XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

ĐÌNH CỔ LÀNG PHÙ LƯU VĨNH YÊN VĨNH LỘC THANH HÓA

          Di tích đình Phù Lưu nằm trên địa phận làng Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành Nhà Hồ hơn 2km về hướng Tây Bắc. Đây là vùng đất được cư dân đến khai phá từ rất sớm, lúc ban sơ có tên là Kẻ Don. Khi Hồ Quý Ly cho xây dựng thành Tây Đô, cư dân sống xung quanh khu vực động An Tôn được di chuyển ra vùng ngoại vi.
           Cư dân đi trước lập nên làng Yên Tôn Thượng, dân đi sau lập làng Yên Tôn Hạ. Về sau hai làng Yên Tôn Thượng và Yên Tôn Hạ được tách ra một làng mới gọi là làng Yên Tôn Trung, nhân dân thường gọi là làng Giữa hay làng Phù Lưu.
          Đình được xây dựng vào năm 1850 dưới triều vua Tự Đức thứ ba. Căn cứ vào sách Thanh Hoá Chư Thần Lục và các tư liệu giữ tại địa phương thì đình Phù Lưu thờ tự Cao Sơn tôn thần giống như làng Yên Tôn Thượng ngày nay. Ngọc phả ở làng còn ghi chép rằng: “Trước kia ở Bắc Quốc, đất Minh Lương có một nhà danh gia vọng tộc họ Cao, tên huý là Minh, vợ là Hoàng Nương. Hai người kết duyên đã lâu mà vẫn chưa có con, về sau nằm mộng thấy có ông lão tóc bạc đưa cho một cây Ngọc Kê, từ đó cảm mộng thành thai. Đến giờ Ngọ ngày 12 tháng 8 sinh ra một cậu con trai diện mạo lạ thường. Năm lên 3 tuổi đặt tên là Hiển. Năm 12 tuổi tính bẩm thông minh, trí tuệ, các tập văn từ, chương cú đều giỏi giang, các loại sử sách thông tường, mọi người kính nể mà tôn nhường. Khi 18 tuổi, cha mẹ ông đều mất, ông ở nhà cư tang cha mẹ, trong thời gian đó ông ra sức học tập. Năm 21 tuổi, gặp lúc triều Tống Hi Ninh, nhà vua mở khoa tuyển chọn nhân tài, ông biết bèn tự ra ứng tuyển, may mắn ông thi đỗ Tiến sĩ. Vua thấy ông là người có tài, có đức bèn giao cho ông giữ trọng trách tuần phủ hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Khi đi qua trấn Thanh Hoá, khu An Tôn, thấy vùng đất nơi đây sơn thuỷ hữu tình, núi non trùng điệp. Ông cho đó là một vùng thắng địa linh thiêng, bèn bỏ ra một số tiền cho dân khu ấp lập cung đài ở dưới chân núi để lấy đó làm nơi nghỉ ngơi, đồn trú mỗi khi đi tuần du qua. Nhân dân thấy ông có nhiều công lao nên rất mực yêu quý và tôn ông làm phúc thần. Sau này mỗi khi đi tuần du qua ông thường đóng đồn túc trú và ban thưởng công tiền cho nhân dân.
          Về sau có giặc Đông Di nổi lên, nhiễu đoạt cư dân, ông được lệnh thay vua đem binh xuất tướng đi chinh chiến ở đất Nam Bang. Khi đi có qua vùng đất An Tôn, đóng đồn túc trú, tập luyện quân sĩ đồng thời kêu gọi nhân dân vào đội quân của ông. Quân của ông đi đến đâu giặc đều thua đến đấy mà không mất nhiều công sức. Thắng trận trở về làng mở yến tiệc khao quân, nhân dân thấy ông là người có nhiều công lao nên tự nguyện xin duệ hiệu để về sau phụng thờ. Ông lấy bút viết lên dòng chữ: Ta tên huý là Cao Hiển, tự là Văn Trường. Sau đó ông vào túc trú tại Nghệ An, lập một cung đài ở đất núi Đại Liễn, trang Bảo tháp, huyện Đông Thành, trải qua các triều vua và mất tại đây thọ 103 tuổi. Vua thương xót trước cái chết của một bậc quân thần có công lao với nước mà lấy chữ Sơn làm tên của thần, ban sắc phong ở bậc Thượng đẳng thần.
          Thời gian ấy ở đất An Tôn, nhân dân trong vùng nghe tin bèn tiến hành lễ điếu, cảm nhớ tới ơn đức của thần, lập biểu tấu lên nhà vua. Vua đồng ý ban sắc lệnh cho nhân dân lập đền miếu hương khói thờ tự làm Thành Hoàng làng. Từ đấy nhân dân trong làng làm ăn phát đạt, người người mạnh khỏe, muôn vật tốt tươi”.
          Đình Phù Lưu được dựng trên khu đất rộng, thoáng với diện tích 188,98m2, gồm 5 gian có kết cấu tương đối cân xứng nhau, mặt tiền quay về hướng Nam. Trước kia đình có hậu cung nay chỉ còn nền móng, trước sân đình có cái giếng được xây bằng gạch, trước đình có hệ thống ao đình theo tương truyền đây là dòng sông Mã trước kia cách đình khoảng 50m.
          Đến nay kiến trúc bên trong ngôi đình vẫn còn giữ được nét xưa với 24 cột cái, cột quân bằng gỗ và đứng trên hệ thống chân tảng. Trên các con rường được nghệ nhân thời bấy giờ tạo các hoa văn trang trí là những bông hoa cách điệu, chữ thọ thể hiện nét đẹp cho vì kèo. Bức đại tự được đặt trang trọng ở giữa với dòng chữ Thánh Cung Vạn Tuế được chạm khắc hình rồng mặt nguyệt, cá hoá long, hoa cúc cách điệu. Đề tài trang trí ở các vì kèo, kẻ bẩy, đại tự chủ yếu là các linh vật nổi bật như: Tứ quý, tứ linh (long, ly, quy, phượng) và một số thú vật gần gũi với đời sống con người được linh thiêng hoá nét chạm hết sức tinh xảo. Hai bức chạm ở hai vì hồi nóc được xem là khá đặc biệt trang trí chạm long quần hổ phục chen kiểu cách chạm tứ linh các con vật, loài hoa, rùa, cá, chim, sóc, hoa cúc…những hoạ tiết trang trí giản dị, phóng khoáng thể hiện tính hồn nhiên của người lao động. Song điều đáng quan tâm khi đến đây là bức chạm khắc ở gian thứ 3 với nét chạm hình rồng, đuôi cuộn tròn, hình dáng dữ tợn cho ta cái cảm giác linh thiêng, tôn nghiêm của nơi đây. Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: đôi rùa đá, 1 bia đá (140cm x 74cm x 12cm) và 1 sắc phong.
          Có thể nói, đình Phù Lưu là ngôi đình đã đạt tới hình thức thẩm mỹ phù hợp với sinh hoạt và chức năng của một công trình mang tính sinh hoạt cộng đồng làng xã. Những hoạ tiết trang trí đã làm tăng thêm tính uyển chuyển mềm mại của ngôi đình và thể hiện đậm nét nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn.
          Trong hành trình đến với Thành Nhà Hồ du khách có thể ghé thăm di tích đình Phù Lưu, xã Vĩnh Yên để hiểu biết thêm về một vùng đất cổ và tìm hiểu tác phẩm kiến trúc nghệ thuật điêu khắc có giá trị thẩm mỹ.

Đình làng Phù lưu 
Tin & ảnh: Văn Long
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
Đình được tôn tạo lại năm 2019

Một số hình ảnh của đình sau tôn tạo













Khảo dị thêm tài liệu cổ:

Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nằm giữa 2 dòng sông Mã và sông Bưởi, là di tích đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ thì hiển nhiên do nhà Hồ (Hồ Quý Ly) xây dựng. Nhưng nơi đây đã từng là hành cung hay một trị sở quan trọng của các triều đại từ trước đó. Ai là người thật sự đầu tiên đặt gạch nền móng để xây dựng thành tại khu vực này..

Gian tiền tế đình Phù Lưu (Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Xung quanh khu vực thành nhà Hồ có nhiều nơi thờ vị thần tên là Cao Sơn đại vương. Như ở phía cổng Tây của thành nhà Hồ có đình Phù Lưu và đền Cao Sơn  tại xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc). Còn ở phía Đông thành có phế tích đền Còng tại xã Vĩnh Hưng, cũng là nơi thờ Cao Sơn đại vương.
Cao Sơn là một vị thần được thờ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê trong sách Thanh Hóa chư thần lục do bộ lễ triều Nguyễn soạn vào năm Thành Thái thứ 15 cho biết ở Thanh Hóa có tới trên 400 làng nơi thờ Cao Sơn làm thành hoàng trải dài ở hầu hết các huyện của tỉnh Thanh. Hiện nay ngay ở thành phố Thanh Hóa còn có một con đường lớn mang tên Cao Sơn.
Vậy Cao Sơn là ai, có công nghiệp như thế nào đối với xứ Thanh mà được tôn thờ rộng rãi như vậy?
Theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì: Bản ngọc phả làng Yên Tôn Thượng ghi cụ thể về xuất thân vị thần tên huý là Hiển, ông đỗ tiến sỹ vào thời Tấn (thế kỷ X), khi đó nước Việt ta bị phong kiến phương Bắc cai trị, tiến sỹ Hiển được điều sang cai quản vùng đất thuộc Thanh – Nghệ này nay. Khi qua núi An Tôn, nhận thấy vùng đất này là thắng địa, ông cho xây dựng ở chân núi một số công trình để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Viên quan cai trị đã lập công to trong lần đi chinh chiến ở đất Đông Di. Ông mất năm 103 tuổi, tại núi Đại Liễn. Trang Bảo Thánh huyện Đông Thành, Nghệ An, Cao Hiển vốn là viên quan có học vấn cao, lại có lòng thương dân, nên ông được dân tôn vinh. Nhân dân vùng đất An Tôn thờ Ông, coi Ông như một vị thành hoàng bảo hộ cho dân làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc phong thần cho Ông thuộc hạng Thượng đẳng tối linh với nhiều mỹ tự ca ngợi.


Tấm bia An Tôn… năm Thành Thái thứ nhất đặt ở sân đình Phù Lưu.
Thần tích này cho biết Cao Sơn có tên là Cao Hiển, người Trung Quốc sang nước ta dẹp giặc Đông Di và đã cho xây dựng một số công trình ở vùng núi xứ Thanh.
Chỗ khác, như ở đền Còng (Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc) thì chép thần Cao Sơn ở vào thời Lý: vào khoảng năm Khánh Lịch (1041-1048) ông làm quan tới chức Thừa tướng kiêm trấn thủ các xứ Nghệ An, Thanh Hóa… Bỗng năm đó có giặc Đông Di (Cao Ly Triều Tiên ngày nay) nổi lên xâm chiếm đất đó, quấy nhiễu cướp đoạt dân cư. Nhà vua bèn sai ông ra quân dẹp giặc…
Thật không biết vị thần Cao Sơn này chính xác sống vào thời nào. Chỗ thì bảo là đời Tấn (thế kỷ thứ 10), chỗ lại là thời Lý nhưng dùng niên hiệu Khánh Lịch của nhà Tống. Thậm chi ông này còn đánh giặc Đông Di ở tận Triều Tiên??? Quãng thời gian thế kỷ X – XI thì nước ta đã độc lập rồi, lấy đâu ra vị quan đô hộ nào của phương Bắc cai quản ở đất Thanh Hóa nữa?
Vị tiến sĩ tài ba cai quản đất Thanh Nghệ mang tên Cao Hiển Văn Trường này thực ra là Tiết độ sứ của nhà Đường Cao Biền. Tướng Cao Biền có công đánh dẹp quân Nam Chiếu, truyền tích gọi là giặc Đông Di, ở vùng Thanh Nghệ, chứ chẳng phải ở tận Cao Ly Triều Tiên. Nam Chiếu là quốc gia xuất phát từ Bắc Trung Bộ Việt (không phải từ Vân Nam như sử Tàu vẫn chép) chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Việt, làm nhà Đường lao đao, phải cử Cao Biền làm tướng đánh dẹp. Việc Cao Biền tiến xuống phía Nam, đánh vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Nghệ An đã từng được bàn trong bài trước về thần Cao Sơn Cao Các. Thanh Hóa là nơi Cao Biền cho xây hành cung, là một vị trí chiến lược trong yếu trong việc trấn giữ quân Nam Chiếu thời kỳ này.
Sự xuất hiện của Cao Biền và hành cung tại Vĩnh Lộc thời Đường được khẳng định bởi những khai quật khảo cổ thành nhà Hồ. Tại di tích này đã phát hiện nhiều viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quân và Giang Tây chuyên. Giang Tây là từ tương đương với tên gọi Tĩnh Hải mà Cao Biền là vị Tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Gạch Giang Tây quân là loại gạch của Tĩnh Hải sứ quân Cao Biền.

Gạch xây thành Đại La, Hoa Lư và thành ở Vĩnh Lộc.

Gạch Giang Tây quân (nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Cũng tại di tích thành nhà Hồ còn tìm thấy các viên gạch mang chữ Đại Việt quốc, nhưng lại không hoàn toàn giống như gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên dùng trong xây thành Hoa Lư và Thăng Long. Viên gạch ở thành nhà Hồ mang các chữ còn lại đọc được là Đại Việt quốc Nam bình 大越国南平. Gạch Đại Việt là loại gạch dùng xây thành dưới thời nước Đại Việt do Lưu Cung lập nên, chứ không phải thời Lý vì mãi tới năm 1054 vua Lý thứ 3 là Lý Thánh Tông mới đặt tên nước là Đại Việt và dùng gạch với niên hiệu Long Thụy Thái Bình.


Gạch Đại Việt quốc Nam bình… 
(Nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Hai lớp gạch Giang Tây quân và Đại Việt quốc ở thành nhà Hồ như vậy tương đồng với các lớp gạch xây thành tại Hoa Lư. Đây là bằng chứng xác thực về một trị sở quan trọng liên tục từ thời Đường tới thời Đinh Lê tại địa bàn Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Các hiện vật thời Lý Trần cũng được phát hiện và trưng bày tại thành nhà Hồ như lá đề có hình rồng, phượng, gạch lát nền hoa dây, hình đầu thú đất nung,… Có thể thấy rõ đây là một trung tâm chính trị tồn tại liên tục bắt đầu từ khi Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng vào thời Đường cho tới khi nhà Hồ chuyển kinh đô của cả nước về An Tôn và xây thành đá. Việc loại bỏ không trưng bày hay không tính tới các lớp di vật của thời Đường, thời Đinh Lê tìm thấy trong di tích làm hạn chế giá trị của di tích này và làm khuất lấp sự thực lịch sử về vai trò của các triều đại trước thời Trần Hồ khi xây dựng khu vực thành ở Vĩnh Lộc.


Lá đề lệch hình rồng trưng bày ở khu thành nhà Hồ.
Sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền và hành cung thời Đường ở Vĩnh Lộc còn được ghi nhận trong một sự tích khác. Đình Hồ Nam tại xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) cũng như nhiều ngôi đình, nghè ở khu vực xung quanh thành nhà Hồ hiện đang thờ vị thần là Quản Gia Đô Bác. Sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo chép về vị thần này như sau:
Buổi đầu, ngài giữ chức Quan Lang Thổ Tù ở đất Thiên Vực họ Trịnh, tên La (Ngọc phả ghi là Ra), là người thông minh mẫn tiệp, trung tín, truyền mãi danh thơm. Nhà ở xứ Long Xá, đời thế làm tù trưởng, có 3 anh em, 2 trai, 1 gái, trai trưởng là ngài, thứ là Tú, gái út tên là Thị Ba. Cả ba anh em dung mạo đẹp đẽ, dáng dấp khỏe mạnh, đĩnh đạc.
Vào thời gian vua Đường Ý Tông niên hiệu Hàm Thông bên Bắc Quốc (Trung Quốc), vua xuất trị thiên hạ sai Cao Biền giữ chức Đô Hộ sứ trấn giữ nước Nam. Khi đặt chân tới Nam Bang, Cao Biền mệnh xưng là Cao Vương đi kinh lý quan sát địa hình núi sông. Qua đất nhà Trịnh ở huyện Vĩnh Ninh, Cao Biền ngang qua nhà ông. Biền biết ông là người trung thực, bình định xong được Nam Chiếu, Cao Biền cho ông theo cùng về thành Đông Quan. Ông không quản mệt nhọc, một lòng theo hầu, chuyên tâm vào việc. Cao Biền cho ông là người hiền lành, tài đức, chịu khó nên rất mực yêu thương, bèn giao cho ông năm quyền quản lý kho của phủ và việc nhà. Ông làm việc chăm chỉ nên lại lập được nhiều công lớn. Cao Vương rất mực yêu mến tài của ông, ban cho Thạch Khố sứ quan, kiêm Quản Tri quan trung Nội Ngoại chư khố.
Ông lại cáo từ về quê. Cao Vương quý ông trung thành ban cho ông 500 quan tiền, vì thế mà trở thành người giàu có. Ông lại có tính thương xót kẻ nghèo khó, mọi người trong huyện ai nấy đều được ông ban phát.
Trước kia tổ phụ họ Trịnh có hiềm khích với người làng Vĩnh Thanh, có oán thù về đời thế từ lâu mà chưa phân giải được, người đó tên là Hà Lang… Khi thuyền gần tới phía bờ cát, ba anh em đang ngồi trên thuyền nhìn nhau, Hà Lang từ trong bờ đột nhiên xông ra phục kích, cả ba anh em đều bị hại… Xác trôi quanh quẩn ở đó 5 ngày, người nhà biết được báo tin cho Cao Vương. Cao Vương nhớ đến công lao, bèn cho an táng ở đỉnh núi Nhật Chiêu, sai người đắp thành mộ, lập đền thờ trên đó, lệnh cho nhân dân thờ phụng… Cao Biền phong cho ngài là Đương Giang Quản Gia Thần Vương…


Đình Hồ Nam (Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Cuối triều nhà Trần, khi họ Hồ tiếm ngôi vua đế, dời kinh đô từ về Tây Đô. Một đêm, mộng thấy một người khách lạ, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội bình đính, lưng thắt đai đen, đứng bái trước mặt tự xưng: Thần là Trịnh La, nối đời làm Tù trưởng, xin Cao Vương phong làm Thần vương, giúp dân quanh vùng được hưởng phụng thờ bảo vệ dân trong một vùng. Nay thiên hạ thái bình, nguyện xin đại vương bày rõ uy đức, chớ đem tai ương đến cho dân sinh. Nói xong không thấy đâu nữa.
Vua Hồ tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mộng, liền chiêu gọi các phụ lão hỏi rõ đầu đuôi. Vua Hồ biết được quả rất anh linh, có ý giúp lập cơ vận nhà Hồ, bèn ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho thần là Đương Giang Quản Gia Đô Bác Đại Vương.
Từ sự tích trên ta có bằng chứng rõ ràng về hiện diện của Cao Vương Biền tại đất Vĩnh Lộc. Hơn thế, khi đó tù trưởng hay thủ lĩnh địa phương tại đây là người họ Trịnh, đã theo Cao Biền làm quản gia. Có thể suy luận, người đã giúp Cao Biền xây hành cung tại Vĩnh Lộc chính là vị Quản Tri quan trung nội ngoại chư khố Trịnh La. Đó cũng là lý do tại sao sau đó khi vua Hồ dời đô về An Tôn đã gặp vị “thành hoàng” họ Trịnh này hiển mộng phù trợ.


Sơ đồ các điểm di tích trong khu vực thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc (ảnh theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ).
Điểm đáng lưu ý khác là như thần tích cho biết họ Trịnh ở đất Vĩnh Lộc đã đời thế làm tù trưởng, từ thời Đường. Sau đó đến thời Lê vùng đất này lại có danh tướng là Trịnh Khả, công thần lập quốc của nhà Lê, cùng tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi. Trịnh Khả có cha là Tổng chính (chánh tổng) của vùng Vĩnh Ninh. Tổ tiên trước làm quan triều Trần, có công bình dẹp giặc Nguyên. Như vậy, họ Trịnh trên vùng đất Vĩnh Lộc là thủ lĩnh của khu vực này suốt từ thời Đường tới thời Lê sơ. Sang thời Lê trung hưng lại nổi lên chúa Trịnh, cũng quê ở Vĩnh Lộc, là người nắm quyền điều hành quốc gia trong một thời gian dài.
Như thế rất có thể cội nguồn của các chúa Trịnh, tướng quân Trịnh Khả thời Lê đều bắt đầu từ vị Trịnh La, người xây thành đầu tiên tại đất Vĩnh Lộc dưới thời Cao Vương Biền. Đồng thời, hơn 400 nơi thờ thần Cao Sơn ở Thanh Hóa cũng chính là nơi thờ Cao Biền, vị Tiết độ sứ quân đầu tiên của đất Tĩnh Hải, người xây thành Đại La, Hoa Lư và thành ở Vĩnh Lộc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét