XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Chúa trịnh thời Lê Trung hưng ở Thanh Hóa


VAI TRÒ CỦA CÁC CHÚA TRỊNH THỜI LÊ TRUNG HƯNG Ở THÀNH TÂY ĐÔ VÀ CĂN CỨ BIỆN THƯỢNG
Dòng dõi các chúa Trịnh trải qua 11 đời, sinh ra và lập nghiệp từ đất Vĩnh Lộc có truyền thống văn hiến. Công lao to lớn nhất của các chúa Trịnh là đóng góp quyết định vào sự nghiệp trung hưng nhà Lê, góp phần chấm dứt nội chiến Nam Bắc Triều và giữ gìn kỷ cương phép nước, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia Đại Việt trong lịch sử dân tộc.  Điều đó đã được phân tích chứng minh, luận bàn và khẳng định qua rất nhiều cuộc hội thảo từ nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, thành công ấy của các chúa Trịnh thực sự gắn liền với quê cha đất tổ, vừa là nơi phát tích cũng chính là bệ đỡ vững chắc để các chúa Trịnh làm nên công danh, sự nghiệp là mối quan hệ hết sức chặt chẽ cần tiếp tục nghiên cứu.

          Tròn 50 năm (1543 -1593) là thời kỳ chiến tranh Nam Bắc Triều, mở đầu của thời Lê Trung hưng, lịch sử dân tộc gắn liền với hai địa danh nổi tiếng: Thành Tây Đô và căn cứ Biện Thượng cùng hai vị chúa có công khai mở là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và Bình An Vương Trịnh Tùng, những địa danh và danh nhân lịch sử ấy đã gắn kết chặt chẽ với giá trị của nhiều di sản quý giá mà tiêu biểu nhất là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Phủ Trịnh, Nghè Vẹt. Ở đây từ góc nhìn lịch sử, những diễn biến cụ thể mà sử liệu cho biết chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn vai trò, vị trí của các chúa Trịnh (chủ yếu là Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng) với hai vùng đất đặc biệt quan trọng như đã nói trên.


Tượng Triết Vương Trịnh Tùng

          Ngược dòng lịch sử nhà Lê Sơ sau gần 100 năm tồn tại (1428 - 1527) với đỉnh cao của chế độ phong kiến nước ta đã đi vào khủng hoảng. Tháng 6 năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu đã thay thế nhà Lê, mở ra một cục diện Nam Bắc triều. Nhà Mạc vẫn đóng đô ở Thăng Long, tiến hành xây dựng Dương Kinh ở Kiến An và chiếm giữ Tây Đô, một căn cứ quân sự trọng yếu. Thanh Hóa, một lần nữa trở thành chỗ dựa căn bản để Nguyễn Kim, một cựu thần nhà Lê và tiếp theo là Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng giương cao ngọn cờ phù Lê diệt Mạc, khôi phục lại những trang sử hào hùng mà nhà Lê từng có. Năm 1533, vua Lê Duy Ninh (Trang Tông) được Nguyễn Kim lập nên làm vua ở đất Ai Lao, đặt nguyên hiệu là Nguyên Hòa.

          Năm 1539, do có nhiều công lao đánh Mạc ở Lôi Dương, lại có công sang Ai Lao đón vua Lê Trang Tông về, được vua Lê phong làm Dực tướng quân, Trịnh Kiểm tỏ ra một vị tướng tài năng, cầm quân đánh bật quân Mạc khỏi địa bàn Lôi Dương. Mùa xuân năm 1543, với quyết tâm nhanh chóng giành lại địa bàn Thanh Hóa và lập căn cứ khôi phục nhà Lê, Lê Trang Tông cùng Trịnh Kiểm tiến quân vây thành Tây Đô, Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất (giữ thành Thanh Hóa) không dám chống cự phải đem quân ra cửa Nam thành đầu hàng. Vua Trang Tông dùng thành Tây Đô làm đại bản doanh, tổ chức lực lượng tấn công trấn Sơn Nam (vùng Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định…) công cuộc trung hưng hãy còn dang dở, Nguyễn Kim người khởi xướng sự nghiệp trung hưng bị hành tướng Dương Chấp Nhất hãm hại. Vua Lê phong Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim) làm Đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ Chư dinh kiêm nội ngoại, Bình Chương quân quốc trọng sự Thái sư Lạng quốc công, được toàn quyền xét xử trù liệu mọi việc. Từ đây, vai trò vị trí của Trịnh Kiểm cũng như vị chúa kế nghiệp xuất sắc là con trai ông, Trịnh Tùng nổi lên sáng láng gắn liền với vùng đất tổ Vĩnh Lộc. Với Trịnh Kiểm được vua Lê giao cho chính quyền, “từ quyền quân sự, ở ngoài đến sự vụ quốc gia, công việc đánh dẹp và phong tước bổ chức đều được tùy tiện quyết định rồi tâu lên vua biết”(1), đây là công việc hết sức nặng nề. Để nhanh chóng thu phục toàn bộ đất nước, ông đã khẩn trương cho xây dựng kinh đô trung hưng Vạn Lại Yên Trường vào năm 1546 và củng cố pháo đài quân sự Tây Đô cũng như căn cứ Biện Thượng. Năm 1553, Thái sư Trịnh Kiểm lập hành cung và đóng đồn binh ở Biện Thượng, lập kế hoạch chống Mạc.


 Phủ Trịnh 

          Dưới góc nhìn quân sự, hành chính, vùng đất Biện Thượng từ thời Trần về trước là huyện Vĩnh Ninh cho đến thời Lê Trung hưng đổi gọi là huyện Vĩnh Phúc (do kiêng tên húy vua Trang Tông Lê Duy Ninh). Đến thời Nguyễn đổi thành Vĩnh Lộc. Thời Đồng Khánh (1886 - 1888), tổng Biện Thượng là một trong 7 tổng của huyện Vĩnh Lộc bao gồm 8 xã, thôn(2) có thể tương ứng với các xã: Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An mà trung tâm là xã Vĩnh Hùng bây giờ. Căn cứ Biện Thượng được Thái sư Trịnh Kiểm lựa chọn, xây dựng nằm ở tả ngạn sông Mã. Phía Bắc là huyện Thạch Thành có núi rừng trùng điệp. Sông Mã ở đoạn này, sát với đê có nhiều núi đá không cao cùng những quần tụ dân cư đông đúc tạo thành những làng xóm ven sông. Từ đây lại có thể ngược sông lên Tây Đô, Thạch Thành và xuôi xuống đồng bằng ven biển, thực là vị trí đắc địa cho các nhà cầm quân khi lập căn cứ quân sự.

          Mùa thu năm Ất Mão (1555), trước sự lớn mạnh của quân Lê Trịnh, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển trực tiếp cầm quân đi đánh dẹp Thanh Hóa, hòng tiêu diệt lực lượng trung hưng giành lại địa bàn Thanh Hóa. Quân Mạc chia làm 2 đạo thủy bộ: Một do Thọ quận công làm tiết chế với hơn 100 chiến thuyền làm lực lượng tiên phong; một do Mạc Kính Điển đích thân chỉ huy hẹn cùng nhau họp quân ở sông Đại Lại (sông Lèn) sau đó Thọ quận công theo đường thủy ngược lên đóng quân ở núi Kim Sơn (thuộc xã Vĩnh An ngày nay). Biết trước kế hoạch của quân Mạc, Thái sư Trịnh Kiểm đã họp các tướng lĩnh bàn cách chống giặc. Ông đã cắt cử các tướng đi trấn an dân chúng không được hoảng loạn để gây thế chủ quan cho quân Mạc. Mặt khác, ông chia quân bản bộ làm 3 mũi đem quân phục kích ở hữu ngạn sông Mã, đội thuyền chiến chắn giữ thượng lưu sông Mã và một mũi do Thái sư Trịnh Kiểm đích thân đem đại quân mai phục ở tả ngạn từ núi Kim Sơn đến núi Bạch Thạch với 50 thớt voi và từng quãng đều có quân mai phục. Khi quân Mạc tiến đánh ngang vùng núi Quân An, quân Lê Trịnh từ hai bờ sông nghe tiếng súng lệnh, nhất loạt xông ra đánh. Quân hai bờ sông ép lại, voi chiến của Trịnh Kiểm khóa đuôi, quân thủy của Phạm Đốc chặn đầu, khiến cho quân Mạc tan tác: “giặc chết lấp kín sông, nước sông đều sắc đỏ. Lấy được khí giới không kể xiết. Quân giặc hơn vài vạn chết gần hết”(3). Cuối cùng, Mạc Kính Điển không chống đỡ nổi, phải thu nhặt tàn quân chạy trốn về kinh như sử sách đã chép.

          Tháng Giêng năm Bính Thìn (1556), Lê Trang Tông băng hà. Trịnh Kiểm lập Lê Duy Bang (tức vua Lê Anh Tông) lên ngôi hoàng đế trên đất Thanh Hóa, tiếp tục công cuộc trung hưng.
Trong những năm 1558 - 1560, quân Lê do Trịnh Kiểm chỉ huy tấn công Bắc triều với các đợt phản công lớn: Đánh Sơn Nam, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Kinh Bắc... mà điểm xuất phát đều từ Vạn Lại, Tây Đô, Biện Thượng mỗi đợt tấn công tới 10 vạn binh lính, đa phần là người Thanh Hóa.

          Tháng 3 năm 1561, Trịnh Kiểm lại đốc thúc các tướng đi đánh Mạc ở vùng Hải Dương, Kinh Bắc. Mạc Phúc Nguyên sai các tướng một mặt đánh nhau với quân Trịnh Kiểm, một mặt sai Kính Điển đem theo một đạo qân, vòng đường biển đánh úp Thanh Hóa. Tây Đô, Biện Thượng lại trở thành nơi tranh chấp quyết liệt. Các tướng nhà Trịnh là Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh đã tập trung binh lực chống trả quyết liệt, khiến cho quân Mạc thất bại, buộc phải thu quân về kinh. Tháng 9 cùng năm, từ mặt trận phía Bắc, “Thái sư Trịnh Kiểm liền đem quân về Thanh Hóa, lạy chào vua ở hành tại Yên Trường, cáo thắng trận xong, đóng quân ở Cao Mật, phía Nam thành Tây Đô, thưởng chiến công đánh giặc”(4).

          Lịch sử lại cho thấy, tháng 2 năm Canh Ngọ (1570), khi cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều đang diễn ra quyết liệt thì Thái sư Trịnh Kiểm ốm rồi mất. Trịnh Tùng (con  thứ của Trịnh Kiểm)được vua Lê Anh Tông sắc phong làm Trưởng quận công tiết chế thủy bộ chư dinh, cầm quân đánh giặc. Dưới sự thống lĩnh của Tiết chế Trịnh Tùng, quân Lê - Trịnh chia nhau chốt giữ các cửa lũy, các xứ, bố trí lực lượng, kiên quyết chống trả quân Mạc. Sau chiến dịch đánh chiếm Thanh Hóa bị bại, nhà Mạc vẫn không ngừng mưu đồ tiêu diệt nhà Lê. Do vậy, vùng Tây Đô, Biện Thượng cũng như Thanh Hóa thường xuyên bị nhà Mạc quấy phá đặc biệt ở các năm 1572, 1573, 1575… nhưng đều bị thất bại.

          Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Triều, thành Tây Đô như đã nói là một căn cứ quân sự hết sức trọng yếu của quân Lê - Trịnh trong kháng chiến chống Mạc. Nhiều sự kiện lịch sử khác có liên quan đến vai trò của tòa thành này cũng đã được ghi chép với những sự kiện quan trọng. Ví như trận lũ lụt tháng 8 năm Kỷ Mùi (1559): “Ở Thanh Hóa, Nghệ An, nước lũ tràn ngập, đê điều, đường sá bị vỡ lở, trôi mất vài trăm nhà. Trong thành Tây Đô do vậy bị ngập, kho tàng phần nhiều bị ngập nước nhân dân đói kém”(5). Hoặc trận lụt tháng 4 năm 1586: “Vùng Thanh Hóa trời không mưa gió mà nước sông Mã bỗng dâng cao, thành Tây Đô bị ngập, ở ngoài nước xoáy, chảy xiết như bắn, cây cối đổ lấp cả sông, các nhà ven sông phần nhiều bị trôi ra biển”(6). Những chi tiết trên không chỉ phản ánh tình hình thiên tai, lũ lụt diễn ra ở vùng Tây Đô, Biện Thượng trong thời gian này là hết sức nặng nề mà còn cho biết ngoài một công trình quân sự, thành Tây Đô còn là kho tàng lớn, nơi dự trữ quân lương của triều đình. Đây còn là diễn ra các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước. Sử chép, tháng 8 năm Nhâm Tuất (1562), để tuyển dụng nhân tài cho triều đình, nhà Lê đã “lập trường thi Hương ở cửa Nam thành Tây Đô”(7). Rất tiếc sử liệu không cho biết rõ những ai đậu đạt trong khoa thi này.

          Cuối năm 1591, quân Lê Trịnh dưới sự chỉ huy của Trịnh Tùng đã làm chủ được cục diện chiến trường, tiến hành tổng công kích quyết liệt ra Bắc. Trịnh Tùng đã huy động đến 6 vạn quân, chia thành 5 đạo cùng xuất phát: “Quân từ Tây Đô đi ra theo đường huyện Quảng Bình, qua phủ Thiên quan đào núi, mở đường, luồn cây xuyên rừng, vượt sông chui hang, đi gấp 10 ngày đến núi Mã Yên ở đầu Sơn Tây thì đóng quân lại”(8). Thừa thắng, quân Lê Trịnh tấn công Thăng Long, Mạc Mậu Hợp bỏ chạy. Cuối cùng, tháng 2 năm 1593, dưới sự chỉ huy của Tiết chế Trịnh Tùng, quân Nam Triều đã đánh dẹp được nhà Mạc, kết thúc cục diện Nam Bắc Triều kéo dài tròn nửa thế kỷ với nhiều biến động, thăng trầm. Trong sự nghiệp lớn lao này, vị trí của các chúa Trịnh trong đó có Trịnh Tùng được sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), tiết chế Trịnh Tùng tiến quân lấy được Đông Đô, Mạc Mậu Hợp chạy về kinh thành, Trịnh Tùng đuổi bắt được. Trong nước khi ấy được bình định. Từ Lê Trang Tông trung hưng đóng đô ở Tây Đô đến đây trải qua 3 đời, hơn 60 năm, cõi đất chia xé đến nay mới lại thống nhất”(9).

          Trở lên, từ những ghi chép tản mạn của chính sử, những lần điều tra thực địa trước đây, chúng tôi đã cố gắng xâu chuỗi những sự kiện trọng yếu trong thời kỳ Nam Bắc Triều để khẳng định vùng đất Tây Đô - Biện Thượng có mối quan hệ mật thiết, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở thời kỳ này. Từ vùng đất địa linh này đã sinh ra những nhân kiệt, ở đó tên tuổi của Thái vương Trịnh Kiểm, của Bình An Vương Trịnh Tùng nổi bật, xứng danh với một dòng họ có nhiều đóng góp cho dân tộc./.                                                                                                                   

Ghi chú:

          (1). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.2, Nxb Giáo dục Hà Nội, 1998, tr.124.
          (2). Viện nghiên cứu Hán Nôm, Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới, 2003, tr.131.
          (3). Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, T.3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr.140.
          (4). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđ d, tr.134.
          (5), (6), (7), (8). Đại việt sử ký toàn thư, Sđ d, tr.132; tr.16; tr.135; tr. 168.
          (9). Phan Huy Chú,  Lịch triều hiến chương loại chí, T.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.39 - 40.

Tác giả: TS. Lê Ngọc Tạo
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét