XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

TRÁI ĐẤT ĐÃ MỆT VÌ CHÚNG TA


(Một cách lý giải đại dịch hiện nay có vẻ theo thiên định luận. Dịch ra để mọi người cùng suy nghĩ.)

*
Nhà văn và nhà triết học Mikhail Veller (sinh 1948) từ 20 năm trước đã nói đến việc nền văn minh của chúng ta đang bị sụp đổ, cạn kiệt tiềm năng, Nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay bất giác một câu hỏi bật ra: có phải quá trình sụp đổ đó đã đến quá nhanh?

ĐỊNH SỐNG ĐỜI ĐỜI CHẮC?

-Tôi thường nhớ lại lời hiệu triệu của nhà vua Friedrich II với quân sĩ của mình trước khi vào trận: “Các người định sống đời đời chắc?” Đôi khi có ấn tượng là không chỉ nền văn minh hiện thời có ý định sống đời đời, mà những đại diện riêng biệt của nó cũng muốn vậy. Một trăm năm gần đây những cuộc nói chuyện về cái chết đã bị coi là bất lịch sự, thiếu tế nhị. Cái kết của cuộc đời, bước chuyển từ đây vào cõi hư vô bị đưa ra khỏi phạm vi công khai. Mà tất cả đều biết cái gì có khởi đầu thì sẽ có kết thúc. Chính khi nhà nước hoặc nền văn minh đang cực mạnh là lúc chúng đang ở đêm trước của sự sụp đổ. Chỉ cần nhớ lại đế quốc Anh vĩ đại thời Nữ hoàng Victoria là đủ biết.

Năm 1968 là một năm vĩ đại, cuộc nổi loạn của thế hệ “Baby-boomers” (những người sinh trong khoảng 1946 -1964) biểu thị đỉnh điểm của sự phát triển và mở đầu cho sự đi xuống. Từ thời điểm ấy các dân tộc văn minh Âu-Mỹ bắt đầu suy giảm dân số nhanh chóng. Chúng ta đang chết dần. Tỷ lệ sinh của chúng ta gần không phủ được cái chết. Thiết chế gia đình bị phá vỡ ngay trước mắt. Quá trình phá hủy đạo đức đã xong. Đạo đức lao động ở phương Tây từ lâu không còn tồn tại, hiện nay ăn bám và vô công rồi nghề không còn thấy xấu hổ, nhục nhã. Ngoài ra, nghệ thuật truyền thống và thẩm mỹ truyền thống nói chung cũng đã chấm dứt từ lâu. Triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện vào giữa thế kỷ XX tại Pháp đã tuyên bố giải cấu trúc luận, tức việc phân chia tất cả thành các bộ phận, là phương pháp sáng tạo chính và là cách nhận thức thế giới, nó là sự mở đường về tư tưởng cho sự sụp đổ thành từng phần, sự giải cấu trúc nền văn minh của chúng ta, một nền văn minh đã cạn kiệt tài nguyên và không thể đưa ra được cái gì mới.

BÀI HỌC TỪ “DỊCH CÚM TÂY BAN NHA”

Sự tự phá hủy này đã bắt đầu từ 100 năm trước. Khi các nước lớn bắn giết nhau trong một cuộc chiến tranh vô nghĩa kéo dài 4 năm để lại hậu quả khủng khiếp. Sau Thế chiến I thế giới đã trở nên khác. Sự sụp đổ các nền móng tăng nhanh. Nhưng ngay khi cuộc chiến đó chưa kết thúc đã có một trận dịch khủng khiếp mà mọi người cố quên đi thật nhanh – cái gọi là “bệnh cúm Tây Ban Nha”. Trận dịch xuất phát từ Tây Ban Nha khi đó, theo những tính toàn khác nhau, đã giết chết từ 7 đến 100 triệu người trên toàn thế giới.
Tức là mối liên kết của các yếu tố khí hậu, dịch bệnh học, chính trị, xã hội mà mọi người biết từ thời xưa – mối liên kết ấy là không có gì phải bàn cãi. Và đến cuối thế kỷ XX xuất hiện HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người), đó là hiện tượng cùng loại với sự sụt giảm dân số chung của các dân tộc. Bởi vì, như các nhà khoa học và những người bảo vệ môi trường xanh lo lắng, con người đã trở nên quá nhiều.

Mọi người không hiểu rằng toàn bộ sinh quyển của Trái Đất – thực vật, động vật, loài người – là rất thống nhất, trong đó vạn vật liên quan lẫn nhau. Hệ thống này có khả năng tự điều chỉnh cao. Con người cho đến nay vẫn không hiểu được tại sao ở châu Phi vẫn đang mùa xuân mà sơn dương lại ít sinh sản, đó là vì mùa hạn hán đang đến. Và sư tử cái cũng sinh sư tử con ít hơn vì lượng sơn dương giảm đi… Khi sự cân bằng mà đến nay chúng ta chỉ mới biết lờ mờ ranh giới của nó, bị hủy hoại, thiên nhiên sẽ bật các bộ điều chỉnh riêng của nó. Và bệnh dịch là bộ điều khiển đơn giản nhất và thẳng ngay nhất về số lượng các sinh vật sống. Trong trường hợp này là con người.

Thiên nhiên có thể “cho rằng” để tất cả sống đến 90 tuổi là một sự phá vỡ sơ đồ sinh quyển chung. Rằng con người quả thật đã quá nhiều. Và đã quá nhiều những kẻ ngồi không ăn bám, những ký sinh trùng xã hội. Giống như HIV/AIDS khởi đầu ập xuống nhanh chóng các cư dân cao tuổi ở châu Phi, coronavirus đã ập xuống các người già. Có vẻ như thiên nhiên quyết định giảm bớt số lượng của họ.

Hiện nay coronavirus đối với chúng ta có vai trò như bầy sói đối với đàn cừu phương Bắc. Chúng đuổi theo bầy cừu và chọn những con già yếu, bệnh tật nhất làm thức ăn. Bằng cách như thế bầy sói duy trì được sức khỏe của quần thể hươu và đồng thời nuôi sống được chính mình. Và khi nhờ khoa học phát triển chúng ta chiến thắng được con virus này thì đến một lúc nào đó sẽ lại có một tai họa khác ập đến mà bây giờ chúng ta chưa thể hình dung được.

“ĐÂY LÀ NHÀ CỦA CHÚNG TÔI”

Một yếu tố thứ hai rất quan trọng liên quan đến đại dịch hiện nay – đó là các quốc gia, đảng phái và chính phủ đã nhanh chóng dễ dàng quên đi những khẩu hiệu kêu gọi cần xây dựng những chiếc cầu thay vì như bức tường, nói như Giáo hoàng La Mã. Bởi vì tất cả mọi người là anh em, tất cả cần phải thống nhất lại và giúp đỡ lẫn nhau. Các nước thuộc khu vực Sengen đã mau chóng đóng cửa biên giới, ngăn chặn dòng người di cư tăng lên. Một câu hỏi đặt ra: có thật người Âu đã thấm nhuần các tình cảm bác ái hay không nếu như họ đã quên nó nhanh đến thế khi bị dịch bệnh đe dọa, mà đây đâu phải bệnh đậu mùa, chỉ là một con virus mà nói cho ngay ra thì chỉ giết chết dưới 1% những người bị lây nhiễm?

Những người cánh tả từ lâu đã thay các khoa học xã hội bằng hệ tư tưởng. Các giá trị đúng theo chính trị của châu Âu – xin đừng nhầm với những quyền cơ bản và những sự tự do của con người! – phần lớn đã bị ý hệ hóa và phản khoa học. Chẳng hạn, việc mọi người yêu tập đoàn của mình và quan tâm đến sự thịnh vượng và an toàn của chính tập đoàn đó được coi là hợp lẽ. Vì thế họ có thái độ thận trọng đối với những người thuộc các tập đoàn khác. Và nếu có để cho vào tập đoàn mình thì chỉ với số lượng rất hạn chế và kiên quyết bắt theo các nguyên tắc của mình. Tính đa văn hóa bị coi là phản tự nhiên, cũng như mọi bái vật khác của sự đúng chính trị. Tiềm thức không lừa dối: cơ sở của tâm lý con người là những bản năng bất di bất dịch, sự tiến hóa đã hình thành nên chúng như những quy luật để sống còn của giống loài. Và khi những bản năng gốc sống còn này bị đè xuống thì sự hưng phấn bên trong tăng lên. Hễ khi có khả năng vứt bỏ những “giá trị” giả bị ràng buộc theo mệnh lệnh, mọi người sẽ nhanh chóng quay lại trật tự hợp lý lành mạnh. Mọi người sẽ khôi phục các biên giới và tuyên bố: đây là nhà của chúng tôi! Sức khỏe của dân tộc mình mới là quan trọng hơn. Còn cứ để mọi người muốn làm gì thì làm. Điều đó đúng một cách tự nhiên! Như mệnh lệnh để giành giật cái sống trong tàu ngầm: hãy đóng kín tất cả các khoang, mỗi người hãy tìm cách ngăn chặn tai nạn. Nếu không mọi thứ bên trong sẽ cháy hết và tất cả sẽ chết chìm cùng nhau.

Cuộc chiến đấu với coronavirus cho thấy: mọi người vẫn như cũ và có thể việc cứu lấy nền văn minh của chúng ta vẫn là chưa muộn. Mặc dù dối trá vẫn đầy rẫy. Nét phác cuối cùng: tất cả đều tự hỏi tại sao cơn dịch như thế lại bắt đầu bùng ra ở chính nước Ý? Người ta nói: phải, ở đó nhiều người cao tuổi, người Ý thích giao tiếp. Thế rồi mới hay ở các thành phố vùng Bắc Ý có những quận tập trung nhiều nhà máy may mặc của Trung Quốc mà chỉ tính số công nhân chính thức làm việc ở đó đã hơn một trăm nghìn người, còn số bất hợp pháp thì không ai tính được. Họ may các quần áo hàng hiệu nhãn mác thời trang “Made in Italy” vì luật của EU bắt đầu mạnh tay với hàng giả và đánh thuế hàng nhập khẩu. Dịp Năm Mới (theo lịch mặt trăng phương Đông) một bộ phận trong họ bay về quê nhà – chủ yếu là ở Vũ Hán, nơi phát sinh đại dịch và tỉnh Quảng Châu – rồi lại trở sang… Nhưng viết thế thì không đúng chính trị. Cũng như viết về số người Trung Quốc trong số những người chết ở Ý. Tôi nghĩ cái đúng theo chính trị này đang chấm dứt ngay trước mắt chúng ta, dù chỉ một phần.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)
aif.ru 3.4.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét