 sau Lễ Phục sinh – ND.

       Ở Gresse, phía bắc sông Elbe, các kiện hàng của Hội Chữ thập Đỏ đã tới chỗ 12.000 tù binh chiến tranh của Chuẩn úy Dixie Deans. Deans đã sắp xếp xong xuôi. Anh thậm chí còn thuyết phục viên sĩ quan chỉ huy là Đại tá Ostmann cho phép nhóm Không lực Hoàng gia Anh đi tới trung tâm của Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế ở Lübeck rồi lái xe tải quay về đây để tiết kiệm thời gian.

       Hiện tại, hàng hàng lớp lớp người đứng chật kín các con đường quanh thị trấn, nơi đang phân phát đồ. Deans thông báo, “Một người được hai gói.” Trung sĩ Không lực Hoàng gia Anh Calton Younger kể, “Nó có tác động lớn lao đến tinh thần của mọi người. Các kiện hàng đó tới được đây là cả một phép màu và chúng tôi lập tức tôn Deans làm thánh.”

       Deans đạp xe từ hàng này sang hàng khác bằng chiếc xe đạp cà tàng với cái lốp xe tơi tả, thấy ai nấy đều đã nhận được khẩu phần của mình, anh cảnh báo những người tù đang chết đói tới nơi vì bao lâu nay chỉ ăn toàn rau là không được ăn quá nhiều mà “phải để dành càng nhiều càng tốt, vì ai biết được bọn Đức còn giở trò gì.” Dẫu vậy, Deans thấy đa số đều “ăn như thể đây là bữa cuối cùng.” Trung sĩ Không lực Hoàng gia Anh Geoffrey Wilson ăn ngấu nghiến cả gói: thịt bò muối, bánh quy, sô-cô-la – và hơn hết là 120 điếu thuốc lá. Anh “ăn như khùng, hút thuốc như điên, vì tôi thà chết no chứ không muốn làm ma đói.”

       Chín chiếc máy bay chiến đấu Typhoon của Không lực Hoàng gia Anh phát hiện ra bọn họ khi họ đang ngồi ăn. Mấy chiếc máy bay lượn vòng vòng trên đầu, và rồi, theo Wilson mô tả, chúng tách ra và hạ dần độ cao “một cách diệu kỳ như trong mơ.” Ai đó kêu lên, “Chúa ơi! Họ đang đến chỗ chúng ta đấy!” Mọi người chạy tứ tán. Có người cố phủ lên người tấm vải sọc ngụy trang nhiều màu đem theo phòng khi khẩn cấp. Kẻ thì nhảy xuống hố, nấp sau các bức tường, chạy vào kho thóc trốn hoặc trốn trong mấy ngôi nhà. Nhưng có nhiều người không chạy kịp. Từng chiếc Typhoon sà xuống, bắn tên lửa và thả bom sát thương xuống đoàn người. Bọn họ la hét: “Chúng tôi là phe mình! Chúng tôi là phe mình!” Tám chiếc máy bay tiếp tục tấn công; chiếc thứ chín có lẽ nhận ra mình đã lầm lẫn nên dừng lại. Mấy phút sau mọi chuyện chấm dứt. Sáu mươi người đã chết. Nhiều người khác bị thương, và một phần trong số đó chết trong các bệnh viện của Đức vì vết thương quá nặng.

       Deans bước trên đường phố, quan sát cuộc tàn sát và thấy muốn phát điên vì tuyệt vọng. Anh lập tức ra lệnh nhận dạng những người chết. Một số thi thể bị trúng đạn tới mức không nhận diện được nữa – sau này Deans kể, “chỉ còn lại những mảnh thi thể, và bọn tôi phải lấy xẻng xúc vào trong huyệt.”

      Sau khi đã chôn cất xong xuôi, và đưa người bị thương tới các bệnh viện của Đức, Deans lạnh lùng đạp xe tới chỗ Đại tá Ostmann đang ở trong sở chỉ huy tạm thời của ông. Lần này Deans không buồn giữ phép lịch sự nhà binh nữa. Anh nói, “Này Ostmann, tôi muốn ông cấp cho tôi một cái giấy phép để tôi đi tới trận tuyến của Anh. Không thể để chuyện thế này xảy ra lần nữa.”

      Ostmann sửng sốt nhìn Deans. Ông nói, “Deans à, tôi không thể làm thế được.”

       Deans nhìn ông ta chằm chằm. Anh ta cảnh cáo, “Chưa biết được ai sẽ kiểm soát chúng ta đâu. Có thể là quân Anh – hoặc cũng có thể là quân Nga. Bọn tôi không quan tâm ai sẽ giải phóng mình. Nhưng ông muốn đầu hàng ai hơn hả?”

       Deans nhìn thẳng vào viên đại tá Đức. “Tôi nghĩ các ông sẽ không có tương lai với bọn Nga đâu.” Anh dừng lại, để câu cuối dần dần thấm sâu hơn. Rồi anh lạnh lùng nói, “Đại tá, hãy viết giấy phép đi.”

      Ostmann ngồi xuống bàn và lấy một tờ giấy của Lục quân ra, rồi viết mấy dòng cho phép Deans đi đến vùng địch chiếm đóng. Ông nói với Deans, “Tôi không biết anh sẽ vượt qua tiền tuyến bằng cách nào, nhưng ít ra cái này sẽ giúp anh tới được đó.” Deans nói: “Tôi muốn lính gác Charlie Gumbach đi chung với tôi.”

      Ostmann suy nghĩ một chốc rồi nói, “Đồng ý.” Ông lại viết giấy phép cho Gumbach. Dixie nói, “Và tôi cũng cần một chiếc xe đạp khá khẩm hơn.” Ostmann nhìn anh rồi nhún vai, nói ông có thể thu xếp chuyện này.

      Khi rời khỏi văn phòng, Deans nói một câu cuối cùng. “Tôi hứa với ông là tôi sẽ quay lại cùng Charlie, để đưa người của tôi đi.” Rồi Dean làm một cử chỉ chào dứt khoát và nói, “Cảm ơn ngài, Đại tá.” Viên đại tá cũng chào lại. Ông nói, “Cảm ơn anh, Deans.” Đêm đó, có Hạ sĩ Đức Charlie Gumbach đi cùng, Dixie Deans bước vào chặng hành trình dài tới trận tuyến của Anh.

      Vào lúc hoàng hôn, Koniev lo lắng nhìn bản đồ, thấy xe tăng của Zhukov tiến nhanh tới Berlin, ông giục lính của mình hành quân nhanh hơn nữa. Ông nói với tướng Rybalko, tư lệnh Tập đoàn quân tăng Cận vệ 3, “Không cần lo cho hai cánh của anh đâu, Pavel Semenovich. Không cần lo bị tách khỏi bộ binh. Cứ đi tiếp.”

      Nhiều năm sau, Koniev kể lại, “Lúc đó tôi biết hẳn các tư lệnh xe tăng của mình đang nghĩ: ‘Ông quăng bọn tôi vào cái lỗ cống này, rồi bắt bọn tôi phải hành quân mà không có quân hai bên sườn – lỡ bọn Đức cắt mất liên lạc hay tập hậu thì sao?’” Koniev vỗ vỗ cầu vai Nguyên soái của mình, rồi nói với các tư lệnh xe tăng, “Tôi sẽ có mặt. Các anh không phải lo. Điểm quan sát của tôi sẽ đi cùng các anh, ngay giữa hàng ngũ.”
      Rybalko và tướng D. D. Lelyushenko, tư lệnh Tập đoàn quân tăng Cận vệ 4 rạng rỡ đáp lại. Với tốc độ chóng mặt như Sư đoàn Thiết giáp 2 và Sư đoàn Thiết giáp 5 của Mỹ tiến tới sông Elbe, những chiếc tăng Liên Xô vọt qua quân thù – dù theo như Rybalko kể thì “các sư đoàn Đức chưa bị tiêu diệt vẫn còn sau lưng chúng tôi.”

      Sau 24 giờ vất vả, kỳ diệu thay, Rybalko đã đi được 38 dặm. Đoàn xe tăng của Lelyushenko đi được 28 dặm. Rybalko hớn hở gọi về cho Koniev. Ông nói, “Đồng chí nguyên soái, chúng tôi đang chiến đấu tại ngoại ô Zossen.” Các đơn vị này của Phương diện quân Ukraine số 1 giờ chỉ còn cách Berlin có 25 dặm.

      Còi báo động ở Zossen vang vọng. Có vẻ quân Liên Xô sẽ tới được đại bản doanh của Bộ Chỉ huy Tối cao trong 24 giờ tới, và đã có lệnh di dời. Các sĩ quan chủ chốt đã tới sở chỉ huy mới nằm gần Postdam. Số còn lại trong đại bản doanh, cùng với các nhân viên văn thư, máy giải mã, các tủ tài liệu được đưa lên xe buýt và xe tải. Trong khi đang đóng gói đồ đạc chất lên xe, mọi người đi vòng vòng trong lo âu, muốn được đi thật mau. Tướng Erich Dethleffsen, người đảm nhiệm vị trí cũ của Krebs làm Trợ lý Tham mưu trưởng, nói rằng vào lúc đó, “chúng tôi để lại cho không quân của địch một mục tiêu xứng đáng.”

      Không lâu trước khi trời tối, đoàn xe xuất phát, tiến về Bavaria. Dethleffsen chạy xe tới Berlin để dự buổi họp đêm của Quốc trưởng, rất sung sướng khi thấy một đoàn máy bay của Không quân bay trên đầu ông về phía nam. Sau đó, trong buổi họp, ông nghe một sĩ quan Không quân báo cáo với Hitler là “đã thành công tấn công đoàn xe tăng Liên Xô đang tiến về Zossen, bảo vệ được vùng này khỏi bị tấn công.” Cuộc oanh tạc này còn hơn cả thành công nữa: “đoàn xe tăng Liên Xô” hóa ra lại là đoàn xe buýt và xe tải của OKH đang chạy về phía nam. Máy bay Đức đã tấn công đúng đoàn xe của họ.

       Nửa đêm ngày 20/4, Heinrici vẫn cẩn thận nghiên cứu bản đồ và cố phân tích tình hình. Mấy tiếng sau, một nỗi sợ của ông đã tới: giờ ông không chỉ điều hành Cụm Tập đoàn quân Vistula mà còn chỉ huy cả Berlin nữa. Gần như ngay sau khi được lệnh, ông đã gọi Reymann tới và bảo không được phá hủy các cây cầu trong thành phố. Reymann than phiền là dù gì thì thành phố cũng chẳng có gì phòng bị, giờ đến số quân khá khẩm nhất trong lực lượng Volkssturm của ông cũng bị đưa tới các phòng tuyến ngoài này. Thực ra, Heinrici biết hết; ông nói Reymann đưa nốt phần còn lại của Lực lượng Phòng vệ Địa phương tới. Heinrici mệt mỏi nói, “Reymann, anh không hiểu tôi đang cố gắng làm gì sao? Tôi muốn bảo đảm là trận chiến sẽ chỉ diễn ra bên ngoài thành phố, chứ không phải ngay trong đó.”Heinrici biết, với tình hình hiện tại, không thể phòng hộ Berlin được. Ông không định để quân của mình rút lui về thành phố. Xe tăng sẽ không được đi tới đó. Vì có nhà cửa, nên không thể dùng pháo được; chẳng có chỗ mà bắn. Hơn nữa, nếu phải giao chiến trong thành phố thì số dân thường thương vong sẽ cực kỳ lớn. Bằng mọi giá, Heinrici hi vọng tránh được hiểm họa giao tranh trên đường phố.

     Hiện giờ, mối bận tâm lớn nhất của ông là tập đoàn quân của Busse; ông chắc chắn là nếu nó không bị đẩy lui nhanh chóng thì cũng sẽ bị bao vây. Trước khi tới mặt trận vào sáng sớm hôm đó, ông bảo tham mưu trưởng của mình gửi cho Krebs một bức điện: “Tôi không thể nhận trách nhiệm hoặc chỉ huy dưới tình hình này, trừ khi cho quân của Busse rút ngay – và bảo ông ta nói thế với Quốc trưởng.”

      Rồi ông chạy xe khắp mặt trận. Dấu hiệu tan rã hiển hiện khắp chốn. Ông thấy “đường phố đông nghẹt xe của người chạy nạn, lẫn trong đó có những chiếc xe quân đội.” Lần đầu tiên ông đụng độ một đám lính rõ ràng là đang chạy trốn. Ông kể, trên đường tới Eberswalde, “Tôi không gặp một thằng lính nào không nói là nó được lệnh về hậu phương lấy đạn dược, xăng dầu hay gì gì.” Ông kinh ngạc, và nhanh chóng hành động.

      Ở phía bắc Eberswalde, ông thấy “một đám người đang đi về phía tây bắc, nói là sư đoàn của bọn họ tập trung lại ở gần Joachimsthal”; ông bèn ngăn cả bọn lại rồi để bọn họ tập trung ở gần Eberswalde. Ở chỗ giao nhau với con kênh trong vùng, ông gặp “một phần của Sư đoàn Cảnh sát SS 4 đang di chuyển. Bọn họ còn khá trẻ, mới được thành lập, nhưng chỉ có một số là có vũ khí. Họ được bảo là sẽ nhận vũ khí ở Eberswalde.” Ở phía nam, ông thấy nột con đường đông nghẹt những dân với lính. Heinrici bước ra khỏi xe hơi và ra lệnh cho các hạ sĩ quan đưa người quay lại. Ông nói, “Quay trở lại mặt trận.”

      Ở thị trấn Schönholz, ông thấy “các sĩ quan trẻ tuổi ngồi không và cứ nhìn quanh quất. Họ được lệnh phải dựng một giới tuyến để bắt đám quân tản mác.” Cánh rừng giữa nơi này và Trammpe “đông đen quân lính đang nghỉ ngơi hoặc rút lui. không ai có lệnh hay bổ nhiệm gì cả.” Ở một nơi khác, ông bắt gặp “một đội lính xe tăng trinh sát đang ngồi nghỉ cạnh mấy chiếc xe.” Ông lệnh cho cả đội “đi tới Biesenthal ngay và chiếm lại ngã tư đó, nó cực kỳ quan trọng.” Quanh Eberswalde quá sức hỗn loạn, sau này Heinrici kể, “không có ai có thể nói tôi biết ở đó mặt trận có tồn tại hay không.”

     Nhưng đến nửa đêm, ông đã lập lại trật tự trong vùng và đưa ra nhiều mệnh lệnh mới.

      Rõ ràng ông bị thiếu hụt quân số, vũ khí và cả sĩ quan chỉ huy tài ba, và Heinrici biết mặt trận này khó lòng cầm cự được lâu. Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel ở phía bắc có một số thành công nhất định khi phải chống lại Rokossovskii, nhưng việc Von Manteuffel phải rút lui chỉ là vấn đề thời gian.

      Lúc 12:30 sáng, ông gọi cho Krebs. Ông nói với ông ta là tình hình sắp vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới Quân đoàn Thiết giáp 56, “dù đã có nhiều cuộc phản công trước quân Liên Xô, nhưng vẫn đang bị đẩy lui ngày càng xa.” Ông nói, tình hình ở đó “rất căng thẳng và sắp bùng nổ.” Ông đã trao đổi riêng với Krebs hai lần trong ngày hôm nay, rằng tình hình của Tập đoàn quân 9 đang xấu đi nhanh chóng; lần nào Krebs cũng lặp lại quyết định của Hitler: “Busse phải trấn giữ mặt trận Oder.” Giờ Heinrici lại đấu tranh vì Busse thêm lần nữa.

      Heinrici nói với Krebs, “Trước giờ tôi vẫn luôn bị từ chối không cho Tập đoàn quân 9 di chuyển tự do. Giờ tôi yêu cầu điều đó – trước khi quá muộn. Tôi phải nói là tôi không chống lại mệnh lệnh của Quốc trưởng vì ngoan cố hay bi quan vô lý. Anh có thể thấy từ kinh nghiệm chiến đấu ở Nga của tôi là tôi không dễ dàng bỏ cuộc đâu. Nhưng giờ cần phải hành động ngay để cứu Tập đoàn quân 9 khỏi bị tiêu diệt.”

       Ông nói, “Tôi đã được lệnh là Cụm Tập đoàn quân Vistula phải ở lại vị trí hiện tại và giữ vững tiền tuyến, và đưa mọi lực lượng có thể có ra đây để khép khoảng trống giữa Tập đoàn quân 9 với tập đoàn quân của Schörner ở phía nam. Từ tận đáy lòng, tôi rất tiếc phải nói là mệnh lệnh này không thể thi hành được. Đơn giản là việc hành quân không có tí khả năng thành công nào. Tôi yêu cầu được chấp thuận đề nghị để Tập đoàn quân 9 rút lui. Tôi đề nghị điều này vì chính bản thân Quốc trưởng.”

      Heinrici nói, “Thực ra, việc tôi nên làm là đi thẳng tới chỗ Quốc trưởng và nói, ‘Thưa Quốc trưởng, vì mệnh lệnh này sẽ gây nguy hiểm cho ngài, nó không có khả năng thành công và không thể được thực thi, tồi đề nghị ngài rút lại quyền chỉ huy của tôi và giao cho ai khác. Rồi tôi có thể thực hiện nghĩa vụ của một người lính Volkssturm và chiến đấu với kẻ thù.’” Heinrici đang ngả bài: ông tuyên bố với cấp trên là ông thà chiến đấu trong cấp thấp nhất còn hơn thực thi một mệnh lệnh gây ra thương vong vô ích.

       Krebs hỏi, “Có thật là anh muốn tôi nói thế với Quốc trưởng không?” Heinrici trả lời ngắn gọn, “Tôi yêu cầu điều đó. Tham mưu trưởng và các sĩ quan của tôi làm chứng cho tôi.”

       Một lát sau Krebs gọi lại. Tập đoàn quân 9 phải giữ nguyên vị trí. Đồng thời, mọi lực lượng hiện có phải cố gắng khép khoảng trống với Schörner ở phía nam, “để mặt trận liền lạc trở lại.” Heinrici biết thế là Tập đoàn quân 9 coi như xong.

      Trong căn hầm Führerbunker, cuộc họp quân sự ban đêm của Hitler kết thúc vào lúc 3 giờ sáng. Trong buổi họp, Hitler đã khiển trách Tập đoàn quân 4 – tập đoàn quân bị Koniev đánh tan vào ngày đầu tiên của đợt tấn công – về mọi vấn đề xảy ra từ đó tới nay. Ông ta quy tập đoàn quân này vào tội phản quốc. Tướng Dethleffsen sửng sốt hỏi, “Thưa Quốc trưởng, ngài thực sự tin là người chỉ huy đã phản bội tổ quốc hay sao?” Hitler nhìn Dethleffsen “bằng ánh mắt thương hại, như thể chỉ có thằng ngu mới hỏi một câu ngớ ngẩn thế.” Rồi ông ta nói: “Mọi thất bại ở miền Đông của chúng ta đều có thể quy vào tội phản quốc – chỉ có thể là tội phản quốc mà thôi.”

       Khi Dethleffsen chuẩn bị ra khỏi phòng, Đại sứ Walter Hewel đại diện cho Von Ribbentrop ở Bộ Ngoại giao bước vào, gương mặt lộ vẻ muộn phiền sâu sắc.

     Ông nói, “Thưa Quốc trưởng, ngài có lệnh gọi tôi ạ?” Ngừng một chặp, Hewel nói: “Nếu chúng ta vẫn muốn đạt được gì đó trên phương diện ngoại giao, thì chính là lúc này đây.” Theo Dethleffsen kể, Hitler nói “bằng một giọng nhẹ nhàng và hoàn toàn thay đổi”: “Chính trị. Tôi chẳng có gì để làm với chính trị nữa. Nó làm tôi thấy phát tởm.” Dethleffsen nhớ lại, ông ta lê bước về phía cửa “chậm chạp và mệt mỏi.” Rồi ông tay quay người lại và nói với Hewel, “Khi tôi chết rồi thì anh sẽ bận rộn với chính trị đấy.” Hewel căng thẳng cả người. Ông ta nói, “Tôi nghĩ giờ ta nên làm gì đó.” Khi Hitler ra tới cửa, Hewel kích động nói thêm: “Thưa Quốc trưởng, chỉ còn năm giây nữa là tới nửa đêm rồi.” Có vẻ như Hitler không nghe thấy.

                                        ******************
      3.
       Âm thanh đó khác hẳn những thứ dân Berlin từng nghe, không giống tiếng bom rơi xé gió, cũng không hề  giống tiếng hỏa lực phòng không nổ đùng đùng. Khách mua đang xếp hàng ngoài tiệm tạp hóa Karstadt ở quảng trường Hermannplatz hoang mang nghe ngóng: tiếng động trầm thấp đó từ xa vọng tới, rồi to dần thành tiếng rít khủng khiếp xé tai. Nhất thời, khách mua hàng như bị mê hoặc. Rồi thình lình hàng người vỡ ra tán loạn. Nhưng đã quá muộn. Những quả đạn pháo đầu tiên bắn vào thành phố nổ ầm ầm trên khắp quảng trường. Những mảnh thi thể đập vào mặt tiền cửa hàng lát ván. Ngoài đường, đàn ông và phụ nữ nằm rên la quằn quại vì đau đớn. Lúc đó là đúng 11:30 trưa thứ 7 ngày 21/4. Berlin đã biến thành tiền tuyến.

      Đạn pháo bắt đầu bắn vào khắp nơi. Những lưỡi lửa lan trên các mái nhà khắp trung tâm thành phố. Các tòa nhà vốn đã bị bom làm suy yếu đổ sụp xuống. Xe hơi nằm chổng ngược và bốc cháy bừng bừng. Cổng Brandenburg bị trúng đạn, một cái gờ đắp nổi bên trên rớt xuống dưới đường. Đạn pháo cày nát từ đầu này tới đầu kia đại lộ Unter den Linden; lâu đài Hoàng gia vốn đã bị hư hại sẵn giờ lại bùng cháy. Tòa nhà Quốc hội cũng vậy, mấy thanh xà nhà chống đỡ cho cái mái vòm đổ sụp, sắt thép rơi xuống như mưa. Trên đường Kurfürstendamn, người ta chạy loạn xạ, làm rơi cặp táp, túi xách tùm lum, chạy từ nhà này qua nhà khác. Ở công viên Tiergarten cuối đường, một chuồng ngựa bị trúng đạn trực tiếp. Tiếng ngựa hí hòa cùng tiếng khóc la của người ta; một giây sau, mấy con ngựa lao ra khỏi biển lửa, chạy tán loạn trên đường Kurfürstendamn, đuôi và bờm cháy phừng phừng.

     Đạn pháo thi nhau trút xuống thành phố một cách có hệ thống đàng hoàng. Phóng viên Max Schnetzer của tờ báo Thụy Sĩ Der Bund, đứng bên cạnh Cổng Brandenburg, ghi lại rằng cứ mỗi 5 giây lại có ít nhất một quả đạn pháo rơi xuống trung tâm khu hành chính của chính phủ ở đường Wilhelmstrasse. Rồi sau đó sẽ ngừng khoảng nửa phút tới một phút, rồi bom đạn lại ập xuống tiếp. Từ chỗ đứng, anh có thể thấy lửa bốc lên cao từ phía nhà ga Friedrichstrasse. Sau này anh viết, “Vì khói và bụi mù làm tán xạ ánh sáng, nên trông cứ như mây đang sà xuống ngay bên trên ngọn lửa vậy.” Những nơi khác trong thành phố cũng bị đạn bắn dày đặc như vậy. Ở quận Wilmersdorf, Ilse Antz cùng mẹ và chị gái thấy cả tòa nhà đang rung chuyển. Hai cô bé nhào xuống sàn nhà. Bà mẹ bám vào khung cửa la hét, “Chúa ơi! Chúa ơi! Chúa ơi!” . Ở Neukölln, Dora Janssen thấy chồng cô, là một thiếu tá Lục quân bước trên lối đi nhỏ tới chỗ chiếc limousine. Người lính cần vụ mở cửa xe rồi đột nhiên bị một quả đạn pháo “xé tung thành từng mảnh.” Khi bụi tan hết, cô thấy chồng mình vẫn đứng cạnh chiếc xe, đầu ngẩng cao, nhưng gương mặt thì vặn vẹo đi vì đau đớn. Khi Janssen chạy tới chỗ chồng, cô thấy “một ống quần của anh ấy đẫm máu, chảy xuống ủng rồi lan ra vỉa hè.” Một lát sau, vừa nhìn chồng được đưa lên cáng, cô vừa có một cảm giác kỳ quặc xen lẫn nỗi lo cho chồng. Cô không thể không nghĩ, “Sao anh bị thương nặng thế mà vẫn đứng vững được nhỉ. Đúng là một sĩ quan thực thụ!”

      Cách đó không xa, có một sĩ quan khác, anh chưa bao giờ tin quân Nga có thể tới tận đây. Anh ta là Đại úy Gotthard Carl, viên kế toán cuồng tín làm việc cho Không quân, vẫn luôn chào cả nhà bằng điệu chào Hitler, nhưng giờ anh bắt đầu thấy tuyệt vọng. Khi quân Nga tiến đến gần hơn, Carl vẫn ăn diện bảnh bao sáng lóa như xưa; thậm chí còn rõ rệt hơn.

       Dù Gerda vợ anh chẳng bao giờ dám nói, nhưng cô nghĩ Carl trông thật buồn cười trong bộ lễ phục, cộng thêm mấy cái khuy măng-sét bằng vàng, rồi mớ tua rua vô dụng nữa. Mấy ngày này anh vẫn không quên mang chiếc nhẫn có con dấu riêng của anh, trên đó có một chữ thập nạm kim cương.

     Nhưng Gotthard Carl vẫn biết rõ tình hình đang xoay chuyển ra sao. Buổi trưa, từ văn phòng ở Tempelhof quay về nhà, anh giơ tay lên chào “Heil Hitler” như thường lệ rồi bảo vợ, “Đợt pháo kích bắt đầu rồi, em đi xuống hầm rồi cứ ở dưới đó. Anh muốn em ngồi ngay đối diện lối vào hầm.” Gerda ngạc nhiên nhìn anh; đó dường như là chỗ kém an toàn nhất mà. Nhưng Gotthard cứ khăng khăng. “Anh nghe nói ở các thành phố khác, quân Nga dùng súng phun lửa chĩa vào hầm và hầu hết người trong đó đều bị thiêu sống. Anh muốn em ngồi ngay trước cửa hầm để có gì thì em sẽ chết đầu tiên. Em sẽ không phải ngồi chờ tới lượt mình.” Rồi không nói thêm gì nữa, anh siết tay vợ, chào kiểu Nazi và bước ra khỏi căn hộ. Gerda lặng người, rồi làm theo những gì anh vừa nói. Cô ngồi trước những người khác, ngay lối vào hầm trú ẩn, liên tục cầu nguyện trong lúc bom đạn đang dội trên đầu. Lần đầu tiên kể từ khi kết hôn, cô không nhắc tới tên Gotthard trong lời cầu nguyện. Đến chiều, tầm giờ chồng cô thường về tới nhà, Gerda đi lên cầu thang bất chấp lời chồng dặn. Cô chờ một hồi lâu, run rẩy và sợ hãi, nhưng Gotthard không trở về. Cô không bao giờ còn được gặp lại anh.

       Đợt pháo kích bắt đầu ngay sau khi không kích kết thúc. Đợt không kích cuối cùng của phương Tây vào Berlin, đợt thứ 363 trong cuộc chiến, bắt đầu lúc 9:25 sáng, do Không lực 8 của Mỹ thực hiện. Suốt 44 tháng, Anh và Mỹ đã liên tục thả bom xuống “B Lớn,” phi công Mỹ gọi Berlin thế. Người Berlin dứ nắm đấm về phía máy bay ném bom, than khóc vì những cái chết của bạn bè và người thân, vì nhà cửa bị phá hủy. Cơn giận dữ của họ cũng giống những quả bom không trực tiếp nhằm vào ai, mà nhằm vào những kẻ họ sẽ không bao giờ được gặp. Pháo thì lại khác. Kẻ bắn pháo đứng ngay ngoài cửa nhà họ, sắp đối mặt với họ.

      Còn có một điểm khác biệt nữa. Người Berlin đã học cách chung sống với bom và thích nghi với nhịp điệu đều đặn như đồng hồ của các đợt không kích. Đa số người ta có thể nghe tiếng bom xé gió mà đoán được điểm rơi của nó; nhiều người còn quen với các đợt không kích tới mức không buồn đi trú ẩn. Hỏa lực của pháo phần nào nguy hiểm hơn. Đạn pháo tiếp đất thình lình và không đoán trước được. Những mảnh đạn hình lưỡi liềm sắc như dao cạo nổ tung ra mọi phía, thường văng tới mấy mét khỏi điểm nổ ban đầu.

       Nhà báo Hans Wulle-Wahlberg bước quanh quảng tường Potsdamer đang bị đạn pháo cày nát, thấy xác chết và cả những người đang hấp hối nằm la liệt khắp nơi. Anh thấy dường như một số người đã chết vì áp suất của vụ nổ “làm xé toạc phổi của họ.” Đi lắt léo để tránh đạn nổ, anh chợt nghĩ trước kia người Berlin cùng chống lại kẻ thù chung là những chiếc máy bay ném bom, nhưng “giờ họ không có thì giờ đâu mà bận tâm đến người chết hay bị thương nữa. Ai cũng bận rộn lo cứu cái mạng nhỏ của mình.” Đợt pháo kích tàn nhẫn này chẳng có khuôn mẫu gì. Nó cứ bắn lung tung không dứt. Dường như càng ngày nó càng mạnh thêm. Tiếng súng cối và tiếng nghiến ken két của mấy khẩu Katushka phóng tên lửa nhanh chóng nhập hội. Giờ phần lớn thời gian gười ta đều ở trong hầm, trong các chỗ trú không kích, các boong-ke của tháp phòng không và nhà ga xe điện ngầm. Họ chẳng còn cảm giác về thời gian nữa. Ngày trôi qua mơ hồ giữa nỗi sợ hãi, hoang mang và chết chóc bủa vây. Những người Berlin vẫn luôn viết nhật ký tỉ mỉ cho tới ngày 21/4 thì đột nhiên bị lẫn lộn ngày tháng hết cả lên. Nhiều người viết là quân Nga vào trung tâm thành phố vào ngày 21 hoặc 22/4, dù khi đó Hồng quân còn đang chiến đấu ở ngoại ô. Nỗi khiếp sợ quân Nga của họ thường tăng thêm bởi một nhận thức tội lỗi. Ít nhất thì một số người Đức có biết về cách quân Đức đã hành xử trên đất Liên Xô, về những tội ác khủng khiếp và bí mật mà Đệ tam Quốc xã đã làm ở trại tập trung. Khi quân Nga tiến gần hơn, một nỗi sợ hãi như cơn ác mộng phủ khắp Berlin, ko giống với bất kỳ thành phố nào trước giờ, kể từ khi Carthage bị san bằng (*).
……………………
         (*): Carthage là một đô thị cổ, thuộc Tunisia ngày nay, từng phát triển rất huy hoàng, mở ra nền văn minh Punic. Sau nhiều lần đem quân xâm lược các nước thù địch là Syracuse và La Mã, Carthage đã bị quân La Mã san bằng vào năm 146 TCN, sau lại được người La Mã tái thiết thành phố – ND.
    
 Elfriede Wassermann và chồng bà, Erich đã trốn trong căn hầm rộng lớn nằm cạnh nhà ga Anhalter. Erich bị mất chân trái ở chiến trường Nga hồi năm 43,và chỉ có thể đi lại bằng nạng. Trước đó, ông đã nhanh chóng nhận ra tiếng pháo nổ, và giục vợ xuống hầm. Elfriede đã gói ghém đồ đạc của hai người vào hái cái vali và hai túi to khác. Bà cho chiếc quần lính cũ của Erich lên trên quần áo của mình, và cho áo len cùng áo lông của mình lên trên cùng. Vì chồng bà phải chống nạng bằng cả hai tay, nên bà chất một túi lên lưng ông, cái còn lại quàng trước ngực. Một trong hai túi chứa đồ ăn: mấy ổ bánh mì vỏ cứng, vài lon thịt và rau đóng hộp. Elfriede bỏ một hũ bơ lớn vào một chiếc vali. Lúc họ tới được nhà ga Anhalter, căn hầm ở đó đã chật cứng. Elfriede cuối cùng cũng tìm được một chỗ cho hai người ở bên cầu thang. Một ngọn đèn sáng yếu ớt treo trên đầu họ. Trong ánh sáng lờ mờ, có thể thấy người ta đứng chật kín từng tấc đất, từng bậc cầu thang của tòa nhà. Tình hình trong hầm thực không thể tin nổi. Tầng trên dành cho người bị thương, tiếng rên la của họ vang vọng cả ngày lẫn đêm. Nhà vệ sinh không dùng được vì không có nước; nên phân vương vãi khắp nơi. Ban đầu mùi hôi thối làm người ta thấy phát ói, nhưng ròi Elfriede và Erich cũng quen dần. Họ cứ ngồi đó thờ ơ, hầu như không nói chuyện, không biết bên ngoài đang xảy ra chuyện gì. Chỉ có một điều len lỏi vào tâm trí họ: tiếng trẻ con la hét liên hồi. Nhiều bậc cha mẹ đã hết sữa và đồ ăn. Elfriede thấy “ba em bé đưa đưa xuống từ tầng trên, và cả ba đều đã chết đói.” Ngồi cạnh Elfriede là một phụ nữ trẻ với đứa con chừng ba tháng tuổi. Ở trong hầm được một thời gian, Elfriede chợt nhận thấy đứa bé không còn nằm trong vòng tay mẹ nữa. Nó đang nằm trên nền xi măng ngay cạnh Elfriede, và đã chết. Người mẹ như đã dại đi. Elfriede cũng vậy; bà nhớ là “tôi thấy đứa bé đó chết nhưng lại chẳng thấy buồn thương gì cả.”

      Trên đường Potsdamerstrasse, văn phòng của Cục Du lịch đang bị bắn phá. Trong căn hầm 44 phòng có hơn hai nghìn người, và bà Margarete Promeist phụ trách căn hầm này bận rộn không ngơi tay. Ngoài dân chúng ra, mới đây còn có hai tiểu đoàn Volkssturm vừa chuyển vào, vì Margarete được bảo là “quân Nga đang đến ngày càng gần.”

      Liên tục bị làm phiền và sắp gục tới nơi, Margarete cực kỳ biết ơn cú điện thoại bà vừa nhận được cách đây không lâu. Một người bạn thân đã tình nguyện tới đây đem cho bà ít đồ ăn. Khi bà quay vào hầm thì có 44 dân thường bị thương được đưa từ ngoài đường xuống đây. Margarete vội vàng đi hỗ trợ những người bị thương.

      Một trong số bọn họ không thể cứu được nữa – bà lặng lẽ ngồi cạnh thi thể người bạn đem đồ ăn đến cho mình, Margarete thấy “ghen tị với nụ cười nhẹ nhàng và bình yên của cô ấy. Ít ra cô ấy sẽ không phải đi trên Con đường khổ nạn (*).”

      Trong khi ai nấy đều chạy xuống hầm trú ẩn trong suốt trận chiến thì dược sĩ Hans Miede lại đang đi tuần, làm giám sát không kích cho hầm trú ẩn công cộng ở số 61 đường Bismarckstrasse, quận Charlottenburg. anh căm ghét đứng nhìn tấm áp phích trên tường tòa nhà đối diện, trong khi đạn đại bác đang nổ ầm ầm xung quanh. Dòng chữ to đùng trên đó viết “GIÂY PHÚT TRƯỚC BÌNH MINH LÀ LÚC TĂM TỐI NHẤT.”

       Với bác sĩ Rudolf Hückel thì bình minh thật là xa xôi. Bà Annemaria vợ ông đã lo lắng cho nhà nghiên cứu bệnh học xuất chúng này suốt mấy tuần nay. Bà tin là ông sắp bị suy nhược thần kinh. Không lâu trước đó, ông đã cho bà xem một viên thuốc cyanide mà ông đã tăng cường độc tính cho nó bằng cách cho thêm axit acetic. Ông nói với bà, nếu tình hình Berlin xấu đi, bọn họ sẽ tự tử.

       Từ lúc đó, bà Hückel đã thấy được “mức độ nghiêm trọng và sự vô nghĩa của chiến tranh, và cơn giận dữ của chồng tôi với Hitler đã choáng hết tâm trí ông ấy.” Sức chịu đựng của bác sĩ Hückel đã tới giới hạn. Sau mấy tiếng đồng hồ nghe tiếng pháo nổ, ông bác sĩ đột ngột đứng dậy, chạy ra mở cửa sổ và hét to hết cỡ, “Der Kerl muss umgebracht werden!” – Phải giết thằng cha đó [Hitler]!

                           ******************
……………………
      (*): Nguyên văn Via Dolorosa, là một con đường tại thành cổ Jerusalem. Chúa Jesus đã vác cây thập giá đi đến chỗ đóng đinh trên con đường này – ND.
       Hitler gõ gõ ngón tay lên bản đồ. Ông ta hét lên, “Steiner! Steiner! Steiner!” Quốc trưởng đã tìm ra đáp án. Ông ta quyết định để quân của tướng SS Felix Steiner tấn công tức thời từ khu rừng Eberswalde, bên hông Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel; rồi tiến về phía nam, chặn mũi tiến công Berlin của quân Nga. Cuộc tấn công của Steiner sẽ khép lại khoảng cách bị hở ra khi cánh phía bắc của Tập đoàn quân 9 của tướng Busse bại trận. Trên bản đồ, đó có vẻ là một bước đi khôn ngoan. Hiện tại, mũi tiến công của Zhukov có dạng mũi tên, xuất phát từ sông Oder, mũi hướng thẳng vào Berlin. Dọc sườn phía bắc của Zhukov có một lá cờ nhỏ, trên đó ghi “Nhóm Steiner.” Hitler thấy tự tin trở lại. Cuộc tấn công của Steiner sẽ tái thiết lập mối liên hệ giữa Tập đoàn quân 3 với Tập đoàn quân 9.

      Kế hoạch của ngài Quốc trưởng chỉ có một chỗ không ổn. Steiner gần như không có lính. Trước đó, Heinrici đã quyết định để Steiner chỉ huy các nhóm tàn quân bị quân Nga đẩy lui về phía bắc. Không may là, do hỗn loạn trên diện rộng ngoài mặt trận, thêm nữa là thời gian thiếu hụt, nên không thể tập trung đủ quân để hình thành Nhóm Steiner được. Thực sự thì không có Nhóm Steiner nào cả. Nhưng cái tên đó vẫn tồn tại, và cả lá cờ nhỏ trên bản đồ của Hitler cũng thế.

      Hitler gọi cho Steiner. Steiner nói, “Theo tôi nhớ thì cú điện thoại đó là vào khoảng 8 giờ rưỡi hay 9 giờ gì đó. Nguyên văn lời của Hitler là thế này: ‘Steiner, anh có biết là ngài Thống tướng [Goering] có một đội quân riêng ở Karinhall không? Cần giải tán đội quân này và đưa ra chiến trường ngay lập tức.’ Trong lúc tôi còn đang cố đoán điều đó nghĩa là thế nào thì ông ta nói tiếp, ‘Tôi đã ra lệnh mọi phương tiện có thể thu thập được ở giữa Berlin và biển Baltic cho tới Stettin và Hamburg cần được đưa vào cuộc tấn công này.’ Tôi phản đối, nói là đội quân do tôi chỉ huy không có kinh nghiệm, rồi tôi hỏi chính xác thì cuộc tấn công sẽ diễn ra ở đâu, và ngài Quốc trưởng không trả lời tôi. Ông ta cứ thế gác máy. Tôi hoàn toàn không biết mình phải tấn công bằng cái gì, ở đâu, và khi nào.”

      Steiner gọi cho Krebs, giải thích tình hình của mình và nói với Chỉ huy trưởng của OKH là ông không có quân. “Rồi tôi nhớ lại việc Hitler đột nhiên gác máy. Lúc đó, tôi đang giải thích với Krebs là quân của tôi hoàn toàn không hề có kinh nghiệm, và bọn tôi cũng không có vũ khí hạng nặng. Hitler giảng cho tôi một tràng và chốt lại thế này, ‘Steiner, rồi anh sẽ thấy. Anh sẽ thấy. Bọn Nga sẽ phải chịu thất bại nặng nề nhất trước ngưỡng cửa Berlin.’ Tôi nói với ông ta rằng tôi thấy tình hình Berlin đã vô vọng rồi. Thế là tôi bị lơ luôn.”

      Không lâu sau đó, Steiner có lệnh tấn công chính thức. Đoạn cuối tờ lệnh viết:
     “Cấm không được rút lui về phía tây. Sĩ quan nào không tuân thủ mệnh lệnh này sẽ bị bắt và bị xử bắn ngay lập tức. Anh, Steiner, phải lấy đầu mình ra đảm bảo thực hiện mệnh lệnh này. Số phận của thủ đô tùy thuộc vào thành công của anh.
      ADOLF HITLER.”

     Sau khi nói chuyện với Steiner, Hitler gọi Tham mưu trưởng Không quân là tướng Koller đến. Hitler cao giọng nói, “Giao toàn bộ không quân có thể huy động được ở miền bắc cho Steiner chỉ huy và đưa tới chỗ ông ấy. Sĩ quan nào giữ người sẽ bị xử bắn trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Nói cho họ biết như thế.” Rồi ông ta thét: “Anh, anh đó, lấy đầu anh ra mà đảm bảo thằng nào cũng phải ra trận.”

      Koller ngây người ra. Đây là lần đầu ông nghe nói tới Nhóm Steiner. Ông gọi điện cho tướng Dethleffsen ở OKH hỏi, “Steiner đang ở chỗ nào? Chúng ta phải đưa quân đi đâu?” . Dethleffsen cũng không biết, nhưng hứa sẽ nhanh chóng tìm hiểu.

      Suốt quãng thời gian điên rồ này, có một người lại không hề hay biết gì về toàn bộ kế hoạch, đó là Heinrici. Khi chuyện tới tai ông, Heinrici liền gọi cho Krebs. Heinrici giận dữ nói, “Steiner không đủ lực để tấn công. Tôi phản đối mệnh lệnh này. Tôi cực lực yêu cầu để Tập đoàn quân 9 rút lui. Nếu không làm thế thì đội quân duy nhất còn lại để bảo vệ Hitler và Berlin cũng sẽ tiêu tùng đấy Krebs. Giờ tôi nói cho anh biết, nếu đề nghị cuối cùng này không được chấp thuận, thì tôi sẽ xin từ chức.” Heinrici hỏi có thể để ông gặp Hitler để bàn bạc về tình hình được không. Krebs thẳng thừng bác bỏ. Ông ta nói, “Việc đó là không thể nào. Quốc trưởng đã quá tải rồi.”

      Chính xác thì, Heinrici viết về kết quả của cuộc nói chuyện trên trong nhật ký chiến tranh của ông như sau: “Tôi khẩn khoản yêu cầu các quan chức cấp cao hãy ghi nhớ rằng họ phải có trách nhiệm với binh lính, nhưng tôi đã bị từ chối bằng một câu, ‘Trách nhiệm đó thuộc về Quốc trưởng.’”

      Sinh mệnh của Cụm Tập đoàn quân Vistula đang dần đi tới hồi kết. Heinrici biết họ chỉ có thể cầm cự thêm vài ngày nữa. Sự nghiệp của ông có vẻ cũng sắp tiêu tan rồi. Viên thượng tướng hiểu rất rõ, sự ngoan cố không chịu khuất phục của mình về cách đánh trận chiến sắp thua tới nơi này sẽ bị Krebs coi là kiểu tư tưởng chủ bại tồi tệ nhất. Trong đêm 21/4, Heinrici được tin Tham mưu trưởng của Cụm Tập đoàn quân Vistula, tướng Eberhard Kinzel sẽ bị thay thế mà không hề báo trước. Người sẽ đảm nhiệm vị trí đó là Thiếu tướng Thilo von Trotha, một trong những môn đồ hăng hái nhất của Hitler. Heinrici tin là Krebs cố ý đưa Von Trotha tới đây để gây ảnh hưởng lên các quyết định của ông. Nếu vậy thì ông ta đã uổng công.

       Heinrici nói với Đại tá Eismann, “Tôi biết thằng cha Von Trotha này. Có lẽ hắn ta cũng khá thông minh đấy, nhưng luôn thích thêm mắm dặm muối; thuộc dạng lạc quan điên rồ.” Ông mỉa mai, “Người đâu cứ ở trên mây.” Heinrici quyết định, khi Von Trotha tới, ông sẽ cô lập hắn ta hoàn toàn và sẽ chỉ bàn bạc với Eismann mà thôi. Làm lơ kẻ được Hitler sủng ái là một bước đi nguy hiểm, nhưng giờ Heinrici không rảnh bận tâm đến điều đó.

       Trước rạng đông ngày 22, Heinrici lại nhận được thông báo thứ hai. Sĩ quan chỉ huy Berlin, tướng Reymann gọi điện cho ông và nói, “Tôi bị cách chức rồi.” Vụ việc diễn ra sau đó thì cứ như một tuồng hề. Người kế nhiệm Reymann là một nhân vật cao cấp khác trong đảng Nazi, một đại tá Kaether nào đó, một kẻ vô danh tiểu tốt tới mức tên riêng của ông ta đã bị biến mất trong dòng chảy lịch sử. Kaether lập tức được thăng vượt cấp lên hàm thiếu tướng, bỏ qua hàm chuẩn tướng. Ông ta vui sướng dành cả ngày để gọi điện báo tin cho bạn bè. Đến chiều tối thì Kaether lại trở về với hàm đại tá, và bị cách chức: Hitler quyết định tạm thời tự mình chỉ huy.

      Trong khi đó, người có tương lai gắn bó chặt chẽ với những ngày tháng cuối cùng của thành phố lại đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Tướng Karl Weidling đã mất liên lạc hoàn toàn với các sở chỉ huy, kể cả với cấp trên trực tiếp của ông là tướng Busse. Quân đoàn Thiết giáp 56 của Weidling đã quá sức tơi tả, và thường xuyên bị Tập đoàn quân tăng Cận vệ 1 của tướng Katukov bao vây, tới mức ông đã mất toàn bộ liên lạc với các đồng nghiệp. Người ta đang đồn ầm lên là Weidling cố ý rút lui, mà Weidling thì chẳng thể nào bác bỏ tin đồn được. Chuyện tới tai Hitler. Và cả Busse nữa. Sau khi đợi tin tức trong gần 24 giờ đồng hồ, cả hai đã ra lệnh bắt giữ và xử bắn Weidling ngay tức khắc.

                                *************
       Khi màn khói ở ngoại ô Bernau tan đi, Đại úy Sergei Golbov thấy những người tù đầu tiên bước ra khỏi phòng tuyến của họ. Trận giao tranh vừa rồi cực kỳ thảm khốc. Quân của Chuikov mất gần nửa ngày mới tiến thêm được 5 dặm tại vùng này, còn cách Berlin 14 dặm về phía đông bắc. Nhiều chỗ trong thị trấn đang bốc cháy phừng phừng, nhưng xe tăng vẫn băng qua, đi theo hướng tây nam để tới các quận Pankow và Weissensee. Golbov ngồi trên chiếc xe máy mới tịch thu được, quan sát các tù binh. Anh nghĩ, bọn họ trông thật thảm – “mặt xám ngắt, đầy bụi đất, cả người võng xuống vì kiệt sức.” Golbov nhìn quanh quất, anh thấy giữa những công trình của con người tạo ra với của thiên nhiên có sự khác biệt quá lớn. Những vườn cây ăn trái bắt đầu trổ hoa. “Những nụ hoa đó trông như bông tuyết, còn các khu vườn nhỏ ở ngoại ô đều tràn ngập hoa, nhưng rồi những cỗ máy chiến tranh to đùng, đen thui – những chiếc tăng – lại lăn bánh qua đó, thật quá sức tương phản!”

      Golbov móc từ trong túi áo quân phục ra một tờ báo Sao Đỏ, cẩn thận xé một góc, trút ít thuốc lá vào đó rồi cuộn thành một điếu thuốc. Ai cũng dùng tờ Sao Đỏ, nó có giấy mỏng và dễ cháy hơn mấy tờ Pravda (Sự Thật) hay Izvestia (Tin Tức). Khi châm thuốc, anh chợt thấy một viên thiếu tá Đức khập khiễng đi về phía mình.

      Người đó hét lên bằng tiếng Ba Lan, “Để vợ tao yên! Để vợ tao yên!” Golbov đứng nhìn viên sĩ quan mắt long sòng sọc đi cà nhắc tới chỗ anh, anh thấy chả hiểu gì. Khi ông ta tới gần hơn, Golbov xuống xe và đi tới chỗ ông ta. Tay ông ta chảy máu ròng ròng.

       Ông ta giơ cánh tay đầm đìa máu lên, Golbov thấy có vẻ ông ta đã cắt cổ tay. Ông ta thở hổn hển, “Tao sắp chết rồi. Tao đã tự cắt tay. Nhìn đây!” Ông ta chĩa cánh tay đẫm máu về phía Golbov. “Đấy! Mày để vợ tao yên được chưa?”..
Mục lục:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét