Vậy đâu là những thành tố đóng
góp vào sự thành công của mô hình tổng thống Hoa Kỳ?
Điểm thứ nhất đó là hai chính đảng của Hoa Kỳ hầu như không có một
ý thức hệ rõ rệt nào. Cả hai đều cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, trọng thương,
nâng đỡ doanh nghiệp, và đều hướng các chính sách của mình đến tầng lớp trung
lưu. Hoa Kỳ chưa bao giờ có một chính đảng chống tư bản hay theo khuynh hướng
xã hội đúng nghĩa.
Về mặt hình thức Hoa Kỳ có hai
chính đảng, nhưng về mặt thực chất, sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ thể hiện dưới
dạng như một hệ thống nhiều đảng phái.
Trên bình diện quốc gia, cơ cấu
đảng phái trong đảng của các chính đảng Hoa Kỳ khá lỏng lẻo. Hệ thống đảng là
một mạng lưới để mỗi bốn năm một lần phối hợp với nhau nhằm đưa các ứng cử viên
của mình giành vị trí tổng thống.
Đa phần các hoạt động đảng phái
chủ yếu diễn ra ở cấp địa phương ở các bang. Ở đây, các đảng phái hoạt động gắn
kết hơn trong nỗ lực giành quyền kiểm soát các vị trí của chính quyền trong các
cuộc bầu cử diễn ra liên tục.
Thêm nữa, chính vì sự lỏng lẻo và
ít tính kết nối đó, không có một quy định nào bắt buộc các nghị viên phải một
lòng bỏ phiếu theo định hướng của đảng mình, và chuyện mà một đảng viên thể hiện
tư tưởng đi ngược lại đường lối của đảng mình là chuyện thường gặp. Các nghị
viên chỉ bỏ phiếu theo quyền lợi của khu vực cử tri mình đại diện.
Chính vì tình trạng vô kỷ luật
trong các chính đảng của Hoa Kỳ mà một tổng thống Hoa Kỳ khó lòng nhận được một
sự ủng hộ toàn tâm bởi các nghị sỹ đảng mình trong quốc hội. Và điều này chính
là lý do màthậm chí cho dù tổng thổng và đảng của ông ta có thể nắm đa số trong
quốc hội thì các nghị sỹ trong đảng của ông ta trong quốc hội cũng luôn luôn
giữ được một sự độc lập với tổng thống và đóng vai trò kiểm soát quyền lực, duy
trì hệ thống dân chủ.
Điểm thứ hai đó là tinh thần tự do của nhân dân Hoa Kỳ.
Lịch sử của Hoa Kỳ là lịch sử của
di dân tị nạn, và những cộng đồng di cư đến Hoa Kỳ đa phần dưới một tâm thế mưu
cầu sự tự do cho cá nhân và gia đình. Tinh thần tự do và chủ nghĩa cá nhân vì
thế đã trở nên một lý tưởng sống ăn sâu vào mỗi cá nhân của các công dân Hoa
Kỳ, bao gồm cả các chính trị gia.
Tinh thần tự do đến lượt nó thúc
đẩy những nỗ lực duy trì một văn hóa tự do bằng cách dựng xây nên các tổ chức
xã hội dân sự để bảo vệ và phụng sự cho những quyền lợi của các công dân. Một
xã hội dân sự mạnh mẽ trong đó dư luận luôn luôn lên tiếng chống lại những xu
hướng độc tài khiến cho các chính trị gia khó lòng nào thao túng được nền chính
trị quốc gia.
Điểm thứ ba, và quan trọng nhất, đó là các cơ cấu chính trị trong
chính quyền Hoa Kỳ được phân bố theo cơ chế đồng thuận. Trong cơ chế này, không
một cơ quan nào có thể nắm toàn bộ quyền hành, mà quyền hành được phân chia và
tản quyền. Một chính sách hay một quyết định chính trị quan trọng được thông
qua phải có sự đồng thuận giữa các cơ quan hoặc cá nhân với nhau.
Chính vì vậy mà quyền lực luôn
luôn được cân bằng và kiểm soát, tránh lạm quyền và tránh độc tài. Trong cơ chế
liên bang, quyền lực của chính quyền trung ương không những được phân quyền
theo hàng ngang giữa hành pháp, tư pháp, và lập pháp, mà còn phân quyền theo
chiều dọc là giữa chính quyền liên bang trung ương và chính quyền tiểu bang.
Trong các cơ quan của chính quyền liên bang ở trung ương, quyền lực cũng được
phân tán khi có thể.
Chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên
bang Hoa Kỳ chịu trách nhiệm trong việc điều hành chính sách tiền tệ và bình ổn
hệ thống tài chính được độc lập khỏi chính quyền, và chính sách tiền tệ được
đưa ra sau khi một nhóm các thống đốc ngân hàng bàn thảo và bỏ phiếu đồng ý.
Tương tự là Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ.
Chính vì sự cân bằng và kiểm soát
quyền lực hiện diện ở mọi cơ quan, các quyết định chính sách đưa ra luôn tuân
thủ theo cơ chế đồng thuận. Vì lẽ đó, khó mà một tư tưởng độc tài được dịp phát
triển và hình thành nên một nhà độc tài mới.
Bài Đoan Thon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét