Ông vốn họ Ngô tên Tuấn, tên chữ là
Thường Kiệt, do có nhiều công lao to lớn, được vua ban Quốc tính (mang họ nhà
vua) nên mới có tên là Lý Thường Kiệt. Phả xưa chép ông sinh ra và lớn lên ở
phường Thái Hòa, từ nhỏ đã tỏ ra có tài năng, chuyên cần học tập, ngày học võ
đêm ôn văn, theo học Lý Công Ẩn, một thân vương nhà Lý; lại được chồng của
người cô là Tạ Đức truyền thụ binh pháp võ nghệ gia truyền. Năm 16 tuổi lấy vợ,
chẳng may khi lâm bồn cả mẹ lẫn con đều chết. Năm 20 tuổi lấy vợ khác, một bà
họ Tạ, một bà là Lý Thị Duy Mỹ. Về việc Lý Thường Kiệt có lấy vợ hay không cũng
còn có những ý kiến khác nhau, nhưng hai sắc phong thời Nguyễn cho vị nữ thần
được thờ ở Nghè A Đô (nay thuộc làng A Đô, xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh
Hóa) mới được Phạm Tấn phát hiện đã
chứng minh việc Lý Thường Kiệt có lấy vợ trước khi vào nội đình như bia Ngọ Xá
và phả đã chép là có cơ sở.
Phả xưa có đoạn: “Ngô Tuấn mặt mũi
khôi ngô, dáng điệu đường hoàng, tính tình nhã nhặn khiêm tốn, có tài cả văn
lẫn võ, lại siêng năng cần mẫn, hết lòng trung thành nên vua Lý Thái Tông tin
yêu, muốn có Ngô Tuấn luôn gần gũi, nên khuyên Ngô Tuấn tự yêm để có thể ở lại
trong cung cấm thường xuyên. Năm 23 tuổi Ngô Tuấn tự yêm”.
Ngay sau khi vào nơi cung cấm, Ngô
Tuấn được sung chức Hoàng môn chi hậu, theo hầu Thái Tông, sau thăng đến chức
Đô tri ở Nội sảnh. Sau Lý Thái Tông phong ông làm Thái bảo và trao cho tiết
việt. Năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 (1069), Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành,
ông làm tướng quân tiên phong, bắt tù Chế Củ. Do công đó được phong Phụ quốc
Thái phó, đồng thời được phong đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, Thiên tử
nghĩa đệ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Khai Quốc công và nhận chức Tiết độ sứ
các trấn xa. Năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đời vua Lý Nhân Tông, ông cùng Tông Đản
đánh Tống, lĩnh 10 vạn quân chia đường tiến đánh, vây chặt châu Khâm, châu
Liêm. Viên Đô giám tỉnh Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu,
ông đón đánh ở Côn Luân phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận, phá thành Ung
Châu. Trong trận này, ông đem trọng binh vào đất người, mà người Tống sợ không
dám động binh, tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi, là một võ công bậc nhất xưa nay.
Sau khi rút quân về, ông lại thống lĩnh đại quân đi đánh Chiêm Thành, vẽ bản đồ
ba châu mà trước kia Chế Củ đã dâng cho ta, di dân đến ở rồi rút quân về.
Lý Thường Kiệt được hậu thế đánh giá
là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Việt Nam hồi thế kỷ XI, đầu thế
kỷ XII.. Để thấy rõ hơn sự đánh giá này, ta hãy nhìn lại giai đoạn lịch sử
những năm 1075 – 1076: Ở nước Tống, vua Tống Thần Tông lên ngôi năm 1064 khi
mới 20 tuổi, lòng đầy nhiệt huyết chấn hưng đất nước, nên năm sau liền mời
Vương An Thạch, một nhà chính trị và văn học nổi tiếng thời ấy về triều phong
làm Phó Tể tướng, cho được quyền cải cách pháp luật. Việc cải cách pháp luật đã
bị các đại thần trong triều phản đối, vua Tống sinh ra dao động, Vương An Thạch
bực bội xin từ chức sau 6 năm nắm quyền. Nhưng năm sau (1075) Tống Thần Tông
lại triệu Vương An Thạch về triều phong làm Tể tướng. Vừa nắm được quyền trong
tay, để củng cố địa vị của mình, Vương An Thạch xui vua Tống đánh chiếm Đại
Việt và khẩn trương chuẩn bị kho tàng quân lương cho cuộc chiến tranh sắp được
phát động ở cả vùng biên giới Tống - Việt, nhưng cuối năm ấy đã bị Lý Thường
kiệt đem quân sang phá hủy hết. Dù vậy đến tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai Quách
Quỳ, Triệu Tiết hợp binh với Chiêm Thành, Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Lý
Thường Kiệt lập phòng tuyến Như Nguyệt để phòng thủ. Quân Tống tổ chức vượt phòng
tuyến bị thua. Những tưởng có thể nuốt sống được nước ta, nào ngờ lại bị thua đau, không còn cách
nào khác, Tống Thần Tông buộc phải để cho Vương An Thạch từ chức Tể tướng.
Vương An Thạch buồn tủi, uất hận và chết ngay trong năm đó (1076). Điều đáng nói
ở đây là Vương An Thạch là một trong “Đường, Tống bát đại gia”, tức là một
trong 8 nhân vật kiệt xuất của đất nước Trung Hoa trong hơn 600 năm dưới triều
đại nhà Đường và nhà Tống.
Tóm tắt thân thế sự nghiệp lẫy lừng
của Lý Thường Kiệt, bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn dựng vào năm 1126 sau khi
ông mất 23 năm, nhưng văn bia được soạn khi Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa (trước
năm 1101) bởi Hải Chiếu Đại sư (tức Giác Hải), một người làm việc dưới quyền
ông trong những năm làm Tổng trấn Thanh Hóa đã từng chứng kiến tận mắt những
việc ông làm cho nên mới có những lời ngợi ca cụ thể hết lời trong bia Linh
Xứng núi Ngưỡng Sơn (nay là xã Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa) như: “Lúc quan
Thái úy còn trẻ được chọn vào cấm đình, hầu vua Thái Tông, chưa đầy một kỷ,
tiếng khen đã nức ở nội đình. Đến khi vua Thánh Tông nối ngôi trị nước, Thái úy
hết lòng giúp đỡ. Ra sức siêng năng, nổi bật trong hàng tả hữu, được thăng chức
Kiểm hiệu thái bảo. Khi nước Phật Thệ (tức nước Chiêm Thành) khinh nhờn phép
tắc, không chịu vào chầu, vương sư rầm rộ tiến đánh. Thái úy thao lược hơn
người, vào cung vua mà nhận mưu chước, chế quân luật mà đuổi đánh quân thù.
Hoàn Vương không đường chạy trốn, đành tự bó tay mà chịu cắt tai. Bắt được y
rồi, Thái úy mới rút quân về. Vua nghĩ công lớn ấy, bèn ban khen và thăng chức.
Giữa khoảng niên hiệu Thần Vũ (1069 - 1072) được phong chức Thái úy Đồng trung
thư môn hạ Bình chương sự giúp đỡ việc chính sự của nước nhà, muôn dân được nhờ
ơn rất nhiều vậỵ. Đầu niên hiệu Thái Ninh (1072 - 1075), đức Kim thượng Minh
hiếu hoàng đế lên ngôi (tức Lý Nhân Tông), Thái úy lấy tư cách là Y Doãn(1),
Hoắc Quang(2) được nhà vua giao phó nhiếp chính và gửi gắm công việc xã tắc.
Bỗng chốc quân biên giới nhà Tống dòm ngó nước ta. Thái úy nắm sẵn mưu chước
của triều đình thống lĩnh quân sĩ, diệt ba châu, bốn trại dễ dàng như bẻ cành
gỗ mục. Chẳng bao lâu quân giặc ồ ạt kéo đến sông Như Nguyệt, thề trả thù cho
ba châu. Thái úy lại cầm quân chống giặc. Thái úy lấy tư cách biện sĩ mà phân
tích cho giặc, không vất vả mà bọn đầu sỏ rã rời nhụt chí. Thế là giữ được an
ninh cho xã tắc. Vua mến Thái úy dũng cảm nên càng thêm sủng kính. Đầu năm Anh
Vũ Chiêu Thắng (1076 - 1084), Thái úy được phong làm em vua, trông nom mọi việc
quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, châu Ái và phong cho thái
ấp một vạn hộ ở Việt Thường. Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì
nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì
siêng năng, sai bảo dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp
đỡ quân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy
vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình
ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm
gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả
đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc
như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây
cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà
tám phương yên lặng, công thật to lớn”.
Tấm bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (nay
thuộc thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) dựng năm 1100 cũng có đoạn
ca ngợi Lý Thường Kiệt rất súc tích: “Nay có Thái úy Lý Công, giúp vua thứ tư
triều Lý (tức Lý Nhân Tông), được trao chức: Suy thành, Hiệp mưu, Bảo tiết thủ
chính, Tá lý, Dực đới công thần, Thủ thượng thư lệnh, Khai phủ khâm đồng tam
ty, Nhập nội nội thị sảnh đô đô tri, Kiểm hiệu Thái úy, kiêm Ngự sử đại phu,
Dao thụ chư trấn tiết độ sứ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Thượng trụ
quốc, Thiên tử nghĩa đệ, khai quốc Thượng tướng quân, Việt quốc công, thực ấp
một vạn hộ, thực thực phong bốn ngàn hộ. Ông đứng trước tiết lớn, vâng mệnh phù
nguy, là người có thể gửi gắm đứa con côi, ủy thác mệnh lệnh ngoài trăm dặm.
Rồi ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn
không lai chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả. Đâu
phải riêng nhà Hán có công huân Hàn(3), Bành(4), nước Tề có sự nghiệp của
Quản(5), Án(6). Riêng ông giúp vua thì nước nhà giàu thịnh nhiều năm. Đó chính
là công tích rực rỡ của đạo làm tôi có thể để lại nghìn đời sau vậy. Đến năm
Nhâm Tuất (1082), nhà vua đặc biệt ban thêm một quận Thanh Hóa cho ông làm
phong ấp, châu mục đều ngưỡng mộ phong thanh, muôn dân đều mến đức chính”.
Về đức độ và tấm lòng trung trinh một
dạ của Thái uý Lý Thường Kiệt đối với quốc gia dân tộc và đối với nhà Lý, thì
học giả Hoàng Xuân Hãn đã có một sự đánh giá hết sức xác đáng rằng: “Công Lý
Thường Kiệt là to. Tài cầm quân Lý Thường Kiệt là cao đã đành, mà đến chính
sách nội trị và ngoại giao của Thường Kiệt cũng khéo. Thường Kiệt lại cũng
không tự ái quá, biết trọng quyền lợi chung. Nếu không thì sao khi vua còn nhỏ,
ông cầm hết quyền bính và quân đội trong tay mà không bắt chước Lê Hoàn hay Lý
Công Uẩn, chỉ ra một lệnh là cướp được ngai vàng? Nếu không, thì sau khi thấy
tình thế ngoại giao với Tống trở nên khó khăn bởi mình, ông lại chịu bỏ ngôi tể
phụ mà ra lủi thủi ở trấn Thanh Hóa. Tuy sách sử ta chép chuyện sơ sài, nhưng
xét qua những sự còn ghi trong sách Tống ta cũng hiểu được ít nhiều đức tính
của Lý Thường Kiệt. Chỉ tiếc rằng về cá nhân của ông thì không có những chứng
làm cho ta biết rõ ràng hơn. Ngoài cái bia chùa Linh Xứng ở Thanh Hóa, còn lại
tuyệt nhiên không có vật gì kỷ niệm một vị ân nhân của dân tộc ta. Tưởng nay đã
đến lúc ta có thể đền bù công đức của Lý Thường Kiệt”.
Lý Thường Kiệt trong thời gian trấn
trị ở Thanh Hóa (1082 - 1101), ngoài việc làm cho vùng đất phên dậu của đất
nước được yên ổn, vững mạnh, ông còn có công rất lớn trong việc phát triển chùa
chiền và làm cho đạo Phật ở đây hưng thịnh hơn bao giờ hết. Như lời Hải Chiếu
Đại sư nói trong bia Linh Xứng thì ông “Tuy thân vướng việc đời, mà lòng vẫn
hướng về đạo Phật”. Và chính vì có tấm lòng và tư tưởng hướng Phật ấy mà đã
thôi thúc ông chuyên làm những điều thiện đối với dân, với nước. Về việc phát
triển Phật giáo, trong thời gian chưa làm tổng trấn Thanh Hóa, Lý Thường Kiệt
đã giúp sư Đạo Dung sửa chữa lại chùa Hương Nghiêm ở giáp Bối Lý (nay thuộc xã
Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) theo lời thỉnh cầu của Thái Phó Lưu Công (tức Lưu
Khánh Đàm - vị quan đồng triều với Lý Thường Kiệt, người Ngũ huyện giang - Cửu
Chân) vào năm 1077 (tức là năm Lý Thường Kiệt vẫn còn ở Thăng Long). Còn trong
thời gian làm tổng trấn ở Thanh Hóa (1082 - 1101), Lý Thường Kiệt chính là
người trực tiếp xây dựng chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn. Vì vậy dân địa phương
còn gọi tên là chùa Lý Thái Úy (tức chùa Lý Thường Kiệt).
*Ghi
chú:
(1) Y
Doãn là tướng của Thành Thang có công giúp Thành Thang tiêu diệt nhà Hạ mà lập
ra nhà Thương.
(2)
Hoắc Quang là quan đại thần thời Hán Vũ Đế, được Vũ Đế ủy thác Phụ chính
giúp người con nhỏ của mình là Hán Chiêu Đế.
(3) Hàn
tức Hàn Tín, vị tướng tài của Lưu Bang nhà Hán.
(4)
Bành tức Bành Việt là công thần khai quốc của Nhà Hán, là một tướng tài
(5) Quản tức Quản Trọng giúp Tề Hoàn công làm
nên nghiệp bá.
(6) Án
tức Tề Án Anh là Tể tướng nước Tề thời
Tề Cảnh công, có tài xử thế và ngoại giao.
Nguồn gia phả họ Ngô của Ngô Vui
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét