XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

TRÊN NHỮNG CHUYẾN TÀU HỎA XUYÊN ĐÔNG DƯƠNG THỜI PHÁP THUỘC

Tôi sinh ra năm 1930. Những năm đầu đời của tôi gắn bó với một giai đoạn quan trọng của lịch sử xây dựng đường sắt xuyên Đông dương (tổng chiều dài 1.730km, - tiền thân của Đường sắt Bắc Nam ngày nay).

Năm 1898, Quốc hội Pháp thông qua một đạo luật cho Đông Dương vay 200 triệu franc nhằm thực hiện ba đoạn đường sắt chính:

- Đoạn Hà Nội đi Vinh, qua Nam Định (dài 319 km, thực hiện trong giai đoạn 1903-1905), được đánh giá là có thể sinh lợi ngay tức khắc.

- Đoạn Tourane (Đà Nẵng) đi Đông Hà, qua Huế (dài 169 km, - giai đoạn1906-1908), mở những lối đi ra biển Đông cho một vùng dân cư đông đúc.

- Đoạn Sài Gòn đi Nha Trang (dài 411km, - giai đoạn 1904-1913).

Năm 1912, Quốc hội Pháp cho Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut vay tiếp 90 triệu franc để thực hiện đoạn đường sắt Vinh – Đông Hà, Công việc vừa mới bắt đầu thì Thế chiến thứ nhất (1914- 1918) bùng nổ. Sau đó, Toàn quyền Maurice Long tranh thủ Quốc hội Pháp được một khoản vay 6 triệu đồng Đông dương (piastre) để tiếp tục thi công đoạn đường sắt Vinh-Đông Hà, đến năm 1927 được đưa vào hoạt động.

Như vậy, đến 1927, đường xe lửa Đông Dương đã có hai đoạn dài: đoạn Hà Nội – Tourane ở phía Bắc và đoạn Sài Gòn- Nha Trang ở phía Nam. Đoạn cuối cùng phải hoàn tất là đoạn Nha Trang – Tourane dài 532 km. Sau những tranh cãi dai dẳng trong nghị viện Pháp, đến tháng 11.1931, đoạn đường này mới được khởi công.

Ba tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Đông dương năm 1929, được bổ nhiệm vào Công trường Đường sắt xuyên Việt, lúc bấy giờ đang tiến hành công tác khảo sát cho đoạn Tourane - Nha Trang. Sau khi sinh tôi được 6 tháng mẹ tôi được ông bà cho phép đi theo chồng. Lúc bây giờ mẹ con tôi đã được đi tàu hỏa suốt từ Vinh đến Tourane. Đoạn còn lại từ Tourane đến Trị Bình (Dung Quất bây giờ) đi xe đò, tất nhiên là chỉ đến và thuê nhà ở tại một thị trấn nhỏ gần công trường nơi ba tôi làm việc, chứ không đến công trường ở được.

Lúc vào Trị Bình thì tôi còn bé, không biết gì, nhưng năm lên 5 tuổi được về Vinh ăn Tết với ông bà nội thì tôi đã biết quan sát. Mẹ tôi đem tôi và em gái kề tôi (mới lên 3) đi tàu hỏa từ Tourane ra Vinh. Lúc bấy giờ ba tôi cũng hãy còn nghèo nên mẹ con đi toa hạng tư. Toa xe hạng tư được làm chủ yếu bằng gỗ và chỉ cung cấp các tiện nghi cơ bản. Tuy vậy, đến 1937 khi gia đình tôi đi từ Nha trang ra Hà nội (ghé qua Vinh) đã thấy có loại khoang hành khách bằng kim loại với hệ thống giảm sóc cải tiến, ghế ngồi được nâng cấp cho êm hơn, đặc biệt là từ toa khách hạng nhì trở lên. Với toa hạng nhất, hành khách được hưởng loại ghế ngồi thoải mái như salon, với chỗ để tay riêng và đệm tựa lưng lịch sự. Tàu Tourane đi Vinh – Hànội là tàu suốt, chỉ dừng ở mấy ga lớn. Khách đi tàu cũng đông, đặc biệt là ở hạng tư, nhưng không đến nỗi đông như các toa tàu Ấn độ mà ta thường thấy trên phim ảnh, tạp chí. Toa hạng tư có hai dãy ghế ngồi dọc thành toa và một lối đi khá rộng rãi ở giữa. Khách hạng tư tha hồ mang theo hành lý cồng kềnh, nếu xếp lên xích đông trên dãy ghế ngồi không đủ thì được phép xếp ra lối giữa, nhưng phải có trật tự và không được gây ô nhiễm môi trường trong toa. Người phụ trách toa khá nghiêm khắc, hành lý quá cồng kềnh kiên quyết bắt đem ra xếp vào toa hàng hóa. Hành khách đi tàu người miền Nam rất tử tế. Họ giúp đỡ mẹ tôi, có người còn cho quà tôi và chơi đùa với hai anh em tôi. Hồi đó hình như người dân có thói quen là đi tàu phải ăn mặc nghiêm chỉnh. Có người mặc áo dài quốc phục, người mặc âu phục, không thấy ai mặc may-ô quần đùi. Đi tàu dọc theo các tỉnh miền trung thấy phương ngữ đổi dần theo khách xuống/khách lên. Chập tối đi qua Thừa thiên đang nghe tiếng Huế nhỏ nhẹ, ngọt lịm thiu thiu ngủ đến gần sáng tỉnh dậy đã nghe thấy tiếng Quảng Trị, Quảng Bình, Hà tĩnh nằng nặng lạ tai. Qua cầu Đức Thọ rồi là tiếng Nghệ “nhà choa”, quen rồi mà vẫn thấy lạ!

Từ khi qua cầu Đức Thọ tàu lăn bánh trên đất Nghệ an, tôi một mực đứng lên ghế nhìn ra ngoài cửa sổ. Mẹ tôi sợ bụi than bay vào mắt tôi, nhưng không cản được. Những cánh đồng lướt qua cửa sổ. Làng mạc xuất hiện xa xa, lưa thưa rồi đông dần lên. Bỗng nghe tiếng còi tàu vang lên, tôi biết là tàu sắp vào ga. Tàu giảm tốc độ, đã vào đến sân ga. Tôi nhoai người nhìn ra cửa sổ, một bác đứng gần kéo tôi lại. Tàu chạy chậm dần rồi dừng hẳn. Nhìn ra đã thấy ông nội tôi đứng chếch về phía trên một chút. Tôi gọi toáng lên “ông, ông ơi”. Ông tôi lật đật chạy lại gần cửa toa. Vẫn cái bác ban nãy bế tôi lên và đưa ra cửa toa, cẩn thận xuống bậc để trao cho ông tôi. Tôi ôm cổ hôn ông rồi tụt xuống, đứng khoanh tay cúi đầu cảm ơn bác đồng hành tốt bụng (hồi đó tôi chơi với một thằng bé cùng tuổi con ông chánh kỷ sư người Pháp, bà vợ ông dạy dỗ rất cẩn thận cho cả hai đứa cách cư xử). Cô tôi cũng ra đón. Cô vỗ nhẹ lên đầu tôi rồi trèo thoắt lên toa vào bế em tôi để cho mẹ tôi dọn hành lý. Mẹ tôi trao dần từng kiện cho một ông trung niên người Bắc kỳ chuỷển qua cửa sổ cho người giúp việc ông nội đứng đón ở dưới. Xong xuôi, mẹ tôi lễ phép chào những bạn đồng hành và theo cô tôi xuống toa. Mẹ cũng không quên chào và cảm ơn người phụ trách toa đang đứng thẳng người trực ở cạnh bậc thang xuống toa. Nói dài dòng một tý cho thấy con người hồi đó cư xử với nhau tử tế như thế nào!

Ngày  2/9/1936, hai tuyến đường sắt ở 2 đầu Bắc-Nam gặp nhau tại km 1221 thuộc Hào Sơn, thuộc tỉnh Phú Yên. Một buổi lễ trang trọng và hoành tráng đã được tổ chức để chào mừng sự kiện này, Toàn quyền Réne Robin tự tay đặt những mảnh đường ray cuối cùng nối liền 2 đầu Bắc-Nam của tuyến đường sắttrước sự hiện diện của vua Bảo Đại

Việc hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm cung cấp khả năng di chuyển giữa Hà Nội và Sài Gòn trong khoảng thời gian chỉ 40 giờ đồng hồ, trên những con tàu được trang bị các loại đầu kéo khá hiện đại so với thời bấy giờ.

Ngày 1/10/1936, một tấm bia lưu niệm đã được dựng tại vị trí km 1221. Tham gia lễ đặt bia khánh thành có sự Vua Bảo Đại, quyền Toàn quyền A Sylvestre và Tỉnh trưởng Vân Nam - Trung Quốc Long Vân. Trên bia khắc dòng chữ tiếng Pháp: "Tại đây, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, được khởi công bởi Toàn quyền Paul Doumer nhằm đánh dấu sự thống nhất của Đông Dương được hoàn thành vào ngày 2/9/1936 với sự kết nối từ tuyến đường xuất phát từ biên giới Trung Quốc ở phía Bắc và tuyến đường từ Sài Gòn đi ra ở phía Nam".

Tuyến đường đã đặt xong, nhưng vẫn còn những công trình phụ phải hoàn thành. Ba tôi ở lại Nha trang đến mùa hè năm 1938 mới được điều ra Hà nội. Vì những công lao trong 9 năm khảo sát và thi công tuyến đường Tourane-Khánh hòa, ba tôi được thăng cấp trong công ty GTEO, cả nhà được vé toa nằm hạng nhì và phiếu ăn ở toa ăn trên chuyến tàu Saigon-Hanoi (đoạn Nha trang- Hanoi, có ghé xuống Vinh). Toa hạng nhì rất sang, toa ăn thì như một tiệm ăn Pháp lưu động có thực đơn Âu-Á phong phú và đủ loại rượu quý.

Ghi chú: Các ảnh trong bài lấy từ “Những hình ảnh cực hiếm về đường sắt Bắc Nam từ gần một thế kỷ trước” đăng ngày 2/9/2016 trên trang Web của Tổng Công ty Đường Sắt Việt nam”

Sưu Tầm Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét