Chương 19: Những chuyến vượt ngục ở
Barranquilla
Đến sáu
giờ sáng, tám người lính và hai người cảnh binh do một trung úy chỉ huy khóa
tay chúng tôi lại và đưa chúng tôi lên một chiếc xe tải nhà binh. Chúng tôi lên
đường đi Baranquilla. Xe vượt qua cái khoảng cách một trăm tám mươi cây số
trong ba tiếng rưỡi đồng hồ. Đến mười giờ sáng chúng tôi đã đến cái nhà tù được
gọi là "80", calle Medellin ở Baranquilla. Bấy nhiêu cố gắng để đừng
đi Baranquilla mà rốt cục vẫn đến đây rồi!
Đây là
một thành phố lớn. Hải cảng quan trọng nhất của xứ Colombia trên Đại Tây Dương,
nhưng đặt ở phía trong cửa sông Rio Magdalena. Nhà tù của nó cũng là một nhà tù
lớn: bơn trăm tù nhân và gần một trăm giám thị. Nó được tổ chức như mọi nhà tù
ở châu âu. Hai bức tường có đường đi tuần tra, cao hơn tám mét. Bộ chỉ huy của
nhà tù, đứng đầu là viên giám đốc Don Gregorio, đón tiếp chúng tôi. Nhà tù có
bốn khoảng sân. Hai bên này, hai bên kia. Giữa hai bên là một cái nhà thờ dài
trong đó thường làm lễ mi-sa, những cũng dùng làm nơi tiếp khách. Chúng tôi
được phân vào cái sân dành cho những tù nhân nguy hiểm nhất.
Khi lục
soát họ đã phát hiện được số tiền hai mươi ba ngàn pesos và hai mũi tên. Tôi tự
thấy có bổn phận phải nói trước cho ông giám đốc biết là mấy mũi tên này có tẩm
thuốc độc, và điều đó chẳng có gì làm tăng được mối thiện cảm của họ đối với
chúng tôi.
- Mấy
thằng Pháp ấy có cả tên độc nữa đấy?
Bị giam
trong cái nhà tù Baranquilla này đối với chúng tôi là thời đoạn nguy nhất trong
cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Thật vậy, chính đây là nơi mà chúng tôi sẽ bị
giao lại cho nhà chức trách Pháp. Phải, Baranquilla đối với chúng tôi chung quy
là cái nhà tù khổng lồ của nó, làm thành một điểm mốc. Nhất định phải vượt ngục
bằng bất cứ giá nào, dù có phải hy sinh đến đâu cũng bất chấp. Canh bạc này tôi
phải đánh xả láng.
Phòng
giam của chúng tôi ở chính giữa sân. Vả chăng đấy không phải là một căn phòng
mà là một cái chuồng: một cái mái bằng xi-măng đặt trên những dãy chấn song
lớn, ở bốn góc có chỗ rửa mặt và đi ngoài. Những người tù khác, có khoảng chừng
một trăm, được phân vào những căn buồng khoét trong bốn bức tường của khoảng
sân rộng hai mươi mét trên bốn mươi, mỗi buồng có một dãy chấn song trông ra
sân. Mỗi dãy chấn song có lợp một thứ mái hiên bằng tôn để cho mưa khỏi hắt vào
buồng giam. Chỉ có sáu tù nhân người Pháp chúng tôi trong cái chuồng trung tâm
để hở bốn bên, đêm ngày đều phô ra trước mắt các tù nhân khác, nhưng nhất là
trước mắt bọn lính gác.
Suốt
ngày chúng tôi có thể ra sân hay vào chuồng tùy ý, từ sáu giờ sáng đến sáu giờ
tối. Ở ngoài sân có thể nói chuyện, đi dạo, thậm chí ăn uống cũng được. Chúng
tôi đến được hai ngày thì họ tập trung cả sáu người trong nhà thờ trước mặt ông
giám đốc, mấy viên cảnh sát và bảo toán phóng viên nhiếp ảnh.
- Các
anh là tù vượt ngục từ trại khổ sai Pháp ở Guyane?
- Chúng
tôi chưa bao giờ phủ nhận điều đó.
- Mỗi
người trong các anh đã phạm những tội gì mà bị xử nghiêm khắc như vậy?
- Điều
đó không có gì quan trọng. Điều quan trọng là chúng tôi không hề làm điều gì
phạm pháp trên đất Colombia, thế mà nước các ông không những khước từ cái quyền
của chúng tôi được làm lại cuộc đời, mà còn cam tâm làm kẻ săn người, làm hiến
binh cho chính phủ Pháp.
- Nước
Colombia nghĩ rằng mình không được chấp nhận các anh vào lãnh thổ.
- Nhưng
bản thân tôi và hai người nữa, trước đây cũng như hiện giờ, chúng tôi đều nhất
quyết không ở trên đất này. Người ta đã bắt ba chúng tôi giữa biển chứ không
phải trong khi đang đổ bộ lên đất này. Ngược lại lúc ấy chúng tôi đang cố hết
sức đi thật xa nước các ông.
Phóng
viên một tờ báo công giáo nói:
- Người
Pháp hầu hết đều là người công giáo, cũng như người Colombia chúng tôi vậy.
- Có thể
các người đều được rửa tội theo công giáo, nhưng cách xử sự của các người ít có
gì giống với cách xử sự của người thờ Chúa.
- Thế
anh trách cứ chúng tôi những gì?
- Các
người là những kẻ cộng tác với bọn cai ngục đang săn đuổi chúng tôi. Hơn nữa
các người làm chính cái việc của bọn họ. Các người đã tước đoạt chiếc thuyền
của chúng tôi với tất cả những đồ đạc thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, mà đó
lại là quà tặng của những người công giáo trên đảo Curacao được Đức Giám mục
Irénée de Bruyne tôn quý đại diện. Chúng tôi không thể chấp nhận rằng các người
không chịu để cho chúng tôi tìm cách tự phục hồi, và tệ hơn nữa các người không
cho chúng tôi đi tiếp bằng phương tiện của chính chúng tôi để tìm đến một đất
nước nào có thể thừa nhận khả năng đó. Điều này thì không ai có thể dung thứ
được.
- Các
anh oán trách người Colombia chúng tôi ư?
- Không
phải bản thân người Colombia, mà cái hệ thống luật pháp và công an của họ.
- Anh
muốn nói gì?
- Tôi
muốn nói rằng mọi sai lầm đều có thể sửa lại khi người ta muốn. Các người hãy
để cho chúng tôi ra đi bằng đường biển đến một nước khác.
- Chúng
tôi sẽ cố gắng đòi quyền đó cho các ông.
Khi
chúng tôi trở ra sân Maturette nói với tôi:
- Đấy?
Anh hiểu rồi chứ? Lần này thì không còn ảo tưởng gì nữa anh ạ! Chúng mình đã
nằm trên chảo, và nhảy xuống chẳng dễ gì đâu.
- Các
bạn ơi, tôi không biết là nếu hợp quần lại chúng ta có mạnh hơn không, nhưng
tôi xin nói với các bạn rằng mỗi người từ nay có quyền muốn làm gì thì làm. Còn
tôi, nhất định tôi phải vượt ngục ra khỏi cái nhà tù số "80" trứ danh
này.
Hôm thứ
năm họ gọi tôi ra phòng tiếp khách trong nhà thờ. Tôi trông thấy một người ăn
mặc sang trọng trạc bốn mươi lăm tuổi. Tôi càng nhìn càng thấy giống Louis Dega
lạ lùng.
- Anh là
Papillon phải không?
- Vâng.
- Tôi là
Joseph, em trai của Louis Dega. Tôi có đọc báo, cho nên bây giờ tôi đến thăm
anh.
- Cám
ơn.
- Anh có
gặp anh tôi ở bên ấy không? Anh có quen anh ấy không?
Tôi kể
lại cho Joseph nghe câu chuyện của Dega cho đến ngày hai chúng tôi chia tay ở
bệnh viện. Anh ta cho tôi biết rằng Louis bây giờ đang ở Quần đảo Salut: anh ta
biết tin này nhờ một bức thư gửi từ Marseille. Khách đến thăm tù ở nhà thờ của
trại giam là vào ngày thứ năm và ngày chủ nhật. Joseph nói với tôi rằng ở
Baranquilla có độ mươi, mười hai người Pháp đem vợ con sang đây để tìm cách làm
giàu. Họ đều làm nghề trùm điếm. Trong một khu vực riêng của thành phố có
khoảng gần hai mươi gái điếm đang duy trì cái truyền thống cao cả của nước Pháp
về nghệ thuật mãi dâm trang nhã và khôn khéo. Ở đây cũng vẫn những kiểu người
đàn ông và đàn bà đúng hệt như từ Le Caire đến Liban, từ nước Anh đến nước Úc,
từ Buenos-Aires đến Caracas, từ Sài Gòn đến Brazzaville, đang truyền bá trên
khắp trái đất cái nghề chuyên môn xưa cũ như nhân loại: nghề mãi dâm và cách sử
dụng nghề này để sống sung túc.
Joseph
Dega cho tôi biết một điều thật hay ho: mấy ông trùm điếm ở người Pháp ở
Baranquilla đang lo lắng. Họ sợ rằng chúng tôi đến ở nhà tù của thành phố này
sẽ kinh động đến sự yên ổn của họ, làm phương hại đến cái ngành thương mại đang
phồn vinh của họ. Quả nhiên, nếu trong chúng tôi có người vượt ngục, cảnh sát
sẽ đến tìm những người đó trong các "casetas" của mấy cô điếm người
Pháp, dù người vượt ngục không bao giờ đến nhờ cậy gì các cô hay các ông trùm
cả. Hậu quả gián tiếp là công an có thể phát hiện ra khá nhiều điều: giấy tờ
giả mạo, giấy phép cư trú quá hạn hay mất hiệu lực. Đi tìm chúng tôi sẽ đưa đến
những cuộc kiểm tra căn cước và quyền cư trú. Trong khi đó có những người đàn
bà và cả những người dàn ông nữa mà nếu bị lộ thì có thể phiền to. Như thế là
tôi đã được thông báo kỹ tình hình.
Joseph
Dega nói thêm rằng anh ta sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ việc gì, thứ năm và chủ
nhật nào anh cũng sẽ vào thăm tôi. Tôi cảm ơn con người tốt bụng ấy: về sau anh
ta đã cho tôi thấy rõ rằng, theo các báo, nhà chức trách Colombia đã chính thức
đồng ý trao trả chúng tôi cho nước Pháp. Tôi gọi các bạn lại.
- Thưa
các Ngài. Tôi có rất nhiều điều cần thưa lại các Ngài.
- Gì thế
- Cả năm cùng đồng thanh thốt lên một lượt.
- Trước
hết là đừng có ảo tưởng. Việc trao trả đã quyết định xong xuôi. Một chiếc tàu
đặc biệt của Guyane thuộc Pháp sẽ đến đây chở chúng ta về trại khổ sai. Thứ đến
là sự có mặt của chúng ta gây ra nhiều lo âu cho mấy ông trùm đĩ đồng hương với
chúng ta đã lập nghiệp trong thành phố này. Không phải cái ông vừa đến thăm tôi
đâu. Ông này thì cóc cần. Nhưng các bạn đồng nghiệp của ông ta sợ rằng một người
trong chúng ta vượt ngục thì họ sẽ gặp phải nhiều phiền hà.
Cả bọn
cười phá lên. Họ tưởng tôi nói đùa. Clousiot nói:
- Thưa
ngài ma-cô Jean Mỗ, xin ngài vui lòng chuẩn y cho tôi vượt ngục, có được không
ạ?
- Thôi
đừng giỡn nữa. Nếu mấy con đĩ có đến thăm ta, phải báo nó đừng đến nữa. Đồng ý
chứ?
- Đồng
ý.
Như tôi
đã nói, trong sân của chúng tôi có khoảng một trăm tù nhân người Colombia. Họ
tuyệt nhiên không phải là những thằng ngốc. Có nhiều tay thứ thiệt: kẻ trộm ưu
tú, chuyên gia làm bạc giả, giấy giả, những tên bịp bợm tinh xảo, những tên
chuyên cướp của có vũ khí, những tên buôn lậu ma túy mà mấy tên sát nhân chuyên
nghiệp đã nhờ kinh nghiệm phong phú mà trở thành điêu luyện trong cái nghề này,
một nghề rất tầm thường ở Châu Mỹ. Ở đây những kẻ giàu có, các chính khách và
các phần tử lưu manh đã thành đạt đều thuê những tên sát nhân chuyên nghiệp này
làm việc cho họ. Màu da của họ rất khác nhau. Từ nước da đen nhánh của người
Sénégalais đến nước da màu lá trà của người Créoles ở Martinique thuộc Pháp; từ
màu gạch của người Anh- điêng thuộc chủng tộc Mongoloid với bộ tóc trơn màu đen
có ánh tím đến màu da trắng thuần chủng.
Tôi thử
bắt liên lạc với họ, tìm hiểu khả năng và ý chí vượt ngục của một vài cá nhân
được chọn lọc kỹ càng. Phần đông những người đó đều như tôi: vì bị xử dài hạn
hoặc sợ bị xử dài hạn, họ sống trong tư thế luôn sẵn sàng vượt ngục. Trên chớp
bốn bức tường của khoảng sân hình chữ nhật này có một con đường tuần tra ban
đêm thắp đèn rất sáng, ở mỗi góc tường đều có một cái chòi canh nhỏ có một tên
lính gác đứng ở trong. Như vậy đêm ngày lúc nào cũng có bốn tên lính canh
thường trực, cộng thêm một tên nữa đứng trong sân, ở cạnh cửa nhà thờ. Tên này
không cầm vũ khí. Thức ăn khá đầy đủ, và có nhiều tù nhân bày bán những món ăn
và những món uống như cà phê hay nước ngọt làm bằng các thứ quả vùng này: cam,
dứa, đu đủ, v.v... mua từ bên ngoài vào.
Thỉnh
thoảng mấy gã tiểu thương này lại bị một vụ cướp bằng vũ lực được thực hiện một
cách nhanh chóng lạ thường. Chưa kịp thấy có ai đến thì họ đã bị trùm lên một
tấm khăn lớn không sao kêu cứu được nữa, kèm theo đấy là một mũi dao gí vào
sườn hay vào cổ, chỉ cần nhúc nhích một cái là bị đâm sâu vào thịt. Nạn nhân bị
lột hết số tiền thu được trước khi có thì giờ hiểu được việc gì đã xảy ra. Khi
tấm khăn được bỏ ra thì đồng thời cũng có một quá đấm nện vào gáy. Không bao
giờ có ai hở miệng nói gì sau khi sự việc đã xảy ra. Đôi khi người bán hàng
"đóng cửa hiệu" nghĩa là cất hết những thứ hàng đang bán, và dò xem
ai đã cướp mình. Nếu hắn dò ra được thì sẽ có một trận huyết chiến, bao giờ
cũng dùng dao.
Hai tên
kẻ trộm Colombia đến gặp tôi để bàn việc. Tôi lắng nghe họ rất chăm chú. Theo
họ thì trong thành phố có những tên cảnh sát đồng lõa với kẻ trộm. Mỗi khi đến
phiên tuần phòng của họ trong một khu vực nào đấy, họ báo cho đồng lõa biết để
đến hành nghề trong khu vực này. Hai người khách của tôi biết hết những tên
cảnh sát này và nói với tôi rằng nếu trong tuần này không có một trong những
tên cảnh sát đó đến gác cửa nhà thờ thì thật là không maỵ Tôi phải làm sao có
được một khẩu súng ngắn, do một người khách vào thăm đưa lén cho. Tên cảnh sát
kiêm kẻ trộm kia sẽ dễ dàng nhận lời giả vờ bị chúng tôi bắt phải gõ vào cánh
cửa sau của nhà thờ dẫn vào một trạm gác nhỏ gồm có bốn hay sáu tên lính canh.
Trong lúc bất ngờ, bị chúng tôi chĩa súng vào mặt, bọn này sẽ phải để cho chúng
tôi chạy ra đường. Lúc bấy giờ chỉ còn có việc trà trộn vào những người qua
đường đi lại tấp nập ở đoạn này.
Tôi
không thấy vừa lòng lắm với kế hoạch này. Muốn đưa một khẩu súng ngắn vào tù,
đó phải là một khẩu súng cỡ rất nhỏ, tối đa là một khẩu 6,35. Một khẩu súng nhỏ
như vậy rất có thể không đủ sức làm cho bọn lính gác hoảng sợ. Hoặc giả một
trong bọn chúng có thể có một phản ứng bất giờ và chúng tôi sẽ đành phải giết
hắn. Tôi từ chối. Không phải chỉ có tôi đứng ngồi không yên vì khát khao hành
động, mà các bạn tôi cũng vậy. Chỉ có chỗ khác nhau là thỉnh thoảng, trong
những ngày buồn nản, họ có khi đành lòng chấp nhập rằng chiếc tàu đến chở chúng
tôi, sẽ gặp được chúng tôi còn ở trong nhà tù. Từ đó đến chỗ chịu thua không
xa. Thậm chí họ còn bàn bạc xem thử về đến trại chúng tôi sẽ bị xử lý ra sao,
phải chịu những hình phạt gì.
- Tôi
không thể nghe nổi những câu chuyện ngu xuẩn của các cậu. Khi nào các cậu muốn
nói muốn bàn đến cái thứ tương lai ấy, các cậu chớ để tôi nghe thấy, hãy kéo
nhau ra một góc nào đấy mà bàn. Miễn đừng có lôi cái số phận mà các cậu nói tới
chỉ có thể chấp nhận được nếu chúng ta đều là những kẻ tàn phế bất lực Các cậu
đã tàn phế cả rồi sao? Trong đám các cậu có cậu nào bị thiến? Nếu có thì cho
tôi hay. Vì tôi nói cho các cậu biết: khi tôi nghĩ đến vượt ngục, thì đó là
vượt ngục cho cả bọn. Tôi nghĩ đến long óc ra để thu xếp cách vượt ngục chỉ vì
tôi muốn cả bọn chúng mình cùng vượt ngục. Sáu người cùng vượt ngục không phải
là chuyện dễ. Vì nếu chỉ mỗi một mình tôi thì khi thấy cái ngày ấy đã quá gần
mà mình chưa làm được gì cả, tôi rất dễ giải quyết: tôi giết một tên cảnh sát
Co-lom-bia để kéo dài thời gian. Tôi mà giết một tên cảnh sát thì họ không đời
nào lại trao trả tôi cho nhà chức trách Pháp. Lúc bấy giờ tôi sẽ có thì giờ
rộng rãi. Và vì trong trường hợp này tôi vượt ngục một mình, cho nên mọi sự sẽ
dễ dàng hơn.
Hai
người tù Colombia chuẩn bị một kế hoạch khác, cũng khá tinh xảo. Sáng chủ nhật
vào giờ xem lễ, nhà thờ bao giờ cũng đầy những tù nhân và những người khách vào
thăm. Lúc đầu mọi người cùng xem lễ rồi khi buổi lễ đã xong, trong nhà thờ chỉ
còn lại những tù nhân có khách đến thăm. Hai người Colombia yêu cầu tôi chủ
nhật tới sẽ vào nhà thờ xem lễ để nắm vững cách diễn biến và thu xếp chương
trình hành động cho chủ nhật sau. Họ đề nghị tôi đứng ra làm người cầm đầu cuộc
nổi loạn. Nhưng tôi từ chối cái vinh dự ấy: tôi chưa biết được thật kỹ những
người sẽ cùng hành động. Tôi nắm vững được trong tay bốn tù nhân Pháp. Anh
chàng người Bretange và anh chàng "Bàn là" không đồng ý tham gia.
Cũng chẳng sao, họ chỉ có việc đừng đến nhà thờ. Đến ngày chủ nhật, chúng tôi,
tức bốn người trong cuộc, sẽ đến dự buổi xem lễ. Cái nhà thờ này hình chữ nhật.
Trong cùng là bàn thờ; ở khoảng giữa nhà thờ, mỗi bên có một cái cửa mở ra sân.
Cửa chính đưa thẳng vào trạm gác. Cửa này có một dãy chấn song, ở bên kia là
đội gác, gồm khoảng hai mươi cảnh binh. Cuối cùng, sau lưng họ là cửa ra phố.
Vì trong mỗi buổi lễ, nhà thờ bao giờ cũng đông nghịt, bọn lính gác mở chấn
song và xếp hàng sát cạnh nhau đứng chắn cửa trong suốt buổi lễ.
Trong số
những người khách vào thăm tù nhân sẽ có hai người đồng lõa và mấy người khác
giấu vũ khí trong người. Đó là mấy người đàn bà mang những khẩu súng ngắn buộc
vào phía trong bắp vế. Khi mọi người đã vào trong nhà thờ, họ sẽ tuồn súng cho
hai người đàn ông kia. Đó sẽ là hai khẩu súng cỡ to, 38 hay 45. Người tù đứng
đầu cuộc nổi loạn sẽ nhận được một khẩu súng ngắn từ tay một người đàn bà, và người
này sẽ lập tức ra khỏi nhà thờ. Hễ cậu bé giúp lễ rung chuông lần thứ hai, cả
bọn phải hành động vào cùng một lúc. Phần việc của tôi là gí một con dao lớn và
họng viên giám đốc nhà tù Don Grégorio, nói: "Da la orden de nos dejar,
panar, sinh, te mao". (Hãy ra lệnh bảo họ để cho chúng tôi đi ra, nếu
không tôi giết anh). Một người khác cũng sẽ làm như vậy với ông linh mục. Ba
người kia, từ ba góc khác nhau, sẽ chĩa súng vào mấy tên cảnh sát đứng ở cửa
chấn song của lối vò chính. Hễ tên nào không bỏ súng xuống thì phải bắn chết
ngay. Những người tham cuộc không có vũ khí sẽ ra trước. Ông linh mục và ông
giám đốc sẽ được dùng làm bình phong cho hậu quân. Nếu mọi việc diễn biến một
cách bình thường, tốp cảnh sát đều sẽ bỏ súng xuống đất. Những tù nhân có súng ngắn
sẽ lùa họ vào nhà thờ. Chúng tôi sẽ ra ngoài, sau đó đóng cửa chấn song trước,
rồi đến cánh cửa gỗ. Căn phòng dùng làm trạm canh sẽ bỏ trống vì cả tốp cảnh
sát đều phải đứng dự buổi xem lễ. Ở bên ngoài, cách đây năm mươi mét, sẽ có một
chiếc xe tải đậu sẵn, phía sau có móc một cái thang nhỏ để lên xe thật nhanh.
Chiếc xe tải sẽ khởi hành sau khi người đứng đầu cuộc nổi loạn lên xe. Người
này sẽ lên xe sau cùng.
Sau khi
dự một buổi xem lễ, tôi đồng ý với kế hoạch này. Mọi việc đều diễn ra như
Fernando đã miêu tả. Joseph Dega sẽ không vào thăm chúng tôi vào chủ nhật tới.
Anh ta biết rõ tại sao. Anh ta sẽ chuẩn bị một chiếc xe tắc-xi giả để cho chúng
tôi khỏi phải lên xe tải, và sẽ đưa chúng tôi đến một chỗ trống cũng là do anh
ta chuẩn bị. Suốt tuần ấy tôi ở trong một tình trạng kích thích cao độ và rất
nóng lòng chờ lúc hành động. Fernando đã tìm cách có được một khẩu súng lục
bằng một phương tiện khác. Đó là một khẩu 45 của quân Cảnh vệ Colombia, một vũ
khí rất đáng sợ. Đến thứ năm, một cô gái trong nhóm "chị em" của
Joseph vào thăm tôi. Cô ta rất hòa nhã ân cần, và cho tôi biết rằng chiếc
tắc-xi sẽ đón chúng tôi là một chiếc xe sơn màu vàng, chúng tôi sẽ không thể
nhầm lẫn được. O K., cám ơn.
- Chúc
các anh may mắn. Cô ta hôn lên hai má tôi một cách dịu dàng và không khỏi có
phần xúc động.
- En
tra, en tra (mời vào, mời vào). Hãy vào cho chật ngôi nhà thờ này để lắng nghe
tiếng nói của Chúa, ông linh mục nói.
Clousiot
đã sẵn sàng từ đầu đến chân. Maturette hai mắt sáng long lanh, còn người kia
không rời tôi một tấc. Rất điềm tĩnh, tôi đứng vào chỗ đã định. Don Grégorio,
viên giám đốc nhà tù, ngồi trên một chiếc ghế tựa bên cạnh một bà béo. Tôi đứng
sát đường. Bên phải tôi là Clousiot, bên trái tôi là hai bạn kia, đều ăn mặc tử
tế để đến khi ra đường không bị người ta để ý. Con dao của tôi đã mở sẵn, được
áp sát vào cánh tay phải bằng một sợi dây thun và khuất hắn trong ống tay áo
sơ-mi ka-ki cài kỹ ở cổ tay. Bây giờ phải chờ đến lúc "nâng mình
thánh", khi mọi người cúi đầu xuống như thể để tìm một cái gì ở dưới đất,
và cậu bé giúp lễ sau khi rung chuông rất nhanh, sẽ cho nghe ba hồi chuông tách
bạch. Hồi chuông thứ hai là hiệu lệnh của chúng tôi, mỗi người đều biết rõ lúc
ấy mình phải làm gì. Hồi chuông thứ nhất, hồi thứ hai... Tôi lao vào Don
Grégorio, con dao dí sát cái cổ to và nhăn nheo của ông ta. Ông linh mục kêu:
"Misericordia, no me ma ta (Xin tha cho, đừng giết tôi)" và tuy không
nhìn thấy, tôi nghe rõ ba người kia ra lệnh cho bọn lính gác bỏ súng xuống.
Mọi việc
đều trôi chảy. Tôi nắm chặt cái cổ áo bộ com-lê rất đẹp của Don Grégorio, nói:
Sigua y no tengas miedo, no te ha ré dao. (Theo tôi và đừng sợ, tôi không làm
gì ông đâu). Ông linh mục được giữ yên bằng một con dao cạo dí sát họng, gần
nhóm chúng tôi. Fernando nói: vamos, Francès, vamos a la salida (Ta đi thôi,
anh bạn Pháp, ra cửa đi). Lòng khấp khởi vì niềm vui đắc thắng, tôi xua các bạn
về phía cửa dẫn ra đường, thì bỗng nhiên có hai tiếng súng nổ cùng một lúc.
Fernando gục xuống, và một trong những người có súng cũng ngã lăn ra. Tôi vẫn
tiến thêm được một thước nữa, nhưng lúc bấy giờ bọn lính gác đã đứng dậy và giơ
súng chặn lại. May thay giữa họ với chúng tôi có mấy người đàn bà, nên họ không
dám bắn. Lại hai phát súng trường nữa, sau đó là một phát súng lục. Người bạn
có súng thứ ba của chúng tôi vừa bị bắn chết sau khi đã bịp bắn một phát hú họa
làm bị thương một người con gái. Don Grégorio mặt xanh như tàu lá, nói với tôi:
- Đưa dao đây. Tôi đưa dao cho ông ta. Tiếp tục đánh nhau chẳng có ích gì.
Trong khoảng không đầy nửa phút tình thế đã bị đảo ngược lại.
Hơn một
tuần sau tôi được biết rằng cuộc nổi loạn đã thất bại vì một tù nhân thuộc một
sân khác lúc bấy giờ đứng ở ngoài nhà thờ để xem mọi người làm lễ. Ngay những
giây đầu tiên chúng tôi hành động, hắn đã báo cho bọn lính canh ở trên thành.
Những tên này đã nhảy từ trên bức tường cao hơn sáu mét này xuống sân, hai tên
nhảy xuống hai bên nhà thờ, rồi qua những chấn song cửa hai cửa ngang, họ bắn
vào hai người đang đứng trên một chiếc ghế dài chĩa súng vào tốp cảnh sát. Sau
đó vài giây họ lại bắn gục người thứ ba lúc bấy giờ đi qua tầm bắn của họ. Sau
đó là một cuộc "corrida"* (*trận đấu bò tót, trong đó những người đấu
bò (toreadores) phải giết chết con bò) ngoạn mục. Tôi lúc bấy giờ đang đứng
cạnh viên giám đốc bắt ông ta ra lệnh này nọ. Rốt cục mười tù nhân trong đó có
bốn chúng tôi bị xích lại và nhốt vào xà lim, chỉ được ăn bánh mì với nước lã.
Don Grégorio đã tiếp Joseph Dega. Ông ta cho gọi tôi lên nói rằng để làm vui
lòng Joseph, ông ta sẽ cho tôi trở ra sân cùng với các bạn tôi. Nhờ có Joseph,
mười ngày sau cuộc nổi loạn, tất cả chúng tôi đều được trở về khoảng sân cũ và
cùng được giam chung trong phòng giam trước kia.
Khi về
đến phòng giam, tôi yêu cầu các bạn im lặng vài phút để tưởng nhớ đến Fernando
và hai người bạn của anh ta đã chết trong khi hành động. Trong một buổi vào
thăm, Joseph cho tôi biết rằng anh ta đã tổ chức một cuộc quyên tiền, và trong
giới trùm điếm anh ta đã thu được năm ngàn pesos để đút cho Don Grégorio. Cử
chỉ này làm cho chúng tôi có phần coi trọng bọn trùm điếm hơn trước chút ít.
Bây giờ tôi sẽ làm gì? Biết phát minh ra cách gì khác đây? Chẳng lẽ tôi lại
chịu thua và đợi chuyến tàu kia mà không hành động gì cả hay sao?
Nằm
trong phòng rửa mặt chung, tránh được ánh nắng gay gắt, tôi có thể kín đáo theo
dõi cách thức đi lại của bọn lính canh trên con đường tuần tra. Ban đêm cứ mười
phút họ lại lần lượt gọi nhau: "Lính canh, hãy coi chừng." Làm như
vậy viên chỉ huy đội canh có thể kiểm tra xem trong bọn tên lính canh có tên
nào ngủ không. Nếu có ai không trả lời, người kia gọi lại cho đến khi hắn trả
lời mới thôi. Tôi tưởng đã tìm được một chỗ sơ hở. Số là ở mỗi chòi canh đặt ở
bốn góc đường đi tuần đều có treo một cái lon buộc vào một sợi dây. Khi một
người lính canh muốn uống cà phê, hắn gọi người cafetero đến rót cho hắn một
hay hai chén cà phê vào lon, rồi kéo dây lên mà uống. Cái chòi canh ở cuối sân
bên phải hơi nhô ra phía sân một chút. Tôi tự nhủ là nếu tôi có được một cái
móc to buộc vào đầu một sợi dây đan, nó sẽ có thể mắc vào cái chòi canh ấy một
cách dễ dàng. Chỉ trong mấy giây tôi có thể vượt qua bức tường trông ra đường.
Vấn đề duy nhất là làm sao vô hiệu hóa được tên lính canh. Bằng cách nào?
Tôi
trông thấy tên lính canh đứng dậy đi mấy bước trên con đường tuần tra. Tôi thấy
hình như hắn nóng quá không chịu nổi và đang ra sức chống lại cơn buồn ngủ.
Thôi đúng rồi, phải làm thế nào cho hắn ngủ? Trước hết tôi sẽ đang sợi dây, và
nếu kiếm được một cái móc chắc chắn, tôi sẽ tìm cách làm cho hắn ngủ và có thể
phen nữa. Trong hai ngày một sợi dây dài gần bảy mét đã được tết bằng tất cả
những chiếc áo sơ- mi bằng vải bền mà chúng tôi kiếm được, nhất là những chiếc
áo bằng vải ka-ki. Cái móc thì tìm tương đối dễ, đó là thanh sắt đỡ một cái mái
hiên lắp ở cửa các phòng giam cho mưa khỏi hắt vào. Joesph Dega đã đem đến cho
tôi một chai thuốc ngủ rất mạnh. Theo lời chỉ dẫn thì mỗi lần chỉ được uống
mười giọt. Cái chai đựng gần mười thìa xúp lớn.
Tôi tìm
cách làm cho tên lính canh chịu uống cà phê của tôi biếu và quen dần với việc
ấy. Hắn thòng cái lon xuống, tôi rót cho hắn mỗi lần ba cốc cà phê. Vì dân
Colombia đều hay rượu, mà thứ thuốc ngủ kia lại có vị giống như rượu hồi, cho
nên tôi nhờ kiếm một chai rượu hồi. Tôi nói với tên lính canh:
- Anh
muốn uống cà phê pha kiểu Pháp không?
- Nó là
thế nào.
- Có cho
cả rượu hồi vào đấy.
- Để thử
xem, cho tôi nếm đã.
Nhiều
tên lính canh đã được nếm mùi cà phê rượu hồi của tôi. Bây giờ mỗi lần tôi mời
cà phê họ đều nói: "kiểu Pháp nhé!".
- Có
ngay
Tôi cứ
thế rót rượu hồi vào.
Giờ G đã
đến. ấy là vào giữa trưa một ngày thứ bảy. Trời nóng kinh khủng. Các bạn tôi
biết không thể nào có thì giờ cho hai người vượt qua tường được, nhưng một
người tù Colombia có một cái tên A-rập là Ali nói với tôi là hắn sẽ trèo sau
tôi. Tôi đồng ý. Tôi đi với anh này thì các bạn tôi khỏi bị nghi là đồng lõa và
khỏi bị phạt về sau. Mặt khác tôi không thể cầm sẵn dây và móc được vì tên lính
canh có đủ thì giờ quan sát tôi trong khi tôi chuyển cà phê lên. Theo ý kiến
chung của các bạn tôi, nội trong năm phút hắn phải bị đo ván. Lúc bấy giờ đã
đến "kém năm". Tôi gọi tên lính canh.
- Thế
nào?
- Vẫn
thế thôi.
- Anh có
uống cà phê không?
- Có pha
kiểu Pháp ấy, ngon hơn.
- Đợi tí
nhé, có ngay đấy.
Tôi đến
cafetero: "Hai cà phê". Trong cái lon của tôi đã rót sẵn cả chai
thuốc ngủ. Nếu uống chừng ấy mà sau năm phút hắn không lăn đùng ra thì thật hết
chỗ nói! Tôi đến góc tường và hắn trông thấy tôi rót rượu hồi vào lon rõ rành
rành.
- Uống
tí nhé?
- Ừ!
Tôi rót
thêm chút nữa, rồi trút cả sang lon của hắn. Hắn lập tức kéo lên. Năm phút,
mười, mười lăm, hai mươi phút trôi qua! Hắn vẫn chưa ngủ. Tệ hơn nữa, đáng lẽ
ngồi xuống thì hắn lại cầm súng đi đi lại lại một lát. Thế mà hắn đã uống hết
sạch chứ không phải không. Đến một giờ trưa đã đổi gác rồi. Như ngồi trên đống
than hồng, tôi theo dõi từng cử động của hắn. Không có dấu hiệu gì thấy hắn đã
thấm thuốc. À! hắn vừa vấp chân một cái. Hắn ngồi xuống trước chòi canh, khẩu
súng trường chống giữa hai chân. Đầu hắn nghiêng sang một bên. Các bạn tôi và
hai ba người tù Colombia biết chuyện cũng đang theo dõi những phản ứng của hắn
một cách mải mê không kém gì tôi.
- Nào
bắt đầu đi, - tôi nói với gã người Colombia.
- Dây
đâu!
Anh ta
đang sửa soạn ném dây thì tên lính canh đứng dậy, để khẩu súng rơi xuống đất,
vươn vai rồi co chân bước mấy bước tại chỗ. Gã người Colombia ngừng lại vừa
đúng lúc. Chỉ còn mười tám phút nữa là đến giờ đổi gác.
Tôi thầm
cầu cứu Chúa: "Lạy Chúa giúp chúng tôi một lần nữa! Tôi van Chúa đừng bỏ
rơi tôi!" Nhưng tôi kêu mãi vẫn chẳng thấy gì: cái ông Chúa của người Cơ
đốc giáo nhiều khi cũng ít thông cảm với người ta lắm, nhất là đối với tôi, một
người vô thần. Clousiot lại gần tôi nói:
- Thế
này thì thật! Đến bây giờ mà thằng kia vẫn chưa ngủ thì là thật!
Tên lính
canh định cầm súng lên nhưng lúc cúi xuống nhặt khẩu súng hắn bỗng ngã nhào ra
đường tuần tra, như thể bị sét đánh. Gã người Colombia ném cái móc lên, nhưng
nó lại trượt xuống. Anh ta ném lần nữa. Lần này thì mắc. Anh ta kéo xuống mấy
cái để xem thử đã chắc chưa. Tôi cũng kiểm tra lại một lần nữa và khi tôi đạp
chân vào tường và co tay lại để leo lên, Clousiot nói:
- Coi
chừng Nó đến đổi gác kia kìa.
Tôi vừa
kịp rút lui trước khi bị họ nhìn thấy.
Được sự
thôi thúc tự nhiên của bản năng tự vệ và bản năng đoàn kết của những người tù,
một tốp tù nhân Co-lom-bia, khoảng mươi người, chạy đến vây quanh lấy tôi, tôi
liền trà trộn vào bọn họ. Chúng tôi đi dọc bờ tường, để mặc sợi dây lủng lẳng ở
phía sau. Một tên cảnh sát trong đội đến đổi gác đã trông thấy cái móc và tên
lính canh nằm sấp bên cạnh khẩu súng. Hắn chạy hai ba bước đến ấn vào nút còi bóng
động, yên chí rằng vừa xảy ra một cuộc vượt ngục. Người ta đưa cáng đến khiêng
tên lính đang ngủ. Bây giờ có đến hơn hai chục tên cảnh sát trên đường tuần
tra. Don Grégorio cũng có mặt trong đám ấy. Ông ta ra lệnh kéo sợi dây lên. Cái
móc đang nằm trong tay ông ta. Một lát sau bọn cảnh sát đã vây quanh sân, súng
chĩa và các tù nhân. Họ bắt đầu gọi tên. Gọi đến tên ai thì người ấy phải trở
về buồng giam. Lạ thay! Không thiếu ai cả. Họ liền lấy khóa khóa trái các buồng
giam lại.
Lại điểm
danh lần thứ hai, và kiểm tra từng buồng. Không, không có ai mất tích cả. Đến
ba giờ, họ lại cho chúng tôi ra sân. Chúng tôi được biết rằng tên lính canh kia
hiện đang ngáy như sấm, và tất cả các biện pháp được đem ra dùng không sao đánh
thức hắn dậy được: người đồng lõa Colombia của tôi cũng thất vọng không kém gì
tôi. Vừa qua anh ta tin chắc mười phần thế nào cũng thành công! Anh ta lớn
tiếng chửi bới các thứ hàng Mỹ, vì thuốc ngủ vừa rồi là thuốc Mỹ.
- Biết
làm thế nào bây giờ?
- Làm
lại chứ còn thế nào nữa! - Tôi chỉ biết trả lời có thế.
Anh ta
tưởng tôi muốn nói là phải tìm cách đánh thuốc ngủ một tên lính canh một lần
nữa. Thật ra tôi đang nghĩ là phải tìm một cách khác. Anh ta nói:
- Anh
tưởng là bọn cảnh sát ấy ngu đến nỗi sẽ có một thằng nữa chịu uống cà phê theo
kiểu Pháp à?
Mặc dầu
không khí lúc bấy giờ thật bi đát, tôi vẫn không sao nhịn cười được.
- Chắc
chắn là sẽ có chứ!
Tên lính
canh đã ngủ ba ngày và bốn đêm. Đến khi hẳn thức dậy, dĩ nhiên hắn báo cáo là
chính tôi đã đánh thuốc ngủ cho hắn khi tôi cho hắn uống cà phê pha theo kiểu
Pháp. Don Grégorio cho gọi tôi lên để đối chất với hắn. Viên chỉ huy đội lính
canh rút gươm định đánh tôi. Tôi nhảy lùi vào góc phòng và thách thức hắn. Hắn
giơ cao gươm lên, Don Grégorio xông vào can liền bị một nhát sống gươm vào vai.
Ông ta gục xuống, xương đòn gánh gãy làm đôi. Ông ta kêu to đến nỗi viên sĩ
quan kia chỉ còn quan tâm đến ông ta. Hắn đỡ ông ta dậy. Don Grégorio kêu cứu
om sòm. Từ các phòng giấy bên cạnh, tất cả các nhân viên dân sự đều chạy sang.
Thế là nổ ra một cuộc ẩu đả giữa viên sĩ quan, hai viên cảnh sát khác và tên
lính canh đã bị tôi đánh thuốc ngủ với khoảng một chục viên chức dân sự đang
muốn trả thù cho ông giám đốc.
Trong
cuộc "tangana" này, nhiều người bị thương nhẹ. Người duy nhất bình
yên vô sự là tôi. Vấn đề quan trọng bây giờ không còn là trường hợp của tôi nữa
mà là vụ xô xát giữa ông giám đốc và viên sĩ quan. Khi ông giám đốc đã được trở
vào bệnh viện, người thay thế ông dẫn tôi trở ra sân:
- Việc
anh sẽ được xét sau, Francés ạ.
Hôm sau
viên giám đốc, vai bó bột, đến yêu cầu tôi viết một bản khai báo tố cáo viên sĩ
quan. Tôi khai lại một cách thích thú tất cả những gì người ta muốn tôi khai.
Họ đã quên hẳn câu chuyện thuốc ngủ. Chuyện này đối với họ không có gì thú vị
nữa: càng may cho tôi.
Mấy ngày
sau, Joseph Dega tình nguyện tổ chức một cuộc vượt ngục từ bên ngoài. Vì tôi có
nói với anh ta rằng vượt ngục ban đêm là không thể được vì đèn thắp quanh đường
đi tuần trên thành phố rất sáng, anh ta tìm cách để cắt dòng điện. Nhờ một thợ
điện mách bảo anh ta đã tìm ra: cần phải hạ cầu giao ở một cái trạm biến thế ở
bên ngoài nhà tù. Về phần tôi, tôi đã mua tên lính canh ở phía đường cũng như ở
cửa nhà thờ. Việc đó hóa ra phức tạp hơn là người ta tưởng. Trước hết tôi buộc
lòng phải thuyết phục Don Grégorio trả lại cho tôi mười ngàn Pesos lấy cớ là để
nhờ Joseph gửi cho gia đình tôi, dĩ nhiên đồng thời tôi cũng "cưỡng
bách" ông ta nhận hai ngàn pesos để mua quà tặng vợ ông, rồi sau khi đã
xác định được người phân bố các phiên gác và giờ đổi gác, lại phải mua cả người
này nữa. Hắn sẽ được ba ngàn pesos, nhưng hắn không chịu can thiệp vào những
cuộc thương lượng với hai tên lính canh kia. Một mình tôi phải đi tìm họ và
thương lượng với họ. Sau đó tôi sẽ cho anh ta biết tên và anh ta sẽ cắt phiên
gác cho họ đúng vào giờ tôi yêu cầu.
Công
việc chuẩn bị cho cuộc vượt ngục mới này phải mất hơn một tháng. Cuối cùng, mọi
việc đã được ấn định từng phút một. Vì không phải giữ gìn gì với tên cảnh sát
gác ngoài sân, chúng tôi sẽ cưa chấn song bằng một cái cưa kim loại có đủ bộ
sậu. Tôi có ba lưỡi cưa. Người tù Colombia ném cái móc hôm trước đã được báo
trước. Anh ta sẽ cưa chấn song của mình làm nhiều lần. Vào đêm hành động, một
người bạn của anh ta, ít lâu nay đã giả vờ điên, sẽ đánh choang choang lên một
miếng tôn kẽm và gân cổ lên hát thật to. Anh bạn tù Colombia biết rằng tên lính
canh chỉ thỏa thuận cho hai người Pháp vượt ngục và đã nói trước rằng nếu có
thêm một người thứ ba lên thành hắn sẽ bắn. Tuy vậy anh ta vẫn muốn cầu may và
nói với tôi rằng nếu cứ theo sát nhau mà trèo thì trong bóng tối tên lính canh
không thể trông thấy rõ là có một người hay hai. Clousiot và Maturette đã bốc
thăm để quyết định ai sẽ cùng đi với tôi. Clousiot đã thắng.
Cái đêm
không trăng mà chúng tôi chờ đợi đã đến. Viên đội và hai viên cảnh sát đã nhận
một nửa số tiền mà mỗi người được hưởng. Lần này tôi không phải cắt đôi nữa, vì
đã có những tờ giấy bạc được cắt đôi sẵn. Sau này họ sẽ đến lĩnh nửa còn lại ở
Barrio Chino, cửa hiệu của vợ Joseph Dega. Đèn tắt. Chúng tôi cưa chấn song.
Không đầy mười phút đã đứt. Mình mặc quần dài và áo sơ-mi sẫm màu, chúng tôi ra
khỏi buồng giam. Người tù Colombia ra nhập bọn khi chúng tôi đi ngang. Anh ta
chỉ mặc một cái si-líp đen. Tôi leo lên chấn song cửa của một buồng giam xây
trong tường, đi vòng qua mái hiên, ném cái móc buộc vào ba thước dây. Chỉ ba
phút sau tôi đã đứng trên đường đi tuần, không một tiếng động. Nằm sấp sát đất,
tôi đợi Clousiot.
Đêm tối
như mực. Tôi bỗng trông thấy, hay nói cho đúng hơn cảm thấy một bàn tay giơ ra,
tôi cầm lấy và kéo mạnh. Một tiếng động khủng khiếp vang lên. Đó là vì khi
người Clousiot trườn qua giữa mái hiên và bức tường, cái khóa thắt lưng của anh
đã vướng vào cái mái tôn. Dĩ nhiên khi nghe tiếng động tôi ngừng kéo. Tấm tôn
không kêu nữa. Tôi lại kéo Clousiot, tưởng rằng anh ta đã gỡ được, và mặc cho
tấm tôn kêu vang dội, tôi kéo thật mạnh làm cho chỗ vướng bị bật ra, rồi lôi
anh ta lên trên đường đi tuần. Có mấy phát súng nổ từ các chòi canh của các khu
vực khác nhưng ở khu vực chúng tôi vẫn im lặng. Vì hốt hoảng khi nghe tiếng
súng, chúng tôi nhảy xuống một con đường thấp cách bờ tường đến chín mét trong
khi đáng lẽ phải đi sang bên phải rồi nhảy xuống một con đường khác chỉ cách có
năm mét. Kết quả: Clousiot bị gãy lại chân phải. Tôi cũng không đứng dậy được:
tôi bị gãy xương cá hai bàn chân. Về sau tôi sẽ biết rõ đó là hai cái xương gót
chân. Người tù Colombia bị sái một bên đầu gối.
Mấy phát
súng đã làm cho đội gác đêm chạy ra phố. Họ chiếu một ngọn đèn pin lớn vào
chúng tôi và chĩa súng bắt chúng tôi đứng im. Tôi bật khóc vì uất ức. Tệ hơn
nữa là bọn cảnh sát không chịu tin rằng tôi không đứng dậy được. Tôi phải dùng
hai đầu gối bò dưới hàng trăm mũi lưỡi lê thúc vào người mà lê vào phòng giam.
Clousiot thì nhảy lò cò một chân, người Colombia cũng vậy. Đầu tôi chảy máu dữ
dội vì một phát báng súng. Mấy phát súng đã đánh thức Don Grégorio đang ngủ
trong phòng giấy: may thay, đêm hôm ấy ông ta trực ở nhà tù. Không có ông ta họ
đã đánh chết chúng tôi bằng báng súng và lưới lê rồi. Kẻ hăng máu nhất trong
khi đánh đập tôi chính là viên đội mà tôi đã đút tiền để cắt phiên gác cho hai
tên lính canh đồng lõa.
Don
Grégorio chặn đứng ngay trận đánh đập dã man ấy, ông đe dọa sẽ đưa họ ra tòa
nếu họ đánh chúng tôi trọng thương. Câu thần chú ấy làm cho họ tê liệt ngay.
Hôm sau cái chân của Clousiot bó bột ở bệnh viện. Người tù Colombia được một
ông thầy lang ở tù nắn lại đầu gối và được mang một cái băng Velpeau.
Trong
đêm ấy thấy hai chân tôi sưng lên to bằng cả cái đầu, bị bầm giập đến cùng cực,
máu me bê bết, ông bác sĩ cho tôi ngâm hai chân vào nước muối ấm, rồi sai y tá
cho đỉa hút máu ba lần một ngày. Khi đã hút máu no căng, mấy con đỉa tự rơi ra,
người ta bỏ nó vào dấm cho nó nhả máu. Vết thương ở đầu tôi phải khâu sáu mũi.
Một nhà báo khát tin cho đăng một bài báo nói về tôi. Hắn kể rằng tôi là người
đứng đầu cuộc nổi loạn ở nhà thờ, rằng tôi đã đầu độc một tên lính canh, và
cuối cùng tôi đã tổ chức một cuộc vượt ngục tập thể có sự hỗ trợ từ bên ngoài
vì có người đã cắt điện ở khu phố bằng cách hạ cầu giao ở trạm biến thế. "Ta
hãy hy vọng rằng ở nước Pháp sẽ cho người đến thật sớm để cho chúng ta thoát
khỏi tên gangster số 1 của họ. Hắn kết luận.
Joseph
có vào thăm tôi, cùng đi với vợ là Annie. Viên đội và ba viên cảnh sát đã đến
đòi lĩnh nửa số tiền còn lại, mỗi người đến vào một lúc khác nhau. Annie đến là
để hỏi tôi xem chị ta phải xử sự như thế nào. Tôi nói với chị là phải đưa tiền
cho họ, vì họ đã làm đúng lời cam kết. Chúng tôi thất bại không phải tại họ. Từ
một tuần nay các bạn phải chở tôi đi dạo trong sân trên một chiếc xe kít kít
bằng sắt vốn cũng là giường nằm của tôi. Tôi nằm trên xe, hai chân gác cao lên
một tấm vải căng giữa hai miếng ván lắp thẳng đứng trên hai càng xe. Đó là tư
thế duy nhất không làm cho tôi đau quá. Hai chân tôi, đầy ứ những máu đông đặc,
sưng to tướng, không thể đặt lên một cái gì hết, dù là ở tư thế nằm. Được gác
chân lên thật cao như vậy, tôi đỡ đau được một chút.
Gần mười
lăm ngày sau, nó đã xẹp đi được một nửa, và người ta cho tôi đi chiếu điện. Hai
cái xương gót tôi đều gãy. Suốt đời tôi sẽ có hai bàn chân bẹt. Tờ nhật báo ra
hôm nay đăng tin là cuối tháng chuyến tàu chở đội áp giải của cảnh sát Pháp đến
nhận chúng tôi sẽ cặp bến. Chiếc tàu tên là "Mana", tờ báo viết như
vậy. Hôm nay là ngày mười hai tháng mười. Chúng tôi còn mười tám ngày nữa: bây
giờ phải đánh con bài cuối cùng. Nhưng đánh con bài gì với hai bàn chân gãy của
tôi?. Joseph tuyệt vọng. Hôm vào thăm, anh ta kể cho tôi nghe rằng tất cả những
người Pháp ở đây và tất cả các cô làm ở Barrio Chino đều rất khổ tâm khi thấy
tôi đã vật lộn dữ dội bấy nhiêu lâu để dành tự do mà chỉ còn mười mấy ngày nữa
đã bị trao trả cho nhà chức trách Pháp. Tình cảnh của tôi làm cho tất cả giới
Pháp kiều ở đây xao xuyến. Đó là một trợ lực tinh thần đã an ủi tôi rất nhiều.
Tôi đã
từ bỏ ngay cái dự định giết một tên cảnh sát Colombia. Thật vậy, không có lý do
gì tôi lại nỡ làm thiệt mạng một người chẳng có thù oán gì với tôi. Tôi nghĩ
rằng người ấy có thể có một ông bố, một bà mẹ cần được nuôi dưỡng. Tôi mỉm cười
khi nghĩ rằng cần phái tìm một tên cảnh sát thật ác mà lại không có gia đình.
Chẳng hạn, tôi có thể hỏi hắn: "Nếu tôi giết anh thì có ai thiệt hại gì
không, có ai mất nơi nương tựa không?" Sáng hôm nay ngày 13 tháng mười,
tôi rất ủ ê chán chường. Tôi nhìn một mẫu đá acid picric mà nếu ăn vào thì tôi
sẽ mắc bệnh hoàng đản. Nếu người ta cho tôi nằm bệnh viện, có lẽ tôi sẽ có thể
nhờ Joseph thuê người đánh tháo tôi ra ngoài. Ngày hôm sau da tôi đã vàng như
nghệ. Don Grégorio đi ra sau thăm tôi: lúc bấy giờ tôi đang nằm trên chiếc xe
cút kít để ở một chỗ có bóng râm, hai chân gác cao lên.
Lập tức,
không quanh co, không chút thận trọng, tôi tấn công:
- Tôi
biếu ông mười ngàn pesos nếu ông cho tôi nhập viện.
- Để tôi
thử xem. Không phải vì mười ngàn pesos kia, mà vì tôi rất phiền lòng khi thấy
anh vật vã dữ dội như vậy để tìm tự do mãi mà vẫn không được. Chỉ có điều tôi
không tin rằng họ sẽ giữ anh lại ở bệnh viện, vì cái bài báo kia đã làm cho họ
quá sợ anh.
Một giờ
sau, bác sĩ cho tôi đến bệnh viện. Tôi chưa kịp chạm đất thì đã được đưa ra
khỏi bệnh viện ngay. Được đưa từ trên xe cứu thương xuống trên một cái cáng,
tôi được khám rất kỹ, có xét nghiệm nước tiểu, trong khi vẫn nằm trên cáng. Hai
giờ sau họ đưa tôi trở về nhà giam. Hôm ấy là ngày 19, một ngày thứ năm. Annie,
vợ của Joseph, đến trại giam với một cô người Corse. Họ cố đem vào cho tôi một
ít thuốc lá và bánh kẹo. Với những lời lẽ ân cần, trìu mến của họ, hai người
đàn bà này đã đem lại cho tôi một niềm an úi lớn lao. Đẹp đẽ nhất là sự thể
hiện của tình bạn trong trẻo của họ, đã thực sự biến cái ngày cay cực này thành
một ngày chan hòa ánh nắng. Tôi sẽ không bao giờ có thể diễn đạt được hết niềm
an ủi mà tình đoàn kết của những người cùng giới đã đem lại cho tôi trong thời
gian bị giam ở nhà tù "80".
Tôi cũng
không sao nói hết được lòng biết ơn của tôi đối với Joseph Dega đã không ngần
ngại giúp tôi vượt ngục, mặc dầu làm như vậy anh ta có thể đi đến chỗ mất quyền
tự do và mất phương tiện sinh sống. Nhưng có một câu nói của Annie đã gợi cho
tôi một ý hay. Trong khi chuyện trò, cô nói:
- Anh
Papillon, anh đã làm tất cả những gì mà sức con người có thể làm được để tìm
cách dành lại tự do. Số phận đối với anh thật quá tàn nhẫn. Anh chỉ còn thiếu
cách làm nổ tung cái nhà tù "80" này?
Ừ nhỉ!
Sao lại không? Tại sao tôi lại không làm nổ tung cái nhà tù cũ kỹ này đi nhỉ?
Đó sẽ là một việc rất có ích cho dân Colombia. Nếu tôi cho nổ cái nhà tù này,
may ra họ mới quyết định cho xây một cái nhà tù mới, vệ sinh hơn.
Khi ôm
hôn hai người thiếu phụ dễ thương này để vĩnh biệt họ, tôi nói với Annie:
- Chị
nói với Joseph chủ nhật vào gặp tôi nhé.
Ngày chủ
nhật 22, Joseph đã có mặt.
- Joseph
ạ, anh phải làm tất cả những gì có thề làm được để đến thứ năm có ai đưa vào
cho tôi một thỏi thuốc nổ dynamite, một cái kíp nổ và một sợi dây ngòi. Về phía
tôi, tôi sẽ tìm cách có được một cái khoan để khoan gạch.
- Anh sẽ
làm gì vậy? Tôi sẽ làm nổ bức tường của nhà tù giữa ban ngày. Anh cứ hứa trả
năm ngàn pesos cho chiếc xe tắc-xi giả hôm trước. Xe phải có mặt trên con đường
phía sau nhà tù từ tám giờ sáng đến sáu giờ chiều, ngày nào cũng vậy. Người lái
xe sẽ được năm trăm pesos một ngày nếu không có gì xảy ra, năm ngàn pesos nếu
có gì xảy ra. Qua cái lỗ sẽ được mở trên tường khi mìn nổ, một tù nhân Colombia
to khỏe sẽ cõng tôi ra xe, và bây giờ đến lượt người lái xe hành động. Nếu anh
ta bằng lòng, anh hãy gửi thỏi mìn đến. Nếu không thì thế là hết, không còn hy
vọng gì nữa.
- Anh cứ
tin vào tôi, - Joseph nói.
Đến năm
giờ tôi nhờ một bạn cõng tôi vào nhà thờ. Tôi bảo là tôi muốn cầu nguyện một
mình. Các bạn cõng tôi vào đấy. Tôi nhắn Don Grégorio vào gặp tôi trong nhà
thờ. Ông ta đến.
-
Hombre, chỉ còn tám ngày nữa là anh phải ra đi.
- Chính
vì thế mà tôi nhắn ông đến đây. Ông còn giữ hộ tôi mười lăm ngàn pesos. Trước
khi đi tôi muốn chuyển số tiền ấy cho bạn tôi để anh ta gửi về cho gia đình
tôi. Xin ông nhận cho ba ngàn pesos, tôi xin biếu ông số tiền đó với tất cả
lòng thành vì ông trước sau vẫn luôn luôn che chở cho tôi đỡ bị hành hạ. Xin
ông làm ơn đưa số tiền còn lại cho tôi với một cuộn băng dính để từ đây đến thứ
năm tôi dán nó lại và đưa cho bạn tôi.
- Được!
Ông ta
trở lại và giao cho tôi mười hai ngàn pesos vẫn còn bị cắt đôi. Ông giữ lại ba
ngàn.
Khi đã
trở về nằm trên xe cút kít, tôi gọi người tù Colombia ra một góc vắng vẻ, nói
cho anh ta biết dự định của tôi và hỏi xem anh ta liệu có đủ sức cõng tôi đi
hai ba mươi mét ra đến xe tắc-xi không. Anh ta cam đoan là sẽ làm được. Vậy
phía này có thể coi như xong. Tôi cứ hành động như thể đã biết chắc là Joseph
sẽ thành công. Sáng ngày thứ hai tôi bảo các bạn đưa tôi ra phòng rửa mặt từ
sớm, và bảo Maturette, người mấy hôm nay cùng với Clousiot thay phiên nhau làm
"tài xế" đấy xe cút kít cho tôi, đi tìm tên đội mà tôi đã cho ba ngàn
pesos và đã đánh đập tôi dã man trong vụ vượt ngục vừa rồi.
- Trung
sĩ Joseph, tôi cần nói chuyện với anh.
- Anh
muốn gì?
- Tôi
cần một cái khoan máy rất mạnh có ba tốc độ và sáu cái mũi khoan để khoan gạch,
hai cái cỡ nửa phân, hai cái cỡ một phân và hai cái cỡ một phân rưỡi đường
kính.
- Tôi
không có tiền để mua.
- Năm
trăm pesos đây. Ngày mai thứ ba đến lúc đổi phiên gác một giờ trưa anh sẽ phải
có các thứ đó.
- Chuẩn
bị số tiền hai ngàn pesos kia đi.
Một giờ
trưa ngày hôm sau tôi đã có đủ cái thứ đó để trong cái thùng rác rỗng ở ngoài
sân - đó là một cái thùng đựng giấy lộn, cứ mỗi lần đổi gác lại đổ một lần.
Pablo, người tù Colombia vạm vỡ, ra nhặt các thứ đồ khoan đem cất đi.
Ngày thứ
năm 26 mãi không thấy Joseph vào. Đến cuối buổi thăm tù mới có người gọi tôi.
Đó là một người Pháp già, nhăn nheo, do Joseph phái đến.
- Trong
ổ bánh mì này có thứ anh cần.
- Đây là
hai ngàn pesos cho người lái tắc-xi. Mỗi ngày năm trăm.
- Người
lái tắc-xi là một ông già Peru rất hăng. Về phía ấy anh đừng lo gì cả. Ciao.
(*chào - tiếng ý, gần như đã trở thành một cách chào quốc tế).
- Ciao.
Trong
một cái túi giấy lớn, để cho họ đừng chú ý đến ổ bánh mì, các bạn tôi đã để mấy
bao thuốc lá, mấy bao diêm, một chuỗi xúc xích hun khói, một khúc saucisson,
một gói bơ và một lọ dầu ô-liu đen.
Trong
khi người lính canh lục soát cái túi giấy, tôi cho hắn một bao thuốc lá, vài
bao diêm và hai cái xúc xích. Hắn nói:
- Anh
cho tôi một miếng bánh mì đi. Chỉ còn thiếu có thể nữa thôi!
- Không,
bánh mì thì đi mua lấy mà ăn. Năm pesos đây, cầm lấy. Vì từng này bánh mì sao
đủ cho sáu người ăn.
- Ừ.
Thật may
mà thoát. Ai lại đi nảy ra cái ý cho thằng ấy ăn xúc xích!
Cái xe
cút kít vội vàng lánh xa tên cảnh sát lắm chuyện kia. Việc tên cảnh sát xin
bánh mì đã làm cho tôi phát hoảng đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn toát mồ hôi.
- Ngày
mai là ta bắn pháo hoa đấy. Mọi thứ đã đâu vào đấy, Pablo ạ.
- Phải
khoan lỗ đúng ở phía dưới chỗ chòi canh nhô ra. Thằng mú ở bên trên không thể
trông thấy cậu được.
- Nhưng
hắn có thể nghe thấy.
- Tôi đã
liệu trước việc này. Lúc mười giờ sáng, khoảng sân phía này sẽ có bóng rợp.
Phải làm sao cho một người trong cái kíp gò đồng đang làm việc ở nhà lao gõ búa
vào một tấm đồng áp vào tường cho thằng cách chúng ta vài mét, ngay ngoài sân.
Có hai người càng tốt. Tôi sẽ cho họ mỗi người năm trăm pesos. Cố tìm hai người
ấy đi.
Anh ta
đã tìm ra.
- Hai
anh bạn của tôi sẽ gõ đồng liên tiếp. Tên lính canh sẽ không nghe được tiếng
khoan đâu. Có điều là anh với cái xe cút kít phải ở vào một vi trí xê ra ngoài
một chút, xung quanh có mấy anh bạn người Pháp làm như đang bàn bạc việc gì với
anh. Để cho tên lính canh ở góc bên kia khó trông thấy tôi.
Trong
một tiếng đồng hồ cái lỗ đã khoan xong. Nhờ những tiếng búa đánh lên đồng và
nhờ có một người giúp việc rót dầu lên mũi khoan, tên lính canh không thấy gì
khả nghi cả. Thỏi mìn được nhét vào lỗ ngòi nổ được lắp vào mìn, thò ra ngoài có
hai mươi phân ngòi. Thỏi mìn được chêm bằng đất sét. Chúng tôi lui ra. Nếu mọi
việc đều ổn, đến khi mìn nổ trên tường sẽ có một lỗ hổng. Tên lính canh sẽ rơi
xuống cùng với cái chòi canh và Pablo sẽ cõng tôi chui qua lỗ hổng ra xe
tắc-xi. Mấy người kia sẽ tự lo liệu lấy. Trên lý thuyết thì Clousiot và
Maturette dù có ra sau chúng tôi cũng sẽ đến xe tắc-xi trước chúng tôi. Ngay
trước khi châm ngòi Pablo báo cho một nhóm tù người Colombia biết.
- Nếu
các anh muốn vượt ngục, chốc nữa sẽ có một lỗ hổng trên tường.
- Như
thế cũng tốt vì bọn cảnh sát sẽ vướng chân, và có bắn thì bắn những người chạy
ở phía sau.
Chúng
tôi châm ngòi. Một tiếng nổ khủng khiếp làm cả khu phố rung chuyển. Cái chòi
canh rơi xuống với cả tên lính canh. Bức tường nứt nẻ thành những khe hở chạy
ra tứ phía, hở rộng đến nỗi có thể nhìn thấy dãy phố bên ngoài, nhưng không có
một chỗ hở nào đủ rộng để một người có thể lọt qua. Như vậy là vụ nổ dã không
tạo được một đột phá khẩu cho chúng tôi, và mãi đến lúc ấy tôi mới thừa nhận
rằng mình đã thất bại. Số tôi đúng là phải trở về trại khổ sai ở Cayenne. Sau
tiếng nổ, cả nhà tù nhốn nháo lên một cách không có gì tả xiết. Trong sân có
đến hơn năm chục tên cảnh sát. Don Grégorio hiểu rất rõ đầu đuôi câu chuyện.
Ông ta nói với tôi:
- Bueno
(Tốt), Francés ạ. Lần này là lần cuối cùng, tôi chắc thế.
Viên chỉ
huy đội lính gác giận dữ điên cuồng. Hắn không thể ra lệnh đánh đập một người
bị thương nằm trên xe cút kít, trong khi tôi, để khỏi liên lụy đến các bạn
khác, cứ lớn tiếng tuyên bố rằng chính tôi và chỉ một mình tôi gây ra vụ này.
Sáu tên cảnh sát được cắt đứng canh trước cái tường nứt nẻ, sáu tên trong sân
nhà tù, sáu tên đứng ngoài đường, sẽ canh gác thường xuyên cho đến khi thợ nề
sửa xong bức tường. Tên lính gác ở trên chòi rơi xuống, may thay, không bị
thương tích gì cả.
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 20: Trở về tại khổ sai
Ba ngày
sau, ngày 30 tháng mười, vào lúc mười một giờ sáng, mười hai viên giám thị của
trại khổ sai mặc quân phục trắng, đến nhận chúng tôi. Trước khi khởi hành có
một nghi lễ chính thức nho nhỏ: mỗi người trong chúng tôi đều phải được xác
định căn cước và nhận dạng. Họ đã đem theo những tờ phiếu ảnh đạc hình: chụp
dấu lăn tay, đầy đủ bộ sậu, của từng người, để làm việc ấy.
Sau khi
đã xác minh căn cước, viên lãnh sự Pháp đến ký một văn kiện trao cho viên chánh
án của quận này là người có nhiệm vụ chính thức trao trả chúng tôi cho nước
Pháp. Tất cả những người có mặt tại đấy đều ngạc nhiên vì cái thái độ thân hữu
của bọn giám thị đối với chúng tôi. Không có một lời nói nặng, cũng không có
lấy một cứ chỉ thù địch. Ba người tù đã ở trại lâu hơn chúng tôi quen với nhiều
viên giám thị, họ nói chuyện và đùa cợt với mấy gã này như với những người bạn
cũ. Viên chỉ huy đội áp giải là thiếu tá Boural rất quan tâm đến tình trạng của
tôi, ông ta nhìn đôi bàn chân của tôi và nói với tôi rằng lên tàu họ sẽ chăm
sóc cho tôi, rằng trong đội áp giải có một người y tá rất tốt sẽ cho việc ấy.
Chuyến
vượt biển dưới căn hầm tàu thủy rất gian khổ vì ở đấy nóng nực khó thở, hai
chân chúng tôi lại phải cùm từng hai người một vào những thanh sắt được dùng
cho phạm nhân từ thời trại khổ sai Toulon. Trong chuyến đi chỉ xảy ra một việc
đáng ghi lại: chiếc tàu phải ghé Trinidad để lấy than. Khi tàu ghé vào cảng,
một sĩ quan hải quân Anh yêu cầu phái tháo cùm của chúng tôi ra. Hình như công
pháp quốc tế cấm xích hay trói người đang đi trên tàu. Tôi đã lợi dụng cơ hội
này để tát tai một sĩ quan thanh tra Anh khác. Tôi làm như vậy là để nhà chức
trách Anh bắt tôi và đưa tôi lên bộ. Viên sĩ quan nói với tôi:
- Tôi sẽ
không bắt anh và sẽ không đưa anh lên bộ vì cái hành động nghiêm trọng mà anh
vừa làm. Bị đưa về chỗ ấy là một trừng phạt nặng hơn nhiều đối với anh. Thế là
tôi đã phí công vô ích. Quả thật cái số của tôi là phải trở về trại khổ sai.
Thật quá
rủi ro, mười một tháng vượt ngục, mười một tháng vật vã đấu tranh căng thắng đã
kết thúc một cách thật là thảm hại. Thế nhưng bất chấp tất cả, bất chấp cái hồi
âm vang dội của những cuộc phiêu lưu dồn dập, chuyến quay về trại giam với tất
cả những hậu quá cay đắng của nó, vẫn không thể xóa nhòa những giờ phút khó
quên mà tôi vừa sống qua. Gần hải cảng Trinidad mà chúng tôi vừa từ giã, chỉ
cách đấy mấy cây số là nơi ở của gia đình Bowen nhân hậu tuyệt vời. Tàu cũng đã
đi qua khá gần Curagac, nơi trú ngụ của một bậc vĩ nhân làm giám mục xứ này:
Irénée de Bruyne. Chắc chắn là tàu chúng tôi cũng đã đi qua gần lãnh thổ của
người Anh- điêng Guajiros, nơi mà tôi đã được biết tình yêu đắm say và trong
sáng nhất dưới cái hình thức hồn nhiên, nguyên thủy của nó. Tất cả sự trong
sáng mà chỉ có trẻ thơ mới có được,cách nhìn sự vật một cách thơ ngây của cái
tuổi diễm phúc này, tôi đều đã tìm thấy trong những người con gái Anh- điêng
đầy ý chí, có một tâm hồn giàu có về khả năng thông cảm, về tình yêu đơn sơ và
trong sạch.
Và những
người hủi của đảo Bồ câu nữa! Những người tù khổ sai khốn khổ bị mắc cái bệnh
ghê tởm này mà vẫn còn đủ sức tìm thấy trong lòng mình bấy nhiêu tình thương
cao thượng để giúp đỡ chúng tôi? Cho đến viên lãnh sự Bỉ với lòng nhân hậu hồn
nhiên của ông ta, cho đến Joseph Dega, người không hề quen biết tôi mà vẫn vì
tôi sẵn sàng làm những việc nguy hiểm cho bản thân như vậy. Tất cả những người
mà tôi đã được biết trong chuyến vượt ngục này đều xứng đáng để cho nó được
thực hiện. Tuy đổ vỡ tan tành, cuộc vượt ngục của tôi là một chiến thắng, ít
nhất là vì nó làm cho tâm hồn tôi phong phú thêm khi được làm quen với những
con người hiếm có đó. Không, tôi không hề hối tiếc là đã vượt ngục.
Và đây
là sông Maroni với dòng nước đục ngầu. Chúng tôi đang đứng trên boong tàu Mana,
ánh nắng nhiệt đới đã bắt đấu thiêu đất dải đất này. Lúc bấy giờ là chín giờ
sáng. Tôi thấy lại cái cửa biển rộng mênh mông kia: chúng tôi đang từ từ tiến
vào nơi mà tôi đã ra đi với một tốc độ bão tố như vậy. Các bạn tôi im lặng
không nói. Mấy người giám thị rất hài lòng là đã về đến nơi. Vừa rồi biển xấu
trong suốt chuyến đi, cho nên bây giờ nhiều người trong bọn họ cảm thấy nhẹ
nhõm. 16 tháng mười một 1934. Trên bến một đám người rất đông đã tập hợp lại.
Có thể cảm thấy họ đang tò mò chờ đợi, nô nức muốn xem mặt những con người gan
góc đã dám đi xa như vậy. Vì hôm ấy là ngày chủ nhật cho nên đây cũng là một cơ
hội giải trí cho cái xã hội nhỏ này, vốn không có nhiều phương tiện giải trí.
Họ bảo
nhau: Đấy cái người bị thương là Bươm bướm. Còn người kia là Clousiot. Còn anh
này là Maturette... - Và cứ thế mãi. Trong trại tù, sáu trăm người được xếp
hàng thành từng khối trước mặt các lán. Cứ mỗi khối lại có mấy viên giám thị
đứng cạnh. Người đầu tiên tôi nhận ra được là Francois Sierra. Anh ta khóc công
khai, không hề giấu giếm. Anh ta đã leo lên một khung cửa sổ của bệnh xá để
nhìn thấy tôi. Có thể cảm thấy rõ rằng nỗi đau lòng của anh là thật. Chúng tôi
dừng lại ở giữa trại. Viên chỉ huy trại cầm loa lên nói:
- Các
phạm nhân, các người có thể thấy rõ rằng vượt ngục là vô ích. Dù các người có
đến nước nào thì cũng sẽ bị bắt lại và trao trả cho nước Pháp. Không đâu người
ta thu nhận các người. Vậy tốt hơn cả là các người nên khuất phục và có hạnh
kiểm cho tốt. Cái gì đang chờ đợi năm người kia. Một hình phạt rất nặng mà họ
phải chịu ở nhà tù cấm cố trên đảo Saint-Joseph rồi sau đó họ sẽ bị cấm cố
chung thân ở quần đảo Salut. Đó, kết quả mà họ đã thu được trong chuyến vượt
ngục là như vậy. Tôi hy vọng rằng các người đã hiểu. Giám thị, hãy dẫn mấy người
kia vào khu trừng giới.
Mấy phút
sau, chúng tôi được giam vào một buồng giam riêng ở khu giám sát nghiêm ngặt.
Vừa đến một cái là tôi yêu cầu họ chăm sóc đôi bàn chân hãy còn giập nặng và
sưng khá to. Clousiot kêu là chỗ bó bột ở chân rất đau. Chúng tôi thử cầu
may... Nếu họ cho chúng tôi vào bệnh viện thì hay quá! Francois Sierra đến với
viên giám thị của anh ta. Tên lính gác nói:
- Y tá
đến kìa.
- Anh có
khỏe không Papi?
- Tôi
ốm, tôi muốn đi bệnh viện.
- Tôi sẽ
cố đưa anh vào bệnh viện, nhưng sau những việc anh đã làm ở đằng ấy, việc này
chắc không thể nào thực hiện được.
Clousiot
cũng thế. Sierra xoa chân cho tôi, xức cho tôi một ít thuốc mỡ, xem lại chỗ bó
bột cho Clousiot rồi bỏ đi. Chúng tôi không nói gì với nhau được vì bọn cảnh
sát đang đứng đấy, nhưng mắt anh ta nhìn tôi dịu dàng trìu mến đến nỗi tôi xúc
động tận đáy lòng. Hôm sau, Sierra nói trong khi xoa bóp cho tôi một lần nữa:
- Không
có cách gì có thể đưa anh vào bệnh viện được. Anh có muốn tôi chạy cho anh được
đưa vào một phòng giam chung không? Ban đêm anh có phải cùm chân không?
- Có
- Nếu
vậy anh về phòng giam chung thì hơn. Anh vẫn bị cùm, nhưng không bị cô độc. Mà
lúc này bị cô độc thì rất khổ cho anh.
- Đồng
ý.
Phải,
vào lúc này tình trạng bị cô độc còn khó chịu đựng hơn trước kia nữa. Trong tâm
trạng của tôi hiện nay, thậm chí chẳng cần nhắm mắt tôi cũng có thể thả hồn đi
lang thang trong dĩ vãng cũng như trong hiện tại. Và vì tôi không đi được, cho
nên bị giam xà-lim bây giờ sẽ khổ hơn trước nhiều.
Thế là
tôi đã thực sự trở về "con đường của sự thối nát". Thế mà trước đây
tôi đã thoát ra khỏi con đường ấy rất nhanh, và đã bay trên mặt biển về phía tự
do, về phía niềm vui được làm người trở lại, về phía sự phục thù nữa. Món nợ mà
bộ ba Polein, cảnh sát và biện lý hãy còn mắc đối với tôi, tôi không được quên.
Về phần cái rương, tôi không cần giao nó cho bọn cảnh binh gác ngoài cổng sở
Cảnh sát tư pháp. Tôi sẽ mặc giả làm nhân viên của hãng chuyên chở Cook, đầu
đội một cái mũ lưỡi trai rất đẹp mang huy hiệu của hãng. Trên rương dán một cái
nhãn thật to: ủy viên Quận cảnh sát Benoit, 36 Quai des Orfevres à Paris
(Seine). Tôi sẽ thân hành đưa cái rương lên phòng báo cáo, và vì tôi đã tính
chính xác cho cái đồng hồ đánh thức khởi động ngòi nổ đúng vào lúc tôi đã ra
về, cho nên vụ này không thề thất bại được. Tìm được giải pháp rồi tôi thấy
lòng nhẹ hắn đi.
Về phần
tên công tố viên, tôi có đủ thì giờ nhổ lưỡi hắn. Cách thức chưa được quyết
định, nhưng việc này coi như đã giải quyết xong. Tôi sẽ cắt lười hắn từng miếng
một, cái lưỡi chuyên làm đĩ ấy. Còn bây giờ thì mục tiêu nhãn tiền trước tiên
là phải chữa cho khỏi đôi bàn chân. Tôi phải đi lại được càng nhanh càng tốt.
Phải ba tháng nữa tôi mới bị đưa ra tòa xử, mà trong ba tháng thì có khối việc
xảy ra. Một tháng để đi, một tháng để thu xếp mọi việc, thế là xin chào các
ngài. Mục tiêu: Honduras thuộc Anh, nhưng lần này thì sẽ không có ai bắt được
tôi nữa.
Hôm qua,
ba ngày sau khi chúng tôi trở về trại, người ta đã khiêng tôi vào phòng giam
chung. Ở đấy có bốn mươi người đang chờ bị đưa ra hội đồng trừng giới. Người
thì bị buộc tội ăn trộm, người thì tội ăn cướp, cố ý đốt nhà, giết người, mưu
sát, vượt ngục hay tìm cách vượt ngục, và thậm chí cả tội ăn thịt người nữa.
Phòng giam chia ra làm hai bên, mỗi bên có hai mươi người nằm trên dãy ván gỗ,
chân quay ra phía giữa, và đều bị cùm vào một thanh sắt dài mười lăm mét: cứ
đến sáu giờ chiều, chân trái mỗi người đều được mắc vào thanh sắt ấy bằng một
cái vòng sắt lớn có thể khóa lại được. Đến sáu giờ sáng người ta tháo mấy cái
vòng sắt ấy ra, và suốt ngày chúng tôi có thể ngồi, đi lại đánh cờ, nói chuyện
trên cái lối đi rộng hai mét chạy qua suốt phòng.
Ban ngày
tôi không có thì giờ để buồn chán. Mỗi người đều đến thăm tôi từng tốp nhỏ để
nghe tôi kể chuyện vượt ngục. Ai cũng kêu là tôi điên khi nghe tôi nói là đã tự
ý rời bỏ cái bộ lạc Guajiros của tôi, bỏ cả Lali và Zoraima. Một người Paris
nói:
- Anh
còn đi tìm cái gì nữa, hở anh bạn? Xe điện chăng?Thang máy? Rạp xi-nê? Đèn điện
và các đồ dùng chạy điện như ghế điện chẳng hạn? Hay anh bạn muốn tắm ở cái bể
nước trên quảng trường Pigalle. Làm sao thế anh bạn? Anh cứ tiếp tục ở đấy thì
có được hai cô đào cô nào cũng ngon lành, anh sống trần truồng giữa thiên nhiên
với cả một lũ người nudistes* (*Nudisme là một phong trào thịnh hành ở Tây âu,
chủ trương không mặc áo quần để gần thiên nhiên hơn. Họ sinh hoạt trong những
khu trại riêng, nội quy ấn định là ai nấy đều phải khỏa thân) rất dễ ưa, anh
ăn, anh uống, anh săn bắn, anh có biển, có nắng, có cát ấm, cho chí ngọc trai
cũng là của anh mà anh chẳng mất công gì cả, thế mà anh lại từ bỏ tất cả những
cái đó để đi đâu? Anh nói đi nào? Để phải vượt qua các đường phố vừa đi vừa
chạy cho khỏi bị xe cán, để bị bắt buộc phải trả tiền thuê nhà, tiền thợ may,
tiền điện và tiền điện thoại, và nếu muốn có xe đi thì phải ăn trộm nếu không
chịu làm việc như một thằng mọi cho một ông chủ để kiếm vừa đủ khỏi chết đói?
Tôi thật không hiểu nổi anh, anh bạn ạ! Anh đang ở trên thiên đường, thế mà lại
tự ý quay xuống địa ngục, nơi mà ngoài những nỗi lo âu của cuộc sống anh còn có
thêm một mối lo nữa là phải trốn tránh tất cả những tên cảnh sát của toàn thế
giới đang đuổi theo anh. Quả tình anh còn giữ được bầu máu Pháp còn tươi và
chưa có đủ thì giờ thấy những năng lực thể chất và tinh thần của mình sa sút.
Tôi đây với mười năm khổ sai vừa qua, tôi không còn hiểu được anh nữa. Nhưng
thôi, dù sao anh đến đây chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Và chắc chắn là anh
vẫn giữ ý định làm lại từ đầu: vậy thì anh hãy tin rằng tất cả chúng tôi đều
sẵn sàng giúp anh. Phải không các cậu? Các cậu đồng ý chứ?
Tất cả
những người bị giam trong lán đều tỏ đồng tình, và tôi cảm ơn tất cả bọn họ. Họ
đều là những con người rất đáng sợ: điều đó tôi thấy rõ. Ở chung chạ thế này
thật khó lòng mà dấu họ: thế nào rồi người này hay người khác cũng sẽ nhận thấy
tôi có plan. Vì ban đêm mọi người đều bị cùm chân vào thanh sắt chung, cho nên
giết một người nào đó một cách an toàn không phải là việc khó. Chỉ cần bí mật
gặp tên A-rập giữ chìa khóa vào ban ngày rồi đút cho hắn một số tiền để hắn
nhận lời không khóa kỹ cái vòng cùm chân. Đến đêm, sẽ tháo vòng ra, thực hiện ý
định và thản nhiên trở về nằm ở chỗ cũ sau khi bóp chặt cái vòng lại. Vì tên
A-rập là đồng lõa gián tiếp hắn sẽ câm như hến.
Tôi trở
về đây đã được ba tuần. Ba tuần ấy đã qua khá nhanh. Tôi bắt đầu đi lại được
chút ít bằng cách vịn vào thanh sắt ngăn cách hai dãy ván nằm. Tôi đang tập đi
những bước đầu. Tuần trước, trong buổi hỏi cung, tôi đã gặp lại ba tên cảnh sát
gác ở bệnh viện đã bị chúng tôi đánh ngất và tước súng. Họ rất hài lòng khi
thấy chúng tôi trở về và hy vọng rằng một ngày kia chúng tôi sẽ rơi vào đúng
chỗ họ canh gác. Vì sau chuyến vượt ngục của chúng tôi cả ba đều bị phạt nặng:
bãi bó sáu tháng nghỉ phép ở châu âu; cắt phụ cấp lương thuộc địa trong một
năm. Thành thừ cuộc gặp gỡ giữa hai bên không lấy gì làm thân thiện. Chúng tôi
báo cáo rõ những sự uy hiếp này trong buổi hỏi cung đề người ta ghi nhận.
Người
A-rập giữ chìa khóa có một thái độ tốt hơn. Hắn chỉ nói đúng sự thật, không
phóng đại và không nhắc đến vai trò của Maturette trong việc này. Viên đại úy
kiêm dự thẩm đã hỏi đi hỏi lại rất nhiều xem ai là người đã kiếm thuyền cho
chúng tôi. Chúng tôi đã làm cho ông ta ngờ vực vì trót kể những chuyện không
thể nào tin được, như là chuyện chúng tôi tự làm lấy bè, v.v... Vì vụ đánh bọn giám
thị, ông ta nói với chúng tôi rằng ông ta sẽ cố hết sức mình để đòi xử cấm cố
năm năm cho tôi và Clousiot, ba năm cho Maturette.
- Và một
khi anh đã mang biệt hiệu Bươm bướm, anh hãy tin tôi, tôi sẽ cắt hết cánh của
anh, và anh chẳng dễ gì bay lên được đâu.
Tôi rất
sợ rằng ông ta nói đúng. Chỉ còn đợi hai tháng nữa là ra tòa.
Tôi tự
trách mình rất nhiều là đã không bỏ vào plan một hoặc hai mũi tên tẩm thuốc
độc. Giá bây giờ tôi còn hai mũi tên đó có lẽ tôi sẽ có thể chơi xả láng trong
khu trừng giới. Hiện nay mỗi ngày tôi đều có tiến bộ: tôi đi càng ngày càng khá
hơn. Ngày nào cũng vậy, hai lần vào buổi sáng và buổi chiều, Sierra đến xoa bóp
cho tôi bằng đầu long não rất đều. Những chuyến đến thăm và xoa bóp này giúp ít
cho tôi rất nhiều về thể chất cũng như về tinh thần. Trên đời này có được một
người bạn thật quý hóa vô cùng. Tôi đã nhận thấy rằng cuộc vượt ngục mấy ngày
vừa qua đã đem lại cho chúng tôi một uy tín không thể chối cãi đối với tất cả
các phạm nhân. Tôi tin chắc rằng chúng tôi được an toàn tuyệt đối giữa đám
người này. Chúng tôi không có nguy cơ bị giết. Tất cả mọi người, không trừ một
ai, đều kính trọng và hơn nữa còn khâm phục chúng tôi. Việc đánh ngất bọn gác
đã làm cho chúng tôi được liệt vào loại người sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Được
cảm thấy mình an toàn cũng thật thú vị. Mỗi ngày tôi lại đi nhiều thêm một ít,
và nhiều khi nhờ cái chai dầu nhỏ mà Sierra để lại cho tôi, có những người tình
nguyện xo bóp cho tôi không những hai bàn chân, mà cả các cơ của bắp chân đã bị
teo lại vì lâu ngày không cử động.
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 21: Một người Ả Rập và đàn kiến
Trong
phòng giam này có hai người rất trầm lặng, không bao giờ nói chuyện với ai. Lúc
nào cũng dính chặt vào nhau, họ chỉ nói chuyện riêng với nhau, và nói nhỏ đến
nỗi không ai có thể nghe thấy gì được. Một hôm, được Sierra đem cho một bao
thuốc lá Mỹ, tôi cho một trong hai người một điếu. Hắn cảm ơn tôi rồi nói:
-
Francois Sierra là bạn anh phải không?
- Phải,
đó là người bạn tốt nhất của tôi.
- Có lẽ
một ngày kia, nếu mọi sự hỏng hết, chúng tôi sẽ nhờ anh ấy chuyển gia tài của
chúng tôi cho anh.
- Gia
tài gì thế?
- Tôi và
bạn tôi đã quyết định là nếu bị đưa lên máy chém, chúng tôi sẽ chuyển plan của
chúng tôi cho anh để anh dùng nó mà vượt ngục lần nữa.
- Hai
anh nghĩ là sẽ bị xử tử à?
- Điều
đó gần như chắc chắn, chúng tôi rất ít khả năng thoát khỏi.
- Nếu
việc xử tử các anh đã chắc đến như vậy, sao họ lại để các anh trong phòng giam
chung này?
- Tôi
nghĩ là họ sợ chúng tôi tự tử nếu được giam xà-lim riêng.
- À
phải, có thể như thế. Thế các anh đã làm gì mà bị xử tử?
- Chúng
tôi đã cho một đàn kiến ăn thịt một thằng Ả-rập. Việc này tôi nói ra là vì họ
có bằng chứng không thể chối cãi được. Chúng tôi đã bị bắt quả tang.
- Việc
xảy ra ở đâu?
- Ở Cây
số 42, ở trại tử thần cạnh vịnh Sparouine.
Bạn anh
ta đã đến cạnh chúng tôi, đó là một người Toulouse. Tôi cho anh ta một điếu
thuốc lá Mỹ. Anh ta ngồi xuống bên cạnh bạn, trước mặt tôi.
- Chúng
tôi chưa bao giờ hỏi ý kiến ai cả, - người mới đến nói, - nhưng tôi rất muốn
biết anh nghĩ về chúng tôi như thế nào.
- Anh
bảo làm sao tôi có thể nói được, trong khi tôi chưa biết gì hết, về vấn đề các
anh đúng hay sai khi cho kiến ăn một con người đang sống, dù là một người
"giữ chìa khóa" Ả-rập? Muốn có ý kiến, tôi phải biết hết sự việc từ A
đến Z.
- Để tôi
kể cho anh nghe, -- người Toulouse nói. Trại Cây số 42, Saint-Laurent bốn mươi
hai cây số, là một trại lâm nghiệp. Ở đấy tù khổ sai phải đẵn mỗi ngày một mét
khối gỗ cứng. Đến chiều anh phải đứng cạnh chỗ gỗ anh đã đẵn và xếp gọn lại. Bọn
giám thị, có bọn giữ chìa khóa người Ả-rập đi theo, vào tận nơi ở trong rừng để
kiểm tra xem anh đã đạt chỉ tiêu chưa. Nếu được coi là đạt, mỗi khối gỗ được
đánh dấu bằng sơn đỏ, sơn xanh hay vàng, tùy từng ngày. Họ chấp nhận nếu mỗi
thanh gỗ đều là gỗ cứng. Để làm việc tốt hơn, hai người lập thành một kíp.
Nhiều khi chúng tôi không thể đạt chỉ tiêu được. Những lúc ấy tối về họ nhốt
chúng tôi vào xà-lim không cho ăn, và sáng hôm sau, vẫn phải nhịn đói, chúng
tôi lại bị đưa đi làm việc: ngày hôm ấy, ngoài chỉ tiêu bình thường ra còn phải
làm thêm để bù cho gỗ thiếu hôm quạ Cứ cái đà ấy thì chẳng bao lâu mà chết vì
kiệt sức. "Với cái tình trạng này, chúng tôi mỗi ngày một yếu đi và càng
ít khả năng làm đủ chỉ tiêu. Thêm vào đấy, người ta cắt cho chúng tôi một tên
gác riêng không phải là giám thị, mà là một thằng Ả-rập. Hắn đi với chúng tôi
ra công trường, tìm chỗ ngồi thật thoải mái, cái roi [bad word] bò đặt giữa
háng, mồm không ngớt chửi mắng chúng tôi. Khi ăn, hắn nhai chóp chép thật to để
cho chúng tôi thèm. Nói tóm lại là một sự hành hạ liên tục. Chúng tôi có hai
cái plan mỗi cái đựng ba ngàn frances, để dùng khi vượt ngục. Một hôm chúng tôi
quyết định mua gã Ả-rập. Bấy giờ tình thế càng tệ hơn. Cũng may là từ trước tới
nay hắn vẫn tưởng hai chúng tôi chỉ có một plan. Phương sách của hắn rất giản
dị: chẳng hạn đưa cho hắn năm mươi francs thì hắn cho chúng tôi đến các khối gỗ
đã được duyệt hôm trước, lấy trộm những thanh gỗ không dính sơn để thêm vào
khối gỗ của ngày hôm ấy. Cứ như thế, lần thì năm mươi francs, lần thì một trăm,
hắn đã bòn được của chúng tôi gần hai ngàn francs. "Thấy chúng tôi đã bắt
đầu đạt được chỉ tiêu, họ rút thằng Ả-rập về. Nghĩ rằng hắn sẽ không tố giác
chúng tôi vì đã bòn được của chúng tôi một số tiền lớn như vậy, chúng tôi tiếp
tục lấy cắp gỗ ở các khối đã duyệt để thêm vào khối gỗ chỉ tiêu hàng ngày như
khi còn thằng Ả-rập. Một hôm hắn ngấm ngầm theo dõi chúng tôi từng bước, để xem
chúng tôi có lấy cắp gỗ không. Rồi hắn bỗng lộ mặt ra: "À! à. Vẫn lấy cắp
gỗ mà không chịu trả tiền cho tao? Nếu mày không đưa tao năm trăm francs, tao
sẽ tố giác". Nghĩ rằng hắn chỉ dọa thế thôi, chúng tôi từ chối. Hôm sau
hắn lại trở lại:
- Trả
tiền đi không thì tối nay mày vào xà-lim.
Chúng
tôi lại từ chối.
Đến
chiều hắn trở lại có mấy tên lính đi theo. Thật kinh khủng, Papillon ạ! Sau khi
lột trần truồng chúng tôi ra, họ dẫn tôi đến những khối gỗ mà chúng tôi đã lấy
bớt, rồi bắt chúng tôi chạy về tháo tung các khối mới xếp được rồi lại chạy ra
xếp gỗ vào những khối bị lấy bớt, còn chúng nó thì chạy theo sát gót chúng tôi,
tên Ả-rập luôn tay quất roi [bad word] bò vào người chúng tôi. Cuộc
"corrida" này kéo dài hai ngày, chẳng ăn uống gì hết. Mỗi lần chúng
tôi ngã xuống, tên Ả-rập lại đá vào người hay dùng roi [bad word] bò quất chúng
tôi túi bụi. Cuối cùng chúng tôi nằm ì ra đất, vì không còn sức đâu mà gượng
dậy được nữa. Anh có biết nó làm thế nào để bắt chúng đứng dậy không? Nó đã lấy
một cái tổ ong lửa, một loại ong vò vẽ hoang ở trong khu rừng này. Nó chặt cái
cành có một bầy ong làm tổ và chà cái cành ấy lên người chúng tôi. Đau đến phát
điên lên được, không những chúng tôi đứng dậy mà còn chạy như điên. Anh thừa
biết ong vò vẽ đốt đau như thế nào. Thế mà mỗi chúng tôi bị đến năm sáu chục
con đốt, anh cứ tưởng tượng xem. Ong lửa đốt đau nhức ghê gớm, còn hơn cả ong
vò vẽ. Họ giam xà-lim, bắt chúng tôi ăn bánh mì chấm nước lã mười ngày liền,
không chữa chạy gì hết. Chúng tôi đã bôi nước đái lên các vết đốt, nhưng vẫn
bỏng rát suốt ba ngày liên tục. Tôi mù mất con mắt trái vì nó đến một chục con
ong lửa bâu vào đấy. Khi họ cho chúng tôi trở về trại, các phạm nhân khác quyết
định giúp chúng tôi. Mỗi người chia cho chúng tôi một thanh gỗ cứng có kích
thước thống nhất. Gộp lại cũng được một khối, thành thử cả hai chúng tôi chỉ
còn phải cắt một khối nữa thôi. Trong tình trạng của chúng tôi lúc bấy giờ, cắt
được một khối cũng hết sức vất vả. Nhưng chúng tôi đã cắt được. Dần dà, chúng
tôi cũng đã lấy lại sức. Chúng tôi đã cắt rất nhiều. Rồi cũng do sự tình cờ mà
chúng tôi nảy ra cái ý trả thù tên Ả-rập bằng một đàn kiến. Trong khi đi tìm gỗ
cứng, chúng tôi phát hiện một cái tổ kiến ăn thịt rất lớn trong một bụi rậm,
đang ăn thịt một con hoẵng to bằng con dê. Thằng Ả-rập vẫn đi tuần để kiểm tra
công việc chặt gỗ. Một hôm chúng tôi dùng cán rìu đánh vào đầu cho hắn ngất đi,
rồi kéo lê hắn đến cạnh cái tổ kiến. Chúng tôi lột trần hắn ra và để hắn nằm
thành hình cung quanh một góc cây, chân tay trói chặt vào gốc cây bằng những
sợi thừng lớn dùng để buộc gỗ. Chúng tôi dùng rìu cửa đứt mấy chỗ trên người
hắn. Chúng tôi lại nhét cỏ vào đầy mồm hắn để hắn không thể kêu được, rồi lấy
khăn buộc chặt ra ngoài. Xong đâu đấy chúng tôi đứng đợi. Đàn kiến chỉ bắt đầu
tấn công khi chúng tôi thọc một cái gậy vào tổ kiến và lay mạnh cho kiến rơi
xuống người tên A-rập. Sự việc chẳng kéo dài được bao lâu. Một nửa giờ sau hàng
ngàn kiến đã bâu lên tên Ả-rập. Anh bao giờ trông thấy loài kiến ăn thịt chưa?
- Chưa,
chưa bao giờ. Tôi có thấy loại kiến đen rất lớn.
- Loài
kiến này thì nhỏ li ti mà màu đỏ như máu. Chúng giật những mảnh thịt nhỏ xíu và
tha về tổ. Nếu chúng tôi đã bị đau vì ong đốt, anh thử tưởng tượng hắn đã phải
đau đớn như thế nào khi bị hàng ngàn con kiến như thế rứt thịt từng tí một
trong khi còn sống. Cơn hấp hối của hắn đã kéo dài trọn hai ngày và một buổi
sáng. Sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ, hắn không còn mắt nữa. Tôi thừa nhận rằng
hai đứa chúng tôi đã tàn nhẫn trong cách trả thù, nhưng phải thấy rõ bản thân
hắn đã tàn bạo đối với chúng tôi đến mức nào. Chúng tôi không chết cũng là
chuyện thần kỳ. Dĩ nhiên người ta đi tìm tên Ả-rập khắp nơi, và bọn giữ chìa
khóa Ả-rập khác, cũng như bọn lính gác, đều nghi ngờ rằng chúng tôi không phải
không liên quan gì đến việc hắn mất tích. Trong một bụi rậm khác, mỗi ngày
chúng tôi đào một ít để có một cái lỗ dùng để chôn xác hắn. Họ vẫn chưa biết gì
về tên Ả-rập, thì một hôm có tên lính gác trông thấy chúng tôi đang đào lỗ. Đến
hôm sau, khi đi làm hắn đi theo chúng tôi để xem thử chúng tôi làm gì. Chính vì
thế mà chúng tôi bị lộ. Sáng hôm ấy, khi đến nơi làm việc, chúng tôi cởi dây
trói thằng A-rập vẫn còn đầy kiến nhưng gần như chỉ còn xương, và trong khi
chúng tôi đang lôi nó về phía cái hố (chúng tôi không khiêng nó được vì sợ bị
kiến đốt đến trọng thương), chúng tôi bị ba tên Ả-rập giữa chìa khóa và hai tên
giám thị bắt gặp. Họ đã nấp kín đợi một cách kiên nhẫn cho đến khi chúng tôi
chôn nó. Thế đấy! Chúng tôi một mực khai rằng đã giết hắn chết rồi mới cho kiến
ăn. Lời buộc tội căn cứ vào biên bản của bác sĩ pháp y nói rằng không thấy có
một vết thương nào chết người trên mình hắn: người ta khẳng định rằng chúng tôi
đã cho kiến ăn hắn trong khi hắn còn sống. Người lính canh được phân làm trạng
sư cho chúng tôi theo tập quán xử án ở đây có nói với chúng tôi rằng nếu câu
chuyện của chúng tôi được chấp nhận thì chúng tôi có thể thoát chết. Nếu không,
có thể nắm chắc án tử hình. Nói thật, chúng tôi rất ít hy vọng. Chính vì thế mà
tôi và bạn tôi đã chọn anh làm người thừa hưởng gia tài mà không nói cho anh
biết.
- Ta hãy
hy vọng rằng tôi sẽ không thừa hưởng gia tài của các anh, tôi thành tâm cầu
mong như vậy.
Chúng
tôi châm thuốc hút, và tôi thấy họ nhìn tôi có ý chờ đợi tôi nói rõ ý kiến của
mình.
- Tôi
biết hai anh đang đợi tôi nói rõ cách phán xét của tôi về trường hợp của hai
anh, với tư cách một con người, như hai anh đã yêu cầu trước khi kể chuyện. Xin
hỏi một câu cuối cùng - điều này sẽ không có ảnh đối với kết luận của tôi: số
đông trong phòng này nghĩ thế nào, và tại sao hai anh không nói chuyện với ai
cả?
- Số
đông nghĩ rằng chúng tôi phải giết hắn, nhưng không nên để kiến ăn sống hắn.
Còn sở dĩ chúng tôi im lặng không nói chuyện với ai là vì trước đây có một cơ
hội vượt ngục bằng cách nổi loạn, thế mà họ không chịu làm.
- Bây
giờ tôi xin nói ý kiến của tôi. Các anh trả lại gấp trăm những gì mà hắn đã làm
cho các anh là đúng: cái vụ tổ ong lửa không thể nào tha thứ được. Nếu các anh
lên máy chém, đến phút cuối cùng các anh hãy nghĩ thật tập trung về một điều
duy nhất: Họ sắp chặt đầu tôi, việc này sẽ kéo dài ba mươi giây kể từ khi trói
tay, đẩy vào cái cùm cổ cho đến khi lưỡi dao sập xuống. Còn hắn đã hấp hối
trong sáu mươi tiếng đồng hồ. Tôi là người thắng cuộc". Về phần có liên
quan đến những người trong phòng này, tôi không biết các anh có đúng không, vì
hồi ấy các anh tin rằng một cuộc nổi loạn vào hôm ấy có thể đưa đến cuộc vượt
ngục chung, còn những người khác thì có thể không nghĩ như vậy. Mặt khác, trong
một cuộc nổi loạn bao giờ người ta cũng có thể bị đặt vào tình thế phải giết
người một cách bất đắc dĩ. Thế nhưng trong tất cả những người ở đây chỉ có hai
anh và anh em Graville là có nguy cơ bị xử tử. Các bạn ạ, mỗi tình thế cá biệt
đều đưa đến những phản ứng khác nhau, nhất định là như thế.
Thỏa mãn
với buổi nói chuyện, hai con người đáng thương ấy lui về chỗ và lại bắt đầu
sống trong sự im lặng mà họ vừa phá vỡ trong chốc lát để nói chuyện với tôi.
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 22: Cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt
người
"Nó
chén mất cái chân gỗ rồi!" "Một ra-gu đùi gỗ, một!". Hoặc bắt
chước giọng đàn bà: một suất bít-tết đàn ông rán kỹ không bỏ hạt tiêu
nhé!".
Giữa đêm
khuya thỉnh thoảng lại nghe la lên một câu như vậy hoặc cả ba câu liền.
Clousiot và tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao lại có những câu nói ném ra một
cách bâng quơ như vậy trong đêm khuya. Cho đến chiều nay tôi mới biết căn
nguyên câu chuyện. Người kể cho tôi nghe là một nhân vật của câu chuyện tên là
Marius de la Ciotat, chuyên gia về két sắt. Khi đã biết rằng tôi có quen với bố
anh ta, ông Titin, anh ta không ngần ngại nói chuyện với tôi.
Sau khi
kể cho anh ta nghe một phần trong chuyến vượt ngục của tôi, tôi hỏi: "Còn
anh?" - hỏi lại như vậy là điều rất tự nhiên. - Ồ, tôi thì đã tham gia vào
một chuyện rất xấu xa. Tôi e rằng chỉ vì một cuộc vượt ngục mà lĩnh năm năm cấm
cố. Nó được mệnh danh là "cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt người".
Những câu "Nó chén rồi" hay là "một ra-gu,v.v... " và thỉnh
thoảng anh có nghe thấy là nói về hai anh em Graville. "Chúng tôi có sáu
người trốn từ Cây số 42. Trong bọn có cả Dédé và Jean Graville, anh ba mươi lăm
tuổi, em ba mươi, vốn là người Lyon, một người Naples ở Marseille và tôi, người
ở La Ciotat, rồi thì một anh chàng ở Angers có một chân gỗ và một cậu thanh
niên hai mươi ba tuổi, được hắn dùng làm vợ.
Khi ra
khỏi sông Maroni thì ổn cả, nhưng ra đến biển chúng tôi không sao điều khiển
được thuyền, và chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã bị giạt vào bờ biển Guyane thuộc
Hà Lan. "Thuyền bị đắm, mất sạch không vớt vát được chút gì lương thực
cũng như đồ đạc. May mà hãy còn giữ dược những áo quần đang mặc trên người. Nơi
chúng tôi bị giạt vào không có bãi cát, biển vào thắng trong rừng rậm. Chỗ này
những cây bị gẫy gốc hay bị biển bứng lên cả rễ đan chi chít vào nhau. "Đi
suốt một ngày mới đến chỗ khô ráo. Chúng tôi chia ra làm ba nhóm, nhóm thứ nhất
là hai anh em Graville, tôi với Guesepi đi với nhau, còn gã chân gỗ đi với
thằng bạn nhỏ. Mỗi nhóm đi về một phía, nhưng mười hai ngày sau nhóm Graville
và nhóm chúng tôi lại gặp nhau gần đúng ở chỗ đã chia tay nhau. Xung quanh toàn
là bùn lầy, tìm mãi không có một lối nào qua được. Không cần phải tả cho anh
thấy mặt mũi chúng tôi lúc bấy giờ ra sao. Suốt mười ba ngày chúng tôi không ăn
gì ngoài mấy mẩu rễ cây hay mầm cây. Đói và mệt lả, hoàn toàn kiệt sức, chúng
tôi quyết định là Marius và tôi sẽ thu hết tàn lực trở ra bờ biển, buộc một
chiếc áo sơ mi lên một ngọn cây, càng cao càng tốt, để ra đầu thú với chiếc tàu
tuần tra bờ biển đầu tiên của Hà Lan thế nào cũng sẽ đi qua đấy. Hai anh em
Graville sẽ ở lại nghỉ vài giờ rồi đi tìm vết tích của hai người kia. Tìm chắc
cũng dễ vì ngay từ đầu chúng tôi đã thỏa thuận là sẽ bẻ cành cây đánh dấu những
chỗ vừa đi qua.
Thế rồi
mấy giờ sau, hai anh em thấy gã chân gỗ trở lại một mình.
- Còn
thằng bé đâu?
- Tớ để
nó ngồi lại cách đây rất xa, vì nó không đi được nữa.
- Cậu bỏ
nó lại như vậy thật là quá tệ.
- Chính
nó muốn quay lại.
Đến đấy
Dédé nhận thấy cái chân duy nhất còn lại của hắn đi một chiếc giày của cậu bé.
- Cậu
lại còn bắt nó cởi giày ra cho cậu đi nữa à! Khá thật. Mà cậu có vẻ khỏe khoắn
lắm chứ không phải như chúng mình. Rõ ràng là cậu vừa được ăn.
- Đúng,
tớ tìm được một con khỉ lớn bị què.
- Thế
thì may cho cậu. - Đến đây Dédé đứng dậy, con dao lăm lăm trong tay, vì anh ta
eảm thấy mình đã hiểu ra được một điều gì khi nhìn thấy cái túi dết của gã kia
căng phồng lên.
- Mở túi
dết ra. Cái gì ở trong ấy? Hắn mở túi dết ra thì thấy có một súc thịt.
- Cái gì
đấy?
- Miếng
thịt khỉ ấy mà!
- Đồ
khốn kiếp, mày đã giết thằng bé để ăn thịt!
- Không
phải đâu Dédé, tớ thề như vậy. Cậu ấy mệt quá chết rồi, tớ có ăn một ít. Cậu
tha cho tớ.
Hắn chưa
nói hết câu thì con dao đã đâm sâu vào bụng hắn.
Lục soát
trong người hắn, Dédé tìm thấy một cái túi da có đựng diêm và tấm bìa quẹt. Hai
người giận điên lên khi thấy cái túi đựng diêm ấy vì như thế là khi chia tay
nhau gã kia không chịu chia đều số diêm cho các nhóm khác. Thêm vào đấy lại đói
nữa, thế là họ đốt lứa và bắt đầu nướng thịt gã chân gỗ ăn. Guesepi đến trong
khi hai người đang chén. Họ mời anh ta. Guesepi từ chối. Ở bờ biển anh ta đã ăn
mấy con cua và mấy con cá sống. Anh ta bên đứng nhìn từ bên ngoài cái cảnh hai
anh em Graville nướng miếng thịt trên than hồng, dùng cả cái chân gỗ để đun
bếp. Như vậy là trong hai ngày liền Guesepi đã trông thấy hai anh em Graville
ăn thịt gã kia; anh ta lại còn trông thấy rõ những bộ phận họ đã ăn: cái bắp
chân, cái đùi, bộ mông. Còn tôi, - Marius nói tiếp, - tôi đang đứng chờ ở bờ
biển. Guesepi ra tìm tôi. Chúng tôi bắt cua và cá nhỏ bỏ đầy một cái mũ và đem
về bếp anh em Graville để nướng. Tôi không trông thấy xác thằng chân gỗ, chắc
họ đã lôi đi chỗ khác. Nhưng tôi có trông thấy mấy miếng thịt còn để ở một bên
đống lửa, trên lớp tro.Ba hôm sau, một chiếc tàu tuần tra bờ biển cho chúng tôi
lên và giao chúng tôi lại cho trại tù Saint Laurent - Du-Maroni. "Guesepi
đã không chịu giữ mồm giữ miệng. Tất cả những người ở trong phòng này đều biết
sự việc đã xảy ra, ngay cả bọn gác cũng biết. Tôi kể cho anh nghe vì ai cũng
biết hết rồi; anh em Graville là người xấu tính, cho nên mấy người khác mới ném
ra những câu mà anh đã từng nghe giữa đêm khuya. Chúng tôi bị chính thức lên án
về tội vượt ngục kèm theo tội ăn thịt người. Cái gay là ở chỗ để tự bào chừa
tôi phái tố cáo anh em Graville, mà điều đó thì không thể được. Cả bọn, trong
đó có cả Guesepi, đều phủ nhận việc này trong các buổi hỏi cung. Chúng tôi đều
nói là hai người kia đã mất tích trong rừng. Tình cảnh của tôi là như thế đấy,
Papillon ạ".
- Tôi
chia buồn với cậu, vì quả thực cậu chỉ có thể tự bào chữa bằng cách tố cáo
người khác.
Một
tháng sau, Guesepi bị giết bằng một nhát dao đâm vào giữa tim trong lúc đang
đêm. Thậm chí người ta cũng chẳng cần tự hỏi xem ai đã giết hắn. Đó là sự thật
trong câu chuyện những người vượt ngục đã ăn thịt một người trong bọn bằng cách
nướng hắn trên ngọn lửa đốt bằng cái chân gỗ của hắn, và trước đó bản thân
người này đã ăn thịt thằng bạn nhỏ cùng đi với hắn. Đêm ấy tôi nằm ở một chỗ
khác trên sạp gỗ: người trước đó nằm ở đây đã bị chuyển đi nơi khác. Tôi lại
xin mọi người xê ra một quãng, thế là Clousiot có chỗ nằm cạnh tôi. Từ chỗ tôi
nằm, dù chân trái bị cùm vào thanh sắt dài, ngồi dậy tôi vẫn thấy được những ai
đang diễn ra ở ngoài sân. Sự giám sát nghiêm ngặt đến mức các đợt đi tuần hầu
như kế tiếp nhau không hở phút nào, và bất cứ lúc nào cũng có những đội tuần
tra đi đến từ phía ngược lại với đội trước.
Bây giờ
chân tôi đã đi được rất khỏe, và chỉ có khi nào trời mưa tôi mới thấy đau nhức.
Vậy là tôi đã đủ sức để tiến hành một cuộc vượt ngục khác, nhưng bằng cách nào?
Phòng này không có cửa sổ, chỉ có một dãy song sắt rất lớn ghép liền thành một
bức rào chạy hết chiều ngang và lên đến tận mái. Vị trí của nó cho phép gió
đông bắc thổi vào phòng lồng lộng. Tuy đã quan sát suốt cả tuần, tôi vẫn chưa
tìm được một chỗ nào sơ hở trong cách giám sát của bọn canh ngục. Lần đầu tiên,
tôi hầu như đã phải chịu rằng họ sẽ có thể đưa tôi vào nhà giam cấm cố ở đảo
Saint-Joseph. Nghe nói là nhà giam này rất khủng khiếp. Người ta gọi nó là cái
nhà giam "ăn thịt người". Thêm một tài liệu nữa: nó tồn tại đã tám
mươi năm nay mà chưa hề có một người nào trốn ra ngoài được.
Dĩ nhiên
một khi hầu như đã chấp nhận mình thua cuộc như vậy, tôi phải nhìn về tương
lai. Tôi đã hai mươi tám tuổi, mà viên đại úy dự thẩm đòi giam tôi năm năm cấm
cố. Rút ngắn thời hạn này là việc hết sức khó khăn. Vậy thì khi ra khỏi nhà
giam cấm cố tôi sẽ được ba mươi ba tuổi. Tôi còn có nhiều tiền trong plan. Vậy
nếu tôi không vượt ngục được - điều này gần như chắc chắn nếu cứ theo những
điều tôi được biết - ít nhất tôi cũng phải làm thế nào để giữ được sức khỏe cho
tốt. Năm năm trong cảnh hoàn toàn cô độc khó lòng có thể chịu đựng nổi mà không
phát điên. Cho nên tôi dự tính sẽ luyện tập ngay từ ngày đầu bị cấm cố cho bộ
óc của tôi hoạt động thật ngăn nắp theo một phương trình được ấn định chính xác
và đa dạng. Phải cố tránh đến mức tối đa những lối mơ tưởng "xây lâu đài ở
Tây Ban Nha"*(*thành ngữ Pháp có nghĩa là mơ ước những chuyện hão huyền)
và nhất là tránh mơ ước những cách trả thù. Vậy ngay từ bây giờ tôi đã chuẩn bị
vượt qua sự trừng phạt khủng khiếp đang chờ tôi và ra khỏi nhà giam cấm cố với
tư thế của người chiến thắng. Phải, chúng nó sẽ chẳng được xơ múi gì. Tôi sẽ ra
khỏi nhà giam cấm cố với một thể lực tốt, hoàn toàn làm chủ những năng lực thể
chất và tinh thần của mình.
Xác lập
được những dự định này và điềm tĩnh chấp nhận những gì đang đợi tôi là một điều
làm cho tôi thêm vừng vàng. Ngọn gió biển lùa vào phòng mơn trớn tôi trước khi
thổi đến những người khác và thực sự làm cho tôi thêm sảng khoái. Clousiot biết
rõ khi nào tôi không muốn nói chuyện. Cho nên anh ta không quấy rầy những phút
yên lặng của tôi, và chỉ hút nhiều thuốc lá. Nhìn thấy mấy ngôi sao ở trên
trời, tôi nói với anh:
- Nằm ở
chỗ cậu có thấy sao không?
- Có! -
anh ta nói, người hơi nghiêng về phía trước. - Tôi thấy đừng nhìn sao thì hơn
vì nó làm cho tôi nhớ những ngôi sao trong chuyến vượt ngục vừa qua quá.
- Cậu
đừng buồn, chúng ta sẽ thấy lại hằng ngày trong một chuyến vượt ngục khác.
- Bao
giờ? Năm năm nữa à?
-
Clousiot ạ, cái năm mà chúng ta vừa được sống qua, tất cả những chuyện ly kỳ đã
xảy ra đến với chúng ta, những con người mà chúng ta đã quen được biết chẳng lẽ
lại không đáng giá năm năm cấm cố hay sao? Cậu thích ở Quần đảo ngay từ đầu hơn
là đã dự cuộc vượt ngục ấy sao? Vì mấy năm cấm cố đang đợi chúng ta chắc chắn
là những năm đọa đày, cậu tiếc là đã có mặt trong cuộc vượt ngục ấy sao? Cậu
hãy trả lời thành thật đi, cậu có tiếc không?
- Papi
ạ, cậu quên mất một điều: tôi không hề được sống bảy cái tháng thần tiên của
cậu ở làng Anh- điêng. Giá tôi đã cùng đến đấy với cậu, tôi cũng sẽ nghĩ như
cậu, nhưng đằng này trọn thời gian ấy tôi lại phải ngồi tù.
- Xin
lỗi cậu, tôi quên mất, tôi nói bậy.
- Không,
cậu không nói bậy: dù sao tôi cũng rất hài lòng về chuyến vượt ngục của chúng
ta, vì chính tôi cũng đã được sống những giờ phút không thể nào quên được. Chỉ
có điều tôi cũng hơi lo sợ trước những gì đang chờ tôi ở cái nhà giam "ăn
thịt người". Năm năm cấm cố là một cái gì hầu như không thể qua nổi.
Tôi liền
nói với Clousiot biết những điều tôi đã quyết định làm, và tôi cảm thấy anh ta
có một phản ứng rất tích cực. Thấy bạn lấy lại được sức mạnh tinh thần, tôi rất
mừng. Còn mười lăm ngày nữa chúng tôi phải ra tòa. Theo những lời đồn đại viên
thiếu tá sẽ đến đây chủ tọa hội đồng trừng giới có tiếng là người nghiêm khắc,
nhưng hình như lại là người rất trung trực. Ông ta không dễ gì tin vào những
lời xúc xiểm của Ban quản trị nhà tù. Vậy nên coi đó là một tin mừng thì hơn.
Clousiot và tôi (vì Maturette ngay khi trở về trại đã bị nhốt vào xà-lim riêng)
đều không chịu nhận một viên giám thị làm trạng sư bào chữa. Cả hai quyết định
rằng tôi sẽ nói thay cho cả ba chúng tôi và sẽ bào chữa cho cả nhóm
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 23: Cuộc xét xử
Sáng hôm
ấy, râu cạo nhẵn, tóc hớt gọn ghẽ, mình mặc một bộ đồ phạm nhân có sọc đỏ, chân
đi giày, chúng tôi đứng trong sân đợi đến giờ được đưa ra tòa. Chân Clousiot đã
được tháo băng bột từ hai tuần trước. Anh ta đi bình thường, không bị khập
khiễng. Hội đồng trừng giới bắt đầu họp từ ngày thứ hai. Sáng hôm nay là ngày
thứ bảy, vậy trước chúng tôi đã có năm ngày xét xử các vụ khác: việc xét xử hai
người cho kiến ăn tên A-rập đã choán hết một ngày. Cả hai đều bị xử tử, và từ
đấy tôi không gặp lại họ nữa. Hai anh em Graville chỉ bỉ bốn năm cấm cố (vì
thiếu bằng chứng về hành động ăn thịt người). Việc xét xử hai người đã kéo dài
hơn nửa ngày. Trong phần còn lại, các phạm nhân can tội giết người bị xử năm
hay bốn năm cấm cố. Nhìn chung đối với mười bốn phạm nhân bị đưa ra xử, những
hình phạt được ứng dụng đều có phần nghiêm khắc nhưng cũng đều chấp nhận được,
không có trường hợp nào quá đáng...
Buổi xử
bắt đầu lúc bảy giờ ba mươi phút. Chúng tôi đang đứng trong phòng xử thì một
viên thiếu tá mặc quân phục kỵ binh lạc đà bước vào, có một viên đại úy bộ binh
già và một viên trung úy đi theo phụ tá. Ở bên phải tòa một viên giám thị đeo
lon đại úy làm người đại diện cho Ban quản trị, tức cho phía buộc tội. Hôm nay
Hội đồng xét vụ Charrière, Clousiot, Maturette. Chúng tôi đứng cách tòa khoảng
bốn mét. Tôi có đủ thì giờ nhìn kỹ mái đầu dãi nắng gió sa mạc của viên thiếu
tá bốn mươi, bốn nhăm tuổi ấy, với đôi thái dương ngả màu bạch kim. Một đôi mày
rất rậm trên một đôi mắt đen và sáng quen nhìn thẳng vào mắt mọi người. Đó là
một quân nhân thực thụ. Cái nhìn của ông ta không có gì tàn ác. Ông nhìn kỹ vào
mắt chúng tôi, như thể cân nhắc, đánh giá chúng tôi trong vài giây. Mắt tôi gắn
chặt vào cái nhìn của ông một lát, rồi tôi cố tình cụp mắt xuống.
Viên đại
úy đại diên cho Ban quản trị lên án chúng tôi một cách gay gắt quá mức, và
chính điều đó sẽ làm cho ông ta thua cuộc. Ông ta gọi hành động đánh vào đầu
mấy tên giám thị để vô hiệu hóa chúng trong chốc lát là một "cuộc mưu
sát". Về phần tên giữ chìa khóa A-rập, ông ta khẳng định rằng chúng tôi
đánh hắn tới tấp như vậy mà hắn không chết chẳng qua là do một sự may mắn thần
kỳ. Ông ta lại phạm một sai lầm nữa khi nói rằng chúng tôi là những tên khổ sai
đã đem nỗi ô nhục của nước Pháp đi bêu riếu tận những nơi xa xôi nhất kể từ khi
trại khổ sai được thành lập cho đến nay.
"Đến
tận Colombia. Những con người này, kính thưa quan chánh án, đã vượt qua hai
ngàn năm trăm cây số để làm cái việc đó. Trinidad, Curacao, tất cả các quốc gia
đó chắc chắn là đã phải nghe những lời vu khống hèn hạ nhất về chế độ trừng
giới của nước Pháp. "Tôi yêu cầu Tòa xử hai tội tách biệt với tổng số tám
năm cấm cố: năm năm vì tội mưu sát, và ba năm vì tội vượt ngục. Đó là về phần
Charrière và Clousiot. Còn về phần Maturette thì tôi chỉ yêu cầu giam ba năm về
tội vượt ngục, vì qua cuộc điều tra có thể thấy rõ tên này không tham dự vào
cuộc mưu sát. Quan Chánh án:
- Tòa
muốn được nghe kể hết sức vắn tắt về hành trình vượt biển này".
Tôi kể
lại chuyến vượt biển đến Trinidad, bỏ qua phần trên sông Maroni.
Tôi mô
tả gia đình Bowen với những hành động đầy tình nhân ái của họ. Tôi dẫn lại lời
viên chỉ huy cảnh sát ở Trinidad: "Chúng tôi không có bổn phận phán xét hệ
thống tư pháp của nước Pháp, nhưng chúng tôi không thể tán thành việc họ đày
các phạm nhân của họ sang Guyane, và chính vì thế mà chúng tôi giúp các
anh"; Curacao, Đức Cha Irénée de Bruyne, câu chuyện cái túi tiền florins,
rồi xứ Co-lom-bia, tại sao chúng tôi đến đấy. Vài câu vắn tắt về mấy tháng tôi
ở với người Anh- điêng. Ông thiếu tá im lặng nghe tôi kể, không lần nào ngắt
lời. Ông chỉ hỏi thêm vài chi tiết về sinh hoạt của tôi trong bộ lạc Anh-
điêng, một giai đoạn đã làm cho ông ta hết sức thích thú. Rồi đến các nhà tù
Colombia, đặc biệt là cái chuồng giam ngầm của nhà tù Santa Marta.
- Cám
ơn, những điều anh vừa kể đã giúp Tòa sáng tỏ thêm và đồng thời đã khiến cho
Tòa rất quan tâm. Ta sẽ nghỉ mười lăm phút. Tôi không trông thấy các trạng sư
bào chữa cho các anh ở đâu cả, vậy họ ở đâu?
- Chúng
tôi không có trạng sư bào chữa. Tôi xin Tòa chấp nhận cho tôi được bào chữa cho
các bạn tôi và cho bản thân tôi.
- Anh có
thể làm việc đó, quy chế thừa nhận quyền tự bào chữa của anh.
- Cám
ơn.
Mười lăm
phút sau phiên tòa lại tiếp tục. Quan Chánh án:
- Charrière,
tòa cho phép anh trình bày phần bào chữa cho các bạn anh và cho bản thân anh.
Tuy nhiên chúng tôi báo trước để anh biết rằng Tòa sẽ tước quyền phát biểu của
anh nếu anh tỏ ra thiếu tôn trọng vị đại diện của Ban quản trị. Anh hoàn toàn
có quyền tự bào chữa một cách tự do, nhưng với những lời lẽ đứng đắn. Tòa
nhường lời cho anh.
- Tôi
xin Tòa dứt khoát gạt bỏ lời tố cáo chúng tôi mưu sát. Đây là một điều không
thể tin được, và tôi xin chứng minh điều đó: năm ngoái tôi hai mươi bảy tuổi,
còn Clousiot thì ba mươi. Chúng tôi đều đang tuổi sung sức, lại mới ở Pháp
sang. Chúng tôi cao một mét bảy mươi tư và một mét bảy mươi lăm. Chúng tôi đã
dùng hai cái chân giường bằng sắt để đánh người A-rập giữ chìa khóa và mấy
người giám thị. Trong cả bốn người ấy không có ai bị thương tích gì đáng kể.
vậy họ đã bị đánh một cách rất thận trọng vì chúng tôi nhằm làm cho họ choáng
đi mà không làm cho họ bị thương, và chúng tôi đã đạt được mục đích ấy. Viên
giám thị buộc tội chúng tôi đã quên nói, hoặc không biết, rằng hai cái chân
giường đều quấn giẻ rất kỹ để đừng làm ai bị thương. Qúy Tòa gồm toàn những
quân nhân chuyên nghiệp, nên biết rất rõ những tác hại mà một người đàn ông
khỏe mạnh có thể gây ra khi đánh vào đầu một người khác, dù chỉ bằng má lưỡi
lê. Thế thì xin Tòa hình dung với một cái chân giường bằng sắt, một người đàn
ông như chúng tôi có thể làm gì. Tôi xin lưu ý Tòa rằng trong bốn người bị tấn
công không có ai phải vào bệnh viện. Tôi nghĩ rằng khi một người tù chung thân
vượt ngục, tội của người ấy không nghiêm trọng bằng tội của một người bị xử tù
ngắn hạn hơn mà vượt ngục. Ở tuổi chúng tôi người ta khó lòng có thể đành tâm
chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ được sống lại nữa. Tôi xin Tòa khoan dung
với cả ba chúng tôi.
Viên
thiếu tá nói thì thầm mấy câu với hai người phụ tá, rồi ông dùng cái búa của
Chánh án gõ lên bàn giấy. -
Bị cáo
nhân, hãy đứng dậy. Cả ba chúng tôi đứng lên, thẳng đơ như ba cái cọc, đợi lời
tuyên án. Quan Chánh án:
- Tòa
gạt bỏ hoàn toàn lời buộc tội mưu sát; về khoản này tòa không cần tuyên án, dù
là tuyên án tha bổng. Về tội vượt ngục, các anh được Tòa thừa nhận là có tội ở
mức thứ hai. Vì tội này Tòa xử các hai năm cấm cố.
Chúng
tôi cùng nói một lượt: "Cám ơn thiếu tá". Tôi nói thêm: "Xin cám
ơn Tòa".
Trong
phòng xử án, những tên cảnh sát đến dự phiên Tòa cứ ngẩn người ra. Khi chúng
tôi trở về phòng giam, mọi người đều hài lòng về tin này, không ai ganh tỵ.
Ngược lại. Ngay cả những người bị xử nặng cũng thành thật mừng cho sự may mắn
của chúng tôi. Francois Sierra đến ôm hôn tôi. Anh ta mừng đến phát điên lên
được.
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 24: Quần đảo Salut, đến quần đảo
Mai là
ngày chúng tôi phải lên tàu ra Quần đảo Salut. Mặc dầu tôi đã đem hết sức bình
sinh ra cưỡng lại số phận, thế mà giờ đây chỉ còn mấy tiếng nữa tôi sẽ bị đưa
đến nơi giam hãm suốt đời. Trước hết tôi phải qua hai năm cấm cố ở đảo
Saint-Joseph. Tôi hy vọng sẽ làm cho cái biệt hiệu mà tù khổ sai đã đặt cho nó:
đảo "ăn thịt người", không còn đúng nữa.
Tôi sẽ
thua cuộc, nhưng không hề có tâm trạng của một kẻ bại trận. Tôi phải lấy làm
mừng là chỉ phải giam hai năm trong cái nhà tù của một trại tù này. Như tôi đã
tự hứa, tôi sẽ không để tình trạng hoàn toàn cô độc đưa tôi đến chỗ mất trí.
Tôi đã có phương thuốc chống lại nguy cơ dó. Tôi phải thấy trước là tôi sẽ được
tự do, lành mạnh như một tù nhân khổ sai bình thường trên quần đảo. Khi ra khỏi
nhà cấm cố, tôi sẽ được ba mươi tuổi. ở Quần đảo, những vụ vượt ngục hết sức
hiếm hoi, tôi biết điều đó. Nhưng dù có thể đếm trên đầu ngón tay, vẫn có những
người đã vượt ngục. Thế thì tôi, tôi cũng sẽ vượt ngục đó là điều chắc chắn.
Hai năm nữa tôi sẽ trốn khỏi Quần đảo, tôi nhắc đi nhắc lại như vậy với
Clousiot đang ngồi cạnh tôi.
- Bươm
bướm, anh bạn già của tôi, quả thật khó lòng có thể làm cho anh nản chí, và tôi
thật thèm muốn niềm tin mà anh mang trong lòng, niềm tin là chắc chắn một ngày
kia anh sẽ được tự do. Đã suốt một năm ròng anh không ngừng vượt ngục, và chưa
có lần nào anh từ bỏ ý định. Vừa mới thất bại vụ này anh đã chuẩn bị một vụ
khác. Tôi lấy làm lạ rằng ở đây anh không thử làm gì cả.
- Ở đây
chỉ có một cách thôi, bạn ạ: tổ chức một cuộc nổi loạn. Nhưng để làm việc đó
tôi không có đủ thì giờ nắm vững trong tay tất cả những con người khó điều
khiển này. Tôi đã suýt gây nên một cuộc nổi loạn, nhưng tôi đã thấy sợ bị nó
nuốt chứng. Bốn mươi người bị giam ở đây đều là tù khổ sai lâu năm. Con đường
của sự thối nát đã cuốn hút họ, họ phản ứng khác chúng ta. Dẫn chứng: "ăn
thịt người, hai anh chàng giết người bằng kiến, lại còn cái người đã bỏ thuốc
độc vào xoong xúp nữa: để giết một người, hắn đã không do dự đầu độc luôn bao
người khác chưa hề làm gì phương hại đến hắn.
- Nhưng
ở quần đảo vẫn sẽ là kiểu người đó.
- Đúng
nhưng tôi không sẽ vượt ngục ra khỏi Quần đảo mà không cần đến ai hết. Tôi sẽ
ra đi một mình, hay quá lắm, là với một người bạn. Tại sao cậu lại cười mỉm hở
Clousiot?
- Tôi
cười là vì không bao giờ cậu chịu bỏ cuộc. Ngọn lửa dang thiêu đốt ruột gan
cậu, sự nóng lòng được về Paris chìa sổ nợ ra cho ba ông bạn kia, cổ vũ cậu
mạnh mẽ đến nỗi cậu không thể thừa nhận rằng những điều mà cậu mong muốn thiết
tha đến thế lại có thể không được thực hiện.
- Thôi
chào Clousiot, hẹn đến mai. Phải, chúng mình sẽ trông thấy cái Quần đảo Salut
chết tiệt ấy. Điều đầu tiên cần phải hỏi là tại sao những hòn đảo giết người ấy
lại được gọi là Quần đảo Salut (Quần đảo Cứu vãn)?
Rồi quay
lưng lại với Clousiot, tôi nghiêng đầu một chút cho mặt tôi đón lấy gió biển
ban đêm.
Sáng hôm
sau, từ rất sớm chúng tôi đã được đưa lên tàu để ra Quần đảo. Có cả thảy hai
mươi sáu người trên một chiếc tàu thủy trọng tải bốn trăm tấn gọi là chiếc
Tanon, một chiếc tàu chuyên chạy ven biển đi đi lại lại như con thoi giữa
Cayenne, Quần đảo Saint-Laurent và khứ hồi. Cứ hai người một bị ghép vào nhau
bằng sợi xích chân và một đôi khóa taỵ Ở phía trước là hai nhóm tám người, mỗi
nhóm được bốn tên lính canh cầm súng trường giám sát. Một nhóm mười người ở
phía sau với sáu tên lính canh và hai viên chỉ huy đội áp giải. Tất cả đám
người ấy đều đứng trên boong của chiếc tàu cũ nát chỉ chực đắm bất cứ khi nào
biển động.
Vì đã
quyết định sẽ không suy nghĩ trong khi đi đường, tôi muốn bày trò giải trí một
chút. Chỉ để làm cho tên giám thị đứng gần tôi nhất bực mình (hắn có một bộ mặt
đưa đám), tôi nói với hắn rõ to:
- Với
những thứ xiềng xích mà các anh bắt chúng tôi mang, chúng tôi sẽ không có cách
gì trốn thoát nếu chiếc tàu mục nát này chìm; điều này rất có thể xảy ra khi
biển động.
Đang
ngái ngủ, tên gác phản ứng đúng như tôi đã dự tính.
- Chúng
mày có chết đuối hết ông cũng đếch cần. Đã có lệnh xích chúng mày lại, chỉ có
thể thôi. Trách nhiệm thuộc về những người ra lệnh ấy. Còn chúng tao thì có thể
nào cũng không quan hệ gì.
- Xét
cho cùng ông nói có lý lắm, thưa ông giám thị, vì có bị xích hay không bị xích
thì khi cái quan tài này vỡ dọc đường, tất cả chúng ta đều chìm xuống đáy biển
như nhau.
- Ồ! -
Tên gác đần độn kia nói, - tàu này đi biển đã lâu lắm rồi mà chưa bao giờ làm
sao cả.
- Đúng
quá, nhưng chính vì nó đi biển đã quá lâu cho nên đến bây giờ nó đã đến mức sẵn
sàng chìm bất cứ lúc nào.
Tôi đã
đạt được ý muốn: lay chuyển cái không khí im lặng ở xung quanh đang làm cho tôi
bứt rứt. Lập tức đề tài của tôi được tù nhân và giám thị cùng hưởng ứng.
- Đúng,
chiếc tàu này đã ọp ẹp đến mức độ nguy hiểm, mà người ta lại xích chúng tôi.
Không có xích thì dù sao cũng chút hy vọng.
- Ồ!
Cũng thế cả thôi. Bọn tao mặc quân phục đi ủng đeo súng thế này, cũng chẳng nhẹ
hơn.
- Súng
thì không kể, vì hễ tàu đắm có thể bỏ ngay ra, - một người khác nói.
Thấy câu
nói ăn khách, tôi cho ra câu thứ hai:
- Xuồng
cấp cứu đâu cả rồi nhỉ? Tôi chỉ thấy một chiếc rất nhỏ. Quá lắm cũng chỉ được
tám người, vừa đủ cho ông thuyền trưởng và đội thủy thủ. Còn những người khác
thì đi tong!
Thế là
nổ ra một phản ứng hàng loạt, ở một cung bậc rất cao.
- Đúng
đấy chẳng có xuồng xiếc gì cả, mà cái tàu này thì ọp ẹp đến nỗi người ta phải
vô trách nhiệm một cách không thể nào chấp nhận được mới bắt những người có vợ
có con phải bất chấp hiểm nghèo để đi áp giải cái lũ khốn kiếp này.
Vì tôi ở
trong nhóm tù đứng ở phía sau, hai người chỉ huy đội áp giải đều đứng gần tôi.
Một trong hai người nhìn tôi rồi nói:
- Anh là
Bươm bướm ở Colombia mới về phải không?
- Vâng.
- Tôi
thấy điều đó không có gì lạ: anh có vẻ thông thạo về nghề hàng hải lắm nhỉ.
Tôi trả
lời một cách hợm hĩnh:
- Vâng,
cái đó thì tôi thạo.
Câu nói
của tôi gây được một không khí rờn rợn.
Vừa lúc
ấy viên thuyền trường từ trên lầu chỉ huy bước xuống, vì bây giờ chúng tôi vừa
ra khỏi cửa sông Maroni, và đó là chỗ nguy hiểm nhất cho nên ông ta phải thân
hành cầm bánh lái. Bây giờ ông ta đã trao nó cho một người khác. Vậy thì ông
thuyền trưởng, da đen láy như người Tombouctau, khổ người thấp và mập, mặt còn
khá trẻ, cất tiếng hỏi xem những tay đã cưỡi mấy mảnh ván nhỏ xíu giong buồm
đến tận Colombia ở đâu.
- Đây
tay này, và tay kia nữa đứng bên cạnh, - viên chỉ huy đội áp giải nói.
- Ai là
thuyền trưởng? - Ông thuyền trưởng lùn nói.
- Thưa
ông, tôi ạ.
- Thế
thì, với tư cách thủy thủ, tôi có lời ngợi khen anh bạn. Anh chẳng phải là
người tầm thường. Tôi có cái này! - Ông ta thọc tay vào túi áo rồi nói tiếp -
Anh hãy nhận lấy gói thuốc lá xanh và mớ lá quấn thuốc này. Anh hút để chúc sức
khỏe cho tôi đi.
- Cám ơn
ông thuyền trưởng. Nhưng về phần tôi, tôi cũng phải ngợi khen ông đã có đủ can
đảm đi biển trên cái quan tài này, hình như mỗi tuần một hai lần thì phải.
Ông ta
cười ha hả, làm cho những kẻ tôi đang muốn trêu thấy tức đến tận cổ. Ông ta
nói:
- Chà!
Anh nói đúng quá! Cái tàu khổ này đáng lẽ phải được đưa vào nghĩa địa từ lâu,
nhưng bên công ty họ nhất định đợi cho nó chìm để lĩnh tiền bảo hiểm.
Tôi liền
kết thúc bằng một câu xỏ xiên:
- Cũng
may mà ông và đội thủy thủ còn có được một cái xuồng cấp cứu.
- Phải,
cũng còn may - Ông thuyền trường nói một cách thiếu suy nghĩ trước khi mất hút
trong cầu thang.
Cái đề
tài tranh luận mà tôi đã cố ý nêu ra đã làm cho tôi được khuây khỏa trong hơn
bốn tiếng đồng hồ. Ai nấy đều có ý kiến riêng để nói ra, và đến một lúc nào đó,
tôi chẳng hiểu bằng cách nào, cuộc bàn cãi đã lan ra đến tận mũi tàu.
Vào
khoảng mười giờ sáng, biển không động mấy, nhưng gió không thuận lợi cho chuyến
đi. Tàu chúng tôi đi về hướng đông bắc, nghĩa là ngược chiều với sóng và gió,
cho nên tất nhiên nó phải tròng trành cả theo chiều ngang lẫn theo chiều dọc
hơn mức trung bình. Nhiều tù nhân và giám thị bị say sóng. Cũng may mà người bị
xích liền vào tôi chịu sóng giỏi, vì không có gì khó chịu hơn là có một người
nôn ọe ngay bên cạnh mình. Anh này là một gã du côn Paris thứ thiệt. Anh ta bị
đày đến Quần đảo năm 1927. Vậy là đã được bảy năm. Anh ta còn tương đối trẻ,
chỉ ba mươi tám tuổi.
- Người
ta gọi tôi là Titi la Belote, vì tôi phải nói cho cậu biết rằng bài belote là
môn sở trường của tôi. Vả lại ở Quần đảo tôi sống bằng nghề đánh bài này.
Belote suốt đêm, mỗi điểm ăn hai francs, Nếu đánh có "loan báo" thì
có thể ăn thua rất lớn. Nếu anh thắng bằng một con bồi hai xu thì người thua
phải trả cho anh bốn trăm francs và một ít tiền lẻ cho các điểm khác nữa.
- Nhưng
ở Quần đảo sao lắm tiền thế?
- Sao mà
chả lắm hở anh bạn Bươm bướm. Ở quần đảo đầy những plan nhét tiền chật ních. Có
người thì đến nơi đã có sẵn, có người thì nhận được tiền qua bọn giám thị với
điều kiện chia cho chúng năm mươi phần trăm. Rõ ràng anh còn mới toanh, có vẻ
như chưa biết gì cả phải không?
- Đúng,
tôi chẳng biết chút gì về Quần đảo. Tôi chỉ biết là ở đấy khó vượt ngục lắm.
- Vượt
ngục ấy à? - Titi nói. - Thôi đừng nói nữa cho mệt. Tôi ở Quần đảo đã bảy năm,
có xảy ra hai vụ vượt ngục, với kết quả là ba người chết và hai người bị bắt.
Chưa ai thành công cả. Vì vậy chẳng mấy ai dám cầu may.
- Vừa
rồi anh lên đất liền để làm gì?
- Vừa
rồi tôi đi chiếu điện xem thử có bị loét dạ dày hay phổi gì không.
- Thế mà
anh không cố trốn khỏi bệnh viện à?
- Khéo
nói nhỉ! Chính anh đã làm hỏng hết đấy. Papillon ạ. Thế mà vừa rồi tôi lại có
cái may mắn rơi đúng vào căn phòng trước kia, anh đã trốn đi. Anh cũng thừa
hiểu họ giám sát kỹ như thế nào! Cứ mỗi lần ra gần cửa sổ để thở một chút là họ
bắt lùi lại ngày. Khi hỏi tại sao thì họ trả lời: "Để phòng trường hợp anh
nảy ra cái ý làm như Papillon".
- Titi
này, cái tay cao lớn ngồi bên cạnh viên chỉ huy đội áp giải là ai thế? Một tay
chỉ điểm à?
- Anh
điên rồi sao? Gã này ai cũng phải quý trọng. Cậu ta vốn là dân trường giả,
nhưng lại biết xử sự đúng như một tay giang hồ: không đi lại với bọn gác, không
tìm cách chiếm vị trí ưu đãi, biết giữ tư cách một người tù khổ sai. Có khả
năng mách bạn một lời khuyên tốt, nói chung là một người bạn tốt, rất biết giữ
khoảng cách với bọn cảnh sát. Ngay cả ông linh mục và ông bác sĩ cũng không sử
dụng được cậu ta. Con người gốc gác thì trưởng giả nhưng tư cách thì giang hồ
chân chính này là con cháu của Louis XV. Thế đấy anh bạn ạ, đó là một bá tước,
một bá tước chính cống, được gọi là bá tước Jean de Bérac. Tuy vậy, khi cậu ta
mới đến, ai nấy đều xa lánh, và phải một thời gian rất dài cậu ta mới chinh
phục được sự kính nể của mọi người, vì cái tội khiến cho cậu ta bị đày khổ sai
là một trò rất tởm.
- Cậu ta
đã làm gì thế?
- Ấy,
cậu ta đã đứng trên cầu ném thằng con trai ruột xuống sông, và khi thấy thằng
bé rơi xuống chỗ quá cạn, cậu ta đã đủ gan góc xuống bế nó đến ở một chỗ sâu
hơn.
- Sao!
Như thế là gần như giết thằng con hai lần còn gì?
- Theo
một người bạn của tôi vốn làm kế toán và đã đọc hồ sơ của cậu ta thì cậu ta đã
bị giới quý tộc khủng bố. Và mẹ cậu ta đã ném người mẹ của con mình ra đường
như một con chó. Cô ấy là một nữ tỳ trẻ tuổi trong lâu đài nhà họ. Theo bạn tôi
thì cậu này chịu sự chế ngự của một bà mẹ kiêu ngạo, câu nệ đã hạ nhục con trai
đến cùng cực, đã làm cho cậu ta thấy rằng mình là một bá tước mà đi lại với một
con đầy tớ là ô nhục cho cả giòng họ, đến nỗi cậu ta hoang mang quá, nói với mẹ
thằng bé là mình đưa nó ra cho trại Tế bần nuôi rồi đi ném nó xuống sông: lúc
ấy cậu gần như mất trí, cũng chẳng biết mình làm gì nữa.
- Cậu ta
bị xử bao nhiêu?
- Mười
năm thôi. Papillon ạ, cậu cũng thừa biết cậu ta không phải là một tay như chúng
mình. Chắc là bà bá tước phu nhân, người bảo vệ danh dự của gióng giõi de
Berac, đã làm cho bọn quan tòa hiểu rằng giết con của đày tớ không phải là một
tội quá nặng khi tội nhân là một bá tước muốn cứu vãn thanh danh của gia đình.
- Kết
luận?
- Kết
luận của tôi, một thằng du đãng Paris hèn mọn, là như sau: về căn bản, bá tước
Jean de Bérac này là một anh chàng quý tộc nông thôn đã được giáo dục như thế
nào để đi đến chỗ quan niệm rằng trên đời này chỉ có "dòng máu xanh"
(huyết thống quý tộc) là có giá trị, còn mọi thứ khác đều vô nghĩa lý và không
có chút gì đáng cho người ta để tâm đến. Những người không phải là quý tộc thì
không hẳn là hạng nông nô, nhưng dù sao cũng là những con người không cần đếm
xỉa đến. Mẹ cậu ta là một quái vật của sự ích kỷ và sự hợm hĩnh, đã nhào nặn và
khủng bố cậu ta đến mức làm cho cậu ta trở thành một kiểu người quý tộc như
thế. Chính cuộc sống ở trại khổ sai đã làm cho vị chúa đất ấy, xưa kia vẫn tin
rằng mình có đặc quyền thưởng thức trước tất cả những người con gái trên lãnh
địa của mình trong đêm đầu tiên họ đi lấy chồng, nay đã trở thành một người tôn
quý thật sự, theo cái nghĩa đúng của từ này. Nói ra nghe cũng ngược đời, nhưng
phải đến bây giờ cậu ta mới thực sự là một người quý phái, là một bá tước.
Quần đảo
Salut chỉ còn mất giờ nữa sẽ không còn là một cái gì xa lạ đối với tôi như
trước nữa. Tôi biết rằng trốn khỏi quần đảo là rất khó. Nhưng không phải là
không thể được. Vừa khoái trá hít mạnh gió biển khơi vào lồng ngực, tôi vừa
nghĩ: đến bao giờ thì làn gió ngược này sẽ biến thành một làn gió xuôi trong
một chuyến vượt ngục"?
Chúng
tôi đã đến. Quần đảo kia rồi? Ba cái đảo ấy làm thành một hình tam giác. Đảo
Royale và đảo Saint-Joseph làm thành cái đáy. Đảo quỷ là đỉnh. Mặt trời, lúc
bấy giờ đã xế bóng, chiếu vào các đảo những tia sáng rực rỡ mà chỉ có ở vùng
nhiệt đới mới có thể chói chang như vậy. Cho nên chúng tôi có thể tha hồ ngắm
nghía từng đảo đến những chi tiết nhỏ nhất.
Trước
hết là đảo Royale với một dải đất cong phẳng lì bao quanh một ngọn đồi tròn cao
hơn hai trăm mét. Đỉnh đồi bằng phẳng. Nhìn toàn cục, nó rất giống một cái mũ
Mexico đặt trên mặt biển, cái chóp đã bị cắt mất, đâu đâu cũng có những rặng
dừa rất cao và rất xanh tốt. Những nếp nhà nho nhỏ lợp ngói đỏ làm cho hòn đảo
này có một sức hấp dẫn lạ thường, và ai không biết rõ trên đảo có gì chắc sẽ mơ
ước được sống trên đảo suốt đời. Trên đỉnh đồi bằng phẳng có đặt một ngọn hải
đăng được thắp về đêm để khi sóng to gió lớn tàu bè khỏi đâm vào các tảng đá ở
xung quanh. Bây giờ tàu đã đến gần hơn, tôi có thể trông rõ năm tòa nhà lớn và
dài. Nhờ có Titi tôi được biết rằng trước hết đó là hai phòng giam rộng mênh
mông chứa đến bốn trăm phạm nhân. Rồi đến khu trấn áp với những căn buồng giam,
xà-lim và chuồng sắt, có một bức tường cao vây quanh. Tòa nhà thứ tư là bệnh
viện của tù khổ sai và tòa nhà thứ năm là bệnh viện của những người canh gác
trại tù. Và rải rác khắp nơi trên các sườn dốc là những ngôi nhà nhỏ, mái lợp
ngói đỏ, của các cảnh sát viên.
Xa chúng
tôi hơn, nhưng rất gần với mũi nhọn cuối đảo Royale là đảo Saint-Joseph, ít dừa
hơn, ít cành lá um tùm hơn, và trên đỉnh cao nguyên là một cái nhà trệt rộng
mênh mông mà từ ngoài biển nhìn vào trông rất rõ. Tôi hiểu ngay: đó là nhà tù
cấm cố và Titi la Belote cũng xác nhận điều đó. Anh ta chỉ cho tôi xem, ở phía
dưới, những tòa nhà của trại tù, nơi giam các phạm nhân bị án bình thường. Các
tòa nhà này rất gần biển. Các tháp canh nổi lên rất rõ trên nền trời, với những
ổ súng của nó. Rồi lại đến những nếp nhà xinh xắn đỏm dáng, tường quét vôi
trắng, mái ngói đỏ. Vì chiếc tàu đi vào ngỏ đảo Royale từ phía nam cho nên bây
giờ chúng tôi không trông thấy đảo Quỷ, đảo nhỏ nhất trong cả Quần đảo.
Trước
đây tôi đã có dịp nhìn thoáng qua đảo này từ xa: đó là một tảng đá khổng lồ mọc
đầy dừa, không có công trình xây dựng gì lớn. Vài nếp nhà ven bờ biển, sơn
vàng, mái đen mồ hóng. Về sau tôi sẽ được biết rằng đó là nhà ở của những người
bị đày vì chính trị. Tàu chúng tôi đang đi vào bến cảng của đảo Royale, được
che kín sóng bằng một cái đập dài làm bằng những khối đá lớn. Công trình này
chắc đã phải tốn nhiều sinh mạng của phạm nhân mới xây được. Sau ba tiếng còi,
chiếc Tanon bỏ neo cách bến khoảng hai trăm năm mươi mét. Bến này xây rất chắc
bằng xi-măng và bằng đá tảng, chiếm một quãng dài và cao hơn ba mét. Lùi vào
phía trong những tòa nhà sơn trắng chạy dài song song với bến. Tôi đọc thấy
những dòng chữ sơn đen trên nền trắng: "Trạm gác" - "Sở Dịch vụ
thuyền bè" - "Xưởng bánh mì" - "Ban Quản trị cảng". Có
thể trông thấy mấy người tù khổ sai đang đứng nhìn chiếc tàu.
Họ không
mặc đồ sọc, mà đều mặc quần dài thường và một thứ blouson trắng. Titi la Belote
nói với tôi rằng ở Quần đảo những người có tiền thì thuê thợ may "may
đo" áo quần bằng những cái bao bột đã tẩy sạch chữ: họ có được những bộ áo
quần mặc rất thoải mái và trông có phần diện nữa là khác. Hầu như không một
người nào mặc đồng phục tù khổ sai. Một chiếc xuồng đến gần chiếc Tanon. Một
viên giám thị ngồi sau lái; hai tên cầm súng trường ngồi hai bên mạn; ở phía
sau là sáu người tù khổ sai, mình trần, quần trắng, đứng chèo bằng những mái
chèo rất lớn. Chỉ một lát là ra đến tàu. Chiếc xuồng của họ kéo theo sau một
chiếc thuyền lớn kiểu xuồng cấp cứu của tàu thủy. Cuộc chuyển từ lên bờ bắt
đầu. Trước hết mấy viên chỉ huy đội áp giải xuống thuyền và ra ngồi ở phía sau.
Rồi hai viên giám thị cầm súng trường đi ra phía trước. Chân được tháo xiềng,
nhưng tay vẫn bị khóa, chúng tôi xuồng thuyền từng hai người một; mười người
trong nhóm tôi, rồi đến tám người trong nhóm đứng ở phía trước tàu. Mấy người
chèo thuyền bắt đầu cho thuyền tách khỏi chiếc tàu. Họ còn chở ra một chuyến
nữa để đưa số tù còn lại vào bờ.
Chúng
tôi lên bến, xếp hàng trước tòa nhà "Ban Quản trị cảng" và đứng đợi.
Trong chúng tôi không có ai có hành lý gì. Chẳng đếm xỉa gì đến bọn cảnh sát,
các phạm nhân tại chỗ bô bô nói chuyện với chúng tôi từ một khoảng cách năm sáu
mét - đủ để đừng bị bọn cảnh sát tấn công. Nhiều phạm nhân cùng vượt Đại tây
dương trên một chuyến tàu với tôi thân ái chào tôi. Cesari và Essari, hai tên
cướp đảo Corse mà tôi đã làm quen ở Saint-Martin, cho tôi biết hiện nay họ chèo
xuồng cho sở dịch vụ ở cảng. Vừa lúc ấy tôi trông thấy Chapar, bị đày trong vụ
Chứng khoán ở Marseille, mà tôi có quen khi anh ta còn được tự do ở Pháp. Không
hề e ấp trước mặt bọn lính canh, anh ta nói với tôi:
- Đừng
buồn Papillon ạ! Cậu cứ tin ở bạn bè, ở nhà giam cấm cố cậu sẽ không thiếu thứ
gì hết. Cậu bị bao nhiêu?
- Hai
năm.
- Được,
cũng chóng qua thôi, rồi cậu sẽ ra đây với chúng tớ, và sẽ thấy rằng ở đây cũng
khá.
- Cám ơn
Chapar. Còn Dega ở đâu?
- Bác ta
làm kế toán ở trên kia. Bác chưa ra đây thì lạ thật. Không gặp được cậu bác ta
sẽ tiếc lắm.
Vừa lúc
đó Galgani đến.
Anh ta
xăm xăm đi về phía tôi, tên lính ác toan cản, nhưng anh ta cứ đến, nói:
"Chẳng lẽ ra ôm hôn anh ruột tôi mà anh cũng cản à? Thật quá quắt".
Rồi anh ta ôm hôn tôi, nói: "Cứ tin vào tôi". Đoạn anh ta lùi ra.
-Anh bây
giờ làm gì?
- Đưa
thư, giao liên.
- Có ổn
không?
- Tôi
được yên thân lắm.
Những
người tù còn lại đã được đưa hết lên bờ và cho nhập bọn với chúng tôi.
Mọi
người đều cởi khóa taỵ Titi la Belote, de Bérac và mấy người không quen tách ra
khỏi nhóm. Một viên giám thị nói với họ: "Nào, lên đường về trại".
Mấy người này có mang theo bị đựng đồ của trại. Họ vác bị lên vai và đi theo
một con đường dốc dẫn lên phía trên đảo. Viên chỉ huy Quần đảo đến với sáu viên
giám thị."Điểm danh!". Viên chỉ huy nhận đủ số tù. Đội áp giải chúng
tôi lui ra.
- Kế
toán đâu? - Viên chỉ huy hỏi.
- Thưa
sếp hắn đây.
Tôi thấy
Dega đến, mặc một bộ đồ trắng tươm tất, áo vét có nhiều khuy, cùng đi với một
viên giám thị; mỗi người cắp một cuốn sách lớn. Cả hai gọi từng người một ra
khỏi hàng, theo cách phân loại mới: anh tù cấm cố Jean Mỗ, số tù X, sẽ có số tù
cấm cố là Z." - Bao nhiêu? - X năm. Khi đến lượt tôi, Dega ôm hôn tôi mấy
lần liền. Viên chỉ huy lại gần.
- Anh
này là Papillon à?
- Thưa
ông chỉ huy vâng, - Dega nói
- Mong
anh giữ sức khỏe ở nhà tù cấm cố. Hai năm cũng chóng qua thôi
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 25: Nhà giam cầm cố
Một
chiếc xuồng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong số mười chín tù nhân cấm cố sẽ có
mười người di chuyển trước. Tôi được gọi tên để lên xuồng. Dega thản nhiên nói:
"Không, anh này đi chuyến sau". Từ khi đến đây tôi đã phải sửng sốt
khi nghe cách ăn nói của các tù nhân. Rõ ràng là họ không đếm xỉa đến kỷ luật
và có vẻ như chẳng coi bọn cảnh sát ra gì hết.
Tôi nói
chuyện với Dega lúc bấy giờ đã đến đứng gần tôi. Bác ta đã biết hết chuyện vượt
ngục của tôi cũng như những chuyện khác có liên quan đến tôi. Có những người đã
tiếp xúc với tôi ở Saint-Laurent có đến Quần đảo và kể lại cho bác biết hết.
Bác ta không hề tỏ ý thương xót tôi. Bác ta tế nhị hơn nhiều. Chỉ một câu thôi
nói tự đáy lòng: "Cậu rất xứng đáng thành công. Thôi để lần sau?" Thậm
chí bác ta cũng không nói "Can đảm lên ". Bác thừa biết rằng cái đó
thì tôi có thừa.
- Tôi
làm kế toán trưởng ở đây và có quan hệ rất tốt với ông chỉ huỵ Ở nhà giam cấm
cố cậu cố gắng có hạnh kiểm tốt. Tôi sẽ gửi cậu ít thuốc lá và thức ăn. Cậu sẽ
không thiếu thứ gì đâu. Papillon, đi thôi!
- Đã đến
lượt tôi. - Xin chào tất cả. Cám ơn những lời lẽ chân tình của các bạn.
Tôi
xuống thuyền. Hai mươi phút sau, thuyền cặp bến ở Saint-Joseph.
Tôi có
đủ thì giờ nhận thấy trên thuyền chỉ có ba viên giám thị có súng, trong khi có
đến sáu người tù chèo thuyền và mười người tù cấm cố. Phối hợp để chiếm lĩnh
cái thuyền này chỉ là một trò đùa. Ở Saint-Joseph, một ủy ban tiếp đón ra nhận
chúng tôi. Có hai viên chỉ huy tự giới thiệu: viên chỉ huy trại trừng giới của
đảo và viên chỉ huy của Nhà giam cấm cố. Chúng tôi được dẫn bộ đi lên con đường
dốc đến nhà giam. Trên đường đi không thấy một người tù nào. Khi đi vào cửa sắt
lớn ở bên trên có mấy chữ Nhà giam cấm cố trừng giới, người ta có thể hiểu ngay
tầm quan trọng của cái phương tiện trấn áp này. Bên trong tấm cửa và bốn bức
tường cao ở xung quanh, trước hết có một dãy nhà nhỏ có đề: "Ban giám đốc
- Quản trị", rồi ba dãy nhà khác đề A, B, C. Chúng tôi được đưa vào dãy
nhà của ban giám đốc. Một gian phòng lạnh lẽo.
Khi mười
chín người đã được xếp thành hai hàng trong phòng, viên chỉ huy Nhà giam cấm cố
nói với chúng tôi:
- Các
phạm nhân cấm cố, các anh biết rằng nhà này là một nhà trừng giới dành cho
những phạm nhân đã bị đày khổ sai mà lại còn có những hành động phạm pháp. Ở
đây người ta không tìm cách cải huấn các anh. Chúng tôi biết rằng việc đó vô
ích. Ở đây người ta chỉ tìm cách trấn áp các anh. Chỉ có một nội quy duy nhất:
câm mồm. Im lặng tuyệt đối, "gọi điện" là việc rất nguy hiểm, nếu bị
bắt gặp sẽ bị phạt rất nặng. Nếu không ốm nặng, chớ đăng ký xin đi khám. Vì nếu
khám không thấy có bệnh nặng, các anh sẽ bị phạt rất nghiêm. Đó là tất cả những
gì tôi cần nói với các anh. à quên, ở đây nghiêm cấm hút thuốc. Giám thị, hãy
lục soát kỹ các phạm nhân, rồi đưa từng người về xà-lim. Charrière, Clousiot và
Maturette không được ở cùng một nhà. Ông Santori, ông phải thân hành trông coi
việc này.
Mười
phút sau tôi bị nhốt vào căn xà-lim dành cho tôi căn số 234 của dãy nhà A.
Clousiot bị giam ở dãy nhà B và Maturette ở dãy nhà C. Chúng tôi đưa mắt từ
biệt nhau. Khi bước vào đây, tất cả chúng tôi đều hiểu ngay rằng nếu muốn sống
sót mà ra khỏi thì nhất nhất phải tuân theo cái nội quy vô nhân đạo này. Tôi từ
giã hai người bạn đường của tôi trong chuyến vượt ngục dài ngày, hai người bạn
hào hùng và dũng cảm đã tỏ rõ phẩm chất mình trong khi đi với tôi và không hề
bao giờ kêu ca hay hối tiếc những gì họ đã cùng làm bên cạnh tôi. Tim tôi se
lại, vì sau mười bốn tháng vật lộn vai kề vai để dành lại tự do, chúng tôi đã
vĩnh viễn gắn bó với nhau bằng một tình bạn không bờ bến.
Tôi xem
xét căn buồng giam mà họ đã lùa tôi vào. Không bao giờ tôi có thể dự đoán hoặc
tường tượng rằng một nước như nước Pháp của tôi, vốn là người mẹ của tự do trên
trái đất này, là đất nước đã sinh ra Nhân quyền và Dân quyền, lại có thể dựng
lên, dù là ở Guyane thuộc Pháp, trên một hòn đảo chơi vơi giữa Đại tây dương,
rộng vừa bằng cái mùi-soa bỏ túi, một trại giam có tính chất trấn áp man rợ như
cái nhà giam trừng giới ở Saint-Joseph. Cái bạn hãy tưởng tượng một trăm năm mươi
căn xà-lim kế cận nhau, giáp lưng nhau, bốn bức tường rất dày chỉ có một cánh
cửa sắt nhỏ với cái lỗ ghi-sê của nó. Ở phía trên mỗi ghi-sê đều có dòng chữ
đề: "Cấm mở cửa này nếu không có lệnh trên". Ở bên trái căn buồng là
một tấm ván làm giường nằm với một cái gối bằng gỗ, cũng được thiết bị như ở
Beaulieu: tấm ván có thể lật lên móc sát vào tường; một tấm chăn; một khối
xi-măng xây ở góc trong dùng làm ghế; một cái chổi nhỏ; một cái ca nhà binh,
một cái thìa bằng gỗ, một tấm sắt mỏng dựng đứng che một cái bô bằng kim loại
buộc vào tấm sắt kia bằng một sợi xích (từ phía ngoài có thể kéo nó ra để đổ,
và từ phía trong có thể lôi nó vào để dùng).
Buồng
cao ba mét, trần là một dãy song sắt rất lớn, mỗi chấn song to bằng một thanh
đường ray xe điện, bắt chéo nhau rất dày để không thể có một vật gì hơi to hơn
có thể lọt qua. Rồi, cao hơn nữa, là mái của tòa nhà, cách mặt đất khoảng bảy
mét. Phía trên bức tường ngăn cách các xà lim quay lưng vào nhau là một con
đường đi tuần rộng khoảng một mét, có tay vịn bằng sắt, nhìn thẳng xuống các
buồng giam. Hai viên giám thị thường xuyên đi từ đầu đường cho đến giữa đường:
ở đây họ gặp nhau và quay trở lại. Tất cả gây thành một ấn tượng rùng rợn. ánh
sáng ban ngày chiếu vào con đường đi tuần đủ sáng. Nhưng ở các buồng giam, dù
đang giữa ban ngày, thì tối mờ mờ không nhìn thấy rõ những vật xung quanh.
Tôi bắt
đầu đi đi lại lại ngay, trong khi chờ đợi họ huýt còi bay ra một hiệu lệnh gì
đó không biết để cho phép tù nhân hạ tám ván xuống mà nằm. Để khỏi gây tiếng
động, tù nhân và lính gác đều đi giày vải. Tôi nghĩ ngay: "ở đây, tại
buồng giam 234, Charriere biệt hiệu Bươm bướm, sẽ có gắng sống mà không phát
điên trong thời hạn hai năm, tức bảy trăm ba mươi ngày. Hắn có bổn phận cải
chính cái biệt hiệu "ăn thịt người" của nhà giám cấm cố này. Một,
hai, ba, bốn, năm quay đằng sau. Một hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau. Tên lính
gác vừa đi qua trên nóc tường trước mặt tôi. Tôi không nghe thấy tiếng chân hắn
đến, tôi chỉ trông thấy hắn. Tách. Đèn bật lên, nhưng rất cao, treo mãi tận mái
trên, cách mặt đất hơn sáu mét. Lối đi tuần được chiếu sáng, các buồng giam vẫn
chìm trong bóng tối.
Tôi đi
đi lại lại, cái quả lắc lại đung đưa. Hãy ngủ yên, hỡi mấy miếng phó-mát của
hội đồng bồi thẩm đã xử tôi, các người hãy ngủ yên, vì tôi tin rằng nếu hồi ấy
các người biết các người sẽ đưa tôi đến chỗ nào, các người sẽ thấy ghê tởm và
sẽ không chịu làm những kẻ đồng lõa với việc thi hành một hình phạt như vậy.
Khó lòng thoát khỏi tình trạng đi lang thang của trí tưởng tượng. Hầu như không
thể nào thoát được. Tôi nghĩ nên hướng nó về những đề tài không đến nỗi buồn
nản quá thì hơn là cố xua đuổi hắn nó đi. Quả nhiên, hiệu lệnh cho phép hạ ván
nằm xuống là một tiếng còi.
Tôi nghe
thấy một giọng thô lỗ nói:
- Những
người mới đến nên biết rằng kể từ bây giờ, nếu muốn, thì có thể hạ ván xuống để
nằm. Tôi chỉ ghi nhớ hai chữ "nếu muốn". Cho nên tôi tiếp tục đi đi
lại lại, giờ phút này quá nghiêm trọng để có thể ngủ. Tôi cần phải tập cho mình
quen với cái chuồng hở phía trên này.
Một,
hai, ba, bốn, năm... tôi đã nắm vững được ngay cái tiết tấu của quả lắc; đầu
cúi xuống, hai tay chắp sau lưng khoảng cách từ bước đi phải thật đều và thật
chính xác, như một quả lắc đưa qua đưa lại, tôi đi đi lại lại và cùng tận như
một kẻ mộng du. Bước hết năm bước, tôi không cần trông thấy bức tường, áo tôi
chỉ chạm nhẹ vào nó khi quay lại cứ thế mãi không hề mệt mỏi trong cuộc đua
marathon không có đích mà cũng không cơ thời hạn chấm dứt. Phải, thật đấy Papi
ạ, cái nhà giam "ăn thịt người" không phải là trò đùa. Và khi bóng tên
lính gác hắt xuống tường, nó gây một hiệu quả thật dễ sợ. Nếu ngẩng đầu lên mà
nhìn thì còn nản hơn nữa: người ta có cảm giác mình là một con báo bị nhốt dưới
hố, còn ở phía trên là người đi săn vừa bắt được báo đang nhìn xuống để quan
sát nó. Cái ấn tượng thật là hãi hùng, và tôi phải mất đến mấy tháng trời mới
quen được.
Mỗi năm
là ba trăm sáu mươi lăm ngày; hai năm là bảy trăm ba mươi ngày, nếu không có
năm nhuận. Tôi mỉm cười vì cái ý này. Anh ạ, dù có là bảy trăm ba mươi mốt thì
cũng thế thôi. Tại sao lại cũng thế thôi? Không, không phải cũng thế thôi đâu.
Thêm một ngày là thêm hai mươi bốn giờ đồng hồ. Mà hai mươi bốn giờ đồng hồ
cũng lâu lắm. Bảy trăm ba mươi lần hai mươi bốn giờ lại còn lâu hơn nhiều. Tổng
cộng lại thì thành bao nhiêu giờ nhỉ? Liệu tôi có đủ sức tính nhẩm ra con số đó
không? Làm thế nào tính nhẩm được, chịu thôi. Sao lại chịu? Tính được chứ. Xem
nào. Một trăm ngày là hai ngàn bốn trăm giờ. Nhân cho bảy rất dễ trước hết ta
có mười sáu ngàn tám trăm giờ. Rồi ta nhân ba mươi ngày còn lại cho hai mươi
bốn thành bảy trăm hai mươi giờ. Tổng cộng: một vạn sáu ngàn tám trăm cộng với
bảy trăm hai mươi, vị chi là một vạn bảy ngàn năm trăm hai mươi giờ, nếu tôi
không nhầm chỗ nào. Thưa ngài Papillon thân mến, ngài có cả thảy một vạn bảy
ngàn năm trăm hai mươi giờ để mà giết trong cái chuồng được thiết kế riêng cho
thú dữ này, với bốn bức tường nhẵn nhụi của nó. Vậy chứ tôi sẽ ở đây bao nhiêu
phút nhỉ? Cái đó chẳng có chút gì thú vị, giờ thì còn được chứ phút thì nghĩa
lý gì? Ta không nên cường điệu quá. Tại sao lại không tính cả giây nữa nhỉ?
Điều đó quan trọng là phải có cái gì lấp đầy những ngày, những giờ, những phút
ấy trong khi tôi sống một mình, tự mình đối diện với mình! Ai bị giam ở buồng
bên phải nhỉ? ai ở buồng bên trái? ai ở buồng phía sau? Ba con người đó, nếu
trong các buồng giam ấy có người, chắc cũng phải tự hỏi: ai vừa vào buồng 234?
Có một
tiếng động mềm của một vật gì vừa rơi xuống ở sau lưng tôi, trên nền xà~lim.
Cái gì thế nhỉ? Phải chăng người tù kế cận đã khéo tay vứt cho tôi một vật gì
qua hai lần chấn song? Tôi cố nhìn cho ra xem đó là vật gì. Chỉ thấy mờ mờ một
cái gì nho nhỏ, dài dài. Tôi đã sắp cầm nó lên, thì cái vật mà trong bóng tối
mờ mờ tôi đoán ra được nhiều hơn là trông thấy nó, tự dưng cử động và chạy
nhanh về phía tường. Khi nó nhúc nhích, tôi bất giác giật mình lùi lại. Đến
chân tường, nó bắt đầu leo lên một quãng rồi tuột xuống đất. Bức tường nhẵn
nhụi đến nỗi vật kia không thể bám đủ chặt để leo lên. Tôi để cho nó thử leo
lên tường ba lần, rồi đến lần thứ tư, khi nó rơi xuống, tôi giẫm mạnh chân lên.
Dưới lớp giày vải tôi thấy mềm mềm. Cái gì thế nhỉ? Tôi quỳ xuống để nhìn cho
thật sát, và cuối cùng tôi đã nhìn ra được: đó là một con rết khổng lồ, dài hơn
hai mươi phân, thân rộng bằng hai ngón tay cái. Tôi thấy tởm lợm đến nỗi không
dám nhặt nó lên để bỏ vào bô. Tôi dùng chân đẩy nó vào gầm ván. Đến mai hãy xem
cho sáng.
Về sau
tôi sẽ còn đủ thì giờ trông thấy nhiều rết nữa; nó rơi từ cái mái nhà rộng ở
trên kia. Tôi sẽ phải học cách để cho nó bò trên thân thể để trần của tôi,
không bắt, cũng không động đến nó nếu tôi đang nằm. Tôi cũng sẽ có dịp biết rõ
rằng những khi nó đang bò trên người, chỉ một sai lầm nhỏ về chiến thuật thôi
cũng bắt người ta phải trả giá bằng những cơn đau đớn dữ dội đến thế nào. Một
mũi đốt của con vật kinh tởm này đủ làm cho anh sốt nặng trong hơn mười hai
tiếng đồng hồ và làm cho đau nhức khủng khiếp trong gần sáu tiếng đồng hồ. Dù
sao chăng nữa nó vẫn có thể được dùng như một phương tiện giải trí, một lối
thoát cho những ý nghĩ của tôi. Về sau mỗi khi có một con rết rơi xuống trong
khi tôi đang thức, tôi thường lấy cái chổi con trêu chọc nó, vật lên vật xuống
thật lâu, hoặc bày trò chơi với nó bằng cách để cho nó chạy đi nấp và một lát
sau tôi tìm cách phát hiện ra nó. Một, hai, ba, bốn, năm... Xung quanh im lặng
hoàn toàn.
Ở đây
không ai ngáy thì phải? Không ai ho hay sao? Trời nóng nực đến ngạt thở. Thế mà
bây giờ đang là ban đêm! Còn ban ngày thì phải nóng đến thế nào nữa? Số tôi là
phải sống với rết hay sao ấy. Khi nước thủy triều lên ngập cái buồng giam ở
Santa Marta, rết vào từng mớ, nó nhỏ hơn nhưng cũng là cùng một dòng họ với lũ
rết ở đây. Ở Santa Marta quả tình ngày nào cũng bị ngập lụt, nhưng người ta
được nói, được hét, được nghe tiếng hát hoặc tiếng hú và nghe những câu nói lảm
nhảm của những người điên tạm thời hay vĩnh viễn. Chẳng phải như thế này. Nếu
được chọn tôi sẽ chọn Santa Marta. Chà, anh nói thế là phi lô-gích mất rồi,
Papi ạ. Ở đấy, mọi người đều nhất trí nói rằng thời hạn tối đa mà một con người
có thể chịu đựng được là sáu tháng. Thế mà ở đây có nhiều người phải giam đến
bốn năm năm hoặc hơn nữa. Người ta bắt họ phải chịu đựng như vậy là là một
chuyện; còn họ có chịu đựng được không lại là chuyện khác.
Có bao
nhiêu người tự tử. Tôi cũng chẳng biết người ta làm cách gì để tự tử nữa, à
cũng có cách. Chẳng dễ gì đâu, nhưng người ta có thể tự tử bằng cách thắt cổ
chẳng hạn. Người ta xé quần ra làm một sợi dây. Buộc cái chổi con vào một đầu
dây rồi leo lên tấm ván, người ta có thể ném sợi dây qua chấn song. Nếu buộc
dây sát vào bức tường có lối đi tuần ở phía trên, chắc tên lính gác sẽ không
trông thấy sợi dây. Đúng vào lúc hắn vừa đi qua, anh cứ việc nhảy ra khỏi tấm
ván và lủng lẳng trên không. Khi tên lính gác quay lại thì anh đã đi rồi. Vả
chăng chắc hắn cũng chẳng vội vàng gì mà chạy nhanh xuống mở buồng giam cho
anh. Mở cửa buồng ư ? Hắn không thể mở được. Trên cánh cửa đã có đề: "Cấm
mở cửa này nếu không có lệnh trên". Vậy thì anh đừng sợ gì hết, người nào
muốn tự tử sẽ có đủ thời gian cần thiết trước khi có người mở cửa vào buồng
giam theo "lệnh trên".
Tôi tả
lại tất cả những điều trên đây, có lẽ không lấy gì làm sinh động và lý thú đối
với những người thích nghe chuyện hành động và đánh nhau. Những người này có
thể bỏ qua mấy trang này nếu thấy chán. Tuy nhiên, những ấn tượng đầu tiên,
những ý nghĩ đầu tiên này ồ ạt đến với tôi khi tôi tiếp xúc lần đầu với cái
buồng giam mới, những phản ứng đầu tiên này khi tôi bị đưa xuống nhà mồ, tôi
nghĩ rằng tôi phải miêu tả nó một cách thật trung thành. Tôi đi đi lại lại như
thế này đã lâu lắm rồi. Tôi nghe có tiếng thầm thì trong đêm khuya: họ đổi gác.
Tên lính gác phiên trước là một gã cao lớn và khẳng khiu, tên đến thay phiên
thì lùn và mập. Hắn vừa đi vừa kéo lê đôi giày vải. Khi hắn đến cách tôi chỉ
còn hai buồng giam, tôi có thể nghe thấy tiếng giày vải hắn sột soạt và đến khi
hắn đi qua hai buồng giam mới không nghe thấy gì nữa.
Hắn
không im lặng một trăm phần trăm như thằng bạn đồng ngũ của hắn. Tôi tiếp tục
đi đi lại lại Bây giờ chắc đã khuya lắm rồi. Không biết mấy giờ rồi nhỉ? Đến
mai tôi sẽ không thiếu phương tiện để đo thời gian. Mỗi ngày cái ghi-sê phải mở
bốn lần: nhờ đó tôi sẽ đại khái biết được giờ giấc. Còn ban đêm thì nhờ biết
giờ phiên gác đầu tiên và biết thời hạn của mỗi phiên, tôi sẽ có thể sống với
một cách đo lường thời gian xác định: phiên thứ nhất, phiên thứ hai, phiên thứ
ba... Một, hai, ba, bốn, năm... Như một cái máy, tôi lại bắt đầu cuộc đi dạo vô
tận, và nhờ trợ lực của sự mệt mỏi, tôi cất cánh một cách dễ dàng để trở về lục
lọi trong dĩ vãng.
Chắc
chắn là do sự tương phản với bóng tối trong xà-lim, tôi bay ra giữa nắng ngồi
trên bãi biển của bộ lạc tôi. Chiếc thuyền mà Lali dùng để đi vớt ngọc trai
đang đung đưa cách tôi hai trăm mét trên mặt biển tuyệt vời màu xanh ngọc
thạch. Hai chân tôi di di trên cát. Zoraima đem lại cho tôi một con cá lớn
nướng trên than hồng, gói kỹ trong một tàu lá chuối cho khỏi nguội. Tôi ăn bằng
mấy ngón tay, dĩ nhiên, còn Zoraima thì ngồi xếp bằng trước mặt tôi nhìn tôi
ăn. Cô ta rất vui mừng khi thấy những mảng thịt to tách ra khỏi con cá một cách
dễ dàng và đọc thấy trên gương mặt tôi vẻ khoái trá trong khi ăn cái món ngon
lành mà cô đã dọn cho tôi.
Tôi
không còn bị nhốt nữa. Tôi không hề biết đến Nhà giam cấm cố, Saint-Joseph,
Quần đảo gì nữa. Tôi lăn lóc trên cát, vục hai tay vào lớp cát cho sạch, lớp
cát làm bằng những mảnh vụn san hô mịn đến nỗi tôi có cảm giác như vục tay vào
bột. Rồi tôi lội xuống biển để súc miệng bằng thứ nước trong vắt và mặn chát
ấy. Tôi lấy hai tay múc nước phả lên mặt. Trong khi rửa cổ tôi nhận ra rằng tóc
tôi đã dài lắm. Khi nào Lali về tôi sẽ bảo nàng cạo cổ cho tôi.
Tôi qua
đêm với bộ lạc của tôi. Tôi mở cái khố của Zoraima, và trên cát, giữa nắng,
dưới làn gió biển, tôi chiếm hữu nàng. Nàng khẽ cất những tiếng rên si mê như
nàng vẫn làm những khi nàng thấy khoái lạc. Có lẽ gió đưa đến tận tai Lali khúc
nhạc yêu đương này. Dù sao thì Lali không phải không nhìn thấy chúng tôi và
thấy cái tư thế của chúng tôi chỗ nàng có xa xôi gì đâu mà không thấy rõ chúng
tôi đang làm tình. Đúng thế, hẳn là nàng đã trông thấy, vì chiếc thuyền đang đi
về phía bờ, nàng tươi cười bước xuống đất. Trên quãng đường về nàng đã tháo các
bím tóc ra và lấy mười ngón tay thon và dài chải mái tóc ướt đang bắt đầu khô
dần trong làn gió và trong ánh nắng của cái ngày tuyệt đẹp này.
Tôi đi
về phía nàng. Nàng lấy tay phải quàng lưng tôi và đẩy tôi đi trên bãi cát về
phía nếp nhà tranh của chúng tôi. Suốt dọc đường đi, nàng không ngớt bày tỏ cho
tôi hiểu: "Cả em nữa, cả em nữa". Về đến nhà, nàng xô tôi xuống một
chiếc võng len đã gấp lại trải xuống đất làm đệm, và trong nàng, tôi quên rằng
thế giới tồn tại. Zoraima rất thông minh, nàng chỉ về khi ước chừng chúng tôi
đã xong. Nàng vào nhà khi chúng tôi hãy còn nằm trần truồng trên đệm, thỏa mãn
no nê vì ái ân. Nàng đến ngồi với chúng tôi, lấy lòng bàn tay vả vả lên hai má
của chị, miệng nhắc đi nhắc lại mấy tiếng gì chắc chắn phải có nghĩa đại khái
là "đồ tham ăn". Rồi với một cử chỉ trinh bạch và đầy tình trìu mến,
nàng sứa lại cái khố của tôi và cái của Lali cho ngay ngắn.
Suốt đêm
hôm ấy tôi đã sống ở Guajira. Tôi tuyệt nhiên không ngủ một chút nào. Thậm chí
tôi cũng không nằm xuống để nhắm mắt lại mà hồi tưởng những cảnh đã sống qua.
Ngay trong khi đi đi lại lại không ngừng trong một trạng thái gần như thôi
miên, không cần phải vận dụng ý chí một chút nào, tôi đã vượt qua không gian và
thời gian để trở về sống lại cái ngày đẹp tuyệt vời đã qua cách đây gần sáu
tháng. Đèn đã tắt, và có thể thấy rõ ngày mới đang tràn vào bóng tranh tối
tranh sáng của căn xà-lim, xua tan thứ sương mù lềnh bềnh đang bao bọc mọi vật
xung quanh tôi. Một tiếng còi huýt lên. Tôi nghe tiếng những tấm ván nằm chạm
vào tường, và cả tiếng cái móc của người ở buồng bên phải chạm vào cái vòng sắt
gắn vào tường. Người ở buồng bên ho, và tôi nghe có tiếng một ít nước giội
xuống nền nhà. Sao, ở đây cũng được rứa mặt nữa à?
- Thưa
ông giám thị, ở đây rửa mặt thế nào ạ?
- Phạm
nhân, vì anh không biết cho nên tôi tha cho anh lần này. Không được nói gì với
lính gác: nếu vi phạm điều lệnh này sẽ bị phạt nặng. Muốn rửa mặt, đứng ngay
chỗ bô một tay cầm hũ nước, tay kia hứng mà rửa. Anh chưa giở chăn ra phải
không?
- Chưa.
- Trong
chăn có một cái khăn mặt.
Đến thế
thì thật! Không được phép nói với lính gác vì bất cứ lý do gì? Thế nếu mắc phải
chứng gì đau quá thì sao? Nếu sắp chết đến nơi: một cơn đau tim, đau ruột thừa,
một cơn suyễn quá mạnh, thì sao? Chẳng lẽ ở đây cấm cả việc kêu cứu khi lâm vào
một tình cảnh nguy hiểm chết người? Vô nhân đạo đến thế là cùng? Nhưng không,
như thế là bình thường. Nếu không, tù nhân có thể quấy phá, làm ầm ĩ lên một
cách quá dễ dàng khi thần kinh không chịu nổi nữa. Dù chỉ để nghe tiếng người,
dù chỉ để người ta nói với mình một câu, dù câu đó chỉ là: "Chết thì chết
đi, nhưng phải câm mồm lại!".
Cũng sẽ
có vài chục người trong số hai trăm năm mươi tù nhân bị giam ở đây, mỗi ngày
vài chục lần, bày chuyện gây ra bất cứ cuộc cãi vã nào để cho thoát bớt sức hơi
ép trong óc họ như qua một cái xúp-páp! Người đã có cái ý xây những chuồng cọp
này không thể là một bác sĩ tâm bệnh học được: một người thầy thuốc không đời
nào lại tự hạ mình làm một việc nhơ nhuốc đến như vậy. Nội quy của nhà giam này
cũng không phải do một bác sĩ thảo ra. Nhưng hai con người đã cùng nhau tạo nên
cái nhà tù này, người kiến trúc sư cũng như người viên chức đã dự tính một cách
chi li những chi tiết của nhà tù, họ quả thật là hai con quái vật đáng ghê tởm,
hai nhà tâm lý học tồi bại và độc ác tràn đầy một lòng căm thù xa đích đối với
các phạm nhân.
Từ những
căn buồng giam của khám trung tâm ở Beaulieu, ở Canen tuy sâu như vậy, hai tầng
hầm phía dưới mặt đất, vẫn còn có thể vọng ra ngoài, đến tai công chúng, những
tiếng vang xa xăm của những cực hình mà các phạm nhân phải chịu đựng. Chứng cớ
là hồi ấy, khi người ta tháo khóa tay cho tôi tôi đã thấy rõ ràng vẻ sợ hãi
trên mặt bọn lính gác: chắc chắn là họ sợ bị phiền hà, bị trừng trị. Nhưng ở
đây, trong nhà giam cấm cố này, nơi mà chỉ có bọn viên chức trong ban quản trị
mới vào được, họ rất yên tâm họ không bao giờ có thể bị phiền hà gì hết. Clac,
clac, clac, clac, - người ta mở tất cả các ghi-sê. Tôi đến cạnh ghi-sê của tôi,
đánh liều dòm ra ngoài, rồi tôi thò đầu ra một chút, và sau đó thò hết cả cái
đầu ra ngoài hành lang. Bên phải cũng như bên trái tôi đều trông thấy cả một
dãy đầu thò ra. Tôi hiểu ngay ràng hễ ghi-sê được mở thì mọi người đều lập tức
thò đầu ra ngoài.
Người
bên phải nhìn tôi mà mắt tuyệt nhiên không biểu hiện một cảm nghĩ gì. Chắc đã
đờ đẫn đi vì thói thủ dâm. Hắn xanh xao phờ phạc, mặt phì ra, gương mặt đần
độn, u mê. Người bên trái hỏi tôi rất nhanh: "Bao nhiêu?"
- Hai
năm.
- Tớ
bốn. Mới được một. Tên gì?
-
Papillon.
- Tớ,
Georges, Jojo l' Auvergnat. Cậu bị ở đâu?
- Paris,
còn cậu?
Người
kia chưa kịp trả lời: suất cà-phê và ổ bánh mì tròn đã được đưa đến cách đấy
hai buồng. Hắn thụt đầu vào. Tôi cũng làm như thế. Tôi giơ cái ca ra. Họ rót
cà-phê vào rồi đưa một ổ bánh mì tròn. Vì tôi đưa tay ra đón ổ bánh mì hơi
chậm, khi cửa ghi-sê sụp xuống thì ổ bánh mì của tôi lăn xuống đất.
Không
đầy mười lăm phút sau im lặng đã trở lại. Chắc mỗi hành lang phải có một tốp đi
phát bữa sáng, chứ không thì không thể nhanh như vậy. Đến giữa trưa có món xúp
bỏ một miếng thịt hầm. Buổi chiều, một đĩa đậu ván xào. Cái thực đơn ấy trong
suốt hai năm chỉ thay đổi trong bữa ăn chiều: đậu ván, đậu đỏ, đậu chiên, đậu
đũa, đậu trắng và cơm xào. Bữa trưa thì lúc nào cũng chỉ có thế. Cứ mười lăm
ngày một lần, chúng tôi thò đầu ra ngoài ghi-sê, và một người tù khổ sai dùng
một cái tông- đơ răng dày của thợ cắt tóc để cắt râu cho chúng tôi
Tôi ở
đây đã được ba ngày. Có một điều làm cho tôi bận tâm. Ở đảo Royale, các bạn tôi
có nói là sẽ gửi thuốc lá và thức ăn cho tôi. Tôi chưa nhận được thứ gì, vả lại
tôi cũng băn khoăn không hiểu nổi họ làm thế nào để có thể thực hiện dược một
việc thần kỳ như vậy. Cho nên tôi không lấy làm lạ khi không thấy có gì gửi
đến. Hút thuốc lá chắc phải rất nguy hiểm, và dù sao đó cũng là thứ xa xỉ. Ăn
thì hẳn là chuyện sống còn, vì xoong xúp trong bữa ăn trưa chỉ là một ít nước
nóng lều bều vài nhúm rau xanh và một miếng thịt hầm chỉ độ một trăm gam. Buổi
chiều chỉ có một đĩa đựng nước xào sền sệt, lưa thưa mấy hạt đậu hay mấy thứ
rau quả khô.
Nói
thật, tôi không nghi ngờ ban quản trị cho tù ăn kém bằng nghi ngờ bọn tù nhân
chuyên việc nấu ăn hay phân phát thức ăn. Tôi nảy ra cái ý này trong bữa chiều,
khi một người tù quê ở Marseille bắt đầu vào đưa thức ăn. Cái muôi của anh ta
vục xuống tận đáy thùng, cho nên trong suất của tôi đậu bao giờ cũng nhiều hơn
nước. Nếu những người khác đưa bữa ăn chiều thì ngược lại họ chỉ hớt phía trên
sau khi ngoáy ngoáy cái muôi một chút. Do đó nhiều nước mà ít đậu. Tình trạng
thiếu dinh dưỡng này cực kỳ nguy hiểm. Muốn có đủ sức mạnh tinh thần để giữ
vững ý chí, cần phải có ít nhiều sức mạnh thể chất.
Lúc này
người ta đang quét ngoài hành lang. Tôi có cảm giác là người ta quét ở trước
buồng giam của tôi hơi lâu quá. Tiếng chổi quẹt mãi vào cánh cửa buồng tôi một
cách không bình thường. Tôi nhìn kỹ thì thấy một mẩu giấy trắng thò ra ở phía
dưới cánh cửa. Tôi hiểu ngay rằng người ta đã tuồn một cái gì dưới cánh cửa
nhưng không thể tuồn vào sâu hơn được. Người ta đợi cho tôi rút mẩu giấy vào
rồi mới quét sang chỗ khác. Tôi mở mẩu giấy ra. Có mấy dòng chữ viết bằng mực
dạ quang. Tôi đợi cho tên lính gác đi quá rồi đọc vội: "Papi, kể từ mai
trong bô của anh mỗi ngày sẽ có năm điếu thuốc lá và một quả dừa. Khi ăn dừa
phải nhai thật kỹ thì mới bổ. Nhớ nuốt cả bã. Hút thuốc vào buổi sáng khi họ đổ
bô. Không bao giờ được hút sau bữa cà-phê sáng, phải hút trong bữa ăn trưa ngay
sau khi ăn, và buổi chiều cũng vậy. Kèm theo đây có một mẩu ruột bút chì. Mỗi
khi cần dùng thứ gì, cứ viết vào mẩu giấy kèm theo đây, khi người quét hành
lang quệt chổi vào cánh cửa, hãy dùng ngón tay cào vào cửa. Nếu người kia cũng
cào lại thì tuồn mẩu giấy ra. Đừng bao giờ tuồn mẩu giấy trước khi hắn cào lại
để trả lời anh. Hãy để mẩu giấy vào tai để khỏi rút plan ra, còn mẩu ruột bút
chì thì có thể để bất cứ chỗ nào ở chân tường. Can đảm lên. Các bạn hôn anh.
Ignace, Louis".
Người
gửi cho tôi bức thông điệp này là Galgani và Dega. Tôi thấy nghẹn ngào ở cổ và
một hơi ấm tràn đầy trong ngực; có được những người bạn trung thành, tận tụy
như vậy thật là ấm áp. Và bước đi của tôi: một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau
quay, càng thêm vững vàng và nhanh nhẹn, với một mềm tin lớn hơn vào tương lai,
một niềm tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ còn sống cho đến khi ra khỏi cái phần
mộ này. Và tôi vừa đi vừa nghĩ: trong hai con người ấy có bao nhiêu là tình cảm
cao thượng, có biết bao nhiêu ý chí muốn làm điều tốt. Chắc chắn là họ đã tự
đặt mình vào một tình thế rất nguy hiểm: một người có thể mất chân kế toán,
người kia mất chân liên lạc. Việc họ đang làm để giúp tôi thật là vĩ đại, chưa
kể là họ phải tốn biết bao nhiêu tiền mới làm được như thế. Họ đã phải mua biết
bao nhiêu người để với tay đến tận buồng giam của tôi trên cái đảo Royale
"ăn thịt người".
Bạn đọc
cần hiểu rõ rằng một quả dừa khô chứa rất nhiều dầu trong cái cùi dòn và trắng
của nó, chỉ cần nạo sáu quả dừa ngâm vào nước nóng thì một ngày sau trên mặt
nước có thể vớt được một lít dầu. Thứ dầu này là một chất béo mà với chế độ ăn
của chúng tôi người ta rất cần, nó chứa nhiều thứ sinh tố. Mỗi ngày một cái cùi
dừa là gần đủ bảo đảm cho sức khỏe. ít nhất người ta cũng không thể lâm vào
tình trạng mất nước, cũng không thể chết vì suy dinh dưỡng. Đã hai tháng ròng
tôi nhận được tiếp tế về thức ăn và thuốc hút mà không xảy ra chuyện gì cả. Mỗi
lần hút thuốc tôi đều đề phòng cẩn thận như người Sioux: tôi nuốt khói vào thật
sâu rồi nhả ra từ từ, vừa nhả vừa xòe bàn tay phải ra như cái quạt để xua cho
khói tan đi.
Hôm qua
vừa xảy ra một chuyện hơi lạ. Tôi không biết là tôi đã hành động đúng hay sai.
Một tên lính gác đi trên đường tuần tra đã chống tay vào thanh vịn nhìn xuống
buồng giam tôi. Hắn châm một điếu thuốc, hút vài hơi rồi để nó rơi xuống buồng
giam tôi. Sau đó hắn lại đi tuần. Tôi đợi cho hắn trở lại rồi lấy chân chà lên
điếu thuốc, sao cho hắn có thể trông thấy rõ. Bước hắn đi hơi ngưng lại một
chút, nhưng không lâu: khi đã thấy rõ cử chỉ vừa rồi của tôi, hắn lại đi ngaỵ
Có phải hắn thương hại tôi, hay thấy xấu hổ cho cái ban quản trị của hắn? Hay
đây chỉ là một cái bẫy? Tôi không biết cho nên rất băn khoăn. Khi người ta khổ,
người ta trở nên hết sức nhạy cảm. Nếu tên giám thị vừa rồi đã có ý muốn làm
một người tốt bụng dù cái ý ấy chỉ được một vài giây, tôi cũng rất lấy làm tiếc
vì đã làm hắn phiền lòng với cái cử chỉ khinh miệt của tôi.
Tôi ở
đây thế là đã hơn hai tháng. Cái nhà giam cấm cố này là nhà giam duy nhất mà
theo tôi trong đó không có gì có thể học được. Vì không thể có một cách dàn xếp
nào hết. Tôi đã luyện tập được rất kỹ cái khả năng phân thân. Tôi có một chiến
thuật có hiệu quả chắc chắn. Để đi lang thang giữa các vì sao với một cảm giác
hiện thực thật cao,để dễ dàng thấy hiện ra những thời đoạn khác nhau trong dĩ
vãng của cuộc đời giang hồ phiêu bạt của tôi hay của thời thơ ấu, hoặc giả để
xây những tòa lâu đài ở Tây Ban Nha hiện rõ y như thật, lúc đầu tôi đã phải tốn
rất nhiều sức. Tôi phải đi đi lại lại không ngớt mấy giờ đồng hồ liền, không
ngồi xuống, không dừng lại, vừa đi vừa nghĩ bình thường về bất cứ vấn đề gì.
Rồi đến khi thật mệt mỏi tôi mới nằm lên tấm ván, gối đầu lên một nữa tấm chăn,
còn nửa kia thì đắp lên mặt. Bấy giờ làn không khí đã thưa thớt của phòng giam
đi vào miệng tôi và mũi tôi một cách khó khăn vì bị tấm chăn lọc một lần nữa.
Điều đó nhằm gây ra trong phổi tôi một tình trạng gần như ngạt thở khiến đầu
tôi thấy nhức và nóng. Trong trạng thái thiếu không khí và ngột ngạt vì nóng
bức, tôi đột ngột thấy mình bay bổng lên.
Ôi?
Những cuộc phi hành của linh hồn ấy đã đem lại cho tôi bao nhiêu là cảm giác
khôn tả. Tôi đã có được những đêm ân ái mà cảm giác còn mạnh hơn cả khi tôi
được tự do, say sưa hơn, có sức chấn động hơn những cảm giác thật của những đêm
ân ái mà tôi đã thực sự trải qua. Phải, cái khả năng du hành trong không gian
ấy cho phép tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, người đã chết cách đây mười bảy năm. Tôi
mân mê tà áo của người, và người vuốt ve những móc tóc quăn của tôi mà người
bắt để rất dài hồi tôi mới năm tuổi, làm như thể tôi là con gái. Tôi vuốt ve
mấy ngón tay thon và dài, da mịn như tơ. Người cùng cười với tôi khi thấy nảy ra
cái ý muốn gan góc được lao xuống sông như tôi đã thấy những cậu con trai lớn
tuổi hơn làm, vào một ngày hai mẹ con đi dạo với nhau. Những chi tiết nhỏ nhặt
nhất trong cách chải tóc của người, niềm thương mến có sức tỏa hào quang của
đôi mắt sáng lóng lánh của người, những lời lẽ dịu dàng khó quên của người:
"Riri bé bỏng của mẹ, con hãy ngoan, thật ngoan nhé, để mẹ con thương con
thật nhiều, ít nữa rồi con cũng sẽ nhảy được xuống nước từ rất cao, rất cao.
Còn bây giờ thì con còn bé quá, cục vàng của mẹ ạ. Ngày ấy sẽ đến rất nhanh,
quá nhanh nữa là khác, cái ngày mà con sẽ thành một chàng trai to khỏe".
Và mẹ tôi dắt tay tôi đi dọc bờ sông về nhà.
Tôi thực
sự đang sống trong ngôi nhà của thời thơ ấu của tôi. Thực sự đến nỗi tôi đưa
hai tay bịt mắt mẹ tôi để người không đọc được nốt nhạc nhưng vẫn tiếp tục chơi
piano cho tôi nghe. Tôi đang ở nhà thật chứ không phải tưởng tượng. Tôi đang ở
nhà với mẹ, tôi leo lên một chiếc ghế tựa đặt ở phía sau chiếc ghế quay mẹ tôi
đang ngồi, và tôi đưa hai bàn tay nhỏ bé lên bịt mắt mẹ tôi thật mạnh, để cho
đôi mắt to và hiền của người đừng trông thấy gì. Mấy ngón tay thon nhẹ của
người vẫn tiếp tục lướt trên các phím đàn đánh cho tôi nghe bài Nàng quả phụ
vui tươi cho đến hết. Dù là tên công tố viên vô nhân đạo, hay là những tên cảnh
sát mà sự lương thiện đáng cho người ta ngờ vực, hay là Polein, tên khốn kiếp
đã chịu mặc cả để mua lấy tự do bằng một lời khai gian dối, hay là mười hai
miếng phó-mát đã ngu xuẩn theo đuôi bản cáo trạng và cách thuyết minh sự việc
của bên nguyên, hay là những tên lính gác ở nhà giam cấm cố, những cộng tác
viên xứng đáng của cái ngục "ăn thịt người", không có ai, tuyệt đối
không có ai, và cũng không có cái gì, kể cả những bức tường dày và cái khoảng
cách xa xôi của hòn đảo mất hút giữa Đại tây dương này, tuyệt nhiên không có
một cái gì thuộc phạm trù tinh thần hay vật chất có thể ngăn cản nổi những cuộc
du hành nhuộm màu hồng tuyệt vời của hạnh phúc khi tôi cất cánh bay bổng lên
các vì sao.
Tôi đã
sai lầm: khi tính thời gian phải một mình đối diện với bản thân, tôi chỉ nói
đến thời gian bằng đơn vị giờ. Đó là một sai lầm. Có những lúc phải đo thời
gian bằng đơn vị phút. Chằng hạn, sau buổi phân phát cà-phê và bánh mì là giờ
đổ bô - sau đó khoảng một tiếng đồng hồ. Khi người ta trả cái bô sạch tôi sẽ
nhận được quả dừa, năm điếu thuốc lá và đôi khi cả một mảnh giấy viết chữ lân
tinh. Những lúc ấy - không phải bao giờ cũng thế, nhưng rất nhiều khi như thế -
tôi đếm từng phút một. Làm như thế cũng khá dễ dàng vì tôi điều chỉnh thân thể
tôi thành một quả lắc, cứ năm bước, lúc quay trở lại, tôi nhẩm đếm: một. Đếm
đến mười hai thì được một phút. Có điều là xin các bạn chớ tưởng rằng tôi lo
lắng muốn biết rồi mình có được ăn cái cùi dừa, vốn chính là sự sống của tôi,
có được hưởng cái thú vô biên là đang ở trong cái hầm mộ này mà lại được hút
thuốc mười lần trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ (vì mỗi điếu thuốc lá tôi hút
làm hai lần) hay không.
Không
phải thế; vào giờ nhận cà phê, và tuy không có lý do gì đặc biệt, tôi cũng sợ
rằng có một việc gì đã xảy ra với những người đang hy sinh sự yên tĩnh của mình
để giúp tôi một cách hào phóng như vậy. Cho nên tôi chờ đợi, và đến khi trông
thấy quả dừa tôi mới thở phào yên tâm. Quả dừa có đó, như thế có nghĩa là họ
vân yên ổn. Chầm chậm, rất chậm, những giờ, những ngày, những tuần, những tháng
trôi qua. Rồi đến một lúc nào đó, tỉnh lại thấy mình đã ở đây được gần một năm.
Đúng mười một tháng và hai mươi ngày tôi chưa được nói chuyện với ai hơn bốn
mươi giây, mà cũng chỉ nói nhát gừng, và nói thầm thì, chứ không thành tiếng.
Tuy vậy có một hôm tôi cũng đã dự một cuộc đối thoại to tiếng.
Hôm ấy
tôi bị cảm và ho nhiều. Nghĩ rằng như vậy cũng đủ để xin đi khám, tôi liền báo
cáo ốm. Bác sĩ đã đến. Trước sự kinh ngạc của tôi, cái ghi-sê mở ra. Trong cái
khung hẹp ấy thấy hiện ra một cái đầu
- Anh
làm sao? Anh đau gì? Phế quản à? Quay lưng lại. Ho đi.
Kìa, sao
lạ thế nhỉ. Người ta đùa chăng? Thế nhưng đó lại là sự thật một trăm phần trăm.
Một ông thầy thuốc xứ thuộc địa đã đến chẩn bệnh qua một cái ghi-sê, bảo tôi
quay lưng lại đứng cách cánh cửa một mét, và ghé tai vào lỗ để nghe phổi tôi.
Rồi ông ta lại nói: "Thò tay ra. Tôi toan làm theo như cái máy, thì do một
thứ tự trọng nào đấy, tôi nói với cái ông thầy thuốc quái dị này: "Cám ơn
bác sĩ, phiền bác sĩ quá nhỉ. Thôi không cần. Chẳng ích gì đâu. ít nhất tôi
cũng có đủ bản lĩnh để tỏ ra cho hắn hiểu rằng tôi không tưởng lầm là cái kiểu
chẩn bệnh của hắn có chút gì nghiêm chỉnh.
- Tùy
anh, - hắn đã có đủ vô liêm sỉ để trả lời như vậy. Rồi bỏ đi.
Cũng
may, vì chỉ chút nữa tôi đã nổ tung ra vì phẫn nô...
Một,
hai, ba, bốn, năm, đằng sau quaỵ Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quaỵ Tôi đi
đi lại lại, đi đi lại lại mãi, không mỏi mệt, không dừng lại, và hôm nay tôi đi
đi lại lại một cách giận dữ, hai chân tôi căng thẳng chứ không buông lơi một
cách thư thái như thường lệ. Dường như sau sự việc vừa xảy ra, tôi cần phải xéo
nát một cái gì. Chân tôi thì có thể giẫm lên cái gì? Dưới chân tôi chỉ có
xi-măng. Không, tôi giẫm lên rất nhiều thứ trong khi đi như vậy. Tôi giẫm lên
sự hèn hạ của tên bác sĩ đã cam tâm chịu chiều theo ý Ban Quản trị để làm những
việc tởm lợm như vậy. Tôi giẫm lên thái độ dửng dưng của một tầng lớp người
trước sự đau khổ của một tầng lớp người khác. Tôi giẫm lên sự ngu dốt của dân
tộc Pháp không hề quan tâm, không hề tò mò muốn biết những đồng bào của họ cứ
hai năm lại được lùa lên tàu như những bầy gia súc qua Saint- Martin de Ré là
để đi đến đâu và được đối xử như thế nào.
Tôi giẫm
lên các phóng viên của các báo chí cánh tả, sau khi viết những bài báo chua
ngoa về một con người đã phạm tội nào đấy thì chỉ mấy tháng sau là đã không còn
nhớ rằng trên đời có một người như thế. Tôi giẫm lên bọn linh mục công giáo đã
nghe các phạm nhân xưng tội, biết rất rõ những gì đang diễn ra ở trại khổ sai
của Pháp mà vẫn im hơi lặng tiếng. Tôi giẫm lên một hệ thống xử án biến việc
cân nhắc công bằng thành một cuộc đấu khẩu giữa kẻ buộc bội và kẻ bào chữa. Tôi
giẫm lên tổ chức Liên minh Nhân quyền và Dân quyền không hề lên tiếng để nói:
Hãy chặn đứng cái máy chém khô của các người lại, hãy hủy diệt cái tâm lý xa-
đích tập thể đang hoành hành trong giới viên chức Hành chính. Tôi giẫm lên cái
tình trạng tệ mạt là không có một tổ chức hay hiệp hội nào chất vấn những kẻ có
trách nhiệm về hệ thống xử án này để hỏi họ xem tại sao và làm thế nào mà trại
khổ sai cứ hai năm lại chết mất tám mươi phần trăm dân số của nó. Tôi giẫm lên
những tờ giấy báo tử của tổ chức y tế nhà nước: tự tử, suy dinh dưỡng, suy
nhược toàn thân, hoại huyết, ho lao, điên loạn, dở hơi. Tôi còn biết tôi đang
giẫm lên những gì nữa? Nhưng dù sao, sau sự việc đã xảy ra, tôi không còn đi
bình thường nữa, cứ mỗi bước tôi lại xéo nát một cái gì. Một, hai, ba, bốn,
năm,... và những giờ phút chảy qua chầm chậm làm cho cuộc nổi loạn thầm lặng
của tôi lắng dần vì mệt mỏi.
Còn mười
ngày nữa tôi sẽ qua được một nửa thời hạn cấm cố. Đây quả là một kỷ niệm rất
đáng ăn mừng, vì nếu không kể cái bệnh cảm khá nặng kia, sức khỏe tôi vẫn tốt.
Tôi vẫn không điên, mà cũng chưa bước vào quá trình trở thành điên. Tôi tin
chắc, thậm chí chắc một trăm phần trăm là sẽ ra khỏi chốn này khỏe mạnh về thể
chất và tinh thần khi cái năm đang sắp bắt đầu sẽ hết. Tôi sực tỉnh vì ngoài
kia có tiếng nói rì rầm.
- Hắn đã
chết khô từ bao giờ ấy. Durand ạ. Sao, ban nãy anh không nhận thấy à?
- Thưa
sếp tôi không biết ạ. Vì hắn treo cổ trong góc tường phía lối đi tuần cho nên
tôi đi qua nhiều lần mà không trông thấy.
- Cái đó
không quan trọng, nhưng phải thú nhận rằng anh không trông thấy hắn là phi
lô-gíc.
Người bị
giam ở buồng bên trái đã tự tử.
Đó là
điều mà tôi đã hiểu ra, họ đến khiêng hắn đi. Cánh cửa khép lại. Nội quy đã
được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh vì cánh cửa ấy đã được mở ra và đóng lại
trước mắt một "cấp trên" là viên giám đốc của nhà giam cấm cố mà tôi
đã nhận ra giọng nói. Đó là người thứ năm đã chết trong các buồng giam ở quanh
tôi trong vòng mười tuần. Ngày kỷ niệm một năm cấm cố đã đến. Trong cái bô tôi
thấy có một hộp sữa đặc Nestlé. Đó là một cử chỉ điên rồ của các bạn tôi. Họ đã
tìm mua hộp sữa này với một giá đắt không thể tưởng tượng nổi và đã liều lĩnh
gửi nó cho tôi. Dù sao tôi cũng đã có được một ngày đắc thắng trước sự tàn nhẫn
của số phận. Cho nên tôi tự hứa là không bay đi đâu cả. Tôi đang ở nhà giam cấm
cố. Một năm đã qua từ khi tôi đến đây, thế mà tôi vẫn tự cảm thấy đủ sức để lên
đường vượt ngục ngày mai nếu có cơ hội. Bản tổng kết như vậy là tích cực, và
tôi tự hào về nó.
Thông
qua người quét hành lang buổi trưa, tôi nhận được mấy chữ của các bạn (đó là
một việc khác thường): "Can đảm lên. Chỉ còn một năm nứa thôi. chúng tôi
biết cậu vẫn khỏe. Chúng tôi cũng bình thường, yên ổn. Chúng tôi hôn cậu.
Louis, Ignace. Nếu tiện, cậu gửi cho chúng tôi mấy chữ, đưa ngay cho người đã
trao cậu mảnh giấy này". Trên mảnh giấy trắng gửi kèm theo bức thư tôi
viết: "Cám ơn về tất cả. Tôi khỏe mạnh, và nhờ các cậu tôi hy vọng vẫn sẽ
như thế này sau một năm. Có thể cho tôi biết tin Clousiot, Maturette
không?" Quả nhiên một lúc sau người quét hành lang trở lại, cào vào cửa
tôi. Tội vội vàng nhét mảnh giấy dưới cửa, nó biến ngaỵ Suốt ngày hôm ấy và một
phần đêm ấy, tôi ở lại trên mặt đất, trong cái trạng thái mà tôi đã mấy lần tự
hứa là sẽ giữ. Một năm nữa tôi sẽ được đưa về một trong hai đảo. Royale hay
Saint-Joseph? Tôi sẽ nói chuyện, hút thuốc đến đã đời thì thôi, và lập tức sẽ
chuẩn bị vượt ngục.
Hôm sau
tôi bước vào ngày thứ nhất trong số ba trăm sáu mươi lăm ngày còn lại, lòng
vững tin vào số phận của mình. Tám tháng tiếp theo, mọi sự đã trôi qua đúng như
tôi dự kiến. Nhưng đến tháng thứ chín thì tình hình trở nên nghiêm trọng. Sáng
hôm ấy, đến giờ để bô, người đưa dừa bị bắt quả tang vào lúc đẩy cái bô vào
buồng tôi, trong đó đã để sẵn quả dừa và năm điếu thuốc lá. Việc vừa xảy ra
nghiêm trọng đến nỗi trong mấy phút đồng hồ họ đã quên mất quy chế im lặng
tuyệt đối.Tiếng người ta đấm đá người tù khốn khổ kia nghe rất rõ. Sau đó là
tiếng rên khò khè của một người đã bị đánh một dòn chí mạng. Cái ghi-sê của tôi
mở ra và một cái mặt lính gác đỏ bừng quát vào buồng: "Còn mày nữa, hãy
đợi đấy!"
- Tao
sẵn sàng đợi mày, thằng chó đẻ! - Tôi trả lời thần kinh căng thắng đến tột độ
vì đã phải ngồi im nghe chúng nó đánh dập người tù khốn khổ kia.
Việc ấy
đã xảy ra lúc bảy giờ. Đến mười một giờ, một phái đoàn do viên phó chỉ huy nhà
giam cấm cố đứng đầu đến buồng tôi. Người ta mở cánh cửa đã đóng lại sau lưng
tôi cách đây hai mươi tháng và từ đó chưa bao giờ được mở ra. Tôi đang đứng ở
cuối buồng giam, tay cầm cái ca, giữ thế thủ, quyết tâm đánh trả đến cung, vì
hai lẽ: thứ nhất là để cho bọn lính gác khi đánh tôi sẽ được trừng trị đích
đáng, thứ hai là đế chúng nó đánh tôi chết thật nhanh. Nhưng mãi chẳng thấy
chúng làm gì cả, viên phó chỉ huy nói:
- Phạm
nhân, bước ra.
- Nếu
các anh bảo tôi ra để đánh tôi thì hãy coi chừng: tôi sẽ đánh lại. Mà tôi chẳng
dại gì ra để bị đánh từ bốn phía. Tôi cứ đứng đây, hễ đứa nào động vào tôi, tôi
sẽ cho đi đời ngay.
-
Charrière, người ta sẽ không đánh anh đâu.
- Ai bảo
đảm điều đó?
- Tôi,
phó chỉ huy nhà giam.
- Anh có
danh dự không mà bảo đảm?
- Anh
đừng thóa mạ tôi, vô ích. Tôi lấy danh dự hứa với anh rằng anh sẽ không bị
đánh. Nào ra đi!
Tôi vẫn
cầm cái ca trong tay.
- Anh có
thể giữ cái ca, anh không phải dùng đến nó đâu.
- Được.
Tôi bước
ra, và đi giữa sáu tên giám thị cùng đi với viên phó chỉ huy, vượt qua suốt
chiều dài của hành lang.
Ra đến
sân, tôi thấy chóng mặt và chói mắt dữ dội, phải nhắm nghiền lại. Cuối cùng tôi
trông thấy cái nhà nhỏ nơi họ đã đón chúng tôi. Ở đấy có khoảng mười hai tên
giám thị. Không xô đẩy, họ đưa tôi vào phòng "quản trị". Giữa nền nhà
bê bết máu, một người tù đang nằm rên rỉ. Khi thấy cái đồng hồ treo trên tường
chỉ một giờ, tôi nghĩ: "Tội nghiệp, chúng nó tra tấn anh ta bốn tiếng đồng
hồ rồi". Viêm giám đốc đang ngồi sau bàn giấy, viên phó giám đốc ngồi
xuống cạnh hắn ta.
-
Charrière, anh nhận thức ăn và thuốc lá bao lâu rồi?
- Anh
kia đã nói cho các ông biết rồi còn gì.
- Tôi
hỏi anh ấy.
- Tôi
thì bị bệnh mất trí nhớ, hôm qua có chuyện gì tôi không thể biết được.
- Anh
giễu chúng tôi đấy à?
- Không,
việc này mà người ta không ghi vào hồ sơ của tôi thì lạ thật. Tôi bị mất trí
nhớ vì một đòn đánh vào đầu.
Viên
giám đốc nghe câu trả lời của tôi ngạc nhiên quá quay ra hỏi:
- Gọi
điện hỏi Royale xem thử trong hồ sơ có ghi gì về việc này không?
Trong
khi người ta gọi điện thoại, hắn nói tiếp:
- Anh có
nhớ mình tên là Charrière chứ?
- Cái đó
thì có. - Đoạn tôi nói tiếp thật nhanh để làm cho họ ngỡ ngàng hơn nữa, nói như
một cái máy:
- Tôi
tên là Charrière, tôi sinh năm 1906 ở tỉnh Ardèehe, bị xử án chung thân ở
Paris, quận Seine.
Ông ta
trợn mắt tròn xoe như hai hòn bi, và tôi cảm thấy mình đã làm cho viên giám đốc
lung lay thực sự.
- Sáng
nay anh vẫn được phát cà-phê và bánh mì đấy chứ?
- Vâng.
- Tối
hôm qua người cho anh ăn món đậu gì?
- Tôi
không biết.
- Thế
thì theo anh, anh không còn chút trí nhớ gì sao?
- Những
việc xảy ra thì hoàn toàn không nhớ chút gì. Mặt thì tôi nhớ. Chẳng hạn như tôi
nhớ rằng ông có tiếp tôi một lần. Vào lúc nào thì tôi không biết.
- Thế
anh không biết anh còn phải bị giam bao lâu nữa sao?
- Chung
thân mà? Hình như đến khi chết.
- Không!
Hạn giam cấm cố ấy.
- Tôi mà
bị giam cấm cố à? Vì tội gì?
- Ơ thế
thì thật quá sức! Mẹ kiếp! Anh đừng làm cho tôi nổi khùng lên. Anh dám nói rằng
anh không nhớ đã bị xử hai năm vì tội vượt ngục sao? Gớm thật!
Đến đây,
tôi hạ nốt đòn cuối cùng cho hắn gục hẳn:
- Tôi mà
lại vượt ngục à? Thưa ông chỉ huy, tôi là người nghiêm chỉnh và có trách nhiệm.
Xin ông cứ đi với tôi về buồng giam, ông sẽ rõ là tôi có vượt ngục hay không.
Vừa lúc
ấy một tên cảnh sát nói với viên chỉ huy:
- Thưa
xếp, có điện của Royale gọi.
Viên
giám đốc đến cầm máy lên: "Không ghi gì cả à? Lạ thật, hắn bảo là hắn bị
mất trí nhớ... Nguyên nhân à? Bị đánh vào đầu... hiểu rồi, hắn giả vờ. Ai mà
biết... Vâng, xin lỗi thiếu tá, tôi sẽ kiểm tra lại. Chào thiếu tá... Vâng, tôi
sẽ báo cáo lại để thiếu tá rõ".
- Đồ kép
hát, xem cái đầu nào. ừ, mà phải. Có một vết thương khá dài. Thế anh làm cách
nào mà nhớ được rằng anh bị mất trí nhớ từ khi bị đánh cú này, hả? Nói đi xem
nào?
- Tôi
không hề giải thích, tôi chỉ ghi nhận rằng tôi nhớ là đã bị đánh, nhớ rằng tên
tôi là Charriène. Tôi còn nhớ nhiều thứ khác nữa ấy chứ.
- Rốt
cuộc anh muốn nói gì hay làm gì?
- Vấn đề
đó thì chúng ta đang bàn đây thôi. Ông hỏi tôi là người ta gửi thức ăn và thuốc
hút cho tôi từ bao giờ. Vậy tôi xin trả lời dứt khoát: tôi không biết; chắc đây
là lần đầu, nhưng cũng có thể là lần thứ một ngàn. Bị bệnh mất trí nhớ,tôi
không thể trả lời rõ hơn được. Xin hết, các ông muốn làm gì tôi thì làm.
- Điều
mà tôi muốn cũng đơn giản thôi. Anh đã ăn quá tiêu chuẩn lâu rồi, thế thì bây
giờ phải để cho anh gầy đi một chút. Bỏ bữa ăn chiều cho đến hết thời hạn giam
cấm cố.
Ngay hôm
ấy, tôi nhận được một mảnh giấy lúc họ đi quét hành lang lần thứ hai. Tiếc thay
tôi không đọc được vì nó không được viết bằng mực lân tinh. Đến khuya, tôi châm
một chiếu thuốc lá còn lại từ hôm qua đã thoát khỏi cuộc khám xét vì nó được
giấu rất kỹ trong tấm ván nằm. Rít mạnh điếu thuốc cho đốm lửa sáng lên, tôi
dần dần đọc được: "Người đổ bô đã giữ vững. Anh ta khai đây là lần thứ hai
anh đưa thức ăn vào cho cậu, một cách hoàn toàn tự nguyện. Lại khai là đã làm
như thế vì trước kia có quen cậu ở Pháp. Sẽ không có ai bị liên lụy ở Royale.
Can đảm lên". Vậy là tôi bị tước mất món dừa, thuốc lá và tin tức của bạn
bè ở Royale. Hơn nữa họ đã cúp mất bữa ăn chiều của tôi. Tôi đã quen với tình
trạng không phải chịu đói và với mười lần hút thuốc lá mà trước đây tôi vẫn
dùng để lấp thời gian trong ngày và một phần đêm. Không phải tôi chỉ nghĩ đến
mình, tôi nghĩ đến người tù đáng thương bị chúng nó đánh đập tàn nhẫn vì tôi
mong rằng anh ta sẽ không bị phạt quá nặng.
Một,
hai, ba, bốn, năm đằng sau quay... Một hai, ba, bốn, năm đằng sau quaỵ Mày sẽ
không dễ gì chịu được cái chế độ ăn đói này đâu, Papi ạ, và bây giờ mày sẽ ăn
ít như vậy thì có lẽ phải thay đổi chiến thuật chăng? Chẳng hạn nằm đến mức tối
đa để khỏi tiêu hao năng lượng. Càng ít cứ động thì đốt càng ít ca-lo-rị Những
lúc không nằm thì cố ngồi trong nhiều giờ. Bây giờ tôi phải tập sinh hoạt theo
một kiểu khác. Bốn tháng là một trăm hai mươi ngày. Cứ cái chế độ ăn này thì
bao lâu tôi sẽ bắt đầu thiếu máu? Ít nhất là hai tháng. Vậy trước mắt tôi có
hai tháng quyết định. Khi tôi đã quá yếu thì các bệnh tật sẽ có được một mảnh
đất tuyệt vời để hoành hành. Tôi quyết định là sẽ nằm từ sáu giờ chiều đến sáu
giờ sáng. Tôi sẽ đi đi lại lại từ khi đưa cà-phê cho đến khi thu bô, nghĩa là
khoảng hai giờ. Đến giữa trưa, sau bữa xúp, lại đi khoảng hai giờ nữa. Cả thảy
là bốn giờ đi đi lại lại. Thời gian còn lại thì ngồi hay nằm. Không mệt thì sẽ
khó bay đi lang thang. Nhưng tôi vẫn sẽ cố bay thử.
Hôm nay,
sau một hồi lâu suy nghĩ đến các bạn và đến người tù khốn khổ đã bị hành hạ tàn
nhẫn vì tôi, tôi bắt đầu tập dượt cho quen với cái kỷ luật mới này. Kết quả khá
tốt, tuy tôi thấy thời gian trôi chậm hơn, và đôi chân tôi không làm việc mấy
giờ liền cứ thấy buồn buồn như chứa đầy kiến. Cái chế độ này đã thi hành được
mười ngày. Bây giờ tôi đói thường xuyên. Tôi đã bắt đầu lâm vào tình trạng mỏi
mệt kéo dài. Tôi thấy thèm dừa quá, và cũng thèm thuốc lá nữa. Tôi đi nằm rất
sớm và chỉ một lát sau, không lâu lắm,tôi đã vượt ra khỏi buồng giam trong
tưởng tượng.
Hôm qua,
tôi ở Paris, đang ngồi uống sâm banh ở quán Au Rat Mort với mấy thằng bạn,
trong đó có Antonio de Londres, quê quán ở Baléares, nhưng nói tiếp Pháp như
một người Paris và nói tiếng Anh như một tay roastbeef chính cống của xứ
Anh-cát-lợi. Hôm sau ở quán Au Marronnier trên đại lộ Clichy, cậu ta giết một
người bạn bằng năm phát súng lục. Trong giới giang hồ những sự đổi thay từ tình
bạn sang căm thù diễn ra rất nhanh. Phải, hôm qua tôi ở Paris, khiêu vũ trong
tiếng đàn accordéon ở tiệm Petit Jardin, đại lộ Saint-Quen, khách đến nhảy toàn
người Corse và người Marseille. Tất cả các bạn tôi lần lượt hiện ra trong
chuyến du hành tưởng tượng này một cách rõ rệt và chính xác đến nỗi tôi không
một giây nào nghi ngờ sự có mặt của họ cũng như sự có mặt của tôi ở những nơi
mà tôi đã sống qua những đêm diễm phúc ấy. Như vậy, tôi không đi nhiều, với chế
độ ăn rất co hẹp này tôi vẫn đạt được một kết quả tương đương như cái kết quả
đạt được bằng cách làm cho thân thể mỏi mệt. Những hình ảnh của quá khứ lôi tôi
ra khỏi buồng giam một cách mạnh mẽ đến nỗi tôi thực sự được sống nhiều giờ tự
do hơn là những giờ cấm cố. Chỉ còn một tháng nữa.
Đã ba
tháng rồi tôi chỉ ăn một ổ bánh mì tròn và một soong xúp nóng không có chất bột
vào bữa trưa với miếng thịt hầm của nó. Tình trạng đói thường xuyên đã đưa tôi
đến chỗ vừa nhận xong soong xúp tôi đã vội vàng nhìn kỹ miếng thịt xem thử có
phải nó chỉ là một miếng da như đã từng xảy ra khá nhiều lần không. Tôi đã gầy
đi nhiều, và bây giờ tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của trái dừa mà tôi
đã may mắn nhận được trong hai mươi tháng liền đối với việc duy trì sức khỏe và
trạng thái cân bằng trong tình cảnh bị gạt ra ngoài cuộc sống. Sáng nay, sau
khi uống suất cà-phê, tôi thấy bứt rứt khác thường. Tôi đã tự buông thả đến mức
ăn một lúc hết nửa ổ bánh mì, điếu mà tôi không bao giờ làm. Mọi khi tôi cắt nó
ra làm bốn miếng gần bằng nhau dể ăn làm bốn lần, vào lúc sáu giờ sáng, vào
giữa trưa, vào sáu giờ chiều, và miếng cuối cùng vào ban đêm. "Sao lại làm
như vậy". Tôi tự mắng nhiếc một mình. "Sắp kết thúc rồi mà mày lại tự
cho phép sa ngã một cách nghiêm trọng như thế - "Tôi đói, và tự cảm thấy
không còn sức mạnh - "Sao mày lắm tham vọng thế. Làm sao mày lại có thể
mạnh được trong khi ăn như vậy? Điều quan trọng là mày yếu, đúng vậy, nhưng mày
không đau ốm: và điểm này mày là kẻ chiến thắng. Xét một cách lỗgích, nếu mày
không quá rủi ro, cái nhà giam "ăn thịt người" này rốt cục sẽ thua
mày trong cuộc tỷ thí.
Sau hai
giờ đi đi lại lại, tôi ngồi trên cái khối xi- măng dùng làm ghế. Còn ba mươi
ngày nữa, tức bảy trăm hai mươi giờ, cánh cửa kia sẽ mở ra và người ta sẽ nói
với tôi: "Phạm nhân Charrière, ra đi. Anh đã mãn hạn hai năm cấm cố".
Và tôi sẽ nói gì? Tôi sẽ nói: "Vâng, cuối cùng tôi cũng đã kết thúc được
hai năm đày đọa này". Ồ, không được, sao lại nói thế! Nếu đó là viên giám
đốc mà mày đã chơi xỏ vụ "mất trí nhớ" mày phải tiếp tục chơi cái trò
đó, tỉnh bơ như không. Mày sẽ nói: "Sao, tôi được ân xá rồi à? Tôi được về
Pháp à? Án chung thân của tôi đã mãn hạn à?" Chẳng qua để coi bộ mặt của
hắn và cho hắn thấy rằng cái chế độ ăn đói mà hắn dùng để trừng phạt mày là một
hành động bất công. - "Trời ơi, mày làm sao thế? Bất công hay không, tên
giám đốc kia đếch cần. Đối với một tâm địa như vậy thì phạt oan hay không có gì
quan trọng đâu? Chẳng lẽ mày nghĩ rằng hắn ân hận vì đã trừng phạt mày một cách
bất công sao? Từ nay trở đi tao cấm mày không được coi một tên cai ngục như một
con người bình thường. Không có một con người nào đáng được gọi là người lại có
thể làm cái nghề này. Trên đời, cái gì người ta cũng có thể quen đi, thậm chí
suốt đời quen với cái sự nghiệp của một thằng khốn nạn. May ra chỉ khi nào gần
kề miệng lỗ thì nỗi sợ hãi trước Thượng đế mới có thể làm cho hắn ân hận và sám
hối, nếu hắn có một tôn giáo. Không phải thực sự hối hận về những hành vi bỉ ổi
mà hắn đã làm, chẳng qua vì sợ sự phán xử của Thượng đế, trong đó bản thân hắn
là kẻ bị xử tội.
Như vậy,
khi ra khỏi nhà lao cấm cố, có được đưa về đảo nào chăng nữa, ngay từ đầu mày
chớ có chút nào thỏa hiệp với giống người này: Mày với chúng nó đối lập hoàn
toàn với nhau, và ở giữa có một đường phân giới rất rạch ròi. Một bên là sự hèn
hạ, là quyền thế câu nệ không hồn, là bệnh xa- đích bẩm sinh, có tính chất bản
năng, máy móc trong những phản ứng của nó; và bên kia là tôi và những người
cùng cảnh ngộ, chắc chắn là phạm những tội nặng, nhưng đã được sự đau khổ tạo
cho những phẩm chất vô giá; tình thương xót, lòng nhân hậu, sự tôn quý, lòng
dũng cảm. Hoàn toàn thành thật mà nói, tôi thà làm tên tù khổ sai còn hơn làm
một tên cai ngục.
Chỉ còn
hai mươi ngày nữa. Tôi cảm thấy trong người yếu lắm rồi. Tôi có nhận thấy ổ
bánh mì của tôi bao giờ cũng thuộc loại nhỏ. Ai là kẻ có thể tự hạ mình đến mức
chọn bánh mì nhỏ cho tôi? Từ mấy ngày rồi trong soong xúp của tôi chỉ có nước
nóng, và suất thịt bao giờ cũng là một cái xương có ít thịt dính quanh, nếu
không phải là một miếng da. Tôi sợ mình lăn ra ốm. Mối lo sợ này cứ ám ảnh tôi.
Tôi yếu đến nỗi trong khi thức tôi chẳng cần cố gắng một chút nào cũng có thể
mơ tưởng bất cứ điều gì. Tình trạng mệt mỏi rã rời kèm theo một tâm trạng chán
nản trầm trọng làm cho tôi rất lo ngại. Tôi tìm mãi cách phản ứng, nhưng phải
khó khăn lắm mới qua được hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Có tiếng
cào ngoài cửa. Tôi hối hả rút mảnh giấy. Nó viết bằng bút dạ quang. Đó là một
bức thư của Dega và Galganị "Cậu viết cho chúng mình mấy chữ đi. Rất lo
ngại về tình trạng sức khỏe của cậu. Còn mười chín ngày nữa, can đảm lên.
Louis, lgnace". Kèm theo có một mẩu giấy và một khúc ruột bút chì đen. Tôi
viết: "Tôi còn chịu được, tuy rất yếu. Cám ơn. Papi". Khi nghe tiếng
chổi cào cửa lần nữa, tôi luồn mẫu giấy ra. Bức thư nhỏ, không kèm điếu thuốc
lá và quả dừa, đối với tôi vẫn là một cái gì hơn tất cả các thứ đó. Sự thể hiện
này của một tình bạn chung thủy tuyệt vời đã cho tôi sức khích lệ mà tôi đang
cần. Ở bên ngoài, các bạn biết tôi ra sao và nếu tôi lâm bệnh, thế nào các bạn
tôi cũng sẽ tìm cách thúc dục bác sĩ chăm sóc tôi tứ tế. Các bạn tôi nói đúng:
chỉ còn mười chín ngày nữa tôi sẽ đến đích trong cuộc chạy đua gian khổ với cái
chết và với sự điên rồ. Tôi sẽ không lâm bệnh. Phần tôi là phải làm thật ít
động tác để chỉ tiêu hao những ca-lo-ri không thể không dùng đến. Tôi sẽ bỏ bớt
hai giờ đi đi lại lại buổi sáng và hai giờ buổi chiều. Đó là cách duy nhất để
giữ vững. Cho nên suốt đêm, trong mười hai tiếng đồng hồ tôi nằm và mười hai
tiếng còn lại, tôi ngồi yên trên cái ghế xi-măng. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy,
duỗi tay ra co tay vào mấy lần, rồi lại ngồi xuống. Chỉ còn mười ngày nữa.
Tôi đang
dạo chơi ở Trinidad, những cây đàn cò một dây của người Java đang ru tôi với
những giai điệu ai oán thì một tiếng gớm ghiếc, nghe không còn ra tiếng ngươi
nữa, lôi tôi về cõi thực. Tiếng hét này từ một buồng giam ở sát phía sau buồng
tôi hay gần như thế, rất gần, tôi lắng tai nghe:
- Thằng
khốn kiếp, mày xuống đây đi, xuống cái hố này. Mày đứng trên ấy giám sát tao
mãi mà không chán à? Mày không thấy là mày bị thiệt mất một nửa cảnh vì dưới
này tối quá à?
- Anh im
đi, nếu không sẽ bị phạt nặng đấy? - Tên lính gác nói.
- À à?
Mày nói nghe thối bỏ mẹ, đồ mặt l... ? Mày bảo còn có cách gì phạt nặng hơn là
sự im lặng này? Mày muốn phạt bao nhiêu cứ phạt, nếu thích thì cứ đánh đập tao
đi, tên đao phủ ghê tởm kia, nhưng mày sẽ không bao giờ tìm được một cái gì có
thể so sánh với sự im lặng mà mày bắt tao phải giữ. Không, không, không? Tao
không chịu thế này nữa đâu, tao không chịu im lặng nữa đâu, tao không thể im
lặng mãi được nữa? Lẽ ra từ ba năm trước tao phải nói vào mặt mày: đồ khốn nạn?
Đồ cứt đái? Thế mà tao đã ngu dại đến nỗi đợi ba mươi sáu tháng rồi mới chửi
vào mặt mày, chỉ vì sợ trừng phạt? Tao nhổ vào mặt mày và cả bọn chúng mày, đồ
cai ngục thối nát?
Một lát
sau có tiếng cửa mở và tôi nghe thấy:
- Không,
không phải thế! Mặc trái vào cho nó, như thế hiệu quả hơn nhiều?
Người tù
đáng thương gào lên:
- Mày
muốn mặc áo cùm cho tao cách nào thì cứ mặc đi, đồ sâu bọ! Mặc ngược cũng được,
riết thật chặt vào cho tao chết ngạt đi, kề đầu gối vào mà rút dây cho chặt.
Đằng nào thì tao cũng cứ nói rằng mẹ mày chỉ là một con lợn cái, còn mày chỉ có
thể là một đống cứt?
Chắc
chúng nó đã ghét giẻ vào mồm người tù vì tôi không còn nghe thấy gì nữa. Cánh
cửa đã đóng lại. Cảnh vừa qua chắc đã làm cho tên lính gác trẻ tuổi đang đi lại
lại phía trên xúc động vì mấy phút sau hắn đứng lại trước buồng giam tôi và
nói: "Chắc anh ta phát điên rồi"
- Anh
nghĩ thế à? Những điều anh ta nói ra đều phải cả đấy chứ.
Tên lính
gác sửng sốt một lúc rồi bỏ đi sau khi ném một câu: "Thế à, thế thì anh
cũng sẽ theo gót hắn thôi?". Việc vừa xảy ra dã tách tôi khỏi những người
tốt bụng, những tiếng đàn cò, những đôi vú Ấn Độ, cái cảng Port of Spain, và
lôi tôi về cái thực tế đáng buồn của nhà giam cấm cố. Còn mười ngày nữa, tức
hai trăm bốn mươi giờ, phải chịu đựng.
Cái
chiến thuật không cử động đã đem lại kết quả. Nếu đó không phải là do những giờ
cuối ngày trôi qua một cách êm đềm, hay là nhờ mẩu giấy của các bạn tôi. Tôi có
thiên hướng nghĩ rằng sở dĩ mình tự cảm thấy mạnh mẽ hơn là nhờ một sự so sánh
đã đến với tôi như một điều hiển nhiên: tôi chỉ còn cách giờ ra khỏi nhà giam
có hai trăm bốn mươi tiếng đồng hồ, tôi yếu nhưng óc tôi vẫn nguyên vẹn, năng
lực của tôi chỉ cần thêm một ít sức nữa là có thể làm việc trở lại một cách
hoàn hảo. Trong khi đó thì sau lưng tôi, chỉ cách hai mét, sau bức tường này,
một người tù khốn khổ đang bước vào giai đoạn thứ nhất của sự điên rồ, có lẽ là
bước vào bằng một ngưỡng cửa không nên vượt qua: ngưỡng cửa của bạo lực. Người
ấy sẽ không sống lâu nữa, vì sự nổi loạn của anh ta khiến cho bọn cai ngục cơ
hội sừ dụng những biện pháp đã nghiên cứu rất kỹ để giết anh ta một cách thật
khoa học.
Tôi tự
trách mình là đã cảm thấy mình mạnh hơn chỉ vì người kia bại trận. Tôi tự hỏi,
không biết mình có phải là một trong những kẻ ích kỷ mà vào những ngày mùa
đông, chân đi giày ấm, tay đi găng, mình khoác tấm áo lông dày, đang nhìn những
đám người lao động đang đi làm ăn mặc phong phanh, người rét cóng, hai tay tím
lại vì gió rét, đang hớt hải chạy cho kịp chuyến xe buýt hay chuyến mê-trô đầu
tiên, càng nhìn họ càng thấy mình ấm áp và thưởng thức cái cảm giác ấy một cách
trọn vẹn hơn bao giờ hết. Trên đời này, nhiều khi mọi sự chỉ là do so sánh mà
có. Đúng thế, người ta có thể nghĩ: tôi bị mười năm nhưng Papillon thì bị chung
thân. Đúng thế, tôi bị chung thân, nhưng tôi mới hai mươi tám tuổi, còn anh kia
chỉ bị mười lăm năm, nhưng tuổi anh đã năm mươi rồi. Dù sao cuối cùng tôi cũng
đã gần đến đích, và tôi hy vọng rằng chỉ trong vòng sáu tháng là cùng tôi sẽ
lại sung sức về mọi phương diện - thể chất, tinh thần, ý chí - để thực hiện một
cuộc vượt ngục ngoạn mục. Người ta đã phải nói nhiều về chuyến vượt ngục đầu
tiên, chuyến thứ hai sẽ được khắc lại trên những phiến đá xây tường của tại khổ
sai. Tôi không chút nghi ngờ. Tôi sẽ ra đi trước sáu tháng: đó là điều hoàn toàn
chắc chắn.
Đây là
đêm cuối cùng của tôi ở nhà giam cấm cố. Cách đây một vạn bảy ngàn năm trăm tám
giờ tôi đã bước vào buồng giam 234. Họ đã mở cửa ra một lần để giải tôi ra
trước mặt viên giám đốc cho hắn xử tội.
Ngoài
người tù ở buồng bên mỗi ngày thường trao đổi với tôi mấy tiếng nhát gừng,
người ta đã nói chuyện với tôi bốn lần. Một lần để nói rằng khi có tiếng còi
huýt có thể hạ ván xuống: đó là ngày thứ nhất. Một lần là các ông bác sĩ nói:
"Quay lưng lại ho đi". Một buổi nói chuyện dài hơn và sôi nổi hơn với
viêm giám đốc. Và hôm trước là bốn câu trao đổi với tên lính gác bị người tù
phát điên làm cho xúc động. Giải khuây như vậy thật không lấy làm gì phong phú!
Tôi chìm
vào một giấc ngủ yên lành, trong ý nghĩ không có gì khác hơn là: ngày mai người
ta sẽ mở hẳn cánh cửa này. Ngày mai tôi sẽ được nhìn thấy ánh mặt trời, và nếu
họ đưa tôi sang Royale, tôi sẽ được hít thở không khí của biển khơi. Ngày mai
tôi sẽ được tự dọ Tôi bật cười. Tự do là thế nào? Ngày mai mày bắt đầu chính
thức hưởng cái án khổ sai chung thân. Thế mà mày gọi là tự do ư? Tôi biết, tôi
biết chứ, nhưng cuộc sống ở bên ngoài không thể nào so sánh với cuộc sống mà
tôi vừa phải chịu đựng. Tôi sẽ gặp Clousiot và Maturette như thế nào đây.
Đến sáu
giờ, họ đưa cà-phê và bánh mì cho tôi. Tôi chỉ muốn nói: Kìa, hôm nay tôi được
ra kia mà. "Anh nhầm rồi". Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng mình là người
"mất trí nhớ", và biết đâu nếu tôi nói như vậy thì khác nào thừa nhận
là đã giỡn mặt viên giám dốc, và hắn rất có thể phạt tôi ba mươi ngày xà-lim
nữa? Vì dù có thể nào, theo pháp luật tôi phải ra khỏi nhà giam cấm cố trừng
giới Saint-Joseph đúng vào ngày hôm nay, 26 tháng sáu 1936. Bốn tháng nữa tôi
tròn ba mươi tuổi.
Tám giờ.
Tôi đã ăn hết cả ổ bánh mì. Ra ngoài tôi sẽ có thứ khác để ăn ngay. Họ đến mở
cửa. Trước mặt tôi là viên phó giám đốc và hai tên giám thị.
-
Charrière, anh đã mãn hạn, hôm nay là ngày 26 tháng sáu 1936. Anh đi theo chúng
tôi.
Tôi ra
ngoài.
Ra đến
tận sân thì mặt trời đã đủ sáng để làm tôi lóa mắt. Tôi có cảm giác như muốn
xỉu. Hai chân tôi mềm nhũn ra, và những chấm đen quay cuồng trước mắt tôi. Thế
mà tôi mới vừa đi được chừng năm mươi mét trong đó có ba mươi mét đi dưới nắng.
Đến trước gian nhà "Ban quản trị" tôi trông thấy Maturette và
Clousiot. Maturette đúng là một bộ xương, hai má hóp vào, đôi mắt sâu hoắm.
Clousiot thì nằm trên cáng. Anh ta xanh xao và đã phảng phất mùi người chết.
Tôi nghĩ: "Hai bạn của tôi trông chẳng đẹp chút nào. Không biết mình có
như vậy không?" Tôi nóng lòng muốn được nhìn thấy mình trong gương. Tôi
nói với hai bạn:
- Thế
nào, ổn không?
Họ không
trả lời. Tôi nhắc lại:
- Ổn
không?
- Ổn -
Maturette nói rất khẽ.
Tôi muốn
nói với cậu ta rằng bây giờ đã hết hạn cấm cố, chúng tôi có quyền nói chuyện.
Tôi cúi xuống hôn lên má Clousiot. Anh nhìn tôi với đôi mắt sáng long lanh và
mỉm cười:
- Vĩnh
biệt Papillon, - anh nói.
- Không,
sao lại nói thế?
- Tôi
đến rồi, thế là hết.
Mấy ngày
sau, Clousiot sẽ chết ở bệnh viện đảo Royale. Anh được ba mươi hai tuổi, bị xử
hai mươi năm khổ sai vì một vụ ăn cắp xe đạp mà anh không phải là thủ phạm.
Nhưng
lúc ấy viên giám đốc đã đến:
- Cho họ
vào. Maturette và Clousiot, các anh đã có hạnh kiểm tốt. Cho nên tôi đề vào
phiếu của các anh là "Hạnh kiểm tốt". Còn anh, Charrière, anh đã phạm
một lỗi nặng, tôi phải đề: hạnh kiểm xấu.
- Xin
lỗi ông, tôi phạm lỗi gì ạ?
- Thế
anh không nhớ vụ thuốc lá và dừa bị bắt quả tang à?
- Cây
dừa ở đâu?
- Kìa,
bốn tháng nay anh hưởng chế độ gì?
- Về
phương diện nào chứ? Ăn uống à? Từ khi tôi vào đây hôm nào chẳng thế!
- Chà!
Thế thì thật quá quắt! Chiều qua anh ăn gì?
- Như
mọi khi, cho gì tôi ăn nấy. Tôi đi đâu mà biết? Tôi không nhớ, nhưng tôi biết
đại khái là đậu hay cơm xào, hay một thứ rau gì đấy.
- Thế
anh có ăn bữa chiều à?
- Trời
đất! ông tưởng tôi đổ đi sao?
- Không
thế này thì không được, tôi xin bỏ cuộc. Thôi, tôi rút lui "Hạnh kiểm
xấu". Làm lại phiếu ra tù đi ông X... Tôi ghi cho anh "Hạnh kiểm
tốt", được chưa?
- Như
thế là công bằng thôi. Tôi có làm gì đâu mà chẳng hạnh kiểm tốt?
Và đó là
câu cuối cùng trước khi chúng tôi ra khỏi văn phòng.
Cổng lớn
của nhà giam cấm cố mở ra cho chúng tôi đi qua. Chỉ có một tên giám thị đi theo
áp giải, chúng tôi thong thả bước xuống con đường dẫn ra trại. Phía dưới là mặt
biền lấp lánh những ánh bạc và bọt sóng. Đảo Royale ở phía trước mặt, phủ đầy
cây cối xanh rờn và mái ngói đỏ. Đảo Quỷ, khắc khổ và hoang dại. Tôi xin phép
tên giám thị ngồi xuống mấy phút. Hắn bằng lòng. Chúng tôi ngồi xuống cạnh
Clousiot, tôi bên phải, Maturette bên trái. Chúng tôi cầm lấy tay anh từ lúc
nào cũng không biết nữa. Sự tiếp xúc này gieo vào lòng chúng tôi một nỗi xúc
động lạ kỳ. Không nói một lời, chúng tôi ôm hôn nhau. Viên giám thị nói.
- Thôi
các cậu. Phải xuống thôi.
Và chúng
tôi từ từ, rất chậm rãi, đi xuống trại. Hai đứa chúng tôi cùng vào trại một
lúc, hai bàn tay vẫn nắm lấy nhau, phía sau là hai người khiêng cáng bạn chúng
tôi đang hấp hối.
PAPILLON - NGƯỜI TÙ KHỔ SAI
Chương 26: Cuộc sống ở đảo Royale
Chúng
tôi vừa đến sân trại đã được sự quan tâm niềm nở của toàn thể phạm nhân. Tôi
gặp lại Plerrot le Fou, Jean Sartrou, Coloudim, Chissilia. Viên giám thị bảo cả
ba chúng tôi phải vào bệnh xá. Chúng tôi đi qua sân để vào bệnh xá, xung quanh
có đến vài chục phạm nhân hộ tống.
Chỉ mấy
phút sau, Maturette với tôi đã có trước mặt hơn chục gói thuốc lá điếu và thuốc
lá sợi, một bình cà-phê sữa nóng hổi, mấy tấm sô-cô- la làm bằng ca-cao nguyên
chất. Ai cũng muốn tặng chúng tôi một thứ quà gì đó. Clousiot được anh y tá
tiêm cho một mũi dầu long não và một liều adrenalin để trợ tim. Một anh da đen
gầy gò nói: "Anh y tá ạ, anh lấy phần sinh tốt của tôi phát cho anh ấy đi,
anh ấy cần hơn tôi". Cái cảnh tỏ tình đoàn kết thân ái đối với chúng tôi
thật cảm động. Pierre người Bordeaux nói với tôi:
- Cậu
cầm lấy ít tiền nhé? Trước khi cậu lên đường đi Royale, tớ sẽ có đủ thì giờ
quyên cho cậu một món.
- Thôi,
cám ơn cậu nhiều, tớ có tiền. Nhưng sao cậu biết tớ đi Royale à?
- Biết.
Viên kế toán có nói với tớ cả ba cậu sẽ đi. Tớ còn đoán chắc là cả ba sẽ được
vào bệnh viện.
Viên y
tá vốn là một tên cướp ở vùng núi đảo Corse. Anh ta lên là Essari. Về sau tôi
đã có dịp biết anh ta rất rõ. Tôi sẽ kể lại đầu đuôi câu chuyện của anh ta. Đó
là một câu chuyện thật thú vị.
Hai
tiếng đồng hồ ở bệnh xá trôi qua rất nhanh. Chúng tôi đã được ăn uống ngon
lành. No nê và hồ hởi, chúng tôi lên đường đi Royale. Suốt thời gian vừa qua
Clousiot mắt cứ nhắm nghiền, chỉ trừ những khi tôi đến cạnh đặt bàn tay lên
trán anh, anh mới mở đôi mắt đã mờ đục, nói:
- Papi,
bạn ơi! Chúng mình thực sự là bạn của nhau nhỉ.
- Hơn
thế nữa, chúng mình là anh em ruột thịt, - tôi đáp
Vẫn chỉ
có một viên giám thị đi kèm, chúng tôi xuống bến.
Đi giữa
là cái cáng qua Clousiot, còn tôi và Maturette mỗi đứa đi một bên. Đến cổng
trại, tất cả phạm nhân đều ra từ biệt và chúc chúng tôi may mắn. Chúng tôi cám
ơn anh em tuy họ đều không chịu nhận. Pierrot le Fou quàng lên cổ tôi một túi
dết đựng đầy thuốc lá sợi, thuốc điếu, sô-cô-la, sữa hộp Nestlé. Maturette cũng
được một túi như thế. Cậu ấy chẳng biết người nào đã quàng lên vai cậu cái túi
quà ấy nữa. Chỉ có anh y tá Fernadez và một viên giám thị đưa chúng tôi ra bến.
Fernadez trao cho mỗi đứa chúng tôi một cái phiếu nằm bệnh viện đảo Royale. Tôi
hiểu ra rằng chính hai phạm nhân khổ sai làm y tá là Essari và Fernadez đã cấp
giấy nhập viện cho chúng tôi, chẳng hỏi ý kiến bác sĩ nữa. Chiếc ca nô đã chờ
sẵn. Sáu người chèo, hai viên giám thị đeo súng trường ngồi ở phía sau và một
viên nữa cầm lái. Một trong những người chèo thuyền là Chapar, bị xử trong vụ
chứng khoán ở Marseile. Chúng tôi lên đường.
Sáu mái
chèo vỗ xuống nước. Chapar vừa chèo vừa nói với tôi:
- Ổn cả
chứ Papi. Cậu vẫn nhận được dừa đấy chứ?
- Không,
bốn tháng sau thì không nhận được nữa.
- Tớ
biết. Có sự cố xảy ra. Cái cậu bị liên lụy đã xử sự rất cừ. Cậu ấy chỉ biết có
một mình tớ, nhưng không hề khai tớ ra.
- Cậu ấy
bây giờ ra sao?
- Chết
rồi.
- Thế à?
Tại sao?
- Theo
một viên y tá thì hình như cậu ấy bị chúng nó đá vỡ gan.
Thuyền
cặp bến đảo Royale, đảo lớn nhất trong quần đảo.
Đồng hồ
cửa hàng bánh mì chỉ ba giờ. Nắng chiều ở đây quả là gay gắt. Tôi thấy chói và
bức quá. Một viên giám thị yêu cầu hai người khiêng cáng. Hai phạm nhân vạm vỡ
đồ trắng tinh, cổ tay đeo nịt da đen, nhấc cáng của Clousiot lên trông nhẹ bỡn
như nhấc cái lông chim. Maturette và tôi bước theo, đi sau cùng là một viên
giám thị cầm mấy thứ giấy tờ gì đấy. Đường đi rộng hơn bốn mét, lát bằng đá
cuội lớn lấy ở bờ biển, rất khó đi lên dốc. May mà hai người khiêng cáng chốc
chốc lại dừng lại đợi chúng tôi lên kịp. Mỗi lần như vậy tôi lại ngồi ghé xuống
khung cáng phía đầu Clousiot, tay khẽ vuốt lên trán và lên tóc anh. Clousiot mở
mắt ra, mỉm cười với tôi nói:
- Cậu,
Papi!
Maturette
cầm lấy tay anh.
- Cậu
đấy à cậu bé? - Clousiot thì thầm.
Clousiot
có vẻ tràn trề hạnh phúc khi thấy chúng tôi ở bên cạnh.
Vào một
lúc dừng lại nghỉ, khi đã gần đến trại, chúng tôi gặp một tốp phạm nhân đi làm
cỏ về. Hầu hết là những phạm nhân cùng sang một chuyến với tôi. Đi ngang qua,
ai nấy đều nói với chúng tôi một lời thân ái. lên đến đỉnh dốc bằng phẳng,
chúng tôi trông thấy những viên chức cao cấp nhất trên đảo ngồi trong bóng râm
trước một tòa nhà vuông quét vôi trắng. Chúng tôi đến trước mặt thiếu tá Barrot
biệt hiệu là "Dừa khô" và mấy viên chỉ huy trại khác. Không đứng dậy,
và không làm ra vẻ nghi thức, thiếu tá nói:
- Thế
nào, ở nhà lao Cấm cố không đến nỗi gay quá chứ? Còn anh nằm cáng kia là ai
thế?
-
Clousiot đấy ạ.
Thiếu tá
nhìn Clousiot rồi nói:
- Đưa cả
ba vào bệnh viện đi. Khi nào họ ra viện, yêu cầu bảo cho tôi biết để họ đến gặp
tôi trước khi được đưa về trại nhé.
Ở bệnh
viện, họ cho chúng tôi nằm trong một căn phòng rộng rãi, rất sáng sủa, giường
nằm rất sạch, có trải drap và có gối mềm hẳn hoi.
Người y
tá đầu tiên mà tôi nhìn thấy là Chatal - chính viên y tá ở phòng dành cho phạm
nhân nguy hiểm ở Saint-Laurent du- Maroni. Anh ta lập tức đến săn sóc Clousiot
và báo một viên giám thị gọi ngay bác sĩ. Khoảng đến năm giờ chiều bác sĩ đến.
Sau khi khám nghiệm kỹ lưỡng một hồi lâu, bác sĩ lắc đầu, vẻ không hài lòng.
Bác sĩ viết đơn thuốc rồi đi về phía tôi. Ông ta nói với Chatal:
-
Papillon với tôi chẳng ưa gì nhau đâu.
- Thế
thì tôi lấy làm lạ vì anh ta rất tốt, bác sĩ
- Có
thể. Nhưng anh ta bướng lắm.
- Nhân
dịp nào?
- Nhân
một lần tôi khám bệnh cho anh ta ở Nhà giam cấm cố.
- Bác sĩ
ạ, - tôi nói - đứng ngoài hành lang hỏi tôi mấy câu như thế mà cũng gọi là khám
bệnh được sao?
- Ban
Quản trị có lệnh cấm mở cửa phòng giam.
- Rất
đúng, thưa bác sĩ, nhưng tôi hy vọng rằng bác sĩ không phải là một thành viên
của Ban Quản trị: như thế tốt hơn cho bác sĩ nhiều.
- Ta sẽ
nói chuyện này vào một dịp khác. Tôi sẽ cố làm cho anh bạn anh hồi phục. Còn
anh ta thì tôi e là đã quá muộn. Chatal kể cho tôi nghe rằng anh bị nghi là có
chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục nên bị đày ra Quần đảo. Anh ta cũng cho tôi
biết rằng Jésus, kẻ đã lừa tôi trong chuyến vượt ngục của tôi, đã bị một người
hủi giết chết. Chatal không biết tên người này. Tôi cứ băn khoăn không biết đó
có phải là một trong những người hủi đã giúp đỡ chúng tôi một cách hào hiệp
trong chuyến vượt ngục vừa qua hay không.
Cuộc
sống của tù khổ sai ở đảo Salut hoàn toàn khác với những điều người ta có thể
tưởng tượng. Phần đông phạm nhân đều cực kỳ nguy hiểm, vì nhiều nguyên do.
Trước hết ở đây mọi người đều được ăn rất khá, vì ở đây người ta buôn đủ thứ:
rượu, thuốc lá, cà-phê, sô-cô-la, đường, thịt, rau tươi, cá, tôm he, dừa v.v...
Cho nên phạm nhân đều khỏe mạnh. Khí hậu lại rất lạnh. Chỉ có những phạm nhân
có thời hạn mới có hy vọng được trả tự do, còn tù khổ sai chung thân thì hoàn
toàn vô vọng, cho nên họ đều rất nguy hiểm: họ còn có sợ gì nữa đâu?
Mọi
người đều dính dấp vào việc buôn bán lén lút hàng ngày, phạm nhân cũng như giám
thị. Đấy là một sự pha trộn chẳng dễ gì hiểu nổi. Có những người vợ giám thị
tìm cách đưa phạm nhân trẻ về làm việc nội trợ - và cũng nhiều khi kiêm cả việc
làm tình nữa. Những phạm nhân ấy được gọi là "tù gia đình". Người thì
làm vườn, người thì nấu bếp. Chính loại phạm nhân này là đầu mối liên lạc giữa
trại tù và các gia đình cảnh sát. Bọn "tù gia đình" không bị các phạm
nhân khác khinh ghét. vì chính nhờ bọn này mà họ có thể tha hồ buôn bán các thứ.
Nhưng bọn này cũng không được họ coi như những người "trong sạch".
Trong giới giang hồ chân chính không có một ai hạ mình xuống làm những công
việc như thế. Cũng như họ không chịu làm việc "giữ chìa khóa" hay hầu
bàn ở nhà ăn của bọn giám thị. Ngược lại, họ rất chuộng những công việc không
buộc họ phải dính dáng gì với bọn gác ngục: đổ rác, nhặt lá vàng, chăn trâu,
làm y tá, làm vườn cho nhà giam, làm thịt súc vật, làm bánh mì, chèo thuyền,
đưa thư, canh hải đăng. Tất cả các công việc này đều do những người "giang
hồ chính cống" lĩnh lấy.
Một kẻ
giang hồ chính cống không bao giờ làm những công việc lao dịch nhằm bảo quản
tường rào, đường sá, cầu thang, hay trồng dừa; tức là những công việc lao dịch
dưới ánh nắng trực tiếp hay dưới sự kiểm soát của cảnh sát. Phạm nhân phải làm
việc từ bảy giờ sáng đến mười hai giờ trưa và từ hai giờ trưa đến sáu giờ
nhiều, những điều trên đây có thể giúp bạn đọc hình dung sơ sài cái không khí
sống trà trộn của những con người hết sức khác nhau, phạm nhân lẫn cánh sát: đây
thật là một cái làng nhỏ trong đó việc gì cũng được mọi người bình luận, việc
gì cũng được phán xét, trong đó mọi người đều chứng kiến và quan sát cách sống
của nhau.
Dega và
Galgani đã đến bệnh viện thăm tôi suốt ngày chủ nhật. Chúng tôi đã cùng ăn món
ailloli nấu cá, món canh cá, khoai tây, pho-mát, uống cà-phê, rượu vang trắng.
Bữa ăn này chúng tôi gồm có Chatal, Dega, Galgani, Maturette và tôi, đã cùng
nấu với nhau trong phòng của Chatal. Các bạn yêu cầu tôi kể lại chuyến vượt
biên thật tỉ mỉ. Dega đã quyết định là không tìm cách vượt ngục. Bác ta chờ đợi
tin được giam ba năm, thành thử nếu được giam thì chỉ còn có bốn năm. Bác ta đã
đành lòng ngồi cho hết bốn năm ấy. Còn Galgani thì nói là nghe đâu đang được
một thượng nghị sĩ người Corse lo cho. Sau đó đến lượt tôi hỏi. Tôi muốn biết ở
đây có những chỗ làm nào thuận tiện hơn cả cho việc vượt ngục. Thế là ai nấy
đều kêu váng lên. Đối với Dega vấn đề này chưa bao giờ thoáng hiện trong tâm
trí. Galgani cũng vậy. Riêng Chatal thì nghĩ rằng nên tìm một mảnh vườn để
chuẩn bị một cái bè. Còn Grandet thì cho tôi biết rằng anh ta làm thợ rèn cho
"Công trường" của trại. Đó là một cái xưởng có đủ cái loại thợ: thợ
sơn, thợ mộc, thợ rèn, thợ nề, thợ hàn - cả thảy gần trăm hai mươi người. Xưởng
lo việc bảo trì nhà cửa của Ban Quản trị.
Dega vốn
làm kế toán trưởng, có thể xin cho tôi vào đấy làm một việc gì tùy tôi chọn.
Grandet tỏ ý sẵn sàng nhường cho tôi một nửa chân chủ sòng bạc, để lấy số tiền
ăn được của các con bạc mà giữ gìn sức khỏe, khỏi lạm vào tiền giấu trong plan.
Về sau tôi sẽ rõ rằng việc này rất thú vị, nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm. Ngày
chủ nhật trải qua một cách nhanh chóng lạ lùng. "Năm giờ rồi - Dega nhìn
cái đồng hồ tuyệt đẹp đeo trên cổ tay, nói - phải về trại thôi". Khi ra
về, Dega cho tôi năm trăm francs để đánh poker, vì trong phòng chúng tôi đôi
khi có những đám bạc rất khá. Grandet cho tôi một con dao thượng hảo hạng có
chốt chắn tay, lưỡi bằng thép do chính tay anh ta tôi.
- Đó là
một vũ khí đáng gờm. Đêm ngày cậu bao giờ cũng phải thủ dao trong người.
- Thế
nhỡ chúng nó khám thì sao?
- Phần
nhiều, việc này do bọn giữ khóa A-rập làm. Đối với một người được coi là nguy
hiểm, không bao giờ chúng nó phát hiện là có vũ khí, dù có sờ thấy dao rõ ràng
chúng nó cũng phải lờ đi.
- Sẽ gặp
lại ở trại - Grandet nói.
Trước
khi ra về, Galgani nói là đã dành cho tôi một chỗ trong góc của anh ta và hai
đứa sẽ cùng một tổ với nhau (người cùng tổ thì ăn chung và tiền của mỗi người
cũng là tiền của cài tổ). Dega thì không ngủ ở trại: bác ta có một buồng ngủ
riêng trong dãy nhà của Ban Quản trị.
Chúng
tôi đến đây đã được ba ngày, nhưng vì đêm nào tôi cũng ở bên cạnh Clousiot, cho
nên tôi không biết rõ cho lắm cảnh sinh hoạt ở căn phòng lớn của bệnh viện có
đến gần sáu mươi người nằm. Rồi vì Clousiot mệt nặng quá, người ta cách ly anh
vào một phòng riêng đã có một người bệnh nặng nằm từ trước. Chatal cứ tống mãi
morphin vào cho anh. Chatal sợ anh không qua khỏi đêm nay. Trong phòng có sáu
mươi giường xếp lại làm hai dãy, ở giữa là một lối đi rộng ba mét. Hầu như giường
nào cũng có người nằm. Hai ngọn đèn dầu hỏa thắp sáng gian phòng. Maturette nói
với tôi: "Ngoài kia họ đang đánh poker". Tôi ra chỗ đánh bài. Có bốn
người đang chơi.
- Tôi vào
thêm một chân có được không?
- Được,
ngồi xuống đi.
Mỗi ván
tối thiểu chừng một trăm francs. Mỗi chầu ba ván vị chi ba trăm francs.
- Này,
cầm lấy ba trăm tiền cắc.
Tôi đưa
Maturette giữ hộ hai trăm đồng tiền cắc. Một người Paris tên là Dupont nói:
- Ở đây
đánh theo luật Anh, không dùng joker. Cậu biết cách chơi chứ?
- Biết.
- Thế thì
chia bài đi, cậu làm cái trước.
Mấy
người này đánh bài với một tốc độ khó tưởng tượng nổi. Bài phải đỡ rất nhanh,
nếu không người làm cái sẽ nói: "Đỏ chậm rồi", và người kia sẽ phải
đền.
Chính ở
đây tôi đã phát hiện được một loại phạm nhân mới: loại con bạc. Họ sống bằng cờ
bạc, vì cờ bạc trong cờ bạc. Ngoài cờ bạc ra, họ không còn quan tâm đến một cái
gì khác nữa. Họ quên hết: trước kia họ là gì, họ bị xử án gì, họ có thể làm gì
để cho cuộc sống của họ thay đổi ít nhiều. Họ không cần biết người ngồi đánh
bài với họ là ai, tốt xấu ra sao, chi cần người đó đánh bài, thế là đủ.
Chúng
tôi chơi suốt đêm hôm ấy. Đến giờ uống cà- phê mới thôi. Tôi được một ngàn ba
trăm francs. Tôi đang đi về giường thì Paulo đến gặp tôi hỏi vay hai trăm để đi
đánh tiếp mấy ván belote tay đôi. Cần hai trăm mà anh ta chỉ có một.
- Đây,
cầm lấy ba trăm. Chung vốn một nửa, tôi nói.
- Cám ơn
Papillon. Anh đúng là gã trai tôi đã được nghe nói. Ta sẽ là bạn.
Anh ta
chìa tay, tôi bắt tay anh ta, và anh ta vui vẻ cầm tiền đi.
Clousiot
chết vào sáng hôm ấy. Đêm trước, vào một lúc tỉnh táo, anh đã yêu cầu Chatal
đừng tiêm morphin cho anh nữa:
- Tôi
muốn được trọn vẹn khi chết, ngồi trên giường bên cạnh có các bạn tôi.
Có lệ
tuyệt đối cấm vào các phòng cách ly, nhưng Chatal đã tự ý bỏ lệ đó, và bạn
chúng tôi đã được chết trong tay chúng tôi. Tôi đã vuốt mắt cho anh. Maturette
biến dạng đi vì đau đớn.
- Anh ấy
là người bạn đường trong cuộc phiêu lưu tuyệt vời của chúng ta. Thế mà bây giờ
người ta đã ném anh ấy xuống biển cho cá mập.
Khi nghe
mấy tiếng "ném cho cá mập", tôi lạnh toát cả người.
Ở Quần
đảo quả nhiên không có nghĩa địa cho phạm nhân. Khi một người tù qua đời, họ
đem xác ném xuống biển vào lúc mặt trời lặn, khoảng giữa hai đảo Saint-Joseph
và Royale, một nơi nhung nhúc những cá mập. Cái chết của người bạn làm cho tôi
không tài nào ở lại bệnh viện được. Tôi nhắn Dega là ngày kia tôi sẽ ra viện.
Dega liền viết cho tôi mấy chữ: "Cậu hãy xin Chatal ký giấy cho nghỉ mười
lăm ngày ở trại, để cậu có thì giờ chọn một công việc vừa ý". Maturette sẽ
nằm viện mấy ngày nữa. Có lẽ Chatal sẽ giữ cậu ta lại làm y tá phụ việc. Hôm
tôi ra viện, họ dẫn tôi đến trụ sở ban Quản trị gặp thiếu tá Barrot biệt hiệu
"Dừa khô".
- Bươm
bướm ạ, - Ông ta nói, - trước khi cho anh về trại, tôi thấy cần nói chuyện với
anh một chút. Ở đây anh có một người bạn quý làm kế toán cho tôi: Louis Dega
ấy. Lão ta nói anh không phải là người như trong các hồ sơ từ Pháp gửi cho
chúng tôi nhận xét và vì coi anh là một người vô tội bị xử oan, việc anh thường
nổi loạn là việc bình thường. Tôi xin nói với anh rằng tôi không đồng ý lắm với
Dege về vấn đề này. Điều tôi đang muốn biết là hiện nay trạng thái tinh thần
của anh ra sao.
- Thưa
thiếu tá, trước tiên, để có thể trả lời ngài, xin ngài cho biết trong hồ sơ
nhận xét về tôi như thế nào?
- Anh cứ
xem đi thì biết.
Và thiếu
tá đưa cho tôi một cái cặp bìa vàng, trong đó tôi đọc thấy những điều đại loại
như sau: "Henri Charrière, biệt hiệu Bươm bướm, sinh ngày 16 tháng Một năm
1906 ở... , tỉnh Ardèche, bị Tòa Đại hình quận sông Seine xử án khổ sai chung
thân vì tội giết người. Nguy hiểm về mọi phương diện, cần được giám sát nghiêm
ngặt. Không thể giao những công việc ưu đãi" "Nhà lao trung tâm Caen:
một phạm nhân bất trị, không thể cải hóa. Có khả năng khuấy động và chỉ huy một
cuộc nổi loạn. Cần quan sát thường xuyên. "Saint-Martin de Ré : một tù
nhân có kỷ luật nhưng rất có ảnh hưởng đối với các bạn tù. Sẽ tìm cách vượt
ngục từ bất kỳ nhà giam nào. "Saint-Laurent du-Maroni: đã tấn công một
cách man rợ vào ba viên giám thị và một viên giữ khóa để trốn khỏi bệnh viện.
Được đưa từ Colombia về. Có thái độ đứng đắn khi ra tòa trừng giới. Bị xử nhẹ
hai năm cấm cố. "Nhà lao cấm cố Saint-Joseph: hạnh kiểm tốt cho đến mãn
hạn". Khi tôi trả lại tập hồ sơ, viên thiếu tá nói:
- Anh
bạn Bươm bướm ạ, với một hồ sơ như thế, người có nhiệm vụ quản lý anh khó lòng
có thể yên tâm. Bây giờ anh có thể ký kết với tôi một bản giao kèo không?
- Sao
lại không ạ? Tuy cũng còn tùy ở nội dung bản giao kèo.
- Tôi
tin chắc mười phần là anh sẽ làm hết cách để vượt ngục khỏi Quần đảo, mặc dầu
việc này hết sức khó khăn. Rất có thể anh sẽ thành công nữa là khác. - Thế mà
về phần tôi, tôi còn phải quản lý Quần đảo năm tháng nữa. Anh có biết một vụ
vượt ngục xảy ra thì Giám đốc Quần đảo phải trả giá như thế nào không? Một năm
phụ cấp. Tôi sẽ bị tước bỏ số phụ cấp của viên chức hải ngoại, sẽ bị hoãn nghỉ
phép sáu tháng và hạn nghỉ phép rút bớt ba tháng. Và tùy theo kết luận sau khi
điều tra về vụ vượt ngục, nếu thấy có sự sơ xuất của Giám đốc trại, có thể mất
một lon. Anh thấy đấy: chẳng phải chuyện đùa. Nhưng nếu tôi là người làm việc
một cách trung thực thì không thể chỉ vì anh có cơ vượt ngục mà tôi lại có
quyền nhốt anh vào ngục hay vào xà lim. Trừ phi tôi đặt điều vu cho anh phạm
lỗi này nọ. Cái đó tôi không muốn làm chút nào. Cho nên tôi mong anh lấy danh
dự hứa với tôi là sẽ không tìm cách vượt ngục trước khi tôi rời Quần đảo. Năm
tháng thôi.
- Thưa
thiếu tá, tôi xin lấy danh dự hứa với ngài là chừng nào ngài còn ở đây, nếu
không quá sáu tháng, tôi sẽ không đi khỏi Quần đảo.
- Không
đến năm tháng nữa tôi sẽ ra đi: đó là điều hoàn toàn chắc chắn.
- Vậy
thì rất tốt. Ngài cứ hỏi Dega: bác ta biết tôi đã hứa là giữ lời.
- Tôi
tin anh.
- Nhưng
đổi lại, tôi có một yêu cầu.
- Yêu
cầu gì?
- Trong
cái thời hạn năm tháng ấy tôi phải được phân những công việc mà lý ra về sau
tôi mới được nhận, và hơn nữa, khi cần tôi sẽ được đổi sang đảo khác.
- Được,
tôi đồng ý. Nhưng việc này chỉ có hai chúng ta biết thôi.
- Thưa
ngài vâng.
Thiếu tá
cho gọi Dega đến: Dega nói rằng chỗ của tôi không phải ở trong đám các "tù
nhân tử tế" mà là trong đám giang hồ. Trong tòa nhà giam các tù nhân nguy
hiểm: tất cả các bạn tôi đều ở đấy. Người ta trao cho tôi cái bị đựng toàn bộ
trang phục và đồ dùng của tù khổ sai. Thiếu tá ra lệnh thêm cho tôi mấy bộ quần
áo lao động màu trắng tịch thu của bọn thợ may.
Thế là
tôi đi theo một viên cảnh sát về khu trung tâm của trại, với hai cái quần trắng
mới tinh khôi, ba cái áo va-rơi và một cái mũ rơm. Muốn đến dãy nhà nhỏ của Ban
Quản trị trại phải đi qua cả khoảng đất bằng trên đỉnh đồi. Chúng tôi đi ngang
trước mặt bệnh xá của giám thị, men theo một bức tường cao bốn mét bao quanh
trại giam. Sau khi đi gần hết chu vi cái hình chữ nhật rộng mênh mông này,
chúng tôi đến cửa chính trại trừng giới Quần đảo "Phân trại Royale".
Cánh cửa gỗ to tướng của trại mở toang hoác. Nó cao phải đến sáu mét. hai tốp
gác mỗi tốp bốn viên giám thị. Một viên đeo lon ngồi trên một chiếc ghế tựa.
Không thấy có súng trường: ai nấy đều đeo súng lục. Tôi còn thấy có năm sáu tên
giữ khóa người A-rập.
Khi tôi
vào đến vòm cửa, bọn giám thị đều bước cả ra. Viên chỉ huy, người Corse, nói:
"Đây là một phạm nhân mới, thuộc loại có hạng". Bọn giữ khóa toan lục
soát tôi, nhưng hắn ngăn họ lại:
- Thôi
đừng bày trò bắt hắn giở hết cả bạc- đa ra. Vào đi Papillon. Ở nhà tù trung tâm
chắc chắn là có nhiều bạn cũ đang đợi mày. Tao tên là Sofram. Chúc mày gặp may
mắn ở Đảo này!
- Cám ơn
sếp.
Tôi bước
vào một khoảng sân rộng mênh mông xung quanh có ba tòa nhà lớn. Tôi đi theo
viên giám thị, vào một tòa nhà có đề trên cửa: nhà A - Khối Đặc biệt"
trước cánh cửa rộng mở viên giám thị gọi lớn: "Khối trưởng đâu!" Một
người tù khổ sai già bước ra. Viên sếp nói: "Đây là một tay mới", đoạn
bỏ đi.
Tôi bước
vào một gian phòng lớn hình chữ nhật có một trăm hai mươi người ở. Cùng như
trong cái lán đầu tiên của tôi ở Saint-Laurent, hai bên có hai thanh sắt dài
chạy song song với hai bức tường làm thành chiều dài của gian phòng, chỉ đứt
quãng ở chỗ có cánh cửa sắt đóng vào ban đêm. Giữa mỗi thanh sắt và bức tường
đối diện có căng rất thẳng những tấm vải bố dùng làm giường, được gọi là
"võng" tuy nó chẳng giống võng chút nào. Nhưng cái "võng"
này rất tiện nghi và hợp vệ sinh. Phía trên môi tấm vải có hai tấm ván đóng vào
tường dành cho phạm nhân để đồ đạc: một tấm để áo quần, một tấm để cà-mèn và
thức ăn v.v... Giữa hai hàng võng có một lối đi rộng ba mét, gọi là "hành
lang". Ở đây phạm nhân cũng họp thành từng nhóm nhỏ gọi là "xóm"
hay "tổ" sinh hoạt. Có những tổ chỉ có hai người, nhưng cũng có những
tổ có đến mười người.
Chúng tôi
vừa vào một cái là các tù nhân mặe đồ trắng đổ xô lại. "Papi, ra phía
này!" "Không, cậu ấy đến chỗ chúng tớ". Grandet cầm lấy cái bị
của tôi, nói: "Papi sẽ ở một tổ với tớ" Tôi đi theo Grandet. Họ lắp
"võng" cho tôi, kéo thật căng.
- Này.
cầm lấy cái gối lông gà này mà gối. Grandet nói.
Tôi gặp
lại cả một lô bạn bè cũ. Rất nhiều người Corse và người Marseille, cũng có mấy
người Paris: đều là những bạn từ Pháp sang, hoặc giả những người tôi đã làm
quen ở nhà lao Santé, nhà lao Conciergie hay trên tàu thủy. Nhưng tôi lấy làm
lạ sao giờ này mà họ đều có mặt ở đây cả. Tôi hỏi: "Giờ này mà các cậu
không phải đi làm à?" Thế là ai nấy đều cười rộ.
- Chà!
Câu này cậu phải chép lại cho chúng tớ làm kỷ niệm đấy! Ở nhà A này ai phải đi
làm thì nhiều nhất là mỗi ngày một tiếng. Sau đó là về tổ.
- Cuộc
đón tiếp của các bạn thật là nồng nhiệt. Được như thế này mãi thì hay quá.
Nhưng
tôi chợt nhận thấy một điều mà tôi không hề dự kiến: tuy chỉ nằm bệnh viện có
mấy ngày, giờ đây tôi thấy mình phải học lại cách sống tập thể.
Tôi được
chứng kiến một cảnh mà tôi khó lòng có thể tưởng tượng nổi. Một anh chàng mặc
đồ trắng bước vào hai tay bưng một cái khay lớn phủ một tấm vải trắng tinh,
rao: "Bít-tết, bít-tết đây! Ai bít-tết nào?" Một lát sau hắn đã đến
ngay chỗ chúng tôi, dừng lại, giở tấm vải trắng ra, để lộ cả một khay bày toàn
là bít-tết xếp từng chồng sắp rất ngang hàng thẳng lối như trong một cửa hàng
thịt chính quy ở Pháp. Có thể thấy rõ Grandet là một ông khách thường xuyên, vì
cái anh bưng bít-tết không hỏi xem anh ta có mua bít-tết không, mà chỉ hỏi xem
anh ta lấy bao nhiêu suất.
- Năm
suất.
-
Phô-phi-lê hay thịt vai nào?
-
Phô-phi-lê. Hết bao nhiêu đây? Cậu tính sổ lại thử xem, vì bây giờ tổ tớ thêm
một nhân khẩu, chẳng giống mọi hôm. Cậu bán bít-tết rút ra một cuốn sổ tay,
tính toán cái gì một lúc.
- Cả
thảy vị chi một trăm ba mươi lăm francs: tổng cộng đấy.
- Thế
thì tớ thanh toán hết, để bắt đầu ghi sổ lại từ đầu.
Khi anh
bán thịt đã đi chỗ khác. Grandet nói với tôi:
- Ở đây
mà không có bím thì chỉ có chết. Nhưng cũng may là có một phương pháp để lúc
nào cũng rủng rỉnh: đó là "biện pháp D".
Ở trong
đám giang hồ chính cống, "biện pháp D" (tức là
"debrouille") là cái cách xoay xớ riêng của từng người để kiếm tiền
xài. Anh đầu bếp của trại lấy suất thịt của các tù nhân, rán bít-tết đem bán.
Khi nhận thịt ở nhà bếp, hắn cắt bớt đi chừng một nửa. Tùy loại thịt, hắn làm
bít-têt, làm ra-gu hay đem hầm nhừ. Một phần đem bán cho bọn giám thị thông qua
vợ họ, một phần đem bán cho các phạm nhân có tiền. Dĩ nhiên, anh đầu bếp cũng
có chia phần lời cho viên giám thị phụ trách bếp núc. Nhà đầu tiên anh ta mang
hàng đến bao giờ cũng là nhà A, nhà của khối Đặc biệt tức của chúng tôi. Vậy
thì biện pháp D là biện pháp của anh đầu bếp bán thịt bán mỡ, của anh làm bánh
mì bán bánh mì phăng-te-di và bánh mì trắng ba-ghét, tức bánh mì ống sáo nướng
dòn tan, dành cho bọn giám thị, của anh đồ tể ở lò thịt bán thịt cho anh đầu
bếp; của anh y tá bán thuốc tiêm; của anh kế toán ăn tiền để chỉ định cho phạm
nhân nhận việc này việc nọ, hay chỉ để cho anh miễn một khoản cỏvê nào đấy; của
anh lao vườn, bán rau quả tươi; của anh tù làm ở phòng thí nghiệm bán kết quả
xét nghiệm, nhiều khi còn sản xuất ra cả những bệnh nhân ho lao dởm, cùi dởm,
lỵ dởm, v.v... , của những chuyên gia ăn cắp các thứ vặt vãnh trong sân nhà bọn
giám thị rồi đem ra bán: trứng, gà, xà-bông Marseille; của những anh "tù
gia đình" chuyên móc nối đổi chác với bà chủ nhà, ai cần gì cứ nhờ họ kiếm
cho: bơ, sữa đặc, sữa bột, hộp cá thu, hộp cá trích, pho-mát, và dĩ nhiên là cả
rượu vang, rượu mạnh (chẳng hạn tổ tôi bao giờ cũng có một chai Ricard và mấy
bao thuốc lá Mỹ hay Ăng-lê); rồi lại còn những anh tù được phép đi câu, chuyên
bán cá tươi và tôm he nữa.
Nhưng
cái biện pháp D hời nhất, và cũng là nguy hiểm nhất nữa, là làm chủ sòng bạc.
Lệ ở đây quy định là không bao giờ được có hơn ba hay bốn chủ sòng trong một
khối gồm một trăm hai mươi tù nhân. Người nào định kiếm chân chủ sòng thì đang
đêm cứ đến một sòng đang chơi tuyên bố:
- Tớ
muốn kiếm một chân chú sòng.
Người ta
thường trả lời hắn là không được đâu.
- Mọi
người đều đồng ý là không được chứ?
- Không
được.
- Vậy
thì tớ chọn cậu Mỗ đây: tớ chiếm chỗ cậu.
Cái anh
mỗ được chọn kia đã hiểu. Hắn đứng dậy, ra giữa phòng và hai người rút dao ra
đọ sức. Ai thắng thì được giữ chân chủ sòng. Chủ sòng được hường hồ năm phần
trăm mỗi số tiền thắng được.
Cờ bạc
cũng là cơ hội thực hiện những biện pháp D vụn vặt khác, có những anh chuyên
trải những tấm chăn thật thắng thớm xuống đất cho mọi người ngồi, lại có những
anh cho thuê mấy cái ghế đòn con con dành cho những con bạc không quen ngồi xếp
bằng, có những anh bán thuốc lá điếu bên sòng bạc: họ đặt lên tấm chăn mấy cái
hộp xì gà cũ, đựng những bao thuốc Pháp, Anh, Mỹ hay những điếu thuốc quấn lấy.
Mỗi thứ đều có giá nhất định. Ai muốn hút cứ việc tự lấy ra, nhưng không được
quên bỏ vào hộp số tiền đã ấn định cho từng loại thuốc. Lại có cả những anh
chuyên trách mấy cái đèn dầu noa, trông nom cho đèn đừng bốc khói nhiều quá. Đó
là những cây đèn làm bằng hộp sữa, mặt trên đục lỗ xâu bấc. Lâu lâu lại phải
gạt bấc cho đỡ bốc khói.
Những
con bạc không hút thuốc thì dùng kẹo hay bánh ngọt: việc sản xuất các thứ này
cũng làm thành một nghề D riêng. Mỗi khối nhà đều có một hay hai anh bán
cà-phê. Cà-phê theo kiểu A-rập, được ủ nóng suốt đêm trong hai cái bao bố gấp
kín lại và được để ở một chỗ cố định. Lâu lâu người bán cà-phê lại đảo qua sòng
bạc chào mời, tay cầm một cái bình thủy tự chế đựng cà-phê hay ca cao nóng.
Cuối cùng là nghề tiểu thủ công. Đây có thể nói là một biện pháp D có tính chất
mỹ nghệ. Có người mua lại đồi mồi của những tù nhân chuyên đi câu để gia công.
Mỗi cái mai như vậy có mười ba mang có thể nặng tới hai ki lô. Nhà mỹ nghệ dùng
đồi mồi làm vòng đeo tay, làm hoa mai, làm vòng đeo cổ, làm cán điếu, làm lược
và làm bàn chải. Tôi còn được trông thấy một cái hộp làm bằng đồi mồi vàng,
thật là một tuyệt phẩm. Lại có những người chạm trổ sọ dừa, sừng trâu sừng bò,
gỗ mun và gỗ đảo hình rắn. Cũng có người làm những thứ đồ gỗ cao cấp đòi hỏi độ
chính xác rất cao, không có lấy một cái đinh, toàn dùng khớp làm lại. Những
người khéo tay nhất thì làm đồ đồng đen. Lại có cả những họa sĩ nữa.
Cũng có
nhiều tài nghệ khác nhau được liên kết lại để làm một sản vật duy nhất. Nói giả
dụ có một người tù câu được một con cá mập. Hắn liền lấy xương hàm con cá đánh
thật sạch rồi gia công sao cho xương và hai hàng răng thật bóng, thật thẳng,
chốt cho cái hàm há rộng thành một cái khung xung quanh toàn răng nhọn hoắt.
Một anh thợ gỗ làm một cái mô hình neo bằng gỗ mịn thớ đánh thật bóng, phần
giữa thật rộng để có thể vẽ tranh lên trên. Cái neo được gắn vào giữa cái hàm
cá mập, và một họa sĩ vẽ lên đấy một cảnh Quần đảo Salut giữa biển cả. Chủ đề
hay được sử dụng nhất là chủ đề sau đây: mũi đảo Royale, có biển và đảo
Saint~Joseph. Trên mặt biển màu xanh biếc ánh tà dương lấp lánh. Trên mặt biển
là một con thuyền có sáu phạm nhân mình trần đứng cầm chèo đứng thẳng, phía sau
lại có ba viên cảnh binh cầm tiểu liên. Ở mũi thuyền, hai người đang dốc một cỗ
quan tài: từ đấy tụt ra một cái xác chết bọc trong bao bột. Trên mặt nước có
thể trông thấy mấy con cá mập đang há mõm đợi ăn. Ở phía dưới bức tranh, bên
góc phải có đề "Mai táng ở Royale" và ngày tháng vẽ tranh. Tất cả các
"mỹ nghệ phẩm" như trên đều bán cho các nhà giám thị.
Những
chế phẩm đẹp nhất thường được đặt mua trước hay đặt làm riêng. Phần còn lại bán
cho các chuyến tàu ghé đảo. Đây là lãnh vực của mấy anh chèo thuyền. Cũng có
những anh bịp đời, lấy một cái ca cũ kỹ mép méo, khắc dòng chừ "cái ca này
trước kia là ca của Dreyfus - Đảo quỷ, - ngày... tháng... " Thìa và cà-mèn
cũng được dân bịp đời sử dụng kiểu đó. Đối với mấy anh lính thủy người Bretagne
thì có một món ăn chắc: bất cứ đồ vật gì có khắc tên "Sezenec". Những
cuộc mua bán thường xuyên này thu hút vào Quần đảo rất nhiều tiền, và bọn giám
thị thấy rõ điều đó có lợi cho họ, cho nên họ cứ để mặc. Mải lo việc sản xuất
và bán chác, tù nhân dễ điều khiển hơn và dễ an phận với cuộc sống đày ải của
họ hơn.
Thói pê-
đê ở đây đã trở thành một nếp sống chính thức. Mọi người, cho đến cả chỉ huy
trại giam, đều biết rằng cậu Mỗ nào đó là vợ của một cậu Mễ nào đó, và nếu có
trót chuyển một trong hai cậu ấy sang đảo khác mà quên mất cậu kia thì người ta
làm đủ cách để cho cái đôi bị "chia loan rẽ thúy" kia sớm đoàn tụ.
Trong cả đám phạm nhân ấy không có lấy được ba phần trăm có ý định tìm cách
trốn khỏi quần đảo. Ngay cả những người bị án chung thân cũng không. Cách duy
nhất để có cơ vượt ngục là làm sao được miễn giam và được chuyển về Đất liền,
về Saint-Laurent, Kourou hay Cayenne. Điều đó chỉ có thể có được với những
người bị giam có thời hạn. Đối với những người bị án giam chung nhân thì không
có cách gì, trừ phi là giết người. Vì nếu phạm nhân giết chết một người nào,
thì sẽ bị đưa về Saint-Laurent để xử. Nhưng vì muốn đến Saint-Laurent phải qua
thủ tục thú nhận tội sát nhân, người ấy có nguy cơ bị năm năm cấm cố mà không
biết là liệu trong cái thời hạn ngắn ngủi ở trại trừng giới Saint-Laurent (tối
đa là ba tháng) có đủ thì giờ để tổ chức vượt ngục hay không?
Cũng có
thể tìm cách xin được miễn giam vì lý do sức khỏe. Nếu được công nhận là ho lao
thì được chuyển đến trại của phạm nhân ho lao, gọi là "Trại mới",
cách Saint-Laurent tám mươi cây số. Còn có bệnh hủi hay bệnh kiết lỵ kinh niên
nữa. Muốn được công nhận có một trong hai bệnh này cũng tương đối dễ, nhưng làm
như thế có một nguy cơ rất khủng khiếp: phải chung sống hai năm, cách ly trong
một căn nhà riêng với những người mắc bệnh hủi thứ thiệt hay bệnh kiết lỵ thứ
thiệt. Trong hai năm ấy chẳng khó gì mà chẳng chuyển từ hủi dỏm thành hủi xịn
và từ kiết dỏm thành kiết xịn: không ít người đã qua cái quá trình ấy. Thế là
tôi đã an cư lạc nghiệp trong khối nhà A với một trăm hai mươi bạn tù của tôi.
Phải cố học cách sống trong cái khối cộng đồng này, nơi mà người ta phân loại
được anh ngay. Trước hết phải làm sao cho mọi người biết rõ rằng không thể nào
tấn công mình mà không bị giáng trả đích đáng. Được mọi người e sợ rồi, còn
phải được họ kính trọng vì thái dộ của mình khi đối xử với bọn cớm, không được
nhận một số chức việc nào đấy, phải khước từ một số công việc nhất định, không
bao giờ được khuất phục một tên giữ khóa, không bao giờ tuân lệnh hắn, dù có
phải vì thế mà xung đột với một viên giám thị cũng vậy.
Nếu đã
đánh bạc suốt đêm rồi thì đến giờ điểm danh cũng không ra. Người trường khối
chỉ việc trả lời: "ốm phải nằm", thế là xong. Ở các khối khác, nhiều
khi bọn giám thị vào tận phòng tìm "người ốm" và bắt hắn ra điểm
danh. Nhưng ở khối dân cứng đầu thì không bao giờ. Chung quy, điều mà từ cấp
cao đến cấp thấp bọn họ quý nhất là được yên thân ở trại khổ sai này. Bạn cùng
tổ với tôi, Grandet, là một người Marseille ba mươi lăm tuổi. Người cao lêu
đêu, gầy như que củi, nhưng rất khỏe. Chúng tôi là chỗ bạn thân từ hồi ở Pháp.
Chúng tôi hay gặp nhau ở Toulon, cũng như ở Marseille và ở Paris. Đó là một tay
khoét tủ sắt nổi tiếng. Anh ta hiền nhưng có lẽ rất nguy hiểm. Hôm nay tôi
không ra ngoài. Trong gian phòng rộng mênh mông hầu như chỉ có một mình tôi.
Ông già trưởng khối đang quét và lau cái sàn xi măng. Tôi trông thấy một phạm
nhân đang ngồi sửa đồng hồ, mắt trái đeo cái gì bằng gỗ. Ở phía trên võng của
hắn có một tấm ván treo đến ba chục cái đồng hồ. Nhìn nét mặt thì hắn độ ba
mươi tuổi là cùng, nhưng đầu hắn bạc trắng. Tôi đến cạnh hắn, nhìn hắn làm việc
một lúc. Rồi tôi thử bắt chuyện với hắn. Hắn cứ câm như hến. Thậm chí cũng
chẳng thèm ngẩng mặt lên một lần nào, hơi trạnh lòng, tôi bỏ đi ra sân, đến
ngồi ở cạnh máy nước.
Ở đây đã
có Titl la Belote, đang tập dượt với một cỗ bài mới tinh khôi. Mười ngón tay
mềm mại của hắn thoăn thoắt trang di trang lại ba mươi con bài với một tốc độ
không tài nào tưởng tượng nổi. Vẫn không ngừng ngưng động tác chớp nhoáng của
nhà ảo thuật, hắn bảo tôi:
- Thế
nào anh bạn? Ở Royale có ổn không?
- Ổn,
nhưng hôm nay tớ chán quá. Tớ sẽ tìm việc gì làm, để ra ngoài trại một chút.
Ban nãy tớ muốn nói chuyện một lát với cái tay gì sửa đồng hồ trong kia, nhưng
hắn cũng chẳng buồn trả lời tớ nữa.
- Anh
không biết đấy Papi ạ, chứ thằng cha ấy nó có coi ai ra gì đâu. Nó chỉ biết mấy
cái đồng hồ của nó. Ngoài ra nó đếch cần. Quả tình sau những chuyện nó phải
chịu đựng, nó có quyền điên lắm. Nó chưa điên là may.
Anh hãy
tương tượng mà xem, cái anh chàng trẻ tuổi ấy - có thể gọi hắn như vậy vì hắn
chưa đến ba mươi - năm ngoái đã từng bị xử tử vì bị buộc tội là
"hiếp" vợ một thằng cớm. Chuyện láo toét cả. Hắn ngủ với cô chủ từ
lâu - cô ta là vợ một viên giám thị trưởng người Bretagne. Vì hắn là "tù
gia đình" ở nhà họ, cho nên cứ đến ngày trực của viên giám thị là hai anh
chị tha hồ. Nhưng anh chị đã phạm một sai lầm lớn: cô nàng không cho anh chàng
giặt là áo quần nữa, cô ta tự làm lấy: thế là anh chồng mọc sừng xưa nay vốn
biết tính cô ta lười, thấy lạ và sinh nghi. Nhưng anh ta chưa có bằng chứng là
mình bị mọc sừng. Cho nên anh ta quyết định bày mưu để bắt quá tang tại trận và
giết chết cả đôi. Anh ta đã không lường trước được cách phản ứng của cô nàng.
Một hôm, trực được hai tiếng thì anh ta bỏ phiên về nhà, gọi một viên giám thị
về theo lấy cớ là để biếu tay này một súc giăm-bông nhà mới gửi cho. Hai người
khẽ khàng đi vào cổng, nhưng vừa vào đến nhà thì con vẹt nuôi trong nhà ré lên
"ông chủ đã về!" như nó vẫn quen làm mỗi khi viên giám thị về. Ngay
tức khắc cô vợ hét lên: "Cứu với! Nó hiếp tôi đây này?" Hai tên gác
xông vào buồng đúng vào lúc cô vợ vừa vùng ra khỏi tay anh tù. Anh này vội nhảy
qua cửa sổ chạy. Viên giám thị bắn theo, một phát trúng vai anh ta. Trong khi
đó, cô nàng xé rách áo choàng, cào xước vú và má mình ra. Anh tù ngã xuống, tên
gác người Breton toan bắn chết thì tên gác kia giật súng đi. Tớ cần nói rõ là
tên gác này người Corse, ngay từ đầu đã hiểu rằng ông sếp phịa chứ ở đây chẳng
có chuyện hãm hiếp gì hết. Nhưng tên người Corse không thể nói chuyện này với
tên kia, cứ làm như thể mình tin câu chuyện hiếp dâm là chuyện thật. Anh thợ
đồng hồ bị xử tử hình.
Đến đây
thì chẳng có gì phi thường hết, anh bạn ạ. Sau đó mới ly kỳ. "ở Royale,
trong những khu trừng phạt có một cái máy chém, mỗi bộ phận đều có chỗ cất
riêng trong một căn nhà đặc biệt. Ngoài sân là năm phiến đá xây kỹ thành bệ
bằng phẳng để đặt máy chém. Cứ mỗi tuần, đao phủ thủ và hai người tù giúp việc
cho hắn lại đem cái máy ra lắp lên bệ, lưỡi dao lười diếc đầy đủ bộ sậu, rồi
cho máy chém thử hai ba cây chuối. Để cho chắc là máy vẫn trơn tru, khi cần đến
không lo trục trặc. (anh thợ đồng hồ người Savoie lúc bấy giờ đang nằm trong
khám tử hình với bốn người nữa, hai người A-rập và một người Sicilia). Cả năm
người đang đợi phúc đáp đơn xin ân xá do những viên giám thị đã bênh vực họ
viết hộ cho. Một buổi sáng nọ người ta lắp máy chém và đột nhiên mở cửa buồng
giam anh thợ đồng hồ. Tốp đao phủ xông vào trói chân anh ta lại và cũng sợi dây
ấy buộc hai cổ tay, dây liền với chân. Họ lấy kéo xén cổ áo rồi dắt anh ta đi
từng bước ngắn trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, từ từ vượt qua cái
khoảng cách chừng hai mươi mét từ buồng giam đến máy chém. (chắc bạn cũng biết
rằng khi anh đến trước máy chém, anh giáp mặt với một tấm ván dựng đứng cao
ngang vai anh, có đính sẵn nịt da để buộc sấp anh vào đấy, sau đó, tấm ván sẽ
được lật ngang ra và thế là anh chuyển sang tư thế nằm sấp, cổ đặt vừa đúng vào
chỗ lưỡi dao sẽ rơi xuống. Vậy thì người ta đang sắp sửa lật ngang tấm ván có
buộc anh thợ đồng hồ, nhưng vừa đúng lúc ấy ông chỉ huy trại - Ông "Dừa
khô" đương kim trại trưởng đấy - ra sân: theo lệ của trại, ông ta bắt buộc
phải dự cuộc hành quyết. Tay ông ta cầm một cây đèn bão lớn, và khi giơ đèn lên
soi, ông ta mới thấy là bọn cớm chết tiệt ấy nhầm: chúng nó suýt chặt đầu anh
thợ đồng hồ trong khi anh ta chẳng dính dáng gì với cuộc hành quyết sáng hôm
ấy.
- Dừng
lại Dừng lại! - Barrot quát lớn. ông ta xúc động đến mức dường như không nói
được nữa. Ông ta buông cây đèn bão rơi xuống đất, xô lấn mọi người, cảnh sát
cũng như phạm nhân, tự tay đến cởi trói cho anh sửa đồng hồ Savoie. Mãi sau đó
ông ta mới ra lệnh được:
- Y tá,
đưa anh ta về buồng giam. Săn sóc kỹ, cho uống rượu rhum. Còn các anh, cái lũ
ăn hại kia, vào bắt ngay tên Rencassen đưa ra đây. Hắn mới là kẻ phải xử tử hôm
nay, chứ không phải ai khác! "Hôm sau, anh thợ đồng hồ đã bạc trắng cả đầu
ra như anh thấy đấy. Trạng sư của hắn là một cảnh binh ở Calvi, bèn viết thêm
một lá đơn xin ân xá nữa gửi ông Bộ trưởng Tư pháp, trong đơn có kể lại việc
này. Anh thợ đồng hồ được ân xá, chuyển án tứ hình thành án chung thân. Từ đấy,
anh ta suốt ngày sửa đồng hồ cho nhân viện trong trại. Anh ta say mê công việc
quên hết mọi sự trên đời. Sửa xong anh ta giữ lại rất lâu để kiểm tra, điều
chỉnh, cho nên trên ván mới treo ngần ấy đồng hồ. Bây giờ thì anh đã hiểu ra
rằng hắn có quyền hơi điên một chút chứ?
- Hiểu,
Tita ạ, sau một cái sốc như thế, hắn có quyền không hồ hởi với mọi người cho
lắm. Tôi thành thật thương hại hắn.
Mỗi ngày
tôi lại học thêm được chút ít về cuộc sống mới này. Khối A quả là một nơi tập
trung những con người đáng sợ, xét về những thành tích dĩ vãng cũng như về cách
phản ứng của họ trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi vẫn chưa làm việc: tôi còn đợi
một chân đổ thùng. Kiếm được chân này; tôi chỉ phải làm mỗi ngày bốn mười lăm
phút, rồi sau đó được đi lại tự do trên đảo và được phép xuống biển đánh cá.
Sáng hôm ấy, đến buổi điểm danh lấy người đi làm cỏ vê ở đồn điền trồng dừa, họ
chỉ định Jean Castelli. Ông ta bước ra khỏi hàng hỏi:
- Cái
gì? Tôi mà cắt di làm cỏ-vê à? Tôi ấy à?
- Phải,
anh đấy! - Tên gác đội cỏ-vê nói. - Đây, cầm lấy cái cuốc chim này.
Castelli
lạnh lùng nhìn hắn;
- Anh
kia. anh không hiểu rằng phải là dân cái xứ Auvergne nhà anh mới biết cách dùng
cái thứ cuốc quỉ quái ấy à? Tôi là người Corse ở Marseille. Ở Corse người ta
ném các dụng cụ đi cho thật xa, còn ở Marseille người ta còn không biết nó là
cái gì nữa. Anh cứ giữ lấy cái cuốc và để cho tôi yên.
Tên cớm
trẻ, chưa am hiểu công chuyện ở đây lắm (như về sau tôi được biết), giơ cao cái
cán cuốc lên dọa Castelli. Lập tức một trăm hai mươi người quát lên cùng một
lúc:
- Buông
cuốc xuống, không thì chết ngay bây giờ!
Grandet
hô:
- Giải
tán!
Thế là
không bận tâm đến tư thế sẵn sàng tấn công của tất cả những tên cảnh binh có
mặt lúc bấy giờ, chúng tôi kéo nhau trở về khối.
Khối
"B" đang lũ lượt kéo nhau đi làm, cả khối "C" cũng vậy. Ở
khối chúng tôi thấy có chừng mười hai tên cảnh binh đến, và một việc không bình
thường xảy ra: họ đóng cánh cửa sắt lại. Một giờ sau, bốn chục tên cảnh binh
đứng thành hai hàng hai bên khung cửa, tiểu liên cầm lăm lăm trong tay. Viên
phó chỉ huy trại, viên chỉ huy đội gác, viên giám thị trưởng và cả bọn giám thị
đều có mặt đông đủ chỉ trừ viên chỉ huy trại đã đi thanh tra đảo Quỷ từ lúc sáu
giờ sáng, trước khi xảy ra biến cố vừa qua. Viên phó chỉ huy trại nói:
- Dacelli,
gọi từng người một ra.
-
Grandet? Bước ra!
Grandet
bước ra đứng giữa hai hàng cảnh binh xếp hai bên cửa sắt. Dacelli nói:
- Đi làm
đi!
- Tôi
không đi được.
- Anh từ
chối phải không?
- Tôi
không từ chối. Tôi ốm.
- Từ bao
giờ? Lúc điểm danh lần đầu anh có cáo ốm đâu?
- Hồi
sáng tôi không ốm. Bây giờ tôi mới ốm.
Sáu mươi
người được gọi ra khỏi hàng sau Grandet đều lần lượt trả lời đúng như vậy. Chỉ
có một người nói thẳng ra là mình không tuân lệnh. Chắc anh ta có ý định làm
cho họ phải đưa anh ta về Saint~Laurent để ra tòa án binh. Khi họ hỏi: "Anh
từ chối à?" anh ta trả lời:
- Đúng,
tôi từ chối, mà từ chối đến ba lần.
- Ba
lần? Tại sao?
- Vì các
người làm tôi buồn mửa. Tôi dứt khoát không làm việc cho những hạng người đểu
cáng như các anh.
Không
khí căng thẳng đên tột độ. Bọn cánh binh nhất là những tay hãy còn trẻ, khó
chịu đựng nối khi bị phạm nhân sỉ nhục đến mức ấy. Họ chỉ chờ có một dịp: một
cử chỉ đe dọa của đám phạm nhân, sẽ cho phép họ ra tay trấn áp. Nhưng trong khi
chờ đợi. súng họ vẫn phải chĩa mũi xuống đất.
- Tất cả
những phạm nhân đã gọi tên, cởi hết ra. Đi về xà lim!
Trong
khi áo quần được cởi bỏ tụt xuống đất chốc chốc lại nghe tiếng ruột con dao rơi
xuống khoảng sân tráng nhựa đánh cách một cái. Vừa lúc ấy bác sĩ đến.
- Thôi,
đứng lên đã! Bác sĩ đây rồi. Xin bác sĩ khám cho mấy người này. Những ai không
được công nhận là ốm sẽ vào xà lim. Những người ốm thật sẽ được trả về khối.
- Có sáu
mươi người ốm sao?
- Thưa
bác sĩ vâng, trừ người kia không chịu đi làm.
- Nào,
tôi bắt đầu khám người thứ nhất? - bác sĩ nói. – Grandet, anh ốm thế nào?
- Tôi
mắc bệnh rối loạn tiêu hóa của cai ngục bác sĩ ạ. Chúng tôi dầu là phạm nhân bị
xử tội nặng, phần lớn đều là án chung thân. Ở quần đảo này không có hy vọng gì
vượt ngục. Cho nên chúng tôi chỉ có thể chịu đựng nổi cuộc sống này nếu quy chế
nhà tù được áp dụng một cách co giãn chút ít và có hiểu biết, thông cảm với
chúng tôi. Thế nhưng sáng nay, trước mặt tất cả chúng tôi, một viên giám thị đã
tự cho phép mình giơ cán cuốc định đánh một bạn tù được mọi người kính trọng.
Đó không phái là một động tác phòng ngự, vì người tù không hề đe dọa ai cả. Bác
ta chỉ nói là bác ta không muốn dùng cuốc. Nguyên nhân của bệnh dịch tập thể
của chúng tôi là như thế. Xin bác sĩ cứ suy xét.
Bác sĩ
cúi đầu nghĩ ngợi dễ đến một phút, rồi nói:
- Y tá,
hãy ghi vào: "Do ngộ độc tập thể vì thức ăn, y tá giám thị Mỗ sẽ thi hành
những biện pháp cần thiết để phát cho tất cả các phạm nhân khi ốm hôm nay mỗi
người một liều hai mươi gam sulfat natri để tẩy ruột. Còn phạm nhân X thì hãy
đưa về bệnh viện để chúng tôi kiểm tra xem khi tuyên bố từ chối lao công anh ta
có đang ở trong trạng thái tâm thần bình thường hay không". Nói đoạn, bác
sĩ quay lưng lại, bỏ đi thẳng.
- Tất cả
về khối - Viên phó chỉ huy trại hô - Nhặt quần áo lên, và chớ quên mấy con dao.
Hôm ấy ai nấy đều ở lại phòng giam. Không ai ra ngoài được, kể cả người đưa
bánh mì.
Đến trưa
không thấy đưa xúp vào, mà chỉ thấy viên giám thị y tá, có hai phạm nhân y tá
đi theo, xuất hiện với một cái xô bằng gỗ đựng thuốc tẩy sulfat nati. Chỉ có ba
người phải uống thuốc. Người thứ tư tự nhiên lên cơn động kinh ngã đúng vào xô
thuốc, làm cả cái xô, cả cái gáo và cả cả chỗ thuốc mỗi thứ văng ra một nơi:
anh ta bắt chước cơn động kinh giống như hệt! Thế là cái biến cố kia chấm dứt,
nếu không kể cái lệnh loan cho trưởng khối là phải lau cho khô chỗ thuộc đổ
lênh láng ra sàn nhà.
Suốt
buổi trưa hôm ấy tôi ngồi nói chuyện với Castelli. Bác ta đến ăn với chúng tôi.
Tổ của bác ta thì có một người Toulon tên là Louis Gravon, bị đày vì tội ăn
trộm lông thú. Khi tôi nói chuyện vượt ngục, mắt anh ta sáng quắc lên. Anh nói:
- Năm
ngoái tôi đã suýt vượt ngục được, nhưng rốt cuộc cũng bị thất bại. Tôi cũng đã
cảm thấy anh chẳng phải là người cam phận, đành chịu bó gối ở đây. Chỉ có điều
là đã ở Quần đảo này mà nói chuyện vượt ngục thì chẳng khác nào nói chuyện lên
cung trăng. Mặt khác, tôi nhận thấy anh chưa hiểu được dân tù khổ sai ở Quần
đảo. Trông thế chứ tám mươi phần trăm tự cảm thấy mình ở đây cũng tương đối
sung sướng. Sẽ không có ai tố giác anh bao giờ, dù anh có làm gì chăng nữa. Anh
giết người nào. Sẽ không có ai ra làm chứng. Anh lấy trộm ự Cũng thế thôi. Dù
một bạn tù có làm gì thì mọi người đều kết lại bênh vực bạn ấy. Dân tù quần đảo
chỉ sợ có mỗi một điều: đó là một cuộc vượt ngục thành công. Vì trong trường
hợp đó, cảnh sống tương đối yên ổn của họ bị đảo lộn hoàn toàn: khám xét liên
tục, không còn được đánh bài, không còn chơi nhạc được nữa, các nhạc cụ đều bị
phá huỷ trong những cuộc khám xét, không còn được đánh cờ vua, cờ đam nữa. Cũng
không được làm đồ mỹ nghệ nữa. Mọi thứ không trừ một thứ gì đều bị xúp hết. Họ
lục xoát liên hồi. Đường, dầu ăn, bít tết, bơ đều biến sạch. Xưa nay tất cả
những người trốn được khỏi Quần đảo, với Quần đảo thì đó vẫn là những cuộc vượt
ngục thành công: dù sao họ cũng đã trốn được ra khỏi Quần đảo. Do đó bọn gác bị
phạt, và lẽ tự nhiên là họ phải trả thù cả đám phạm nhân.
Tôi vểnh
hết tai lên mà nghe. Tôi nghe mà không sao khỏi bàng hoàng. Tôi chưa bao giờ
xem xét vấn đề dưới góc độ này. Castelli nói:
- Đến
cái ngày cậu quyết định chuẩn bị một cuộc vượt ngục, cậu hãy coi chừng. Trước
khi điều đình với một cậu nào, phải suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ, trừ phi đó
là một người bạn chí cốt.
Jean
Castelli, chuyên gia bẻ khóa, có một nghị lực và một trí thông minh hiếm có.
Bác rất ghét sự hung bạo. Anh em gọi bác ta bằng cái biệt hiệu người Cổ đại.
Chẳng hạn bác ta chỉ tắm rửa bằng xà-bông giặt Marseille, và nếu tôi vừa tắm
bằng xà-bông Palmolive, bác ta liền nói: "ồ, cậu sặc mùi pê- đê, thật đấy!
Cậu lại tắm bằng xà-bông đàn bà rồi!" Tiếc thay, bác ta đã năm mươi hai tuổi,
nhưng những gân cốt sắt thép của bác trông thật sướng mắt. Bác nói: "Papi
ạ, trông cậu người ta có thể ngỡ cậu là con tôi. Sinh hoạt ở Quần đảo không làm
cho cậu quan tâm. Cậu ăn nhiều chỉ vì muốn giữ phong độ, chứ không bao giờ cậu
nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống lâu dài trên Quần đảo. Tôi mừng cho cậu.
Trong cả đám tù khổ sai ở đây chẳng có nổi sáu người nghĩ như cậu. Nhất là nghĩ
đến chuyện vượt ngục. Quả tình, cùng có khối người chi ra hàng gia tài để được
miễn giảm và chuyển về đất liền, toan tính sẽ vượt ngục từ đấy. Nhưng ngay ở
đây thì không một ai tin là có thể vượt ngục".
Ông già
Castelli khuyên tôi: nên học tiếng Anh và hễ có dịp là phải nói chuyện bằng
tiếng Tây Ban Nha với một người Tây Ban Nha. Ông ta có cho tôi mượn một cuốn
sách học tiếng Tây Ban Nha trong hai mươi bốn bài. Một cuốn từ điển Pháp-Anh.
Ông ta có một người bạn rất thân, người Marseille, tên là Gardès, có am hiểu
chuyện vượt ngục. Ông này đã vượt ngục hai lần, lần thứ nhất trốn khỏi trại khổ
sai Bồ Đào Nha; lần thứ hai trốn từ Đất Liền. Ông ta có quan điểm riêng về việc
vượt ngục từ Quần đảo, Jean Castelli cũng có Gravon, ông bạn người Toulon, lại
có một cách nhìn khác nữa đối với sự việc. Không ai nhất trí với ai. Kể từ hôm
ấy, tôi quyết định tự mình tìm hiểu lấy vấn đề, và không nói với ai về chuyện
vượt ngục nữa. Kể cũng gay, nhưng sự tình có thế. Điểm duy nhất mà cả ba người
đều nhất trí là đánh bạc chỉ có mỗi cái lợi kiếm được tiền, nhưng lại rất nguy
hiểm. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị lâm vào cái thế phải đọ dao với một tay anh
chị nào đấy. Cả ba đều là những con người hành động, và quả là những tay cừ
khôi đáng gườm so với tuổi tác của họ: Louis Gravon bốn mươi lăm tuổi, Gardès
gần năm mươi.
Tối hôm
qua tôi được dịp phô bày cho mọi người trong khối thấy cách nhìn nhận sự việc
và cách hành động của tôi. Một cậu quê ở Toulouse, người nhỏ bé, bị một tay
người Nimes thách đấu dao. Cậu bé người Toulouse mang biệt hiệu Cá Trích, còn
anh chàng người Nimes, rất to con được gọi là Con cừu. Con Cừu, đánh trần trùng
trục, đúng giữa lối đi, dao lăm lăm trong tay.
- Mỗi
ván poker phải nộp tao hăm nhăm francs, nếu không, tao cấm mày đánh.
Cá Trích
đáp:
- Xưa
nay đánh poker có ai phải nộp ai bao nhiêu tiền đâu. Tại sao anh lại nhè vào
tôi mà đòi nộp tiền? Thế sao anh không đòi mấy tay chủ sòng Mareilaise nộp tiền
đi?
- Tại
sao thì chẳng việc gì đến mày.Một là mày nộp, hai là mày không được chơi nữa,
hay mày không muốn đánh nhau?
- Không,
tôi chả muốn đánh nhau.
- Mày
rét à?
- Tôi
rét đấy. Vì tôi có thể ăn một nhát dao, có thể chết vì tay một gã anh chị như
anh là một kẻ chưa bao giờ vượt ngục. Tôi là dân vượt ngục. Tôi ở đây không
phải để giết ai, mà cũng chẳng phải để bị ai giết.
Tất cả
chúng tôi đều chăm chú chờ xem những việc sắp diễn ra. Grandet nói với tôi:
"Đúng là thằng bé can đảm thật, mà lại là dân vượt ngục. Thật đáng buồn là
mình không thể nói gì vào đây". Tôi mở con dao xếp để dưới bắp vế. Lúc bấy
giờ tôi đang ngồi trên cái "võng" của Grandet. Con Cừu nói:
- Thế
thì mày định nộp tiền hay thôi chơi, hở thằng chết rét kia? Nói đi.
Đoạn hắn
bước một bước về phía Cá Trích. Tôi liền quát:
- Câm
mồm đi Con cừu, hãy để cho nó yên!
- Kìa
Papillon, cậu điên rồi ư? Grandet nói.
Vẫn ngồi
yên không nhúc nhích, tay đặt sẵn vào chuôi con dao để dưới bắp vế chân trái,
tôi nói:
- Không,
tôi không điên. và tôi yêu cầu tất cả các anh hãy nghe những điều tôi sắp nói.
Con Cừu ạ, trước khi đánh nhau với anh (nếu anh bắt buộc tôi phải đánh nhau
ngay cả sau khi tôi nói xong), anh hãy để cho tôi ngỏ lời với anh và với mọi
người rằng từ khi đến ở cái khối gồm hơn một trăm người toàn là dân trong giới
này, tôi đã phải xấu hổ mà nhận thấy rằng cái hành động đẹp đẽ nhất, xứng đáng
nhất, cái hành động duy nhất đáng gọi là chân chính: vượt ngục, không được kính
trọng ở đây. Thế mà bất kỳ ai đã chứng tỏ được rằng mình là dân vượt ngục, rằng
mình có đủ gan mật để đem kính mạng mình đặt lên bàn cân trong một cuộc vượt
ngục, thì kẻ ấy cũng phải được mọi người kính trọng, bất kẻ mọi chuyện khác. Có
ai cho là tôi nói không đúng không? Ai phản đối? (Im lặng) Trong luật lệ của các
anh thiếu mất một điều, một điều cơ bản nhất: mọi người đều có bổn phận không
những phải kính trọng, mà còn phải giúp đỡ, ủng hộ những người vượt ngục. Không
ai bị bắt buộc phải ra đi, và tôi chấp nhận rằng hầu hết các anh đều đã quyết
định sống suốt đời ở đây. Thế cũng được. Nhưng nếu các anh không đủ can đảm để
tìm cách sống lại, thì ít ra các anh cũng phải có được lòng kính trọng mà những
người vượt ngục xứng đáng được hưởng. Và kẻ nào quên mất điều luật của đạo làm
người này, kẻ ấy phải chờ đón những hậu quả nghiêm trọng. Tôi đã nói xong. Con
Cừu! Bây giờ nếu anh vẫn muốn đánh nhau, thì có tôi đây.
Nói
đoạn, tôi cầm dao nhảy ra giữa phòng. Con Cừu ném dao đi, nói:
- Cậu
nói đúng, Papillon ạ, cho nên tôi muốn đánh nhau với cậu không phải bằng dao,
mà bằng quả đấm, đề cậu thấy tôi không phải là thằng hèn.
Tôi đưa
dao cho Grandet giữ. Hai đứa chúng tôi đánh nhau như hai con chó dữ trong
khoảng hai mươi phút. Cuối cùng, nhờ một miếng đòn húc đầu đúng lúc, tôi thắng
sát nút. Chúng tôi cùng vào phòng vệ sinh rửa cho cạch máu trên mặt. Con Cừu
nói:
- Quả
thật sống ở Quần đảo mãi đâm u mê ra. Tớ ở đây thế là đã mười lăm năm nay, mà
cũng chưa chi được đến ngàn francs để được miễn giam. Thật xấu hổ.
Khi tôi
về tổ, Grandet và Galgani mắng tôi một trận.
- Cậu
phát rồ rồi hay sao mà lại đi thách thức và lăng mạ mọi người như thế? Tớ không
thể hiểu nổi tại sao không có đứa nào cầm dao nhảy ra "hành lang" để
đánh nhau với cậu.
- Không
đúng đâu các bạn ạ, chẳng có gì khó hiểu đến thế. Bất cứ ai đã ở trong giới
chúng ta, hễ thấy ai nói phải thực sự là chịu ngay.
- Thôi
được, - Galgani nói. - Nhưng tôi khuyên cậu đừng bày trò đùa giỡn quá nhiều với
cái núi lửa này.
Suốt
buổi tối hôm ấy có những gã đến gặp tôi. Họ làm như thể tình cờ ghé qua, nói
bâng quơ chuyện này chuyện nọ, rồi trước khi bỏ đi, buông một câu: "Tớ
đồng ý với những điều cậu nói đấy. Papi ạ". Cái sự cố vừa qua đã cho tôi
có được một vị trí rõ rằng giữa các bạn tù. Kể từ buổi ấy, chắc chắn là tôi
được họ coi như người cùng giới với họ, nhưng lại không dễ gì chấp nhận những
điều đã được mọi người coi như đương nhiên mà không phân tích, phê phán.Tôi dần
dần nhận thấy rằng hễ tôi làm chủ sòng, đám bạc không mấy khi có chuyện cãi cọ,
và nếu tôi ra một lệnh gì thì họ tuân theo rất nhanh.
Như tôi
đã nói, chủ sòng được hưởng hồ năm phần trăm mỗi món tiền được bạc. Hắn ngồi
trên một chiếc ghế dài, lưng quay vào tường để đề phòng bất trắc, vì bất cứ lúc
nào cũng có kẻ muốn đâm hắn từ phía sau. Trên đùi hắn thường có một tấm chăn
che một con dao mở sẵn. Xung quanh hắn, ngồi hay đứng thành vòng tròn, là ba
mươi, bốn mươi hay có khi đến năm mươi con bạc từ khắp các miền của nước Pháp
sang, lại có cả những dân ngoại quốc nữa, như dân A-rập chẳng hạn, cũng khá
đông. Cách chơi rất dễ: một người làm cái (làm "chủ nhà băng"), một
người cúp bài ngồi cạnh. Mỗi khi nhà cái thua thì nhường quyền làm cái cho
người bên cạnh. Cỗ bài gồm năm mươi hai con. Người cúp bài chìa bài rồi giấu đi
một con. Người làm cái rút một con bài rồi lật ngứa nó ra trên tấm chăn. Thế là
mọi người bắt đầu đặt tiền. Có thể đặt vào cửa của nhà cái hay vào cửa của nhà
cúp bài. Khi ai nấy đã đặt xong, tiền xếp thành từng chồng nho nho, nhà cái bắt
đầu rút từng con bài một, lật lên. Nhà nào cùng bậc với một trong hai con đã
lật trên "thảm" thì thua. Chẳng hạn: nhà cúp giấu một con Năm, còn
nhà cái đã lật lên một con Đầm. Nếu rút ra được một con Đầm trước khi rút ra
một con Năm, nhà cúp thua. Nếu trái lại, rút ra được một con Năm trước khi rút
ra một con Đầm, thì nhà cái thua.
Người
chủ sòng phải biết mỗi món tiền phải chung cho ai. Việc đó chẳng phái là dễ.Lại
phải bênh vực những kẻ yếu, sao cho những kẻ mạnh đừng dùng uy thế bắt nạt họ.
Khi người chủ sòng quyết định cách xử lý một trường hợp nghi vấn, quyết định
của chủ sòng phải được chấp nhận, không lôi thôi gì hết. Đêm ấy có kẻ đã giết
chết một người Ý lên là Carlino. Anh này sống chung nói một cậu thiếu niên được
anh ta coi là vợ. Cả hai cùng làm việc ở một khu vườn. Anh người Ý chắc cũng
biết là tính mạng của mình đang bị đe dọa, vì khi nào anh ta nghỉ thì cậu bé
thức, khi nào câu bé ngủ thì anh ta lại thức. Phía dưới hai tấm vải căng làm
giường ngủ ("võng") họ bày lổn ngổn những cái hộp sắt tây rỗng để
không ai có thể lần mò đến chỗ họ mà không gây thành tiếng động. Thế mà có kẻ
đã đâm anh ta từ phía dưới lên. Tiếng kêu của người bị đâm lập tức được kế tiếp
bằng những tiếng loảng xoảng của đống hộp sắt tây bị sát nhân xô đấy trong khi
rút lui vội vàng.
Lúc bấy
giờ Grandet đang điều khiển một ván bài "Marseillaise", xung quanh có
đến ba mươi con bạc. Tôi thì đang đứng nói chuyện gần đấy. Tiếng kêu của
Carlino và tiếng hộp sát tây xủng xoảng đã làm cho ván bài phải ngừng lại. Ai
nấy đều đứng dậy hỏi xem việc gì xảy ra thế. Cậu bạn trai của Carlino chẳng
trông thấy gì, còn Carlino thì đã tắt thở. Ông trưởng khối hỏi mọi người xem có
nên gọi giám thị đến không. Không! Không nên. Để đến mai, khi điểm danh, báo
cho họ biết cũng vừa, anh kia đã chết rồi thì còn cứu giúp được gì nữa mà vội?
Grandet lên tiếng:
- Không
có ai nghe thấy gì hết. Cả cậu nữa, cậu nhé - Grandet dặn cậu bé của Carlino -
Mai, khi cậu thức dậy, cậu mới nhận là anh ấy chết rồi. Xong. A-lê, lại đánh
tiếp.
Thế là
đám bạc lại nhốn nháo lên như không hề có việc gì xảy ra cả: "Nhà cúp.
Không phải, nhà cái chứ!" vân vân. Tôi sốt ruột chờ xem những gì sẽ diễn
ra khi bọn gác phát hiện ra vụ án mạng. Năm giờ rưỡi, tiếng chuông thứ nhất.
Sáu giờ, tiếng chuông thứ hai sau đó là cà- phê. Sáu giờ rười, tiếng chuông thứ
ba, mọi người ra điểm danh, thường ngày vẫn thế. Nhưng hôm nay thì khác. Đến
tiếng chuông thứ hai, khối trưởng nói với tên cảnh binh đi kèm người đưa
cà-phê:
- Thưa
sếp, có một người vừa bị giết. - Ai thế?
-
Carlino.
- Được.
Mười phút
sau, sáu tên cảnh binh đến:
- Người
chết đâu?
Họ nhìn
thấy con dao găm cắm vào lưng Carlino từ phía dưới, qua lần vải. Họ rút nó ra.
- Cáng
đi!
Hai
người khiêng cáng đưa cái xác chết ra ngoài.
Trời dã
sáng hẳn. Tiếng chuông thứ ba đã điểm. Tay vẫn cầm con dao vấy máu, viên giám
thị trương ra lệnh:
- Tất cả
ra ngoài, xếp hàng điểm danh. Hôm nay không ai được khai ốm nằm lại.
Mọi
người đều ra sân. Những buổi điểm danh ban sáng, bọn chỉ huy và giám thị trưởng
bao giờ cũng có mặt. Cuộc điểm danh bắt đầu. Nghe đọc đến tên Carlino, khối
trưởng đáp:
- Chết
đêm qua, đã đưa ra nhà xác.
- Được -
tên cảnh binh điểm danh đáp.
Khi ai nấy
đều đã trả lời: "có", viên chỉ huy trại giơ con dao lên hỏi:
- Có ai
biết con dao này không?
Không ai
trả lời
- Có ai trông
thấy kẻ giết người không?
Im lặng
tuyệt đối
- Vậy là
không ai có hay biết gì hết, như thường lệ. Các người hãy lần lượt giang tay đi
qua trước mặt tôi, rồi sau đó người nào đi làm việc người nấy.
- Thưa
thiếu tá, bao giờ cũng chỉ có thế. Không có cách gì biết được kẻ nào là hung
thủ.
- Xếp
việc này lại, - viên chi huy trại nói. Giữ con dao lại, găm một tấm phiếu ghi
là con dao này đã được dùng đem giết Carlino.
Thế là
xong. Tôi trở về khối nằm ngủ, vì suốt đêm qua tôi không chợp mắt. Trong khi
dần dần thiếp đi, tôi nghĩ cái thân một thằng tù khổ sai thật chẳng ra gì Dù có
bị ám sát một cách hèn hạ, người ta cũng chẳng buồn bỏ công tìm cho ra thủ
phạm. Đối với ban Quản trị, mạng một thằng tù chẳng là cái gì hết. Chẳng bằng
mạng một con chó.
Tôi đã
quyết định bắt đầu làm công việc đổ thùng thứ hai. Đến bốn rưỡi sáng tôi và một
người nữa sẽ đi đổ các bô phóng uế của khối A tức khối của chúng tôi. Theo nội
quy của trại thì phải đưa ra tận bờ biển mà đổ. Nhưng chúng tôi trả tiền cho
người đánh xe trâu: hắn đợi chúng tôi ở một nơi có khe xây xi-măng dẫn xuống
biển. Chúng tôi đổ bô xuống đấy, rồi anh đánh xe trâu trút xuống ba ngàn lít
nước biển đựng trong một cái phùng ton-nô khổng lồ mà anh ta vừa xe từ biển lên
cuốn hết các thứ xuống biển. Để thật sạch, chúng tôi dùng thêm một cái chổi
cứng để lùa các thứ bẩn. Công việc chỉ trong vòng không đầy hai mươi phút là
xong. Mỗi ngày chúng tôi phải trả hai mươi francs cho anh kia - một anh da đen
đảo Martinique rất dễ thương.
Vì đây
là lần đầu, tôi phải xách một dãy bô xỏ quai vào hai thanh gỗ, cho nên mỏi cổ
tay lắm. Nhưng tôi sẽ chóng quen. Người bạn mới của tôi rất sốt sắng niềm nở,
thế mà Galgani nói đó là một con người cực kỳ nguy hiểm. Đâu như hắn đã phạm
đến bẩy vụ giết người ở Quần đảo. Nghề làm ăn của hắn ở đây là bán cứt. Số là
mấy người làm vườn đều cân phân. Anh làm vườn đào một cái hố, lót vào đấy một
ít lá khô và có thể là anh da đen Martinique bí mật đưa vài xô cứt đến đổ vào
đấy. Dĩ nhiên việc này không thể làm một mình, cho nên tôi buộc lòng phải giúp
anh tạ Nhưng tôi biết đây là một lỗi rất nặng, vì qua rau quá bị ô nhiễm, có
thể lan truyền bệnh kiết lỵ trong các gia đình nhân viên giám thị cùng như
trong các khối phạm nhân.
Tôi
quyết định là một ngày nào đó, khi đã quen nhau hơn, tôi sẽ bảo anh ta đừng làm
việc này nữa. Dĩ nhiên tôi sẽ đền bù cho anh ta số tiền mà anh ta sẽ mất vì
thôi nghề bán phân. Ngoài công việc này ra, anh ta còn biết khắc chạm sừng bò.
Về phần đánh cá, anh ta nói với tôi là chẳng biết gì để bày vẽ cho tôi, nhưng
nếu ở bến tàu, Charpar hay một người nào khác sẽ có thể giúp ích cho tôi. Thế
là tôi làm nghề đổ thùng. Xong việc, tôi tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sọc và ngày
ngày ra bờ biền câu cá, muốn câu bao nhiêu thì câu. Tôi chỉ có một bổn phận:
đúng giữa trưa phải có mặt ở trại. Nhờ Chapar, tôi không thiếu cần câu và lưỡi
câu. Những hôm tôi từ dưới bờ biển đi lên, tay cầm sợi dây thép xâu một chuỗi
cá hồng, chẳng mấy khi không có những cô vợ giám thị đứng trong nhà gọi ra rối
rít. Họ đều biết tên tôi:
- Bươm
bướm ơi! Bán tôi hai cân cá hồng nào!
- Bà ốm
à?
- Không.
- Thằng
bé con bị ốm à?
- Không.
- Thế
thì tôi không bán cá cho bà đâu.
Tôi câu
được khá nhiều, thường đem cho các bạn ở trại. Tôi đổi tôm cá lấy bánh mì sáo,
lấy rau quả hay trái cây. Ở tổ tôi mỗi ngày ít ra cũng có một bữa cá. Một hôm,
tôi đang đi từ biển lên, tay xách một tá tôm he lớn và bảy tám ki-lô cá hồng.
Đi ngang nhà thiếu tá Barrot thì thấy một bà, người hơi đẫy, nói với tôi:
- Anh
câu được nhiều quá, Papillon nhỉ. Biển động thế này có ai câu được gì đâu? Ít
ra đã mười lăm hôm nay tôi không được ăn cá. Thật đáng tiếc là anh không bán
cá. Nhà tôi có cho tôi biết anh không chịu bán cá cho vợ các nhân viên giám
thị.
- Thưa
bà đúng thế. Nhưng đối với bà thì có thể khác?
- Tại
sao?
- Tại bà
hơi mập, ăn thịt không được tốt.
- Đúng
đấy, họ nói là tôi chỉ nên ăn rau và cá luộc. Nhưng ở đây làm gì có đủ mà ăn?
- Đây,
xin bà cầm lấy mớ tôm he và mấy con cá hồng này.
Đoạn tôi
đưa cho bà ta cả xâu tôm he và khoảng hai cân cá hồng.
Kể từ
hôm ấy, cứ lần nào câu được kha khá, tôi lại đem biếu bà ta một ít, đủ để có
được một chế độ ăn thích hợp với tạng người bà. Bà thừa biết rằng ở Quần đảo
này thứ gì cũng phải mua bán sòng phẳng, nhưng lần nào bà cũng chỉ đáp lại món
quà của tôi bằng hai tiếng "cám ơn" mà thôi. Bà làm như thế là phải,
vì bà đã cám thấy rằng nếu đưa tiền, tôi sẽ phật lòng. Nhưng có nhiều lần bà
lại mời tôi vào nhà. Bà tự tay rót cho tôi một ly rượu hồi hay một cốc vang
trắng. Nếu bên Corse có gửi figatelli cho bà, bà cũng cho tôi một ít. Không bao
giờ bà Barrot hỏi tôi về dĩ vãng. Chỉ có một lần, nhân nói đến trại khổ sai, bà
lỡ lời nói: "Quả tình, ở Quần đảo thì không vượt ngục được, nhưng ở đây
khí hậu lành, còn hơn phải thối rữa ra như một con vật ở Đất liền".
Chính bà
đã giảng giải cho tôi biết sự tích tên gọi Quần đảo: dạo có dịch sốt vàng ở
Cayenne, các tu sĩ dòng áo trắng và các bà xơ trong một tu viện nọ đã đến đây
lánh nạn, và đều đã thoát nạn. Vì thế mà Quần đảo được gọi là Quần đảo Salut
(Quần đảo Cứu nạn). Nhờ cái nghề câu cá, tôi được đi khắp đảo. Tôi làm công
việc đổ thùng đã được ba tháng nay, và tôi biết rõ địa thế của đảo hơn ai hết.
Tôi đi quan sát các khu vườn lấy cớ là đến đổi cá lấy rau quả. Người trông khu
vườn ở cạnh nghĩa địa giám thị là Matthieu Carbonieri, bạn cùng tổ với tôi. Anh
ta làm việc ở đấy một mình, cho nên tôi tự nhủ là sau này chúng tôi có thể đóng
bè và giấu bè trong khu vườn của anh. Còn hai tháng nửa thì ông chỉ huy trại sẽ
đổi đi nơi khác. Tôi sẽ được tự do hành động.
Tôi dã
tổ chức được nếp sinh hoạt của tôi: về danh nghĩa tôi là phu đổ thùng, nhưng
công việc lại do anh chàng người Martinique làm thay, dĩ nhiên là có trả tiền.
Tôi đã có những thao tác làm thân với hai anh em sui gia Narric và Quenier, bị
khổ sai chung thân. Người ta thường gọi họ là hai anh em rể đẩy xe. Họ kể lại
rằng hai anh em bị tố cáo là đã biến cái xác của một người đi thu tiền mà họ
vừa giết chết thành một khối xi-măng rồi đem đổ cái khối ấy xuống sông. Có
những nhân chứng khai là nhìn thấy hai anh em chở khối xi-măng trên một chiếc
xe đẩy, đem trút xuống sông Marne hay sông Seine gì đấy. Cuộc điều tra xác định
rằng người thu tiền có ghé nhà họ thu một món gì đấy rồi từ đấy không còn thấy tăm
hơi đâu nửa. Hai anh em đã phủ nhận tội này từ đầu cho đến nay. Ngay ở trại tù
họ cũng nói là mình vô tội.
Thế
nhưng, nếu người ta không bao giờ tìm được cái xác, thì người ta lại tìm thấy
cái đầu của nạn nhân bọc trong một chiếc khăn mùi soa. Thế mà ở nhà hai anh em
lại có những chiếc khăn mù soa dệt cùng một kiểu chính thứ sợi ấy, theo lời
"các chuyên gia thẩm định". Nhưng các trạng sư và bản thân các chuyên
gia ấy lại chứng minh được rằng có đến mấy ngàn thước vải như thế đã được khâu
thành mùi soa. Ai cũng có thể có những chiếc mùi soa như thế. Tuy vậy, cuối
cùng hai anh em vẫn bị khổ sai chung thân, và vợ của một trong hai người, em
gái của người kia, bị hai mươi năm tù cấm cố.
Tôi đã
làm thân được với họ. Vì làm thợ nề cho nên họ có thể ra vào công xưởng của
trại. Có lẽ họ có thể tuồn dần ra cho tôi, từng ít một, những vật liệu cần
thiết để đóng một cái bè. Nhưng còn phải thuyết phục họ. Hôm qua tôi đã gặp ông
bác sĩ. Lúc ấy tôi đang vác một con cá nặng ít ra là hai mươi ki-lô, thịt rất
bùi, gọi là cá mérou. Bác sĩ cùng đi với tôi lên đỉnh đồi.Lưng chừng dốc, chúng
tôi ngồi xuống nghỉ trên một bức tường thấp. Bác sĩ nói với tôi là đầu con cá
này nấu canh ngon tuyệt. Tôi bèn biếu bác sĩ cái đầu cá, dính theo một mảng
thịt lớn. Bác sĩ ngạc nhiên về cái cử chỉ ấy của tôi, ông nói:
- Anh
chẳng thù dai, Papillon nhỉ.
- Thưa
bác sĩ, tôi làm như vậy không phải vì bản thân tôi. Chẳng qua tôi thấy có bổn
phận phải trả ơn bác sĩ vì bác sĩ đã hết lòng cứu chữa Clousiot bạn tôi.
Chúng
tôi nói chuyện qua lại một lát, rồi bác sĩ nói:
- Anh
muốn vượt ngục lắm phải không? Anh chẳng phải là tù khổ sai đâu. Tôi có cảm giác
anh là một hạng người khác.
- Bác sĩ
nói đúng đấy. Tôi không thuộc trại khổ sai, tôi chỉ ghé vào tham quan thôi.
Bác sĩ
cười. Tôi tấn công luôn:
- Bác sĩ
không tin rằng một con người có thể cải hóa được sao?
- Tôi
tin chứ..
- Bác sĩ
có thể nghĩ rằng tôi có thể làm việc hữu ích ở ngoài đời mà không gây hiểm họa
gì cho xã hội và có thể trở thành một công dân lương thiện được không?
- Tôi
thành thật tin như thế:
- Thế
thì tại sao bác sĩ không giúp tôi đạt được điều đó?
- Bằng
cách nào?
- Bằng
cách cho tôi miễn giam vì bệnh ho lao.
Đến đây
bác sĩ đã xác nhận một điều mà tôi đã từng nghe nói.
- Làm
như thế không được, và tôi khuyên anh đừng nghĩ đến cách đó. Nó quá nguy hiểm,
Ban Quản trị chỉ miễn giam một phạm nhân vì bệnh sau khi hắn đã nằm ở khu điều
trị dành riêng cho bệnh ấy ít nhất là một năm.
- Để làm
gì?
- Cái
này nói ra cũng xấu hổ, nhưng tôi nghĩ rằng họ làm như thế là để phạm nhân
biết, nếu hắn giả vờ bệnh, rằng hắn rất có khả năng bị nhiễm vì sống chung với
các bệnh nhân thật, và để hắn nhiễm bệnh thật sự. Cho nên tôi không thể giúp
anh được.
Kể từ
ngày ấy, chúng tôi trở thành đôi bạn... Cho đến ngày ông ta suýt làm cho
Carbonieri bạn tôi mất mạng.
Số là
Carbonieri, với sự thỏa thuận của tôi, đã nhận làm đầu bếp kiêm giữ kho cho nhà
ăn các giám thị trưởng. Nhận việc này là để nghiên cứu xem có thể lấy trộm ba
cái thùng ton-nô trước đó đựng rượu vang, đựng dầu và đựng dấm, tìm cách buộc
nó lại với nhau làm thành một thứ bè để ra biển không. Dĩ nhiên là khi nào
thiếu tá Barrot đã đi khỏi. Việc này rất khó, vì cùng một đêm phải lấy trộm cả
ba cái thùng, đưa ra bờ biển đừng để ai trông thấy hoặc nghe thấy, rồi dùng dây
cáp buộc lại. Phải vào một đêm giông bão, mưa to gió lớn may ra mới có thể làm
được. Nhưng nếu mưa to gió lớn thì việc khó nhất sẽ là đưa cái bè này xuống
nước, vì tất nhiên sóng sẽ đánh vào bờ đá hết sức dữ dội.
Vì
Carbonieri là đầu bếp, viên quản lý bếp đã đưa cho anh ta ba con thỏ để chuẩn
bị cho bữa ăn hôm sau, vào ngày chủ nhật. Carbonieri lột da thỏ ra (điều này
thật là may), đem một con gửi cho thằng em ở bến tàu còn hai con gửi cho chúng
tôi. Rồi anh ta thịt ba con mèo to nấu một nồi xi-vê ngon không thể tả. Chẳng
may cho Carbonieri, hôm sau bác sĩ được mời dự bữa ăn. Trong khi nhấm nháp món
xi-vê thỏ, ông ta nói với viên quản lý:
- Ông
Filidori ạ, xin có lời khen ngợi thực đơn của ông: món thịt mèo này ngon tuyệt.
- Xin
bác sĩ đừng xỏ tôi, chúng ta đang ăn ba chú thỏ tuyệt vời.
- Không
đâu, - Ông bác sĩ khăng khăng nói quả quyết- Đây là thịt mèo. Ông có nhìn thấy
mấy miếng xương sườn tôi đang ăn đây không? Xương sườn này dẹp, mà sườn thỏ thì
tròn. Vậy không thể có sự nhầm lẫn gì được: chúng ta đang ăn thịt mèo.
- Lạy
Chúa, Cristacho!- viên quản lý người Corse nói. - Trong bụng tôi có một con mèo
rồi.
Thế là
hắn chạy bổ xuống bếp dí súng lục vào mặt Matthieu nói:
- Mày có
là dân sùng mộ Napoléon như tao cũng mặc, tao sẽ giết mày chết ngay bây giờ về
tội đã cho tao ăn thịt mèo. - Mắt hắn trợn lên như mắt người điên.
Carbonieri
không hiểu nổi làm sao hắn biết được, nhưng vẫn nói:
- Nếu
ông gọi mấy cái con gì mà ông đưa cho tôi là mèo, thì tôi cũng đến chịu: đó
chúng phải là lỗi của tôi.
- Tao
đưa cho mày ba con thỏ kia mà!
- Ông
đưa gì tôi nấu nấy. Ông cứ nhìn mà xem: da với đầu còn kia kìa.
Lão cớm
nhìn ba bộ da và ba cái đầu thỏ, chẳng còn biết nói sao.
- Thế
ông bác sĩ chỉ nói mò à?
- Té ra
ông bác sĩ nói thế sao? - Carbonieri vừa thở hắt ra vừa hỏi. - Ông ấy trêu ông
đấy. Ông phải nói cho bác sĩ biết là không nên đùa cái kiểu như vậy.
Nguôi
giận, yên lòng, Filidori trở vào phòng ăn, nói với bác sĩ:
- Ông cứ
tha hồ nói đi, muốn nói gì thì cứ nói ông bác sĩ ạ. Men rượu bắt đầu bốc lên
rồi đấy. Mấy cái xương sườn của ông nó bẹp hay nó tròn mặc nó, chứ tôi thì tôi
biết chắc mười mươi đây là thịt thỏ. Tôi vừa nhìn thấy ba bộ lông và ba cái đầu
của nó còn sờ sờ ra đấy.
Thật hú
vía cho Matthieu, nhưng mấy hôm sau anh ta thấy nên xin từ chức đầu bếp thì tốt
hơn.
Ngày tôi
có thể sắp sửa hành động đã đến gần. Chỉ còn mấy tuần nữa là Barrot ra đi. Hôm
qua tôi vừa ghé thăm bà vợ béo tốt của ông ta (nhân thể cũng xin nói rằng nhờ
chế độ ăn cá luộc với rau tươi, bà ta đã gầy bớt đi nhiều). Người đàn bà tốt
bụng này đã mời tôi vào nhà để tặng tôi một chai rượu canh-ki-na. Trong phòng
khách tôi nhìn thấy mấy cái rương đi tày thủy đang được xếp đồ đạc vào. Họ đang
chuẩn bị cho chuyến ra đi. Bà thiếu tá, như mọi người vẫn quen gọi bà ta, nói
với tôi:
-
Papillon ạ, tôi không biết lấy gì để cảm ơn anh đã quan tâm đến tôi mấy tháng
gần đây. Tôi biết những hôm biển động cá hiếm, anh đã cho tôi tất cả những gì
anh câu được. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm. Nhờ anh bây giờ tôi thấy trong người dễ
chịu lắm. Tôi đã bớt được mười bốn ki-lô. Tôi có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn
anh đây?
- Thưa
bà, một việc rất khó đối với bà: kiếm cho tôi một cái la bàn tốt. Chính xác,
nhưng đừng to quá.
- Cái
này vừa không đáng là bao, lại vừa là việc lớn đấy, Papillon ạ, mà chỉ trong
vòng ba tuần phải kiếm cho ra thì hơi khó cho tôi đấy.
Tám ngày
trước khi ra đi, người đàn bà cao thượng này, bực mình vì mãi không kiếm đâu ra
được một cái la bàn; đã dám lên tàu thủy đi Cayenne. Bốn hôm sau, bà trở về với
một cái la bàn chống nhiễm từ tuyệt hảo. Sáng nay, hai ông bà chỉ huy trại lên
đường. Hôm trước ông đã trao quyền chỉ huy cho một sĩ quan cảnh binh cùng cấp
với ông, một người quê ở Tunisie tên là Prouillet. Một tin mừng: viên chỉ huy
mới đã quyết định cho Dega giữ nguyên chức kế toán trưởng. Điều này rất quan
trọng đối với mọi người, nhất là đối với tôi.
Trong
bài diễn văn đọc trước đám phạm nhân tập hợp thành đội ngũ hình vuông trong
khoảng sân lớn, viên chỉ huy mới làm cho mọi người cảm thấy đây là một con
người rất cương nghị, nhưng thông minh. Ngoài những chuyện khác ra, ông ta có
nói với chúng tôi:
- Kể từ
hôm nay, tôi đảm nhiệm quyền chỉ huy Quần đảo Salut. Nhận thấy có phương pháp
cai quản của người đi trước tôi đã đem lại những kết quả tích cực, tôi không
thấy có lý do gì để thay đổi chế độ hiện hành. Nếu các người không làm điều gì
buộc tôi phải có biện pháp khác, tôi sẽ không thay đổi gì trong nếp sống của
các người.
Tôi nhìn
hai ông bà chỉ huy cũ ra đi mà lòng mừng khấp khởi. Điều đó cũng rất dễ hiểu,
tuy thời gian chờ đợi đã trôi qua một cách nhanh chóng lạ lùng. Cuộc sống tưởng
chừng như tự do mà hầu hết các phạm nhân trên đảo được hưởng, những ván bài,
những buổi đi câu những cuộc chuyện trò, những người bạn mới, những cuộc cãi vã
những trận đánh nhau làm thành những phương tiện giải trí rất hữu hiệu, khiến
người ta không còn thì giờ để mà buồn chán nữa. Tuy thế, tôi đã không để cho
cái không khí này lôi cuốn tôi thực sự. Mỗi lần tôi kết thân với một bạn mới,
bao giờ đồng thời tôi cũng tự đặt ra câu hói: "Anh này liệu có ý định vượt
ngục không? Nếu không, anh ta có đủ lòng tốt để giúp người khoẻ chuẩn bị một
chuyến vượt ngục không?" Tôi chỉ vì cái mục đích ấy mà sống: vượt ngục,
vượt ngục cho bằng được, dù đi một mình hay cùng đi với bạn cũng thế thôi. Đó
là một ý nghĩ thường xuyên ám ánh tôi, tuy tôi theo đúng lời như Jean Castelli
đã khuyên tôi, không nói hở ra với ai hết, nhưng ý nghĩ ấy không giây phút nào
rời khỏi tâm trí tôi. Và tôi sẽ vững lòng thực hiện lý tưởng của tôi: vượt
ngục.
Mục lục
Papillon-Người
tù khổ sai (Chương 1-10)
Papillon-Người
tù khổ sai (Chương 11-18)
Papillon-Người
tù khổ sai (Chương 19-26)
Papillon-Người
tù khổ sai (Chương 27-33)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét