(Phạm
Đức Long)
Một
người bạn vong niên, rất thích cái cặp rùa hạc bằng đồng, nhưng cứ băn khoăn về
ý nghĩa của nó. Khi ông đem việc ấy hỏi, mình chợt nhớ đến câu ca dao rất hay
của người Việt.
Thương
thay thân phận con rùa
Trên
đình đội hạc, dưới chùa đội bia
Đành mạo
muội nêu lên một số nét cảm nghĩ về rùa.
Đây phải
nói là một câu ca dao đau đáu về thân phận rùa. Mà kỳ thực là thân phận người
làm thứ dân, thường dân. Họ giỏi gửi gắm tâm trạng của mình vào những hình ảnh
linh thiêng của văn hóa dân tộc. Đình là nơi biểu thị quyền lực nhà nước ở chốn
làng xã, nơi gần người dân nhất. Là nơi người thừa hành quyền vua, phép nước
trực tiếp đến với người dân (đời). Chùa là nơi thờ tự và tôn kính đức Phật.
Chốn gửi gắm tâm linh của bao con người. Là nơi con dân ký thác đời sống tinh
thần cho cõi Phật (đạo). Cả hai nơi ấy, nếu là thân rùa, phận rùa đều phải nặng
nhọc. Qua đó cho thấy sự cam phận của thường dân trước cuộc đời trầm luân khốn
khó.
Về hình
tượng văn hóa, nhiều giả thuyết cho rằng, rùa là con vật biểu thị âm dương (mai
là trời, yếm là đất, bốn chân là tứ phương), là bền vững, trường thọ... Hạc là
con vật thanh cao, tao nhã, là biểu thị của Đạo Giáo (Lão Giáo – Tôn giáo của
Lão Tử)... Thực ra cách hiểu này rất thiếu cơ sở thuyết phục. Nếu rùa là biểu
tượng giao hòa âm dương sao lại để ở dưới, làm vật để đội, để kê. Hạc là biểu
tượng Đạo Giáo thì liên quan gì đến Đình Làng. Đạo giáo ở Việt Nam rất ít phổ
biến, và nơi thờ tự của họ là Đạo Quán, không phải Đình Làng. Đúng hơn thì Đình
Làng phải là nơi thờ Khổng Tử, ông tổ của Nho giáo mới phải.
Trong
các truyền thuyết xưa, con rùa khá gắn với người Việt. Rùa thần giúp An Dương
Vương xây thành Cổ Loa. Rồi lấy móng chân giúp vua làm lẫy nõ mà giết giặc.
Trong bước đường cùng lại hiện lên báo cho vua biết giặc ở sau lưng. Thời vua
Lê Lợi đánh giặc Minh, rùa thần cũng xuất hiện 2 lần: Một lần Lê Thận cất vó
được chuôi gươm, đã vứt xuống hồ, hễ cất lên lại được chính cái chuôi ấy. Nghĩ
là sự lạ, ông lặng lẽ cất đi. Đến lúc Lê Lợi được rùa thần ngậm thanh kiếm
không chuôi dâng lên. Ông lấy làm lạ đem về, không ngờ tra đúng chuôi kiếm của
Lê Thận. Nhờ kiếm báu đánh thắng giặc Minh. Rồi một lần vua dạo trên hồ Lục
Thủy (nước xanh) hay còn gọi là hồ Tả Vọng, rùa thần lại nổi lên đòi kiếm. Nhà
vua đã buông thanh kiếm trả lại rùa thần, nên hồ ấy gọi là Hoàn Kiếm. Đây có lẽ
là truyền thuyết của người đời sau, nhưng là một hình tượng đẹp về sự yêu
chuộng hòa bình, đoạn tuyệt chiến tranh. Cũng là hình tượng thể hiện lương tâm,
đạo lí của người Việt anh hùng và đức độ.
Với
người Á Đông, rùa nằm trong “tứ linh” – Long – lân – qui – phượng. Long là
rồng, biểu tượng cho tài năng sức mạnh. Lân là Kỳ Lân hoặc còn có tên là Li,
biểu tượng cho sự hiền hòa, hiếu thảo, hạnh phúc. Qui là rùa, biểu tượng của sự
dẻo dai bền bỉ, trường tồn. Phượng (con mái gọi là loan) biểu thị sự cao sang,
quí phái. Trong đó duy nhất rùa (qui) là con vật có thật. Tuy nhiên có điều lạ
là nếu nói rùa là con vật có nhiều ý nghĩa tâm linh của người Việt (linh vật –
tô tem), có lẽ không thuyết phục lắm. Người Việt thường ngày rất khoái món thịt
rùa, tiết rùa. Còn nhớ hồi trước khi ta còn nghèo khó, mai rùa sau khi ăn thịt
được cắt gọt trơn tru là cái đong lúa xúc gạo rất bền. Như vậy để thấy trong
đời sống dân Việt, rùa cũng chỉ như các con vật khác. Lại nữa, người Việt có
câu “gặp rắn thì đi, gặp quy thì về”. Nghĩa là định đi làm một việc gì đấy, nếu
ra gặp rắn là may, gặp rùa là xui rủi, không đi nữa, không làm nữa!
Thời
thượng cổ có lối viết Khoa Đẩu (tương truyền là chữ viết của người Bách Việt)
và “giáp cốt văn” là chữ trên mai rùa và xương thêu động vật, rất phổ biến ở
nước Sở, Nước Ngô, nước Chu... Đến đời Tần Thủy Hoàng, rồi sang Lưỡng Hán, lối
chữ này đã bị loại bỏ, thay thế bằng lối viết chữ vuông thống nhất toàn thiên
hạ. Sách Tàu sách ta đều chép sự tích: Đời Đào Đường (vua Nghiêu), phương Nam
có Việt Thường thị, qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần. Có lẽ nó
được đến nghìn năm, mình nó rộng hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa Đẩu ghi
việc từ khi trời đất mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy
lịch.
Từ
thượng cổ bên Tàu có lối bói mai rùa gọi là “bốc”, trước cả bói cỏ thi gọi là
“phệ”. Xứ Tàu cổ (bao hàm cả Bách Việt) có quan bốc phệ (quan coi việc bói
toán), gọi là Chúc quan, giúp vua biết các việc hung cát, xem ngày giờ đánh
trận, việc sản xuất nông tang, việc xây cất... có liên quan khá nhiều đến con
rùa.
Tuy vậy
theo mình, nguồn gốc rùa đội bia có lẽ bắt đầu từ tích Tàu. Thời Hạ Vũ (vua đầu
tiên của Đời Hạ, còn gọi là Đại Vũ) có con Bị Hí (còn gọi là Bá Hạ), vốn dĩ là
một trong chín con của rồng (rồng có 9 con mà không có đứa con nào là rồng);
sức khỏe vô biên, thường thích sự nặng nhọc. Đó là con vật mình rùa nhưng đầu
rồng, có nhiều vảy, râu tua. Nó thường tạo ra sóng gió lụt lội trên sông Hoàng
Hà. Hạ Vũ dùng mưu thuật chinh phục được con vật này, giúp trị thủy an dân.
Xong việc để khống chế Bị Hí, không gây tai ương, vua Vũ đã sai làm một tấm bia
đá rất lớn ghi công trạng của con vật, đem đặt lên lưng cho nó cõng suốt đời.
Đây như là một sự trấn trạch cao cơ. Phần thưởng lớn, cũng là một gánh nặng
lớn, suốt đời đè lên lưng Bị Hí. Từ đó về sau, người đời thường cho con vật này
cõng cột, cõng bia đá. Người dân nước ta đã Việt hóa thành con rùa cho cõng bia
công đức của những đấng có công.
Ban đầu
rùa chỉ cõng bia đá (rùa cõng bia đầu tiên tại chùa Linh Ứng ở Thanh Hóa là năm
1126). Sau con rùa được cõng thêm con hạc (vào thế kỷ 15). Được biết thời vua
Lê Thánh Tông (1442-1497), triều đình phong kiến tìm cách thâu tóm quyền lực
đến tận làng xã. Ở đình lúc đó xuất hiện rùa cõng hạc. Về hình tượng con hạc,
có lẽ do nguồn gốc Chim Lạc. Là loài chim bay theo đàn đi mưu sinh khắp xứ, cứ
đến mùa Đông, là về phương Nam, Lạc Việt để trốn rét. Đó là biểu tượng linh
thiêng của người Việt. Trên trống đồng của tộc Việt bao giờ cũng khắc loài chim
đó.
Như vậy,
có thể nói, hình tượng rùa đội bia, rùa đội hạc qua tháng năm lịch sử, đã được
hoàn toàn Việt Hóa, thành hình tượng Văn hóa Tâm linh Việt. Câu ca dao: Thương
thay thân phận con rùa - trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia là một câu ca dao
rất sâu sắc, thâm thúy của dân Việt. Ngày nay, nhiều nơi xuất hiện hình tượng
rùa đội bia, rùa đội hạc khác lạ (tại các khu du lịch như Đại Nam, các cơ sở
đúc đồ thờ tự), những con rùa đầu rồng, có nhiều râu ria, rất khác với những
con rùa đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Có lẽ những con rùa đầu rồng ấy là
hình tượng con Bị Hí theo tích Tàu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét