XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - Phân 4 (Quyển 1-8)-Hết



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4
TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI

Quyển I
MẤY TRANG SỬ

Chương I &II
KHÉO CẮT

1831 và 1832, hai năm gắn liền với cách mạng tháng Bảy cũng là những năm đặc biệt và lạ lùng nhất của lịch sử. Giữa những năm trước đó và những năm sau đó, hai năm này như hai ngọn núi. Chúng mang tầm thước cách mạng. Chúng có những vực thẳm. Những tầng lớp xã hội, những nền móng của văn minh, cái khối chắc nịch những quyền lợi chồng lên nhau và gắn bó với nhau, những hình nét truyền thống của cấu trúc dân tộc, tất cả đều từng lúc hiện ra rồi lặn mất giữa những mây mù của các chủ nghĩa, học thuyết và dục vọng. Người ta gọi những hiện tượng ẩn hiện đó là đối kháng, là vận động. Từng lúc người ta thấy từ trong đó lóe ra chân lý, cái ánh sáng của linh hồn.
Thời kỳ đáng chú ý đó có giới hạn khá rõ và đã cách chúng ta khá xa, cho nên giờ đây ta có thể nắm được những nét chính.
Chúng tôi thử cố gắng vạch ra xem sao.
Thời Quân chủ phục hưng là một giai đoạn quá độ khó đặt tên: thời ấy có mệt nhọc, có lao xao, có rì rầm, có mê ngủ và có cả náo động, những biểu hiện của một dân tộc lớn đã đến trạm nghỉ chân. Những thời đại như thế rất kỳ lạ và thường lừa những chính khách muốn đầu cơ mình. Ban đầu, dân tộc chỉ có một yêu cầu là nghỉ; chỉ có một thèm khát: hòa bình; chỉ có một tham vọng: làm người nhỏ bé. Giải thích ra thì là: muốn yên thân. Những đại biến cố, những đại ngẫu nhiên, những chuyện đại mạo hiểm, những nhân vật vĩ đại, lạy Chúa, chúng tôi xin đủ, chúng tôi đã ngập cổ, ngập đầu. Chúng tôi sẵn sàng đánh đổi Xêda lấy Pruyxiat, Napoleon lấy tiểu vương “Ivơtô” (César: nhà độc tài La-mã, nổi tiếng về tài quân sự và chính trị, đã mở rộng đế quốc La-mã. Pruyxiat: tiểu vương không có sự nghiệp gì. Ivơtô: tiểu vương hiền hậu và vô sự, đã đi vào dân ca Pháp). Ôi! Nhà vua bé nhỏ hiền hậu quá!” Người ta đã đi từ tinh mơ, bây giờ vào chiều tối một ngày dài vất vả. Đoạn đường đầu, người ta đã đi với Mirabô, đoạn thứ hai với Rôbétxpie (Mirabeau: nhà hùng biện, bênh vực quyền lợi đệ tam đẳng cấp buổi đầu cách mạng 1789. Robespierre: nhà độc tài liêm chính và cương quyết, cầm đầu phái Giacôbanh, đã chặn đứng ngoại xâm và trấn áp phản cách mạng thắng lợi. Bị bọn phản động và bọn ôn hòa lật đổ và xử tử 1794), đoạn thứ ba với Bônapác. Mệt nhoài rồi. Mỗi người cần một cái giường.
Những người tận tâm mệt mỏi, những vị anh hùng già nua, những tham vọng no nê, những gia tài đồ sộ, tất cả đều tìm, đòi, thỉnh cầu cái gì đây? Một nơi trú ngụ. Họ đã có. Họ đã chiếm lĩnh hòa bình, yên tĩnh và nhàn hạ. Thế là họ bằng lòng. Tuy nhiên, trong lúc đó có những sự kiện khác xuất hiện, làm cho người ta nhận diện ra nó và gõ cửa để đi vào. Những sự kiện đó từ cách mạng, từ chiến tranh đẻ ra. Chúng tồn tại, chúng sống, chúng có quyền lập gia cư trong xã hội và đã làm như vậy. Thường thường những sự kiện đó giống những hạ sĩ quan và lính hậu cần đến trước dọn trại cho các nguyên lý.
Và các triết gia chuyên về chính trị học nhận ra điều này:
Trong khi người mệt mỏi yêu cầu được nghỉ ngơi thì những việc đã thành cũng đòi hỏi được bảo đảm. Bảo đảm cho việc cũng như nghỉ ngơi cho người.
Đó là cái mà nước Anh yêu cầu ở dòng họ Xtuya sau khi Huân tước phụ chính chết (Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVIII đã xử tử vua Sáclơ I thuộc dòng họ Xtuya, thiết lập chế độ cộng hòa và tôn người cầm đầu cách mạng là Crômuen làm Huân tước bảo hộ nền cộng hòa, gọi là Huân tước Phụ chính), người Pháp yêu cầu ở dòng họ Buốcbông sau thời đế chế.
Những bảo đảm đó là điều cần thiết đối với thời đại. Bắt buộc phải chuẩn y. Tiếng thì nói rằng do vua “ban bố”, nhưng thực thì do tình thế đem lại! Đây là một chân lý sâu sắc, biết thì có lợi, nhưng dòng họ Xtuya năm 1660 không ngờ tới, mà năm 1814 dòng họ Buốcbông cũng chẳng thấy.
Sau khi Napoleon sụp đổ, các hoàng tộc nhờ phúc ấm mà trở về đứng đầu nước Pháp lại ngây thơ tưởng là chính mình ban cho và đã cho thì có quyền lấy lại: dòng họ Buốcbông nghĩ rằng ngôi vua là sở hữu của họ do trời ban, chứ nước Pháp không có gì cả; rằng quyền lợi chính trị do bản Hiến chương của vua Lui XVIII (Họ Buốcbông là dòng vua chính thống nước Pháp từ xưa. Cách mạng 1789 đã xử tử vua Lui XVI và thiết lập chế độ cộng hòa 1792. Sau đó, tướng Bônapác tự xưng hoàng đế và thiết lập đế chế 1804. Khi Napoleon sụp đổ, em Lui XVI trở về làm vua, Lui XVIII, và ban bố một hiến chương xác định nền quân chủ lập hiến 1815) nhân nhượng chẳng qua là bộ phận của thiên quyền được tách ra, được dòng họ Buốcbông có nhả ý ân tứ cho dân chúng cho đến ngày nhà vua không thích nữa. Vừa ban bố vừa bực mình, đó là dấu hiệu chứng tỏ cái của mang ra cho kia không phải là của mình, thế mà dòng họ Buốcbông vẫn không cảm thấy.
Ở thế kỷ XIX, dòng Buốcbông hay gắt gỏng lắm. Nó sầm mặt mỗi khi dân tộc có một nẩy nở. Dùng tiếng tục, nghĩa là tiếng bình dân, tiếng đúng, thì phải nói nhà vua càu nhàu. Và dân chúng trông thấy.
Dòng Buốcbông tưởng mình mạnh vì đế chế đã bị dọn đi trước mặt họ. Họ không nhận thấy rằng chính họ cũng được dọn đến như người ta bị dọn đi. Họ không biết rằng họ cũng ở trong chính bàn tay đã cất Napoleon đi.
Họ tưởng họ có gốc rễ bởi vì họ là quá khứ. Họ lầm. Họ là bộ phận của quá khứ, còn tất cả quá khứ là nước Pháp. Gốc rễ của xã hội Pháp không ở nơi dòng họ Buốcbông, mà ở nơi dân tộc. Chùm rễ hèn mọn, đầy sức sống đó không tạo nên đặc quyền cho một dòng họ nó tạo nên lịch sử của một dân tộc. Nó ở khắp nơi, nhưng không ở dưới ngai vàng.
Dòng họ Buốcbông là một cái nút đẫm máu và bất hủ trong lịch sử nước Pháp nhưng không còn là yếu tố chính đối với vận mệnh quốc gia và cũng không phải là cơ sở cần thiết trong đường lối chính trị của nó. Người ta có thể không cần đến dòng họ Buốcbông; trên thực tế người ta đã không thấy sự cần thiết của nó trong hai mươi hai năm qua; đã từng có gián đoạn như vậy rồi. Thế mà dòng họ Buốcbông không hề hay biết. Họ biết làm sao được, khi mà họ tưởng tượng là Lui XVI trị vì từ ngày mòng 9 tháng Nắng và Lui XVIII trị vì từ ngày chiến thắng Marănggô (Lui XVII, con Lui XVI thực tế chưa làm vua nhưng bọn quý tộc xuất cảnh tôn vương sau khi Lui XVI bị xử tử. Lui XVII chết trong nhà lao sao đó vài năm, lúc 10 tuổi. Theo lịch cách mạng, căn cứ trên thời tiết thì tháng Nắng nằm vắt trên tháng 7 và tháng 8; Marengo: một trận chiến thắng lớn của Bônapác 1800). Từ khi bắt đầu có sử, chưa bao giờ có những vua chúa mù quáng như thế! Mù quáng trước những biến cố, mù quáng trong việc nhìn nhận ý nghĩa phần thiên quyền trong các biến cố. Chưa bao giờ cái tự xưng là vương quyền ở cõi trần lại phủ nhận cái quyền lực của Chúa ở trên trời đến thế.
Lỗi lầm căn bản này đã đưa họ Buốcbông đến chỗ thu hồi những bảo đảm “ban bố” năm 1814, mà họ gọi là những nhân nhượng. Thật đáng buồn! Những cái mà họ gọi là những nhân nhượng đó chính là những kết quả chiến đấu của chúng ta. Những cái mà họ gọi là những “lấn tiếm” của chúng ta chính ra là những lợi quyền của chúng ta.
Chế độ phục hưng tự cho là mình đã chiến thắng Bônapác, nghĩa là mình mạnh, mình đã mọc rễ trên đất nước, nghĩa là mình có cội gốc sâu bền. Cho nên khi nó nghĩ là đã đến lúc thì nó đột nhiên quyết đoán và liều lĩnh hạ quân cờ. Một buổi sớm, nó đứng lên đối diện với nước Pháp và lớn tiếng từ chối quyền của cộng đồng và quyền tự do của cá nhân. Nghĩa là nó muốn tước cái quyền là dân tộc đối với dân tộc và cái quyền là công dân đối với công dân.
Đó là nội dung các văn kiện khét tiếng gọi là những chỉ dụ tháng Bảy.
Nền Quân chủ Phục hưng sụp đổ.
Nó sụp đổ là đúng! Tuy nhiên cũng nên thừa nhận là không phải nó chống tuyệt đối tất cả những tiến bộ. Nhiều thành tựu lớn đã đạt được với sự có mặt của nó.
Thời Quân chủ Phục hưng, dân tộc quen tranh luận trong bình tĩnh, thời cộng hòa không quen như thế: Nước Pháp tự do và hùng cường là một cảnh tượng cổ vũ các dân tộc khác châu Âu. Cách mạng lên tiếng với Rôbétxpie; đại bác lên tiếng với Bônapác. Với Lui XVIII và Sáclơ X, đến lượt trí tuệ lên tiếng. Gió lặng rồi, đuốc lại đốt lên. Ánh sáng rực rỡ của trí tuệ bây giờ chập chờn trên các đỉnh quang mây. Quang cảnh thật lộng lẫy, bổ ích và mê người. Những nguyên lý lớn lao quen thuộc đối với nhà tư tưởng, mới mẻ đối với chính khách phát huy tác dụng một cách công khai trong mười lăm năm, giữa cuộc sống hòa bình: đó là quyền bình đẳng trước pháp luật, là tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, là khả năng chiếm lĩnh tước vị tùy tài năng. Cứ thế cho đến năm 1830. Họ Buốcbông là một công cụ của văn minh từng gãy vỡ trong tay Chúa. Sự sụp đổ của dòng họ Buốcbông dên ra một cách quang vinh, không phải về phần họ mà về phía nước Pháp. Họ rời ngôi trịnh trọng nhưng không có uy thế. Cảnh hạ bệ trong đêm tối của họ không thuộc loại những tan biến long trọng lưu lại trong lịch sử một niềm xúc động u ám. Ở đây không có cái lặng lẽ âm cảnh của Sáclơ đệ nhất, cũng không có tiếng kêu vang trời của con đại bàng Napoleon. Họ rút đi, thế thôi. Họ đăt cái mũ miện xuống mà không giữ lại vành hào quang. Họ có tư thế nhưng không oai phong. Họ có phần không tương xứng với sự lớn lao của hoạn nạn. Trong hành trình đi Sécbua, Sáclơ X cho cắt một chiếc bàn tròn thành bàn vuông, đã tỏ ra lo đến nghi lễ lâm nguy hơn là triều đại lâm nguy. Sự kém cỏi đó làm phiền lòng những người trung thành nhưng tự trọng và những người nghiêm túc tôn trọng chủng tốc mình.
Còn dân chúng thì quả thật đáng khâm phục.
Một sớm, tổ quốc bị một cuộc bạo động có thể gọi là một cuộc bạo động quân chủ tấn công. Vì cảm thấy mình thừa mạnh cho nên nó không nổi khùng. Nó tự vệ, nó tự kiềm chế, nó đưa mọi việc trở lại chỗ cũ, chính phủ trở về với pháp chế, họ Buốcbông, hỡi ôi! Trở lại cảnh lưu vong, rồi ngừng tay. Nó bê vị vua già Sáclơ X dưới những chiếc tàn đã che Lui XIV và nhẹ nhàng đặt ngài xuống đất. Nó động tới các nhân vật hoàng gia một cách thận trọng và có cảm hoài. Không phải chỉ có một người, không phải chỉ có mấy người, mà là nước Pháp, cả nước Pháp, nước Pháp thắng trận và say sưa trong chiến thắng, đã nhớ lại và thực hiện, dưới con mắt của nhân loại, những lời Guyôm Đuy Ve nói sau Ngày Chiến lũy: “Đối với những kẻ đã quen hưởng ân sủng của các nhà quyền thế và từng nhảy từ gia thế suy vi sang gia thế phồn thịnh, như con chim nhảy từ cành nọ qua cành kia, thì việc tỏ ra táo bạo chống lại vương phủ cũ của mình trong hoạn nạn là dễ. Nhưng đối với tôi, tôi luôn luôn tôn kính số phận của các vua tôi, nhất là những bậc mắc nạn”.
Dòng họ Buốcbông để lại sự kính trọng chứ không để lại luyến tiếc. Như chúng tôi đã nói, hoạn nạn của họ lớn lao hơn chính họ. Họ mất dạng ở chân trời.
Cách mạng tháng Bảy có ngay những người bạn và những kẻ thù ở khắp thế giới. Những người này phấn khởi đổ xô tới, những kẻ khác quay mặt đi, tùy tính khí của mỗi người. Các vua chúa châu Âu, như những con cú, con vọ trong cảnh bình minh này, buổi đầu nhắm cả mắt lại vì bị tổn thương và kinh hoàng. Chúng mở mắt lại chỉ là để đe dọa. Kinh hòang có thể hiểu, phẫn nộ có thể tha thứ. Cuộc cách mạng lạ lùng ấy chẳng qua chỉ như một va chạm mạnh. Thậm chí nó không để cho nền quân chủ cái vinh dự được coi đó là thù địch và được đổ máu. Các chính phủ chuyên chế rất thích thú được thấy tự do tự lên án mình, nhưng cách mạng tháng bảy chỉ phạm cái lỗi lầm là vừa dữ dội lại vừa dịu hiền. Phải thừa nhận rằng không ai có âm mưu gì chống nó. Những người bất mãn nhất, những người giận dỗi nhất, những người rung động nhất cũng chào đón nó. Dù có những quyền lợi ích kỷ gì, những hằn thù ghét bỏ gì, người ta cũng cảm thấy có môt niềm kính phục huyền bí đối với những biến cố được sự tham gia của một đấng cao hơn chúng ta.
Cách mạng tháng Bảy là sự chiến thắng của chính nghĩa đối với hiện trạng. Rỡ ràng thay.
Chính nghĩa lật đổ hiện trạng. Do đó mà cách mạng tháng Bảy sáng ngời, cũng do đó mà nó bao dung. Chính nghĩa đã chiến thắng thì không cần kịch liệt.
Chính nghĩa là lẽ công bằng và chân lý.
Đặc trưng của chính nghĩa là luôn luôn đẹp và trong sáng. Hiện trạng dù có vẻ cần thiết, dù được người đương thời thừa nhận cách thoải mái nhất, nếu chỉ là hiện trạng mà bên trong không có hay có ít chính nghĩa quá thì chắc chắn sẽ cùng với thời gian trở thành dị hình dị tướng, gớm ghiếc, có thể là quái dị nữa. Nếu ta muốn biết ngay là hiện trạng có thể rơi vào xấu xí đến đâu, thì ta hãy nhìn Makiaven (nhà chính trị và nhà sử học Ý nổi tiếng ở thế kỷ XV, XVI. Makiaven chủ trương trên đường chính trị, dùng phương pháp nào cũng tốt cả, miễn là thành công) qua khoảng cách của các thế kỷ. Makiaven không phải là hung thần, không phải là quỉ sứ, cũng không phải là một nhà văn hèn nhát và khốn nạn. Makiaven chỉ là hiện trạng thôi. Và đây không chỉ là hiện trạng Ý, đây là hiện trạng của châu Âu, hiện trạng của thế kỷ XIX.
Cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa là hiện trạng tồn trạng tồn tại từ buổi đầu của xã hội. Chấm dứt cuộc đấu, hòa hợp ý thức thuần túy với hiện thực nhân gian, làm cho chính nghĩa thấm vào hiện trạng và hiện trạng lồng trong chính nghĩa một cách hòa bình, đó là công việc của những người hiền triết.
***
II - VỤNG MAY
Tuy nhiên công việc của người hiền khác, công việc của người khôn khác.
Cách mạng 1830 dừng lại nhanh chóng.
Khi một cuộc cách mạng bị nghẽn, thì lập tức bọn khôn ngoan sà vào lợi dung như thể xô vào xâu xé một chiếc tàu bị đắm gần bờ.
Những người khôn ngoan ở thế kỷ chúng ta tự phong cho mình cái danh hiệu chính khách, khiến cho cái tiếng chính khách hầu như trở thành một tiếng lóng. Thật vậy, không nên quên rằng chỗ nào chỉ có khôn ngoan mà thôi thì nhất định có nhỏ nhen. Nói: những người khôn ngoan, cũng như nói: bọn tầm thường. Cũng thế, nói: bọn chính khách, cũng bằng nói: bọn phản bội.
Nếu tin theo lời bọn khôn ngoan, thì những cuộc cách mạng như cách mạng tháng Bảy là những động mạch bị đứt: phải làm Ga-rô ngay. Chính nghĩa được tuyên bố long trọng quá làm rung động. Cho nên khi đã xác định chính nghĩa thì phảr củng cố nhà nước. Quyền tự do được bảo đảm thì phải lo củng cố uy quyền.
Đến đây thì nhà hiền triết chưa tách khỏi người khôn, nhưng họ đã bắt đầu nghi ngại. Uy quyền, đồng ý. Nhưng thứ nhất, uy quyền là gì? Thứ hai, uy quyền từ đâu mà ra?
Những người không ngoan có vẻ không nghe thấy lời nhận xét thầm thì đó và cứ tiếp tục hoạt động.
Những nhà chính trị này rất thạo việc đeo cho những ảo ảnh mình có thể lợi dụng cái chiêu bài cần thiết. Theo họ thì nhu cầu đầu tiên của một dân tộc sau cách mạng, hi dân tộc đó là thành phần của châu Âu quân chủ, là tìm và suy tôn một dòng vua. Họ nói, bằng cách ấy, dân tộc có thể có hòa bình sau cách mạng, nghĩa là có thì giờ băng bó thương tích, sửa chữa ngôi nhà. Dòng vua che khuất giàn giáo và che chở bệnh viện.
Thế nhưng thường không dễ gì kiếm một dòng họ vua.
Túng thế thì cái người thiên tài đầu tiên hoặc cái người phiêu lưu đầu tiên ta tìm ra đều có thể đặt lên ngôi vua. Trường hợp thứ nhất là trường hợp Bônapác, trường hợp thứ hai là Ituyêcbít.
Nhưng các họ tộc đầu tiên tìm thấy không đủ để làm nên một dòng họ vua chúa. Một dòng họ lớn cần thiết phải có một liều lượng quá khứ nhất định và cái tuổi của một dòng họ là điều không thể giả tạo nên.
Theo quan điểm của các “chính khách” – tất nhiên các điều kiện khác đã được tạm gác ra một bên – thì sau một cuộc cách mạng, ông vua xuất hiện từ cách mạng phải có những đức tính gì? Ông vua ấy phải là cách mạng mới có lợi, nghĩa là bản thân ông ta có tham gia cuộc cách mạng, phải nhúng tay vào, phải nổi tiếng hoặc mang tai tiếng trong đó, phải có sờ tới máy chém hoặc có vung gươm.
Còn một dòng họ vua thì phải có những tính cách gì?
Phải có tính cách dân tộc, nghĩa là cách mạng từ xa, không có hành động cách mạng, nhưng cách mạng về những lý tưởng mà nó chấp nhận. Một dòng họ vua phải vừa có một liều lượng quá khứ và có tính chất lịch sử, vừa có một liều lượng tương lai và gây được cảm tình.
Tất cả những cái đó giải thích vì sao những cuộc cách mạng đầu tiên bằng lòng tìm một con người: Crômuen hay Napolen; và những cuộc cách mạng lại cứ đòi hỏi một dòng họ: họ Brônsvic hay họ Orlêăng (Họ Brunswick: một dòng họ công tước lâu đời ở Đức).Họ Orléans: một dòng họ công tước, ông tổ là em vua Lui XIV. Một đại biểu về sau là Philippe Egalitê tham gia cách mạng 1789 một cách tích cực. Con ông ta được tôn lên làm vua sau cách mạng tháng bảy (1830) với vương hiệu Louis Philippe.
Những dòng họ vua giống những cây đa Ấn Độ: mỗi cành nghiêng xuống đất, bắt rễ và trở thành một cây đa khác. Mỗi chi trong dòng họ vua có thể thành một dòng họ vua mới. ĐIều kiện duy nhất là phải nghiêng xuống đến tận dân chúng.
Đó, lý thuyết của những kẻ khôn ngoan.
Và đây là nghệ thuật: Làm thế nào để cho sự thành công và có tiếng ngân vang của một tai họa, để cho những người có quyền lợi trong cách mạng phải run sợ, dưới hãi hùng vào sự việc đã hoàn thành, trình bày bước quá độ thành một sự chậm tiến, làm mờ nhạt bình minh cách mạng, tố cáo những khe khắt do hưng phấn làm nên, gọt giũa góc cạnh và móng vuốt, giảm nhẹ thắng lợi, bọc nhung chính nghĩa, dùng chăn dạ bọc người khổng lồ nhân dân và vội vàng cho đi ngủ, bắt cái sung sức ăn kiêng ăn nhịn, săn sóc Hecquyn như người ốm dây, phá loãng sự kiện lớn trong những biện pháp cơ hội, đối với những người khát khao lý tưởng thì cho uống nước lá dịu dịu, tiến hành những biện pháp để phòng chống sự thành công quá lớn, đem chao đèn đặt lên cách mạng.
Năm 1830, người ta áp dụng lý thuyết đó, cái lý thuyết đã áp dụng đối với nước Anh năm 1688.
1830 là một cuộc cách mạng chặn lại ở giữa dốc. Một nửa tiến bộ; gần như là chính nghĩa. Thế nhưng lôgich không hề biết những cái tạm gọi những cái gần gần. Không biết sự thực, như mặt trời không biết nến.
Ai chặn những cuộc Cách mạng ở giữa dốc? Giới tư sản.
Vì sao?
Vì tư sản là quyền lợi được thỏa mãn. Hôm qua là khát khao, hôm nay là đầy đủ, ngày mai là no tràn.
Hiện tượng 1814 với Napoleon tái diễn năm 1830 với Sáclơ X.
Coi tư sản là một giai cấp thì không đúng. Tư sản chỉ là một thành phần được vừa lòng tỏng nhân dân. Anh tư sản là người giờ đây có thì giờ ngồi. Cái ghế tựa phải đâu là một đẳng cấp.
Tuy nhiên, muốn ngồi xuống sớm quá thì có thể cản bước tiến của nhân loại. Đó là lầm lỗi thông thường của giới tư sản.
Không phải phạm lỗi lầm mà trở thành giai cấp. Ích kỷ đâu có phải là một sự phân công xã hội!
Tuy vậy, cần phải công bình, dù đối với người ích kỷ. Cái trạng thái mà giới tư sản ước ao sau cuộc biến động 1830 đó, không phải là một trạng tháu ỳ có pha biếng lười và lạnh nhạt, thêm một tí hổ thẹn; không phải là một giấc ngủ, ngủ tức là tạm quên và có khả năng thấy chiêm bao. Đây chỉ là một trạm nghỉ chân. Trạm nghỉ chân có hai nghĩa riêng biệt hầu như trái ngược nhau: một nghĩa là hành quân, tức là vận động; một nghĩa là trú quân tức nghỉ ngơi.
Nghỉ chân tức là lấy lại sức. Đó là sự nghỉ ngơi tỉnh táo và có vũ trang. Đó là cái-đã-hoàn-thành đặt lính gác và cảnh giác đề phòng. Nghỉ chân hàm cái ý đã chiến đấu hôm qua và còn chiến đấu ngày mai.
Đấy là khoảng cách giữa 1830 và 1848.
Cái chúng ta gọi là chiến đấu ở đây cũng có thể có tên là tiến bộ.
Cho nên đối với giới tư sản, cũng như đối với các chính khách, cần có một người diễn đạt các khái niệm nghỉ chân đó. Một kẻ: “Dù là. Bởi vì” (Nguyên văn: Un Quoique Parceque, phải đọc cả ba chương 1, 2, 3 mới hiểu rõ cách gọi đó). Một nhân vật đa dạng vừa có nghĩa là Cách mạng lại vừa có nghĩa là ổn định, nói cách khác là một người khẳng định hiện tại bằng sự tính toán giữa quá khứ và tương lai.
Nhân vật đó “sẵn có”. Tên ông ta là Lui Philip Đorlêăng ( Louis Philippe Orlean). Nghị viện gồm 221 đại biểu suy tôn Lui Philip làm vua. La Fêyet phụ trách lễ đăng quang. Ông ta gọi Lui Philip là “nền cộng hào tốt nhất”. Tòa thị sảnh Paris thay thế nhà thờ lớn Ranhx (Các vua chúa trước làm lễ đăng quang tại nhà thờ Ranhx, nhà thờ cổ kính và tráng lệ nhất nước Pháp. Lui Philip và những người phò tá ông tổ chức lễ đăng quang tại tòa thị sảnh Paris để nêu ý nghĩa ngôi vua do dân tộc Pháp trao cho chứ không phải do Chúa (thiên quyền) ban). Việc thay thế cái ngôi vua hoàn toàn bằng cái ngôi nửa vua đó “sự nghiệp ucar 1830”.
Khi những người khôn ngoan làm xong công việc thì giải pháp của họ phơi bày một nhược điểm lớn lao vô cùng. Họ đã hành động không kể đến chính nghĩa. CHính nghĩa thét to: tôi phản kháng! Thế rồi, điều đáng sợ: nó rút vào bóng tối.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 1 - Chương III

Louis Philippe

Các cuộc cách mạng đều thẳng cánh và may tay: nó đánh kiên quyết mà chọn cũng hay. Dù không trọn vẹn, dù biến tường dị hinhd và bị đẩy xuống hàng cách mạng hạng nhì, như cuộc cách mạng 1830, nó cũng còn đủ sự tinh tường trời cho để không rơi vào xấu xa. Nó đi vào chỗ khuất nhưng không phải là trút bỏ tất.
Tuy nhiên cũng không nên quá lớn tiếng khoe khoang. Cách mạng cũng lầm và chúng ta từng thấy những lầm lỗi nghiêm trọng.
Hãy trở về với 1830. 1830 đi chệch hướng nhưng gặp may. Cách mạng ngưng hẳn nửa vời, nhưng trong nền trật tự được thiết lập sau đó thì bản thân ông vua, tốt hơn vương chế. Lui Philip là một con người hiếm có.
Thân sinh ông chắc là được lịch sử xét với tình tiết giảm khinh. Nhưng ông bố đáng bị trách phạt bao nhiêu thì ông con đáng được mến trọng bấy nhiêu. Tư đức, ông có đầy đủ, công đức ông có nhiều. Ông săn sóc sức khỏe của mình, gia tư của mình, công việc của mình. Ông biết giá trị mỗi phút nhưng không phải lúc nào cũng biết giá trị một năm. Điều độ, thanh thản, hiền hòa, kiên chí, ông là một người tốt, một ông hoàng tốt. Ông ngủ một giường với vợ và có những người hầu chỉ cái giường vợ ông ấy cho những người khách tư sản xem. Đối với chi trưởng thường phô trương những quan hệ bất chính của mình (Những vua và hoàng thân của chi trưởng, tức dòng họ Buốcbông, có nhiều nhân tình công khai và con riêng) thì việc khoe khoang cảnh sống bình thường này lại hóa ra có ích. Ông biết đủ các thứ tiếng châu Âu và hiếm có hơn, ông biết và nói đủ các ngôn ngữ của mọi quyền lợi. Là đại biểu xứng đáng của “giai cấp trung gian” nhưng vượt nó và lớn hơn nó về mọi mặt. Đánh giá cao dòng máu của mình, ông có cái tinh ý lấy giá trị bản thân làm chỗ dựa chính và về vấn đề dòng họ thì ông viện dẫn dòng Orlêăng chứ không dòng Buốcbông. Cái ngày còn là điện hạ thì ông tỏ ra là vị đệ nhất hoàng thân, nhưng khi trở thành bệ hạ thì ông là một tư sản chính cống. Giữa công chúng, ông nói dài, trong thân mật, ông nói ngắn; bị cho là hà tiện nhưng không có bằng chứng; thực ra thuộc loại tiết kiệm mà hoang phí khi gặp sở thích hay có bổn phận cần phải tiêu pha; hay chữ nhưng không ham mê văn chương quí tộc nhưng không hiệp sĩ; giản dị, bình tĩnh, vững vàng; được gia đình và gia nhân tôn thờ; nói chuyện hấp dẫn; là chính hách chán chường, bên trong lạnh lẽo, làm theo quyền lợi trước mắt, trị vì nhằm tình hình đang diễn và sắp diễn, không thù hằn cũng không biết ơn, ráo riết dùng ưu thế đè bẹp sự tầm thường, khôn khéo dùng đa số ở nghị viện để phủ quyết những nhất trí tiềm tàng đang hét thầm bên dưới ngai vàng; bộc lộ, có khi bộc lộ một cách liều lĩnh, nhưng lại khôn khéo một cách diệu kỳ tỏng sự liều lĩnh ấy; giàu biện pháp, có nhiều bộ mặt và mặt nạ; khiến nước Pháp của châu Âu và châu Âu của nước Pháp phải sợ; yêu nước, chắc chắn như vậy, nhưng càng thương nhà hơn; chuộng quyền lực hơn quyền uy, quyền uy hơn uy tín; khuynh hướng này có hại ở chỗ vì chỉ mưu cầu thắng lợi, nó thừa nhận sự xảo quyệt và cũng không tuyệt đối bài trừ sự hèn hạ, nhưng cũng có lợi vì nó tránh cho đường lối chính trị những va chạm kịch liệt, cho nhà nước những rạn nứt, cho xã hội những họa tai; tỉ mỉ, đúng đắn, tỉnh táo, chăm chỉ, tinh tường, bền sức, có khi tự mâu thuẫn với mình rồi tự cải chính; táo tợn đối với Áo ở Ăngcôn, kiên quyết đối với Anh ở Tây Ban Nha, bắn phá Ăngve, trả tiền cho Pritsa; hát quốc ca La Mácxâyde một cách tin tưởng; không biết tuyệt vọng, không biết mệt mỏi, không thích thú với cái đẹp, với lý tưởng, với những hành động hào hùng; không mơ mộng viển vông, không giận dữ, không khoa trương, không sợ sệt; có đủ mọi biểu hiện của sự dũng cảm cá nhân; là tướng ở Vanmy là lính ở Gienmắp (những chiến thắng lớn đầu tiên của cách mạng 1789 đối với liên quân quân chủ châu Âu) đã tám lần suýt chạm tử hình nhưng vẫn tươi cười; can đảm như một lính pháo thủ, bạo dạn như một nhà tư tưởng, chỉ lo lắng trước khả năng một châu Âu chấn động và không thích hợp với những hành động chính trị lớn; luôn luôn sẵn sàng hy sinh tính mệnh nhưng không bao giờ chịu hy sinh sự nghiệp; muốn ảnh hưởng người ta, chứ không muốn bắt người ta làm theo ý chí của mình, để được vâng theo với tư cách mình là một trí tuệ chứ không phải là vua; không chú ý mấy đến trí thức nhưng biết người, nghĩa là cần trông thấy rồi mới đánh giá; lương tri nhậy và tinh, thông minh một cách thực tế, diễn đạt lưu loát, trí nhớ kỳ diệu; ông luôn luôn sử dụng trí nhớ, đây là điểm duy nhất ông giống Xêda, Alếcdăng và Napoleon; nhớ rõ sự việc, chi tiết, năm tháng, nhân danh, địa danh; không biết các xu hướng, các dục vọng, các trí thức đa dạng của quần chúng, những hoài bão thầm kín, những sôi sục bí ẩn và lờ mờ của tâm hồn, tóm lại tất cả những gì người ta có thể gọi là những phong trào lưu không nhìn thấy của ý thức nhân dân. Lui Philip được thừa nhận ở bên trên những không ăn ý mấy với nước Pháp hơn là trị vì; là thủ tướng của chính mình; rất giỏi việc đem thực tại nhỏ bé ngăn cản lý thuyết mênh mông; có năng khiếu sáng tạo về trật tự, về tổ chức, về văn minh nhưng chen vào đó cũng có óc thầy cò, óc thể thức; là người sáng lập một triều đại và mang ủy nhiệm của triều đại; có cái gì đó của Sáclơmanhơ đại đế, lại có cái gì đó của một thầy kiện. Tóm lại, là một nhân vật cao cấp và độc đáo, một vị vua biết tạo ra quyền lực bất chấp sự lo ngại của nước Pháp, biết làm nneen hùng cường bất chấp sự ghen tức của châu Âu. Lui Philip sẽ được xếp vào hàng những người lỗi lạc của thế kỷ. Ông còn có thể được xếp vào hàng những nguyên thủ bất hủ trong lịch sử giá như ông cũng chút ít ưa vinh quang và ông có ý thức về sự lớn lao ngang với sự ích lợi.
Lui Philip lúc trẻ đẹp trai, đến già vẫn duyên dáng. Ông không được dân tộc luôn luôn ưa thích, nhưng quần chúng lại luôn thích ông. Con người ông vừa ý họ. Ông được trời phú cho cái dáng dấp hấp dẫn. Ông không oai vệ, trên đầu ông không có mũ miện dù là vua, không có mái tóc bạc, dù là lão. Điệu bộ của ông thuộc triều đại cũ, tập quá của ông thuộc chế độ mới, một sự hòa hợp giữa quý tộc và tư sản thích nghi với thời 1830; Lui Philip là sự quá độ trị vì. Ông giữ phát âm cũ và chính tả xưa, mang phục vụ tư tưởng hiện đại. Ông mến nước Ba lan và nước Hung nhưng ông viết người Pôlônoa và đọc người Hônggre (nguyên văn: Polonols và Hongrais. Cách viết mới là Polonais và Hongrois). Ông mặc áo quốc dân như Sáclơ X và đeo băng bắc đẩu bội tinh như Napoleon.
Ông ít đi lễ, không đi săn, không bao giờ đi nhà hát. Không hề bị ảnh hưởng của cha cố, của bồi chó, của vũ nữ, điều ấy góp phần vào cảm tình của quần chúng. Ông không có sân chầu. Đi ra thì ông cắp ô dưới nách và cái ô ấy trong nhiều năm đã làm sáng thêm hào quang quanh người ông. Ông làm thợ nề chút ít, làm vườn chút ít và cũng biết chữa bệnh chút ít: một người đánh xe ngã ngựa, ông chích máu cho người ấy. Lui Philip không bao gườ đi ra mà không cắp theo con dao chích, cũng giống như Hăngri III không rời dao găm. Bọn bảo hoàng chế giễu ông vua buồn cười ấy, ông vua đầu tiên đổ máu để chữa bệnh.
Về những lỗi lẫm mà lịch sử trách cứ Lui Philip phải làm một bài toán trừ: có cái là lỗi của chế độ quân chủ, có cái là lỗi của triều đại và có cái là lỗi của nhà vua; ba cột liệt kê có tổng số khác nhau. Quyền tự do dân chủ bị thu hồi, tiến bộ bị đẩy xuống lợi ích thứ hai, những người xuống đường biểu tình phản kháng bị đàn áp dữ dội, những người khởi nghĩa bị xử tử, những người bạo động vũ trang bị bắn không xét xử, sự kiện phố Trăngxnônanh, tòa án binh, pháp luật lấn át thực tại, chính phủ thỏa hiệp với ba mươi vạn người có đặc quyền , đó là do nền quân chủ; từ chối Bỉ, chinh phục Angiêri một cách ác liệt, chinh phục bằng dã man hơn là bằng văn minh, như Anh chinh phục Ấn Độ, bội ước với Ápđen Kađe và Bleei, mua chuộc Đơtđơ, trả tiền cho Pritta, đó là do triều đại; làm chính trị theo đường lối tề gia hơn là trị quốc, đó là lỗi của vua.
Chúng ta thấy đó, tính toán xong thì lỗi vua cũng nhẹ bớt đi.
Sai lầm lớn của nhà vua là ở đây: Đại diện nước Pháp, ông đã tỏ ra quá khiêm tốn.
Do đâu mà sai lầm như vậy?
Chúng ta cần nói ra.
Lui Philip là một ông vua mang nặng tính gia phụ. Mải ấp cho cái gia đình mình nở thành một vương tộc, ông sợ đủ mọi thứ và không thích bị quấy rầy. Do đó mà có những rụt rè quá đáng, không hợp khẩu vị một công chúng có ngày 14 tháng 7 trong truyền thống chính trị và Austéclit trong truyền thống quân sự của mình.
Nói cho đúng, nếu đừng kể đến những công nhiệm cần hoàn thành trước tiên, thì cái gia đình ấy cũng xứng đáng với tình thương yêu sâu sắc của Lui Philip. Trong gia đình ấy đức và tài sát cánh nhau. Một người con gái của Lui Philip là Mari Đorlêăng nêu tên họ mình trong hàng nghệ sĩ cũng như ngày xưa Sáclơ Đorlêăng trong hàng ngũ thi sĩ. Bà đã mang hết tâm hồn ra tạc một tượng Gian Đác bằng cẩm thạch. Hai người con trai của Lui Philip đã khiến Méttecninh buột miệng thốt ra lời khen ngợi mị dân này: Đó là những thanh niên hiếm thấy và là những hoàng tử chưa từng thấy.
Đó là sự thật về Lui Philip, không hơn, không kém.
Là hoàng-thân-bình-đẳng, mang trong người mối mâu thuẫn giữa cách mạng và phục hưng, có một phương diện đáng ngại của người cách mạng nhưng đã trở thành đáng mừng ở người cầm quyền, đó là diễm hạnh của Lui Philip năm 1830. Chưa bao giờ có người thích hợp với tình thế đến như vậy; người ấy đi vào tình thế ấy và trở thành hiện thân của thời cuộc. Ngoài ra chuyện lưu vong của ông là căn cứ lớn để đưa ông lên ngôi. Ông đã bị câu lưu, ông đã sống lang thang, nghèo túng. Ông đã lao động để sống. Ở Thụy Sĩ, người thừa kế của một thái ấp cỡ lớn nhất nước Pháp đó phải bán một con ngựa già nua để mua cái ăn. Ở Rêsơnô, ông đã dạy toán ở tư gia còn em gái ông là Ađơlaiđơ phải thêu may. Những kỷ niệm như thế về một nhà vua đã khiến cho giới tư sản say sưa phấn khởi. Tự tay ông đã phá hủy cái chuồng sắt cuối cùng ở Mông Xanh Misen do Lui XI dựng lên và Lui XV sử dụng. Ông là bạn chiến đấu của Đuymuriedơ (tướng chỉ huy ở Valmy) và là bạn của La Fêyet ông từng có chân trong câu lạc bộ Giacôbanh; Mirabô đã vỗ vai ông; Đăngtông (một trong những lãnh tụ cách mạng 1789, nổi tiếng hùng biện) đã gọi ông: “Anh bạn trẻ kia!”. Năm 93, hăm bốn tuoir, với cái tên là ông Đơ Sáctrơ, ngồi trong một buồng nhỏ tối tăm của viện Khế ước, ông đã theo dõi vụ án Lui XVI, mà người ta gọi rất đúng là tên bạo chúa tội nghiệp ấy. Sự sáng suốt mù quáng của cách mạng đã bẻ gãy quân quyền trên người nhà vua và tiêu diệt nhà vua cùng với nền quân chủ. Thế mà hầu như cái sáng suốt mù quáng ấy không nhìn thấy con người trong khí thế tư tưởng lồng lên chà cán tuốt, không nhìn thấy không khí bão tố bao trùm của tòa án, sự căm phẫn của quần chúng đứng lên hỏi cung, cảnh lúng túng của “tên Capê” (Tức Lui XVI, bị gọi theo tên tộc họ Capet) không biết trả lời thế nào, sự lảo đảo kinh hãi của cái đầu đế vương ấy dưới luồng gió rợn người, sự vô tội của tất cả mọi người trong tai hạo, của người kết án lẫn kẻ bị kết án; những cái đó, ông ta đều nhìn thấy, ông ta đã chứng kiến những quay cuồng kia; ông ta đã thấy lịch sử ra trước vành móng ngựa của viện khế ước; đằng sau Lui XVI, người bộ hành hữu trách xấu số ấy, ông ta đã thấy đứng lừng lững kẻ bị cáo dữ dội là dân quyền. Trong ký ức của ông còn lại niềm cung kính hãi hùng đối với cuộc công xử rộng lớn của nhân dân, cũng vô tư như sự phán xử của Chúa.
Cách mạng đã để lại dấu ấn lớn ở tâm trí Lui Philip. Ký ức của ông đã thành một bản rập sống từng giờ từng phút của những năm lớn lao ấy. Có một nhân chứng hoàn toàn đáng tin cậy kể lại rằng một hôm ông đã theo trí nhớ mà đính chính hết cả bản danh sách những đại biểu của viện Lập hiến mà tên bắt đầu bằng chữ A.
Lui Philip là một ông vua minh bạch. Ông trị vì thì báo chí được tự do, diễn đàn tự do, tín ngưỡng và ngôn luận tự do. Những đạo luật tháng Chín rất rõ ràng. Biết rằng những đặc quyền được công bố ra ánh sáng thì sẽ bị ánh sáng gặm mòn, ông cứ để ngôi vua của mình phơi trần ngoài ánh sáng. Lịch sử sẽ công minh đối với niềm trung thực ấy.
Cũng như mọi nhân vật lịch sử khi đã rời khỏi vũ đài chính trị, Lui Philip đang được công luận thẩm xét. Vụ án của ông còn đương ở tòa sơ thẩm. Cái giờ phút mà lịch sử truyền phán tự do và tôn nghiêm chưa điểm đối với ông ta: chưa đến lúc nêu được một bản phán quyết chung thẩm. Nhà sử học nghiêm khắc và lừng danh Luy Blăng vừa chữa nhẹ bớt bản án mình dựng lên; Lui Philip là người được chọn bởi 221 và 1830, hai cái “hầu như”: nghĩa là bởi một bán quốc hội và một bán cách mạng. Dù sao, đứng trên quan điểm thượng đẳng của triết học, chúng ta chỉ có thể nhận xét ông với sự dè dặt cần thiết nhân danh nguyên lý dân chủ tuyệt đối, như chúng ta đã nói trên kia. Đứng trước tuyệt đối thì không có quyền nào khác ngoài hai quyền kia: dân quyền và nhân quyền; những gì khác đều là lạm tiếm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, sau khi thanh minh như vậy rồi, chúng ta có thể nói rằng dù sao thì theo quan điểm nhân thiện, Lui Philip vẫn là một trong những vị vua tốt nhất đã trị vì.
Cái gì chống Lui Philip? Chính là cái ngai vàng. Hãy cất cái danh hiệu là vua cho Lui Philip thì cái còn lại là con người. Mà con người ấy tốt. Tốt đến nỗi có khi đáng phục. Nhiều khi, giữa những lo âu lớn, sau một ngày đấu tranh ngoại giao với toàn châu Âu. Ông về phòng mình buổi tối mệt nhoài ra. Bấy giờ ông làm gì? Ông cầm một tập hồ sơ và thức suốt đêm để xét lại một vụ án đại hình: ông cho rằng đương đầu với cả châu Âu là một việc lớn, nhưng giành giật một con người với đao phủ lại là một việc lớn hơn. Ông kiên trì chống đối vị bộ trưởng tư pháp, ông giật máy chém từ tay các chưởng lý, những người ba hoa đó của luật pháp, như ông gọi. Nhiều khi hồ sơ chất đầy bàn, ông vẫn xem xét tất; ông khắc khoải sợ bỏ rơi những cái đầu khốn khổ bị xử. Một hôm ông nói với nhân chứng nhắc ở trên: Đêm nay tôi tranh được bảy. Trong những năm đầu triều đại, tử hình hầu như bị hủy bỏ trên thực tế và máy chém được dựng lại là trái ý nhà vua. Pháp trường La Grevơ cũ đã bị hủy bỏ cùng với dòng trưởng, một pháp trường tư sản được dựng lên cái tên là Cổng Xanh Giắc; những người “thiết thực” cảm thấy cần có một máy chém chính quy. Đó là một chiến thắng của Cadimia Pêriê, đại biểu của cánh tư sản hẹp hòi đối với Lui Philip, đại biểu của cánh tự do. Philip dã phê vào cuốn sách của Beccaria (nhà hình pháp học Ý thế kỷ XVIII, đã viết một cuốn sách “về những tội phạm” với thái độ nhân đạo). Sau khi xảy ra vụ ám sát Fiesi, ông kêu: “Tiếc rằng tôi không bị thương! Nếu bị thương thì tôi có quyền ân xá”. Một lần khác, về vụ một chính trị phạm loại nhân vật cao cả nhất ở thời đại ta, nghĩ đến sự phản đối của các bộ trưởng của mình, ông viết: Ân xá thì đành rồi. Ta chỉ còn phải tranh thù cho được mà thôi. Lui Philip dịu hiền như Lui IX và tốt bụng như Hăngri IV.( Henri IV)
Mà đối với chúng tôi nhân từ hiến có trong lịch sử như ngọc liên thành, cho nên con người tốt được xếp hầu như trước con người vĩ đại.
Lui Philip bị người này đánh giá nghiêm khắc, kẻ kia phê phán khắt khe, nay có một người từng biết ông ta – một người ngày nay cũng đã là bóng ma rồi – đến làm chứng cho ông ta trước tòa án lịch sử thì cũng là việc tự nhiên thôi. Lời đối chứng đó dù sao cũng rõ ràng và trước tiên là không vụ lợi. Một lời văn bia do một người chết viết là trung thực. Bóng ma này có thể an ủi bóng ma kia. Cùng nằm chung trong bóng tối thì có quyền ca ngợi nhau. Không sợ người ta nói về hai nấm mồ biệt xứ là: Mộ này đã nịnh hót mộ kia.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 1 - Chương IV

NỨT RẠN TỪ MÓNG

Trong lúc câu chuyện kể đây sắp đi vào đám mây mù kinh khủng đang bao phủ dày đặc những bước đầu của triều vua Lui Philip, chúng tôi thấy cần phải giải thích về ông vua ấy chứ không thể nào để nhập nhằng được.
Lui Philip lên ngôi vua không bằng bạo lực, cũng không bằng hành động trực tiếp của ông ta, mà chỉ vì cách mạng chuyển hướng, - chuyển hướng như thế tất nhiên là khác xa với mục đích chân thực ban đầu, nhưng trong công việc đó, công tước Orlêăng, tức là ông ta, chẳng có vai trò chủ động nào cả. Sinh ra là hoàng thân, ông coi mình như đã được bầu lên làm vua. Cái thiên mệnh ấy ông không tự phong cho mình, mà cũng không giành giật lấy; người ta đem dâng cho ông thì ông nhận thôi. Cố nhiên ông cũng sai lầm khi đinh ninh rằng người đem dâng như thế là theo đúng quyền lý, còn ông nhận cũng là việc bổn phận thôi. Do đó ông thành tâm mà lên ngôi vua.
Chúng tôi công nhận Lui Philip lên làm vua rất thành ý, mà phe dân chủ công kích nền quân chủ cũng là thành ý, nên khi người ta hoảng sợ trước những cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng, người ta không đổ tội cho nhà vua mà cũng chẳng đổ tội cho phe dân chủ. Một cuộc xung đột về nguyên lý xã hội cũng chẳng khác gì một cuộc xung đột giữa những lực lượng thiên nhiên.
Đại dương bảo vệ nước, bão tố bảo vệ không khí; nhà vua bênh vực ngôi vua, dân chủ bênh vực nhân dân cái tương đối là quân chủ chống lại cái tuyệt đối là cộng hòa. Xã hội chảy máu trong cuộc xung đột, nhưng cái gì làm cho xã hội bây giờ phải đau đớn nhất định sẽ là cái cứu vớt xã hội sau này. Và trong trường hợp nào cũng vậy không nên chê trách những kẻ đứng ra chiến đấu. Tất nhiên giữa hai phe phải có một phe nhầm lẫn. Chân lý có phải như tượng thần khổng lồ ở Rốtđơ đâu mà đứng cả hai bờ, một chân ở đất cộng hòa, một chân ở đất quân chủ. Chân lý là một, không thể phân chia, nhất định là chỉ ở về một bên. Có điều kẻ lầm lẫn lại thực tâm mà lầm lẫn; một người mù mắt chẳng tội lỗi gì thì một anh bảo hoàng cũng đâu có phải là một tên kẻ cướp? Những xung đột ghê gớm ấy chẳng qua là do định mệnh. Có bão tố thế nào đấy thì con người cũng không chịu trách nhiệm.
Thôi hãy hoàn thành việc trình bày này.
Chính phủ lên nắm chính quyền năm 1830 vấp ngay phải nhiều khó khăn. Vừa khai sinh hôm qua thì hôm nay đã phải phấn đấu rồi.
Ngồi chưa nóng chỗ đã có cảm giác như có những sức gì mơ hồ đang tỳ mạnh lên cả bộ máy của chính phủ tháng Bảy vừa mới xây nền và chưa có chút gì vững chắc cả.
Sự phản đối phát sinh ngay ngày hôm sau. Có lẽ nó đã hình thành từ đêm trước cũng nên.
Tháng này qua tháng khác, sự phản đối lớn dần lên và từ âm thầm đã biến thành công khai.
Cách mạng tháng Bảy không được vua chúa các nước ngoài thừa nhận, điều ấy chúng tôi đã nói. Ở trên đất Pháp, người ta cũng hiểu nó khác nhau.
Rõ ràng là Chúa bộc lộ ý Chúa trong các biến cố lịch sử, nhưng bộc lộ bằng một ngôn ngữ bí ẩn. Con người liền đem diễn dịch ra, bản dịch làm vội vàng quấy quá mang nhiều nỗi lầm, nhiều khiếm khuyết, nhiều chỗ phản nghĩa. Rất ít người hiểu được lời Chúa. Những người tinh tường, trầm tĩnh, thâm thúy nhất thì đọc chậm, cho nên khi họ mang bản dịch của họ tới thì công việc đã xong rồi. Đã có hai mươi bản dịch rồi. Mỗi bản dịch sinh ra một đảng, mỗi chỗ phản nghĩa đẻ ra một phái. Và mọi đảng tưởng mình có ánh sáng chân chính.
Lắm lúc chính quyền cũng chính là một phái.
Trong các cuộc cách mạng đều có người bơi ngược dòng: đó là những đảng cũ.
Đối với những đảng cũ đã gắn bó với truyền thống do phước lành của Chúa, họ tự cho là có quyền nổi loạn, bởi vì cách mạng sinh ra từ quyền nổi loạn. Lầm rồi, thật vậy, trong các cuộc cách mạng, kẻ nổi loạn không phải là dân chúng mà là vua. Cách mạng trái hẳn với nổi loạn. Cách mạng nào cũng là một diễn biến theo lẽ thường, cho nên là chính đáng; có khi có những tay giả cách mạng làm ô danh cách mạng, nhưng tính cách chính đáng của nó vẫn tồn tại dù bị làm nhơ bẩn, vẫn sống sót dù nhuộm máu. Cách mạng xảy ra không từ ngẫu nhiên mà từ sự cần thiết. Cách mạng là từ giả tạo quay về với thực tiễn. Cách mạng xảy ra vì cần phải xảy ra.
Những đảng chính thống cũ đã công kích cách mạng 1830 với tất cả sự kịch liệt phát sinh từ một lối luân lý sai lạc. Những sai lầm lại là những tên, đạn tốt. Chúng tấn công cách mạng một cách khôn khéo ở những chỗ yếu, chỗ hở, chỗ thiếu lôgich: chúng tấn công cách mạng 1830 ở nền quân chủ mà nó thiết lập. Chúng thét: Nói cách mạng, sao lại có anh vua ấy? Những phe phái là những đứa mù nhằm trúng đích.
Những người cộng hòa cũng thét cái tiếng thét kia. Nhưng họ thét như vậy là hợp lý. Mù quáng ở bè lũ chính thống, lại là sáng suốt ở cánh dân chủ. Cách mạng 1830 phá sản đối với nhân dân. Những người dân chủ chân chính tức giận phải phàn nàn.
Đứng giữa hai luồng công kích của quá khứ và tương lai, bộ máy nhà nước tháng Bảy lúng túng, vất vả. Nó chỉ là khoảnh khắc hiện tại mà phải đối phó một đằng với hàng thế kỷ quân chủ, đằng khác với cái quyền lý muôn đời. Vả lại, bề ngoài nó chẳng còn là cách mạng nữa mà đã trở thành quân chủ rồi, nên chính phủ 1830 buộc lòng phải nhịp bước theo châu Âu. Lại phải giữ gìn hào bình mới càng phức tạp! Một sự hào hợp ngược lẽ có khi còn phải trả giá đắt hơn là một cuộc chiến tranh. Từ cuộc xung đột ngầm, luôn luôn bị khóa mõm nhưng luôn luon gầm gừ, nảy ra cái trạng thái hòa bình vũ trang, lối thoát tốn kém của nền văn minh tự ngờ vực mình.
Nền quân chủ tháng Bảy lồng lên như con ngựa mắc vào cỗ xe của các chính phủ châu Âu. Mettécnich (một chính khách Áo thời kỳ đó, rất nhiều thủ đoạn và được coi như là trọng tài của châu Âu) sẵn sàng buộc dây cương vào cổ nó. Bị trào lưu tiến bộ thúc đẩy ở Pháp, nó trở lại thúc đẩy các nền quân chủ lạc hậu khác ở châu Âu. Được kéo, nó trở lại lôi kéo kẻ khác.
Trong lúc đó thì bên trong các vấn đề nghèo đói, thợ thuyền, tiền lương, giáo dục, phạm pháp, mãi dâm, số phận người đàn bà, các vấn đề giàu nghèo, sản xuất, tiêu thụ, phân phối, mậu dịch, tiền tệ, quyền của tư sản, quyền của lao động, tất cả vấn đề chồng chất lên xã hội, cao chót vót đến ghê sợ.
Ngoài các đảng phái chính trị chính thức, một phong trào khác xuất hiện. Tiếp theo sự sôi sục của phong trào dân chủ là sự sôi sục của phong trào triết học. Trí thức thấy mình cũng bối rối như quần chúng, bối rối có khác nhưng cũng không kém sâu xa.
Có những nhà tư tưởng suy nghĩ, trong khi đất dưới chân họ, tức là quần chúng nhân dân, do những luồng cách mạng chạy qua, rung lên như bị cơn giật kinh phong khó giải thích. Những nhà tư tưởng đó khi thì riêng lẻ, khi thì tập hợp thành gia đình, hơn thế, thành đoàn thể, nhào nặn những vấn đề xã hội một cách ôn hòa nhưng sâu sắc. Là những người thợ mỏ không nao núng họ bình thản đào hầm của họ dưới chân núi lửa, không bị rầy rà bao nhiêu vì những chấn động ngầm hoặc những lò lửa thoáng thấy. Sự bình thản đó cũng là một cảnh tượng đẹp nhất trong thời đại náo động kia.
Họ để dành cho các đảng phái vẫn đề pháp quyền, còn họ chỉ lo đến vấn đề hạnh phúc.
Phúc lợi của con người, đó là cái họ muốn rút ra từ xã hội.
Họ nâng cao các vấn đề vật chất, vấn đề công nghiệp, nông nghiệp, thương mại lên gần mức trọng vọng của tôn giáo. Trong nền văn minh bấy giờ, một phần nhỏ do Thượng đế xây dựng nên, còn phần lớn là do con người, thì các thứ quyền lợi đã trộn lẫn với nhau, ết dính vào nhau và hỗn hợp thành một thứ đá vô cùng rắn chắc, theo một quy luật mà các nhà kinh tế học đã dày công nghiên cứu.
Họ tập hợp nhau thành nhóm lấy danh hiệu khác nhau nhưng cũng có thể gọi chung họ là những người theo chủ nghĩa xã hội. Họ cố hết sức chọc thủng tầng đá ấy và bắt nguồn nước tươi mát của hạnh phúc phải phụt lên.
Từ vấn đề cái máy chém đến vấn đề chiến tranh, sự nghiên cứu của họ bao trùm tất cả. Bên cạnh cái nhân quyền đã tuyên bố trong cách mạng Pháp, họ nêu thêm quyền của phụ nữ và quyền của trẻ con. Mong rằng độc giả không lấy làm ngạc nhiên, vì lẽ này hay lẽ khác chúng tôi không đi sâu vào lý thuyết của những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đã xướng lên. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại thôi.
Bỏ ra ngoài những viễn ảnh của vũ trụ, những cái gì mơ mộng và huyền bí, thì tất cả những vấn đề các nhà xã hội đem ra bàn để giải quyết chỉ thu lại tỏng hai vấn đề chính:
Vấn đề thứ nhất: Sản xuất ra của cải.
Vấn đề thứ hai: Phân phối các của cải ấy.
Vấn đề thứ nhất chứa đựng vấn đề lao động.
Vấn đề thứ hai bao gồm vấn đề tiền lương.
Trong vấn đề thứ nhất là chuyện sử dụng sức sản xuất. Trong vấn đề thứ hai là chuyện phân phối mọi thứ hưởng thụ.
Sử dụng tốt sức sản xuất là làm cho xã hội phú cường.
Phân phối tốt mọi thứ hưởng thụ là tạo nên hạnh phúc cho cá nhân.
Nói phân phối tốt nghĩa là không phải chia bình quân mà là chia công bằng. Nguyên tắc bình đẳng đầu tiên là sự công bằng.
Bên ngoài, phú cường xã hội; bên trong, hạnh phú cá nhân; hai cái ấy phối hợp lại thành ra xã hội giàu mạnh.
Xã hội giàu mạnh, điều ấy có nghĩa là con người được sung sướng, người công dân được tự do, quốc gia thành lớn mạnh.
Nước Anh giải quyết được vấn đề thứ nhất. Nước Anh làm ra của cải rất giỏi nhưng phân phối rất vụng. Vấn đề chỉ được giải quyết có một mặt, nên đã đưa nước Anh đến hai thái cực: vừa cực kỳ giàu sang vừa cực kỳ nghèo khổ. Mọi thứ hưởng thụ dành cho một vài người, còn mọi thứ thiếu thốn đều dồn cho tất cả kẻ khác, nghĩa là toàn thể dân chúng; đặc quyền, độc quyền, cường bạo nẩy ra từ chế độ lao động ấy.
Sự phồn thịnh công cộng ngồi lên lưng sự nghèo khổ riêng tư, sự phú cường của Nhà nước đâm rễ trong cảnh đau đớn của cá nhân, một tình thế như vậy thật là bấp bênh và nguy hiểm! Đó là sự phú cường cấu tạo không đều vì gồm đủ mọi yếu tố vật chất mà lại không có lấy một yếu tố tinh thần nào.
Chủ nghĩa cộng sản và luật ruộng đất cho rằng có thể giải quyết vấn đề thứ hai. Lầm to! Phân chia như thế sẽ giết chết sự sản xuất. Chia đều nhau làm mất tính thi đua. Và do đó cũng làm mất tính lao động. Đó là cách phân chia của hàng thịt, nó giết chết cái mà nó phân chia. Không thể nào bằng lòng với giải pháp ấy được; giết chết của cải như thế không phải là phân phối của cải.
Hai vấn đề đòi hỏi giải quyết song song thì mới giải quyết tốt được. Hai giải pháp đòi hỏi được phối hợp với nhau thành một mà thôi.
Anh chỉ giải quyết vấn đề thứ nhất thì anh sẽ là Vơnidơ, anh sẽ là Anh Cát Lợi. Anh sẽ như Vơnidơ giàu mạnh một cách giả tạo, hay như Anh Cát Lợi rất giàu mạnh về vật chất nhưng anh sẽ là một anh nhà giàu xấu xa. Anh sẽ chết vì bạo lực như Vơnidơ đã chết, hoặc anh sẽ đổ nhào vì phá sản như Anh Cát Lợi sẽ đổ nhào sau này. Thế giới sẽ ddeer măc anh chết đi và đổ nhào, vì thế giới luôn luôn để mặc cho đổ nhào và chết đi tất cả những cái gì chỉ có nội dung ích kỷ, tất cả những cái gì đối với nhân loại không tiêu biểu cho một đạo đức hay một lý tưởng.
Cố nhiên những tiếng Vơnidơ, Anh Cát Lợi là đúng để chỉ các chế độ xã hội chứ không phải nhân dân các nước ấy, chỉ các tổ chức thống trị áp bức nằm trùm lên các quốc gia chứ không phải bản thân các quốc gia ấy. Chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng và có thiện cảm dối với mọi quốc gia. Nhân dân Vơnidơ sẽ sống lại, bọn quí tộc Anh Cát Lợi sẽ nhào đổ, nhưng quốc gia Anh Cát Lợi là bất diệt. Nói xong điều đó, chúng ta tiếp tục.
Giải quyết cả hai vấn đề, khuyến khích người giàu và bảo vệ người nghèo, thủ tiêu sự cùng khổ, chấm dứt sự bóc lột bất công của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, kiềm chế sự ganh ghét bất công của kẻ còn đang đi đới với kẻ đến đích, làm cho tiền lương khớp với sức lao động một cách toán học và thân ái, coi sự giáo dục không mất tiền và cưỡng bách là một yếu tố găn với việc nuôi trẻ khôn lớn và làm cho khoa học trở thành cơ sở của sức khỏe lành mạnh, phát triển trí tuệ, đồng thời làm cho tay chân có việc làm, làm một dân tộc giàu mạnh đồng thời là một gia dình trong ấy mọi người đều sung sướng, dân chủ hóa tư hữu bằng cách phân phối cho khắp mọi người, chứ không phải thủ tiêu nó đi, làm sao cho mọi người dân ất kỳ ai cũng đều có của, việc ấy cũng không phải khó lắm, nói tóm lại, biết cách làm ra của cải và biết cách phân phối của cải, và như thế là một lúc sẽ đạt được sự vĩ đại về vật chất lẫn sự vĩ đại về tinh thần. Có thế mới đáng gọi là nước Pháp.
Ngoài một đôi phe phái đi lạc hướng thì không kể đấy là tiếng nói của chủ nghĩa xã hội. Đấy là tất cả những điều mà chủ nghĩa xã hội tìm trong sự kiện thực tế, đấy là cảnh mà chủ nghĩa xã hội gợi ra trong mọi đầu óc.
Cố gắng đáng phục và thiêng liêng sao!
Những chủ nghĩa ấy, những học thuyết ấy, những sự phản kháng ấy, sự cần thiết bất ngờ đối với nhà chính trị phải đếm xỉa đến các nhà triết học, một đường lối chính trị mới phải vạch ra cho phù hợp với chế độ cũ mà không quá chống đối với lý tưởng cách mạng. Một tình thế phải tận dụng La Fêyest để cứu vãn Pôlinhắc (thủ tướng dưới triều Sáclơ X, đã soạn những sắc dụ phản động làm bùng nổ cuộc cách mạng 1830), sự trực cảm về tiến bộ dưới cái vỏ dân biểu, quốc hội và đường phố, những yêu sách phải cân bằng chung quanh mình, niềm tin tưởng đối với cách mạng, có lẽ cũng có sự nhẫn nhục nào trong việc công nhận một quyền lý tối cao, cái ý chí trung thành với dòng giống,c ái tình yêu gia đình, lòng tôn trọng nhân dân, tính ngay thực của chính mình, tất cả những cái ấy làm cho Lui Philip do nghĩ đến, đau xót và từng lúc đã khiến ông thấy mệt nhọc với cái nghề làm vua quá khó khăn, mặc dù ông là người can đảm và có ý chí.
Ông cảm thấy như dưới chân ông đang có một sự tan rã đáng sợ, tan rã chứ chưa đến nỗi nát thành tro bụi, vì chưa bao giờ nước Pháp lại xứng là nước Pháp như bấy giờ.
Từng đám mây chồng chất đen kịt ở chân trời. Một bóng đen kỳ dị dần dần kéo đến, bao phủ lên mọi người, mọi vật, mọi tư tưởng; đó là bóng đen thoát ra từ mọi thứ căm hờn, mọi hệ thống tư tưởng. Tất cả những gì bị bóp nghẹt đi một cách vội vàng, bây giờ lại cựa quậy, lên men ngấm ngầm. Trí óc con người rung động trong không khí lo âu cảu xã hội như lá cây lúc cơn dông sắp kéo đến. Tình hình căng thẳng như hai dòng điện cao thế, có lúc chỉ cần có một người vô danh nói lên, cũng như chỉ cần có vật gì chạm vào hai dòng điện, là đủ làm bật ra chân lý, bật ra ánh sáng. Sau đó, bóng tối mờ mờ lại phủ xuống như cũ. Thỉnh thoảng những tiếng súng ngấm ngầm vang lên, chứng tỏ trong đám mây mù còn chất chứa rất nhiều sấm sét.
Hai mươi tháng đã trôi qua từ cuộc cách mạng tháng Bảy: Năm 1832 mở màn với một vẻ như đe dọa và gần như có việc sắp xảy ra.
Cảnh nghèo đói của nhân dân, người lao động không có bánh mì, vương tước Côngđê cuối cùng chết một cách mờ ám, Bruyxen đuổi họ Natxô như Paris đuổi họ Buốcbông, nước Bỉ muốn về với một ông hoàng Pháp lại được cho một ông hoàng Anh, sự thù hằn của nước Nga Nicôla, sau lưng Pháp là hai con yêu tinh phương Nam, Fécđimăng Tây Ban Nha và Mighen Bồ Đào Nha, đất rung chuyển ở Ý, Méttecnich thò tay qua Bôlônhơ, nước Pháp cộc cằn đối với nước Áo ở Angcôn về phía Bắc thì tiếng đóng áo quan chôn Balan lần nữa, ở khắp châu Âu, những tia mắt giận dữ rình mò Pháp, đồng minh Anh đnags nghi ngờ đang sẵn sàng đẩy nhào những gì đang nghiêng lệch và xông vào những gì đã nhào, thượng viện nấp sau Béccaria bác bỏ bốn án tử hình của tòa án, biểu tượng hoa huệ bị gạch xóa trên xe vua, cây thập tự ở nhà thờ Đức Bà bị nhổ bỏ, La Fêyét bị bôi nhọ, Laphít suy sụp, Bengiamanh Côngxtăng chết nghèo khổ, Cadimia Pêriê chết trong lúc chính quyền suy yếu: bệnh chính trị và bệnh xã hội phát ra cùng một lúc ở hai thủ đô của vương quốc; thủ đô tư tưởng và thủ đô lao động; Ở Paris, nội chiến; ở Lyông, nông dân biến; ở cả hai thành phố chỉ một ánh lửa lò; một màu đỏ hỏa sơn ở trên trán nhân nhân; phương nam trở nên cuồng tín, phương tây loạn; nữ công tước Beri hoạt động ở Văngđê, âm mưu, hội kín, khởi biến, dịch tả; tất cả những cái đó rót thêm sự náo động bi đát của biến cố vào sự sôi sục của tư tưởng.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 1 - Chương V

NHỮNG SỰ VIỆC LÀM NÊN LỊCH SỬ NHƯNG LỊCH SỬ LẠI KHÔNG BIẾT ĐẾN

Vào cuối tháng tư mọi việc đều trở nên trầm trọng. Tình hình từ chỗ lên men đã trở thành sôi sục. Từ 1830, rải rác đã có đôi cuộc bạo động nhỏ, lẻ tẻ. Những cuộc bạo động ấy đều bị đàn áp ngay, nhưng cũng lại mọc lên ngay, đó là dấu hiệu của một lò lửa to lớn đang bừng bừng ở bên dưới, một cái gì ghê gớm đang ấp ủ. Người ta hé nhìn thấy những dấu hiệu chưa rõ nét và còn lờ mờ của một cuộc cách mạng có thể nổ ra. Cả nước Pháp nhìn vào Paris; Paris nhìn khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Khu ngoại ô Xanh Ăngtoan được nung ngầm, bỗng sôi sục lên. Không khí các quán rượu phố Sarôn nghiêm trang và ồn ào – hai tính từ ấy kết hợp để nói về một quán rượu thì cũng lạ thật.
Ở đấy người ta đem vấn đề duy trì hay lật đổ chính phủ ra bàn một cách ngang nhiên. Người ta thảo luận công khai cái việc phải đánh hay nên ngồi yên.
Bên trong nhiều quán rượu người ta bắt thợ thuyền thề “sẽ có mặt ngoài đường khi có tiếng báo động đầu tiên và sẽ chiến đấu bất chấp quân thù đông hay ít”. Khi người thợ đã thề xong, một người ngồi trong góc quán rượu cố ý nói oang oang: Nhớ nhé! Thề rồi đấy nhé! Có khi người ta lên gác, họp nhau trong một phòng kín, cảnh tượng chẳng khác gì những cuộc họp hội kín. Người ta bắt những người mới gia nhập tuyên thệ để giúp ích cho họ và cho các gia trưởng. Lời thề như vậy đó.
Ở các phòng dưới người ta đọc các sách “phiến loạn”. Theo lời một bản báo cáo bí mật đương thời, đó là những quyển sách chửi chính phủ.
Ở các phòng ấy người ta nghe thấy những lời như sau: - Tôi có biết tên các người chỉ huy đâu. Bọn tôi sẽ được biết ngày khởi sự chỉ hai giờ trước khi hành động thôi. Một người thợ nói: chúng ta có ba trăm người, mỗi người bỏ ra mười xu vị chi là một trăm năm mươi phơrăng để làm đạn và thuốc súng. Một người khác nói: không sáu tháng, hai tháng gì hết. Không đầy mười lăm hôm là chúng ta sẽ ngang sức với chính phủ. Với hai vạn rưởi người, ta có thể đối địch được. Một người nữa nói: - Tôi chẳng ngủ nghê gì, cứ đêm là đúc đạn. – Thỉnh thoảng có những người “ăn bận đẹp đẽ như bọn tư sản”, đến đây “làm bộ làm tịch”, ra vẻ “chỉ huy”, bắt tay những nhân vật quan trọng nhất rồi bỏ đi. Không mấy khi họ ở quá mười phút. Người ta trao đổi những câu chuyện đầy ý nghĩa: mật kế đã muồi, công việc đầy đủ. Tất cả đều nói nhặng xị lên như thế, đó là lời một nhân chứng.
Người ta hăng đến nỗi, một hôm, đương ở giữa quán ăn, một người thợ kêu to: Chúng ta không có vũ khí! Thì một người bạn đáp ngay: Vũ khí ở trong tay binh lính ấy! Câu đáp đã vô tình nhại câu của Bônapác tuyên bố với quân đội viễn chinh Pháp sang đánh Ý. Một bản báo cáo của nhà chức trách, sau khi tường trình sự việc, nói thêm: “Khi có điều gì bí mật hơn thế thì họ không đem ra nói với nhau ở đấy”. Người ta không hiểu họ còn giữ bí mật điều gì nữa khi đã nói toạc ra tất cả như đã thấy trên kia.
Những cuộc họp đôi khi tổ chức có định kỳ. Ở một vài hội nghị như thế, người dự không quá tám hay mười người, và đi lại cũng chỉ những nhân vật ấy. Ở những cuộc họp khác thì ai cũng được vào phòng họp, đông đến nỗi phải họp đứng. Người này họp vì nhiệt tình và say đắm! Kẻ khác họp vì đó là con đường đưa tới có việc làm. Cũng như ở thời cách mạng, trong các quán ấy có những người phụ nữ yêu nước ôm hôn những kẻ mới đến.
Nhiều sự việc có ý nghĩa nữa xuất hiện.
Có người vào quán rượu uống xong bỏ đi ra, nói:
“Anh hàng rượu, chỗ tiền rượu này chính quyền cách mạng sẽ trả cho anh”.
Ở quán rượu bên kia phố Larôn, có một cuộc bầu cử những người cán bộ cách mạng. Hòm phiếu là một cái mũ công nhân.
Một số thợ họp ở nhà một thầy dạy kiếm thuật ở phố Cốttơ. Ở đó có một bó khí giới gồm mã tấu gỗ, gậy, kiếm. Một hôm người ta bóc trần mũi kiếm. Một người thợ nói: “Chúng tôi hai mươi lăm người, nhưng tôi không được tính vì người ta coi tôi là một cái máy”. Cái máy ấy về sau là Kênítxê.
Những việc tầm thường gì mà được tính toán trước cũng trở nên có ý nghĩa lớn. Một người đàn bà quét ở trước cửa nhà mình thóc mách với một người khác: Đã từ lâu rồi, người ta khẩn trương làm đạn.
Người ta thấy dán ngay ngoài phố những bản tuyên bố kêu gọi quốc dân các quận. Một trong các bản ấy ký tên: Buyếctô, bán rượu.
Một hôm ở cửa nhà một anh chàng rượu chợ Dơnoa, một người có bộ râu quai nón với giọng nói người Ý, đứng lên một trụ vôi đọc thật to một tờ giấy gì lạ lùng, có vẻ là một quyền lực huyền bí. Từng nhóm người tụ họp chung quanh vỗ tay hoan nghênh. Các đoạn làm cho quần chúng cảm động nhất được ghi chép lại như sau: “Chủ nghĩa của chúng ta bị ngăn cản, các bản tuyên ngôn của chúng ta bị xé rách, các người đi dán áp phích của chúng ta bị rình mò và bắt giam…” “Cái tai họa trong nghề bông vải đã chữa bệnh trung dung cho chúng ta”. “Tương lai của các dân tộc là đội ngũ hèn hạ của chúng ta”. “…Vấn đề đặt ra là thế này: hành động hay phản động? Cách mạng hay phản cách mạng? Vì ở thời đại chúng ta, không thể có sự nằm ì hoặc bất động. Vì dân hay chống lại dân, đó là vấn đề. Ngoài ra không còn vấn đề nào khác”. “Cái ngày chúng tôi không thích hợp với các anh nữa thì hãy hạ bệ chúng tôi. Nhưng từ nay cho đến lúc ấy, hãy giúp chúng tôi tiến lên”.
Các việc ấy đều xảy ra giữa ban ngày.
Nhiều việc quá táo tợn làm dân chúng đâm nghi. Ngày 4 tháng tư năm 1832, ở góc phố Xanh tơ Mácgơrít, một người qua đường leo lên cây trụ, thét lớn: Tôi là người phe Babớp đây (theo chủ nghĩa vô chính phủ). Nhưng dân chúng thì thấy sau danh nghĩa Babớp là hình dáng Gixkê.
Hắn nói huyên thuyên. Hắn bảo:
“Đả đảo chế độ tư hữu! Bọn đối lập cánh tả là đồ hèn nhát, đồ phản bội. Khi chúng muốn giành lẽ phải về mình thì chúng tuyên truyền cách mạng. Nhưng dân chủ của chúng là chỉ để khỏi thất bại, còn khi muốn trốn đấu tranh thì chúng lại theo quân chủ. Bọn cộng hòa là đồ con tườu. Đồng bào lao động, đồng bào hãy coi chừng bọn cộng hòa”.
Một người thợ hét lớn:
- Ông đồng bào mật thám ơi, im cái mồm đi!
Tiếng thét ấy chấm dứt ngay bài diễn thuyết.
Nhiều chuyện bí ẩn xảy ra.
Vừa tối, có người thợ bắt gặp bên bờ kênh “một người ăn bận chỉnh tề”, người ấy bảo: - Đồng bào, đi đâu đấy? – Thưa ông, người thợ đáp, tôi không được biết ông là ai. – Tôi thì tôi biết anh lắm. Và người ấy thêm: anh đừng sợ. Tôi là người ủy ban. Người ta nghi anh là người không chắc chắn lắm. Anh nhớ là nếu anh phát giác điều gì thì có người để ý đến anh đấy nhé. Xong hắn bắt tay người thợ và nói thêm khi bước đi: chúng ta sắp tới sẽ gặp nhau.
Cảnh sát theo dõi đã ghi được, không những trong các quán ăn mà ngoài đường, rất nhiều mẩu đối thoại kỳ dị.
Một người thợ dệt bảo một người thợ mộc:
- Bác xin gia nhập mau đi.
- Tại sao?
- Sắp được nổ súng rồi bác ạ.
Hai người qua đường ăn mặc rách rưới hỏi và trả lời nhau mấy câu thật đáng chú ý, nghe như rõ rệt là sắp có bạo động.
- Ai thống trị ta bây giờ?
- Ông Philip.
- Không phải, bọn tư bản thống trị ta…
Một lần khác, hai người đi qua, người ta bắt chợt người này nói với người kia: chúng mình có một kế hoạch tấn công tài tình.Trong câu chuyện thân mật giữa bốn người ngồi xổm trong cái hào ở một ngã tư, người ta nghe thoáng được mấy lời như sau:
- Phải ra sức làm cho nó không còn đi dạo chơi trong Paris nữa.
Nó là ai? Một bí mật đầy đe dọa.
“Những thủ lĩnh chính”, như ở ngoại ô người ta gọi, không ra mặt. Người ta tin rằng họ họp nhau bàn bạc ở trong một cái quán gần mũi Xanh Ơxtasơ. Người hội trưởng hội cứu tế thợ may tên là Ôgơ được coi là người trung gian liên lạc giữa các thủ lĩnh và khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Tuy vậy vẫn còn mờ mịt lắm chung quanh các thủ lĩnh ấy. Không có sự iện chắc chắn nào có thể phủ định câu trả lời ngang tàng của một bị cáo kia trước tòa án thượng viện. Tòa hỏi:
- Thủ lĩnh của anh là ai?
- Tôi không có thủ lĩnh và cũng không thừa nhận ai là thủ lĩnh.Tuy vậy, đó mới chỉ là những lời nói mơ hồ tuy rõ nghĩa, đôi lúc chỉ là những câu nói trống không, những lời bàn tán, những tiếng đồn ra đồn vào. Lại có nhiều dấu hiệu khác hiện ra.
Ở phố Rơidi, một người thợ mộc đóng đanh ghép ván để dựng cái hàng rào quanh đám đất đang làm nhà, bắt được một đoạn thư đã xé nát nhưng còn đọc được mấy dòng như sau:
“…Ủy ban cần phải có biện pháp để ngăn cản cá hội này hội nọ đến lấy người trong các trung đội…”
Và ở đoạn tái bút:
“Chúng tôi được tin ở phố Ngoại ô Poácxơnie nhà số 5 bis có nhiều súng, khoảng năm, sáu nghìn khẩu, nằm trong tay một người lái súng và cất giấu trong một cái sân. Trung đội hiện chưa có vũ khí”.
Đi mấy bước nữa, người thợ mộc nhặt được một mảnh giấy khác cũng rách dở và càng có ý nghĩa hơn. Anh ta xúc động thuật lại cho mấy người láng giềng nghe. Vì các tài liệu lạ lùng ấy có giá tị sử dụng cho nên chúng tôi sao y nguyên dạng mảnh giấy mặt sau:
QCDE Hãy học thuộc lòng danh sách này.
Sau đó anh xé đi. Những người được thừa nhận cũng sẽ làm như thế sau khi anh đã truyền lệnh cho họ.
Kính chào huynh đệ
U og a1 fe L
Những người có đọc mảnh giấy này mãi về sau mới biết rõ nghĩa kia của bốn chữ hoa: Quinturions, Centurions, Décurions, Eclareurs và ý nghĩa của những chữ U og a1 fe nó chỉ một ngày tháng, ngày 15 tháng 4 năm 1832. Dưới mỗi chữ hoa, có ghi thêm nhiều tên kèm theo những chú dẫn tiêu biểu. Chẳng hạn: - Q.Banơren 8 súng. 83 đạn. Người đáng tin cậy – C.Bubie 1 súng ngắn. 40 đạn. – D.Rônlê 1 kiếm, 1 súng ngắn, 1 cân thuốc súng. - Tétxiê 1 mã tấu, 1 túi. B. Đúng giờ khắc – Terơ – 8 súng. Can đảm…
Cuối cùng anh thợ mộc còn tìm thấy, cũng trong mảnh vườn kia, một mảnh giấy thứ ba trên đó có cái danh sách bí mật này, viết bằng bút chì, nhưng rất rõ:
Đơn vị Blăngsa. Acbrơxéc. 6
Bara. Xoadơ. Xan.ô – Côngtơ.
Kooxiuxkô. Ôbry người hàng thịt.
J.J.R
Caiiuytx Gracuyxông
Quyền xét duyệt. Đuyfông Fua.
Phái Girôngđanh đổ. Đécbác. Môbuyê
Oaxinhtơn – Panhxông, 1 súng ngắn, 86 đạn
Mácxâyde.
Chủ q. nhân dân., Misen – Canhcăngpoa – Mã tấu Hôsơ.
Mácxô – Platông – Acbrơxéc.
Vácsôvi – Tily, người rao báo Dân chúng.
Người thị dân lương thiện còn giữ được giấy này đã biết ý nghĩa của nó. Hình như đây là bản danh sách trọn vẹn về những trung đội ở quận 4 của Hội Nhân Quyền với tên họ và địa chỉ những trung đội trưởng.
Ngày nay những sự việc bí mật ấy đã trở thành lịch sử cho nên có thể công bố. Cần phải nhắc là Hội Nhân Quyền được thành lập sau ngày người ta nhặt được mảnh giấy kia. Có lẽ đây chỉ là một bản phác họa.
Tuy nhiên đi sau lời nói, đi sau văn tự, những sự kiện cụ thể bắt đầu xuất hiện
Phố Pôpanhcua, ở nhà một người bán hàng xén, cảnh sát bắt được trong ngăn kéo bảy tờ giấy màu xám gấp làm tư theo chiều dài, ở trong lại đưng hai mươi sáu mảnh vuông cùng thứ giấy ấy gấp thành hình viên đạn và một mảnh giấy cứng có ghi như sau:
Diêm tiêu 12 lạng
Lưu hoàng 2 lạng
Thanh 2 lạng rưỡi
Nước 2 lạng.
Biên bản tịch thu còn xác nhận rằng ngăn kéo sặc mùi thuốc súng.
Một người thợ nề buổi tối đi làm về, bỏ quên một cái hộp nhỏ trên một cái ghế cạnh cầu Austéclit. Cái hộp được đưa vào đồn cảnh sát. Mở ra thì thấy hai bài vẫn đáp in, ký tên Lahôchie, một bài hát nhan đề: Hỡi công nhân hãy tập hợp lại, và một hộp sắt tây đựng đầy đạn.
Một người thợ uống rượu với bạn, thấy trong người nóng quá, bảo bạn sờ thử, thì anh bạn chạm tay phải một khẩu súng ngắn cất dưới áo ngoài.
Trong một cái hố bên đại lộ, giữa Pe-Lase và cổng Tơrôn ở chỗ vắng vẻ nhất, mấy đứa trẻ đương chơi chợt thấy dưới một đống dăm và vỏ khoai một khuôn đúc đạn, một bàn giập vỏ đạn bằng gỗ, một đĩa thuốc súng săn và một cái nồi gang có dấu vết chì nấu chảy.
Mấy người cảnh sát lúc năm giờ sáng bất thình lình vào nhà một người tên là Pácđông – anh này sau làm đội viên trong trung đội chiến lũy Meri và chết trong cuộc bạo động tháng Tư năm 1834. Họ thấy anh đứng bên giường, tay cầm mấy vỏ đạn dang làm dở.
Vào giờ thợ thuyền đã ngủ cả, người ta bắt gặp hai người đang đứng với nhau giữa cổng Picpuyta và cổng Sađăngtông, trên một ngõ hẻm giữa hai bức tường, bên cạnh một cái quán có bày một bộ con lăn trước cửa. Người này rút dưới áo khoác ra một cái súng ngắn đưa cho người kia. Khi đưa thì anh ta nhận thấy mồ hôi ngực của mình có làm ẩm thuốc súng đi nhiều ít. Anh ta lên cò súng và thêm thuốc vào ổ thuốc mồi. Thế rồi hai người chia tay nhau.
Một người tên là Gale khoe rằng ở nhà anh ta có bảy trăm viên đạn và hăm bốn viên đá lửa, người này về sau chết ở phố Bôbua, trong vụ biến tháng tư. Một hôm chính phủ được báo là khí giới đã được phân phát ở ngoại ô cùng với hai mươi vạn viên đạn. Tuần sau lại ba vạn viên đạn nữa. Điều đáng chú ý là cảnh sát không bắt được viên nào. Người ta kiểm duyệt một bức thư, thấy có câu: “Sắp đến ngày mà chỉ trong bốn tiếng đồng hồ thôi sẽ có tám vạn người yêu nước cầm khí giới.”
Sự ủ men này là công khai, có thể nó là khá trầm tĩnh. Cuộc nổi dậy vần vũ một cách bình tĩnh trước mắt chính quyền. Cuộc khủng hoảng còn đương ngấm ngầm nhưng cũng đã cảm thấy này rất là khác thường. Những người thị dân thản nhiên bình luận với thợ thuyền về điều đang sửa soạn. Người ta nói: Cuộc khởi nghĩa thế nào? Cũng như hỏi: bác gái thế nào?
Một anh bán bàn ghế ở Môrô hỏi: “Nào, bao giờ thì các anh đánh đấy?”
Một anh chủ hiệu khác: “Sắp đánh rồi. Tôi biết. Tháng trước các anh chỉ có mười lăm nghìn người, tháng này đã lên hăm nhăm nghìn”. Anh ta hiến khẩu súng, một ông láng giềng biếu khẩu súng nhỏ mà trước ông muốn bán bảy phơrăng.
Cơn sốt cách mạng lan dần. Không điểm nào ở Paris, không điểm nào ở nước Pháp thoát khỏi. Mạch đập mạnh khắp nơi. Cũng như các màng mỏng mọc trong cơ thể con người do một số bệnh tật, màng hội kín bắt đầu giăng khắp đất nước. Từ hội những người bạn dan nửa công khai nửa bí mật, nảy ra hội nhân quyền. Hội nhân quyền đã đề ngày tháng như sau vào một bản nhật lệnh: tháng Mưa năm cộng hòa 40. Mặc dù có những bản án tòa thượng thẩm buộc nó phải giải tán, nó vẫn tồn tại, nó không ngần ngại đặt cho các trung đội của nó những tên ý nghĩa như:
Thương giáo
Chuông kẻng
Đại bác báo động
Mũ cộng hòa tự do
21 tháng giêng
Người nghèo
Người lang thang
Tiến lên
Rôbétxpic
Trình độ
Được đấy.
Hội nhân quyền đẻ ra hội hành động. Đó là những người sốt ruột họ tự tách ra và chạy trước. Nhiều đoàn thể khác tìm cách tuyển người trong các hội mẹ. Các chiến sĩ kêu ca về việc bị lôi đằng này kéo đằng kia. Chẳng hạn hội Gôloa và Ủy ban tổ chức các thị trấn, hội đấu tranh cho Tự do báo chí, hội vì Giáo dục nhân dân, hội chống thuế gián thu. Rồi thì hội những người thợ bình đẳng trong đó có ba phái: phái Bình đẳng, phái Cộng sản, phái Cải lương. Rồi Đạo quân Paxti một đám chiến sĩ được tổ chức theo kiểu quân đội: cứ bốn người thì có một viên hạ sĩ chỉ huy, mười thì có một viên trung sĩ, hai mươi thì có một thiếu úy, bốn mươi thì có một trung úy. Trong đạo quân đó họ không biết nhau quá số năm người. Cách xếp đặt này kết hợp tính cẩn thận với sự táo bạo, thấm nhuần thiên tài Vơnidơ. Ủy ban trung ương tức là cơ quan đầu não, có hai cánh tay: hội hành động là Đạo quân Baxti. Một liên đàon của những người bảo vệ dòng vua chính thống, tên là Liên đoàn những tráng sĩ trung thành rục rịch giữa những tổ chức dân chủ ấy. Họ bị tố giác và khai trừ.
Các hội thủ đô đâm chi nhánh ở các thành phố lớn. Lyông, Năngtơ, Lilơ, Mácxây, đều có Hội nhân quyền. Hội Sácbônie, Hội những người tự do. Thành phố Exơ có một tổ chức cách mạng lấy tên là La Cugốcđơ. Chúng tôi từng nói đến tên ấy.
Ở Paris thì khu ngoại ô Xanh Mácxô nhốn nháo không kém khu ngoại ô Xanh Ăngtoan và trường học cũng náo động như ngoại ô. Hiệu cà phê phố Xanh Hyaxanh và hiệu cà phê Xếtbia phố Matuyaranh Xanh Giắc dùng làm nơi liên lạc cho sinh viên Hội những người bạn ABC, chi nhánh của hội ái hữu Ăngiê và của tổ chức La Cugốcđơ ở Exơ nhóm họp ở hiệu cà phê Muydanh. Cũng những thanh niên ấy lại gặp nhau ở quán rượu Côranhtơ, gần phố Môngđêtua, như chúng tôi đã nói. Những cuộc nhóm họp ấy được giữ kín. Nhiều cuộc họp khác lại rất mực công khai. Người ta có thể nhận thấy họ táo bạo dường nào nếu được nghe một mảng thẩm vẫn trong các vụ xét xử về sau: - Cuộc họp diễn ra ở đâu? - Ở phố hòa bình. – Nhà ai? Ngoài dường phố. – Những đội nào có mặt? – Chỉ có một thôi – Đội nào? Đội Manuyen. – Ai là đội trưởng? – Tôi – Anh quá non trẻ, không thể một mình dám quyết định cái việc nghiêm trọng là tấn công chính phủ. Anh nhận huấn thị từ đâu? – Từ Ủy ban trung ương.
Quân đội cũng nung lửa như nhân dân, như các vụ binh biến Benpho, Luynêvin, Epinan sau này chứng thực. Người ta trông cậy vào các trung đoàn 52, 5, 8, 37 và trung đoàn 20 khinh binh.
Ở tỉnh Buôcgônhơ và các thành phố miền Nam, người ta trồng cây Tự do, tức là một gỗ chụp mũ nồi đỏ.
Tình thế là như vậy đấy.
Phố ngoại ô Xanh Ăngtoan, như chúng tôi đã nói lúc ban đầu, đẩy tình thế ấy lên cao nhất và tình thế đó dễ cảm thấy nhất ở khu vực đó. Đúng đó là chỗ nhói bên sườn.
Cái phố ngoại ô ấy đông như tổ kiến, cần cù lao động can đảm và dễ nổi nóng như một tổ ong. Nó run lên trong chờ đợi và náo nức mong có một chấn động. Sôi sục nhưng mà công việc làm ăn vẫn không gián đoạn. Không thể hình dung được diện mạo linh hoạt mà âm thầm của khu phố ấy. Ở đấy có những cơ cực thắt lòng núp dưới cái mái nhà ổ chuột; cũng có những trí tuệ nồng nhiệt và hiếm có. Cơ cực cùng đường và thông minh tột bậc mà kết với nhau thì nguy hiểm.
Còn có những nguyên nhân khác làm cho khu ngoại ô Xanh Ăngtoan rung động. Nó hứng các hậu quả của khủng hoảng thương mại, phá sản đình công, thất nghiệp dính liền với các đại biến động chính trị. Thời cách mạng thì bần cùng vừa là nhân vừa là quả. Bần cùng đánh tới thì cũng bị trả đòn. Cái đám cư dân phố Xanh Ăngtoan có một nền đạo đức hiên ngang một tiềm nhiệt cao nhất luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí, nhạy bùng nổ, căm giận, sâu sắc, ngún ngầm, cái đám dân cư ấy tuồng như chỉ đợi một tàn lửa rơi xuống. Mỗi khi ngọn gió thời cuộc đưa tới một tia lửa ở chân trời, người ta phải nghĩ tới phố Xanh Ăngtoan và sự ngẫu nhiên khủng khiếp đã đặt ở cửa ngõ Paris cái kho chứa đạn thường và tư tưởng như một kho chất nổ ấy.
Trong bức phác họa vừa rồi đã xuất hiện các quán ngoại ô Ăngtoan, các quán ấy có tên tuổi trong lịch sử. Trong thời biến động, ở đấy người ta say lời nhiều hơn là say rượu. Ở đấy lưu thông một số tư tưởng tiên tri, một luồng không khí tương lai làm nỏ quả tim và lớn trí tuệ. Các quán ngoại ô Ăngtoan giống như các quán ở đồi Avăngtanh đặt ngay trong hang của bà đồng ngày xưa và thông với các nguồn khí thiêng. Các bàn uống rượu ở đấy hầu như là một loại bàn ba chân của người đồng bóng, để ngồi uống thứ rượu mà người xưa gọi là rượu của bà chúa thượng ngàn.
Ngoại ô Xanh Ăngtoan (Saint Antoine)chẳng khác gì cái bể chứa đầy dân. Làn sóng cách mạng chuyển động làm cho nó nứt rạn và từ chỗ nứt rạn ấy, chủ quyền của dân chảy tháo ra. Chủ quyền ấy có thể làm bậy; nó cũng mắc sai lầm như mọi thứ chủ quyền khác; nhưng dù có lầm đường lạc nẻo đi nữa, nó vẫn vĩ đại. Có thể vĩ nó với người khổng lồ mù Anhgiăngxơ.
Năm 93, cứ tùy theo trào lưu tư tưởng tốt hay xấu, tùy theo đó là một ngày cuồng tín hay một ngày hăng hái vì nghĩa, những đội quân xuất phát từ ngoại ô Xanh Ăngtoan là những đội quân dã man, hay là những đám người anh dũng.
Chúng tôi xin giải thích về tiếng dã man. Những ngày khai sinh hỗn độn của cách mạng buổi đầu, những con người rách rưới dữ tợn này vùng đứng lên. Họ vừa gào thét vừa giơ cao giáo mác. Họ muốn gì? Họ muốn chấm dứt mọi thứ áp bức, mọi thứ hung bạo, mọi thứ chém giết, họ muốn người lớn có công ăn việc làm, trẻ con được học hành, phụ nữ được có một đời sống xã hội dễ chịu, họ muốn tự do, bình đẳng, bác ái, họ muốn xã hội này thành một cõi hạnh phúc, họ muốn sự Tiến bộ. Và để đòi kỳ được cái vật thần thánh, hiền lành, dịu ngọt và sự tiến bộ này, họ đã tay dao tay gậy, vừa gầm thét vừa xông lên, mình trần thân trục, như điên như dại, chẳng kể một thứ gì. Họ là những kẻ dã man, đùng; nhưng là kẻ dã man vì văn minh.
Họ nêu cao chính nghĩa một cách cuồng dại. Họ muốn bắt ép nhân loại đi vào cõi cực lạc, dù bằng khủng bố và dọa nạt cũng không ngần ngại, có vẻ là những người dã man, thật ra họ là những tay cứu khổ cứu nạn. Họ mang mặt nạ đen tối đi đồi ánh sáng.
Chúng tôi đồng ý là họ hung tợn và đáng sợ, nhưng họ hung tợn và đáng sợ vì việc tốt. Bên cạnh họ có những hạng người khác, mặt mày tươi cười, toàn thân đầy vàng bạc, gấm vóc, chân đi tất tơ, giầy bóng, đầu đội mũ giắt lông chim trắng, tay mang găng vàng. Bọn này đang chống tay lên một chiếc bàn rải nhung bên cạnh cái lò sưởi bằng cẩm thạch và đang uốn ba tấc lưỡi để cố giữ nguyên chế độ cũ, chế độ trung thế kỷ, chế đột hần quyền, giữ nguyên tình trạng cuồng tín, ngu dốt tối tăm, giữ nguyên nô lệ, tử hình và chiến tranh. Chúng cũng đang ca ngợi một cách nhỏ nhen và khéo léo cây gươm, giàn hỏa và máy chém. Về phần chúng tôi, nếu phải lựa chọn giữa những người dã man vì văn minh trên kia và những bọn văn minh trong dã man này thì chúng tôi lựa chọn những người dã man.
Tuy vậy, nhờ trời, cũng có thể có một cách lựa chọn khác. Chẳng có một sự nhào đổ chúc ngược nào là cần thiết cả, đổ tới phía trước hay đổ ra phía sau cũng thế. Không độc tài, cũng không khủng bố! Chúng tôi muốn một sự tiến bộ theo độ dốc từ từ, thoai thoải.
Chúa đã lo cho điều đó. Làm cho độ dốc dịu đi, đó là tất cả đường lối chính trị của Chúa.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 1 - Chương VI

ĂNGIÔRÁTX VÀ CÁC PHÓ TƯỚNG

Cũng gần vào khoảng thời gian ấy, để chuẩn bị cho sự việc có khả năng xảy ra, Ănggiônrátx tiến hành một cuộc kiểm điểm lực lượng bí ẩn.
Mọi người đến họp bí mật ở quán Muyđanh.
Ănggiônrátx vừa nói vừa xen vào một số câu ví von bóng gió, nửa úp nửa mở, nhưng rất ý nghĩa:
- Đã đến lúc chúng ta cần thiết biết chúng ta đã chuẩn bị đến đâu và lực lượng chúng ta trông cậy vào là ai. Muốn có người chiến đấu thì phải làm ra chứ. Đi ra ngoài đường mà gặp nhiều bò thì có phải dễ bị ăn sừng bò hơn là không gặp con nào không? Vậy ta phải đếm thử đàn bò chúng ta một chút. Số lượng chúng ta là bao nhiêu nhỉ? Không được để sang ngày mai mới làm việc ấy. Người cách mạng luôn phải khẩn trương; sự tiến bộ không muốn trễ mất một phút nào cả. Chúng ta phải đề phòng những cái bất ngờ, không nên để lâm sự vẫn tay không. Vấn đề là phải kiểm tra lại tất cả các chỗ chắp mối trong tổ chức của ta để xem nó có chắc chắn không. Việc này phải làm đến nơi đến chốn hôm nay đây. Cuốcphêrắc, cậu đi gặp anh em Bách khoa. Hôm nay là thứ tư, họ được ra phép đấy. Phơidi, anh sẽ gặp anh em ở Gơlaxie nhé! Côngbơphe có hứa với tôi sẽ đi Pichpuyt. Ở đấy quần chúng đông đảo và tốt lắm. Pơruve này, anh em hội Tam điểm họ bắt đầu kém hăng rồi đấy, anh sẽ cho chúng tôi biết tin về cái tổ ở phố Gơrơnen nhé! Gioly sẽ đến bệnh viện Đuypuytơren và bắt mạch anh em trường thuốc. Bốtxuyê đi một vòng ra tòa án và bàn bạc với cánh tập sự trạng sư. Còn tôi, tôi xin phụ trách Hội Cuguốcđơ.
Thế là mọi việc xếp đặt xong xuôi, Cuốcphêrắc nói:
- Chưa đâu.
- Còn gì nữa?
- Một việc rất quan trọng.
Côngbơphe hỏi:
- Việc gì thế?
Ănggiônrátx đáp:
- Việc phố Men.
Ănggiônrátx trầm ngâm một phút rồi tiếp:
- Phố Men có thợ đá hoa, có họa sĩ, có những người giúp việc trong các xưởng điêu khắc. Bọn họ hăng hái nhưng cũng dễ nguội lạnh. Không biết ít lâu nay họ có chuyện gì đây. Họ lo nghĩ những chuyện đâu đâu, họ mất cả hăng hái rồi. Suốt ngày họ chỉ đánh đôminô. Phải đến gặp họ ngay để nói chuyện mới được, mà phải cương quyết kia. Họ thường gặp nhau ở nhà Risơphơ. Cứ vào quãng từ mười hai giờ trưa đến một giờ là có họ ở đấy. Phải nhen lại những đống tro tàn ấy mới được. Tôi định giao công việc này cho anh chàng Mariuytx đãng trí ấy, hắn ta tựu trung cũng tốt, nhưng hắn lại không đến nữa. Cần một người đi phố Men mới được, nhưng bây giờ thì không còn ai cả.
Gơrăngte nói:
- Còn tớ, có tớ đây này.
- Cậu?
- Tớ.
- Cậu mà đi thuyết phục những người cộng hòa! Cậu mà dùng lý luận hâm nóng những trái tim nguội lạnh!
- Sao lại không?
- Cậu mà cũng có thể làm được một việc gì à?
- Thế mà tớ có tham vọng lờ mờ như thế đó.
- Cậu thì có tin vào cái quái quỉ gì.
- Tin ở cậu.
- Gơrăngte này, cậu có thể giúp tớ một việc không?
- Việc gì cũng làm. Đánh giầy cho cậu cũng được.
- Thế thì thế này nhé, xin cậu đừng mó vào công việc của bọn tớ. Cậu cứ việc nhậu nhẹt say sưa phần cậu đi.
- Ănggiônrátx, cậu vô ơn lắm!
- Cậu mà đi phố Men được à! Cậu có khả năng đi đấy nhỉ.
- Tớ có khả năng xuống phố Gờre, qua công viên Xanh Misen, rẽ sang phố Lơpơranhxơ, qua phố Vôgira, vòng qua phố Átxa đến đường Sécsơ Miđi, dọc theo đường Tuylơri, rồi đến phố Men, băng qua hàng rào, bước vào nhà Risơphơ. Việc ấy tớ có khả năng làm. Đôi giầy của tớ cũng có khả năng làm.
- Cậu có quen biết ít nhiều gì với các anh em ở nhà Risơphơ không?
- Cũng chả quen biết mấy. Chỉ đến mức mày tao với chúng nó thôi.
- Cậu sẽ nói gì với họ?
- Tớ sẽ nói về Rôbétxpie, chứ cóc gì. Về Đăng-tông nữa. Nói lý luận.
- Cậu!
- Tớ. Thật các cậu chẳng biết cho tớ. Tớ mà ra tay thì ghê gớm lắm đấy nhé! Tớ đã đọc Pơruyom, tớ biết quyển Khế ước xã hội, tớ thuộc lòng hiến pháp cộng hòa năm thứ hai. Đây này: “Tự do của một người công dân chấm dứt ở chỗ tự do của người công dân khác bắt đầu”. Có phải cậu cho tớ là một thằng ngu ngốc không? Tó còn giữ một tờ tín phiếu cũ trong ngăn kéo đất nhé! Nhân quyền này, dân quyền này! Tớ còn nghiêng về phái Hêbe nữa kia. Tớ có thể nhai đi nhai lại những lý luận kêu đáo để, hàng sau giờ liền, không thèm thiếu một phút đâu.
Ănggiônrátx bảo:
- Cậu nên nói chuyện nghiêm túc đi.
Gơrăngte đáp:
- Tớ hăng máu lắm.
Ănggiônrátx suy nghĩ vài giây, rồi quả quyết:
- Gơrăngte – Ănggiônrátx nói giọng nghiêm trang, - tớ bằng lòng dùng cậu thử. Cậu sẽ đi đến phố Men
Gơrăngte nhà ở cạnh quán cà phê Muydanh. Hắn bước ra và năm phút sau lại trở vào. Hắn tạt về nhà, bận cái gilê kiểu Rôbétxpe. Hắn vừa bước vào vừa nói, mắt nhìn chằm chằm Ănggiônrátx:
- Đỏ đây này.
Rồi hắn ngửa tay ấn mạnh vào ngực hai đầu ve áo đỏ rực của chiếc gilê. Hắn bước đến bên cạnh Ănggiônrátx, nói nhỏ vào tai anh:
- Cậu yên trí.
Hắn chụp mạnh mũ lên đầu bước đi.
Mười lăm phút sau, gian sau của quán cà phê Muydanh vắng hết người. Tất cả bọn nhóm ABC đều đi hết, mỗi người mỗi ngả, ai làm công việc nấy. Ănggiônrátx phụ trách Hội Cuguốcđơ, ra đi sau cùng.
Bấy giờ những hội viên của phân hội Cuguốcđơ ở Exơ đương trọ tại Paris họp nhau ở cánh đồng Itxi, trong một mỏ đá bỏ hoang có nhiều ở phía ấy.
Ănggiônrátx vừa đi đến chỗ hẹn, vừa điểm qua tình hình trong trí. Sự việc xảy ra quả là trọng đại. Diễn biến của sjw việc rõ ràng là nghiêm trọng. Khi những triệu chứng báo trước cơn bệnh xã hội biến chuyển nặng nề thì một biến chứng nhỏ nhặt nào cũng làm cho nó đình đốn và trở nên rắc rối. Từ hiện tượng đó nảy ra những sụp đổ và những tái sinh. Ănggiônrátx thấy hé dưới chân những mảng tường tối tăm của tương lai một sự vùng lên rạng rỡ. Biết đâu? Thời cơ có lẽ đã đến. Dân chúng giành lại quyền của mình, ôi cảnh tượng mới đẹp làm sao! Cách mạng giành lại nước Pháp một cách vẻ vang và nói to với thế giới: “Chờ xem ngày mai!” Và Ănggiônrátx thấy trong lòng sung sướng. Chàng có cảm tưởng bây giờ bạn bè của chàng như là một dây thuốc súng rải rác khắp Paris. Chàng gom góp trong trí cái tài hùng biện triết lý sâu sắc của Côngbơphe, cái hăng hái tứ chiếng của Phơidi, cái mồm mép thao thao của Cuốcphêrắc, cái cười của Bahôren, cái sầu não của Pơruve, cái tri thức của Giôly, cái châm biếm của Bôtxuyê, để trộn lẫn nhau làm thành một tia điện bắn ra và bắt lửa khắp nơi cùng một lúc. Tất cả anh em đều bắt tay vào việc. Nhất định ết quả sẽ xứng đáng với công phu bỏ ra. Hay lắm. Điều này làm chàng nghĩ tới Gơrăngte. “À, phố Men không cách xa đường ta đi cho lắm. Hay là ta tạ qua nhà Risơphơ thử!? Phải đấy, để xem cái anh chàng Gơrăngte này nó làm ăn ra sao và công việc đã đến đâu rồi”.
Chuông nhà thờ Vôgira đánh một giờ thì Ănggiônrátx đến phòng hút thuốc nhà Risơphơ. Chàng đẩy cửa bước vào, khoanh tay đứng nhìn gian phòng đầy bàn ghế, dầy người và đầy khói thuốc.
Trong đám mây mù ấy, có tiếng một người vang lên rồi tiếng một người khác cắt ngay lập tức. Đó là cuộc đối thoại của Gơrăngte và đối thủ của hắn ta.
Hắn đang ngồi đối diện với một người khác, trước một cái bàn đá, trên mặt bàn rải rác có cám và những quân đôminô. Gơrăngte đấm tay xuống mặt đá và Ănggiônrátx nghe cuộc đối thoại sau đây:
- Sáu đôi.
- Bốn.
- Con lợn! Tao không có bốn.
- Mày chết. Hai đây.
- Sáu.
- Ba.
- Át.
- Đến tao đặt quân.
- Bốn điểm.
- Khó nhọc lắm.
- Đến lượt mày.
- Tao mắc sai lầm to rồi.
- Mày đi tốt lắm.
- Mười lăm.
- Thêm bảy.
- Tao thành hăm hai (Mơ màng). Hăm hai.
- Mày không ngờ có hai quân sáu – đôi. Nếu tao đặt nó ra từ đầu thì tình thế xảy ra khác hẳn.
- Cũng hai thôi.
- Át đây.
- Át à! Thế thì năm đây.
- Tao không có năm.
- Tao tưởng mày đã đặt?
- Ừ.
- Trắng đây.
- Nó đỏ quá chứ! Ồ! Mày đỏ thật! (mơ màng lâu). Hai đây.
- Át.
- Không có năm, cũng không át. Mày lúng túng rồi.
- Đôminô.
- Chó đẻ thật.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - Quyển 2

Chương I + II

CÁNH ĐỒNG SƠN CA

Mariuytx đã chứng kiến cảnh kết thúc bất ngờ của cuộc mai phục mà chàng báo cho Giave theo dõi từ trước. Nhưng Giave vừa rời khỏi căn nhà nát, mang theo bọn người bị bắt dồn trong ba chiếc xe ngựa to thì chàng cũng lén ra khỏi nhà. Mới chín giờ đêm. Chàng sang nhà Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc lúc này không còn là người dân bất di dịch của xóm latinh nữa. Vì “lý do chính trị” anh ta đã rời sang phố Verơri. Phố này bấy giờ là một phố mà các cuộc bạo động thích đồn trú. Mariuytx bảo Cuốcphêrắc: tớ đến ngủ với cậu đây. Cuốcphêrắc, kéo một trong hai chiếc đệm đang rải trên giường, bỏ xuống đất: Ừ, thì ngủ đấy.
Sáng hôm sau, vừa đúng bảy giờ, Mariuytx đã trở về nhà trọ. Chàng trả tiền thuê nhà và các khoản vặt vãnh còn thiếu của mụ Bugông. Chàng cho khuân sách vở, giường, tủ, bàn ghế chất lên một chiếc xe ba gác, rồi đi thẳng, chẳng cho ai biết mình đi đâu. Đến khi Giave trở lại để hỏi thêm chàng về việc xảy ra hôm trước thì chỉ gặp có mụ Bugông trả lời gọn lỏn: dọn đi rồi.
Mụ Bugông nghĩ bụng Mariuytx chắc có dính líu gì đến bọn ẻ trộm bị bắt đêm qua. Mụ chạy đi đnáh rao với các mụ gác cổng trong phố. “Ai mà dám ngờ như thế chứ? Một gã trai trẻ, trông lành như con gái ấy!”
Mariuytx dời nhà vội vàng như thế này là có hai lẽ: thứ nhất vì cái nhà ấy làm chàng ghê tởm. Ở đấy, chàng đã nhìn thấy rõ bộ mặt của tên nhà nghèo bất lương. Tên nhà nghèo bất lương có lẽ còn tởm hơn cả tên nhà giàu độc ác nữa. Thế mà chàng đã nhìn thấy cái vết xấu xã hội ấy gần quá, kỹ quá, trông thấy tất cả sự phát triển hung tợn đáng kinh tởm nhất của nó. Lẽ thứ hai là sau cuộc bắt bớ như thế, bề nào cũng có án tiết lôi thôi, chàng không muốn dây vào đấy làm gì để cho phải ra tòa khai báo buộc tội Tênacđiê.
Giave thì cho rằng chàng sợ hãi đã bỏ trốn, hoặc lúc xảy ra cuộc phục kích chàng chưa về nhà. Hắn có để ý tìm nhưng không kết quả gì.
Một tháng trôi qua, rồi một tháng khác. Mariuytx vẫn ở với Cuốcphêrắc. Một người trạng sư tập sự thường xuyên có mặt ở tòa án cho chàng biết Tênacđiê đang bị giam. Cứ đũng ngày thứ hai mỗi tuần, chàng lại nhờ phòng lục sự chuyển cho hắn năm phơrăng. Chàng không có tiền, phải vay của Cuốcphêrắc. Lần đầu tiên trong đời, cahngf đi vay. Món tiền năm phơrăng đều đều mỗi tuần trở thành vấn đề khó hiểu cho người cho vay lẫn người được nhận. Cuốcphêrắc nghĩ bụng: vay để đưa cho ai nhỉ? Tênacđiê cũng tự hỏi: của ai gửi cho mình như thế này?
Riêng Mariuytx trong lòng rất ngao ngán. Cuộc đời chàng một lần nữa lại như rơi vào hầm tối. Trước mắt chẳng thấy gì. Bốn bên đều tối tăm bí hiểm, phải đi lò dò, chẳng biết đâu là phương hướng. Có lúc trong bóng tối ấy chàng đã nhìn thấy rất gần con người đẹp chàng yêu, cả ông cụ già có lẽ là ông thân sinh của người đẹp nữa. Phải, những hình bóng xa lạ đang thu hút tất cả tâm trí chàng, đang là nguồn hy vọng duy nhất của chàng ở cõi đời, những hình ảnh ấy, chàng từng nhìn thấy rất gần. Và lúc chàng tưởng giơ tay với được thì một ngọn gió đã cuốn phăng đi tất cả. Còn biết thế nào mà ước đoán nữa! Đến cái tên của người yêu tưởng đã rõ, té ra cũng chưa biết là gì. Nhất định không phải là Uyếcxuyn rồi. Còn Sơn ca chẳng qua là một tên tục. Đến như ông già kia thì thế nào? Ông ta muốn lánh mặt cơ quan cảnh sát à? Trong trí chàng hiện lên hình ảnh người thợ tóc bạc chàng gặp dạo nọ. Bây giờ mới rõ người thợ kia và ông Lơ Blăng có lẽ là một. Ông ta cải trang chăng? Con người ấy vừa có gì dũng cảm mà cũng vừa có gì lờ mờ khó hiểu. Tại sao ông ta không kêu cứu? Tại sao lại trốn chạy? Ông ta là bố đẻ cô ấy hay là không phải? Mà ông ta có phải thực là người mà Tênacđiê tưởng nhận ra mặt không? Tênacđiê có thể nhìn lầm chăng? Bấy nhiêu vấn đề, vấn đề nào cũng bế tắc. Tuy dáng điệu tiên nga của con người đẹp vườn Luychxămbua thì chảng giảm chút nào. Tình cảnh Mariuytx khốn đốn, éo le; lòng chàng nặng trĩu tương tư mà mắt chàng thì lại bọc đêm tối. Chàng như bị thúc đẩy, bị lôi kéo mà chàng không thể nhích lên một bước. Mọi sự đều tiêu tan, chỉ còn có tình yêu. Mà những bản năng, những linh cảm đột ngột của tình yêu, chàng cũng mất cả rồi. Thói thường, ngọn lửa yêu đương đốt cháy lòng người cũng soi sáng được người ta chút ít. Nhưng Mariuytx lại cũng chẳng còn nghe thấy được lời khuyên nhủ âm thầm nào của tình yêu cả. Chả bao giờ chàng bảo mình: hay là ta đi đến đó? Hay là ta thử cái này xem? Con người bây giờ chàng biết không còn gọi được là Uyếcxuyn nhất định đang ở một nơi nào đó; nhưng theo hướng nào để tìm nàng, thì chẳng có gì bảo cho chàng biết. Tất cả cuộc đời chàng, giờ phút này, như chỉ còn là một nỗi băn khoăn không bờ bến trong một đám sương mù dày đặc. Tìm cho thấy mặt nàng, thâm tâm chàng vẫn mong ước, nhưng chàng không dám hy vọng nữa.
Khổ làm sao, chàng lại rơi vào cảnh túng thiếu. Cái nghèo hèn lạnh lẽo, chàng cảm thấy như đã ở cạnh chàng sát bên lưng. Đã lâu rồi, từ ngày tâm thần rối bời đến giờ, chàng chẳng còn làm việc nữa. Làm việc không đều đặn là một điều tối nguy hiểm, vì như thế là đã bỏ mất một thói quen. Bỏ mất thói quen làm việc thì dễ nhưng lấy lại thì rất khó.
Mơ mộng chút ít cũng tốt, nó cũng như chút ít thuốc ngũ nhẹ nhàng. Trí óc làm việc nhiều thường khi sinh ra nóng sốt, bần thần không chịu nổi, những lúc ấy mơ mộng một chút cũng làm cho dịu đi, trong người thấy dễ chịu. Dường như mơ mộng lại còn để tỏa ra trong trí một làn sương êm đềm, mát dịu. Trong làn sương ấy, hình thù quá gồ ghề của tư tưởng cũng trở nên nhẹ nhàng, các lỗ hổng, các khoảng cách rải rác trong trí óc đều được lấp bằng lại, từng loại ý tứ được nối liền nhau và góc cạnh các ý nghĩ cũng được xóa mờ đi. Nhưng mơ mộng thái quá thì trí óc sẽ bị chìm ngập tất thảy. Con người dùng trí óc làm việc mà để mình tự suy nghĩ rơi tõm xuống chỗ mơ mộng thì tai hại biết chừng nào! Họ tin rằng họ sẽ ngoi trở lên được dễ dàng và chung qui, suy tưởng cũng chẳng khác gì mơ mộng. Lầm to!
Suy tưởng là trì óc phải làm việc, còn mơ mộng thì trí óc chỉ hưởng thụ thôi. Đem mơ mộng thay vào suy tưởng thì có khác gì coi thuốc độc cũng như thức ăn?
Bạn đọc còn nhớ Mariuytx đã bắt đầu từ đó.
Ái tình vụt đến khiến chàng say mê, cuối cùng đẩy chàng xuống cái hố mơ mộng hão huyền không biết đâu là đáy.
Hễ bước ra khỏi nhà là để lang thang mộng tưởng. Thai nghén của sự biếng lười. Vực thẳm huyên náo và tù đọng. Càng ít làm việc, túng thiếu lại càng tăng. Cái luật tự nhiên nó thế! Con người sống trong trạng thái mơ mộng bao giờ cũng hoang phí và nhu nhược: trí óc buông lỏng thì làm gì giữ cho đời sống chặt chẽ được. Trong cảnh sống ấy cố cái hay mà cũng có cái dở, lỏng lẻo là có hại nhưng rộng rãi lại là tốt. Có điều đã nghèo, mà rộng rãi, hào phóng, lại hông làm việc nữa thì đến nguy. Nguồn thu cạn, túng thiếu hiện ra.
Con đường dốc ấy cực kỳ nguy hiểm; người tốt, xấu, người cương, nhu gì cũng trượt chân rồi nhào như nhau cả. Kết cục đều là rơi tõm xuống một trong hai cái hố này: tự tử hoạc phạm tội ác.
Cứ đi ra để mơ mộng rồi có ngày đi ra để nhảy xuống nước. Già mơ mộng, làm nên những Etcutx và những Lơbrax.
Mariuytx thong thả tụt dần trên dốc ấy, hai mắt đăm đăm nhìn con người đã mất hút. Điều đó có vẻ lạ nhưng đúng là như thế. Nhớ nhung như làm sánh sáng hình ảnh người yêu trong cõi u tối; người càng khuất bóng, hình ảnh lại càng rạng rỡ; tấm lòng thất vọng chỉ còn nhìn thấy có một chút ánh sáng ấy; đó là ngôi sao trong đêm tối nội tâm.
Nàng, đó là tất cả ý nghĩ của Mariuytx. Chàng không còn có suy nghĩ gì khác. Chàng chỉ mang máng cảm thấy cái áo cũ của chàng không còn cách gì dùng được nữa, cái áo mới cũng đã đủ rồi, cái sơ mi thì đã sờn, cái mũ, đôi giày đều mòn hỏng, nghĩa là cả cuộc đời chàng cũng mòn mỏi. Chàng tự nhủ: ước gì được thấy mặt nàng một lần trước khi nhắm mắt.
Chỉ còn một ý nghĩ làm chàng dịu được cõi lòng: nàng đã yêu chàng, đôi mắt nhìn của nàng đã nói lên điều đó. Nàng không biết chàng tên họ gì nhưng lại hiểu thấu tâm hồn chàng và biết đâu, dù ở nơi bí ẩn nào đi nữa: Nàng cũng vẫn yêu chàng? Ai dám bảo nàng không trông tưởng đến chàng như chàng trông tưởng đến nàng? Có những giờ phút mình không giải đáp được cho mình, - tình yêu thường có những phút như thế - trong lòng toàn những cớ đáng buồn mà lại cứ cảm thấy một niềm vui âm thầm, nhẹ nhàng, chàng tự bảo: đó là ý nghĩ của nàng truyền đến cho ta! Rồi lại thêm: có lẽ ý nghĩ của ta cũng đến với nàng như thế này.
Cái ảo tưởng ấy, một chốc sau, chàng lắc đầu hoài nghi. Nhưng nó đã gieo được vào lòng chàng những tia sáng có khi na ná như là hy vọng. Thỉnh thoảng, nhất là về chiều, cái giờ làm cho tâm hồn mơ mộng càng sầu muộn, chàng hạ bút ghi vào quyển vở giấc mơ trong sáng nhất tốt đẹp nhất đang tràn ngập tâm trí say mê của chàng. Chàng cho như thế là “viết thư cho nàng”.
Không nên nghĩ rằng trí óc chàng rối loạn. Ngược lại chàng đã mất các khả năng làm việc nhằm một mục đích nhất định, nhưng mà hơn lúc nào hết chàng sáng suốt và chu đáo. Chàng nhìn thấy những gì diễn ra trước mắt, cả những sự việc và những con người ít liên quan nhất, với một thứ ánh sáng yên lành và chân thực. Đỗi với việc gì, chàng cũng nói tiếng nói đúng nhất mà rõ ràng là ngao ngán và vô tư. Hầu như không dính chút mong ước nào, sự xét đoán của chàng rất cao đạo.
Sống trong tâm trạng ấy, không gì thoát khỏi mắt chàng, không gì lừa nổi chàng; mỗi phút chàng mỗi khám phá chiều sâu của cuộc sống, của nhân loại và vận mệnh con người. Dù khắc khoải, những người được thượng đế ban cho một tâm hồn xứng đáng với tình yêu và tai họa là những người sung sướng! Ai không từng trải việc đời và lòng người dưới hai thứ ánh sáng ấy thì không thấy chút gì là chân lý và không biết gì cả.
Một tâm hồn yêu đương và đau khổ là một tâm hồn đạt đến cao siêu. Dù sao ngày tháng cứ qua và chẳng có chuyện gì mới xảy đến. Mariuytx chỉ có cảm giác quãng dốc đáng sợ mà chàng còn phải trải qua hình như mỗi phút mỗi ngắn lại. Tuồng như chàng đã hé thấy rõ cái hố sâu thăm thẳm.
- Sao! – Chàng lắp đi lắp lại cho mình nghe, - thực ta sẽ không gặp lại nàng trước ư!
Đi ngược hết phố Xanh Giắc, bỏ bức rào, đi về phía tay trái, thì đến phố Xăngtê, phố Gơlaxie, rồi trước khi đến dòng sông nhỏ Gơbơlanh thì người ta bắt gặp trước mặt một quãng đồng. Trong cái vành đai dài và đơn điệu của các đại lộ quanh Paris, đây là nơi độc nhất mà Ruytxđaen có lẽ thích ngồi (họa sĩ Hà Lan thế kỷ XVII, nổi tiếng về những bức tranh phong cảnh màu sắc ấm áp, chi tiết chính xác).
Có một vẻ gì xinh đẹp trong cái cảnh bày ra trước mắt: một đám cỏ xanh với những dây phơi quần áo rách, một chiếc nhà cũ của những người hàng rau làm đâu từ thời Lui XIII, mái mẹ lởm chởm mái con, mấy hàng giậu mục nát, một vài vũng nước dưới rặng bạch dương, vài người đàn bà và tiếng cười, nói. Ở chân trời, đài Păngtêông, cây của những người điếc – câm, tu viện Vanđơgraxơ lù lù, đen thui, kỳ quái, ngộ nghĩnh nguy nga và ở cuối là cái chóp vuông nghiêm nghị của nhà thờ Đức Bà. Cảnh cũng đáng ngắm nên ít người lai vãng. Chừng như cứ mười lăm phút họa hoằn mới có một cỗ xe bò hay một anh phu xe.
Một lần, lang thang một mình, Mariuytx đặt chân đến đây. Hôm đó trên đường lại có một người đi qua. Chừng như ngạc nhiên trước vẻ đẹp gân như hoang vu của cảnh vật. Mariuytx hỏi người qua đường:
- Đây là chỗ nào nhỉ?
Người bộ hành đáp:
- Đây là cánh đồng Sơn ca.
Và tiếp: Đây là chỗ Uynbách giết người con gái chăn cừu ở Ivơry.
Sau tiếng Sơn ca, Mariuytx không còn nghe thấy gì thêm nữa. Trong trạng thái mơ mộng có khi chỉ một tiếng cũng đủ làm cho trí óc ngưng đọng lại một cách bất ngờ. Cả tâm trí bỗng nhiên ngưng chung quanh một ý nghĩ và không còn thu nhận được một cái gì khác. Sơn ca chính là cái tên mà Mariuytx dùng để gọi thay cho tên Uyếcxuyn trong những phút buồn phiền sâu lắng. Sững sợ, chàng tự nhủ:
- A ra đây là cánh đồng của nàng. Nhất định ta sẽ tìm ra nơi nàng ở.
Nghe thật là vô lý, nhưng không có gì ngăn cản nổi ý nghĩ ấy. Và ngày nào chàng cũng đến thăm cánh đồng Sơn ca.
***
II - CÁC VỤ CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC THAI NGHÉN TRONG NHÀ TÙ NHƯ THẾ NÀO
Thắng lợi của Giave trong nhà nát Gorbô có vẻ như hoàn toàn, thật ra thì không.
Trước hết và đây là điều lo nghĩ chính của Giave anh ta không bắt giữ được người bị bọn kẻ cướp bắt giữ. Người bị giết mà cũng trốn đi thì còn đáng nghi hơn kẻ giết người nữa; có phần chắc là cái nhân vật quí giá đối với bọn kẻ cướp ấy cũng là miếng mồi ngon không kém đối với người cầm quyền.
Rồi thì thằng Môngpácnát cũng trốn thoát. Phải chờ một cơ hội khác để tóm cổ thằng “công tử của quỉ vương” đó. Quả vậy thằng Môngpácnát gặp Êpônin đứng gác ở dưới hàng cây của đại lộ, đã dắt cô ả đi vì nó thích tình tự với cô gái hơn là hoạt động với ông bố. May cho nó biết bao. Nhờ vậy mà nó thoát lưới. Còn Êpônin thì lại bị Giave chộp. Sự bù đắp ấy chả thấm vào đâu! Êpônin theo Adema vào ngục.
Cuối cùng thì thằng Clacơxu mất tích trong lúc chúng bị giải đi từ nhà Gorbô đến trại giam La Forxơ. Không ai biết sự việc đã xảy ra như thế nào, đội viên cũng như đội trưởng đều nói “chẳng hiều trời đất gì” trong ấy. Nó đã biến ra mây khói, nó luồn qua khóa tay mà đi, nó đã chảy qua các khe hở của chiếc xe nứt đáy và đã chạy mất. Ở trong vụ này, có tiên thuật hay là cảnh sát thuật gì đấy. Clacơxu đã tiêu tan trong bóng tối như tuyết tan trong nước chăng? Hay là có sự đồng lõa kín đáo của nhân viên cảnh sát? Hoặc nó là cái cẩm nang mật hai mặt cảu trị an lẫn rối loạn? Cái thằng ấy cũng có thể là tâm điểm chung của tội phạm và trấn áp. Hay là một con quái bí mật, hai chân trước đặt trong tội ác, hai chân sau đứng trong uy quyền. Giave thì không chấp nhận những thu xếp kiểu ấy. Nhưng đội tuần tra của anh ta gồm một số thanh niên khác, dù là thuộc quyền anh ta nhưng lại được truyền đạt những bí mật của cảnh sát. Còn Clacơxu thì là một tên vô lại cỡ lớn cho nên cũng có thể là một nhân viên mật thám hạng cừ. Lẩn lút trong đêm tối tài tình như thế thì làm ăn cướp cũng cừ khôi mà làm mật thám xũng tuyệt diệu. Có những tên vô lại hai chiều cũng như có những con dao hai lưỡi. Dù sao thì cái thằng Clacơxu lạc mất cũng không sao tìm lại Giave lấy làm tức tối hơn là ngạc nhiên.
Còn về Mariuytx, cái “chú trạng sư ngốc nghếch đã hoảng sợ ấy” mà Giave quên mất tên, thì Giave chẳng thiết. Vả chăng anh trạng sư thế nào chẳng gặp lại. Thế nhưng chú ấy có phải chỉ là trạng sư thôi không?
Cuộc điều tra bắt đầu.
Viên dự thẩm nghĩ rằng miễn cho một tên trong bọn Patơrông Minét khỏi bị giam ngục tối, có lẽ có ích, vì có thể nhờ nó ba hoa mà dò ra manh mối. Tên đó là Bruygiông, cái thằng đầu tóc rậm rịt ở phố Pơti Băngkiê. Người ta tha cho nó ở sân Sáclơmanhơ và cho mật thám theo dõi.
Cái tên họ Bruygiông thì ký ức của nhà lao La Forxơ còn ghi nhớ. Trong cái sân ghê tởm của tòa Nhà Mới mà chính phủ gọi là sân Xanh Bécna, còn bọn trộm cướp thì gọi là chuồng sư tử, có một bức tường lớn gồ ghề loang lổ, ở bên trái, cao đến ngang mái nhà, gần cái cửa sắt gỉ dẫn dến điện thờ của tòa lầu công tước Đơ La Forxơ ngày nay làm nhà ngủ cho bọn kẻ cướp. Cách đây mười hai năm, người ta thấy trên bức tường ấy một công sự khắc thô vụng vào đá bằng đanh sắt, ở dưới có chữ ký:
BRUYGIÔNG, 1811
Tên Bruygiông năm 1811 này là bố của Bruygiông năm 1832.
Tên Bruygiông sau, mà chúng ta đã gặp trong vụ mai phục nhà Gorbô, là một thanh niên láu cá và nhanh nhẹn với dáng điệu bên ngoài đần độn và hay rên rỉ. Viên dự thẩm trông thấy hắn đần độn đã thả hắn, vì cho rằng hắn ở ngoài sân Sáclơmanh thì có ích hơn là ở trong buồng giam kín.
Bọn trộm cướp chẳng hề ngừng hoạt động khi ở trong nhà tù. Có gì đâu mà phải thay đổi. Vì một tội ác mà phải ngồi tù thì có cản trở người tù bắt đầu một tội ác khác đâu? Họ tựa như những nghệ sĩ đã có một bức tranh ở phòng triển lãm vẫn cặm cụi vẽ bức khác ở xưởng họa của mình.
Nhà lao hình như làm cho Bruygiông hóa dại. Có khi hàng giờ người ta thấy hắn đứng trong sân Sáclơmanh, bên cạnh cái cửa con của căngtin, nhìn đăm đăm cái bảng giá như một đứa đần độn. Cái biển thảm hại kia hi giá từ: tỏi, 62 xăngtim, đến xìgà 5 xăngtim. Hoặc là hắn đứng run, răng va cồm cộp, nói mình bị sốt và hỏi thăm xem trong số hai mươi tám cái giường dành cho người sốt rét, có cái nào còn trống.
Đột nhiên vào quãng nửa sau tháng hai năm 1882, người ta biết thằng Bruygiông ngái ngủ ấy đã cậy những người chạy việc trong nhà lao làm ba việc khác nhau cho ba người đồng bọn của hắn. Hắn đã tiêu năm mươi xu về việc ấy cho nên viên cai ngục chú ý về khoản chi tiêu quá lớn.
Người ta tìm hiểu. Tra cứu bảng giá thù lao các công việc chạy thư, mua sắm vặt vãnh yết ở buồng khách của phạm nhân, người ta biết rằng số tiền năm mươi xu ấy đã dùng để trả cho một người đi điện Păngtêông hết mười xu, một đi nhà thờ Vanđơ – Graxơ mười lăm xu và một cổng đi Grơnen hai mươi lăm xu. Việc sau cùng này được ghi giá cao nhất. Thế mà ở điện Păngtêông, ở Vanđơ – Graxơ và ở cổng Grơnen có ba tay đầu trộm đuôi cướp rất gườm là Cơruyđơniê, tức Bidarô, Glôriơ, tù khổ sai mãn hạn và Barơcarốtxơ. Sự việc này khiến cảnh sát lại chú ý đến chúng. Người ta đoán những tên này thuộc toán Patơrông Minét mà hai thủ lĩnh Babe và Gơlơme đã bị tống ngục. Người ta ước đoán những vật Bruygiông gửi đi không phải để trao cho những người có nhà cửa, mà để trao cho những người đợi ở ngoài đường phố và trong các vật ấy, có giấy mách bảo về một tội ác đang thai nghén. Còn có những dấu hiệu khác. Người ta tóm ba tên lang thang và người ta tưởng đã phá tan được cái âm mưu gì đó của Bruygiông.
Độ một tuần sau, một đêm trong khi tuần tra phòng ngủ tầng dưới của tòa nhà mới, viên giám thị đi tuần nhìn qua cái cửa con trông thấy Bruygiông đang ngồi viết gì đó trên giường, dưới ánh sáng của cây nến. Đó là vào giờ người tuần tra bỏ hạt dẻ vào hộp. Người ta dùng cách ấy để kiểm soát xem những viên giám thị có làm đúng phận sự không, cứ mỗi tiếng đồng hồ, phải có một hạt dẻ rơi vào mỗi hộp đóng ở các phòng ngủ. Viên giám thị vào phòng, phạt Bruygiông một tháng xà lim, nhưng không bắt được mẩu giấy hắn viết. Một vụ cũng không biết gì hơn.
Điều biết chắc là sáng hôm sau, có một “giọt nước bọt” ném từ sân Sáclơmanhơ sang chuồn sư tử, vòng cung qua mái nhà năm tầng nằm ngăn cách hai sân.
Tù nhân gọi “giọt nước bọt” là cái viên ruộ bánh mì nắm rất kỹ thuật mà chúng gởi “qua Airơlan” nghĩa là vượt qua mái một nhà lao để đi từ dân này qua sân nọ. Từ ngữ tầm nguyên: qua Airơlan nghĩa là vượt qua Anh Cát Lợi, từ đất này sang đất nọ. Viên bánh rơi trong sân, người nhặt được bẻ ra và tìm được một mảnh giấy viết cho một người tù ở trong sân. Nếu người bắt được là một người tù thì hắn sẽ trao thư đúng địa chỉ; nếu là một tên lính gác hoặc là một trong những tên tù bị mua chuộc làm ở các tù thường gọi là cừu, ở các nhà lao khổ sai gọi là cáo, thì mảnh giấy bị mang đến phòng lục sự hoặc giao cho cảnh sát.
Lần này, “giọt nước bọt” đến đúng địa chỉ, mặc dù người được thư đã bị giam giữ cách ly. Cái người nhận thư ấy chính là Babe, một trong bốn tay đầu sỏ của nhóm Patơrông Minét.
“Giọt nước bọt” đựng một mẩu giấy cuốn trong chỉ mang hai dòng chữ:
“Babe. Có một vụ đang làm ở phố Pơluymê. Chấn song nhìn ra vườn.”
Đó là cái mà Bruygiông viết trong đêm.
Bất chấp những ông và những bà soát xét. Babe vẫn tìm được cách gửi mảnh giấy từ nhà lao La Forxơ sang nhà lao Xanpêtơrie cho một “bà bạn tốt” của hắn bị giam ở đấy. Bà bạn này chuyển mảnh giấy đến cho một bà quen biết tên là Manhông, rất được cảnh sát chú ý nhưng chưa bị tóm. Cái mụ Manhông mà bạn đọc đã từng thấy tên, cái mụ ấy có những quan hệ với vợ chồng Tênacđiê, sau này sẽ được soi sáng. Mụ có thể đi gặp Êtôpin và như vậy là mụ bắc cầu giã nhà lao Xanpêtơrie và nhà lao Mađơlônnét.
Chính lúc ấy là lúc Êpônin và Adenma được phóng thích vì trong lúc xét hỏi Tênacđiê về con gái hắn, quan tòa không tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội chúng nó.
Mụ Manhông đứng rình ở cửa ngục Mađơlônnét, trao mảnh giấy cho Êpônin khi cô ả đi ra và cô ả làm sáng tỏ vấn đề.
Êpônin đi đến phố Pơluymê, trinh sát hàng song sắt và khu vườn, quan sát ngôi nhà, rình mò, xem kỹ, mấy hôm sau thì nó đến phố Clôsơpéc, nơi trú ngụ của mụ Manhông và đưa cho mụ ấy một chiếc bánh quy. Mụ Manhông mang chiếc bánh đến cho mụ nhân tình của Babe ở phố Xanpêtơrie. Một chiếc bánh quy, trong ngôn ngữ tượng trưng đen tối của các nhà tù có nghĩa là: Không có gì đáng làm.
Vì thế, không đầy một tuần sau, khi Babe và Bruygiông gặp nhau, Bruygiông hỏi: Thế nào đấy, phố P? – Bánh quy, Babe đáp. Đó là lúc hai đứa gặp nhau trên con đường đi tuần của nhà lao La Forxơ, một thằng đến phòng dự thẩm để cung khai, một thằng từ đó đi trở về ngục.
Cái bào thai tội ác mà Bruygiông có chửa trong nhà ngục La Forxơ đã bị đẻ non như thế đó.
Cái vụ đẻ non này mang những hậu quả nằm ngoài chương trình Bruygiông. Chúng ta chờ xem.
Nhiều khi tưởng rằng thắt nút một sợi chỉ, lại hóa ra thắt nút một sợi chỉ khác.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - Quyển 2

Chương 3 + 4

CỤ MABỚP THẤY MA HIỆN

Mariuytx chẳng viếng thăm một ai nữa, chỉ thỉnh thoảng lại gặp ông cụ Mabớp.
Trong khi Mariuytx cứ từng bậc một dần bước xuống cái thang ghê rợn đưa tới những hầm sâu hố tối, ở đấy người ta nghe những kẻ sung sướng như bước đi trên đầu mình, thì đằng cụ Mabớp, cụ cũng xuống dốc như thế.
Sách Hoa quả xứ Côtơrê tuyệt đối không còn bán được quyển nào. Cuộc thí nghiệm về chàm không thành công chút nào trong cái mảnh vườn Austéclit thiếu ánh sáng. Cụ Mabớp chỉ trồng được ở đấy một vài thứ cây ưa ẩm và cớm. Mặc dù thế, cụ không thất vọng. Cụ đã xin được một khoảnh đất ở vườn bách thảo, khá thoáng, để lại “bỏ tiền” thí nghiệm về chàm. Cụ đã mang các bản khắc đồng của tác phẩm mình đem cầm để lấy tiền làm việc ấy. Cụ cũng đã rút bữa ăn trưa xuống còn hai quả trứng, nhưng lại để dành cho một bà ở già mà đã mười năm nay cụ không trả tiền công. Thường thường bữa ăn trưa ấy lại là bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông cụ không còn giữ cái cười trẻ con nữa, trở nên buồn rầu và không còn muốn tiếp một ai. Mariuytx không còn nghĩ tới việc đến cụ là phải. Đôi khi, trên đường đi đến vườn bách thảo, cụ già lại gặp chàng thanh niên ở phố Ôpitan. Cả hai đều không nói gì, chỉ gật đầu ra hiệu một cách buồn bã. Kể cũng đau lòng thật có lúc cái nghèo làm cho người ta phải xa nhau là thế! Trước khi là bạn bè, bây giờ thì chỉ là khách qua đường thôi.
Anh hàng sách Rôian đã qua đời. Cụ Mabớp chỉ cò biết đến mấy quyển sách, mảnh vườn và việc làm chàm của mình. Tất cả hạnh phúc, thú vui, hy vọng của cụ đều thể hiện ra dưới ba hình thái ấy, thế mà cũng đủ cho cụ sống được rồi. Cụ tự bảo: - Bảo giờ mình chế được những viên thuốc nhuộm màu xanh chàm thì nhất định là phú quý; bấy giờ sẽ chuộc các thứ đồ đồng lại, quảng cáo ầm ĩ trên báo chí, dùng cả trống kèn để chiêu khách làm cho cuốn Hoa quả của mình trở lại nổi tiếng như cồng và ta sẽ mua một cuốn kỹ thuật hàng hải có tranh khắc gỗ, bản in năm 1558, mua ở đâu ta biết chỗ rồi. Trong khi đợi thời, cụ cặm cụi suốt ngày ngoài đám chàm, đến tối mới về vườn và đọc sách. Khoảng ấy cụ đã xấp xỉ tám mươi.
Một buổi tối, ông cụ thấy tận mắt một sự hiển hiện kỳ dị.
Hôm ấy, cụ về đến nhà thì trời hãy còn sáng. Bà Pơluytác trong người khó ở đã đi nằm. Ăn xong miếng bánh mì với một ít thịt còn dính trên mẩu xương, để trên bàn dưới nhà bếp, cụ ra ngồi trên tảng đá dùng làm ghế ngoài vườn. Bên cạnh chiếc ghế đá, như thói thường trong các vườn cây ăn quả kiểu xưa, có một chiếc hòm gỗ mục, hai tầng, tầng dưới là chuồng thỏ, tầng trên là chỗ để trái cây. Thỏ thì không có nhưng lại có mấy quả táo để dành ăn mùa đông còn sót lại.
Cụ Mabớp hấp háy đôi kính, vừa giở sách vừa đọc. Tính vốn rụt rè, nên cụ có phần dễ tin nhảm. Có hai cuốn sách cụ rất ham và làm cho cụ phải luôn luôn nghĩ tới. Tuổi tác rồi mà như thế mới nguy chứ! Một là quyển sách có tiếng của Đơlăngcơrơ “Sự biến hiện không ngừng của loài quỷ”. Còn quyển kia là của Rôbuđiê “Nói về lũ quỷ ở Vôve và bọn yêu tinh ở Bievơrơ”. Cuốn sau làm cho cụ càng chú ý mảnh vườn nhà lá nơi trước kia yêu tinh thường hay lui tới. Hoàng hôn xuống dần. Mọi vật trên cao nhuộn màu trắng nhạt, dưới thấp bóng tối đen thẫm lại. Cụ vừa đọc sách vừa ngắm cây trong vườn, đặc biệt nhìn một cây sơn lựu xinh đẹp mà cụ coi là mối an ủi tuổi già. Bốn ngày vừa qua, toàn nắng và gió, không có lấy một giọt mưa. Cành cây nghiêng ngả, nụ hoa rũ rượi lá rụng rơi, cần phải tưới nước, nhất là cây sơn lựu trông càng tiều tụy. Cụ là người coi hoa lá có linh hồn như người. Mặc dù cả ngày đã mệt nhoài với các luống chàm, cụ vẫn cố đứng dậy, đặt sách xuống ghế và lom khom, khập khiễng đi đến giếng nước. Nhưng nắm được dây mà không còn sức kéo khỏi móc. Cụ quay lại ngẩng đầu nhìn lên vòm trời đầy sao, cặp mắt thất vọng.
Trời trong vắt, cái trong trẻo này có dáng như một niềm vui độc ác và trường cửu làm cho người đau khổ càng thêm đau khổ. Cứ kiểu này thì đêm rồi cũng như ngày khô cháy thôi.
- Sao chi chít! – Cụ nghĩ bụng – một gợn mây cũng không có, một giọt nước cũng không!
Cụ thôi ngẩng nhìn trời, đầu cúi rũ xuống. Một chốc lại ngước lên, nhìn trời lẩm bẩm:
- Lạy trời thương, rưới cho một giọt lệ sương cũng được.
Cụ lại cố kéo dây lần nữa, nhưng đành chịu.
Vừa lúc ấy cụ nghe có tiếng nói:
- Cụ Mabớp, cụ có muốn tôi tưới giúp vườn cho cụ không?
Trong hàng giậu nghe sột oạt như có tiếng động của thú dữ đi qua. Một cô gái, người cao gầy, từ đám cây gai rậm rịt bước ra, đến trước mặt, nhìn thẳng vào cụ. Ông cụ có cảm tưởng đó mà không phải là một con người bằng xương bằng thịt mà là một bóng ma vừa hiển hiện trong hoàng hôn.
Ông cụ vốn là người yếu bóng vía, rất dễ kinh hoàng, thế mà cụ chưa kịp mở miệng nói nửa lời, bóng ma ấy đã mở dây, thả gầu xuống nước, múc nước lên đổ đầy thùng tưới, thoăn thoắt, vội vàng một cách kỳ dị. Rồi cái bóng ma đi chân đất, quần áo rách tươm ấy lại chạy từ luốn này qua luống khác phát sự sống cho cây cối chung quanh mình. Tiếng nước rơi trên lá làm cho cụ hả hê. Cụ nghĩ rằng cây sơn lựu chắc là sung sướng lắm.
Tưới xong thùng đầu, cô gái múc một thùng khác, rồi một thùng khác nữa. Cô tưới cả vườn.
Bóng cô đen thẫm đi lại giữa các luống hoa, hai mối khăn chùm rách tươm phất phơ trên hai cánh tay gầy guộc trông có vẻ như một con dơi.
Cô vừa tưới xong đâu đấy, cụ Mabớp sung sướng đến chảy nước mắt, tiến sát đến gần, đặt tay lên trán cô:
- Chúa sẽ ban phúc cho cô, cô săn sóc hoa, hẳn cô là một thiên thần.
Cô gái trả lời:
- Không, tôi là quỉ sứ thôi, nhưng cái ấy cũng chả sao.
Ông lão không đợi đáp, cũng không nghe câu đáp, vội kêu lên:
- Cô khổ, tôi nghèo nàn, khổ sở quá, chả biết đáp ơn cô bằng cách nào!
- Cụ ơi, có cách đấy.
- Cách gì?
- Cụ làm ở bảo giùm cháu, ông Mariuytx nhà ở đâu?
Ông lão không hiểu gì cả.
- Ông Mariuytx nào?
Cụ ngước cặp mắt đục lờ lên, như tìm một hình ảnh đã xóa mờ.
- Anh thanh niên hay đến đây dạo trước ấy mà.
Ông lão đã lục lọi khắp trí nhớ, bỗng cất tiếng:
- À, phải rồi… tôi hiểu cô nói gì rồi. Cô thư thả nhé! Ông Mariuytx, nam tước Mariuytx Pôngmecxi chứ gì! Anh ta ở… đúng hơn là anh ta không còn ở… À, tôi không biết rõ gì về anh ta cả.
Ông lão vừa nói vừa cúi sửa một cánh sơn lựu, rồi tiếp:
- À, này, bây giờ tôi nhớ ra rồi. Anh ta thường qua lối phố lớn và đi về phía phố Cơrulơ Bácbơ, chỗ đồng Sơn ca ấy. Cô đi về lối đó thì gặp anh ta cũng dễ thôi.
Khi ông cụ đứng thẳng người dậy thì không còn ai trước mặt cả, cô gái đã biến đâu mất.
Ông cụ thấy hơi rờn rợn trong mình. Cụ nghĩ thầm:
- Tưới cả vườn đây này, nếu việc không sờ sờ như thế thì chắc mình phải tin là ma hiện hình.
Một giờ sau, đi ngủ, cái việc đó lại hiện ra trong trí cụ. Đó là cái lúc chập chờn mà trí óc dần dần đi vào cõi mộng để xuyên suốt giấc ngủ, cũng như con chim thiêng trong thần loại đã hóa cá để vượt đại dương. Cụ mơ màng nói:
- Thật ra, cũng giống hệt như chuyện Rubôđiê kể về lòai yêu tinh. Hay cũng là một con yêu tinh đó?
***
IV - MARIUYTX CŨNG THẤY MA
Mấy hôm sau ngày “bóng ma” đến thăm cụ Mabớp bữa ấy là sáng thứ hai, như thường lệ Mariuytx vay Cuốcphêrắc một đồng trăm xu cho Tênacđiê. Bỏ xong tiền vào túi, Mariuytx dạo một vòng trước khi mang lại phòng lục sự của nhà ngục. Chàng định bụng may ra như thế lúc trở về sẽ có thể làm việc được. Kể ra bữa nào cũng thế cả. Vừa ngủ dậy, chàng đã đem sách giấy ra để trước mặt dịch nguệch ngoạc một vài dòng. Lúc ấy chàng đang dịch ra Pháp văn những bài trong cuộc tranh luận của người Đức, cuộc tranh luận giữa Găngxơ và Xavinhi. Chàng cầm đến Găngxơ, rồi cầm đến Xavinhi đọc bốn dòng, thử viết ra một dòng, nhưng ngòi bút kéo không ra chữ, còn con mắt thì thấy hiện một ngôi sao. Chàng bỏ ghế đứng dậy.
Đi dạo một chút để lấy đà mới được.
Và chàng đến cánh đồng Sơn ca.
Đến đấy chàng lại thấy ngôi sao rõ mồn một, còn sách của Găngxơ và Xavinhi thì quên đâu mất cả.
Chàng trở về, cố làm việc nhưng không được. Bao nhiêu sợi dây đã đứt đoạn trong óc chàng! Một sợi cũng không cách gì nối lại được! Chàng tự bảo: - Thôi mai ta không đi chơi nữa. Đi chơi chả làm việc được. Nhưng rồi ngày nào chàng cũng cứ đi.
Chàng ở cánh đồng Sơn ca nhiều hơn là ở nhà Cuốcphêrắc. Đúng ra địa chỉ của chàng là phải thế này: Đại lộ Xăngtê, gốc cây thứ bảy, kể từ phố Cơrulơ Bácbơ.
Sáng hôm ấy, chàng rời gốc cây ấy đến ngồi trên bệ gạch, dọc bờ sông Gôbơlanh. Mặt trời tươi tắn xuyên vào các chòm lá non sáng ngời.
Chàng mơ màng nghĩ dến “nàng” rồi dần dần lại tự mình trách mình. Chàng đau lòng nghĩ đến sự lười biếng hàng ngày làm chàng tê liệt tâm trí chàng và cảm thấy trước mắt mình đêm tối mỗi phút một dày thêm đến nỗi không còn nhìn thấy mặt trời nữa.
Khó nhọc lắm chàng mới biết mình đang nghĩ những gì lờ mờ. Năng lực của chàng sa sút đến nỗi chàng không nghĩ được thành lời để mình tự bảo mình và cũng không có sức để mà buồn bực.
Tuy vậy trong cơn mơ mộng rầu rầu ấy, cảm giác từ sự vật bên ngoài vẫn dội đến tâm trí chàng. Chàng nghe sau lưng, dưới chân mình, tiếng thợ giặt ở hai bên bờ sông đập áo và trên đỉnh đầu tiếng chim reo hót trong rặng cây. Một đằng là tiếng reo của tự do, vô tư sung sướng, của lũ chim thong thả rảnh rang; một đằng là tiếng lao động. Cả hai thứ tiếng đều vui vẻ, làm cho trí óc chàng càng mơ tưởng sâu hơn, gần như là suy nghĩ.
Thình lình giữa cơn mơ, chàng nghe một tiếng người quen thuộc:
- Kìa, anh chàng đó rồi!
Chàng ngước mắt và nhận được Êpônin, cô gái lớn của Tênacđiê, cô bé khốn khổ đã đến nhà chàng một buổi sáng trước đây. Lúc này thì chàng đã biết tên cô. Điều lạ là cô bé trông nghèo hèn đi nhưng lại đẹp thêm lên. Cô đã tiến thêm hai bước, một bước về phía ánh sáng và một bước về phía ngặt nghèo. Cô vẫn đi chân không và ăn bận rách rưới như hôm cô quả quyết bước vào phòng chàng. Nhưng quần áo rách nát của cô hai tháng nay đã cũ thêm: các lỗ thủng rách toạc ra to hơn, các mảnh vải càng xấu xí đi. Vẫn giọng nói khàn khàn ấy, vẫn vầng trán xám mà nóng gió làm cho nhăn nheo, vẫn làn mắt nhanh nhẹn, lấc láo. Ngoài ra còn có cái gì khác hơn là gương mặt thêm vẻ gì hoảng hốt, thảm hại đúng là của người nghèo đói lại vừa ở tù ra. Mấy cọng rơm lẩn trên mái tóc của cô bé. Không phải như Ôphêlia đã điên dại vì lây cái điên dại của Hămlét, nhưng chỉ vì cô đã ngủ ở một đống rơm chuồng ngựa nào đó.
Với tất cả hình dung như thế, cô bé vẫn đẹp. Ôi! Tuổi xuân sao mà thần tiên đến thế!
Cô bé dừng lại trước Mariuytx. Nét mặt nhợt nhạt hơi tươi lên mà trên môi thoáng như có một nụ cười. Cô bé đứng im một lúc như nói không ra lời nữa, mãi sau mới nói:
- Rồi cũng phải gặp ông chứ lị! Ông cụ Mabớp nói không sai mà, chính trên đại lộ này đây! Trời! Em tìm ông đến hết hơi, ông có biết đâu đấy nhỉ! Ông biết không? Em bị giam mất mười lăm hôm, chúng nó mới tha đấy! Lý do là chả có tang chứng gì trên người em cả. Với lại, em còn là tuổi vị thành niên, thiếu hai tháng nữa. Trời! Em tìm ông hết nơi hết chốn! Đã sáu tuần rồi đấy! Ông không còn ở chỗ ấy nữa à?
Mariuytx đáp:
- Không.
- À, em hiểu rồi. Vì cái chuyện ấy chứ gì. Cái trò ăn cắp ấy khó chịu lắm. Ông không chịu được nên đã dọn đi mà. Này! Sao ông lại đội những thứ mũ dúm dó như thế kia? Thanh niên như ông phải có quần áo đẹp chứ. Ông Mariuytx, ông có biết không? Ông Mabớp ông ấy gọi ông là nam tước, nam tiếc gì chứ? Nam tước là những ông già kia, thường mò đến chỗ có nhiều ánh sáng nhất trong vườn Luxembourg, đọc tờ Hàng Ngày một xu một số kia. Có lần em mang thư cho một nam tước loại đó. Ông ta có tuổi đến hơn trăm kia đấy! Ông Mariuytx, bây giờ ông ở đâu?
Mariuytx không đáp, cô bé nói tiếp:
- Ồ, áo ông rách một lỗ, để rồi em vá lại cho mới được.
Giọng cô bé dần dần trở nên buồn:
- Hình như gặp em ông không bằng lòng thì phải?
Mariuytx không nói gì; cô bé cũng lặng im một lát rồi nói to:
- Em mà muốn thì em bắt ông tỏ vẻ bằng lòng được ngay.
Mariuytx hỏi:
- Sao? Cô nói gì thế?
Cô bé dằn lại:
- À! Trước đây ông gọi em là em kia.
- Ừ, thế thì em nói thế nào?
Cô bé cắn chặt môi, không nói. Hình như đang có cuộc xô xát gì trong lòng. Sau cùng, cô có vẻ quả quyết:
- Thôi, mặc kệ, cũng chả sao. Ông đang có vẻ buồn rầu, mà em thì lại muốn ông được vui lên. Ông hứa với em là ông sẽ cười đi. Em muốn thấy ông cười và nói: “Thế à! Thế thì tốt lắm”. Tội nghiệp ông Mariuytx! Ông biết không! Ông còn hứa ông cho em tất cả cái gì em muốn phải không?...
- Ừ, thì em nói đi!
Cô bé nhìn thẳng vào mắt Mariuytx:
- Em biết địa chỉ rồi.
Mariuytx tái người đi. Máu dồn cả vào tim.
- Địa chỉ nào?
- Địa chỉ mà ông hỏi em!
Cô nói tiếp như cố hết sức:
- Địa chỉ của… ông biết chứ?
Mariuytx lắp bắp:
- Ừ!
- Của tiểu thư ấy!
Nói xong tiếng ấy, cô bé thở ra một cái dài:
Mariuytx nhảy từ bức tường xuống, cuống cuồng nắm lấy tay cô bé.
- Thế à? Đưa anh đi đi! Chỉ cho anh đi! Em muốn đòi gì anh cũng được! Nào, cô ấy ở đâu?
- Đi theo em, - cô bé đáp – Em không biết rõ đường phố và số nhà; ở tận phía bên kia, nhưng em biết rõ nhà. Để em dắt ông đi.
Cô bé rụt tay ra, nói tiếp. Giọng cô buồn rầu làm cho người ngoài cuộc, ví như nghe thấy thì phải xúc động lắm, thế mà nó chẳng mảy may nào chạm đến tấm lòng của anh chàng Mariuytx đang mê man, sôi nổi:
- Chao! Ông sung sướng quá nhỉ!
Một đám mây như thoáng qua vầng trán Mariuytx. Chàng nắm cánh tay Êpônin:
- Em thề với tôi một điều!
- Thề? Cô nói – thề nghĩa là làm sao? Này! Ông muốn em thề ư?
Và cô bé cười.
- Êpônin, em hứa với tôi nhé! Em thề với tôi là không nói địa chỉ này với bố em!
Cô bé quay sang phía chàng, vẻ kinh ngạc:
- Êpônin! Sao ông biết em là Êpônin?
- Em hứa với tôi điều tôi vừa nói đi!
Nhưng cô bé như có vẻ không nghe gì cả.
- Dễ nghe đấy! Ông gọi em là Êpônin được đấy!
Mariuytx nắm cả hai tay Êpônin.
- Trời ơi! Em trả lời tôi đi. Chú ý lời tôi nói nhé em, thề với tôi sẽ không nói địa chỉ em biết cho bố em đi!
- Bố em? Ừ, ừ, bố em! Thế thì ông cứ yên tâm. Ông ấy bị giam rồi. Với lại em có bận tâm gì đến bố em đâu!
Mariuytx kêu lên:
- Em vẫn chưa hứa với tôi!
Cô bé vừa nói vừa phá lên cười:
- Buông tôi ra đi! Lay mạnh quá đi thôi! Có! Có! Em xin hứa, em xin thề! Chuyện gì đến mà em không thề! Em không mách địa chỉ ấy với bố em đâu. Như thế được chưa? Được chứ?
- Cũng không nói với ai cả! Mariuytx bảo.
- Không nói với ai hết.
- Thôi bây giờ dắt tôi đi đi.
- Đi ngay?
- Đi ngay.
- Theo em - Chao ôi! Sao mà anh chàng mừng rơn thế!
Được mấy bước cô bé dừng lại.
- Ông đi sát em quá, ông Mariuytx ạ. Để em đi lên trước, ông cứ đi sau, làm ra vẻ không phải đi theo em. Không nên để người ngoài người ta thấy một thanh niên tử tế như ông lại đi cùng một người đàn bà như em.
Không một ngôn ngữ nào có thể nói hết tất cả nghĩa ngụ trong tiếng đàn bà, ở giọng nói cô bé ấy, lúc bấy giờ.
Được mươi bước, cô bé dừng lại lần nữa. Mariuytx tiến kịp. Cô đi một bên, cất tiếng hỏi Mariuytx, đầu không quay lại:
- Này, ông có nhớ hứa với em một cái gì đấy chứ?
Mariuytx sờ tay vào túi áo, chàng chỉ có vẻn vẹn đồng năm phơrăng dành cho Tênacđiê. Chàng cầm lấy đặt vào tay Êpônin.
Cô bé mở xòe mấy ngón tay, rơi đồng bạc xuống đát và nhìn chàng vẻ rầu rầu:
- Em không muốn lấy tiền của ông đâu!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - Quyển 3 - NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ

Chương I

NGÔI NHÀ CÓ BÍ MẬT

Vào khoảng giữa thế kỷ trước, một ông chánh án tòa án Paris có một người nhân tình nhưng lại muốn giấu thiên hạ - bấy giờ chỉ các nhà đại quí tộc mới khoe nhân tình của mình, còn các anh tư sản thì lại giấu đi – nên cho xây một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Xanh Giécmanh, trong một phố vắng vẻ là phố Bơlômê ngày nay gọi là phố Pơluymê, gần nơi gọi là Quần Thú.
Ngôi nhà ấy có gác, dưới nhà có hai phòng, một cái bếp, trên gác có hai buồng, một phòng khác nhỏ, sát mái là một gác xép. Trước nhà, một khoảng vườn độ một sào có cánh cổng lớn song sắt trông ra đường phố. Người đi qua ngoài phố trông thấy chỉ có bấy nhiêu. Nhưng phía sau ngôi nhà chính, có một mảnh sân hẹp và cuối sân có một cái nhà xép hai gian, lúc cần có thể để một đứa bé con và một bà vú ở đấy.
Chiếc nhà này, phía sau, có một cái cửa che kín, mở đóng rất bí mật, ăn thông với một hành lang hệp, trên để lộ thiên, dưới lát đá, chạy quanh co giữa hai bức tường cao. Cái hành lang ấy cứ men theo sát dãy hàng rào, hàng giậu từ vườn này sang vườn khác, từ đám đất này sang đám đất khác, có lúc đi vòng quanh, có lúc gấp thành góc theo hình cái thửa vườn và các đám đất và cuối cùng dẫn đến một cái cửa bí mật, cách đấy độ một phần tám dặm, gần một khu phố khác, ở tận đầu mút của cái phố Babilôn hiu quạnh.
Ông chánh án đến ở đấy. Ngôi nhà bố trí khéo đến nỗi, người nào có chú ý theo dõi và nhận thấy ông ta ngày nào cũng đi đâu bí mật, cũng không ngờ rằng hễ đi ra phố Babilôn tức là đi ra phố Bơlômê. Nhờ khéo xếp đặt mua được đất nên ông có thể thuê người làm con đường bí mật ấy ở trên đất mình không ai kiểm soát được. Về sau ông đem bán lại chỗ đất dọc hành lang ấy từng miếng một để người ta làm vườn và trồng trọt.
Các người chủ mới ở hai bên hành lang, cũng tưởng trước mắt mình là một bức tường ngăn, chứ không ngờ có con đường lát đá dài như dải khăn quanh co giữa hia bức tường, đi dọc theo hết luống rau này đến vườn cây khác của họ. Chỉ có chim chóc là nhìn thấy cái vật là lạ ấy. Và các lũ sáo ngà, sáo sậu của thế kỷ trước chắc là đã bàn tán với nhau nhiều về cái ông chánh án ấy.
Ngôi nhà xây bằng đá theo kiểu Măngxa, bọc tường và trang trí bàn ghế theo kiểu Váttô, bên trong dạng động phủ, bê ngoài dáng mềm mại, khuất sau ba lớp rào hoa. Nó có một cái vẻ gì vừa kín đáo, vừa đỏm dáng, vừa long trọng, đúng sở thích của một quan tòa si ái.
Cái nhà ấy và hành lang ấy ngày nay đã mất, nhưng trước đây mười lăm năm vẫn hãy còn. Năm 93, một người chuyên đúc nồi đã mua ngôi nhà để hủy phá, nhưng không thanh toán được cho nên bị xử vỡ nợ. Hóa ra ngôi nhà đã phá hủy ông chủ. Từ đấy, ngôi nhà bị bỏ hoang và dần dần đổ nát như tất cả những nhà cửa không người ở đó, do đó không được truyền sức sống cho. Bàn ghế ngày xưa vẫn nằm nguyên trong đó. Một tấm bảng vàng, chữ hết đọc được, treo ở rào sắt từ năm 1810 khiến cho con số mười, mười hai người mỗi khi đi qua phố Pơluymê biết rằng ngôi nhà sẵn sàng để bán hoặc cho thuê.
Vào cuối thời Quân chủ phục hưng, những khách qua đường đó nhận thấy tấm bảng đã biến mất, hơn thế nữa, những cửa sổ ở tầng một đã mở. Thật vậy, ngôi nhà đã có người ở. Các cửa sổ có những “màn che nhỏ”, đó là dấu hiệu tỏng nhà có phụ nữ.
Tháng 10 năm 1829, một người đàn ông đứng tuổi đến thuê ngôi nhà ấy, cố nhiên là gồm cả gian nhà xép phía sau và cái hành lang ăn thông đến phố Babilôn. Ông cho đặt lại hai cái cửa bí mật ở đầu hành lang. Trong nhà hãy còn gần nguyên các thứ bàn ghế cũ thời ông chánh án ở, người chủ mới chỉ cho sửa sang lại một ít, chỗ nào thiếu cái gì thì thêm vào cho đủ, lát cái sân đá, cái nền gạch đã loang lổ, chữa lại cái cầu thang, sàn gỗ, thêm kính vào các ô cửa sổ. Xong đâu đấy ông mới cùng một thiếu nữ và một u già dọn đến, lặng lẽ như một người lạ lẻn vào nhà, chứ không phải như người ta vào ngôi nhà của mình. Láng giềng cũng chẳng bàn tán gì bởi cái lẽ không có ai là láng giềng cả.
Người đến thuê nhà âm thầm, ít gây chú ý ấy là Giăng VanGiăng, thiếu nữ là Côdét. U già là một người đàn bà tên là Tútxanh, vừa già, vừa quê, vừa ngọng. Giăng VanGiăng đã cứu bà ta ra khỏi bệnh viện làm phúc và khỏi cảnh khốn cùng, rồi quyết định đem bà ta về ở với mình vì bà có ba đặc điểm trên kia. Ông đã lấy tên là ông Phôsơlơvăng, nhà thực lợi (người sống về lọi tức), để thuê nhà. Qua những điều nói trên, chắc bạn đọc đã nhanh chóng nhận ra Giăng VanGiăng còn nhanh hơn lão Tênacđiê nữa.
Tại sao Giăng VanGiăng đã rời bỏ nhà tu Pơti Píchpuyt? Chuyện gì đã xảy ra?
Không có chuyện gì lạ cả.
Bạn đọc còn nhớ, ở nhà tu, Giăng VanGiăng rất sung sướng, sung sướng đến nỗi có lúc lương tâm phải lo ngại. Ngày nào ông cũng được gặp Côdét; mối tình phụ tử hiện ra và mỗi nảy nở. Ông thương yêu ấp ủ con bé trong tâm hồn. Ông tự bảo: nó là của ông, không có gì có thể cướp đi được; tình trạng này sẽ cứ mãi mãi như thế; chắc chắn nó sẽ làm bà xơ đúng theo con đường hàng ngày người ta muốn mở ra cho nó và như thế, nhà tu sẽ là vũ trụ của nó và của ông; ông sẽ già ở đây, nó sẽ lớn lên ở đây, rồi nó sẽ già ở đây và ông sẽ chết ở đây, thật là thỏa ước mơ, không còn nói cha con chia lìa, chia rẽ gì được nữa. Nghĩ đến đấy, bỗng dưng ông sinh lo âu. Ông tự chất vấn. Ông tự hỏi có phải thật tất cả hạnh phúc của người khác, của con bé kia? Ông già mà tước đoạt hạnh phúc của nó giấu làm của riêng cho mình sao? Như thế có phải là trộm cắp không? Ông tự nhủ con bé có quyền được biết cuộc sống trước khi bỏ đời đi tu. Ngay từ bây giờ mà gần như không hỏi ý kiến nó, lấy cớ để tránh cho nó mọi thứ đau khổ, lợi dụng nó khờ dại, cô đơn mà ép nó phải đi tu, thì có khác gì làm hư hỏng bản chất tự nhiên của một con người và dối trá với Chúa? Lại biết đâu, một ngày kia, Côdét mà biết rõ đầu đuôi, biết nó phải làm bà xơ một cách miễn cưỡng, nó sẽ không sinh thù hằn cả việc này? Ý nghĩ cuối cùng này, hơi ích kỷ và ít dũng khí hơn những ý nghĩ khác, nhưng nghĩ như thế ông không sao chịu được. Ông quyết định rời bỏ nhà tu.
Ông quyết định như thế. Ông buồn rầu mà nhận ra rằng việc phải như thế. Còn về những trở ngại thì chẳng có gì. Năm năm sống biệt tăm biệt tích trong bốn bức tường này, đến bây giờ ra ngoài thì còn sợ gì nữa. Ông có thể yên tâm trở lại sống giữa mọi người. Ông đã già đi và cái gì cũng đã thay đổi. Ai còn nhìn ra được ông bây giờ. Với lại cứ cho là chẳng may đi nữa, thì có gì nguy hiểm thì là nguy hiểm cho bản thân ông chứ có quyền gì mà bắt buộc Côdét vào nhà tu kín, bởi lẽ xưa kia ông bị vào nhà tù khổ sai? Vả lại, trước nhiệm vụ thì nguy hiểm có đáng gì? Mà, có ai cấm ông cứ thận trọng và tìm mọi cách đề phòng?
Còn việc giáo dục của Côdét thì đã gần xong và trọn vẹn rồi.
Quyết định xong, ông chờ cơ hội. Cơ hội không bao lâu đến: ông già Phôsơlơvăng từ trần.
Giăng VanGiăng xin gặp bà xơ bề trên, trình bày với bà rằng anh ông chết đi để lại cho ông một cái gia tài nho nhỏ đủ sống khỏi phải làm lụng gì, nên ông xin thôi việc ở nhà tu và xin dắt con gái đi. Ông cũng trình bày luôn rằng Côdét chưa làm lễ thụ phép làm người tu hành thì không lẽ gì tu viện lại nuôi không nó những năm năm như thế, nên ông khẩn khoản xin thế nào bà bề trên cũng vui lòng để ông cúng cho quỹ nhà tu một món tiền là năm nghĩn phơrăng, xem như là đền bù vào khoản Côdét ăn ở lâu nay.
Thế là Giăng VanGiăng ra khỏi nhà tu.
Ở nhà tu ra đi, ông cắp lấy chiếc va li nhỏ chứ không nhờ ai vác hộ, chìa khóa thì ông giữ trong mình. Chiếc va li bay một mùi thơm ngát làm cho Côdét phải chú ý.
Nói ngay rằng từ đó chiếc va li ấy không bao giờ rời ông ra nữa. Luôn luôn ông để nó trong phòng ông. Nó là vật đầu tiên có khi là vật duy nhất ông mang đi trong những lúc dọn nhà. Thấy thế Côdét phải bật cười và gọi chiếc va li là “người bạn không rời nhau” của ông rồi nói: con phát ghen với nó.
Tuy vậy, việc trở lại với không khí tự do ngoài đời không khỏi làm cho Giăng VanGiăng lo lắng khá nhiều.
Ông tìm ra được ngôi nhà phố Pơluymê và chui vào đó. Từ đấy ông vẫn giữ tên là Uyntim Phôsơlơvăng.
Đồng thời ông thuê luôn hai căn phòng khác ở Paris. Chủ tâm là để thay đổi, khỏi ở luôn một khu phố, cho người ta bớt để ý và khi trong lòng thấy có gì đáng lo ngại thì có thể vắng mặt một thời gian, cũng như là để có đường xoay sở chứ không bị bất chợt vô kế khả thi như cái đêm ông thoát khỏi tay Giave một cách quá ư may amwsn trước đây. Hai căn phòng ấy là hai gian nhà bé nhỏ nghèo nàn ở hai khu phố cách nhau rất xa, một ở phố Uét, một ở phố Lom-acmê.
Thỉnh thoảng ông đến nơi này hoặc nơi kia ở một tháng hay năm sáu tuần có Côdét đi theo, còn bà Tútxanh thì để ở nhà. Cơm nước hay sai bảo thì đã có mấy người gác cổng, mà ông bảo cho biết ông là một nhà thực lợi ở ngoại ô lấy nơi ấy là chỗ tạm trú mỗi khi vào thành. Con người đạo đức cao siêu ấy thế mà phải có đến ba chỗ ở giữa Paris để tránh lưới cảnh sát.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 3 - Chương 2 + 3

GIĂNG VANGIĂNG QUỐC DÂN QUÂN

(Quốc dân quân gồm những người tư sản được chính quyền
Quân chủ phục hưng tín nhiệm)
Tuy vậy, ông nói đúng, Giăng VanGiăng vẫn sống ở phố Pơluymê và ông đã xếp đặt đời sống của mình như sau:
Côdét và người bõ già ở nhà trên gian buồng ngủ tường có vẽ hoa, phòng khuê nhỏ với những đường chạm trong sơn vàng, phòng khách lót thảm có những chiếc ghế bành to tướng là phần của Côdét; cái vườn cũng thuộc phần nàng. Giăng VanGiăng đã cho đặt thêm trong buồng Côdét một chiếc giường có diềm màn bằng gấm Đamát nhiều màu và một tám thảm Ba-tư cũ còn đẹp mua mãi ở cửa hiệu mụ Gôse phố Phighiê Xanh Pôn. Để giảm bớt vẻ nghiêm nghị của những thứ đồ cổ sang trọng ấy, ông xen lẫn vào các thứ linh tinh ấy tất cả những vật dụng xinh xắn, duyên dáng của các cô thiếu nữ: cái kệ, cái tủ sách, các quyển sách có gáy vàng, chiếc hộp giấy, cái bàn giấy thấm, cái bàn may khảm xà cừ, cái hộp may bằng bạc mạ vàng, bộ đồ rửa mặt bằng xứ Nhật. Các cửa sổ trên gác đều treo màn dài bằng gấm Đamát nhiều màu như ở diềm màn. Các cửa tầng dưới lại treo màn vải rua. Mùa đông, trong nhà Côdét ở, gác trên phòng dưới đều đốt lò sưởi. Riêng ông, ông ở trên nhà xép cuối sân trong, trong phòng chỉ một chiếc đệm rải trên cái giường căng dây thép, một cái bàn gỗ tạp, hai cái ghế rơm, một lọ sứ đựng nước, mấy quyển sách bỏ trên một tấm ván, chiếc vali yêu quí trong một góc và chẳng bao giờ có củi lửa gì cả. Ông ăn với Côdét nhưng trên bàn lại có một cái bánh mì đen phần riêng ông. Ông bảo bà Tútxanh: - Cô đây là chủ nhà này, bà nhớ nhé. – Thưa ông, còn ông? Bà Tútxanh kinh ngạc hỏi lại. – Tôi, tôi còn hơn là ông chủ, tôi là ông cha.
Hồi ở nhà tu, Côdét có được học tập việc nội trợ nên việc chi tiêu ít ỏi trong nhà đều do nàng tính toán. Hằng ngày, Giăng VanGiăng khoác tay Côdét, đưa nàng đi dạo chơi. Ông đưa nàng vào vườn Luychxămbua, tìm đến con đường nào vắng vẻ nhất và chủ nhật nào ông cũng dắt nàng đi lễ nhà thờ Xanh Giắc vì nhà thờ ấy ở khá xa. Khu phố ông ở rất nghèo nên ông bố thí nhiều, vì thế các người khốn khó đều đến vây quanh ông trong nhà thờ. Chính vì vậy mà Tênacđiê gửi cho ông một bức thư với địa chỉ: kính gửi nhà từ thiện ở nhà thờ Xanh Giắc. Ông cũng hay dắt Côdét đi thăm các người nghèo khổ và các người ốm đau.
Chưa một người lạ nào từng bước chân vào ngôi nhà phố Pơluymê. Bà Tútxanh đi mua thức ăn và Giăng VanGiăng tự tay đi lấy nước ở máy nước gần nhà. Củi và rượu thì cất trong cái hầm vách đá nửa ngầm bên cạnh cái cửa mở ra phố Babilôn. Hầm ấy ngày xưa dùng làm động cho quan chánh án vì ở cái đời si ái ấy, không có tình yêu nào là không nấp trong hang động.
Ở phía cửa ấy, còn có một cái thùng, có kẽ để đựng thư từ, báo chí, song ba nhân khẩu của ngôi nhà phố Pơluymê chẳng tiếp nhận thư từ báo chí gì, nên cái thùng ngày xưa là nơi mới lái đi về cho những cặp nhân tình nhân ngãi, thì ngày nay tất cả công dụng chỉ còn là để bỏ các giấy báo nộp thuế và các giấy báo của phòng dân quân. Vì ông Phôsơlơvăng, nhà thực lợi, cũng là quốc dân quân. Ông không thoát khỏi lưới kiểm tra chặt chẽ hồi 1831. Hồi ấy nhà chức trách đã truy cứu lý lịch của Giăng VanGiăng ngược lên đến giai đoạn ông ở nhà tu kín. Và cũng nhờ ẩn mình trong cái đám mây mù dày kín và tinh khiết là nhà tu kín ấy mà khi thoát ra, Giăng VanGiăng trở thành một người đáng kính đối với thị sảnh của mình, và do đó xứng đáng làm người bảo vệ cho thị sảnh.
Mỗi năm ba hay bốn lần Giăng VanGiăng khoác quân phục và đi canh gác. Công việc ấy có phần làm cho ông bằng lòng là khác. Vì ông coi đó là một cách cải trang chính đáng khiến cho ông có thể lẫn vào đám đông mà vẫn giữ mình cô độc. Giăng VanGiăng vừa được sáu mươi, đúng tuổi miễn quân dịch; nhưng trông người ông lại không đến năm mươi. Vả lại, ông cũng không có ý muốn lánh mặt viên đội nhất của mình, cũng không kêu kiện bá tước Đơ Lôbô. Ông không có lý lịch, ông giấu tên, giấu tuổi, giấu tung tích, giấu tất cả; và như chúng ta vừa nói, ông là một quốc dân rất hăng hái. Làm sao cho giống bất kỳ một người nào khác sòng phẳng trong mọi bổn phận đóng góp, đó là tất cả tham vọng của ông. Lý tưởng của ông là làm sao cho ở bên trong thì xứng đáng là một thiên thần, còn bên ngoài thì là một thị dân.
Tuy vậy, có một điều cần phải ghi. Khi Giăng VanGiăng đi chơi với Côdét, ông ăn mặc như ta đã thấy và ra vẻ là một sĩ quan về hưu. Lúc ông đi một mình và thường là vào buổi tối, ông lại bận một cái áo vét và một cái quần công nhân, đầu đội mũ lưỡi trai che lấp cả mặt. Đề phòng hay là khiêm tốn? Có lẽ cả hai. Côdét đã quen với khía cạnh bí ẩn của đời mình nên chẳng để ý đến những cử chỉ lạ lùng của bố là mấy. Còn bà Tútxanh, thì bà sùng bái Giăng VanGiăng và cho rằng ông ta làm cái gì cũng tốt cả. Một hôm, anh hàng thịt thoáng nhìn Giăng VanGiăng và bảo: Cái xác ông này hay nhỉ! – Bà đáp: một vị… vị thánh đấy!
Giăng VanGiăng, Côdét và Tútxanh, cả ba đều vào bằng độc cái cửa ở phố Babilôn. Giá không thấy bóng họ thấp thoáng sau hàng rào ở cồng trước thì khó mà đoán họ ở phố Pơluymê. Cổng trước luôn luôn đóng kín. Giăng VanGiăng đã bỏ hoang khu vườn không trồng trọt gì để người ngoài khỏi chú ý đến.
Nhưng có lẽ ông ta đã lầm.
III - CÀNH LÁ RƯỜM RÀ
(Nguyên văn Latinh: Foliisac frondibus)
Cái vườn bỏ hoang hơn nửa thế kỷ như vậy đã trở nên kỳ lạ đẹp mê hồn. Bốn mươi năm trước đây, người qua đường dừng lại ngắm vườn mà không ngờ đến những bí mật ẩn giấu dưới lớp lá xanh tươi kia. Nhiều anh mơ mộng thời ấy đã bao lần để cho đôi mắt và tâm trí mình tọc mạch len vào giữa các chấn song cái cửa có khóa, vặn vẹo lung lay vít chặt vào hai trụ vôi bám đầy rêu xanh, phía trên có cái viên trang tí hoa văn kỳ dị, khó hiểu.
Trong vườn, có chiếc ghế dài ở một góc, một vài pho tượng mốc meo, mấy tấm mắt võng đóng vòa tường để cho cây leo, nhưng đã long đinh và đang mục nát. Ngoài ra không còn đường lối, không còn thảm cỏ. Ở đâu cũng chỉ cỏ gà. Tay người đã vắng thì tay tạo lại về. Cỏ dại mọc đầy, điều rất đáng khâm phục đối với một mảnh đất tí tẹo. Đây là nơi hội hè huy hoàng của hoa đinh hương. Không có gì ở mảnh vườn này làm trở ngại sức vươn lên thiêng liêng của cây cỏ. Ở đây là thế giới của sự sinh trưởng tôn nghiêm. Cây to cúi xuống gai dại, gai dại trườn lên cây to, cỏ mọn leo lên, cành cả nghiêng xuống. Cái vốn bò dưới mặt đất cất cao đầu tìm cái nảy nở trên không, cái phất phơ trước gió tìm xuống với những gì vương vất trong rêu. Thân cây, chạc bé, lá, dây, chùm, tay, nhánh, gai quấn quít với nhau, hòa hợp nhau khăng khít để thực hiện và ngợi ca tình bác ái thần bí, tượng trưng cho chủ nghĩa bác ái ở loài người. Vườn này không còn là vườn nữa, mà là một lùm cây khổng lồ, nghĩa là một cái gì rậm rạp như một khu rừng, đông đúc như một thành phố, run rẩy như một tổ chim, mập mờ như một thánh đường, ngát hương như một bó hoa, cô quạnh như một nấm mộ, sống động như một phiên chợ.
Vào tháng Hoa, cái bụi to lớn sống tự do giữa bốn bức tường sau hàng chấn song ấy bước vào trạng thái động tình chung của vạn vật. Nó rùng mình trước vầng thái dương đang mọc, chẳng khác gì con vật hít thở những vận khí yêu đương trong không gian và cảm thấy nhựa xuân dâng lên sôi trào trong mạc máu. Nó vung mớ tóc xanh tươi tốt trước gió, nó gieo trên đất ẩm, trên tượng sờn, trên bậc thềm nứt nẻ, cả trên nền đường vắng, những hoa hình sao, những giọt sương như ngọc và sự mỡ màng, sự tươi đẹp, hương thơm, sức sống, niềm vui. Vào trưa, hàng nghìn con bướm trắng tụ tập tại đó và khi nhìn những hoa trắng kia vèo bay trong bóng mát làm nên một cơn mưa tuyết sống giữa trưa hè thì ai cũng phải cho là mình được xem một cảnh thần tiên. Trong râm tối của lá xanh vô vàn những tiếng thơ ngay đang thỏ thẻ với tâm hồn ta và cái gì tiếng chim không nói thì đã có tiếng ong dế bổ sung. Vào chiều tối thì một thoáng mơ mộng toát ra từ cánh vườn và bao phủ lấy nó; một bức màn sương nhẹ, một niềm u hoài mênh mông êm ả trùm lên vạn vật; mùi thơm say người của hoa tâm hương và hoa bìm bố ra từ hắp nơi như một chất độc ngọt ngào và thấm thía; lúc ấy chim gõ kiến kêu chiều và chim bạc má buông những tiếng ríu rít cuối cùng hầu như trong giấc ngủ; người ta cảm thấy niềm thân mật thiêng liêng giữa chim chóc và cây cỏ: ban ngày cánh lông làm vui cành lá, ban đêm càn lá che chở cho cánh lông.
Mùa dông lùm cây đen lại, ướt đi và trơ cành run rẩy cho nên người ta nhìn thấy ngôi nhà chút ít. Không thấy hoa nở trên cành và sương đọng trong hoa, trái lại có những đường bằng bạc của các chú sên đã bò qua trên thảm lá vàng dầy, lạnh. Tuy nhiên dù thế nào, với diện mạo nào, vào mùa nào xuân hạ thu đông, cái khoảnh vườn bé nhỏ ấy cũng đượm vẻ u hoài suy tưởng, cũng hiu quạnh, hoang vu, thiếu dấu vết người mà có sự hiện diện của tạo hóa và cái cổng cũ kỹ gỉ han có vẻ như nói: Cái vườn này là của ta.
Đường đá Paris chạy quanh đấy, mặc! Những lâu đài cổ điển gnuy nga ở phố Varen ở cách hai bước, mặc! Vòm cuốn tòa Anhvaliđơ ề bên, mặc! Hạ viên không xa, không sao! Xe tứ mã sang trong phố Buốcgônhơ và phố Xanh Đôminic rầm rập gần kia, xe buýt vàng, nâu, trắng, đỏ gặp nhau rộn rịp ở gần ngã tư gần nhất, chẳng cần gì! Ở phố Pơluymê vẫn là sa mac. Những người chủ cũ chết, một cơn lốc cách mạng kéo qua những gia thế nghìn xưa sụp đổ, sự xa cách, sự lãng quên, bốn mươi năm hoang phế góa chủ, tất cả những cái đó đủ để gọi về nơi cảnh tiên ấy, những phượng vĩ, những cây ngôn, những cây rẻ quạt, những cỏ voi, những cây vằn lá to màu dạ nhạt, những con tắc kè, bọ rùa, những côn trùng nhanh nhẹn và sợ sệt; đủ để lôi từ lòng đất lên và cho hiện ra bốn bức tường ấy một cảnh tượng hùng vĩ và hoang dại; đủ để cho thiên nhiên bừng nở ở một rẻo vườn khổ của Paris với vẻ cằn cộc và lẫm liệt không kém một khu rừng hoang Tân thế giới, cái thiên nhiên cứ phá ngang những thu xếp ti tiện của người đời và hễ tràn đến chỗ nào thì cũng tràn trọn vẹn, dù trên mình con kiến hay con đại bàng.
Quả vậy, không có gì là nhỏ bé cả, ai là đối tượng thâm nhập của thiên nhiên đều biết. Mặc dù triết học không cho ta sự thỏa mãn tuyệt đối nào, không cho bao quát nguyên nhân cũng không cho hạn chế kết quả, bởi những phân hủy năng lực dẫn đến thuần nhất. Tất cả hoạt động vì tất cả.
Toán đại số ứng dụng cho mây mù; tinh tú phát quang có lợi cho hoa hồng; khoog có nhà tư tưởng nào dám khẳng định là hương hoa tầm xuân chẳng có ích gì cho các quần tinh trên ấy. Ai tính được hành trình của một phần tử? Chúng ta có thể nói chắc rằng không có những cuộc sáng thế xảy ra do những hạt cát rơi đổ hay không? Ai mà biết những triều lên xuống qua lại của cái cực đại và cái cực tiểu và những cuộc sụt lở của sáng tạo? Con kiến riêng cũng quan trọng; cái nhỏ vẫn lớn, cái lớn vẫn nhỏ; tất cả đều thăng bằng trong cần thiết; một cảnh tượng hãi hùng đối với trí tuệ. Giữa sinh vật và sự việc có những quan hệ kỳ diệu. Trong cái chung vô tận, mặt nhật cũng không coi thường bọ rầy. Cái này cái nọ cần nhau.
ÁNh sáng không mang lên trời xanh những hương thơm của quả đất nếu không biết dùng nó làm gì; đêm tối phân phối tính chất của tinh tú cho các loài hoa thiêm thiếp ngủ. Mỗi con chim bay đều có sợi chỉ của vô tận buộc ở chân. Có nẩy mầm thì có một thiên tượng kèm theo, đồng thời với việc con chim én mỗ vỡ tung vở trứng; sự nẩy mầm đó làm cho con giun đất sinh ra cũng như cụ Xôcrát xuất hiện. Ở đâu thiên lý kính hết hiệu lực thì kính hiển vi bắt đầu có tác dụng. Kính nào trong hai loại đó có tầm nhìn lớn hơn nhỉ? Chọn thử xem. Một ít mốc mọc lên thì đó là cả một cánh đồng hoa nở rộ; một tinh vân là cả một tổ kiến tinh cầu. Cũng một cảnh hỗn hợp như vậy mà còn lạ kỳ hơn giữa những vật của tinh thần và những điều của vật chất. Cấu tố và nguyên lý trộn lẫn nhau, hòa hợp nhau, cưới nhau, nhân lẫn nhau đến mức đưa thế giới vật chất cùng với thế giới tinh thần đi tới cùng chung một ánh sáng. Hiện tượng luôn luôn tự quay trở vào chúng.
Trong sự trao đổi vũ trụ rộng lớn như vậy, sự sống chuyển vận bằng những lượng không thể biết, cuốn tất cả trong những luồng vận khí bí ẩn vô hình, sử dụng tất cả, không để mất một chút mơ mộng nào, gieo ở đây một con vật bé bỏng, rắc ở đó một vì sao, lắc lư, quanh lượn, đem ánh sáng làm thành năng lượng và tư tưởng làm thành cấu tố; sự sống phân tán và không thể chia cắt hòa tan tất cả, trừ các tâm điểm hình học và cái tôi. Sự sống kéo tất cả về linh hồn – nguyên tử làm nẩy nở tất cả trong Chúa; sự sống trộn lẫn tất cả những hoạt động từ cao đẳng đến sơ đẳng trong một guồng máy quay cuồng khó lòng nhận thấy, liên kết đường bay của một con bọ với quĩ đạo tuần hoàn của quả đất, có thể là con đường bay ấy phụ thuộc quĩ đạo này, biết đâu? Sự phụ thuộc ấy cũng có thể là chỉ ở sự đồng nhất về qui luật, ví như sự di chuyển của sao chổi trong vũ trụ giống sự di chuyển của con thủy tức trong giọt nước cũng là phụ thuộc thôi. Máy đấy nhưng máy làm bằng trí tuệ. Một guồng máy khổng lồ mà động cơ thứ nhất là con bọ con và bánh xe cuối cùng là hệ Ngân hà.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 3 - Chương 4 + 5

THAY ĐỔI CHẤN SONG

Cái vườn này ngày xưa lập nên để che giấu những trụy lạc bí mật, ngày nay hình như nó lại biến thành nơi che chở những cuộc tình tự âm thầm, trong trắng. Trong vườn chẳng còn giàn hoa, thảm cỏ, chẳng còn vòm cây, hang đá nữa. Khắp nơi chỉ có cây lá rối bù, bóng râm tỏa xuống như một tấm màn che: ruộng dâu bãi bộc đã hóa nên Vườn Đào. Có cái niềm ăn năn nào đó đã làm cho cảnh này trở nên tinh khiết. Cô hàng hoa bây giờ bán hoa cho tâm hồn. Mảnh vườn xinh xắn ngày xưa bị bàn tay người làm tổ thương nhiều, nay đã trở lại trinh bạch và e ấp. Ông chánh án và người làm vườn – người thì theo dấu Lamoanhông kẻ kế thừa Lơ Nốt – đã cắt, xén, trang điểm, sửa sang nó để làm nơi đàng điếm; thiên nhiên đã cướp nó lại, để bóng râm lan tràn khắp nơi khắp nẻo và xếp đặt nó thành tổ uyên ương.
Trong cảnh hoang vắng ấy, có một trái tim đang săn sàng. Ái tình cứ việc là bước đến! Ở đây đã có sẵn một ngôi đèn đủ cây lá, cỏ rêu, có tiếng chim thỏ thẻ, có bóng tối êm ả, có cành cây xao động; ở đây cũng có cả một tâm hồn đầy dịu dàng, tin tưởng, đầy thơ ngây, hy vọng và đầy cả ước mong, mộng tưởng.
Hồi ở nhà tu ra, Côdét còn ngây thơ gần như trẻ con; nàng mới hơn mười bốn tuổi. Trên kia đã nói trừ cặp mắt ra, nàng xấu xí chẳng xinh đẹp gì. Nàng không có một nét nào vô duyên, nhưng người gầy, vụng về, lại vừa rụt rè, vừa táo bạo; có thể nói nàng là một cô “bé lớn” vậy.
Việc giáo dục của nàng đã hoàn thành; nghĩa là người ta đã dạy cho nàng biết đạo, nhất là biết ngoan đạo; rồi đến “lịch sử” – nghĩa là cái thứ mà ở nhà tu người ta gọi là lịch sử và địa lý, ngữ pháp, các vua chúa nước Pháp, một ít âm nhạc…
Nhưng thực ra, cái gì nàng cũng chẳng biết. Như thế cũng có cái hay mà cũng nguy hiểm. Tâm hồn một thiếu nữ không nên để cho tối tăm; về sau sẽ có những ảo ảnh quá đột ngột và quá chói lọi như trong gian buồng tối. Phải cho nó một thứ ánh sáng êm dịu và kín đáo, thứ ánh sáng của hình ảnh sự vật được phản chiếu lại hơn là thứ ánh sáng trực tiếp và gay gắt của sự vật. Thứ ánh sáng mờ mờ ấy rất có ích, nó hơi khắc khổ một chút nhưng lại có khả năng xua tan mọi nỗi lo sợ thơ ngây và ngăn ngừa mọi sự sa ngã. Chỉ có bản năng bà mẹ - thứ trức giác đáng quý làm bằng kỷ niệm của thời con gái và kinh nghiệm của thời có chồng ấy – chỉ có bản năng đó mới biết làm thế nào và dùng những gì để tạo ra thứ ánh sáng mờ mờ vừa nói đó. Không có gì thay được bản năng ấy. Trong việc rèn luyện tâm hồn cho một thiếu nữ, hết thảy mọi bà xơ trên đời cũng không bằng một bà mẹ.
Côdét không có mẹ. Nàng chỉ có những mẹ, mẹ số nhiều (Trong tu viện nữ: các nữ tu sĩ được gọi theo tục châu Âu là chị Soeur thực ra thì gọi thông thường là bà xơ, hay dì hoặc mẹ mère, đối với người có chức vụ: mẹ cả, mẹ nhất…).
Còn Giăng VanGiăng thì trong lòng có đủ mọi thứ thương yêu, mọi thứ ân cần, nhưng ông ta chỉ là một người đàn ông luống tuổi chẳng hiểu được gì cả.
Vả, trong sự nghiệp giáo dục, trong vấn đề quan trọng là chuẩn bị cho một người đàn bà ra sống với thiên hạ, phải cần biết bao nhiêu là hiểu biết để chống lại cái ngu dại lớn lao mà người ta gọi là sự ngây thơ.
Tu viện, hơn nơi nào hết, là nơi đào tạo người con gái trở nên người yêu say mê sau này. Tu viện xoay mọi ý nghĩ của họ về hướng những cái không được biết. Quả tim, quay vào mình, càng lắng xuống, chứ không tràn ra và không nảy nở được, đoán mò, ao ước những cuộc gặp gỡ hẹn hò, phác thảo những tiểu thuyết tình, xây dựng trọn vẹn những nhà vàng trên bóng tối của trí tuệ: đó là những tòa nhà âm u bí mật, sẵn sàng để cho tình yêu vào trọ khi cái cổng sắt đã mở cho nó vào.
Rời khỏi nhà tu, Côdét không còn thấy một chốn nào vừa êm ái vừa nguy hiểm hơn ngôi nhà phố Pơluymê. Ở đây là tiếp tục cuộc sống cô quạnh nhưng cũng là bắt đầu cuộc sống tự do; một ngôi vườn đóng kín, nhưng lại là một cảnh thiên nhiên nồng đậm, giàu có, say sưa, ngào ngạt; cũng bấy nhiêu giấc mơ như hồi còn ở nhà tu nhưng bóng của những chàng trai thì đã thấy thấp thoáng; một cái cổng, nhưng cổng ngó ra đường.
Tuy vậy chúng tôi nhắc lại điều này, khi nàng đến đây, nàng hãy còn là một cô bé. Giăng VanGiăng giao cho nàng cái vườn bỏ hoang này. – Con ra đấy muốn làm gì thì làm, ông bảo thế. Điều đó nàng lấy làm thích. Nàng vạch từng bụi cây, lật từng hòn đá, tìm các loại “thú vật”; nàng chơi đùa đấy, đề chờ đến lúc cũng mơ mộng ở đấy; nàng yêu mê mọi thứ sâu bọ tìm thấy trong cỏ dưới chân nàng, để chờ đến lúc cũng yêu mê các vị sao lấp lánh sau cành cây ở trên đầu nàng.
Sau nữa nàng yêu bố nàng, nghĩa là Giăng VanGiăng, với tất cả tấm lòng chân thật, ngây thơ, của con đối với bố. Tình yêu ấy làm cho ông già trở thành một người bạn vui vẻ mà nàng rất ham thích. Bạn độc còn nhớ ông Mađơlen đọc sách rất nhiều. Giăng VanGiăng vẫn tiếp tục như thế và đã đi đến chỗ chuyện trò rất hay.
Là một trí tuệ khiêm tốn và thực thà do tự học mà nên, ông có những tri thức phong phú và tài ăn nói. Ông lại còn một chút cộc cằn vừa đủ để làm cho lòng nhân ái của ông có vị mặn mà. Trí thô mà lòng dịu. Ở vườn Luychxămbua, những lúc một cha một con, ông nói rất dài, lấy những điều đã học được trong sách vở lấy cả những kinh nghiệm đau khổ của mình để giải thích về dủ mọi việc cho nàng nghe. Côdét vừa nghe bố nói chuyện vừa đưa mắt mơ màng nhìn khắp nơi.
Ông già chất phác ấy đủ choán cả tâm trí Côdét cũng như mảnh vườn hoang vu kia đủ cung cấp mọi trò chơi cho nàng. Chạy đuổi bướm mệt, nàng vừa thở hổn hển vừa đến bên cạnh bố, khoe: “Ồ, con chạy ghê quá!” Ông hôn vào trán nàng.
Côdét yêu ông già Giăng VanGiăng. Luôn luôn nàng ở bên gót bố. Vì ông già ấy ở đâu là ở đấy có sự đầm ấm. Giăng VanGiăng không ở nhà trên, không ở ngoài vườn, nên nàng cũng thích ở sân sau lát đá hơn là ở trong sân cảnh đầy hoa. Nàng thích ở gian nhà chỉ có ghế rơm của bố hơn là ở trong phòng khách tường chăng gấm và ghế bành lót đệm dành cho mình. Có khi Giăng VanGiăng vừa mỉm cười sung sướng vì được quấy rầy, vừa mắng nàng:
- Thôi, con đi về đi chứ! Để yên bố một mình thử nào!
Nàng trách ông ông một cách vừa trìu mến vừa dễ ưa, nghe có duyên như lời con gái nói với bố:
- Bố ơi, ở phòng bố con rét quá, bố ạ, sao bố không rải đây một tấm thảm và để đây một lò sưởi?
- Con ạ, có bao nhiêu người xứng đáng hơn bố mà họ không có lấy một tấm tranh che mưa nắng đấy.
- Thế tại sao ở bên con lại có lửa sưởi và đủ mọi thứ khác?
- Vì con là đàn bà con gái và con còn nhỏ dại con ạ.
- Ô hay! Thế đàn ông thì phải chịu rét, chịu khổ à?
- Cũng có người phải thế!
- Được, thế thì con sẽ đến đây thường xuyên để bố bắt buộc phải đốt lửa.
Nàng còn bảo bố:
- Bố ơi, sao bố lại ăn thứ bánh mì tồi tệ như thế kia?
- Con ạ, vì…
- Được rồi, bố ăn thế thì con cũng ăn thế.
Thế là ông đành ăn bánh mì trắng để cho Côdét khỏi ăn bánh mì đen.
Về tuổi thơ ấu của mình, Côdét chỉ còn nhớ lờ mờ. Sớm chiều hai lần, ngày nào nàng cũng cầu nguyện cho mẹ nàng, người mẹ mà nàng chưa hề biết mặt. Hình ảnh hai vợ chồng Tênacđiê còn ghi lại trong trí nàng như hai bộ mặt ghê tởm lờ mờ trong mộng. Hình như tuổi thơ ấu của nàng là một thời kỳ mà chung quanh nàng toàn là rắn rết. Nàng nhớ một ngày, vào buổi tối, nàng phải đi lấy nước trong rừng. Chừng như chỗ nàng ở cách Paris xa lắm. Nàng có cảm giác cuộc đời nàng bắt đầu trong một vực thẳm và Giăng VanGiăng đã kéo nàng ra khỏi. Tối đến, trước khi chợp mắt, nàng thường mơ màng; nàng không ý thức rõ rệt nàng là con gái Giăng VanGiăng và ông ta là bố nàng, nên nàng tưởng tượng trong trí là linh hồn mẹ nàng đã nhập vào ông già ấy và đến ở bên cạnh nàng.
Có khi Giăng VanGiăng đang ngồi, nàng đến áp má nàng vào đầu tóc bạc phơ và lặng lẽ để rơi lên đấy một giọt nước mắt: ông này có lẽ là mẹ ta đây!
Cái điều này nói ra là có vẻ lạ lắm, nhưng mà sự thật là như thế đấy. Là cô gái lớn lên trong tu viện, nàng không hiểu gì về chuyện mẹ con, vả lại cái việc ấy con gái đồng trinh làm sao hiểu được, nàng cho rằng nàng không có mẹ rõ ràng cho lắm.
Người mẹ ấy, nàng không hề biết tên. Lần nào nàng hỏi đến, Giăng VanGiăng cũng cứ làm thinh. Nàng có hỏi đi hỏi lại thì ông chỉ mỉm cười. Một hôm nàng năn nỉ nhiều lần, nụ cười ấy lại kết thúc bằng một giọt nước mắt.
Sự im lặng của Giăng VanGiăng làm cho tung tích của Phăngtin vẫn chìm trong bóng tối.
Đề phòng chăng? Kính trọng chăng? Hay là không dám nói ra cho một người khác, sợ họ không biết giữ kín như mình?
Hồi Côdét hãy còn nhỏ, Giăng VanGiăng thường nói chuyện mẹ nàng cho nàng nghe; nhưng khi nàng đã trưởng thành, thì ông thấy không thể được nữa. Ông có cảm tưởng là ông không dám nữa. Vì Côdét ư? Vì Phăngtin ư? Ông cảm thấy như có một sự gì ghê rợn khi nghĩa đến việc đem cái bóng đen ấy vào ý nhĩ của Côdét và ghép thêm hình ảnh người quá cố ấy làm người thứ ba trong số kiếp của hai bố con hiện nay. Ông càng làm cho hình ảnh người quá cố ấy là thiêng liêng chừng nào thì lại càng thấy nó đáng sợ chừng ấy. Ông nghĩ đến Phăngtin và càng thấy mình phải im. Trong bóng tối, ông thấy mơ hồ như có một ngón tay để lên mồm ra hiệu. Cái nết trinh thục ở Phăngtin đã bị bắt buộc thoát đi một cách phũ phàng khi nàng còn sống ở đời. Phải chăng vì thế nên khi nàng chết rồi, nó trở lại với nàng, phủ lên mình nàng, đem hết sự căm tức đối với đời mà bảo vệ cho nàng được yên giấc ngàn thu và giữ kín nàng trong mộ, không để một ai biết tới? Giăng VanGiăng vô tình đã hành động theo áp lực ấy chăng? Chúng tôi tin ở sự tồn tại của linh hồn, chúng tôi không thể bác bỏ cách giải thích huyền bí đó. VÌ thế khó lòng mà đọc cái tên Phăngtin ấy lên, mặc dù là đọc cho Côdét nghe!
Một hôm Côdét bảo ông:
- Bố ơi, đêm nay con nằm mơ thấy mẹ. Mẹ có hai cánh thật to. Hồi mẹ còn sống chắc mẹ đã gần như bậc thánh nhỉ?
Giăng VanGiăng đáp:
- Phải, vì khổ đau.
Dù sao, Giăng VanGiăng vẫn được sung sướng.
Khi Côdét cùng ông đi dạo chơi, nàng tựa vào tay ông, lòng hết sức sung sướng và tự hào. Trước những cử chỉ âu yếm chỉ để dành riêng cho ông, trước tấm tình của Côdét chỉ lấy sự thương yêu ông làm đầy đủ, ông cảm thấy lòng mình như ta ra thành muôn vàn khoái cảm. Ông già tội nghiệp ấy rùng mình thấy lòng tràn ngập một niềm vui lâng lâng, trong sạch; ông say sưa tin chắc rằng điều đó kéo dài mãi đến trọn đời; ông tự nhủ mình chịu đựng đau khổ thật chưa thấm vào đâu để đáng được hưởng cái diễm phúc rõ ràng đến thế. Và, trong thâm tâm, ông cảm tạ Chúa đã cho phép ông, một người khốn nạn, thu được lòng thương yêu đằm thắm của tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy.
***
V - HOA HỒNG NHẬN THẤY MÌNH LÀ MỘT CÁI MÁY CHIẾN TRANH
Một hôm, ngẫu nhiên, Côdét nhìn mình trong gương và buột miệng: A! Nàng thấy hình như là mình xinh. Nàng xúc động vô cùng. Từ trước đến giờ nàng không hề để ý đến mặt mình. Nàng soi gương nhưng không tự ngắm. Với lại, người ta thường hay bảo là nàng xấu. Chỉ một mình Giăng VanGiăng là nói với nàng một cách âu yếm: không đâu! Không đâu! Dù sao đi nữa, Côdét vẫn yên trí mình xấu. Và nàng đã lớn lên với sự nhẫn nhục dễ dàng của tuổi trẻ thơ, trong trí vẫn đinh ninh mình xấu. Thế mà đột nhiên cái gương lại bảo nàng như Giăng VanGiăng: không đâu! Suốt đêm hôm ấy nàng không ngủ. Nàng nghỉ bụng:
- Hay là ta đẹp thật? Ta mà đẹp thì lạ lùng quả nhỉ? Và nàng nhớ lại những cô bạn nổi tiếng đẹp trong nhà tu trước kia, nàng tự bảo: thế nào? Mình sẽ như cô ấy, cô ấy ư?
Hôm sau nàng ngắm mình trong gương, lần này thì không ngẫu nhiên nữa và nàng hoài nghi: - Trí óc mình để đâu nhỉ? Không, mình xấu lắm. Chỉ vì đêm qua nàng ngủ không yên, nước da nàng tái đi, mắt mệt nhọc và thâm quầng. Hôm qua khi tin mình đẹp, nàng cũng không lấy gì làm vui sướng lắm, nhưng hôm nay không còn tin như thế, nàng lại buồn. Nàng thôi không ngắm mình nữa. Và trong hơn nữa tháng, mỗi lúc chải tóc, nàng cố sức quay lưng lại không nhìn vào gương.
Buổi tối ăn cơm xong, thường thường nàng ngồi ở phòng khách dệt thảm hay làm một vài công việc thêu thùa gì của nhà tu. Giăng VanGiăng đọc sách ở bên cạnh. Một lần nàng ngừng tay kim chỉ ngước mắt lên thì thấy ông đang nhìn mình ra vẻ lo lắng, làm nàng hết sức ngạc nhiên.
Một lần khác trong lúc đi ngoài phố, có một người nàng không nhìn thấy, hình như nói sau lưng nàng: cái con xinh nhỉ! Nhưng ăn bận xấu quá. Nàng nghĩ bụng: chậc! Nói ai chứ khong phải mình. Mình thì ăn bận đẹp nhưng người xấu. Lúc ấy nàng đội cái mũ bằng nhung có lông và bận cái áo dài bằng lông chiên Tây Ban Nha.
Cuối cùng, một bữa nọ, đang ở ngoài vườn, nàng nghe bà già Tútxanh nói: thưa ông, ông có để ý thấy cô đẹp ra không? Nàng không nghe lời ông đáp, câu nói của bà Tútxanh làm nàng choáng váng. Nàng rời khỏi vườn, chạy tót lên buồng riêng, đến trước gương. Đã ba tháng rồi nàng không soi gương. Nàng bật ra một tiếng kêu. Sắc đẹp của nàng vừa làm cho nàng lóa mắt.
Nàng đẹp và xinh; nàng không thể nào không đồng ý với bà Tútxanh và cái gương. Thân hình nàng đã nẩy nở đầy đặn, da nàng trắng ra, tóc nàng óng mướt, một vẻ rực rỡ khác lạ ngời trong khóe mắt xanh thẳm. Như mặt trời hiện ra, ánh sáng chốc lát đã lan tràn, sự tin tưởng là mình đẹp cũng đến với Côdét trọn vẹn chỉ trong có một phút. Người khác đã để ý thấy thế, bà Tútxanh nói thế, người qua đường hôm nọ chính là nói nàng chứ không phải nói ai khác. Thôi không còn nghi ngờ gì nữa. Nàng trở ra vườn, tưởng mình là một bà hoàng hậu. Bấy giờ đang giữa mùa đông thế mà nàng nghe có tiếng chim hót, thấy nền trời vàng ối, thấy mặt trừi trong vòm cây, thấy hoa nở trong bụi rậm. Cả người say sưa như điên như cuồng, hân hoan sung sướng hông bút nào tae xiết.
Về phần mình, Giăng VanGiăng cảm thấy trong lòng một nỗi dâu xót sâu xa và khó hiểu.
Quả vậy, ít lâu này, ngắm cái nhan sắc mỗi ngày mỗi hiện lên rực rỡ trên nét mặt dịu dàng của Côdét, ông thấy lo sợ. Bình minh tươi cười với mọi người, nhưng thảm đạm đối với ông.
Côdét đẹp người ra khá lâu mới nhận thấy mình đẹp. Nhưng từ buổi đầu, cái ánh sáng bất ngờ hé ra chầm chậm, bao phủ dần dần cả con người cô thiếu nữ, cái ánh sáng ấy làm xốn ngay con mắt u ám của Giăng VanGiăng. Ông cảm thấy đó là một biến cố trong cuộc sống đầy hạnh phúc. Cuộc sống ấy đầy đủ quá, ông không dám động vào, sợ lại làm rối loạn cái gì chăng. Ông đã nếm đủ mùi khốn khổ. Trong lòng ông còn đang rớm máu vì bao nhiêu xây xát của vận mệnh. Trước kia ông đã gần như là một tay độc ác nhưng nay ông lại trở nên hầu như là một ông thánh. Trước kia ông đã lê chiếc dây xích của nhà tù, nay ông mang cái dây vô hình nhưng nặng trĩu của một sự thóa mạ vô cùng tận. Pháp luật chưa buông tha ông. Bất kỳ lúc nào ông cũng có thể bị bắt lại bị lôi từ cuộc sống đạo đức không ai biết ra chỗ ánh sáng của cuộc sống tù đầy trước sự nguyền rủa của mọi người. Ông chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả, bỏ qua tất cả, cầu Chúa ban phúc cho tất cả. Nhưng ông chỉ cầu xin thượng đế, cầu xin loài người, cầu xin pháp luật, cầu xin xã hội, cầu xin tạo vật, cầu xin vũ trụ có mỗi một điều, là Côdét yêu mình.
Là Côdét vẫn cứ yêu ông! Là Chúa đừng ngăn cản trái tim của con bé ấy đi đến với ông và ở mãi với ông! Được Côdét yêu, ông thấy mình lành mạnh, khoan khoái, đầy đủ, được ban thưởng, được tuyên dương. Được Côdét yêu, ông sung sướng biết bao! Ông không đòi hỏi gì thêm. Ví có ai bảo: Anh còn muốn hơn nữa chứ? Ông sẽ trả lời: không. Vì chúa bảo ông: con muốn lên thiên đường không? Ông sẽ thưa: như thế e con sẽ bị thiệt.
Bất kỳ cái gì có thể chạm khẽ đến tình thế ấy, dù là chạm bên ngoài cũng làm ông rùng mình như là bắt đầu có việc gì khác. Ông hoàn toàn chưa hề biết sắc đẹp của đàn bà như thế nào, nhưng bản năng của ông hiểu đó là một cái gì ghê gớm.
Cái nhan sắc của Côdét nẩy nở ngày một rạng rỡ, mỗi huy hoàng bên cạnh ông, dưới mắt ông, trên vừng trán ngây thơ và đáng sợ của cô bé. Từ vực sâu cái xấu xa, cái già nua tuổi tác, cái tình cảnh khốn khổ, sự hắt hủi, nỗi đau xót của ông, ông nhìn nhan sắc ấy mà hoảng hốt.
Ông tự bảo: nó đẹp thật! Còn ta, ta sẽ ra sao đây?
Đó là chỗ khác nhau giữa tình âu yếm của ông với tình âu yếm của một bà mẹ. Điều mà ông nhìn với mối lo sợ trong lòng, một bà mẹ sẽ lấy làm vui.
Không bao lâu, những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Liền sau hôm Côdét tự nhủ mình: nhất định là mình đẹp, nàng bắt đầu chú ý đến cách trang điểm. Nàng nhớ lại câu nói của một người qua đường: xinh, nhưng ăn mặc xấu quá. Câu nói ấy chẳng khác gì lời mách của quẻ bói. Nó thoảng qua bên tai và tan đi nhưng đã gieo vào lòng nàng một trong hai thứ mầm mà sau này sẽ chiếm cả đời người đàn bà, cái tính làm đỏm; mầm kia là ái tình.
Với lòng tin ở sắc đẹp của mình, tất cả nữ tính nẩy nở trong người Côdét; nàng ghê tởm cái áo lông chiên Tây Ban Nha và lấy làm xấu hổ vì cái mũ nhung có lông. Bố nàng chẳng bao giờ từ chối nàng một cái gì. Nàng thuộc ngay tất cả cái khoa ăn diện, từ cái mũ, cái áo dài, cái áo khoác, đôi giày, cái cổ tay áo, đến loại vải như thế nào là đẹp, màu sắc như thế nào là hợp. Cái khoa ăn diện ấy là cái khoa làm cho người đàn bà Paris thành cái gì rất dễ ưa, rất sâu sắc và cũng rất nguy hiểm. Cái tiếng mê hồn đặt ra là để dùng cho người phụ nữ Paris đó.
Không đầy một tháng, ở nơi cô tịch phố Babilôn ấy, Côdét đã thành một trong những người phụ nữ, không những xinh đẹp, cái đó đã đáng kể rồi, mà còn là người ăn mặc đúng mốt nữa, điều này mới thật là quan trọng. Nàng những muốn gặp cái anh chàng qua đường nọ để xem anh ta sẽ nói gì là để “cho anh ta biết tay!” Sự thực con người nàng về phương diện nào cũng quyến rũ và nàng phân biệt rất tinh tường một cái mũ nhãn hiệu Giêva với một cái mũ nhãn hiệu Hécbô.
Giăng VanGiăng nhìn những sự phá hoại ấy, lòng rất lo âu. Ông thấy mình chỉ có thể lê đi là hết sức, nhiều nhất là bước đi, thế mà cánh đâu như đã đến chắp vào người Côdét.
Tuy vậy, chỉ xem qua những thức trang điểm của nàng, một người đàn bà sẽ biết nàng không có mẹ. Đôi cái lịch sử nhỏ, một vài ước lệ riêng. Côdét không hề biết. Một bà mẹ, thí dụ sẽ nói cho nàng biết là con gái không mặc gấm Đamát bao giờ.
Hôm đầu tiên Côdét ra phố áo dài, cái áo khoác ngoài bằng gấm đen Đamát và cái mũ nhiễu trắng, nàng đến khoác tay Giăng VanGiăng, nét mặt tươi cười, rạng rỡ, hồng hào, kiêu hãnh, chói lọi. Nàng nói: này bố, bố trông con như thế nào? Giăng VanGiăng trả lời, giọng nói giống như giọng nói chua chát của người ganh tị:- Kháu lắm! Suốt buổi đi chơi ông vẫn như thường. Lúc về ông hỏi Côdét:
- Có phải là con bỏ không dùng cái áo và cái mũ kia nữa không?
Hai bố con đang ở trong phòng Côdét. Nàng quay lại cái mắc áo đang treo bộ quần áo học trò nàng đã bỏ ra không dùng nữa. Nàng nói:
- Bộ quần áo hóa trang ấy à? Bố bảo con dùng nó làm gì? Ồ, có lý nào, không đâu, con không thèm mặc cái thứ ghê tởm ấy nữa đâu. Mang cái thứ quái ấy trên người, con thành bà “Chó điên” mất.
Giăng VanGiăng thở dài não nuột. Từ phút ấy, ông nhận thấy rằng Côdét trước kia hay đòi ở cạnh ông, hay nói với ông: “Bố ơi, con thích ở đây với bố hơn”, nhưng bây giờ thì luôn luông nàng đòi đi phố. Đúng thôi, vì có bộ mặt xinh và quần áo đẹp mà không đem đi khoe thì có mà làm gì?
Ông cũng nhận thấy Côdét không còn thích cái sân sau như ngày trước. Lúc này nàng thích cái vườn hơn, cứ dạo qua lại trước hàng rào sắt mà không biết chán. Giăng VanGiăng bực bội, không để chân ra vườn. Ông ở lì trong sân sau, như con chó.
Khi biết mình đẹp thì Côdét cũng không còn cái duyên của con người không biết là mình đẹp. Cái duyên ấy rất ý vị, vì sắc đẹp mà ngây thơ thì không thể diễn tả: không có gì tuyệt diệu bằng một con người ngây thơ trong sạch mà đẹp lộng lẫy trong tay nắm chìa khóa của một thiên đường mà chính mình không biết. Nhưng mất cái duyên ngây thơ thì đã có vẻ đẹp ý thức và nghiêm túc bù lại. Cả con người nàng thấm nhuần niềm vui cảu tuổi trẻ, của trong trắng, của sắc đẹp toát ra một thứ hoài cảm sáng ngời.
Vào lúc này, sau sáu tháng đằng đẵng, Mariuytx gặp lại Côdét ở vườn Luychxămbua.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 3 - Chương 6 + 7

CUỘC CHIẾN ĐẤU BẮT ĐẦU

Côdét và Mariuytx mỗi người một nơi, lòng chưa tỏ lòng, nhưng cả hai đều sẵn sàng bắt lửa. Cả hai người đều chất chứa những luồng điện của tình si mang đầy bão táp và uể oải vì nó. Cả hai tâm hồn đều chất chứa ái tình cũng như hai đám mây chất chứa sấm sét. Hai tâm hồn ấy nhất định phải gần nhau lại, phải trộn lẫn vào nhau trong một cái nhìn cũng như hai đám mây phải chạm nhau trong một tia chớp. Vận mệnh, với sự kiêu hãnh huyền bí và chắc chắn đang dần nhích họ lại gần nhau.
Các tiểu thuyết tình đã lạm dụng cái nhìn nhiều quá đến nỗi nó bị người ta coi thường. Bây giờ thì ít ai còn dám nói hai người đã yêu nhau vì họ đã nhìn nhau. Ấy vậy mà chính người ta yêu nhau là vì như thế đó, và chỉ có như thế đó thôi. Còn cái gì nữa thì đó là cái phụ, nó đến sau. Chẳng có gì thật hơn những cái chuyển động sâu xa ấy mà hai tâm hồn truyền cho nhau khi trao đổi với nhau tia lửa trong ánh mắt.
Giây phút mà Côdét không ngờ là mình có cái nhìn làm Mariuytx xao xuyến, thì Mariuytx cũng chẳng biết rằng mình cũng có cái nhìn làm cho Côdét phải nao nao.
Cái nhìn ấy đối với nàng cũng có tác dụng xấu và tác dụng tốt hệt như thế.
Đã từ lâu nàng thấy chàng và nhìn chàng như kiểu các cô gái thấy và nhìn thanh niên, nghĩa là cứ làm ra vẻ như là ngó vào đâu đâu. Mariuytx đang còn thấy Côdét xấu thì Côdét đã thấy Mariuytx đẹp rồi, nhưng vì chàng không để ý gì đến nàng, nên nàng cũng coi chàng như không.
Tuy vậy nàng không thể nào không tự bảo mình là chàng có mái tóc đẹp, cặp mắt xinh, hàm răng đều, giọng nói thanh tao khi nàng nghe chàng chuyện trò với bạn bè; chàng đi, dáng có thể nói không oai cũng được, nhưng vẫn có cái duyên riêng, chàng chẳng lù đù tí nào, cả người chàng đều thanh cao, dịu dàng, giản dị và kiêu hãnh; và cuối cùng chàng có vẻ nghèo, nhưng vẫn lịch sử, không đến nỗi nào.
Cái ngày mà bốn mắt nhìn nhau và bỗng dưng ấp úng trao đổi với nhau những điều lờ mờ khó tả đầu tiên bằng cái nhìn, thì thoạt tiên Côdét không hiểu. nàng sinh ra suy nghĩ trong khi trở về nhà ở phố Uét nơi Giăng VanGiăng, theo thói quen, đến ở sáu tuần. Hôm sau ngủ dậy, nàng nghĩ đến anh chàng thanh niên lạ mặt ấy; anh chàng lâu nay lạnh lùng, không để ý gì đến nàng, nay hình như lại để mắt đến nàng và tuồng như sự chú ý ấy chẳng làm cho nàng vui thích chút nào. Nàng hơi căm giận cái anh chàng đẹp trai làm cao ấy. Một thứ bản năng hiếu chiến nổi dậy trong người nàng. Bàng có cảm tưởng như nàng sắp được trả thù và cảm tưởng ấy làm nàng thấy một nỗi vui sướng thật trẻ con.
Biết mình đẹp, nàng có cảm giác là mình có một thứ vũ khí, mặc dù đó là một cảm giác mơ hồ. Phụ nữ họ chơi với sắc đẹp của họ như trẻ con nghịch dao. Họ sẽ bị thương.
Bạn đọc còn nhớ những nỗi ngập ngững, hồi hộp, lo sợ của Mariuytx. Chàng cứ ngồi ở cái ghế dài và không dám đến gần. Điều ấy làm cho Côdét bực mình. Một hôm nàng nói với Giăng VanGiăng: - Bố ơi, chúng ta đi về phía kia chơi một tí đi. Mariuytx không đến với nàng thì nàng đến với chàng vậy. Trong trường hợp như vậy, người phụ nữ nào cũng giống Mahômê cả. Triệu chứng đầu tiên của tình yêu chân thật ở người con trai là sự rụt rè, còn người con gái lại là sự táo bạo. Kể cũng kỳ dị thật. Người ta ngạc nhiên nhưng quả không có gì đơn giản bằng. Đó là hai giống khác nhau muốn đến gần nhau và giống này đã mượn tính chất của giống kia.
Hôm ấy, cái nhìn của Côdét khiến cho Mariuytx như ngây như dại, cái nhìn của Mariuytx làm cho Côdét bối rối run rẩy. Ra về Mariuytx tin tưởng, Côdét lo lắng. Từ đó, hai người yêu nhau.
Thoạt tiên, Côdét cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ nhưng sâu xa. Nàng thấy hình như chỉ một hôm mà tâm hồn nàng đã trở nên u tối, nàng không còn nhận ra nữa. Tâm hồn các cô thiếu nữ lạnh lùng và tươi vui, cái trong trắng của nó cũng như cái trong trắng của tuyết, gặp ái tình là mặt trời thì trong trắng cũng tan.
Côdét không hiểu ái tình là gì cả. Chưa bao giờ, nàng được nghe đọc đến tiếng ấy với cái nghĩa trầ gian của nó. Trong các sách nhạc ngoại đạo đem vào tu viện, ái tình đều được thay bằng tang tình hay quái tinh (Nguyên văn: amour thay bằng tambour, pandour). Thành ra có những câu bí hiểm khêu gợi trí tưởng tượng của các cô lớn tuổi như là: Chao ôi! Tang tình sao mà êm ái thế! Hoặc: thương hại không phải là quái tinh! Nhưng Côdét ra khỏi nhà tu lúc còn nhỏ quá nên chẳng phải bận tâm nhiều vì “cái tang tình” ấy. Bởi thế nàng không biết tên gì để gọi điều mà nàng cảm thấy trong lúc này. Nhưng người ta có vì không biết tên bệnh mà ít đau hơn không?
Nàng yêu mà không biết mình yêu, nên tình yêu lại càng đắm đuối. Nàng không hiểu cái đó tốt hay xấu, có ích hay nguy hiểm, cần thiết hay có hại đến tính mạng, vĩnh viễn hay thoáng qua, được phép hay bị cấm; nàng chỉ biết có yêu. Người ta sẽ làm nàng ngạc nhiên hết sức nếu người ta nói với nàng: cô không ngủ à? Không được đấy nhé! Cô không ăn uống gì cả à? Bậy lắm! Cô thấy khó thở, tim cô hồi hộp à? Có ai như thế đâu! Có bóng người nào bận đồ đen hiện ra ở cuối lối cây xanh thì má cô ửng hồng hay tái mét chứ gì? Thật là tầy trời! Nàng sẽ không hiểu gì và nàng sẽ trả lời: làm thế nào mà lỗi ở tôi được? Việc ấy tôi chẳng biết làm thế nào được, mà tôi cũng có hiểu gì đâu!
Hóa ra thứ tình yêu vừa đến với nàng lại chính là thứ tình yêu thích hợp nhất với tâm trạng nàng bấy giờ. Đó là một thứ sùng bái từ xa, một sự chiêm ngưỡng thầm lặng, đó là sự thần thánh hóa của một con người mình không quen biết. Đó là tuổi trẻ ra mắt với tuổi trẻ, đó là giấc mơ ban đêm trở thành tiểu thuyết nhưng vẫn còn là mơ, đó là bóng ma hằng mơ ước nay đã thành sự thực và hiện thành người bằng xương bằng thịt, nhưng vẫn chưa có tên, chưa có lỗi gì, chưa có tì tích gì, chưa đòi hỏi gì, chưa có khuyết điểm gì; tóm lại, là người yêu xa vời đang còn trong lý tưởng, chẳng khác gì một con người tưởng tượng mà đã có hình dáng rõ rồi. Mọi cuộc gặp gỡ gần gũi hơn, hiển nhiên hơn, trong buổi đầu này, chắc sẽ làm Côdét khó chịu, vì nàng hầu như vẫn còn chìm ngập trong sương mù của nhà tu, nó thường phóng đại mọi sự vật.
Trẻ con sợ gì, nàng cũng sợ, mà những nữ tu sĩ sợ gì nàng cũng sợ, hai thứ trộn lẫn với nhau. Cái tinh thần của tu viện thâm nhiễm vào Côdét trong suốt năm năm, ngày nay hãy còn chầm chậm thoát ra từ con người nàng và bay lên, làm cho mọi vật chung quanh nàng rung động. Trong tình trạng ấy, điều nàng cần không phải là một người tình nhân, cũng không phải là một anh chàng si tình mà là một hình ảnh. Nàng đem lòng thờ phụng Mariuytx như một cái gì xinh đẹp, ngời sáng và cao xa, với không tới.
Sự ngây thơ tột bậc cũng có vẻ như sự lơi lả tột bậc. Nàng mỉm cười với cahngf, ngay thật, không chút e lệ.
Ngày nào nàng cũng nóng ruột chờ cho đến giờ đi chơi. Đi chơi, nàng được gặp mặt Mariuytx và cảm thấy trong lòng sung sướng một cách khó tả. Nàng nói với Giăng VanGiăng: - Cái vườn Luychxămbua này thật là dễ ưa bố nhỉ! Nàng tin rằng như thế là mình đã thành thật nói hết ý nghĩ của mình!
Mariuytx và Côdét, người này đối với người kia như đang ở trong bóng tối. Họ không nói năng với nhau, họ không chào hỏi nhau, họ không biết nhau. Họ vẫn thấy nhau. Và tựa như những vì sao trên trời cách nhau hàng thiên vạn dặm, họ sống bằng cách nhìn nhau.
Cứ như thế, với ý thức mình đẹp và không biết mình yêu, Côdét dần dần phát triển thành một người đàn bà, xinh đẹp, khát khao tình yêu. Lại làm duyên làm dáng một cách ngây thơ.
***
VII - KẺ BUỒN NGƯỜI LẠI Ủ Ê
Ở vào một hoàn cảnh nào người ta cũng được linh cảm mách bảo. Chính thứ linh cảm tự nhiên, lâu đời và muốn năm ấy đã ngầm báo tin cho Giăng VanGiăng sự có mặt của Mariuytx. Trong thâm tâm ông giật mình. Giăng VanGiăng không nhìn thấy gì cả, không hay biết gì cả, nhưng lại nhìn chăm chú và dai dẳng vào bóng tối đang bao trùm ông, chẳng khác gì ông đang cảm thấy ở một bên mình thì có cái gì đang xây dựng còn bên kia thì có cái gì đang sụp đổ. Về phần Mariuytx, theo quy luật thâm thúy của trời đấy, chàng cũng linh cảm Giăng VanGiăng đã biết chuyện mình và tìm hết cách để tránh mặt “ông bố” của người đẹp. Tuy vậy, có lúc Giăng VanGiăng cũng nhìn thấy chàng. Cử chỉ của Mariuytx không còn tự nhiên nữa. Khi thì chàng cẩn thận một cách khả nghi, khi thì chàng lại bạo dạn một cách vụng về. Chàng không đến sát sạt như trước nữa, chàng dừng ở xa và ngồi im, say sưa; chàng cầm một quyển sách, giả vờ đọc vờ với ai nhỉ? Trước kia chàng đến đây với bộ quần áo cũ, bây giờ ngày nào chàng cũng đánh quần áo mới; không biết đích xác là chàng có uốn tóc hay không, nhưng cặp mắt chàng trông buồn cười lắm, tay lại có cả tất nữa; tóm lại, đối với chàng thanh niên này, Giăng VanGiăng thấy thù ghét tận đáy lòng.
Côdét không để bố đoán được điều gì cả. Nàng không biết rõ nàng đang có cái gì trong lòng, nên nàng có cảm giác đó là một cái gì quan trọng phải giấu kỹ.
Giữa cái ham thích làm dáng mà Côdét mới có đây, với cái thói quen diện quần áo mới vừa hiện ra ở người lạ mặt ấy, có cái gì như là một sự sóng đôi với nhau, khiến Giăng VanGiăng lấy làm khó chịu. Ngẫu nhiên chăng. Có lẽ thế, chắc là thế, nhất định là thế, nhưng là một ngẫu nhiên đáng sợ.
Giăng VanGiăng không hề mở miệng nói với Côdét một lời về người lạ mặt ấy. Tuy vậy, một hôm, cầm lòng không được, ông làm như người thất vọng bỗng dưng muốn dò thử nỗi khốn khổ của mình, ông hỏi Côdét: - Cái anh chàng kia sao mà rởm thế!
Giá là năm trước đây, Côdét còn bé dại và vô tư thì nàng đã trả lời: - Đâu phải, anh chàng xinh trai đấy chứ. Hay là mười năm nữa, tỏng lòng nặng tình với Mariuytx, nàng đã đáp “Rởm thật và trông khó ngửi lắm! Bố nói rất phải!” Nhưng với tâm trạng của nàng trong giây phút bấy giờ, nàng chỉ biết đáp lại một cách rất bình tĩnh:
- Anh thanh niên ấy.
Ra vẻ như nàng mới nhìn thấy anh chàng ấy lần đầu tiên trong đời mình.
- Rõ ta mới ngốc làm sao! Giăng VanGiăng nghĩ bụng. Con bé có để ý đến thằng ấy đâu. Mình lại đi chỉ cho nó mới khổ chứ.
Ôi! Chất phác thay người già! Và sâu sắc thay là trẻ con! Đây cũng là một quy luật cảu tuổi trẻ tươi mắt nhưng cũng nhiều đau đớn và lo âu, một quy luật trong sự đấu tranh gay gắt của mối tình đầu chống những trở ngại ban đầu. Người con gái chẳng sa vào cạm bẫy nào, người con trai mắc tất cả cạm bẫy. Giăng VanGiăng đã bắt đầu tiến hành đối với Mariuytx một cuộc chiến tranh ngầm, mà anh chàng ngờ nghệch một cách siêu việt với tầm tình si và lứa tuổi non trẻ của mình có hay biết gì đâu. Giăng VanGiăng đặt bao nhiêu là bẫy để bẫy chàng; ông đổi giờ đi chơi, ông đổi chỗ ngồi, ông bỏ quên khăn tay, ông đến vườn Luychxămbua một mình; Mariuytxcứ đâm đầu vào tròng hết lần này đến lần khác; và đối với tất cả các dấu hỏi mà Giăng VanGiăng cắm trên đường chàng, chàng đều ngây thơ trả lời là có. Nhưng Côdét thì khéo ẩn núp dưới bề ngoài vô tư và dáng bộ bình tĩnh không thay đổi, làm cho Giăng VanGiăng đến phải kết luận: cái thằng ngốc ấy nó chết mê chết mệt con bé, chứ con bé có thèm biết thằng ngốc ấy là ai đâu.
Nói như thế nhưng ông không khỏi thấy lòng run run, đau đớn. Cái ngày mà Côdét biết yêu cũng chỉ là nay mai thôi. Mọi sự chẳng bắt đầu bằng dửng dưng là gì?
Chỉ một lần Côdét hớ một tí mà làm ông đến hoảng hốt. Ngồi chơi đã được ba giờ trọn, ông đứng dậy đi, thì Côdét buột mồm nói:
- Đi rồi à! Nhanh thế!
Giăng VanGiăng không ngắt quãng những cuộc đi chơi ở vườn Luychxămbua, vì ông không muốn làm điều gì trái với lệ thường và nhất là vì ông không muốn làm cho Côdét chú ý. Nhưng trong những giờ phút êm dịu cho cả hai tấm lòng si tình ấy, khi Côdét mỉm cười với anh chàng Mariuytx đang say mê đến nỗi chỉ thấy có nụ cười ấy, chỉ thấy trong trời đất có mỗi gương mặt rạng rỡ đáng yêu ấy, chứ ngoài ra không thấy gì khác nữa, thì Giăng VanGiăng lại chăm chăm nhìn Mariuytx với cặp mắt nẩy lửa, đáng sợ. Ông đã đến chỗ tin rằng mình không còn có thể có một ý nghĩ xấu đối với kẻ khác, thế mà có lúc, khi Mariuytx đang ở trước mặt, ông tưởng mình như trở lại dã man, hung tợn và ông có cảm giác dường như trong tâm hồn mình, những chỗ sâu kín ngày xưa chứa đựng bao nhiêu là căm hờn lại đang hé mở trở ra và đang nhằm chống lại chàng thanh niên ấy. Ông tưởng chừng trong người ông như có nhiều ngọn núi lửa bất ngờ đang hình thành.
Thế nào? Cái thằng ấy hắn ở đâu rồi! Hắn đến đây để làm gì? Để xoay quanh, để đánh hơi, dò xét, ướm thử! Để nói: sao? Sao lại không? Để rình mò quanh cuộc đời ông, rình mò ông! Rình mò quanh hạnh phúc của ông, chực cướp lấy mà mang đi!
Giăng VanGiăng thêm: - Phải, đúng thế! Hắn đến để tìm cái gì? Một trò đùa! Ý hắn muốn gì? Một mối tình chim chuột! Chim với chuột! Còn ta! Trước hết ta sẽ là người khốn nạn nhất, rồi là người đau khổ nhất trong đời; ta đã chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà loài người có thể chịu đựng; ta đã già rồi mặc dù ta chưa hề trẻ; ta đã sống không gia đình, không cha mẹ, không bạn bè, không vợ không con; ta đã để máu trên tất cả những cụm đá, những lùm gai, những trụ mốc, những tường thành; ta đã dịu hiền mặc dù người ta vẫn nhẫn tâm đối với ta, mặc dù người ta vẫn hung ác; bất chấp tất cả ta đã trở thành người lương thiện, ta đã ăn năn những điều ta mắc phải, ta đã tha thứ những điều đau khổ người khác gây cho ta. Thế mà đến lúc ta được ban thưởng, đến lúc mọi sự đau khổ chấm dứt, đến lúc ta sắp đến đích, đến lúc ta nắm được trong tay điều ra mong muốn, rõ ràng là cái ta đã mua được, chinh phục được, thì tất cả sắp bay đi, sắp tiêu tan, ta sẽ mất Côdét, ta sẽ mất đời ta, mất niềm vui của ta, mất linh hồn của ta, chỉ vì lẽ có một thằng ngu ngốc cao hứng đến đi dông đi dài ở vườn Luychxămbua!
Nghĩ đến đó, hai mắt ông long lên một ánh sáng dị kỳ và sâu thẳm. Không còn là một cặp mắt của một con người nhìn một con người, cũng không phải là một kẻ thù nhìn một kẻ thù. Đó là một con chó dữ nhìn một tên ăn trộm.
Việc xảy ra như thế nào, người ta đã biết. Mariuytx vẫn vô tâm ngờ nghệch. Một hôm chàng theo gót Côdét đến phố Uét. Bữa khác, chàng nói chuyện với người gác coonge. Người gác cổng cũng thóc mách với Giăng VanGiăng: - Thưa ông, việc gì lại một anh thanh niên tò mò đến hỏi ông nhỉ? Hôm sau. Giăng VanGiăng nhìn Mariuytx với vẻ nhìn mà Mariuytx cuối cùng phải nhận ra. Tám hôm sau Giăng VanGiăng đổi chỗ ở. Ông thề không bao giờ để chân đến vườn Luychxămbua nữa, cả đến phố Uét cũng vậy. Ông trở về phố Pơluymê.
Côdét không phàn nàn, nàng không nói gì, không hỏi gì, nàng không tìm hiểu một nguyên do nào cả; nàng đã đến thời kỳ sợ người khác đoán được lòng mình và sợ để lộ chuyện riêng. Giăng VanGiăng không hề có kinh nghiệm nào về loại đau khổ ấy, loại đau khổ duy nhất đáng yêu, loại đau khổ duy nhất mà ông chưa hề biết tới; do đó mà ông không sao hiểu được cái ý nghĩa nghiêm trọng trong sự im lặng của Côdét. Ông chỉ nhận thấy nàng buồn và ông cũng âu sầu theo. Đây là sự đương đầu của hai người không từng trải.
Một lần, ông muốn dò xét, hỏi Côdét:
- Con có muốn đi chơi vườn Luychxămbua không?
Một tia sáng làm rạng nét mặt nhợt nhạt của Côdét. Nàng trả lời:
- Vâng.
Hai bố con cùng đi. Đã ba tháng, hôm ấy họ mới trở lại. Mariuytx không còn đến đấy nữa, nên không thấy bóng dáng chàng.
Hôm sau Giăng VanGiăng hỏi lại Côdét:
- Con đi vườn Luychxămbua không?
Nàng trả lời, buồn rầu và dịu dàng:
- Không.
Vẻ buồn rầu ấy làm ông khó chịu và giọng dịu dàng kia khiến ông não nề trong lòng.
Cái gì đã xảy ra trong khối óc non dại như thế mà đã khó hiểu đến thế? Cái gì đang hình thành ngấm ngầm trong ấy? Cái gì đã xảy đến với tâm hồn cô bé kia? Có khi ông không ngủ, cứ ngồi bên cái giường khổ, hai tay ôm đầu, thức suốt đêm với câu hỏi: Côdét đang nghĩ gì? Và lại miên man tìm hiểu mọi thứ Côdét có thể nghĩ đến.
Chao ôi, những lúc ấy, cặp mắt của ông nhìn về hướng nhà tu mới đau khổ làm sao! Nhà tu, cái đỉnh của sự trong sạch, thế giới của thiên thần, cái chóp núi băng cao vút của đạo đức. Ông ngắm nhìn một cách tuyệt vọng nhưng say sưa làm sao cái vườn của nhà tu, ở đấy bao nhiêu hoa không người biết tới, ở đấy bao nhiêu trinh nữ cấm cung, ở đấy mọi hương thơm và mọi linh hồn đều lên thẳng tới thiên đường! Ông quí mến làm sao cái cảnh bồng lai mà ông đã tự nguyện từ bỏ ra đi một cách cuồng dại. Cảnh bồng lai ấy bây giờ đối với ông đã cửa đóng then cài vĩnh viễn rồi! Sao mà ông hối tiếc việc ông đã vô tư và điên cuồng đưa Côdét trở lại xã hội như thế này! Ông, người anh hùng đáng thương của sự hy sinh, ông vừa bị quật ngã chính vì lòng hy sinh của mình! Ông xuýt xoa tự bảo: ta đã làm cái gì thế?
Tuy vậy, mọi sự suy nghĩ này, Côdét không hề hay biết gì hết. Ông không gắt gỏng, cau có bao giờ. Luôn luôn gương mặt ông sáng và hiền hậu. Cử chỉ của ông lại có cái dịu dàng của người làm cha hơn bao giờ hết. Chỉ một điều có thể làm cho Côdét đoán ông ít vui là ông càng độ lượng hơn trước.
Phần Côdét, nàng mỗi ngày một u sầu. Nàng buồn rầu vì vắng bóng Mariuytx, cũng chẳng khác gì trước kia nàng sung sướng được thấy chàng, buồn rầu và sung sướng một cách khác thường, đến nàng cũng không hiểu rõ. Khi Giăng VanGiăng thôi không đưa nàng đi chơi như thường lệ nữa, thì trong thâm tâm nàng hình như mơ hồ có thứ linh tính đàn bà bảo nhỏ nàng không nên làm ra vẻ bận tâm về cái vườn Luychxămbua và nếu nàng tỏ ra vẻ thờ ơ thì bố nàng sẽ dắt nàng trở lại đấy. Nhưng ngày qua rồi lại tháng qua, Giăng VanGiăng mặc nhiên chấp nhận sự thuận tình âm thầm của Côdét. Nàng hối tiếc, nhưng chậm mất rồi. Hôm nàng trở lại, chàng đã mất tăm, thế là hết, biết làm thế nào? Chẳng bao giờ nàng còn gặp lại chàng nữa hay sao? Nàng thấy lòng đau như thắt và mỗi ngày mỗi xót xa thêm. Nàng không còn biết là đang mùa đông hay đã sang mùa hạ, trời nắng hay trời đang mưa; nàng không nghe tiếng chim ca, không biết đang mùa thược dược hay bạch cúc, vườn Luychxămbua có đẹp hơn lâu đài Tuylơri không; quần áo thợ vừa đem đến hồ có vừa hay không, bà Tútxanh đi chợ mua sắm có đúng mức không, nàng cũng không hề biết. Và nàng khổ sở, đăm chiêu, chỉ chăm chăm theo đuổi một ý nghĩ trong óc, cặp mắt mơ màng, nhìn thẳng như ban đêm người ta nhìn vào chỗ đen sâu thẳm, theo vết cái bóng ma vừa biến đi.
Tuy vậy, nàng cũng không để cho Giăng VanGiăng thấy gì khác ngoài vẻ tái nhợt trên mặt mình. Nàng vẫn giữ vẻ mặt dịu dàng như trước đối với “bố”.
Gương mặt nhợt nhạt ấy đủ làm cho ông lo lắng quá đi rồi. Đôi lúc ông hỏi:
- Con sao vậy?
Nàng đáp:
- Không sao cả ạ.
Và sau một phút lặng thinh, đoán biết oogn cũng buồn, nàng tiếp:
- Còn bố, bố có sao không ạ?
- Bố à? Chẳng sao cả, ông trả lời.
Thế là hai con người ấy, trước họ chỉ biết có nhau, họ chỉ biết có thương yêu nhau, họ đã sống rất lâu người kia trong người nọ, ngày nay họ vẫn ở bên cạnh nhau nhưng mỗi người ôm một nỗi đau đớn riêng biệt, người này đau vì người kia, nhưng vẫn không nói ra với nhau, vẫn không giận hờn gì nhau và vẫn tươi cười với nhau.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 3 - Chương 8

XIỀNG XÍCH

Trong hai người, Giăng VanGiăng khổ hơn cả. Tuổi trẻ ngay những lúc buồn, cũng có một thứ ánh rạng rỡ riêng của nó.
Đau khổ có cái đặc điểm làm cho khía cạnh trẻ con ở con người sống trở lại. Giăng VanGiăng có những lúc đau hổ quá đỗi cũng hóa ra ngây thơ. Ông cảm thấy một cách mãnh liệt Côdét đang xa rời ông. Ông những muốn kháng cự, giữ nàng lại, làm cho nàng phấn khởi bằng cái gì thật rực rỡ, thật hình thức. Những ý nghĩ ngây thơ và cũng là ý nghĩ già nua ấy, như chúng tôi vừa nói, chính nó trẻ con nên lại giúp ông có một ý niệm khá chính xác về ảnh hưởng của các thứ huy hoàng diêm dúa đối với trí tưởng tượng bọn thiếu nữ. Một lần ông thấy một vị đại tướng nhung phục đại lễ cưỡi ngựa đi qua ngoài phố; đó là bá tước Cuta, tư lệnh Paris. Ông sinh lòng thèm muốn như con người đỏ ối vàng ấy và nghĩ bụng giá được toàn bộ nhung phục như thế thì sướng biết chừng nào! Bộ nhung phục thế ia thì ai phủ nhận được, Côdét mà nhìn thấy là phải lóa mắt ngay, rồi khi ông khoác tay Côdét đi qua trước điện Tuylơri, thấy binh lính bồng súng chào, thì nhất định bấy nhiêu đó đủ làm Côdét vừa lòng rồi, không còn muốn ngó bọn trai trẻ làm gì nữa.
Một rung chuyển bất ngờ thình lình đến xen vào những ý nghĩ buồn rầu ấy.
Từ ngày đến ở phố Pơluymê, trong cuộc sống cô độc của họ, họ có một thói quen. Thỉnh thoảng hai bố con có cái thú dắt nhau đi xem mặt trời mọc. Kể cũng là một thú vui nhẹ nhàng vừa hợp cho kẻ mới vào đời vừa hợp cho người sắp từ giã cuộc sống.
Ai thích cô tịch, thì đi dạo buổi sớm tinh sương cũng như đi dạo ban đêm, chỉ khác là nó thêm quang cảnh vui tươi của tạo vật. Đường xá vắng tanh, chim chóc ca hát. Côdét cũng là một con chim, nàng rất vui lòng dậy sớm. Hôm nào đi chơi như thế thì hôm trước đã sắp đặt sẵn. Ông đề nghị và nàng nhận lời. Công việc thu xếp như là một cuộc âm mưu chính trị. Trời còn mờ mờ, hai bố con đã ra khỏi nhà. Bao nhiêu việc xảy ra đều là bấy nhiêu mối vui nho nhỏ của Côdét. Những trò là lạ vô hại ấy vẫn làm tuổi trẻ thích thú.
Bạn đọc biết đấy, cái thiên hướng của Giăng VanGiăng là tìm đến những nơi vắng người, những chỗ cô tịch, những chốn lãng quên. Gần các cửa ô Paris bấy giờ có những vùng đất cằn, nửa tỉnh, nửa quê. Mùa hè lúa xấu, sang thu, mùa màng thu hoạch xong, ruộng đồng không có vẻ gì được gặt hái mà như là bị vặt lông. Giăng VanGiăng đặc biệt thích những nơi đó. Mà Côdét cũng chả lấy thế làm buồn.
Đến đây ông được tĩnh mịch, còn nàng thì được tự do. Nàng thấy mình bé trở lại, nàng chạy nhảy, gần như đùa nghịch, bỏ mũ ra đặt trên đầu gối bố, đi hái hoa bó lại thành bó. Nàng nhìn bướm vờn hoa, nhưng không bắt: ái tình nảy nở thì đồng thời tính dịu dàng, lòng độ lượng cũng phát sinh. Cô thiếu nữ đang ấp ủ một lý tưởng lung linh, mỏng manh, đem lòng thương hại những cánh bướm non. Nàng lấy hoa mào gà tết thành dải quấn lên đầu. Mặt trời thấm vào, xuyên qua vành hoa, màu đỏ càng rực lên như ánh lửa chói lòa, làm cho khuôn mặt hồng tươi của nàng ửng đỏ lên như có một vành than lửa bao quanh.
Cái thói quen dạo chơi buổi sáng ấy ngay khi họ đã có những nỗi buồn bã, hai bố con vẫn giữ như cũ.
Một buổi sáng tháng mười năm 1831, tiết thu trong suốt như khêu gợi, hai bố con lại ra đi. Mờ mờ sáng đã đến gần cửa Ô Men. Trời chưa rạng đông chỉ mới tang tảng, giờ phút nghiêm trang và thật thanh thú. Trên nền trời xanh nhạt và sâu thẳm còn lác đác một vài chòm sao, mặt đất tối om, trên cao sáng trắng, cỏ run rẩy cựa mình, nơi nơi đều như đang rung động, cái rung động huyền bí của bình minh. Một con sơn ca ở đâu trên cao xa tít như lẫn lộn vào các vì sao, cất tiếng hót véo von. Lời ca ngợi của bé nỏng gửi cho vô cùng ấy, người ta có cảm tưởng là nó làm cho không gian vô tận lắng dịu đi. Về phía đông, nhà thờ Vađơgơrát in hình lên chân trời đang rạng màu thép, thành một khối đen mờ. Sao mai rực rỡ hiện lên phía sau chóp nhà thờ, tựa hồ một linh hồn đang thoát khỏi chốn lâu đài tối tăm.
Yên tĩnh và vắng lặng. Trên đường không một bóng người. Bên này bên kia, ở các ngõ trũng, thấp thoáng vài bóng thợ thuyền đi làm việc về.
Giăng VanGiăng ngồi trên đống gỗ ở lối đi trước cửa một công trường. Ông quay mặt ra đường, xây lưng về phía ánh sáng, ông quên mặt trời mọc, ông đang suy nghĩ trầm ngâm. Trí óc những lúc trầm ngâm như thế hết sức tập trung, làm cho con mắt cũng bị giam hãm như giữa bốn bức tường. Có những phút trầm tư có thể nói là trượt thẳng; khi đã ở tận đáy thì phải có thời gian mới trở lại mặt đất được. Giăng VanGiăng đang ở vào những phút trầm tư như thế. Ông nghĩ đến Côdét, đến cái hạnh phúc ông có thể hưởng được nếu không có gì xen vào giữa ông và nàng. Ông nghĩ đến cái ánh sáng từ nàng tỏa trùm lên đời ông, ánh sáng ấy là hơi thở của tâm hồn ông. Và ông thấy trong lòng gần như vui sướng. Côdét đứng bên cạnh, đưa mắt nhìn các đám mây đang dần dần ửng hồng.
Bỗng Côdét kêu lên: - Này bố, hình như có người đến từ đàng kia kìa.
Giăng VanGiăng ngước mắt lên nhìn.
Côdét nói đúng.
Phố Xevrơ kéo dài cho đến cửa ô Menơ cũ và căt vuông góc một đại lộ nội thành. Từ chỗ hai con đường gặp nhau đó phát ra một thứ tiếng ồn ào khó đoán được vào giờ này và lờ mờ như có đám đông dồn lại. Một cái gì không có hình thù đang từ đại lộ kéo vào phố Xevrơ.
Vật đó lớn dần, có vẻ như di chuyển có trật tự, nhưng vẫn có cái gì lởm chởm và run rẩy. Hình như là một chiếc xe, nhưng không thấy rõ xe chở gì. Có ngựa, có bánh xe, có tiếng kêu, có tiếng roi vun vút. Dần dần một vài nét trên vật kia được cố định, mặc dù đang còn chìm trong bóng tối. Quả nhiên là một chiếc xe từ đường cái lớn vừa quay mũi về phía đường phố và đang đi về ngõ ô, gần chỗ Giăng VanGiăng ngồi. Một chiếc thứ hai hình thù tương tự đi liền theo sau, rồi một chiếc thứ ba, một chiếc thứ tư, bảy chiếc xe kéo ra liên tiếp, đuôi xe trước sát vào đầu ngựa xe sau. Trên xe có bóng người cử động. Nhiều tia lửa lấp lánh trong bóng bình minh tựa hồ như có gươm tuốt trần, có tiếng loảng xoảng của xích xiềng khua động. Cả đoàn tiến lên, tiếng người rõ dần, nhìn rõ ra là cảnh tượng đáng ghê sợ như vừa thoát ra từ hang hố cõi chiêm bao.
Vật ấy đến gần thì hình thù hiện mập mờ sau hàng cây, nhợt nhạt như bóng ma. Cái khổi ấy trắng dần ra. Ánh sáng mặt trời đang lên dần soi nhờ nhờ cái đám lúc nhúc nửa như chết nửa như sống đó, khiến cho những cái đầu trên các bóng mờ hiện thành những mặt người chết. Cảnh tượng nhìn thấy như thế này.
Bảy chiếc xe nối nhau trên đường phố. Sáu chiếc đi đầu có một cấu tạo kỳ dị. Nó giống cái xe ba gác của thợ đóng thùng; có vẻ là những cái thang dài đặt trên hai bánh, đầu trước dùng làm càng xe. Mỗi xe ba gác, nói đúng hơn, mỗi cái thang như thế có bốn con ngựa thắng thành hàng một, con trước nối con sau. Từng chùm người lạ lùng được chở đi trên những cái thang ấy. Ánh sáng nhờ nhờ không trông thấy họ rõ, nhưng đoán được. Mỗi xe hai mươi bốn người, mỗi bên mười hai, dựa lưng vào nhau, quay mặt ra đường, chân buông thõng. Cứ thế xe mang họ đi. Sau lưng họ lại có cái gì loảng xoảng: đó là cái dây xích; trên cổ họ có cái gì loang loáng, đó là cái gông cổ. Gông cổ thì mỗi người mỗi cái nhưng dây xích thì chung tất cả. Như thế, nếu phải xuống xe đi bộ, thì hai mươi bốn người kia đều bị dính chặt vào nhau thành một khối khắc nghiệt, đi quanh co trên mặt đất, với hai dây xích làm xương sống gần như là con cuốn chiếu. Hai người mang súng đứng đàng trước và đàng sau mỗi, chân dận lên đầu mối của cái dây xích. Gông cổ đều hình vuông. Chiếc xe thứ bảy, một thứ xe chở hàng, có thành, nhưng không mui, bốn bánh và ngựa kéo, thì chở một đống loảng xoảng nào xúp de sắt, nào nồi gang, nào hỏa lò, nào dây xích, lẫn lộn với mấy người bị trói, đặt nằm ngang, tuồng như đang ốm. Thành xe bằng phên liếp đã gãy nát, trống hở cả bốn bề, các tấm liếp này hình như được dùng để phạt nhục hình các tội nhân ngày xưa.
Đoàn xe đi ở giữa đường. Mỗi bên có hai hàng rào lính coi ngục đi kèm, dáng người như lũ trời đánh, nhem nhuốc, thủng rách, tồi tàn! Chúng đội mũ ba góc như lính thời đốc chính, đánh bộ áo thương binh, cái quần âm công màu nửa xám nửa xanh và gần như tơi tả. Thêm vào những thứ ấy còn có cầu vai đỏ, dây đeo súng vàng, kiếm, súng, gậy. Rõ là một lũ lính tráng thô bỉ. Trông vào những tên cảnh lính ấy như thấy cái hèn hạ của kẻ ăn mày trộn lẫn với cái uy quyền của tên đao phủ. Cái tên có vẻ là sếp trong bọn lăm le trên tay một cái roi dài. Tất cả các chi tiết ấy ban đầu còn lờ mờ trong bình minh, dần dần hiện rõ trong ánh sáng mỗi lúc một tỏ thêm. Mấy tên sen đầm dáng nghiêm trang, gươm tuốt sẵn, cưỡi ngựa đi đầu và cuối đoàn.
Đoàn xe dài đến nỗi xe đầu đã đến cửa ô mà xe cuối mới vừa ra khỏi đại lộ.
Như thường thấy ở Paris, một đám đông người không biết từ đâu ra, tập hợp lại trong nháy mắt, chen nhau đứng chật hai bên đường, trố mắt nhìn. Ở các ngõ hẻm gần đấy lại nghe tiếng người gọi nhau, tiếng guốc của hàng rau đổ ra xem.
Bọn người chồng chất trên xe làm thinh mặc cho xe lắc lư, xộc xạch. Buổi sớm lạnh, cả bọn mặt mày xám ngắt. Họ đều bận quần vải, chân không tất, đi guốc. Còn áo mũ thì mang cái vẻ kỳ khôi của nghèo hèn, gặp gì vơ nấy, vừa gớm ghiếc vừa lủng củng. Mũ dạ thủng, mũ lưỡi trai sơn hắc ín, mũ nồi bằng len tồi tàn, bên cạnh cái bơlu bằng vải là cái áo len rách khuỷu; nhiều người đội cả mũ đàn bà; có kẻ lại đội cái thúng; nhiều kẻ để hở ngực, lông lá xồm xoàm, quần áo rách để lòi ra những nét trở chàm, nào là đền thờ ái tình, nào là quả tim bốc lửa, nào là thần tình ái. Có cả những vết ghẻ lở, những mụn đỏ khả nghi. Đôi ba người có cuộn dây rơm cột vào thành xe, bỏ lòng thòng xuống dưới như những chân đâng để họ đặt chân lên đấy. Một người trong bọn họ càm đưa lên miệng gặm một cái gì có vẻ như là một hòn đá màu đen, té ra anh ta ăn bánh mì. Mắt họ đều khô khan lờ đờ hoặc ngầu lên một ánh sáng không trong sạch. Toán lính hộ vệ càu nhàu, bọn người bị xiềng im ắng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng gậy đánh bốp vào cả vai, vào đầu. Một đôi người ngáp dài, quần áo xác xơ trông ghê sợ; chân bỏ thõng, vai lắc lư; đầu họ va vào nhau, dây xích dây xiềng kêu loảng xoảng, mắt sáng quắc một cách dữ tợn, bàn tay nắm lại, hoặc mở ra, cứng đờ như bàn tay người chết. Một đám trẻ con theo sau phá lên cười.
Cái đoàn ấy dù là đoàn gì trông cũng thê thảm. Hiển nhiên là ngày mai, hoặc chốc nữa, trời có thể đổ cơn mưa rào, cơn này tiếp cơn khác, rồi cơn khác nữa. Quần áo rách rưới kia sẽ ướt đầm và đã ướt, đã lạnh cóng, thì những con người kia chắc không còn bao giờ khô nữa, không còn bao giờ sưởi ấm lại được nữa. Thứ quần vải kia sẽ dính nát vào xương, guốc kia sẽ đầy nước mưa. Roi vọt vun vút cũng không sao làm cho hai hàm răng họ không và vào nhau cầm cập. Dây xích thì cứ luôn luôn giữ lấy cổ họ. Chân họ sẽ luôn luôn cứ phải bỏ thõng. Và khi thấy những con người ấy bị xiềng xích, chỉ một bề ngửa cổ mà chịu với trời thu lạnh giá, phó mặc cho mưa, cho gió, cho sấm, cho sét như loài cỏ, loài đá, thì thực lòng nào mà làm ngơ cho đành.
Ngay những kẻ ốm đau trói nằm không nhúc nhích trên cỗ xe thứ bảy chẳng khác gì những bao tải chứa đầy khốn khổ người ta vứt trên đó, cây gậy trên tay bọn lính cũng không chịu tha.
Bỗng nhiên, mặt trời lộ ra. Ánh sáng từ phương đông phụt lên, lan tràn mênh mông. Có cảm tưởng như nó vừa châm lửa vào những cái đầu hung tợn kia. Bây giờ họ mới mở mồm. Tiếng cười khảy, tiếng chửi rủa, tiếng hát đột nhiên nổ ra như một đám cháy. Ánh sáng chiếu ngang cắt đoàn người làm hai: đầu người, thân người thì sáng rực lên; nhưng chân người và bánh xe thì hãy còn trong bóng tối. Nét mặt mọi người bỗng có tinh thần. Thật là một phút đáng sợ; những tên quỷ cứ hiện nguyên hình, những linh hồn hung tợn trần truồng vừa hiện ra. Có ánh sáng soi rõ mà dám người ấy vẫn tăm tối. Một đôi người tinh nghịch, miệng ngậm cái ống lông chim, nhằm mấy ả đàn bà trong đám người xem đứng dưới đường mà thổi phụt vào họ những chấy cùng rận. Ánh sáng mai hồng, bóng tối đen thẫm, hai cái chọi nhau làm nổi bật những hình thù thảm hại kia. Không một người nào không thành dị hình dị tướng bởi quá ư khổ sở. Thật là quái lạ đến nỗi có cảm tưởng là họ đã biến đổi ánh sáng mặt trời ra ánh lóe của tia chớp. Bọn người trong xe đi đầu cất tiếng hát nghêu ngao, vang lừng một khúc hát có tiếng thời bấy giờ; giọng hát vừa tươi vui vừa ngớ ngẩn; cây cối rùng mình thê thiết; trong các ngõ gần, mấy anh thị dân lắng nghe khúc hát khôi hài từ cửa miệng bóng ma, vẻ mặt khoái trá một cách đần độn.
Mọi thứ cùng khốn đều lộn tùng phèo trong đám người này. Ở đây có đủ góc mặt của thú vật, có ông già, có thiếu niên, có những trán hói, những chòm râu nửa trắng nửa đen. Ở đây có những cái quái dị chó đểu, những cái nén lòng hậm hực, những cái nhếch mép man rợ, những cử chỉ vô ý thức, những loại đầu thiếu nữ tóc xoắn khu ốc hai bên thái dương, những nét mặt trẻ con, do đó càng ghê tởm, những bộ mặt gầy gò như mặt bộ xương có điều là chưa chết. Trên xe đi đầu có một người da đen, có lẽ trước là nô lệ, người ấy có thể so sánh hai thứ dây xiềng. Cái mức đáng sợ dưới đáy tâm hồn, là sự hổ thẹn, đã đi qua trên các vầng trán ấy; sa đọa đến mức đó thì trong con người họ có chỗ nào sâu kín nhất mà không bị biến chất một cách xấu xa nhất! Và sự dốt nát biến thành ngớ ngẩn cũng sánh được với cái thông minh biến thành thất vọng. Giữa những người mà ai nhìn vào cũng phải công nhận là cô đúc của bùn lầy, thì còn biết thế nào mà lựa chọn? Hiển nhiên là cái tên nào đó sắp đặt cho cuộc diễu hành bẩn thỉu này, đã không sắp xếp thứ tự cho những người ấy. Họ bị xích vào dây, người này cặp đôi với người kia, có lẽ theo cái lộn xộn của thứ tự a, b và bị chất bừa bãi lên xe. Tuy nhiên, một mớ ghê tởm góp lại bao giờ cũng tạo ra một kết lực gì; cộng nhiều kẻ khốn khó lại cũng thành một tổng số. Do đó mà mỗi sợi dây xích đều có một linh hồn chung và mỗi xe người lại có một bộ mặt riêng. Bên cạnh cái xe ca hát lại có cái xe khác gầm thét, cái thứ ba ngửa tay ăn mày; có cái nghiến răng, có cái đe dọa người qua đường, có cái thì gọi Trời mà nguyền rủa, cái sau cùng im lìm như ngôi mộ. Nhìn vào đấy chắc văn hào Đăngtơ sẽ tưởng thấy bảy vòng địa ngục đang kéo đi.
Một tên lính cầm cây gậy đầu có móc, chốc chốc lại ra dáng đảo trộn các đống rác người ấy. Một bà cụ già trong đám người đứng xem giơ tay trỏ những người trong xe cho một thằng bé lên năm, bảo: ranh con, nhìn kia kìa, có sáng mắt ra không! Trong khi đó tiếng hát, tiếng chửi rủa ngày càng to. Cái tên có vẻ là chỉ huy vút mạnh roi một cái ra hiệu, tức là gậy gộc vụt ào ào bất sá bất kể, tựa hồ như mưa đá trút xuống bảy xe người. Nhiều kẻ gầm lên, giận dữ. Lũ trẻ chạy đến xem thấy thế càng vui gấp bội, chẳng khác gì một đàn ruồi bám vào các mụn lở.
Hai mắt Giăng VanGiăng trở nên dữ tợn. Không còn là cặp mắt thường nữa, những hạt nhãn nữa; nó đã thành thứ kính sâu thẳm thay thế cho cái nhìn ở một số người khốn khó, nó có vẻ như không còn nhìn nhận ra được thực tế nữa, mà lại phản chiếu sáng ngời bao nhiêu là khủng khiếp, bao nhiêu là tai họa. Cặp mắt ấy không nhìn một cảnh tượng thực tế, nó bị lôi cuốn theo một ảo ảnh. Giăng VanGiăng muốn đứng dậy, bỏ chạy trốn đi, nhưng chân không nhúc nhích nổi. Nhiều khi những điều ta trông thấy làm ta xúc động và như tóm lấy ta. Ông ngồi im như đóng đanh, như hóa thành đá, ngơ ngác. Trong lòng ông như đang có một cơn hãi hùng mơ hồ, khó tả. Qua nỗi hãi hùng ông tự hỏi cái cảnh trừng phạt của âm ty kia là nghĩa lý gì, từ đâu lại hiện ra cái hình ảnh ma quỷ ấy nó đeo đuổi ông như thế? Thình lình ông đưa tay lên trán, cử chỉ quen thuộc của người ta khi đột nhiên nhớ lại điều gì. Ông nhớ lại đích cái hành trình ấy, đích cái khúc ngoặt lệ thường phải rẽ qua để tránh việc có thể gặp xa giá nhà vua trên con đường Phôngtênơbơlô; đúng là ba mươi lăm năm về trước, ông đã đi qua cửa ô này.
Côdét thì hoảng hốt một cách khác nhưng không thua gì bố! Nàng không hiểu gì cả, nàng cảm thấy như ngạt thở, những điều nàng thấy nàng cho là không thể nào lại có được. Cuối cùng nàng kêu lên:
- Bố ơi! Cái gì trong cái xe ấy bố?
Giăng VanGiăng đáp:
- Tù khổ sai.
- Họ đi đâu thế?
- Đi phục dịch chiến thuyền.
Lúc ấy, gậy gộc ở hàng trăm cánh tay giáng xuống càng hăng, bản gươm lại bồi thêm vào, thành một trận roi vọt điên cuồng. Bọn tù khổ sai cúi đầu, một sự khuất phục gớm ghiếc như toát ra từ trận nhục hình. Cả bọn âm thầm với con mắt của lũ chó sói bị xiềng xích. Côdét chân tay run lẩy bẩy, hỏi tiếp:
- Bố ơi, họ có còn là người không bố?
Con người khốn khổ trả lời:
- Cũng đôi khi.
Quả thật đó là đoàn tù ra đi từ Bixét lúc trời chưa sáng, đang đi theo con đường đến Măngxơ để khỏi phải qua Phôngtênơbơlô, nơi vua ở. Đi vòng quanh như thế làm cho cuộc hành trình ghê rợn ấy kéo dài thêm ba hay bốn hôm; nhưng để cho nhà vua khỏi phải lấy một cảnh nhục hình, người ta có thể kéo dài cái nhục hình ấy lắm chứ!
Giăng VanGiăng trở về nhà trong người mệt lử. Những cuộc gặp gỡ như thế là những vố thình lình và cái kỷ niệm nó còn để lại giống như một rung chuyển tận gốc.
Tuy vậy, trên đường về phố Babilôn, Giăng VanGiăng nhận thấy Côdét không hỏi ông câu nào nữa về cái cảnh hai bố con vừa mới thấy xong. Có lẽ vì ông bận về niềm riêng nặng trĩu tâm hồn, nên không nghe được lời nàng để trả lời chăng. Duy buổi tối, khi Côdét rời ông để đi ngủ, ông nghe thấy nàng lẩm bẩm như nói một mình:- Ta có cảm tưởng là nếu gặp một người như thế trên đường đi thì chỉ nhìn gần là đủ đến chết mất rồi.
May đâu, hôm sau cái hôm bi đát ấy, tình cờ lại gặp dịp lễ lạc gì của Nhà nước, người ta có tổ chức hội hè ở Paris, duyệt binh ở quảng trường Săngđơmác, đấu côn trên thuyền ở sông Xen, hát xướng ở Săngêliđê, bắn pháo hoa ở quảng trường Êtoalơ, treo đèn khắp nơi. Vượt các thói quen của mình, Giăng VanGiăng đưa Côdét đi xem các trò vui ấy để nàng xao lãng cái kỷ niệm hôm trước và lấy sự ồn ào vui nhộn của Paris xóa mờ cái cảnh tượng ghê tởm đã diễu qua trước mắt nàng hôm nọ. Cuộc duyệt binh làm cho ngày lễ thêm màu mè, là dịp cho các thứ quân phục đi lại một cách tự nhiên. Giăng VanGiăng khoác bộ binh phục quốc dân quân, trong lòng vẫn có cái ý nghĩ mơ hồ của con người muốn lẩn trốn. Dù sao, cuộc dạo chơi chừng như đã đạt được mục đích. Côdét đã đặt cho mình cái nhiệm vụ phải chiều lòng bố, lại vốn thấy cảnh gì cũng cho là mới nên đã nhận lời đi giải trí cùng bó với cái vui vẻ dễ dãi và nhẹ nhàng của tuổi thiếu niên, chứ không bĩu môi một cách quá ư khinh khỉnh trước cái món vui mà người ta gọi là ngày hội công cộng. Giăng VanGiăng nghĩ là đã thành công, cái hình ảnh ghê tởm hôm trước không còn dấu vết nào trong óc nàng nữa.
Ít hôm sau, một buổi sáng, trời nắng tốt, hai bố con đều ở trước thềm, chỗ bước ra vườn. Đó cũng là một vi phạm khác đối với các nguyên tắc là đã đặt ra cho mình. Cũng là ngược lại cái thói quen ở lì trong phòng mà Côdét vì buồn đã tập thành. Hôm ấy Côdét mặc cái áo choàng nhẹ; thứ áo bận vào giờ tinh khôi trong ngày, sao mà nó bao bọc thân hình các cô thiếu nữ một cách đáng yêu như vậy, có vẻ như là mây lấp mặt trăng. Côdét đêm qua ngủ ngon, sáng nay nét mặt hồng hào; ánh sáng bao trùm đầu cổ nàng, nàng thong thả rứt từng cánh hoa bạch cúc. Ông già Giăng VanGiăng cảm động nhìn nàng với con mắt âu yếm. Côdét không hề biết cái huyền thoại bói hoa nên thơ: Ta yêu em, yêu chút ít, yêu say đắm…; có ai bảo cho nàng đâu? Nàng rứt đóa hoa hồn nhiên, ngây thơ, có ngờ đâu rằng rứt một cánh hoa bạch cúc là bóc trần một quả tim. Nếu có nàng Tiên Duyên dáng tên là Man Mác thì Côdét trong lúc tươi cười hẳn là nàng tiên ấy… Trong cái rạng rỡ từ người nàng tỏa ra, ông quên tất cả, mê mẩn đứng ngắm mấy ngón tay xinh xắn mân mê đóa hoa. Một con chim đỏ ức nỉ non trong bụi cây gần. Nhiều đám mây trắng lướt ngang trời hớn hở như vừa được trả lại tự do. Côdét cứ vẫn chăm chú ngắt đóa hoa; nàng có vẻ như đang suy nghĩ chuyện gì; và cái đó chắc là dễ thương lắm. Bỗng dưng nàng ngoái cổ lại, thong thả, thanh tao như cử chỉ một con thiên nga. Nàng nói với Giăng VanGiăng: bố ạ, phục dịch chiến thuyền là gì hả bố?


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - Quyển 4 - NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP

Chương I + II

LỞ Ở NGOÀI, LÀNH Ở TRONG

Cuộc đời hai người cứ thế ngày một buồn thêm.
Chỉ còn một việc trước kia làm cho họ thấy sung sướng mà nay chỉ đủ làm cho họ khuây khỏa là đem bánh đến cho những kẻ đói và đem quần áo đến cho những người rét. Những lần đi thăm như thế, Côdét thường đi theo Giăng VanGiăng, hai bố con tìm lại được đôi chút sự cởi mở tình cảm ngày xưa; và thỉnh thoảng, nếu ngày hành thiện có kết quả, trong ngày có nhiều hoạn nạn được cứu giúp, nhiều trẻ con được sưởi ấm, được tươi tỉnh lại, thì tối về, Côdét có vui lên đôi chút. Chính vào dạo ấy hai người đến thăm cái ổ Giôngđơret.
Sau hôm đến thăm ấy, sáng sớm Giăng VanGiăng bước vào nhà, vẻ mặt bình tĩnh như thường lệ, nhưng tay trái có một vết thương to, đã đỏ bừng, trông rất độc, vết thương có vẻ như một vết bỏng, hỏi ông thì ông đáp vớ vẩn. Vết thương ấy làm cho ông sốt phải ở nhà hơn tháng trời, ông không muốn gọi thầy thuốc nào cả. Khi Côdét giục, ông bảo: mời thầy chữa chó.
Ngày hai buổi Côdét băng bó cho ông. Nàng có vẻ một nàng tiên và nàng sung sướng chân thành vì thấy mình giúp ích được cho bố. Nhìn nàng, Giăng VanGiăng cảm thấy như tất cả nỗi vui xưa đều trở lại, mọi sự lo sợ băn khoăn đều tan biến cả; ông ngắm Côdét và nói: chao ôi, vết thương mới hay làm sao! Cái đau mới dễ chịu làm sao!
Côdét thấy bố ốm cũng bỏ nhà trên, trở lại với thích thú được xuống ở túp nhà nhỏ và sân sau. Suốt ngày nàng ở bên cạnh bố và đọc ông nghe các thứ sách ông thích. Phần nhiều là sách du ký. Giăng VanGiăng như sống lại dần dần; hạnh phúc của ông hồi phục với những tia sáng vô cùng rực rỡ, vườn Luychxămbua, anh chàng vô danh hay lân la bên cạnh hai bố con ông, vẻ lạnh lùng của Côdét, tất cả những đám mây mù ấy lâu nay làm vẩn đục tâm hồn ông như biến dần đi hết. Đến nỗi ông tự bảo nó chỉ là những điều ông tưởng tượng ra cả và ông quả là anh già điên rồ.
Ông sung sướng đến nỗi cuộc gặp gỡ với gia đình Tênacđiê trong cái ổ Giôngđơret bất ngờ và kinh tởm như thế mà ông coi như là chuyện thoảng qua. Ông đã thoát thân được, bọn ấy cũng không theo nổi dấu vết của ông, thế là đủ, còn gì nữa thì mặc kệ, có can gì đến ông! Ông chỉ nghĩ đến bọn khốn nạn ấy để thương hại nó thôi. Bây giờ thì bọn chúng nó đã nằm trong lao rồi, không còn khả năng hại người nữa, nhưng kể cũng tội, gia đình chúng khốn đốn quá đi mất!
Còn cái cảnh ghê rợn nhìn thấy ở cửa ô Men thì Côdét không nhắc lại nữa.
Ở nhà tu, bà xơ Métinđơ có dạy cho Côdét học âm nhạc. Côdét có giọng hát như giọng sáo. Thỉnh thoảng buổi tối, trong gian nhà nghèo nàn của ông bố đang ốm, nàng cất giọng hát nhiều bài hát buồn buồn làm cho ông vui thích. Mùa xuân đến. Cảnh vườn vào tiết xuân rất đẹp khiến ông phải bảo Côdét:
- Con chả bao giờ dạo vườn nhỉ, bố muốn con đi dạo chơi trong vườn đấy.
Và, để vâng lời bố, nàng trở lại dạo chơi trong vườn nhà, nhưng thường là chỉ đi một mình, còn Giăng VanGiăng thì có lẽ vì sợ ở ngoài hàng rào người ta trông thấy, nên không bao giờ bước chân đến đấy.
Vết thương của Giăng VanGiăng làm cho Côdét tạm thời xao nhãng niềm riêng của mình.
Thấy vết thương khỏi dần, bố đỡ đau và lộ vẻ sung sướng, trong lòng nàng nhóm lên niềm vui êm nhẹ và hồn nhiên đến nỗi nàng không nhận ra. Rồi thì tháng ba đến, ngày dài ra, mùa đông đang qua. Đông qua không khỏi cuốn theo một ít buồn rầu của lòng người. Tháng tư lại đến, tháng tư bình minh của mùa hạ, tươi mát như mọi buổi bình minh, vui tươi như mọi tuổi trẻ thơ và thỉnh thoảng cũng nước mắt đầm đìa như đứa bé sơ sinh. Tháng ấy là tháng mà ánh sáng mỹ miều của thiên nhiên như từ trời mây, cây cỏ chan hòa vào lòng người.
Côdét còn trẻ quá, nàng vui như tiết xuân vui, lòng nàng không sao dửng dưng được trước cảnh tạo vật tưng bừng. Bao nhiêu đen tối trong trí nàng đã lặng lẽ bay đi lúc nào nàng không biết nữa.
Mùa xuân những tấm lòng ủ dột sáng ra cũng như giữa trưa, các hầm nhà sáng tỏ. Côdét đã không còn buồn nhiều nữa. Buổi sáng, vào quãng mười giờ, sau bữa cơm, những khi nàng tìm được cách kéo bố ra ngoài vườn, nâng cánh tay đau cho bố đi dạo sưởi ấm trước thềm độ mươi lăm phút, nàng không để ý là mình cười luôn miệng và đang sung sướng.
Giăng VanGiăng lòng say sưa, thấy nàng trở lại hồng hào và tươi tắn:
- Chao ôi! Vết thương mới quí làm sao! Ông lẩm bẩm.
Và ông lấy làm cám ơn bọn Tênacđiê.
Lúc vết thương lành hẳn, ông lại theo thói quen dạo chơi một mình vào buổi hoàng hôn như cũ.
Đi chơi một mình những nơi hoang vắng ở Paris mà tin rằng không xảy ra chuyện gì là lầm to
***
II
BÀ PƠLUYTÁC CHẲNG LÚNG TÚNG CHÚT NÀO KHI GIẢI THÍCH MỘT HIỆN TƯỢNG
Một buổi tối, Gavrốt chưa có gì bỏ bụng cả; cậu bé sực nhớ ra rằng tối hôm trước mình cũng chẳng ăn gì; bây giờ thấy trong người khá mệt. Nó quyết định phải thử tìm ra cái gì để lót dạ. Hắn đi qua khu Xanpêtơrie, lượn mấy vòng ở chỗ vắng người. Chính ở đây là nơi dễ gặp may nhất. Chỗ không người mới là chỗ có cái ăn. Lần lần hắn đến một khu vực hẻo lánh mà hắn cho là làng Austéclit.
Một lần đi lang thang trước đây, hắn có để ý đến một ngôi vườn cổ thấp thoáng có bóng một ông cụ già và một bà lão, trong vườn có một cụ già và một bà lão, trong vườn có một cây táo kha khá. Bên cạnh cây táo là một thứ hòm đựng trái cây, then khóa hớ hênh, có thể phỗng lấy một quả. Một quả táo là đủ chén một bữa tối, một quả táo là sống rồi. Quả táo hại cụ Ađam nhưng cứu Gavrốt. Ngôi vườn men theo con đường nhỏ vắng vẻ không lát đá, bờ bụi um tùm. Từ đường vào vườn có một hàng giậu.
Gavrốt đi về phía vườn; hắn nhận ra lối hẻm, nhận ra cây táo, xem xét tình hình hòm trái cây, quan sát hàng giậu. Một hàng giậu thì phóc qua như bỡn thôi! Trời tối dần. Cả đến một bóng mèo cũng không thấp thoáng trên lối hẻm. Cơ hội thật tốt. Gavrốt nhóm chân trèo, bỗng dừng lại. Có tiếng người trong vườn, Gavrốt nhìn qua kẽ rào.
Phía chân rào bên trong, cách vài bước, đúng ngay vào chỗ hắn định chui vào, có một phiến đá bỏ nằm dưới đất như một chiếc ghế dài, trên ghế là ông già chủ vườn, bà lão đứng trước mặt. Bà lão giọng càu nhàu. Gavrốt chẳng mấy lịch sự, cứ lắng nghe.
Bà lão nói:
- Ông Mabớp!
- Cái gì lại Mabớp (Đồng âm với boeuf – con bò, và lẽ ra phải là monboeuf – đọc là mông bớp)! Cái tên nỡm nhỉ, Gavrốt nghĩ thầm.
Ông già nghe gọi vẫn ngồi im, không nhúc nhích. Bà lão lặp lại:
- Ông Mabớp!
Ông già đành phải trả lời, mắt cứ nhìn xuống đất:
- Cái gì đó bà Pơluytác?
Bà Pơluytáclại lên tiếng lần nữa làm cho ông già phải bắt chuyện.
- Chủ nhà họ không bằng lòng.
- Tại sao?
- Ta nợ họ đến ba quí rồi.
- Ba tháng nữa ta sẽ nợ họ bốn quí.
- Người ta bảo sẽ mời ông ra ngủ ngoài trời.
- Vâng, tôi sẽ ra.
- Bà hàng hoa quả cũng đòi tiền. Bà ấy không chịu để ta vác củi không của bà ấy nữa. Mùa lạnh này ông lấy gì mà sưởi? Nhà ta sẽ không có củi.
- Có mặt trời.
- Bác hàng thịt cũng không bằng lòng bán chịu nữa.
- Thế cũng tốt, vừa đúng lúc đấy. Tôi ăn thịt thấy hơi đầy bụng. Khó tiêu lắm.
- Thế thì chúng ta còn ăn gì?
- Bánh mì.
- Bác hàng bánh đòi phải trả bớt một ít và bảo không tiền thì không bánh.
- Cũng được.
- Ông sẽ ăn thứ gì?
- Chúng ta có táo trên cây kia.
- Nhưng không tiền không của như thế này thì làm sao mà sống được hử ông.
- Tôi không có.
Bà lão bỏ đi, ông già ngồi lại một mình. Cụ đâm ra suy nghĩ. Gavrốt cũng suy nghĩ phần mình. Trời vừa tối.
Kết quả đầu tiên của sự suy nghĩ ở Gavrốt là đáng lẽ leo qua hàng giậu thì hắn lại ngồi xổm dưới chân giậu. Ở đấy cành cây xòe ra, có chỗ trống.
- Ồ, lại một chái nhà! Hắn nghĩ bụng và chui vào đấy. Chỗ hắn ngồi gần như sấp lưng với chiếc ghế ông cụ Mabớp. hắn nghe rõ hơi thở ông già.
Hắn cố ngủ để trừ bữa. Ngủ gà ngủ vịt, vừa ngủ hắn vừa theo dõi tình hình.
Hoàng hôn phủ một màn trắng mờ lên mặt đất, con đường nhỏ nổi rõ thành một dải nhợt nhạt giữa hai dãy bụi cây tối tăm.
Bỗng nhiên, trên dải đường trắng nhạt ấy hai bóng đen hiện ra. Một bóng đi trước, bóng kia theo sau, cách một quãng.
- Hai sinh vật, Gavrốt nói thầm.
Bóng thứ nhất có vẻ là một anh tư sản già, dáng người lom khom, ra vẻ nghĩ ngợi, ăn vận tầm thường, bước đi chầm chậm vì tuổi tác và có dáng như dạo chơi thơ thẩn dưới trời sao.
Bóng thứ hai, người thẳng, chắc, mảnh dẻ, cứ theo từng bước bóng thứ nhất; trông dáng đi cố ý chậm chạp, người ta đoán thấy được sự mềm dẻo và nhanh nhẹn. Bóng này mặc dù có gì dữ tợn và đáng sợ, lại có đủ dáng điệu của một anh chàng công tử ăn diện; cái mũ hình dáng đẹp, áo ngoài màu đen, may khéo, chắc là bằng loại dạ tốt, lại thắt đáy lưng ong nữa. Cái đầu giương thẳng vừa đẹp vừa khỏe và dưới mũ, một khuôn mặt thanh niên hiện ra trong hoàng hôn. Trên miệng ngậm một bông hoa hồng. Bóng thứ hai này, Gavrốt biết rõ: đó là Môngpácnát.
Còn bóng kia, hắn chẳng biết là ai, chỉ biết là một ông già.
Lập tức Gavrốt để ý theo dõi.
Một trong hai người này nhất định có rắp tâm gì đối với người kia. Ở cái hốc đã may mắn thành nơi ẩn nấp, Gavrốt rất dễ theo dõi mọi việc sắp xảy ra.
Giờ này, chốn này, mà Môngpácnát đi kiếm ăn thì đáng sợ thật. Gavrốt thấy thương hại ông già quá.
Làm thế nào? Can thiệp à? Trẻ dại mà đi cứu già yếu sao? Chỉ còn trò cười cho Môngpácnát thôi. Gavrốt không dại gì mà không biết rằng một ông già, một trẻ con, thì chẳng bõ cái thằng cướp mười tám tuổi đó nó nuốt tươi ngay.
Gavrốt đang còn đắn đo thì cuộc tấn công đã xảy ra bất thình lình, ghê tởm. Thật chẳng khác gì hổ vồ lừa, nhện bắt muỗi. Xuất kỳ bất ý Môngpácnát vứt bông hoa hồng, nhảy xổ vào ông cụ già, tóm cổ áo, ôm choàng ông cụ, ghì xuống. Gavrốt cố heets sức mới khỏi thét lên. Một lát sau thì một người bị đè xuống dưới vừa giẫy giụa vừa rên rỉ, còn người kia thì cưỡi lên trên, dùng đầu gối ấn mạnh lên ngực. Có điều sự việc không xảy ra hoàn toàn như Gavrốt tưởng. Người ngã lăn dưới đất là Môngpácnát, người đè lên trên là ông già.
Cảnh tượng này xảy ra cách Gavrốt có mấy bước. Ông già bị tấn công bất ngờ đã quật lại và quật kịch liệt đến nỗi, trong nháy mắt, giữa người tấn công và người bị tấn công vai trò đã đảo ngược hẳn.
Gavrốt nghĩ bụng:
- Ông già mới cừ chứ!
Và hắn không thể không vỗ tay. Nhưng vỗ tay mà chẳng có tác dụng vì hai địch thủ đang mải vật nhau, hổn ha hổn hển, không nghe thấy gì.
Bỗng mọi vật đều im lặng. Môngpácnát thôi không còn vũng vẫy nữa. Gavrốt tự bảo: Hắn chết rồi ư?
Ông già từ nãy đến giờ không nói một lời, cũng không kêu một tiếng nào. Ông đứng dậy và Gavrốt nghe ông ta bảo Môngpácnát:
- Đứng dậy đi.
Môngpácnát đứng lên, ông già vẫn nắm lấy nó. Môngpácnát có vẻ một con chó sói bị con cừu ngoạm giữ: vừa khuất phục vừa giận dữ.
Gavrốt nhìn và nghe, cố dùng hai lỗ tai để tăng sức cặp mắt. Hắn lấy làm thú vị vô cùng.
Hắn thoảng nghe được cuộc đối thoại giữa hai người. Trong bóng tối, cuộc đối thoại mới cỏ vẻ bi hùng làm sao! Ông già hỏi, Môngpácnát trả lời.
- Mày bao nhiêu tuổi?
- Mười chín.
- Mày khỏe mạnh, sao mày không làm việc?
- Tôi không.
- Hiện tại mày làm nghề gì?
- Nghề ngồi rỗi.
- Trả lời cho đứng đắn. Có thể giúp mày được gì không? Mày muốn làm gì?
- Ăn trộm.
Một phút im lặng. Ông già có vẻ suy nghĩ lung lắm. Ông đứng im nhưng tay vẫn không buông Môngpácnát.
Chốc chốc, tên ăn cướp trẻ tuổi, vạm vỡ và nhanh nhẹn lại có những cái vùng vẫy của con thú bị sa vào bẫy. Nó đẩy mạnh một cái hoặc móc chéo chân ông già một cái, vặn mạnh cái tay nhìn như điên như dại, cố sức tìm cách thoát thân. Ông già có vẻ như không trông thấy gì, cứ một tay tóm cả hai cánh tay của địch thủ với vẻ thản nhiên cực độ của một sức mạnh tuyệt đối.
Ông già suy nghĩ một chốc rồi nhìn thẳng vào Môngpácnát, cất giọng nhẹ nhàng, thuyết phục bằng những lời thật trịnh trọng. Gavrốt nghe rõ không sót một tiếng:
- Cháu ạ! Mày bước vào cuộc sống cần cù bằng con đường lười nhác. Chà! Mày tuyên bố mày là kẻ ngồi rỗi ư? Chuẩn bị mà làm việc đi. Mày có thấy một cái đáng sợ là cái máy cán không? Phải coi chừng, nó là một thứ hung dữ và ác ngần; nó mà túm được cái chéo áo của mày là cả người mày bị cuốn vào. Cái máy cán ấy là sự lười nhác. Hãy còn đủ thì giờ, đứng lại và chạy tránh đi! Nếu không, thì là hết, không bao lâu nữa mày sẽ bị cuốn vào máy. Mà đã bị cuốn vào máy thì thôi không còn hy vọng gì nữa. Đi làm việc đi, đồ nhác! Đừng có ăn không nữa. Tìm nghề mà sinh nhai, làm mọi công việc, thực hiện một bổn phận, mày không muốn à? Làm như mọi người, mày cho là chán phải không? Thế thì mày sẽ thành một con người khác. Làm việc quy luật; kẻ nào tránh lao động vì cho là buồn chán, thì sẽ phải lao động như một hình phạt. Mày không muốn làm thợ, thì mày sẽ thành nô lệ. Lao động chỉ buông tay này của mày ra để mà tóm lại tay kia thôi, mày không muốn làm bạn nó, thì mày sẽ làm tôi mọi nó. À, mày không muốn cái mệt mỏi bình thường của người lương thiện, thì mày sẽ phải đổ cái thứ mồ hôi của kẻ đọa đày! Chỗ nào mà người ta ca hát thì mày sẽ rên xiết. Lúc ấy, đứng ở xa và dưới thấp, thấy người khác làm việc, mày sẽ có cảm tưởng là họ đang nghỉ ngơi. Anh thợ cày, anh thợ giặt, anh thủy thủ, anh thợ rèn, mày sẽ thấy họ hiện ra trong ánh sáng chẳng khác gì những người được hưởng phúc trên cõi thiên đường! Chao ôi! Cái đe cái búa chứa đựng bao nhiêu là ánh sáng! Cầm cái cày, buộc bó lúa mới vui làm sao! Chiếc thuyền tung tăng trước gió, vui thú làm sao! Trong khi ấy vì mày là thằng lười biếng, mày sẽ phải cuốc, phải kéo, phải lăn, phải bước tới. Mày sẽ phải kéo mạnh cái dây trên cổ mày, mày sẽ là con ngựa tải trong cỗ xe địa ngục!
Ồ! Mục đích của mày là chẳng làm gì cả? Thế thì mày sẽ không có giờ phút nào được yên thân đâu. Mày sẽ không còn giở nổi một cái gì mà không hãi hùng. Tay chân mày mỗi phút qua sẽ kêu răng rắc. Cái gì người ta coi nhẹ như lông, thì với mày sẽ nặng như núi. Việc dễ nhất cũng thành khó khăn, cuộc đời sẽ thành quỉ quái chung quanh mày. Đi đứng, hô hấp, bao nhiêu là công việc đáng sợ. Lá phổi trong ngực mày, mày cũng sẽ thấy nặng như một khối trăm cân.
Đi chỗ này mà không đi chỗ kia cũng thành một vấn đề giải quyết. Bất kỳ ai trong nhà muốn ra ngoài thì chỉ cần đẩy cửa là xong, là ra ngoài ngay. Còn mày, muốn đi ra thì mày phải đục tường. Muốn ra phố, thì mọi người làm gì? Người ta xuống thang gác: Còn mày, mày phải xé tấm khăn trải giường, chắp dần từng mảnh thành dây, mày phải leo qua cửa sổ, đu người ở đầu dây, lửng lơ giữa lưng chừng trời. Lúc ấy lại đang đem , mữa bão, dông tố, sấm sét. Và nếu sợi dây quá ngắn thì mày chỉ còn một cách đến được đất là thả rơi người xuống. Rơi bừa xuống vực sâu, từ độ cao bao nhiêu? Rơi xuống cái gì? Chắc chắn là rơi xuống cái gì ở phía dưới, rơi xuống chỗ không biết, thế thôi. Hay là mày sẽ liều chết cháy mà luồn theo ống khói, hoặc mày sẽ liều chết trôi mà bò theo ống dẫn nước nhà kia.
Tao không thèm nói cho mày nghe bao nhiêu chuyện khác, chuyện phải che khuất các lỗ trống, chuyện những phiến đá phải lấy ra và lắp lại hàng hai ba chục lần một ngày, chuyện phải thu giấu những mảnh vôi tưởng vào trong ổ rơm. Có một ổ khóa trước mặt, anh tư sản đã có trong túi cái chìa khóa của anh thợ khóa đánh sẵn. Còn mày, nếu mày muốn mở khóa, mày bắt buộc phải làm cả một công trình đáng sợ. Mày phải lấy đồng xu, xẻ thành hai lớp; dùng thứ gì để xẻ, thì mày phải phát minh lấy, vì đó là việc riêng của mày. Mày phải nạo sâu bên trong hai lớp ấy, mà phải cẩn thận kẻo thủng đến bên ngoài, mày phải cắt xung quanh thành những đường gai ốc, làm sao cho hai lớp ấy khớp vào nhau sít sao như nắp hộp với thân hộp. Hai lớp khớp với nhau như thế, thì không ai còn đoán biết ra cái gì được. Tụi giám thị luôn luôn rình mò bên mày, nhưng dưới mắt bọn chúng thì đó chỉ là một đồng xu. Riêng đối với mày thì đó là một cái hộp. Để cái gì trong hộp ấy? Một miếng thép nhỏ. Một cái lò xo đồng hồ mà mày đã cắt răng thành cái lưỡi cưa. Cái cưa dài bằng chiếc đanh ghim và cất giấu trong một đồng xu ấy, mày phải dùng nó để cắt cái lưỡi gà ổ khóa, cái then cửa, cái quai ống khóa, cái chấn song cửa sổ buồng mày, hay cái vòng sắt ở chân mày.
Cái công trình ấy, cái việc phi thường ấy làm xong, tất cả những phép mầu nhiệm của nghệ thuật, của trí óc tài tình, của bàn tay khéo léo, của đức tính kiên nhẫn ấy thực hiện xong, nếu người ta biết được, chính mày là tác giả, thì phần thưởng cho mày sẽ là gì? Là xà lim. Tương lai của mày là thế đấy!
Lười nhác, ăn chơi, hai thứ ấy có khác gì vực thẳm! Mày định không làm gì cả ư? Thật là một quyết định rùng rợn, mày biết không? Ở nể mà ăn bám vào máu thịt của xã hội, sống vô dụng nghĩa là sống hại cho nhân quần, lối sống như thế đưa thẳng người ta đến khốn khổ. Tai hại thay cho những kẻ muốn ăn bám! Nhất định chúng sẽ thành rận rệp khốn kiếp. À! Mày không thích lao động, trong trí mày chỉ nghĩ ăn cho ngon, uống cho sướng, ngủ nghê cho khỏe xác. Thế thì mày sẽ uống nước lã, mày sẽ ăn bánh mì đen, mày sẽ ngủ trên ván gỗ, chân mày sẽ bị xiềng lại và ban đêm mày sẽ cảm thấy cái xiềng sắt làm lạnh tê da thịt mày! Mày sẽ bẩy thứ dây sắt ấy để trốn đi. Tốt lắm, mày sẽ phải ăn cỏ như loài thú rừng. Rồi mày sẽ bị bắt lại. Từ đấy mày sẽ phải sống hàng năm trong hầm sâu, người xích vào tường, uống nước cũng phải sờ soạng mới tìm ra vòi nước, ăn thì ăn thứ bánh mì đen như đít nồi, gớm ghiếc, cho chó chó cũng chê, hoặc là thứ đậu mà sâu bọ ăn thừa. Mày sẽ như con gián trong hầm.
Thôi! Mày còn trẻ dại lắm, cháu ạ, miệng mày còn hơi sữa, mày chắc còn mẹ, ta bảo nhé, mày hãy thương hại lấy mày, mày nghe ta. Mày muốn chưng quần áo dạ đen mịn mướt, mày muốn diện giày vécni bóng nhoáng, mày muốn uốn tóc, chải đầu nước hoa, làm dáng làm đỏm để đẹp lòng các cô. Thế thì người ta sẽ cạo trọc đầu máy, thí cho mày cái áo tù màu đỏ, cái đôi guốc gỗ. Và nếu mày liếc nhìn đàn bà thì mày sẽ được một gậy vào lưng, hai mươi tuổi mày vào đấy nhưng đến năm mươi mày mới thoát ra! Lúc mày vào mày trai trẻ, hồng hào, tươi tỉnh, mắt đén lánh, răng có đầy đủ, trắng tinh, làn tóc trai xinh đẹp, đến khi bước ra, mày sẽ già khụ, nhăn nhep, răng long, đầu bạc, chả ra người ngợm gì.
Thôi đi, cháu! Mày đi lầm đường rồi, tính lười nhác đã khuyên mày làm bậy rồi, cái nghề gay go nặng nhọc nhất là cái nghề ăn trộm đấy. Mày hãy tin ta, đừng đâm đầu vào cái công việc nhọc nhằn là làm một tay biếng nhác nữa. Làm một tên du thủ du thực chẳng dễ chút nào. Làm người lương thiện ít khó khăn hơn. Mày đi đi và suy nghĩ về những điều ta vừa nói. Mà này, mày muốn cái gì của ta? Túi tiền ư? Đây này.
Ông già buông Môngpácnát ra, đặt túi tiền vào tay nó. Nó nhấc nhấc xem nặng nhẹ rồi với thói quen cẩn thận như khi đánh cắp, nó dúi nhẹ nhàng vào túi áo sau.
Nói xong và cho tiền xong, ông già quay lưng, lững thững đi dạo như trước:
Môngpácnát lẩm bẩm:
- Cái lão ngốc.
Ông già ấy là ai? Độc giả chắc đã đoán biết.
Môngpácnát ngây người nhìn theo ông già đang khuất dần trong bóng hoàng hôn. Ngây người một lát thế mà có hại.
Ông già đi xa ra còn Gavrốt thì mò lại gần.
Liếc nhìn trong vườn, nó trông rõ là ông cụ Mabớp có lẽ đã thiếp đi, nhưng hãy còn ngồi nguyên trên ghế đá. Hắn luồn ra khỏi bụi cây, bò dần đến sau lưng Môngpácnát đang đứng im. Nó đến sát mà Môngpácnát không hay biết gì cả. Nó khẽ thò tay vào túi chiếc áo ngoài bằng da đen mịn, móc lấy túi tiền và bò thoát đi trong bóng tối như con rắn. Môngpácnát không có lý do gì để đề phòng, lại đang trầm ngâm vì là lần đầu tiên trong đời phải suy nghĩ, nên chẳng biết gì cả. Khi trở về đến chỗ nấp, nơi có ông cụ Mabớp đang ngồi, Gavrốt liền vứt túi tiền qua hàng rào rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Túi tiền rơi trúng chân ông cụ Mabớp; đau quá, cụ thức dậy. Cụ cúi xuống nhặt lên. Cụ không hiểu ra làm sao cả, mở túi ra. Túi có hai ngăn: một ngăn có ít tiền lẻ, ngăn kia có sáu đồng Napoleon (đồng vàng ngang 20 phơrăng).
Ông cụ ngơ ngác mang túi tiền đến chỗ bà ở.
Bà Pơluytác nói:
- Của này chắc là trên trời rơi xuống.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 5 - Chương I + II

VỪA QUẠNH HIU VỪA GẦN DOANH TRẠI

Nỗi đau thương của Côdét bốn năm tháng trước đây gay gắt và tái tê đến thế mà nay thì đang ở thời kỳ nình phục. Điều đó chính nàng cũng không nhận thấy. Mùa xuân, cảnh vật, tuổi trẻ, tình yêu thương đối với bố, chim ca, hoa nở đã gạn vào trong tâm hồn trinh trẻ, từng ngày, từng giọt, một cái gì như chất quên lãng. Lửa lòng đã tắt ngấm rồi hay chăng? Hay đó chỉ là những lớp tro phủ mặt? Thực tế là nàng hầu như chẳng còn thấy chỗ nào bỏng buốt.
Bỗng một hôm, nàng nhớ tới Mariuytx.
- Ừ nhỉ! Nàng buột miệng. Ta không nghĩ tới anh chàng đó nữa.
Cũng trong tuần lễ ấy, nàng để ý đến một sĩ quan kỵ binh khá xinh đẹp đi qua trước cổng vườn; lưng ong, quân phục khá đẹp, má phính thiếu nữ, kiếm bên hông, râu mép vuốt sáp, mũ sơn bóng. Ngoài ra: tóc vàng, mắt xanh lồi, mặt tròn, khoa trương, ngạo nghễ, mủm mỉm; trái ngược Mariuytx. Miệng ngậm xì gà. Côdét đoán chắc viên sĩ quan ấy thuộc trung đoàn đóng ở doanh trại phố Babilôn.
Hôm sau nàng lại thấy hắn đi qua. Nàng xem giờ.
Kể từ lúc ấy, có còn là sự ngẫu nhiên nữa không? Hầu như hôm nào nàng cũng trông thấy hắn đi qua.
Bạn đồng ngũ của viên sĩ quan nhận thấy ở đấy, trong cái vườn ít được sáng sủa, sau cánh cửa sắt cổ lỗ, một cô thiếu nữ khá xinh đứng sẵn chờ viên sĩ quan đẹp trai đi qua. Viên sĩ quan ấy là Têôđuyn Gilơnormăng, bạn đọc không còn lạ.
- Kìa! Họ nói với anh ta. Con bé ấy nó liếc mày, trông kìa.
- Tao đâu có thì giờ nhìn tất cả những đứa con gái nhìn tao, Têôđuyn đáp. Chính lúc đó là lúc Mariuytx lâm vào giai đoạn hấp hối. Chàng than thở: “Ước gì ta được gặp lại nàng một chút trước khi chết!” Nếu điều ước nguyện của chàng được thỏa mãn, nếu chính lúc đó chàng nhìn thấy Côdét đang nhìn một kỵ binh thì hẳn chàng không nói được lời nào và trút hơi thở cuối cùng.
Lỗi tại ai? Không tại ai cả.
Tính cách Mariuytx thuộc loại đắm sâu vào sầu não và ở mãi trong đó. Côdét thuộc loại lặn vào rồi lại thoát ra.
Vả lại Côdét đang trải qua một giờ phút nguy hiểm. Khi một thiếu nữ không người dìu dắt mơ mộng thì giấc mơ của họ tất phải trải qua một giai đoạn mà quả tim của họ giống như cái tay của dây nho, tới được đâu thì quấn đó, dù là trụ cẩm thạch hay cọc quán rượu cũng thế thôi. Giờ phút chớp nhoáng và quyết định, nghiêm trọng đối với những cô gái mồ côi dù giàu hay dù nghèo, bởi vì của cải cũng không cản được người ta chọn sai. Càng có vị trí cao, càng dễ chọn phải người chồng không xứng đáng. Người chồng thực sự không xứng đáng chính là ở tâm hồn của hắn. Có những chàng trai không tiếng tăm, không tên tuổi, không thuộc thế phiệt, không trâm anh mà là một trụ cẩm thạch chống đỡ cả một đền đài tình cảm và tư tưởng lớn; lại có những khách phong lưu tự mãn, giàu sang, đi hài bóng, lời lẽ hoa mỹ, nhưng nhìn vào không nhìn bên ngoài mà nhìn vào bên trong, nghĩa là cái phần dành cho vợ, thì thấy chỉ là một khúc gỗ đần độn chìm lấp giữa những dục vọng dữ dội, trâng tráo, nồng nặc hơi men; đúng là cây cọc quán rượu.
Có gì trong tâm hồn Côdét? Một niềm si tình đã lắng xuống hay ngủ yên; tình yêu ở trạng thái bồng bềnh; một cái gì trong trẻo, rực rỡ, xuống sâu một chút thì vẩn đục, sâu hơn nữa thì tối tăm. Hình ảnh viên sĩ quan đẹp trai phản chiếu ở trên mặt. Ở sâu có một kỷ niệm gì không? - Ở tận đáy ấy?
Có lẽ có. Côdét không biết.
Thế rồi xảy ra một sự kiện lạ.
***
II - CÔDÉT SỢ HÃI
Thượng tuần tháng tư, Giăng VanGiăng có việc phải đi vắng. Người ta biết lâu lâu ông lại một lần đi như thế. Ông vắng nhà một hai ngày, nhiều nhất là ba. Ông đi đâu thế? Chẳng ai biết, kể cả Côdét.
Chỉ có một lần, trong một chuyến đi như vậy, Côdét cùng ngồi xe tiễn ông đến một ngõ cụt, ở đầu ngõ có biển đề: Ngõ La Plăngsét. Đến đấy, ông bước xuống, còn chiếc xe ngựa thì đưa Côdét trở về phố Babilôn. Thông thường Giăng VanGiăng đi vắng như vậy vào lúc trong nhà thiếu tiền.
Lần ấy, ông vắng nhà. Hôm ra đi ông bảo: ba ngày nữa bố về. Tối đến Côdét ở một mình trong phòng khách. Để giải buồn, nàng mở dương cầm ra, vừa đệm đàn vừa hát, khúc Ơriăngtơ, có lẽ là khúc nhạc hay nhất trong âm nhạc: Hỡi những người đi săn lạc lối trong rừng! Hát xong, nàng ngồi nghĩ ngợi.
Bỗng nàng nghe hình như có tiếng chân người bước ngoài vườn. Tất nhiên không phải bố nàng, vì bố nàng đi khỏi; cũng không phải bà Tútxanh, bà ấy đã đi ngủ rồi. Bấy giờ là mười giờ tối.
Nàng bước đến cạnh cửa ván phòng khách đang đóng kín, dán tai nghe ngóng.
Hình như là tiếng chân của một người đàn ông đang rón rén từng bước.
Nàng vội chạy lên phòng nàng trên gác, mở cái ô mắt cáo ở cạnh cửa ván, nhìn xuống vườn. Trăng rằm, sáng vằng vặc như ban ngày.
Không có ai cả.
Nàng mở cửa sổ. Trong vườn yên tĩnh hoàn toàn ngoài phố cũng vắng tanh như thường lệ.
Côdét cho mình nhầm. Nàng đã tưởng tượng ra tiếng động ấy thôi. Đó là một ảo tưởng gây nên bởi ca khúc Uơbe u buồn và kỳ diệu, mở ra trước mắt ta những đáy sâu rùng rợn, nó run rẩy như một khu rừng khiến ta xây xẩm mặt mày, ở đó có tiếng cành khô răng rắc dưới bước chân lo ngại của những người thợ săn thấp thoáng trong bóng hoàng hôn.
Rồi nàng không nghĩ tới nữa.
Vả lại Côdét không phải là người cả sợ. Trong dòng máu nàng có huyết thống của người Bôhêmiêng và khách giang hồ chân đất. Nàng là sơn ca chứ không phải bồ câu, chúng ta còn nhớ điều đó. Nàng bản chất hoang dã và bạo dạn.
Hôm sau vừa tối nàng đi chơi ngoài vườn, sớm hơn mọi lần. Giữa những ý nghĩ lộn xộn, nàng tưởng như chốc chốc lại nghe có tiếng động giống như tiếng hôm qua, tiếng một người bước đi trong bóng tối dưới lùm cây cách nàng không xa. Nhưng nàng lại nghĩ bụng: hai cành cây chuyển động, lá chạm vào nhau sột soạt thì nghe cũng chẳng khác gì tiếng chân người bước trên cỏ. Nên nàng không để ý đến. Và nàng cũng chẳng trông thấy gì.
Nàng ra khỏi chòm cây um tùm; còn bước qua vạt cỏ xanh nữa là vào đến thềm nhà. Mặt trăng vừa mọc phía sau lưng, rải bóng nàng lên nền cỏ.
Bỗng Côdét dừng lại hốt hoảng.
Bên cạnh bóng nàng, ánh trăng in rõ lên mặt cỏ một cái bóng dữ tợn một cách lạ lùng, một cái bóng đội mũ nhọn. Trông như một người đứng bên cạnh lùm cây, cách vài bước sau lưng Côdét.
Trong một phút nàng như sửng sốt không nói, không kêu, không gọi, không cử động, cũng không quay đầu lại được.
Cuối cùng, nàng lấy hết can đảm, quả quyết quay mặt lại.
Chẳng có ai cả.
Nàng nhìn xuống đất. Cái bóng đã biến mất.
Nàng trở vào trong chòm cây, mạnh dạn sục vào các chỗ kín, đi thẳng ra tận rào ở cổng, nhưng chẳng tìm thấy gì.
Nàng thấy lạnh cả người. Phải chăng vẫn alf ảo ảnh?
Quái, sao lại liên tiếp hai đêm liền? Một ảo ảnh thì còn có lý chứ đến hai nghĩa là sao? Đáng lo nhất là cái bóng ấy nhất định không là sao? Đáng lo nhất là cái bóng ấy nhất định không phải là ma. Ma đời nào lại đội mũ nhọn.
Hôm sau, Giăng VanGiăng trở về. Côdét kể ông nghe những điều nàng cho là tai nghe mắt thấy vừa rồi. Nàng ngỡ là ông sẽ khuyên nàng yên lòng, ông sẽ nhún vai bảo nàng: “Con điên rồi đấy”.
Nhưng Giăng VanGiăng lại tỏ ra lo lắng.
- Chắc cũng phải có gì đây – ông nói.
Ông tìm cớ để nàng ngồi một mình, bỏ ra ngoài vườn và nàng nhận thấy ông xem xét tỉ mỉ lại cái cửa song sắt.
Đêm hôm ấy, nàng thức dậy, lần này thì chắc chắn là không sai, nàng nghe rõ mồn một tiếng người bước đi sát thềm cửa sổ. Nàng sắp kêu to lên, thì bóng trăng chiếu sáng một bên mặt. Hóa ra bố nàng.
Nàng đi ngủ lại và nghĩ thầm: Bố lo lắng thật!
Đêm ấy và cả hai đêm sau, Giăng VanGiăng đều ra ngoài vườn, Côdét nhìn qua khe cửa thì thấy thế.
Đêm thứ ba, mặt trăng khuyết dần và càng mọc muộn. Chừng một giờ khuya nàng nghe có tiếng cười phá lên và giọng nói của bố gọi:
- Côdét.
Nàng vùng dậy, choàng áo ngủ và mở cửa sổ. Bố nàng đứng dưới, trên đám cỏ.
- Bố gọi con dậy để cho con yên tâm. Nhìn đây này. Cái bóng đội mũ nhọn của con đây.
Và ông chỉ cái bóng in trên mặt cỏ, giống như bóng một người đội mũ nhọn. Đó là bóng của cái ông khói bằng tôn, trên mái nhà bên hàng xóm, trên chóp có cái chụp nhọn.
Côdét phá lên cười, mọi giả thiết đáng sợ nàng nghĩ ra đều sụp đổ và hôm sau, ngồi ăn cơm với bố, chuyện cái vườn ghê rợn, vì có bóng ma của các ống tôn đi lại, làm cho nàng tươi cười.
Giăng VanGiăng trở lại bình tĩnh như trước, phần Côdét, nàng không để ý thử xem cái ống khói có phải ở đúng hướng cái bóng nàng đã thấy hay tưởng là có thấy và có phải mặt trăng ở đúng vào chỗ hôm trước hay không. Nàng không tự hỏi tại sao lại có chuyện kỳ dị là một cái ống khói lại sợ bị bắt quả tang và lẩn đi khi người ta nhìn bóng mình, vì hôm nọ, rõ ràng là cái bóng đã biến mất khi Côdét quay lại. Tâm trí Côdét trong sáng hoàn toàn. Sự chứng minh đã quá đầy đủ, đến nỗi, bây giờ có người bước đi thật ngoài vườn ban đêm, nàng cũng cho đó là trí óc nàng bịa ra thôi.
Tuy vậy, ít hôm sau, một việc khác lại xảy ra.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 5 - Chương 3 + 4

BÀ TÚTXANH LẠI BÀN THÊM VÀO

Ngoài vườn, cạnh hàng giậu sắt, có một cái ghế đá, khuất sau một giàn cây, ở ngoài người tọc mạch không trông thấy, nhưng thò tay vào cũng có thể với tới được.
Cũng tháng tư năm ấy, một buổi tối, Giăng VanGiăng vừa đi chơi khỏi. Sau lúc mặt trời lặn, Côdét ra ngồi trên ghế đó. Gió thổi trong lùm cây mát rượi. Côdét lặng im suy nghĩ. Một nỗi buồn ấy thường đến với lòng người vào lúc hoàng hôn, không sao cưỡng lại được. Có lẽ là do cái huyền bí của sự chết chóc mà người ta hé nhìn thấy trong lúc tranh tối tranh sáng này chăng?
Có lẽ Phăngtin ở trong bóng tối ấy.
Côdét đứng lên, chậm rãi vòng quanh vườn, bước đi trên mặt cỏ tươi, đẫm sương. Tâm thần bàng hoàng, bửa tỉnh, nửa mơ, nàng lẩm bẩm:
- Đi dạo vườn giờ này phải có guốc mới được, không thì dễ cảm lắm.
Nàng trở lại ghế ngồi.
Lúc ngồi xuống ghế, nàng để ý thấy một hòn đá khá to đặt ở chỗ nàng vừa ngồi ban nãy.
Côdét nhìn hòn đá, tự hỏi như thế này nghĩa là gì. Bỗng nàng nghĩ ra rằng hòn đá kia nhất định không phải một mình đến đây được, tất phải có người đem đến đó, tất phải có một cánh tay luồn qua hàng giậu. Ý nghĩ ấy làm nàng đâm sợ. Lần này thì sợ thật sự. Không còn nghi ngờ gì nữa; hòn đá nằm đó. Nàng không chạm đến nó, bỏ chạy một mạch không ngoảnh lại. Nàng trốn vào nhà, đóng ngay cửa lại, khóa chốt, cài then cẩn thận. Nàng hỏi bà Tútxanh:
- Bố tôi đã về chưa?
- Chưa, cô ạ.
(Chúng tôi đã giới thiệu với độc giả một lần là bà Tútxanh nói lăp. Xin phép cho chúng tôi không nhấn mạnh thêm. Chúng tôi không muốn ghi âm một cái tật).
Giăng VanGiăng có thói quen trầm ngâm và đi bách bộ ban đêm, thường về rất muộn.
- Bà Tútxanh – Côdét nói tiếp – bà vẫn nhớ tối đến các cửa trông ra vườn, cài then và lèn chốt sắt vào khoen cẩn thận đấy chứ?
- Ồ, cô cứ yên trí.
Bà Tútxanh không làm sai lời dặn bao giờ, Côdét biết thế, nhưng cũng cứ dặn thêm:
- Với lại ở đây vắng lắm bà ạ!
- Phải đấy – bà Tútxanh nói – cô nói đúng. Ở đây mà có ai nó ám sát thì thật là chết không kịp kêu! Thế mà ông chẳng ngủ ở nhà cho. Nhưng mà chả sợ cô ạ, tôi đóng cửa sổ chặt như cửa nhà lao mà. Trong nhà toàn đàn bà cả! Nghĩ đến mà rùng mình! Cô nghĩ coi; đêm khuya có người vào buồng minh, bảo mình: Im! Rồi kề gươm mà cắt cổ mình. Ừ, chết cũng chẳng sao, chết cũng được, trước sau cũng chết, nhưng nghĩ đến chuyện những kẻ ấy họ sờ đến người mình, thì tởm quá. Với lại dao rựa của bọn ấy nữa, chắc là cắt nhùn nhầy lắm! Trời ơi!
- Thôi, bà im đi, Côdét nói. Đi đóng cẩn thận tất cả đi.
Màn kịch bà Tútxanh mới dựng lên tức thời, có lẽ cả những bóng hình hôm trước vừa hiện lại trong trí nàng, làm cho nàng hoảng sợ. Nàng cũng không dám mở miệng bảo bà Tútxanh: - Bà xem hòn đá ai để trên ghế thử! Nàng sợ phải mở cửa ra vườn và sợ “có người” vào nhà. Nàng bảo bà Tútxanh: - Bà xem hòn đá ai để trên ghế thế! Nàng sợ phải mở cửa ra vườn và sợ “có người” vào nhà. Nàng bảo bà Tútxanh đóng thật cẩn thận tất cả các cửa lớn cửa sổ, rồi đi xem khắp một lượt, từ dưới hầm lên tới trên gác. Xong nàng mới về phòng riêng khóa trái cửa lại, cài then, nhìn dưới gầm giường, rồi mới đi nằm, nhưng vẫn chập chờn ngủ không yên giấc. Suốt đêm hòn đá cứ hiện ra trước mắt to như quả núi và đầy hang hốc.
Sáng hôm sau, mặt trời mọc. Côdét thức dậy. Nhớ lại nỗi hoảng sợ tối hôm qua, nàng có cảm giác như một cơn mê. Cái đặc điểm của buổi rạng đông là làm cho chún gta phải phì cười về những nỗi lo sợ của chúng ta trong đêm hôm trước. Mà hễ chúng ta lo sợ bao nhiêu thì chúng ta lại phì cười bấy nhiêu. Côdét nghĩ thầm: - Đêm qua ta suy nghĩ đến những gì nhỉ? Chẳng qua cũng như những bước chân ngoài vườn trong đêm tối tuần trước và cũng như bóng cái ống khói bằng tôn. Bây giờ lại sinh nhút nhát rồi sao? Ánh sáng ban mai sáng rực qua các khe cửa, làm cho nàng vững dạ; nàng quên hết, cả hòn đá cũng tan nhòa trong trí.
- Chẳng có hòn đá nào trên ghế mà cũng chẳng có người nào đội mũ ở trong vườn cả; thật là óc ta mơ với mộng.
Nàng bận áo ra vườn, chạy đến chỗ ghế đá. Hòn đá vẫn còn nguyên chỗ cũ. Bỗng dưng nàng thấy lạnh toát mồ hôi.
Nhưng chỉ trong chốc lát. Hòn đá ấy đêm qua làm nàng hoảng sợ, bây giờ thì chỉ khiến nàng thêm tò mò.
- Chà! Thì xem thử tí nào.
Nàng giở hòn đá lên. Dưới hòn đá có cái gì gống như một phong thư.
Đúng là một phong bì giấy trắng. Côdét cầm lên. Mặt này không có con dấu, mặt kia không có địa chỉ. Tuy vậy, không phải là trống rỗng. Ở trong thấy có nhiều mảnh giấy.
Côdét lục trong phong bì. Trong lòng nàng bây giờ không phải là sợ hãi, cũng không còn tò mò, mà là bắt đầu lo ngại, nàng dốc phong bì ra: một quyển vở con, trang nào cũng đánh số và trang nào cũng có mấy dòng chữ khá đẹp và thanh nhã.
Côdét tìm một cái tên nhưng chẳng có. Thư này gửi cho ai? Chắc là cho nàng vì đã có bàn tay đem đến đặt trên ghế nàng ngồi. Của ai thế? Phút chốc nàng bị thôi miên, nàng cố quay mặt không nhìn những trang giấy nhỏ nhắn đang run trong tay nàng, nàng nhìn trời, nhìn đường phố, nhìn dãy me keo tràn ngập ánh sáng, nhìn đàn bồ câu bay trên mái nhà bên cạnh, rồi bỗng nhiên mắt nàng nhìn thẳng xuống quyển vở. Phải xem cho biết cái gì trong đó.
Nàng đọc thấy những dòng này.
***
IV - MỘT TRÁI TIM DƯỚI HÒN ĐÁ
Vũ trụ thu lại ở một con người, một con người tỏa rộng đến thượng đế, đó là tình yêu.
Tình yêu là sự chào hỏi của thiên thần trước tinh tú.
Vì tình yêu mà buồn thì lòng buồn biết bao!
Người yêu là tất cả thế giới, vắng người yêu trống trải làm sao! Chao ôi! Nói người yêu thành Chúa tể thì đúng quá! Chúa có thể ghen tị nếu Chúa không sáng thế vì linh hồn và không sáng tạo linh hồn để cho tình yêu.
Chỉ cần một nụ cười thoáng qua dưới chiếc mũ nhiễu trắng buộc dải hoa cà là tâm hồn bay vào lâu đài mộng tưởng.
Chúa ở đằng sau tất cả, nhưng tất cả đều che khuất Chúa. Mọi vật đều đen, muôn sinh đều đục. Yêu một người, làm cho người đó trở nên trong suốt.
Có những tư tưởng vốn là những lời cầu nguyện. Có những lúc, mặc dù thân thể ở trong tư thế nào, linh hồn cũng ở tư thế quì khấn.
Tình nhân xa nhau có trăm nghìn cách huyễn hoặc nhưng vẫn thực tế, để được gần nhau. Người ta cấm họ gặp nhau, cấm họ viết thư cho nhau, thì họ tìm ra biết bao phương pháp bí mật để tin đi mối lại. Họ gửi cho nhau tiếng chim ca, mùi hoa thơm ngát, giọng cười con trẻ, ánh sáng mặt trời, lời gió thở than, ánh sao sáng dịu, tất cả tạo vật. Tại sao lại không như thế được? Hết thảy các công trình sáng tạo của thượng đế là để phục vụ cho tình yêu. Tình yêu đủ quyền lực bắt tất cả tạo vật phải làm chim nhạn đưa thư.
Ôi mùa xuân, người là một bức thư ta viết cho nàng.
Tương lai thuộc về quả tim nhiều hơn trí óc. Yêu nhau, đó là điều duy hất có khả năng choán hết thời gian vô thủy vô chung. Đối với vô cùng phải có vô tận.
Tình yêu là thuộc tính của linh hồn. Cùng một bản chất. Cũng như linh hồn, nó là tia lửa thần thánh; nó cũng bất hoại, bất phân, bất tử như linh hồn. Một đóm lửa trong ta, vĩnh viễn và vô cũng, không gì giới hạn được, không gì dập tắt nổi. Ta cảm thấy nó cháy tận trong xương tủy, ta nhìn thấy nó tỏa sáng tận đỉnh trời.
Tình yêu là thuộc tính của linh hồn. Cũng một bản chất. Cũng như linh hồn, nó là tia lửa thần thánh; nó cũng bất hoại, bất phân, bất tử như linh hồn. Một đốm lửa trong ta, vĩnh viễn và vô cùng, không gì giới hạn được, không gì dập tắt nổi. Ta cảm thấy nó cháy tận trong xương tủy, ta nhìn thấy nó tỏa sáng tận đỉnh trời.
Ôi yêu thương! Say đắm! Hạnh phúc đê mê của hai khối óc hiểu biết nhau, hai tấm lòng cởi mở cho nhau, hai làn mắt nhìn nhau mà thấu suốt cả tâm hồn! Hạnh phúc! Hai người sẽ đến với ta phải không? Những buổi cùng nhau dạo chơi nơi thanh vắng! Những ngày bồng lai rạng rỡ! Đôi khi ta mơ ước thỉnh thoảng có những giờ khắc tách khỏi đời sống thiên thần và xuống trần gian hòa vào vận mệnh con người.
Chúa không thể thêm gì cho hạnh phúc của những kẻ yêu nhau ngoài cái vô tận. Sau một đời yêu thương thì một vô chung vô thủy của yêu đương quả là một sự thêm thắt. Nhưng thêm cường độ cho cái hạnh phúc không kể xiết của một tâm hồn yêu đương ở cõi đời này thì không thể được, dù người muốn điều đó là Chúa. Chúa là sự viên mãn của trời, tình yêu là sự viên mãn của người.
Anh chiêm ngưỡng một ngôi sao vì hai lẽ: một là vì nó sáng, hai là vì ta không thấy hiểu nó. Bên cạnh anh, có một ánh sáng êm ái hơn và một huyền bí sâu sắc hơn, đó là người phụ nữ.
Tất cả chúng ta, bất cứ ai, đều có những người thân cần cho ta như không khí. Thiếu những người thân đó, chúng ta thiếu không khí. Chết vì thiếu tình yêu thì ghê gớm quá. Đó là sự chết ngạt của tâm hồn.
Khi tình yêu hòa tan hai sinh linh trong một thực thể thần thánh và thiêng liêng thì hai sinh linh đó đã tìm thấy bí quyết của cuộc sống; họ chỉ còn là hai đầu của một số kiếp, hai cánh của một thiên thần. Yêu đương, bay lượn!
Cái ngày một phụ nữ đi qua trước mặt anh tỏa sáng theo gót sen, thì cacsi ngày đó anh nguy rồi. Anh sexyeeu. Anh chỉ còn mỗi một việc đáng làm: nghĩ đến người ta, nghĩ đăm chiêu đến buộc người ta phải nghĩ đến mình.
Chỉ có Chúa mới kết thúc được cái gì tình yêu bắt đầu.
Tình yêu chân chính lấy làm khổ sở vì một chiếc găng tay đánh mất, hay sung sướng mê người vì một chiếc khăn tay bắt được, và nhu cầu hy sinh, nỗi niềm hy vọng của nó là vô chung vô thủy. Nó gồm có cái vô cùng to và cái vô cùng nhỏ.
Anh là đá thì hãy là nam châm, là cỏ cây thì hãy là cây trinh nữ; là người thì hãy là tình yêu.
Gì tình yêu cũng chưa vừa ý. Có hạnh phúc, nó đòi thiên đường, có thiên đường, nó đòi trời thẳm.
Hỡi ai đang yêu nhau, tất cả những cái ấy đều ở trong tình yêu. Phải biết tìm lấy. Tình yêu giàu ngang với trời vì nó chiêm ngưỡng; và hơn trời, vì có khoái lạc.
Nàng còn đến vườn Luychxămbua nữa không? Không ông ạ - Cái nhà thờ này là nơi nàng đến xem lễ có phải không? – Không, nàng không đến đây nữa – Nàng còn ở nhà này chứ? – Không, nàng đã dọn đi rồi. – Nàng đi đâu thê? – Nàng chẳng cho biết.
Còn gì thảm đạm cho bằng không biết linh hồn mình ở đâu!
Tình yêu có những cái trẻ con, các dục vọng khác có những cái nhỏ mọn. Xấu hỏ thay những dục vọng làm con người nhỏ lại! Vinh dự thay tình yêu làm con người thơ ấu!
Đó là một điều kỳ lạ, anh biết không? Tôi ở trong đêm tối. Có một người ra đi đã mang theo trời thẳm của tôi.
Ôi! Ước gì được nằm bên nhau trong một nấm mồ chung, tay nắm tay, thỉnh thoảng ve vuốt một ngón tay trong đêm tối! Chừng ấy đủ cho ta trong giấc ngủ nghìn thu!
Anh đau khổ vì tình yêu thì hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu.
Hãy yêu nhau. Một biến sắc tăm tối mà rực rỡ xen lẫn trong nhục hình đó. Trong hấp hối có niềm say sưa.
Ôi niềm vui của chim chóc! Vì chúng có tổ nên chúng hót ca.
Tình yêu là sự hô hấp thiêng liêng cái không khí thiên đường.
Những tấm lòng sâu sắc, những trí óc khôn ngoan, hãy nhận cuộc sống Chúa đã tạo ra. Đó là một cuộc thử thách dai dẳng, một sự chuẩn bị khó nhận thức để đi vào vận mệnh bí tàng. Cái vận mệnh đó, vận mệnh thực sự của con người, bắt đầu từ bậc thứ nhất xuống mồ. Lúc bấy giờ người ta mới tìm thấy chút ít, người ta mới bắt đầu nhận ra chung cục. Chung cục, hãy nghĩ đến danh từ ấy. Người sống nhìn thấy vô biên, nhưng chung cục thì chỉ có người chết mới nhìn thấy. Trong khi chờ đợi, hãy yêu và đau đớn, hy vọng và chiêm vọng. Ôi! Khốn khổ thay là những kẻ chỉ thích thể xác, hình thù và bóng dáng. Chết đi, họ chẳng còn gì cả. Hãy cố gắng yêu những linh hồn, anh sẽ gặp chúng sau cõi sống.
Ta gặp trên đường phố một chàng trai trẻ đang yêu đương. Mũ chàng cũ, áo chàng sờn, rách chời khuỷu tay, nước thấm qua giầy chàng, nhưng tinh tú thấm vào tâm hồn chàng.
Được yêu, một sự kiện lớn làm sao! Yêu, lại càng lớn hơn nữa. Vì yêu, quả tim trở thành dũng cảm. Nó chỉ còn nguyên chất tinh khiết, nó chỉ dựa vào những gì cao quí và lớn lao. Một tư tưởng xấu không thể nẩy mầm ở đấy, cũng như một hạt gai không thể mọc trên băng hà. Tâm hồn cáo quí trong trẻo, không vẩn một tí dục vọng, một tí xao độngt ầm thường vượt lên trên mây mù và bóng tối của thế gian, vượt lên trên điên loạn, giả dối, thù hằn, khoa trương, ti tiện, lượn trên sâu xa và thầm kín của vận mệnh, giống như đỉnh núi nhận thấy các cơn địa chấn vậy.
Nếu không có người yêu đương thì mặt trời sẽ tắt ngấm.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 5 - Chương 5 + 6

CÔDÉT ĐỌC XONG THƯ

Côdét vừa đọc thư, vừa để tâm hồn bước dần vào cõi mộng. Đến dòng chữ cuối cùng, nàng ngước mắt nhìn lên thì vừa đến giờ anh chàng sĩ quan xinh trai đi qua trước cửa. Côdét thấy anh chàng khả ố lạ.
Nàng lại ngắm nghía quyển vở. Nàng nghĩ thầm: chữ viết dễ thương nhỉ! Cũng là một nét chữ nhưng nhiều thứ mực khác nhau, khi thì đen thẫm khi thì nhợt nhạt như thêm nước vào lọ mực. Đúng là viết vào nhiều ngày khác nhau. Một tấm lòng đã giãy bày ra đấy, từng tiếng thở dài nối tiếp nhau, không đều đặn, không thứ tự, chẳng chọn lọc mà cũng chẳng mục đích. Côdét chưa từng đọc cái gì giống thế cả. Nàng thấy trong quyển vở có nhiều ánh sáng hơn là bóng tối, nên đối với nàng, quyển vở có cái gì như một điện thờ hé mở. Trước mắt nàng, mỗi hàng chữ bí mật ấy như sáng rực lên làm cho trái tim nàng cũng tràn đầy một ánh sáng mới lạ. Từ trước đến giờ, trong sự giáo dục của nàng, nàng chỉ nghe nói đến linh hồn chứ chẳng bao giờ nghe nói đến tình ái; như thế thì cũng chẳng khác gì nói đến thanh củi cháy mà không nói đến ngọn lửa. Quyển vở dăm trang ấy bỗng dưng như mách nhỏ cho nàng biết tất cả cái gì là yêu đương, là đau đớn, là vận mệnh, là cuộc đời, là vĩnh viễn, là bắt đầu, là chung cục. Hình như có bàn tay mở ra và bất thình lình ném cho nàng một nắm tia sáng. Nàng cảm thấy trong các dòng chữ ấy có giấu một tâm hồn say mê, hăng hái, can đảm, thực thà, một ý chí thiêng liêng, một nỗi đau thương khôn cùng và một niềm hy vọng vô hạn, một trái tim thắt lại một niềm ngây ngất làm nức lòng. Quyển vở viết tay ấy là gì? Một bức thư. Một bức thư không địa chỉ, không tên người, không ngày tháng, không chữ ký, vừa thúc giục, vừa vô tư, một câu đố gồm những chữ rõ nghĩa, một bức thư tình viết để cho một thiên thần mang di trao cho một cô gái đồng trinh đọc, một cuộc hò hẹn ở ngoài cõi trần, một mảnh tình thư của ma gửi cho bóng. Đây là một người con trai vắng mặt tỉnh táo và đau khổ, sẵn sàng trốn vào cõi chết và muốn gửi cho người con gái vắng mặt cái bí quyết về vận mệnh, cái chìa khóa của cuộc sống là tình yêu. Người viết thư chân đứng trong mộ, tay đặt lên trời. Những dòng một rơi trên giấy này, có thể nói là những giọt linh hồn.
Những trang này, từ đâu đến? Ai là người viết ra?
Côdét không ngập ngừng chút nào. Chỉ một người.
Chàng!
Tâm trí nàng trở lại sáng sủa. Cảnh cũ lại hiện ra. Nàng cảm thấy vừa vui vừa lo, vui và lo đều không bờ bến. Đúng là chàng! Chàng đã viết! Chàng đang ở ngoài kia, chàng dac thò tay qua rào! Nàng đã quên chàng thì chính chàng đã tìm đến. Có thực nàng quên chàng chăng? Không! Chẳng bao giờ! Nàng thật điên rồ hi có lúc đã nghĩ như thế! Nàng vẫn yêu chàng, quí chàng. Lửa vùi xuống, âm ỉ một thời gian, nhưng như nàng đã biết,, lửa đã ngún sâu thêm và bây giờ thì nó bùng lên và đốt nàng cháy rực. Quyển vở kia như một mời lửa rơi từ tấm lòng ai vào tấm lòng nàng, và bây giờ nàng thấy rõ đám cháy lại bùng lên. Từng chữ trong quyển vở như thấm sâu vào lòng nàng. Nàng tự bảo: - À phải, ta nhận ra tất cả lời này rồi! À phải, ta nhận ra tát cả lời này rồi! Ta đã đọc hết trong mắt chàng trước kia.
Đọc lại xong cuốn vở lần thứ ba thì cũng vừa lúc trung úy Têôđuyn đi qua trước cổng nện mạnh cựa kỵ binh xuống mặt đường, buộc Côdét phải ngước mắt trông ra. Nàng thấy hắn thật vô vị, dớ dẩn, ngu dại, vô dụng, khoe khoang, khả ố, ngạo nghễ và xấu xí. Trung úy tưởng nàng mỉm cười và đã mỉm cười. Nàng quay mặt đi xấu hổ, tức tối. Nàng chỉ muốn ném một cái gì vào đầu hắn.
Nàng chạy vào nhà, đóng cửa phòng riêng để đọc lại bức thư, để học thuộc lòng và để mơ tưởng. Khi đã đọc kỹ, nàng hôn lên bức thư và cất vào áo lót. Thế là xong, cái hố cực lạc vừa hiện ra, Côdét rơi trở vào cuộc tình duyên lý tưởng.
Cả ngày Côdét như ngây như dại. Nàng gần như không suy nghĩ được, ý nghĩ rối bù trong óc, không còn ước đoán được điều gì; nàng vừa run sợ vừa mong ước mơ hồ. Nàng không dám hứa hẹn mà cũng không muốn từ chối với mình một điều gì. Mặt nàng thỉnh thoảng tái nhợt và người nàng có lúc lại ớn lạnh. Đôi khi hình như nàng đi vào thế giới hão huyền; nàng nghĩ bụng: có phải là chuyện thật không? Rồi nàng đưa tay sờ xấp giấy đáng yêu đang giấu dưới áo, ép mạnh vào tim, cảm thấy góc cạnh của nó chạm vào da thịt. Lúc ấy mà Giăng VanGiăng nhìn thấy chắc ông phải rùng mình trước niềm vui lạ lùng, rực rỡ đang tràn đầy khóe mắt nàng. – A phải, nàng thầm nghĩ, đúng là chàng! Thư này là của chàng viết cho ta đây!
Và nàng cho rằng chắc có bàn tay của thiên thần, hoặc một sự tình cờ thiêng kiêng đó, bàn tay của thiên thần, hoặc một sự tình cờ thiêng liêng đã trả chàng lại cho nàng.
Chao ôi là phép màu biến hóa của tình yêu! Ôi mơ mộng! Sự tình cờ thiêng liêng đó, bàn tay của thiên thần đó là viên bánh mì do một tên kẻ cắp ném cho một tên kẻ cắp khác, từ dân Sáclơmanhơ đến chuồng sư tử, vượt qua mái nhà lao La Forxơ.
***
VI - TRỜI SINH RA CÁC ÔNG GIÀ ĐỂ ĐI VẮNG PHẢI LÚC
Đêm đến Giăng VanGiăng ra phố. Thế là Côdét mặc xống áo, trang điểm. Nàng vấn tóc theo kiểu hợp với khuôn mặt nàng nhất. Nàng mặc chiếc áo cổ khoét hơi già, cho nên để lộ một chút ngực. Bọn thiếu nữ cho như thế thì cũng hơi “lẳng”. Làm gì mà lẳng? Thật ra chẳng có cách trang điểm nào xinh hơn, nàng trang điểm mà không biết để làm gì.
Côdét muốn đi phố chăng? Không.
Nàng chờ ai đến thăm chăng? Cũng không.
Nhá nhem tối, nàng ra vườn. Bà Tútxanh đang bận nấu ăn tỏng nhà bếp, mà nhà bếp lại nhìn ra phía sân sau.
Nàng đi dưới vòm lá, thỉnh thoảng lấy tay rẽ cành vì có nhiều lá mọc quá thấp.
Nàng đi lần đến chiếc ghế.
Hòn đá vẫn còn ở đấy.
Nàng ngồi xuống đặt bàn tay dịu dàng trắng trẻo lên, tuồng như muốn vuốt ve cảm tạ nó.
Đột nhiên nàng cảm thấy có ai đó đứng đằng sau lưng. Không trông thấy mà biết có người ở đằng sau mình, cảm giác ấy thật khó tả.
Nàng quay đầu lại và đứng phắt lên.
Đúng là Mariuytx.
Mariuytx đi đầu trần, mặt có phần xanh và gầy đi. Chàng mặc bộ quần áo đen nhưng trông không rõ lắm. Vầng trán đẹp của chàng tái đi trong ánh mập mờ của hoàng hôn, đôi mắt chàng chìm đắm trong bóng tối. Dáng người thì dịu dàng hiền hậu nhưng bên trong có ẩn một cái gì như bóng đêm và thần chết. Trên mặt cahngf thoi thóp ánh sáng của một ngày sắp tàn và một linh hồn sắp tàn.
Là ma đấy, thì cũng chưa hẳn, nhưng cũng không còn là người nữa rồi.
Mũ của chàng vứt đâu đấy trong bụi.
Côdét suýt ngất đi, nàng không kêu, không nói gì cả. Nàng lùi lại vì cảm thấy có sức gì đẩy mình tới. Mariuytx không nhúc nhích. Tuy không trông thấy đôi mắt của Mariuytx, nàng cũng biết Mariuytx đang nhìn mình vì nàng cảm thấy có một cái gì buồn buồn khác lạ đang bao bọc lấy mình.
Trong khi thụt lùi. Côdét gặp một thân cây, nàng tựa vào đó. Nếu không có cây thì nàng đã ngã xuống rồi.
Bấy giờ nàng mới nghe thấy giọng nói của Mariuytx, giọng nói ấy nàng chưa bao giờ nghe. Tiếng Mariuytx không to hơn tiếng rì rào. Mariuytx thì thầm:
- Tôi đã đến dây, cô hãy tha tội cho tôi. Lòng tôi nặng trĩu ưu phiền. Tôi không thể sống như vậy được nữa cho nên tôi phải đến đây. Những tờ giấy tôi để trên ghế, cô đã đọc chưa? Cô có phần nào nhận ra tôi không? Cô đừng sợ tôi. Cô có nhớ chăng cái ngày cô nhìn lại tôi không? Đã khá lâu rồi ở trong vườn Luychxămbua, gần bên pho tượng Lực sĩ. Còn cái ngày cô đi qua trước mặt tôi, cô cũng nhớ chứ? Ngày 16 tháng 6 và ngày 2 tháng 7. Thấm thoắt thế mà đã ngót năm rồi đấy. Đã lâu lắm, lâu lắm tôi không gặp cô. Tôi hỏi thăm mụ cho thuê ghế, mụ nói là không trông thấy cô đến nữa. Lúc ấy cô ở một tòa nhà mới ở phố Uét, gác thứ ba, phía trước. Cô thấy tôi biết rõ chưa! Lúc bấy giờ tôi lẽo đẽo theo cô. Chứ còn biết làm gì nữa? Thế rồi cô biến mất. Một lần tôi đương đọc báo trước rạp Ôđêông thì thấy bóng ai như cô đi qua. Tôi chạy theo nhưng không phải! Chỉ vì người đàn bà ấy đội một cái mũ như mũ cô. Đêm đêm, tôi đến đây. Cô chớ lo, không ai trông thấy tôi đâu. Tôi đến nhìn tận cửa sổ của cô. Tôi không dám bước mạnh vì e cô nghe tiếng động mà hãi chăng. Tối hôm nọ, tôi đi sau cô, cô quay lại thì tôi chạy trốn. Một hôm tôi nghe cô hát. Tôi sung sướng quá. Nghe trộm tiếng hát của cô qua cửa như vậy có can hại gì đến cô không? Không can hại gì hết phải không, thưa cô? Cô thấy chưa, cô là thiên thần của tôi. Cô cho phép tôi thỉnh thoảng đến, tôi tưởng tôi sắp chết. Cô biết chăng? Tôi yêu quí cô. Cô tha thứ cho tôi, tôi nói mà không hiểu nói gì, có lẽ tôi làm cho cô giận. Cô có giận tôi không?
Côdét chỉ kêu:
- Mẹ ôi mẹ!
Rồi nàng gục xuống, lả người đi.
Mariuytx nâng nàng lên, nàng lại ngã xuống. Mariuytx ôm nàng vào lòng, chàng xiết chặt người nàng mà không biết. Mariuytx đỡ Côdét, nhưng chính chàng cũng đứng không vững. Đầu óc chàng như mờ mịt những khói, mắt chàng hoa lên, lý trí chàng bay biến đâu mất. Chàng cảm thấy mình vừa làm một việc thiêng liêng, vừa xúc phạm vào thần thánh. Vả lại, tuy cảm thấy tấm thân ngà ngọc kia cọ xát vào ngực mình, chàng cũng không có một chút thèm muốn nào cả. Chàng ngây ngất vì yêu.
Côdét cầm tay Mariuytx đặt lên ngực mình. Mariuytx nghe thấy có tập giấy dưới áo. Chàng lắp bắp:
- Cô cũng yêu tôi ư?
Nàng trả lời khẽ lắm, khẽ như một hơi thở, lắng tai mới nghe:
- Im! Anh biết rồi mà.
Rồi nàng ép mặt thẹn thùng vào lòng chàng trai phấn khởi và say sưa.
Mariuytx ngã ngồi xuống ghế. Côdét ngồi bên chàng. Chàng và nàng đều không ra lời nữa. Sao trên trời bắt đầu sáng rõ. Ai biết được làm sao môi hai người lại dán vào nhau? Còn ai biết nữa vì sao chim hót, tuyết tan, hoa hồng mở cánh, mùa xuân khoe tươi và vì sao bình minh bừng trắng sau hàng cây đen trên ngọn đồi còn run lạnh?
Chỉ một cái hôn, một cái hôn thôi.
Thế mà cả hai rùng mình, bốn mắt nhìn nhau sáng rực trong đêm tối.
Họ không nghe thấy đêm mát đã xuống. Chiếc ghế đá giá lạnh, đất vườn ẩm ướt, ngọn cỏ đẫm sương, họ cũng chẳng hay. Họ chỉ biết nhìn nhau, lòng tràn ngập nỗi niềm. Vô tình họ nắm tay nhau.
Côdét không hỏi Mariuytx vào theo lối nào và bằng cách nào. Nàng không nghĩ tới điều ấy. Nàng coi cái việc Mariuytx ngồi đó là tự nhiên.
Thỉnh thoảng đầu gối chàng đụng vào đầu gối nàng, thế là cả hai rùng mình.
Chốc chốc, Côdét bập bẹ một lời. Tâm tình nàng run rẩy trên môi như giọt sương mai trên cánh hoa.
Dần dần, họ nói chuyện với nhau. Im lặng là vì lòng tràn ngập tình yêu, nhưng rồi cũng đến lúc thấy cần bộc lộ. Trên đầu họ, trời đêm vằng vặc nguy nga. Hai con người ấy trong sạch như thiên thần. Họ thỏ thẻ với nhau tất cả, những điều mơ ước, những giờ đắm đuối và những lúc say tình, tưởng tượng hão và cả những phút chán chường. Họ nói họ đã ở xa nhau mà say đắm nhau thế nào, ao ước được gần nhau thế nào. Tình giao thân đôi lứa đã đến mức lý tưởng. Trong sự thân mật ấy, họ đã nói với nhau những nỗi lòng thầm kín u ẩn nhất của họ. Đã yêu, lại đương tuổi xuân, hơn nữa mới vừa là thiếu niên lớn lên, họ tưởng tượng ra đủ mọi thứ và đem trao đổi với nhau. Lòng ngây thơ trong trắng của họ tin tất cả những ảo tưởng đó. Họ san bớt nỗi lòng với nhau thành ra một giờ sau tâm hồn của nàng ở trong người chàng, mà ở trong nàng lại là tâm hòn của chàng. Họ hòa mình vào nhau, họ mê hoặc nhau, họ quáng mắt lên vì nhau.
Khi không còn lời gì để nói với nhau nữa, lúc đó nàng mới ngả đầu lên vai chàng và hỏi:
- Anh ơi, anh tên là gì nhỉ?
- Anh là Mariuytx. Còn em?
- Em là Côdét…


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 6

CHÚ BÉ GAVRỐT

Chương 1

TRẬN GIÓ TINH QUÁI

Từ năm 1823 trở đi, cửa hàng cơm Tênacđiê ở Môngphecmây suy dần, chìm ngập dần. Không phải chìm ngập trong vự thẳm một cuộc phá sản, mà chìm dần mòn trong cái vũng đọng của những món nợ vặt ỷ eo. Trong lúc ấy, vợ chồng Tênacđiê sinh thêm hai đứa con, đều là trai. Tổng số bây giờ là năm, hai gái, ba trai. Như thế cũng khá gọi là đông.
Hai đứa trẻ sinh sau, mụ Tênacđiê đã rẩy đi với một sự may mắn hiếm có, từ lúc chúng còn rất bé.
Đũng là rẩy đi. Vì người đàn bà ấy chỉ có một phần thiên tính: mụ chỉ làm mẹ đối với con gái thôi. Có hơn một ví dụ về hiện tượng đó. Cũng như bà thống chế Đơ La Môtơ Huđăngcua, mụ chỉ làm mẹ đối với mấy đứa con gái thôi. Mẫu tính của mụ giới hạn ở chỗ đó. Và lòng thù ghét nhân loại ở mụ cũng bắt đầu từ hai đứa con trai. Đối với chúng, sự nanh ác của mụ dóc như một vực thẳm và quả tim mụ bị chặn lại bởi một ghềnh đá ở chỗ này. Bạn đóc đã thấy mụ ghét thằng lớn thế nào, với hai đứa nhỏ, lại càng hơn thế, mụ thù ghê thù tởm chúng. Vì sao? Vì… cái lý do ghê gớm đệ nhất và cũng khó cãi đệ nhất. Vì tôi không cần cả một xâu con như vậy.
Chúng ta hãy xem mụ Tênacđiê làm thế nào để khử bỏ ba đứa con, hơn nữa khử bỏ mà còn được lợi.
Trước đây, tác giả cũng đã nói đến một mụ Manhông tức là con mụ đã bắt lão Gilơnormăng chu cấp cho hai đứa con. Mụ ấy ở bờ sông Xalétxtanh, chỗ gặp nhau với đường phố Pơti Muytxcơ, cái đường phố đã dùng cái tên thơm để che tiếng xấu (xạ hương). Ngày nay người ta cẫn còn nhớ cái trận dịch hầu phong lớn đã tàn sát trẻ con trên cái khu phố bờ sông Xen cách đây ba mươi lăm năm. Khoa học đã lợi dụng trận dịch ấy để thể nghiệm đại quy mô hiểu quả của việc thổi phèn chua vào cơ thể, một phương pháp chữa bệnh đã được thay thế bằng cồn iốt bôi ngoài. Qua vụ dịch, mụ Manhông bỏ mất luôn cả hai đứa con, một đứa buổi sớm, một đứa buổi chiều, đương rất bé. Thật là một tai họa. Hai đứa bé ấy quí lắm: mỗi tháng chúng kiếm ra tám mươi phơrăng. Số tiền ấy, tháng tháng mụ lĩnh đều đặn ở nhà ông Bácgiơ là mõ tòa hưu trí, quản lý lợi tức cho lão Gilơnormăng ở phố Vua Xixin. Hai đứa bé chết thì món cấp phí của mụ Manhông cũng đi đời nhà ma. Mụ Manhông nghĩ kế: mụ vốn có chân trong đảng kín của những đứa bất lương. Trong đảng ấy người ta biết rất rõ cả mọi việc của nhau nhưng người ta giữ bí mật cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Mụ Manhông cần hai đứa trẻ, thì chính mụ Tênacđiê lại có hai đứa. Cùng là trai, cùng một lứa tuổi. Quả là được việc cho mụ này và có lợi cho mụ Manhông. Mụ Manhông rời khỏi phố bờ sông để vào ở phố Cơlốtsơpéc. Ở Paris rời phố này đi chỗ khác, thì lý lịch cũ cũng tự dưng mất.
Sổ hộ tịch không được báo cáo gì về hai đứa bé chết cho nên không đòi hỏi gì cả, và việc đánh tráo thế là xuôi. Duy tên Tênacđiê đòi mỗi tháng mười phơrăng về khoản cho mượn con ấy. Mụ Manhông đồng ý và trả đúng hẹn. Tất nhiên về phần lão Gilơnormăng lão vẫn trả tiền đều đặn. Cứ sáu tháng, lão đến thăm hai đứa một lần. Lão không thấy sự đổi chác. Mụ Manhông nói với lão: ông ơi, ông xem, chúng nó giồng ông như đúc.
Tên Tênacđiê vốn thạo việc đổi trắng thay đen cho nên cũng lợi dụng cơ hội ấy để đổi tên ra Giôngđơrét. Hai đứa con gái của hắn và Gavrốt cũng chỉ vừa nhận thấy qua là mình có hai đứa em trai. Nghèo khổ đến một mức nào đó thì người ta hóa ra vô tình; khi ấy người ta nhìn đồng loại cũng như nhìn con sâu cái kiến. Cả đến những người thân nhất cũng chỉ là những cái bóng nhạt trên nền nhờ nhờ của cuộc sống, dễ dàng lẩn biến vào thế giới vô hình.
Tối hôm mụ Tênacđiê giao món hàng con cho mụ Manhông, với quyết tâm từ bỏ dứt khoát, mụ có một điều băn khoăn không biết vờ hay thật. Mụ bảo Tênacđiê: làm thế chả hóa ra chúng mình bỏ con! Thằng chồng lấy giọng thông thái và thản nhiên đáp: ngày xưa Rútxô còn làm hơn thế! Câu nói ấy thanh toán ngay niềm băn khoăn của mụ vợ. Nhưng từ băn khoăn, mụ chuyển sang lo ngại. Mụ nói: ngộ cảnh sát họ làm rắc rối thì thế nào? Ông ơi, cái viêc chúng ta làm đó, chúng ta có được phép làm không?
- Được phép tuốt, cái gì lại không được phép. Ai người ta biết trời đất gì tỏng ấy. Vả với cái đồ trẻ con xơ rơ xác rác ấy, ai ích gì mà dí mũi vào?
Mụ Manhông thuộc loại “tội phạm thanh nhã”. Mụ phục sức lịch sử. Đồ đạc trong nhà mụ tồi tàn mà cầu kỳ. Mụ cho một ả người Anh quốc tịch Pháp ở chung nhà. Ả người Anh thành người Paris đó có những bạn bè giàu có và dính dáng mật thiết với vụ mề đay của thư viện và kim cương của cô Mácxơ. Sau này, ả nổi tiếng trong các hồ sơ tư pháp. Người ta gọi ả là Mitxơ (Nguyên văn Mamselle Miss. Mamselle tiếng bình dân có ý khinh bỉ, do tiếng mademoiselle: cô hoặc tiểu thư, gái chưa chồng; Miss tiếng Anh cũng có nghĩa là cô gái chưa chồng. Danh từ Mamselle Miss cấu tạo như danh từ bà đầm, phiên âm tiếng pháp từ dame của ta, gồm một từ quốc ngữ ghép với một từ ngoại ngữ đồng nghĩa).Hai đứa bé về ở với mụ Manhông cũng không đến nỗi nào. Số tiền tám mươi phơrăng hàng tháng khiến mụ cũng có phần nương nhẹ chúng, như người ta nương tất cả những vật dùng để sinh lợi. Mặc cũng lành, ăn cũng ngon, được săn sóc gần như những “cậu ấm”, hai đứa bé ở với bà mẹ giả này hóa ra sướng hơn ở với mẹ ruột. Mụ Manhông lại cố đóng vai bà thượng lưu không nói tục nói lóng trước mặt chúng.
Vài ba năm trôi qua như vậy. Tênacđiê đoán rồi sẽ còn khá hơn. Một lần Manhông đem đưa số tiền tháng mười phơrăng cho hắn, hắn đã nói:
- Rồi đây “ông bố” chúng cũng phải nghĩ đến việc giáo dục chúng mới được. Rủi mà may, hai đứa bé tội nghiệp ấy thế mà được ấm thân. Bỗng đâu một buổi kia chúng lại bị vứt ra giữa cảnh đời để tự mình bắt đầu cuộc sống.
Một vụ bắt bớ hàng loạt nhứng đứa bất lương như vụ bắt ổ bợm Giôngđơrét, có kèm theo nhiều vụ soát nhà và giam cứu, là một tai họa cho xã hội huyền bí kinh tởm ấy, nó sống ẩn ở dưới cái xã hội công khai. Một biến cố như thế gây ra đủ mọi thứ đổ vỡ. Tai họa của Giôngđơrét gây ra tai họa cho mụ Manhông.
Không mấy bữa sau khi mụ Manhông đưa cho Êpônin mảnh giấy về phố Pơluyme, thì một hôm, cảnh sát ập đến con đường Cơlốtsơpéc. Mụ Manhông sa lưới, cùng với “cô Mítxơ” và tất cả dân cư ở cái nhà ấy, vì hành tung của họ khả nghi. Trong khi ấy, hai đứa bé đang chơi ở sân sau không hay biết gì hết. Khi chúng về thì chúng thấy cửa đóng nhà không. Người thợ giầy bên kia đường gọi chúng lại, đưa cho một mẩu giấy “mẹ”chúng gửi. Trên giấy có địa chỉ: Ông Bácgiơ, quản lý lợi tức phố Vua Xixin số 8.
Người thợ giầy bảo:
- Các cháu đừng ở đây nữa. Tìm đến chỗ đó. Gần lắm. Phố đầu tiên mà các cháu bắt gặp về phía tay trái. Đưa miếng giấy này ra mà hỏi thăm đường thì người ta sẽ bảo cho.
Chúng ra đi, thằng lớn một tay dắt em, một tay cầm mẩu giấy. Nó rét quá, ngón tay cóng lạnh kẹp mẩu giấy không được chặt. Đến đầu phố Cơlốtsơpéc, một luồng gió mạnh cuốn tờ giấy đi, mà đêm đã xuống, nó tìm mãi không thấy.
Đứa bé đành đi lang thang thất thểu hết phố này sang phố khác.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 6 - Chương 2

CHÚ GAVRỐT TÍ HON LỢI DỤNG NAPOLEON VĨ ĐẠI

Mùa xuân ở Paris thường có một thứ gió may cắt da thịt, nó không làm cho người ta giá lạnh, nó làm cho người ta thành băng. Có gió ấy, những ngày tươi đẹp bỗng nhiên biến thành ảm đạm: nó tựa như một luồng khí lạnh lọt qua khe cửa đóng dối vào gian phòng ấm áp. Tuồng như cái cửa mùa đông còn để hở cho nên gió lạnh thổi về từ phía ấy.
Mùa xuân năm 1832, vào độ vụ dịch lớn đầu thế kỷ ở châu Âu, gió ấy gay gắt, lạnh lùng hơn bao giờ hết. Rõ ràng là có một cái cửa nào lạnh hơn cửa mùa đông nữa đã bỏ ngỏ. Đó là cửa nghĩa địa. Trong gió may đó, người ta nghe thấy hơi thổi của ôn thần thổ tả.
Đứng về khí tượng mà nói thì các thứ gió lạnh ấy có một đặc điểm là không loại trừ điện thế cao trong không khí. Vào thời kỳ đó có nhiều trận giông tố đã xảy đến với chớp giật và sấm sét.
Một buổi tối, gió may thổi gắt gao đến nỗi người ta tưởng tháng giêng đã trở lại và bọn tư sản đều lấy áo choàng ra mặc. Chú bé Gavrốt vẫn run cầm cập trong bộ đồ rách nát và vẫn vui tươi, chú đứng ngây ngất trước cửa hàng một người thợ cạo. Chú mang một cái khăn quàng phụ nữ bằng len nhặt ở đâu không biết mà chú đem dùng làm khăn quàng cổ. Chú có vẻ say sưa ngắm một cái tượng cô dâu mặc áo cưới bằng sáp, áo hở ngự, tóc cài hoa cam. Cái tượng quay vòng đằng sau cửa kính, giữa hai ngọn đèn dầu và cười duyên với khách qua đường. Dáng thì thế, nhưng thật thì Gavrốt đang quan sát cửa hàng để xem có cách gì “xoáy” một bánh xà phòng trong quầy để đem bán một xu cho người thợ hớt tóc ngoại ô. Đã nhiều lần chú ăn sáng một cái bánh như thế. Chú có biệt tài về ngón “xoáy” ấy, mà chú gọi bóng là “sửa râu cho bác thợ cạo”.
Vừa ngắn tượng cô dâu mới và liếc bánh xà phòng chú vừa lẩm bẩm trong miệng: - Ngày thứ ba. Không phải ngày thứ ba – Có ngày thứ ba không ấy? – Có lẽ là thứ ba, - Ừ phải. Thứ ba.
Không ai biết chương độc thoại ấy nói về việc gì!
Hôm ấy đúng là ngày thứ sáu. Phải chăng chú bé nói về cái ngày cuối cùng mà chú được ăn tối, cách đây ba hôm.
Trong hiệu có lò sưởi ấm áp, bác phó đương cạo mặt cho một khách hàng. Thỉnh thoảng bác liếc nhìn ra tên kẻ thù tức là chú bé rét xo và trâng tráo. Chú bé hai tay thọc túi nhưng trí thì chắc đã ra ngoài vỏ não từ bao giờ.
Trong lúc Gavrốt ngắm nhìn tượng cô dâu, tủ kính và những bánh xà phòng Anh, chợt có hai đứa bé đến, một đứa lớn một nhỏ nhưng đều bé hơn Gavrốt, một thằng độ bảy tuổi, một thằng năm. Chúng nó ăn mặc cũng khá. Chúng rụt rè văn quả nắm rồi đi vào hiệu. Miệng chúng lẩm nhẩm cái gì như là một tiếng rên hơn là một lời cầu khẩn. Chúng xin cái gì không biết, có lẽ chúng xin ăn. Hai đứa cùng nói một lúc. Chúng nó nói cái gì không nghe rõ vì thằng bé vừa nói vừa khóc, thằng lớn vừa nói răng vừa va vào nhau cồm cộp. Người phó cạo ấy quay lại vẻ mặt giận dữ. Không rời bỏ con dao nơi tay, ông lấy tay trái xô thằng lớn, lấy đầu gối đẩy thằng nhỏ ra tận ngoài đường, rồi đóng sầm cửa lại mà bảo:
- Đồ quỷ, tự nhiên đem gió lạnh vào nhà người ta.
Hai đứa bé vừa đi vừa khóc. Có đám mây bay tới hạt mưa bắt đầu rơi lác đác.
Gavrốt chạy theo chúng, gọi:
- Hai thằng kia, chúng mày làm sao thế?
Thằng lớn đáp:
- Chúng tôi không có chỗ ngủ.
- Có thế thôi à? Tưởng là gì cơ! Có thế mà cũng khóc được. Hai đứa mày còn khờ quá.
Chú lấy giọng kẻ cả, vừa cao đạo vừa ỡm ờ, xúc động, dịu dàng và che chở, chú bảo:
- Oắt con, thôi đi về với tao.
Thằng lớn nói:
- Thưa ông, vâng.
Thế là hai thằng bé đi theo Gavrốt như đi theo một vị tổng giám mục. Chúng không khóc nữa.
Gavrốt dắt chúng đi ngược phố Xanh Ăngtoan, về hướng nhà lao Bátxi.
Gavrốt vừa đi vừa quay nhìn hiệu tên thợ cạo một cách tức tối. Chú lầm bầm:
- Con ngợm ấy thực chẳng có chút nhân tình nào.
Gặp chúng đi thành hàng một, có Gavrốt dẫn đầu, một cô gái điếm cười phá lên. Cái cười ấy thật là bất kính với đoàn của chú, cho nên Gavrốt đối phó:
- Chào cô “Xe đò” ạ.
Một lát sau, nhớ lại tên thợ cạo, chú nói thêm:
- Gọi là ngợm thì cũng chưa đúng. Nó là một con rắn. Thằng thợ cạo kia, ta sẽ gọi tên thợ khóa đến gắn cho mày một cái nhạc ở đằng đuôi (có một giống rắn hổ mang có dây vảy ở đàng đuôi có thể bật lên tiếng kêu, người ta bảo vảy ấy là nhạc).
Tên thợ cạo đã làm cho Gavrốt trở nên hiếu chiến.
Khi bước qua rãnh nước, Gavrốt gặp một bà gác cổng có râu đang xách chổi đi, có vẻ như đi gặp Faust ở Quỷ tụ sơn.
- Bà ơi, bà cưỡi ngựa đi đấy à (Theo dị đoan châu Âu người ta bảo rằng ngày hội quỷ sứ các mu phù thủy cưỡi chổi làm ngựa đi dự hội. Faust là một nhân vật huyền thoại Đức, tương truyền đã bán linh hồn cho quỉ sứ. Nhà văn Đức: Gớt, đã đưa nhân vật Faust vào một vở kịch lớn cùng tên)? - Gavrốt hỏi.
Vừa lúc ấy nó làm té bùn lên đôi giày bóng của một ông khách qua đường. Ông cáu lên, quát:
- Thằng quái này!
- Ông tố ai đấy?
- Mày chứ còn ai nữa!
- Hết giờ rồi, văn phòng đã đóng cửa, tôi không nhận đơn đâu.
Đi một quãng nữa, chúng gặp một con bé hành khất độ mười ba mười bốn tuổi đang rét cóng dưới một cái cổng, váy cũn cỡn, để lòi hai đầu gối. Con bé đã quá lớn, mặc váy để đầu gối ra ngoài không tiện nữa. Tuổi lớn lên dễ gặp những chuyện oái oăm như thế đấy! Chính lúc thấy lõa lồ là xấu hổ thì cũng là lúc chiếc váy trở nên quá ngắn. Gavrốt nói:
- Thương hại con bé, ngữ ấy cũng không có quần áo đâu. Thôi hãy cứ lấy cái này mà dùng.
Chú bé nói thế rồi cởi ngay tấm khăn len ấm quàng quanh cổ, chú vứt lên đôi vai gầy gò tím ngắt của con bé ăn mày.
Chiếc khăn len trên vai con bé trở lại nguyên hình thành một chiếc khăn quàng phụ nữ.
Con bé lặng lẽ nhận chiếc khăn quàng và ngơ ngác nhìn Gavrốt. Khi đã quá chừng túng quẫn, người nghèo khổ sống trong hãi hùng thì bị bạc đãi vẫn không biết rên, được giúp đỡ cũng quên cảm tạ.
Cho khăn quàng rồi, Gavrốt xuýt xoa vì rét, rét hơn thánh Máctanh (Thánh Máctanh đi đường thấy có người rét, cắt nửa vạt áo choàng của mình cho), vì tuy thế mà thánh Máctanh còn giữ nửa chiếc áo choàng.
Vừa khi Gavrốt xuýt xoa thì mưa xuống tầm tã. Trời xấu hại người lành. Gavrốt kêu:
- Ô hay! Thế này là nghĩa làm sao? Lại mưa. Chúa phúc đức ơi! Nếu cứ như thế này thì tôi phải hủy việc mua mưa dài hạn.
Chú lại đi. Chú liếc nhìn con bé hành hất đương thu mình trong chiếc khăn quàng và nói:
- Cũng cóc cần. Con bé này được tấm áo ấm đấy.
Rồi chú ngửa mặt nhìn trời, thét:
- Thua nhé.
Hai đứa bé nối gót chú.
Chúng đi qua một tấm lưới sắt. Tấm lưới sắt ấy chăng trước một cửa hiệu bánh mì, bởi vì người ta cất bánh cũng như cất vàng, đằng sau rào sắt. Gavrốt ngoái lại:
- Ơ này, nhóc con, bay đã ăn tối chưa?
- Thưa ông – Thằng lớn thưa – Từ sáng đến giờ chúng cháu chưa có hột nào vào bụng.
Rất uy nghi, Gavrốt nói:
- Thế ra chúng mày không có cha mẹ gì cả à?
- Xin ông tha lỗi. Chúng cháu có ba, có mẹ đấy ạ, nhưng không biết ở đâu rồi.
Gavrốt vốn là một nhà tư tưởng nên chú nói:
- Nhiều khi không biết cha mẹ ở đâu lại hơn!
- Chúng cháu đi như thế này đã hai tiếng đồng hồ rồi. Chúng cháu cũng cố tìm cái ăn bên các mốc trụ nhưng không có.
- Tao biết! Chó nó ăn tuốt, chả còn gì.
Ngừng một lát chú nói tiếp:
- Ra thế! Các ông nhóc lạc mất tác gia của mình, các ông nhóc không biết họ đi đằng nào. Như vậy rất không tốt các ông nhóc ạ! Ai lại để lạc mất người lớn như vậy? Mất thế thì lấy cóc khô gì mà liếm?
Tuy nói vậy Gavrốt cũng không hỏi hai đứa bé thêm nữa. Lang thang không nhà thì cũng là chuyện thường thôi.
Thằng lớn đã hoàn toàn trở lại với tính vô tư lự của tuổi trẻ thơ. Nó bảo:
- Cũng lạ thật! Thế mà mẹ bảo chủ nhật lễ lá này mẹ dắt đi xin lá thánh.
- Nước mẹ gì! Gavrốt kêu.
- Mẹ là một bà, ở với ả Mitxơ.
- Phớt!
Gavrốt nói thế rồi dừng lại. Từ nãy chú sờ hết túi này tới túi khác, hết các ngóc ngách trong bộ quần áo tã của chú.
Cuối cùng chú ngẩng đầu lên, chỉ muốn tỏ là mình vừa ý, nhưng thật ra mặt chú lại hân hoan rạng rỡ như một kẻ chiến thắng.
- Hai cậu chớ lo nữa. Cái này đủ để ba ta xơi tối.
Vừa nói chú vừa móc túi lấy ra một đồng xu.
Hai thằng bé chưa kịp kinh ngạc thì Gavrốt đã đẩy chúng vào hàng bánh, đặt đồng xu lên bàn và gọi:
- Bồi, một xu bánh.
Người bán hàng vốn là chủ tiệm, lấy một cái bánh và một con dao.
Gavrốt dặn:
- Bồi, cắt làm ba.
Chú nói thêm một cách oai vệ.
- Bọn này ba người.
Sau khi nhìn kỹ ba đứa trẻ, người chủ hiệu lấy một cái bánh đen. Thấy thế, Gavrốt thọc sâu một ngón tay vào lỗ mũi, hùng dũng hít một hơi dài, như vua Phrêđêric vĩ đại hút thuốc lá – rồi chú ném vào mặt anh chủ hiệu câu hỏi căm phẫn này:
- Têlatênao?
Có bạn đọc đoán rằng đó là tiếng Nga hay tiếng Ba lan, hay là tiếng kêu của các bộ tộc man rợ dùng để gọi nhau từ bên này sông qua bên kia sông trong cảnh vắng. Tôi xin nói với các bạn rằng đây chỉ là một câu các bạn dùng thường ngày, rút lại thành một tiếng, câu ấy là: Thế là thế nào? Người hàng bánh hiểu rõ, đáp:
- Hừ! Đây là bánh chứ còn là thế nào? Bánh hạng nhì rất tốt.
Gavrốt thản nhiên và khinh khỉnh:
- Anh muốn nói bánh đen à? Không đâu, bồi, đây ưng bánh trắng, bánh thượng hảo hạng. Đây thết anh em kia mà.
Người hàng bánh không thể mỉm cười. Khi ông cắt bánh trắng, ông nhìn ba đứa trẻ một cách đáng thương hại. Cái nhìn ấy chạm lòng tự ái của Gavrốt:
- Này, cái anh hàng bánh này! Can gì anh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân như đo vậy?
Thật ra, chồng ba đứa lên nhau, chúng cũng không cao quá hai thước.
Bánh cắt xong, người hàng bánh cất đồng xu, còn Gavrốt thì bảo hai đứa trẻ:
- Chén thôi.
Hai đứa bé ngẩn ngơ nhìn chú. Chú bật cười.
- Ừ nhỉ! Các chú còn non quá, đã hiểu gì đâu.
Rồi chú nói lại:
- Ăn đi.
Vừa nói chú vừa đưa cho mỗi đứa một miếng bánh. Chú nghĩ rằng thằng anh xứng đáng nói chuyện với chú hơn, phải khuyến khích nó và làm cho nó ăn uống mạnh dạn. Chú đưa miếng bánh to nhất cho nó và bảo:
- Tọng vào nòng súng đi.
Trong ba phần bánh, có một phần bé nhất, chú lấy phần ấy.
Mấy đứa bé khổ sở đói meo, kể cả Gavrốt. Chúng ăn ngốn ngấu và đứng dàn ra chật cửa hàng. Người chủ tiệm đã lấy tiền rồi nên nhìn các chú một cách bực bội.
Gavrốt hiểu ý bảo:
- Chúng ta trở về đường phố thôi.
Chúng lại đi về hướng nhà ngục Bátxi.
Chốc chốc, khi qua các cửa hiệu đèn sáng, thằng bé nhất dừng lại, giở cái đồng hồ chì buộc lủng lẳng trên cổ ra xem giờ. Gavrốt bảo:
- Quả thật thằng này chưa biết gì cả.
Rồi nghĩ ngợi, chú lầm bầm:
- Chà, nếu mà ta có con, thì ta phải giữ gìn kỹ hơn kia.
Khi ba đứa ăn hết bánh thì cũng vừa hết chỗ rẽ sang con đường Ban-lê buồn bã, ở cuối đường có nhà lao La Forxơ với cái cửa thấp, rất dễ ghét. Lúc ấy có tiếng ai reo:
- Ô, kìa, Gavrốt, mày đấy ư?
Gavrốt cũng bảo:
- Ô kia, Môngpácnát hóa ra cậu ư?
Kẻ gọi Gavrốt là một người lớn, chính là Môngpácnát chứ khoogn ai khác, nhưng Môngpácnát cải trang, mắt đeo kính xanh, cải trang mà Gavrốt vẫn nhìn ra.
- Chó ngao ơi! Áo choàng của cậu màu thuốc cao, cậu lại đeo ính xanh, trông có vẻ là một ông lang quá! Già này bảo thật, cậu trông ra phết lắm!
- Suỵt! Khẽ chứ!
Thế rồi Môngpácnát kéo Gavrốt ra khỏi chỗ ánh đèn các cửa hiệu. Hai đứa bé như máy, tay cầm tay, bước theo.
Khi chúng đã núp dưới vòm cuốn của một cái cổng tối om, không bị mưa mà cũng không ai nom thấy, Môngpácnát mới hỏi:
- Gavrốt mày có biết tớ đi đâu không?
- Đi lên máy chém.
- Láo, tớ đi tìm Babe.
- Thế ư? Ra ả tên là Babe.
Môngpácnát hạ giọng:
- Không phải ả mà là gã.
- À ra thằng Babe.
- Phải, thằng Babe.
- Tao nhớ nó bị còng rồi cơ mà!
- Phải, nhưng nó đã cởi còng.
Môngpácnát thuật vắn tắt cho Gavrốt biết rằng ngay buổi sớm hôm ấy, trong khi dời tù qua nhà lao khác, lúc đi qua “Hành lang Dự thẩm” đáng lẽ sang phải thì Babe bẻ ngoặt sang trái mà chuồn.
Gavrốt khâm phục tài năng của Babe. Chú bảo:
- Thánh như một anh nhổ răng!
Môngpácnát kể thêm một vài chi tiết nữa rồi kết thúc:
- Ô! Tao đã nói hết đâu, còn nhiều chuyện lắm.
Gavrốt vừa nghe vừa cầm lấy cây gậy của Môngpácnát. Tự nhiên chú kéo đầu gậy lên và thấy hiện ra một lưỡi dao găm. Chú vội vàng đẩy lưỡi dao và nói:
- Ồ! Cậu lại mang theo cả tên sen đầm trá hình làm tư sản này.
Môngpácnát nheo mắt làm hiệu. Gavrốt tiếp:
- Chà chà! Cậu lại tính choảng nhau với bọn cớm kia à?
Môngpácnát trả lời như không để ý:
- Cũng chẳng biết đâu đấy. Lúc nào cũng sẵn có một đinh ghim trong người thì vẫn hơn.
Gavrốt căn vặn:
- Đêm nay cậu định làm vụ gì đấy?
Môngpácnát lại lấy giọng trầm hùng nói ấm ứ:
- Khối!
Bỗng hắn đột ngột quay sang chuyện khác:
- Mày này!
- Cái gì?
- Cái chuyện hôm trước. Mày tính tao gặp một lão tư sản. Lão tặng tao một túi bạc và một bài giảng đạo đức. Tao bỏ túi. Một phút sau tao sờ túi thì chẳng còn gì.
- Ngoài cái bài giảng đạo đức, phải không?
Môngpácnát hỏi lại Gavrốt:
- Còn mày, mày đi đâu bây giờ?
Gavrốt chỉ hai đứa bé.
- Tớ đưa hai đứa này đi ngủ.
- Đi ngủ? Ngủ ở đâu?
- Nhà tớ.
- Nhà mày ở đâu?
- Ở nhà tớ.
- Mày có nhà cửa ư?
- Phải, tớ có nhà cửa.
- Thế nhà mày ở đâu?
- Ở trong bụng con voi ấy.
Môngpácnát vốn tính không hay ngạc nhiên cũng phải buột miệng kêu một tiếng kinh ngạc:
- Trong bụng con voi?
- Phải, ở trong bụng con voi. Đasao?
Đây lại là một tiếng ai cũng nói mà không ai viết. Đasao tức là: thì đã làm sao?
Câu chất vấn sâu sắc của Gavrốt làm cho Môngpácnát trở lại bình tĩnh và biết điều. Nó có vẻ cảm tình hơn đối với khoản nhà cửa của Gavrốt.
- Ừ nhỉ! Con voi… Này, ở trong ấy có tốt không?
- Tốt lắm. Thật đấy, y như lời mình nói. Không có gió lùa như ở dưới các gầm cầu.
- Mày làm cách nào?
- Tớ vào đấy.
- Vậy ra có một lỗ trống à?
- Hẳn chứ! Nhưng đừng nói đấy nhé! Ở khoảng giữa hai chân trước ấy. Bọn cớm chưa biết đâu.
- Mày trèo ư? Ừ bây giờ tao hiểu rồi đấy.
- Xoay tay một cái, a lê hấp! Thế là xong, không còn bóng dáng mình đâu nữa.
Lặng yên một lát, Gavrốt nói thêm:
- Với hai thằng nhỏ này thì tao sẽ có một chiếc thang.
Môngpácnát phì cười.
- Hai thằng nhãi con này, mày nhặt ở đâu ra đấy?
Gavrốt trả lời đơn giản:
- Hai thằng bé lão thợ cạo đầu kia biếu tớ.
Môngpácnát lại có vẻ nghĩ ngợi. Hắn lẩm bẩm:
- Mày nhận ra tao dễ dàng quá.
Nó lấy trong túi áo ra hai cái ống lông chim có quấn bông đem đút mỗi ống vào một lỗ mũi. Mũi nó hóa ra khác hẳn.
- Ừ! Mặt cậu khác đi đấy, - Gavrốt bảo – đỡ xấu hơn. Cậu cứ nên để mãi như thế.
Thật ra Môngpácnát vốn xinh trai, nhưng Gavrốt vẫn có tính hay chế giễu. Môngpácnát nói:
- Mày đừng đùa, cứ nói thật xem mày thấy tao bây giờ thế nào?
Giọng nói của Môngpácnát cũng khác. Quả là Môngpácnát đã biến thành một con người khác trong nháy mắt. Gavrốt reo:
- Nào! Làm hề cho chúng tớ xem chơi.
Hai thằng bé trước nay vẫn không để ý tới câu chuyện vì chúng cũng mải thọc tay vào lỗ mũi, khi nghe nói đến hề mới nhích lại gần, hân hoan và kính phục nhìn Môngpácnát.
Nhưng Môngpácnát còn mải lo việc khác. Hắn đặt tay lên vai Gavrốt và nhấn từng tiếng:
- Nghe tao bảo đây, nhỏ. Nếu tao có đem theo con đốm, cây đao và con đầm mà ở giữa chợ mày đãi tao mười xu thì tao làm ngay, nhưng hôm nay đâu phải ngày thứ ba béo.
Câu nói kỳ quặc ấy có hiệu lực khác thường đối với Gavrốt. Chú vội vã quay đầu lại, đưa cặp mắt sáng nhìn quanh một lượt và trông thấy một tên cảnh sát quay lưng lại phía bọn chú. Chú buột miệng kêu:- A! Được rồi! Và kịp thời giữ mồm lại. Chú lắc bàn tay Môngpácnát.
- Chào cậu thôi! Mình đưa hai tay thằng bé này về voi. Giả thử có đêm nào cậu cần đến tớ thì cứ lại mà tìm. Tớ ở ngay từng một, không có người gác cổng. Cậu hỏi ông Gavrốt khắc có.
- Được.
Hai bên chia tay nhau, Môngpácnát đi phía Gơre, Gavrốt đi phía ngục Batxti. Gavrốt kéo thằng anh, thằng anh lôi thằng em, nhưng thằng này vẫn ngoái cổ nhìn theo anh “hề”.
Câu nói tối nghĩa của Môngpácnát đã bảo cho Gavrốt biết là có lính cảnh sát. Bí quyết của nó ở chỗ có nhiều âm đ lặp đi lặp lại. Những âm đ ấy không đứng riêng mà ghép nên câu kéo một cách có nghệ thuật. Việc lặp âm đ ấy có nghĩa là: Phải coi chừng đấy! Không thể ăn nói tự do đâu.
Ngoài ra, trong câu của Môngpácnát có một hình tượng văn học lý thú mà Gavrốt không cảm thụ. Đó là những danh từ trong kho tàng tiếng lóng của nhà ngục Tăngplơ; con đốm, cây đao và con đầm có nghĩa là con chó, con dao và con vợ của tao, những tiếng cánh hề rất ưa dùng ở thời Môlie viết kịch và Canlô vẽ.
Hai mươi năm trước, ở góc đông nam nhà lao Batxti có một công trình lạ, nằm ở gần trạm bơm nước của kênh đào trong hào nhà ngục. Người Paris ngày nay không còn nhớ tới nữa, nhưng kể ra thì đáng nhớ, bởi vì nó là một sáng kiến của nhà “hàn lâm tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh Ai Cập” (Napoleon khi đem quân đi đánh Ai Cập đã thành lập Viện khảo cổ Ai Cập).Chúng tôi gọi là một công trình mặc dù đây mới là một ma-két. Chính cái ma-két ấy, cái mô hình vĩ đại ấy, cái di hài hùng tráng của một sáng kiến của Napoleon mà mấy luồng gió tiếp nhau đã cuốn đi, đã ném mỗi lần một xa thêm, chính cái ma-két ấy đã đi vào lịch sử, đã mang một cái gì như là một tính chất vĩnh cửu khác hẳn với hình dáng nhất thời của nó. Đó là một cái tượng voi cao mười ba thước, sườn gỗ đắp hồ, trên lưng có bành tháp tựa như một ngôi nhà. Ngày xưa một người thợ sơn nào đó đã sơn màu xanh cho con voi, ngày này mưa gió và thời gian đã sơn lại màu đen. Trong khoảng trống trải vắng lặng ấy, đêm đêm, trên nền trời sao hiện lên hình thù con voi kỳ lạ và ghê gớm với vầng trán rộng, cái vòi và đôi ngà, cái bành tháp, cái mông to lớn, bốn cái chân như bốn cây cột trụ. Người ta không biết nó mang ý nghĩa gì. Nó là một thứ biểu tượng của lực lượng quần chúng. Lầm lì, huyền bí mênh mông. Một thứ bóng ma dũng mãnh, đứng lừng lững bên cạnh cái ám ảnh vô hình của nhà ngục Batxti.
Ít có người ngoại quốc đến viếng di tích ấy. Khách qua đường không ai ngẩng nhìn nó. Nó đương đổ nát. Mỗi mùa, từng mảng hò hai bên sườn lở đi, thành những vết thương ghê tởm. Các “quan chức” – gọi theo ngôn ngữ trân trọng – các quan chức đã quên nó từ năm 1814. Nó đứng trơ trwo ở chỗ ấy, buồn bã, ốm đau, mục nát, chung quanh có một vành bao lơn hư hỏng làm chỗ phóng uế cho bọn đánh xe say sưa. Bụng nó nứt nẻ ngang dọc, đuôi để lộ một cái nẹp gỗ, dưới chân cỏ mọc lên cao. Mặt đất quảng trường xung quanh cứ mỗi ngày một nhô thêm lên, theo một quy luật tự nhiên, nó nâng cao chậm chạp nhưng liên tục mặt nền các thành phố lớn. Vì thế nên con voi ngày nay ở vào một chỗ lõm, dưới chân có vẻ như thụt xuống. Nó thô bỉ mà ngang tầng, người ta khinh nó, người ta ngoảnh mặt đi. Anh tư sản trông nó xấu xí, nhà tư tưởng thấy nó gợi sầu. Nó vừa như một đống rác rưởi người ta sắp quét đi, vừa như một chiếc ngai vàng người ta sắp xô xuống.
Như đã nói, ban đêm hình trạng nó đổi khác. Đêm là sở hữu của các thứ bóng. Khi hoàng hôn xuống thì con voi cũ kỹ cũng thay hình đổi dạng: Nó hóa ra tĩnh mịch uy nghĩ lạ thường tỏng cảnh đêm thanh hùng vĩ. Là dĩ vãng, nó thuộc đêm tối; và đêm tối hợp với tính chất vĩ đại của nó.
Cái di tích thô kệch, bè bè, nặng nề, nghiêm lạnh, hình thù xấu xí nhưng rõ ràng là uy nghi bề thế, đượm một vẻ trang nghiêm huy hoàng và hoang dã đã biến mất rồi, nhường chỗ cho cái lò khổng lồ có tra ống khói kia ngự trị bình yên. Cái lò này đã thay thế cái thành lũy tăm tối có chín tháp canh, giống như chính quyền tư sản thay thế chính quyền phong kiến. Ở thời mà một cái nồi chứa năng lực thì dễ hiều một cái hỏa lò phải biểu trưng của thời đại. Cái thời đại đó sẽ qua nó dang qua. Người ta bắt đầu hiểu là có thể có năng lượng trong một nồi sup-de, nhưng chỉ có thể có năng lực trong bộ óc; nói cách khác, không phải đầu máy lôi kéo thế giới đi tới mà chính tư tưởng. Móc đầu máy vào tư tưởng tốt, nhưng không được nhầm con ngựa với người cưỡi ngựa.
Trở lại với quảng trường La Batxti, ta thấy rằng dẫu sao chỉ với chất thạc cao, người kiến trúc sư xây đắp con voi đã làm nên một cái gì vĩ đại cong người kiến trúc sư xây dựng ống khói hỏa lò đã làm được một cái gì nhỏ nhoi với đồng đen.
Cái “ống khói hỏa lò” mà người ta đã phong cho cái danh hiệu rất kêu là Cột đồng tháng bảy, cái công trình làm hỏng để kỷ niệm một cuộc cách đẻ non đó, đến năm 1832, còn được bọc trong một giàn giáo đồ sộ bằng gỗ, - mà chúng tôi thấy rất uổng phí, - và quây trong một vòng phên ván, làm cho con voi bị cô lập hẳn.
Chú bé Gavrốt dẫn hai đứa trẻ đến một góc quảng trường, nơi ấy chỉ có một ngọn đèn treo mập mờ.
Bạn đọc hãy cho phép chúng tôi dừng ở đây và nhắc lại là chúng tôi chỉ nói sự thật đơn giản: hai mươi năm trước, tòa trừng trị đã xử, về tội du đãng và phá hoại di tích công cộng, một chú bé bị bắt quả tang ngủ trong bụng con voi ở La Batxti.
Ghi nhận việc ấy rồi, chúng tôi tiếp tục.
Đi gần đến chỗ con voi, Gavrốt đoán biết cái cực lớn có thể có ảnh hưởng thế nào đối với cái cực bé.
- Nhóc đừng có sợ nhé, chú nói.
Rồi chú len qua một khoảng bao lơn mục gẫy, sau đó kéo hai đứa bé đi qua. Hai đứa bé hơi sợ nên lặng lẽ đi theo Gavrốt. Chúng tin cậy ở vị thần áo rách đã cho chúng nó ăn và còn hứa cho chúng nó ngủ.
Bên cạnh bao lơn có một chiếc thang để nằm. Chiếc thang ấy anh em thợ ở công trường bên cạnh vẫn dùng ban ngày. Gavrốt nhấc bổng chiếc thang lên một cách mạnh mẽ lạ thường và dựng nó vào một chân trước của con voi. Ở đầu trên chiếc thang thấy có một lỗ đen ngòm trong bụng con vật.
Gavrốt chỉ chiếc thang và cái lỗ trống cho khách và nói:
- Leo lên rồi vào đi.
Hai đứa bé nhìn nhau kinh hãi. Gavrốt kêu:
- Nhóc sợ ư? Đây các chú xem.
Gavrốt không dùng thang, chú ôm cái chân nhám xì của con voi và chỉ trong nháy mắt đã leo lên đến chỗ trống. Chú chui vào như con rắn chui qua một kẽ hở. Chú lọt vào trong mình con voi và một lát sau thì hai đứa bé trông thấy cái đầu chú hiện ra lờ mờ trắng trắng ở miệng lỗ tối om. Chú gọi:
- Nào, trèo lên đi. Rồi các chú sẽ biết, sướng như gì ấy! Này, thằng lớn trèo lên nào. Tao đưa tay cho mà níu.
Hai đứa bé đẩy nhau. Chúng vừa sợ Gavrốt, vừa tin tưởng. Vả mưa to quá. Thằng lớn liều. Thằng nhỏ thấy anh leo lên thang, chỉ còn mình nó ở dưới chân con vật khổng lồ, đã toan khóc nhưng không dám.
Thằng anh leo lên từng nấc một, loạng choạng. Gavrốt reo hò khuyến khích nó như một thầy dạy võ khuyến khích học trò, hoặc như một bác tải là thúc giục la đi tới.
- Đừng sợ.
- Được đấy.
- Cứ lên nữa đi.
- Đặt chân chỗ này.
- Tay víu vào.
- Cố lên nào.
Khi thằng bé đến vừa tầm, Gavrốt đột nhiên nắm chặt cánh tay nó mà lôi ngược lên.
- Thế là xong.
Thằng bé đã qua chỗ hổng. Gavrốt bảo:
- Bây giờ thì đợi ta một lát. Ồ, thưa ông! Mời ông vui lòng ngồi chơi.
Gavrốt chui lỗ nẻ mà ra nhanh nhẹn như một con khỉ, chú ôm chân voi tụt xuống đất. Chân vừa chấm đất thì chú ôm xốc thằng bé em lên, đặt nó đứng ở giữa thang. Rồi chú leo theo sau và gọi thằng lớn:
- Tao đẩy ở dưới, ở trên mày lôi đấy nhé.
Thằng bé bị đỡ lên, bị đẩy lên, bị lôi lê, bị kéo lên, rồi bị ấn vào, bị nhét vào cái lỗ trống, chẳng kịp hiểu đầu đuôi ra làm sao. Gavrốt vào tiếp theo nó và lấy chân hất thang rơi xuống cỏ, xong rồi vỗ tay reo:
- Thế là ta về đến rồi. Đại tướng La Fêyet muôn năm!
Qua cơn khoái chá ồn ào ấy thì Gavrốt bảo hai đứa bé:
- Hai chú ạ! Đây là nhà của ta.
Quả thật đó là nhà của Gavrốt.
Ôi! Công dụng bất ngờ của những thứ vô dụng! Tình nhân đạo chứa chan trong một sự nghiệp hùng vĩ! Ôi! Từ tâm của những kẻ khổng lồ! Cái công trình vĩ đại chứa đựng tư tưởng của hoàng đế nay thành ra một cái hộp chứa một thằng bé lang thang. Con vật khổng lồ đã đón nhận và che chở đứa bé. Các anh tư sản diện bảnh lúc nào đi qua trước tượng con voi ở quảng trường Batxti cũng giương cặp mắt ốc nhồi lên nhìn nó một cách khinh bỉ và nói: cái ấy dùng để làm gì?
- Cái ấy dùng để cứu một đứa bé không cha không mẹ, không cái ăn cái mặc, không nhà cửa, che đỡ cho nó khỏi bị những cơn lạnh, những cơn gió, cơn mưa, những cơn mưa đá, những trận heo may giày vò, làm cho nó khỏi lên cơn sốt vì phải ngủ trên bùn lầy, khỏi chết vì phải ngủ dưới mưa tuyết. Cái ấy dùng để thu nuôi một đứa bé vô tội mà xã hội xua đuổi. Cái ấy là một cái hang rộng mở để đón con người đi đến đâu cũng chỉ thấy cửa đóng then cài. Con voi già nưa thảm hại ấy bị ghẻ lở, bị vứt xó, mình đầy mốc meo, nốt ruồi và mụn nhọt, khập khiễng, đổ nát như một vật bỏ đi; nó là một thứ khổng lồ đi hành khất, ngày ngày đứng giữa ngã tư cầu xin khách qua đường bố thí cho một cái nhìn thiện cảm, mà không sao được; ấy thế mà hình như con voi già nua thảm hại ấy, thứ khổng lồ đi xin ấy lại rủ lòng thương cái thằng ăn mày kia, cái thằng tí hon tội nghiệp không đi giầy, đầu không mái che mưa nắng, ăn những của người ta vứt đi, mặc toàn tã rách, buốt ngón tay chỉ biết thổi lên để đỡ cóng phút giây.
Con voi ở quãng trường Batxti có công dụng như thế đấy. Cái sáng kiến của Napoleon, người chê, nhưng trời dùng. Trước, nó chỉ mới lừng lẫy tiếng tăm, bây giờ nó có thiên uy rực rỡ. Muốn hoàn thành dự định, Hoàng đế còn phải cần đá hoa cương, đồng đen sắt, vàng, cẩm thạch. Đối với Chúa, mớ xà, ván và hồ ấy đã đủ rồi. Con voi kia là cái một tưởng biểu lộ thiên tài của Hoàng đế. Cái tượng voi vĩ đại được vũ trang, vòi cất cao và làm cho vô số nguồn nước vây quanh phun lên một cách vui vẽ, đầy sinh lực, cái tượng voi đó, trong ý Hoàng đế, là hiện thân của quần chúng nhân dân. Chúa còn vĩ đại hơn: Chúa đem làm chỗ trú cho một đứa trẻ phiêu giạt.
Cái lỗ hổng Gavrốt chui qua là một kẽ nứt đứng ngoài rất khó nom thấy, bởi vì khuất dưới bụng voi và hẹp lắm. Chỉ có mèo và trẻ con chui qua được.
Gavrốt nói:
- Trước hết, chúng mình phải dặn người gác cổng có ai hỏi thì bảo là chúng mình đi vắng.
Nói thế rồi chú đi trong tối chắc chắn như một ông chủ nhà quen thuộc mọi xó, chú lấy ra một mảnh vãn đậy lỗ hổng lại.
Lần nữa, chú lại đi vào bóng tối. Hai thằng bé nghe tiếng xèo xèo của que diêm nhúng vào chai đựng lân tinh. Thuở ấy, diêm hóa học chưa ra đời, cái bật lửa kiểu Phuymát là kiểu tiến bộ nhất.
Lửa sáng lóe lên thình lình làm cho hai thằng bé nheo mắt. Gavrốt vừa thắp xong một mẩu dây nhúng nhựa. Cái dây nhựa tỏa khói nhiều mà ít sáng soi lờ mờ bụng con voi.
Hai vị khách của Gavrốt nhìn quanh mình và có cảm tưởng giống như cảm tưởng của Giônát khi ở trong bụng cá voi. Cả một bộ xương khổng lồ hiện lên bao bọc lấy chúng. Trên cùng có một cây đòn dong dài, màu nâu, ở hai bên cách từng quãng tua tủa ra những đòn khác khom khom. Đó là cái xương sống với các xương sườn xung quanh. Từ xương sống ấy thạch cao thõng xuống như nhũ đá, lòng thòng giống những khúc ruột; giữa các sườn, nhện chăng thành các hoành cách mô dính đầy bụi bặm. Trong các ngóc ngách, có những vệt đen to thảng thốt và vội vàng đi lại rất nhanh, trông như những vật sống.
Vôi gạch vụn từ trên lưng voi rơi xuống đã lấp bằng cái vùng trũng ở bụng voi, cho nên có thể đi lại như trên sàn gỗ.
Thằng em dịch sát vào người thằng anh, thầm thì:
- Tối lắm.
Tiếng ấy khiến Gavrốt phải thét lên. Chú nghĩ rằng hai đứa sợ hãi quá, cần phải lay mạnh chúng.
- Chúng mày lôi thôi cái gì đấy? Đùa đấy à? Hay là làm bộ ỏe ọe? Chúng mày đòi cung điện Tuylơri ư? Chúng mày là súc vật à? Có phải thế thì bảo tao. Tao nói cho chúng mày biết, tao không phải là hạng người ngu ngốc đâu nhé! Hừ! Hay chúng mày là những cậu ấm, con nhà quan?
Trong cơn hoảng hốt mà bị quát tháo cục cằn đôi tí là rất tốt. Cái ấy làm cho người ta đỡ sợ. Hai đứa bé nhích lại gần Gavrốt. Thấy chúng tin cậy mình như thế, Gavrốt động lòng như một ông bố, và đổi giọng nghiêm ra giọng dịu ngọt. Chú nói chuyện với thằng nhỏ, bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng mắng yêu:
- Này chó con! Ở ngoài kia mới tối. Ở ngoài ấy mưa, ở trong này không mưa. Ở ngòai rét, ở đây không lọt vào một tí gió nào. Ở ngòai có khối người, ở đây không có ai cả. Ở ngoài trăng cũng không có, ở đây có ngọn nến của tao.
Hai đứa bé bớt sợ, bắt đầu đưa mắt nhìn quanh căn buồng. Nhưng Gavrốt không để cho chúng rỗi rãi thì giờ ngắm nghía. Chú giục:
- Nhanh lên thôi.
Rồi chú đẩy chúng vào phía trong, ở chỗ mà chúng tôi muốn gọi là phía trong cùng của phòng ngủ.
Giường Gavrốt đặt ở chỗ ấy.
Giường Gavrốt đầy đủ, nghĩa là có nệm, có chăn lại có màn che.
Nệm là một cái đệm rơm, chăn là một tấm áo khoác bằng len thô màu xám rất ấm, khá rộng và hầu như còn mới nguyên.
Còn cái chái thì như thế này:
Ba cái cọc khá dài cắm chặt xuống nền vôi gạch vụn ở lườn voi, hai đằng trước, một đằng sau, phía trên buộc túm lại với nhau, làm thành hình tháp. Một tấm lưới đồng thau được đặt nằm khéo léo trên mấy cây cọc, buộc bằng dây thép, trùm cả ba cây. Phía chân, một dày đá đè lên tấm lưới thau, chận nó xuống sát để cho không một vật gì có thể lọt vào được. Tấm lưới ấy nguyên là một tấm lưới chăng chuồng chim của các đoàn xiếc thú vật. Cái giường của Gavrốt ở trong tấm lưới ấy như ở trong lồng. Trông toàn bộ tựa như một cái lều của người Etxkimô (thổ dân vùng cực bắc). Lưới thau ấy là màn che cái chái của Gavrốt.
Gavrốt nhắc mấy viên đá chặn tấm màn lưới phía đằng trước rồi giở hai cánh màn gấp lên nhau mà bảo:
- Hai chú đi bốn chân nào.
Chú cẩn thận đưa hai vị khách vào lồng rồi chú bò vào sau, xong chú đậy kín màn lại và dằn đá xuống.
Ba đứa nằm dài trên chiếu.
Tuy ba đứa đều bé bỏng, vẫn không có đứa nào có thể đứng lên trong cái chái ấy. Gavrốt còn giữ ngọn đèn dây:
- Bây giờ thì giấc đi! Tao sắp tắt nến.
Thằng lớn chỉ tấm lưới thau hỏi:
- Thưa ông cái này là cái gì vậy?
- Cái ấy là đề phòng ông tí, Gavrốt nghiêm trang bảo: Giấc đi!
Tuy giục ngủ, chú vẫn thấy cần phải nói thêm đôi câu để huấn luyện cho hai chú bé quá nhỏ tuổi. Chú nói tiếp:
- Những thứ này là của vườn bách thảo. Dùng cho thú dữ. Có cả một kho kia. Chỉ việc trèo một bức tường, leo qua một cửa sổ, rúc dưới gầm một cửa lớn. Thế là tha hồ. Vừa nói chú vừa kéo chăn đắp cho thằng nhỏ. Thằng bé kêu lên khe khẽ:
- Ôi! Sướng quá! Ấm quá!
Gavrốt nhìn tấm chăn đắc ý:
- Cũng là của vườn bách thảo ấy. Tao vớ của lũ khỉ.
Rồi chỉ cho thằng anh xem chiếc đệm rơm rất dày và bện thật khéo, chú nói thêm:
- Cái này là của con hươu cao cổ.
Nghỉ một chút chú lại nói:
- Bọn thú vật có đủ các thứ ấy. Tao lấy đi, chúng chả giận đâu. Tao bảo chúng: lấy cho con voi đây.
Chú lại nghỉ một lát nữa rồi nói:
- Mình trèo tường vượt vách và mình bất chấp chính phủ. Như thế đấy chúng bay ạ.
Hai đứa bé nhìn Gavrốt với một vẻ khâm phục có lẫn cả kinh ngạc sợ hãi. Tuy cũng lang thang, cũng trơ trọi như chúng, bé bỏng như chúng, nhưng đây là một con người vừa khốn khổ, vừa hùng dũng, một con người siêu thường, trên nét mặt có những cái nhăn nhó của ông kép xiếc già lẫn nụ cười ngây thơ dễ mến nhất.
- Thưa ông, thằng lớn rụt rè thưa, thế ông không sợ các ông cảnh sát sao?
Gavrốt chỉ đáp gọn:
- Nhóc! Người ta không gọi các ông cảnh sát, người ta gọi bọn cớm.
Thằng bé mở mắt thao láo nhưng không nói gì hết. Vì nó nằm ngoài còn thằng lớn nằm giữa, nên Gavrốt kéo chăn ném xuống chiếu cho nó như một bà mẹ rồi nhét một mớ giẻ cho cộm chiếu để làm thành một cái gối cho nó gối. Xong chú quay sang thằng anh:
- Thế nào? Ở đây tốt chứ?
- Không còn phải nói.
Thằng anh vừa nói thế vừa liếc nhìn Gavrốt với vẻ mặt của một thiên thần được cứu nạn. Hai đứa bé ướt át thấy người ấm dần lại.
- Này! Sao lúc nãy chúng bay lại khóc?
Gavrốt trỏ thằng bé mà bảo thằng lớn.
- Thằng con nít này thì không nói làm gì. Còn lớn như mày mà vẫn khóc thì khỉ thật! Làm như con bê ấy!
- Vì lúc ấy chúng em không biết đi về đâu để có nhà ở.
- Nhóc ạ! Gavrốt nói, người ta không nói nhà. Người ta nói: xó.
- Vả lại chúng em sợ phải ở một mình qua đêm.
- Không ai nói đêm: người ta nói mò mò.
- Cám ơn ông.
- Nghe tao bảo này. Từ nay không được gặp việc gì cũng rên khóc. Tao sẽ chăm nom chúng mày. Chúng mày rồi sẽ thấy: chúng mình chơi đùa thích lắm. Mùa hè chúng ta đi Gơlaxie với thằng Nave bạn tao. Chúng mình tắm ở bến sông. Chúng mình cứ trần truồng mà chạy trên các đoàn thuyền đỗ trước cầu Austéclit làm cho mấy mụ thợ giặt phát cáu. Cá mụ ấy la lối, mắng, chửi, tức sôi gan lên! Giá chúng mày biết họ buồn cười đến mức nào. Chúng mình rồi sẽ đi xem người xương. Hắn vẫn sống ở quảng trường Săng Êlidê. Gầy hơn ai hết. Rồi tao đưa chúng mày đi xem kịch, xem chính nghệ sĩ Lơmét đóng. Tao có vé vì tao quen với nhiều diễn viên. Có lần tao đã đóng trò trong một vở kịch. Bọn tao làm một lũ trẻ con như thế này, chạy dưới một tấm vải căng giả làm biển. Tao sẽ xin cho hai đứa mày vào đóng trò ở trong rạp ấy. Rồi chúng ta sẽ đi xem người rừng. Những người rừng đó không phải là thật đâu. Chúng nó mặc may ô hồng có nếp nhăn, ở khuỷu tay có vết mạng bằng chỉ trắng. Rồi thì chúng ta đi xem Nhạc kịch viện. Đi với bọn vỗ tay mướn. Ở Nhạc kịch viện bọn vỗ tay đều là những tay chiến cả. Tao không đi với bọn vỗ tay các hàng phố. Ở Nhạc kịch viện, mày phải biết, có đứa phải trả hai mươi xu để được vào ngồi vỗ tay, đã đành đó là những thằng ngốc. Người ta gọi chúng là bọn giẻ lau bát. Chúng mình cũng sẽ đi xem chém người bằng máy chém. Tao sẽ chỉ cho chúng mày xem lão đao phủ. Lão ở phố Mare. Tên là ông Xăngxông. Trước nhà lão có một cái hộp thư. Ôi chao! Anh em ta sẽ vui chơi như ngày hội!
Một giọt sáp nhỏ trên tay Gavrốt làm cho chú sực nhớ thực tế trước mắt.
- Chết chửa! Bấc hao quá. Phải coi chừng. Mỗi tháng mình không thể tiêu quá một xu về khoản ánh sáng. Nằm xuống là phải ngủ. Chsung mình không có thì giờ đâu để đọc truyện của ông Đờ Cốc. Với lại chong đèn thì ánh sáng có thể lọt qua khe hở ở cửa ra vào, tụi cớm dễ nhìn thấy.
Chỉ một mình thằng anh là dám chuyện vãn đối đáp với Gavrốt. Nó rụt rè góp một ý kiến:
- Với lại, tàn lửa có thể rơi xuống chiếu rơm, phải đề phòng không thì cháy nhà.
- Người ta không nói cháy nhà, người ta nói om xó.
Cơn dông càng thêm dữ dội. Giữa hai hồi sấm sét rề vang, người ta nghe rõ tiếng mưa rào đập chan chát vào lưng con quái. Gavrốt nói:
- Cứ mưa, tha hồ mưa đi! Không gì vui bằng nghe tiếng nước trong bình chảy dọc theo cột nhà. Mùa đông ngu lắm: mất công mất của mà chẳng ướt được ai. Cái lão già xách nước thấy mất công toi bèn tức tối làm ầm lên.
Gavrốt là một triết gia thế kỷ XIX nên thừa nhận hết hậu quả của sấm sét. Nó vừa nhắc đến sét thì một làn chớp dài lòe lên lóa cả mắt, do khe nứt mà vào tận bụng voi, tiếp theo ngay một tiếng sét dữ dội. Hai thằng bé kêu một tiếng và vùng dậy mạnh quá làm cho tấm màn suýt bật ra. Gavrốt quay cái mặt gan góc lại phía chúng và thừa dịp tiếng sét nổ mà cười lên khanh khách.
- Yên, lũ trẻ bay, yên. Đừng có giẫy khỏe quá mà đổ nhà. Sấm chính tông ấy, sấm thế mới là sấm chứ! Không phải là sấm chớp nhì nhằng. Hoan hô Chúa! Không kém sấm ở rạp Ăngbiguy là mấy!
Nói xong Gavrốto chữa lại màn, nhẹ tay đẩy hai đứa bé nằm xuống, rồi ấn lên đầu gối chúng để cho chúng duỗi thẳng chân ra.
- Trời đã thắp đèn lên thì ta có thể tắt đèn ta được. Ngủ đi, hai ông mãnh ạ. Nằm mà không ngủ là không tốt. Sáng ra lỗ mũi lỗ mồm của chúng mày sẽ nặng mùi, nói như bọn trưởng giả thì mồm chúng bay sẽ thối. Quấn chăn cho kín đi. Tao sắp tắt đèn đây. Xong chưa?
Thằng lớn đáp khe khẽ:
- Xong rồi. Chỗ tôi tốt lắm. Rất em, như có độn lông chim ở dưới đầu.
- Ai lại gọi đầu. Phải nói sỏ.
Hai đứa bé ôm rịt lấy nhau. Gavrốt thu vén nốt cho chúng, kéo chăn lên tận tai chúng rồi đọc câu phù chú này lần thứ ba.
- Giấc thôi.
Rồi chú thổi nến.
Nến vừa tắt thì tấm lưới thau rung rung, một cách kỳ dị. Vô số cái gì cọ sát trên lướs, làm nên những tiếng đồng tiếng sắt lanh tanh, y như có răng có vuốt mài lên dây thau. Cùng với sự rung động ấy có những tiếng rỉ rích.
Thằng bé lên năm nghe thấy những tiếng động ấy trên đầu, suýt chết khiếp. Nó hích khuỷu tay vào sườn anh, nhưng anh nó theo lệnh Gavrốt đã “giấc” rồi.
Không dằn lòng được vì khiếp đảm quá, thằng nhỏ đành liều, gọi Gavrốt, nhưng rất sẽ, vừa gọi vừa nín hơi:
- Ông ơi!
- Gì? Gavrốt vừa chợp mắt, tỉnh dậy hỏi.
- Cái gì đó ạ?
- À! Đó là ông tí ở cống.
Gavrốt lại đặt đầu xuống chiếu.
Quả như chú nói, chuột cống nhung nhúc trong sườn voi. Đích chúng là những hcaams đen động đậy chúng ta đã nói ở trước. Nếu còn sáng thì chúng còn nể, chỉ thấp thoáng ở xa. Nhưng cái động này là xứ sở của chúng. Khi động chìm trở lại vào bóng tối, chúng ngửi thấy mùi “thịt tươi” trong lều Gavrốt thì đổ xô đến, leo lên tận đỉnh mà gặm mà nhấm các mắt lưới để tìm cách chọc thủng.
Thằng bé vẫn không ngủ được. Nó lại gọi:
- Ông ơi!
- Gì?
- Thế ông tí là gì?
- Ông tí là chuột.
Cách giải thích làm thằng bé bớt sợ một phần. Nó đã từng trông thấy chuột bạch và nó không sợ chuột bạch. Tuy vậy nó hãy còn lên tiếng hỏi:
- Thưa ông?
- Gì đó?
- Sao ông không nuôi một con mèo?
- Trước tao có một con, tao mang lại đây, nhưng chúng ăn thịt mất.
Câu giải thích này thủ tiêu hiệu quả của câu thứ nhất. Thằng bé lại run sợ. Cuộc đối thoại giữa nó và Gavrốt diễn ra lần thứ tư.
- Thưa ông?
- Gì nữa?
- Ai bị ăn thịt?
- Con mèo.
- Ai ăn thịt con mèo?
- Ông tí!
- Chuột ấy à?
- Phải, chuột.
- Thằng bé chết khiếp về việc chuột ăn thịt mèo. Nó hỏi thêm:
- Thưa ông, nhưng con chuột ấy nó có ăn thịt được chúng mình không?
- Nó ăn đến đầu đấy chứ lị.
Nỗi kinh khủng của đứa bé lên đến tột độ. Nhưng Gavrốt nói:
- Bé chả sợ. Lũ nó không vào đây được đâu. Vả lại đã có tao. Nào, nắm lấy bàn tay tao rồi im đi mà ngủ thử nào!
Gavrốt với tay qua mình thằng anh để cầm tay thằng em. Thằng bé ôm siết bàn tay ấy vào người và thấy yên lòng. Cho biết lòng can đảm và sức mạnh có thể truyền cho người khác một cách mầu nhiệm.
Bây giờ quang cảnh chung quanh trở lại yên lặng bởi vì chuột nghe tiếng nói xì xào sợ đã lánh xa. Mấy phút sau chúng trở lại và làm nhặng lên, nhưng vô ích, ba đứa trẻ đã ngủ say, không nghe thấy gì nữa.
Đêm càng về khuya. Bóng tối phủ lên quảng trường Bátxti mênh mông. Gió đông thổi từng hồi lẫn với mưa. Các đoàn tuần tra lục lạo từng ngõ, từng lối, từng mảnh vườn hoang, từng xó tối hòng bắt những tên du đãng ăn gió nằm sương; chúng lẳng lặng đi qua trước tượng voi. Con quái vật đứng lặng yên, mắt mở nhìn vào bóng tối có vẻ như mơ màng đắc ý vì cái hành vi nhân đạo của mình: nó che chở cho ba đứa trẻ tội nghiệp đang ngủ để chúng khỏi lụy vì trời, vì người.
Muốn hiểu sự việc sắp xảy ra, phải nhớ rằng thuở ấy bớt canh quảng trường Batxti đóng ở phía bên kia quảng trường cho nên dẫu có việc gì xảy ra bên cạnh con voi, tên lính gác cũng không nghe thấy.
Gần sáng, có một người từ phố Xanh Ăngtoan chạy ra, vượt qua quảng trường, đi vòng mảnh đất quanh Cột đồng Tháng Bảy (Cột đồng kỷ niệm ngày nhân dân Paris đánh chiếm nhà ngục Batxti 14/7/1789, công cụ chuyên chế của vua), len qua bao lơn và đứng dưới bụng voi. Nếu có ánh sáng chiếu lên mình người ấy, người ta thấy ướt sũng, chắc người ta sẽ đoán được ra là hắn ở ngoài mưa suốt đêm. Khi đến dưới bụng con voi, hắn kêu lên một tiếng kỳ dị, thứ tiếng kêu ấy không thuộc ngôn ngữ nước nào cả, chỉ có con vẹt là lặp lại được. Người mới đến lặp lại hai lần tiếng kêu ấy. Nếu muốn lấy chữ mà viết ra tiếng ấy để có một ý niệm xa xôi thì phải viết:
Kirikikiu!
Khi người lạ mặt gọi lần thứ hai thì có một giọng nói trong trẻo và non nớt từ trong bụng voi đáp lại:
- Có đấy.
Liền sau đó, tấm ván chắn lối ra bị đẩy đi và một thằng bé chui ra, theo chân voi tụt xuống đứng bên người mới đến. Thằng bé ấy là Gavrốt. Người mới đến là Môngpácnát.
Còn tiếng kêu Kirikikiu có lẽ nó có nghĩa là: Tôi hỏi thăm ông Gavrốt.
Khi nghe tiếng gọi, Gavrốt đã vùng dậy, hé tấm lưới nò ra ngoài rồi đậy lại cẩn thận, xong chú mở cái vỉ nhảy xuống.
Môngpácnát và Gavrốt yên lặng nhận mặt nhau trong đêm tối. Môngpácnát chỉ nói:
- Chúng tao cần mày, mày lại đằng này giúp bọn tao một tay.
Gavrốt chẳng đòi giải thích gì thêm nữa.
- Được, tớ đi đây.
Hai đứa nhắm đi đến phố Xanh Ăngtoan. Chúng len lỏi nhanh nhẹn giữa những ddoanf xe dài chở hoa quả bắt đầu đi về chợ.
Các bác hàng rau ngồi xổm trên xe đương ngủ gật giữa mấy đống rau quả, áo tơi kéo lên tới mang tai vì mưa tạt nghiêng. Họ không buồn để ý đến hai ông khách qua đường lạ lùng ấy.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 6 - Chương 3

DIỄN BIẾN CỦA CUỘC VƯỢT NGỤC

Cũng đêm ấy, ở nhà ngục La Forxơ đã xảy ra việc sau đây.
Mặc dù Tênacđiê bị giam cách biệt, Bơruygiông, Gơlơme, Babe và hắn ta cũng đã bàn nhau cùng vượt ngục. Ngay sau đó, Babe một mình trốn trước, như Môngpácnát đã kể với Gavrốt trên kia.
Thằng Môngpácnát ở ngoài, sẽ giúp đỡ chúng một tay.
Bơruygiông bị giam một tháng trong buồng phạt, đủ thì giờ cho hắn làm hai việc, thứ nhất, bện xong một cái dây, thứ hai nghĩ xong một kế hoạch. Cái buồng tàn khốc để giam người tù bị kỷ luật, ngày xưa gọi là ngục tối và gồm có bốn bức vách đá, một cái trần đá, một cái nền lát đá phiến, một tấm giường ván, một lỗ thông hơi có chắn lưới sắt và một cánh cửa bọc sắt. Nhưng ngục tối, người ta cho là quá gớm ghiếc. Ngày nay chỗ giam phạt ấy gồm có một cánh cửa sắt, một lỗ thông hơi chắn song sắt, một tấm giường ván và một cái nền lát đá phiến, một cái trần đá và bốn bức vách đá có tên là buồng phạt. Giữa trưa thì trong buồng phạt ấy – một tí ánh sáng. Mối hại của thứ buồng phạt ấy – các bạn thấy đó, đâu có phải là ngục tối! – Là bắt con người có sức lao động phải ngồi bó gối nghĩ ngợi.
Bởi vậy, Bơruygiông đã nghĩ ngợi và khi hết hạn ở buồng phạt ra thì hắn mang theo ra một cái dây. Vì cho hắn lầ tù nguy hiểm, không thể để ở trại ngoài, người ta tống hắn vào Trại Mới. Cái thứ nhất, hắn tìm thấy ở đó là Gơlơme, cái thứ nhì là một cái đanh, tìm thấy Gơlơme là tìm thấy tội ác, tìm thấy cái đanh là tìm thấy tự do.
Đã đến lúc phải biết rõ Bơruygiông, Bơruygiông dáng người như yếu đuối, hắn có thâm ý làm ra vẻ ưu tư, nhu nhược. Thật ra hắn là một tên khỏe mạnh, lễ phép, khôn noan, gian giảo. Cái nhìn của hắn như vuốt ve người ta, nụ cười của hắn thâm hiểm. Nụ cười ấy do bản chất hắn, còn con mắt âu yếm kia là do hắn có chí luyện nên. Nhưng tìm tòi đầu tiên của Bơruygiông về nghệ thuật hướng về cái mái nhà. Nhờ hắn, kỹ thuật của những người thợ giở mái, lột máng nước đạt những bước tiến lớn hơn với phương pháp bóc dạ dày bò.
Cơ hội rất thuận lợi để vượt ngục là chính lúc bấy giờ, thợ lợp đang tháo chữa một số đá lợp mái. Sân Xanh Bécna không cách biệt hẳn với sân Sáclơmanhơ và sân Xanhlui. Ở các tầng cao có nhiều giàn giáo và thang, nghĩa là có cầu và tam cấp dẫn về phía giải phóng.
Trên đời không có nhà nào nứt nẻ, đổ nát hơn Trại Mới. Đó là nơi sơ hở nhất trong nhà ngục. Tường bị tác dụng của chất diêm tiêu bám vào đã lở ra từng phiến đá có khi rơi xuống mình tù nhân đang nằm trên giường, vì vậy người ta phải ghép ván dưới các vòm cuốn trong phòng ngủ để chèn đỡ. Người ta phạm sai lầm lớn khi giam vào cái nhà cũ nát ấy những tên can cứu đáng sợ nhất, những “ca nghiêm trọng” như ngôn ngữ lao tù nói.
Ở Trại Mới có bốn phòng ngủ ở bốn tầng gác và một buồng cao mệnh danh là Mỹ phòng. Một ống khói rộng, có lẽ là ông khói nhà bếp của bọn công tước La Forxơ ngày xưa, đi từ nền nhà, xuyên qua bốn tầng gác, lên tận mái và nhô lên khỏi mái. Nó có vẻ như một cây trụ thép chắn giữ mỗi phòng ngủ.
Gơlơme và Bơruygiông ở chung một phòng ngủ. Cẩn thận người ta xếp chúng ở tầng gác dưới nhất. Tình cờ đầu giường chúng kê sát vào ống khói.
Chính Tênacđiê ở ngay trên đầu chúng, trên buồng cao.
Khách qua đường dừng ở phố Quyntuya Xanh Catơrin trước cổng xe của Nhà Tắm, sau khi qua khỏi trại lính cứu hỏa, nhìn thấy một cái sân đầy cây hoa, cây cảnh trồng trong thùng. Ở cuối sân là một cái nhà tròn nho nhỏ quét vôi trắng, có hai chái và những cửa nhà chắn gió sơn xanh trông khá vui mắt. Cảnh này thật xứng với ước mơ hoang dã của Giăng Giắc (nhà văn, nhà triết học Pháp, ca ngợi cảnh sống thôn dã). Mười năm về trước, cái nhà trong đó tựa lưng vào một bức tường lớn, màu đen, trần trụi, xấu xí, nhô cao lên trên mái nhà. Đó là bức tường bao bọc con đường tuần tra của nhà lao La Forxơ.
Bức tường sau cái nhà tròn đó là Mintơn nhìn thấy đằng sau Béccanh (Milton: nhà thơ Anh đã viết trường ca Thiên đường đã mất, diễn tả sự sa đọa của con người; Berquin: nhà thơ Pháp).
Dù bức tường rất cao, vẫn còn một mái nhà cao hơn đen sì, ở sau bức tường. Đó là mái nhà của Trại Mới. Ở mái nhà có bốn lỗ thông hơi có tra chấn song sắt. Đó là những cửa sổ của Mỹ Phòng. Một ống khói đâm qua mái nhà, cái ông khói xuyên các buồng gnur nói trên.
Mỹ Phòng là buồng áp mái, hình dáng như một cái nhà chợ, có ba lớp chấn song sắt bọc ngoài, cửa thì bọc tôn đóng chi chít đanh rất lớn. Cứ đằng bắc mà vào thì bên trái có bốn lỗ thông hơi, bên phải đối diện với bốn lỗ thông hơi có bốn cái chuồng hình vuông khá rộng, cách nhau một cái hành lang hẹp; các chuồng ấy, dưới thì xây tường đến ngang ngực, trên thì cắm song sắt lên tận mái.
Tênacđiê bị giam kín trong một cái chuồng như thế từ đêm mồng ba tháng hai. Không ai khám phá được hắn dùng cách nào và có ai ám trợ hắn mà hắn đã sắm được một chai rượu và cất giấu chai rượu ấy trong chuồng giam. Thứ rượu chó pha thuốc mê ấy người ta nói do Đêruy sáng chế. Đảng trộm Phục Rượu Mê dùng rượu ấy làm cho nó nổi tiếng.
Trong nhiều nhà ngục, thường có những nhân viên phản phúc, nửa là người canh ngục, nửa là kẻ trộm, chúng làm tay sai cho cảnh sát vì tiền và cũng vì tiền mà giúp đỡ cho bọn tù vượt ngục, giống như những đứa ở ăn xén tiền chợ của chủ.
Cũng cái đêm Gavrốt đón hai đứa bé bơ vơ về chỗ trọ, Bơruygiông và Gơlơme lặng lẽ thức dậy và dùng cái đanh của Bơruygiông xoi khoét ống khói kế giường. Chúng biết rằng ở ngoài, Babe vừa vượt ngục lúc sáng đương chờ đón chúng, cùng với Môngpácnát.
Vôi gạch khoét ra rơi xuống giường Bơruygiông thành thử không ai nghe tiếng. Ở ngoài, mưa to gió lớn xe lẫn sấm sét làm các bản lề cửa rít lên, khiến nhà ngục vang dội những tiếng ồn ào ghê gớm rất tiện cho công việc của chúng. Một vài tên tù thức dậy lại vờ ngủ, để mặc tình Gơlơme và Bơruygiông. Bơruygiông khéo tay, Gơlơme khỏe. Tên cai ngục chủ ở buồng có cửa sổ chắn song mở vào phòng ngủ vẫn không nghe một tiếng động nào cả, thế mà ống khói đã bị khoét, hai thằng cướp đã leo ngược lên, bẻ miếng vỉ sắt trên ống khói và leo ra mái nhà. Gió mưa càng dữ, mái nhà trơn như mỡ. Bơruygiông bảo:
- Chúng mình vượt ngục đêm nay thật là tuyệt (Bọn này nói toàn tiếng lóng, người dịch dịch theo chú thích của tác giả, và dịch ra gôn ngữ thông sụng, chứ không thể tìm đủ tiếng lóng tương đương của bọn trộm cướp trong ngôn ngữ Việt)!
Giữa chúng và bức tường bọc ngoài là một cái vực rộng nửa trượng. Dưới đáy vực, súng của tên lính gác lấp lánh trong đêm tối. Chúng lấy cái dây Bơruygiông bện trong ngục tối đem buộc một đầu vào mấy thanh chắn sắt miệng ống khói vừa bị bẻ cong, ném đầu dây kia qua bức tường. Rồi chúng tiếp nhau nhảy đu người qua khỏi vực, bám lấy đầu tường, vượt qua tường, theo dây tụt xuống một mái nhà nhỏ, thu dây lại, nhảy xuống Sâu Tắm, vượt qua sân, khẽ đẩy tấm ván nhỏ chắn buồng người gác cổng kéo cái dây thòng lòng bên cạnh đấy, thế là cổng lớn mở ra cả hai đứa ra ngoài đường phố.
Từ lúc chúng đứng lên giường giữa đêm tối với cái danh trong tay và một kế hoạch vượt ngục trong não cho đến bây giờ, không quá bốn mươi lăm phút.
Lát sau, chúng gặp thằng Babe và thằng Môngpácnát lảng vảng quanh đấy.
Lúc kéo dây về, dây bị đứt, chỉ còn một đoạn lơ lửng buộc vào ống khói. Còn chúng thì chẳng bị thương tích gì ngoài việc da tay hầu như tuột hết.
Cũng đêm ấy, Tênacđiê được báo trước – không biết bằng cách nào – nằm thức để đợi.
Khoảng một giờ sáng, đêm ở ngoài tối như mực, hắn nhìn qua lỗ tông hơi trước chuồng hắn, thấy hai bóng đen lướt qua trên mái nhà, trong mưa rào gió dữ. Một bóng đen dừng lại trước lỗ thông hơi một thoáng, vừa đủ để hắn nhận thấy. Đó là Bơruygiông và hiểu hết. Đối với hắn, như thế là đủ lắm rồi.
Tênácđiê bị coi là một tên sát nhân và bị giam cứu vì dùng khí giới bắt người khảo của. Vì thế, đêm ngày hắn bị canh giữ. Một người lính gác, súng nạp đạn cứ đi qua đi lại trước chuồng nó. Hai giờ một lần người ta thay lính gác. Trong buồng cao ấy có một chiếc đèn treo sát tường. Tên tù phải mang một đôi xiềng chân nặng hai mươi lăm cân. Ngày nào cũng vậy, cứ đến bốn giờ chiều thì tên cai ngục đi với hai con chó dữ vào buồng nó, - lúc bấy giờ người ta còn làm thế - đặt cạnh giường một cái bát đen một cân, một hũ nước lã với một âu canh suông và khám xiền xích, gõ mấy cái song sắt xem có gì khác hay không. Đêm, nó lại dắt chó đến hai lần nữa.
Tênácđiê được phép giữ một cái chốt sắt dùng để găm bánh mì lên tường, theo hắn nói thì là "để cho chuột khỏi ăn". Vì Tênácđiê luôn luôn có người coi giữ cho nên cái chốt sắt cho nó người ta thứys cũng chẳng sao. Sau này người ta mới nhớ ra rằng có một tên gác ngục đã bảo: "Có lẽ nên cho nó một cái chốt gỗ thì hơn".
Hôm ấy lúc hai giờ sáng, một anh tân binh thay phiên gác cho người lính già vừa canh ở đây. Mấy phút sau tên cai ngục theo thường lệ dắt con chó đi khám xét chỉ để ý là người gác quê mùa và non dại quá chứ không thấy gì khác. Bốn giờ sáng, khi người ta đến đổi phiên canh thì thấy anh lính gác nằm sõng xoài dưới đất như khúc gỗ, ngủ mê mệt. Tênácđiê không còn ở đấy. Trên trần nhà có một lỗ hổng, và ngay trên đó, ở mái, có một lỗ nữa. Một tấm ván giươn bị tháo đi và có lẽ tên tù đã mang theo, vì mãi sau vẫn không tìm thấy. Trong buồng còn một chai rượu đã uống dở, thứ rượu mê ấy Tênácđiê đa dùng để mời anh lính gác. Cái lưỡi lê của anh lính cũng mất.
Lúc bấy giờ, người ta tưởng Tênácđiê đã thoát ra ngoài rồi. Sự thật thì đành là hắn ta không còn ở trong Trại Mới nữa, nhưng vẫn ở trong một cânhr huống vô cùng nguy hiểm. Hắn đã thoát hẳn đâu!
Lên đến Trại Mới, Tênácđiê bắt gặp đoạn dây đứt buộc lơ lửng ở miệng ống khói. Nhưng dây ngắn quá Tênácđiê không thể dùng để vượt qua khoảng cách giữa mái nhà này và bức tường bọc, như Bơruygiông và Gơlơme trước đấy. Từ phố Balê rẽ qua phố vua Xixin thì ai cũng thấy ngay ở bên phải một khoảng lõm tồi tàn. Ở đấy trước kia là một toà nhà, bây giờ chỉ còn trơ bức tường hậu cao vòi vọi tiếp giáp các ngôi nhà còn nguyên vẹn ở hai bên.
Cái di tích này còn nhận ra được nhờ hai cái cửa sổ vuông to còn sót lại, cái ở giữa, gần chái bên phải hơn được chắn lại bởi một đòn ngang han mục. Qua các cửa ấy ngày trước, người ta nhìn thấy một bức tường cao to ảm đạm, vốn là một mảnh của vành thành bọc con đường tuần tra của nhà lao La Forxơ.
Khoảng trống ở đường phố do ngôi nhà bị phá huỷ để lại đã được che lấp một nửa bởi một hàng rào song gỗ mục nát dựa vào năm trụ đá. Trong rào, tựa vào bức tường cũ, có một cái nhà gỗ nhỏ. Hàng rào song có một cửa ra vào mấy năm trước đây chỉ gài chốt.
Khoảng ba giờ sáng, Tênácđiê tới đỉnh bức tường thành ấy.
Tênácđiê đến đấy bằng cách nào? Điều này chưa bao giờ người ta hiểu và giải thích được. Chớp giật hình như vừa làm rầy nó vừa giúp đỡ nó. Nó có dùng thang gỗ và giàn giáo của thợ lợp để chuyển từ mái này sang mái khác, từ rào này sag rào khác, từ phòng này qua phòng khác ở các trại sân Xanh Lui, từ đó qua bức tường thành quanh đường tuần tra để đến cái nhà nát phố vua Xixin không? Thế nhưng đi theo hành trình này thì có những đoạn đứt quãng có lẽ không khắc phục được. Hay là nó đã dùng tấm ván giường của nó bắc một cái cầu từ mái Mỹ Phòng qua bức tường khu tuần tra? Rồi nó bò lết trên ngọn tường quanh nhà lao để đến cái nhà nát? Tuy nhiên bức tường đó nhô răng cưa và cao thấp không chừng: ngang trại Cứu hoả nó thấp xuống, đến Nhà tắm nó cao lên; lại có những nhà cửa cắt ngang tường; chỗ khách sạn Lamoanhông, tường không cao như chỗ phố Pave và chỗ nào cũng đều có những mảng tụt, những góc đứng. Ngoài ra lính gác rất dễ thấy cái dáng đen sì của tên vượt ngục. Cả hai cách đều không thể dùng để trốn thoát. Hay là Tênácđiê đã sáng tạo ra một cách vượt ngục thứ ba, bởi vì đầu óc hắn đã rực sáng nhờ khao khát tự do một cách ác liệt, sự khao khát đó như có phép thần biến vực thẳm thành hào cạn, song sắt thành nan tre, một tên bại liệt thành lực sĩ, một đứa bò lết thành chim trời, ngu đần thành bản năng, bản năng thành trí tuệ và trí tuệ thành thiên tài? Ai biết được!
Không ai biết hết những kỳ diệu trong việc vượt ngục. Kẻ vượt ngục như có thần linh mách bảo, chúng tôi nói lại điều đó. Có cái gì như là sao sáng và chớp loè trong ánh lửa bí ẩn soi rọi các cuọc đào vong. Cái cố gắng để vươn ra tự do cũng lạ lùng như cái vỗ cánh để lao vào khoảng không cao cả. Người ta hỏi về một tên kẻ cướp vượt ngục: nó làm thế nào để leo lên cái mái nhà kia nhỉ? Cũng như người ta hỏi về Cornây: ông ta tìm ở đâu ra tiếng Chết kia chứ? (Trong vở bi kịch Horace nổi tiếng của Cornelille, lão chiến sĩ Horace khi nghe báo tin con mình bỏ chạy, thật ra là trá bại, trong cuộc chiến đấu, rất lấy làm khổ tâm. Khi người báo tin hỏi: "Một chọi ba, cụ bảo nó làm thế nào?" Ông trả lời: "Chết").
Tênácđiê đã đến trên đầu bức tường cổ, mồ hôi nhễ nhại, áo quần đẫm nước mưa và rách bươm ra từng mảnh, da tay xây xát, khuỷu tay chảy máu, da đầu gối toạc ra. Hắn nằm dài trên đầu đường, kiệt sức. Từ chỗ hắn nằm xuống tới nền đường bằng một tầng gác ba xuống.
Cái thừng của hắn quá ngắn.
Xanh xao, kiệt quệ, hắn nằm chờ, trong lòng trước kia hy vọng bao nhiêu thì nay tuyệt vọng bấy nhiêu. Đêm còn tối, không ai trông thấy hắn, nhưng hắn tự nhủ chỉ lát nữa trời sẽ sáng. Hắn run sợ trước về cái giây phút nghe đồng hồ nhà thờ Xanh Pôn gần đấy đổ bốn tiếng. Giờ ấy sẽ là giờ người ta đổi phiên gác, giờ ấy người ta tìm thấy anh lính ngủ say dưới mái nhà bị chịc thủng. Qua ánh sáng lờ mờ các ngọn đèn phố, Tênácđiê nhìn xuống nền đường một cách hãi hùng, cái nền đá sâu thưm thẳm ươn ướt và đen sì, cái nền hắn vừa ước ao vừa khiếp sợ, cái nền đó vừa là chỗ chết vừa là cảnh tự do. Tênácđiê tự hỏi, không biết ba thằng bạn đồng loã kia có trốn thoát không, chúng có đợi hắn không, có tìm cách giúp hắn không. Hắn nghe ngóng. Từ lúc đến đây, không có ai đi qua, trừ một đội lính tuần tra. Những người bán rau ở Môngtơrơi, ở Sarôn, ở Vanhxen, ở Bécxy đi chợ đều đi theo đường Xanh Ăngtoan.
Chuông đồng hồ đổ bốn tiếng, Tênácđiê rùng mình. Chỉ mấy phút sau, trong nhà ngục có tiếng xôn xao náo động. Đây là cảnh huyên náo thông thường khi khám phá một vụ vượt ngục: tiếng những cánh cửa mở ra khép lại, tiếng rít của bản kề ở các cánh cổng chấn song, tiếng xôn xao của đoàn lính cai tù, tiếng gọi nhau ầm ĩ giữa bọn cai ngục, tiếng báng súng đập xuống nền, bấy nhiêu thứ tiếng bay đến tai Tênácđiê. Ánh đèn chập chờn lên xuống ở các cửa sổ chăng lưới, mọt ngọn đuốc chạy dọc trong phòng cao Trại Mới, lính chữa lửa ở đồn cạnh đấy được gọi sang giúp, những chiếc mũ ướt mưa của họ lấp lánh dưới ánh đuốc, đi đi lại lại trên mái nhà. Cùng lúc ấy phía ngục Bátxti, một thứ ánh sáng mập mờ rạng lên một cách kinh khủng ở chân trời.
Tênácđiê đang ở trên ngọn một bức tường dày ba tấc. Nó nằm dưới mưa, bên phải có một vực thẳm, bên trái có một vực thẳm, không cựa được, vừa chóng mặt vì sợ ngã, vừa hồi hộp vì sợ bị bắt. Như một quả lắc trong cái chuông tâm trí hắn chao qua đảo lại giữa hai tư tưởng: ngã thì chết, nằm yên thì trở vào tù.
Trong cảnh hoang mang, thình lình Tênácđiê trông thấy một bóng người lướt sát tường các nhà phố đến đứng ở quảng lõm dưới chỗ hắn lơ lửng nằm. Kế đó một người thứ hai, cũng men đi cẩn thận như người trước, rồi một người thứ ba và một người thứ tư. Khi đã tụm lại, một người đẩy then mở cửa ở rào xong và cả bốn lách vào trong khoảng đất có cái nhà nát. Họ đứng ngay ở chính chỗ Tênácđiê nằm.
Những người kia đã chọn chỗ lõm đó hiển nhiên là vì không muốn cho khách qua đường trông thấy họ đang bàn việc và cũng muốn tránh mắt tên lính gác cửa nhà lao La Forxơ ở cách mấy bước. Phải nói rằng mưa đã giữ chịt tên lính trong chòi canh của nó. Tênácđiê không trông thấy mặt họ, đã lắng nghe tiếng họ với sự chăm chú của con người tuyệt vọng.
Nghe họ dùng tiếng lóng, Tênácđiê thoáng thấy có một chút hy vọng. Người thứ nhất nói khẽ, nhưng rất rõ ràng:
- Buồm đi thôi. Còn lục đục làm gì ixigô?
Người thứ hai đáp:
- Mưa như trút máng thế này! Với lại tuần kiểm sắp kéo qua, còn thằng gác thì cứ trồng nến ở đấy. Khéo không nó hốt chúng mình ixicay.
Hai tiếng ixigô và ixicay đều có nghĩa là ở đây. Tiếng thứ nhất là tiếng lóng ngoại ô, tiếng thứ hai là tiếng lóng ở nhà ngục Tăngpơlơ. Đó là những tia sáng đối với Tênácđiê. Nghe ixigô, hắn biết là Bơruygiông, tên du dáng ở các cửa ô, nghe ixicay hắn biết là Babe vì tên này kiêm nghề buôn vặt ở nhà lao Tăngpơlơ.
Tiếng lóng của thế kỷ vĩ đại bấy giờ là chỉ còn thấy dùng ở nhà ngục Tăngpơlơ và cũng chỉ có Babe là người duy nhất sử dụng được thuần tuý. Nếu Babe không nói tiếng ixicay thì Tênácđiê đã không nhận ra hắn, vì hắn đã hoàn toàn đổi giọng.
Tên thứ ba chen vào:
- Không chuyện gì phải vội. Hãy đợi một tí nữa. Chắc đâu hắn không cần đến chúng ta.
Nghe câu văn phổ thông này, Tênácđiê nhận ra Môngpácnát, Môngpácnát cho là hiểu được mọi thứ tiếng lóng mà không nói tiếng lóng mới là lịch sự.
Tên thứ tư không nói, nheng đôi vi rộng của nó vẫn báo cho biết nó là ai. Tênácđiê không phân vân nhận ngay ra đó là Gơlơme.
Bơruygiông nói khẽ, nhưng sôi nổi:
- Mày phun cái gì đó? Tao thì tao nói rằng thằng bán cơm đó không trốn ra được. Nó không biết cách mà! Xé sơmi, xé chăn giường để làm dây, khoét cửa, làm giấy tờ giả, chìa khoá giả, chặt xiềng, buộc treo dây ở ngoài, lẩn trốn, trá hình, phải khôn ranh lắm mới làm được! Lão già ấy không thể làm được, lão không biết cách.
Babe tiếp lời, vẫn bằng thứ tiếng lóng cổ điển mà Pulaiê và Cáctút dùng. Thứ tiếng lóng này đối với cái tiếng lóng mạnh dạn, mới mẻ, màu mè và liều lĩnh mà Bơruygiông dùng cũng giống như ngôn ngữ Raxin đối với ngôn ngữ Ăngđrê Sêniê (Bacube: tác giả bi kịch cổ điển nổi tiếng của Pháp thế kỷ XVII; André Chenier: nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ XVIII):
- Tên chủ quán của mày có dễ đã bị tóm tại trận. Phải là sói già mới được, còn hắn chỉ là chó mới mở mắt. Chắc là hắn đã bị một tên cớm, không chừng là một con cừu đóng vai huynh đệ lừa phỉnh. Này Môngpácnát mày thử nghe tiếng rào rào trong ổ quí đó xem! Mày cũng đã thấy những đèn đuốc kia chứ? Hắn đã bị tóm lại rồi, chắc chắn! Phải kéo cày hai mươi thu nữa rồi. Tao không gờm, tao không phải là cáy, điều đó ai cũng biết, nhưng không còn làm gì được nữa đâu, nếu cứ cố thì bọn chúng sẽ cho chúng ta nhảy nhót đó. Thôi đừng giận dữ, đi với chúng tớ đi, tợp ít hớp cho vui.
- Ai lại bỏ rơi bạn bè trong hoạn nạn, Môngpácnát càu nhàu.
- Tao thề với mày là nó bị tròng lại rồi. Giờ này thì thằng chủ quán đó chẳng còn đáng một chinh! Ta biết làm sao! Dông thôi. Tao thấy như là đã bị một tên cớm nào thộp ngực rồi!
Môngpácnát chỉ còn chống cãi yếu ớt. Thật ra, theo tục bọn kẻ cướp không bao giờ bỏ nhau trong cơn nguy biến, bốn đứa chúng đã lò dò suốt đêm quanh nhà ngục La Forxơ. Mặc dù việc ấy nguy hiểm, chúng vẫn không ngại vì hy vọng Tênácđiê sẽ xuất hiện trên một bức tường nào. Nhưng đêm đã trong sáng, đường sá vắng tanh, không một bóng người vì mưa rào, trời bắt đầu lạnh, quần áo ướt sũng, giầy thấm nước, rồi tiếng xôn xao đáng sợ trong nhà lao, những đội tuần tra đi lại, thời gian chờ đợi quá lâu, hy vọng tiêu dần, sợ hãi hiện đến, tất cả những thứ ấy thúc giục bọn chúng rút lui. Đến cả thằng Môngpácnát, thằng ấy đối với Tênácđiê một phần nào cũng như là con rể, cả thằng Môngpácnát cũng nhượng bộ. Chỉ ít nữa là chúng đi mất. Nằm trên tường, Tênácđiê thấy trong lòng hồi hộp như những hành khách đắm tàu còn sống sót trên bè ở giữa biển, đang nhìn thấy chiếc tàu cứu nạn hiện ra rồi lại biến đi nơi chân trời.
Nó không dám gọi, gọi nhỡ người ta nghe thấy thì hỏng cả. Trí nó bỗng nhiên nảy ra một ý kiến, một ý kiến cuối cùng, một tia chớp: nó móc túi, lấy mẩu dây của thằng Bơruygiông, mẩu dây nó đã tháo trên ống khói và ném xuống.
Mẩu dây rơi dưới chân lũ cướp.
Babe nói:
- Một cái dây.
- Dây của tao đây, Bơruygiông bảo.
- Đích lão chủ quán rồi, Môngpácnát nói.
Chúng ngẩng nhìn lên. Tênácđiê thò đầu ra một tí.
Môngpácnát bảo:
- Mau lên! Bơruygiông, mày có khúc dây đó không?
- Có đây.
- Nối hai đoạn dây với nhau rồi ném lên cho nó. Nó sẽ buộc dây vào tường tụt xuống. Có đủ dây để leo xuốn đây.
Tênácđiê đánh liều lên tiếng:
- Tao cóng rồi.
- Chúng tớ sẽ sưởi cho.
- Tao không cựa được.
- Mày cứ thế mà tụt xuống, chúng tớ sẽ hứng đón mày.
- Hai bàn tay tao tê giá rồi.
- Thì hãy cứ buộc dây vào ngọn tường thôi mà.
- Chịu thôi!
- Thế thì phải có thằng nào trong bọn ta leo lên với nó mới xong - Môngpácnát nói.
- Những ba tầng gác. Bơruygiông buột miệng.
Từ nhà gỗ, có một ống khói bằng thạch cao đâm lên và dựa theo bức tường cũ, lên thẳng gần tới chỗ Tênácđiê nằm. Cái ống khói ấy rạn lở cả hẹp lắm.
Môngpácnát nói:
- Có thể theo ống khói ấy mà lên.
- Theo ống ấy? Babe kêu. Một tướng thì không thể. Phải là một tốt mới được. (Người lớn; Bé con)
Bơruygiông phụ hoạ:
- Phải có một chú ranh.
- Tìm đâu ra chú tép! Gơlơme bảo.
- Hãy gượm, Môngpácnát nói. Tớ có rồi.
Hắn nhẹ tay hé mở cửa rào, nhìn xem cho chắc là không có ai đi qua rồi mới cẩn thận lách mình bước ra, khép cửa lại và nhắm hướng ngục Bátxti mà chạy.
Bảy tám phút trôi qua, đối với Tênácđiê là bảy tám nghìn thế kỷ. Babe, Bơruygiông, Gơlơme không hé răng nói nửa lời. Cánh cửa lại hé mở, Môngpácnát trở về, mồm thở hồng hộc, Gavrốt theo sau. Trời vẫn mưa trên đường vắng ngắt.
Chú bé Gavrốt bước vào, mắt thản nhiên nhìn mấy bộ mặt kẻ cướp. Nước mưa từ trên đầu chú chảy giọt xuống. Gơlơme hỏi Gavrốt:
- Oắt! Mày là một thằng người đấy chứ?
Gavrốt nhún vai đáp:
- Oắt như tớ là người, người như các chú là oắt.
- Ranh lém lắm! Babe khen.
Bơruygiông thêm:
- Ranh mà ranh Paris thì không phải ranh rơm ranh rạ đâu nhé!
- Các ông tướng cần gì? Gavrốt hỏi.
- Leo ống này. Môngpácnát đáp.
Mấy thằng kia nói tiếp nhau:
- Với cái dây.
- Và buộc dây.
- Vào đầu tường.
- Chỗ chấn song cửa.
Gavrốt hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Chỉ vậy thôi. Gơlơme đáp.
Chú bé ngắm cái dây, cái ống khói, bức tường, các cửa sổ rồi làm một tiếng phì môi khinh thường, khí tả, có ý như nói:
- Chỉ thế thôi ư?
Môngpácnát bảo:
- Trên đó có một mạng người. Chờ mày cứu sống.
Bơruygiông hỏi:
- Mày có bằng lòng làm không?
Gavrốt hình như cho câu hỏi đó quá lạ lùng. Hắn chỉ đáp: ngốc! Rồi hắn tháo giầy.
Gơlơme bốc Gavrốt một tay lên mái nhà; ván mục oằn xuống răng rắc dưới thân hình chú bé: nó đưa cho Gavrốt sợi dây Bơruygiông đã nối lại trong lúc Môngpácnát đi vắng. Chú bé tiến lại ống khói và chui vào dễ dàng nhờ một cái kẽ khá rộng ở sát mái nhà. Lúc nó sắp leo lên thì Tênácđiê thấy mình gần như đã được cứu thoát cũng chồm người ra xem. Ánh sáng ban mai vừa thoạt đầu hiện ra soi vào cái trán nhễ nhại mồ hôi của Tênácđiê, hai gò má tím ngắt, cái mũi mỏng và nhọn có vẻ man rợ, bộ râu hoa râm lởm chởm. Gavrốt nhận ra Tênácđiê, nói:
- Ơ kia! Cha mình đây mà...! Cũng được thôi!
Rồi nó ngậm cái thừng, quả quyết trèo lên.
Leo tới đỉnh nhà nát, nó dạng chân cưỡi qua ngọn tường như cưỡi ngựa rồi buộc chặt thừng vào cái bậu cửa cũ.
Một lát sau Tênácđiê đã xuống đường phố.
Vừa xuống tới đất, không có gì nguy hiểm nữa thì nó cũng thấy hết mệt, không lạnh, không run. Những cảnh nguy biến vừa qua tan đi như mây khói, cái trí khôn kỳ quái, hiểm độc của nó bừng tỉnh và nhởn nhơ đứng lên, sẵn sàng tiến tới phía trước. Cái câu đầu tiên của nó là thế này:
- Giờ thì chúng mình thịt ai đây?
Có lẽ không cần giải thích cái tiếng đã sáng nghĩa ấy, sáng một cách ghê rợn, cái tiếng bao hàm ý giết chết và ý cướp tuốt, thịt nghĩa là xé nuốt, Bơruygiông bảo:
- Cho khéo! Đứng nép cả vào đây đi. Nói ba điều bốn chuyện rồi chia tay ngay mới được. Này, ở phố Pơluymê có một vụ xem chừng hay ra phết: phố vắng, nhà trơ trọi, chấn song cửa vào vườn mục nát và trong nhà chỉ có đàn bà thôi.
- Ồ! Thế sao lại không? Tênácđiê hỏi.
Babe đáp:
- Cái đĩ của mày, con Êpônin, đã đi thăm dò.
- Nó đã đưa một chiếc bánh quy về cho con mụ Manhông, Gơlơme bảo. Ở đây chẳng nước mẹ gì đâu!
- Cái đĩ chẳng đần độn đâu, Tênácđiê nói. Tuy vậy cũng phải đến xem sao.
- Đúng, đúng đấy, Bơruygiông nói. Phải xem lại thế nào.
Trong lúc chúng nói chuyện, chẳng đứa nào để ý đến chú bé Gavrốt ngồi trên trụ đá. Chú đợi một chốc, có lẽ đợi cho bố quay lại, nhưng đợi không được, chú xỏ giầy vào chân và nói:
- Xong rồi chứ? Các ông tướng không cần tớ nữa phải không? Các tướng thoát nạn rồi. Ta đi đây. Ta phải về đánh thức hai thằng bé nhà ta dậy.
Thế rồi nó đi.
Năm người lần lượt bước ra ngoài giậu.
Khi Gavrốt đã khuất ở khúc rẽ qua con đường Khiêu vũ, Babe bấm Tênácđiê, hỏi:
- Lúc nãy mày có nhìn thằng oắt không?
- Thằng oắt nào?
- Thằng oắt đã leo lên ngọn tường đem dây lên cho mày ấy mà.
- Không nhìn kỹ lắm.
- Ồ! Tao cũng không biết cho chắc, nhưng hình như con mày đó.
- Vậy à? Tênácđiê nói - mày thấy thế ư?
Rồi hắn đi thẳng.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 7

TIẾNG LÓNG

Chương 1

NGUỒN GỐC

Pigritia (Cần có một bản dịch trọn vẹn nên không thể bỏ qua các chương về tiếng lóng - Tuy nhiên cũng không thể tìm đủ tiếng lóng, tiếng nghề nghiệp trong ngôn ngữ Việt Nam, cho nên chúng tôi để nguyên các từ tiếng lóng đó và nghĩ nên để chính tả của nguyên bản thì có ích cho người tìm hiểu ngôn ngữ và văn học hơn là phiên âm) là một từ ghê gớm. Nó sinh ra cả một thế giới La Pègre, hãy hiểu: việc trộm cắp và cả một địa ngục La Pègrenne, hãy hiểu: sự đói khát.
Như vậy lười biếng là mẹ đẻ.
Nó có một con trai là trộm cắp và một con gái là đói khát.
Hiện chúng ta đang ở địa hạt nào? Tiếng lóng.
Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm; đó là một đánh cắp dưới hai hình thức, nhân dân và ngôn ngữ.
Cách đây ba mươi tư năm, khi thuật giả câu chuyện nghiêm trang và thảm đạm bày đưa vào một quyển sách, viết cũng một mục đích với quyển sách này (Quyển "Ngày cuối cùng của một người tử tù" Lederrnier jour d'un condamné), một tên ăn cắp nói tiếng lóng, thì người ta sửng sốt và la ó.
- Thế nào? Sao? Tiếng lóng à! Nhưng tiếng lóng thì thật là ghê tởm! Đó là ngôn ngữ của những tên khổ sai, những nhà ngục, của tất cả những gì khả ố nhất trong xã hội...
Chúng tôi chưa bao giờ hiểu được cái lối bôi bác đó.
Từ khi ấy, hai nhà tiểu thuyết lớn, một là người quan sát sâu sắt lòng người, còn một là bạn dũng cảm của nhân dân, Bandắc và Ơgien Xuy, để cho bọn kẻ cướp nói cái ngôn ngữ tự nhiên của họ, cũng như năm 1828 tác giả cuốn "Ngày cuối cùng của một người tử tù" đã làm và đã bị công kích. Người ta đã nhắc lại: "Các nhà văn muốn gì với cái khổ âm ngỗ ngược ấy? Tiếng lóng khả ố! Tiếng lóng làm cho người ta ớn run!"
Ai chối cãi cái đó? Chắc là không ai.
Nhưng trong việc thăm dò một vết thương, một vực thẳm hay một xã hội, thì đi sâu vào đi, đi đến tận đây, phải đâu là tội lỗi? Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ rằng đó là một hành vi đôi khi dũng cảm, hay ít nhất là một hành động đơn giản, tự nhiên và có ích, xứng đáng được quan tâm, thông cảm đối với một nhiệm vụ tự nguyện đã hoàn thành. Tại sao không khám phá cho hất, không nghiên cứu cho hết, tại sao dừng lại ở nửa đường? Cái sào thăm dò có thể dừng lại, người thăm dò thì không.
Tìm tòi tận đáy xã hội, nơi đất hết và bùn bắt đầu, đào mò trong những đợt sóng to gió lớn ấy để truy bắt, nắm lấy và ném lên đường, tung ra ánh sáng cái thổ âm hèn hạ, nhầy nhụa bùn nhơ, cái ngữ vựng nung mủ, mà mỗi từ là một đốt ô uế của một con quái vậttrong bùn đen và bóng tối, thì rõ ràng không phải là một công việc quyến rũ, cũng như không phải là một công việc dễ dàng. Không còn cái gì thảm đạm hơn là ngắm nghía, sau khi đã lột trần ra như thế, dưới ánh sáng của tư duy, cái đám nhung nhúc gớm ghê của tiếng lóng. Quả vậy hình như đó là một con vật kinh khủng tạo ra để cho bóng đêm, một con vật mà ta vừa rứt ra khỏi vũng thối. Người ta tưởng như nhìn thấy một cái búi kinh tởm, sinh động và lởm chởm, nó run rẩy, nó cử động, nó giãy giụa, nó đòi lại bóng tối, nó đe doạ và nó giương mắt nhìn. Từ này giống như một vuốt nhọn, từ kia như một con mắt đã tắt và ngấn máu; câu nọ như đang ngọ nguậy tựa một càng cua. Tất cả những thứ đó sống, cái sinh lực ghê tởm của những con vật đã được tổ chức trong tan rã của tổ chức. Bây giờ ta thử hỏi có lúc nào ta bọ cấm chỉ nghiên cứu cái ghê tởm?
Từ bao giờ bệnh tật xua đuổi thầy thuốc?Ngừoi ta có thể hình dung được một nhà vạn vật học mà lại đi từ chối không nghiên cứu con rắn độc, con dơim con bọ cạp, con rết, con nhện độc, vứt lại chúng vào bóng tối của chúng và nói: Ô! Xấu xí quá! Nhà tư tưởng mà quay mặt đi trước một ung nhọt, một mụn cóc. Đó sẽ là một nhà ngôn ngữ học do dự, khảo sát một thực tại của ngôn ngữ, một nhà triết học do dự dò xét một sự kiện của nhân loại: bởi vì tiếng lóng vừa là một hiện tượng của văn học, vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản, là gì? Tiếng lóng là ngôn ngữ của khốn cùng.
Tới đây, người ta bắt ta dừng lại. Người ta có thể khái quát hoá một sự kiện, đôi khi đó là cách giảm nhẹ nó đi; người ta có thể bảo chúng ta rằng, mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Người bán hàng khi nói: Montpelier sẵn sàng; Masesille phẩm chất tốt; nhân viên hối đoái khi nói: đem qua, hoa hồng, cuối tới; người đánh bạc khi nói: tiers et tout, refait de pique; người thừa phát lại các đảo xứ Normăngđi nói: L’afftiffeur s’arr ant a son fonds ne peut cjamer les fruits de ce fonds pendant la saisie héréditale dé immeubles du renonciateur; nhà soạn hài kịch nói: người ta đã làm vui con gấu (vở kịch đã bị huýt còi), người diễn viên khi nói: tôi làm phòng tối (Tôi đã diễn hỏng, mất khách); nhà triết học khi nói: tam đồng hiện tượng; người ta săn bắn khi nói: voileci allais, voleci fuyant; nhà não tướng học khi nói: ái lực tình, chiến đấu tính, tiết niệu tính; người lính bộ nói: cái kèn của tôi; người kỵ sĩ nói: con gà Ấn của tôi; khi thầy dạy iếm nói: tierce, quarte, rompez; khi người thợ in nói: parlons bollo, thì, tất cả, thợ in, người đi săn, triết gia, diễn viên, kịch sĩ, thừa phát lại, tay cờ bạc, hối đoái viên, nhà buôn, đều đã nói lóng. Người họa sĩ khi nói: mon rapin, người chưởng khế khi nói: mon sau teruisseau, người làm tóc giả khi nói: mon commic, người chữa dép khi nói: mon gniaf (những từ này đều có nghĩa: người học trò của tôi), đều đã nói lóng. Nói cho cùng, và nếu người ta tuyệt đối muốn như vậy, thì tất cả những cách khác nhau để trỏ bên trái, bên phải của người lính thủy: bâbord và tribord, của người điều khiển máy: phía sân phía vườn, của người phụ việc trong nhà thờ: phía Thi huấn, phía Phúc âm là những cách nói lóng.
Có tiếng lóng của những phụ nữ õng ẹo cũng như có tiếng lóng của những bà kiểu cách. Lâu đài Răngbuiê cũng gần kề với lều hành khất. Có tiếng lóng của những bà công tước, bằng chứng là câu này, ở trong một bức thư tình của một bà lớn rất đẹp thời Phục hưng: “Ông sẽ thấy trong những chuyện ngồi lê đôi mách của cả một mớ những lý do để tôi phóng túng”. Những mật mã ngoại giao là tiếng lóng; ở phòng Chưởng ấn Giáo Hoàng, khi nói 26 để chỉ La Mã, grkztntgzyal để nói gửi đi và abfxustgrnogrkzutuxi để thay quận công xứ Môdenơ, đã nói lóng. Những thầy lang thời trung cổ, muốn nói cà rốt, củ cải, củ nave đã gọi là: opoponach, perfroschinum, reptitalmus, dracatholicum angelorum, postmegorum, cũng là nói lóng. Nhà sản xuất đường khi nói: vergeoise, têle, clairce, tape, lumps, melis, bâtarde, commun, brulé, ploque, con người lương thiện đó cũng đã nói lóng. Một trường phái phê bình, cách đây hai mươi năm khi nói: Một nửa Sếchxpia là chơi chữ và chơi đồng âm dị nghĩa, đã nói lóng. Thi sĩ và nghệ sĩ, với một ý thức sâu sắc, sẽ gọi ông Đờ Môngmôrăngxi là một “tư sản” nếu ông không phải người am hiểu về thơ và tượng, đã nói lóng. Một viện sĩ hàn lâm cổ điển gọi hoa là Flore, quả là Pômônơ, biển là Néptuyn, gọi tình yêu là lửa nhiệt, sắc đẹp là mối quyến rũ, con ngựa là “tuấn mã”, cái mão chương trắng hoặc tam tài là “đóa hồng của Benlon”, cái mũ có ba sừng là tam giác của Chiến thần, thì viện sĩ cổ điển ấy đã nói lóng.
Đại số, y học, thực vật học đều có tiếng lóng của nó. Ngôn ngữ mà người ta dùng trên tàu thủy, cái ngôn ngữ đáng thán phục của biển cả, rất đầy đủ và rất tạo hình mà Giăng Ba, Đuy Ken, Xuyphren và Đuyperê đã nói, nó lẫn với tiếng neo, xích, với tiếng loa, với tiếng búa đụng nhau, tiếng tàu chòng chành, tiếng gió bão, đại bác, là cả một thứ tiếng lóng oai hùng và rầm rộ, nó đối với tiếng lóng hoang sơ của kẻ cắp, như sư tử đối với chó rừng.
Đành vậy, nhưng dù biện hộ thế nào đi nữa, thì cái kiểu hiểu từ nói lóng như thế là một kiểu hiểu theo nghĩa mở rộng mà không phải tất cả mọi người đều sẽ thừa nhận. Về phần chúng tôi, chúng tôi giữ cho từ ấy cái nghĩa cũ, chính xác, có phạm vi và được chỉ định, và chúng tôi giới hạn tiếng lóng trong tiếng lóng. Tiếng lóng thực sự, tiếng lóng cao độ - nếu hai từ đó có thể phối hợp tiếng lóng từ muôn đời, đã là một vương quốc, chúng tôi nhắc lại, chính là cái ngôn ngữ xấu xí, lo âu, thâm hiểm, phản bội, có nọc, ác độc, ám muội, đề hèn, sâu sắc, bất hạnh của khốn cùng. Ở cùng cực của mọi sự suy sụp và của mọi bất hạnh, có một cái khốn cùng tận đáy nổi dậy và quyết định đấu tranh chống toàn bộ những thực tại tốt số và những quyền lợi hiện hành: một cuộc đấu tranh khủng khiếp, hi gian trá, khi tàn bạo, vừa bệnh hoạn, vừa hung dữ, qua đó khốn cùng tấn công vào trật tự xã hội bằng những nhát chùy của tội ác. Để phục vụ cuộc đấu tranh này, khốn cùng đã phát sinh ra một ngôn ngữ chiến đấu, đó là tiếng lóng.
Làm cho nổi lên rồi lại nâng đỡ lên trên trên quên lãng, lên trên vự thẳm, một mảnh nhỏ của một ngôn ngữ nào mà con người đã sử dụng – cái ngôn ngữ luôn luôn mất mát đó – nghĩa là duy trì được một yếu tố, tốt hoặc xấu của nền văn minh, là phát triển những luận cứ của quan sát xã hội, là phục vụ nền văn minh. Nhiệm vụ ấy Plôtơ đã làm, dù muốn hoặc không muốn, khi để hai người lín thành Cáctagiơ nói tiếng xứ Phênixi, Môlie đã làm khi để cho nhiều nhân vật của mình nói tiếng Đông phương và đủ các thứ thổ âm. Ở đây, tiếng phản đối lại nổi dậy; tiếng Phênixiêng à, tốt lắm chứ, tiếng Đông phương à, hay quá! Ngay tiếng thổ âm cũng được, đó từng là những ngôn ngữ của một nước, một tỉnh. Còn tiếng lóng? Ích gì mà giữ tiếng lóng? “Làm cho tiếng lóng nổi lên” thì lợi gì?
Với cái đó, chúng tôi chỉ trả lời một câu: đúng vậy, nếu ngôn ngữ mà một nước, một tỉnh đã nói đáng quan tâm, thì có một thứ còn đáng quan tâm hơn và đáng nghiên cứu hơn, đó là ngôn ngữ của khốn cùng.
Đó là ngôn ngữ của khốn cùng ở Pháp bốn thế kỷ nay, không phải chỉ một khốn cùng, mà tất cả khốn cùng của loài người.
Chúng tôi còn nhấn mạnh điểm này: nghiên cứu những dạng xấu, những tàn tật xã hội và nêu chúng lên để sửa chữa không phải là một công việc trong đó người ta được phép kén chọn. Nhiệm vụ nhà nghiên cứu lịch sử phong tục và tư tưởng cũng nghiêm khắc không kém nhiệm vụ nhà nghiên cứu những sự kiện: sử gia sau nhìn bề mặt của văn mình, những cuộc đấu tranh của vua chúa, sự sản sinh các hoàng tử, những hôn lễ của các nhà vua, những chiến trận, những hội nghị, những vĩ nhân công chúng thừa nhận, những cuộc cách mạng giữa thanh thiên bạch nhật, tất cả bề ngoài. Sử gia kia nhằm cái bên trong, cái ở dưới, nhằm vào nhân dân lao động, đau khổ và chờ đợi, nhằm người phụ nữ bị điêu đứng, đứa trẻ hấp hối, những chiến cuộc âm thầm giữa con người và con người, những hung dữ ngấm ngầm, những thành kiến, những bất công được thừa nhận, những phản ứng ngấm ngầm đối với luật pháp, những diễn tiến bí mật của tâm hồn, những rung động khó phân của đám đông, những người chết đói, những người đi chân đất, những người để cánh tay trần, những người bất hạnh, những trẻ mồ côi, những người khổ sở và điếm nhục, tất cả những sâu bọ lê lết trong bóng tối. Nhà sử gia đã phải rất nhân ái đồng thời phải rất nghiêm khắc, như một người anh và một thẩm phán, đi xuống tận những căn buồng khó vào nhất trong đó bò lổm ngổm và lẫn lộn những kẻ đánh người và những kẻ đổ máu, những kẻ khóc và những kẻ nguyền rủa, những kẻ nhịn đói và những người nhai ngấu nghiến, những kẻ chịu đựng cái ác và những kẻ ác. Các sử gia của những tấm lòng và của những tâm hồn há lại kém phận sự hơn các sử gia của những thực tại bên ngoài ư? Người ta có nghĩ rằng Alighieri có ít chuyện để nói hơn Makiaven không? Cái bên dưới của nền văn minh có vì sâu hơn và tối hơn mà kém quan trọng không? Người ta có hiểu được núi khi không biết hang hay không?
Vả chăng cũng nên nói qua một lần từ mấy câu trên đây, người ta có thể suy diễn là giữa hai hạng sử gia có một ngăn cách dứt khoát. Chúng tôi không hề nghĩ có cái ranh giới kiểu đó. Không ai là một sử gia tốt về cuộc sống hiển nhiên, rõ rệt và công khai của các dân tộc, nếu không là sử gia của cuộc sống sâu xa và thầm kín của bọn họ trong chừng mực nào. Và không ai là sử gia tốt của cái bên trong, nếu người đó không biết ghi chép lịch sử của cái bên ngoài khi cần phải thế. Lịch sử những phong tục và tư tưởng, thấm vào lịch sử những biến cố và ngược lại. Đó là hai loại thực tại khác nhau và cũng có khi cái nọ làm nẩy ra cái kia. Tất cả những nét mà trời đã vạch lên bề mặt của một quốc gia đều có những nét song song âm thầm ở bên dưới, nhưng khác biệt và tất cả những biến động dưới đáy đều làm phát sinh những chấn động trên mặt. Khoa sử học chân chính chui vào khắp nơi, nhà sử học chân chính cũng xông vào khắp chốn.
Con người không phải là một hình tròn có tâm điểm duy nhất, đó là một hình bầu dục, có hai tiêu điểm. Những sự kiện là một tiêu điểm, những ý tưởng là tiêu điểm kia.
Tiếng lóng không khác gì một phòng treo áo trong đó ngôn ngữ đến để ngụy trang khi phải làm một việc xấu. Ở đó nó khoác những từ mặt nạ và những ẩn dụ tã rách.
Vì vậy nó trở thành kinh tởm. Người ta khó mà nhận ra nó. Có phải đấy là tiếng Pháp, ngôn ngữ lớn của nhân loại? Kìa nó sẵn sàng lên sân khấu, để đáp ứng tội ác và thíc ứng với mọi vai của tội ác. Nó không đi ngay nữa, nó lê lết, nó què quặt trên chiếc nạng của bọn hành khất, một chiếc nạng có thể thay hình thành cái chùy: nó lấy tên là phường ăn mày nói; tất cả những yêu mà, tức là những kẻ lo về trang phục đã tô vẽ cho nó; nó bò lê và chồm dậy theo hai dáng đi của loài rắn rết; bây giờ nó có khả năng đóng mọi vai, người chuyên làm đồ giả đã cho nó cái ám muội, người đầu độc cho nó cái sắc của gỉ đồng, kẻ đốt nhà đã quét đen bồ hóng cho nó và kẻ sát nhân đã bôi đỏ cho nó.
Về phía những người lương thiện, họ đứng trong cánh cửa xã hội mà nghe và họ bắt chước được những câu đối thoại của những người bên ngoài. Người ta phân biệt được những câu hỏi và những lời đáp. Người ta tri giác được tuy không hiểu nó, một tiếng rì rầm, gớm ghiếc, vang lên hầu như giọng người, nhưng gần với tiếng rú hơn là tiếng nói. Đó là tiếng lóng. Những từ ngữ này dị hợm và đượm một nét gì cầm thú quái đản. Người ta tưởng như nghe những con mãng xà tinh chuyện trò.
Đó là cái không hiểu được trong cái tối tăm. Cái đó rít lên và thì thầm, bổ sung cái nhá nhem bằng cái bí ẩn. Cảnh hoạn nạn tối lắm, những tội ác còn tối hơn nữa. Hai cái đen tối ấy hỗn hợp tạo nên tiếng lóng. Tối mò trong không khí, tối mò trong hành vi, tối mò trong tiếng nói. Kinh khủng là cái ngôn ngữ cóc nhảy, nó đi, nó lại, nó nhảy, nó bò, nó sùi bọt mép và nó vận động quái đản giữa đám sương mù vô biên, xám xịt, tỏng có mưa, có đêm tối, có đói khát, có tật xấu, có dối trá, bất công, trần trụi nghẹt thở và lạnh lẽo đông tiết, đúng cảnh giữa trưa của những người khốn khổ.
Chúng ta hãy thương những người bị trừng phạt. Than ôi! Chính bản thân chúng ta là ai? Tôi là ai, đang nói với anh? Anh là ai, đang nghe ai? Chúng ta từ đâu tới? Và có thật chúng ta đã chẳng làm gì, trước khi ra đời? Trái đất không phải không giống với một nhà tù. Biết đâu con người không là một cựu phạm trước tòa án Chúa?
Hãy nhìn gần hơn vào cuộc sống. Nó được cấu tạo để đâu đâu người ta cũng cảm thấy như bị trừng phạt.
Anh có phải là một người mà ta gọi là người sung sướng không? Thế mà, ngày nào anh cũng buồn bã. Mỗi ngày có cái buồn lớn và cái âu lo nhỏ của nó. Hôm qua, anh đã run sợ cho sức khỏe của một người anh yêu quí; hôm nay, anh sợ cho sức khỏe của chính anh; ngày mai, sẽ là một lo ngại về tiền bạc, ngày kia, lời công kích của một tên vu cáo; ngày kìa, tai nạn của một người bạn; rồi chuyện thời tiết xấu; rồi cái gì đổ vỡ hay mất mát; rồi một cuộc vui mà lương tâm và cuộc sống sẽ trách móc anh; một lần khác, diễn biến quốc sự không tốt. Không kể những vết thương lòng. Và cứ tiếp tục như thế. Một bóng mây tan, một bóng mây khác lại tụ. Trong một trăm ngày, chưa có lấy một ngày vui trọn vẹn và nắng suốt! Thế mà anh ở trong thiểu số những người có hạnh phúc đấy! Còn những người khác, đêm tối ngưng đọng trên năm tháng của họ.
Những trí óc chịu suy nghĩ ít dùng cái từ ngữ: những người sung sướng và những người khổ sở. Trong thế giới này, tiền đình tất nhiên của một thế giới khác, không có ai là sung sướng.
Nhân quần chỉ có thể phân loại như thế này: những người sáng tỏ và những người ngu tối.
Giảm số những người ngu tối, tăng số những người sáng tỏ, đó là mục đích. Vì thế, chúng tôi hét to: giáo dục! Khoa học! Học để đọc sách, là đốt lửa, mỗi âm tiết đánh vần lên là một tia sáng.
Vả lại, nói ánh sáng, không nhất thiết là nói vui vẻ. Người ta cũng có thể đau khổ trong ánh sáng, cái gì quá mức cũng đốt cháy. Ngọn lửa thiêu mất cái cánh. Bốc lửa mà vẫn bay, đó là kỳ tích của thiên tài.
Khi anh biết và khi anh yêu, anh vẫn còn đau khổ. Ánh sáng xuất hiện trong nước mắt. Những người sáng tỏ khóc, ít nhất là khóc thương kẻ u tối.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 7 - Chương 2

CỘI RỄ

Tiếng lóng, là ngôn ngữ của những người ngu tối.
Tư tưởng xúc động trong cõi sâu xa thăm thẳm, triết học xã hội, trầm tư đau xót đứng trước cái thổ ngữ bí ẩn này, cái thổ ngữ vừa điếm nhuc vừa phẫn nộ này. Ở đó, hình phạt hiện rõ. Mỗi âm có vẻ như bị đóng dấu lửa. Những từ của ngôn ngữ thông thường, xuất hiện ở đâu nhăn nhúm và thành chai, dưới con dấu sắt nóng của tên đao phủ. Một số từ còn như đang bốc khói. Câu này giống như bả vai bị đóng dấu hoa huệ của nột tên trộm, đột nhiên hở trần ra. Ý tưởng gần như từ chối không để cho những danh từ đã bị kết án đó diễn đạt. Ẩn dụ của nó đôi khi quá trâng tráo đến nỗi ta có cảm giác nó đeo gông.
Vả lại, mặc dầu tất cả những thứ đó và chính nguyên nhân lại do đó, cái thổ ngữ kỳ lạ ấy vẫn có ngăn của nó trong cái tủ ngăn lớn vô tư, trong đó có chỗ cho đồng xu gỉ cũng như cho cái huy chương vàng cái ngăn mà người ta gọi là văn học. Nói lóng có ngữ pháp và nền thơ của nó, dù người ta thừa nhận hay không. Đó là một ngôn ngữ. Nếu do chỗ xú dang của một vài danh từ, người ta nhận đó của Măngđranh, thì do cái huy hoàng cảu mấy hoán dụ, người ta lại cảm thấy như chính Vilông đã nói.
Câu thơ kỳ thú và nổi tiếng:
“Đâu rồi những tuyết năm xưa?”
(Mais où sont les neiges d’antan?)
Là một câu thơ nói lóng. Antan – ante annum (năm trước: tiếng Latinh) – là một từ nói lóng của bọn nhà trộm. Nó nghĩa là năm ngoái và, rộng ra là ngày xưa. Cách đấy ba mươi lăm năm, vào chuyến phát vãng tù khổ sai lớn năm 1827, người ta còn đọc được trong một ngục tối cở Bixôtrơ câu châm ngôn do một tên đại hợm khắc bằng đanh trên tường như sau:
“Lé dobs d’antan trimaient siempre pour lapierre du Coesre” có nghĩa là: Các nhà vua thời xưa khi nào cũng đi lễ đăng quan. Trong tư tưởng “nhà vua” đó, đăng quan là đi tù khổ sai.
Danh từ đécarade (dêcarađơ), diễn tả sự khởi hành của một chiếc xe ngựa chở nặng, phóng nước đại, đã được gán cho Villon và xứng đáng với nhà thơ. Cái từ ấy như súng nổ ở cả bốn âm, chung đúc lại, trong một từ tượng thanh oai hùng, cả một câu thơ rất đẹp của La Phôngten:
Six forls chevaux tiraient un coche
(Sáu ngựa khỏe kéo xe một cỗ)
Về phương diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể là kỳ thú hơn nhiều khoa khác. Đó là cả một ngôn ngữ trong ngôn ngữ, một thứ u tật bệnh, một tiếp ghép nguy hiểm. Nó đã sản sinh ra một thực vật, một tầm gửi có rễ trong cái thân gôloa (thuộc về xứ Gaule, tức là đất Pháp ngày xưa) mà lá độc lại bò ban trên cả một cạnh của ngôn ngữ. Cái này có thể gọi là phương diện thứ nhất, phương diện thông thường của tiếng lóng. Nhưng, đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ đứng đắn, nghĩa là cũng như các nhà địa chất học nghiên cứu đất, tiếng lóng xuất hiện như một thứ phù sa. Tùy người ta khơi sâu nhiều ít, người ta thấy, trong tiếng lóng, bên dưới tiếng Pháp cổ bình dân, tiếng Pơrôvăngxan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đông phương tức là ngôn ngữ của những cảng Địa Trung Hải, tiếng Anh và tiếng Đức, tiếng Rômân (ngôn ngữ bình dân ở một xứ do người La Mã xưa chinh phục, gồm có ngôn ngữ địa phương ghép với tiếng Latinh), với ba thứ: rô-mân Pháp, rô-mân Ý, rô-mân tiếng Latinh và sau hết, tiếng Baxcơ (basque) và tiếng Xentơ (celte). Cấu tạo sâu sắc và kỳ lạ. Một tòa nhà ngầm dưới đất, do tất cả những kẻ khốn khổ xây dựng. Mỗi một giống loại bị nguyền rủa đã đặt ở đó tầng lớp của mình: nỗi đau khổ đã để rơi vào đó hòn đá của mình; mỗi trái tim góp hòn cuội của mình. Một đám đông những tâm hồn xấu xa, hèn thấp hoặc bực tức, đã trải qua cuộc sống và đã biến vào trong vĩnh cửu, đều hiện diện ở đó hầu như nguyên vẹn, và có thể nhìn thấy dưới hình thái một từ quái đản.
Người ta muốn tiếng chăng ? Tiếng lóng cổ thời gô tích đầy rẫy – Đây boffelte, ống bễ do bofeton mà ra; vanlane cửa sổ (sau thành vanterne) do vantana; gat, con mèo, do gato; acite, dầu, do aceyte.
Người ta muốn tiếng Ý chăng? Đây spade, thanh gươm do spada; carvel, tàu thủy, do caravella.
Người ta muốn tiếng Anh? Đây bichot, giám mục, do bishop; raille, gián điệp, do rascal, rascalion, coquin; pillner, túi đựng, do pilcher, bao vỏ.
Người ta muốn tiếng Đức? Đây caleur, đứa con trai, kellner; le hers, ông chủ, do chữ herzog (quận công).
Người ta muốn tiếng Latinh? Đây frangir, bẻ gãy, frangere; affurer, ăn cắp, fur; cadene, xiềng xích, catena.
Có một tiếng xuất hiện trong mọi ngôn ngữ của lục địa, với một thế lực và quyền lợi huyền bí, đó là từ magnus. Xứ Ecốtxơ chế tạo ra tiếng mac, chỉ người chủ bộ lạc, như Mac Farlane, Mac-Callummore (Tuy nhiên, phải thấy mac trong tiếng Xentơ lại có nghĩa là con trai – chú thích của tác giả) là Phác-lan (Farlane) vĩ đại, Ca-luy-mo (Callummore) vĩ đại, Magnus đã tạo ra từ meck, và ít lâu sau, từ meg, nghĩa là Thượng đế.
Người ta muốn tiếng Baxcơ? Đây gahisto, quỉ sứ, do gaiztoa, xấu; sorgabon, chào ban đêm, do gabon, chào buổi chiều.
Người ta muốn tiếng Xen-tơ? Đây blavin, khăn tay, do blavet, nước bọt ra; ménesse, đàn bà (nghĩa xấu), do meinec, tức là đầy đá; barabt, suối, do baranton, giếng nước; gofeur, thợ khóa, do goff, thợ rèn; guétdouze, cái chết, do guenndu trắng đen.
Cuối cùng, bạn muốn lịch sử chăng? Tiếng lóng gọi đồng tiền ê-kuy là moltaise, vì người khổ sai nhớ lại đồng tiền trên những chiếc thuyền mà họ phải chèo ở xứ Man-tơ.
Ngoài những nguồn gốc ngôn ngữ học vừa nêu, nói lóng còn có những cội rễ khác, tự nhiên hơn nữa, có thể nói, xuất phát từ lý trí con người.
Thứ nhất sự sáng tạo trực tiếp ra từ. Đó là điều huyền bí của các ngôn ngữ. Diễn tả bằng những từ có hình ảnh. Những hình ảnh đó, chẳng biết bằng cách nào và tại sao các từ lại có được. Đó là cái vốn sơ khai của mọi ngôn ngữ nhân loại, cái mà người ta có thể gọi là đá hoa cương. Tiếng lóng đầy rẫy những từ loại đó, những từ trực tiếp, hoàn toàn sáng tạo, chẳng biết ở đâu, do ai, không từ nguyên, không loại suy, không dẫn xuất, những từ trơ trọi, man rợ, đôi khi xấu xí. Chúng nó có một khả năng diễn đạt kỳ lạ và sống mãi. Như đao phủ, le taule; - rừng, sabri; - sợ, chạy trốn, taf: - đầy tớ, larbin; - tướng quân, quận trưởng, thượng thư, pharos; quỉ sứ, rabouin.
Những từ đó lạ hơn vì cả: vừa che giấu, vừa chỉ rõ. Có những từ, như rabouin chẳng hạn, vừa kỳ cục, cừa ghê gớm và giống như cái nhăn mặt của các khổng lồ một mắt.
Thứ hai, phép ẩn dụ, đặc tính của một ngôn ngữ muốn nói hết mà lại giấu hết, là rất phong phú về hình ảnh. Ẩn dụ là một bí quyết trong đó ẩn nấp anh kẻ trộm đang âm mưu một chuyến, anh tù đang tính cách vượt ngục. Không một thổ ngữ nào nhiều ẩn dụ hơn tiếng lóng. – Dévisser le coco (vặn ốc quả dừa) là vặn cổ: - torliller (xoắn) là ăn; - être gerbé (bị bó lúa) là bị xử án; un rat (con chuột) là tên ăn cắp bánh mì; - in langsquine (trời vavs giáo) trời mưa, một hình ảnh cổ đập vào mắt và như mang cả niên kỷ trên nó, đồng hóa những vệt dài xiên chéo của mưa với những ngọn giáo dày đăc và nghiên nghiêng của bộ binh Đức ngày trước; từ ấy thâu tóm hoán dụ của nhân dân; il pleut des hal’bardes (thương kích như mưa). Đôi khi, khi mà tiếng lóng tiến từ thời kỳ thứ nhất sang thời kỳ thứ hai, các từ cũng qua tình trạng man rợ và sơ khai, sang ý nghĩa của hình ảnh. Con quỉ sứ thôi không là rabouin nữa mà thành anh boulanger (thợ làm bánh mì), tức người cho tuốt vào lò nướng. Có tài hoa hơn, nhưng kém vĩ đại: một cái gì như Raxin sau Cornây, như Ơripít, sau Etsinlơ. Một đôi câu tiếng lóng lại đứng ở cả hai thời kỳ và vừa có tính chất man rợ, vừa có tính chất ẩn dụ, giống như ảo giác. Les sorgueurs vonts sollicer des gails à la lune (các chú mò đêm chờ tối là ăn trộm ngựa). Cái đó kéo qua trong trí, như một toán bóng ma. Người ta không biết đã nhìn thấy những gì.
Thứ ba, mưu thuật. Tiếng lóng sống trên ngôn ngữ. Nó dùng ngôn ngữ tùy thích, lấy ở ngôn ngữ tùy ngẫu nhiên, nó thường giới hạn ở chỗ thay đổi ngôn ngữ đi một cách sơ sài và thô thiển. Đôi khi, với những từ thông dụng, làm lệch lạc đi như vậy và phức tạp hóa thêm bằng những tiếng lóng thuần túy, nó cấu tạo ra những từ ngữ rất gợi hình, tỏng đó người ta thấy trà trộn hai yếu tố trên là sáng tạo trực tiếp và hoán dụ. – Le cab jaspine, je marronne que la roulotte de Pantin trime dán le sabri (con chó cắn, tôi nghĩ rằng chuyến xe hàng từ Paris đang qua rừng). – Le dab est, la dabuge ét merloussière, la féc est bative (lão tư sản ngu, mụ tư sản láu, con bé tư sản đẹp). Thường khi, để đánh lạc hướng những người nghe tiếng lóng chỉ thêm vào ở tất cả mọi từ của ngôn ngữ thường một cái đuôi ti tiện, một vĩ âm atlle, orgue, iergue hoặc uche. Như: Vousiergue trouvaille bonorgue ce gigotmuche? Anh thấy đùi cừu này ngon à? Đó là câu mà Cáctút nói với một người giữ cửa ngục để biết số tiền mình đưa có đủ để hắn cho mình chuồn không – Vĩ am mar, mãi gần đây mới được thêm vào.
Tiếng lóng, là thổ ngữ của thối nát, nên cũng chóng thoái hóa. Ngoài ra, vì ngôn ngữ đó luôn luôn tìm cách lẩn trốn, cho nên khi vừa thấy người ta hiểu thì nó biến dạng đi. Trái lại với mọi thứ thực vật khác, mỗi tia sáng rọi vào đâu giết chết ở đó ngay. Vậy nên tiếng lóng không ngừng tan rã và không ngừng cấu tạo: một công trình âm thầm và cấp tốc, không bao giờ ngừng lại. Trong khoảng mười năm, nó đi những bước dài hơn ngôn ngữ trong mười thế kỷ. Như larton (bánh mì) trở thành lartif; gail (con ngựa) thành gaye fertanche (rơm) thành ferlile, momignard thành momac que; siques (áo rách) thành frusques; chique (nhà thờ) thành égrugeor; colabre (cái cổ) thành colas. Quỉ sứ, đầu tiên gọi là gahislo, sau là rabouin, sau nữa thành boulanger, giám mục gọi là ratichon, sau gọi sanglier (lợn rừng) con dao găm là vingt-deux (hai mươi hai) sau là surin, rồi lingre; những nhân viên cảnh sát gọi là railles, sau là roussins, sau là rousse, sau nữa là bọn bán dây dải, rồi coquers, rồi cognes (cớm); đao phủ thủ gọi taule, sau là charlot, rồi aligeur, rồi đến beequllard. Ở thế kỷ 17, đánh nhau gọi là cho nhau hút thuốc lá. Ở thế kỷ 19, gọi là nhai mõm nhau. Giữa hai từ ngữ ở hai đầu đó, có hai mươi từ khác kế chân nhau. Nếu Cáctút nói với Laxơne, Laxơne sẽ cho là Cáctút nói tiếng Êbrơ (tên xưa chỉ người Do Thái, thành ngữ: nói một thứ tiếng mà người ta không hiểu, hoặc nói gì quá khó hiểu). Tất cả những từ của cái ngôn ngữ này luôn luôn lẩn trốn như những người sử dụng của nó. Tuy nhiên, đôi khi lại chính do chuyển động này mà tiếng lóng cũ lại tái xuất và trở thành mới – Nó có những thị trấn của nó, ở đó nó được duy trì. Nhà ngục Tăngpơlơ còn giữ tiếng lóng của thế kỷ XVII. Viện Bixêtrơ khi còn là nhà tù, giữ tiếng lóng của phường trộm. Ở đấy, người ta nghe được vĩ âm anche của những dân trộm cũ – Bơyanchestu? (Mày uống không?) Il eroyonche (nó tin). Tuy nhiên sự biến động không ngừng vẫn là qui luật.
Nếu nhà triết học có thể cố định lại một thời khắc để quan sát cái ngôn ngữ luôn bốc hơi đó, thì ông ta sẽ thấy mình mắc vào những trầm tư đau lòng nhưng bổ ích. Không một khao nghiên cứu nào lại có tác dụng giáo dục và phong phú về tính chất giáo dục hơn. Không một hoán dụ, không một từ nguyên nào của tiếng lóng mà chẳng chứa đựng một bài học. Giữa những con người ấy danh nghĩa là giả vờ, người ta đánh một bệnh. Xảo trá là sức mạnh của họ.
Đối với họ, cái ý niệm con người không rời khỏi ý niệm bóng đen. Đêm, gọi là sorgue, người gọi là orgue. Con người là một thuộc phẩm của đêm đó.
Họ đã có cái thói quen xã hội là một môi trường làm chết họ, một sức mạnh tàn nhẫn. Và họ nói đến tự do của họ như người ta nói đến sức khỏe của mình. Một người bị bắt là một người ốm, một người bị kết án là một người chết.
Đối với một tù nhân giữa bốn bức tường đá chôn vùi mình, không có gì inh khủng cho bằng một sự tiết giới lạnh lùng như băng giá, họ gọi ngục tối là castus (nơi tuyệt dục). Trong chốn sầu thảm đó, đời sống bên ngoài hiện ra luôn luôn với vẻ tươi tắn nhất của nó. Người tù mang xích sắt ở chân; có lẽ anh tưởng họ nghĩ đến đôi chân để đi chăng? Không. Họ nghĩ đến đôi chân để nhảy múa. Vì vậy, khi mà họ cưa được những xích sắt đó, ý nghĩ đầu tiên của họ là bây giờ họ có thể nhảy múa và họ gọi cái cưa là một bastringue (điệu vũ ở tửu quán). Một cái tên gọi là một trung tâm, thật là một đồng hóa sâu sắc. Tên kẻ cướp có hai cái đầu: một cái đầu suy nghĩ về những hành động của hắn, cái này điều khiển nó suốt đời, một cái đầu khác ở trên vai nó ngày chết; hắn gọi cái đầu huyên bảo nó phạm tội là la sorbonne (tên một trường đại học nổi tiếng ở Paris) và cái đầu đền tội là la tronche.
Khi một người chỉ còn những tã rách trên thân thể và những thói xấu trong trái tim, khi người đó đã tới chỗ sa đọa cả về vật chất lẫn tinh thần, hai thứ mà tiếng gueux bao hàm trong hai nghĩa của nó, thì người đó đã chín mùi để phạm tội. Người đó như con dao đã mài sắc. Con dao đó có hai lưỡi là quẫn bách và độc ác. Vì vậy mà tiếng lóng không nói “một thằng gueux” mà nói một thằng re guisé (mài lại). Thế nào là một nhà lao? Một lò than hồng để hỏa thiêu, một địa ngục. Cho nên người bị tội khổ sai được gọi là fagot (bó củi). Sau hết, những kẻ gian ác đã cho nhà tù cái tên nào? Tên trường học. Cả một lý thuyết về tổ chức cải hối có thể do cái từ này gợi ra.
Người ăn trộm cũng có “thịt cho đại bác” của mình có cái chất có thể lấy trộm, nghĩa là anh, tôi, bất cứ ai đi qua; đó là pantre (Pan: cả mọi người).
Bạn có muốn biết do đâu mà nảy nở những bài hát ở nhà tù, những điệp khúc mà từ vựng chuyên môn gọi là lirlinfa; Hãy nghe sau đây:
Ở ngục Satơlê của thành phố Paris có một cái hầm dài. Hầm đó xây sâu dưới đất ngót ba mét, dưới mực nước sông Xen. Hầm không có cửa sổ, cửa thông hơi, lỗ hở duy nhất là cái cửa ra vào. Con người có thể vào trong đó, còn không khí thì không. Trần hầm là một cái vòm bằng đá và sàn là ngót ba mươi phân bùn. Trước kia, có lát gạch. Nhưng nước rỉ đã làm gạch thối và nứt nẻ. Cách mặt đất hai mét rưỡi, một chiếc rầm gỗ dài, đồ sộ, bắc xuyên qua cái hầm ngầm đó, suốt chiều ngang. Từ trên chiếc rầm đó từng quãng, rủ xuống những dây xích dài khoảng trên một mét, ở các đầu xích có những chiếc gông cổ. Người ta cho vào hầm ấy những người bị kết tội khổ sai, chờ ngày cho đi Tulông. Người ta đẩy họ vào dưới cái rầm, ở đó xiềng và gông sắt đu đưa trong bóng tối chờ họ. Xiềng xích như cánh tay buông thõng và gông cổ như bàn tay mở xòe tóm lấy cổ họ. Người ta tán đinh các xiềng gông rồi để họ tại đó. Cái xích ngắ quá, họ không thể nằm. Họ không cựa được trong hầm ấy, trong đêm tối ấy dưới cái rầm nhà ấy; họ gần như bị treo cổ; họ phải cố gắng không tưởng tượng mới với nổi chiếc bánh hay vò nước; vòm đá trên đầu, bùn đến lưng chân, cứt đái của mình chảy ròng xuống khuỷu chân, xác rời rã vì mệt nhọc, hông và đầu gối khuỵu xuống, tay bám vào xiềng xích để nghỉ ngơi, ngủ thì chỉ ngủ đứng và mỗi lúc lại phải thức dậy vì gông làm ngẹt cổ. Một số người không bao giờ thức dậy nữa. Để ăn họ lấy gót chân đưa miếng bánh lần theo xương ống chân lên tới tay họ, cái miếng bánh người ta vứt xuống bùn cho họ. Họ phải ở như vậy trong một thời gian bao nhiêu lâu? Một tháng, hai tháng, đôi khi sáu tháng có người ở đến một năm. Đó là phòng chờ để xuống tàu khổ sai. Bắt trộm một con thỏ rừng của nhà vua cũng đủ để bị nhốt vào đó. Trong cái địa ngục nhà mồ đó, họ đã làm gì? Cái có thể làm trong một phần mộ, là nuối chết, và cái có thể làm trong một địa ngục là ca hát, bởi vì ở đâu không còn hy vọng thì vẫn còn tiếng hát. Ở vùng biển gần đảo Mantơ, khi một tàu khổ sai tới gần, người ta nghe thấy tiếng hát trước tiếng mái chèo. Người san bắn trộm đáng thương Xuyavanhxăng đã từng ở nhà tù hầm Satơlê, nói: chính những vần thơ đã nâng đỡ tôi. Thơ vô ích. Vấn đề làm gì? Chính từ cái hầm đó đã xuất hiện hầu hết các bài hát tiếng lóng. Chính cái ngục Grăng Satơlê ở Paris đã đẻ ra cái điệp khúc não ruột trên chiến thuyền khổ sai Mônggômêri Timalun denơ. Timulamidông. Phần lớn những bài hát đó thê thảm: có một số bài vui; một bài tình tứ.
Ixicay (nơi đây) là sân khấu
Của chú bé bắn cung
Anh làm gì thì làm, cũng không tiêu diệt được cái vĩnh viễn còn lại trong trái tim con người là tình yêu.
Trong cái thế giới của những hành động mờ ám này, người ta giữ bí mật cho nhau. Bí mật là của tất cả mọi người, bí mật với những người khốn khổ này, là cái thống nhất dùng làm cơ sở đoàn kết. Làm mất bí mật, là rứt mỗi thành viên của cái đoàn thể hung dữ này khỏi một cái gì của bản thân nó. Cáo giác, trong ngôn ngữ mạnh mẽ của tiếng lóng, gọi là: ăn miếng. Có ý nói người cáo giác đã kéo về mình một chút chất của toàn thể và tự nuôi dưỡng bằng một miếng thịt của mỗi người.
Bị một cái tát là gì? Ẩn dụ sáo cũ là: C’est voir trente six chandelles (nhìn thấy ba mươi sáu ngọn nến). Ở đây nói lóng đã can thiệp và chữa lại: Chandelle, camoufle (nến, mõm) và từ đó, ngôn ngữ thông dụng tạo một từ đồng nghĩa cho “cái tát” là camouflet (mõm nhỏ). Như vậy, bằng một lối thâm nhập từ dưới lên trên qua ẩn dụ, tiếng lóng đã leo từ hang hốc lên đến viện hàn lâm; và Pulayê khi nói J’allume ma camoufle (tôi thắp cái mõm của tôi) đã làm cho Vônte viết ra câu “Langleviel La Beaumel’e mé rite cent camouflets” (Lănglơvien La Bômenlơ đáng một trăm cái tát).
Mỗi bước đào bới trong lóng là một khám phá mới; nghiên cứu và khai thác sâu thổ âm kỳ lạ ấy dẫn đến giao điểm huyền bí giữa cái xã hội chính thức và cái xã hội bị nguyền rủa.
Tiếng lóng là lời nói đã trở thành tội phạm khổ sai.
Cái nguyên lý tư duy của con người mà bị dồn xuống thấp đến thế, mà bị kéo lê và trói buộc bởi những bức bách tối tăm của định mệnh, mà bị ràng buộc chẳng biết bởi những sợi dây nào vào cái vực thẳm ấy, điều đó khiến cho người ta sửng sốt.
Ôi! Cái tư duy đáng thương của những người khốn hổ!
Than ôi, có ai đến chăng để cứu giúp linh hồn của con người trong bóng tối ấy? Số phận của nó có phải là ở đấy mãi chờ đợi thiên thần đến giải phóng, người kỵ mã vĩ đại của bao nhiêu trảo mã và dực mã, người chiến sĩ màu bình minh từ trời xanh bay xuống giữa đôi cánh, người hiệp sĩ huy hoàng của tương lai?
Linh hồn ấy có phải luôn hoài công cầu cứu ngọn thương ánh sáng của lý tưởng? Linh hồn ấy, có bị buộc phải luôn nghe và thấy cái ác đi tới một cách kinh khủng, giữa cái dày đặc của vực thẳm và thấy thấp thoáng, ngày càng gần thêm với mình, dưới làn nước ghê tởm, cái đầu dữ tợn, cái mõm đang sùi bọt và cái cồn cồn uốn khúc của móng vuốt, của đốm khoanh? Có phải linh hồn cứ ở mãi đó, không một ánh sáng mập mờ, không hy vọng, kế cận con quái vật đã đánh hơi thấy mình, một sự kế cận ghê gớm, qua đó linh hồn giống như một nàng Ăngdômét, run rẩy, dựng ngược tóc, vặn vẹo tay, vĩnh viễn bị cột vào hòn đá của đêm tối, Ăngdômét âm thầm, trắng nuốt, khỏa thân trong bóng tối!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 7 - Chương 3

TIẾNG LÓNG KHÓC VÀ TIẾNG LÓNG CƯỜI

Như người ta đã thấy, toàn bộ tiếng lóng, tiếng lóng cách đây bốn trăm năm cũng như tiếng lóng ngày nay thấm sâu cái tinh thần tượng trưng âm thầm nó ban cho mọi từ, khi thì một dáng xót xa, khi thì một vẻ đe dọa. Người ta cảm thấy ở trong đó cái buồn xưa hung hãn của những người hành khất ở xóm Ăn mày, họ đánh bài với những con bài riêng của họ, mà mấy con đã lưu lại cho đến thời chúng ta. Con tám chuồn (trèfle), chẳng hạn, biểu hiện một cây lớn có tám lá to tướng chẻ ba, một kiểu nhân cách hóa rừng cây kỳ lạ. Dưới chân cây đó có ba con thỏ rừng đang dùng xiên quay một người đi săn trên đống lửa, đằng sau, trên một ngọn lửa khác, một cái nồi bốc khói nghi ngút, có đầu một con chó thò ra. Còn có gì ảm đạm hơn là những cách trả đũa bằng tranh vẽ trên một bộ bài như vậy, trước cảnh những giàn củi để thiêu bọn buôn lâu và cái nồi xúpde để luộc những người làm bạc giả. Những hình thức khác nhau mà tư duy đã khác trong vương quốc tiếng lóng, ngay đến cả bài hát, câu chế giễu, lời đe dọa đều có cái tính chất bất lực và bị đè nén đó. Tất cả những bài hát, mà mấy khúc điệu đã sưu tầm dược, thật tự ti và thê thảm đến rớt nước mắt. Trong các khúc đó tên ăn trộm được gọi là tên trộm tội nghiệp và nó luôn luôn như con thỏ rừng ẩn nấp, con chuột chạy trốn, con chim xa bay, Không chút dám hỏi đòi, nó chỉ đành than thở, một trong những tiếng rên rỉ ấy đã vọng đến chúng ta ngày nay: Jen’ entrave que le dail comment meck, le daron dé orgues, peul: atiger ses mômes et ses momignards lé locher criblant sans être atigé luimême (tôi không hiểu sao Thương đế, cha của loài người, lại có thể giày vò con cháu mình và nghe thấy chúng kêu mà tự mình chẳng thấy giày vò) – Người khốn hổ mỗi khi có thời gian suy nghĩ thì tự hạ mình trước pháp luật và thu hình trước xã hội, nó nằm úp bụng xuống, nó van nài, nó kêu gọi lòng xót thương, người ta cảm thấy nó biết rằng nó có lỗi.
Vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, có một biến đổi. Những bài hát của lao tù, những điệp khúc của trộm cắp đã có thể nói là có một dáng dấp hỗn xược và vui vẻ. Điệu maluré than vãn được thay bằng điệu larigla. Ở thế kỷ 18, người ta thấy trong những bài hát của tù ở chiến thuyền lao dịch, ở nhà ngục khổ sai một niềm vui ma quái và khó hiểu. Người ta nghe thấy ở đó cái điệp khúc nó rít lên và chập chờn như có một ánh lửa lân tinh soi sáng và có lẽ do một chút ma trơi thổi ống địch làm vang dội giữa rừng:
Mirlabali, surlabaho,
Mirliton ribon, ribelle,
Surlabali, mirlababo,
Mirliton ribon ribo.
Điều đó họ hát lên trong khi chọc tiết một người trong hầm kín hoặc ở một xó rừng.
Một triệu chứng nghiêm trọng. Ở thế kỷ 18, cái sầu não xưa của những tầng lớp ủ ê đó đã tan biến. Những tầng lớp ấy bắt đầu cười. Chúng chế giễu meg (Chúa) vĩ đại và dab (ông tư sản) vĩ đại. Vì Luy XV, họ gọi vua nước Pháp là “hầu tước đơ Păngtanh (con rối)”. Đấy, họ gần như vui vẻ. Một thứ ánh sáng nhẹ nhàngđã toát ra từ những người khốn khổ đó, như lương tâm họ nhẹ nhõm, không gì đè lên. Những bộ lạc thảm thương của bóng tối không những đã có cái táo bạo vô tư lự của lý trí. Triệu chứng họ đã mất cái mẫn cảm phạm tội và họ đã cảm thấy, ngay ở những nhà tư tưởng và những nhà mặc tưởng, những chỗ dựa vô ý thức của mình. Dấu hiệu là trộm cắp và cướp bóc bắt đầu thẩm lậu vào các học thuyết, ngụy biện thuyết để tự mình bớt xấu ca chút ít, lại gieo rắc xấu xa khá nhiều vào các học thuyết, ngụy biện thuyết để tự mình bớt xấu xa chút ít, lại gieo rắc xấu xa khá nhiều vào các học thuyết, ngụy biện thuyết đó. Cuối cùng, dấu hiệu là, nếu không có gì làm lạc hướng thì sẽ nở ra một cái gì phi thường và cấp bách.
Chúng ta hãy dừng lại một lát. Chúng ta buộc tội ai đây? Thế kỷ 18 ư? Hay là cái triết học của nó? Chắc là không. Sự nghiệp của thế kỷ 18 lành mạnh và tốt. Những nhà bách khoa, đứng đầu là Điđơrô, các nhà theo chủ nghĩa trọng nông, đứng đầu là Tuyếcgô, các nhà triết học, đứng đầu là Vonte, các nhà không tưởng, đứng đầu là Rútxô, đó là bốn đội quân đáng sùng kính. Bước tiến vô cùng lớn lao của nhân loại lên ánh sáng là nhờ họ. Đó là bốn đội tiền phòn của nhân loại tiến tới bốn phương của tiến bộ: Điđơrô về cái đẹp, Tuyếcgô về cái có ích, Vonte về chân lý, Rútxô về công bình. Nhưng, bên cạnh và bên dưới, có các nhà ngụy biện, giống cây độc trà trộn vào loại thực vật phát triển lành mạnh, là cây ngón trong rừng hoang vu. Trong khi mà tên đao phủ thiêu trên thềm lớn của Tòa án tối cao những cuốn sách giải phóng thế kỷ, nhiều nhà văn này bị lãng quên đã cho xuất bản, với đặc ân của nhà vua, không biết bao nhiêu là áng văn, phá hoại tổ chức một cách lạ lùng và được những người khốn khổ khao khát đọc. Vài cuốn trong những xuất bản phẩm đó – điều lạ lùng – được một vương tước đỡ đầu ngày nay còn tìm thấy trong Thư viện bí mật. Những sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc, nhưng không ai biết, vì không hiện lên ở bề mặt. Đôi khi, chính cái mập mờ của sự kiện tạo nên nguy hiểm. Nó mập mờ bởi vì nó ngầm dưới đất. Trong tất cả những nhà văn đó, người có lẽ đã khơi sâu trong quần chúng cái hành lang nguy hiểm nhất ấy, là Rétxtip đơ la Brơton.
Cái việc họ làm, diễn ra trên toàn châu Âu, đã gây tai hại ở Đức hơn ở đâu khác. Ở Đức, trong một thời kỳ nào đó, nó được Sile diễn tả gọn trong vở kịch “Kẻ cướp”. Trộm cắp, cướp bóc đã đứng dậy, chống đối lại tư hữu và lao động, vì đã tiêm nhiễm một số những tư tưởng sơ đẳng, sai lầm, có vẻ đúng nhưng thực chất thì vô lý. Trộm cướp đã quấn vào mình những tư tưởng đó, chúng như ăn ngập vào bên trong, chúng mang một tên gọi trừu tượng, chuyển thành lý thuyết, rồi bằng cách đó lưu truyền trong đám quần chúng lao động khổ đau và lương thiện, ngay những nhà hóa học dại dột đã chế ra thứ thuốc hỗn tạp đó không biết là nó đã lan sâu rộng như vậy, lại ngay đám đông dùng thuốc đó cũng không biết nốt. Một sự kiện nào loại đó xảy ra cũng đều nghiêm trọng. Đau khổ gây nên phẫn nộ và khi các tầng lớp thịnh vượng bị mù quáng hoặc ngủ gà – đằng nào cũng là nhắm mắt – thì sự hằn thù của các tầng lớp khốn khổ lại nhen lửa nhờ ở một đầu óc yếm thế và không thăng bằng đang mơ mộng ở một xó nào và đâm ra nhận xét xã hội. Mà khi hằn thù nhận xét thì quả là ghê gớm!
Nếu thời đại lại gặp vận hạn thì từ tình hình nói trên sẽ nảy sinh những biến động ngày xưa gọi là loạn cùng dân. Bên cạnh loạn cùng dân, các biến động đơn thuần chính trị chỉ là trò trẻ. Loạn cùng dân không còn là sự đấu tranh của người bị áp bức chống người áp bức. Nó là sự nổi dậy của quẫn bách chống sung túc yên vui. Lúc đó tất cả sẽ sụp đổ.
Những nổi dậy của dân cùng là những trận địa chấn dân tộc.
Cuối thế kỷ 18, cái nguy cơ này hình như đến rất gần, nhưng cuộc cách mạng Pháp, cái hành động trung thực lớn lao đó, đã chặn đứng nó lại.
Cách mạng Pháp là lý tưởng cầm gươm, cách mạng Pháp đứng lên và bằng một động tác đột ngột đã vừa đóng cửa ác vừa mở cửa thiện.
Cách mạng Pháp đề xuất vấn đề, công bố chân lý, xua tan uế khí, khai quang thế kỷ, đặt vương miện lên đầu nhân dân.
Có thể nói nó đã sáng tạo ra con người một lần thứ hai và con người một linh hồn thứ hai là nhân quyền.
Thế kỷ 19 thừa kế và hưởng thụ sự nghiệp của cách mạng Pháp và ngày nay, cái tai họa xã hội àm chúng tôi vừa nói đến không thể xảy ra. Tố cáo nó là mù quáng! Sợ hãi nó là ngây ngô! Cách mạng là thuốc tiêm ngừa loạn cùng dân.
Nhờ có cách mạng, những điều kiện xã hội đã thay đổi. Các bệnh tật phong kiến và quân chủ không còn trong máu chúng ta nữa. Trong cơ thể của chúng ta khong còn mầm bệnh trung cổ. Chúng ta không còn ở thời mà những đám đông dễ sợ từ nội bộ nổ bùng ra, mà dưới chân ùn ùn một tiếng động trầm trầm không rõ dạng, mà trên bề mặt của văn minh xuất hiện những mô, ổ của chuột chù, mà đất nứt rạn, miệng hang mở toác, từ dưới sâu vọt lên những cái đầu quái đản.
Ý nghĩa cách mạng là một ý nghĩa đạo đức. Ý thức quyền lợi phát triển, làm phát triển ý thức nhiệm vụ. Luật chung của mọi người là tự do, tự do của ta giới hạn ở chỗ tự do của kẻ khác bắt đầu, theo định nghĩa đáng phục của Rôbétxpie. Từ năm 89, toàn dân giãn nở ở cá nhân tinh hoa. Không có kẻ nào có quyền lợi mà không có ánh quang minh dù kẻ ấy nghèo. Tên chết đói vẫn cảm thấy trong người mình có chất lương thiện của nước Pháp. Phẩm giá của người công dân là lớp áo giáp xoay vào trong. Ai tự do thì thận trọng. Ai bỏ phiếu bầu cử, người ấy trị vì. Do đó mà có đức liêm chính: do đó mà có những háo hức không lành mạnh phải rụng rời non yếu. Do đó mà trước sự cám dỗ, con mắt khép lại một cách dũng cảm.
Công cuộc khai quang của cách mạng lớn lắm, lớn đến nỗi những ngày giải phóng, ngày 14 tháng 7, ngày 10 tháng 8 chẳng hạn, quần chúng không còn là đám đông thô bạo. Tiếng thét đầu tiên của những quần chúng được soi sáng và không ngừng tăng số là: “diệt trừ trộm cướp!” Tiến hóa là người lương thiện. Lý tưởng và tuyệt đối khoogn che mặt lại đâu. Năm 1848 ai đã hộ tống những xe bảo vật của điện Tuylơri? Đó là những người nhặt giẻ ở ô Ăngtoan. Tã rách canh gác cho kho tàng như vậy đó, và đạo đức đã làm cho những kẻ khố rách ấy trở nên lộng lẫy. Trên những xe tải đó, trong mấy cái hòm đóng dối, có cái hở cả ra, có hàng trăm hộp tư trang rực rỡ; giữa cái hộp đó, có cả cái vương miện cũ của nước Pháp, nạm toàn kim cương, trên có hồng ngọc của nhà vua, cả nhiếp chính, trị giá ba mươi triệu. Họ đi chân đất mà bảo vệ vương miện đó.
Vậy là không còn “loạn cùng dân” nữa. Tôi lấy làm bực bội hộ cho những kẻ khôn ngôn ngoan. Đó là món lo sợ cũ đã gây tác dụng cuối cùng rồi, không có thể đem ra đầu cơ chính trị được nữa. Cái lò xo của bóng ma đỏ đã gãy rồi. Bây giờ thì ai cũng biết cả. Bù nhìn không dọa được nữa, chim chóc đã suồng sã với nó, ỉa cả lên mình nó và những người tư sản thì cười.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 7 - Chương 4

HAI NHIỆM VỤ: CẢNH GIÁC VÀ HY VỌNG

Cứ như vậy thì mọi đe dọa đối với xã hội đã tiêu tan hết rồi cahnwg? Hẳn là không. Không có “loạn cùng dân”. Xã hội có thể yên lòng về phía đó, máu không bốc lrrn đầu nữa. Nhưng nó phải lo về cách hô hấp. Chứng sung huyết não khoogn sợ nữa, nhưng hãy còn bệnh phế lao, bệnh phế lao xã hội có tên là nghèo đói.
Người ta chết bất thần như bị sét đánh, người ta cũng chết vì bị suy mòn.
Hãy nhắc đi nhắc lại điều đó không biết chán. Hay nghĩ trước hết đến ddams đông bất hạnh và khổ đau, hãy đỡ đần họ, quát thoáng cho họ, soi sáng họ, thương yêu họ, mở rộng huy hoàng chân trời cho họ, giáo dục rộng rãi cho họ bằng mọi hình thức. Hãy nêu gương cần cù, chớ bao giờ làm gương biếng nhác, tăng cường ý thức công ích công lợi nơi họ để họ cảm thấy gánh cá nhân bớt nặng, hạn chế nghèo khó mà không hạn chế sản phẩm, tạo ra những môi trường hoạt động nhân dân công cộng, có trăm bàn tay của người khổng lồ Briarê để đưa ra cho kẻ xấu số, người yếu hèn níu lấy. Phải dùng quyền lực công cộng để mở công xưởng đủ cho các cánh tay, dựng trường học đủ cho các khả năng, lập phòng thí nghiệm đủ cho các thiên tư, tăng lương, giảm lao lực, cân bằng chi và thu nghĩa là làm sao cho hưởng thụ và lao công, nhu cầu và thỏa mãn cân xứng. Tóm lại phải làm cho bộ máy xã hội tuôn ra nhiều ánh sáng và phúc lợi hơn để cho những người đau khổ và tối tăm hưởng. Những người thiện tâm không nên quên đây là nhiệm vụ bác ái thứ nhất, những người ích kỷ cũng phải biết đây là hành động chính trị cần yếu nhất.
Cũng phải nói tất cả những cái ấy chỉ là bước đầu. Vấn đề thực sự là ở chỗ này. Lao động đã là pháp chế thì cũng phải là quyền lợi.
Chúng tôi không nói thêm nữa, đây không phải chỗ.
Nếu thiên nhiên có tên là Tạo hóa thì xã hội phải có tên là Lo xa.
Sự lớn mạnh về trí tuệ và đạo đức cũng cần như sự cải thiện đời sống vật chất. Hiểu biết là một nguồn cứu trợ; suy nghĩ thiết yếu bậc nhất; chân lý là lương thực, cũng như lúa mì. Lý trí mà đói khoa học và minh mẫn thì lý trí gầy đi. Phải thương những trí tuệ không ăn cũng như thương những dạ dày không có ăn. Nếu có một cái gì xót xa hơn một cơ thể hấp hối vì thiếu bánh mì, thì đó là một tâm hồn chết vì đói ánh sáng.
Toàn bộ tiến hóa nhằm về phía giải pháp. Một ngày kia người ta sẽ kinh ngạc. Nhân loại đi lên thì các tầng lớp nằm sâu ở dưới sẽ tự nhiên thoát ra khỏi vòng quẫn bách. Đói khổ sẽ bị xóa bỏ bằng sự nâng cao trình độ, đơn giản như vậy đấy.
Nghi ngờ cái giải pháp phúc đức ấy là có lỗi.
Đành rằng cái quá khứ vào lúc này đang còn rất mạnh. Nó hồi sức. Sự hồi xuân của một xác chết như thế này quả là rất kỳ lạ. Đấy, nó đi... nó đến kia. Nó như đang chiến thắng; xác chết đó là một tướng đi chinh phục. Nó đến với quân đoàn của nó; những mê tín, với thanh gươm của nó; sự chuyên chế, với lá cờ của nó, cái ngu dốt. Ít lâu nay nó đã thắng đến mươi trận. Nó tiến lên, nó hăm dọa, nó cười, nó đã ở ngay cửa chúng ta. Tuy nhiên về phần chúng ta, chớ nên thất vọng. Chúng ta hãy bán đi cánh đồng Anniban (tướng tài của thành quốc Cáctagiơ, Bắc Phi thời xưa. Ông dẫn đạo quân viễn chinh đến Ý, chiến thắng liên tiếp người La Mã, nhưng đến trước thành Rôma thì đóng quân lại ăn chơi, về sau bị đánh bại) đóng quân.
Chúng ta có lòng tin tưởng thì chúng ta sợ gì chứ?
Tư tưởng không thụt lùi cũng như dòng sông không chảy ngược.
Còn những ai không muốn xã hội tiến về tương lai thì hãy nghĩ cho kỹ. Họ từ chối tiến hóa cũng không chặn đứng tương lai, mà chính là họ tự hủy hoại. Họ tự chuố lấy một bệnh hoạn thảm đạm, họ tự tiêm nọc độc quá khứ. Chỉ có một cách từ chối Ngày – Mai, đó là chết đi.
Thế nhưng chúng ta không thích cái chết nào cả; chết của thể xác thì phải là muộn nhất, chết của tâm hồn thì chúng ta không muốn xảy đến bao giờ.
Đúng, sấm ký sẽ lên tiếng, con quái Xphanhxơ sẽ nói, vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng, thế kỷ 18 đã phác tạc Nhân dân, thì thế kỷ 19 sẽ hoàn tất. Nghi ngờ điều đó là ngu ngốc! Cảnh nẩy nở tương lai, cảnh nẩy nở mai đây của hạnh phúc chung là một hiện tượng thần thánh tất yếu.
Những thúc đẩy toàn diện lớn lao chi phối hành động của con người và trong thời gian nhất định sẽ đưa nó đến trạng thái hợp lý, nghĩa là sự quân bình, cũng nghĩa là công lý. Một sức mạnh gồm cả đất lẫn trời sẽ là kết lực của nhân loại và điều khiển nhân loại. Sức mạnh đó là mẹ đẻ của huyền diệu; Đối với sức mạnh ấy, những kết thúc thần kỳ cũng dễ thực hiện như những biến thiên kỳ lạ. Nhờ có khoa học do người và sự cố do trời, nó không thấy sợ mâu thuẫn khi đặt các vấn đề mà người tầm thường thấy nan giải. Đối chiếu ý kiến để làm bật ra một lý giải thì nó cũng làm thạo khéo như đối chiếu sự kiện để rút ra một bài học. Và người ta có thể chờ đợi tất cả ở cái hiệu năng huyền bí của tiến hóa, nó sẽ đối cứu đông và tây một ngày nào đó ở đáy một hầm mộ và khiến cho các giáo sĩ hồi giáo đàm thoại với Bônapác trong kim tự tháp lớn.
Trong khi chờ đợi thì khồn dừng nghỉ, không do dự, không đồn trú lại lúc nào trong cuộc hành quân tiến lên của trí tuệ. Triết học xã hội về căn bản là khoa học của hòa bình. Nó có mục đích và phải đưa đến kết quả làm tan những thịnh nộ bằng cách nghiên cứu các sự đối lập. Nó xem xét, nó thăm dò, nó phân tích, và rồi nó tái kết cấu. Nó tiến hành công việc bằng phương pháp giản lược, khử trừ sự hằn thù ở mọi nơi.
Bão tố xô vào loài người đã nhiều phen hủy hoại xã hội. Lịch sử đầy rẫy những cuộc đắm chìm của quốc gia, của dân tộc. Phong tục, luật pháp, tôn giáo, tất cả đều bị cuốn đi một ngày nào đó bởi cơn bão tố bí ẩn. Các nền văn minh Ấn Độ, Canđê, Batư, Atxyri, Ai Cập đều lần lượt tan biến. Tại sao vậy? Chúng ta không biết. Nguyên nhân của các họa ấy là gì? Chúng ta không biết. Có thể cứu sống xã hội ấy không? Chúng có lỗi gì trong việc sụp đổ đó? Chúng nó ngoan cố đeo giữ một tật xấu tai hại khiến mình tự hủy diệt mình hay không? Trong cái chết của một dân tộc, chủng tộc đó nhiều hay ít? Đó là những câu hỏi không lời đáp. Bóng tối bao trùm lên các nền văn minh sụp đổ đó. Chúng đã chìm xuống, tất nhiên là đã bị thủng lậu, để nước vào. Không có gì để nói thêm nữa. Và chúng tôi hầu như thảng thốt khi nhìn xuống cái đáy biển gọi là quá khứ đó, sau những đợt sóng khổng lồ là các thế kỷ, những con tàu to lớn Babilon, Ninivơ, Tácxơ, Tebơ, Rômơ chìm đắm trước luồng gió tuồn từ trong đêm den thẳm ra.
Nhưng bóng tối ở đó là ánh sáng cho ở đây. Mờ mịt về bệnh tật của các nền văn minh cổ đại, chúng ta biết bệnh tật của nền văn minh ta. Chúng ta có thể rọi ánh sáng lên khắp người nó, chúng ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của nó, nhưng cũng bóc trần những cái xấu của nó. Chỗ nào đó đau thì chúng ta thăm dò, và khi đã biết rõ dau thế nào, tìm hiểu được căn nguyên bệnh tật, tất tìm được phương thuốc điều trị. Nền văn minh của chúng ta, sự nghiệp của hai mươi thế kỷ, vừa là con quái vật vừa là cái kỳ quan của thời gian dài đó. Nó đáng được cứu vãn. Nó sẽ được cứu vãn. Đỡ nhẹ cho nó là quí lắm; soi sáng cho nó cũng đã đáng kể rồi. Tất cả những công trình xã hội học hiện đại đều tập trung vào mục đích đó. Nhà tư tưởng ngày nay có một nhiệm vụ lớn là thăm bệnh nền văn minh.
Chúng tôi nhắc lại, sự thăm bệnh đó cổ vũ ta, và chúng tôi nhấn mạnh sự cổ vũ đó để chấm dứt mấy trang này, coi mấy trang này là một dịp tạm nghỉ nghiêm nghị giữa tấn kịch đau lòng. Dưới tính bất tử của xã hội, người ta cảm thấy tính bất tử của nhân loại. Dù đây đó có những vết lở loét, những phễu núi lửa và có những vạt hắc lào, những lỗ phun hơi, dù có một núi lửa đến kỳ phun lửa, quả đất vẫn không chết. Những bệnh hoạn dân chúng không làm chết con người.
Tuy nhiên ai theo dõi lâm sàng xã hội, thỉnh thoảng cũng lắc đầu. Những người khỏe nhất, những người tình cảm nhất, những người lý trí vững vàng nhất, cũng có những phút động dao.
Tương lai có đến không? Hình như người ta có thể đặt câu hỏi đó ra khi thấy bóng tối dày kinh khủng. Cuộc đối diện đen tối giữa lũ ích kỷ và những kẻ khốn cùng. Ở phía bọn ích kỷ thì những thành kiến, những ngu dốt trong một nền giáo dục trưởng giả, sự thèm khát càng tăng do say sưa thỏa mãn, sự choáng váng làm điếc tai vì cảnh phồn vinh phát đạt, nỗi sợ khổ đau lên đến trạng thái ghét cả người đau khổ ở một số, sự tự mãn gắt gao, cái “tôi” bơm phồng len đến bịt kín tâm hồn; ở phía kẻ khốn cùng thì sự háo hức, lòng ghen tị, sự hằn thù đối với kẻ hưởng thụ, những chấn động sâu xa ở con thú người nhằm về nhu cầu, những tấm lòng mờ mịt mù sương, sự buồn thảm, cái cần dùng, cái định mệnh, cái dốt nát đục ngầu và ngây ngô.
Có nên tiếp tục ngước mắt lên trời hay không? Cái điểm sáng nhìn thấy ở trê cao có thuộc loại sẽ tắt không? Lý tưởng thật kinh khiếp khi nhìn nó xa lắ trong bóng sâu, nhỏ bé, trơ trọi, khó trông thấy, ánh sáng đấy, nhưng bọc giữa những đe dọa tối sầm, quái dị vây quanh nó. Tuy vậy lý tưởng chẳng chút lâm nguy, cũng như một ngôi sao giữa những cụm mây há hốc.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 4 - QUYỂN 8

SƯỚNG VUI VÀ BUỒN KHỔ

ÁNH SÁNG TRÀN NGẬP

Bạn đọc chắc đã hiểu Êpônin, theo lời mụ Manhông đã đến Pơluymê, nhìn qua hàng rào sắt và nhận ra con gái ở đó là ai rồi. Trước hết nó phải tìm cách cản trở không cho bọn lâu la đến đường Pơluymê, rồi mới dẫn Mariuytx đến. Mariuytx ta ngây ngất trước cái hàng rào kia suốt mấy ngày. Rồi như nam châm hút sắt, chàng si ta cũng bị đá xây nhà của người yêu nó hút, hút đến nỗi bước tuột vào vườn, chẳng khác gì Rômêô xưa kia đã bước vào vườn Juyliet. Thực ra, việc làm của Mariuytx còn dễ hơn việc làm của Rômêô xưa kia. Rômêô còn phải trèo qua môt bức tường, còn Mariuytx chỉ cần khẽ đẩy một chấn song của cái hàng rào cũ kỹ, đang lung lay như răng bà lão là vào được. Mariuytx lại mảnh người nên lách qua như bỡn.
Đường vốn không có ai qua lại. Mariuytx lại cứ đến tối mới lẻn vào nên chàng chẳng còn sợ ai nom thấy.
Từ cái giờ phút thiêng liêng và quí báu của cái hôn đầu tên, từ khi cái hôn ấy đã gắn bó tâm hồn đôi lứa, tối nào Mariuytx cũng lại. Giá lúc ấy Côdét vớ phải một thằng đàng điếm vô sỉ thì một dời con gái của nàng cuãng bỏ đi rồi, vì Côdét vốn thuộc hạng hào hiệp tự hiến mình. Cả nể là một đức tính cao quí của đàn bà. Và tình yêu một khi đã lên đến dộ tuyệt đối thì không hiểu sao, nó như đui như mù, quên cả thẹn thùng.
Nhưng các bạn gái tâm hồn cao quí! Các bạn biết chăng chính các bạn đang lâm vào bao cảnh hiểm nghèo! Thường các bạn hiến trái tim thì người ta lại chỉ lấy xác thịt. Quả tim bạn vẫn còn với bạn, nhưng bạn nhìn nó trong bóng tối mà rùng mình! Tình yêu xưa nay không hề biết cái lẽ trung dung: hoặc nó giết ta chết, hoặc nó cứ sống. Cả cái số kiếp con người đều nằm trong cái thế song quan đó. Hơn nữa, không ở đâu vấn đề sống chết, rủi may lại nghiệt ngã và tàn nhẫn cho bằng trong tình yêu. Tình yêu là sự sống nếu nó không là cái chết. Nôi đấy, nhưng cũng là áo quan. Một tình cảm vừa nói có vừa nói không trong quả tim người. Trong tất cả mọi sự vật Thượng đế đã tạo nên thì trái tim người là vật tỏa ra nhiều ánh sáng nhất. Nhưng than ôi! Nó cũng tỏa ra nhiều bóng tối cao cả.
Trời đất dun dủi cho Côdét gặp thứ tình yêu cứu sống người ta.
Suốt tháng 5 năm 1832, đêm nào trong cái vườn hoang kia, dưới bụi cây ngày càng thơm và càng rậm, cũng có đôi bạn thật là trinh bạch, thật là ngây thơ, lòng tràn ngập những nỗi vui sướng thần tiên chẳng khác những thiên thần, trong sạch, chân thành, say sưa, rạng rỡ như chiếu sáng cho nhau trong bóng tối. Trong cặp mắt Côdét thì Mariuytx rực rỡ như một ông hoàng và Mariuytx nhìn lại thì thấy Côdét là một nàng tiên đầu tỏa hòa quang. Hai người chạm nhau, nhìn nhau, cầm tay nhau, người sát vào người. Nhưng vẫn có một khoảng cách mà không bao giờ họ vượt qua. Không phải họ không dám, chính là họ không biết. Mariuytx cảm thấy có cái hàng rào ngăn cách, đó là lòng trinh bạch của Côdét và Côdét cảm thấy có một chỗ dựa, đó là lòng chân thành của Mariuytx. Cái hôn đầu tiên cũng là cái hôn cuối cùng. Từ hôm ấy, chàng vẫn không dám đi xa hơn, mà chỉ dám cầm tay, cầm khăn quàng cổ, hay nâng mấy sợi tóc để lên môi. Đối với chàng, Côdét là một thứ hương thơm, không phải là một người đàn bà. Chàng chỉ ngửi cái hương thơm kia thôi. Nàng không từ chối gì, chàng cũng không đòi hỏi gì. Côdét vui sướng mà Mariuytx thì thỏa mãn. Họ sống trong tình trạng hoan lạc này, có thể gọi là tình trạng của hai tâm hồn ngây ngất vì nhau. Thực là hai tâm hồn trinh bạch lần đầu ôm nhau trong cõi bồng lai, hai con thiên nga gặp nhau trên đỉnh núi tuyết.
Trong giờ phút yêu nhau này, dục tình đã hoàn toàn bị sự say sưa chiêm ngưỡng đè bẹp. Mariuytx trong trắng và cao quí như thiên thần, có lẽ chàng có đủ can đảm đến nhà một gái điếm mà không có gan kéo gấu áo Côdét lên quá gót chân. Một lần dưới ánh trawg trong, Côdét cúi xuống đất để lượm một vật gì, ngực áo của nàng để lộ chỗ chân vú một chút thì Mariuytx ngoảnh mặt đi.
Cái gì đã xảy ra giữa hai người? Khoogn có gì cả! Họ sùng bái nhau đấy thôi!
Đêm đêm, khi hai người ở đây, cái vườn như một nơi sống động, thiêng liêng. Trăm hoa đua nở trong vườn sực nức hương thơm. Họ cũng cởi mở tâm hồn hòa lẫn với ngàn hoa. Cỏ cây lả lơi, mơn mởn, rung rinh đầy nhựa sống và say sưa chung quanh đôi bạn thơ ngây và họ nói với nhau những lời ân ái làm cây cỏ say mê rung động.
Những lời gì vậy? Những hơi thở chứ có gì dâu? Những hơi thở này cũng vừa đủ làm cho cả thiên nhiên kia xúc cảm và rung động. Nó có ma lực gì thực là khó hiểu, nếu ta chỉ đọc trong sách những lời kia vốn là những lời để gió đưa đi và đánh ta ra như làn khói dưới đám cây. Giá ta gạt bỏ đi cái điệu nhạc của tâm hồn như tiếng đàn đệm trong lời thầm thì của đôi nhân tình, thì tất cả chỉ còn là một cái bóng. Bạn sẽ hỏi: Thế nào? Có thế thôi ư? Vâng, chỉ có tiếng tỏ thẻ, nói đi, lặp lại những cái cười vô cớ, những câu có gì cao qusi hơn, sâu sắc hơn. Đó là những lời duy nhất đáng nói và đáng nghe thôi vậy.
Những lời ngớ ngẩn kia, vô vị kia, ai chưa từng bao giờ nghe, ai chưa từng bao giờ nói, là một người đần độn, tồi tệ.
Côdét nói với Mariuytx:
- Anh biết không?
(Không hiểu sao, trong khi vẫn giữ thái độ đoan chính tuyệt vời như thế mà rồi cũng đến gọi nhau bằng anh em).
- Anh biết không? Em tên là Ơphơradi.
- Ơphơradi? Không phải! Tên em là Côdét.
- Ôi! Côdét là cái tên xấu xí người ta gọi em lúc em còn nhỏ. Tên em chính là Ơphơradi. Anh không thích tên Ơphơradi sao?
- Thích chứ. Nhưng gọi Côdét nghe cũng hay.
- Anh thích tên Côdét hơn tên Ơphơradi sao?
- À... ừ, vâng.
- Vậy thì em cũng thích nó hơn. Thật nhỉ, nghe nó hay nhỉ! Thôi thì gọi em là Côdét vậy.
Rồi nàng nở một nụ cười khiến cho câu chuyện biến thành bài tình ca trong một khu rừng nơi tiên giới.
Lại một lần, nàng nhìn chàng đăm đăm mà nói:
- Ông ạ, ông thì đẹp trai, xinh xắn, ông ăn nói tài hoa, ông không ngốc chút nào ông thông thái hơn em nhiều, nhưng ở cái chữ này thì em dám thách ông, chữ: em yêu anh!
Mariuytx, bay bổng lên mây xanh, tưởng như nghe khúc ca của một ngôi sao nào vậy!
Có lúc nàng thấy chàng ho thì tát yêu vào má mà nói:
- Thưa ông, ông không được ho! Ông muốn ho trong nhà tôi thì phải xin phép mới được. Ho để cho em lo ngại là xấu lắm đấy. Em muốn anh khỏe mạnh, bởi vì nếu anh không khỏe mạnh thì em khổ ghê lắm. Anh bảo em làm gì cho anh khỏi ho bây giờ?
Một lần nữa Mariuytx nói với Côdét:
- Em có biết không, có một độ anh tưởng em là Uyếcxuyn.
Cái ấy làm cả hai cười suốt buổi tối.
Một lần đang nói chuyện gì, Mariuytx nói:
- Chà! Có một hôm ở vườn Luychxămbua, anh muốn đánh chết một người thương binh.
Nhưng Mariuytx im bặt và không nói nữa. Nói nữa thì phải nói cho Côdét nghe chuyện cái nịt bít tất của nàng, mà làm thế thì không được. Bởi vì nói đến cái nịt bít tất là vô tình chạm vào xác thịt, mà hễ động đến chuyện xác thịt tất cái tấm tình mênh mông, trong trắng ấy phải hãi hùng, kính cẩn lùi lại, không dám tiến lên.
Mariuytx nghĩ rằng, đời chỉ là thế này thôi: tối nào cũng đến phố Pơluymê, đẩy cái chấn song cũ kỹ ra, rồi lách vào ngồi tự tình trên ghế đá kia, nhìn ngàn sao lấp lánh quá đám cây lúc đêm vừa đến, để cái nếp quần ở đầu gối mình tì vào vạt áo rộng của Côdét, sẽ xoa vuốt ngón tay cái của nàng, gọi nàng là em, cùng nhau ngửi một đóa hoa, ngửi mãi không biết chán. Trong lúc ấy mây bay trên đầu. Mỗi khi gió thổi, gió cuốn đi những mơ ước của người còn nhiều hơn là những đám mây trên bầu trời nữa.
Tình yêu trong trắng hầu như hoang dã kia phải đâu không chút lẳng lơ. “Tán tụng người yêu” là cách vuốt ve mơn trớn đầu tiên, là sự đánh bạo nửa vời muốn tập dượt. Lời tán tỉnh chẳng khác gì chiếc hôn cách bức qua cái khăn che mặt. Dục tình khẽ can thiệp, nhưng vẫn không lộ liễu. Trước dục tình, con tim ngại ngùng lùi bước để càng yêu mến mặn nồng thêm.
Lời tán tụng của Mariuytx vẫn có đôi chút gắn bó với cuộc sống, với nhân tình, với tất cả cái gì thiết thực mà Mariuytx có thể nói ra. Đó là những lời nói với nhau trong hang đá, là đoạn giáo đầu cho những câu chuyện đêm động phòng. Nó là bài thơ của cõi lòng cởi mở, nó là trường ca lẫn với thơ niêm luật, là lời tán dương đang yêu, êm như tiếng gù của bồ câu. Nó là tất cả mọi thứ tế nhị của sự thờ phụng kết lại thành cụm, thành bó và tỏa ra như một thứ hương thơm thanh lịch, thần tiên. Thật là tiếng ríu rít say sưa, lòng nói với lòng. Mariuytx nỉ non:
- Ôi! Em đẹp làm sao! Anh không dám nhìn em. Anh chỉ dám chiêm ngưỡng. Em là một nàng tiên. Anh chẳng còn hiểu sao nữa: chỉ nhìn gấu áo, khi mũi hài của em ló ra anh cũng đủ ngất ngây lảo đảo. Khi trí tuệ của em hé mở anh được thấy hào quang tỏa ra. Em lý luận, thì hay lạ lùng. Đôi khi anh tưởng chừng em là một giấc mơ. Em nói đi để anh nghe và anh ngắm. Côdét ơi, thật là lạ lùng và thú vị! Anh hóa điên mất! Cô thật đáng tôn thờ, tiểu thư ạ! Anh phải lấy kính hiển vi nghiên cứu bàn chân em và lấy viễn vọng kính chiêm ngưỡng tâm hồn em.
Côdét trả lời:
- Từ sáng đến giờ có bao nhiêu thời giờ thì em yêu anh thêm bấy nhiêu.
Câu đi câu lại không ngớt. Lời nói chuyện thật là tâm đầu ý hợp về khoản tình yêu.
Tất cả con người Côdét ở đâu cũng thơ ngây, thành thực, trong ngọc, trắng ngà, hiền hậu, rực rỡ. Nhìn thấy nàng người ta có cảm giác như nhìn tiết xuân tháng tư, nhìn trời rạng sáng. Trong khóe mắt như có hạt sương, Côdét là ánh sáng bình minh tinh kết thành hình thiếu nữ.
Mariuytx yêu dấu nàng, thì say sưa nhìn nàng là dĩ nhiên vậy. Thực ra, cô con gái kia vừa ở tu viện ra, nói chuyện lắm câu thâm thúy. Nhiều khi nàng nói những điều thật là đúng, thật là tế nhị. Nàng ríu rít như trẻ con, nhưng chuyện lại có ý nghĩa. Nàng không lầm lẫn về việc gì và nhận xét gì cũng đúng đắn. Đàn bà cảm và nói theo bản năng yêu đương của con tim nên chẳng bao giờ sai lầm. Không ai biết nói những lời dịu dàng và sâu sắc cho bằng phụ nữ. Dịu dàng và sâu sắc đó là tất cả người đàn bà, đó là tất cả bầu trời vậy.
Trong cái cảnh hoan lạc vô song kia, chốc chốc khóe mắt lại long lanh giọt lệ. Một con sâu bị chân xéo nát, một lông chim từ tổ rơi xuống, một cành tầm xuân bị gãy cũng làm cho họ rủ lòng thương và sự ngây ngất kia đượm thêm vẻ ủ dột mơ màng, càng dễ làm người ta phát khóc. Biểu hiện tuyệt đích của tình yêu là một sự cảm kích nhiều khi hầu như không thể chịu nổi.
Và đồng thời, - tình yêu chớp nhoáng gây ra mọi thứ trái ngược, - họ lại cười lăn cười lóc, thật là tự do thú vị, thật là thân mật cởi mở, có khi tưởng là một cặp bạn trai. Tuy vậy, ngay trong khi hai con tim say sưa trong tình yêu trong sạch, thì bản chất gái trai bất diệt vẫn không đi vắng. Nó vẫn hiện diện và theo đuổi cái mục tiêu vừa cao quí vừa phũ phàng. Vì vậy khi một cặp trai gái thỏ thẻ cùng nhau thì dù họ có ngây thơ đến đâu, câu chuyện đó có trong sạch đến mấy, nó vẫn có một cái ý vị riêng, đáng yêu và bí ẩn khác hẳn chuyện của một cặp bạn hữu.
Họ sùng bái nhau như thần tượng.
Cái bất biến, cái trường tồn vẫn cứ nguyên vẹn. Yêu nhau, nhìn nhau mà nhoẻn miệng, mà cười, đôi môi khẽ chúm lại làm nũng, ngón tay cài vào nhau, gọi nhau anh anh, em em, cái đó vẫn không cản trở gì lẽ vĩnh viễn của tạo hóa. Đôi lứa náu mình trong đêm tối, trong ánh chiều tà, trong nơi kín đáo, với chim chóc, hoa hồng. Họ làm cho nhau ngây ngất vì cả trái tim hiện lên trong khóe mắt và thì thầm và to nhỏ với nhau, trong lúc ấy những vì sao vẫn rung rinh trong khoảng không gian vô hạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét