XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Hai Làng nói “song ngữ” Bản Thủy và Cổ định ở Thanh Hóa

      Nằm bên bờ sông Mã, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) xưa kia có tên là làng Kênh Thủy hay còn gọi là Bản Thủy. Ít ai biết rằng, nơi đây người dân cả xã dùng một lúc hai thứ tiếng như một “song ngữ”. Từ bao đời nay, người dân Kênh Thủy luôn tự hào và giữ gìn thứ tiếng mang đậm bản sắc riêng của mình không lẫn vào đâu được.
“Té ơi, rặn đi...”
      Từ Thành Nhà Hồ xuôi theo quốc lộ 217 khoảng hơn 10 ki-lô-mét là đến làng Kênh Thủy hay còn gọi là Bản Thủy, nay được chia thành 4 làng thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Theo lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh, với những kết quả các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học núi Hến - Đa Bút, Rú Hến - Kênh Thủy, khẳng định ở khu vực Núi Hến (nay thuộc địa phận làng Đoài, xã Vĩnh Thịnh) có cư dân nguyên thủy cư trú. Sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo biên soạn thời Gia Long thứ 15 (1816), viết: “Tương truyền, xã Khắc Kiệm xưa kia có một cái khe làm thành hồ thủy, phát nguồn từ Yêu Cức, chảy vòng hợp ở phía trước, cư dân vì thế mà thịnh vượng. Dân khang vật thịnh, địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều bậc Thám hoa, Tiến sĩ. Sau này nhờ hiển đạt của các quan, nhân đó đổi thành xã Phú Thịnh. Trong thời gian đó, xã Đa Bút cắt đứt mất khe nước mà cho chảy ra phía Tây. Dòng nước bên hữu ở ngoài đường. Phía ngoài sợ hổ ra, cư dân nhiều người bị hổ vồ, trở nên tiêu điều, rồi trở thành phiêu tán. Có thể nói dân cư có liên quan đến phòng thủ là như thế”.
      Chùa Hoa Long mang dấu ăn văn hóa Chăm Pa ở làng Kênh Thủy, nay là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc
Chùa Hoa Long mang dấu ăn văn hóa Chăm Pa ở làng Kênh Thủy, nay là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc
      Theo các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể lại cho con cháu về gốc tích vùng đất quê mình, rằng: Tương truyền, khu vực này vốn là vùng nước mênh mông, cá, tôm, cua, ốc,… đầy đồng, đất đai màu mỡ. Cũng bởi lẽ, thấy vùng nước mênh mông nên người ta gọi đây là đất Kênh Thủy, sau đó gọi là Bản Thủy. Tuy gọi là làng, nhưng giờ đây là một xã, có bốn làng, gồm: Đoài, Trung, Đông, Sanh với dân số gần chục ngàn người. Kênh Thủy không chỉ được biết đến là một vùng đất địa linh nhân kiệt nằm bên bờ sông Mã, mà nơi đây còn tồn tại một thứ tiếng đặc trưng, mang nét riêng biệt so với ngôn ngữ ở bất cứ vùng đất nào khác.
      Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở làng Sanh, là một trong bốn làng của xã Vĩnh Thịnh ngày nay. Năm nay đã bước sang tuổi 67, nhưng ông Hùng cũng không biết nguồn gốc thứ tiếng mà bản thân ông cũng như người dân Kênh Thủy đang sử dụng hàng ngày bắt nguồn từ đâu. Trong suy nghĩ của ông thì thứ tiếng đó như là nguồn cội của mình.
     “Người dân làng đi xa về mà dùng tiếng phổ thông là người ta gọi là mất gốc. Sử dụng tiếng riêng của mình, chúng tôi thấy rất tự nhiên, thoải mái. Những người từ nơi khác về làm dâu, rể dần dần cũng quen và nói được hết, chỉ có điều phát âm không được như người bản địa. Nó cũng chỉ khác nhau về cách phát âm, còn ngôn ngữ thì giống nhau”. Ông Hùng dẫn chứng: "Té ơi, rặn đi. Cằm triêng nác, qua mầu rầy, mượn đôi chắng còng đôi trành ra triêng má lên đòng cao cho thày chá". Thấy chúng tôi còn ngơ ngác, ông Hùng tươi cười, “phiên dịch”: “Bé ơi, dậy đi. Cầm đòn gánh qua nhà bà dì, mượn đôi quang cùng đôi dành ra gánh mạ lên đồng cao cho bố nhé”.


Làng Kênh Thủy yên bình bên bờ sông Mã
      Điều đặc biệt với người dân nơi đây, từ bao đời nay đã tồn tại một thứ “song ngữ” trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Từ những vật dụng, cây cối, con vật...đều có những từ riêng mà chỉ người Kênh Thủy nghe mới hiểu. Có thể lấy một số ví dụ như: Tóc - tắc, mũi - mủn, răng - nanh, lưỡi - lản, chân - chò, vung nồi - bàng xoong, nia - nâm cấm, gầu múc nước giếng - đài mốc nác, gầu tát nước - bẳn tát nác, gáo múc nước - chuộc, giường - chằng, bàn thờ tổ tiên - chằng cao, con nhện - con rạnh, con chuồn chuồn - bà bịm, con mèo - mẻo, châu chấu - chàu chạu, con rết - con tít, con thạch sùng - con mốn, hạt tấm - mẳn, rơm - bui, môi người - mui, vợ chồng - cấy nhông...

Chưa xác định được nguồn gốc

      Có thể nói, thứ tiếng riêng được coi như tiếng mẹ đẻ và nó là niềm tự hào của những con người sinh ra từ vùng đất này. Người dân vùng đất Kênh Thủy vốn là người Kinh, tuy nhiên, chỉ mỗi khi đi ra, giao tiếp “đối ngoại” với người ngoài, họ mới sử dụng bằng tiếng phổ thông, còn tất cả trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày giữa người dân trong làng với nhau thì họ dùng thứ tiếng riêng của mình.

      Dù thứ tiếng đó không thuộc một trong 54 ngôn ngữ của các dân tộc trên cả nước, chỉ khác nhau về cách phát âm, tuy nhiên, nếu người dân nơi đây dùng thứ tiếng riêng của mình thì người ngoài nghe qua không thể hiểu được. Để có được thứ tiếng độc đáo, mang nét riêng biệt, phải khẳng định rằng, người dân vùng đất Kênh Thủy có một vốn từ vựng phong phú, đa dạng và khác biệt so với các vùng, miền khác ở xứ Thanh.

      Với quan niệm "chém cha không bằng pha tiếng" nên những người đi trước ở Kênh Thủy luôn răn dạy lớp người đi sau về thứ tiếng địa phương mình. Dù lớn lên, đi học hành hay làm ăn, sinh sống ở bất cứ nơi đâu thì người dân làng Kênh Thủy cũng luôn ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình. Không chỉ ở Kênh Thủy, người dân mới dùng thứ tiếng riêng của mình mà dù ở nơi khác, người cùng làng gặp nhau thì họ cũng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, chứ không dùng tiếng phổ thông.

Với những người từ nơi khác về làm dâu, rể ở Kênh Thủy, qua thời gian có thể hiểu được ngôn ngữ nơi đây nhưng không thể phát âm chuẩn như người dân bản địa. Còn những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, dù không ai dạy nhưng đều nói tiếng mẹ đẻ. Đến tuổi đi học thì học sinh đều nói tiếng phổ thông. Nhưng khi ra khỏi lớp học, ngay lập tức, lũ trẻ lại trở về với thứ tiếng nói vốn có của mình.

      Ông Lê Văn Sự - Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Lộc - nguyên là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Lộc cho biết, cả huyện chỉ có xã Vĩnh Thịnh là nói bằng thứ ngôn ngữ này. Nhiều nhà nghiên cứu, tổ nghiên cứu đã về đây tìm hiểu. “Họ nói như chim hót, mình nghe qua không hiểu. Đó là thứ ngôn ngữ riêng của họ không lẫn vào đâu cả. Điều đặc biệt là không phải ngôn ngữ dân tộc của 54 dân tộc, chỉ người ta nói với nhau bằng ngôn ngữ của họ thôi. Nói đoạn, như để minh chứng cho sự độc đáo của tiếng làng Kênh Thủy, ông Sự làm một hơi: “Lạy cấy chuộc rửa cấy chò lênh chằng mà ngơi”, chỉ đến khi ông dịch lại là: “Lấy cái gáo rửa cái chân lên giường mà ngủ” thì chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của cụm từ mà ông vừa phát âm.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, làng Sanh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc

      “Đặc điểm chung là hầu hết đều dùng thanh sắc. Đây được xem là thứ ngôn ngữ riêng chứ không phải tiếng địa phương, nó độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng đất đó, không pha tạp và không lẫn lộn với ai cả. Mong các nhà nghiên cứu làm rõ nguồn gốc của ngôn ngữ ở làng Kênh Thủy, bởi có biết bao nhiêu người muốn tìm lại nguồn cội”, ông Sự mong muốn.

      Hàng chục năm qua, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu cũng như các đoàn của Viện ngôn ngữ học Việt Nam cũng như các trường đại học đã về tìm hiểu tiếng nói của người dân Kênh Thủy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có được đáp án về nguồn gốc của thứ tiếng đặc biệt này. Có giả thuyết cho rằng, cách phát âm của người Kênh Thủy là do nguồn nước ở địa phương quyết định; hoặc do một bộ tộc người cổ đến đây cư trú từ hàng ngàn năm trước tạo nên. Cũng có giả thuyết cho rằng, tiếng nói của người dân bắt nguồn từ tiếng Việt - Mường cổ...Tuy nhiên, tất cả, đó mới chỉ là những giả thuyết mà thôi.

Bài của Duy Tuyên

Làng Cổ Định nói tiếng cổ ngàn năm dưới chân núi Nưa
Dưới chân núi Nưa - nơi có huyệt đạo linh thiêng nhất nước ở Thanh Hóa - hiện có 1 ngôi làng cổ ngàn năm vẫn dùng thứ tiếng 'lạ' để nói chuyện hằng ngày.
Ngôi làng có thứ tiếng lạ, độc đáo này là làng Cổ Định (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Theo sử sách, đây là vùng đất cổ xưa nằm dưới chân núi Nưa, nơi vào năm 248, nữ tướng Triệu Thị Trinh đã chọn làm căn cứ chiêu mộ binh sĩ vùng lên chống giặc Ngô xâm lược. Dù cuộc chiến của bà Triệu thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa do bà khởi xướng vẫn vang vọng mãi về sau.
Làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi người dân vẫn còn dùng tiếng cổ để giao tiếp hằng ngày
Ngày nay, núi Nưa hiện là điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa. Hằng năm, có hàng vạn người về đây du lịch chiêm ngưỡng. Tương truyền núi Nưa nơi có huyệt đạo thiêng (là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất nước) thường được mở cổng trời vào ngày 9 Tết. Ngoài ngắm cảnh đẹp non nước hữu tình, chúng ta còn có thể ghé thăm nhiều di tích độc đáo như đền Am Tiên, đền Nưa…
Đặc biệt, khi về vùng đất núi Nưa, du khách có thể bắt gặp nhiều câu chào nhau, trò chuyện của người dân làng Cổ Định bằng 1 thứ tiếng cổ cứ như "ngoại ngữ" mà chỉ người địa phương mới hiểu được.
Ông Lê Đình Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết Tân Ninh hiện có 11 thôn, nhưng chỉ có thôn 3 (làng Cổ Định) là nói tiếng cổ. Ở đây, già trẻ, gái trai hằng ngày vẫn nói chuyện, trao đổi với nhau bằng thứ tiếng này.
Tiếng cổ hiện chủ yếu những người già, trung tuổi là dùng nhiều trong giao tiếp hằng ngày
Bà Hoàng Thị Lọc (71 tuổi, giáo viên về hưu) cho biết tiếng nói của làng bà không biết có từ bao giờ, nhưng khi lớn lên biết đọc, biết viết là bà đã biết nói rồi. "Tôi có nghe người già trong làng kể tiếng cổ có từ lâu lắm rồi, cách đây phải cả ngàn năm. Ở làng, nhiều người đỗ đạt đi ra, nhưng khi về làng họ vẫn dùng thứ tiếng của làng để trò chuyện"- bà Lọc kể.
Để minh chứng việc tiếng cổ vẫn nói hằng ngày, bà Lọc liệt kê cho phóng viên rất nhiều từ ngữ bình thường chúng ta vẫn nói nhưng bằng tiếng ở làng Cổ Định. "Đầu gối gọi là "trốc cún", đi cấy gọi là "đi cấn", con trâu gọi "con tru", cái chổi gọi là "cái chủn", con gà gọi là "con kha", đi chơi gọi là "đi nhỉn, con vịt gọi là "con vệch"…"- bà Lọc liệt kê.
Cũng theo lời bà Lọc, nhiều người con gái khi lấy chồng về đây đều phải học mới hiểu hết được ý nghĩa của tiếng cổ ở đây, vì hiểu không hết nghĩa sẽ hiểu nhầm sang ý khác ngay.
Cụ bà Lê Thị Sâm chia sẻ về thứ tiếng "lạ" của làng làm bà thường sử dụng khi còn bé
Tại làng Cổ Định, hiện có cụ Lê Ngọc Bá, nguyên trưởng Phòng Giáo dục huyện Triệu Sơn, là người hiểu và có nhiều ghi chép về thứ tiếng "lạ" của làng mình. Trong cuốn sổ đã ố màu, cụ Bá ghi chép rất nhiều, trong đó có nhiều đoạn hội thoại được cụ ghi lại như sau: "Buổi sáng, bà mẹ nói với đứa con: "Giẩu tru đếch xong, bốc chi đớp?". Chiều về bà lại quát con: "Kêu mi vô rú, răng tru viền đướn ăn lọ?". Thằng con khóc: "Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở ruộng cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưa chậy bới cấy chi". Bà mẹ quát: "Học không học, giẩu tru không xong, ăn cho tốn cấu".
Thấy phóng viên ngơ ngác, cụ Bá dịch nghĩa: "Bà mẹ hỏi, giữ trâu không xong, lấy cái gì mà ăn? Bảo mày vào rừng, sao trâu lại về dưới ăn lúa? Đứa con trả lời: Ai biết gì đâu. Trâu mình động đực, lè lưỡi liếm trâu cái, lồng lên chạy đứt dây thừng. Con chạy theo mỏi cả chân, ngã ở ruộng, ruột bắn lên cổ, rách hết bụng, vỡ cả đầu gối. Giờ mẹ chửi cái gì". Câu cuối cùng nghĩa là "học không học, chăn trâu không xong, ăn cho tốn gạo".
Cụ bà Lê Thị Sâm (năm nay đã ngoài 90 tuổi) cho biết, tiếng cổ hiện nay lớp trẻ rất ít dùng nữa, nhiều người hiểu nói chuyện với nhau nhưng để viết thì không nhiều người viết được. "Bây giờ, tiếng cổ chủ yếu những người có tuổi như chúng tôi thường dùng hằng ngày, còn giới trẻ rất ít dùng. Thường thì những dịp lễ hội làng hay những công việc đặc biệt, tiếng cổ mới được dùng nhiều"- cụ Sâm chia sẻ.
Làng Cổ Định ở ngay dưới chân núi Nưa, nơi có đền Nưa linh thiêng thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh (bà Triệu)
Theo lãnh đạo xã Tân Ninh, người làng Cổ Định là người dân tộc Kinh, tại đây hằng ngày vẫn sử dụng tiếng phổ thông và tiếng cổ để giao tiếp. Tuy nhiên, khi giao tiếp với người nơi khác và các văn bản hành chính, người dân vẫn dùng tiếng phổ thông. Tiếng cổ chỉ được dùng trong phạm vi hẹp của làng Cổ Định.
Bài-ảnh của Thanh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét