XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

TÌM HIỂU KHÍA CẠNH TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI SAU KHI CHẾT


 Mạc Văn Trang

Tôi không coi đây là bài báo khoa học, mà chỉ là bài viết chia sẻ những suy ngẫm, nhân đọc cuốn Người chết đi về đâu? Bài viết tiếp cận theo văn hóa Phật giáo truyền thống, thông qua góc nhìn của Tâm lý học.

1. Từ thực tế cuộc sống

Trước đây tôi ở xa, cha mẹ mất, ỉ vào ông anh ở quê, bảo sao thì làm vậy, khi đó mọi việc còn đơn giản. Nay vợ mất (14/8/2013) tôi phải quyết định mọi việc nên rất lúng túng, không biết lúc nhập quan có phải tụng kinh không? Rồi cúng 3 ngày, 35 ngày đưa lên chùa, cúng 49 ngày, rồi 100 ngày... như thế nào, tại sao? Lời khuyên thì lắm, chẳng biết nên thế nào! Đây là một thực tế đời sống mà bất kỳ ai có người thân qua đời đều buộc phải lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp với tâm lý chung của xã hội. Tôi giật mình, khi một người bạn bảo: anh là nhà tâm lý thì phải biết các việc này chứ!

Tâm lý học (TLH) đâu có biết về chuyện này. Tôi được đào tạo theo trường phái TLH duy vật biện chứng, hay nhiều người gọi là TLH marxit, được hình thành ở Việt Nam vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. “Tâm lý học Việt Nam là một bộ phận của tâm lý học marxit, một thời kỳ hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển tâm lý học thế giới suốt hơn 20 thế kỷ qua”. Những quan niệm nào không phù hợp quan điểm TLH marxit đều bị phê phán, gạt ra ngoài lề…
Xuất phát từ tiền đề triết học của K. Marx: Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất ở bên ngoài được chuyển vào trong óc con người và được cải biến đi ở trong đó, TLH marxit định nghĩa: Tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách quan bởi não, là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan...
Theo quan điểm này thì đứa trẻ ra đời chưa có tâm lý, nó chỉ có những tiền đề sinh học – bộ não và các giác quan - để phản ánh hiện thực khách quan và từng bước hình thành nên đời sống tâm lý. Mọi công trình nghiên cứu (được coi là khoa học tâm lý) đều phải tìm cách quan sát, đo nghiệm, thống kê được các biểu hiện tâm lý của người đang sống qua những phản ứng cụ thể: lời nói, văn bản viết, việc làm, cách giao tiếp, ứng xử, sản phẩm hoạt động… Từ đó suy ra tâm lý của họ. Và như vậy, khi con người chết, óc và các giác quan ngừng hoạt động, cái tâm lý cũng không còn. Chết là hết!
Bây giờ mới thấy, chết rồi còn nhiều chuyện lôi thôi cả với người chết lẫn người sống!

Tôi thử tìm kiếm thông tin từ Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Đây được coi là nơi nghiên cứu về các hiện tượng “cận tâm lý”, “siêu tâm lý”, “Tiềm năng đặc biệt” của con người. Tuy nhiên cho đến nay Trung tâm này mới chủ yếu ứng dụng những tiềm năng của một số người đặc biệt vào tìm mộ, “áp vong”…Những tài liệu tổng kết cũng chủ yếu trong phạm vi hẹp, dưới dạng thành tích đi tìm mộ liệt sĩ…

Khi còn nhỏ tôi cũng đã biết trong dân gian từ xưa vẫn có quan niệm, người chết đi, hồn vẫn còn trong “cõi âm” hoặc “cõi Niết bàn”, nên có hình thức gọi hồn, thờ cúng, khấn vái … các linh hồn của người chết. Trong dân gian cũng nói đến “hồn xiêu, phách lạc”, “ba hồn bảy vía”, “ba hồn chín vía”… Nhưng chưa rõ tâm lý người hấp hối và sau khi chết cụ thể ra sao.

Nay thấy cuốn “Người chết đi về đâu” được mấy nhà khoa học phân tích đánh giá nghiêm túc, nên tò mò đọc ngay. Nhưng để đọc hiểu cuốn sách đó cần phải có vốn tri thức sơ đẳng về Phật pháp. Đọc sách và lên mạng tìm kiếm những tài liệu liên quan, bước đầu tôi cũng hiểu được những kiến thức sơ đẳng về vấn đề đang có nhu cầu tìm kiếm.

2. Tóm lược một số điều sơ đẳng của Phật pháp từ góc nhìn tâm lý học

Tài liêu về Phật học thì quá nhiều, đối với người mới bước vào tìm hiểu Phật pháp quả là choáng ngợp. Qua tìm hiểu bước đầu, có thể tóm lược một số điều sơ đẳng, cốt yếu sau đây.
- Thế giới do Tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hợp thành. Thế giới bao la “tam thiên đại thế giới”. Thế giới liên quan tới tâm lý, có thể phân ra lục giới – lục đạo (6 cảnh giới – sáu cõi): Trời – Atula – Người – Súc sinh – Ngã quỷ - Địa ngục. Sáu cõi này không có ranh giới, mà đan xen tồn tại giữa âm và dương. Điều đặc biệt là 6 cõi này không tồn tại thực, mà do tâm lý con người tưởng tượng, hình dung ra – là sự biến hiện của trạng thái tâm lý (nhất là tiềm thức) của mỗi con người trong từng trạng huống.
- Về bản chất tâm lý, con người bình đẳng với muôn loài sinh vật - giới hữu tình, vì cùng có thần thức: biết cảm thụ, ăn uống, tồn tại, sợ hãi, đau đớn…Vì thế người không nên sát sinh. Người hơn muôn loài vì có trí tuệ nên có thể tiếp cận chân lý, đạt đến chính trí, chính giác, tuệ giác, đập tan được vô minh, tăm tối để giác ngộ chân lý…
- Con người là thực thể thống nhất ba mặt: Uẩn (tâm lý) – Xứ (sinh lý) – Giới (vật lý). Ba mặt liên quan mật thiết trong đời sống mỗi cá nhân, nhưng Uẩn có khả năng điều chỉnh được Xứ và Giới trong cơ thể mình…
- Đi sâu vào bản chất tâm lý, phân tích Uẩn ra thành “ngũ uẩn”:
+ Sắc: cảm giác, tri giác sự vật bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, da…
+ Thụ: phản ánh cảnh giới vào tâm trí, có cả cái tốt và xấu…
+Tưởng: suy nghĩ, tưởng tượng trong tâm, tạo nên một thế giới tâm lý phong phú, phức tạp, nhiều mâu thuẫn…
+ Hành (tạo tác): Từ dục vọng => suy tư => ý muốn => hành động, lời nói ...
+ Thức (ý thức): là sự phát triển cao nhất trong tâm lý con người, nó có khả năng hiểu rõ, phân biệt, điều chỉnh các hiện tượng tâm lý ở cấp độ thấp. Một điều rất sâu sắc là, ý thức hòa nhập vào điều chỉnh ngay từ cảm giác, tri giác: nhãn thức (nhìn có ý thức), nhĩ thức (nghe có ý thức), tị thức (ngửi có ý thức), thiệt thức (nếm có ý thức), thân thức (xúc giác có ý thức) …Cho nên ý thức con người có vai trò quyết định đối với sự tiếp nhận thế giới vào trong tâm, tự phán xét thế giới nội tâm đó và tự điều chỉnh thái độ, hành vi của bản thân tương tác với thế giới bên ngoài.
- Đức Phật trăn trở: con người sinh ra vốn có Phật tính (khả năng để yêu thương, giác ngộ); mọi người đáng ra phải sống lương thiên, thương yêu nhau (từ bi) và có trí tuệ (giác ngộ) để xã hội an lạc, thanh tịnh, hòa vui, hạnh phúc…nhưng tại sao nhân gian ác độc, tăm tối thế? Tại sao chúng sinh chìm đắm trong đời sống ô trọc, ngu muội, vô minh đến thế? Đó là lý do Đức Phật đã dấn thân đi tìm cách cứu độ chúng sinh, và Ngài đã tự giác ngộ, lý giải được nguồn gốc khổ đau của con người và truyền giảng lại cho các đồ đệ, rồi các đồ đệ phát triển kinh pháp của Ngài đi giáo hóa chúng sinh. Ngày nay dù Phật giáo chia ra nhiều phái, hệ có hàng mấy trăm triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới, nhưng Tam pháp bảo (Phật, Pháp và Tăng) không xa rời nguyên tắc của Phật tổ.

Theo Tiến sĩ Mathieu Ricard: “Phật giáo phân tích và tháo tung ra những cơ chế của hạnh phúc và đau khổ có từ đâu? Nguyên nhân nào? Làm sao để thoát ra khỏi đau khổ?”…

- Nguồn gốc của tội ác, đau khổ… là do tâm lý con người quá Tham – Sân – Si (tham lam – thù hận – ngu muội), che lập Phật tính, khiến con người trở nên cá nhân, ích kỷ, quá lo lắng cho Sinh – Lão – Bệnh – Tử của bản thân, trở thành Ngã chấp (chủ nghĩa cá nhân), sinh ra ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si, ngã tướng… (chỉ quan điểm của mình là đúng, chỉ yêu mình trên hết, kiêu ngạo, thiên lệch, tác oai…). Từ đó sinh ra bảo thủ, cố chấp… không nhận thức được quy luật Vô thường của thế giới và cuộc sống bản thân đang biến đổi một cách biện chứng trong từng giờ từng phút…nên chìm đắm trong vô minh, hành động mù quáng: Ý hành, Ngữ hành, Thân hành (Nghĩ những âm mưu quỷ kế/ những điều hiểm độc…; nói những điều dối trá, vu oan, ác độc, hung bạo, vô nghĩa…; tiến hành những hành động bất lương, dã man). Tất cả những cái ác đã làm là NHÂN, tích tụ lại tạo nên nghiệp ác (QUẢ báo)…Ngược lại những ý nghĩ tốt, những lời nói chân thành, thương yêu, những việc làm lương thiện… là NHÂN tích tụ lại, tạo nên nghiệp lành (QUẢ phúc)…Những nghiệp lực (thiện/ác) do con người tạo ra luôn chi phối suy nghĩ, xúc cảm, hành vi của họ trong lúc sống và cả sau khi chết, khi chìm vào tiềm thức…

- Để giáo hóa chúng sinh, những người tu hành phải có quá trình tu tập kiên định, lâu dài: Tu Thiền định, Tu thọ trì ngũ giới, Tu lục độ, Tu Bồ tát … để thấm nhuần kinh pháp, thấu hiểu chúng sinh, tự thân giác ngộ, thí pháp cứu độ mọi chúng sinh, không phân biệt họ là ai, cả người đang sống lẫn những vong linh người đã chết.

- Đối với mọi người bình thường (chúng sinh) chỉ cần thực hiện theo mười điều dạy của Đức Phật, chuyển “Thập ác” thành “Thập thiện”: giảm bớt rồi loại bỏ Tham, Sân, Si; đừng sát sinh, trộm cướp, tà dâm; đừng nói những điều bịa đặt, dối trá, hung bạo, vô nghĩa. Từ đó Phật tính hiển lộ, giúp ta có Lòng nhân ái và Trí tuệ - Hai thuộc tính cơ bản nhất của con người, để lao động sáng tạo và biết sống có đạo lý, làm cho bản thân và gia đình hạnh phúc, xã hội an lành…
Như thế là Phật tại tâm, tu tại bản thân, chẳng cần phải cầu cúng khắp nơi…và khi chết sẽ nhẹ nhàng siêu thoát. Nhưng khốn thay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác; cái trí tuệ với cái vô minh diễn ra trong mỗi con người lại vô cùng khốc liệt, dai dẳng, và như lời đức Phật: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính bản thân mình! Mọi kinh pháp chỉ là phương tiện giúp cho bản thân mỗi người tự lĩnh hội, tự thể nghiệm, tự giác ngộ, tự cứu mình thoát khỏi vòng trầm luân cả lúc sống và sau khi chết!

- Có một điều rất quan trọng đối với tâm lý con người là: 6 cõi – 6 cảnh giới mà trong các kinh pháp nói đến rất nhiều, người ta vẫn tưởng rằng nó chỉ xảy ra với con người sau khi chết (ở cõi âm), nhưng thực ra 6 cõi tồn tại ngay trong xã hội con người đang sống. Biết bao người đối xử với nhau trong những gia đình tồi tệ, trong các nhà tù, trại cải tạo … khác chi địa ngục. Ác quỷ là những kẻ thèm khát hành hạ, đầy đọa, tra tấn, giết hại đồng loại không ghê tay; Súc sinh là loại người chỉ biết giành giật, chiếm đoạt lấy sự sinh tồn trong ô trọc, ganh ghét, tranh giành, cấu xé nhau theo bản năng, vô minh chẳng khác loài vật! Trong xã hội, phần đông là những con người bình thường, nhưng luôn sống trong bất an, vì tham, sân, si, vì lo lắng sinh, lão, bệnh, tử …cần được giác ngộ để có lòng từ bi và trí tuệ. Cõi Atula cũng tồn tại ngay trong xã hội, đó là những cá nhân dũng lược hơn người, nhiều tham vọng, lắm âm mưu quỷ kế, gian hùng, có thể là tướng cướp hay những thủ lĩnh lắm tài, nhiều tật, công - tội nhiều bề... Cõi Trời trong nhân gian cũng có: các Thiên tử, thánh nhân, những người hiền…Nhưng ở cõi Trời mà hành động như súc sinh, ngạ quỷ (vua lợn, vua quỷ…) thì cũng sẽ đọa vào địa ngục… Như vậy thực tế cuộc sống xã hội được “phản ánh” vào đời sống tâm lý của từng con người, được tích tụ trong tâm rồi được hình dung, biến hiện ra 6 cảnh giới. Cõi Phật ở trên, ở ngoài 6 cõi đó, nơi thần thức người chết được siêu linh, tịnh độ, thoát khỏi vòng sinh, tử luân hồi, không đầu thai vào 6 cõi. Để giáo hóa chúng sinh bằng “trực quan sinh động”, các chư tăng đã minh họa ra cảnh trí thần tiên, cõi Phật hay cảnh tượng cầu vồng, chó ngao, địa ngục, ác quỷ …ghê rợn…

Điều quan trọng nữa là, trong mỗi con người cũng có thể trải nghiệm cả 6 cảnh giới trong đời sống tâm lý đầy xáo trộn giữa thiện và ác, bản năng và ý thức…Ở đây, S, Freud gần với đạo Phật. Khi “cái Tôi” (cái bản Ngã) thiếu giác ngộ, kiên định, suy nghĩ, cảm xúc, hành động bị thúc đẩy, lôi kéo bởi nhiều nghiệp lực (thiện và ác). Có lúc con người thật ngây thơ, trong sáng, lương thiện như thiên thần; người ấy có lúc có hành động anh hùng cứu nhân, độ thế; nhưng cũng người ấy có lúc lại ganh ghét với bạn bè, sinh hoạt sa đọa như súc sinh; rồi người ấy có thể như ác quỷ, giết hại cả những người thân, đồng chí, bạn bè vì sợ họ… hơn mình!…Không chỉ từng giai đoạn của một đời người mà ngay từng phút giây hiện tại, suy nghĩ, hành động của ta có thể đan xen thiện hay ác, sáng tỏ hay vô minh… “Sáu cõi trong thế giới Ta – bà không gì khác hơn là sáu trạng thái tâm lý của các loài, trong đó có loài người. Sáu trạng thái đó tồn tại cùng lúc trong mỗi loài và thùy theo nghiệp lực mà chúng sinh có thân thể của một loài nhất định”

Theo lý thuyết, khi con người chết đi, phần tứ đại: xương, thịt, máu huyết ... tan vào đất- nước- gió- lửa, nhưng còn phần thần thức trở thành Thân trung ấm. Đó là giai đoạn, là nơi tất cả các nghiệp (thiện và ác) đã được tạo ra trong suốt cuộc đời đều chất chứa trong đó dưới dạng tiềm thức (biến hiện tự phát), và luôn bị thôi thúc bởi các nghiệp lực để dẫn dắt vào 6 cõi luân hồi…

Trên đây là tóm tắt sơ lược một số điều cốt yếu về Phật pháp để có chút tri thức, hy vọng đọc hiểu được cuốn “Người chết đi về đâu?” hay Luận vãng sinh của các Lạt ma Tây Tạng.

3. Người chết đi về đâu?

3.1. Giới thiệu tóm tắt Luận vãng sinh (hay Luận tái sinh)
Đây là một tập văn bản gốc của Tây Tạng được tìm thấy, gọi là Luận vãng sinh – Bardo Thoedol. Đó là một tập sách mỏng chưa đến 100 trang (20 x16cm), nhằm khai thị cho người sắp và vừa mới từ giã cõi đời. Luận này nhằm hướng dẫn người chết qua giai đoạn mang thân trung ấm, một giai đọan kéo dài khoảng 49 ngày, giai đoạn giữa cái chết và sự tái sinh, tương tự như cuốn “sách dành cho người chết” của Ai Cập.

Luận này được chia thành ba phần: Phần đầu được gọi là Tschikhai-bardo (bardo có nghĩa là chuyển tiếp), mô tả những biến hiện tâm lý trong thời điểm chết; phần hai được gọi là Tschoenyi – bardo, giai đoạn như trong cơn mộng, xảy ra sau khi chết hẳn, được cho là ảo giác do nghiệp lực mang lại; phần ba – Sipa- bardo, nói về sự khao khát tái sinh và những biến cố xảy ra trước khi tái sinh…

Luận vãng sinh chính là sách tác nghiệp của các Lạt ma Tây Tạng dùng khai thị cho người sắp chết - đang chết - sau chết đến 49 ngày. Người thân có thể dùng sách này, thay các Lạt ma, đọc cho người chết nghe. Sách chỉ viết những điều thật ngắn gọn, cấp thiết nói với người chết về những biến hiện trực tiếp diễn ra trong thần thức của họ, không có giải thích, nên đọc rất khó hiểu, dù đã sơ bộ nắm được những điểm cốt yếu của Phật học như đã nêu ở mục 2.
Luận này có các mục cụ thể như sau:

(1) Hướng dẫn thần thức trước khi chết. Tùy vào trình độ (hiểu Phật pháp) của người đó, chủ lễ (có thể là Lạt ma/thầy cúng/người thân) dùng những lời khuyên nhủ (khai thị) thích hợp để người đó đón nhận cái chết một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng… Chẳng hạn có thể nói: Cái chết đang đến với … Những người thương yêu đang ở đây tiễn đưa bạn, những mối liên hệ giữa chúng tôi và bạn vẫn tồn tại…Hãy cố gắng giữ lấy mối liên hệ đó… Sau khi chết bạn sẽ thấy nhiều cảnh tượng hiện ra, như bạn sẽ rời bỏ xác thân này, rồi những gì trong quá khứ của bạn sẽ hiện về như trong mộng. Dù bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, hãy cứ bình tĩnh đón nhận, đừng sợ hãi, đừng trốn chạy. Hãy rũ bỏ hết tham luyến, đau buồn để nhớ tới “bản chất của thần thức là “không”, là “vô ngã”… Hãy nhớ, khi hồn lìa khỏi xác, thần thức sẽ thấy luồng ánh sáng rực rỡ thì đừng hoang mang sợ hãi mà hãy nhập ngay vào ánh sáng của chân tâm để được siêu thoát… (Mục này dài 09 trang). Nếu không siêu thoát được ngay sau khi chết, thì thần thức sẽ mang thân trung ấm, và sẽ tiếp tục phải khai thị theo một quá trình phức tạp, kiên nhẫn.

(2) Phương thức khai thị cho thân trung ấm. Đây là giai đoạn mà các nghiệp lực tác động mạnh đến thần thức, cũng xem là “giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân”. Chủ lễ phải kiên trì khai thị cho thần thức người chết mỗi ngày 03 lần hoặc 07 lần, liền trong 07 ngày đầu; rồi sau đó 07 ngày tiếp theo, cũng như vây. Đây vẫn còn là giai đoạn có thể siêu thoát về cõi tịnh độ. Có điều đặc biệt, trong 14 ngày này, các Lạt ma mô tả rõ nhiều cảnh tượng diễn tiến vô cùng biến hóa, mau lẹ hiện ra trong mỗi ngày, giờ mà thần thức (thân trung ấn) thấy rõ và không khỏi hoang mang, lo sợ… Cho nên phải giải thích cho thần thức rằng đó chính là biến hiện từ tâm mình, đừng sợ hãi, đừng để các nghiệp lực lôi kéo, hãy biết phân biệt các luồng ánh sáng, các hình tướng của cõi Phật để hướng theo…(Phần này gần 40 trang).

(3) Giai đoạn chuẩn bị tái sinh. Mặc dù được khai thị nhiều lần trải qua nhiều giai đoạn, nhưng với những thần thức có quá nhiều ác nghiệp đã không được giải thoát trong những giai đoạn của 14 ngày đã qua. Chủ lễ tiếp tục kiên nhẫn khai thị cho thần thức, vẫn còn hy vọng giải thoát khỏi tái sinh để về cõi tịnh độ… (Phần này gần 30 trang)

(4) Giai đoạn phải đi tái sinh. Dù đã cố gắng khai thị, nhưng nhiều người ác nghiệp quá nặng nề, không thể giải thoát được, những thần thức này sẽ phải đi tái sinh. Đây là lúc chủ lễ khai thị cho thần thức cách lựa chọn cõi xứ mình sẽ đầu thai vào một trong 6 cõi. (Phần này dài 6 trang).

Tiếp theo là phần Phụ đính gồm một số bài Kệ, dùng tụng đọc trong lúc khai thị cho thần thức (gồm 10 trang).

Như trên đã nói, đọc Luận vãng sinh rất khó, không hiểu làm sao Lạt ma biết rõ các cảnh tượng mà thần thức đang tri giác, được mô tả rất ly kỳ, sinh động…Cũng không thể biết lúc nào thần thức đã siêu thoát hoặc đã đầu thai về đâu? Những thần thức không đầu thai sẽ như thế nào? Và sau 49 ngày các thần thức không siêu thoát, chưa đầu thai sẽ ra sao?...Có một Đại đức từ Hoa Kỳ giải thích thêm rằng, thời điểm 100 ngày vẫn còn cơ hội Promotion cho các thần thức tái sinh vào cõi bớt tồi tệ hơn!...

Rất may, nhờ Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz có bài giới thiệu Luận này và nhà TLH nổi tiếng Carl Gustav Jung đã viết một Luận văn TLH về Luận vãng sinh mà giúp hiểu rõ thêm.

3. 2. Dẫn luận của Tiến sĩ Evans Wentz
Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz, người nhận được bản dịch Anh ngữ đầu tiên và xuất bản sách này, đã nhận xét: “Đây là một trong số rất ít những quyển sách nghiêm túc nghiên cứu về cái chết, về trạng thái sau khi chết và về sự tái sinh. Sách này cũng trình bày một cách cô đọng các giáo lý chính yếu của Phật giáo Đại thừa. Hơn thế nữa nó không chỉ rất quan trọng về mặt tôn giáo mà còn cả trong lĩnh vực triết học và lịch sử nữa… Sự độc đáo của sách này là nó nhắc đến việc luận giải một cách hợp lý tác động của nghiệp quả trong giai đoạn giữa cái chết và tái sinh.” (tr. 15, sđd).

Wentz còn cho biết, Tiến sĩ L. A. Waddell sau một thời gian dài nghiên cứu Luận này, đã phải thốt lên rằng: “Các vị Lạt ma Tây Tạng, bằng giáo lý của đức Phật, đã có thể hé mở cho chúng ta thấy được ý nghĩa của nhiều sự việc người Âu Tây hầu như không thể nào hiểu được” (tr 17, sđd);… “Trong thiên nhiên, số 7 quản trị các định kỳ, các hiện tượng của sự sống, cũng như các nhóm hóa chất, các âm và các màu sắc vật lý học. Và chính giáo lý về thân trung ấm đã có căn cứ một cách khoa học dựa trên số 49, hay là 7 lần 7.” (tr 24, sđd)…

Theo Wentz: Đối với người chết, không có gì quý báu hơn là tình cảm chân thật, thành kính dành cho họ, và những lời nhắn nhủ khi họ đã trở nên bơ vơ một mình. Sự tin tưởng và tình cảm chí thành là phương tiện truyền đạt tới người chết những lời nhắn nhủ cuối cùng…Khóc lóc than vãn chỉ làm người chết thêm hoang mang, bối rối. Những người đủ giác ngộ “Phật tại tâm” cần một tình cảm chân thành, thái độ thiết tha để họ có “một tâm thức vững chắc biết rõ rằng cái chết chỉ là một giai đoạn trong quá trình miên viễn của đời sống. Người chết sẽ cảm nhận được tâm kiên cố đó và vững vàng theo, bớt phần sợ hãi. Nội dung nhắn nhủ chính là những lời khai thị trong sách này” (tr.12, sđd).

Nhưng “trong thời Mạt pháp, đại đa số chúng sinh thích hợp với phương pháp niệm Phật cầu vãng sinh, không mấy người tự lực để giải thoát. Trong trường hợp này, người thân cần nhắc nhở người sắp lâm chung chí thành quy y Tam bảo, thiết tha quán tưởng đức A-di-đà. Người sống cũng như người chết chỉ cần nhất tâm niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà- Phật” hình dung ngài xuất hiện rõ rệt trước mắt mình “như bóng trăng trong nước”. Trong mọi trường hợp, người sống cần lấy tâm thành kính, thanh tịnh để cầu siêu quán tưởng. Nếu không, thần thức dễ sinh tâm sân hận, càng thêm đau khổ cho họ”… (tr 13, sđd).
Theo Wentz, “Sự ghi nhận trong ký ức – hay đúng hơn là tâm thức – tất cả các tiền kiếp, tất cả các trạng huống đã qua của cuộc sống luân hồi, đều ẩn tàng trong tiềm thức, theo như lời dạy của chính đức Phật” (tr 27, sđd); “Được mô tả giống như trong một kịch bản, người chết liên tiếp nhìn thấy cảnh này hay cảnh khác, mỗi cảnh trình diễn một thuộc tính thánh thiện hay nguyên lý bẩm sinh vốn có trong mọi thực thể con người, để thử thách từng người và làm bộc lộ rõ một phần nào đó trong tâm thức của họ đã được phát triển như thế nào.”…(tr 35, sđd); …

“Sau ngày thứ năm thì các cảnh được nhìn thấy của thân trung ấm sẽ trở nên mỗi lúc một kém thánh thiện hơn. Người chết càng ngày càng chìm trong bùn lầy ảo tưởng luân hồi. Ánh sáng lóe chiếu của những bản chất thánh thiện tự xóa mờ dần thành ánh sáng của bản thể hạ đẳng. Lúc bấy giờ, giấc mộng sau cái chết chấm dứt theo sự tiêu tan của tình trạng chuyển tiếp, tất cả đều đã hiện ra như các quái tượng của một cơn ác mộng, nên người chết từ trạng thái chuyển tiếp bước dần sang trạng thái giả dối, tức là sự tái sinh vào thế giới loài người, hay một trọng nhiều cảnh giới của lục đạo” (tr 36, sđd)…

Tiến sĩ Wentz cho biết ở Tây Tạng: Khi đã có dấu hiệu của sự chết, người ta phủ tấm vải trắng lên người chết và không ai được đụng chạm đối với người đó nữa, để cho tiến trình của cái chết không bị gián đoạn, bởi vì “Tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm hoàn toàn ra khỏi xác thân. Người ta tin rằng tiến trình này được kéo dài bình thường từ ba ngày rưỡi đến bốn ngày, khi ấy người chết mới biết là mình không còn có thân xác nữa. Và lúc này người ta mới mang thân xác người chết đi. Sau đó người ta đặt bức ảnh người chết trên bàn thờ và tiếp tục dâng cúng thức ăn cho hết 49 ngày. Đây chính là quãng thời gian mà thần thức được tin là đang trải qua giai đoạn mang thân trung ấm. Cũng vì vậy, người ta thường mời các thầy cũng đến nhà cúng 7 ngày một lần, gọi là cúng “thất tuần” (7x7= 49 ngày) (tr. 37, sđd) ...

“Khi bắt đầu tỉnh thức trong giai đoạn thứ hai, thần thức nhìn thấy từng hiện cảnh tượng trưng, tức là các ảo giác do nghiệp lực tạo ra bởi các hành động đã làm khi còn sống. Những điều đã suy nghĩ, đã làm trước đây, giờ trở thành những đối tượng khách quan. Các hình ảnh được nhìn thấy hoàn toàn do sự tưởng tượng một cách có ý thức, được sanh khởi từ những gì trước đây đã nhìn thấy và ăn sâu, phát triển trong tâm thức. Các hình ảnh ấy hiện ra rồi đi qua, trong một toàn cảnh trang nghiêm và mạnh mẽ, như nội dung ý thức cá biệt của mỗi người.”… “Thần thức bước vào giai đoạn thứ ba để tìm đường tái sinh. Khi thần thức thực sự được tái sinh trong thế giới này hay thế giới khác, thì trạng thái thân trung ấm sau khi chết sẽ chấm dứt.” (tr 47, sđd).

“Trong suốt thời gian ở trong trạng thái chuyển tiếp khi chưa tái sinh vào một đời sống khác, thần thức người chết luôn bị các ảo tưởng của nghiệp lực chi phối. Thân trung ấm cảm thấy sung sướng hay đau khổ tùy theo mỗi trường hợp nghiệp lực cá biệt của mỗi người.”.(tr 48, sđd)
“Ngoài sự giải thoát bằng cách được vãng sinh về một trong các cõi tinh độ của chư Phật sau khi chết, nếu phải tái sinh thì cảnh giới được khuyến khích chính là cõi người. Tái sinh vào cõi nào khác với cảnh giới loài người đều sẽ làm trì trệ việc tu tập để đạt đến giải thoát hoàn toàn”. (tr 49, sđd)

Có một ý nghĩa tâm lý xác định gắn liền với hình ảnh các thiện thần hay ác thần hiện ra trong giai đoạn mang thân trung ấm. Wentz viết: “Nhưng muốn nắm hiểu điều đó chúng ta không nên quên rằng các cảnh tượng mà thần thức người chết nhìn thấy trong giai đoạn mang thân trung ấm không phải là những cảnh tượng thật. Chúng chỉ là ảo giác biểu lộ các tưởng tướng do tâm thức của người ấy tạo ra. Hay nói cách khác, chúng là các hình tướng được nhân hóa của những thôi thúc thuộc tinh thần trong trạng thái sau khi chết”.(tr 49, sđd)…; “Thần thức người chết là khán giả duy nhất của một toàn cảnh những biến hiện ảo giác kỳ diệu, của nội dung tâm lý được tích lũy trong cuộc đời, đều theo nghiệp lực sống lại”…; “Thần thức người chết giống như một đứa bé kinh ngạc khi nhìn các hình ảnh được phóng to trên màn ảnh. Họ quan sát các cảnh tượng mà không biết rằng đó chỉ là ảo ảnh, hoàn toàn giả dối, hư huyễn, trừ khi trước đây họ đã có một quá trình tu tập chứng ngộ” (tr 53, sđd).
“Do đó người Phật tử, người tín đồ Ấn Độ giáo, hoặc người Hồi giáo, Cơ Đốc giáo… đều sẽ trải qua các cảnh tượng khác nhau khi mang thân trung ấm, sẽ nhìn thấy những gì theo đúng như giáo lý họ đã được truyền dạy…” ; “Hay nói cách khác, tình trạng sau khi chết rất gần giống với tình trạng của một giấc chiêm bao; và các giấc mộng ấy là do tâm trạng của người nằm mộng sản sinh ra. Tâm lý này giải thích một cách khoa học tại sao những người sùng đạo, trong Cơ đốc giáo chẳng hạn, đã đưa ra những chứng cứ của các bậc thánh, hoặc những trường hợp xuất thần, hoặc trong giấc mộng, đã thấy được đức Chúa Cha ngồi trên ngôi, có đức Chúa Con bên cạnh, và thấy cả những cảnh giống như trong Kinh Thánh mô tả, với các thuộc tính của bầu trời, hoặc thấy đức Mẹ đồng trinh, các vị thánh và thiên sứ, hoặc những chỗ đền tội và địa ngục” (tr 54, sđd)…

Wentz viết tiếp: “Quyển sách này có vẻ như được căn cứ trên những dữ kiện có thể kiểm chứng được bằng chính kinh nghiệm của con người về mặt sinh lý và tâm lý, và đã phân tích vấn đề sau khi chết như một vấn đề đơn giản thuộc về tâm lý. Rất khoa học là ở điểm này.”…“Sách đã xác quyết nhiều lần rằng: Những gì được trông thấy trong giai đoạn mang thân trung ấm là hoàn toàn do nội dung tâm trạng riêng của người chết mà hiện ra. Không có cảnh tượng nào, thiện thần hay ác thần nào ngoài những hiện tướng xuất phát từ các ảo giác thuộc nghiệp thức của những tưởng tướng đã tạo ra. Đây là một kiểu sản phẩm vô thường sản sinh ra từ nơi đức tin, sự khao khát được hiện hữu và ý chí muốn sống còn” (tr. 55, sđd).
“Kinh thánh của đạo Cơ Đốc, cũng như kinh Korran của đạo Hồi, không hề cho rằng các kinh nghiệm tâm linh với dạng thức các ảo giác được nhìn thấy của các nhà tiên tri hay một tín đồ sùng đạo lại có thể là không thật. Nhưng sách Luận vãng sinh này đã trình bầy vấn đề một cách dứt khoát đến nỗi tạo ra nơi người đọc một ấn tượng rất rõ là: Mọi cảnh tượng được trông thấy, bất cứ là cảnh tượng gì, đều chỉ thuần túy là hư huyễn không thật. Dù là các thiện thần, ác thần, cảnh thiên đàng hay địa ngục… tất cả đều chỉ là ảo mộng, căn cứ trên sự biến hiện của tâm thức trong cuộc sống luân hồi” (tr 56, sđd).
Theo Evans Wentz “Các vị Lạt- ma Tây Tạng tin rằng họ đã nắm được những điểm then chốt để giải thích quan điểm về vũ trụ trong Phật giáo, và những gì mà người phương Tây đã biết về vấn đề này chỉ mới có thể giúp họ đến được nơi ngưỡng cửa để bước vào biển tri thức mênh mông đó”. (tr. 67, sđd)

Wentz kết luận: “Trong chừng mực nào đó Luận vãng sinh cũng giúp chúng ta vén lên tấm màn bí mật về sự tái sinh của các vị Đạt lai Lạt ma Tây Tạng. Những sự kiện được ghi chép cụ thể về sự tái sinh của họ - mà không phải là truyền thuyết- đã làm cho người phương Tây cảm thấy vô cùng khó hiểu nhưng lại không sao phủ nhận được”

3.3. Carl Gustav Jung nói về Luận vãng sinh

Nhà TLH C.G. Jung viết: “Tôi chắc rằng, những ai đọc sách này (Luận vãng sinh- MVT) với một nhãn quan rộng mở, không thành kiến, chịu để cho sách tác động, sẽ đạt được nhiều lợi ích”; rằng Luận này chứa đựng quan điểm “nói với con người và không nói với thánh thần hay loài vật ngu độn. Quan điểm đó là tinh hoa của lý luận tâm lý Phật giáo, và vì thế ta có thể nói, có trình độ hơn hẳn “Sách dành cho người chết” của Ai Cập” (tr 192, sđd).

Jung còn cho rằng: “Trong Luận vãng sinh này, điều tiên quyết bàng bạc khắp nơi là không hề có quan điểm nhị nguyên, cũng như tư tưởng cho rằng có sự khác nhau về chất giữa các tầng của ý thức, và từ đó có sự khác nhau về các thực thể siêu hình. Quan điểm tuyệt vời “vừa thế này, vừa thế kia” là nền tảng của cuốn sách lạ lùng này”; “Luận vãng sinh Bardo Thoedol hết sức đậm màu sắc tâm lý học, nhưng có kẻ vẫn xem luận này như các văn bản khác thời Trung cổ, thời kỳ tiền tâm lý học, trong đó chỉ có những khẳng định được nêu lên, lý giải, bảo vệ, phê phán và biện luận, rồi các cơ quan chức năng sẽ gạt bỏ qua một bên” (tr 194, sđd). Ông nhấn mạnh: “Các quan điểm siêu hình chính là khẳng định của tâm linh, vì vậy có tính tâm lý” (tr 194, sđd); “Tâm thức không phải là điều kiện cho các thực tế siêu hình, tâm thức chính là các thực tế siêu hình” (tr 195, sđd); và “… tầm mức vĩ đại của Luận vãng sinh Bardo Thoedol, là tập luận giúp cho người chết thấy được sự thật cuối cùng và cao cả nhất. Đó là: Thượng đế là biến hiện và ánh sáng của chính tâm thức mỗi người” (tr 197, sđd).
Theo Jung: “Đặt mình vào tâm thức người chết chúng ta sẽ học được bài học quý giá ngay trong câu khai thị đầu tiên, là: nguyên nhân gây ra mọi phiền toái trong cuộc đời nằm ngay ở chính ta. Đó là một sự thật chưa hề được biết tới, mà qua bao nhiêu chứng nghiệm lẽ ra chúng ta bắt buộc phải hiểu”… (tr 198, sđd)

Jung cho rằng Luận này: “Trước hết khai thị cho người sống về thế giới bên kia không hề là cõi chết theo ý niệm thông thường, mà là một sự chuyển biến hướng nội, là một thế giới bên kia về mặt tâm lý”. (tr. 200, sđd)… “Đáng tiếc thay! Giá như phương pháp phân tâm của S. Freud đi thêm một bước nữa. Nếu được như thế, thì phương pháp này đã qua được phần sau của Luận vãng sinh, qua được Sipa Bardo và tới chương sau của Tschoenyi- Bardo”…(tr 202, sđd); “Vì thế nên Phân tâm học của S. Freud chủ yếu là dừng lại ở những biến cố trong Sida- Bardo, tức là những mơ ước tình dục và những khao khát không phù hợp, gây ra sợ hãi và những tâm trạng dồn ép khác”… (tr 203, sđd)…
“Có thể khẳng định rằng, tinh thần duy lý của phương Tậy trong ngành Phân tâm học đã đạt tới giai đoạn Sipa – Bardo, và đi tới quan điểm rằng tâm lý là một vấn đề có tính chủ quan và riêng tư. Chỉ thế thôi và dừng yên tại đó.” (tr 204, sđd); “…quan niệm cho rằng người chết cứ tiếp tục sống cuộc sống của họ, không biết rằng mình đã chết là một quan niệm đã có từ xa xưa, hầu như khắp nơi trên thế giới. Đó chính là một dạng thể uyên nguyên…” (những biểu tượng chung nằm sâu trong tiềm thức tập thể, cộng đồng - MVT) (tr. 209, sđd)…

Jung cho rằng “Mục đích chính của tập Luận hiếm có này – xa lạ đối với những trí thức châu Âu của thế kỷ XX – là cố sức giảng giải cho người đang chết. Đối với người châu Âu, nhà thờ Thiên chúa là nơi độc nhất trên thế giới còn nói điều gì đó với người đang chết”…(tr 216, sđd).

Jung kết luận: “Thế giới của thần thánh ma quỷ không có gì khác hơn là tiềm thức tập thể chứa đựng trong mỗi cái tôi”… “Muốn hiểu được Luận vãng sinh Bardo Thoedol ta cần có một khả năng tâm linh đặc biệt. Không phải ai cũng có, mà chỉ những ai có một đời sống đặc biệt, một kinh nghiệm đặc biệt, mới có được khả năng tâm linh đó”. Và “…loại sách này chỉ dành cho những người không còn quá coi trọng những cái gọi là “lợi ích”, “mục đích”, “ý nghĩa”, của “nền văn hóa” hiện nay của chúng ta.” (tr. 221, sđd).

4. Thay lời kết
Khi đọc tập Luận vãng sinh, tôi có một băn khoăn: Nếu “bất cứ ai, cho dù là người đã tạo nhiều nghiệp bất thiện, chỉ cần thành tâm niệm Phật đều sẽ được vãng sinh về tịnh độ” (tr. 237, sđd); Và sau khi chết, trong giai đoạn thân trung ấm, nếu thần thức người chết được nghe khai thị bằng Luận vãng sinh, kịp “lắng nghe”, “giác ngộ” vẫn có cơ hội siêu thoát! Như vậy liệu có công bằng không?
Nhưng xem những lời giải thích của đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 (đương nhiệm) nói về vấn đề này, ta hiểu rằng, dù có cơ hội nhân văn cao cả, bình đẳng cho tất cả mọi thần thức, nhưng cũng không dễ dàng cho những người tạo nhiều nghiệp ác. Đức Lạt ma phân tích: “Trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, các tâm trạng như tham ái, sân hận, ganh ghét…được sinh khởi ngay cả với những duyên rất nhỏ nhặt. Đó là những trạng thái tâm lý đã khắc sâu đến tận cốt tủy của con người. Ngược lại, một trạng thái tâm lý mà người ta không thường trải qua, nếu muốn sinh khởi thì cần phải có sự kích thích mạnh mẽ, chẳng hạn như sự tư duy, tập trung cao độ. Vì thế mà khi sắp chết, những tư tưởng đã ăn sâu vào cốt tủy của mỗi con người sẽ thường là trạng thái tâm lý chính, là yếu tố quyết định sự tái sinh” (tr. 235, sđd)
Từ đó xin rút ra một vài điều thay cho kết luận.
1. Trong quá trình sống, hãy học cách làm chủ thân tâm mình, phát triển tình thương và trí huệ, tạo nhiều nghiệp thiện, tránh nghiệp ác để cuộc sống được an lành và khi chết nhẹ nhàng, thanh thoát…
2. Nếu biết rằng chết là quy luật tất yếu của đời người; quá trình chết diễn ra các giai đoạn trước – trong – sau khi chết và chuyển kiếp siêu thoát vào cõi tịnh độ hay tái sinh vào lục đạo, thì người ta có thể chuẩn bị lo liệu trước và bình tĩnh đón nhận cái chết. Lo liệu không phải là chạy chọt, hối lộ thánh thần, mà là tự xem lại mình để kịp sám hối, buông bỏ ngã chấp, vô minh, chuyển sang từ bi và trí huệ…Bởi vì cảnh tượng của 6 cõi chính là biến hiện của những gì đã ăn sâu vào tim óc mình, nay hiện ra trước thần thức của chính mình, bị lôi kéo bởi những nghiệp lực do chính mình tạo ra. Vậy thì chính mình phải tự cứu lấy mình bằng tự nhận thức, tự giác ngộ, tự giải thoát chứ đừng mong chờ các ngoại lực.
3. Khi có người thân sắp lâm chung, cần ân cần giảng giải, vỗ về, an ủi họ bình tĩnh đón nhận cái chết; cho họ biết sau khi chết sẽ thấy những cảnh tượng ra sao, như Luận vãng sinh mô tả…để họ có tâm thế chủ động đón nhận cái chết. Khi họ chết, trước hết người thân phải rất bình tĩnh, phủ tấm vải để người chết được yên tĩnh như ngủ, và nói chuyện với họ những điều như trong Luận vãng sinh đã nêu…(Đối với người chết bất thường, trong đó có hướng dẫn riêng).
4. Người thân không nên khóc lóc, kèn trống ầm ĩ, ăn uống ồn ào ở gần người chết, tránh gây cho họ sự hoảng sợ, hoang mang …hoặc tham luyến, sân hận…càng khó bề siêu thoát.
5. Luận vãng sinh đã cho biết những cơ sở của việc cúng 3 hoặc 4 ngày, cúng thất tuần (7x7 = 49 ngày) cho người chết. Đặc biệt giai đoạn 49 ngày, giai đoạn của đầu thai, chuyển kiếp là hết sức khẩn thiết, quan trọng đối với người chết. Đó vẫn là cơ hội tiếp tục khai thị cho thần thức có thể giác ngộ siêu thoát, hoặc tìm thấy khả năng đầu thai vào cõi đỡ đau khổ hơn…
6. Luận vãng sinh không phải Kinh Phật. Đó là những điều do các Lạt ma Tây Tạng – bằng tu tập lâu dài, có khả năng siêu việt - nhìn thấy, nghe thấy, hiểu được tất cả những gì diễn ra trong quá trình con người chuyển tiếp từ lúc lâm chung – chết – sau chết 49 ngày, và họ viết ra Luận này để cứu độ vong linh người chết, hy vọng còn cơ hội siêu thoát, hoặc tái sinh vào cõi đỡ tồi tệ hơn. Đối với “người trần, mắt thịt” chúng ta, thật khó hiểu, khó tin vào những điều đó. Nhưng dẫu không tin, ta cũng thấy tất cả những gì trong Luận này nhắm đến, không có hại gì, mà thật sự thấm đậm tính nhân văn cao cả, sâu sắc đối với cả người sống lẫn người chết.

Hà Nội, ngày 20 – 10 – 2013
MVT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Uông Trí Biểu (1991), Nhìn Phật giáo qua Khoa học (Dịch giả: Thích Tuệ Đăng), NXB Phật giáo, TP Hồ Chí Minh.
2. Jean Franois & Mathieu Ricard (2002), Văn minh phương Đông và phương Tây – Đối thoại giữa Triết học và Phật giáo, NXB TP Hồ Chí Minh.
3. Thích Ấn Thuận (1992), Phật pháp khái luận, NXB Đại học và GDCN, HN.
4. Thích Thanh Từ 1993), Bước đầu học Phật, NXB Thành hội Phật giáo, TP Hồ Chí Minh.
5. Một số trang web:
- http://khoahọcvietnam.com/
- phật học online
- phatphap.com
- phatphap online.net
- Phapgioi.com
- Buddhismtoday.com
-….
ĐỌC THÊM VẬT LÝ LƯỢNG TỬ CHỨNG MINH ĐƯỢC "CÕI ÂM" TỒN TẠI?
Hầu hết các nhà khoa học có thể cho rằng, khái niệm "thế giới bên kia" hoặc vô nghĩa hoặc không thể chứng minh được. Tuy nhiên, một chuyên gia tuyên bố đang có trong tay bằng chứng vật lý lượng tử xác thực sự tồn tại của "cõi âm".
Giáo sư Robert Lanza đến từ Trường Y, Đại học Wake Forest (Mỹ) bắt đầu lý giải của mình bằng cách trích dẫn thuyết lấy sự sống làm trung tâm (biocentrism), vốn coi cái chết như chúng ta biết chỉ là một ảo giác của ý thức con người.
"Chúng ta đều nghĩ, cuộc sống chỉ là hoạt động của cácbon và một hỗn hợp các phân tử. Chúng ta chỉ sống một thời gian và sau đó thối rữa vào đất", trích tuyên bố của ông Lanza trên website của mình.
Theo ông Lanza, là con người, chúng ta đều tin vào cái chết vì "chúng ta được dạy ai cũng sẽ chết", hay cụ thể hơn là, nhận thức của chúng ta gắn sự sống với cơ thể, trong khi cơ thể chắc chắn sẽ chết. Tuy nhiên, thuyết biocentrism của ông Lanza coi cái chết có thể không phải là dấu chấm hết như chúng ta nghĩ.
Thuyết biocentrism cho rằng, sự sống và sinh vật học là trung tâm của hiện thực và rằng, sự sống tạo ra vũ trụ, chứ không phải ngược lại. Thuyết này cũng nêu, ý thức của con người quyết định hình dáng và kích cỡ của các vật thể trong vũ trụ. Ông Lanza lấy ví dụ: khi một người ngắm nhìn bầu trời xanh và được nói màu mà họ nhìn thấy là xanh dương, nhưng các tế bào trong bộ não người có thể được biến đổi để khiến bầu trời trông như màu xanh lục hoặc đỏ.
Nếu nhìn vũ trụ từ quan điểm của một người ủng hộ thuyết biocentrism, ta sẽ thấy không gian và thời gian không vận động như cách nhận thức thông thường của chúng ta. Nói một cách khác, không gian và thời gian "đơn giản là các công cụ của trí óc con người". Nếu thuyết này được chấp nhận, điều đó có nghĩa là cái chết và quan điểm về sự bất tử tồn tại trong một thế giới không có ranh giới tuyến tính và không gian.
Tương tự, các nhà vật lý lý thuyết tin hiện tồn tại vô số vũ trụ với các bản sao biến thể khác nhau về dân số và tình huống diễn ra đồng thời. Theo ông Lanza, khi chúng ta chết ở thế giới này, sự sống của chúng ta sẽ nảy nở ở một vũ trụ khác. Ông viện dẫn một thí nghiệm nổi tiếng về sự phân đôi để chứng minh quan điểm của mình.
Trong thí nghiệm, khi các nhà nghiên cứu cho một hạt đi xuyên qua 2 khe hở trong một rào chắn, hạt này hành xử như một viên đạn và đi xuyên qua khe hở này hoặc khe hở khác. Nhưng nếu một người không quan sát hạt, nó hành xử như sóng, đồng nghĩa với việc nó có thể đi xuyên cả 2 khe hở cùng một lúc.
Ví dụ trên cho thấy, vật chất và năng lượng có thể chứa đặc tính của cả hạt và sóng. Và các biến đổi về hành vi của hạt phụ thuộc vào cảm nhận cũng như ý thức của người.


(Hình minh hoạ lấy trên Google)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét