Tư liệu:Tiếng
Trung: 高駢; tự Thiên Lý (千里); 821–887) là một viên tướng của nhà Đường, ông là người
thay mặt cho nhà Đường cai quản Giao Châu (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ năm
866 đến năm 875 với chức vụ tiết độ sứ. Sau lại làm phản nhà Đường và bị giết
năm 887. Tổ tiên là người Bột Hải (Mãn Châu), sau di cư đến U Châu.
Cao Biền
người gốc Bột Hải (Mãn Châu), sau ngụ U Châu. Cha là Cao Thừa Minh[1], ông nội
là Nam Bình quận vương Cao Sùng Văn[2][1][3], thời Đường Hiến Tông Lý Thuần
(806-820) là một danh tướng, chỉ huy cấm quân. Từ khi còn nhỏ, Cao Biền đã là
người rất chịu khó trau dồi về văn học. Giao du với các nho sĩ, ông thường bàn
luận đường lối chính trị một cách rắn rỏi. Cao Biền theo Chu Thúc Minh, làm tư
mã.[4] Cao Biền làm quan, được thăng dần đến hữu thần sách đô ngu hậu, sau vì
có công, lại được thăng làm phòng ngự sứ Tần Châu. Những năm đầu thời Đường Ý
Tông (859–873), Cao Biền chỉ huy quân tại biên cương phòng chống người Đảng
Hạng và Thổ Phồn, kiêm Tần Châu thứ sử.
Năm Hàm
Thông thứ bảy (866), Cao Biền sang trấn thủ Giao Châu, làm Tĩnh Hải quân tiết
độ sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu. Năm Càn Phù thứ hai (875) đời Đường
Hi Tông (873–888), nhà Đường chuyển ông đến cai quản Tây Xuyên. Cao Biền là
người nghiêm khắc nhưng lạm dụng hình phạt, lạm sát cả người vô tội. Tuy vậy,
trong thời gian cai quản Tây Xuyên ông đã có công lui quân Nam Chiếu.
Năm Càn
Phù thứ sáu (879) quân đội của Hoàng Sào từ bờ nam sông Hoàng Hà tiến về phía
tây, triều đình nhà Đường điều Cao Biền đến làm Trấn Hải Quân tiết độ sứ (ngày
nay là Trấn Giang, Giang Tô)[3]. Quân của Hoàng Sào chuyển hướng tiến về hướng
nam tới Chiết Giang. Tháng 5 năm Quảng Minh thứ nhất (880) tại Tín Châu (ngày
nay là Thượng Nhiêu, Giang Tây) quân Hoàng Sào giết chết Hoài Nam tiết độ sứ
(ngày nay là bắc Dương Châu, Giang Tô). Tháng bảy, quân Hoàng Sào vượt qua
Trường Giang. Cùng năm, quân Hoàng Sào từ Quảng Châu (ngày nay thuộc Quảng
Đông) tiến lên phía bắc tới khu vực Giang-Hoài, Cao Biền khiếp sợ uy thế Hoàng
Sào, chỉ cố thủ Dương Châu, dù binh lực có trên 100.000 để bảo tồn lực lượng.
Quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Đường Hi Tông khẩn cấp điều Cao Biền đem
quân cứu giá, nhưng Cao Biền không tuân lệnh của nhà Đường mà lại cát cứ một
phương. Năm Trung Hòa thứ hai (882), nhà Đường bãi miễn Cao Biền[3].
Về già,
Cao Biền trở nên tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ làm lòng
người ly tán, tướng cai quản Hoài-Nam là Tất Sư Đạc rất lo sợ, năm Trung Hòa
thứ năm (885) Cao Biền tạo phản, nhà Đường cử Tuyên Châu quan sát sứ là Tần
Ngạn trợ chiến với Tất Sư Đạc. Năm Quang Khải thứ ba (887), Tất Sư Đạc xuất
quân từ Cao Bưu, hợp cùng các tướng khác tấn công Dương Châu. Cao Biền phái
người đi cầu cứu Dương Hành Mật, nhưng người của Cao Biền chưa tới nơi thì
thành Dương Châu đã bị phá, Cao Biền bị bắt làm tù nhân, một thời gian sau bị
Tần Ngạn, Tất Sư Đạc giết chết[3].
Tại Giao
Châu
Năm Ất
Dậu (865) Cao Biền được nhà Đường cử là đại tướng họp cùng giám quận là Lý Duy
Chu đem quân sang đóng ở Hải Môn để giải quyết vấn đề Nam Chiếu. Cao Biền sinh
ở cửa tướng lại là tay văn học uyên thâm dẫn 5000 quân làm tiền đạo và ước cùng
Lý Duy Chu điều động quân hậu viện tiến sau. Lý Duy Chu không muốn Cao Biền
thành công, và biết rằng Cao Biền giàu mưu lược, có tài quân sự ắt sẽ thắng
trận. Nam Chiếu tuy đông nhưng man mọi và ô hợp, chiến đấu lại không có phương
pháp. Y chỉ còn cách không đem quân tiếp viện để Cao Biền hao mòn dần thực lực
mà thất bại. Cao Biền cất quân đi rồi, Lý Duy Chu vẫn cứ đóng binh nguyên vẹn
tại chỗ.
Giám
quận nhà Đường là Trần Sắc lại phái thêm 7.000 quân do tướng Vi Trọng Tể điều
khiển sang tăng cường cho đoàn quân viễn chinh của Cao Biền. Bấy giờ Cao Biền
mới xuất trận đã thắng được Nam Chiếu mấy kỳ, và tháng 6 năm 866 cho báo về
Trung Quốc. Tháng 9 năm thứ 6 niên hiệu Hàm Thông (865), Cao Biền đánh úp quân
Nam Chiếu đang gặt hái ở Phong Châu (Vĩnh Yên) và cướp thóc lúa đem về nuôi
quân.
Biết
tình thế khó khăn, vua Nam Chiếu phái Đoàn Tú Thiên làm tiết độ sứ đất Thiện
Xiển (kinh đô riêng của Nam Chiếu ở tây bắc Giao Châu), phái Dương Tư Tấn đến
giúp Đoàn Tú Thiên giữ Giao Châu, và cho Phạm Nê Ta làm đô thống phủ đô hộ.
Tin báo
thắng trận của Cao Biền đến Hải Môn thì bị Lý Duy Chu chặn lại. Triều đình
Trung Quốc lâu không thấy tăm hơi của Cao Biền liền cho hỏi Lý, Lý nói dối rằng
Cao Biền vẫn không chịu xuất quân và án binh bất động ở Phong Châu. Thực ra lúc
đó Cao Biền đã phá được quân Nam Chiếu, hàng được hơn 1 vạn quân, và đang vây
hãm quân Nam Chiếu ở La Thành quá 10 ngày. Trong lúc đó Đường Ý Tông phái Vương
Án Quyền và Lý Duy Chu tới thay họ Cao, và trước khi về kinh, Cao Biền đã phái
Tăng Cổn về Trung Quốc trình bày tin tức thắng trận và mọi sự hãm hại của họ
Lý. Sau khi giao binh quyền, Cao Biền cùng 100 thủ túc lên đường. Khi vua Đường
hiểu rõ manh mối, Cao Biền được thăng chức kiểm hiệu công bộ thượng thư và được
quay gót về Giao Châu tiếp tục việc đánh dẹp. Trong lúc này Vương Án Quyền và
Lý Duy Chu mới đánh thành. Vương Án Quyền thì nhút nhát còn Lý Duy Chu lại tham
lam tàn ác nên tướng tá không phục, nhờ vậy quân Nam Chiếu giải được vòng vây 2
lần trốn thoát quá nửa.
Đến khi
Cao Biền trở lại, tháng 4 năm Hàm Thông thứ 7 (866) thì hạ được thành, đánh bại
được Dương Tư Tấn, chém được Đoàn Tú Thiên, Phạm Nê Ta, Nạc Mi và Chu Cổ Đạo là
thổ mán đã làm hướng đạo cho Nam Chiếu cùng sát hại hơn một nửa quân Nam Chiếu.
Cao Biền lại đánh phá 2 động thổ mán đã theo Nam Chiếu và giết tù trưởng. Tháng
11 cùng năm, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ kiêm
hành doanh chiêu thảo sứ các đạo. Bắt đầu từ đấy, Giao Châu đổi tên thành Tĩnh
Hải quân tiết trấn.
Xét ra
Giao Châu bị nạn Nam Chiếu ròng rã 10 năm vô cùng tai hại. Từ đó Cao Biền ở lại
Giao Châu làm tiết độ sứ. Sau khi Nam Chiếu bại trận được vài năm, Trung Quốc
bị loạn. Nam Chiếu lại lợi dụng cơ dấy quân. Vua Đường muốn phương nam được ổn
định nên điều đình gả công chúa cho vua Nam Chiếu. Nam Chiếu liền cử một phái
bộ đặc biệt sang đón công chúa trong đó có mấy thượng tướng. Cao Biền gửi mật
thư cho vua Đường bảo trong phái bộ có 3 nhân vật cao cấp nhất là linh hồn của
Nam Chiếu nên đầu độc họ để trừ hậu họa, sau này Nam Chiếu có phục hồi được ắt
cũng còn lâu. Vua Đường y lời cho đánh thuốc độc vào rượu, các sứ giả Nam Chiếu
bỏ mạng nhờ vậy nhà Đường giữ Giao Châu thêm một giai đoạn.
Cao Biền
khởi việc xây thành đắp lũy ở các nơi biên cảnh để đề phòng giặc giã. Một kỳ
công của ông là việc dựng lên thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch. Thành này bốn
mặt dài hơn 1.982 trượng, cao 2 trượng 6 thước. Bên ngoài thành có một con đê
chạy theo để bao bọc lấy thành. Đê dài hơn 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng
rưỡi, dầy 2 trượng. Trong thành có tới 20 vạn nóc nhà. Sự sống của nhân dân rất
là sầm uất. Ông lại khai phá các ghềnh thác để mở rộng đường thủy cho các
thuyền bè buôn bán đi lại.
Về mặt
cai trị, ông cũng có một chính sách rõ rệt tránh được mọi điều nhũng lạm của
bọn thừa hành. Ông đã gây được thiện cảm giữa ông và dân chúng cho nên được tôn
là Cao Vương. Ông lập các sở thuế để có tiền chi dụng.
Năm Ất
Tỵ (875) vua Đường đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ tại Tây Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên)
và ưng thuận lời đề nghị của Cao Biền cho Cao Tầm (cháu Cao Biền) thay thế ở
phương nam.
Thành
Đại La
Thành
Đại La ban đầu do Trương Bá Nghi cho đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 đời Đường Đại
Tông (767), năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791), Triệu Xương đắp
thêm. Đến năm Nguyên Hòa thứ 3 đời Đường Hiến Tông (808), Trương Chu lại sửa
đắp lại, năm Trường Khánh thứ 4 đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Gia dời phủ
trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành, sau đó Cao
Biền cho đắp lại to lớn hơn. Theo sử cũ thì La Thành do Cao Biền cho đắp có chu
vi 1.982,5 trượng (≈6,6 km); thành cao 2,6 trượng (≈8,67 m), chân thành rộng
2,5 trượng (≈8,33 m), nữ tường[5] bốn mặt cao 5,5 thước (≈1,83 m), với 55 lầu
vọng địch, 6 nơi úng môn[6], 3 hào nước, 34 đường đi. Ông còn cho đắp đê vòng
quanh ngoài thành dài 2.125,8 trượng (≈7,09 km), đê cao 1,5 trượng (≈5,00 m),
chân đê rộng 2 trượng (≈6,66 m) và làm hơn 400.000 gian nhà. Theo truyền
thuyết, do thành xây đi xây lại vẫn bị sụt ở vùng sông Tô Lịch, Cao Biền đã cho
trấn yểm tại đây để làm cho đất vững và chặn dòng long mạch của vùng đất này.
Các di chỉ tìm được trong lòng sông tháng 9 năm 2001 được một số nhà nghiên cứu
cho là di tích của bùa yểm này (xem Thánh vật ở sông Tô Lịch).
Người vợ
Theo
thần phả ở Hà Đông, Cao Biền có một người vợ là Lã Thị Nga (Lã Đê nương), theo
ông từ phương bắc sang Việt Nam. Bà không ở cùng Cao Biền trong thành mà ra ở
bên ngoài, khu vực ngày nay là quận Hà Đông. Bà đã truyền nghề dệt lụa cho dân
ở đây và trở thành bà tổ nghề dệt lụa Hà Đông. Sau khi Cao Biền về bắc, bà ở
lại Tĩnh Hải quân. Sau nghe tin Cao Biền mất ở Trung Quốc, bà gieo mình xuống
sông tự vẫn. Dân lập đền thờ bà ở bờ sông.
Đền thờ
Bản sách
TT-TS FQ 40 18/X11, 11, Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội
Việt Nam - Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng
soạn năm Nhâm Thân – 1572 và Sách Thành Hoàng Việt Nam của Phạm Minh Thảo, Trần
Thi An, Bùi Xuân Mỹ - NXB Văn hóa Thông tin 1997 viết: Năm ấy, Vương dẫn quân
từ biển Đông Hải vào Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu. Khi hành quân qua Nam Trì
thấy bản doanh xưa kia của hai vị Lang Công, Bảo Công và đền thờ hai ông, lại
thấy đất đai có hình thế quý, nhà cửa ở đây huy hoàng. Đền thờ ở thế đất rất quí
Phượng Hoàng Hàm thư biết chắc là thần linh đền thiêng bèn cho dừng xe, đóng
đồn ở đây và trú đêm ở đền. Đêm đến Vương vào trong điện khấn: “Nay thần tiến
binh đánh giặc Nam Chiếu, hai vị linh Thần có anh linh thì xin phù hộ giúp quốc
gia, tiễu trừ quân giặc. Sau này thành công hẳn được bao khen, sắc phong cúng
tế, xin quân thần sau này một chốn, cùng phối hưởng lâu dài, há phải dài dòng,
khấn cầu từ hay ý đẹp”. Nửa đêm, Vương chiêm bao thấy hai vị tướng đường đường,
đầu đội mũ trăm sao mặc sán lạn, long bào giáp ngọc huy hoàng. Một vị cưỡi ngưạ
trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa
việt. Vương bèn hỏi: “Ngài là danh tướng nào vậy” Một vị xưng: “Thần gốc là
Trung Thiên Bảo Quốc”, vị kia xưng: “Thần gốc là Trung lang Tế thế, đều là đại
thần, tướng nhà Triệu thời xưa, nay thấy vương đem quân đi đánh giặc, chúng ta
tình nguyện theo vương đánh giặc, âm phù tả hữu giúp cho vương thắng giặc, xin
vương chấp thuận”. Thần vừa dứt lời thì Vương tỉnh giấc, biết là kỳ mộng báo
trước sẽ thỏa nguyện công thành. Hôm sau, ngày 10/3 nhân dân Nam Trì hành lễ
chúc mừng. Vương bèn truyền cho phụ lão Nam Trì: “Ta phụng mệnh Đường vương
nhậm chức Đô hộ nước Nam. Nay giặc Nam Chiếu xuất sư dấy binh xâm phạm, vì thế
ta tiến quân qua đây. Ngắm nơi đây thấy địa thế quan kỳ, có thế đất rất quí.
Đền thờ được dựng chính giữa khu có thế Phượng Hoàng hàm thư nên nhân dân nhất
định giàu có, phát nhiều công hầu”. Rồi cho dựng hành cung ở khu Ngọc Khê.
Tại
trang Nam Trì có gia đình Phạm tên húy của ông là Tố, lấy vợ người gốc Nam Trì
là Trần Thị Phương ở Ngọc Khê. Năm bà Trần Thị 21 tuổi nằm mộng vào chùa Hương
Tích gặp Phật Bà Quan Âm hiện lên cho một cặp nhẫn vàng. Rồi bà có mang. Đến
rằm tháng hai (15/2) năm Bính Thìn đẻ sinh đôi hai cô con gái. Khi đẻ hai nàng
tố nữ, có con công ngũ sắc múa lượn trước sân nhà, hương thơm toả ra thơm nức.
Lớn lên hai cô xinh đẹp tựa Hằng Nga, thể diện bồng đảo , nét mặt vui tươi như
trăm hoa đua nở, mắt sáng long lanh tựa ngọc. Đến khi được hai tuổi cha mẹ đặt
tên cô thứ nhất là A Lữ và cô thứ hai là Lự nương. Hai chị em trưởng thành thì
tam tòng tứ đức nữ công bách hạnh, tam tòng tứ đức đủ đầy, công dung ngôn hạnh,
tài giỏi hơn người. Ca kịch, thư họa, múa hát thanh sắc đều tuyệt vời. Năm 21
tuổi, khi Vương đang đang dựng hành cung, hai cô đến xem. Nhác trông thấy hai
chị em có vẻ mặt yêu kiều lộng lẫy hơn người, Vương nghĩ đây là người thỏa
nguyện toại lòng đây. Rồi Vương cho triệu vợ chồng họ Phạm đến bàn chuyện cưới
hỏi. Ông bà đồng ý gả hai cô cho Vương. Vương cho mang bốn trăm thoi vàng dẫn
cưới, cho dựng cung nương lưu tồn tồn đến đời sau gọi là hành cung Ngọc Khê.
Năm ấy là năm Ất Dậu (865), Giám quận Lý Duy Chu ghanh ghét, không hiệp đồng,
lại có âm mưu hãm hại Vương. Với năm nghìn quân tiên phong và bảy nghìn quân
tăng cường của tướng Vi Trọng Tể, Vương vẫn tiến quân thẳng đánh Nam Chiếu. Khi
giao chiến, trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổi lên dữ dội, hai vị thần Bảo
Công, Lang Công hiện về, hỗ trợ hai bên tả hữu làm cho quân giặc chạy toán
loạn, Chỉ một trận lớn, Cao Vương đã dẹp tan quân Nam Chiếu, lấy lại được Giao
Châu. Dẹp yên được giặc, ngày 10/7 Vương trở lại hành cung Ngọc Khê. Dân làng
hành lễ chào mừng tại trụ sở hội đồng nơi thờ phụng hai vị thần Lang Công, Bảo
Công. Vương lại truyền rằng: “Cùng tại nơi phát lộ đền chính thờ hai vị Thần
này, ta cũng hai vị quân thần mở hội lễ mừng vạn năm không thay đổi. Một lần
nữa ta xin nói, ta phụng mệnh vua Đường làm Đô hộ nước Nam. Vừa qua giặc Nam
Chiếu xâm phạm, làm cho nhân dân lầm than khổ cực. Ta mang quân đi tiễu trừ
quân giặc qua nơi đây thấy thế đất cực quý, Thần thờ trong đền rất linh thiêng.
Quả nhiên đêm về, hai vị linh Thần hiện lên xin tòng chinh hộ quốc. Ta có một
nguyện ước cùng duyên phối hưởng như anh em chí tình. Tuy âm dương hai ngả
nhưng chung một nguyên khí; tuy Nam Bắc hai phương nhưng đều chung một Trời
nghĩa khí. Nên nay ta có ước nguyện làm anh em với hai vị quân thần, cùng xứng
đáng hương hỏa vạn năm. Vì vậy, ta tuyên bố nước Nam sẽ lưu danh thơm bất hủ vạn
năm”. Nói xong Vương ban vàng ngọc cho dân làng làm công quĩ. Sau cho tu sửa
đền thờ và xây thêm Vọng cung làm chỗ tế lễ hai vị Thần. Tế lễ xong, Vương rước
hai phu nhân về Tĩnh Hải vương phủ.
Sau
Vương cho xây đồn ải ở biên thuỳ, chỉnh đốn việc công, đặt sổ sưu thuế thu cho
việc công đầu tiên ở Giao Châu, đặt ra phép tắc; trị thủy sông ngòi xây dựng
hải cảng để thông thương các nước, thương mại giao lưu… Thời kỳ Cao Vương trị
nhậm, thiên hạ thái bình, nhân dân an cư, lạc nghiệp, phú túc; mọi người kính phục
nên gọi Cao Vương. Làm Tiết độ sứ Giao Châu 9 năm, Hoàng đế nhà Đường triệu Cao
vương về Bắc quốc cử làm quan Thái thú kinh Bình Châu quốc được 10 năm. Vương
hoá ngày 10/8 năm Quý Tỵ (năm 887?). Tại nước Nam, nhớ ơn công lao to lớn của
Vương, nhiều nơi đã lập đền thờ Vương.
Sau
triều đại sau đều phong Cao Vương là Quốc vương Thiên tử, Bảo Công (Tể tướng Lữ
Gia) là Trung Thiên Bảo quốc, Lang Công (Tướng Nguyễn Danh Lang) là Trung lang
Tế thế. Các triều đại ba vị Thần đều giúp dân giúp nước hiển linh ứng báo nên
đều được sắc phong mỹ tự, duệ hiệu Thượng đẳng Phúc thần. Nhà Lê sắc phong ba
vị là Tá trị Hựu Thánh, Cương trực hiển Thánh và Dũng lược Quả đoán; chuẩn cho
Nam Trì lập đền chính phụng thờ ba vị, định kỳ cúng tế bốn vị Thần vào các ngày
sinh, ngày hóa và các ngày Khánh hạ gồm chữ húy, quần áo, thờ phụng.
Còn về
hai vị phu nhân, sau khi Vương về Bắc quốc thì về quê dựng chùa nhỏ xuất gia,
đi tu và bỏ tiền ra mua ruộng đất làm tự điền để sống. Đến ngày 15/11 hai bà
làm lễ Phật rồi hoá. Dân làng an táng hai bà tại phía tây hành cung và lập miếu
thờ tại khu Bảo Tàng (nay là đất Nam Trì).
Các
truyền thuyết
Với Cao
Biền, ngày nay ở dân gian Việt Nam vẫn còn những truyền thuyết hoang đường, như
cho rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường
cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế
sơn thuỷ đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất
sâu.
Mỗi khi
thấy người nào sức yếu, tay chân cử động run rẩy, người ta hay sử dụng câu gần
như đã là thành ngữ: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Người ta giải thích là Cao
Biền có phép thuật "tản đậu thành binh", nghĩa là mỗi khi cần có quân
lính đi đánh dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ
kín, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao
Biền đọc thần chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều
còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững.
Một
thuyết khác giải thích về Cao Biền dậy non là khi Cao Biền sang nước Nam với
mục đích yểm bùa và triệt hạ long mạch thì ông có nuôi 100 âm binh để phục vụ
mục đích này. Để nuôi đủ 100 âm binh Cao Biền nhờ một bà hàng nước mỗi ngày
thắp một nén hương để gọi dậy một âm binh. Khi thắp đủ 100 nén hương trong vòng
100 ngày sẽ gọi dậy được đủ 100 âm binh. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu
của Cao Biền bằng cách thắp cả một lượt 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Kết
quả là âm binh của Cao Biền đã dậy đủ 100. Nhưng vì không đủ ngày, dậy non nên
không có tác dụng.
Truyền
thuyết dân gian kể rằng khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch rất vượng,
nên muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa
thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu
chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Cao Biền có lần đến
núi Tản, định dùng chước này, nhưng Tản Viên sơn thánh biết được, liền mắng Cao
Biền rồi đi.Truyền thuyết núi Cánh Diều ở thành phố Ninh Bình kể rằng Cao Biền
thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã
bị một đạo sĩ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều
gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.
Xét ra,
theo sử Trung Quốc, chính Cao Biền khi về bắc bị cấp dưới là Lã Dụng Chi cuốn
vào những trò ma thuật phong thủy và trở thành nạn nhân của những trò pháp
thuật đó. Nếu là thày phong thủy cao tay, ông phải là người đi mê hoặc người
khác, không thể bị mê hoặc và bị chết bởi thuật này.
Sự tích
đền Bạch Mã
Chuyện
kể rằng Cao Biền đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở. Một đêm, Cao Biền
đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại
như bay, rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau
khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện,
gọi là đền Bạch Mã. Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.
Chuyện này còn có dị bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một
hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối
tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng,
bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm
ấy thấy thần báo mộng rằng:Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên
đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?
Cao Biền
lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay
đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn
yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và
phong cho thần là thần Long Đỗ.
Sau này
Lý Thái Tổ dời kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai
đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần
Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo
quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào
đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành
không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời
sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần
Khái
niệm chủ yếu
"Lạc
hoa lưu thủy" - Trong bài thơ "Phỏng ẩn giả bất ngộ = Thăm hỏi người
ở ẩn mà không gặp (訪隱者不遇)": "Lạc
hoa lưu thủy nhận Thiên Thai, bán túy nhàn ngâm độc tự lai = Hoa rụng, nước
trôi, nhìn núi Thiên Thai, nửa say, ngâm thơ an nhàn, đến đây một mình (落花流水認天台、半醉閑吟獨自來)".
________
^ a b
Cựu Đường thư, quyển 182 Cao Biền liệt truyện
^ Đại
Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Quyển V, Kỷ thuộc Tùy-Đường
^ a b c
d Cao Biền (高骈) trên Bách độ Bách khoa
^ Theo
Đại Việt Sử ký Toàn thư, quan chế đời Đường, các tiết độ sứ đều có hành quân tư
mã, và ở mỗi châu lại có đặt một tư mã, cấp bậc bằng chức đồng tri phủ đời sau.
Vậy chức tư mã Cao Biền làm đây là hành quân tư mã, chứ không phải là tư mã
trong tam công
^ Bức
tường nhỏ đắp trên tường thành lớn hay đê con chạch đắp trên mặt đê chính
^ Thứ
thành đắp vòng ngoài cửa thành
Nguồn:
http://vi.wikipedia.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét