XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - Phân 3 (Quyển 7-8)



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 7 - PATƠRÔNG MINET

Chương 1 + 2

MỎ VÀ THỢ MỎ

Xã hội con người bao giờ cũng có cái nhà trong cái rạp hát, người ta gọi là tầng dưới thứ ba. Lớp đất dưới chân xã hội ở đâu cũng bị đào khoét, khi thì vì cái tốt, khi thì vì cái xấu. Những công trình ấy chồng chất lên nhau: có những tầng ở trên và những tầng ở dưới. Có phía trên và phía dưới, trong cái hầm mỏ mờ mịt đôi khi đổ sập dưới nền văn minh đó và chúng ta thường xéo lên nó một cách thản nhiên, vô tư lự. Nhóm Bách khoa thế kỷ trước cũng là một cái hầm mỏ gần như lộ thiên. Đêm tối vốn là cái lồng ấp âm u của đạo Gia tô nguyên thủy, chỉ chờ đợi một cơ hội để nổ bùng dưới các triều đại Xêda và đã làm cho nhân loại tràn ngập ánh sáng. Vì trong đêm tối thiêng liêng có ánh sáng tiềm tàng. Núi lửa chứa đầy một thứ bóng tối có thể cháy bùng lên. Mọi thứ phún thạch bốc lửa đều bắt đầu bằng bóng tối. Những hầm mộ sâu, nơi cử hành buổi lễ mi-sa đầu tiên, không chỉ là tầng hầm của Rômơ, chúng là cái địa đạo của cả trái đất.
Ở dưới cấu trúc xã hội, cái kiến trúc kỳ công của một túp lều ấy, có những hang hốc đủ mọi loại: có cái hầm tôn giáo, có cái hầm triết học, có cái hầm chính trị, có cái hầm kinh tế, có cái hầm cách mạng. Kẻ thì đào cuốc với tư tưởng, kẻ thì đào cuốc với con số, kẻ thì đào cuốc với lòng giận dữ. Người ta gọi nhau và trả lời nhau từ hầm mộ này sang hầm mộ khác. Những lý tưởng không tưởng đi lại bên dưới mặt đất, chia tách ra theo mọi hướng và có khi gặp nhau và kết nghĩa anh em với nhau. Giăng Giắc (nhà văn cách mạng lớn của nước Pháp thế kỷ 18) cho Điôgienơ (nhà triết học cổ Hy Lạp, nổi tiếng với giai thoại giữa ban ngày xách đèn đi tìm con người) mượn cuốc và Điôgienơ cho Giăng Giắc mượn đèn. Khi những lý tưởng không tưởng ấy chống lại nhau thì Canvanh (thủ lĩnh đạo Gia tô cải cách ở Pháp thế kỷ XVI) xoắn tóc Xôxanh (thủ lĩnh đạo Gia tô cải cách ở Ý thế kỷ XVI). Nhưng không cái gì làm ngừng lại tạm thời hoặc ngăn chặn tất cả những năng lực ấy vươn mục đích và cái hoạt động rộng lớn, song song ấy, đi, lại, lên, xuống, rồi lại dâng lên trong đêm tối và làm thay đổi từ từ cái mặt trên bằng cái tầng dưới, cái bên ngoài bằng cái bên trong: một đàn kiến vô tận, lúc nhúc, không ai biết. Xã hội bên trên khó có thể biết gì về các công trình đào bới ấy, nó để nguyên cho xã hội cái bề mặt và làm thay đổi cả ruột gan của nó. Bao nhiêu tầng lớp trong lòng đất, bấy nhiêu công trình khác nhau, bấy nhiêu khoáng sản khia thác khác nhau. Từ những sự đào bới sâu thẳm ấy sẽ khai quật được gì? Tương lai.
Càng xuống sâu, những người đào bới ấy càng bí mật. Đến một mức sâu mà nhà triết học xã hội còn hiểu biết được, công việc ấy còn tốt; quá cái mức sâu ấy, công việc đào bới đã mập mờ và hai mặt; sâu hơn nữa nó trở thành ghê gớm. Đến một chiều sâu nào đó, trí tuệ của con người văn minh không thâm nhập vào được những cái hang tối ấy, cái giới hạn con người còn có thể thở được đã bị vượt qua, có thể bắt đầu xuất hiện những con quái vật. Các bậc thang đi xuống rất lạ lùng, mỗi bậc thang ấy là một tầng mà triết học có thể đặt chân đứng và người ta có thể gặp một trong những người thợ, có khi thần tiên có khi quái đản. Ở tầng dưới Giăng Huyxơ có Luyte, dưới Luyte có Đêcáctơ, dưới Đêcáctơ có Vônte, dưới Vônte có Côngdorxê, dưới Côngdorxê có Rôbexpie, dưới Rôbexpie có Mara, dưới Mara có Babớp, và cứ thế nối tiếp. Xuống sâu hơn nữa, mịt mờ, ở giới hạn giữa cái lờ mờ đến cái mù mịt không trông thấy gì, người ta thấy những con người âm u khác, có lẽ chưa tồn tại. Những người thợ hôm qua là những bóng ma, những người thợ ngày mai là những ấu trùng mà con mắt của trí tuệ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Công cuộc cấu tạo cái phôi thai của tương lai là một viễn ảnh của triết học.
Một thế giới trong cõi mông muội, hãy còn ở trạng thái bào thai, hình dáng kỳ lạ thay!
Xanh Ximông, Ouen, Phuriê (những nhà xã hội học không tưởng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) cũng ở đấy, trong những kẽ hầm bên.
Mặc dầu có một sợi dây thiêng liêng vô hình ràng buộc họ với nhau mà họ không biết, những con người đi mở đường trong lòng đất ấy luôn luôn tưởng rằng họ đơn độc, tuy họ không đơn độc chút nào: công việc của họ rất khác nhau và ánh sáng bình thường của người này khác xa với những tia chói lòa của người khác. Người thì tươi vui như cảnh thiên đường, kẻ thì thảm thê bi đát. Tuy vậy, mặc dầu họ khác nhau đến mức nào, tất cả những con người ấy, từ người ở trên tầng cao nhất, đến người ở dưới tầng đen tối âm u nhất, từ người khôn ngoan nhất đến người điên rồ nhất, họ có một điều giống nhau. Điều ấy là: tinh thần vô tư. Mara (nhà cách mạng Pháp, rất hăng hái kết tội nhà vua, 1743-1793) cũng quên mình như Giêsu. Họ gạt họ ra ngoài rìa, họ bỏ quên họ, họ không nghĩ chút nào đến họ. Họ nhìn thấy tất cả cái gì không phải họ. Họ có một cái nhìn và cái nhìn ấy đi dõi tìm cái tuyệt đối. Người thứ nhất có tất cả bầu trời trong mắt; người cuối cùng, dù khó hiểu đến đâu, dưới nét mày vẫn có các ánh sáng xanh nhạt của vô biên vô tận. Dù họ làm gì, ta cũng phải tôn kính những ai mang dấu hiệu: con người ngời sao.
Con người đen tối là dấu hiệu khác.
Với con người này bắt đầu tội ác. Trước con người không có ánh mắt, thì hãy suy nghĩ, hãy run sợ. Trật tự xã hội có những thợ mỏ đen tối của nó! Có một điểm mà sự đào sâu là sự chôn vùi và ở đó thì ánh sáng tắt hẳn.
Ở bên dưới tất cả những hầm mỏ mà húng tôi vừa chỉ ra, ở dưới tất cả những đường hầm, ở dưới tất cả cái hệ thống mênh mông những tĩnh mạch ngầm của tiến bộ và không tưởng, sâu hơn nhiều nữa, trong lòng trái đất, thấp hơn cả Mara, thấp hơn cả Babơp, thấp hơn nữa, thấp hơn nhiều nữa và không có liên lạc gì với cái tầng trên, có cái hầm cuối cùng, một nơi khủng khiếp. Đó là nơi mà chúng tôi đã gọi là tầng ngầm thứ ba. Đó là hố của đêm tối, hầm của những người mù Inferi (lớp người hạ đẳng).
Nơi này nối liền với vực thẳm.
***
II
TẦNG ĐÁY
Ở đây lòng vô tư bay biến. Con quỷ ác hình thành lờ mờ. Ai cũng chỉ vì mình thôi. Cái tôi không mắt ấy gào rú, tìm kiếm, mò mẫm và gặm nhấm. Tên Uygôlanh (một tên bạo chúa khát máu ở Ý, thế kỷ 13, sau bị bắt và bị giam với các con hắn trong một cái tháp để cho chết đói. Nhà thơ Ý Đăngtơ đã dựng lên một cảnh kinh khủng trong Hài kịch thần thánh, Uygôlanh gặm cái sọ của kẻ thù hắn trong Tháp đói) của xã hội nằm ở trong cái vực ấy.
Những cái bóng hung dữ lẩn quất, lần mò trong hố ấy, gần như thú dữ gần như yêu ma, không hề nghĩ gì đến sự tiến hóa chung mà chúng không hề biết, cả về ý niệm lẫn danh từ. Họ chỉ lo nghĩ đến sự thỏa thích cá nhân. Họ hình như là vô ý thức, ở trong con người họ có một thứ xóa bỏ ghê sợ. Họ có hai mẹ nhưng đều là mẹ ghẻ: dốt nát và nghèo đói. Họ có một người dẫn đường là sự thiếu thốn. Tất cả các hình thái của sự thỏa thuê ở họ đều xuất phát từ thèm khát. Họ háu ăn một cách tàn bạo, nghĩa là họ hung tợn, không phải như một tên bạo chúa, mà là như một con hổ đói. Từ đau khổ, những con ấu trùng ấy chuyển sang tội ác: huyết lệ tất nhiên, thoát thai kinh khủng, lô gích của bóng tối. Cái lê la ở tầng đáy thứ ba này không phải là sự đòi hỏi của tuyệt đối bị bóp nghẹt, đó là sự phản kháng của vật chất. Con người trở thành mãng xà. Đói khát là điểm xuất phát; làm quỷ Xatăng đó là đích. Từ cái hầm ấy Laxơne (tên những kẻ cướp giết người ghê gớm đã bị trừng phạt) chui ra.
Bạn đọc vừa thấy, ở quyển bốn, một ngăn của cái tầng trên của hầm mỏ, cái hầm mỏ lớn của chính trị, cách mạng và triết lý. Ở đấy, như chúng tôi vừa nói, tất cả đều cao quý, trong sáng, xứng đáng, lương thiện. Ở đó người ta cũng có thể lầm lẫn và có lẫm lẫn thật, nhưng cái lầm cũng đáng kính vì nó rất dũng cảm. Tất cả công việc họ làm ở đấy, có một cái tên: Sự tiến bộ.
Bây giờ đến lúc ta nhòm vào các vực sâu khác, những vực sâu ghê tởm.
Ta phải nhấn mạnh vào điểm này, ở dưới đáy xã hội vẫn có cái hầm lớn của tội ác, có cho đến ngày dốt nát bị xóa bỏ.
Cái hầm ấy ở dưới tất cả các hầm khác và là kẻ thù của tất cả cái khác. Đó là sự căm thù tất cả, không chừa sót gì. Nó không biết nhà triết học là gì: con dao găm của nó chưa bao giờ gọt bút viết. Cái đen tối của nó không có chút quan hệ nào với cái đen tối tuyệt vời của nghiên mực. Chưa bao giờ những ngón tay của đêm tối, co cứng lại dưới cái hầm ngột ngạt ấy, đã mở một quyển sách, hay giở một tờ báo. Babơp đối với Cáctusơ là một kẻ bóc lột, Mara là một nhà quý tộc đối với Sinđeranơ (tên những kẻ cướp giết người ghê gớm đã bị trừng phạt). Mục đích của cái hầm ấy là làm sụp đổ tất cả.
Tất cả. Cả đến những cái hầm phía trên mà nó căm thù. Trong cái lúc nhúc ghê tởm của nó, nó khoét, nó đào cho sụp đổ hết, không phải chỉ riêng cái trật tự xã hội hiện giờ. Nó cố phá cho đổ triết học, đổ khoa học, đổ luật pháp, đổ tư tưởng con người, đổ văn minh, đổ cách mạng, đổ tiến bộ. Tên nó chỉ đơn giản là ăn cắp, làm đĩ, giết người và ám sát. Nó là đêm tối âm u và nó muốn tất cả là hỗn mang, đảo lộn. Cái nóc hầm của nó lợp bằng ngu dốt.
Tất cả các hầm khác ở bên trên chỉ nhằm có một mục đích là xóa bỏ cái tầng đáy đó. Tất cả các tổ chức cùng một lúc của triết học và của tiến bộ đều hướng vào mục đích ấy, bằng sự cải thiện cái thực tế cũng như bằng sự chiêm ngưỡng cái tuyệt đối. Phá hủy cái hầm Ngu dốt, bạn sẽ tiêu diệt được con chuột chũi: Tội ác.
Chúng ta hãy cô đọng lại bằng vài lời một phần những cái chúng tôi vừa viết. Mối nguy hiểm duy nhất của xã hội là bóng tối.
Nhân loại là đồng nhất. Tất cả mọi người đều nặn bằng một loại đất sét. Không có một sự khác biệt nào trong số phận ít nhất là ở trên mặt đất này. Cũng là bóng tối lúc đầu, cùng là da thịt lúc còn sống, cùng là tro bụi lúc chết, nhưng ngu dốt trộn vào chất người ấy, làm cho nó đen đi. Cái màu đen không xóa được đó thấm vào bên trong con người và trở thành cái ác.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 7 - Chương 3 + 4

BABE, GƠLƠME, CƠLACƠXU VÀ MÔNGPACNAXƠ

Một bộ tứ những tên kẻ cướp: Cơlacơxu, Gơlơme, Babe và Mônpacnaxơ, từ 1830 đến 1835, thống trị cái đáy thứ ba của Paris.
Gơlơme là một thứ đô lực sĩ sa thải. Hang ổ của nó là cống ngầm Acsơ Mariông. Nó cao gần hai thước, cơ ngực rắn như đá, bắp tay cứng như đồng, hơi thở như gió lùa cửa hang, thân thì hộ pháp, sọ lại sọ chim. Trông hắn tưởng như là Ecquyn Phacneđơ, mặc một cái quần vải mịn và một cái áo nhung sợi. Gơlơme với hình vóc hộ pháp đó có thể khuất phục những con quái vật, nhưng hắn thấy cứ làm quái vật lại gọn hơn. Trán thấp, thái dương rộng, ngót bốn mươi tuổi, mắt nhăn nheo, tóc ngắn và cứng, má lông lá như bàn chải, bộ râu lởm chởm: có thể hình dung được con người ấy. Những bắp thịt xin được lao động, cái ngu đần của hắn lại không muốn thế. Nó là một sức mạnh lười biếng. Nó giết người vì uể oải. Người ta cho là hắn sinh trưởng ở thuộc đảo. Có lẽ hắn đã nhúng tay vào vụ ám sát thống chế Bruynơ, vì năm 1815, hắn làm phu khuân vác ở Avinhông. Sau cái thời tập sự ấy hắn đã trở thành kẻ cướp chính thống.
Cái vẻ trong bỏng của Babe trái ngược hẳn với dòng thịt ụ của Gơlơme. Babe gầy và thông suốt. Nó tuy trong, mà bí ẩn. Có thể nhìn suốt qua xương của hắn, nhưng không thể nhìn gì sau con người của hắn. Hắn bảo hắn làm ngành hóa chất. Hắn đã là hề chào khách với Bôbesơ và hề diễn với Bôbinô. Hắn từng là diễn viên hài kịch ở Xanh Mibien. Hắn là con người có chủ định nói năng hoạt bát, mỉm cười có mục đích, điệu bộ có tình ý. Hắn chuyên nghề bán rong những tượng bán thân bằng thạch cao và những chân dung của “ngài quốc trưởng”. Thêm nữa hắn làm nghề nhổ răng. Hắn đã làm trò ở các chợ phiên và đã có một cái quầy hàng với kèn rao và tấm biển này: “Babe nghệ sĩ nhổ răng, viện sĩ các viện hàn lâm, làm những thí nghiệm vật lý về kim khí và á kim, nhổ răng và rút những chân răng mà các bạn đồng nghiệp đã bỏ lại. Giá một cái răng: một phơrăng 50 xăngtim; hai cái răng: hai phơrăng; 3 cái răng: hai phơrăng 50. Đừng bỏ lỡ cơ hội”. (Câu “Đừng bỏ lỡ cơ hội” có nghĩa là hãy nhổ cho nhiều răng vào). Hắn có vợ và đã có con. Hắn không biết vợ và các con hắn bây giờ ở đâu. Hắn đã bỏ rơi vợ con như người ta đánh mất chiếc khăn tay. Một ngoại lệ rất quý giá trong xã hội đen tối của hắn; hắn đọc báo. Một hôm, khi hắn còn có vợ và con cùng ở với hắn, trong gian hàng lưu động của hắn, hắn đã đọc trên báo Lơ mexagiee cái tin một bà mẹ sinh ra một hài nhi có cái mồm bê, hài nhi đó có thể nuôi được. Hắn đã kêu to lên: “Đây là cả một cái gia tài! Sao vợ ta chẳng khôn khéo cho ta một đứa con như thế này nhỉ?”
Từ đó hắn đã bỏ tất cả, để “kinh doanh Paris”. Kinh doanh Paris là thuật ngữ của chính hắn.
Cơlacơxu là cái gì? Cơlacơxu là đêm tối. Hắn chỉ xuất hiện khi bầu trời đã đen xịt, buổi tối hắn từ cái lỗ của hắn chui ra, rồi lại chui vào cái lỗ ấy trước khi ngày rạng. Cái lỗ ấy ở đâu, chẳng ai biết. Trong đêm tối dày đặc nhất, khi nói chuyện với đồng đảng của hắn, hắn cũng quay lưng lại. Tên hắn có phải là Cơlacơxu không? Không. Hắn bảo tên tôi là Paduytu (có nghĩa là: chẳng phải thế đâu). Nếu thình lình có một cây đèn sáng, tức thì hắn đeo mặt nạ vào. Hắn nói giọng bụng. Babe bảo: “Cơlacơxu là một con thú ăn đêm có hai giọng”. Cơlacơxu, con người mơ hồ, lang thang, ghê gớm. Người ta không chắc là hắn có một cái tên. Cơlacơxu chỉ là một mệnh danh; người ta cũng không chắc là hắn có một giọng nói của hắn, cái bụng của hắn nói nhiều hơn cái miệng. Người ta cũng không chắc là hắn có một gương mặt, người ta mới nhìn thấy được cái mặt nạ của hắn thôi. Hắn ở đó, rồi biến đi như một cái bóng; những xuất hiện của hắn là từ dưới đất chui lên.
Một con người rùng rợn: đó là Mônpacnaxơ. Mônpacnaxơ là một đứa trẻ con chưa đến hai mươi tuổi, một khuôn mặt xinh, cặp môi như những trái anh đào, một mái tóc đen đẹp, mắt sáng ánh mùa xuân. Hắn có đủ tật xấu và đang vươn đến tất cả mọi tội ác. Đã nếm cái vị ác, hắn đâm ra thèm khát cái hung tàn. Một thằng nhóc biến thành tên đểu cáng, tên đểu cáng thành kẻ sát nhân. Nó xinh trai, “kiều mị”, duyên dáng, khỏe, lười, hung dữ. Mũ của nó vành bên trái hơi cong hớt lên, để lộ một mớ tóc, theo kiểu 1829. Nó sống bằng ăn cướp. Cái áo khoác dài của nó may theo kiểu đẹp nhất, nhưng đã sờn. Mônpacnaxơ đẹp hình người khoác y phục mẫu, nhưng có vẻ nghèo đói và có dáng đã giết người. Nguyên nhân của mọi tội giết người của hắn là sự thèm muốn được điển trai. Cô gái lẳng lơ đầu tiên nào đã bảo hắn: Anh đẹp đấy, đã ném vào lòng hắn cái vệt đen tối và đã biến gã Aben ấy thành một thằng Canh (nhân vật trong kinh thánh Gia tô, Cain đã giết em là Abel, Abel đẹp trai)? Thấy mình xinh trai, hắn muốn làm người lịch sự, mà cái lịch sự nhất là ở nể. Đối với kẻ nghèo, ở nể tức là tội ác. Ít có kẻ lưu manh nào nguy hiểm đáng sợ như Mônpacnaxơ. Mới mười tám tuổi, hắn đã rải đằng sau hắn mấy xác chết. Trong cái bóng của tên khốn nạn ấy, nhiều xác khách qua đường đã nằm sóng sượt, hai tay buông xuôi, sấp mặt trên một vũng máu. Tóc uốn quăn, chải sáp, áo bó sát sườn, hông như hông phụ nữ, một cái ngực như ngực sĩ quan Phổ, những lời khen ngợi xì xào của bầy gái đầu đường quanh hắn, cái ca vát thắt rất tài tình, một nắm đấm thép trong túi, một bông hoa ở ve áo, đó là tên công tử của mộ địa.
***
IV
TỔ CHỨC CỦA BỌN NÀY
Với bốn đứa chúng nó, bọn này như một thần Prôtê, muôn hình vạn dạng luồn lách qua hàng rào của cảnh sát, cố thoát khỏi những con mắt rình mò của Viđôc (một tên lưu manh sau trở thành chánh mật thám ở Paris đầu thế kỷ 19), “dưới mọi hình dáng, gốc cây, ngọn lửa, suối nước”, tráo tên lẫn nhau, dùng mẹo của nhau và che chứa lẫn nhau, thay đổi hình dạng như người ta bỏ cái mũi giả ở một người, đôi khi tự nhân lên đến mức Côcô Lacua tưởng là cả một đám đông.
Với những chi nhánh của chúng và cả một hệ thống chằng chịt quan hệ ngầm của chúng, Babe, Gơlơme, Cơlacơxu và Mônpacnaxơ bao thầu tất cả những vụ cướp bóc, lừa bẫy trong hạt Xenơ. Chúng làm những cuộc đảo chánh từ dưới, lật đổ người qua đường. Những kẻ có âm mưu loại ấy, có trí tưởng tượng của lũ ăn đêm, đều nhờ bọn chúng thực hiện âm mưu của họ. Họ nói cho chúng biết cái dàn ý. Chúng làm nhiệm vụ đạo diễn. Chúng làm việc dựa vào đề cương kịch bản. Lúc nào chúng cũng tìm được nhân lực tương xứng và thích ứng cho mọi vụ cướp bóc, hành hung cần có viện trợ và được nhiều tiền. Một tội ác cần phải tìm những cánh tay thực hiện thì chúng cho mướn những kẻ đồng lõa. Chúng có một đoàn diễn viên của đêm tối sẵn sàng biểu diễn tất cả các thảm kịch của hang hầm. Chúng thường hội họp nhau khi trời bắt đầu tối, tức là vào giờ thức dậy của chúng, trong những bãi cỏ hoang gần khu Xanpêtrie. Chúng bàn bạc ở đó. Chúng có mười hai giờ đêm đen trước mặt chúng. Chúng ấn định thời dụng biểu của thời gian ấy.
Patơrông Minét đó là cái tên mà bọn người sống trong những hang hầm đặt cho bốn tên này. Trong cái ngôn ngữ cổ kính, kỳ quái của đại chúng, mỗi ngày một mờ nhạt đi, Patơrông Minét có nghĩa là buổi sớm mai, cũng như giữa chó và sói (nghĩa là lúc mà mắt không phân biệt được chó và sói, lúc nhá nhem) có nghĩa là sẩm tối. Cái danh từ ấy có lẽ do từ cái giờ mà công việc ám muội của chúng kết thúc, bình minh là lúc các bóng ma tan biến và các bọn kẻ cướp chia tay nhau. Bốn thằng này được người ta biết với cái mệnh danh ấy. Khi vị chánh án tòa đại hình đến gặp Laxơnerơ trong nhà tù và hỏi hắn về một tội phạm mà hắn chối không nhận: “Thế kẻ nào đã làm việc đó”. Vị chánh án hỏi thế và Laxơnerơ đã trả lời một câu bí mật đối với vị thẩm phán ấy, nhưng rất rõ rệt đối với cảnh sát: “Có lẽ là Patơrông Minét”.
Người ta có thể đoán nội dung một vở kịch khi nghe danh sách các nhân vật, người ta cũng có thể đánh giá một bọn côn đồ với danh sách những tên côn đồ ấy. Đây là những tên của những kẻ côn đồ có gắn bó với bọn Patơrông Minét, vì những cái tên ấy còn nổi lại trong những bản báo cáo đặc biệt:
Păngsô, còn gọi là Pranhtaniê, là Bigrơnay.
Bruygiông (có cả một triều đại Bruygiông; chúng tôi không muốn bỏ cái ý muốn nói vài lời về cái dòng dõi ấy).
Bulattơruyen, gã phu đường chúng ta đã thoáng thấy rồi.
Lavơrơ.
Phinixte.
Ômer Ooguy, da đen.
Mácđixoa.
Đêpêsơ.
Phônlơroa, tự là Bucơchie.
Glôriơ, tù khổ sai mãn hạn.
Barơcarôxơ, tự là Đuypông.
Lexplanađơ đuy Xuýt.
Puxagơrivơ.
Cácmanhôle.
Guyđơniê, tự Bidarô.
Mănggiơđăngten.
Lêpiêăngle.
Đơmi-lia, tức là Hai-Tỉ.
… và …
Chúng tôi bỏ qua một số tên, không phải là những tên ghê gớm nhất. Những cái tên ấy là những biểu tượng. Nó không chỉ tên một người, mà chỉ tên một loại. Mỗi cái tên ấy chỉ một loại nấm dị hình ở những đáy hầm của nền văn minh.
Những nhân vật ấy không ưa lộ diện, không phải là những nhân vật người ta thường gặp ngoài phố. Ban ngày, mệt mỏi sau những đêm hung dữ của chúng, chúng đi ngủ, khi thì trong những lò thạch cao, khi thì trong những mỏ đá đã bỏ ở Môngmactơrơ hay Môngrugiơ, đôi khi trong các cống ngầm. Chúng chui xuống đất.
Những bọn người ấy bây giờ thế nào? Chúng vẫn còn. Chúng xưa kia vẫn có. Oraxơ đã nói đến chúng: Ambubaiarumcollegia, pharmacopoloe, medici, mimoe (Phường đàn sáo, lang băm, ăn xin, trò hề). Khi xã hội vẫn như thế này thì chúng vẫn như thế ấy. Dưới cái trần hầm đen tối của chúng, chúng luôn luôn tái sinh từ lòng nước rỉ của xã hội. Chúng hiện trở về, luôn luôn y như thế; chỉ có điều là chúng không giữ nguyên những tên cũ và không mang những hình dáng cũ.
Tiêu diệt những cá nhân đi, bộ tộc vẫn tồn tại.
Chúng vẫn có những năng khiếu cũ. Từ kẻ ăn mày lang thang đến trộm cắp lén lút, cái dòng giống này còn nguyên vẹn không pha. Chúng đoán biết những ví tiền trong túi: chúng đánh hơi những chiếc đồng hồ trong bao. Vàng, bạc đối với chúng có mùi ngửi thấy. Có những kẻ tư sản ngây thơ mà người ta có thể gọi là dễ bị đánh cắp. Bọn chúng kiên trì theo dõi những người tư sản này. Khi một người nước ngoài, một người tỉnh lẻ đi qua, chúng rùng mình như con nhện.
Những con người đó trông thật dễ sợ khi nửa đêm, trong một phố vắng, ta gặp chúng. Hình như chúng không phải là người, nhưng là những bóng sương mù sống; người ta có thể bảo là chúng thường gắn với bóng tối thành một khối, chúng không tách rời đêm tối, chúng không có linh hồn nào khác là đêm tối và chỉ trong chốc lát thôi, để trong vài phút sống một sự sống quái đản, ghê gớm, chúng mới tách mình khỏi đêm tối.
Lấy gì để làm cho tiêu tan những ấu trùng, những dòi bọ ấy? Ánh sáng tràn trề. Không một con dơi nào chống lại được bình minh. Hãy rọi ánh sáng vào xã hội từ phía dưới.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 8 - ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO

Chương 1 + 2

MARIUIYTX ĐI TÌM CÔ GÁI ĐỘI MŨ HOA LẠI GẶP MỘT ÔNG ĐỘI MŨ LƯỠI TRAI

Hè qua, rồi thu cũng qua, đông đã đến. Chẳng thấy ông Lơ Blăng, cũng chẳng thấy cô con gái đặt chân đến vườn Luychxămbua nữa. Mariuyt chỉ có độc một ý tưởng, là được thấy lại khuôn mặt dịu dàng, đáng yêu kia. Đi đâu cũng tìm, chỗ nào cũng tìm mà chẳng thấy bóng người yêu. Mariuyt không còn là anh chàng mơ mộng, bồng bột, con người quả quyết, say sưa, rắn rỏi, con người hăng say thách thức cuộc đời, một khối óc xây dựng hết mộng tương lai này đến mộng tương lai khác, một trí tuệ chứa đầy những kế hoạch, những dự định, những kiêu hãnh, những tư tưởng và những ý chí. Chàng như con chó lạc, lúc nào cũng buồn rũ ra. Thế là hết. Chàng chán ngấy công việc, đi chơi thì mệt, ở nhà thì buồn. Trước kia, vũ trụ mênh mông, biết bao hình ảnh, biết bao ánh sáng, biết bao tiếng nói, lời khuyên, biết bao hy vọng, tiền đồ, biết bao lời giáo huấn. Thế mà bây giờ, chàng chỉ thấy vũ trụ trống trải. Không còn gì nữa.
Chàng vẫn suy nghĩ, vì chàng không thể làm gì khác được. Nhưng chàng ngao ngán với cả ý nghĩ của mình. Ý nghĩ của chàng luôn luôn thì thầm với chàng điều này điều nọ, chàng chỉ âm thầm trả lời: Thôi, có ích gì?
Chàng tự trách nhiều khoản: tại sao mình lại theo đuổi nàng. Chỉ trông thấy nàng là mình đủ sung sướng! Nàng nhìn mình, chưa phải là bát ngát rồi sao? Nhưng nàng có vẻ yêu mình, chưa phải là tất cả rồi ư? Mình còn mong gì nữa? Để rồi chẳng còn gì hết. Mình lạ lùng quá. Chỉ tại mình… và … Chàng chẳng nói gì cho Cuốcphêrắc biết, bản tính chàng như vậy. Nhưng Cuốcphêrắc đoán biết tất cả, cũng là bản tính anh ta và rất đỗi sửng sốt, bắt đầu khen Mariuyt đã biết yêu thương. Rồi thấy Mariuyt đâm ra buồn chán vẩn vơ, anh chàng phải bảo: Mày ngu quá đỗi. Nào đi đến Sômie đi.
Nhân một ngày tiết tháng chín, trời trong đẹp. Mariuyt đành để ba chàng Cuốcphêrắc, Bôtxuyê và Gơrăngte dẫn chàng đến dự buổi dạ hội ở Xô, chàng hy vọng tình cờ sẽ gặp người yêu: mơ ước thật là viển vông! Tất nhiên, nàng không có đấy. Gơrăngte lầm bầm một mình: ấy thế mà mọi người đàn bà mất tích đều gặp được ở đây. Mariuyt để mặc các bạn ở lại khiêu vũ, một mình chàng kéo bộ trở về, mỏi mệt, lòng nóng như thiêu, con mắt đục mờ, buồn rười rượi. Xe ngựa nào cũng vang tiếng hát, đầy khách dự hội trở về. Xe chạy rầm rập, bốc bụi mù đường phố làm chàng hốt hoảng. Tuyệt vọng, chàng hít mạnh mùi thơm hăng hắc của dãy cây bồ đào cho đầu óc tỉnh táo ra. Chàng sống ngày càng cô độc, càng mê loạn, đau khổ, âm thầm xót xa trong dạ. Chàng quẩn quanh trong nỗi đau xót như con sói đi đi lại lại trong cạm bẫy, không sao thoát ra được. Con người si tình tìm kiếm người yêu khắp nơi khắp chỗ.
Một lần khác, một cuộc gặp gỡ lạ lùng khiến chàng không sao quên được. Chàng đang đi tha thẩn ở những phố nhỏ bên đại lộ Anhvalit, bỗng gặp một người mặc quần áo thợ, đội mũ lưỡi trai, để lộ một mớ tóc bạc phơ. Mariuyt chú ý đến mớ tóc đẹp, rồi nhìn người ấy đang bước từng bước một, đăm chiêu như có việc gì đau đớn lo phiền lắm. Có điều lạ là hình như đúng ông Lơ Blăng! Cũng mái tóc ấy, cũng nét mặt ấy, dưới vành lưỡi trai cũng dáng điệu ấy, nhưng có vẻ buồn bã hơn. Nhưng tại sao lại bộ áo thợ thuyền? Thế là nghĩa gì? Tại sao lại trá hình như vậy? Mariuyt rất đỗi ngạc nhiên. Lúc định trí lại, chàng vội rảo bước theo người ấy. Biết đâu chàng không tìm thấy dấu vết người yêu? Dù sao cũng phải đến gần xem cho kỹ rồi tìm ra điều bí ẩn chứ! Nghĩ đến đấy thì chậm quá rồi, ông già đã mất hút. Người ấy rẽ sang phố khác. Mariuyt không sao tìm thấy được. Cuộc gặp gỡ ấy làm cho chàng bận tâm mất mấy ngày, sau rồi cũng quên đi. Chàng nghĩ thầm: - Thôi, chắc là hai người giống nhau thôi.
***
II
BẮT ĐƯỢC CỦA
Mariuyt vẫn ở căn nhà nát Gorbô, chàng chẳng để ý đến ai ở trong nhà cả. Sự thật, dạo ấy nhà cũng chỉ có độc Mariuyt với gia đình Giôngđơret mà chàng đã trả giúp tiền nhà một lần. Sau lần ấy, chàng chẳng bao giờ trò chuyện với ai, bố, mẹ cũng không, con gái cũng không. Những người thuê khác đã dọn đi hoặc chết rồi, hoặc thiếu tiền nhà bị đuổi đi.
Một ngày đông năm ấy, vào lúc quá trưa, mặt trời hé chút ánh sáng, nhưng ngày đó lại là ngày mồng 2 tháng hai, cái ngày lễ Săngđơlô cổ xưa, mặt trời độc ác báo hiệu sáu tuần lễ rét mướt, cái ngày mà Machia Lanxbe đã ca vịnh trong hai câu thơ xứng đáng là thơ cổ điển:
Mặt trời dù tỏ, dù mờ nhạt.
Con gấu thung thăng trở lại hang.
Ngày ấy, Mariuyt cũng vừa chui ở cái hang Gorbô ra. Trời vừa tối. Giờ đi ăn. Dù sao rồi cũng phải nghĩ đến chuyện ăn uống, chao ôi! Ái tình dù cao thượng vẫn có những nhược điểm như thế đó!
Chàng vừa bước qua bậc cửa thì chợt thấy bà Bugông vừa quét nhà vừa cất tiếng nói một mình câu bất hủ sau đây:
- Thời buổi này chẳng có cái gì là rẻ sất, cái gì cũng đắt như vàng. Chỉ có công người là rẻ, rẻ thối ra.
Mariuyt từ từ bước ra phía cửa để lên phố Xanh Giắc. Chàng cúi gầm mặt xuống, có vẻ nghĩ ngợi.
Trong sương chiều, bỗng chàng lại bị ai xô phải. Chàng quay lại, thấy hai cô con gái ăn mặc rách rưới, một cô thì dong dỏng cao, người mảnh khảnh, một cô bé hơn. Hai cô có vẻ hoảng hốt, thở hổn hển, đi rõ nhanh, như chạy trốn. Hai cô đi ngược lại, không trông thấy Mariuyt nên đâm sầm phải. Trong bóng tối sâm sẩm, Mariuyt nhận được khuôn mặt nhợt nhạt, đầu tóc rối tung, cái mũ kinh khủng, váy rách tả tơi, chân thì giẫm đất! Hai cô vừa chạy vừa nói chuyện. Cô lớn bảo thầm cô bé:
- Tụi cớm vừa đến. Suýt nữa tóm được tao.
Cô kia trẻ con:
- Tôi cũng trông thấy. Thế là tẩu, tẩu nhé, tẩu bán sống bán chết.
Mariuyt nghe qua mấy câu tiếng lóng, đủ hiểu rằng bọn sen đầm hay cảnh sát suýt nữa tóm được mấy cô bé này và hai cô chạy thoát.
Hai cô đi sâu vào bóng cây um tùm ở đại lộ phía sau. Trong đêm tối, thấy bóng hai người trăng trắng một lát, rồi biến mất.
Mariuyt dừng lại một chốc.
Chàng vừa định đi thì chợt thấy một gói nhỏ xam xám ở ngay dưới chân. Chàng cúi xuống, nhặt cái gói lên. Gói ấy hình như là một phong bì đựng giấy má. Chàng nói:
- Ừ, chắc là của mấy cô bé tội nghiệp đánh rơi đây!
Chàng quay trở lại, cất tiếng gọi, nhưng không thấy gì. Chàng cho là các cô đã đi xa, liền nhét phong bì vào túi rồi đi ăn.
Giữa đường, qua một ngõ hẻm phố Muphơta, chàng thấy một cái áo quan trẻ con đặt trên ba cái ghế tựa, phủ một tấm khăn liệm đen; một ngọn nến leo lắt cháy. Chàng nhớ đến hai cô gái trong bóng tối ban nãy. Chàng nghĩ thầm:
- Khốn nạn! Các bà mẹ thà trông thấy con chết còn ít buồn hơn là thấy chúng sống khổ sống nhục.
Hai cái bóng đã thay đổi vị buồn cho chàng, rồi cũng bay khỏi tâm trí. Chàng lại chìm vào những ý nghĩ của riêng chàng. Chàng nhớ lại sáu tháng qua, sáu tháng yêu đương, hạnh phúc, với những ngày đầy ánh sáng, dưới hàng cây tươi đẹp vườn Luychxămbua. Chàng nghĩ thầm:
- Đời mình bây tối tăm quá. Vẫn thấy biết bao thiếu nữ. Nhưng trước kia, họ xinh tươi thế mà bây giờ thì xấu như ma.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 3 + 4

BỐN VẺ

Buổi tối, lúc chàng cởi áo đi ngủ, tay chàng bỗng thò vào túi và đụng phải cái gói nhặt được ở dưới phố. Chàng đã quên bẳng đi, chàng nghĩ rằng mở ra thì có địa chỉ của các cô con gái kia, hay dù sao cũng biết người mất của mà đem trả.
Chàng mở phong bì.
Phong bì không dán, đựng bốn bức thư cũng không dán nốt.
Địa chỉ đều có đề cẩn thận.
Cả bốn bức thư đều bốc một mùi thuốc lá hạng bét.
Bức thứ nhất đề như sau:
Kính gửi Lệnh bà Đơ Gơruysơrê hầu tước phu nhân, Quảng trường đối diện Hạ nghị viện, số nhà…
Mariuyt nghĩ thầm cứ đọc may ra thấy cái gì rõ ràng hơn; vả lại bức thư để ngỏ, có lẽ đọc cũng chẳng hại gì.
Bức thư viết như sau:
“Kính thưa hầu tước phu nhân,
Xưa nay, đức khoan dung, đức tin Chúa vẫn là mối liên hệ mật thiết (theo nguyên bản mấy bức thư này đều chứa nhiều lỗi chính tả và ngôn ngữ) giữa mọi người trong xã hội. Vì Chúa, xin Bà lớn hãy rủ lòng thương tới một kẻ vì lòng chân thực và vì lòng chung thành với dòng chính thống thiêng liêng mà phải từ bỏ đất Tây Ban Nha, phải hy sinh cả xương máu, của cải để bảo vệ lấy chính nghĩa; kẻ ấy ngày nay đang sống trong cảnh khốn cùng. Kẻ ấy mong rằng tấm lòng cao quý của Bà lớn sẽ giúp đỡ cho kẻ thuộc dòng máu binh sĩ vinh quang đầy thương tích này được sống qua cơn hoạn nạn. Kẻ ấy tin tưởng ở lòng dân đạo của Bà lớn, ở sự quan tâm của Bà lớn tới một quốc gia gặp bước gian nan. Kẻ ấy tin rằng lời cầu khẩn ấy sẽ không phải là vô ích và ơn ấy sẽ ghi lòng tạc dạ.
Kẻ được hân hạnh dâng lên Bà lớn những lời chúc tụng kính mến nhất, thưa Bà lớn.
ĐÔNG ANVARE
Đại úy kỵ binh quân đội Tây Ban Nha: thuộc phái bảo hoàng,
Hiện tị nạn ở nước Pháp. Kẻ này vì Tổ quốc mà phải lưu vong, nay hết cả tiền bạc nên phải dừng lại ở đây”.
Dưới là chữ ký, không ghi địa chỉ gì hết. Mariuyt hy vọng tìm thấy địa chỉ ở bức thư thứ hai, bức thư này viết như sau:
Kính gửi bà Đơ Môngvecne bá tước phu nhân; phố Cátxét, số nhà…
Mariuyt giở ra đọc:
“Kính thưa bá tước phu nhân,
Kẻ viết là thư này là mẹ sáu đứa trẻ, đứa bé nhất mới được tám tháng. Từ khi sinh cháu bé, thiếp ốm nặng, chồng thiếp bỏ đi từ năm tháng nay, hiện mẹ con thiếp sống trong cảnh cùng cực, không nơi nương tựa.
Thiếp hy vọng ở lòng dân đạo của bá tước phu nhân và xin kính chào phu nhân.
Người đàn bà Badida”.
Mariuyt giở đến bức thứ ba, cũng như hai bức thư trên, bức thư này là một lời kêu xin; bức thư viết như sau:
“Kính gửi ông Pabuốcgiô, cử tri, đại thương gia buôn mũ, phố Xanh Đơni, góc phố Phe.
Chúng tôi xin mạng phép gửi ngài bức thư này để mong ngài giúp đỡ và thương lấy một nhà văn sĩ vừa gửi đến Hý viện nước Pháp một bản kịch. Đề tài là một đề tài lịch sử, chuyện xảy ra ở Ôvecnhơ, dưới thời đế chế. Văn chương, tôi thiết nghĩ, cũng tự nhiên, gọn gàng và có đôi chút giá chị. Có cả bốn đoạn ca xen trong vở kịch. Vở của tôi có đủ tình tiết hài hước, nghiêm trang, đột ngột, theo từng cá tính nhân vật. Một hương vị lãng mạn bàng bạc toàn tác phẩm. Động tác diễn biến bí mật với những tình tiết ly kỳ và kết thúc bằng những kịch cảnh nẩy lửa.
Mục đích chính của tôi là làm thỏa mãng dục vọng hiện sôi nổi trong lòng của thời đại chúng ta, tức là vấn đề Thời chang, cái chong chóng kỳ lạ luôn luôn đổi chiều, mỗi lần có gió mới thổi lên.
Mặc dù những cái hay đẹp ấy, tôi vẫn ngại rằng sự ghen tị, lòng ích kỷ của các nhà văn đã sẵn có đặc quyền lại rìm các tác phẩm của tôi, bởi vì tôi hiểu rằng người ta dành cho những kẻ mới vào nghề đủ mọi điều cay đắng.
Thưa ngài, tôi biết ngài là một vị Mạnh thường quân sáng suốt của giới văn học nên đánh bạo cho con gái tôi đến để giãi bày với ngài tình cảnh khốn khó của tôi, hiện mùa đông này trong nhà củi không, bánh cũng không. Tôi xin ngài cái vinh dự được tặng ngài vở kịch trên, cũng như những vở sau này, chính là vì tôi muốn có hân hạnh được ngài bảo chợ, được nêu tên ngài trên sách của tôi. Nếu ngài ra tay cưu mang tôi lúc này, tôi sẽ viết một bài thơ để tạ ơn ngài. Bài thơ này, tôi cố gắng viết cho thật hoàn hảo để kịp đưa hầu ngài xem, rồi in lên đầu vở kịch và ngâm trên sân khấu.
Kính gửi ông bà lời chào kính trọng
GIĂNG PHƠLÔ, nhà văn.
T.B. Dù chỉ là bốn mươi xu thôi.
Tôi xin lỗi ngài đã phải cho con gái tôi đến hầu ngài, đáng lẽ tôi thân đến mới phải, nhưng quần áo tồi tàn quá, tôi không thể ra đường được…”
Mariuyt mở bức thứ tư. Địa chỉ đề như sau:“Kính gửi cụ có lòng từ thiện ở nhà thờ Xanh Giắc đuy Hôpa”. Chỉ có mấy dòng sau đây:
“Thưa cụ có lòng từ thiện,
Nếu cụ quá bộ đến nhà chúng tôi, cụ sẽ thấy một cảnh hoạn nạn khốn cùng, chúng tôi sẽ trình cụ đủ giấy tờ chứng thực tình cảnh của chúng tôi.
Thấy những giấy tờ ấy, tấm lòng nhân hậu của cụ sẽ dung động một nỗi cảm thương hào hiệp. Xưa nay các bậc hiền triết thường vẫn cảm súc mãnh liệt.
Cụ vốn giàu lòng chắc ẩn, xin cụ cũng hiểu cho rằng con người ta có túng thiếu đến cùng cực và khổ tâm lắm mới xin giấy nhà nước chứng thực cho tình cảnh của mình, để mong được giúp đỡ chút nào, làm như thể là mình không được tự do đau khổ, tự do chết đói.
Số mệnh đối với một số người thì quá tàn nhẫn, đối với những người khác lại quá dễ dãi, luôn luôn phù trợ.
Chúng tôi chờ mong cụ đến đằng nhà chúng tôi hoặc được ít tiền giúp đỡ. Xin kính chào cụ, một bậc chượng phu đại lượng.
Người đội ơn cụ: P.PHABĂNGTU, nghệ sĩ sân khấu”.
Đọc bốn bức thư xong, Mariuyt vẫn không hiểu gì thêm.
Trước hết, những người ký tên đều không đề địa chỉ.
Sau là hình như bốn bức thư do bốn người viết khác nhau: nhà quý tộc Anverét, bà Balida, thi sĩ Giăngphơlô và nghệ sĩ Phabăngtu, nhưng có cái lạ là cũng một thứ chữ.
Chắc chắn là một người viết, không thể khác được. Vả cứ xem cùng một thứ giấy xấu, ngả vàng, cùng một mùi thuốc lá và dù người viết có cố gắng thay đổi giọng văn, nhưng cũng những lỗi chính tả giống nhau, cứ đàng hoàng lặp lại trong bức thư của nhà văn Giăngphơlô cũng như của viên đại úy Tây Ban Nha, thì lời ức đoán trên càng có phần đúng.
Cố sức mà đoán cái việc bí mật nhỏ nhặt này cũng chẳng ích lợi gì. Nếu không phải là vật tìm thấy thì hẳn là một trò đùa nhạo. Mariuyt buồn quá chẳng thấy thú vị gì với cái trò chơi hú họa ấy; chàng tưởng như vỉa hè ngoài phố bày đặt ra cái trò ấy để giễu cợt chàng. Chàng lúng túng với bốn bức thư như đang cười cợt chàng.
Chẳng có gì tỏ rằng những bức thư kia là của hai cô con gái gặp ở phố. Dù sao, những bức thư ấy cũng chỉ là những tờ giấy lộn, chẳng có chút giá trị gì.
Mariuyt để cả vào phong bì, vứt vào một xó rồi đi nằm.
Khỏang bảy giờ sáng hôm sau, chàng vừa dậy, ăn sáng xong, định thử làm việc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Nhà chẳng có gì nên chìa khóa bao giờ cũng móc ở ổ khóa. Họa hoằn một vài khi bận việc khẩn cấp lắm, chàng mới khóa cửa. Ngay những lúc chàng đi vắng, chìa khóa vẫn nằm yên ở cửa. Bà Bugông vẫn bảo chàng:
- Rồi ông đến mất cắp thôi.
Mariuyt trả lời:
- Mất cái gì?
Ấy thế mà một hôm Mariuyt mất một đôi giày cũ: bà Bugông ra vẻ đắc chí lắm.
Lại có tiếng gõ cửa, tiếng gõ nhè nhẹ như lần trước, Mariuyt nói:
- Cứ vào.
Cửa mở.
Mariuyt, mắt không rời quyển sách và những tờ giấy để trên bàn, nói tiếp:
- Bà Bugông hỏi gì đấy?
Một giọng nói, không phải tiếng bà Bugông, trả lời:
- Xin lỗi ông, thưa ông…
Tiếng nói đùng đục, rè rè, khàn khàn như nghẹn ngào, giống như tiếng nói của cụ già bị rượu mạnh làm cho khản giọng.
Mariuyt quay phắt lại thì thấy một thiếu nữ.
***
IV
ĐÓA HỒNG TRONG CẢNH CÙNG KHỔ
Một thiếu nữ trẻ măng đứng ngay giữa cái cửa hé mở. Cái cửa sổ con đối diện với cửa lớn để lọt ánh sáng bên ngoài vào, chiếu lên khuôn mặt cô một thứ ánh sáng nhờ nhờ. Cô xanh xao, gầy gò, hốc hác; cô chỉ phong phanh một cái áo trong và một cái váy, người lạnh cóng run lẩy bẩy. Thắt lưng bằng dây, búi tóc cũng bằng dây; hai vai gầy, giơ cả xương ra ngoài áo. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn, nhìn ngược. Cô có cái dáng một thiếu nữ cằn cỗi và cái nhìn của một mụ gái già dày dặn, năm mươi tuổi pha với mười lăm. Một con người vừa yếu đuối, vừa khủng khiếp làm cho những ai không rớt nước mắt thì phải rùng mình ghê sợ.
Mariuyt đứng dậy, sững sờ nhìn thiếu nữ giống như những hình bóng chập chờn trong giấc mơ.
Điều thương tâm nhất là cô ta vốn không phải sinh ra xấu xí. Trái lại thuở bé thơ, có lẽ cô ta xinh lắm. Cái yêu kiều của tuổi trẻ còn đang chống chọi với già cỗi ghê tởm đến quá sớm, trong cảnh đời trụy lạc, nghèo khổ. Một chút nhan sắc đang tàn tạ trên khuôn mặt mười sáu tuổi, giống như mặt trời vội ùa sau những đám mây khủng khiếp một buổi sớm ngày đông.
Mariuyt trông thiếu nữ cũng hơi quen quen. Hình như đã gặp ở đâu. Chàng hỏi:
- Thưa cô, cô hỏi gì?
Thiếu nữ trả lời, giọng cô giống như giọng một tên tù say rượu:
- Ông có cái thư, ông Mariuyt ạ.
Cô gọi đúng tên chàng. Thế thì chính là cô hỏi chàng, không thể khác. Nhưng cô ta là ai? Làm sao mà biết được tên chàng?
Không cần đợi chàng mời, cô cứ tiến vào. Cô đi mạnh dạn, cô nhìn khắp gian phòng, cả cái giường bừa bộn, rất tự nhiên, khiến chàng thấy lòng se lại. Hai chân cô giẫm đất. Váy thủng nhiều chỗ, để lộ cả ống chân khẳng khiu và đầu gối gầy giơ xương. Cô rét run cầm cập.
Cô đưa cho chàng bức thư cầm ở tay.
Mariuyt mở thư, thấy vết niêm xi to rộng hãy còn ướt. Chắc người gửi thư cũng ở gần đây thôi. Chàng đọc:
“Thưa ông hàng xóm thanh niên đáng mến,
Tôi được biết sáu tháng chước đây, ông có lòng tốt trả hộ tôi món tiền nhà. Tôi cầu mong ông hưởng mọi sự tốt lành. Con gái lớn của tôi sẽ thưa để ông rõ gia đình tôi gồm bốn miệng ăn, vợ tôi thì đang ốm, từ hai hôm nay cả nhà chưa có hột nào vào miệng. Tôi tin rằng tôi có thể hy vọng ở tấm lòng hào hiệp của ông, ông sẽ thương lấy chúng tôi và xẵn lòng ban cho chúng tôi chút gì trong lúc khó khăn này.
Tôi xin kính chào ông, một kẻ ban phúc cho nhân loại.
GIÔNGĐƠRÉT
T.B. Thưa ông, con cháu sẽ đợi lệnh ông”.
Từ hôm qua, Mariuyt vẫn loay hoay với câu chuyện vừa qua kỳ dị, tối tăm, thì bức thư này đến như một ngọn nến thắp lên trong hầm kín. Tất cả như bừng tỏ.
Người viết thư này cũng là người viết bốn bức thư kia. Cũng một thứ chữ, cùng một giọng văn, cùng một lối viết, cùng một thứ giấy, cùng một mùi thuốc lá.
Năm lá thư, năm câu chuyện, năm tên người, năm chứ ký, nhưng chung quy chỉ một người. Viên đại úy Tây Ban Nha Anvare, bà mẹ Balida đáng thương hại, nhà viết kịch Giăngphơlô, lão nghệ sĩ Phabăngtu đều là Giôngđơret cả, nếu Giôngđơret không là một tên giả nốt.
Như ta biết, Mariuyt về ở căn nhà này đã khá lâu, nhưng Mariuyt có mấy khi thấy bóng những người hàng xóm nhỏ mọn sống cạnh chàng. Tâm trí chàng để tận đâu đâu, mà trí ở đâu tức là mắt ở đó. Chắc hẳn chàng đã gặp những người trong gia đình Giôngđơret nhiều lần ngoài hành lang hay dưới cầu thang; nhưng đối với chàng, họ chỉ là những cái bóng. Chàng vô ý đến nỗi tối hôm qua đâm phải hai cô Giôngđơret mà không nhận biết; đích là hai cô, chẳng còn gì khác. Và cũng vì thế mà khi cô này vừa bước chân vào nhà, chàng vừa cảm thấy thương hại, ghê tởm, vừa mang máng nhớ như đã có gặp cô ta ở đâu rồi.
Bây giờ chàng rõ tất cả. Chàng hiểu rằng lão láng giềng trong cơn khốn quẫn, dùng thủ đoạn lợi dụng lòng hảo tâm của những người từ thiện: lão tìm kiếm địa chỉ của những người có vẻ có máu mặt và có vẻ nhân từ, rồi giả danh người này người khác viết thư cho họ, lão sai con gái đi đưa thư, mặc cho chúng ra sao thì ra. Tỉnh cảnh lão buộc lão phải hy sinh con gái. Lão liều một phen với số mệnh, lão đưa con gái vào tấn trò nguy hiểm. Cứ một việc qua, hai cô chạy trốn, thở không ra hơi, chết khiếp, rồi nói mấy câu tiếng lóng. Mariuyt cũng đủ đoán rằng hai cô kia còn làm nghề ám muội gì đây. Thế nên trong xã hội loài người hiện nay mới có những kẻ khốn khổ như thế kia, những người không phải là trẻ con, không phải là thiếu nữ, không phải là bà già. Họ là những quái tượng ô uế và thơ ngây, sản phẩm của đói nghèo.
Những con người ấy sống không tên không tuổi, chẳng ra đàn ông chẳng ra đàn bà, chẳng biết gì là thiện là ác, vừa lớn lên đã mất hết tất cả mọi thứ trên cuộc đời, tự do không, đạo đức không, trách nhiệm cũng không. Những tâm hồn ấy mới hé mở ngày hôm qua, hôm nay đã tàn héo. Giống như những bông hoa rơi ngoài đường, bùn nhơ dây lên be bét, cho đến khi một bánh xe lăn qua nghiến nát.
Trong lúc Mariuyt nhìn thiếu nữ chằm chằm, vừa ngạc nhiên vừa xót xa thì cô ta đi đi lại lại trong phòng, táo bạo như một con quỷ. Cô đi lại lăng xăng, thân thể lõa lồ cũng mặc. Thỉnh thoảng cái áo lại tụt xuống tận bụng. Cô xô bàn ghế, nghịch ngợm cái gương, cái lược trên mặt tủ, sờ mó vào quần áo của Mariuyt, lục lọi các thứ ở trong xó nhà. Cô ta nói:
- Ô kìa! Ông có cái gương!
Cô cất tiếng khe khẽ hát như ở chỗ không người; cô hát vài đoạn ca kịch, mấy điệp khúc nhí nhảnh. Giọng cô khàn khàn trong cổ họng làm cho điệu hát thành ra rợn người. Cái dáng táo bạo của cô như vẫn ngượng ngùng, bâng khuâng, e thẹn, trâng tráo bao giờ chả là một điều hổ thẹn.
Không gì thảm bằng nhìn cô ta nô giỡn trong buồng, như con chim gẫy cánh hay con chim sợ ánh sáng bay tứ tung. Có lẽ nếu số phận đổi khác, hay cô được hưởng một sự giáo dục khác, hẳn dáng điệu tươi vui và tự nhiên của cô sẽ có một vẻ dịu dàng, dễ thương biết bao nhiêu. Trong các loài vật, không bao giờ một con chim bồ câu có thể biến thành con diều hâu. Chỉ có loài người mới như thế mà thôi.
Mariuyt nghĩ ngợi, mặc cho cô ta làm gì thì làm.
Cô đến gần bàn, nói:
- Úi chà! Lại sách nữa này!
Con mắt đục mờ bỗng sáng lên. Giọng cô hớn hở như muốn khoe điều gì, cái giọng ấy không ai nghe thấy mà không cảm động:
- Ấy, em cũng biết đọc đấy nhé.
Cô chụp quyển sách để mở trên bàn và đọc khá trôi chảy:
“Tướng Bôđoăng được lệnh dẫn năm tiểu đoàn đánh chiếm lâu đài Hugômông ở chính giữa đồng bằng Oatéclô…”
Cô ngừng lại nói:
- À! Oatéclô. Em biết rồi. Trận đánh nhau ngày trước chứ gì! Bố em cũng dự đấy nhé. Bố em chả ở quân đội mà! Chúng em, cả nhà ai cũng theo phái Bônapác hết, theo hăng lắm. Oatéclô là chống bọn quân Anh đấy mà…
Cô đặt sách xuống, vớ lấy cái bút, reo lên:
- Em biết viết nữa cơ!
Cô chấm mực rồi quay lại bảo Mariuyt:
- Ông xem đây này. Để em viết cho mà xem.
Chẳng đợi Mariuyt trả lời, cô viết ngay trên một tờ giấy ở giữa bàn mấy chữ: “Bọn cớm đấy”.
Rồi quẳng bút xuống bàn:
- Viết chẳng phạm lỗi gì cả… ông nhìn xem. Hai chị em trước cũng đi học đấy. Trước kia có khổ như bây giờ đâu, chúng em chẳng phải…
Nói đến đây, cô bỗng ngừng lại, con mắt mở chằm chằm nhìn Mariuyt, rồi phá lên cười. Giọng cô có lẫn những nỗi hoang mang đã bị sự trâng tráo bóp nghẹt. Cô kêu:
- Trối thây!
Thế rồi cô lại cất tiếng vui vui khẽ hát:
Đói quá, cha ôi,
Làm gì có cháo.
Rét quá, mẹ ôi,
Làm gì có áo.
Lôlốt
Run run
Giắccô
Sùi sụt
Hát vừa dứt cô đã reo lên:
- Ông Mariuyt này, ông có đi xem hát bao giờ không? Em có đi đấy nhé. Em có thằng em chơi thân với tụi nghệ sĩ, thỉnh thoảng nó cho vé. Em chúa ghét ở cái ghế dài hàng bên; đến khó chịu, chẳng lý thú gì. Lắm người đến thô tục, có khi hôi ghê lắm cơ.
Rồi cô nhìn Mariuyt, ra vẻ lạ lùng, bảo chàng:
- Ông Mariuyt, ông có biết ông xinh trai lắm không?
Hai người cùng nảy ra một ý nghĩ, thiếu nữ mỉm cười, còn Mariuyt đỏ cả mặt.
Cô đến gần Mariuyt, đặt tay lên vai chàng.
- Ông không để ý đến em, chứ em biết ông lắm. Ở nhà thì gặp dưới cầu thang. Em còn có biết ông hay đến nhà cái ông Mabớp, bên cầu Austéclit, em đi chơi đấy gặp luôn. Tóc ông bơ phờ, trông ra dáng lắm.
Cô cố lấy giọng êm ái mà nói, nhưng tiếng cô chỉ bé đi thôi. Mấy tiếng nói mất đi trong miệng, như cây đàn thiếu cung.
Mariuyt se sẽ lùi lại. Chàng nói giọng nghiêm trang và lãnh đạm:
- Thưa cô, tôi nhặt được một gói gì hình như của cô. Xin trả lại cô.
Chàng đưa cái phong bì đựng bốn bức thư cho người con gái.
Cô vỗ hai tay vào nhau kêu lên:
- Thế mà chúng em tìm mãi.
Cô vồ lấy cái gói, vừa mở phong bì vừa nói:
- Trời ơi là trời! Thế mà con bé với em tìm mãi! Hóa ra ông nhặt được. Ở dưới phố phải không? Ở dưới phố chứ gì? Đã bảo mà, lúc chúng em chạy thì rơi mất. Con ranh nó đoảng lắm. Về đến nhà mới thấy mất từ đời nào. Thế là chúng em nói với nhà là đã đưa tuốt cả thư rồi và chẳng ái cho gì để khỏi phải đòn, đòn vô lý, vô lý hết sức, hoàn toàn vô lý. Thế mà khổ thân mày, thư ơi là thư, mày lại lù lù đây rồi. Thế sao ông biết là thư của em? À quên, vì chữ viết mà lị. Thế ra chúng em xô phải ông tối hôm qua à? Có trông thấy quái gì đâu. Em hỏi con bé: “Có phải một ông sang trọng không?” Nó bảo: “Hình như một ông sang trọng”.
Vừa nói, cô vừa mở bức thư xin tiền gửi “ông có lòng từ thiện ở nhà thờ Xanh Sắc đuy Hôpa” rồi nói:
- Này cái thư này gửi lão già vẫn đi lễ. Đến giờ rồi, phải đi ngay mới được. May ra xin được tiền ăn sáng.
Rồi cô lại cười nói thêm:
- Nếu được ăn bữa sáng nay thì ông có biết là thế nào không? Thì tức là được ăn cả bữa sáng hôm kia, bữa chiều hôm kia, bữa sáng hôm qua, bữa chiều hôm qua, ăn dồn cả năm bữa vào bữa sáng hôm nay một thể mà lị. Mẹ kiếp, đứa nào không bằng lòng thì cứ chết mẹ nó đi, đồ chó chết.
Câu nói chợt nhắc Mariuyt nhớ ra thiếu nữ đến đây cốt xin tiền.
Chàng lúc tìm túi ghi lê, chẳng có gì.
Thiếu nữ nói tiếp, hình như không biết Mariuyt có đấy:
- Lắm tối em phải mò đi. Đêm chẳng về nhà nữa. Mùa rét năm ngoái, chưa đến đây ở, chúng em ở ngoài gầm cầu. Cứ ôm lấy nhau cho đỡ buốt. Con bé em em cứ khóc mãi. Trời ơi, nước ôi là nước, sao mà thê thảm thế. Em định nhảy xuống tự tử là em lại nghĩ thầm: rét chết cha! Em đi thui thủi một mình. Lắm khi phải nằm hố. Đêm đi ngoài phố, trông cây cối cứ tưởng cột treo cổ, nhà cửa thì đen ngòm trông to như tháp chuông nhà thờ Đức Bà; tường quét vôi trắng thì trông ra dòng sông, em nghĩ thầm: nước đây này. Những ngôi sao trên trời giống như những ngọn đèn những tối hoa đăng đang bốc khói bị giớ thổi tắt. Em hốt hoảng như nghe thấy ngựa thở bên tai. Đêm khuya, thế mà em nghe thấy tiếng đàn phong cầm, tiếng máy sợi, chẳng biết tại sao. Em tưởng như có ai lấy đá ném em, em cứ thế chạy, mọi vật cứ quay, quay tít cả lên. Lúc đói thì lạ lắm!
Thiếu nữ nhìn Mariuyt vẻ mặt ngơ ngác.
Chàng lục soát các túi, mãi mới được số tiền cả thảy là năm phơrăng mười sáu xu. Cả gia sản chỉ còn chừng ấy. Chàng nghĩ thầm: “Vẫn còn đủ ăn bữa chiều nay, mai hẵng hay”. Chàng giữ lấy mười sáu xu và đưa cho thiếu nữ năm phơrăng.
Cô cầm lấy tiền rồi nói:
- Được, nắng rồi đây.
Rồi hình như ánh nắng có tính chất làm tan trong đầu óc cô cả một đống những tiếng lóng. Cô liến thoắng:
- Năm phơrăng! Chất sáng mà! Hoàng thượng! Trong quán! Nặng đây. Ông là một đầu mục cừ. Tôi cảm quá trong ức này. Hoan hô thứ lóc có đó. Hai hôm có cái lũm. Có cao su! Có cái dòn. Có cái nhai nhậu rồi!
Cô kéo cái áo lên vai, cúi chào Mariuyt, rồi vẫy tay thân mật, vừa bước ra vừa nói:
- Chào ông. Để em về đưa ông via nhà em.
Qua cái tủ, cô thấy một mẩu bánh đã khô, mốc meo, bám đầy bụi. Cô vồ lấy, cắn một miếng, miệng lầm bầm:
- Hay quá! Mà rắn bỏ cha! Gãy mẹ nó cả răng.
Rồi cô đi ra.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 5 + 6

LỖ HỔNG CHÚA TRỔ TRÊN VÁCH

Từ năm năm nay, Mariuyt đã sống trong cảnh nghèo nàn, hoàn toàn thiếu thốn, nhiều khi khổ cực nữa, nhưng chàng chưa hề biết thế nào là cảnh khốn cùng thực sự. Cảnh khốn cùng, chàng vừa nhác thấy. Thấy ở con bọ vừa bò qua dưới mắt chàng. Thấy một người đàn ông trong cảnh khốn cùng là chưa thấy gì hết, phải thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà: mà chỉ thấy cảnh khốn cùng của người đàn bà cũng là chưa thấy gì hết, phải thấy một đứa trẻ trong cảnh khốn cùng.
Khi người ta đã đến bước đường cùng thì người ta phải sử dụng những phương tiện cuối cùng. Vô phúc cho những kẻ không sức tự vệ sống quanh họ. Công ăn việc làm, đồng củi, tấm bánh, lòng can đảm, cho cả đến thiện chí, họ đều thiếu tuốt. Bên ngoài, cảnh trời sầm lại; trong lòng người cái ánh sáng đạo dức cũng tắt ngấm. Trong vùng bóng tối ấy, kẻ đàn ông cùng đường nếu vớ được đàn bà và con trẻ yếu đuối, lập tức vùi dập họ vào những nơi ô nhục.
Thế là người ta lao vào tất cả những việc khủng khiếp. Tuyệt vọng quây bằng những vách mỏng mảnh, những vách đó đều mở cửa vào tật xấu và tội ác.
Sức khỏe, tuổi thơ, danh dự, những e gại rụt rè thiêng liêng và ghê gớm của da thịt còn trong trắng, trái tim trinh tiết, thẹn thùng, lần da ngoài của tâm hồn, tất cả đều bị cái mò mẫm liều lĩnh đi tìm sinh kế lợi dụng, dày vò, dẫn tới ô nhục, rồi quen đi. Cha mẹ, con cái, anh em, chị em, đàn ông, đàn bà, con gái, tất cả gắn chặt với nhau như một khối kim loại hay một cái mớ hỗn độn, mờ mịt, lẫn lộn trai gái, họ hàng, già trẻ, ô nhục, trong trắng. Họ ngồi xổm, lưng sát vào nhau trong một cái ổ số phận tồi tệ. Họ nhìn nhau thê thảm. Ôi những con người xấu xố, xanh xao, rét mướt! Hình như họ ở một hành tinh xa mặt trời hơn trái đất chúng ta nhiều lắm.
Thiếu nữ lúc nãy như một sứ giả của bóng tối đến với chàng.
Cô phơi bày một phía ghê tởm của đêm tối.
Mariuyt gần như tự trách mình quá đắm đuối trong mơ mộng, trong yêu dương, đến nỗi không nhòm ngó gì tới những kẻ hàng xóm. Trả một món tiền nhà, đó chỉ là một cử chỉ máy móc, ai mà không làm được! Mariuyt phải làm hơn thế chứ! Lạ nhỉ, chỉ một bức tường ngăn cách chàng với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ sống vất vưởng trong bóng tối, bên ngoài nhân loại, chàng thì như cái mắt xích cuối cùng nối liền họ với loài người, chàng vẫn thấy họ sống, đúng hơn, vẫn nghe thấy tiếng họ rên rỉ bên cạnh chàng, thế mà chúng không hề biết đến.
Ngày kia qua ngày nọ, lúc nào qua bức vách, chàng cũng nghe thấy họ đi lại, nói năng, mà không để vào tai; trong những lời nói ấy, có những tiếng rên rỉ, mà chàng cũng chẳng nghe. Ý nghĩ của chàng để tận đâu đâu, trong mơ mộng, ở những hào quang không tới được những tình yêu không tưởng, những điên rồ; thế mà có những con người, những anh em của chàng trong xương thịt chúa Giêsu; những anh em của chàng trong nhân dân đang ngắc ngoải bên cạnh chàng chẳng được ích gì! Chàng cũng là một phần tai họa cho họ và làm cho họ đau khổ thêm. Vì nếu họ có một người láng giềng ít mơ mộng hơn và để ý đến họ hơn, một người bình thường và từ thiện, thì chắc chắn cảnh cùng quẫn của họ đã được để ý, những tín hiệu tuyệt vọng của họ đã được nhận thấy và từ lâu rồi họ đã được đón đi và được cứu vớt. Đúng là họ có vẻ trụy lạc, xấu xa, hèn hạ, ghê tởm nữa, nhưng có mấy người rơi vào cảnh bần cùng mà không mất mất phẩm giá? Vả lại có một điểm mà những người xấu số và những kẻ xấu xa hòa vào nhau, lẫn lộn trong một danh từ khắc nghiệt: những người khốn nạn… lỗi tại ai? Vả lại, chẳng phải là khi sự sa sút sâu nhất thì lòng từ thiện cần phải lớn nhất sao?
Trong khi tự lên lớp cho mình bài học luân lý ấy – có những trường hợp mà Mariuyt, cũng như tất cả những tấm lòng thật lương thiện, biến thành những thầy giáo đạo đức của chính mình và tự quở trách mình quá nặng – Mariuyt nhìn cái bức vách ngăn cách chàng với gia đình Giôngđơret, như có thể cho cái mắt nhìn đẩy tình thương của mình xuyên qua bức vách và làm ấm lòng những người đau khổ ấy.
Bức vách, chỉ là mấy cái rường gỗ, nan thưa trát vôi mỏng, ở bên này nghe người bên kia nói rõ mồn một; phải là người mơ mộng như Mariuyt mới không nghe thấy gì hết. Vách dựng đơn sơ cẩu thả, bên phía buồng Giôngđơret cũng như phía buồng Mariuyt, chẳng dán giấy gì cả. Vô tình, chàng nhìn kỹ bức vách; có khi con mắt mơ màng cũng trông tìm quan sát như con mắt suy nghĩ. Chàng bỗng đứng phắt dậy. Chàng vừa thấy ở phía trên, gần trần nhà, một cái lỗ hổng hình tam giác, giữa ba nan gỗ, vôi vữa đã rơi từ bao giờ. Trèo lên cái tủ mà nhòm qua lỗ hổng có thể nhìn sang buồng nhà Giôngđơret được. Lòng trắc ẩn thường tò mò và cần phải tò mò. Cần phải nhìn trộm những kẻ xấu số mà cứu vớt họ. Mariuyt nghĩ bụng: Thử xem người ta thế nào và bây giờ ra sao.
Chàng trèo lên nóc tủ, ghé mắt nhòm qua khe hở.
***
VI
CON – NGƯỜI – THÚ TRONG HANG
Ở thành thị cũng như ở trong rừng, bao giờ cũng có những cái hang dùng làm nơi ẩn nấp cho những cái gì hung ác và ghê gớm nhất. Có điều ở thành thị, cái gì có hung dữ, nhuốc nhơ, nhỏ bé tức là xấu, mới cần trốn ẩn; còn ở trong rừng thì cái hung dữ, hoang dã và to lớn, tức là cái đẹp, lại đi trốn ẩn. Cũng là hang, nhưng hang thú còn hơn hang người. Hang ổ của loài thú dữ có giá trị hơn nhà ổ chuột.
Cái mà Mariuyt nhìn thấy là một cái nhà ổ chuột.
Mariuyt túng thật, buồng chàng ở nghèo thật; nhưng trong cảnh nghèo túng, chàng vẫn giữ được vẻ sang trọng, căn buồng vẫn sạch sẽ. Còn cái buồng chàng đang nhìn thì đê tiện, bẩn thỉu, hôi hám, tối tăm, nhớp nhúa quá. Đồ đạc chỉ có cái ghế rơm, một cái bàn gãy chân, vài mảnh bình vỡ, ở hai góc, hai cái giường rách nát không tả xiết. Ánh sáng thì chỉ lọt qua có một cái cửa sổ gồm bốn tấm kính và giăng đầy mạng nhện. Vừa đủ ánh sáng lờ mờ để cái mặt người nom thành mặt ma. Tường như bị hủi, đầy những nốt rỗ, vết sẹo, kinh khủng. Tường nhâm nhấp một thứ nước như nhử mắt. Trên tường có những hình vẽ thô tục bôi nguệch ngoạc bằng than.
Buồng Mariuyt còn có sàn gạch vỡ nát; sàn buồng bên thì chẳng lát gạch, cũng chẳng lát ván. Cứ giẵm bừa trên vôi gạch lổn ngổn đen mà đi. Bụi đóng bánh trên nền đất lởm chởm chưa biết đến cái chổi là gì. Giày dép cùng giẻ rách lù lù từng đống ghê tởm. Dù sao thì cũng có một cái lò sưởi, nên mỗi năm phải trả bốn mươi phơrăng. Thôi thì đủ mọi thứ trong lò sưởi, nào bếp, nào nồi, mảnh ván, giẻ mắc trên đinh, một cái lồng chim, tro than, cả một ngọn lửa nữa. Hai que củi buồn bã nhả khói.
Trông gian buồng thêm sợ vì buồng rất rộng. Lại lủng củng những chỗ lồi ra, những góc tường ăn lấn vào, những lỗ sâu thăm thẳm, mái nhà khấp khểnh, nhô ra, thụt vào. Vì thế buồng đầy những góc sâu hoắm, tưởng như những con nhện to bằng nắm tay đang nằm gọn bên trong, cả những con mọt to bằng bàn chân nữa và biết đâu chẳng có những con người ma quái nào!
Một cái giường kê gần cửa, cái thứ hai kê sát cửa sổ, đầu giường kề lò sưởi, ngay trước mặt Mariuyt.
Trong một góc, bên cạnh cái khe Mariuyt nhòm sang, một bức tranh tô màu, khung gỗ đen, treo trên tường, bên dưới ghi mấy chữ to tướng: Giấc mộng. Tranh vẽ một người đàn bà và một em bé cùng ngủ, đứa bé trong lòng người đàn bà, một con phượng hoàng bay trong mây, mỏ cặp một vòng hoa, người đàn bà giơ tay gạt vòng hoa ra ngoài đầu đứa bé, mắt vẫn nhắm. Xa xa Napoleon đứng trong vành hào quang, mình tựa vào một cái trụ màu xanh, đỉnh trụ màu vàng, trên trụ có ghi mấy chữ sau đây:
Maranhgô
Ôtxterlit
Lêna
Vagơrammơ
Elô
(tên những chiến thắng lớn của Napoleon. Những chữ này, chủ nhân viết với nhiều lỗi chính tả)
Bên dưới bức tranh, một tấm biển gỗ hình chữ nhật đặt dưới đất, úp nghiêng vào tường. Hình như một bức tranh đặt quay lưng lại, một cái khung tranh bôi vẽ ở phía trước, hay một tấm biển gỗ tháo ở tường ra, chưa kịp treo lại.
Mariuyt thấy một người trạc sáu mươi tuổi, nhỏ người, gầy gò, tái mét, trông dữ tợn, có vẻ giảo quyệt, tàn nhẫn, nét mặt lo nghĩ. Rõ ra một thằng vô lại gớm ghiếc. Hắn ngồi ở một cái bàn có cả bút mực giấy.
Nếu Lavate (nhà triết học và giáo lý Thụy Sĩ, thế kỷ 18, sáng tạo một thứ thuật xem tướng qua diện mạo) nhìn vào bộ mặt này sẽ thấy mặt một con kên kên hòa mặt biện lý. Con chim ăn thịt và con người quan tòa bổ sung cho nhau, làm cho nhau thêm xấu xí. Con người tòa án làm cho con chim ăn thịt ô xú, con chim ăn thịt làm cho người tòa án trở nên ghê tởm.
Hắn có một chòm râu dài lốm đốm bạc. Hắn mặc một cái áo trong của đàn bà, hở cả ngực, cả tay lông lá xồm xoàm, một cái quần cháo lòng, chân xỏ một đôi giày ống, ngón chân thò cả ra ngoài.
Miệng hắn ngậm một cái tẩu. Trong nhà không có một miếng bánh, nhưng vẫn còn thuốc lá.
Hắn viết, có lẽ lại là một bức thư như kiểu các thư Mariuyt đã đọc.
Ở góc bàn, có một cuốn sách đã nát, màu đỏ đỏ; nhìn cuốn sách khổ gấp 12 kiểu cũ, như thường thấy ở các phòng đọc sách, có thể biết là cuốn tiểu thuyết. Bìa sách in hàng chữ to: “Chúa, vua, danh dự, phụ nữ”, tác giả: “Đuycơrê Đuyminin, 1814”.
Vừa viết, hắn vừa nói to, Mariuyt nghe thấy những lời sau đây:
- Ở đời này, đến chết cũng không có bình đẳng. Hãy vào nghĩa trang Pe – Lasedơ mà coi. Những ông lớn bà lớn, những người giàu có, thì chôn cất bên trên, bên những con đường lát đá, trồng hoa kim hợp. Xe ngựa đưa họ đến nơi ấy. Kẻ nghèo hèn, kẻ khổ cực, người ta xếp họ ở bên dưới, nơi bùn lầy ngập đến đầu gối, người ta nhét họ vào hang hố, vào nơi ẩm thấp. Vứt họ ở đấy cho xương thịt chóng tiêu tan. Đến viếng mộ họ, tất phải thụt xuống bùn lầy.
Đến đây, hắn ngừng lại, nắm tay đấm xuống bàn rồi vừa nghiến răng vừa nói:
- Trời! Ta có thể ăn thịt loài người được đi!
Một mụ đàn bà to lớn không biết bốn mươi hay một trăm tuổi ngồi xổm cạnh lò sưởi.
Mụ cũng chỉ mặc một cái áo trong và một cái váy bằng vải vá chằng vá đụp những mụn dạ cũ. Mụ đeo một cái tạp dề vải thô che lưng chừng váy. Tuy mụ cúi gập người xuống và co ro lại, nhưng cũng thấy mụ rất cao lớn. Mụ như một mụ khổng lồ bên cạnh anh chồng. Tóc mụ vàng hung đã đốm bạc trông gớm chết. Thỉnh thoảng mụ lại lấy bàn tay bóng nhẫy, móng bèn bẹt, hất mớ tóc lên.
Cạnh mụ, một cuốn sách mở tung đặt dưới đất, cũng một khổ như cuốn sách trên, có lẽ cùng một bộ tiểu thuyết.
Trên một cái giường, Mariuyt thấy một con bé xanh xao, dài ngoằng ngoẵng; nó gần như chẳng có áo quần gì, chân buông thõng xuống; nó như chẳng nghe, chẳng nhìn, chẳng thấy gì cả, như cái xác không hồn.
Chắc con bé là em gái cô thiếu nữ sang buồng chàng lúc nãy.
Cô bé trạc mười một, mười hai tuổi. Nhìn kỹ thì có lẽ đến mười lăm cũng nên. Chính tối hôm qua, cô ta đã kêu:
“Thế là tẩu, tẩu, tẩu bán sống bán chết!”
Cô thuộc loại cây yếu ớt, chậm mọc, rồi đùng một cái, lớn vượt lên. Cảnh nghèo đói đã tạo nên những con người giống loài cây đáng thương như vậy. Hạng người ấy chẳng có tuổi thơ ấu, cũng chẳng có tuổi thanh niên. Mười lăm tuổi còn là con nít, đến mười sáu đã như hai mươi. Bây giờ là đứa trẻ, ngày mai đã đứng tuổi. Hình như họ bước sải trên cuộc đời cho chóng chết.
Lúc này thì cô bé vẫn còn có vẻ một đứa trẻ.
Trong gian buồng này, chẳng có gì tỏ ra là người ta có công ăn việc làm cả. Không có khung cửi, không có guồng quay sợi, một tí dụng cụ cũng không. Trong xó buồng, mấy thanh sắt có vẻ ám muội. Cái vẻ chểnh mảng buồn thiu này là kết quả của tuyệt vọng và báo hiệu cơn hấp hối.
Mariuyt nhìn kỹ căn buồng ảm đạm này; nó còn khủng khiếp hơn một ngôi mộ, vì ở đây linh hồn con người còn lay động và sự sống còn thoi thóp.
Cảnh tượng những người nghèo khổ bò lê la trong cái ổ chuột, trong hầm, trong cái hố thấp lè tè không hẳn là cảnh tượng một nấm mồ; nó mới chỉ là cái phòng đợi vào mồ. Những cũng như những kẻ giàu sang thường phô trương vàng ở ngoài cửa lâu đài của họ, thần chết cũng đặt những nỗi khốn cùng nhất ở cái gian phòng đợi ấy.
Lão già ngồi bàn thôi không nói nữa; mụ vợ im lìm, cô bé hình như không thở. Tiếng ngòi bút chạy trên giấy sột soạt.
Lão nói lầm bầm, tay không ngừng viết:
- Chó! Chó! Chó má tuốt!
Gần đúng câu kết oán thân của Xalômông. Mụ vợ nghe thấy, thốt ra một tiếng thở dài não nuột. Mụ bảo chồng:
- Thôi, mình ạ, mình hãy bình tĩnh. Mình ơi, đừng buồn quá thế. Mình gửi thư cho những đứa ấy làm gì.
Trong cảnh khốn cùng, người ta dịch lại gần nhau cho ấm, cũng như trong cơn rét; nhưng trái tim thì xa nhau ra. Cứ xem cách ăn nói, cũng thấy xưa kia hẳn mụ đã hết lòng thương yêu chồng; nhưng mối tình ấy có lẽ đã tàn vì những lời trách móc nhau hàng ngày, trong cảnh cơ cực đè trĩu xuống mọi người trong gia đình. Đối với chồng, trong người mụ, chỉ còn mớ tro tàn của tình yêu. Thế những cách âu yếm gọi chồng ngày nay mụ vẫn còn giữ được. Miệng mụ vẫn thường nói với chồng: “Mình ơi… cậu ạ… anh của em…” nhưng lòng mụ đã nguội lạnh.
Lão kia lại cắm cúi viết.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 7 + 8

CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT

Mariuyt, ngực nghẹt thở, toan xuống khỏi cái đài quan sát bất ngờ thì chợt nghe một tiếng động làm chàng đứng yên tại chỗ.
Cửa phòng vừa mở thình lình.
Cô con gái lớn bước vào. Chân đi đôi giầy đàn ông to sù, đầy bùn, bùn bắn lên cả mắt cá đỏ hỏn, mình khoác một cái áo ngoài rách bươm. Mariuyt không thấy chiếc áo khoác ấy khi cô ta vào buồng chàng một giờ trước đây, có lẽ cô đã cởi chiếc áo để ngoài cửa buồng cho Mariuyt thương hại, lúc trở ra mới lại mặc. Cô đi vào phòng, đẩy cánh cửa cho khép lại, dừng lại thở hổn hển, rồi kêu lên vui mừng, đắc thắng:
- Ông ấy đến.
Người cha ngẩng lên nhìn, người đàn bà quay đầu lại, cô bé con vẫn ngồi im. Người cha hỏi:
- Ai đến?
- Ông sang trọng ấy.
- Nhà từ thiện à?
- Vâng.
- Ở nhà thờ Xanh Giắc?
- Vâng.
- Cái lão già ấy à?
- Vâng.
- Hắn sắp đến hử?
- Ông ấy đi theo tôi.
- Mày chắc không?
- Chắc chứ.
- Hắn đến đây thật à?
- Ông ấy đi xe đến.
- Đi xe! Hắn là một triệu phú!
Người cha đứng dậy:
- Mày chắc thế à? Nếu hắn đi xe sau mày lại về trước? Mày có bảo địa chỉ không? Có dặn là cửa buồng cuối hành lang, bên phải không? Quý hồ hắn đừng nhầm thôi. Mày đến nhà thờ tìm nó phải không? Hắn có đọc bức thư của tao không? Hắn bảo gì mày?
- Chao ôi! Sao ông già vội vàng thế? Thế này, tôi vào nhà thờ, ông ấy vẫn ngồi ở chỗ cũ, tôi chào rất lễ phép và đưa ông ấy bức thư. Ông ấy đọc rồi hỏi tôi: cháu ở đâu? Tôi bảo: thưa ông, để cháu dẫn ông đến nhà cháu. Ông ấy bảo: không! Cho tôi biết địa chỉ, con gái tôi còn phải đi mua ít đồ dùng, tôi sẽ đi xe và về kịp lúc cháu về. Tôi nói địa chỉ, nghe thấy địa chỉ ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên, do dự một lát rồi bảo: cũng được, tôi sẽ đến. Giảng kinh xong, tôi thấy ông đi cùng với con gái ông ở nhà thờ ra rồi cùng lên xe. Tôi đã bảo rõ là ở cuối hành lang, cửa buồng bên phải.
- Sao dám chắc là hắn sẽ đến?
- Tôi đã thấy cái xe ở phía phố Pơti Băngkiê chạy tới, vì thế tôi phải chạy vội về.
- Sao lại biết là chiếc xe ấy?
- Tôi nhớ số xe.
- Số bao nhiêu?
- 440.
- Được, mày là một đứa con gái thông minh đấy!
Cô con gái mạnh bạo nhìn thẳng mặt bố và giơ đôi giày ở chân lên bảo:
- Con gái thông minh, có lẽ, nhưng tôi bảo bố là tôi không đi đôi giày này nữa đâu, vừa hại sức khỏe vừa bẩn. Không gì khó chịu bằng đế giày cứ nhóp nhép những nước, lúc nào cũng kêu kịt, kịt, kịt suốt dọc đường. Thà đi đất còn hơn.
Người cha trả lời dịu dàng khác hẳn lời gắt gỏng của cô con gái:
- Con nói phải nhưng không có giày chúng nó không cho con vào nhà thờ. Kẻ nghèo phải có giày dép.
Rồi hắn nói tiếp một cách chua cay: “Người ta không xéo đất vào nhà chùa”. Hắn lại quy trở về câu chuyện đang làm hắn băn khoăn:
- Con có chắc là hắn đến không? Chắc thật không?
- Ông ấy đến ngay đây này, sau con mấy bước thôi.
Người đàn ông đứng phắt dậy. Mặt hắn sáng ngời lên?
- Mẹ mày này! Nghe rõ chưa? Nhà từ thiện đến đấy. Tắt lửa đi.
Người vợ kinh ngạc, không động đậy.
Người cha nhanh như một người làm xiếc, vớ ngay cái lọ mẻ trên lò sưởi và đổ nước vào ngọn lửa, rồi quay bảo con gái lớn:
- Còn mày rút rơm ở ghế ra.
Cô con gái không hiểu gì cả.
Hắn nắm lấy chiếc ghế, dận gót chân xuống, thế là chiếc ghế bật tung rơm ra, cẳng chân hắn tụt qua chiếc ghế.
Vừa rút chân ra, hắn vừa hỏi con gái:
- Trời lạnh không?
- Lạnh lắm. Có tuyết.
Người bố quay lại phía đứa con gái nhỏ và thét lớn như sấm:
- Nhanh lên! Tụt hỏi giường ngay, đồ chảy thây: mày không được trò trống gì cả à? Đập vỡ một miếng kính đi!
Đứa nhỏ nhảy xuống đất, run cầm cập. Hắn lại nói:
Đập một miếng kính đi.
Đứa nhỏ ngơ ngác. Người bố lại gắt:
- Mày nghe ra chưa? Tao bảo mày đập một miếng kính mà!
Đứa nhỏ sợ hãi vâng lời, kiễng chân với lên đấm một cái vào miếng kính. Mảnh kính vỡ rơi loảng xoảng.
- Được rồi, - anh ta phán.
Người cha vừa nghiêm nghị vừa gắt gỏng. Mắt hắn liếc nhìn khắp gian phòng tiều tụy. Trông như một viên tướng kiểm tra đội ngũ lần cuối cùng trước khi xuất trận.
Người mẹ, từ nãy chưa nói một lời, nhổm dậy và chậm chạp hỏi chồng, giọng nói âm thầm, mỗi lời như đọng lại:
- Mình ơi! Mình định làm gì thế?
Người chồng trả lời:
- Cứ nằm xuống giường.
Giọng nói cương quyết, không thể thảo luận. Người mẹ tuân lệnh, nằm vật xuống giường.
Ở một xó buồng, có tiếng khóc nức nở. Người cha hỏi:
- Cái gì thế hử?
Đứa gái nhỏ, vẫn co ro trong xó tối giơ nắm tay chảy máu ra. Khi đấm mảnh kính, tay đứa bé bị thương, nó chạy về cạnh giường mẹ và ầm ĩ khóc.
Tức thì người mẹ nhỏm dậy kêu lên:
- Đã thấy chưa! Mình rõ rồ dại! Con bé đập miếng kính toạc cả tay.
Người chồng trả lời:
- Càng hay! Biết trước rồi.
Người vợ hỏi:
- Sao lại càng hay?
- Im! Tao phế bỏ quyền tự do ngôn luận.
Rồi hắn xé chiếc áo sơ mi đàn bà hắn đang mặc, lấy một miếng vải buộc vội vàng bàn tay đẫm máu của đứa con.
Làm xong hắn nhìn lại chiếc sơ mi rách, có vẻ vui thích.
- Cái sơ mi này nữa, hợp lắm!
Một luồng gió lạnh buốt thổi qua miếng kính vỡ vào trong phòng. Sương mù bên ngoài cũng vào theo và lan ra cả phòng như những sợi bông trắng có những ngón tay vô hình đang kéo tới ra. Qua miếng kính vỡ thấy tuyết rơi bên ngoài. Cái rét mà mặt trời ngày lễ Săngđơlơ báo hiệu hôm trước đã về. Người cha liếc nhìn xung quanh như xem còn thiếu cái gì không. Hắn lấy một chiếc xẻng cũ, đổ gio lên những mẩu củi ướt che lấp hẳn đi.
Rồi hắn ngẩng lên nói như nói với lò sưởi:
- Bây giờ chúng ta có thể đón nhà từ thiện được rồi.
***
VIII
TIA SÁNG TRONG Ổ CHUỘT
Cô gái lại gần và đặt bàn tay trên bàn tay người bố:
- Bố xem tay tôi lạnh không?
- Chà, tao còn lạnh bằng mấy thế nữa.
Người mẹ cất to tiếng, sôi sục:
- Cái gì ông cũng hơn người cả. Cả cái độc ác nữa.
- Câm nào!
Người chồng vừa nói vừa quắc mắt nhìn vợ. Người vợ câm miệng.
Trong phòng có một lúc im lặng. Cô gái lớn thản nhiên vò, gỡ những vết bùn ở gấu áo khoác, cô gái nhỏ vẫn thút thít khóc.
Người mẹ ôm đầu đứa con gái nhỏ hôn hít, dỗ dành:
- Thôi mẹ xin, cưng ạ, không việc gì đâu, đừng khóc nữa bố con nổi giận lên bây giờ.
Người bố nói to:
- Không sao, cứ khóc, cứ khóc, càng tốt.
Rồi quay lại cô gái lớn, hắn bảo:
- Hừ! Hắn không đến à! Hay là hắn không đến thật. Thế là lửa tắt, ghế thủng, áo rách, kính vỡ vô ích.
Người mẹ nói thì thào:
- Và con bé bị thương.
Người bố nói tiếp:
- Mẹ con mày có thấy không? Lạnh cắt da trong cái ổ chó này! Thế mà hắn không đến! Hừ! Bắt người ta chầu chực thế này! Chắc chắn bảo rằng cho chúng nó đợi, trời sinh chúng nó ra để chờ đợi mà! Trời! Sao mà tao ghét chúng nó thế, ghét cay, ghét đắng, nếu mà bóp cổ cái bọn nhà giàu ấy được thì tao vui sướng, hân hoan, khoái chá, hể hả, bóp cho chúng chết, chết hết cả, chết tiệt. Cái bọn giàu có ấy, bọn xưng là từ thiện ấy làm trò, làm vè, đi lễ đi bái, đi cầu đi cúng; chúng nó cứ tưởng chúng nó là thượng lưu, khinh rẻ người ta; làm phúc cho chúng ta mấy cái quần áo, mấy cái giẻ rách không đáng vài xu, mấy miếng bánh khô! Đồ chó chết, tao không thèm những cái ấy. Tao cần tiền, tiền, tiền kia. Nhưng tiền thì chúng nó không bao giờ cho; chúng nó bảo cho tiền chúng tao uống rượu hết, chúng ta là đồ nghiện ngập; đồ lười biếng. Thế chúng nó, chúng nó thì sao? Xưa kia chúng làm gì? Là quân ăn cắp! Không ăn cắp sao lại giàu? Phải tung hê tất cả cái xã hội này đi, như nắm bốn góc chiếc khăn bàn mà tung lên trời cho tan nát hết, cho sạch sành sanh hết. Thà thế còn hơn. Còn cái thằng cha phúc đức ấy! Nó có đến không? Hay là thằng chó chết quên mất địa chỉ rồi. Tao cuộc là thằng già ấy…
Đúng lúc đó có người gõ cửa nhè nhẹ, hắn nhảy vội ra mở cửa, cúi gập người xuống chào, vui cười, niềm nở, kính cẩn và kêu lên:
- Mời ngài vào! Xin mời ngài quá bộ vào, ngài ân nhân kính mến của chúng tôi, xin mời quý tiểu thư xinh đẹp vào.
Một ông già và một thiếu nữ hiện lên trên ngưỡng cửa.
Mariuyt vẫn ở trên chỗ cũ. Cảm tưởng của chàng lúc này thật không lời nào nói được.
Chính là Nàng!
Ai đã yêu mới hiểu được tất cả ý nghĩa chói lọi của bốn chữ cái làm nên cái tiếng thiêng liêng ấy: Nàng!
Chính là nàng thật. Mắt Mariuyt bỗng nhiên mờ đi sau một làn hào quang rực rỡ. Nàng hiện ra mờ ảo sau vầng hào quang ấy. Chính là nàng, con người dịu dàng bấy lâu vắng bóng, ngôi sao đã soi sáng đời chàng sáu tháng trời, con mắt ấy, cái miệng ấy, khuôn mặt rỡ ràng ấy khi biến đi đã làm cho đời chàng âm u như đêm tối. Hình ảnh biến đi bây giờ lại xuất hiện. Mà xuất hiện trong cái bóng tối này, trong gian phòng tồi tàn này, trong cái ổ chuột kinh khủng này!
Mariuyt xúc động run bắn người lên. Ôi! Nàng ở kia! Tim chàng đập mạnh khiến mắt chàng hoa, chàng thấy nước mắt muốn trào ra. Thật ư, lại được gặp nàng ư? Sau bao nhiêu ngày đáy bể mò kim. Chàng cảm thấy như người đã mất linh hồn nay lại hoàn hồn.
Nàng vẫn như xưa, chỉ hơi xanh một chút, nét mặt thanh tú trong vành chiếc mũ nhung tím, thân nàng lẩn trong chiếc áo khoác xa-tanh màu đen. Dưới chiếc áo dài thấy rõ bàn chân nhỏ bé, gọn gàng trong chiếc giày thêu. Nàng vẫn đi với ông Lơ Blăng.
Nàng bước mấy bước vào trong phòng và đặt một cái bọc khá to trên bàn.
Cô Giôngđơret lớn đứng nấp sau cánh cửa, mắt lầm lầm nhìn chiếc mũ nhung, cái áo khoác lụa, cái bộ mặt xinh đẹp và sung sướng kia.



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 9 + 10

GIÔNGĐƠRET HẦU NHƯ MUỐN KHÓC

Gian phòng tối quá, người ở ngoài mới bước vào tưởng như đi vào một cái hầm. Hai người lạ bước vào rụt rè, không nhận rõ những hình người xung quanh, trái lại những người trong phòng quen sống trong bóng hoàng hôn ấy nhìn rõ từng nét mặt họ. Ông Lơ Blăng, vẫn đôi mắt hiền từ và buồn rầu, lại gần Giôngđơret và nói với hắn:
- Ở trong bọc này có ít quần áo mới, bít tất và chăn len.
Giôngđơret cúi rạp xuống tận đất:
- Ngài ân nhân phúc đức, cho chúng tôi hậu quá!
Rồi, trong khi hai người khách đang để ý xem xét cái gian phòng tiều tụy ấy, hắn ghé vào tai cô gái lớn nói nhỏ và nhanh:
- Hừ! Tao đã bảo mà: lại quần áo, chứ tiền gì! Chúng nó cùng một giuộc cả. À, cái bức thư đưa cho lão già ngớ ngẩn ấy, tao ký tên gì nhỉ?
Cô con gái trả lời:
- Phabăngtu.
- Nghệ sĩ sân khấu, được rồi.
May cho Giôngđơret, đúng lúc ấy ông Lơ Blăng quay lại nói với hắn, vừa nói vừa ngập ngừng cố nhớ ra tên hắn:
- Tình cảnh ông thật đáng ái ngại, ông…
Giôngđơret vội vàng nói tiếp:
- Phabăngtu.
- Ông Phabăngtu, phải rồi, đúng, tôi nhớ ra rồi.
- Nghệ sĩ sân khấu, thưa ngài, chúng tôi đã từng được hoan nghênh.
Giôngđơret tưởng đến lúc phải đoạt lấy cảm tình của nhà từ thiện. Hắn nói với một giọng vừa khoa trương như anh làm xiếc ở phiên chợ vừa cầu khẩn như người ăn mày kêu đường:
- Học trò của nghệ sĩ Tanma (nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp đầu thế kỷ thứ 19) – Bẩm ngài, tôi là đồ đệ của Tanma. Đã có thời oanh liệt, bây giờ thì là lúc tàn tạ. Ngài xem, ngài ân nhân của chúng tôi, đói không bánh, rét không lửa. Khốn nạn, các cháu lạnh thế này mà không có một thanh củi. Chiếc ghế độc nhất thì bục tung, kính thì vỡ, mà trời ghét quá – Mẹ các cháu ốm liệt giường.
- Tội nghiệp bà nhà!
Giôngđơret nói thêm:
- Cháu bé bị thương.
Đứa bé thấy có người lạ, không khóc nữa và đang mải ngắm “cô tiểu thư”. Giôngđơret vừa cấu vào tay đứa bé bị thương vừa nói sẽ:
- Khóc lên, kêu lên!
Hắn làm tất cả những việc đó như một nhà ảo thuật. Đứa bé khóc to lên.
Cô thiếu nữ đáng yêu của Mariuyt, nàng “Uyếcxuyn” của lòng chàng, bước nhanh lại gần đứa bé và nói:
- Tội bé quá, bé yêu.
Giôngđơret nói tiếp:
- Thưa tiểu thư, nắm tay cháu đẫm máu đây này, cháu bị thương vì một cái máy, cháu làm việc ở đó để kiếm sáu xu mỗi ngày. Có lẽ đến phải cưa cánh tay.
Ông lão hoảng hốt kêu lên:
- Thật ư?
Đứa bé tưởng thật khóc rống lên.
Người cha nói:
- Thưa ngài ân nhân, có lẽ phải cưa thật.
Đã một lúc rồi Giôngđơret nhìn nhà từ thiện với một vẻ khác thường. Lần này vừa nói hắn vừa chăm chú nhìn ông ta như cố ý nhớ lại một chuyện cũ. Rồi thừa dịp hai người lạ đang hỏi han đứa nhỏ về bàn tay bị thương, hắn lần lại gần giường vợ nằm, người vợ với vẻ mặt mệt mỏi, ngớ ngẩn. Hắn nói nhanh và khẽ:
- Mẹ nó này, nhìn kỹ lão ấy thử xem.
Rồi hắn quay lại nói với ông Lơ Blăng, vẫn cái điệu kêu van từ nãy:
- Ngài ân nhân! Xin ngài trông xem, tất cả áo xống của tôi chỉ có chiếc sơ mi của vợ, chiếc sơ mi rách giữa ngày đông tháng giá này. Tôi không ra phố được vì không có áo, nếu có quần áo thì tôi đến ngay nữ nghệ sĩ Mác (nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng đầu thế kỷ XIX), cô biết tôi và quý tôi lắm, hình như cô ấy vẫn ở phố Tuađôđam hay sao ấy? Thưa ngài, chúng tôi cùng biểu diễn với nhau ở địa phương. Cùng hưởng vinh quang. Nếu nhà tôi đến thì Xêlimen tất cứu giúp tôi, thưa ngài! Enmia sẽ bố thí cho Bêliđe (nhân vật trong một số hài kịch nổi tiếng của Môlie). Nhưng không, không có gì cả. Một đồng xu nhỏ trong nhà cũng không có. Vợ ốm, không có đồng xu nào! Con bị thương nặng, không có đồng xu nào. Nhà tôi thường nghẹt thở. Đến cái tuổi phải thế, lại còn thêm bệnh thần kinh xen vào. Phải có thuốc thang cho nhà tôi, cho cả con cháu nữa. Nhưng mà y sĩ, dược sĩ thì lấy tiền đâu trả? Không có một đồng một chữ trong nhà! Chỉ cần một trinh thôi cũng đủ cho tôi quỳ xuống mà nhận rồi. Nghệ thuật đã đến bước đường cùng như thế này. Thưa tiểu thư xinh đẹp, thưa ngài ân nhân đại lượng, ngài và cô có biết đâu, ngài và cô đạo đức và nhân từ, làm nức hương thơm ở cái nhà thờ mà con tôi hằng ngày đi cầu nguyện và được nhìn thấy quý dung nhan, ngài và cô làm sao biết được? Thưa ngài, tôi nuôi dạy con tôi theo lẽ đạo. Tôi không muốn cho chúng theo nghề xướng ca. Chao ôi! Nếu mà chúng giở chứng, cái bọn con ranh ấy, thì tôi đâu có đùa! Con cái tôi phải biết thế nào là danh dự, là luân lý, là đạo đức. Ngài thử hỏi các cháu mà xem. Chúng nó phải đi ngay về thẳng. Chúng nó có cha mà. Không như cái ngữ khốn nạn lúc vô gia đình, về sau là vợ khắp thiên hạ. Bắt đầu là cô Không-con-ai-cả, rồi trở thành bà Vợ-mọi-người. Ối dào! Dòng họ Phabăngtu không có những thứ như thế. Nhất thiết tôi phải nuôi dạy nó trong đức hạnh và chúng phải lương thiện, phải dễ thương, phải tin Chúa. Mẹ kiếp! Thưa ngài, ngài có biết ngày mai đây sẽ xảy ra chuyện gì không? Ngày mai mồng 4 tháng hai, ngày ác nghiệt, ngày hẹn cuối cùng của chủ nhà, nếu chiều nay không có tiền trả, thì tôi và con cháu lớn, vợ tôi đang ốm, con tôi đang bị thương, tất cả vợ chồng con cái sẽ bị đuổi ra đường, nằm vỉa hè, mặc mưa, mặc tuyết. Thưa ngài, như thế đấy, tôi còn nợ bốn hạn tức một năm tiền nhà, nghĩa là sáu mươi phơrăng.
Giôngđơret nói dối. Bốn kỳ hạn thì chỉ có bốn mươi phơrăng, hơn nữa hắn có nợ đâu đến bốn kỳ hạn? Mới sáu tháng trước Mariuyt trả giúp cho hắn hai kỳ rồi.
Ông Lơ Blăng móc túi ra năm phơrăng đặt trên bàn.
Giôngđơret có đủ thì giờ lẩm bẩm vào tai con gái lớn:
- Thằng đểu, năm phơrăng, nó cho năm phơrăng thì làm được cái gì? Không đủ trả cái ghế, miếng kính. Ta đã bỏ ra bao nhiêu rồi!
Lúc ấy ông Lơ Blăng đã cởi chiếc áo khoác đen mặc ngoài chiếc áo dài xanh và vắt lên tay ghế.
- Ông Phabăngtu ơi! Tôi chỉ còn năm phơrăng đó trong người, tôi đưa cháu về nhà, tối tôi lại đến; có phải tối nay ông phải trả tiền nhà không?
Mặt Giôngđơret bỗng sáng bừng lên một cách lạ lùng. Hắn vội vàng trả lời:
- Bẩm ngài, tám giờ tối tôi phải mang tiền trả chủ nhà.
- Sáu giờ tôi sẽ đến đây và mang cho ông sáu mươi phơrăng.
- Ôi! Ngài ân nhân quý hóa, - Giôngđơret cuống quýt kêu như thế rồi bảo sẽ vợ:
- Mẹ nó nhìn kỹ lão già nhé.
Ông Lơ Blăng dắt tay con gái quay mặt ra phía cửa, chào:
- Chào các bạn, chiều nay nhé.
Giôngđơret hỏi:
- Sáu giờ ạ?
- Sáu giờ đúng.
Cô gái lớn lúc ấy nhìn thấy chiếc áo khoác ngoài để trên tay ghế, cô nói:
- Thưa ông! Ông bỏ quên cái áo ạ.
Giôngđơret lừ mắt lườm con và nhún vai.
Ông Lơ Blăng quay lại, mỉm cười nói:
- Tôi không bỏ quên đâu, tôi để lại đấy.
- Thưa ngài ân nhân, ngài ân nhân cao cả của tôi, tôi không cầm được nước mắt! Thưa ngài cho phép tôi tiễn chân ngài ra xe.
Ông Lơ Blăng bảo:
- Ông xuống đường thì mặc cái áo này vào. Trời lạnh lắm.
Chẳng phải đợi mời lần thứ hai, Giôngđơret khoác ngay chiếc áo. Cả ba người cùng ra, Giôngđơret đi trước hai người khách.
***
X
GIÁ THUÊ XE NHÀ NƯỚC: HAI PHƠRĂNG MỘT GIỜ
Mariuyt không bỏ qua một tí nào câu chuyện chàng chứng kiến, thế mà thực ra chàng chẳng nhìn thấy gì. Mắt chàng không chút nào rời người thiếu nữ, trái tim chàng như bao bọc lấy nàng từ lúc nàng bước chân vào gian phòng tồi tàn kia. Suốt thời gian nàng ở đấy, Mariuyt tâm hồn như ngất ngây say sưa, không còn để ý đến sự vật gì xung quanh nữa. Chàng đang chiêm ngưỡng trước mắt không phải một thiếu nữ mà là một ánh hào quang khoác áo xa tanh và đội mũ nhung. Sao thiên lang rọi vào trong phòng ấy cũng không làm cho chàng choáng ngợp hơn.
Khi thiếu nữ mở cái bọc, giở những quần áo, chăn ra, ân cần hỏi người đàn bà ốm, âu yếm thăm đứa nhỏ bị thương, chàng theo dõi tất cả những cử chỉ của nàng, cố nghe tiếng nói của nàng. Chàng đã quen đôi mắt, cái trán, cái vẻ đẹp của nàng, thân hình, dáng điệu nàng, nhưng chưa thuộc giọng nói của nàng. Ở vườn Luychxămbua, có lúc chàng như thoáng nghe được nàng nói một vài tiếng nhưng chàng không chắc có phải tiếng nàng như thế không. Chàng có thể chịu giảm thọ mười năm để được nghe tiếng nàng nói, để giữ được trong tâm hồn chàng một chút cái âm nhạc du dương ấy. Nhưng giọng kể lể thảm hại, tiếng nói oang oang của Giôngđơret át cả tiếng nàng. Mariuyt giận vô cùng trong chính lúc say sưa ấy. Mắt chàng ôm ấp lấy nàng. Chàng không thể tưởng tượng được chính con người thần tiên ấy lại đang ở giữa con vật ghê tởm, trong cái ổ kinh khủng này. Thật như một con chim hoàng yến giữa một đàn cóc.
Khi nàng bước ra, chàng chỉ có một ý nghĩ là theo nàng, theo từng bước cho đến khi biết được chỗ nàng ở, không thể lại mất hút nàng một lần nữa sau cuộc tái ngộ kỳ diệu này. Mariuyt từ trên tủ nhảy xuống, cầm mũ, tay đã nắm quả đấm cửa, sắp sửa bước ra rồi chàng chợt nghĩ ra và đứng dừng lại. Hành lang dài, cầu thang đốc, gã Giôngđơret còn kể lể, ông Lơ Blăng có lẽ chưa lên xe, nếu trong hành lang, trên cầu thang hay ở ngưỡng cửa, ông ngoảnh lại và bắt gặp Mariuyt trong cái nhà này, ông sẽ ngạc nhiên như thế nào? Hay là đợi một lát? Nhưng lỡ xe lại đi mất. Mariuyt phân vân. Cuối cùng chàng mở cửa đi ra.
Trong hành lang không còn ai, chàng chạy ra cầu thang. Cầu thang không còn ai, chàng xuống vội cầu thang và ra phố thì vừa kịp trông thấy một cái xe ngựa rẽ ra phố Pơti Păngkiê và đi về Paris.
Mariuyt chạy vội về phía ấy. Đến góc phố chàng lại thấy chiếc xe chạy nhanh xuống phố Múpphơta. Xe chạy đã quá xa, không sao theo kịp. Chạy theo ư? Không được. Người trong xe có thể trông thấy kẻ đuổi theo, người bố sẽ nhận ra chàng, sự may mắn hãn hữu và kỳ diệu: vừa lúc ấy, Mariuyt thấy một chiếc xe ngựa cho thuê của nhà nước đi qua phố, không có khách. Chỉ còn một cách là lên xe ấy để đuổi theo xe kia. Thật là bảo đảm, không sợ bị lộ.
Mariuyt ra hiệu bảo người đánh xe dừng lại và nói:
- Đi giờ.
Mariuyt không có ca vát, áo dài chàng mặc làm việc hàng ngày mất cả khuy, sơ mi rách trước ngực.
Người lái xe dừng lại, nháy mắt ra hiệu, giơ bàn tay về phía Mariuyt, ngón tay cái cọ cọ ngón tay trỏ.
Mariuyt hỏi:
- Cái gì?
- Trả tiền trước.
Mariuyt nhớ ra chàng chỉ có mười sáu xu. Chàng hỏi:
- Bao nhiêu?
- Bốn mươi xu.
- Về tôi sẽ trả.
Người lái xe không trả lời, huýt sáo miệng điệu La Palit và quất ngựa đi. Mariuyt ngơ ngẩn nhìn chiếc xe ngựa chạy ra. Chỉ vì thiếu hai mươi xu mà mất vui sướng! Mất hạnh phúc! Mất tình yêu! Lại trở về đêm tối. Mắt đã trông thấy nay lại như mù. Chàng giận dỗi nghĩ tới năm phơrăng đã cho cái con khốn nạn buổi sáng, chàng đâm ra tiếc, tiếc quá. Nếu có năm phơrăng ấy thì thật là trời cứu chàng; chàng sẽ sống lại, thoát khỏi đêm tối âm u, thoát khỏi cô đơn, buồn bã, góa bụa. Chàng sẽ nối lại cái sợi chỉ đen của đời chàng với sợi kim tuyến tươi đẹp vừa phất phơ trước mắt chàng, nhưng lại vừa dứt một lần nữa. Mariuyt trở lại căn nhà của chàng, tuyệt vọng.
Mariuyt có thể nghĩ ông Lơ Blăng đã hẹn buổi chiều sẽ lại và chàng có thể chuẩn bị sẵn sàng để đuổi theo ông khôn khéo hơn, những đang mải ngắm say sưa người yêu, chàng chỉ nghe mơ hồ lời nói của ông Lơ Blăng.
Khi sắp sửa bước lên cầu thang, Mariuyt thấy ở bên kia đường, dọc theo bức tường vắng phố Barie đê Gôbơlanh, Giôngđơret trùm chiếc áo khóa của nhà “từ thiện”, đang nói chuyện với một người ra dáng bất hảo, một hạng người ăn sương, vẻ mặt khả nghi, lời nói mập mờ, ý đồ đen tối, bọn người thường ngủ ngày nghĩa là ban đêm thì làm việc.
Một người cảnh binh chắc phải để ý đến hai nhân vật lạ đứng dưới gió tuyết thì thầm như vậy, nhưng Mariuyt thì không để ý đến.
Tuy nhiên, dù đang băn khoăn buồn bực, chàng cũng nhận thấy cái người ăn sương đang nói chuyện với Giôngđơret phảng phất giống như một tên là Păngsô biệt hiệu là Pơranhtaniê, cũng là Bigrơnay mà Cuốcphêrắc đã chỉ mặt cho chàng một lần và giới thiệu là một tên ăn sương nguy hiểm trong khu phố này. Ta đã đọc đến tên nhân vật ấy trong quyển trên. Cái tên Hăngsô tức là Pơranhtaniê, tức là Bigrơnay đã xuất hiện trong nhiều vụ án đại hình và sau đó trở thành một tên vô lại có tên tuổi. Hồi bấy giờ nó chỉ là một tên vô lại cừ khôi. Ngày nay nó trở nên một sư tổ trong đám trộm cướp. Cuối triều đại trước hắn được tôn làm trưởng phái. Cứ đến tối, ở nhà lao La Forxơ trong hố sư tử, khi các nhóm họp nhau bàn định rầm rì thì luôn nhắc đến tên hắn. Ở nhà lao đó, người ta còn thấy, đứng dưới con đường tuần tra chỗ có cái ống thoát nước nhà tiêu, cái cống mà năm 1843, giữa ban ngày, ba mươi tù nhân đã trốn thoát – trên những tấm đá hố xí, khắc trên tường, ven theo đường tuần tra, tên của hắn, Păngsô, chính tự tay hắn khắc trong một vụ âm mưu vượt ngục. Hồi 1832 cảnh sát đã theo dõi hắn, nhưng hắn chưa thực sự tỏ tài.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 11 + 12

NGHÈO ĐÓI GIÚP ĐAU KHỔ

Mariuyt lững thững bước lên cầu thang. Sắp bước vào phòng chàng thấy cô Giôngđơret chị đi theo chàng trong hành lang. Trông thấy cô gái ấy, chàng chán ghét lắm; mất năm phơrăng cho cô ta, đòi lại bây giờ cũng muộn rồi, cái xe hàng không còn đấy, cái xe ngựa kia cũng đã chạy quá xa rồi. Vả lại có đòi, cô ta cũng chẳng trả lại nào. Còn hỏi cô ta ở chỗ ở của hai người khách vừa đến thì vô ích, chắc chắn là cô ta không biết, vì là thư ký tên Phabăngtu để gửi cho nhà từ thiện ở nhà thờ Xanh Giắc đuy Hôpa.
Mariuyt vào phòng và khép cửa lại. Cánh cửa không đóng được; Mariuyt quay lại thì thấy một bàn tay giữ nó nửa khép, nửa mở.
Mariuyt hỏi:
- Thế là cái gì? Ai đấy?
- Đấy là cô Giôngđơret.
Mariuyt nói, gần như gắt gỏng:
- Lại cô, lúc nào cũng chỉ thấy cô! Cô muốn gì?
Cô Giôngđơret ra vẻ tư lự không trả lời. Cô ta không còn cái dáng điệu dạn dĩ như buổi sáng nữa. Cô ta không bước vào phòng, vẫn ở ngoài hành lang, trong bóng tối. Mariuyt chỉ nhìn thấy cô ta qua ngách cửa.
Chàng bảo:
- Thế nào, cô muốn gì thì nói đi nào.
Cô ta ngước mắt nhìn Mariuyt, cặp mắt tối tăm buồn rầu hình như có một chút ánh sáng mơ hồ mới nhóm lên:
- Ông Mariuyt, sao ông có vẻ buồn thế? Ông có việc gì bận lòng?
- Tôi ấy à?
- Vâng, ông.
- Tôi chẳng có gì.
- Có.
- Tôi dám nói là có.
- Cô đừng lôi thôi nữa, hãy để tôi yên.
Mariuyt lại đẩy cánh cửa, cô ta lại giữ lấy cánh cửa và bảo:
- Ông này! Ông nghĩ lầm đấy, ông không giàu có, nhưng ông đã có lòng tốt sáng nay. Ông đã cho tôi ăn, bây giờ ông có việc gì, cứ nói cho tôi biết. Ông đang buồn, ai chả thấy. Tôi không thích thấy ông buồn. Làm thế nào để ông hết buồn? Tôi có thể giúp ông điều gì được không? Ông cứ sai tôi. Tôi không cần hiểu biết việc riêng của ông đâu, ông không cần nói gì cả, nhưng tôi vẫn có thể giúp ông được. Tôi giúp ông được, tôi vẫn giúp cho bố tôi đấy. Đưa thư, đến nhà này nhà khác, hỏi thăm chỗ này chỗ khác, tìm một địa chỉ, theo dõi một người, tôi làm được cả. Vậy ông cho tôi biết ông muốn điều gì, tôi có thể đến bảo người ta. Có khi chỉ cần có người nhắn tin với người ta là đủ rồi, là người ta hiểu việc và việc sẽ thành. Ông cứ nhờ tôi.
Một ý nghĩ thoảng qua trí óc Mariuyt. Chết đuối, gặp cái gì mà chẳng muốn với? Chàng lại gần cô Giôngđơret.
- Ta bảo em nhé…
Cô ta ngắt lời Mariuyt, vẻ sung sướng:
- Phải đấy, cứ gọi tôi là em, tôi thích thế.
- Thế nhé. Em đã dẫn ông lão và cô con gái đến đây.
- Vâng.
- Em hẳn biết chỗ ở của họ?
- Không.
- Thì em hãy tìm cho ta đi.
Mắt cô Giôngđơret đang u buồn bỗng tươi sáng lên, những rồi lại âm thầm.
Cô ta hỏi:
- Ông cần biết chỗ ở của họ phải không?
- Phải.
- Ông có quen họ không?
- Không.
- Nghĩa là ông không quen cô ta, nhưng muốn làm quen với cô ta chứ gì. – Cô Giôngđơret hỏi vội vàng như vậy. Lúc nãy cô gọi họ, bây giờ thì cô ta, giọng vừa đầy ý nghĩa vừa chua chát.
- Thế em có giúp ta được không?
- Cho ông biết địa chỉ của cô tiểu thư xinh đẹp ấy à?
Mariuyt nghe trong những tiếng “tiểu thư xinh đẹp” ấy có cái gì rất khó chịu. Chàng như muốn gắt:
- Thôi được, nghĩa là địa chỉ của người bố và người con gái, địa chỉ của họ ấy mà.
Cô Giôngđơret đăm đăm nhìn chàng:
- Thế ông sẽ cho tôi cái gì?
- Muốn cái gì cũng được.
- Muốn cái gì cũng được à?
- Phải.
- Tôi sẽ tìm địa chỉ của họ cho ông.
Cô Giôngđơret cúi đầu, rồi ngoắt một cái kéo cánh cửa sập lại.
Còn một mình Mariuyt.
Chàng ngồi vật xuống chiếc ghế, gục đầu trên bàn tay, khuỷu tay tì xuống giường, chìm đắm trong những ý nghĩ mơ hồ, đầu óc như choáng váng. Bao nhiêu việc dồn dập xảy ra từ buổi sáng, nàng tiên xuất hiện rồi biến đi, những điều mà đứa con gái Giôngđơret vừa nói với chàng, một tia mong đợi lờ mờ trong cả một bầu trời tuyệt vọng, tất cả những ý nghĩ và cảm xúc ấy rối bời trong óc.
Bỗng nhiên chàng chợt tỉnh cơn mơ mộng. Tiếng nói gắt gỏng thô bạo của Giôngđơret vang lên, Mariuyt nghe thấy những lời làm cho chàng phải chú ý một cách đặc biệt.
- Tao bảo mẹ nó rằng tao tin chắc lắm mà, tao nhận được ra hắn mà.
Giôngđơret nói đến ai? Hắn nhận ra ai? Ông Lơ Blăng à? Tình cờ và không mong đợi, Mariuyt có thể biết tất cả những điều chàng muốn biết chăng? Nếu chàng không biết được những điều ấy thì chàng cũng không hiểu ý nghĩa của đời chàng nữa. Chàng có sắp biết được người chàng yêu là ai không? Cái bóng tối bao phủ họ sắp sáng tỏ ra chăng? Có xé toang được cái màn bí mật không? Trời ơi!
Chàng nhảy chồm lên tủ và đến cạnh cái lỗ hổng ở bức vách.
Trước mắt chàng lại hiện ra gian phòng tiều tụy của Giôngđơret.
***
XII
NĂM PHƠRĂNG CỦA ÔNG LƠ BLĂNG DÙNG LÀM GÌ?
Không có gì thay đổi trong dáng dấp gia đình ấy, chỉ có mụ vợ và hai đứa con gái đã lấy những đôi tất trong bọc đi vào chân và mặc những chiếc áo đen. Trên hai cái giường đã trải hai tấm chăn mới.
Lão Giôngđơret chắc mới về, còn thở hổn hển. Hai đứa con gái ngồi gần lò sưởi, đứa lớn đang băng tay cho đứa nhỏ. Vợ hắn ngồi phệt trên chiếc giường gần lò sưởi, vẻ mặt ngạc nhiên. Giôngđơret soạc cẳng đi lại trong phòng. Mắt hắn trông ghê gớm lạ lùng.
Mụ vợ rụt rè ngơ ngác trước dáng điệu dữ tợn của chồng, đánh bạo hỏi một câu.
- Thế nào, thật ư, chắc như thế đấy chứ?
- Chắc chứ! Tám năm rồi, nhưng tao vẫn nhận ra. Tao nhận được thật đó! Tao nhận được ngay nó. Sao! Thế mà mẹ mày không thấy ngay à?
- Không.
- Tao đã bảo mẹ mày để ý mà! Cái dáng người ấy, cả vẻ mặt ấy chỉ già đi một chút thôi. – Có những đứa không chịu già, không hiểu chúng nó làm thế nào, chính giọng nói của hắn. Chỉ có ăn mặc tử tế hơn, thế thôi! Hừ, đồ quỷ tàng hình, tao tóm được mày rồi.
Hắn ngừng lại bảo hai đứa con:
- Bước cả đi! – Thế mà mẹ mày không thấy ngay thì lạ thật.
Nghe lệnh bố, hai đứa con đứng dậy. Người mẹ nói sẽ:
- Tay nó đau thế, đi đâu?
Giôngđơret nói:
- Ra ngoài thoáng khí lại càng tốt. Xéo đi.
Không ai cưỡng lại được hạng người như Giôngđơret. Hai đứa con gái ra ngoài.
Khi hai đứa sắp bước ra cửa phòng, người cha giữ tay đứa con gái lớn và nói bằng một giọng đặc biệt:
- Năm giờ đúng về đây, cả hai đứa. Tao có việc cần chúng mày.
Mariuyt lại càng chú ý.
Còn một mình với vợ, Giôngđơret đi đi lại lại ba vòng trong gian buồng, im lặng. Rồi hắn giắt mãi cái gấu áo sơ mi đàn bà hắn đang mặc vào trong quần, dưới thắt lưng.
Bỗng nhiên hắn quay lại phía vợ, khoanh tay nói dõng dạc:
- Còn điều này nữa, mẹ mày có muốn biết không? Con tiểu thư ấy…
- Nó làm sao? Con tiểu thư ấy thế nào? Mụ vợ hỏi.
Mariuyt không còn nghi ngờ gì nữa! Chính họ nói về nàng. Chàng nóng lòng sốt ruột nghe ngóng. Tất cả cuộc đời của chàng là ở những điều sắp nghe thấy đây.
Nhưng lão Giôngđơret nghiêng đầu, nói nhỏ với vợ. Rồi hắn đứng dậy nói to:
- Chính con ấy.
- Cái thứ ấy?
- Phải thứ ấy đó.
Không có lời nào nói được hết ý nghĩa tiếng kêu: cái thứ ấy của mụ vợ. Quả là tất cả ngạc nhiên, điên dại, căm hờn, giận dữ hợp lại, kết lại trong một giọng nói quái gở. Chỉ một vài lời nói của chồng, cái tên thiếu nữ mà hắn rỉ tai cho mụ đủ làm mụ đàn bà thô lỗ đang mệt mỏi ấy vùng dậy; vốn ghê tởm, mụ trở nên kinh khủng. Mụ thét:
- Không thể được! Con ta chân không giầy, áo không có, còn nó nào áo khoác sa tanh, nào mũ nhung, nào giầy lụa, nào gì nữa! Tất cả quần áo dễ đến hơn hai trăm phơrăng, như một bà lớn! Không! Mình lầm đấy! Con nọ xấu như ma kia mà, con này thì xinh, xinh thật. Không phải nó đâu!
- Tao bảo mẹ mày là chính nó mà. Rồi mẹ mày xem.
Thấy chồng cả quyết như vậy, mụ vợ ngẩng cái mặt phèn phẹt vừa đỏ vừa vàng, nhìn lên trần, vẻ mặt thật là dị hợm.
Mariuyt thấy mụ lúc bấy giờ trông ghê rợn hơn cả chồng mụ. Thật là một con lợn sề với cặp mắt hổ cái.
- Thật thế à? Thật cái con tiểu thư đẹp đẽ ghê tởm ấy, nó làm bộ thương hại con tôi, chính con ăn mày ấy à? Trời ơi! Tôi muốn xéo lòi ruột nó ra.
Mụ nhảy từ trên giường xuống, đứng lặng một lát, tóc rối bời, hai lỗ mũi phồng lên, miệng há hốc, hai bàn tay nắm chặt vắt ra đằng sau. Rồi mụ lại ngã vật xuống giường. Thằng chồng đi đi lại lại, không để ý gì đến mụ vợ.
Sau mấy phút im lặng như thế, hắn lại gần vợ, đứng trước mặt, hai tay khoanh lên ngực, như lúc nãy:
- Còn một điều nữa, mẹ mày có muốn nghe không?
- Điều gì?
Hắn trả lời vắn tắt và se sẽ:
- Nghĩa là đến lúc tao phất rồi!
Mụ Giôngđơret nhìn chồng một cách đặc biệt như muốn bảo:
- Mình điên rồi chăng?
Giôngđơret nói tiếp:
- Mẹ kiếp! Tao đã kéo dài cuộc đời làm dân cái xứ hễ-có-bánh-thì-chết-rét-hễ-có-củi-thì-chết-đói từ lâu rồi. Một cái miệng tao, lại bao nhiêu miệng khác nữa. Tao nói thật đấy. Phải cắt đứt cái trò khôi hài ấy đi. Chúa Trời cho! Tao muốn ăn cho no, uống cho say! Đớp này! Giấc này! Và không muốn làm gì cả. Bây giờ đến lượt tao, trước khi thở hắt ra, tao muốn cũng làm triệu phú một phen.
Hắn đi vòng quanh cái ổ rồi nói tiếp:
- Như chúng nó.
Mụ vợ hỏi:
- Ý mình muốn nói gì thế?
Hắn lắc lư cái đầu, nháy mắt ra hiệu và cất tiếng dõng dạc như anh chàng ảo thuật đầu đường sắp biểu diễn:
- Tao muốn nói gì à? Nghe đây!
Mụ Giôngđơret lẩm bẩm trong mồm:
- Chết! Sẽ chứ nào, hình như là việc phải giữ kín, không để ai nghe mà.
- Ai nghe được? Gã bên cạnh à? Tao thấy hắn ra phố lúc nãy. Mà cái thằng ngốc ấy thì hiểu cái quái gì? Tao bảo tao đã thấy nó ra phố rồi.
Tuy vậy Giôngđơret theo bản năng cũng hạ thấp giọng, nhưng cũng vẫn còn đủ cho Mariuyt nghe. Một điều may mắn làm cho Mariuyt không mất một lời nào trong câu chuyện là tuyết rơi ngoài đường làm tiếng xe cộ bớt ầm ĩ. Mariuyt nghe thấy thế này:
- Mẹ mày nghe đây. Con bò vàng, tao nắm được rồi. Nghĩa là cũng như nắm được rồi. Xong xuôi rồi, sắp xếp đâu ra đấy rồi. Tao đã gặp bọn ấy. Sáu giờ chiều hắn sẽ đến và mang lại sáu mươi phơrăng. Hừ, đồ chó chết! Mẹ mày có thấy không, tao đã bịa ra sáu mươi phơrăng như thế nào chứ? Chủ nhà đòi, ngày 4 tháng hai, thực ra có phải đâu là tiền nhà. Cũng khá đấy chứ. Thế là sáu giờ hắn sẽ đến, giờ này gã láng giềng đi ăn rồi, mụ Bugông đi rửa bát ngoài phố, không còn ai trong nhà. Anh chàng láng giềng không bao giờ về trước mười một giờ. Hai con nhãi sẽ đứng canh. Mẹ mày giúp tao một tay. Hắn sẽ phải làm theo lời ta.
Mụ vợ hỏi:
- Nếu hắn không làm theo?
Giôngđơret làm một cử chỉ kinh khủng và nói:
- Thì ta sẽ làm thịt nó!
Rồi hắn phá lên cười.
Lần đầu tiên Mariuyt thấy hắn cười. Tiếng cười êm ru, giá lạnh làm rùng mình.
Giôngđơret mở một ô tủ ở gần lò sưởi, tút ra một cái mũ két cũ, chải qua loa rồi đội lên đầu:
- Bây giờ tao đi đây. Tao còn phải gặp mấy đứa nữa. Tay nghề cả. Mẹ mày sẽ thấy gọn gàng như thế nào. Tao đi ra ngoài một lát thôi. Một vố tuyệt diệu. Trông nhà nhớ!
Thu hai nắm tay vào túi quần xong, hắn nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Mẹ mày có thấy không, cũng may là hắn không nhận ra tao, nếu hắn nhận ra chắc hắn không trở lại. Thì là hỏng ăn. Công ở cái bộ ria của tao đấy! Cái bộ ria lãng mạn, cái bộ ria lãng mạn tốt tốt là.
Rồi hắn lại phá lên cười nữa. Hắn đi ra phía cửa sổ, tuyết vẫn rơi, rạch dọc trời màu xám.
- Trời khốn nạn!
Hắn vừa khép chiếc áo khoác vừa nói:
- Cái vỏ rộng quá, nhưng không sao! Cái thằng cha già cũng có nhã ý để lại cho tao. Không có cái áo này thì ra đường thế chó nào được và chuyện sẽ hỏng bét cả. Một cái áo mà quyết định đấy.
Rồi hắn đi ra, kéo sụp cái mũ két xuống.
Vừa được mấy bước thì cánh cửa mở, bộ mặt hung dữ và tinh quái của hắn lại hiện ra trong khung cửa:
- Tao quên khuấy. Mẹ mày phải có một cái hỏa lò nấu than.
Rồi hắn vứt vào tạp dề vợ đồng bạc năm phơrăng của nhà “từ thiện”.
Mụ vợ hỏi lại:
- Một cái hỏa lò than?
- Phải.
- Mấy hộc?
- Hai hộc.
- Thế là mất ba mươi xu. Còn thừa thì tôi mua thức ăn bữa chiều.
- Ấy, không nên.
- Sao?
- Không nên tiêu lọn đồng một trăm xu ấy.
- Thế nào?
- Tao cũng cần mua cái này.
- Cái gì?
- Một thứ này.
- Bao nhiêu tiền?
- Có hàng sắt nào gần đây không?
- Có, ở phố Múpphơta.
- À phải rồi, ở góc phố, có một cửa hàng.
- Nhưng mình bảo mình cần bao nhiêu để mua sắm thứ đó.
- Khoảng năm mươi xu, ba phơrăng gì đó.
- Thế thì bữa cơm chả còn gì.
- Hôm nay không phải là ngày ăn nhậu. Còn nhiều việc khác đáng làm hơn.
- Được rồi, cưng ạ.
Mụ vợ nói xong, Giôngđơret khép cửa. Mariuyt nghe thấy bước chân hắn xa dần ngoài hành lang và xuống nhanh cầu thang.
Đồng hồ ở Xanh Mêda đánh một giờ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 13 + 14

MỘT MÌNH MỘT BÓNG CŨNG KHÔNG NGHĨ TỚI CẦU CHÚA

Ta đã biết, Mariuyt haymơ mộng nhưng bản tính chàng vốn cương nghị và quyết đoán. Cái thói quen suy nghĩ thầm lặng đơn độc trong khi làm phát triển lòng ưu ái cảm thông của chàng khiến Mariuyt không hay giận dữ, tuy nhiên vẫn giữ nguyên tấm lòng công phẫn trước những cái xấu xa. Chàng nhân từ như mọt nhà tu hành, nhưng nghiêm khắc như một quan tòa. Chàng thương hại một con cóc nhưng sẵn sàng giẫm chết một con rắn độc. Trước mắt chàng lại chính là một cái hang rắn độc, một cái tổ quỷ. Chàng nghĩ thầm:
- Phải dẫm chết bọn khốn kiếp này.
Những điều bí ẩn chàng muốn biết chẳng điều gì sáng thêm, trái lại càng tối tăm hơn. Chàng chẳng biết gì hơn về thiếu nữ xinh đẹp ở vườn Luychxămbua và người mà chàng vẫn quen gọi là ông Lơ Blăng, chỉ nhận thấy rằng Giôngđơret biết họ. Chàng chỉ biết một điều qua những lời bàn tính mập mờ của bọn quỷ ấy, là chúng đang giăng một cái bẫy bí mật nhưng ghê gớm và ông già với cô con gái sắp gặp một sự nguy hiểm rất lớn, nàng thì còn có thể may ra không việc gì, nhưng ông lão thì chắc chắn sẽ bị hại. Nhất định phải cứu họ, phải phá tan những âm mưu ghê tởm của bọn Giôngđơret, phải xé toạc cái lưới mạng nhện của chúng.
Mariuyt để ý nhìn mụ Giôngđơret. Mụ vừa lấy ở một góc buồng ra một cái bếp cũ bằng tôn và đang bới đống sắt vụn.
Chàng từ từ ở trên tủ bước xuống, rất sẽ, không động một tiếng.
Chàng rùng mình nghĩ đến việc đen tối sắp xảy ra và ghê tởm trông thấy vợ chồng Giôngđơret; giữa những cảm giác nặng nề ấy chàng bỗng thấy vui mừng nghĩ rằng có lẽ chàng được dịp làm ơn to cho người chàng yêu.
Nhưng làm thế nào? Báo cho những người bị đe dọa ư? Tìm họ ở đâu mới được chứ? Chàng không biết chỗ ở của họ. Họ đã xuất hiện một lát trước mặt chàng nhưng rồi lại chìm sâu dưới đáy Paris. Đợi ông Lơ Blăng buổi chiều ở cửa lúc sáu giờ thì ông ấy đến và báo cho ông ta biết ư? Nhưng Giôngđơret sẽ nhận thấy chàng rình chờ, phố vắng, chúng nó khỏe vì đông, chúng sẽ có cách bắt chàng hay gạt chàng đi một chỗ khác và người Mariuyt định cứu sẽ không thoát được. Chuông vừa đánh một giờ. Sáu giờ chúng sẽ hành động, Mariuyt còn năm tiếng đồng hồ trước mặt.
Chỉ còn một cách.
Chàng mặc chiếc áo khá hơn, quàng phu-la vào cổ cầm mũ đi, im lặng nhẹ nhàng như người đi chân không trên mặt rêu.
Mụ Giôngđơret vẫn mải bới đống sắt vụn.
Ra ngoài đường, Mariuyt đi vào phố Pơti Băngkiê.
Chàng đi đến phố gần một cái tường thấp, có nhiều chỗ có thể nhảy qua được, đằng sau tường là một bãi đất hoang, chàng đi từ từ, đang bận suy nghĩ, bước chân đi trên tuyết êm êm; bỗng nhiên Mariuyt nghe thấy tiếng người ở gần. Chàng quay lại, phố vắng không một ai, giữa ban ngày, thế mà vẫn nghe có tiếng người.
Chàng nảy ý nhìn qua tường xem sao. Đằng sau tường quả nhiên có hai gã đàn ông ngồi trên tuyết, lưng dựa vào tường, đang thì thầm với nhau.
Mariuyt không biết mặt hai người ấy. Một người râu xồm, mặc áo bơ-lu, một người đầu tóc bù xù, quần áo rách rưới. Gã râu xồm đội một cái mũ chỏm Hy-lạp, gã kia để đầu trần, tuyết lẫn trong tóc.
Mariuyt thò đầu qua tường và nghe được chuyện họ nói.
Gã đầu bù lấy khuỷu tay hích gã kia và bảo:
- Có Patơrông Minét thì không thể hỏng được.
- Có chắc không? Gã râu xồm hỏi.
Gã đầu bù đáp:
- Ít nhất mỗi thằng cũng được năm trăm phên mà, có sao thì cũng chỉ năm, sáu hay mười năm là cùng.
Gã kia thò tay dưới chiếc mũ Hy-lạp gãi gãi đầu, trả lời có vẻ do dự:
- Đã rõ ràng là thế rồi, không cách nào xảy ra ngược thế.
- Tao bảo mày là chuyện không thể hỏng được. Cái xe ngựa của lão Sôdơ sẽ thắng sẵn.
Đến đây thì hai gã quay sang bàn về một vở hài kịch diễn hôm trước ở rạp Ghetê.
Mariuyt lại đi.
Chàng cho rằng câu chuyện mập mờ của hai người ẩn sau bức tường và ngồi xổm trên tuyết một cách lạ lùng như vậy có lẽ cũng có liên can gì với âm mưu khốn nạn của Giôngđơret. Chắc cũng là cái chuyện ấy thôi.
Mariuyt đi về phía cửa ô Xanh Măcxô và hỏi người chủ cửa hàng đầu tiên xem viên đồn trưởng cảnh binh ở đâu. Người ta chỉ số nhà 14 phố Pôngtoadơ.
Mariuyt đi thẳng đến đó.
Qua một cửa hàng bánh, chàng mua một cái bánh hai xu vừa đi vừa ăn, tính trước rằng sẽ không được ăn bữa chiều rồi.
Đi đường chàng nghĩ: thế mà lại hóa hay. Chàng tự nhủ nếu không cho con gái Giôngđơret năm phơrăng, thì tất chàng đã đi theo chiếc xe của ông Lơ Blăng và như vậy thì hẳn là không biết được chuyện gì; như vậy ông Lơ Blăng sẽ bị hại và cả cô con gái của ông cũng mắc nạn.
***
XIV
MỘT CẢNH BINH TẶNG MỘT LUẬT SƯ HAI QUẢ ĐẤM
Đến số nhà 14 phố Pôngtoadơ chàng trèo lên gác một, xin gặp ông cảnh sát trưởng.
Một nhân viên văn phòng trả lời:
- Ông cảnh sát trưởng đi vắng. Nhưng có một vị thanh tra thay. Ông muốn gặp ông ấy không? Có cần kíp không?
- Có, Mariuyt bảo.
Nhân viên này dẫn chàng vào phòng làm việc của ông cảnh sát trưởng. Một người cao lớn đang đứng trong phòng, sau chấn song sắt, tựa vào một cái lò sưởi và cả hai tay sốc vạt chiếc áo khoác ba bâu. Người mặt vuông môi mỏng và cương nghị, râu má dầy, lốm đốm trông dữ tợn, mắt nhìn soi mói. Có thể nói con mắt ấy không chỉ nhìn sâu mà còn sục sạo nữa. Con người ấy cũng không kém dữ tợn, kém ghê rợn hơn Giôngđơret bao nhiêu. Bọn chó giữ nhà có khi trông cũng đáng sợ như chó sói.
- Hỏi ai? – Người ấy hỏi đổng Mariuyt.
- Ông cảnh sát trưởng.
- Ông ấy đi vắng. Tôi thay ông ấy.
- Có một việc rất bí mật.
- Thì nói đi.
- Và rất gấp.
- Thì nói mau lên.
Con người ấy bình tĩnh và cộc, vừa đáng ghê sợ vừa đáng tin cậy. Hắn làm cho người ta vừa sợ hãi, vừa yên tâm. Mariuyt kể rằng một người mà chàng chỉ biết mặt thôi, ngay chiều hôm nay, sẽ rơi vào một cái bẫy, và chàng Mariuyt Pôngmecxi, luật sư, ở cái buồng bên cạnh ổ cướp ấy, nghe thấy qua bức vách tất cả âm mưu; rằng tên cướp đã gài bẫy ấy tên là Giôngđơret, nó có những kẻ tòng phạm, cũng là bọn du thủ du thực, trèo tường, khoét vách; trong bọn có tên Păngsô còn gọi là Pơranhtaniê hoặc Bigrơnay; rằng hai đứa con gái của Giôngđơret sẽ đứng gác, rằng không có cách nào báo cho người bị đe dọa biết vì chàng không biết cả tên người ấy; và cuối cùng là tất cả sẽ phải tiến hành vào sáu giờ chiều, ở một nơi vắng vẻ nhất của đại lộ Ôpitan, trong cái nhà số 50-52.
Nghe thấy số nhà ấy viên thanh tra ngẩng đầu lên và lạnh lùng nói:
- Thế là cái buồng ở cuối hành lang phải không?
- Đúng thế, Mariuyt đáp. Và anh nói thêm:
- Thế ông biết cái nhà ấy à?
Viên thanh tra im lặng một lát, đưa gót giày áp vào miệng lò sưởi cho ấm rồi trả lời.
- Hình như thế.
Rồi hắn nói lẩm bẩm trong mồm như nói với cái ca vát quàng cổ của hắn hơn là nói với Mariuyt:
- Patơrông Minét phải dính líu vào đấy chắc.
Cái tên này làm cho Mariuyt chú ý. Anh nói:
- Patơrông Minét, tôi quả có nghe nói đến cái tên này.
Và anh kể cho viên thanh tra câu chuyện giữa gã tóc bù và tên râu xồm, trong tuyết, đằng sau bức tường xóm Pơti Băngkiê.
Viên thanh tra lầu bầu trong mồm.
- Tên tóc bù chắc là Bruygiông, còn tên râu xồm chắc là Đơmi-Lia hay Đơ Milia.
Hắn lại cụp mắt xuống và nghĩ ngợi.
- Còn lão Sôdơ, ta đoán được rồi. Cái áo khoác của tôi bị sém rồi. Chúng cứ đốt trong lò sưởi này nhiều lửa quá. Còn số nhà 50-52 là nhà Gorbô cũ,
Rồi hắn nhìn Mariuyt.
- Chỉ thấy tên râu xồm và tên tóc bù ấy thôi à?
- Cả Păngsô nữa.
- Không thấy lởn vởn ở đấy một gã bảnh bao quỷ quái à?
- Không.
- Lại một thằng cha to lớn, trông như con voi vườn Bác thảo ấy?
- Không.
- Và một thằng ranh mãnh, như một cái “đuôi đỏ” cũ.
- Không.
- Còn tên thứ tư thì chả ai trông thấy hắn, cả bọn phụ tá, bọn nhân viên và thủ hạ của hắn. Không thấy nó thì cũng chẳng lạ gì.
- Không. Tất cả cái lũ ấy là lũ nào vậy?
Viên thanh tra trả lời:
- Vả lại chưa đến giờ chúng ra mặt.
Hắn lại im lặng, rồi lại nói:
- 50-52. Ta biết cái ổ ấy, không thể nấp ở trong nhà mà không bị các tài tử đó phát hiện. Và thế là chúng sẽ hoãn trình diễn ở hài kịch. Chúng khiêm tốn lắm, công chúng làm cho chúng khó chịu. Không, không thể được. Ta muốn nghe chúng hát và khiến chúng nhảy múa kia.
Độc tấu xong, hắn quay sang phía Mariuyt, nhìn thẳng vào mặt chàng và hỏi:
- Có sợ không?
- Sợ gì?
- Sợ bọn chúng.
- Không sợ chúng cũng như không sợ ông vậy. – Mariuyt trả lời sẵng, chàng đã bắt đầu để ý viên thanh tra khi nói với chàng vẫn không gọi ông. Viên thanh tra nhìn Mariuyt trực thị hơn nữa và nói tiếp với một vẻ trang trọng như phát biểu một châm ngôn.
- Câu trả lời của anh là của một người dũng cảm và một người lương thiện. Dũng cảm không sợ kẻ ác, lương thiện không sợ nhà cầm quyền.
Mariuyt ngắt lời hắn.
- Được rồi. Nhưng ông định làm thế nào?
Viên thanh tra chỉ trả lời:
- Những người ở trong nhà ấy đều có chìa khóa cổng riêng để đi, về ban đêm. Anh phải có một cái chứ?
- Có. Mariuyt trả lời.
Viên thanh tra bảo:
- Đưa cho tôi.
Mariuyt rút cái chìa khóa tỏng túi ghi lê, đưa cho thanh tra và nói thêm:
- Nếu ông nghe tôi thì nên đến đông.
Viên thanh tra nhìn Mariuyt như Vônte nhìn một vị hàn lâm tỉnh nhỏ khi người này đề nghị với mình một vần thơ. Hắn thọc cùng một lúc hai bàn tay hộ pháp vào hai cái túi khổng lồ của cái áo khoác và rút ra hai khẩu súng lục nhỏ bằng thép, thứ súng mà người ta gọi là “quả đấm”. Hắn đưa cho Mariuyt và nói nhanh, gọn:
- Cầm lấy cái này. Về nhà, nấp ở trong buồng mình. Để cho họ tưởng là anh ra phố. Súng đã nạp đạn, mỗi khẩu hai viên. Anh phải quan sát. Có một cái lỗ ở bức vách, anh đã bảo tôi thế. Chúng sẽ đến. Để cho chúng tiến hành công việc được chút ít. Khi thấy đúng lúc và cần phải chặn tay chúng, anh bắn một phát súng. Đừng bắn sớm. Việc khác mặc tôi. Một phát súng chỉ thiên, lên trần, hay vào đâu cũng được. Chú ý không bắn sớm quá. Hãy đợi chúng khởi sự. Anh là luật sư, anh hiểu.
Mariuyt cầm hai khẩu súng, bỏ vào túi bên chiếc áo ngoài của chàng. Viên thanh tra bảo:
- Nó cộm lên thế kia, người ta trông thấy. Bỏ vào túi trong thì hơn.
Mariuyt giấu hai khẩu súng vào túi trong. Viên thanh tra nói tiếp:
- Bây giờ không ai được bỏ phí một chút nào. Mấy giờ rồi?
- Hai giờ rưỡi. Hẹn bảy giờ phải không?
- Sáu giờ - Mariuyt đáp.
Viên thanh tra nói tiếp:
- Tôi có đủ thì giờ, nhưng chỉ vừa vặn đủ thì giờ thôi. Những điều tôi dặn đừng quên gì. Pằng! Một phát súng.
- Ông cứ yên trí, - Mariuyt đáp.
Khi Mariuyt vặn quả đấm cửa để đi ra, viên thanh tra nói to với anh:
- À, nếu từ nay đến lúc đó, anh cần tới tôi thì đến đây, hoặc cho người đến báo. Hỏi thanh tra Giave.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 15 + 16

GIÔNGĐƠRÉT SẮM SỬA

Một lúc sau, hồi ba giờ, Cuốcphêrắc tình cờ đi qua phố Muphơta cùng với Bôtxuyê. Tuyết rơi càng nhiều, đầy trời. Bôtxuyê nói với Cuốcphêrắc:
- Tuyết rơi tưởng như trời có dịch bướm trắng.
Thình lình, Bôtxuyê nhìn thấy Mariuytx đang đi ngược phố lên trạm gác với một vẻ đặc biệt. Hắn kêu:
- Ơ kìa! Mariuytx.
- Mình cũng trông thấy - Cuốcphêrắc nói. Đừng gọi hắn.
- Tại sao?
- Hắn bận.
- Bận gì?
- Cậu không thấy vẻ mặt hắn à?
- Vẻ mặt gì?
- Mặt một người đang đuổi theo một người.
- Đúng thế, Bôtxuyê bảo. Cuốcphêrắc lại nói tiếp:
- Trông mặt cậu ấy kia kìa.
- Nhưng cậu ấy đi theo ai thế chứ?
- Lại một ả mèo-mũ-hoa nào đây. Cậu ấy yêu rồi.
- Những mình chẳng thấy mèo-mũ-hoa nào tỏng phố này cả. Không một bóng đàn bà.
Cuốcphêrắc nhìn và kêu:
- Cậu ấy đuổi theo một người đàn ông.
Quả vậy, một người đàn ông đang đi phía trước đầu đội mũ lưỡi trai, có thể thấy bộ râu lốm đốm, mặc dầu nhìn đằng sau lưng. Hắn đi cách Mariuytx hai mươi bước. Hắn mặc một cái áo khoác ngoài rất mới, nhưng quá rộng và một cái quần rách tã, be bét những bùn. Bôtxuyê cười phá lên.
- Người đàn ông kia là ai?
- Người ấy à? Một nhà thơ. Các nhà thơ thường mặc quần của những anh bán da thỏ và áo của các vị nguyên lão.
- Xem Mariuytx đi đâu, xem người kia đi đâu.
- Ta đi theo họ nhé.
- Bôtxuyê, con phượng hoàng đất Mô, Bôtxuyê ơi! Cậu là một con vật ngu độn tuyêt vời. Ai lại đuổi theo một người đàn ông đang đuổi theo một người đàn ông.
Họ quay trở lại.
Mariuytx đã gặp Giôngđơret ở phố Muphơta và đi theo rình hắn.
Giôngđơret cứ đi lên phía trước không ngờ có một con mắt đang theo dõi mình.
Hắn rời phố Muphơta và Mariuytx thấy hắn vào một cái lều ghê tởm nhất ở phố Graxiơ. Hắn ở trong đó độ mười lăm phút rồi trở về phố Muphơta, dừng lại trước một cửa hàng sắt, hồi ấy vẫn mở ở góc phố Pie Lôngba. Vài phút sau Mariuytx thấy hắn trở ra, cầm một cái đục lớn tra cán gỗ trắng. Hắn thu cái đục dưới chiếc áo khoác. Ngang phố Pitơ Giăngtidi hắn rẽ tay trái và đi nhanh về phố Pơti Băngkiê. Trời sắp tối. Tuyết ngừng rơi một lúc, lại rơi nhiều hơn, Mariuytx đứng lại ẩn mình ở góc phố Pơti Băngkiê lúc nào cũng vắng tanh và không đi theo Giôngđơret nữa. Cũng may cho chàng bởi vì khi Giôngđơret đi gần đến bức tường thấp mà hồi nãy Mariuytx nghe thấy tên tóc bù nói chuyện với tên râu xồm, thì hắn quay người lại, nhìn xem có ai theo dõi không. Không thấy Mariuytx, thế là hắn nhảy qua bức tường và biến mất.
Cái quãng trống, mà bức tường này bao quanh thông với sân sau nhà một người chủ xe ngựa đã vỡ nợ, nhưng vẫn còn mấy chiếc xe cọc cạch ở trong kho.
Mariuytx nghĩ tốt nhất là nên lợi dụng lúc Giôngđơret vắng nhà mà trở về. Vả lại trời đã về chiều, mà chiều nào mụ Buyêcgông ra đi rửa bát ngoài phố cũng khóa cửa nhà lại, cho nên vào sẩm tối thì bao giờ cửa nhà cũng khóa kín. Mariuytx đã đưa chìa khóa cho viên thanh tra cảnh sát nên chàng cần phải về nhanh.
Trời tối, đêm hầu xuống hẳn. Ở chân trời và trong không gian vô tận chỉ còn một điểm nhận ánh sáng mặt trời: đó là mặt trăng.
Mặt trăng lên đỏ ngòm đàng sau cái chóp thấp nhà Xanpêtrie.
Mariuytx rảo bước về nhà số 50-52. Cửa hãy còn mở. Anh rón rén trèo thang gác và đi lên dọc theo tường hành lang. Hai bên là những gian buồng tồi tàn để cho thuê, mà chưa ai thuê nên mụ Buyêcgông thường để ngỏ cửa. Qua một gian nọ, Mariuytx trông thấy bốn cái đầu người in hình, trông mờ mờ trong cái bóng ngày còn sót lọt qua một cửa sổ nhỏ. Mariuytx không nhìn vì sợ họ nhìn thấy chàng. Chàng về được tới phòng mình không ai hay, không một tiếng động. Vừa kịp. Chỉ một lát sau chàng nghe thấy mụ Buyêcgông ra đi và cửa đóng sập lại.
***
XVI
MỘT BÀI HÁT THEO ĐIỆU ANH THỊNH HÀNH KHOẢNG 1832
Mariuytx ngồi xuống giường. Lúc bấy giờ vào khoảng năm giờ rưỡi chiều. Chỉ còn nửa tiếng đồng hồ nữa thì việc kia sẽ đến. Chàng nghe tiếng mạch máu đập trong người như nghe tiếng mạch máu đập trong người như nghe tiếng tích tắc của một chiếc đồng hồ trong bóng tối. Chàng nghĩ rằng trong bóng tối hiện giờ tội ác và công lý đi từ phía bên kia. Chàng không sợ, nhưng chàng không thể không rùng mình nghĩ đến những việc sắp xảy ra. Như người đứng trước một chuyện quá ư đột ngột, cả ngày hôm ấy Mariuytx tưởng như mình đang mơ, muốn chắc chắn rằng đây không phải là một cơn ác mộng, Mariuytx luôn luôn mó tới hai chiếc súng ngắn lành lạnh trong túi áo vét.
Tuyết không rơi nữa. Mặt trăng nhô khỏi màn sương mù, càng ngày càng tỏ, ánh trăng hồng ánh tuyết trên mặt đất rọi vào trong phòng chàng như một thứ ánh sáng mờ mờ như lúc hoàng hôn.
Trong phòng Giôngđơret có ánh sáng. Cái lỗ hổng trên vách, sáng đỏ như máu.
Ánh sáng ấy chắc chắn không phải là ánh nến. Cả gian phòng bên ấy yên lặng, không ai cựa quậy, không ai nói một lời, không một hơi thở. Yên lặng lạnh lẽo và hoàn toàn, không có cái ánh sáng ấy thì chẳng khác gì một ngôi mộ.
Mariuytx se sẽ cởi giầy đút vào gầm giường.
Vài phút sau, Mariuytx nghe tiếng cánh cổng xoay trên bản lề. Một tiếng chân nặng nề, vội vã leo lên cầu thang; Giôngđơret đã về.
Tức thì nhiều tiếng nói ồn ào nổi lên. Tất cả mọi người đều ở nhà. Tuy nhiên khi Giôngđơret đi vắng thì họ yên lặng như đàn sói con vắng bố. Giôngđơret nói:
- Tao đây!
Hai đứa con gái dài mồm ra:
- Chào bố.
- Thế nào? – Mụ vợ hỏi.
- Gọn lắm, nhưng tao lạnh cứng cả chân đây này. Tốt lắm, mẹ mày đã mặc áo xống chỉnh tề, được lắm, phải làm cho hắn yên dạ.
- Như sẵn sàng đi phố.
- Mẹ mày không quên gì chứ? Làm được đúng như tao dặn chứ?
- Mình cứ yên chí.
- Là vì…
Giôngđơret không nói hết. Mariuytx nghe thấy hắn để một vật gì nặng lên bàn, có lẽ chiếc đục hắn vừa mới mua. Hắn hỏi:
- Thế nào, đã ăn uống gì chưa?
Mụ vợ trả lời:
- Đã, tôi kiếm được ba củ khoai lớn và muối. Nhân tiện có lửa, tôi đã nấu khoai.
- Khá lắm. Ngày mai tao sẽ cho chúng mày đi hiệu, ăn vịt và nhiều thứ nữa, như những ông hoàng. Công việc trôi chảy cả.
Đến đây, hắn hạ thấp giọng bảo vợ:
- Bẫy chuột đã mở mèo đợi sẵn rồi.
Hắn lại hạ thấp giọng nữa:
- Cho cái này vào lò.
Mariuytx nghe thấy tiếng lào xào của than củi do cặp hay thứ gì bằng sắt cời lên. Giôngđơret nói tiếp:
- Mẹ mày đã bôi mỡ chốt cửa chưa, cho khỏi có tiếng động?
- Xong cả.
- Mấy giờ rồi?
- Sắp sáu giờ, chuông Xanh Mêda vừa đánh nửa tiếng.
Giôngđơret nói:
- Khỉ chửa, lũ nhãi phải đi gác chứ. Lại đây, nghe tao dặn.
Có tiếng thì thầm.
Lại tiếng Giôngđơret cất lên:
- Mụ Buyêcgông đã ra phố chưa?
- Rồi, - mụ vợ trả lời.
- Mẹ mày có chắc là không có ai bên cạnh không?
- Cả ngày hắn không về. Và giờ này là hắn đi ăn, mình cũng biết đấy.
- Mẹ mày chắc không?
- Chắc.
- Cũng được, - Giôngđơret nói tiếp. Nhưng cứ sang thử xem hắn có nhà không cũng không sao. Con này, cầm cây nến sang thử.
Mariuytx từ trên mặt tủ nhảy cả bốn vó xuống và lặng lẽ chui vào gầm giường. Vừa chui xong thì thấy một ánh sáng le lói đằng sau khe cửa. Một tiếng nói cất lên.
- Bố ơi! Đi vắng.
Mariuytx nhận ra tiếng đứa con gái lớn.
- Mày có vào không?
- Không, nhưng mà chìa khóa cắm ở cửa, thế là anh ta đi vắng rồi còn gì.
Người bố hét lên:
- Cứ vào đi nào!
Cửa mở, Mariuytx trông thấy đứa con gái lớn Giôngđơret bước vào, tay cầm cây nến. Nó trông cũng như buổi sáng nhưng có vẻ ghê rợn hơn dưới ánh nến.
Nó đi thẳng đến giường. Mariuytx phải một chút hoảng sợ khó tả. Những có cái gương treo trên tường bên cạnh giường. Nó đi tới cái gương ấy. Nó kiễng chân lên soi gương, có những tiếng sắt chạm nhau ở phòng bên.
Nó lấy lòng bàn tay vuốt tóc, mỉm cười với gương và se sẽ hát bằng cái giọng rè rè, ảm đạm của nó:
Duyên tình ngắn ngủi một tuần thôi,
Giây phút hạnh phùng khéo vội trôi,
Say đắm ích gì trong chốc lát?
Đã yêu nên yêu mãi yêu hoài!...
Yêu mãi yêu hoài!... Yêu mãi yêu hoài!...
Tuy nhiên Mariuytx vẫn run, chàng cho rằng thế nào nó cũng nghe thấy hơi thở của chàng. Nó đi về phía cửa sổ, nhìn ra ngoài và nói to một mình, với vẻ nửa không nửa dại xưa nay của nó:
- Paris khi mặc sơ mi trắng thì sao trông xấu thế!
Nó lại trở về chỗ cái gương và lằm duyên trong gương, soi thẳng rồi lại soi nghiêng.
- Thế nào? Mày làm gì vậy? – Người bố hỏi to.
- Con xem dưới gầm giường và gầm bàn, chẳng có ai. Con gái Giôngđơret vừa trả lời vừa sửa mái tóc.
Thằng bố rú lên:
- Đồ ngốc. Về ngay đây, mau lên. Đừng mất thì giờ.
- Con về ngay, về ngay đây. Trong cái lều nát này chẳng có thời giờ làm gì cả.
Nó lại ngâm nga:
Chàng dứt tình em, theo sự nghiệp.
Lòng đau quyện mãi bước chân ai.
Nó nhìn vào gương một lần chót, rồi quay ra và đóng cửa lại. Một lát sau, Mariuytx nghe thấy tiếng chân không của hai đứa con gái ngoài hành lang và tiếng Giôngđơret hét theo:
- Cẩn thận đấy! Một đứa ở bên rào, một đứa ở góc phố Pơti Băngkiê. Phải luôn luôn nhìn cổng nhà. Thấy cái gì lạ thì chạy ba chân bốn cẳng về đây ngay. Có chìa khóa để về đấy.
Đứa con gái lớn lẩm bẩm:
- Đứng gác chân không trên tuyết!
- Ngày mai chúng mày sẽ có giầy lụa cánh cam, nhãi ạ!
Hai đứa xuống cầu thang, vài giây sau có tiếng cánh cổng đập dưới nhà. Vậy là hai đứa con gái đã xuống đường rồi.
Trong ngôi nhà chỉ còn Mariuytx và hai vợ chồng Giôngđơret và có lẽ cái bọn người bí mật mà Mariuytx thoáng thấy trong bóng tối, đằng sau cánh cửa gian phòng trống.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 17 + 18

ĐỒNG NĂM PHƠRĂNG CỦA MARIUYTX TIÊU VÀO VIỆC GÌ?

Mariuytx thấy đến lúc lại phải leo lên đài quan sát. Với cái lanh lẹn của tuổi thanh niên, chỉ một loáng, chàng đã lên cạnh cái lỗ hổng ở vách.
Mariuytx lại nhìn.
Phòng của Giôngđơret có một vẻ lạ lùng, Mariuytx bây giờ hiểu vì sao có cái thứ ánh sáng đặc biệt chàng đã thấy. Một cây nến cháy trong một chân đèn đồng rỉ xanh, nhưng ánh sáng trong phòng không phải là ánh nến ấy. Ngọn lửa một cái hỏa lò to lớn, đầy than hồng, để trong lò sưởi chiếu sáng cả gian phòng. Đấy là cái hỏa lò mà mụ Giôngđơret đã sắm sửa buổi sáng. Than thì hồng, cái lò đỏ rực, một ngọn lửa xanh nhảy muad trong lò, chiếu rõ hình cái đục nung đỏ trong thanh hồng. Đó là cái đục mà Giôngđơret mua ở phố Lôngba. Ở cái xó gần cửa thấy xếp hai đống: một đống hình như đống sắt và một đống như đống thừng, xếp sẵn có việc gì đấy. Đối với một người không biết tí gì về câu chuyện đang sửa soạn, hai đống sắt và dây thừng ấy có vẻ hoặc rất bình thường, hoặc rất ghê gớm. Cái gian phòng tồi tàn dáng rực ấy giống như một lò rèn hơn là một cửa âm phủ. Nhưng trong ánh sáng ấy, Giôngđơret lại trông như một con quỷ sứ hơn là một người thợ rèn.
Lò than bố nóng quá, cây nến trên bàn cháy rất nhanh về phía lò lửa và vẹt hẳn đi một cạnh. Trên lò sưởi có một cái đèn xách bằng đồng, ánh sáng che kín, một cái đèn xứng đáng với nhà hiền triết Điôgien trở thành tướng cướp Cáctút.
Lò than để ngay giữa lò sưởi, giữa những cành củi gần tắt hẳn, lò than bốc hơi lên ống khói nên không tỏa mùi than ra ngoài.
Ánh trăng luồn qua bốn miếng kính cửa sổ dãi bóng sáng trắng trong gian phòng đỏ rực. Óc mơ màng thi sĩ trong con người Mariuytx, mơ mành ngay giữa lúc hành động, khiến chàng nghĩ tới một hình tượng nên thơ: một ý niệm cao cả thần tiên như đang lẫn lộn với những ảo mộng trần gian quái đản. Một luồng gió thổi qua ô kính vỡ, góp phần đánh tan mùi than như không có cái hỏa lò ấy trong buồng.
Cái ổ của Giôngđơret trong nhà hát Gorbô mà chúng ta đã biết rõ vị trí, là địa điểm lý tưởng cho những hành động hung bạo, bí ẩn, che giấu những tội ác ghê gớm. Cái buồng hẻo lánh nhất trong cái nhà trơ trọi nhất ở cái phố vắng vẻ nhất Paris. Ở chỗ này mà không có cạm bẫy thì tất nhiên người ta phải dựng ra cạm bẫy.
Cả một gian nhà sâu thẳm, cả một dãy buồng trống ngăn cách cái ổ ấy với ngoài phố, buồng chỉ có một cái cửa sổ lại mở ra phía bãi hoang có tường và rào quây kín.
Giôngđơret ngồi trên chiếc ghế rách, châm thuốc hút, vợ hắn se sẽ nói chuyện với hắn.
Nếu Mariuytx giống tính Cuốcphêrắc, nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cười được, chắc anh phải cười rộ lên khi mắt anh thấy mụ Giôngđơret. Mụ đội một cái mũ đen, có lông chim, gần giống mũ của các viên quan truyền lệnh trong buổi lễ đăng quang của vua Sáclơ X, một cái khăn quang bằng tác-tăng rộng, buông treenn chiếc váy len đan và đôi giầy đàn ông mà con gái mụ đã chê bai buổi sáng. Chính cái bộ cánh ấy đã làm cho Giôngđơret phải buột miệng: “Tốt lắm! Mẹ mày đã mặc áo xống chỉnh tề, được lắm phải làm cho hắn yên dạ”. Còn Giôngđơret thì vẫn mặc chiếc áo ngoài mới và rộng thùng thình mà ông Lơ Blăng đã cho hắn; y phục của hắn vẫn làm nổi bật sự trái ngược giữa cái áo ngòai và chiếc quần mà Cuốcphêrắc cho là lý tưởng của nhà thơ.
Bỗng nhiên Giôngđơret nói to lên:
- À, mà tao nghĩ ra rồi, trời này chắc hắn phải đi xe đến. Mẹ mày thắp cái đèn xách lên rồi mang xuống dưới nhà. Mẹ mày sẽ đứng trong cổng. Nghe tiếng xe đỗ là phải mở cổng ngay, hắn lên gác, mẹ mày soi đèn ở cầu thang và hành lang cho hắn, khi hắn vào phòng thì xuống mau trả tiền xe và bảo xe đi.
Mụ vợ hỏi:
- Thế còn tiền?
Giôngđơret sục sạo túi quần và đưa năm phơrăng cho vợ. Mụ vợ ngạc nhiên hỏi:
- Tiền nào đây?
Giôngđơret đáp giọng rất oai:
- Đồng bạc gã láng giềng cho buổi sáng.
Hắn nói thêm:
- Mẹ mày có biết không? Phải có hai cái ghế tựa.
- Để làm gì?
- Để ngồi.
Mariuytx bỗng thấy rùng mình sau xương sống khi nghe mụ Giôngđơret tra lời chồng rất thản nhiên:
- Khó gì! Để tôi sang lấy ghế của anh chàng láng giềng.
Rồi nhanh như cắt, mụ mở cửa đi ra ngoài hành lang.
Mariuytx không có thời giờ xuống tủ để đến nấp dưới gầm giường.
Giôngđơret bảo vợ:
- Cầm cây nến.
- Thôi, cầm vướng thêm, phải mang đến hai cái ghế mà. Sáng trăng mà.
Mariuytx nghe thấy bàn tay nặng nề của mụ Giôngđơret sờ tìm chìa khóa cửa buồng chàng trong bóng tối. Cửa mở. Mariuytx kinh ngạc và hốt hoảng đứng trân trân trên tủ.
Mụ Giôngđơret vào phòng.
Cái cửa sổ nhỏ gần mái nàh để lọt một tia ánh trăng ngăn gian phòng thành hai khoảng tối. Một khoảng tối trùm bọc cả bức vách Mariuytx đứng tựa. Mariuytx chìm ngập trong bóng tối ấy.
Mụ Giôngđơret ngước mắt nhìn, không thấy Mariuytx; mụ xách hai chiếc ghế, hai cái ghế duy nhất của Mariuytx và bước ra, để cánh cửa dập mạnh vào lưng.
Mụ trở vào trong ổ:
- Đây ghế đây.
- Đèn đây, xuống ngay dưới cổng đi.
Mụ vợ đi. Còn một mình Giôngđơret.
Hắn để hai chiếc ghế hai bên bàn, lật lại chiếc đục trong lò than, đặt một cái bình phong cũ trước lò sưởi để che khuất lò than, rồi hắn đi ra chỗ đóng thừng và cúi xuống như xem xét cái gì. Bấy giờ Mariuytx mới nhận ra đống thừng ấy là một cái thang dây làm rất khéo, có những nấc gỗ và hai cái móc để treo.
Cái thang ấy cùng một số khí cụ khác, giống như những chiếc vồ sắt, vứt lẫn lộn trong đống dắt vụn đằng sau cánh cửa, buổi sáng chưa thấy trong cái ổ này. Chắc buổi trưa, khi Mariuytx đi vắng, có người mang đến.
- Đây là dụng cụ của người làm dao kéo! Mariuytx tự nhủ.
Nếu chàng thông thao hơn thì có thể nhận ra trong các cái mà chàng gọi là dụng cụ của người làm dao ấy những dụng cụ có thể cạy một ống khóa, hay một cánh cửa và những cái khác có thể chặt hay là chém, hai loại dụng cụ ghê gớm mà bọn kẻ cướp vẫn gọi lóng là lủ em hay cái cứa.
Trước mặt Mariuytx bây giờ là cái lò sưởi, cái bàn và hai chiếc ghế. Lò than bị che khuất, trong gian phòng chỉ còn ánh sáng của cây nến. Các đồ vật bé nhỏ nhất trên bàn hay lò sưởi cũng ngả một bóng tối to sù. Một cái bình đựng nước sứt mẻ che khuất cả nửa bức vách. Gian phòng có một vẻ yên lặng ghê tởm và đe dọa. Người ta như chờ đợi một cái gì kinh khủng.
Cái điếu của Giôngđơret đã tắt, triệu chứng hắn đang suy nghĩ lung lắm. Giôngđơret ngồi xuống ghế. Bóng nến làm cho mặt hắn xương xẩu và sắc sảo thêm. Thỉnh thoảng hắn cau mày, hay bỗng nhiên xòe bàn tay phải ra như tự mình trả lời mình điều gì trong một cuộc đối thoại thầm lặng. Trong một phút tự vấn đáp thầm lặng như vậy, hắn rút cái ô kéo ra, lấy con dao làm bếp dài giấu trong đó và liếc thử trên móng tay. Xong, hắn lại để con dao vào ô kéo và đóng ô lại.
Mariuytx cũng rút khẩu súng ngắn trong túi bên phải và lên đạn. Súng lên đạn kêu một tiếng cách nhỏ, gọn và rõ.
Giôngđơret giật mình nhổm dậy khỏi ghế, hỏi:
- Ai đấy?
Mariuytx nín thở. Giôngđơret lắng nghe một lát rồi cười bảo:
- Mình ngốc thật. Cái vách nó rạn.
Mariuytx vẫn giữ khẩu súng trong tay.
***
XVIII
HAI CHIẾC GHẾ CỦA MARIUYTX ĐẶT ĐỐI DIỆN NHAU
Bỗng nhiên tiếng chuông xa xôi và buồn bã làm rung chuyển kính cửa. Đồng hồ Xanh Mêda báo sáu giờ.
Mỗi tiếng chuông đánh, Giôngđơret lại gật đầu một cái. Sau tiếng thứ sáu, hắn lấy ngón tay gạt tàn bấc ngọn nến, rồi đnưgs dậy đi lại trong phòng, nghe ngóng phía ngoài hành lang, lại đi, rồi lại nghe ngóng nữa.
Hắn lẩm bẩm:
- Quí hồ lão đến là được! Rồi hắn lại về ghế ngồi.
Hắn vừa ngồi xuống thì cửa mở.
Mụ Giôngđơret mở cửa nhưng vẫn đứng ngoài hành lang. Ánh sáng lọt qua lỗ hổng chiếc đèn xách tay từ dưới chiếu lên mặt mụ, để lộ cái miệng nhăn nhở trông đến kinh khủng. Mụ nói:
- Xin mời ngài vào.
Giôngđơret vội vàng đứng dậy nối lời:
- Xin mời ngài ân nhân của tôi vào.
Ông Lơ Blăng xuất hiện.
Vẻ mặt ông bình thản trong sáng, trông thật đáng kính.
Ông đặt xuống bàn bốn đồng Louis và nói:
- Ông Phabăngtu ơi! Đây là để ông trả tiền nhà và tiêu những thứ cần kíp trong nhà. Còn sau sẽ liệu.
- Trời phù hộ ngài, ngài ân nhân rất phúc hậu của tôi.
Giôngđơret vừa nói với ông Lơ Blăng vừa dịch nhanh lại gần vợ, bảo:
- Cho cái xe ngựa lui.
Mụ vợ lẩn đi, còn Giôngđơret thì không ngớt chào hỏi, cám ơn ông Lơ Blăng và đưa ghế mời ông ngồi. Lát sau mụ vợ trở về, rỉ tai chồng:
- Xong rồi.
Tuyết vẫn rơi từ sáng, lớp tuyết trên mặt đường dày đến nỗi không nghe thấy tiếng xe ngựa đến mà cũng không nghe thấy tiếng xe đi.
Ông Lơ Blăng đã ngồi xuống ghế.
Giôngđơret ngồi ở ghế đối diện với ông Lơ Blăng.
Để hình dung được tấn trò sắp diễn ra, độc giả hãy tưởng tượng một đêm lạnh giá, cả cái khu Xanhpêtơrie vắng lặng tuyết phủ trắng lợp, dưới ánh trăng thanh, ghê rợn như những tấm vải liệm, những ngọn đèn treo đỏ lòm lác đác dọc các đường phố ảm đạm và những dãy cây du đen sì; một quãng đường dài xung quanh không bóng người, lúc này là cái phút vắng lặng, ghê rợn, tối tăm nhất của gian nhà nát Gorbô; giữa cái vắng lặng âm u ấy là gian phòng rộng tiều tụy của Giôngđơret dưới ánh nến vật vờ; và trong cái ổ ấy, hai người ngồi ở một cái bàn: ông Lơ Blăng bình tĩnh, Giôngđơret tươi cười nhưng kinh khủng, mụ Giôngđơret, con sói cái, rình ở một góc và đằng sau bức vách, Mariuytx, vô hình, đứng yên, không bỏ sót một lời nói, một cử chỉ ở phía bên kia, mắt đăm đăm, khẩu súng ngắn cầm tay.
Mariuytx tuy vậy không một chút sợ hãi, chàng chỉ có một cảm giác ghê tởm. Chàng nắm chặt báng súng, vững dạ. Chàng nghĩ:
- Mình chặn tay thằng khốn nạn này lúc nào cũng được.
Chàng cảm thấy cảnh sát đang nấp sẵn ở đâu đây, chỉ đợi báo hiệu theo giao ước là giơ tay nắm cổ chúng.
Chàng cũng hy vọng cuộc chạm trán quyết liệt này giữa Giôngđơret và ông Lơ Blăng sẽ làm bật tia sáng soi tỏ cho chàng tất cả những điều bí ẩn chàng muốn biết.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 19

CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG XÓ TỐI

Vừa ngồi xuống, ông Lơ Blăng quay mặt nhìn về phía mấy chiếc giường bỏ trống, hỏi:
- Cháu bé bị thương thế nào?
Giôngđơret trả lời, miệng cười thiểu não và tri ân:
- Cháu đau lắm, thưa ngài. Chị cháu đã đưa cháu đến nhà thương băng bó. Các cháu sắp về đấy ạ, ngài sẽ thấy chúng nó.
Ông Lơ Blăng nhìn bộ quần áo kỳ quặc của mụ Giôngđơret hỏi:
- Bà Phabăngtu hình như đã khá lắm rồi thì phải?
Mụ Giôngđơret đang đứng giữa ông Lơ Blăng và cửa phòng; mụ nhìn ông, dáng điệu đe dọa, hầu như ở tư thế tiến công, mụ đứng đấy như sẵn sàng để chặn lối cửa ra. Giôngđơret trả lời:
- Nhà cháu chả còn hơi sức nào, thưa ngài, nhưng ngài thấy đấy, biết làm sao được, thật quả nhà cháu dũng cảm tuyệt, không phải là một người đàn bà nữa mà là một con bò cày.
Mụ Giôngđơret nghe lời khen của chồng, lấy làm khoái chí, mặt nhăn nhở như một con quái vật được vuốt ve:
- Ông Giôngđơret, bao giờ ông cũng quá tốt đối với em.
- Giôngđơret, thế mà tôi tưởng ông Phabăngtu chứ? – ông Lơ Blăng nói.
Giôngđơret nhanh nhẩu trả lời:
- Phabăngtu tức Giôngđơret. Biệt hiệu nghệ sĩ ấy mà.
Hắn nhún vai nhìn vợ - ông Lơ Blăng không thấy cử chỉ ấy, - xong hắn lại nói tiếp với ông Lơ Blăng, giọng trịnh trọng và mơn trớn:
- Dạ thưa ngài, hai vợ chồng chúng tôi lúc ào cũng vẫn thuận hòa như vậy. Tất cả chỉ còn có thế. Chúng tôi quá chừng khốn khổ, thưa ngài. Có tay mà không có công ăn, có lòng mà không có việc làm. Không biết chính phủ thu xếp ra sao, thưa ngài, tôi chẳng phải cách mạng, cũng chẳng phải quá khích, tôi chẳng muốn làm gì hại cho chính phủ, nhưng thú thật nếu tôi là thượng thư thì nhất định sẽ không như thế này. Này, chẳng hạn tôi đã muốn cho các cháu nó học làm giấy bồi. Chắc ngài sẽ bảo: Hừ! Đến phải học nghề ư? Vâng! Thưa ngài! Một cái nghề, một nghề thông thường để kiếm ăn thôi. Thưa ân nhân, thật là xuống dốc, nếu nghĩ lại ngày xưa, thời vinh quang ngày xưa. Thật là hết, không còn gì cả. Chỉ còn một vật, một vật duy nhất mà tôi không thể nào rời được, nhưng rồi cũng vẫn phải rời ra để sống. Để sống, vâng, phải sống chứ!
Giôngđơret vẫn nói, lời thì lộn xộn nhưng vẻ mặt vẫn là của người suy nghĩ tinh tường. Trong khi ấy Mariuytx ngẩng đầu lên bỗng thấy ở cuối buồng một người lạ mà chàng chưa trông thấy, một người vừa vào, rất nhẹ nhàng, không ai nghe thấy tiếng mở cửa. Người ấy mặc một cái áo ghi-lê đan màu tím đã cũ, rách, bẩn, một cái quần dài lụng thụng bằng vải nhung, đi đôi giày vải đế gỗ, không có sơ mi, cổ trần, cánh tay trần đầy vết chạm trổ, mặt bôi đen. Hắn khoanh tay yên lặng ngồi xuống chiếc giường gần nhất, ở phía sau mụ Giôngđơret nên người ta chỉ trông thấy hắn lờ mờ.
Như có một linh tính hướng dẫn cặp mắt, ông Lơ Blăng cũng quay lại nhìn cùng một lúc với Mariuytx. Ông không kiềm chế được sự ngạc nhiên. Giôngđơret nhác thấy vội nói:
- À! Tôi hiểu, ngài nhìn cái áo khoác của ngài, phải rồi. Cái áo của ngài tôi mặc vừa, vừa lắm.
Hắn vừa cài khuya áo vừa nói câu ấy, giọng rất niềm nở.
- Người nào đó? – Ông Lơ Blăng hỏi.
- Người ấy ạ? Một người láng giềng - Giôngđơret đáp. Xin ngài đừng để ý.
Người láng giềng dáng dấp thật kỳ dị. Tuy nhiên, ở vùng ngoại ô Xanh Máccô có nhiều xưởng hóa chất, thợ thuyền ở đấy thì mặt mũi có khi cũng nhọ nhem như thế. Ông Lơ Blăng thì vẫn bình tĩnh và tin cậy, một lòng tin cậy trong trắng và dũng cảm. Ông nói tiếp:
- Xin lỗi, ông Phabăngtu, ông đang nói về gì nhỉ?
Giôngđơret chống khủyu tay trên bàn, mắt nhìn ông Lơ Blăng, cặp mắt đăm đăm và mơn trớn như mắt con trăn. Hắn trả lời:
- Thưa ngài ân nhân kính mến, tôi đang nói là tôi có một bức họa muốn bán đi.
Một tiếng động nhẹ ở phía cửa. Một người đàn ông thứ hai vừa vào và ngồi xuống giường, phía sau mụ Giôngđơret. Cũng như ngoiwf trước, tay trần và mặt bôi mực với bồ hóng.
Tuy người này lẻn vào trong buồng rất nhẹ nhàng, nhưng ông Lơ Blăng cũng vẫn trông thấy. Giôngđơret vội nói:
- Ngài đừng để ý, người nhà cả đấy ạ. Tôi đang bảo tôi còn một bức họa, một bức họa quý giá… đây, thưa ngài, mời ngài xem.
Hắn đứng dậy đi về phía bức tường bên dưới có để chiếc khung đã nói đến, lật chiếc khung lại nhưng vẫn để tựa vào tường. Có vẻ là một bức tranh thật; có ánh nến chiếu vào nhưng trông lờ mờ, Mariuytx không nhìn thấy rõ vì Giôngđơret ngồi che khuất, nhưng cũng thấy những nét nguệch ngoạc cùng với hình một nhân vật chính tô màu sặc sỡ như những bức tranh bày ở chợ phiên hay những bức họa bình phong. Ông Lơ Blăng hỏi:
- Cái gì thế?
- Một bức tranh sơn dầu kiệt tác, thưa ngài ân nhân của tôi, một bức tranh quý giá, tôi quý nó như quý hai đứa con gái tôi, nó gợi bao kỷ niệm! Nhưng tôi đã thưa với ngài và tôi không thay đổi ý kiến, rằng vì túng thiếu quá nên cũng đành phải rời nó ra.
Vô tình, hay bắt đầu nghi ngại, ông Lơ Blăng vừa xem bức tranh vừa nhìn về phía cuối buồng. Bây giờ có những bốn người, ba người ngồi trên giường, một đứng cạnh khung cửa, cả bốn đều im lặng, cánh tay trần, mặt bôi nhọ. Một trong ba người ngồi trên giường, dựa vào tường, mắt nhắm như người ngủ. Người này đã già, bộ tóc bạc trên cái mặt bôi nhọ trông thật ghê sợ. Hai người kia hình như còn trẻ: một râu xồm, một đầu bù, không người nào đi giày da, không có giày vải thì đi đất thôi. Giôngđơret nhận thấy ông Lơ Blăng mắt không rời bọn họ:
- Thưa, bạn quen cả, ở gần đây thôi – hắn nói – Họ nạo lò sưởi nên nhem nhuốc thế. Ngài ân nhân của tôi ơi, cứ mặc họ. Xin ngài mua cho tôi bức họa này. Ngày hãy rủ lòng thương chúng tôi nghèo khổ như thế nào. Tôi không lấy đắt ngài đâu. Ngài đánh giá bao nhiêu?
Ông Lơ Blăng nhìn thẳng vào mắt Giôngđơret, như sẵn sàng đối phó với mọi việc bất ngờ và trả lời:
- Một cái biển quán ăn đó thôi. Chỉ đáng ba phơrăng.
Giôngđơret vẫn dịu dàng đáp:
- Ngài có mang ví đi không? Tôi chỉ lấy một nghìn đồng vàng thôi.
Ông Lơ Blăng đứng phắt dậy, tựa lưng vào bức vách, liếc nhìn bao quát cả gian buồng. Bên tay trái ông, ở phía cửa sổ là Giôngđơret, bên tay phải, phía cửa buồng là mụ Giôngđơret và bốn người đàn ông kia. Bốn người này vẫn ngồi yên, không nhúc nhích như không nhìn thấy ông nữa, Giôngđơret lại tiếp tục than thở, kêu van, mắt lờ đờ, giọng thảm hại: Ông Lơ Blăng tưởng như đang nghe một người nghèo khổ quá hóa điên. Giôngđơret nói:
- Thưa ngài ân nhân quý mến, tôi không còn gì nữa, nếu ngài không mua giúp cho bức họa này, thì tôi chỉ có đâm đầu xuống sông mà chết. Tôi cũng đã định cho các cháu bé học làm giấy bồi, giấy bồi đẹp để gấp hộp đựng quà tết nhất. Như vậy phải có một cái bàn có nẹp đàng cuối, cho dụng cụ thủy tinh khỏi rơi, một cái lò đặc biệt, một cái lọ có ba khoang để đựng ba thứ keo đặc, loãng khác nhau để dán gỗ, dán giấy hay dán vải, một con dao để xén giấy, một cái khuôn để gấp giấy, một cái búa để đóng những mảnh thép, một cái bút lông để phết keo và còn những thứ quái quỉ gì nữa tôi chẳng nhớ. Tất cả những cái đó để một ngày chỉ kiếm được bốn xu. Và phải làm việc mười bốn tiếng. Và mỗi hộp phải qua bàn tay thợ mười ba lần! Lại nhúng giấy như thế nào! Rồi giữ cho không một vết bẩn. Rồi keo cần phải nóng. Quái quỷ như thế đấy ông biết cho. Để được bốn xu mỗi ngày. Ngài tính bốn xu thì sống làm sao?
Giôngđơret nói mà không nhìn ông Lơ Blăng, còn ông thì đang chăm chú nhìn Giôngđơret, mắt Giôngđơret lại nhìn ra phía cửa buồng. Mariuytx thì hồi hộp hết nhìn ông Lơ Blăng lại nhìn Giôngđơret. Ông Lơ Blăng có lẽ nghĩ: hắn ngớ ngẩn hay sao? Giôngđơret thì lải nhải hai ba lần, kêu van hết giọng này thay giọng khác:
- Tôi chỉ còn đâm đầu xuống sông. Hôm nọ tôi đã bước xuống ba bậc dưới chân cầu Austéclit.
Bỗng nhiên con mắt lờ mờ của hắn sáng chói lên một tia sáng ghê rợn, cái thằng người bé nhỏ ấy đứng thẳng lên kinh khủng, tiến một bước về phía ông Lơ Blăng và thét lên như sấm:
- Cái chính phải đâu là những chuyện ấy! Đã nhận ra chưa?


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 20

CUỘC MAI PHỤC

Cửa buồng vừa đột nhiên mở, ba người đàn ông mặc áo bơ-lu vải xanh hiện ra, mỗi người một cái mặt nạ bằng giấy đen. Người thứ nhất gầy, tay cầm một cái gậy dài bịt sắt; người thứ hai, một tên khổng lồ, cầm ngang cán một cái búa đồ tể để giết bò, đầu búa chúc xuống; người thứ ba, vai u, không gầy như người thứ nhất, không to như người thứ hai, tay nắm một cái chìa khóa kếch xù đánh cắp ở một cổng nhà pha nào.
Hình như Giôngđơret chờ đợi con người ấy. Hắn và người cầm gậy chuyện vãn vói nhau rất nhanh. Giôngđơret hỏi:
- Xong cả chưa?
Người gầy trả lời:
- Xong cả.
- Môngpácnát đâu?
- Cậu công tử đứng lại nói chuyện với đứa con gái mày.
- Đứa nào?
- Đứa lớn.
- Có cái xe ngựa dưới cổng không?
- Có.
- Cái xe con thắng chưa?
- Thắng rồi.
- Hai con ngựa khỏe chứ?
- Tuyệt!
- Xe đợi ở chỗ tao bảo trước chứ?
- Phải.
Giôngđơret nói:
- Tốt lắm.
Mặt ông Lơ Blăng xanh nhợt. Ông nhìn nhận tất cả sự vật xung quanh ông, trong cái ổ này, với con mắt một người biết rõ mình đang sa vào nơi nào; ông nhìn tất cả những đầu người xung quanh ông, ông từ từ quay nhìn khắp phía chậm chạp, chăm chú và ngạc nhiên. Nhưng vẻ mặt ông không có chút gì là sợ hãi. Ông dùng cái bàn làm chiến lũy quyền nghi. Cái con người vừa đây là một ông già hiền từ, bỗng nhiên biến thành một thứ lực sĩ, ông đặt nắm tay cứng rắn của ông trên lưng ghế một cách ghê gớm lạ lùng. Ông già kiên cường dũng cảm trước cảnh nguy hiểm ấy thuộc hạng người anh dũng và nhân từ một cách bình dị, tự nhiên. Bố người mình yêu không thể là kẻ xa lạ được. Mariuytx thấy kiêu hãnh về con người lạ đó.
Ba người tay trần mà Giôngđơret bảo là “thợ nạo lò sưởi” đã lấy trong đống sắt vụn kẻ thì một cái kéo lớn, người thì một cái kìm, người thứ ba một cái búa và ra đứng chặn ngang cửa, lầm lì không nói một lời. Tên già vẫn nằm trên giường chỉ mở mắt nhìn. Mụ Giôngđơret ngồi cạnh hắn.
Mariuytx nghĩ rằng chỉ vài giây nữa là đến lúc phải can thiệp, chàng giơ cánh tay phải lên trần nhà, hướng về phía hành lang, sẵn sàng bắn phát súng hiệu.
Giôngđơret nói chuyện với người cầm gậy xong, lại quay về phía ông Lơ Blăng, nhắc lại câu hỏi lúc nãy với tiếng cười khừ khừ, nửa vời và kinh khủng xưa nay của hắn:
- Ông không nhận ra tôi thật à?
Ông Lơ Blăng nhìn thẳng vào mặt hắn trả lời:
- Không.
Bây giờ Giôngđơret tiến đến sát cạnh bàn, chồm người trên cây nến, khoanh tay, đưa cái quai hàm xương xẩu, dữ tợn của hắn tới gần gương mặt bình tĩnh của ông Lơ Blăng, hắn cứ chồm lên hết sức gần ông Lơ Blăng, nhưng ông vẫn không lùi một bước. Như một con thú dữ sắp cắn, hắn thét lên:
- Ta không phải là Phabăngtu, ta không phải là Giôngđơret, ta là Tênacđiê! Ta là chủ quán ở Môngphecmây, nghe rõ chưa? Tênacđiê! Bây giờ đã nhận ra ta chưa?
Trán ông Lơ Blăng thoáng ửng đỏ, ông trả lời bình tĩnh như thường, giọng không lên cao hơn, không rung động:
- Cũng không.
Mariuytx không nghe thấy câu trả lời này. Nếu ai trông rõ được chàng trong bóng tối sẽ thấy vẻ mặt ngơ ngác, đẫn đờ, hoảng hốt như người bị sét đánh. Khi nghe Giôngđơret nói: “Ta là Tênacđiê”, chân tay chàng run bần bật, chàng ngả mình vào bức vách, có cảm giác như một lưỡi gươm lạnh vừa xuyên qua trái tim chàng, cánh tay phải đang sắp sửa bắn phát súng báo hiệu, từ từ buông xuống và khi Giôngđơret nhắc lại “Nghe rõ chưa, Tênacđiê?” những ngón tay rã rời của Mariuytx suýt buông rơi khẩu súng. Khi Giôngđơret nói toạc ra hắn là ai, ông Lơ Blăng vẫn thản nhiên, nhưng Mariuytx thì hoang mang hết sức. Cái tên Tênacđiê, ông Lơ Blăng có lẽ không biết, nhưng Mariuytx biết lắm.
Chúng ta nhớ lại cái tên ấy có ý nghĩa như thế nào đối với Mariuytx. Cái tên ấy, Mariuytx vẫn để trên trái tim chàng, cái tên ấy đã ghi trong di chúc của cha chàng, chàng vẫn mang nó trong đáy lòng, trong ký ức, trong lời di huấn thiêng liêng: “Một người tên là Tênacđiê đã cứu sống ta. Nếu con gặp ông ấy, thì hãy hết sức giúp đỡ ông ta”. Cái tên ấy chúng ta còn nhớ, là một niềm kính yêu của lòng chàng, chàng vẫn tôn sùng cái tên ấy cùng với tên cha chàng. Thế mà, có thể như thế ư, Tênacđiê là người này ư? Người này là ông chủ quán ở Môngphecmây mà chàng đã mất bao công tìm kiếm bấy lâu ư? Bây giờ chàng đã tìm thấy người ấy, nhưng cái người đã cứu sống cha chàng lại là một tên cường đạo! Con người mà Mariuytx nóng lòng muốn hy sinh tất cả để đền ơn, con người ấy là một con quỷ. Người đã cứu sống đại tá Pôngmecxi nay sắp phạm tội ác. Tuy Mariuytx chưa biết tội ác ấy sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có thể là một tội giết người, mà trời ơi! Giết ai? Định mệnh khắc nghiệt và mỉa mai thay! Từ đáy mồ, cha chàng ra lệnh cho chàng phải hết sức giúp đỡ Tênacđiê. Từ bốn năm nay Mariuytx chỉ có một ước vọng là thay cha đền ơn người ấy, thế mà bây giờ, khi Mariuytx sắp sửa báo cho cảnh sát bắt một tên cường đạo đang phạm tội giết người, thì số mệnh lại bảo chàng: Người ấy tên là Tênacđiê. Đời sống của cha chàng mà người ấy đã cứu được giữa làn mưa đạn trên chiến trường Oateclô anh hùng, chàng sẽ đền bù lại cho người ấy, trả lại cho người ấy bằng lưỡi dao máy chém! Chàng vẫn nghĩ khi nào tìm được Tênacđiê chàng sẽ quỳ xuống ôm lấy chân người ấy, bây giờ chàng đã tìm thấy Tênacđiê, nhưng tìm thấy để trao người ấy cho bàn tay đao phủ. Cha chàng kêu gọi chàng: “Cứu Tênacđiê”. Trả lời tiếng gọi quý mến và thiêng liêng ấy thì chàng định xéo chết Tênacđiê. Chàng sắp cho cha chàng ở dưới mồ thấy cái cảnh người ân nhân đã liều thân cứu sống cha chàng bị đưa ra hành hình ở quảng trường Xanh Giắc, do chính bàn tay của đứa con mình, bàn tay đáng lẽ phải cứu giúp người ấy. Mỉa mai thay, từ bao nhiêu lâu chàng vẫn mang trong lòng những nguyện vọng cuối cùng của cha chàng, những nguyện vọng mà chính tay cha chàng đã ghi lại, để bây giờ làm trái ngược hẳn những nguyện vọng ấy.
Nhưng mặt khác chẳng lẽ chứng kiến cái âm mưu này mà không ngăn chặn lại! Thế nào? Bỏ chết nạn nhân, thả lỏng tên sát nhân ư? Có cần phải trả ơn cho một thằng khốn nạn như vậy không? Tất cả những ý kiến mà Mariuytx vẫn ôm ấp từ bốn năm nay, sự việc bất ngờ này đã làm đổ nhào cả. Cả người chàng rung động. Bây giờ tất cả đều do chàng quyết định. Chàng nắm trong tay số mệnh của tất cả những người đang vật lộn dưới mắt chàng trong cái phòng kia, thế mà tất cả những người ấy đều không biết gì hết. Nếu chàng bắn phát súng, ông Lơ Blăng sẽ thoát, Tênacđiê sẽ bị hy sinh và biết đâu: Tênacđiê sẽ thoát? Đẩy người này hay để mặc người kia rơi xuống vực, cả hai đường đều đưa tới sự hối hận về sau.
Làm thế nào? Chọn con đường nào? Gạt bỏ những kỷ niệm thiết tha nhất, nỏ tất cả những điều tự hứa hẹn sâu nhất, bỏ cái nhiệm vụ thiêng liêng nhất, lời di chúc kính yêu nhất của cha chàng, hay cứ để kẻ sát nhân thực hiện tội ác? Chàng như nghe thấy một bên thì nàng Uyếchxuyn của chàng van xin cứu lấy cha nàng và một bên đại tá Pôngmecxi gửi gắm Tênacđiê. Người chàng như điên lên, đầu gối chàng rụng rời. Chàng cũng không có thời giờ cân nhắc nữa, sự việc đang xảy ra vội vàng, cấp bách như một cơn gió lốc. Cơn gió đó chàng tưởng điều khiển được, thế mà nó lại cuốn chàng đi. Chàng bàng hoàng cả người, sắp ngất.
Trong khi ấy Tênacđiê – từ nay chúng ta gọi đúng tên hắn – Tênacđiê đi đi lại lại trước cái bàn như người say sưa, mù quáng trong thắng lợi. Hắn nắm cây nến đặt mạnh trên mặt lò sưởi, mạnh đến nỗi ngọn lửa suýt tắt và nước nến chảy bắn tung lên tường. Xong hắn quay về phía ông Lơ Blăng, vẻ mặt hung dữ và khạc ra một câu:
- Thui lửa, hun khói, chặt miếng, băm viên nướng chả thôi!
Rồi hắn vừa đi vừa thét:
- À! À! Tôi vớ được ngài rồi, ngài từ thiện ơi! Ngài triệu phú mặc áo rách, ngài chuyên môn cho trẻ búp bê. Hừ! Thằng hề già! Ông không nhận ra tôi à? Ông không phải là người đến Môngphecmây, đến cái quán của ta, cách đây tám năm, đêm lễ giáng sinh năm 1823 à! Ông không phải là người đã dỗ đứa con Phăngtin, con Sơn ca đi à! Ông không mặc cái áo khoác ngoài màu vàng đấy à! Này, mẹ mày hình như lão ấy, lão già từ thiện này có cái tật thích mang cho người ta những bọc đầy bít tất len. Ông có cửa hàng làm áo mũ len phải không? Ông cho người nghèo cả cái cửa hàng của ông phải không? Ông già phúc đức. Trò hề thật! Hừ! Ông không nhận ra tôi à! Nhưng tôi, tôi nhận ra ông, tôi nhận ra ông ngay khi ông mới thò cái mõm ông vào đây. A! Ông tưởng có thể tha hồ xông vào nhà người ta, tự nhiên, vì là một cái quán ăn, lừa bịp người ta với bộ quần áo nát, với vẻ nghèo khổ như kẻ ăn xin, để rồi lại lên mặt hảo tâm: cướp cái cần câu cơm của người ta, rồi lại hùng hổ dọa nạt người ta giữa rừng; thế rồi khi người ta sa sút thì mang thí cho người ta một cái áo lùng thùng, hai cái chăn nhà thương tã, ông tưởng làm thế mà trôi được đấy hẳn, hử, lão gì khốn nạn, thằng mẹ mìn?
Hắn ngừng lại, như lẩm bẩm nói gì một mình. Cả cái cơn giận dữ của hắn bây giờ như dòng sông Rôn đổ vào một cái hang ngầm. Rồi hắn đập mạnh tay xuống bàn thét, như muốn nói to lên điều vừa tự nhủ:
- Cái bộ mặt hiền lành!
Hắn lại chĩa vào ông Lơ Blăng:
- Chà! Ngày ấy ông chơi xỏ tôi! Vì ông mà chúng tôi phải chịu tất cả những đau khổ này. Ông ném một nghìn năm trăm phơrăng để cướp lấy con bé của tôi, con bé hẳn là con nhà giàu có, có con bé đã từng xoay được bao nhiêu tiền, có con bé ta sẽ còn có ăn suốt đời! Giá con bé còn thì nó đã đền bù lại cho ta tất cả vốn liếng ta đã mất ở cái quán khốn nạn ấy, cái quán ta đã ăn hết cả quấn cả áo. À! Ta muốn mỗi cốc rượu trong cái quán của ta là một chén thuốc độc đối với những đứa đã nhậu nhẹt. Nhưng thôi! Này, chắc ông cho tôi là thằng ngốc đã để cho ông phỗng con Sơn ca đi. Trong rừng hôm ấy ông cậy có cái gậy. Hôm đó, ông là kẻ mạnh. Đến lượt ta trả thù đây. Hôm nay, con bài chủ ở trong tay ta. Ông đi đứt rồi, ông già của tôi ơi! Khoái quá, ừ, khoái quá. Ngài đã rơi vào tròng rồi, ngài ạ. Tôi đã thưa với ngài tôi là nghệ sĩ, tôi là Phabăngtu, tôi đã sắm kịch với cô Mác, cô Muýt, tôi nợ tiền chủ nhà, ngày mai, ngày 4 tháng hai phải trả tiền nhà. Ngài không biết ngày trả tiền nhà là mồng 8 tháng giêng chứ không phải mồng 4 tháng hai ư! Ông già ngớ ngẩn ơi! Và bốn đồng Philip quèn! Đồ khốn kiếp! Sao nó không rán cho đủ một trăm phơrăng nhỉ? Nó mê khướt những lời kêu van phỉnh nịnh vớ vẩn của ta. Cái đó làm ta thích thú. Ta bảo thầm: thằng già ngốc này, tao tóm được mày rồi, sáng nay tao liếm gót mày thì tối nay tao sẽ ăn gan mày.
Tênacđiê ngừng lại, hắn thở hết hơi, lồng ngực lép của hắn phập phồng như một cái bễ lò rèn. Hai mắt hắn đầy cái vẻ thỏa mãn xấu xa của con người hèn hạ, yếu đuối, độc ác khi đã đánh ngã được người mà hắn vẫn sợ, chửi được người mà hắn vẫn phải xu nịnh xưa nay. Cái thỏa mãn của một thằng lùn khi dận được chân lên đầu một người khổng lồ, cái thỏa mãn của một con chó rừng khi xé được thịt một con bò tót ốm đau, đã kiệt sức chống cự, nhưng vẫn còn đủ sức sống để cảm thấy đau đớn.
Ông Lơ Blăng không ngắt hắn. Nhưng khi hắn dứt lời thì ông nói:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì. Ông lầm thôi. Tôi là người rất nghèo, không phải triệu phú một tí nào. Tôi không quen ông. Ông nhận tôi ra người khác đấy.
- À thế à! Tênacđiê gầm lên. Khéo nhỉ! Ông vẫn thích cái trò đùa ấy? Ông sa lầy rồi, ông già ạ. Ông không nhớ gì à? Ông không nhận thấy tôi là ai à?
Ông Lơ Blăng lễ phép trả lời, nhưng trong giọng nói ấy vào hoàn cảnh này có cái gì lạ lùng, dũng mãnh:
- Xin lỗi ông, tôi nhận thấy ông là một tên ăn cướp.
Ai chả biết, bọn người xấu xa, độc ác nhất cũng có cái tự ái của mình. Nghe thấy tiếng “tên ăn cướp”, mụ Tênacđiê ở trên giường nhẩy xổ xuống, thằng Tênacđiê nắm chặt lấy chiếc ghế như sắp bẻ gẫy nó trong tay. Hắn thét bảo vợ:
- Mẹ mày đứng yên!
Rồi quay về phía ông Lơ Blăng hắn nói:
- Phải rồi, ăn cướp, tôi biết, các ngài nhà giàu vẫn gọi chúng tôi là ăn cướp cả. Phải rồi: tôi phá sản, tôi vỡ nợ, tôi trốn tránh, tôi không có miếng bánh, tôi không có đồng xu, tôi là kẻ cướp! Ba ngày nay nhịn đói, tôi là kẻ cướp. Còn các ngài, các ngài hơ chân, các ngài đi giầy ấm, mặc áo khoác lót bông, như những ông đại giám mục, ở nhà lầu, có người gác cổng, các ngài xơi nấm bao, tháng giêng các ngài xơi măng tươi bốn mươi phơrăng một nắm, các ngài xơi đậu ti-boa, các ngài nhồi, các ngài nhét và khi muốn biết trời có lạnh không, các ngài đọc báo xem nhiệt biểu của kỹ sư Sơvaliê chỉ bao nhiêu độ. Còn chúng tôi, chúng tôi không phải đi ra bờ sông xem ở Cột đồng hồ trời lạnh mấy độ. Chúng tôi là nhiệt biểu sống. Chúng tôi thấy máu đọng trong mạch, băng tràn lên tim và chúng tôi bảo: không có Chúa Trời! Rồi các ngài đến những cái hang ổ của chúng tôi, đúng là những cái hang ổ và chửi chúng tôi là kẻ cướp. Nhưng chúng tôi sẽ ăn thịt các ngài. Chúng tao sẽ nuốt sống lũ chúng mày các con ạ. Ngài triệu phú ạ, ngài phải biết tôi xưa kia cũng là một người có cơ sở, có môn bài, là cử tri, là một người tư sản. Còn ngài, ai biết ngài là cha căng chú kiết nào, hử ngài?
Đến đây Tênacđiê tiến một bước về phía những người đứng gần cửa và gầm lên:
- Thế mà nó dám đến đây coi mình như một thằng thợ giầy.
Rồi hắn lại bừng bừng giận dữ thét vào mặt ông Lơ Blăng:
- Vả lại, ngài từ thiện ạ, ngài phải biết tôi không phải là một con người ám muội, tôi không phải là một cha căng chú kiết, không có tên, không có tuổi, đi dỗ trẻ con nhà người ta. Tôi là một cựu quân nhân nước Pháp đáng lẽ phải được thưởng huân chương. Tôi đã dự trận Oateclô. Tôi đã cứu sống, ở trận tiền một ông tướng gọi là bá tước gì tôi không rõ. Ông ta có nói tên, nhưng nói chẳng ra hơi nên tôi không nghe rõ. Tôi chỉ nghe mang máng tiếng méc-xi (méc-xi trong tiếng Pháp nghĩa là cám ơn. Hai âm tiết cuối cùng tên Pontemrcy cũng đọc giống ý như thế). Tôi chẳng cần ông ấy cám ơn, giá tôi biết tên ông ấy còn hơn. Được thế, ngày nay tôi có thể đi tìm được ông ấy. Cái bức tranh này, họa sĩ Đavit vẽ ở Bơruýchcơxen (David: Tên một họa sĩ nổi danh của Pháp thế kỷ XIX; Bơruýchxen, thủ đô nước Bỉ, Tênacđiê nói sai chữ), ông có biết trong tranh vẽ ai không? Tôi đấy. Họa sĩ Đavit muốn ghi lại cho hậu thế cái chiến công bất hủ ấy. Tôi cõng vị tướng và mang qua bao làn mưa đạn. Chuyện như thế đấy. Nhưng ông tướng đó cũng chẳng giúp tôi cái gì. Hắn cũng chẳng hơn gì những kẻ khác! Thế mà tôi đã liều mình cứu hắn, giấy chứng nhận đây, đầy trong túi đây! Tôi là một chiến binh ở Oateclô, mẹ kiếp! Tôi đã nói hết với ông rồi. Kết luận, bây giờ tôi cần có tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền, không có thì tôi sẽ thịt ông, nghe chưa!
Mariuytx đã trấn tĩnh được tinh thần, chàng lắng nghe. Không còn chút nghi ngờ nào nữa. Chính là gã Tênacđiê trong di chúc. Mariuytx rùng mình trước lời oán trách cha chàng vô ơn, mà cả chàng cũng sẽ phải vô ơn như vậy. Chàng lại càng thêm do dự. Trong lời nói, trong giọng nói, trong cử chỉ, trong cặp mắt nảy lửa từng chữ, trong tất cả cơn thịnh nộ khoác lác và nhơ nhuốc, kiêu căng và ti tiện, giận dữ và ngớ ngẩn, đầy những chi tiết thực và những tình cảm giả, trong cái vẻ trâng tráo của con người độc ác đang say sưa với bạo hành, trong cái lõa lồ thô bỉ của một tâm hồn xấu xa, trong cái mớ hỗn hợp đau khổ của căm hờn, trong tất cả những cái ấy, có một cái gì ghê tởm như tội ác và xót xa như sự thực.
Cái bức họa kiệt tác, “bức tranh sơn dầu của Đavit” mà hắn nài ông Lơ Blăng mua, độc giả cũng đoán ra, chỉ là cái biển quán rượu chính tay hắn đã vẽ, vật duy nhất hắn còn giữ được sau cuộc vỡ nợ ở Môngphecmây.
Tênacđiê không đứng chắn mắt Mariuytx nữa, bây giờ chàng có thể ngắm bức tranh ấy, chàng nhận ra trong bức tranh bôi bác một cảnh chiến trường đầy khói lửa đàng xa và đàng trước hình ảnh hai người cõng nhau: hai người ấy là Tênacđiê và Pôngmecxi. Viên đội cứu viên đại tá. Mariuytx ngây ngất trước bức tranh ấy, bức tranh hình như làm cha chàng sống lại; không phải là cái biển quán rượu Môngphecmây nữa mà là cả một cuộc phục sinh, một nấm mồ đương mở ra và một bóng ma đang hiện lên. Mariuytx nghe thấy mạch máu đập như rung chuông ở thái dương; chàng tưởng nghe thấy tiếng đại bác Oateclô trong tai; hình ảnh cha chàng mình đẫm máu lờ mờ trên bức tranh làm cho chàng kinh sợ; hình như cái hình người lờ mờ ấy nhìn chàng chòng chọc.
Khi Tênacđiê đã hết hổn hển rồi, hai mắt đỏ ngầu của hắn xói vào ông Lơ Blăng, hắn nói sẽ và gọn:
- Mày còn muốn nói gì trước khi chúng tao thịt mày?
Ông Lơ Blăng không trả lời. Giữa phút yên lặng ấy, một giọng khàn khàn ở ngoài hành lang ném ra lời nói kinh khủng này:
- Có cần bổ củi thì có ta đây!
Thằng cha cầm búa đồ tể pha trò. Cũng lúc ấy một khuôn mặt gân guốc, xám xịt hiện ra trong khung cửa, cười như bộ nanh ghê gớm.
Tênacđiê giận dữ quát:
- Mày bỏ mặt nạ ra để làm gì?
- Để cười chơi – tên cầm búa trả lời.
Từ nãy ông Lơ Blăng theo dõi và rình từng cử chỉ của Tênacđiê, còn Tênacđiê thì mù quáng say sưa vì giận dữ, đi đi lại lại trong cái sào huyệt của hắn. Hắn tin chắc vì cửa ngõ giữ cẩn thận rồi, vì hắn có vũ khí để đối phó với một người tay không. Vì chúng là chín chọi một – đấy là mụ Tênacđiê cũng chỉ tính là một người thôi! Tênacđiê không còn phải đề phòng gì nữa; khi quát mắng thằng cha cầm búa, hắn quay lưng lại ông Lơ Blăng.
Ông Lơ Blăng cướp lấy cơ hội ấy, lấy chân đá ghế, tay xô bàn và nhanh như chớp, nhảy ra sát cửa sổ trước khi Tênacđiê kịp ngoảnh lại. Mở cửa sổ, trèo lên, nhảy ra chỉ cần một giây, nửa người ông đã lao ra ngoài rồi, nhưng sáu bàn tay rắn chắc nắm lấy ông và lôi ngược ông vào trong phòng. Đó là ba thằng “nạo lò sưởi” đã nhảy chồm lên ông. Còn mụ Tênacđiê thì nắm tóc ông.
Nghe tiếng rầm rập, bọn côn đồ ở ngoài hành lang chạy vào. Lão già say rượu nằm trên giường cũng bước xuống tay cầm một cái búa phu lục lộ và chệch choạng đi tới.
Một thằng thợ nạo lò sưởi giơ cao trên đầu ông Lơ Blăng một thứ vồ mà hai đầu là hai quả chì tra vào một thanh sắt; mặt hắn bôi nhọ nhưng nhờ ánh nến chiếu thẳng vào, Mariuytx cũng nhận ra được hắn là Păngsô tức Pơranhtaniê tức Bigrơnay.
Mariuytx không thể đứng yên trước cảnh tượng ấy. Chàng nói thì thầm:
- Xin cha tha tội cho con!
Ngón tay chàng lần cái cò súng. Lúc đạn sắp nổ thì cũng là lúc Tênacđiê hét to:
- Không được hại hắn!
Trước cái cử chỉ tuyệt vọng để thoát thân của nạn nhân, Tênacđiê không tức giận, hắn lại bình tĩnh. Trong hắn có hai con người: con người hung tợn và con người khôn ngoan. Vừa rồi, trước thắng lợi nắm chắc trong tay, trước con mồi bị đánh ngã không cựa quậy được nữa, con người hung tợn lớn tiếng, nhưng khi nạn nhân vũng vẫy muốn kháng cự, thì con người khôn ngoan mềm dẻo lại xuất hiện.
- Không được hại hắn, Tênacđiê lặp lại.
Hắn không ngờ cái thắng lợi đầu tiên thu được là chặn viên đạn sắp nổ và làm cho Mariuytx tê liệt. Mariuytx không thấy việc can thiệp là cấp bách nửa và cho rằng có thể chờ thêm ít nữa. Biết đâu lại chẳng có điều gì may mắn xảy ra sẽ giải quyết cho chàng nỗi phân vân ghê gớm là hoặc để cha nàng Uyếcxuyn bị hại, hoặc hại người đã cứu sống cha chàng.
Một cuộc xung đột vũ bão nổ ra. Trước hết ông Lơ Blăng cho lão già chệnh choạng một quả đấm giữa ngực, lão ngã bắn ra giữa buồng; rồi hai cnhs tay ông gạt ngã hai thằng khác, mỗi đầu gối dận lên một thằng, hai thằng khốn nạn này rên rỉ dưới sức đè nặng như một thớt đá; nhưng bốn thằng khác đã nắm gáy, nắm hai cánh tay ông già ghê gớm và giữ ông ngồi quỵ trên người hai thằng “nạo lò sưởi”. Ông đè chẹt hai thằng dưới, cò bốn thằng trên đè lên ông đến ngẹt thở, vừa được, vừa thua, ông Lơ Blăng cố vận dụng hết sức lực để hất bọn trên ra. Cả người ông bị bọn cướp chồng chất lên, che lấp hẳn đi như một con lợn rừng bị một đàn chó săn ồn ào dồn đống trên mình nó. Cuối cùng bọn kẻ cướp vật ông ngã xuống cái giường gần cửa sổ nhất và giữ yên ông ở đấy. Mụ Tênacđiê vẫn không buông tóc ông. Thằng Tênacđiê bảo vợ:
- Mẹ mày đừng xen vào, không lại rách khăn quàng.
Mụ lầu bầu buông tay ra, theo lời chồng như con sói cái nghe theo con sói đực. Thằng Tênacđiê nói tiếp:
- Còn chúng mày, lục soát nó đi!
Ông Lơ Blăng không kháng cự nữa. Bọn chúng lục khám người ông. Trong người ông chỉ có một cái túi da đựng sáu phơrăng và một cái khăn tay.
Tênacđiê thu chiếc khăn tay vào túi, hỏi:
- Sao! Không có ví tiền à?
- Đồng hồ cũng không có! Một tên “nạo lò sưởi” trả lời.
Một tên đeo mặt nạ, cầm cái chìa khóa kếch xù nói giọng bụng ọc ạch:
- Dẫu sao, thằng cha già này cũng ghê thật!
Tênacđiê ra góc cửa, lấy một nắm dây thừng vứt cho bọn chúng bảo:
- Trói nó vào chân giường.
Lúc đó hắn mới để ý đến thằng cha bị ông Lơ Blăng cho một đấm ngã lăn ra giữa buồng, nằm im không cựa. Hắn hỏi:
- Thằng cha Bulatơruyen chết rồi sao?
Bigrơnay trả lời:
- Không, lão ấy say đấy.
- Quét nó vào trong xó! Tênacđiê ra lệnh.
Hai thằng “nạo lò sưởi” lấy chân đẩy lão say rượu đến bên đống sắt vụn. Tênacđiê bảo nhỏ tên cầm gậy:
- Babe! Sao mày dẫn nhiều ông tướng đến thế! Không cần thiết.
Thằng cầm gậy trả lời:
- Mày tính, chúng nó đứa nào cũng muốn chấm mút một tí. Mất mùa mà! Chẳng có mẻ nào sất.
Cái giường chúng vật ông Lơ Blăng xuống là một thứ giường nhà thương, có bốn chân gỗ xù xì. Ông Lơ Blăng cứ để mặc chúng. Bọn kẻ cướp trói chặt ông vào chân cái giường xa cửa sổ nhất và gần lò sưởi nhất. Chúng trói đứng ông, chân chạm đất.
Khi chúng buộc xong nút trói cuối cùng, Tênacđiê mang một chiếc ghế đến ngồi ngay trước mặt ông. Người ta không nhận ra mặt Tênacđiê nữa. Mới có mấy phút mặt hắn từ giận dữ điên cuồng đã trở lại hiền lành một cách xảo quyệt. Nhìn nụ cười lễ phép của hắn lúc bấy giờ, Mariuytx không thể tưởng cũng là cái mõm thú dữ sùi bọt mép lúc nãy. Chàng ngạc nhiên trước sự thay hình đổi dạng kỳ ảo và ghê sợ ấy, chàng có cảm giác như thấy một con hổ biens thành một anh thày cò. Tênacđiê nói:
- Thưa ông…
Rồi hắn ra hiệu bảo những thằng kẻ cướp còn nắm chặt ông Lơ Blăng:
- Ra xa đằng kia một chút, để tôi nói chuyện với ông ấy.
Cả bọn lùi ra phía cửa. Tênacđiê nói tiếp:
- Ông ơi! Ông định nhảy qua cửa sổ là sai lầm đấy. Có thể què chân. Bây giờ nếu ông bằng lòng thì chúng ta nối chuyện ôn tồn với nhau. Tôi có một điều nhận xét đặc biệt và muốn nói với ông, là ông chưa kêu lên một tiếng nào.
Tênacđiê nhận xét đúng, điều ấy có thực, dù Mariuytx trong khi bối rối không để ý đến. Ông Lơ Blăng chỉ mwois nói có mấy câu, mà nói khẽ và ngay lúc đánh nhau dữ dội với sáu tên kẻ cướp ở gần cửa sổ, ông cũng không kêu lên một tiếng nào, ông vẫn im lặng. Tênacđiê nói tiếp:
- Ừ! Giá ông có kêu: Kẻ cướp! Kẻ cướp! Thì cũng không có gì là quá. Cũng có thể kêu: Quân giết người! Quân giết người! Và tôi cũng không cho thế là đáng ghét. Chạm trán với những người mình không tin cậy như thế này thì có làm ầm lên một chút cũng là tất nhiên. Ông có kêu la thì tôi cũng không làm rầy ông, cũng không cần bịt mồm ông. Vì sao thế? Tôi nói cho ông biết nhé! Nghĩa là cái buồng này chẳng khác gì người điếc. Cái buồng này chỉ được có cái đó thôi và được cái đó thực sự. Chẳng khác gì một cái hầm. Một quả bom nổ ở đây, đội cảnh binh gần nhất cũng chỉ tưởng là tiếng ngáy của một gã say rượu. Đại bác cũng chỉ kêu bùm! Sấm nổ cũng chỉ kêu bụp! Thật là thuận lợi. Dù sao ông cũng đã không kêu, điều đó rất tốt, tôi khen ông và tôi suy luận thế này xin thưa lại: Ông bạn thân mến ơi! Nếu ông kêu thì ai đến? Cảnh sát thôi! Cảnh sát đến, rồi sau đó thì ai? Tòa án. Thế mà ông không kêu cứu. Nghĩa là ông cũng chẳng ưa gì tòa án và cảnh sát đến, cũng như chúng tôi thôi. Từ lâu tôi đã đoán rằng ông cũng muốn giấu một cái gì. Chúng tôi cũng vậy. Như thế chúng ta càng dễ thỏa thuận với nhau.
Mắt Tênacđiê như dán vào mặt ông Lơ Blăng, hình như vừa nói hắn vừa xoáy tia mắt của hắn vào tận đáy tâm hồn người tù nhân của hắn. Vả chăng cái ngôn ngữ của hắn tuy có phần láo xược và lắt léo nhưng cũng vẫn dè dặt thận trọng, trong con người thằng ăn cướp lúc nẫy bây giờ lại còn nét của “một kẻ đã học để làm cố đạo”.
Cái im lặng của người bị bắt, việc ông ta không chịu kêu lên một tiếng dù là một tiếng kêu của bản năng tự vệ khi sinh mệnh bị đe dọa, điều đó làm cho Mariuytx thắc mắc và ngạc nhiên một cách khó chịu.
Sự nhận xét rất đúng của Tênacđiê càng làm thêm dày thêm đặc trước mắt Mariuytx cái màn bí mật bao phủ con người nghiêm nghị và lạ kỳ mà Cuốcphêrắc đã mệnh danh là ông Lơ Blăng. Trong tình thế hết sức khó khăn nguy hiểm, bị trói chằng chịt giữa một bầy đao phủ, như nửa người đã bị chôn xuống một cái hố, ngày càng lún dưới chân, trước vẻ giận dữ hay dịu dàng của Tênacđiê, ông già ấy vẫn lạnh lùng như không. Trong giờ phút như thế này Mariuytx không thể không khâm phục cái vẻ mặt rầu rầu cao cả ấy.
Thật là một tâm hồn chưa hề để cho sợ hãi bén mảng, một tâm hồn chưa hề biết hoang mang là gì. Ông thuộc hạng người trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất vẫn bình tĩnh, không hề mảy may ngạc nhiên. Khủng hoảng cao đến đâu, nguy hiểm khó tránh đến mấy, ông cũng không hề biết cái giây phút hấp hối của người chết đuối mở mắt kinh hoàng trong đáy nước.
Tênacđiê công nhiên đứng dậy, đi tới lò sưởi, nhấc cái bình phong đem dựa vào cạnh giường sát đấy, để lộ ra cái thấy rõ ràng trong lò than cái đục nung trăng lốm đốm những sao đỏ.
Rồi hắn trở lại ngồi bên cạnh ông Lơ Blăng.
- Tôi nói tiếp nhé. Chúng ta có thể thỏa thuận với nhau. Lúc nãy tôi nổi nóng là không đúng, thật là mất trí, cũng thật là quá trớn một cách vô lý và ăn nói xô bồ. Chẳng hạn thấy ông là triệu phú, tôi đòi tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền. Thật là không biết điều. Trời ơi! Ông giàu có thật đấy nhưng cũng có những gánh nặng, ai chả có gánh nặng. Tôi không muốn ông phá sản, tôi không phải là thằng ăn thịt người. Tôi không phải hạng người vì ỷ thế mạnh mà trờ nên lố bịch, buồn cười. Này, ông này, ông cũng biết điều, sẵn sàng chịu hy sinh về phía mình. Tôi chỉ cần hai trăm nghìn phơrăng thôi.
Ông Lơ Blăng không hé một lời, Tênacđiê nói tiếp:
- Ông xem, tôi đã pha khá nhiều nước vào rượu rồi đấy. Tôi không biết ông giàu có đến thế nào, nhưng tôi biết ông không phải là người coi trọng đồng tiền; một người từ thiện như ông cho một người cha nghèo túng như tôi hai trăm nghìn phơrăng có thấm vào đâu. Hẳn ông cũng biết điều. Ông cũng trông thấy hôm nay tôi nhọc công như thế nào, câu chuyện chiều hôm nay tôi xếp đặt công phu như thế nào, đẹp đẽ như thế nào, các vị ở đây đều công nhận như thế. Tất cả công trình ấy không phải chỉ để kiếm món tiền uống năm ba chén rượu, ăn một vài đĩa thịt bò non ở tiệm Đêncayê. Hai trăm nghìn phơrăng cũng ddnags lắm. Cái món tiền mọn ấy, ông bỏ ra rồi thì tôi cam đoan với ông là xong xuôi cả, ông không sợ mất một cái chân lông nào. Ông sẽ bảo: tôi không có hai trăm nghìn phơrăng mang theo người. Không! Tôi không quá quắt đâu, tôi không đòi ông có tiền ngay đây đâu. Tôi chỉ cần một điều, ông vui lòng viết như tôi bảo đây.
Đến đây Tênacđiê ngừng lại rồi hắn dằn từng tiếng, vừa nói vừa mỉm cười nhìn về phía lò than:
- Tôi xin báo trước: tôi không thừa nhận là ông không biết viết.
Một vị thẩm phán lỗi lạc của tòa án Anhkidixieeng (Tòa án của Nhà chung thời Trung cổ, ở Tây Ban Nha trừng phạt rất tàn bạo những người bị coi là xúc phạm đạo Giatô) cũng không thể có được cái nụ cười ấy.
Tênacđiê đẩy cái bàn đến chỗ ông Lơ Blăng, lấy một lọ mực, một cây bút và một tờ giấy trong ô kéo vẫn để hé mở, trong đó lấp lánh lưỡi một con dao làm bếp dài.
Hắn đặt tờ giấy trước mặt ông Lơ Blăng và bảo:
- Ông viết đi.
Người tù bây giờ mới nói:
- Tôi bị trói thế này, ông bảo tôi viết làm sao được.
- Ừ nhỉ, Tênacđiê nói – xin lỗi ông, ông nói phải.
Rồi quay lại phía Bigrơnay hắn bảo:
- Cởi cánh tay phải cho ông ấy.
Păngsô, tức là Pơranhtaniê, tức Bigrơnay thi hành lệnh của Tênacđiê. Khi bàn tay phải ông Lơ Blăng được cởi trói rồi, thì Tênacđiê cầm bút chấm vào lọ mực và đưa xho ông.
- Ông ơi, ông phải nhớ rằng ông ở trong tay chúng tôi, số phận của ông do chúng tôi định đoạt, hoàn toàn do chúng tôi định đoạt, quyền lực của con người khoogn thể cứu ông thoát nơi đây. Và chúng tôi cũng rất khổ tâm nếu phải dùng đến những cách xử lý cực đoan không lịch sự. Tôi không biết tên ông, tôi không biết chỗ ở của ông, nhưng tôi báo cho ông biết là chúng tôi sẽ trói ông cho đến khi người đưa cái thư này trở về đây. Bây giờ ông viết đi.
- Viết cái gì? – Người bị trói hỏi.
- Tôi đọc cho ông viết.
Ông Lơ Blăng cầm bút.
Tênacđiê bắt đầu đọc:
- “Con gái ta…”
Người tù nhân rùng mình, ngước mắt lên nhìn Tênacđiê. Hắn bảo:
- Đề: “Con gái yêu của ta…”
Ông Lơ Blăng viết theo, Tênacđiê đọc tiếp:
- Con đến ngay…
Tênacđiê ngừng lại hỏi:
- Ông gọi “con” phải không? (Trong nguyên văn, đây là tiếng “tu” để gọi người đối thoại với mình một cách thân mật hoặc âu yếm – không kể khi gọi thần linh thì là thật tôn sùng, hay khi gọi kẻ dưới một cách khinh thường – Trong gia đình Pháp, cha mẹ thường nói tu với con, nhưng một số gia đình kiểu cách, thường thường là quí tộc và tư sản nói vous với con cái. Ở ta cha mẹ thương nói với con nhưng cũng có người gọi anh, chị, cô, chú).Ông Lơ Blăng hỏi:
- Gọi ai?
- Còn vờ gì nữa! Con bé con, con Sơn ca ấy.
Ông Lơ Blăng trả lời thản nhiên như không:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
- Thôi cứ viết.
Tênacđiê lại tiếp tục đọc:
- “Con đến ngay, bố cần gặp con lắm. Người trao cho con mảnh thư này sẽ dẫn con đi. Bố đợi con. Con cứ đến không ngại gì”.
Ông Lơ Blăng đã viết tất cả như vậy. Tênacđiê bảo thêm:
- À quên, xóa: Con cứ đến không ngại gì đi, viết như thế nó có thể ngờ là chuyện không đơn giản, cần phải đề phòng.
Ông Lơ Blăng xóa mấy chữ ấy.
Tênacđiê nói tiếp:
- Bây giờ ông ký tên đi. Tên ông là gì?
Người tù nhân đặt bút xuống hỏi:
- Cái thư này gửi cho ai?
Tênacđiê trả lời:
- Ông biết quá chứ, gửi cho con bé, tôi vừa bảo ông mà.

Rõ ràng Tênacđiê tránh không nói tên người con gái ấy. Hắn gọi: “Con Sơn ca” hay gọi “con bé” nhưng hắn không gọi tên thật. Thận trọng của con người mánh khóe, không để tiết lộ điều bí mật của mình cho bọn đồng lõa biết. Nói rõ tên là đem cả cái món này biếu cho chúng, là cho chúng biết những điều chúng không nên biết. Hắn nhắc lại:
- Ông ký đi, tên ông là gì?
- Uyếchxuyn Phabơrơ – người tù nhân trả lời.
Tênacđiê nhanh như con mèo thọc tay vào túi áo, rút ra cái khăn lấy của ông Lơ Blăng. Hắn tìm xem chữ ghi trên khăn, giơ cái khăn gần ánh nến:
- U.F. Phải rồi, Uyếchxuyn Phabơrơ. Ký U.F. đi.
Người tù nhân ký, Tênacđiê bảo:
- Gấp thư phải cần cả hai tay kia. Đưa tôi gấp cho.
Gấp thư xong, Tênacđiê lại bảo:
- Đề địa chỉ: cô Phabơrơ ở nhà ông. Tôi biết ông cũng ở gần đây thôi, trong khu vực nhà thờ Xanh Giắc đuy Hôpa, hàng ngày ông vẫn hay đi lễ ở đó mà, nhưng tôi không rõ ông ở phố nào. Tôi thấy ông hiểu hoàn cảnh của ông rồi, ông đã không giấu tên, chắc ông cũng không giấu địa chỉ. Ông tự đề lấy địa chỉ đi.
Người tù nhân suy nghĩ một lát rồi cầm bút viết:
- Cô Phabơrơ, ở nhà ông Uyếchxuyn Phabơrơ, phố Xanh Đôminích (Saint Dominiqu) Đăngphe số 17.
Tênacđiê vội vàng giật lấy bức thư gọi:
- Mẹ mày đâu?
Mụ Tênacđiê chạy đến.
- Thư đây. Mẹ mày biết phải làm gì rồi. Có xe ngựa đợi dưới cổng. Đi ngay rồi về ngay.
Rồi quay lại người cầm búa đồ tể, hắn bảo:
- Mày, mày đã lột mặt nạ thì đi theo mụ tư sản ấy – Mày ngồi đàng sau xe. Cái xe ngựa chờ ở đâu, nhớ rồi chứ?
- Nhớ.
Hắn để chiếc búa vào một xó và đi theo mụ Tênacđiê. Khi họ đi rồi, Tênacđiê thò đầu qua cửa và dặn với theo, qua hành lang:
- Mẹ mày cẩn thận đừng đánh mất bức thư. Hai trăm nghìn phơrăng trong tay mẹ mày đấy!
Mụ Tênacđiê giọng khàn khàn trả lời:
- Mình yên trí. Đã để bức thư vào trong dạ dày rồi.
Một phút sau đã nghe tiếng roi quát ngựa cứ xa dần rồi mất hẳn. Tênacđiê lẩm bẩm:
- Tốt lắm. Xe, ngựa chạy khá đấy. Cứ cái nước đại này chỉ ba khắc đồng hồ là mụ tư sản trở về thôi.
Hắn mang một chiếc ghế lại gần lò sưởi, khoanh tay ngồi xuống ghế và đưa hai chiếc giày bám bùn hơ ở lò than.
- Mình lạnh chân quá.
Ở trong cái tổ quỷ bấy giờ chỉ còn lại Tênacđiê, người tù với năm kẻ cướp. Bọn người ấy, đeo mặt nạ hoặc bôi nhọ mặt, là những người thợ làm than, những người da đen, hay quỷ sứ là tùy con mắt sợ hãi của người ta. Bọn họ nằm ngồi co ro, uể oải, họ đang thực hiện âm mưu tàn bạo của họ thản nhiên như làm việc hàng ngày, bình tĩnh, không giận dữ, không cảm thương, có vẻ chán chường. Họ ngồi dồn vào một xó như một bầy thú, yên lặng. Tênacđiê vẫn sưởi chân. Người bị cầm giữ trở lại trầm ngâm không nói.
Một không khí lặng lẽ âm u thay thế sự huyên náo hung tợn ban nãy.
Ngọn nến đã chảy thành một cái nấm rộng, ánh sáng yếu đuối chiếu lờ mờ gian buồng rộng lớn. Lò than đã bắt đầu vạc, những cái đầu người ghê tởm ấy in trên cách và trên trần những hình thù kỳ quặc.
Chỉ nghe tiếng thở đều đều của lão già say rượu vẫn ngủ yên.
***
Mariuytx chờ đợi, mỗi phút một lo ngại thêm. Bí mật dày đặc hơn bao giờ hết. Cái “con bé” mà Tênacđiê gọi là “Sơn ca” ấy là ai? Có phải “Uyếcxuyn” của chàng không? Người tù khi nghe tên Sơn ca không có vẻ cảm động chút nào và trả lời một cách rất thản nhiên: “Tôi không hiểu ông muốn nói gì”. Nhưng hai chữ U.F. thì khám phá ra rồi: đó là Uyếchxuyn Phabơrơ, mà Uyếchxuyn không phải là Uyếchxuyn nữa. Điều ấy là điều mà Mariuytx thấy chắc chắn nhất. Chàng như bị một thứ ma lực ghê sợ nào đóng cứng người ở chỗ đài quan sát từ đó chàng đang nhìn bao quát cả tấn kịch. Chàng đứng đấy không cựa quậy được, không suy nghĩ được, như bị những hình ảnh ghê tởm diễn ra sát mắt, làm chàng mất hết nhận thức. Chàng chờ đợi, mong mỏi một biến cố gì xảy ra, không tập hợp được ý nghĩ không biết phải làm gì.
Chàng tự nhủ: “Dù sao, nếu Sơn ca là nàng, thì sẽ biết ngay, vì mụ Tênacđiê sẽ dẫn nàng đến đây. Bấy giờ tất cả sẽ sáng tỏ. Ta sẽ hy sinh đời sống của ta, giọt máu cuối cùng của ta nếu cần, nhưng nhất định ta sẽ cứu nàng. Không gì ngăn cản ta được”.
Nửa giờ trôi qua như vậy. Tênacđiê có vẻ đang nghiền ngẫm một ý nghĩ đen tối. Người tù không cựa quậy. Mariuytx từ nãy thỉnh thoảng nghe như ở phía người tù có một tiếng động khe khẽ.
Bỗng nhiên Tênacđiê nói to với người tù:
- Ông Phabơrơ này, cũng chả cần chờ đợi nữa, tôi nói ngay điều này với ông thôi.
Mấy lời đó như bắt đầu muốn hé một tia sáng. Mariuytx lắng tai nghe. Tênacđiê nói tiếp:
- Nhà tôi sắp về, ông đừng nóng ruột. Tôi chắc con Sơn ca là con ông và tất nhiên ông muốn giữ con ông. Nhưng ông hãy chịu khó nghe tôi. Tôi đã bảo nhà tôi ăn mặc như ông thấy, để cho cô tiểu thư nhà ông dễ tin và đi theo. Cả hai người sẽ cùng lên xe với ông bạn tôi ngồi đàng sau. Gần đâu đấy, phía ngoài một cái rào chắn, đỗ sẵn một chiếc xe con thắng hai con ngựa thật khỏe. Tiểu thư nhà ông sẽ được dẫn đến đây: Cô ấy sẽ xuống xe ngựa và lên chiếc xe con với người bạn tôi, còn nhà tôi sẽ về đây báo là việc xong xuôi rồi. Còn tiểu thư nhà ông thì không ai làm gì cả đâu, cái xe con sẽ dẫn cô ấy đến một nơi yên ổn, khi nào ông trao cho tôi số tiền mọn hai trăm nghìn phơrăng thì cô tiểu thư nhà ông sẽ được trả về cho ông. Nếu ông báo cho người ta bắt tôi, thì anh bạn tôi sẽ thí con Sơn ca. Chuyện như thế đấy.
Người tù không nói một lời. Nghĩ một lát, Tênacđiê nói tiếp:
- Ông xem, giản dị lắm. Không tai hại gì, quí hồ ông không muốn tai hại xảy ra. Tỗi nói rõ chuyện. Tôi báo trước để ông biết.
Hắn ngừng lại. Người tù vẫn yên lặng, Tênacđiê lại nói:
- Khi nhà tôi về bảo: Con Sơn ca đã lên đường, chúng tôi sẽ thả ông lập tức và ông có thể tự do trở về ngủ ở nhà ông. Ông xem chúng tôi quả không có ác ý gì.
Nhiều hình ảnh ghê sợ hiện lên ý nghĩ của Mariuytx. Sao? Người thiếu nữ mà họ bắt cóc đi như vậy, họ sẽ không đưa về đây? Một tên quỷ sứ trong bọn mang nàng vào trong bóng tối? Vào đâu?... Mà có phải là nàng không? Còn nghi ngờ gì nữa, chính là nàng rồi! Mariuytx thấy trái tim mình ngừng đập. Làm thế nào bây giờ? Bắn phát súng hiệu ư? Nộp tất cả bón khốn nạn này cho pháp luật ư? Nhưng thằng mang búa ghê tởm kia vẫn ở ngoài tròng, vẫn nắm giữ người thiếu nữ, Mariuytx nhớ lại những lời nói đẫm máu của Tênacđiê: Nếu ông báo cho người ta bắt tôi thì anh bạn tôi sẽ thí con Sơn ca. Bây giờ không phải chỉ là lời di chúc của cha chàng khiến chàng phải ngừng tay mà là cả mối tình của chàng, sinh mệnh của người chàng yêu cũng giữ tay chàng lại.
Tình trạng kinh khủng này đã kéo dài từ hơn một giờ và luôn luôn thay đổi trạng thái. Mariuytx có đủ nghị lực để dựng lại những ức thuyết bi đát nhất và cố tìm một mầm hy vọng nhưng không sao tìm được. Đầu óc chàng rối bời, trái ngược hẳn với sự yên lặng ảm đạm bao phủ cái sào huyệt kia.
Giữa lúc yên lặng ấy bỗng nghe thấy tiếng cổng dưới cầu thang mở ra rồi đóng lại.
Người tù cựa mình trong dây trói.
- Mụ tư sản đã về đây rồi! Tênacđiê kêu.
Hắn chưa nói xong thì mụ Tênacđiê đã nhảy bổ vào trong buồng, mặt đỏ gay, hơi thở hổn hển, mắt nảy lửa; mụ vừa kêu vừa đập hai bàn tay hộ pháp phành phạch vào đùi.
- Địa chỉ giả!
Thằng kẻ cướp đi theo mụ cũng trở về, đi sau mụ và hắn lại đến cầm cái búa giết bò.
- Địa chỉ giả? Tênacđiê hỏi lại.
Mụ Tênacđiê tiếp:
- Chẳng có ma nào! PhốSaint Dominiquesố 17, không có ai là Uyếchxuyn Phabơrơ. Chẳng ai biết hắn là người nào.
Mụ ngừng lại, nghẹt thở, xong lại nói:
- Ông Tênacđiê ơi! Thằng già này đánh lừa mình. Mình tử tế quá, mình thấy không? Tôi thì tôi hãy bắt đầu rạch cái mồm nó ra làm bốn và nếu nó còn giở trò, tôi sẽ nướng sống nó. Nó thế nào cũng phải nói, nói con gái nó ở đâu, đống vàng của nó ở đâu. Đấy, tôi thì tôi làm như thế đấy. Người ta bảo đàn ông ngu hơn đàn bà cũng phải. Chẳng có ông Phabơrơ nào, phố Xanh Đôminích, thế là lại ba chân bốn cẳng trở về, rồi lại tiền thưởng cho thằng đánh xe và tất cả! Tôi hỏi vợ chồng người gác cổng, mụ vợ là một người đàn bà đẹp đồ sộ, họ chẳng biết cái ngữ ấy.
Mariuytx thở phào. Nàng, - Uyếchxuyn hay Sơn ca, chàng không biết gọi là gì nữa – nàng đã thoát nạn. Trong khi mụ vợ phẫn nộ la hét om sòm, Tênacđiê ngồi lên trên bàn, hắn ngồi một lát không nói năng gì, lắc lư cái cẳng chân phải buông thõng, mơ màng, dữ tợn nhìn cái lò than.
Sau cùng hắn nói với người tù, giọng chậm rãi nhưng hung dữ vô cùng:
- Địa chỉ giả! Đưa địa chỉ giả, mày mong muốn cái gì?
Người tù thét lên, giọng sang sảng:
- Tranh thủ thời gian!
Vừa nói ông vừa hất rơi những dây trói. Dây trói đã bị cắt đứt. Người tù chỉ còn một chân bị trói vào trụ giường.
Bảy tên kẻ cướp chưa kịp nhận ra và xông tới thì ông đã cúi xuống bệ sưởi, giơ tay về phía lò than, rồi lại nhổm dậy. Và bây giờ cả bọn người: Tênacđiê, mụ vợ và mấy thằng kẻ cướp kia sửng sốt lùi về phía cuối buồng, kinh hoàng nhìn ông giơ trên đầu cái đục đỏ sáng rực, ghê rợn. Ông già hầu như hoàn toàn tự do đnưgs trước mặt chúng, oai hùng ghê gớm.
Trong cuộc điều tra tư pháp tiến hành về vụ gài bẫy ở nhà nát Gorbô, cảnh sát tìm thấy một đồng xu lớn cắt và mài một cách khéo léo lạ lùng: đồng xu ấy là một trong những kỳ xảo mà những người phạm nhân kiên trì của nhà lao đã sản xuất trong bóng tối để dùng trong bóng tối. Đó là những dụng cụ để vượt ngục.
NHững sản phẩm ghê tởm và tinh vi của một nghệ thuật kỳ diệu trong nghề kim hoàn, cũng giống như những ẩn dụ của tiếng lóng ở trong thơ ca. Có những “Băngvơnnutô Xelini” trong nhà tù khổ sai, cũng như trong ngôn ngữ có những Vilông. Người cùng khốn khát khao được giải phóng, không cần phải khí cụ đặc biệt gì, chỉ một con dao có thể xẻ đồng xu thành hai mảnh mỏng, khoét trũng hai mảnh đó không động chạm đến hình khắc trên mặt xu, xẻ rãnh trên cạnh đồng xu, làm cho hai mảnh khớp chặt với nhau, có thể tháo ra vặn vào, như một cái hộp. Trong cái hộp ấy giấu một cái lò xo đồng hồ, mảnh lò xo ấy nếu biết dùng có thể cưa đứt một mắt xích lớn hay một chấn song sắt. Người ta tưởng tù nhân chỉ có một đồng xu, không, họ có tự do. Trong những cuộc khám xét sau này của cảnh sát ở cái sào huyệt đó người ta tìm thấy đồng xu lớn ấy, hai mảnh rơi ở dưới gầm giường gần cửa sổ. Người ta cũng tìm thấy một lưỡi cưa con bằng thép xanh có thể giấu trong đồng xu. Khi bọn kẻ cướp lục soát ông già, ông ta trong người chắc có đồng xu ấy nhưng có thể giấu trong lòng bàn tay đến khi tay phải được cởi trói ông ta đã mở đồng xu và dùng lưỡi cưa cắt dây trói. Vì vậy nên Mariuytx đã nghe thấy một tiếng động nhự và nhìn thấy những cử động khe khẽ của ông già. Cúi xuống sợ bị lộ, ông ta không cứa được cái dây trói chân trái.
Bọn kẻ cướp bây giờ đã qua cơn kinh ngạc. Bigrơnay bảo Tênacđiê:
- Yên trí! Còn một cẳng bị trói hắn không chuồn được đâu. Tao bảo đảm. Chính tay tao đã trói cái cẳng ấy đấy.
Nhưng người tù nói to hẳn lên:
- Chúng mày là những tên khốn nạn. Tao có cần sống lắm đâu. Nhưng chớ tưởng là có thể bắt tao cung khai, bắt tao viết điều tao không muốn viết, nói điều tao không muốn nói…
Ông vén cánh tay áo bên trái lên bảo:
- Trông đây này.
Đồng thời ông lấy cái đục nung đỏ vẫn cầm trong tay phải dí lên cánh tay. Người ta nghe thấy tiếng thịt cháy xèo xèo, một thứ mùi đặc birtj của những phòng tra tấn bốc lên trong gian buồng. Mariuytx kinh hãi thấy người mình lảo đảo. Bọn kẻ cướp cũng phải rùng mình. Ông già kỳ dị ấy chỉ nhăn mặt một tý, cây sắt đỏ chọc vào cánh tay, thịt cháy bốc khói, ông già bình thản như không, vẻ mặt vô cùng cao cả, ông nhìn Tênacđiê bằng con mắt rất đẹp, không ẩn mảy may căm thù, cả bao nhiêu đau đớn cũng tan đi trong cái bình thản cao cả ấy.
Ở những con người lớn lao, cao cả, những nổi dậy cảu xác thịt và giác quan đau đớn làm cho tâm hồn thoát xác và hiện lên trán, cũng như những cuộc nổi dậy của lính quèn khiến người chỉ huy phải ra mặt.
- Đồ khốn nạn! – Ông nói – Đừng có sợ tao cũng như tao không sợ chúng bay vậy.
Nhấc cái đục lên, ông ném qua cửa sổ để ngỏ. Cái dụng cụ ghê gớm quay tròn, biến mất tỏng bóng tối rơi ra xa và tắt hẳn trên mặt tuyết.
Người tù lại nói:
- Chúng bay muốn làm gì tao thì làm đi nào!
Ông chỉ còn hai tay không.
Tênacđiê thét:
- Nắm lấy nó!
Hai tên kẻ cướp đè tay lên hai vai ông, tên kẻ cướp đeo mặt nạ nói giọng bụng tiến dến đứng trước mặt ông, tay cầm cái chìa khóa khổng lồ, sẵn sàng đập vào đầu ông nếu ông hơi cử động một tí.
Cũng lúc ấy Mariuytx nghe thấy ở đươi chân tường, ngay dưới cái lỗ hổng của chàng, hai người mà chàng không thấy mặt thì thầm với nhau:
- Chỉ còn một cách thôi…
- Xẻ người nó ra.
- Phải đấy!
Đó là thằng chồng và con vợ đương bàn tính với nhau.
Tênacđiê từ từ tiến lại gần bàn, rút ô kéo, lấy con dao. Mariuytx mân mê cái báng súng. Do dự lạ lùng! Từ một tiếng đồng hồ nay, lương tâm chàng như nghe thấy hai tiếng gọi, một tiếng gọi bảo chàng tuân theo lời di chúc của cha chàng, một tiếng gọi bảo chàng phải cứu người tù. Hai tiếng gọi không ngừng đấu tranh với nhau khiến lòng chàng rã rời như người sắp chết. Đến bây giờ chàng vẫn nuôi cái hy vọng mơ hồ có thể dung hòa được hai bổn phận ấy, nhưng nay thì không có khả năng nào nữa… Tai họa khẩn cấp, phút chờ đợi cuối cùng đã qua rồi. Tênacđiê đang suy nghĩ, con dao cầm lăm lăm trong tay chỉ cách tù nhân có vài bước.
Mariuytx ngơ ngác nhìn xung quanh, cái nhìn kêu cứu tự nhiên và tối hậu của con người khi tuyệt vọng.
Bỗng nhiên chàng giật mình. Mặt trăng tròn dọi một tia sáng vào phòng chàng và hình như chỉ cho chàng thấy một mảnh giấy dòng chữ to tướng của đứa con gái lớn của Tênacđiê đã viết buổi sáng:
- Bọn cớm đấy!
Một ý nghĩ, một tia sáng vụt qua tâm trí Mariuytx. Chàng đã tìm thấy cái chàng mong đợi, tức là cách giải quyết cái vấn đề ghê gớm đã giày vò chàng từ nãy đến giờ: cứu thoát nạn nhân đồng thời tha cho kẻ sát nhân. Chàng quì xuống mặt tủ, giơ tay với mặt giấy, nậy một miếng vôi tường, lấy mảnh giấy bọc lại và ném cả gói ấy qua lỗ hổng sang buồng bên cạnh.
Vừa kịp, Tênacđiê đã khắc phục hết do dự, hết e ngại và đã tiến đến bên người tù.
- Cái gì rơi kia! – Mụ Tênacđiê kêu.
Thằng chồng hỏi:
Mụ vợ đã nhảy tới và nhặt cái gói giấy gói miếng vôi tường, đưa cho chồng. Tênacđiê hỏi:
- Ở đâu ném vào đó?
- Lạ chửa! – Mụ vợ nói – Còn ở đâu ném vào nữa? Ở cửa sổ chứ còn ở đâu.
- Tao trông thấy bay vào – Bigrơnay nói thêm.
Tênacđiê mở nhanh mảnh giấy, đưa gần ngọn nến xem:
- Chữ của con Êpônin. Rầy thật!
Hắn ra hiệu cho mụ vợ, mụ vợ vội vã lại gần, hắn giơ cho vợ xem dòng chữ trên mảnh giấy và nói, giọng trầm đặc:
- Cấp tốc! Cái thang đâu! Thôi cứ bỏ miếng mỡ trong bẫy chuột. Xéo! Xéo!
- Không cắt cổ thằng cha ấy à? – Mụ Tênacđiê hỏi.
- Không có thời giờ.
Bigrơnay hỏi:
- Đi lối nào?
- Lối cửa sổ - Tênacđiê trả lời - Êpônin đã ném qua cửa sổ, nghĩa là phía cửa sổ không bị vây.
Thằng mặt nạ giọng bụng để cái chìa khóa khổng lồ xuống sàn, giơ hai cánh tay lên trời, mở rồi lại nắm nhanh hai bàn tay lại liên tiếp ba lần, không nói một lời. Cũng như hiệu lệnh chiến đấu cho thủy thủ một con tàu. Hai tên kẻ cướp giữ người tù buông tay ra. Chỉ một thoáng, cái thang dây đã buông ngoài cửa sổ, hai móc sắt móc chặt vào khùn cửa.
Người tù không chú ý đến sự việc xung quanh.
Ông ta như đang mơ màng hay cầu nguyện.
Cái thang vừa móc xong, thằng Tênacđiê gọi ngay vợ:
- Mẹ mày! Mau lên!
Rồi hắn nhảy ra phía cửa sổ.
Hắn toan bước qua bậu cửa thì Bigrơnay tóm chặt cổ hắn.
- Tao can! Đừng đùa thế! Để chúng tao xuống trước!
Tất cả bọn kẻ cướp đều thét:
- Chúng tao xuống trước!
Tênacđiê bảo:
- Đồ trẻ con! Mất thời giờ. Bọn cớm sau lưng kia kìa!
Một tên kẻ cướp bảo:
- Thế thì rút thăm xem ai xuống trước.
- Điên à! Tênacđiê kêu – Gàn thế! Nhiễu sự thế! Có phí thời giờ không? Rút thăm à? Đoán ngón tay ướt à? Rút cọng rơm à? Hay viết tên bỏ vào mũ…?
Một tiếng người từ ngoài cửa nói vào:
- Ta cho mượn mũ đây!
Cả bọn quay lại nhìn. Người ấy là Giave.
Giave cầm cái mũ ở tay, vừa cười vừa đưa ra.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

Phần 3 - Quyển 8 - Chương 21 + 22

ĐÁNG LẼ PHẢI BẮT NẠN NHÂN TRƯỚC

Giave từ xẩm tối đã xếp sẵn một số người đứng canh gác và chính hắn cũng đã đứng nấp sau hàng cây phố Gôbơlanh đối diện với cái nhà nát Gorbô phía bên kia đường. Đầu tiên hắn mở “túi” định nhét hai đứa con gái có nhiệm vụ canh phòng khu xung quanh nhà. Nhưng hắn chỉ tóm được Adenma thôi, còn Epônin thì không có mặt ở chỗ canh gác, con bé đã biến mất, Giave không tóm được. Việc đó xong, Giave đứng rình, lắng tai đợi tiếng báo hiệu đã giao ước. Chiếc xe ngựa đi đi về về đã làm cho hắn băn khoăn. Cuối cùng hắn sốt ruột. Biết chắc là ở đấy có một tổ quye, chắc chắn là ăn to, vả lại đã nhận ra mặt nhiều tên kẻ cướp đi vào trong nhà, hắn quyết định cứ vào, không đợi tiếng súng ám hiệu. Ta nhớ rằng hắn sẵn có cái chìa khóa của Mariuytx.
Giave đến kịp thời.
Bọn kẻ cướp hốt hoảng vớ lấy những vũ khí mà chúng đã vứt bỏ khắp nơi khi sắp sửa chuồn qua cửa sổ. Chưa đầy một giây, bảy tên cướp đã xếp thành một khối, kinh khủng, đứng thủ thế, đứa cầm vồ, đứa cầm chìa khóa, đứa cầm chùy, đứa cầm kìm, cầm kéo, cầm búa. Tênacđiê vẫn lăm lăm con dao trong tay, mụ Tênacđiê vồ lấy một viên gạch tướng ở góc cửa sổ, viên gạch mà con gái mụ vẫn dùng để ngồi thay ghế.
Giave đội mũ lại và tiến hai bước vào trong phòng, hai cánh tay khoanh trước ngực, gậy cặp nách, kiếm trong vỏ. Hắn thét:
- Đứng lại! Chúng mày đừng ra lối cửa sổ, chúng mày hãy ra lối cửa lớn. Thế đàng hoàng hơn. Chúng mày bảy người, chúng tao mười lăm, không nên xô xát vô ích, nên biết điều.
Bigrơnay cầm khẩu súng ngắn hắn giấu dưới áo ngoài dúi vào tay Tênacđiê và ghé tay nói thầm:
- Giave đấy. Tao không dám bắn nó. Mày có dám không?
- Hẳn chứ! Tênacđiê đáp.
- Thì bắn đi!
Tênacđiê cầm khẩu súng và chĩa vào Giave.
Giave đứng cách ba bước, nhìn thẳng vào mặt Tênacđiê, thản nhiên bảo:
- Đừng bắn. Không trúng đâu.
Tênacđiê bóp cò. Khoogn trúng thật.
- Tao đã bảo mà! Giave nói.
Bigrơnay vứt cái búa dưới chân Giave:
- Anh là chúa quỷ. Tôi xin hàng.
Giave hỏi những đứa khác:
- Còn chúng mày?
Cả bọn trả lời:
- Xin hàng.
Giave thản nhiên nói:
- Phải rồi, như thế là tốt! Tao đã bảo chúng mày biết điều mà.
Bigrơnay nói thêm:
- Tôi chỉ xin một điều là khi vào tù, cho tôi hút thuốc lá.
Giave nói:
- Chuẩn y.
Rồi quay gọi ra ngoài:
- Vào đi các anh!
Một tiểu đội vừa cảnh binh vừa mật thám mang gươm gậy, dùi cui nghe lệnh của Giave xông vào, trói bọn kẻ cướp. Cả bọn người ấy đứng tối om cả cái sào huyệt chỉ có một cây nến soi sáng.
Giave truyền:
- Khóa tay tất cả lại.
Một tiếng kêu, không phải tiếng đàn ông nhưng cũng không ai bảo tiếng đàn bà:
- Cứ lại đây!
Mụ Tênacđiê đã lùi vào một góc cửa sổ, vừa gầm lên như thế.
Cả bọn mật thám và cảnh sát lùi lại.
Mụ Tênacđiê đã bỏ cái khăn quàng, chỉ còn đội chiếc mũ; chồng mụ ngồi xổm sau mụ, cái khăn quàng rơi hầu che lấp hắn đi; mụ lấy cả thân hình mụ che đỡ cho chồng, hai tay mụ giơ hòn gạch lên quá đầu như một con mụ khổng lồ đang du người ném một tảng núi. Mụ thét:
- Coi chừng!
Tất cả mọi người lùi ra phía hành lang. Cả khoảng giữa buồng trống hẳn đi.
Mụ Tênacđiê liếc nhìn bọn kẻ cướp đã đưa tay chịu trói, gầm lên trong cổ họng, giọng khàn khàn:
- Đồ hèn!
Giave mỉm cười và tiến vào chỗ trống giữa buồng, dưới hai con mắt chòng chọc của mụ Tênacđiê.
- Chớ lại gần. Cút đi, không tao ném tan xác.
- Quả là lính phảo thủ đây! – Giave bảo. – Nhưng mụ kia, mụ có râu như đàn ông, mà ta thì lại có vuốt như đàn bà.
Vừa nói Giave vừa tiến lên.
Mụ Tênacđiê, đầu óc tơi bời, mặt mày dữ dội, đứng dạng chân, ưỡn mình ra sau, cuống cuồng ném hòn gạch vào đầu Giave. Giave cúi xuống, hòn gạch vút qua phía trên đầu, đập vào bức tường cuối buồng làm lở một mảng vôi lớn, bắn đi bắn lại gian phòng gần như trống, rồi rơi xuống chân Giave. Cùng lúc ấy Giave tiến đến gần vợ chồng Tênacđiê. Y đặt mạnh một bàn tay rộng lớn lên vai mụ vợ và một bàn tay trên đầu thằng chồng, gọi:
- Khóa tay đâu?
Bọn cảnh sát đổ xô vào, chỉ vài giây là lệnh của Giave thi hành xong.
Mụ Tênacđiê rã rời nhìn hai tay mụ và hai tay chồng bị khóa; mụ ngã vật xuống đất òa lên:
- Các con gái tôi!
Giave trả lời:
- Chúng nó có chỗ ở trong bóng mát rồi.
Cảnh sát cũng vừa nhìn thấy tên kẻ cướp say rượu nằm ngủ lì sau cảnh cửa và đến đánh thức hắn dậy. Hắn chợt tỉnh lắp bắp hỏi:
- Xong chưa, Giôngđơret?
- Xong, Giave đáp.
Sáu tên kẻ cướp vẫn đứng, mặt mũi như ma: ba thằng bôi nhọ mặt, ba thằng đeo mặt nạ.
- Cứ giữ nguyên mặt nạ. Giave bảo.
Giave đưa mắt điểm mấy tên kẻ cướp, kiêu hãnh chẳng khác gì vua Phêrêđêrich II duyệt binh ở Pốtxđam. Hắn bảo ba tên thợ nạo ống khói:
- Chào anh Bigrơnay, chào anh Bơrugiông, chào anh ĐơMilia.
Rồi quay về phía ba cái mặt nạ, Giave gọi tên kẻ cướp mang cái búa đồ tể:
- Chào anh Giơlơme!
Tên kẻ cướp cầm gậy sắt:
- Chào anh Babe.
Và tên kẻ cướp nói giọng bụng:
- Chào anh Cơlacơxu!
Bây giờ hắn trông thấy người tù của bọn cướp, ông ta từ lúc cảnh sát ập vào buồng, vẫn đứng cúi đầu không hề nói một tiếng.
Giave ra lệnh.
- Cởi trói cho ông ấy. Và không ai được ra ngoài.
Nói xong, Giave ngồi oai vệ trước bàn, trên bàn vẫn còn cây nến và lọ mực. Hắn rút một tờ tín chỉ trong túi và bắt đầu làm biên bản.
Khi hắn viết xong những câu mào đầu theo lệ, hắn ngước mắt lên bảo:
- Dẫn ông vừa bị trói đến đây.
Bọn cảnh sát nhìn khắp xung quanh. Giave hỏi:
- Thế nào? Ông ấy đâu rồi?
Người tù của bọn kẻ cướp, tức ông Lơ Blăng, hay ông Uyếchxuyn Phabơrơ, người cha nàng Uyếchxuyn tức con Sơn ca, người ấy đã biến mất.
Cửa lớn có người gác, nhưng cửa sổ thì bỏ trống. Vừa được cởi trói xong, trong lúc Giave bận làm biên bản, thừa lúc mọi người đang ồn ào, lộn xộn, lợi dụng cảnh gian buồng ngổn ngang, bề bộn, tối tăm, khi không ai để ý đến mình, ông ta đã nhảy qua cửa sổ.
Một viên cảnh sát chạy ra phía cửa sổ nhìn xuống, không có ai ở ngoài cả.
Cái thang dây vẫn còn rung chuyển.
Giave lẩm bẩm trong mồm:
- Quái thật! Ngữ ấy mới là đáng giá nhất!
***
XXII
ĐỨA BÉ KÊU KHÓC Ở QUYỂN III
Những biến cố trên đây trong gian nhà phố Ôpitan xảy ra được một hôm thì ngay ngày hôm sau một đứa trẻ con hình như từ cầu Austéclit tới, đi lên con đường bên phải cẩu, tiến về phía hàng rào Phôngtennơbơlô. Trời đã tối hẳn. Đứa bé xanh xao, gầy guộc, rách rưới. Giữa tháng hai mà nó mặc quần vải. Nó vừa đi vừa hát vang lừng.
Ở góc phố Pơti Băngkiê, một mụ già đang lom khom bới đống rác dưới ánh đèn treo ngoài phố. Đứa trẻ đi qua chạm phải mụ, lùi lại kêu lên:
- Kìa thế mà mình tưởng là một con chó kếch sù, kếch sù.
Lần thứ hai nói tiếng kếch sù hắn rống lên một cách trào lộng. Có lẽ phải viết hoa lên mới hình dung được cách nói đó: một con chó KẾCH SÙ, KẾCH SÙ.
Mụ già ngẩng lên, giận dữ, nói nhồm nhoàm:
- Thằng oắt con! Nếu bà không cúi thì bà đã tống cho mày một đá vào mông.
Đứa bé đã đi xa:
- Êu! Êu! Nó kêu lên. Hóa ra mình không lầm.
Mụ già tức uất người lên, đứng thẳng dậy, ngọn đèn đỏ lòm chiếu rõ cái mặt nhợt nhạt, xương xẩu, dăn deo của mụ, hai mép mụ nhăn kiểu bàn chân ngỗng. Cả người mụ lẫn trong bóng tối, chỉ còn trông thấy cái đầu. Có thể nói đây là khuôn mặt của còm cõi được cắt bằng ánh đèn, trong đêm tối. Đứa bé ngắm mụ nói:
- Thưa bà cái nhan sắc của bà, thuộc loại tôi không ưa cho lắm!
Đứa bé lại vừa đi vừa hát:
Vua Guđơxabô.
Lên đường đi săn
Đi săn chim quạ
Hát hết ba câu, nó ngừng. Nó đã đến ngay trước số nhà 50-52. Thấy cổng đóng, nó lấy chân đạp, tiếng đạp kêu ầm ầm, hùng dũng, không phải cái bàn chân nhỏ của nó đạp ầm lên như thế, mà là do đôi giày người lớn nó đang đi. Nhưng chính mụ già nó vừa gặp ở góc phố Pơti Băngkiê chạy đến đằng sau nó, kêu la om sòm, hoa chân múa tay:
- Trời ơi! Cái gì thế, cái gì thế, đứa nào đạp cửa, đứa nào phá nhà tao thế?
Tiếng chân đạp cửa vẫn ầm ầm.
Mụ già gân cổ lên hét hết hơi:
- Bây giờ người ta xử sự với nhà cửa như thế này à?
Mụ bỗng ngừng lại, mụ nhận ra đứa bé:
- Thế nào? Lại thằng quỷ Xatăng này ư?
- Kìa! Bà già! Chào bà Buyếchgôngmúc. Tôi về thăm các cụ tổ nhà tôi đây.
Cái mặt già nua và xấu xí nhăn lại một cách thù hằn nhưng hoài phí vì đứa bé chằng nhìn thấy gì trong bóng tối.
- Chẳng có ai cả, nhãi ạ!
- Sao! Thế cha tôi đâu?
- Ở hỏa lò.
- Còn mẹ tôi?
- Ở nhà pha.
- Ờ! Còn các chị tôi?
- Ở trong bóp.
Đứa bé gãi gãi mang tai, nhìn mụ Buyếchgông kêu:
- Thế à!
Rồi nó xoay gót một cái, bước đi. Lát sau mụ già đứng trên ngưỡng cửa còn nghe tiếng hát trong trẻo, ngay thơ của đứa nhỏ, trong khi nó chìm sâu vào bóng đen những cây du đang rùng mình dưới ngọn gió ngày đông. Nó hát:
Vua Cuđơxabô
Lên đường đi săn
Đi săn chim quạ
Cụ đi cà kheo,
Người chui dưới Cụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét