Vấn đề có một hay hai Ngô Văn Sở đã từng
là đề tài được tranh cãi sôi nổi trên Văn đàn và trong nhiều cuộc Hội thảo khoa
học diễn ra ở Huế cách nay vài ba thập niên. Hiện tại có lẽ vấn đề đã ngã ngũ
là có hai ông Ngô Văn Sở sống gần như đồng thời vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn.
Tuy vấn đề được giới khoa học bàn luận
sôi nổi đó liên quan đến người họ Ngô, nhưng Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam khi
ấy (nay là Hội đồng Ngô tộc Việt Nam) chủ trương không tham gia cuộc tranh luận
vì sợ rằng điều ấy có thể dẫn đến sự thiếu tính khách quan vì có thể có người
cho rằng dòng họ Ngô nói về người họ mình thì chắc phải đúng rồi, còn tranh cãi
mà làm gì. Vì thế, chúng tôi đã đứng ngoài cuộc tranh luận nói trên trong suốt
thời gian nó diễn ra, không phải vì chúng tôi không có tư liệu gì để bàn. Trong
suốt thời gian đó chúng tôi đã âm thầm đi các nơi để tìm kiếm tư liệu đặc biệt
là Gia phả các chi họ liên quan. Từ nguồn tư liệu khá phong phú mà chúng tôi
thu thập được, Phả hệ họ Ngô Việt Nam năm 2013 đã khẳng đinh có hai ông Ngô Văn
Sở: Ngô Văn Sở của Tây Sơn và Ngô Văn Sở của Gia Long.
Các bạn có thể hỏi chúng tôi căn cứ vào
đâu mà kết luận như vậy?
Thưa rằng chúng tôi đã căn cứ vào gia
phả của họ Ngô phường Bình Thạnh Tp Qui Nhơn, vào gia phả họ Ngô Thuận Nhơn xã
Hải Vịnh huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị (thông qua các bài viết của ông Ngô Văn
Xưng - Vĩnh Định) và "Ngô gia kị nhật"-gia phả của họ Ngô thôn Trung
xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, Hà Nội (VIện Hán Nôm, mã số 3170) và nhiều sách của
các nhà nghiên cứu về Huế như Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An,...
Từ các nguồn tư liệu đó, chúng tôi khẳng
định có hai ông Ngô Văn Sở vì hai ông có quê hương bản quán khác nhau, có vợ
con khác nhau và tuổi tác khác nhau, nên là hai người khác nhau.
Cụ thể như sau:
1) Về
quê hương bản quán
a-Ngô Văn Sở Tây Sơn là con Ngô Văn
Diễn làm quan nhà Lê Trịnh, trấn giữ đất Quảng Nam, quê gốc ở xã Trảo Nha huyện
Thạch Hà, Hà Tĩnh, nay là Thị trấn Can Lộc.
b- Ngô Văn Sở Gia Long nay chưa rõ
con ai quê Thuận Nhơn, Quảng Trị, quê gốc lang Nành (Ninh Hiệp), Gia Lâm, Hà
Nội.
2) Về vợ
con
a- Ngô Văn Sở Tây Sơn có 6 bà vợ và
2 con trai, không có con gái; Sáu bà vợ là Nguyễn Thị Quý, Đặng Thị Vậy, Trương
Thị Trà, Trần Thị Ngoạn, Lê Thị Yến và Huỳnh Thị Lan. Hai con trai là Ngô Văn
Đắc, Ngô Văn Nhât.
b- Ngô Văn Sở Gia Long có một bà vợ
và 3 người con: một gái hai trai. Bà vợ là Nguyễn Thị Đích quê Thăng Long, bà
lấy chồng khi còn ở Thăng Long vào khoảng năm 1788. Ba con gồm một gái là Ngô
Thị Chánh, hai trai là Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ. Bà Ngô Thị Chánh sinh năm
1792 và là sủng phi của vua Minh Mạng.
3) Về
tuổi tác
Tuy ta không biết năm sinh của hai
ông Ngô Văn Sở, nhưng có thể suy đoán hai ông thuộc hai thế hệ khác nhau cách
nhau chừng vài chục tuổi. Những căn cứ để suy đoán đó là:
- Ông Ngô Văn Sở Gia Long có con
trai lớn Ngô Văn Thắng, ông Thắng là em trai cùng mẹ với bà Ngô Thị Chánh, nên
sớm ra thì ông nhỏ hơn bà Chánh 1 tuổi, tức giả định ông sinh năm 1793. Thế thì
cho đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ vào năm 1802, thì con trai ông Ngô Văn Sở Gia
Long (ông Thắng) mới chừng 10 tuổi.
- Trong khi đó ông Ngô Văn Sở Tây
Sơn đã có hai cháu nội Ngô Văn Chương, Ngô Văn Kỳ (đều là con Ngô Văn Đắc) dã
phải chạy trốn khỏi quê để tránh sự trả thù của Gia Long.
Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử cuối
Lê đầu Nguyễn có hai người họ Ngô cùng tên Văn Sở cùng là võ tướng phục vụ cho
hai vương triều khác nhau là nhà Nguyễn Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Long là hai
người khác nhau, chứ không phải một người.
Chi tiết xin xem sách "Góp bàn
chuyện trong sử cũ" tác giả Ngô Vui do NXB Lao động ấn hành năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét