XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

ĐÀM VỀ NỊNH


Trong giao tiếp hàng ngày, chúc tụng, ca ngợi, động viên cổ vũ, khen nhau khiến cho nhau phấn khởi vui vẻ trong cuộc sống là chuyện thường tình. Thế nhưng nịnh hót, nịnh nọt để thành kẻ nịnh bợ thì cũng không phải là chuyện hiếm...

Các kiểu nịnh xưa nay rất đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân.

Xưa nay nịnh chỉ có một chiều: dưới nịnh trên, không hề có chuyện người trên nịnh kẻ dưới, ngoại trừ trường hợp dỗ dành trẻ con. Và lúc này nịnh đã biến thành nựng.

Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân thời vua Càn Long nhà Thanh Trung Quốc. Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: "Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hayvà viết chữ đẹp như thế! ". Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng "Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!".

Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan lại hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia.

Chẳng cứ gì Hòa Thân, xưa nay những kẻ xu nịnh vẫn thường a dua theo đuổi kẻ có quyền thế, phủ nhận và xuyên tạc sự thật bất chấp lẽ phải. Sử Trung Quốc vẫn còn ghi chuyện Triệu Cao, Tể tướng nước Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế áp mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư, Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo nhà vua rằng đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần"Con vật này là hươu hay ngựa. Bọn quan lại xu nịnh Triệu Cao đều tâu là ngựa!"

Đấy là chuyện bên Tàu. Ở Việt Nam ta cũng có khối chuyện vui lý thú. Như ngày xưa chuyện tên đầy tớ nịnh chủ trong chuyện cười Việt Nam. Tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu! Đi chơi, ông chủ khen. "Lúa đồng làng này tốt quá?". Tên đầy tớ ca theo "Lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần ! " . Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo "Cô nương nhà ta xinh gấp mười lần". Khi gặp một bà già, chủ nhận xét bà xấu xí. Tên đầy tớ quen mồm buột miệng "Bà nhà ta xấu gấp mười lần ! ". Ngày nay ở Công ty nọ Trưởng phòng nịnh giám đốc bằng cách nói vuốt cứ hễ giám đốc nói câu gì cần trưng cầu ý kiến mọi người thì hắn ta lại nói ngay không cần suy nghĩ ý em cũng giống ý anh nhưng do chậm chưa kịp nói ra...rồi một hôm giám đốc nói tôi định ứng cử vào vị trí cấp trên...hắn ta nói luôn ý em cũng giống ý anh...Thì ra nịnh hót hay nói vuốt lâu dần thành quen và đã thành quán tính!

Nghệ thuật nịnh bao giờ cũng dùng lời lẽ rất văn vẻ để người trên vừa lòng như chuyện tên lính hầu phát hiện trên chòm râu quan huyện có dính hạt cơm. Hắn đã quỳ tâu: " Bẩm quan lớn, có hạt minh châu vương trên long tu ngài". Quan hiểu ý nhặt bỏ hạt cơm, rất hài lòng khen tên hầu bẻm lép thông minh.

Tuy vậy, trong kho tàng chuyện nịnh trên thế gian này có lẽ chưa có chuyện nịnh nào vượt qua được tầm nịnh trong chuyện "Nịnh rắm" của nước ta. Chuyện kể rằng trong một buổi thăng đường, huyện quan vô tình tương ra một cái rắm. Quan đang bối rối thì viên thơ lại đã đến bên xun xoe: "Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!". Một viên thơ là khác lại thốt lên: "Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương lan ! " .

Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: "Ta nghe nói, trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa !" . Hai viên thơ lại cuống quít đính chính. "Bẩm quan lớn, dạ, bây giờ mới có mùi ạ!", "Dạ, bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ!"

Suy cho cùng, nịnh là để chiếm cảm tình của cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém sức nhưng lại muốn vươn lên bằng thủ thuật nịnh bợ. Xã hội càng phát triển, thủ thuật nịnh càng tinh vi, đa dạng. Từ những ngôn từ đẹp đẽ tâng bốc đón ý cấp trên, tranh thủ cảm tình đến hạ mình phục vụ hầu hạ, biếu xén quà cáp, hối lộ đất đai, tiền bạc.

Vì vậy các nhà xã hội học đều cho rằng nịnh là có hại cho sự phát triển xã hội. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết xuống chiếu cầu hiền: "Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu ninh . . . " .

Cho nên, nhận ra được bộ mặt thật của kẻ xu nịnh không phải là khó nhưng để tránh được sự tâng bốc, phỉnh phờ, đường mật rồi vô tình lạc vào mê cung thì thật không dễ. Phát hiện kẻ nịnh rồi tìm cách tránh, xưa nay không phải là không có.

Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công. Ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân Tề Uy Vương ra lệnh: "Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1 . Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3".

Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm...

Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương lúc nào cũng lo lắng việc nước luôn hỏi han quần thần nhưng lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: "Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được Yên".

Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh. Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến nỗi tan tành sự nghiệp, mất cả mạng sống của mình.

Danh tướng Quan Vũ (Quan Vân Trường) một trong ngũ hổ thời Tam quốc, oai phong lẫy lừng là thế nhưng lại mất cảnh giác trước lời tâng bốc, phỉnh nịnh của Lục Tốn - đại tướng Đông Ngô, để rồi bị Lục Tốn đánh úp chiếm đóng Kinh Châu và chặt đầu Quan Vũ!

Nói công bằng, có người ưa nịnh thì cũng có người khẳng khái không ưa nịnh, luôn giữ bản chất trong sạch của mình trước kẻ cường quyền dù đó là vua của một nước. Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề không chịu xu nịnh. Tề Tuyên Vương là một ví dụ .

Chuyện kể rằng khi vua đến chơi nhà Nhan Súc, vua gọi: "Nhan Súc, lại đây!", y như kiểu gọi một đứa trẻ. Nhan Súc điềm tĩnh đắp lại: "Hoàng thượng! Lại đây!". Các quan theo hầu hạch tội. Nhan Súc giải thích: "Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh ham muốn quyền lực. Súc gọi mà nhà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ, xu nịnh quyền thề thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!". Thật là một lập luận biện hộ hết sức tài tình.

Trong cuộc sống ngày nay, xu nịnh vẫn luôn tồn tại ở đâu đó, dưới nhiều hình thức, nhiều kiểu cách, mức độ khác nhau. Phân biệt được khen ngợi chân tình, thực lòng hay tâng bốc nịnh nọt thực ra không khó lắm.

Nhưng khổ một nỗi, loại bỏ thói xu nịnh lại chẳng dễ dùng vì con đường tiến thân bằng xu nịnh lại thường bằng phẳng, ít chông gai và vì xu nịnh đều dùng lời đường mật dễ thấm vào lòng người.

Chẳng thế mà thời nay đã hình thành câu cửa miệng: "Bằng lòng hơn bằng cấp", song hành cùng câu tục ngữ thời xưa "Mật ngọt chết ruồi".


Nguồn: internet

1 nhận xét:

  1. Lão tử là một người thông minh và tài giỏi. Bữa đó nghe tin sư phụ là Thương Dung bị bệnh nặng, Lão Tử đến thăm và mời sư phụ ăn chút gì để chống lại bệnh tật hiểm nghèo. Nhân lúc sư phụ tỉnh, Lão Tử xin sư phụ cho ý kiến dạy bảo thêm cho đệ tử. Thương Dung thấy Lão Tử không những thông mình mà còn ham học, suy nghĩ sâu sắc nên đã mở rộng miệng cho lão tử xem và hỏi:
    - Lưỡi của ta còn không?
    - Thưa sư phụ, Lưỡi của sư phụ còn ạ!
    - Thế răng của ta còn không?
    - Thưa sư phụ không còn ạ!
    - Con có biết ta hỏi con vấn đề này có thâm ý gì không?
    - Lão Tử trả lời: Thưa sư phụ, sư phụ về già rất thọ, sỡ dĩ cái lưỡi còn vì cái lưỡi mềm. còn răng rụng hết là vì nó cứng. Thưa sư phụ, có phải thế không ạ?
    Thương Dung nghe Lão tử trả lời vậy vui vẻ nói: Đúng! lý giải của trò hoàn toàn chính xác. Lưỡi vì mềm mà còn được lâu, răng vì cứng nên rụng hết. Đạo lý này không chỉ đúng với răng và lưỡi mà mọi việc trong thiên hạ đều như thế cả!
    Thời nay có người cho rằng: Nói đến ''răng và lưỡi'' là nói đến cương và nhu. Câu nói vì cương nên răng rụng trước, lưỡi nhu nên vẫn còn là một câu dạy ứng xử theo triết lý Phương đông nhưng không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp.
    Có người lại bàn rằng:
    Răng rụng về già, báo hiệu bạn đang sắp kề miệng lỗ (khi đó lưỡi cũng chẳng còn). Từ lúc răng rụng đến khi xuống lỗ, lưỡi ráng nỗ lực làm việc hộ răng nhé ! Còn cái dạ dày nữa chứ, nó lại hồi hộp mỗi lần thức ăn chảy xuống từ miệng vì nó biết răng đã không còn. Lưỡi mà không còn răng thì lưỡi khổ lắm. Thế nên tạo hóa mới để cho răng nằm ngoài che lưỡi (răng ôm lưỡi, lưỡi cù răng (nịnh răng))
    Phải chăng ? Răng và lưỡi vừa có quan hệ biện chứng và vừa có quan hệ hữu cơ
    Biện chứng “Vừa thống nhất-Vừa đối lập”
    Thống nhất: Cùng phối hợp để chế biến thức ăn phục vụ cho bộ máy tiêu hoá “Răng xé, cắn, nhai còn Lưỡi thì nhào trộn đẩy, đưa thức ăn đến cho Răng làm việc”
    Đối lập: Răng làm việc nhiều, Lưỡi làm việc ít. Răng làm việc nặng lưỡi làm việc nhẹ. Răng chịu sương gió, Lưỡi ở phòng the. Răng mà nhai kỹ, Lưỡi khỏi cần làm việc, Răng rình cắn lưỡi nhưng không bao giờ cắn trúng, Lưỡi luôn nịnh và mơn trớn răng, Răng tấn công trực diện, Lưỡi đánh lén sau lưng răng. Sinh thời Lưỡi ra đời sớm để hưởng thụ sữa mẹ, khi mẹ hết sữa mới sinh ra Răng để làm việc, Nhìn chung Răng ra đời đúng lúc và rụng cũng rất đúng thời, nếu lưỡi lười răng rụng sớm, nếu lưỡi siêng răng rụng muộn hơn. Khi Răn cắn, xé lưỡi trốn biệt, khi răng nhai (đã có thành quả) Lưỡi phối hợp nhào trộn, khi thành công Lưỡi xoa, mơn trớn và đấm bóp cho Răng. Răng rụng lưỡi vất vả vì phải làm thêm cả phần việc của Răng..........(sự trả giá của lưỡi)
    Hữu cơ: Hỗ trợ nhau cùng phát triển và hoàn thành nhiệm vụ. Lưỡi nịnh người mua thức ăn mềm để răng đỡ khổ, Răng phấn đấu nhai kỹ để lưỡi được nhàn rỗi hơn.
    Tóm lại suy rộng ra răng và lưỡi cũng giống như Cương và Nhu, Trung thần và Gian thần, Quan Võ và Quan Văn, Quân sự và Chính trị, Cống hiến và hưởng thụ, và nhiều nhiều nữa.......

    Trả lờiXóa