Xét điều kiện tự nhiên - môi trường, ở góc nhìn
quân sự, vùng đất An Tôn có nhiều thuận lợi cho việc xây dựng một toà thành có
khả năng đáp ứng được nhu cầu chống lại các cuộc bạo loạn bên trong và tấn công
từ bên ngoài. Với tầm nhìn của một võ tướng, một người nhiếp chính nhiều tham
vọng, trong bối cảnh vương triều Trần chỉ còn là hơi thở thoi thóp, nạn ngoại
xâm đang đến gần... việc Hồ Quý Ly chọn động An Tôn xây thành, dời đô không
phải là không có cơ sở.
Xét về mặt bằng tổng thể, có thể nhận ra: Hồ
Quý Ly mang nhãn quan chiến lược rất đáng nể: cấu trúc kinh thành khá hợp lý,
chú ý tới yếu tố thành và yếu tố thị của kinh đô.
Với cấu trúc này, “thành” được xem là trung tâm
trong mối liên hệ với Giao Đàn ở phía Nam, yếu tố “thị” cũng được “nhìn” theo
phía Nam của kinh thành, dọc hướng đường thiên lý và dòng chảy của sông Mã về
hạ nguồn. Sự phát triển của kinh thành trong những năm mở đầu vương triều Hồ
cho thấy chiều vươn lên của đất nước theo hướng mở rộng về phương Nam.
Cấu trúc thành Tây Đô
Các công trình nghiên cứu về thành Tây Đô từ
trước đến nay ít chú ý đến cấu trúc của thành trong tầm nhìn một kinh đô. Cấu
trúc mặt bằng kinh thành cho thấy: thành Tây Đô đã đáp ứng tương đối đầy đủ
những yếu tố cần thiết của một kinh đô đất nước trong thời loạn. Thành Tây Đô
với kiến trúc đồ sộ, hoành tráng. Đồ án thành được chia làm hai khu vực La
thành và Hoàng thành, cùng hệ thống bảo vệ bên ngoài thành (thành ngoại).
Thành ngoại đắp bằng đất và trồng tre gai.
Thành nội (hoàng thành) là nơi triều chính, có đền đài cung điện, nhà ở. Bao
quanh thành nội gồm hệ thống hào sâu rộng, cùng với lớp hào thiên nhiên là sông
Mã, sông Bưởi bao bọc lấy kinh thành.
Bình đồ cấu trúc đó của thành Tây Đô chứng tỏ
sự chịu ảnh hưởng lớn từ kinh thành Thăng Long thời Lý. Hai lớp vòng thành bao
bọc lẫn nhau, tăng cường sức kiên cố và hiểm trở cho công trình. Đồng thời hai
vòng thành cũng có ý nghĩa phân biệt rõ ràng thêm một bước trật tự thời quân
chủ giữa dân cư vơi cung đình.
* Thành ngoại: Thành An Tôn không chỉ mang ý nghĩa
kinh đô mà còn là một pháo đài có khả năng chống nguy cơ xâm lược đang đến gần.
Với mục đích đó, Hồ Quý Ly đã tận dụng và cải tạo điều kiện tự nhiên thành một
tuyến phòng ngự tiền duyên: đắp đất, đào một hệ thống giao thông hào rất lớn,
nhằm bảo vệ chắc chắn từ xa cho hoàng thành.
Phía Bắc, cách thành khoảng vài cây số, có một
dãy đồi chạy dài theo ven sông Bưởi hình thành tuyến phòng ngự dựa vào đồi núi
tự nhiên. đất trời ban tặng. Phía Nam và phía Đông là cánh đồng khá trống trải,
nên Hồ Quý Ly đã cho đắp ở phía hào một luỹ khá lớn chạy suốt cả hai phía mặt
thành, nối với con sông ở phía Nam và hệ thống đồi phía Bắc.
* La thành: Bao quanh Hoàng thành là một vòng
La thành đặc biệt đắp bằng đất. La thành được xây dựng theo cách lợi dụng địa
hình đồi gò đắp đất nối liền lại, tạo nên tường thành rất kiên cố. Bên cạnh đó,
Hồ Quý Ly cho rải chông, đào hệ thống hào sâu, cống ngầm thông với bên trong,
bao quanh bảo vệ cho khu thành nội.
Để tăng thêm độ vững chắc cho La thành, Hồ Quý
Ly ra lệnh trồng tre gai dày đặc tạo nên một vòng thành vừa hết sức độc đáo,
vừa quen thuộc với phong cách Việt Nam. Ước chừng, chu vi vòng thành này khoảng
4km và nằm cách thành nội khoảng 2km (nay ở phía Đông cách thành nội 2km còn
thấy rõ dấu tích, các phía khác chỉ còn từng đoạn nhưng cũng đã bị sụt lở).
Bao quanh thành nội là một con hào vừa sâu vừa
rộng, ngày nay nhiều chỗ đã bị lấp, song đứng trên mặt tường thành còn thấy rõ
dấu vết của hào ngoài khi trước. Đường qua hào vào thẳng bốn cửa thành đều được
xây cống gạch, hình dáng cống nay còn thấy ở phía cửa Tây. Khoảng cách từ hào
vào chân thành nội khoảng 50m.
Sông Mã và sông Bưởi chạy ôm suốt mặt Tây -
Nam, tạo nên một lớp hào thiên nhiên bao bọc lấy Hoàng thành.
* Thành
nội: Thành nội đã xây hết sức công phu bằng những khối đá xanh khổng lồ.
Thành nội còn gọi là Hoàng thành, nơi vua cùng các quan ở và làm việc, được xây
dựng đặc biệt kiên cố.
Hơn 600 năm đã qua, không ít công trình nghiên
cứu về thành Tây Đô ở nhiều góc độ khác nhau. Đối với một di sản kiến trúc đồ
sộ, khối lượng lớn như Hoàng thành Tây Đô thì vấn đề diện tích, chu vi, khối
lượng xây đắp toà thành được đặc biệt quan tâm. Song cho đến nay các số liệu
còn chưa thống nhất. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành đo đạc và có được con
số mới nhất về kích thước thành nhà Hồ(2).
Chiều Nam - Bắc dài 860m (từ mép trong cổng
thành theo trục Bắc - Nam).
Chiều Đông - Tây dài 863m (từ mép trong cổng
thành theo trục Đông - Tây).
Từ số liệu mới về các chiều dài của thành,
chúng ta nhận ra các chiều kích của một mặt hình chữ nhật gần vuông, sự chênh
lệch giữa hai chiều là 3m (860m và 863m). Còn nếu tính cả chiều sâu cổng thành
thì chiều Đông - Tây dài 889,6m; chiều Nam - Bắc dài 888,572m… hình gần vuông
(chênh lệch chỉ hơn 1m) của thành Tây Đô được thể hiện rõ hơn. Có thể sự chênh
lệch này không phải là sai số lúc xây dựng mà theo một quan niệm nào đó của
người thiết kế toà thành(?). Thực tế cho thấy: toà thành không bị chi phối kích
thước bởi địa hình. Mặt bằng khu vực cho phép việc thiết kế hình vuông hoặc
hình chữ nhật, nhưng Hồ Quý Ly chủ trương tạo nên hình gần vuông? Rất có thể
kích thước thành có sự chênh lệch là do ý muốn chủ quan của Hồ Quý Ly hoặc bị
chi phối quan niệm phong thủy (?).
Thành có bốn cổng theo bốn hướng Nam - Bắc -
Đông - Tây, nhưng cửa nam lệch 12 “độ” so với hướng Nam. Có lẽ độ lệch này cũng
xuất phát từ ý thức về hướng của người thiết kế, theo quan niệm đương thời (?).
Các công trình trong
thành nội
Nền móng công trình và các mảng điêu khắc
Con đường xuyên qua hai cổng Nam - Bắc, chính
là trục đối xứng của các kiến trúc xưa. Toàn bộ đất trong thành đã được canh
tác, nhưng trên những bãi cao trồng hoa màu, ruộng thấp cấy lúa và ao trũng thả
sen vẫn giữ được dấu vết nền móng kiến trúc cổ. Những nền và móng ấy phân bổ
hài hoà gần như đối xứng nhau qua con đường nối cổng Nam và cổng Bắc. Cấu trúc
mặt bằng phân ra hai nửa phải trái, đối nhau qua trục chính... là lối cấu trúc
truyền thống tìm thấy trong nhiều công trình kiến trúc cổ Việt Nam.
Những cung điện lầu gác ngày xưa nay không còn
nữa, chỉ lưu lại vết tích nền móng là bờ của các thửa ruộng với kích thước khác
nhau. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống thì thấy những bờ ruộng nổi lên rất cân
đối. Những bờ ruộng này đều nằm trên những móng tường cũ của các công trình.
Dựa vào hình các bờ ruộng, cũng có thể hình dung ra phần nào sự phân bố các
cung điện, đền miếu với Tây Đô lúc đang thịnh.
Bên trong thành nội, tuy các công trình đã là
phế tích, nhưng trong quá trình đào đất
trồng trọt, nhân dân vẫn tìm được nhiều hiện vật quý giá, đáng kể nhất là đôi
rồng đá có dáng uốn khúc uyển chuyển, dài 3,8m. Đôi rồng đá này mang đậm phong
cách của nghệ thuật thời Trần. Ngoài ra còn tìm thấy một số loại gạch, bát,
đĩa, vò, vại, mũi giáo, mũi mác... Trong số các đồ gốm sứ ở đây có những chiếc
đĩa có đường kính cực lớn (đường kính 65cm) mang dấu ấn gốm sứ thời Trần. Đặc
biệt còn có loại chông 4 mũi. Loại chông này có đặc điểm là khi ném hoặc rải ra
đều có ba mũi bám xuống đất theo thế chân kiềng và một mũi chĩa thẳng lên trên.
Loại chông bốn mũi này đã phát huy triệt để tác dụng trong việc phòng thủ. ở
nước ta phát hiện sớm nhất về chông bốn mũi trong lớp đất của thành Luy Lâu
(Thuận Thành, Bắc Ninh), cho tới thời Hồ vẫn là loại vũ khí cần thiết.
Trong khi chưa có điều kiện khai quật lớn, số
hiện vật nghệ thuật đã tìm được vẫn còn rất ít, chỉ nổi lên hai loại thành bậc
chạm rồng, chạm sấu cùng những viên gạch trang trí đắp nổi. Khoảng năm 1938,
trong khi đào đất, nhân dân đã phát hiện hai thành bậc cung điện chạm rồng và
dựng lại ở hai bên đường trong khu Thành nội. Cách dựng này không theo đúng độ
dốc ban đầu, phía đằng sau bị hạ thấp xuống, còn phía đằng trước thì nâng cao
lên. Vì vậy, con rồng bò trên đó phải là trườn từ trên xuống thì ngày nay trở
thành nằm ngang.
Con sấu ở một bậc thành khác dài 90m, bò từ
trên xuống nhưng chụm lại, được tạo bởi những mảng khối cong chắc, thân mình
phủ nhiều hình hoa, bờm tóc mềm mại hiện vẫn còn hoa văn dạng chữ “S”.
Hệ thống giao thông đường
bộ
Bên cạnh các kiến trúc chính của thành nội, còn
phải kể tới hệ thống đường bộ trong và ngoài thành. Trong thành, cho tới thế kỷ
XIX, Phan Huy Chú vẫn còn thấy “đường đi
lối lại ngang dọc đều lát đá hoa”. Còn phía ngoài thành, tháng 3 năm 1402, Hồ Hán
Thương: “Sai sửa chữa đường sá từ thành Tây Đô đến châu Hóa, dọn đường, đặt phố
xá và trạm giấy, gọi là đường thiên lý”. Đường thiên lý là con đường mà thời
bình dùng để vươn tới quản lý cả miền Tây rộng lớn; thời chiến nếu nguy nan có
thể theo đó mà rút vào cố thủ ở vùng rừng núi. Tháng tám cùng năm (1402), Hán
Thương lại: “sai đắp Giao đàn ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao” 3. Con đường từ cửa
Nam ra Đốn Sơn được lát đá phiến to, ngày nay vẫn còn rải rác trên đường.
Cổng thành:
Thành nội quay mặt về hướng Nam (lệch 12 độ),
có bốn cửa Nam, Bắc, Đông, Tây (còn gọi là cửa Tiền, Hậu, Hữu, Tả) nằm ở chính
giữa các tường thành, tạo thành trục Nam - Bắc - Đông - Tây đối xứng nhau. Việc
chủ động tạo độ lệch như vậy, chắc chắn có liên quan đến ý niệm tâm linh của người
thiết kế, chọn hướng cho tòa thành khi xây dựng. Ba cổng Bắc, Đông, Tây được
xây theo kiểu đơn môn, riêng cổng phía Nam là hướng chính nên có tới ba vòm cửa
cuốn.
Hai cửa Đông và Tây có một vòm cuốn. Những khối
đá lớn xây vòm chỉ được đẽo gọt công phu và phẳng phiu ở ba mặt. Mặt dưới tạo
vòm cửa, hai mặt bên là những mặt tiếp giáp để ghép vòm. Riêng mặt trên không
có sự gia công cho nên bề mặt đá nhấp nhô, không có hình dáng cụ thể. Có thể là
do hai cửa này không xây chòi canh, cũng không phải đường đi lại như mặt thành
nên không cần thiết tốn sức gia công các khối đá, và cũng không làm tổn hại tới
mỹ quan của kiến trúc.
Trên cửa Bắc đã vắng bóng những công trình kiến
trúc, nhưng những hàng lỗ cột còn đó là bằng chứng cho vọng lâu ngày xưa. Cũng
giống như vọng lâu ở cửa Nam, nét đặc biệt của hai công trình kiến trúc này là
các hàng cột không kê trên tảng đá, mà cắm xuống lỗ đá sâu tới 0,4m. Ngày nay
chúng ta còn có thể đếm được các hàng chân cột: 2 hàng chính, mỗi hàng 5 lỗ
cột; 2 hàng phụ, mỗi hàng 4 lỗ cột. Đường kính mỗi lỗ cột trung bình 50cm.
Quy mô lớn nhất là cửa Nam (Cửa Tiền): dài
34,25m, cao 8,38m, sâu 15,20m xây nhô ra ngoài tường thành 4m, có 3 vòm cuốn.
Vòm giữa cao 8,38m, hai vòm bên cao 7,8m. Phía trên cửa Nam được thiết kế để
xây dựng vọng lâu như cửa Bắc, nhưng với vị trí và quy mô của cửa chính, chắc
chắn lầu cửa Nam bề thế và công phu hơn nhiều lần so với cửa Bắc. Lầu cửa Nam
ngoài việc mang chức năng một lầu canh, còn là nơi nhà vua thường ngự duyệt
quân trước khi xuất chinh và chủ trì các nghi lễ khác.
Các cửa được đóng mở bởi những bộ cánh cửa phía
dưới có bánh xe lăn bằng đá rất to bản, dày, bằng gỗ lim và có then cài. Khối
lượng lớn của các cánh cửa được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục
vào đá và những lỗ cối lắp ngưỡng cửa. Hiện nay các cánh cửa gỗ đều không còn
nữa.
Tường thành:
Sự tồn tại của các bức tường thành đồ sộ là một
bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta; phản chiếu về một triều
đại (nhà Hồ) dù chỉ tồn tại trong vòng 7 năm, nhưng đã để lại những dấu ấn đậm
nét.
Tường thành được đắp theo khối hình thang, bằng
đất trộn đá cuội, độ dày bề mặt từ 4-5m, đồ dày đáy khoảng 15m, độ cao tường
thành từ 6 - 8m.
Nét đặc sắc của tường thành nội thể hiện ở chỗ:
phần ốp bên ngoài là những khối đá lớn được đẽo vuông vức nhưng không có mạch
vữa. Những khối đá này có kích cỡ trung bình: 2,2m x 1,2m x 1,5m (khoảng 4m3)
và nặng khoảng 10 tấn/tảng. ở phía Tây có một khối đá khổng lồ với kích thước:
4,2m x 1,7m (khoảng 10,7m3) và nặng khoảng 26,7 tấn. Các khối đá xếp chồng lên
nhau theo hình chữ “công”, tạo thành vách thẳng đứng.
Đắp đất phía trong thành được lấy từ việc đào
hào và hồ (hồ Dục Tượng). Chắc chắn, khối lượng đất không phải lấy ở nơi khác
về đắp.
Ngoài phần tường thành được xây dựng bằng đá,
việc sử dụng đá khối quá nặng không thể không nảy sinh hiện tượng sụt lở khi
làm quá cao. Do vậy năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương đã hạ lệnh cho các lò nung
gạch để dùng vào việc xây thành 4. Thành Tây Đô đến đây mới được xây cao thêm
phần tường gạch.
Phần gạch xây trên tường đá có thể giữ tác dụng
ốp ngoài tường đất như phần tường đá bên dưới, nhưng cũng có thể là tường bắn,
xây cao vượt lên trên mặt tường đất để che chở cho lính canh đi lại trên thành
trong khi làm phận sự. Không có những thông tin về việc trên tường bắn có xây ụ
bắn hay không, nhưng căn cứ vào những thông tin các sử gia cung cấp thì vào
thời Trần ụ bắn chưa xuất hiện trong kỹ thuật xây thành.
Phần tường gạch này gần như đã mất hết. Từ
những viên gạch ở các gia đình quanh thành được in chữ, chúng ta có thể biết
rằng việc nung gạch cung cấp cho công cuộc xây thành do rất nhiều nơi đảm nhiệm
như “Vĩnh Ninh”, “Hương Nhị xã”, “An Tôn Hạ xã” và có cả những viên gạch mang
địa danh vùng Hải Hưng, Nghệ An.
Thành nhà Hồ là một kinh đô, một trung tâm chính
trị của triều Hồ, nhưng rõ ràng đó cũng lại là một công trình kiến trúc quân
sự, nặng về tính chất phòng ngự. Có thể hình dung đối phương muốn tấn công cổng
thành, phải vượt qua cả một hệ thống phòng ngự thiên nhiên của sông sâu, của
núi đá và luỹ đất, phải chọc thủng La thành tre gai dày đặc, phải trèo vách
thẳng đứng, nhẵn lì được xây cao bằng đá và gạch của Hoàng thành. Như vậy, có
thể thấy rằng: thành nhà Hồ đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của một công
trình mang nặng tính phòng thủ.
Trong sự phát triển của thành cổ Việt Nam,
thành Tây Đô đã thừa kế được kỹ thuật xây thành truyền thống và có những sáng
tạo vượt thời gian xứng đáng là di sản văn hóa nhân loại./.
Bản đồ đầu non cuối nước (nơi giao lưu của hai dòng sông Mã và sông Bưởi)
Phong thủy thành Nhà Hồ
Bản đồ đầu non cuối nước (nơi giao lưu của hai dòng sông Mã và sông Bưởi)
Phong thủy thành Nhà Hồ
Chú thích:
1. Vào hồi 13h chiều 27/6 (theo giờ Paris,
Pháp, tức 18h giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris (Cộng hòa
Pháp), ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận Thành Tây Đô (Việt Nam)
trở thành di sản văn hoá thế giới.
2. Phạm Hoàng Mạnh Hà (Chủ biên) - Lưu Ngọc
Diệp. Hồ Quý Ly & Thành Tây Đô. Nxb VHTT, Hà Nội 2008.
3. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại
chí. Nxb Giáo dục 2007, tập 1, tr 233.
4. ĐVSKTT. Nxb KHXH, Hà Nội 1998, tập 2, tr
232.
Tác giả bài viết: Mạnh Hà –
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét