XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

CA SỸ KHÁNH NGỌC

 NGƯỜI TÌNH NĂM XƯA ĐI KHÔNG TIẾC NHỚ

Khánh Ngọc trong ảnh chụp năm 1958.
Ban hợp ca Thăng Long năm 1953. Hàng đứng: Phạm Duy, Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Phạm Đình Viêm (Hoài Trung). Hàng ngồi: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.
Ảnh do Nguyễn Huy Tùng chỉnh và tô màu.

Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) và Khánh Ngọc trong một tấm ảnh năm 1952 (?). Bức ảnh được page Một Nét Nhạc Xưa chỉnh sửa lại.

Một bạn nhắn tin là ca sĩ Khánh Ngọc, nữ ca sĩ nổi tiếng thời 1950s vừa qua đời. Khánh Ngọc sinh năm 1937, kết hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương năm 1953 và chia tay năm 1956(?) sau vụ ngoại tình vỡ lở giữa cô và Phạm Duy, anh rể của chồng mình. Tất cả những người này đều là những hạt nhân của ban hợp ca Thăng Long, thành lập năm 1952, vào Nam ra Bắc suốt mấy năm trước hiệp định Geneve và sau đó tiếp tục thành công ở Sài Gòn. Năm sinh 1937 có lẽ không chính xác lắm, có thể cô được sinh sớm hơn vài năm, cỡ ngang tuổi cô em chồng là Thái Thanh. (Thông tin một bạn comment cho biết cô sinh năm 1936, vậy suy đoán của tôi khá đúng).

Khánh Ngọc mặc dù sinh ra ở Hà Nội (tên thật Hàn Thị Lan Nam) nhưng cô có lẽ là một bông hoa lạ của làng tân nhạc và giải trí thời ấy, chủ yếu trong Nam. Dường như Khánh Ngọc là mảnh ghép rực rỡ quá khác biệt với Thái Hằng - Thái Thanh, hai chị em giọng vàng của ban hợp ca Thăng Long, nhưng cũng là mảnh ghép khó đoán định nhất của ban hợp ca này, khi trừ Phạm Duy ra thì các thành viên còn lại đều là anh chị em ruột.

Nếu có thể nói gì về Khánh Ngọc, có lẽ qua một vài bản thu để lại, cô có một giọng ca không quá đặc sắc. Mặc dù sau này trong một vài clip lúc đã về già, bà có giọng thổ, song các bản thu đều có vẻ hát giọng mũi nhiều. Nhưng hơn hết là cô có những bức ảnh cho thấy vẻ đẹp lộng lẫy, hơi dữ dội. Sau này cô tham gia một vài bộ phim của SG, có phim hợp tác với Philippines, nhưng có lẽ không để lại dấu ấn gì, và bây giờ cũng không ai còn được biết. 

Câu chuyện về Khánh Ngọc với mối tình duyên éo le với người chồng tài hoa Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) và cuộc tình ngắn ngủi với người tình Phạm Duy thật ra cho thấy cô đã không may mắn như nhiều nàng thơ khác. Chẳng hạn những nàng thơ của Đoàn Chuẩn rút cục cũng không phải chịu một cuộc đổ vỡ ai oán đi kèm tai tiếng suốt đời nào, Mộc Lan chẳng hạn, nàng thơ của Gửi gió cho mây ngàn bay hay Dạ lan hương (Cánh hoa duyên kiếp), khi ấy còn là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ, nhưng rồi câu chuyện cũng lui vào bóng tối. Có lẽ vì tiếng tăm của Phạm Duy (và cả PĐC) cũng đã góp phần tạo ra mức độ ầm ĩ của scandal. Hẳn là vì kiểu cách hay lập ngôn khoa trương và tự tôn của PD có thể khiến nhiều nhà báo hay truyền thông SG "ngứa mắt" - và câu chuyện chỉ chờ có thế.

Cách đây một dạo có xem một chương trình của Jimmi phỏng vấn ca sĩ Thu Hương ở Paris. Bà cũng là một người di cư, cùng lứa Khánh Ngọc. Tôi khá chú ý đến cách nói chuyện của bà, vừa có gì phóng khoáng của dân nghệ sĩ, vừa có sự kín kẽ của dân HN cũ, bà kể chuyện vào Nam: "Bố thì theo cộng sản, mấy mẹ con thì xuống tàu há mồm di cư... Hồi vào SG, bắt đầu đi hát thì hay hát mấy bài của mấy ông nhạc sĩ ở ngoài Hà Nội...". Trong đấy có bản thu âm của Thu quyến rũ. Những ca sĩ này, như cả một vài tên tuổi khác như Ánh Tuyết, Minh Hoan, Tâm Vấn, Kim Tước, Châu Hà... có lẽ dấu ấn vật thể với cố hương không đậm nét, nhưng cảm nhận họ đã thành hình tượng chính là nhờ cảm thức trang nhã của thời những "cô hàng nước" với "cô hàng cà phê", những biểu tượng không có trong Nam cho đến lúc ấy (sau này SG thì người ta sẽ bị ấn tượng với "gái bán bar").

Khánh Ngọc có thể đã gây biến cố lớn trong đời Phạm Đình Chương, nhưng rõ ràng câu chuyện đời nghệ sĩ đa tình đào hoa ở một xứ như VN không khác thường. Khi hai người kết hôn, PĐC mới 24 tuổi, còn KN chưa đến 20. Có lẽ quá trẻ để bộc lộ hết cá tính mà hiểu nhau, hoặc là tình yêu là vậy, cứ chạy theo những hướng không thể định trước. Người ta nói bài Nửa hồn thương đau PĐC phổ thơ Thanh Tâm Tuyền là viết về mối tình tan vỡ này, nhưng cũng không chắc chắn lắm, vì nó được viết tận năm 1971 cho bộ phim Chân trời tím. Từ 1956 đến 1971 là quá lâu, mà là một bài hát thương mại, e cũng khó chắc là khúc bi ca cho tình cũ. Tôi thích những bài hát thời đầu những năm 1950, tràn ngập không khí trong trẻo của tình đầu và mùa xuân. 

"Rừng đồi bâng khuâng nghe tin xuân sang 

Tràn ngập hương mơ trong tia nắng sớm

Lũ chim hòa vang đón đưa tin lành

Nhưng riêng xuân nữ thêm u hoài

Nàng ngừng con thoi giăng tơ khung xa

Nàng buồn nghe sương rơi qua kẽ lá

Nhớ duyên tình xưa bóng ai phai mờ

Xuân gieo thương tiếc niềm vui qua

Em nhớ mùa Xuân xưa say đắm

Du khách qua đây dâng lời thề nước non

Rồi em dệt mộng bên thoi tơ

Và ước mơ em trông chờ

Rồi thời gian qua lòng người phôi pha

Người tình năm xưa đi không tiếc nhớ

Mỗi khi nhìn Xuân xốn xang em chờ

Thoi tơ dâng chút sầu bơ vơ"

(Mỗi độ xuân về - Phạm Đình Chương, 1954)

Nghe Mỗi độ xuân về do Khánh Ngọc hát từ đĩa 78 vòng: https://www.youtube.com/watch?v=DDWc7RC2id8...

Nguồn Facebook Trương Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét