XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Trần Nguyên Đán (1325 – 1390)


Đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia
                                  Lê Tư


Kỵ binh thời Trần

Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 4 của Trần Quang Khải (1241 – 1294), vị Thượng tướng em ruột vua Trần Thánh tông.

Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), qua Nam Ông Mộng Lục, cho biết Nguyên Đán giữ chức Ngự sử Đại phu thời Trần Dụ tông (1341 – 1369). Khi Nhật Lễ nối ngôi, chính sự rối ren. Ông dâng thư can gián không được nên bỏ chức mà về.

Cụ Trần nổi bật trong lịch sử khi ủng hộ Trần Phủ phế truất Nhật Lễ (1370). Cung Định vương Phủ lên ngôi lấy niên hiệu Thiệu Khánh (1370 – 1372), phong Nguyên Đán chức Tư đồ, giao quản lĩnh xứ Lạng châu (một phần các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng nay). Năm 1374, qua thơ văn của chính Nguyên Đán, chúng ta biết Ông có mặt trong kỳ thi tiến sĩ tổ chức tại Thiên Trường. Năm 1375, Ông được giao việc quân trấn Quảng Oai (một phần thuộc Hòa Bình, một phần thuộc Hà Tây cũ). Tuy nhiên, do sở hữu phủ đệ tại Thăng Long, ta hiểu rằng Nguyên Đán kiêm quản công việc từ kinh đô, chỉ xuống địa phương khi cần thiết.

Năm 1385, Cụ Trần về trí sĩ ở Côn Sơn (thuộc Hải Dương nay) cho đến khi tạ thế vào năm 1390. Chức vụ cao nhất của Cụ là Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự, tước Quốc thượng hầu, tên thụy Chương Túc.

Nguyên Đán trưởng thành, làm quan suốt thời suy tàn của nền văn minh Lý-Trần. Ngoài lý do tài đức hạn chế của các vị hoàng đế sau Minh tông, thời tiết thất thường (1) trên môi trường thoái hóa tại châu thổ sông Hồng vào nửa sau thế kỷ XIV là nguyên nhân quan trọng khác tạo nên biến loạn xã hội. Chiến tranh dằng dai với Ai Lao, Chiêm Thành đẩy nhanh thêm quá trình suy vong.

Hoàn cảnh thúc bách từ cả hai phía trong-ngoài đòi hỏi tầng lớp cai trị phải thể nghiệm biện pháp khả thi nhằm thay đổi tình thế vì hiệu quả của cơ cấu chính quyền dựa trên lý thuyết tam giáo đồng nguyên nhưng đậm chất bản địa đã chạm điểm tới hạn. Bộ máy đó không huy động đủ nguồn lực phục vụ hoạt động quân sự thường xuyên trên quy mô lớn. Qua lời các nhà thơ đời Trần, chúng ta biết những địa điểm như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chân Đăng (Phú Thọ), Trường châu (Ninh Bình), núi Phả Lại (Hải Dương) bị coi như vùng biên viễn, bên ngoài là không gian mường mán. Quyền lực triều đình chỉ nằm gọn trong đồng bằng sông Hồng, cộng thêm vùng duyên hải trải dài từ châu Ái đến biên giới Chăm. Không gian chật hẹp này loang lổ những thái ấp, điền trang, đất thế tập của thổ hào hoặc tài sản tôn giáo, những tiểu vùng mà quyền lực triều đình khó lòng chạm đến.

Phan Phu Tiên, sử gia đời Lê sơ có nhắc lại lời tâu lên Minh tông bởi kẻ sĩ đương thời về hệ thống quản lý thiếu chặt chẽ như sau :

Trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. (Toàn Thư II, 148) (a)

(a) Nguyên văn : 民多遊手遊足年老無籍賦役不供差役不及

Dân đa du thủ du túc niên lão vô tịch phú dịch bất cung sai dịch bất cập.

Lời tấu phản ánh tình trạng ngân sách thiếu hụt trong khi xã hội còn nhiều hạng dân không chịu thuế. Người dâng tấu, mệnh danh “kẻ sĩ”, thuộc nhóm trí thức mới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tống nho, luồng tư tưởng theo chân di dân Phúc Kiến, Quảng Đông đến Đại Việt khi Mông Cổ thâm nhập trung nguyên; hoặc có thể từ trước nữa, theo dòng hải thương trên biển Đông. Kêu gọi cải cách mạnh mẽ nhất đến từ các nhà nho thuộc trường phái Chu Văn An như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trần Nguyên Đán. Mục tiêu của họ là xây dựng hệ thống hành chánh thư lại kiểu nho giáo, lấy phương Bắc làm mẫu mực (2).

Trần Nguyên Đán giữ chức vụ cao nên qua thơ ca của Ông chúng ta biết được nhiều về tình hình chính trị-xã hội. Trăn trở về phương thức cai trị thường xuyên trở đi trở lại trong các bài thơ. Thời trẻ, Nguyên Đán là nhà nho đúng nghĩa với nhiều thiện cảm dành cho thú điền viên. Về già, Ông hoàn toàn đặt niềm tin vào Đạo học. Ở đó, Nguyên Đán tìm thấy lối thoát cho cả triều đại lẫn cá nhân Ông.

Nghệ Tông suy nghĩ ngược lại, Ông cho rằng biến loạn, suy đồi sinh ra từ bọn thư sinh học đòi biến pháp mà không hiểu sự tinh tế trong việc cai trị một xứ đặc thù như Đại Việt. Ngay sau khi dẹp Nhật Lễ, Nghệ tông xóa hết những thay đổi tiến hành bởi nho sĩ dưới thời Dụ tông. Khác biệt giữa vua và vị tướng đầu triều tạo cơ hội cho Hồ Quý Ly dần thâu tóm đại quyền.

Mâu thuẫn này không phải hời hợt, nó rất gay gắt dù đã được “hóa mềm” bởi vị nguyên lão trí thức. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự quyết liệt trong tuyệt vọng của quan Tư đồ qua di văn. Tận lúc hấp hối, Nguyên Đán vẫn khuyên Nghệ tông xem nước Minh như cha, Chiêm Thành như con, lời khuyên mang hồn phách kinh sách đại quốc. Dưới mắt Nghệ tông, dĩ nhiên Chiêm Thành không chỉ là mối đe dọa về quân sự mà còn là đối tượng phải tranh thắng trong lĩnh vực buôn bán. Về nước Minh, ông đã nói rõ từ lúc mới lên ngôi : “Nam Bắc mỗi bên tự làm đế nước mình”. Dù bạc nhược và hay dựa dẫm người dưới, nhưng tinh thần của vị quân chủ Đại Việt vẫn sáng suốt.

Ông cũng có vấn đề với Trang Định Đại vương Trần Ngạc, con trưởng Nghệ tông. Trang Định làm thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm mỉa mai Nguyên Đán khi Ông về hưu. Nguyên nhân vì sao chúng ta chẳng bao giờ biết được. Thái độ xa cách với dòng vua ảnh hưởng mạnh đến con rể Nguyễn Phi Khanh và cháu ngoại Nguyễn Trãi. Hai vị dễ dàng quay lưng với họ Trần để phục vụ chủ mới Hồ Quý Ly, nhà cải cách áp dụng lý thuyết Nho giáo để trị nước theo kiểu riêng. Ý hướng này mang hậu quả bi thảm đến chi họ của Ông. Khi người Minh sang, Trần Thúc Dao, một người con của Nguyên Đán, bị Giản Định đế Trần Ngỗi, em ruột Ngạc, giết cả vợ con lẫn bộ thuộc do hợp tác với nhà Hồ và sau đó, với người Minh. Có thể giải thích sự tàn bạo quá mức cần thiết bằng lý lẽ nào ? Phải chăng Nguyên Đán đã lộ thông tin khi Ngạc bàn bạc với Ông về việc khống chế Hồ Quý Ly, dẫn đến cái chết của Đế Hiện và sau đó là của chính Ngạc ?

Chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều khía cạnh trong tâm hồn Nguyên Đán qua từng bài thơ để lại. Dù rời rạc về chi tiết thực tế, nhưng một tinh thần điềm đạm, quan tâm tới dân chúng, bình tĩnh trước thế cuộc vẫn xuyên suốt trong các vần thơ. Qua đó, có thể hình dung lại giai đoạn xáo trộn, bi thương mà chính sử không phản ánh hết. Tham vọng chuyển từ thơ sang thơ xin dành cho cao nhân hoặc tao nhân. Việc dịch thuật dưới đây chủ yếu cố gắng truyền tải được ý tứ của tác giả để hậu bối có cái nhìn ít phiến diện hơn về con người đã trầm tư và sống qua giai đoạn tìm đường trăn trở nhất trong lịch sử.

NHÀ QUÝ TỘC VĂN NHÃ

Nguyên Đán rất khâm phục và kính trọng Chu Văn An (? – 1370). Về phong cách sống, dường như Ông chịu ảnh hưởng nhất định từ vị thầy nổi tiếng này. Ông không thích võ bị, nhưng tự hào đọc nhiều sách.

Nhân khi Văn Trinh vào triều nhận trông coi Quốc tử giám, Nguyên Đán có thơ mừng :

賀樵隱朱先生拜國子司業
學海迴瀾俗再醇,
上庠山斗得斯人。
窮經博史功夫大,
敬老崇儒政化新。
布襪芒鞋歸詠日,
青頭白髮浴沂春。
勳華只是垂裳治,
爭得巢由作內臣。

hạ tiều ẩn chu tiên sinh bái quốc tử tư nghiệp
Học hải hồi lan tục tái thuần,
Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân.
Cùng kinh bác sử công phu đại,
Kính Lão sùng Nho chính hoá tân.
Bố miệt mang hài quy vịnh nhật,
Thanh đầu bạch phát dục Nghi (a) xuân.

Huân Hoa (b) chỉ thị thuỳ thường trị,
Tranh đắc Sào, Do (c) tác nội thần.

(a) Nghi : tên một dòng sông thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung quốc. Lời Tăng Tích trả lời Khổng Tử về chí hướng trong đời người ghi nhận bởi sách Luận Ngữ : “Dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu” (浴乎沂,風乎舞雩), Tắm sông Nghi, hóng gió ở đài Vũ Vu. Chỉ đời thái bình.

(b) Huân, Hoa : Đế Nghiêu và Đế Thuấn, hai minh quân thời huyền sử.

(c) Sào, Do : Sào Phủ và Hứa Do, nhân vật trong truyện cổ Trung Hoa. Chỉ các ẩn sĩ không màng danh lợi.

Mừng tiên sinh Chu Tiều Ẩn được trao chức Tư nghiệp Quốc tử giám

Trong biển học, sóng lớn quay lại khiến phong tục trở nên thuần phác,
Quốc tử giám đã có bậc thầy cao như Thái Sơn, sáng như Bắc Đẩu,
Nghiên cứu tận cùng kinh sách, thông suốt sử, công phu thâm hậu,
Kính đạo Lão, sùng đạo Nho, phép tắc và học thuật mới mẻ.
Ngày ca hát trở về chân mang vớ vải giày cỏ,
Già trẻ đều thấm đẫm mùa xuân sông Nghi.
Chính sách của vua Phóng Huân, Trùng Hoa chỉ là rủ áo mà cai trị,
Vì được Sào Phủ, Hứa Do làm bầy tôi tại triều.

Theo Toàn Thư, Tiều Ẩn Chu Văn An người huyện Thanh Đàm (nay thuộc Hà Nội), được Trần Minh tông (1300 – 1357) mời ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám để dạy Thái tử. Qua lời ca ngợi bên trên, chúng ta thấy Văn Trinh thuộc dạng cư Nho mộ Lão. Quan điểm của thầy Chu được tiếp nối bằng thái độ bài xích Phật giáo của Lê Quát, học trò Ông.

Cái mới mẻ trong phép tắc và học thuật của Văn Trinh đến từ nguồn nào ?

Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), người từng cùng Vũ Tuân Sán đến Thanh Liệt tìm hiểu sự tích liên quan đến Văn An đã phát hiện gia phả họ Chu, theo đó, cha Ông là một người Phúc Kiến tên Chu Văn Hưng. Thanh Liệt chỉ là quê mẹ (3). Khi tổ tiên Ông đến biển Nam hẳn đã mang theo kiến thức mới lạ, vốn là thành tựu của văn hóa rực rỡ đời Tống. So với tiền triều Lý, văn thơ Trần dưới ảnh hưởng di dân có sức bật lớn, phồn tạp hơn về đề tài, đầy đặn hơn về số lượng, phong nhã hơn về câu cú. Nhà nho Đại Việt đã được (hay bị) Hán hóa mức độ cao hơn trước nhiều.

Nguyên Đán tin rằng quốc gia sẽ được ổn định nếu nhà cầm quyền sử dụng nho sĩ trong quản trị xã hội. Ý tưởng này vào thời điểm đó không hoàn toàn trùng hợp với đường lối trị nước của hoàng tộc Trần. Minh tông và Nghệ tông, mặc dù trao quyền cho nho thần một cách rộng rãi, vẫn phê phán ý tưởng cải cách điển chế quá triệt để của bọn “học trò mặt trắng”.

Chúng ta tiếp tục tìm thấy thái độ chuộng văn khinh võ của Nguyên Đán qua bài thơ sau đây

贈敏肅
一生堪作鼓角胡 ?
笑殺披裘躍馬徒。
垂後恥無名耿耿,
狂歌空有響嗚嗚。

誰云此物非凡物,

自覺今吾亦故吾。

勸汝勤奉學周孔,
誇奇鬥巧有如無。

Tặng Mẫn Túc
Nhất sinh kham tác cổ giác (a) hồ ?
Tiếu sát phi cừu dược mã đồ.
Thùy hậu sỉ vô danh cảnh cảnh,
Cuồng ca không hữu hưởng ô ô,

Thuỳ vân thử vật phi phàm vật,
Tự giác kim ngô diệc cố ngô.

Khuyến nhữ cần phụng học Chu Khổng (b),
Khoa kỳ đấu xảo hữu như vô.

(a) Về mặt hình thức, ngờ rằng chữ “giác”ở câu 1 đã bị chép nhầm vì thanh trắc tại vị trí này khiến bài thơ thất niêm. Theo thiển ý, nguyên thủy hai chữ thứ 5, thứ 6 thuộc câu 1 không phải “cổ giác 鼓角” mà là “cổ xuy 鼓吹”. Có thể hiểu “cổ xuy” như tên một hành khúc xưa hoặc tên gọi dàn nhạc nghi thức. Như vậy, sẽ biết Mẫn Túc là thành viên của đội quân nhạc hoàng gia và công việc đó bị cụ Trần cho là không có tương lai.

(b) Chu Khổng : Chu Hy và Khổng Tử. Chu Hy (1130 – 1200) là triết gia đời Tống, phát minh Lý học. Khổng tử (551 – 479 TCN) được xem là tổ Nho giáo.

Tặng Mẫn Túc

Suốt đời chịu làm việc chế tác trống, tù và hay sao ?
Cười chết được bọn mặc áo cừu, hăm hở phóng ngựa.
(Họ sẽ) Thẹn thùng vì không có tiếng tốt lưu lại đời sau,
Bài hát cuồng loạn chỉ vọng lại âm hưởng thâm u.
Ai bảo vật này là vật phi thường !
Tự biết ta hôm nay cũng là ta lúc trước.
Khuyên ngươi hãy chuyên cần học theo Chu, Khổng,
Khoe lạ, đua khéo có cũng như không.

Mẫn Túc hẳn mang vật lạ đến cho cụ Nguyên Đán xem. Theo lời lẽ, cả Mẫn Túc lẫn “phi phàm vật” đều liên quan đến quân đội. Nhiều khả năng đó là chiếc trống hay cái tù và. Nguyên Đán không đánh giá cao món quân dụng tinh xảo, lại khuyên chàng trai trẻ theo nghiệp Tống Nho. Cụ Trần làm trong đài Ngự sử hoặc giữ chức Tư đồ, ngạch văn chức. Tuy nhiên, cụ cũng kiêm coi việc quân ở Lạng châu, Quảng Oai. Câu “Tự giác kim ngô diệc cố ngô” rất thú vị : ông tướng bảo viên võ quan cấp dưới rằng ta vẫn là một văn nhân. Suy nghĩ này quá khác biệt với quan điểm của Trần Minh tông trước đó không lâu. Trần Minh tông từng buộc một binh sĩ trong quân

Thiên Thuộc, đạo Cấm vệ có nhân sự tuyển từ tráng đinh vùng quê vua, phải trở lại quân đội dù đã đậu khoa Thái học sinh năm 1323. Vị quân vương hiểu rõ giá trị và lý tưởng cao quý của binh nghiệp.

Nguyên Đán không chỉ chủ trương sùng Nho bằng lời nói, Ông là quý tộc Trần hiếm hoi gả con gái cho người ngoài họ. Hai chàng rể Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Hán Anh đều là dân thường và là nho sĩ có chút danh tiếng đương thời.

Nguyên tắc chính trị cơ bản thời trung đại là quý tộc phải cầm binh. Cụ Trần rất ngộ nghĩnh khi xem cuộc sống trong quân vô vị, ồn ào. Cụ có nét trí tuệ hào hoa của các vương gia nhà Tống. Theo Cụ, tiếng tăm lừng lẫy không đến từ chiến công, mà phải từ tác phẩm giá trị đến đời sau. Chính chất “văn” này của các ông hoàng hai nước đã khiến họ không giữ được thiên hạ cho nhà mình.



VỊ HOÀNG THÂN KHÔNG THÍCH CẦM QUÂN

Nguyên Đán có hai bài thơ diễn tả tâm trạng khi dẫn binh lính đi tuần ở các địa phương xa kinh đô. Lòng muốn về nhà kết tinh thành các cặp đối tuyệt đẹp. Thơ cũng cho thấy chiến chinh là gánh nặng trong tâm vị tướng họ Trần.

軍中作
平生不願執金吾,
談笑油幢豈遠圖。
悅目風光何處有,
欺天心術一生無。
三春啼血鵑聲斷,
萬里歸心桂影孤。
坐待師徒歌奏凱,
南窗枕玉伴青奴。

quân trung tác

Bình sinh bất nguyện Chấp kim ngô (a),
Đàm tiếu du chàng khởi viễn đồ .
Duyệt mục phong quang hà xứ hữu,
Khi thiên tâm thuật nhất sinh vô.
Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn,
Vạn lý qui tâm quế ảnh cô.
Tọa đãi sư đồ ca tấu khải,
Nam song chẩm ngọc bạn thanh nô.

(a) Chấp kim ngô : nguyên thủy chỉ chức tướng chỉ huy Cấm quân bảo vệ kinh thành. Ở đây chỉ địa vị lãnh đạo một đội quân chính quy.

Sáng tác khi ở trong quân

Chức Chấp kim ngô chẳng là nguyện ước bình sinh,
Cười nói dưới cờ lọng quang dầu đâu phải kế lâu dài !
Chốn nào còn cảnh tượng đẹp mắt ?
Một đời không dám mang lòng dối trời !
Cuối mùa xuân, tiếng quyên kêu ai oán ngưng bặt,
Từ muôn dặm, lòng muốn về đối diện bóng trăng lẻ loi.
Ngồi chờ binh lính ca khúc khải hoàn,
Tựa gối ngọc trên chiếu trúc nơi cửa sổ phía nam.

Cuộc hành quân nhàn nhã của Nguyên Đán rõ ràng không hướng về đối thủ Chiêm Thành, kẻ địch khó chịu khi nhắc đến vua tôi Trần phải sa nước mắt. Ông đang tìm dẹp giặc cỏ nổi lên vì đói kém. Giết chóc hay bắt bớ dân đen dĩ nhiên chẳng mang lại hứng thú nào. Ông không dối lòng khi khẳng định chỉ muốn về nhà.

Ý muốn về nhà lại nổi lên trong bài thơ cùng loại, tăng thêm cảm giác đơn độc.

軍中有感
操戈持筆片雲身,
屈指辭家恰十旬。
報曉黃雞驚旅夢,
催歸杜宇送殘春。
功名未晚猶他日,
萍水相逢無故人。
海闊天高空懶散,
江平水靜白鷗馴。

quân trung hữu cảm
Thao qua trì bút phiến vân thân,
Khuất chỉ từ gia cáp thập tuần.
Báo hiểu hoàng kê kinh lữ mộng,
Thôi qui đỗ vũ (a) tống tàn xuân.
Công danh vị vãn do tha nhật,
Bình thuỷ tương phùng vô cố nhân.
Hải khoát thiên cao không lãn tán,
Giang bình thuỷ tĩnh bạch âu tuần.

(a) Đỗ Vũ : tên vua nước Thục theo sách Sưu thần ký. Khi mất nước, qua đời, ông hóa thành chim. “Chim đỗ vũ kêu” tượng trưng lòng nhớ quê da diết.

Cảm xúc khi ở trong quân

Mang thương, cầm bút, thân nhẹ như mây,
Nhẫm tính… rời nhà vừa đúng mười tuần,
Báo bình minh, gà vàng gáy kinh động giấc mộng đất khách,
Giục trở về, tiếng chim đỗ vũ đưa tiễn xuân tàn.
Đường đời còn dài, công danh chưa muộn.
Bèo nước gặp được nhau, cố nhân lại mãi nơi nào !
Chỉ nhàn tản giữa biển rộng trời cao,
(Như) chim âu trắng hiền lành nơi sông im sóng lặng.

Công danh “do tha nhật”, có ngày khác chứng tỏ bài thơ hình thành lúc tác giả trẻ trung. Có thể cả hai bài ra đời cùng lúc khi triều đình tiến hành tiểu trừ các cuộc biến loạn khởi đầu bởi Ngô Bệ và Nguyên Đán được giao tuần tra một khu vực nhất định. Dân làm giặc chỉ vì quá đói, tránh đương đầu với quan quân. Không thấy viên tướng ghi lại cuộc đụng độ nào. Khác với Phạm Sư Mạnh tảo thanh hoặc thanh tra khu vực rừng núi Đông Bắc-Tây Bắc, Nguyên Đán đi tuần khu vực duyên hải.

Cũng khác với cụ Phạm, người rất hãnh diện và nhớ ơn vua khi được chỉ huy quân đội, Trần Nguyên Đán buồn bã, cô đơn khi sống trong môi trường kém thanh lịch. Ông chẳng màng đến mệnh vua khi xông pha bên ngoài. Thái độ và quan điểm này sẽ là trở ngại cho mối quan hệ giữa Ông và Nghệ tông về sau.

Để thấy ảnh hưởng của Chu Văn An trên văn gia Nguyên Đán, chúng ta thưởng thức bài thơ dưới đây của thầy Chu :

村南山小憩
閑身南北片雲輕,
半枕清風世外情。
佛界清幽塵界遠,
庭前噴血一鶯鳴。

thôn nam sơn tiểu khế
Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
Phật giới thanh u, trần giới viễn,
Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.

Tạm nghỉ ở núi Thôn Nam

Thân rãnh rỗi nhẹ như mây trôi khắp bắc nam,
Tâm tình ngoài thế cuộc chỉ nghe gió thổi bên gối.
Cõi phật vắng lặng, cõi trần xa tắp,
Trước sân, chim oanh kêu đến khạc ra máu.

Thân mây bồng bềnh, gối tựa tĩnh mịch, chim kêu bi ai …. Trần tướng quân tự xem mình như ẩn sĩ vân du.



THIÊN TAI VÀ THỜI TIẾT TRONG THƠ TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Thơ các nhà nho thường miêu tả thiên nhiên một cách cân đối, đẹp đẽ. Riêng trong di sản cụ Trần, chúng ta tìm thấy hai bài nói về thiên tai gây thảm họa cho dân chúng. Điều này không phổ biến vào thời trung đại. Đời Trần, chỉ có Nguyên Đán và cậu con rể Ứng Long làm thơ nói về tai họa thiên nhiên. Bài thơ tả hạn hán của Ứng Long lại là bản báo cáo hiện trường gửi lên cụ Tư đồ, có thể dưới tư cách quan Kiểm chính.

Theo Hồ Nguyên Trừng, ngoài thơ ca, cụ Trần có tác phẩm “Bách thế thông kỷ”. Sách này bàn về thiên văn, lịch pháp. Như vậy, điểm đặc biệt so với tác gia khác là cụ Trần từng dành nhiều thời gian để quan sát bầu trời, cảm nhận thời tiết.

壬寅年六月作
年來夏旱又秋霖,
禾槁苗傷害轉深。
三萬卷書無用處,
白頭空負愛民心。

nhâm dần niên lục nguyệt tác
Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.

Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần (1362)

Năm nay mùa hè bị hạn hán, mùa thu lại mưa dầm,
Lúa héo mạ hư, tai hại liền nhau càng thêm khắc nghiệt.
(Kiến thức từ) Ba vạn quyển sách không có chỗ để dùng,
Đầu đã bạc, uổng công mang nặng lòng thương dân !

Năm 1362, Dụ Tông và các vương hầu chìm đắm trong thú vui xem tuồng. Vua còn rủ nhà giàu vào cung đánh bạc. Nhưng hậu quả tai ách bi đát đến nỗi triều đình bừng tỉnh, có biện pháp đồng bộ giảm nhẹ đau khổ và gánh nặng cho dân chúng như thả bớt tù nhân, giảm nửa tô thuế, quyên thóc để phát chẩn, ban cấp thuốc men đến người đau ốm. Tuy vậy, nạn đói lớn vẫn không tránh được. Thiên tai tàn khốc, lập đi lập lại không chỉ hủy hoại mùa màng mà còn làm phân rã xã hội. Năm này, Nguyên Đán than bạc đầu dù mới 37 tuổi.

夜歸舟中作
萬國民生沸鼎魚,
朔燕東汴已邱墟。
歸舟未穩江湖夢,
分取魚燈照古書。

dạ quy chu trung tác
Vạn quốc dân sinh phí đỉnh ngư,
Sóc Yên đông Biện dĩ khâu khư.
Quy chu vị ổn giang hồ mộng,
Phân thủ ngư đăng chiếu cổ thư.

Thơ làm trong thuyền về ban đêm

Dân chúng khắp nơi như cá trong đỉnh nước sôi,
Đất Yên phía bắc, đất Biện phía đông đã thành gò đống.
Trên thuyền về, không dỗ được giấc mộng nơi sông hồ,
Mượn ánh đèn chài đọc quyển sách xưa.

Các nghiên cứu gần đây đưa ra giải thích về nguyên do gây khủng hoảng kinh tế vào nửa sau thế kỷ XIV tại Đại Việt. Trước tiên, việc xây đê Đỉnh Nhĩ đã hạn chế dòng chảy sông Hồng về phía hạ lưu, khiến đồng bằng đông Thăng Long trở nên khan nước. Mặt khác, thời tiết biến động gây hạn hán vào mùa xuân, thời điểm nhạy cảm đối với giống lúa Chiêm 5 tháng làm chúng không tăng trưởng được. Quan trọng không kém là khu sản xuất gốm sứ Vạn Yên (thuộc Chí Linh nay) đã tiêu thụ đến kiệt quệ các cánh rừng lân cận. Sản lượng gạo giảm, ngược chiều đà tăng dân số. Miệng ăn tăng gấp đôi từ khoảng 1.500.000 thời Lý đến 3.000.000 vào cuối Trần (4).

Hình ảnh địa mạo cằn cỗi, đầy gò đống; tình trạng dân chúng mất sinh kế chực chờ nổi loạn như các lớp cá nháo nhào trong vạc nước sôi là chứng cứ ủng hộ giả thiết nói trên.

Vì mất mùa, vùng phía đông, phía bắc Thăng Long bị loạn lạc do gia nô các vương hầu gây ra trong thời gian dài. Triều đình tổ chức nhiều “phong đoàn” để dẹp giặc nhưng chưa bao giờ triệt để ổn định được tình hình. Dù lãnh tụ khởi loạn nổi bật Ngô Bệ bị bắt giết năm 1360, nhưng chắc chắn nhân lực hai vùng bị suy giảm nặng. Năm 1361, sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc. Năm 1362, sao chổi lại xuất hiện ở phương bắc, kèm theo hạn hán, lụt lội liên tiếp nhau. Có thể bài “Dạ quy chu trung tác” được viết trong thời gian này. Cảm giác hoang vu của nhà thiên văn Trần Nguyên Đán xui Ông đắm chìm trong sách vở. Cần chú ý khu vực giặc giã từng là bản bộ của Hoài Đạo vương Nguyễn Nộn và tướng quân Đoàn Thượng, hai nhân vật đối kháng với chính quyền Thăng Long suốt thời cuối Lý đầu Trần.

Ảnh hưởng của hiện tượng tự nhiên, cụ thể là việc sao chổi mọc, vào tâm tư cụ Trần còn được nhận ra qua bài thơ khác dưới đây

戊申正月作
三分頭白寸心丹,
世上紛紛萬事難。
自笑不如錢若水,
年纔四十便休官。

mậu thân chính nguyệt tác
Tam phân đầu bạch thốn tâm đan,
Thế thượng phân phân vạn sự nan.
Tự tiếu bất như Tiền Nhược Thuỷ (a),
Niên tài tứ thập tiện hưu quan.

(a) Tiền Nhược Thủy : làm quan đời Bắc Tống, xử án công bằng, vua nghe tiếng nên đề bạt rất nhanh. Khi còn trẻ, ông đã lên đến chức Á tướng (Đồng Tri Xu Mật).

Thơ làm vào tháng giêng năm Mậu Thân (1368)

Đầu bạc hết ba phần, vẫn giữ lòng son sắt,
Việc đời rối rắm, muôn sự đều nan giải.
Cười mình không giống Tiền Nhược Thuỷ,
Mới bốn mươi tuổi đã về hưu.

Toàn Thư ghi nhận sao chổi xuất hiện vào tháng giêng năm Mậu Thân tại vị trí sao Mão. Bài thơ được sáng tác ngay thời điểm đó. Tác giả là một nhà nho điềm tĩnh, nhưng cảm giác bất lực vẫn hiện rõ trong thơ mỗi khi sao chổi mọc. Có năng lực và nổ lực, tuy vậy, Ông không vượt qua nỗi ám ảnh tai ương từ điềm trời. Dường như hoạt động bất thường của tự nhiên thời Ông sống đã vượt quá khả năng giải thích của lý học Trình Chu.

Quãng thời gian này, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” lên hoàng đế Dụ tông. Vua im lặng nên thầy Chu đành treo ấn. Hành động “ngạnh trực” từ bậc đại nho rõ ràng ảnh hưởng đến suy tư của cụ Trần. Ông cũng muốn rời quan trường.

Khi Nhật Lễ kế thừa ngôi tôn, chính sự thêm đổ nát. Nguyên Đán, với vai trò Ngự sử, nhiều lần dâng sớ khuyên ngăn nhưng vua lờ đi. Sau cùng, cụ Trần hành xử y hệt thầy Chu : xin từ quan. Trong “Nam Ông Mộng Lục”, Hồ Nguyên Trừng ghi lại sự kiện này qua truyện “Thi phúng trung gián” (Toàn Thư cho rằng bài này sáng tác khi Nguyên Đán hồi hưu. Tuy nhiên, hai chữ “Đài đoan” cho thấy khi đó cụ Trần làm ở đài Ngự sử). Truyện có kèm bài thơ Nguyên Đán gửi cho đồng liêu lúc ra đi như sau : :

臺端一去便天涯
回首傷心事事違

九陌塵埃人易老

五湖風雨客思歸

儒風不振回無力

國勢如懸去亦非

今古興亡真可鑑

諸公何忍諫書稀

Đài đoan nhất khứ tiện thiên nhai,
Hồi thủ thương tâm sự sự vi.

Cửu mạch trần ai nhân dị lão,

Ngũ hồ phong vũ khách tư quy.

Nho phong bất chấn hồi vô lực,

Quốc thế như huyền khứ diệc phi.

Kim cổ hưng vong chân khả giám,

Chư công hà nhẫn gián thư hi.

Một khi rời bỏ đài Ngự sử là đi ngay đến tận chân trời,
Quay đầu nhìn lại, đau lòng bởi mọi sự đều trái ý.
Đường thành chín nẻo bụi bặm khiến người dễ già.
Mưa gió trên Ngũ hồ giục khách nghĩ đến việc quy ẩn.
Không chấn hưng được phong hóa đạo Nho, có trở lại bằng vô ích.
Thế nước chông chênh bỏ đi cũng là sai !
Chuyện hưng vong xưa nay thực sự có thể làm gương soi.
Sao các ông nỡ ít dâng thư can ngăn đến vậy !

Câu 5 bài thơ cho thấy tác giả gần gũi với nhóm Chu-Phạm-Lê hơn gần gũi với hoàng tộc Trần. Ông bỏ nhiệm sở vào thời điểm đấu nhau kịch liệt giữa các phe phái trong dòng họ cầm quyền. Tin đồn Nhật Lễ là con kép hát họ Dương bỗng rộ lên khiến bà Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng Thái hậu bối rối vì chính bà lập Nhật Lễ, cháu nội đích tôn, lên ngôi đế. Tin lạ đúng sai chưa rõ nhưng thật sự là đòn hiểm từ phe phái bí mật đánh vào tính chính thống của tân vương. Vua Đại Định ngầm dùng thuốc độc giết bà nội vì bà tỏ ý hối tiếc việc làm của mình. Sự cố châm ngòi phản ứng từ nhóm Trần Nguyên Trác. Mùa thu năm 1370, Nguyên Trác dẫn đầu nhiều tôn thất, trong đó có hai con trai của công chúa Ngọc Tha, gọi Hiến Từ là bà ngoại, đang đêm xâm nhập cung khuyết định sát hại Nhật Lễ. Hoàng đế lẫn tránh được. Đến sáng, vua vào cung ra lệnh tìm giết nhóm tạo phản gồm 18 người. Có thể, nhân vật muốn thay thế Nhật Lễ làm vua nằm trong số 18 nạn nhân này.

Vụ tương tàn khiến Cung Định vương Trần Phủ hoảng sợ trốn lên trấn Đà Giang (một phần Sơn La, Phú Thọ nay), nhiều khả năng cũng là thời điểm Trần Nguyên Đán rời bỏ đài Ngự Sử. Việc chạy đến nơi hẻo lánh cho thấy Trần Phủ chỉ muốn bảo toàn sinh mạng chứ chưa có ý định lật đổ Nhật Lễ. Phần Nguyên Đán, theo lời lẽ bài thơ để lại khi ra đi, chúng ta hiểu rằng ông chỉ muốn vua Đại Định cai trị tốt hơn, chứ hoàn toàn không nghĩ chuyện phế lập.

Chủ trương và lãnh đạo tinh thần cuộc đảo chính ngay sau đó là Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha, người có mẹ đích và hai con trai chết dưới tay Nhật Lễ. Bà khuyến khích Trần Phủ chủ trì đảo chính dù Cung Định không quyết tâm lắm.

Trước khi tiến về kinh thành, nhóm tôn thất hội quân ở sông Đại Lại, Thanh Hóa vào tháng 10 âm lịch năm 1370. Đại Lại là quê ngoại của Cung Định vương Trần Phủ và Cung Tuyên vương Trần Kính, hai nhà lãnh đạo cuộc binh biến, em cùng cha khác mẹ với công chúa Thiên Ninh. Từ đây, với hỗ trợ từ họ ngoại, hai ông hoàng có thể huy động tài lực, nhân lực để đối mặt với đạo cấm quân bảo vệ Nhật Lễ vốn được tuyển từ Thiên Trường và vùng đồng bằng phụ cận. Cuộc đối đầu giữa đám thanh niên Thanh Hóa ô hợp nhưng dũng mãnh với đội quân nhân chuyên nghiệp Thiên Trường đang phân liệt đã đưa nhà Trần đến ngả rẽ bất ngờ. Chính biến thành công không chỉ đưa Trần Phủ, Trần Kính, Trần Nguyên Đán trở lại triều đình mà còn đẩy bật lên một nhân vật hùng tâm quê Đại Lại : Hồ Quý Ly.

Đoàn quân dưới quyền Trần Phủ dừng lại ở Kiến Hưng, lộ Hoàng Giang (Nam Định nay). Tại đây, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, giáng Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Nhóm đảo chính nhận được ủng hộ của vùng thang ấp nhà Trần nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn. Cần nhớ, Nhật Lễ là cháu đích tôn của hoàng hậu vợ Minh Tông. Còn Trần Phủ sinh bởi một bà phi, tính chính thống không so được với Đại Định. Do vậy, Thiên Ninh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc nổi dậy vì bà là con của Minh Tông và Hiến Từ, thuộc dòng trưởng. Khi hai bên nội ngoại đều qui phục, Trần Phủ dễ dàng thuyết phục nhóm quan lại ở kinh đô, tiến đến bắt giam rồi giết Nhật Lễ.

Kỹ niệm dấy binh từ Đại Lại nổi lên trong một bài thơ thể hiện rõ lòng quan tâm thời tiết của cụ Trần.

清化府道中
去年戎事在塵泥,
吟筆今秋歸舊題。
望雨遠看雲起北,
感時頻顧火流西。

thanh hoá phủ đạo trung
Khứ niên nhung sự tại trần nê,
Ngâm bút kim thu quy cựu đề.
Vọng vũ viễn khan vân khởi bắc,
Cảm thời tần cố Hoả lưu (a) tê.

宋江水狹波聲小,
大利山空草色萋。
愛境風光非昔日,
相逢訪古說丁黎。       Tống Giang thủy hiệp ba thanh tiểu,
Đại Lại sơn không thảo sắc thê.
Ái cảnh phong quang phi tích nhật,
Tương phùng phỏng cổ thuyết Đinh, Lê.
(a) Kinh Thi, Bân phong, bài Thất nguyệt có câu “Thất nguyệt lưu Hỏa” (七月 流火). Như vậy, Nguyên Đán sáng tác bài thơ trên khoảng sau tháng 7 ta năm 1371.

Trên đường phủ Thanh Hóa

Năm ngoái tham gia việc binh ở nơi bùn lấm,
Mùa thu năm nay bút thơ quay về đề tài cũ.
Ngóng trông mưa, thấy mây nổi lên xa tít từ phương bắc.
Cảm thời tiết, thường ngắm sao Hỏa trôi về phía tây.
Dòng sông Tống nhỏ hẹp, tiếng sóng tí tách,
Núi Đại Lại quang đãng, sắc cỏ xanh rờn.
Cảnh đất Ái trước mắt không giống như xưa,
Gặp nhau tìm thăm cổ tích, bàn chuyện nhà Đinh, nhà Lê.

Xung đột giữa hai phe hoàng tộc khiến đạo Cấm quân tinh nhuệ mất sức chiến đấu nên người Chiêm đã chiếm Thăng Long vào tháng ba nhuận âm lịch năm 1371 một cách dễ dàng. Tuy vậy, vụ cướp phá ngắn ngày không đọng lại lo lắng hay hoảng sợ trong suy nghĩ của Nguyên Đán. Ta thấy ông nhẹ nhàng trút việc quân lấm bùn để trở lại làm nhà thơ mê say thiên văn. Cụ Trần khoái trá khi quan sát mây, sao, dòng nước, cây cỏ trên núi và bàn bạc chuyện cổ kim.

Đất Ái dưới mắt Nguyên Đán không còn như xưa sau biến loạn. Nhiều người con đất Ái đã theo Trần Phủ vào kinh đô nắm giữ các vai trò quan trọng. Vùng đất từng cung cấp cho Đại Việt vài vị vua sẽ tiếp tục công việc của mình. Bàn chuyện Đinh, Lê cũng là dự cảm mơ hồ về một quyền lực khác đang trổi dậy.



THAM GIA TỔ CHỨC CUỘC THI TIẾN SĨ NĂM 1374

Năm 1374, triều đình tổ chức thi Đình tại Thiên Trường, nơi ở của Thượng hoàng Nghệ tông. Mục đích khoa thi là tuyển chọn nhân sự phục vụ công cuộc chinh phục Chiêm Thành nhằm trả mối hận Chế Bồng Nga cướp phá Thăng Long. Cậu con rể Nguyễn Ứng Long, lúc đó đang làm việc tại Tam quán, đã tham gia thành công khoa thi này. Chúng ta biết được nét chính tiêu chuẩn chọn Tiến sĩ đương thời qua bài thơ dưới đây

用洪州同尉范公韻
奉呈考試諸公

諸公滾滾在岩廊,

士子難窺數仞牆。
玉石最宜區辨別,
鸞雞忍史並飛翔。
得賢董子興炎漢,
黜直劉蕡弱晚唐。
天詔丁寧容博取,
要先忠讜後詞章。

dụng hồng châu đồng úy phạm công (a) vận phụng trình khảo thí chư công
Chư công cổn cổn tại nham lang,

Sĩ tử nan khuy sổ nhận tường,
Ngọc thạch tối nghi khu biện biệt,
Loan kê nhẫn sử tịnh phi tường.
Đắc hiền Đổng Tử hưng Viêm Hán,
Truất trực Lưu Phần nhược Vãn Đường.
Thiên chiếu đinh ninh dung bác thủ,
Yếu tiên trung đảng hậu từ chương.

(a) Hồng châu Đồng úy Phạm công : có lẽ là Phạm Sư Mạnh.

Dùng vần của quan Đồng uý Hồng Châu họ Phạm  để trình quí ông đang chấm thi

Trên hành lang lát đá các ông đang bận bịu,
Sĩ tử khó nhìn qua bức tường cao mấy nhận.
Phải phân biệt rõ ràng ngọc hay đá,
Không để phượng với gà bay lượn ngang nhau.
Được người hiền Đổng Tử, triều Viêm Hán hưng thịnh,
Bãi kẻ chính trực Lưu Phần, nhà Vãn Đường suy yếu.
Chiếu vua đã dặn dò cho phép lấy rộng.
Trước cần xét tính trung trực, sau mới đến tài văn.

Chất lượng Tiến sĩ trước hết là lòng trung thành với triều đại, sau là tài từ chương. Có nhiều điểm chung giữa khoa thi Tiến sĩ đời Trần với kỳ thi công chức tại Việt Nam ngày nay. Nó hoàn toàn khác với quan niệm về thi Tiến sĩ ở các quốc gia phương Tây hiện đại.

賡試局諸生唱酬佳韻
漢唐二宋又元明,
例設詞科選俊英。
何似聖朝求實學,
當知萬世絕譏評。
殿深乙夜觀書罷,
月滿秋風宿雨晴。
一炷御香通帝闕,
願聞忠孝狀元名。

canh thí cục chư sinh xướng thù giai vận
Hán Đường nhị Tống hựu Nguyên Minh,
Lệ thiết từ khoa tuyển tuấn anh.
Hà tự thánh triều cầu thực học,
Đương tri vạn thế tuyệt cơ bình.
Điện thâm ất dạ quan thư bãi,
Nguyệt mãn thu phong túc vũ tình.
Nhất chú ngự hương thông đế khuyết,
Nguyện văn trung hiếu Trạng nguyên danh.

Họa vần bài thơ xướng hoạ của các thí sinh trường thi

Hán, Đường, hai Tống, đến Nguyên, Minh,
(Đã có) Lệ đặt khoa từ chương để chọn người tài tuấn.
Sao giống cách cầu thực học của thánh triều !
Nên biết (cách tuyển này khiến) muôn đời sau dứt hẳn tiếng bình phẩm.
Xem sách xong lúc canh hai, cung điện thâm u,
Mưa vừa tạnh khi gió thu nổi, vầng trăng tròn đầy.
(Thắp) nén nhang ngự, hương bay thông đến cửa khuyết,
Mong nghe tên vị Trạng nguyên trung, hiếu.

Nguyên Đán đánh giá thấp khoa cử bắc quốc, tự hào lối cầu thực học của triều đình phương nam. Tiếc rằng đề thi không còn lưu lại để chúng ta xem xét “thực học” bản chất như thế nào. Toàn Thư lại không chép rõ chương trình thi của lần thi đầu tiên được đổi tên là Tiến sĩ này. Để đoán biết, chúng ta lướt qua chương trình thi của các lần thi trước và sau năm 1374.

Chương trình thi Thái học sinh năm 1304 gồm các bước sau

– Thi ám tả thiên “Y Quốc” và truyện “Mục thiên tử”

– Thi “kinh nghi”, “kinh nghĩa”; làm thơ cổ thể, thơ luật, phú.

– Thi làm “chiếu, chế, biểu”.

– Thi đối sách.

Chương trình thi Thái học sinh năm 1345 như sau

– Ám tả cổ văn

– Kinh nghĩa

– Thi phú

Chương trình thi Tiến sĩ năm 1396 như sau

– Thi “kinh nghĩa”, bài làm phải đạt 500 chữ trở lên

– Thi làm thơ luật, làm phú, bài làm phải dài hơn 500 chữ.

– Thi làm chiếu, chế, biểu.

– Thi văn sách, bài làm phải dài hơn 1000 chữ.

Nguyên Đán khẳng định mục đích cầu “thực học” của cuộc thi năm 1374, như vậy có thể đoán định nội dung thi có phần đối sách, gần với chương trình thi năm 1304, là kỳ thi Đại tỷ có vòng thi Đình, hơn là chương trình năm 1345, chỉ là kỳ thi Thái học sinh. Bước thi ám tả, để loại thí sinh quá yếu kém, có lẽ vẫn được áp dụng vì thời điểm này chưa có thi Hương.

Khóa năm 1396 bỏ môn ám tả vì đã có thi Hương tổ chức một năm trước khi thi Hội để giảm bớt số thí sinh học lực sơ sài.

Trừ “ám tả”, môn thi không được nghe nói đến trong các khoa Tiến sĩ ở Bắc quốc, những môn thi khác đều dựa theo chế định phát sinh từ Trung nguyên.

Đối tượng của vòng thi Đình năm 1374 bao gồm : thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và người có tước phẩm.

Nguyễn Ứng Long, con rể cụ Trần, có hai câu thơ nhớ lại khoa thi này như sau

隆慶二年新進士,
翹才三館舊書生。(秋中病)  Long khánh nhị niên tân tiến sĩ,
Kiều tài tam quán (a) cựu thư sinh.(Thu trung bệnh)
(a) Tam quán : Vào đời Lê sơ bao gồm Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán (5), có thể vẫn giống tổ chức cuối Trần. Kiều tài : tài năng nổi trội.

Người mới đậu Tiến sĩ năm Long Khánh thứ hai (1374),
Vốn là học trò cũ nơi Tam quán Kiều tài.

(Bệnh giữa mùa thu)

Lần thi phản ánh trong các bài thơ của Nguyên Đán hẳn là vòng thi cuối cùng : thi đối sách trong cung Trùng Hoa do thượng hoàng Nghệ tông chủ trì. Hai nhân vật Đổng Trọng Thư (179 TCN – 104 TCN) và Lưu Phần (cùng thời Lý Thương Ẩn 813 – 858) mà cụ Trần nhắc đến trong bài thơ đầu tiên đều nổi tiếng qua kỳ thi đối sách. Quan điểm của họ Đổng là độc tôn Nho thuật, của Lưu Phần là kiềm chế hoạn quan. Đổng được Hán Vũ đế trọng dụng, Lưu lại bị hoạn quan vu hại phải chịu biếm trích.

Khoa cử Đại Việt chỉ là sao chép của khoa cử Trung nguyên, căn cứ vào đâu cụ Trần cho rằng phép thi của “thánh triều” ưu việt hơn ?

Thực ra, khoa cử chỉ bắt đầu từ đời Tùy (581 – 619) Trung quốc. Thời Hán (203TCN – 220), triều đình áp dụng chế độ tuyển quan lại dựa trên tiến cử từ địa phương. Theo đó, châu quận tiến hành khảo hạch và chọn lọc ứng viên rồi đề đạt lên nhà vua xét duyệt. Phương pháp tuyển trạch gọi là “sát cử” này không mở rộng đối tượng ra đến dân thường vì quan lại địa phương chỉ tiến cử con em hoặc bà con thân thuộc của họ. Dù tương đối mở hơn chế độ thế tập, “sát cử” vẫn chưa thể được xem như một khoa thi.

Đời Đường, các môn thi Tiến sĩ bao gồm : thiếp kinh, thời vụ sách, tạp văn và thơ phú. Phần thi thơ phú chiếm vị trí quan trọng, tính văn học của bài thi rất được chú ý, đặc biệt bài thi thơ luật. Hạn chế của khoa cử đời Đường là đặt nặng việc xét tuyển vào danh vọng của người tiến cử thí sinh và vào nguồn gốc xuất thân của chính thí sinh.

Đời Tống (960 – 1279), quy chế thi được hệ thống hóa. Hai bậc thi Hương, Hội lần đầu xuất hiện, mở rộng cánh cửa quan trường cho tầng lớp bình dân. Năm 973, Tống Thái tổ chủ trì cuộc thi đình đầu tiên trong lịch sử khoa cử Hoa Hạ đồng thời xác lập ba vị trí cao nhất của khoa thi : Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Thi đình là vòng thi cuối của bậc thi Hội. Khởi thủy, chương trình thi Tiến sĩ gồm ba môn : sách, luận, thơ phú. Vương An Thạch cải cách khoa cử, hướng thí sinh đến thông hiểu kinh văn, giảm bớt yêu cầu phải học thuộc lòng. Ông không ngưỡng mộ việc “xuất khẩu thành thi” nên bỏ thi thơ phú, thay vào bằng môn “kinh văn đại nghĩa”. Tuy vậy, bài làm vẫn yêu cầu tính văn học cao. Về sau, thi thơ phú lại phục hồi. Đời Tống, làm phú để đậu Tiến sĩ quan trọng đến nỗi nay còn lưu câu tục ngữ “Đường thi thơ, Tống thi phú”.

Khi mới chiếm được vùng Hoa bắc, chúa Mông cổ Oa Khoát Đài đã nghe lời tham vấn của Da Luật Sở Tài tổ chức cuộc thi nho học vào năm 1238. Tuy nhiên, triều đình sau đó bãi bỏ chế độ khoa cử, dùng lại chế độ tuyển cử của người Mông cổ. Đại Mông cổ chỉ tổ chức thêm hai khoa thi nho giáo vào các năm 1252 và 1276 (nhà Nguyên chính thức thành lập năm 1271). Đến đời Nguyên Nhân tông, khoa cử được tái lập. Năm 1314 mở khoa thi Hương trên toàn quốc. Năm 1315, thi Hội và thi Đình tại Đại đô. Người Mông cổ và Tây Á, Trung Á được ưu đãi trong các kỳ thi. Họ được ra đề thi dễ hơn, yêu cầu thấp hơn so với đề thi ra cho người Hoa Bắc và Hoa Nam. Bảng kết quả cũng chia làm hai, bảng bên phải dành cho người Mông cổ-Sắc mục, bảng bên trái dành cho người Hán-Nam.

Chu Nguyên Chương thành lập nhà Minh năm 1368, chỉ 6 năm trước kỳ thi Thiên Trường. Thể chế thi của nhà Minh, nếu có cải cách so với thể chế đời Nguyên, cũng chưa đủ thời gian thẩm thấu sang Đại Việt.

Cách thi Tiến sĩ đời Trần năm 1374 như vậy chịu ảnh hưởng định chế Tống-Nguyên nhưng còn ở dạng đơn giản hơn vì chưa có kỳ thi Hương. Bước thi ám tả, không thấy áp dụng ở các khoa thi Đường Tống, cho thấy trình độ nho sĩ Đại Việt không đồng đều, có người nghe-viết chưa rành mạch vì dù sao đối với đa số người Đại Việt tiếng Hán vẫn là ngoại ngữ.

Do đó, điều khả dĩ khiến khoa thi này vượt trội các khoa thi ở Trung Nguyên phải nằm ở nội dung thi. Đề thi có lẽ hỏi về phương pháp gây dựng sức mạnh của nước nhà để giải quyết vấn đề gai góc của nhà Trần là chiến tranh với Chiêm Thành. Chúng ta phỏng đoán điều đó (6) vì khi tân Tiến sĩ Nguyễn Ứng Long đòi nghỉ quan, Nguyên Đán đã nhắc nhở con rể về nhiệm vụ nho gia trước thời cuộc.

胡兒未款花門塞,
裴老思歸綠野堂。      Hồ nhi vị khoản Hoa Môn (a) tái,
Bùi lão (b) tư qui Lục Dã (c) đường.
(Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính Nguyễn Ứng Long)
(a) Hoa Môn : tên tòa thành phòng thủ rợ Hồ phía Bắc trung nguyên.

(b) Bùi lão : Bùi Độ (765 – 839), danh thần đời Đường, có công dẹp nạn cát cứ vùng Hoài Tây.

(c) Lục Dã : tên dinh thự nơi Bùi Độ nghỉ hưu.

Giặc Hồ chưa đến ải Hoa Môn để quy thuận,

Lão Bùi đã nghĩ đến việc quay về Lục Dã !

(Viết tặng Kiểm chính Nguyễn Ứng Long ở Nhị Khê)

Nhận thức về sự vượt trội của tầng lớp ưu tú Đại Việt so với lãnh đạo Hoa Hạ không chỉ mình Nguyên Đán sở đắc. Trước đó, Trần Dụ tông từng chê đạo đức của vị vua anh minh nhất nhà Đường, như sau

唐太宗與本朝太宗
唐越開基兩太宗,
彼稱貞觀我元豐。
建成誅死安生在,
廟號雖同德不同。

đường thái tông dữ bản triều thái tông
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành (a) tru tử, An Sinh (b) tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.

(a) Kiến Thành (589 – 626) : thái tử, con trưởng Đường Cao tổ Lý Uyên. Ông bị em ruột là Lý Thế Dân, tức Đường Thái tông, sát hại để tranh ngôi.

(b) An Sinh : tức Trần Liễu (1211 – 1251), anh ruột vua Trần Thái tông. Do Trần Thủ Độ ép ông phải đưa người vợ đang có mang vào làm hoàng hậu cho Thái tông nên dấy binh chống triều đình. Cuộc nổi loạn thất bại nhưng An Sinh được vua tha tội.


thái tông triều đường với thái tông triều ta
Hai vua khai mở cơ nghiệp Đường và Việt đều gọi là Thái tông,
Người xưng niên hiệu Trinh Quán, ta xưng Nguyên Phong.
Kiến Thành bị sát hại, An Sinh được sống,
Miếu hiệu như nhau nhưng đức độ khác nhau.

Trần Dụ tông xác nhận thiết chế chính trị đại thể giống nhau giữa hai vương quốc. Cả hai xứ đều có hoàng đế với niên hiệu khi đương nhiệm và miếu hiệu khi qua đời. Cái khác nhau là vua phương nam có đức độ đáng kính hơn vua phương bắc.

Nguyên Đán xác nhận cách lựa chọn quan chức tương tự nhau giữa hai vương quốc. Cả hai xứ đều tuyển nhân tài qua các khoa thi. Điểm khác nhau là triều Trần hướng về tuyển chọn người có thực học, tức người có thể làm việc có ích trong thực tiễn; không hạn hẹp đầu vào như tuyển cử thời Hán, phù phiếm như khoa cử đời Tống đời Đường, kỳ thị sắc tộc như thi cử đời Nguyên.

Tinh thần “vô tốn”, không thua kém Hoa Hạ rõ ràng rất phổ biến trong giới cầm quyền cuối Trần. Tuy vậy, nếu xét kỹ thì hành xử của lãnh đạo hai thể chế khác nhau chỉ vì có hoàn cảnh thực tế không giống nhau. Nhóm tinh hoa Việt luôn đại đồng với tinh hoa Hán, chỉ tiểu dị; một phần do môi trường văn hóa địa phương có hơi khác, một phần do mức độ phát triển tại phương nam luôn thấp hơn và tốc độ phát triển luôn chậm hơn.

Họ Trần vốn người Mân-Đản (Đản Phúc Kiến), là tộc thiểu số bị khinh rẻ bởi dân trung thổ. Tuy vậy, gia tộc Trần đã lãnh đạo đám dân “man” hỗn tạp đánh bại người Mông Cổ, duy trì và phát triển một phiên bản văn hóa Hán riêng biệt góc trời; đây là điều nhà Triệu Tống không làm nổi với hậu quả nhiều nhóm dân Hoa phải tìm đến nương tựa Đại Việt. Quý tộc Trần có đủ lý do để lên giọng kiêu kỳ. Trong tiềm thức, người họ Trần chưa chắc nghĩ mình gốc Hoa. Trước tiên, họ là người Đản; kế đến, họ là cộng đồng từng sinh sống tại xứ Mân ! Vua Trần ăn trầu, xâm mình, hai tập quán phi Hoa. Vị vua du mục biển Nhân tông từng khẳng định : “Ngã gia bản hạ lưu nhân” (我家本下流人), Nhà ta vốn là người hạ lưu (Toàn Thư II, 82). Vùng “hạ lưu”, tức quanh các cửa sông, hẳn không chỉ riêng vùng Hiển Khánh (Nam Định nay) như Toàn Thư ghi chú, mà phải kéo dài theo bờ biển từ Phúc Kiến đến Chiêm Thành.

Cần chú ý quan điểm “không thua kém Hoa Hạ” chỉ phát sinh vào khoảng cuối Trần, khi Nho giáo bắt đầu có ảnh hưởng mạnh trong giới cầm quyền. Trước đó, vua và quý tộc Đại Việt vẫn hành xử theo tôn chỉ Phật giáo, xem chúng sinh hầu như bình đẳng. Giống như vị hoàng đế tam giáo Đường Thái tông gả công chúa Văn Thành cho vua Thổ Phồn Tùng Tán Can Bố (năm 640), gia tộc Lý có chính sách gả công chúa cho thổ tù các vùng ngoại biên, điển hình như vua đạo Phật Lý Thái tông gả Kim Thành cho châu mục châu Phong, gả Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (năm 1036). Đàm tiếu việc gả công chúa sang vùng văn hóa khác chỉ xuất hiện khi Trần Nhân tông gả Huyền Trân cho Chế Mân (năm 1306), là thời điểm nho gia bắt đầu có tiếng nói trong giới quyền lực. Nho giáo đã mang đến khái niệm tôn ti trật tự nghiêm ngặt, trong đó có trật tự Hoa-Di và Thiên triều-Chư hầu.

Xét về mặt văn hóa tộc người, có thể suy đoán từ thời Lý về trước, dân chúng đồng bằng chưa quá khác biệt các sắc dân miền núi. Họ cũng là người nói nhiều loại tiếng Mường-Thái cổ giống bọn “lý-lão” chung quanh. Chỉ khi Đại Việt bắt đầu quá trình tự chủ, cư dân đồng bằng mới dần tách biệt các bộ lạc anh em do tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác. Chính quyền Ngô tan rã, trong số mười sứ quân nổi lên tại trung du và đồng bằng, theo thần phả, có 5 người gốc Hoa (7). Điều đó không đồng nghĩa dân Giao Chỉ bị Hoa hóa cực độ về huyết thống, nhưng cho thấy người gốc Hoa tiếp tục nắm giữ tài lực mặc dù bộ máy đô hộ đã tiêu vong. Sự dễ dàng phân rã thành 12 lãnh địa phản ánh không chỉ ngăn trở về địa lý mà phần nào đó thể hiện sự không đồng nhất về cách sống hay ngôn ngữ của các cộng đồng dân cư. Dường như, đây chính là cấu trúc xã hội của khu vực, tương tự mạn-đà-la Pagan hay Champa.

Thủ lĩnh bản địa thời đô hộ tập trung tinh lực quản trị vào phần đất của mình. Sang thời tự chủ, vị thủ lĩnh mạnh nhất với nhu cầu lập quốc, theo quán tính, phải tích cực học tập mô hình chính trị Trung nguyên. Áo mũ Đường, lễ nhạc Hán khiến tầng lớp trên trở thành một dạng người mới, chưa phải Hoa, cũng không còn là Lạc. Thay đổi bên trên dần ngấm xuống tầng lớp dưới. Mặt khác, những người Hoa lập nghiệp tại phương Nam, ít nhiều phải nhìn về Thăng Long thay vì Lạc Dương, Biện Kinh hay Đại Đô. Họ thích nghi với phong tục bản xứ, lấy vợ địa phương để trở thành một dạng người mà dân trung nguyên thấy không còn giống họ nữa. Tóm lại, từ nhà Ngô đến hết Trần, cư dân đồng bằng có thể là tập hợp gồm những người bản địa Hoa hóa ở nhiều cấp độ, họ cùng sinh sống với cộng đồng người Hoa thiểu số nhưng giàu có, khéo tổ chức, đã bản địa hóa cũng ở nhiều cấp độ. Mặt khác, tu sĩ Thiên Trúc và tù binh Chăm bổ sung thêm luồng văn hóa đặc sắc, nổi bật với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo. Các cộng đồng nói trên theo thời gian đã hòa nhập vào nhau hình thành thần dân vương quốc Đại Việt với lối sống đặc thù. Về huyết thống, người Đại Việt không khác người Lạc nhiều. Nhưng về mặt sinh hoạt, người đồng bằng gọi anh em miền ngược là “man lão”. Cùng người đồng bằng, khu vực sông Hồng lại gọi khu vực sông Mã là “trại”. Thái độ đó chứng tỏ văn hóa Đại Việt hình thành tốc độ nhanh nhưng sống sít, không đồng đều ở mọi vùng địa lý. Nhiều khả năng, hạt nhân hình thành cộng đồng văn hóa mới nằm ở vùng Đại La và Luy Lâu (Hà Nội, Bắc Ninh nay), là vùng đặt trị sở cũ của thực dân Hán Đường. Từ vùng lõi, văn hóa Đại Việt tự điều chỉnh, bổ khuyết để hòa nhập với văn hóa vùng duyên hải phía đông và phía nam đồng thời ảnh hưởng ngược lại khu vực trung du, miền núi. Riêng về phương Bắc, lãnh tụ Đại Việt tin và khẳng định rằng trong thiên hạ chỉ có hai đế : một ở bắc, một ở nam. (8)

Quá trình này tương tự quá trình người Đại Nam chuyển từ văn hóa tiền hiện đại sang văn hóa chịu ảnh hưởng phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Khi tầng lớp ưu tú từ bỏ ăn trầu, xén búi tóc, ghi lại trước tác bằng chữ quốc ngữ, đàm luận Lư Thoa, Mạnh Đức hay Mã Khắc Tư, họ đã trở thành một dạng người khác : người “Việt Nam”. Điều này không có nghĩa người Việt Nam mang huyết thống La Tinh. Dễ thấy rõ nền văn hóa mới hình thành trước tiên tại Sài Gòn, sau đó tại Hà Nội, hai địa điểm trị sở chính của thực dân Pháp. Từ nhóm lõi tại vùng lõi, văn hóa “Việt Nam” dần lan tỏa đến các địa phương. Cũng như trước đó một thiên niên kỷ, nền văn hóa lai tạp phải dừng lại dưới chân các cao nguyên. Dạng người văn hóa mới, đầy ảo tưởng tự tôn, không chỉ chế nhạo bọn trí thức cựu trào là “hủ nho” mà còn tiếp tục gọi đồng bào sơn cước là “mọi”. Những chỉ trích, có cơ sở hay không, nhắm vào nhà Nguyễn biểu tượng văn hóa tiền hiện đại, nếu loại bỏ đố kỵ địa phương vẫn gợi nhớ từ ngữ rẻ rúng trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn dành cho các lãnh tụ tiền bối Đinh-Lê giàu chất “Lạc”. Thần tượng của vị vua sáng lập triều Lý chính là các vị vua phương Bắc Thương-Chu và gần gũi hơn là nhà cai trị Cao Biền. Tuy nhiên, cũng như đa số người “Đại Việt/Đại Nam” tin rằng họ phải có đế vương riêng, đa số người “Việt Nam” tin rằng mảnh đất này không bao giờ là một phần của nước Pháp. (9)

Giới tinh hoa cực Nam hăm hở tiếp thu nho học vì đạo Nho cùng các khoa thi của nó đã góp phần tạo nên cộng đồng ưu tú có văn hóa đồng nhất từ triều đình đến châu huyện, một dạng tiêu chuẩn hóa thời trung cổ giúp việc điều hành vương quốc hài hòa và hiệu quả. Tuy nhiên, khi trí thức Đại Việt tinh thông nho thuật, cũng là lúc họ nhận thức rõ ràng rằng dưới con mắt trung nguyên, vùng biển nam chỉ là một tập hợp “Di” cần an phận dưới vai trò chư hầu. Thời điểm năm 1374, khi Nguyên Đán so sánh cách tổ chức thi Tiến sĩ giữa Nam và Bắc, quan niệm trung tâm – ngoại biên này thật không thuyết phục. Người Hoa chỉ mới thoát ách nô dịch và kỳ thị sắc tộc của Mông Cổ mới vài năm, còn đang lay hoay tổ chức lại đế quốc. Chủ cũ của Hoa Hạ, hậu duệ Genghis Khan, lại không có cơ hội để hạ thấp thế giá hoàng gia Đại Việt như đã làm với tầng lớp lãnh đạo trung nguyên. Dụ tông và Nguyên Đán đều không khẳng định thần dân của mình sở hữu giá trị tinh thần chẳng thua kém thần dân trung châu, hai vị khẳng định dòng tộc Trần, người Mân-Đản cai trị Đại Việt, có đạo đức và văn hóa vượt trội các dòng tộc cai trị vùng Hoa Hán.

Ngoài cuộc thi Tiến sĩ chọn văn thần, nhà Trần còn tổ chức thi võ cử chọn người chỉ huy quân. Thành công của cuộc thi văn khiến Nguyên Đán vô cùng hào hứng. Tinh thần phấn khích trong vài năm tạm vắng thiên tai đã lưu lại bài thơ sảng khoái dưới đây :

題觀鹵簿詩集後
中興文運邁軒羲,
兆姓謳歌樂盛時。
鬥將從臣皆識字,
吏員匠氏亦能詩。
經天緯地心先覺,
平北征南事可知。
考罷文場觀武舉,

老臣何日望歸期。

đề “quan lỗ bộ” thi tập hậu
Trung hưng văn vận mại Hiên Hy (a),
Triệu tính âu ca lạc thịnh thì.
Đấu tướng tòng thần giai thức tự,
Lại viên tượng thị diệc năng thi.
Kinh thiên vĩ địa tâm tiên giác,
Bình bắc chinh nam sự khả tri.
Khảo bãi văn tràng quan võ cử,
Lão thần hà nhật vọng qui kỳ.

(a) Hiên Hy : Hiên Viên (2699 TCN – 2588 TCN), tức Hoàng đế, một trong Ngũ đế. Phục Hy (2800 TCN – 2737 TCN), một trong Tam hoàng. Cả hai đều là vua Hoa Hạ thời huyền sử.

Đề sau tập thơ “Quan lỗ bộ”

Giáo hóa thời trung hưng vượt cả thời Hiên, Hy.
Dân chúng ca hát vui đời thịnh trị.
Quan võ, người hầu đều biết chữ,
Thư lại, thợ mộc cũng làm thơ.
Dự cảm (sự nghiệp triều đại) sẽ dọc đất ngang trời,
Bình bắc chinh nam là việc có thể hiểu.
Vừa khảo thí trường văn xong lại xem xét thi võ,
Khi nào kẻ bầy tôi già mới được nghĩ đến ngày về ?

Đầu vào khoa thi Thái học sinh – Tiến sĩ ngày càng mở rộng đã kích thích phong trào học tập chữ Nho ở tầng lớp dưới. Tập thơ “Quan lỗ bộ” không rõ của ai, riêng tên gọi có nghĩa “Ngắm xem nghi trượng” giúp chúng ta suy đoán tác giả là người có liên quan đến quân đội hoặc là người phục vụ hoàng gia. Chức phận xã hội của người này hẳn nằm trong số “đấu tướng, tòng thần, lại viên, tượng thị” mà Nguyên Đán đề cập. Tri thức Nho học rộng mở trong xã hội cùng lúc với nông nghiệp phục hồi đưa Nguyên Đán đến ảo giác xán lạn. Giám sát thi võ, nhưng cụ Trần vẫn thấy sức mạnh của quốc gia nằm ở khả năng biết chữ và làm thơ của giới bình dân.

Nguyên Đán rất lạc quan trong thời điểm này, do vậy, lời khẳng định “Quốc trị đoản hĩ” (國治短矣), Vận nước sắp hết ! do Toàn Thư gán cho Cụ khi quyết định chấp nhận Ứng Long làm con rể chắc là sáng tạo của sử gia đời sau (Toàn Thư II, 183).

TRẦN NGUYÊN ĐÁN VÀ CHIẾN SỰ VỚI CHIÊM THÀNH

Cuộc đảo chính năm 1370 đã dẫn đến trận tấn công kinh thành Thăng Long năm 1371 của Chế Bồng Nga. Mẹ Nhật Lễ đóng vai trò quan trọng trong sự biến này. Thất bại bất ngờ chưa từng có của Đại Việt càng nung nấu ý chí diệt Chiêm của hai anh em Trần Phủ (Nghệ tông) và Trần Kính (Duệ tông). Nhiều công việc được chuẩn bị qui mô, đồng bộ để tích lũy tiềm lực chiến tranh. Nhà nho lão luyện việc binh Phạm Sư Mạnh được điều ra tiền tuyến Tân Bình (Quảng Bình nay) để xây dựng bàn đạp đưa đại quân vào nam. Nguyên Đán đã sáng tác bài thơ dưới đây trong tiệc chia tay với bạn vong niên họ Phạm, thời điểm khoảng năm 1375 – 1376.

賡新平安撫
范公師孟新平書事韻
志士寧辭蹈海危,
高歌長嘯任天倪。
霜簑暑笠酬明主,
虎落蛇區尉遠黎。
日月盈虧人易見,
賢愚窮達物難齊。
佳期久隔天涯望,
賦罷停雲月欲西。

canh tân bình an phủ
phạm công sư mạnh “tân bình thư sự” vận
Chí sĩ ninh từ đạo hải nguy,
Cao ca tràng khiếu nhậm thiên nghê.
Sương xoa thử lạp thù minh chúa,
Hổ lạc xà khu uý viễn lê.
Nhật nguyệt doanh khuy nhân dị kiến,
Hiền ngu cùng đạt vận nan tề.
Giai kỳ cửu cách thiên nhai vọng,
Phú bãi Đình vân (a) nguyệt dục tê.

(a) Đình vân : tên bài thơ của Đào Tiềm (365 – 427). Thường được dùng để diễn tả sự lẻ loi và nhớ bạn.

Họa vận “Tân Bình thư sự” của

quan An Phủ Tân Bình Phạm công Sư Mạnh

Bậc chí cả lẽ nào lại chối từ cái nguy xông pha vượt biển,
Ca cao hát lớn đón nhận công việc vua giao.
Nón lá áo tơi dãi dầu sương nắng để đền đáp minh chúa,
Vào hang hùm ổ rắn úy lạo dân vùng xa.
Người đời dễ thấy mặt trăng mặt trời khi tròn khi khuyết,
Thời vận của người hiền người ngu, lúc cùng lúc đạt, khó mà giống nhau.
Luôn ngóng ngày hội ngộ đẹp đẽ với người xa cách nơi chân trời,
Ngâm xong thơ “Đình vân” trăng đã ngả về tây.

Toàn bài thơ chỉ một câu nói đến vùng giáp giới Chiêm Thành, nơi “hang hùm ổ rắn”. Phần còn lại tập trung vào việc an ủy Phạm công, cựu “Hành khiển tri Khu mật viện sự”. Khi đó, cụ Phạm đã trên 70 tuổi. Việc điều động lão thần ra mặt trận cho thấy nhân sự tại trung ương đã thay đổi nhiều. Quan viên mới tuyển qua các kỳ thi văn, võ hẳn chưa đủ chất lượng để đương đầu hiệu quả với công việc chuẩn bị kết tập đại quân đầy phức tạp. Cư dân phủ Tân Bình xen lẫn Chiêm và Việt, lòng trung thành luôn dao động giữa Thăng Long và Đồ Bàn. Nhà nho Phạm Sư Mạnh, dù tuổi thêm lên và chức vụ nhỏ lại, vẫn vui vẻ lên đường đến trị sở gai góc; đủ biết triều Trần đã xây dựng thành công đội ngũ nho thần sống đúng với lý tưởng mà họ đã nhiệt thành tiếp thu và truyền bá.

Phạm công phục vụ cuộc chiến cấp quốc gia cuối cùng do vua Trần trực tiếp cầm quân. Khoảng 7, 8 năm sau, ta thấy chỉ huy quân đội mang họ khác :

奉餞樞府西征行軍都總管黎公
前矛照日颭蒸沙,
遠略交暹役瓜哇。
萬里砲摧熊虎壘,
九桅船蹴渤溟波。
秦兵膽喪秋風鶴,
蔡將神驚雪夜鵝。
待報闍槃夷蟻垤,
泚洳椽筆作鐃歌。

phụng tiễn xu phủ tây chinh hành quân đô tổng quản lê công
Tiền mâu chiếu nhật triển chưng sa,
Viễn lược giao Tiêm dịch Qua Oa.
Vạn lý pháo thôi hùng hổ luỹ,
Cửu nguy thuyền thúc bột minh ba.
Tần binh đảm táng thu phong hạc (a),
Thái tướng thần kinh tuyết dạ nga (b).
Đãi báo Đồ Bàn di nghĩ điệt,
Thử như chuyên bút tác nao ca.

(a) Chỉ tình cảnh hoảng loạn của quân Tiền Tần dưới quyền Phù Kiên (337 – 385) sau trận thua Phì Thủy năm 383. Khi rút lui, quân Tần nghe gió gào, hạc kêu hay thấy cây cỏ lay động đều tưởng quân nhà Đông Tấn truy sát. Tướng Đông Tấn chỉ huy trận đánh tên Tạ Huyền (343 – 388).

(b) Thái tướng chỉ Ngô Nguyên Tế (783 – 817), quân phiệt cát cứ đất Hoài Tây. Tướng Đường Lý Tố (773 – 821) hành quân đánh Thái châu, trị sở Hoài Tây, vào đêm mưa tuyết. Đến gần mục tiêu, quân Đường khuấy động bầy ngỗng gần đó kêu vang để dấu tiếng động của đoàn quân di chuyển. Lý Tố vượt thành ngoài kéo quân đến trước phủ nha Nguyên Tế vẫn chưa hay. Họ Ngô bị bắt sau hai ngày kịch chiến.

Vâng mệnh vua đưa tiễn

Quan Xu phủ Tây chinh Hành quân Đô tổng quản họ Lê

Ngọn mâu tiên phong lấp lánh trong ánh mặt trời, hơi cát nóng phần phật,
Giao hảo với Tiêm, tuần thú Qua Oa là chiến lược lâu dài.
Vượt muôn dặm, dùng súng pháo phá tan luỹ gấu, cọp,
Dong thuyền chín cột buồm đạp sóng qua vụng, biển.
Binh Tần mất mật khi nghe tiếng hạc trong gió thu,
Tướng Thái châu thất kinh vì ngỗng kêu đêm tuyết.
Trông đợi tin gò kiến Đồ Bàn bị san phẳng,
(Để) Thấm đẫm ngòi bút viết khúc quân hành.

Hồ Quý Ly nhận chức tổng chỉ huy quân đội vào năm 1380 sau khi Đỗ Tử Bình cáo bệnh từ chối binh quyền. Năm 1387, Quý Ly được thăng Đồng Bình chương sự. Như vậy, bài thơ trên hẳn được làm giữa hai mốc thời gian trên.

Năm 1382, người Chiêm cướp Thanh Hóa, Quý Ly dẫn bộ binh chống giữ tại núi Long Đại (tức Hàm Rồng, huyện Đông sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Đa Phương dẫn thủy quân giữ cửa biển Thần Đầu. Trận này, quân Chiêm thất lợi trước mũi tiến công mạnh mẽ của hải thuyền dưới quyền Đa Phương, bị quân Trần truy đuổi đến Nghệ An.

Thừa thắng, mùa xuân năm 1383, nhà vua sai Quý Ly dùng các thuyền lớn mới đóng Diễm Dã, Ngọc Đột, Nha Tiệp đi đánh Chiêm Thành. Nhiều khả năng Nguyên Đán làm thơ tiễn Đô tổng quản tây chinh trong dịp này vì bài thơ bày tỏ tự hào về các chiến thuyền có chín cột buồm. Theo nội dung, Quý Ly không phải chống giặc xâm lăng, mà nhận nhiệm vụ tấn công thẳng vào kinh đô Đồ Bàn, đồng thời xác lập quan hệ với Tiêm và vùng đảo thuộc “miền dưới”.

Nước Tiêm đương thời, tức vương quốc Ayutthaya, đã phóng quyền lực lên các tiểu quốc đồng chủng Sukhotai và Lanna. Ngay cả Lan Xang (nay là Lào) cũng là chư hầu của Tiêm. Mặt khác, Ayutthaya tiến hành chiến tranh dài hạn trên thế mạnh với đế quốc Angkor, cựu bá chủ khu vực. Trong thực tế, Tiêm chính là thẩm quyền đáng kể nhất Đông Nam Á lục địa vào thời điểm này.

Qua Oa, tức vương triều Majapahit đang dưới quyền cai trị của vị vua lừng danh Hayam Wuruk (trị vì 1350 – 1389) với sự phù trợ của tể tướng Gajah Mada. Vương quốc quần đảo định đô tại Java và có cương giới gần trùng với địa vực của Indonesia hiện đại, bao gồm cả vùng đất là miền Nam Thái Lan và một phần Philippines hiện nay. Qua Oa là vương quốc hùng cường nhất Đông Nam Á hải đảo tính từ xa xưa đến năm 1383.

Tiêm và Qua Oa đều có thuyền đến buôn bán ở Vân Đồn. Cuộc ra quân lần này ngoài mục đích chiến tranh, dường như còn hướng đến việc tranh dành đầu mối thương mại với Chiêm Thành.

Nguyên Đán có vẻ tin tưởng vào các chiến thuyền cỡ lớn được trang bị pháo. Thuyền 9 cột buồm tức to bằng “bảo thuyền” Trịnh Hòa dùng đi sứ Tây Dương. Theo miêu tả, pháo trang bị trên thuyền có thể bắn tan thành lũy vững chắc. Hình như Nguyên Trừng đã sáng chế mẫu súng lớn mới, sức công phá mạnh, khiến triều Trần đang ở thế yếu đột nhiên chặn được Chế Bồng Nga năm 1382, nay lại chủ động tấn công vào kinh đô Chiêm. Đáng tiếc, thủy sư đến vùng biển nay thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình thì gặp bão, đội thuyền bị hư hại nên toàn quân phải quay về.

Chúng ta có thể tin rằng lực lượng hải quân nhà Trần rất đáng sợ khi có thuyền chiến lớn trang bị pháo hạng nặng. Ngay trong mùa hè năm 1383, Chế Bồng Nga phản công nhưng không bằng thủy quân như thường lệ mà bằng bộ binh. Rõ ràng, vua Chiêm muốn tránh đối đầu với loại vũ khí lợi hại mới xuất hiện trên mặt nước. Bồng Nga thành công trong việc đuổi Nghệ tông ra khỏi kinh thành nhưng việc đè bẹp quân Trần không còn dễ như các năm trước.

Đến năm 1389, Chiêm Thành lại đánh vào hương Cổ Vô, Thanh Hóa. Thủy quân Trần tiến vào sông để chặn địch. Người Chiêm ngăn dòng mé thượng lưu ngừa thuyền quân Trần tiến sát doanh trại, sau đó giả vờ rút lui. Bộ binh Đại Việt xuất phát truy kích, thủy quân cũng ngược dòng đuổi theo. Người Chiêm phá đập khiến thuyền Việt không tiến được, đồng thời tung voi ra đánh mạnh vào cánh quân bộ. Quân Trần thiệt hại nặng khiến Quý Ly bỏ trốn. Quân Chiêm thắng lợi khi thủy quân Đại Việt không tham chiến.

Nguyên Đán còn bài thơ khác để tiễn đưa Trần Ngạc, con trưởng Thượng hoàng Nghệ tông phụng mệnh vua chinh phục Chiêm Thành. Nếu căn cứ vào tước hiệu của Ngạc, dự đoán thời điểm sáng tác sẽ nằm trong khoảng từ 1388 là năm ông được phong Đại vương đến 1390 là năm Nguyên Đán qua đời. Tuy nhiên, từ 1388 đến 1390, Đại Việt không có cơ hội “chinh” Chiêm Thành; chỉ có việc quân Chiêm cướp Thanh Hóa vào tháng 10 ta năm 1389, tiến đến Đại Hoàng vào tháng 11 cùng năm khiến Nghệ tông phải sai Trần Khát Chân đi chống cự. Khát Chân giết được Bồng Nga vào đầu năm sau 1390.

送平西都督莊定大王
奉詔征占城

虬鬚仗鉞海西陲,
一痣闍槃指日犁。
貔虎三軍烏獲壯,
風雷八陣率然奇。
東平威望人皆服,
上宰勳名世共推。
震厲王庭歌凱奏,
老夫述頌繼淮碑。

Tống Bình tây Đô đốc Trang Định Đại vương phụng chiếu chinh Chiêm Thành
Cầu tu trượng việt hải tây thuỳ,
Nhất chí Đồ Bàn chỉ nhật ly.
Tỳ hổ tam quân Ô Hoạch (a) tráng,
Phong lôi bát trận Suất Nhiên (b) kỳ.
Đông Bình (c) uy vọng nhân giai phục,
Thượng tể huân danh thế cộng suy.
Chấn lệ vương đình ca khải tấu,
Lão phu thuật tụng kế Hoài bi (d).

(a) Ô Hoạch : võ sĩ hầu cận Tần Vũ vương (310TCN – 307TCN)

(b) Suất Nhiên : tên rắn trong truyện thần dị Trung Hoa. Khi đụng vào đuôi, đầu sẽ đến. Khi đụng vào thân, cả đầu lẫn đuôi cùng đến.

(c) Đông Bình : tức Đông Bình Hiến vương Lưu Thương (? – 83), con Hán Quang Vũ đế (6 TCN – 57). Ông nổi tiếng nhờ làm việc thiện.

(d) Hoài Bi : khi Tể tướng Bùi Độ dẹp yên vùng Hoài Tây, vua Đường Hiến tông (trị vì 805 – 820) ra lệnh cho Hàn Dũ làm bài văn bia ghi công gọi là bia Bình Hoài.

Tiễn Bình tây Đô đốc Đại vương Trang Định

phụng chiếu đánh Chiêm Thành

(Vị tướng) râu rậm cầm lưỡi việt hướng về biên thùy Hải Tây,
Việc phá hủy cái mụn cơm Đồ Bàn chỉ tính bằng ngày.
Ba quân hùm báo, hào hùng như Ô Hoạch,
Bát trận sấm gió, khôn lường tựa Suất nhiên.
Mọi người đều ngưỡng phục uy danh của Đông Bình,
Thế gian cùng tôn vinh công nghiệp quan Tể tướng.
(Khi) khúc ca chiến thắng được hát vang như sấm trước sân vua,
Lão phu sẽ noi theo bia bình Hoài mà làm bài tụng.

Trần Ngạc nhận chức Tư đồ năm 1375, được giao trông coi trấn Thái Nguyên.

Trong cuộc chinh Chiêm Thành năm 1377, Trần Ngạc chắc còn ở nhiệm sở vì sử chỉ chép Duệ Tông tử trận và người con của Thượng hoàng tên Trần Húc bị bắt khi quân Đại Việt tan vỡ.

Các năm 1377, 1378, 1380, 1382 đều có người Chiêm xâm nhập, Đại Việt lo cầm cự, không có cuộc hành quân nào hướng đến Đồ Bàn. Như vậy, gần như chắc chắn, bài thơ được Nguyên Đán tặng Trần Ngạc nhân dịp ông đại diện hoàng gia cùng Lê Quý Ly dẫn thuyền to súng lớn nam chinh năm 1383. Ba chữ “hải tây thùy”, biên giới Hải Tây tái xác nhận Ngạc đi bằng đường thủy. Nhà Trần gọi vùng duyên hải từ Thanh Hóa về phía Nam là Hải tây. “Đại Vương” chỉ là lời trân trọng tôn xưng khi ông còn mang tước vương bình thường. Chức vụ Bình Tây Đô đốc cho thấy Trần Ngạc là tổng chỉ huy trên danh nghĩa của đợt viễn chinh. Lê Quý Ly giữ chức Hành quân Đô tổng quản, chịu trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch tác chiến.

Lễ xuất quân hoành tráng, người tiễn đưa tin tưởng sức mạnh quân nhà. Kết quả lại là chuyến quay về nửa chừng do sóng gió làm hư thuyền. Dường như nguyên nhân không chỉ vì bão, Toàn Thư về sau tiết lộ Quý Ly và Trần Ngạc có vấn đề với nhau. Cuộc hành quân đầu voi đuôi chuột có thể là hậu quả của việc không thống nhất ý kiến giữa hai vị lãnh đạo. Nếu mâu thuẫn xảy ra trước, Nghệ tông chắc đã không cho hai người đi chung. Gây cấn chỉ nảy sinh trong cuộc trường chinh bất lợi. Sử sách không ghi nhận hai vị Trần-Hồ có tài năng quân sự hay chiến công lẫm liệt nào.

Năm 1388, Quý Ly có hiện tượng lộng quyền, Đế Hiện bàn với Trần Ngạc, đương chức Thái Úy, cách trừ khử họ Hồ. Việc bại lộ. Thượng hoàng nghe lời dèm của Quý Ly giết Hiện. Ngạc được gia tước Đại vương, có nghĩa ông sẽ không thể thay Hiện làm vua dù là con trưởng của Nghệ Tông. Năm 1391, thế họ Hồ ngày càng áp đảo, Trần Ngạc bỏ trốn đến trại Vạn Ninh (nay thuộc Quảng Ninh). Thượng hoàng cho người bắt về, Quý Ly ngầm lệnh cho tướng đạo quân Ninh Vệ Nguyễn Nhân Liệt sát hại ông.

KHÁC BIỆT GIỮA NGUYÊN ĐÁN VÀ NGHỆ TÔNG

Ngay sau khi phế Nhật Lễ để lên ngôi, Trần Phủ đã phát biểu quan niệm trị quốc, Toàn Thư ghi lại câu nói như sau :

“Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống, vì là nam bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc……..thật không kể xiết”(Toàn Thư II, 161).

Nguyên văn :先朝立國,自有法度不遵宋制蓋以南北各帝其國不相襲也大治間

白面書生用事不逹立法微意乃舉祖宗舊法恰向北俗上安排若衣服樂章之類不

可枚舉 (Toàn Thư IV, 241)

Tiên triều lập quốc tự hữu pháp độ bất tuân Tống chế cái dĩ nam bắc các đế kỳ quốc, bất tương tập dã Đại Trị gian bạch diện thư sinh dụng sự bất đạt lập pháp vi ý nãi cử tổ tông cựu pháp cáp hướng bắc tục thượng an bài nhược y phục nhạc chương chi loại bất khả mai cử.

Lời dịch có vẻ không chuyển được “vi ý” của người phát ngôn. Vua mới không nói nước nào làm chủ nước đó, ngài nói mỗi bên có bậc đế của riêng mình. “Nhạc chương” không hẳn chỉ là âm mà còn là lời hát dùng trong các bài nhạc lễ. Theo Nghệ hoàng, nhà Trần có phép cũ của tổ tông với luật pháp, chế độ khác với nhà Tống, và sự khác biệt có ý nghĩa sâu xa. Vậy điển lễ ấy như thế nào ?

“Tam giáo đồng nguyên” là hệ tư tưởng cơ bản lưu hành đương thời. Cơ cấu chính quyền và chương trình giáo dục đều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng đó. Nó thích hợp với xã hội bao gồm nhiều dân tộc và địa vực có văn hóa khu biệt của Đại Việt. Đây không phải sáng tạo của các hoàng gia phương Nam mà là bản sao của chính sách áp dụng dưới đời Đường, khi dân tộc Hoa Hạ được cai trị bởi gia đình pha dòng máu rợ Hồ. Hệ tư tưởng này mềm dẻo, tương tự Tam giáo nhà Đường dung nạp cả Hồi giáo và Cảnh giáo, Tam giáo Lý Trần dung nạp cả tín ngưỡng bản địa và một số yếu tố văn hóa Chăm-Khmer.

Nguyên Đán với tư cách một vị quan, ngưỡng mộ tư tưởng Tống Nho đang trên đà phát triển. Nho học cách tân tạo niềm xác tín mới mẻ và say mê trong lớp trí thức. Cụ Trần đồng quan điểm với các nho sĩ thuộc trường phái Chu An, chủ trương Nho thuật độc tôn. Việc Ông gả hai con gái cho hai nhà nho khác họ là hành vi chống báng qui tắc của một hoàng gia vốn xem nho học chỉ là một thành tố của, chứ không phải là tất cả, hệ tư tưởng dựng nên vương triều.

Các vua Trần trị nước theo mô hình gợi nhớ hệ thống quận-quốc đời Hán, tuy nhiên, quan hệ giữa vị vua ngự trị tại Thăng Long với vương hầu hay các thủ lĩnh địa phương còn đậm chất bản địa (10); ngược lại, nho gia muốn tất cả người dân đều phải trực tiếp chịu sai dịch, thuế má của triều đình thông qua bộ máy thư lại. Nghệ Tông bận mối hận với Chiêm Thành mà xa hơn là mục tiêu tranh dành thương mại trên biển Đông; Nguyên Đán lại tài tình tao nhã xem việc binh là gánh nặng thô lỗ.

Hai lĩnh vực bị thay đổi nhiều dưới niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369) là y phục và nhạc chương khiến Nghệ tông phải nêu lên cụ thể.

Về y phục, Trần Quang Đức cho rằng ảnh hưởng văn hóa của nhà Tống đến Đại Việt vào thời Trần đã mờ nhạt so với thời Tiền Lê và Lý. Sau cải cách của Trần Anh tông, quan phục phương Nam có đặc điểm riêng chứ không theo sát mô hình Tống. Chỉ dưới đời Dụ tông (1341 – 1369), ý kiến của các đại thần học trò Chu Văn An mới trở nên mạnh mẽ và tác động đến việc cập nhật quan phục theo hướng Tống hóa quá mức (11).

Về nhạc chương, các vua Trần đều sùng đạo Phật nên dễ đoán rằng đại nhạc, cả thanh điệu, lời ca và nhạc khí, chịu ảnh hưởng từ nhà chùa. Đại nhạc đời Trần hẳn rất khác nhạc phương Bắc vì Lê Tắc còn ghi rõ trống cơm xuất xứ Chiêm Thành hiện diện trong dàn nhạc (12). Sửa đổi thời Đại Trị chủ trương bởi hai thư sinh Lê – Phạm dĩ nhiên đã loại trừ các yếu tố phi nho, thường cũng là phi Hoa, khiến Nghệ tông bất bình. Tranh luận về thiết chế nhạc cung đình kéo dài suốt thời gian Đại Việt chuyển đổi từ mô hình tam giáo sang mô hình nho giáo. Mãi đến thời Hậu Lê, chúng ta còn thấy nhà nho Nguyễn Trãi chỉ trích hoạn quan Lương Đăng về việc dùng 108 tiếng chuông báo hiệu vua ra chầu vì đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. (Toàn Thư II, 370).

Nghệ tông, với bản tính ngại thay đổi, tránh trực diện khó khăn, dĩ nhiên cần một tay hảo hán như Hồ Quý Ly hơn là một học giả như Nguyên Đán.

Trong lĩnh vực trị quốc, tầm vóc Nguyên Đán hiển nhiên không thể so với tầm vóc Nghệ tông. Ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp là hệ thống được lập nên đó phù hợp với mọi cộng đồng dân cư sinh sống trong lãnh thổ vương quốc. Chính “tam giáo đồng nguyên” đã tạo cơ sở chính trị cho sự tồn tại lâu dài của hai triều đại Lý Trần. Trong bầu khí quyển đa nguyên văn hóa, các sắc tộc, các địa phương, các tầng lớp xã hội đều tìm thấy không gian thoải mái của riêng mình. Nhà Hậu Lê tiếp sau, dù vận dụng rất thành công học thuyết Tống Nho, đưa Đại Việt lên tầm phát triển mới dưới ánh sáng Nho học, đã không tồn tại lâu bền vì đã tạo ra khoảng cách cứng nhắc giữa tầng lớp cầm quyền khuôn sáo và đông đảo bình dân sau lũy tre luôn hướng về cuộc sống có nhiều chọn lựa hơn.

Nghệ tông rất minh mẫn khi tư duy về định chế của vương quốc, nhưng dường như rất uể oải trong thực thi hoàng quyền. Ông thường đặt gánh nặng lên vai người dưới. Với sự ủng hộ gần như mù quáng của Nghệ tông, Hồ Quý Ly dần dà nắm hết mọi công việc quan trọng của triều đình. Người hoàng tộc như Nguyên Đán, trớ trêu thay, ngày càng ít việc.

奉賡御製黃梅即事
浮世年花催白髮,
故園松竹笑儒冠。
鳳池此日無多事,
坐看松陰轉畫欗。

phụng canh ngự chế “hoàng mai tức sự”
Phù thế niên hoa thôi bạch phát,
Cố viên tùng trúc tiếu Nho quan.
Phượng trì thử nhật vô đa sự,
Tọa khán tùng âm chuyển họa lan.

Phụng mệnh họa vần bài thơ “Hoàng mai tức sự” của nhà vua

Dòng đời xuôi chảy, mùa hoa tết thôi thúc thêm tóc bạc,
Thông trúc vườn xưa cười nhạo mũ nhà Nho.
Tòa Trung thư nay không còn nhiều việc,
Ngồi nhìn bóng tùng ngả về hàng lan can chạm trổ.

Bài thơ không còn hào khí của những ngày Nguyên Đán tham gia tổ chức các cuộc thi văn-võ năm 1374, tức thời “trung hưng thịnh thế”. Khó có thể hiểu rằng bài thơ được sáng tác lúc đất nước thái bình, nhà cầm quyền chỉ “thùy thường trị”; vì ở đây, Nguyên Đán cảm thấy mệt mỏi già nua, muốn quay về quê cũ. Bài thơ phải được sáng tác lúc Ông gần nghỉ hưu, khoảng 1380 – 1385, khi Hồ Quý Ly chói sáng trên chính trường Trần mạt. Đây chính là lời nhắc khéo của Nguyên Đán gửi đến Phế đế về tình trạng quyền lực đang tuột dần khỏi bàn tay của gia tộc Trần.

Lời lẽ tác phẩm trên còn nhẹ nhàng, khơi gợi. Qua bài thơ dưới đây, Nguyên Đán nói rõ tình cảnh làm quan “bên lề”, Ông nhấn mạnh sự “bên lề” của một đại thần thuộc họ vua.

答梁江納言病中
南陸催纏歲不留,
泠汀病骨隱輕裘。
酒瀾歌罷談人苦,
菊老梅新玩物尤。
自笑浮沉無計術,
何曾吐茹痛襟喉。
依阿涉世徒為耳,
白首宗臣不與謀。

Đáp Lương Giang (a) Nạp ngôn bệnh trung
Nam lục (b) thôi triền tuế bất lưu,
Linh đinh bệnh cốt ẩn khinh cừu.
Tửu lan (c) ca bãi đàm nhân khổ,
Cúc lão mai tân ngoạn vật vưu.
Tự tiếu phù trầm vô kế thuật,
Hà tằng thổ nhự (d) thống khâm hầu.
Y a thiệp thế đồ vi nhĩ,
Bạch thủ tông thần bất dự mưu.

(a) Lương giang Nạp ngôn : có lẽ là Lê Quát, người Thanh Hóa.

(b) Nam lục : Nam đẩu lục tinh, 6 vì sao tượng trưng cho sự sống hay cuộc sống. “Nam lục thôi triền” ý nói việc đời bận bịu.

(c) Lan : chép nhầm, ở đây dịch theo nghĩa từ “lan ”.

(d) Thổ nhự : thành ngữ “Cương tắc thổ nhu tắc nhự”, cứng thì nhả mềm thì nuốt. Phiên bản tiếng Việt là “Mềm nắn rắn buông”. Chỉ lối ứng xử tiểu xảo, thủ đoạn vặt.

Đương bệnh, trả lời quan Nạp ngôn ở Lương giang

Sáu vì sao Nam Đẩu vấn vít thúc giục, thời gian không ngừng lại.
Bộ xương khô héo, vật vờ dưới lớp áo cừu nhẹ.
Rượu tàn, ngâm dứt, (chính lúc) bàn đến nỗi khổ của kiếp người,
Thưởng ngoạn vưu vật (chỉ gồm) cúc già, mai mới.
Tự cười mình phải chịu cảnh chìm nổi (vì) chẳng có mưu thuật gì,
Từng nhả nuốt bao giờ mà lại đau cổ họng !
Chỉ còn cách dựa cột để sống qua thời mà thôi.
(Vì) người bầy tôi già thuộc hoàng tộc không tham gia bàn sách lược.

Nguyên Đán đã bị đẩy ra khỏi nhóm điều hành của vương quốc, Ông không còn cơ hội thưa thốt cùng vua hay thượng hoàng nên đành dựa cột mà nghe ! Lời lẽ dù nhẹ nhàng vẫn cho thấy sự cạnh tranh quyền lực trong cung đình mà tác giả là nạn nhân vì thiếu mưu mô thủ đoạn. Ông phải chịu điều tiếng về những việc mình không làm. Thất thế lúc tuổi già bệnh hoạn, Nguyên Đán ngả về Đạo giáo rõ rệt để tìm giải thoát.

Trong một dịp Trùng cửu, Nguyên Đán đã đón con rể Ứng Long đến nhà dự tiệc bằng bài thơ như sau :

九月有人來訪同作
戟下髯奴掣警鈴,
出門喜接子衿青。
娛顧托花迷院,
習靜時觀草滿庭。
博帶寬衣身已老,
高車駟馬夢初醒。
一杯強醉酬佳節,
不管蒹葭白露零。

Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tác
Kích hạ nhiêm nô xiết cảnh linh,
Xuất môn hỉ tiếp tử khâm thanh.
Tự ngu cố thác hoa mê viện,
Tập tĩnh thời quan thảo mãn đình.
Bác đới khoan y thân dĩ lão,
Cao xa tứ mã mộng sơ tinh.
Nhất bôi cưỡng tuý thù giai tiết,
Bất quản kiêm hà bạch lộ linh.

Tháng chín có người đến thăm, cùng làm thơ

Dưới cửa kích, người nô bộc râu ria kéo chuông hiệu,
Ra cửa mừng đón chàng áo xanh.
Tự tìm vui, trông nom bày biện bông hoa khắp phòng,
Quen tĩnh lặng, thường nhìn ngắm cây cỏ đầy sân.
Thân đã già, (khoác) áo chùng đai rộng.
Mộng vừa tỉnh, (mặc) ngựa tứ xe cao.
Đền đáp tiết đẹp, gắng say qua một cốc rượu,
Chẳng quan tâm đến móc trắng rơi trên lau sậy.

Nguyên Đán dùng bài ca Kiêm Hà, Tần phong, kinh Thi (a) để diễn tả khoảng cách giữa Nghệ tông và vị tân Tiến sĩ con rể, nhân vật theo ông là bậc hiền tài. Tiếc thay, hai cha con phải dùng rượu mới bỏ qua được nỗi nhức nhối ấy.

(a) Trích đoạn nguyên văn : “Tố hồi tòng chi, đạo trở thả tê. Tố du tòng chi, uyên tại thủy trung trì 遡洄從之,道阻且躋.遡遊從之,宛在水中坻.” : Ngược dòng tìm ai, đường hiểm lại dốc. Xuôi dòng tìm ai, chỉ thấy bóng người phảng phất trên cồn.

Nhà nho Ứng Long tường thuật buổi tiệc như sau :

九月冰壺相公席上
蓬鬢瀟瀟黑帽沙,
隨風曉入相公家。
人生百歲重陽幾,
秋色三分九月多。
就解愁中應有酒,

得行樂地可無花。

Cửu nguyệt
Băng Hồ tướng công tịch thượng

Bồng mấn tiêu tiêu hắc mạo sa,
Tùy phong hiểu nhập tướng công gia.
Nhân sinh bách tuế trùng dương kỷ,
Thu sắc tam phân cửu nguyệt đa.
Tựu giải sầu trung ưng hữu tửu,

Đắc hành lạc địa khả vô hoa.

茫然一醉酬佳節,
長笑西風發浩歌 !

Mang nhiên nhất tuý thù giai tiết,
Trường tiếu tây phong phát hạo ca !
Tháng chín, trong bàn tiệc của tướng công Băng Hồ

Vầng khăn đen che bớt tóc mai bù rối phất phơ,
Theo gió vào nhà Tướng công lúc sáng sớm.
Đời người trăm năm, thưởng tết Trùng dương được mấy lần ?
Màu thu ba phần, tháng chín là đậm nhất.
Lúc gấp gáp giải sầu, cần có rượu !
Được nơi vui vẻ, lẽ nào thiếu hoa ?
Một cơn say túy lúy đáp đền tiết đẹp,
Cất tiếng hát vang cười cợt gió thu.

Bóng của Đào Tiềm (365 – 427) tỏa rợp tâm tư hai vị. Ngày nay, người Việt hiện đại không mừng tết trùng cửu dù nhà khá giả. Lê Tắc qua An Nam Chí lược ghi nhận giới quý tộc Trần có ăn tết này nhưng không đề cập đến sự tham gia của giới bình dân. Điều đó thể hiện chất “Bắc” trong hoàng gia. Khác biệt giữa thành viên họ Trần với dân địa phương không chỉ ở phong tục lễ hội, sứ nhà Nguyên từng tưởng nhầm ông hoàng Trần Nhật Duật là người Chân Định (nay thuộc Hà Bắc, Trung quốc) do ngoại hình và giọng nói (Toàn Thư II, 128).

Cùng là đồ đệ Trình Chu, Nguyên Đán và Ứng Long cảm thông nhau sâu sắc. Cụ nhạc cay đắng vì chàng rể công danh lận đận đã thốt lời bạo dạn : “chẳng quan tâm” đến thái độ Thượng hoàng ! Ứng Long cứng cỏi, xem thường gió thu se sắt. Cụ Trần là “tông thần”, nhưng văn tự như vậy mà tránh được vạ vào thân thì thật kỳ diệu.

Nhiều thi phẩm của Ông hé lộ cảm giác cô độc, vô dụng. Bài thơ dưới đây thể hiện tâm trí nặng nề khi Nguyên Đán không còn vào chầu vua thường xuyên.

老來
老來萬事付悠然,
待漏霜靴亦可憐。
秋晚魚蝦思海上,
家貧兒女樂燈前。
塵迷病眼書難讀,
酒滯愁腸夜不眠。
不學五陵年少氣,
夢間勁弩響空絃。

Lão lai
Lão lai vạn sự phó du nhiên,
Đãi lậu sương ngoa diệc khả liên.
Thu vãn ngư hà tư hải thượng,
Gia bần nhi nữ lạc đăng tiền.
Trần mê bệnh nhãn thư nan độc,
Tửu trệ sầu tràng dạ bất miên.
Bất học Ngũ Lăng niên thiếu khí,
Mộng gian kình nỗ hưởng không huyền.

Già đến

Già đến, mọi sự buông mặc thế cuộc dài dằng dặc,
Đôi ủng đi sương để chờ buổi chầu trông thật đáng thương.
Mùa thu sắp qua, cá tôm nhớ biển lớn,
Nhà túng nghèo, con cái vẫn vui vẻ trước đèn.
Mắt đã đau, thêm mờ bụi trần nên khó đọc sách,
Dạ vốn buồn, rượu lại không ngấm khiến đêm trằn trọc.
Chẳng theo nổi phong cách bọn thiếu niên ở Ngũ Lăng.
(Nên) Tiếng bật dây không của nỏ cứng vang cả vào giấc mơ.

Cảm giác ngậm ngùi khi nhìn đôi hia thường đưa Ông đến trung tâm quyền lực thực sự không nhẹ nhàng. Nó đau xót ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ qua hai câu thơ 3, 4 dẫn dắt đến tâm tình người xưa. Đào Tiềm nhận thấy quan trường là chỗ chật hẹp nên từng xác nhận “Trì ngư tư cố uyên” (池魚思故淵), Cá trong ao nhớ vực sâu cũ. Khác biệt quan điểm với nhà vua (hay Thượng hoàng) khiến Nguyên Đán thấy triều đình không còn là chỗ của mình, Ông nhớ lại nơi sắc tộc hạ bạn từng phiêu du thời xa xăm : vùng biển lớn. Gợi ý từ câu 4 càng nhiều trọng lượng khi so sánh nỗi buồn bị ruồng rẫy, bệnh hoạn với cảm giác sau buổi đi trẩy mộ của Cao Cúc Khanh “Dạ quy nhi nữ tiếu đăng tiền” (夜歸兒女咲燈前), Đêm về, con cái vui cười trước đèn. Sự vô tư của con trẻ càng khiến hai người cha thêm hụt hẫng. Phải chăng bệnh tật, bất lực dẫn dắt Ông nghĩ đến cái chết ? Thực sự là Ông có ý nghĩ đó, giải bày trong “Sơn trung ngẫu thành” (山中偶成), bài thơ chúng ta sẽ chú ý đến trong phần tiếp theo.

Uyên Minh luôn là người bạn tinh thần quý giá với giá trị chân phác đến từ tùng, cúc, vong ưu (rượu). Tuy nhiên, cụ Đào vẫn may mắn hơn Ông. Khi rượu vào, Uyên Minh thình lình thấy núi Nam chợt đến. Rượu Đào Tiềm lan tỏa sự an lạc. Rượu Nguyên Đán đọng lại, không thấm vào máu để chủ nhân thăng hoa.

Cảnh nghèo của vị thượng tể nói lên nhiều điều. Một là, Ông không lợi dụng địa vị để thu vén. Hai là, gánh nặng chiến tranh không chỉ đè lên vai giới bình dân. Sự điêu tàn sinh ra từ động loạn chẳng buông tha ai. Thật khác với giai đoạn 1371 – 1376, kinh tế thịnh vượng giúp Nguyên Đán đủ sức khai hoang, dựng biệt thự ở Côn Sơn. Nhưng thời nào cũng vậy, chính chiến tranh mang lại giàu có cho số ít người. Những người đó vẫn nhởn nhơ bình thản. Dưới mắt Lý Bạch, bọn trẻ Ngũ Lăng nhởn nhơ cưỡi ngựa trắng đóng yên bạc, dẫm hoa rơi hướng đến quán rượu có “tiếp viên” người Tây Vực. Dưới mắt Bạch Cư Dị, họ nhởn nhơ thưởng cho ca kỹ vô số lụa hồng để nghe khúc nhạc hay. Ở địa vị Tư đồ, xu thời chắc cũng dễ dàng đối với Nguyên Đán. Nhưng Ông là người muốn tạo thời cuộc chứ không chạy theo thời cuộc. Ông lặng lẽ trả giá bằng sự nghiệp của mình.

Bài thơ tiếp theo dưới đây có vẻ được làm ra nhân dịp con rể Ứng Long đến Côn Sơn thăm tác giả. Bốn câu đầu miêu tả chung chung tâm trạng và phong cảnh, bốn câu sau mới thật sự giải bày điều sâu kín trong lòng.

山中偶成
長安紫陌厭輕肥,
好向崟山閉隱扉。
乾葉耳喧風北起,
虛庭目送日西歸。
誰將綠鬢逢青眼,
笑把黃花待白衣。
眾醉我醒皆自可,
殺身沽譽屈原非。

sơn trung ngẫu thành
Trường An tử mạch yếm khinh phì,
Hảo hướng dần sơn bế ẩn phi.
Can diệp nhĩ huyên phong bắc khởi,
Hư đình mục tống nhật tây qui.
Thùy tương lục mấn phùng thanh nhãn,
Tiếu bả hoàng hoa đãi bạch y.
Chúng túy ngã tinh giai tự khả,
Sát thân cô dự Khuất Nguyên phi.

Bài thơ ngẫu nhiên làm được khi ở trên núi

Chán khoác áo cừu nhẹ, cưỡi ngựa béo rong ruổi trên đường tía Trường An,
Thích quay về núi cao, khép cánh cửa lánh đời.
Lá khô xào xạc bên tai, biết gió bắc nổi,
Sân trước mắt thoáng đãng, ngắm mặt trời ngả về tây.
Ai xui tóc biếc gặp gỡ mắt xanh ?
Cầm hoa vàng tươi cười đợi áo trắng.
(Dẫu) cả đời say mình ta tỉnh, phải tự thích nghi !
Khuất Nguyên sai lầm khi hủy mình để mua tiếng khen.

Hai câu 5, 6 đều nhắc đến điển tích “người mang rượu đến với người”. Các nhân vật ít nhiều toát lên phong thái thoát tục. Kê Khang (233 – 262) đem rượu và đàn tới viếng, Nguyễn Tịch (210 – 263) mừng bằng mắt xanh. Đào Tiềm (365 – 427) hái cúc mong có “vong ưu” để ngâm, Vương Hoằng (379 – 432) chợt xách rượu ghé chơi lúc đương mặc áo trắng. Nguyễn Ứng Long hẳn đã nách vò rượu đến thăm nhạc phụ tại Côn Sơn. Ông Nguyễn có bài “Du Côn Sơn” rất thanh nhã. Câu 5 ngoài ý mừng khách còn nhắc lại việc nhận con rể như mối duyên kỳ ngộ. Duy có hạt sạn là hai từ “Thùy” và “Tiếu” ở đầu câu 5, câu 6 không đối nhau. Ngờ rằng bản hiện lưu hành không còn đúng nguyên tác.

Câu 7 là ý người dân chài khuyên can Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN) khi nhà thơ lâm hoàn cảnh cùng quẫn, cũng là lời tự dằn vặt của ông trước khi chọn kết cục buồn thảm. Nguyên Đán ủng hộ quan điểm này. Nhưng cụ hơi quá lời khi qui chụp người xưa lấy cái chết để mua danh.

Nguyên Đán có lý do để tự so sánh mình với vị danh nhân cổ đại. Khuất Nguyên là đại thần thuộc hoàng thất Sở. Sở Tương vương thay vì lắng nghe lời can gián từ vị trung thần, lại đày Linh Quân ra hoang địa. Đương thời, họa vong quốc của Sở trước Tần đã hiển hiện. Hoàn cảnh cụ Trần giống vậy, nhưng ít bức bách hơn. Nghệ tông chỉ lãnh đạm với vị tông thần khiến cụ chán nản mà bỏ cuộc. Xung đột với Chiêm Thành chỉ ở mức bên tám lạng bên nửa cân. May mắn là Nguyên Đán có niềm tin vững chãi vào Đạo Học. Có lẽ cụ thản nhiên chấp nhận cảnh “Tục nhân sát sát, ngã độc hôn hôn” (俗人昭昭,我獨昏昏), Người đời sáng rỡ, mình ta tối tăm (Chương 20). Nhờ vậy, cụ to tiếng vượt qua bế tắc.

Không bảo toàn được quyền lực dòng họ, sau cùng, Nguyên Đán phải tìm cách bảo vệ gia đình mình. Ông chọn cách làm thông gia với Hồ Quý Ly để tránh cuộc tàn sát chắc chắn xảy ra nếu họ Hồ soán ngôi. Nhờ vậy, Ứng Long được họ Hồ nâng đỡ nhiều. Ngay khi Nghệ tông nằm bệnh, Ứng Long đã tham gia vào sự vụ ngoại giao khó khăn với nhà Minh. Thời điểm đó, Hồng Võ cấm An Nam sang cống vì tội hại chết Phế đế. Nghệ tông băng, Ứng Long lại được cử sang Nam Kinh báo ai. Ông thăng tiến rất nhanh. Theo ghi chép của kẻ xâm lược, Nguyễn Phi Khanh đầu Minh với chức vụ Đại Lý Tự khanh, tức hàng tam phẩm. (13)

TRẦN NGUYÊN ĐÁN VÀ TAM GIÁO

Trần Nguyên Đán là nhà nho chính thống. Hoạt động cùng tâm cảm của vị quan nho học thể hiện trong hầu hết các tác phẩm còn truyền. Chính ông cũng khẳng định lựa chọn của mình khi tự ý rời bỏ chức vụ ở đài Ngự sử : “Nho phong bất chấn hồi vô lực” (儒風不振回無力), Ông sẽ gửi mình chốn sông hồ nếu phong hóa đạo Nho không được chấn hưng. Nói cách khác, Ông chỉ thích làm quan trong môi trường nho thuật được tôn trọng.

Về Phật giáo, chúng ta có thể phân tích cảm xúc tế vi của Nguyên Đán qua hai bài thơ đề vịnh chùa và tháp dưới đây :

題普賴山大明寺
用少保張公韻

塵起絲紛歲月流,
飽帆風送倘來遊。
鍾撞鯨吼千山動,
塔湧鰲簪巨浪浮。
關明塞煙悲客思,
朝雲暮雨羨僧幽。
平淮勳業鐫崖石,
俯鑑清漪未白頭。

Đề Phả Lại sơn Đại Minh tự
dụng Thiếu bảo Trương công vận

Trần khởi ti phân tuế nguyệt lưu,
Bão phàm phong tống thảng lai du.
Chung tràng kình hống thiên sơn động,
Tháp dũng ngao trâm cự lãng phù.
Quan nguyệt tái yên bi khách tứ,
Triêu vân mộ vũ tiện tăng u.
Bình Hoài huân nghiệp tuyên nhai thạch,
Phủ giám thanh y vị bạch đầu.

Dùng vần của ông Thiếu bảo họ Trương

đề chùa Đại Minh, núi Phả Lại

(Cuộc đời) bụi bặm rối rắm, năm tháng trôi qua,
Buồm căng, gió đưa tiễn cuộc đi chơi ngoài mong đợi.
Chuông ngân như cá kình rống lay động nghìn ngọn núi,
(Núi có) tháp vươn cao trông tựa con ngao cài trâm bơi trên sóng to.
Trăng cửa ải, khói biên cương xui lòng khách u buồn,
Mây buổi sớm, mưa ban chiều, khiến cảnh thiền yên tịnh càng đáng mộ.
Công lao bình định Hoài tây đã được khắc vào vách núi,
Cúi soi làn sóng trong veo, thấy đầu chưa bạc !

Núi Phả Lại nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thực tế chỉ là ngọn đồi thấp, cao khoảng hơn 30m. Chùa xưa trên núi mang tên Chúc Thánh, có thể chính là Đại Minh tự. Hiện tại, địa điểm cũ đã trở thành khu dân cư, dấu vết kiến trúc cổ hầu như mai một.

Thời Trần có vị nho tướng Trương Hán Siêu (? – 1354), khi qua đời được truy phong Thái Bảo, đến năm 1363 lại truy thăng Thái Phó (Toàn Thư II, 144, 152). Ở đây, Nguyên Đán lại nhắc đến Thiếu Bảo Trương công. Thái Bảo Trương Hán Siêu và Thiếu Bảo Trương công là hai người khác nhau hay chỉ là một ? Chúng ta có thể đi đến kết luận tương đối vững chắc khi xét tác phẩm “Dục Thúy sơn” (14) của Nguyễn Trãi, cháu ngoại Nguyên Đán. Bốn câu cuối bài thơ luật ngũ ngôn đó như sau

塔影簪青玉,
波光鏡翠鬟。

有懷張少保,

碑刻蘚花斑。

Tháp ảnh trâm thanh ngọc,
Ba quang kính thúy hoàn.
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo,
Bi khắc tiển hoa ban.
Bóng tháp như chiếc trâm bằng ngọc xanh,
(Cắm trên) búi tóc biếc (là) hình ảnh quả núi soi xuống dòng sông.
Chợt nhớ Thiếu bảo họ Trương,
Bia khắc đã loang lổ hoa rêu.

Trương Hán Siêu về nghỉ hưu tại núi Dục Thúy, sau khi qua đời, dân địa phương lập đền thờ Ông tại cùng địa điểm. Qua thơ đề cảnh, Ức Trai gọi cụ Trương là Thiếu Bảo. Như vậy quan Thiếu Bảo họ Trương chính là cụ Hán Siêu vậy. Dù Toàn Thư không ghi chép thời điểm cụ được ban chức này, song có thể hiểu rằng đây là chức cụ đảm nhiệm khi còn sống.

Chùa Phả Lại nổi tiếng từ thời Lý. Lê Tắc trong An Nam Chí lược ghi nhận hai vị sư Không Lộ và Giác Hải đã sang Tống xin đồng về đúc hai quả chuông, một lớn một nhỏ, để ở chùa Phả Lại. Không lâu sau, quả chuông lớn bị lăn xuống sông, còn quả chuông nhỏ vẫn tồn tại đến thời Lê Tắc viết sách (khoảng thập niên 1330). Qua thơ Nguyên Đán, ta biết được dù là chiếc chuông nhỏ hơn, tiếng vang của nó vẫn đủ sức lay động nghìn ngọn núi.

Trước Nguyên Đán, nhà thơ Nguyễn Sưởng (? – ?), hội viên thi xã Bích Động sáng lập bởi Trần Quang Triều (1286 – 1325), từng đề thơ ở chùa. Mãi đến thời Lê, Thánh tông (1442 – 1497) và Thái Thuận (1441 – ?) còn có thơ nhắc đến tiếng chuông vang rất xa của Phả Lại. Trương Hán Siêu (? – 1354) hẳn cũng lưu thơ tại danh thắng này, bài thơ mà Nguyên Đán đã mượn vần. Rất tiếc, sưu tập thơ văn cụ Trương còn đến nay, không giữ được bài luật nào theo bộ vận lưu-du-phù-u-đầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mơ hồ thấy cách dụng vận đó trong Bạch Đằng giang phú của Thăng Phủ.

Nãi cử tiếp hề trung lưu,
Túng Tử Trường chi viễn du.
Thiệp Đại Than khẩu, tố Đông Triều đầu
Để Bạch Đằng giang, thị phiếm thị phù (15)
Đại Than là bến thuyền ngay chân núi Phả Lại.

Trăng nhợt nhạt, biển trời mây khói. Quang cảnh kỳ vĩ và thanh âm hùng tráng khiến Nguyên Đán sinh lòng ngưỡng mộ không gian tịch mịch của nhà chùa. Giữa cảnh tiên, Nguyên Đán nhớ đến huân nghiệp của Trương Hán Siêu, một nhà nho tiền bối. Cần để ý, nhà thơ không bày tỏ cảm xúc nào liên quan đến Phật. Tiếng chuông đủ lực lung lay nghìn núi, nhưng không đủ đánh thức tuệ giác cụ Trần.

Xa hơn sự thiếu quan tâm đạo Phật diễn đạt bên trên, “Bảo Nghiêm tháp” phô bày tình cảm tiêu cực của cụ Trần đối với tôn giáo truyền thống :

寶嚴塔
九層倚漢築堅牢,
萬古靈蹤佛骨韜。
晚日光臨奎畫動,
夜風吹起鐸聲高。
三摩地上簪蒼玉,
那舍城中湧白毫。
一笑無懮粧七寶,
龍蛇追琢役民勞。

Bảo Nghiêm tháp
Cửu tằng ỷ hán trúc kiên lao,
Vạn cổ linh tung Phật cốt thao.
Hiểu nhật quang lâm khuê hoạch (a) động,
Dạ phong xúy khởi đạc thanh cao.
Tam ma địa thượng trâm thương ngọc,
Na xá thành trung dũng bạch hào.
Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo,
Long xà đôi trác dịch dân lao.

(a) Khuê hoạch 奎畫 : những nét vạch giữa các vì sao thuộc chòm sao Khuê, tượng trưng cho văn tự. Có vẻ quá cầu kỳ, nghi là do đọc-nghe-chép nhầm. Thiển ý, “khuê hoạt 圭活”, diễn tả các vật trang trí bằng ngọc khuê thì thỏa đáng hơn.

Tháp Bảo Nghiêm

Chín tầng cao vút trời, cấu trúc kiên cố,
(Là) nơi cất giữ xương Phật, di vật thần diệu muôn đời.
Nắng sáng soi xuống, nét sao khuê như lay động,
Gió đêm nổi lên, tiếng chuông lắc vang cao.
(Trông tháp như) chiếc trâm ngọc xanh cài trên cõi thanh u,
Như ngọn bút trắng vút cao trong thành Na xá.
Buồn cười việc đem thất bảo điểm trang chùa tháp,
Chạm trổ, dũa mài hình rồng rắn khiến dân lao nhọc.

Tương truyền, sư Huyền Quang (1254 – 1334) xây tháp Bảo Nghiêm 9 tầng trang trí hình hoa sen tại địa điểm nay là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tháp hiện không còn.

Cảm hứng hình thành hai câu 3 và 4 vốn xuất phát từ đoạn văn rất đẹp trong “Lạc Dương già lam ký” (洛陽伽藍記) của Dương Huyễn Chi 楊衒之 (thế kỷ V). Họ Dương thuật chuyện Bồ Đề Đạt Ma, người Ba Tư, đã vượt sa mạc đến Trung nguyên và nhìn thấy cảnh tháp gỗ chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương như sau :

Đi từ biên viễn hoang vu đến rong chơi trung thổ. Bắt gặp mâm vàng rực rỡ dưới mặt trời, ánh sáng chiếu lòa mây. Chuông lắc quý giá lộng gió, tiếng ngân vọng tận cuối trời.

Nguyên văn : 起自荒裔來遊中土見金盤炫日光照雲表寶鐸含風響出天外. (16)

Khởi tự hoang duệ lai du trung thổ kiến kim bàn huyễn nhật quang chiếu vân biểu bảo đạc hàm phong hưởng xuất thiên ngoại.

“Bàn” hay “lộ bàn” chỉ những mâm hay đĩa tròn hợp thành nhiều nấc trên đỉnh tháp. Mâm-đĩa tháp Vĩnh Ninh được mạ vàng nên gọi là “Kim bàn”.

clip_image002

Tháp Sanchi ở Ấn độ với 3 lớp lộ bàn trên đỉnh.

http://www.buddhanet.net/sanchi.htm

Đối tượng của ánh ban mai phải là vật phản chiếu lấp lánh, không thể là vì tinh tú khó nhìn thấy khi mặt trời đã rạng. “Nét sao khuê” có lẽ diễn tả các bảng chữ mạ vàng trên tháp.

Đối tượng của gió đêm phải là vật dễ lay động, phát ra âm thanh. Ở đây, tương tự “bảo đạc” lộng gió trên tháp Vĩnh Ninh, những chuông lắc đón gió kêu vang. Nếu hiểu “đạc” là cái mõ, về nghĩa không sai, nhưng về ý thì nhầm lớn.

“Tam ma địa”, phiên âm từ Sanskrit “Samadhi” chỉ tâm cảnh đại định của người tu hành. Ở đây, từ này miêu tả không gian thanh tịnh của nhà chùa. Nơi mọi người đều xuống tóc, nhìn ngọn tháp như chiếc trâm thì cụ Trần thật vô tình.

“Na Xá thành”, ngờ là phiên âm thời Trần của từ Pali “Rajagaha” mà nay thường được dịch thành “Vương Xá” hoặc phiên thành “La Duyệt”. Rajagaha là kinh đô nước Magadha, trị vì bởi vua Bimbisara. Đức Phật từng lui tới Vương Xá nhiều lần để hành đạo dưới sự đỡ đầu của nhà vua. Đợt kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất diễn ra tại đây. Hiện nay, dấu vết cố đô chỉ còn một thị trấn nhỏ nằm cách thủ phủ Patna (tỉnh Bihar, Ấn Độ) khoảng 70km. Cũng có thể hiểu Na Xá là tên của vị A La Hán Yasas (còn gọi là Da Xá), một trong những trưởng lão chủ trì kết tập kinh điển lần thứ hai. Như vậy, tác giả dùng “Na xá thành” để chỉ khu vực tập trung hoạt động của tăng sĩ và tín đồ.

Cụ bày tỏ sự không hài lòng với việc dùng thất bảo, tức vàng bạc và các loại đá quý, tô điểm cho kiến trúc Phật giáo. Nó mâu thuẫn với đức khiêm cung của đấng Thế tôn.

Tương tự bài thơ đề chùa Phả Lại, cụ Trần không trầm ngâm trong giáo lý Bụt tinh diệu. Cụ nghĩ ngợi đến cái giá dân chúng phải trả cho sự xa xỉ quá độ của tăng giới thời mạt pháp. Cụ đứng trên quan niệm xử kỷ của môn đồ Lão Trang để “cười” khía cạnh phù phiếm trong hoạt động thờ cúng Phật đương thời, những hoạt động ngày càng xa rời ý đạo nguyên thủy.

Cuối đời, Nguyên Đán tìm hứng thơ chủ yếu từ quyển sách cơ bản của Lão giáo : Đạo Đức kinh. Để dễ tiếp cận dòng suy nghĩ của Cụ, phần dịch dưới đây sẽ kèm nguyên văn những đoạn, chương kinh Đạo Đức có liên quan.

Đặt Lão giáo đạm bạc tương phản với không gian đầy thất bảo của Phật giáo đương thời, Nguyên Đán có bài “Ngẫu đề” rất hấp dẫn giải bày chủ trương “thánh nhân bất tích” (聖人不積), thánh nhân không tích trữ cho riêng mình (Chương 81) của Lão Đam. Đối tượng của “bất tích” không chỉ vàng ngọc mà gồm cả tạp niệm.

偶題
中心認得本來空,
便佇虛空在箇中。
天下有為皆正理,
人間無處不春風。
清茶好酒供佳客,
瘦竹疏梅伴老翁。
覽鏡自慚惟一事,
力扶衰病作三公。

Ngẫu đề
Trung tâm nhận đắc bản lai không,
Tiện trữ hư không tại cá trung.
Thiên hạ hữu vi giai chính lý,
Nhân gian vô xứ bất xuân phong,
Thanh trà hảo tửu cung giai khách,
Sấu trúc sơ mai bạn lão ông.
Lãm kính tự tàm duy nhất sự,
Lực phù suy bệnh tác Tam công.

Ngẫu đề

Nhận biết tâm vốn là không,
Bèn tích lũy hư không trong đó.
Nếu mọi hành vi sửa trị thiên hạ đều theo lẽ chính,
Thì cõi nhân gian chẳng nơi nào không có gió xuân.
Chiêu đãi khách quý có trà trong rượu tốt,
Làm bạn với ông già chỉ trúc gầy mai thưa.
Soi gương, thấy còn một việc đáng thẹn với mình,
(Đó là) cố nương theo suy bệnh để giữ chức Tam công.

Nguyên Đán chơi chữ rằng ông có tích trữ, nhưng tích trữ cái hư không trong tâm. Hư tâm chính là đích đến của Đạo gia, là điều kiện cốt yếu để người tu luyện có thể trực giác được Đạo.

Theo Đạo thì mỗi ngày mỗi bớt. Bớt lại bớt, cho đến mức vô vi. (Chương 48)

為道日損。損之又損,至於無為

Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, chí ư vô vi.

Áp dụng vào lĩnh vực chính trị, với hư tâm, bậc vương giả sẽ trị dân không thiên lệch, không bóc lột, không thủ đoạn trí trá và ham thích chiến tranh. Ngài chỉ làm mẫu mực đạo đức để dân chúng noi theo chứ không ràng buộc họ bằng lập pháp. Theo Lão Tử, sự hà khắc, câu thúc chỉ khiến dân chúng trở nên xảo quyệt, xã hội thêm rối loạn và khó quản trị.

Cụ Trần muốn áp dụng thuyết “Hữu vi” mà cốt lõi là phương pháp “Dĩ chính trị quốc” (以正治國), Lấy ngay thẳng để cai trị (Chương 57). Ông tin rằng với cách đó, mùa xuân sẽ đến với mọi người. Chữ chính ở đây có nghĩa ngay thẳng chất phác, được đặt tương phản với chính là luật lệ, qui tắc.

Một lần nữa, cụ Trần chơi chữ vì Lão Tử khẳng định rằng “Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã” (天下神器,不可為也), Thiên hạ là đồ vật thần diệu, không thể hữu vi (17). Cụ tỏ ra thấm nhuần tinh thần phát ngôn của tổ sư : “Chính ngôn nhược phản” (正言若 ),Lời ngay thẳng nghe như ngược đời (Chương 78).

Dĩ nhiên, Nghệ tông lơ là với tâm tư Nguyên Đán vì cách trị nước đó không giải quyết được mối đe dọa từ Chiêm Thành, cũng không khiến thiên tai thuyên giảm. Có lẽ vì vậy cụ Trần nẩy ý định rút lui từ rất sớm sau khi thành công trong việc lật đổ Nhật Lễ và đảm nhận chức Tư đồ. Khu vực động Thanh Hư, nơi qui ẩn tương lai, được xây dựng khi Duệ tông còn tại vị, tức trước năm 1377. Cụ thường lui tới Thanh Hư trong những năm cuối cuộc đời làm quan. Tên địa điểm ẩn cư cho thấy cụ Trần có ý di dưỡng tinh thần theo phương pháp Hoàng Lão. Một trong số các tác phẩm viết trong thời kỳ này được xem xét dưới đây

山中遣興
十年政省負秋燈,
松下行吟倚瘦藤。
隨馬望塵無俗客,
叩門問字有詩僧。
退閒綠野知何及,
散給青苗謝不能。
坐待功成名遂後,
一丘老骨已崚嶒。

Sơn trung khiển hứng
Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng,
Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng.
Tuỳ mã vọng trần vô tục khách,
Khấu môn vấn tự hữu thi tăng.
Thoái nhàn Lục Dã tri hà cập,
Tán cấp Thanh miêu tạ bất năng.
Tọa đãi công thành danh toại hậu,
Nhất khâu lão cốt dĩ lăng tằng.

Cảm hứng khi ở trên núi

Gượng qua tuổi tác, trông coi việc sảnh suốt mười năm,
Chống chiếc gậy mây khẳng khiu vừa đi vừa ngâm nga dưới bóng tùng.
Không có khách tục theo ngựa cầu cạnh việc đời,
Chỉ thấy vị sư làm thơ gõ cửa hỏi chữ.
Quay về Lục Dã hưởng nhàn còn kịp chăng ?
(Vì) áp dụng phép thanh miêu e không đủ sức.
Ngồi chờ đến lúc trọn vẹn công thành danh toại,
Thì nắm đất vùi lấp xương khô đã vun thành gò cao.

Nguyên Đán được phong Tư đồ vào năm 1371, như vậy, tác phẩm ra đời khoảng năm 1380-1381. Đây là thời điểm xung đột với Chiêm Thành xảy ra khốc liệt, tiếp theo nạn đói lớn năm 1379. Triều đình không đủ tài nguyên dự trữ phục vụ chiến tranh nên phải nghĩ cách tận thu trong dân chúng. Điển hình, Hành khiển Đỗ Tử Bình đề nghị thu mỗi hộ đinh nam 3 quan tiền. Câu 6 chuyển tải ý tưởng quan trọng nhất của bài thơ. Hẳn nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được triều thần đề xuất để tăng nguồn thu nhằm đáp ứng nhu cầu quân đội. Nguyên Đán bất đồng với chủ trương đó.

Thanh miêu là một phần của chương trình biến pháp tiến hành bởi Vương An Thạch (1021 – 1086) dưới triều vua Tống Thần Tông (1068 – 1085) vốn gồm ba biện pháp để cải thiện tài chính (lý tài) và hai biện pháp gia tăng sức mạnh quân đội (chỉnh quân). Ở đây, Nguyên Đán dùng “thanh miêu” để chỉ biến pháp nói chung. Từ 1070 đến 1077, họ Vương tự tay thực hiện kế hoạch thay đổi; từ 1077 đến 1085 nhà vua điều hành chương trình sau khi cho Vương về vườn. An Thạch là người chỉ trích mạnh mẽ quan niệm vô vi của Lão Tử bằng lập luận chứng tỏ cái dụng của “hữu”. Dưới con mắt Đạo gia, biến pháp không đơn thuần là chính sách “hữu vi”, mà là “cực hữu vi” do can thiệp sâu rộng vào đời sống của các tầng lớp xã hội.

Qua “Ngẫu đề”, chúng ta thấy rõ cụ Trần ủng hộ cách cai trị thuận theo quy luật tự nhiên, không làm điều gì thái quá. Nhưng trong một xã hội xơ xác vì thiên tai, điêu tàn do chiến loạn, quan điểm “vô vi nhi trị” khó thuyết phục được Thượng hoàng. Ông đã nghĩ ngợi về việc quy ẩn ngay lập tức, lúc đương “công thành danh toại”, chứ không phải “hậu công thành danh toại”. Ấy là thực hiện lời khuyên “Công thành thân thoái, thiên chi đạo” (功成身退,天之道), Theo đạo trời, khi đạt thành công nên thoái ẩn.(Chương 9).

Nguyên Đán cáo lão năm 1385 lúc vừa ngoài sáu mươi tuổi. Bài thơ đóng lại thời kỳ tham chính như sau

題玄天觀
白日升天易,
致君堯舜難。
塵埃六十載,
回首愧黃冠。

Đề Huyền Thiên quán
Bạch nhật thăng thiên dị,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quí hoàng quan.

Đề quán Huyền Thiên

Ban ngày bay lên trời còn dễ,
Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó.
Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.

(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần, III, 1978)

Theo Toàn Thư, năm 1368, Trần Dụ tông mời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến để hỏi cách tu luyện. Nhân dịp, vua ban tên “động Huyền Thiên” cho khu đất đạo sĩ đang ẩn cư. Huyền Thiên quán có thể là một kiến trúc trong khu động này.

Rời việc quan, Nguyên Đán đắm mình trong Đạo giáo. Tuy nhiên, Ông cho rằng việc thành tiên vẫn dễ hơn làm một đại thần trung thành, giúp hoàng đế rũ áo cai trị thiên hạ. Đây là cách nói cay đắng rất khéo léo, thực ý chê vua u tối, không cách nào trở thành minh quân được. Ông thẹn với Huyền Vân vì đạo sĩ được vua mời đến nghe chuyện, còn bản thân ở ngay tòa Trung thư mà chỉ “dựa cột” qua thời. Ông gắn liền thất bại cá nhân với lầm lạc của triều đại.

Cụ Trần có bài thơ kỹ niệm về người dẫn dắt cụ vào Đạo, như sau :

題崇虛老宿
暫解塵纓世外拋,
芒鞋藜杖與君交。
檻前雲氣蓬萊遠,
枕畔泉聲碧漢高。
寸斷玄關飛劫石,
側生海宇入秋毫。
清虛羽屬相逢晚,
一豁虛公老眼蒿。

Đề Sùng Hư lão túc
Tạm giải trần anh thế ngoại phao,
Mang hài lê trượng dữ quân giao.
Hạm tiền vân khí Bồng Lai viễn,
Chẩm bạn tuyền thanh bích hán cao.
Thốn đoạn huyền quan phi kiếp thạch,
Trắc sinh hải vũ nhập thu hào.
Thanh hư vũ thuộc tương phùng vãn,
Nhất khoát Hư công lão nhãn hao.

Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư

Vừa cởi sợi dây trói buộc của cõi trần, xuất hiện ngoài thế cuộc.
Đi giày cỏ, chống gậy lê để giao du với ông.
Sắc mây trước hiên ánh tới Bồng Lai xa thẳm,
Tiếng suối bên gối vọng đến trời xanh cao vời.
Tạm cắt cửa huyền, bay qua thời gian vô tận,
Sống hờ bên biển, chỉ để hòa nhập vào hư không.
Kẻ thanh người tục, gặp nhau muộn màng !

Từ lúc cách lìa Hư công, mắt già luôn trông vợi…

“Huyền quan”, có thể hiểu là các giác quan như chương 52 gợi ý “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần” (塞其兌,閉其門,終身不勤), chặn các lối, đóng các cửa, suốt đời không nhọc. Cũng có thể hiểu là huyệt đan điền, nơi luyện và sinh nội đan.

“Kiếp thạch”, từ Phật giáo, chỉ khối đá vuông vức với chiều dài mỗi cạnh 40 dặm ta. Nếu mỗi thế kỷ, dùng chiếc áo mỏng phất lên khối đá một lần, thời gian bào mòn đá đến tiêu tan gọi là một kiếp. “Kiếp thạch” tượng trưng thời gian trường cửu.

“Thu hào”, lông mùa thu. Sang thu, chim thú thay lông, những sợi lông tơ li ti nhỏ bé gọi là thu hào. Thu hào tượng trưng vật vô cùng nhỏ, không gì có thể len vào. Cảm hứng hình thành câu 6 đến từ chương 43 với ý “Vô hữu nhập vô gian” (無有入無間), Cái ‘không’ có thể nhập vào cái ‘không có chỗ’. Ở đây, chỉ vị đạo sĩ đã đạt đến hư tâm.

Cặp luận đồng nhất cái chết của Sùng Hư với việc Ông trở về bản thể, tức đắc đạo. Câu 5 diễn ý bằng thời gian, thời gian cực đại. Câu 6 miêu tả bằng không gian, không gian cực tiểu. Cụ Trần mường tượng Sùng Hư đang ở nơi hai trục thời gian-không gian giao cắt.

Theo dấu bậc thầy, và hẳn cũng trải nhiều công phu tĩnh tọa, lão đạo gia họ Trần truyền lại chiêm nghiệm về sống và chết như sau :

題月澗道籙太極之
觀妙堂

門外誰家車馬喧,
試將此理問蒼天。
桃梨春盡芳心歇,
松菊秋深晚節金。
一點丹誠生若死,
幾回鶴化白為玄。
瀛洲蓬島知何在,
無欲無貪我是仙。

Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi
Quan Diệu đường

Môn ngoại thuỳ gia xa mã huyên,
Thí tương thử lý vấn thương thiên.
Đào lê xuân tận phương tâm yết,
Tùng cúc thu thâm vãn tiết tuyền.
Nhất điểm đan thành sinh nhược tử,
Kỷ hồi hạc hoá bạch vi huyền (a).
Doanh Châu Bồng Đảo tri hà tại,
Vô dục vô tham ngã thị tiên.

(a) Theo truyện thần tiên Trung Hoa, hạc sống nghìn năm lông hóa thành màu xanh, sống thêm hai nghìn năm nữa lông hóa màu đen.

Đề nhà Quan Diệu của quan Đạo lục Thái cực ở Nguyệt Giản

(Mặc) ngoài cửa xe ngựa nhà ai huyên náo,
Thử đem sự lý này hỏi trời xanh.
Xuân trôi qua, lòng thơm của đào, lê cũng hết,
Thu gần tàn, khí tiết già dặn của thông, cúc vẫn còn nguyên.
Một điểm kim đan đã thành, sinh thuận theo tử,
(Như) mấy lần chim hạc biến hoá, trắng lại thành đen.
Biết Doanh Châu, Bồng Đảo ở nơi nào ?
Không dục, không tham, ta đã là tiên !

Bản dịch trên đây mạn phép dùng chữ thành là động từ để đối với hóa . Chúng tôi nghĩ rằng một số nhà nho đời sau, khi Lão giáo phai nhạt, không còn hiểu đan là thuốc trường sinh. Họ sao đi chép lại bài thơ theo tinh thần Nho giáo với hai chữ “đan thành 丹誠” hay “đan tâm 丹心” có nghĩa lòng son, tức lòng trung thành với vua chúa. Nếu dùng chữ thành , là danh từ, cặp luận sẽ không đối nhau chỉn chu.

Đạo lục là chức vụ triều đình ban cho người đứng đầu Đạo giáo. Thái Cực có thể là hiệu của vị đạo quan, hoặc tên một chi phái đạo Lão.

Danh xưng “Quan Diệu” rút từ câu “Thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu” (常無,欲以觀

其妙), Thường đặt mình vào chỗ ‘không’ để xét cái ‘diệu’ của đạo (Chương 1). Như vậy, nhà Quan Diệu là nơi tĩnh tâm, tức nơi thiền định theo Phật giáo, hay luyện nội đan theo Đạo giáo.

Bài thơ diễn tả hành trình tâm thức của cụ Trần, lấy cảm hứng từ Chương 47, nội dung như sau :

Không ra khỏi cửa, biết thiên hạ. Không nhìn qua cửa sổ, thấy đạo trời. Càng đi xa càng biết ít. Bởi vậy thánh nhân không đi mà biết, không thấy mà rõ, không làm mà thành.

不出,知天下.不闚牖,見天道.其出彌遠,其知彌少.是以聖人不行而知,不見 而名,不為而成.

Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành.

Cụ Trần bỏ mặc ngựa xe huyên náo không phải bằng cách khép cửa đạo quán, mà bằng cách khép lại tất cả giác quan. Cụ đối thoại với “thương thiên” để biết thiên hạ vận hành theo sát đạo trời. Có kẻ, lợi hết lòng thành cũng hết. Có người, như chính cụ, tiết tháo vẹn toàn qua thời cuộc đổi thay. Cõi tự nhiên thế nào thì cõi người thế ấy. Khi việc luyện nội đan viên thành, bản ngã hòa vào Đạo, việc chuyển hóa từ sinh đến tử nhẹ nhàng như hạc thay đổi màu lông.

Cụ thành công trong việc “hư kỳ tâm” để đạt Đạo chưa ? E rằng chưa. Vì cụ vẫn chưa biết Doanh châu, Bồng đảo ở chốn nào. Nhưng không còn ham muốn, tham lam thì quả thật là tiên trong trần rồi vậy.

BÌNH PHẨM VỀ TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Người gần gũi và hiểu Trần Nguyên Đán nhất chính là chàng rể Nguyễn Ứng Long. Thơ Ứng Long ghi nhận nhiều giao tiếp giữa Ông và nhạc phụ, đặc biệt có hai câu ngũ ngôn khái quát được tính cách cha vợ như sau :

習氣俱湖海,
憂心只廟堂。(陪冰壺相公遊春江)         Tập khí câu hồ hải,
Ưu tâm chỉ miếu đường.(Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang)
Phong thái đã quen với hải hồ,
(Nhưng) Lòng ưu tư chỉ hướng về việc nước.

(Theo tướng công Băng Hồ dạo sông xuân)


祝頌豈私門下士,
拳拳只為愛斯民。(元日上冰壺相公)     Chúc tụng khởi tư môn hạ sĩ,
Quyền quyền chỉ vị ái tư dân.(Nguyên nhật thướng Băng Hồ tướng công)
Chúc tụng không phải vì bản thân là kẻ sĩ dưới trướng,
Mà chỉ vì lòng chăm chăm yêu thương dân chúng của Người.

(Ngày Nguyên đán, chúc tết tướng công Băng Hồ)

Ứng Long ca ngợi ông nhạc đúng như những gì cụ Trần suy tư và hành động.

Khi Nguyên Đán hoàn tất công trình động Thanh Hư, Thượng hoàng Nghệ tông sáng tác bài minh tặng chủ nhân có câu rất lạ như sau

輔贊我治,無有遐心,        Phụ tán ngã trị, vô hữu hà tâm,
Ông giúp ta việc cai trị, không có tâm địa gì !

Như thế, Nghệ tông tuy giao Nguyên Đán chức Tư Đồ nhưng không đặt lòng tin tuyệt đối vào vị tể tướng. Lời an ủi khắc vào bia đá là cách Nghệ Tông trấn an người bầy tôi thân tộc, mặt khác, cũng hé lộ quan hệ rạn nứt. Giữa ba đại thần nắm vận mệnh nhà Trần buổi cuối mùa, gồm Thái úy Trần Ngạc coi việc binh trên danh nghĩa, Bình chương Hồ Quý Ly chỉ huy quân đội trong thực tế và Trần Nguyên Đán phụ trách hành chính, Nghệ tông chỉ tin mỗi họ Hồ. Vị thế gia trưởng vững chãi của Thượng hoàng khiến Ngạc, Đán và cả Đế Hiện nữa, đều bó tay.

Trần Ngạc có bài lục ngôn tứ tuyệt kỳ quặc tặng Nguyên Đán nhân lúc Ông nghỉ quan như sau :

贈司徒元旦
我是當年棄物,
公非大廈奇才。
會取一般老病,
田園早辨歸來。

Tặng Tư đồ Nguyên Đán
Ngã thị đương niên khí vật,
Công phi đại hạ kỳ tài.
Hội thủ nhất ban lão bệnh,
Điền viên tảo biện quy lai.

Tặng Tư đồ Nguyên Đán

Hiện nay, tôi thuộc hạng vất đi,
Ông không phải bậc kỳ tài trong dòng họ.
Cùng già bệnh như nhau,
Nên sớm liệu về vườn ruộng.

Trần Ngạc khẳng định Nguyên Đán không có tài lạ và về vườn là phải, càng sớm càng tốt. Với cách dùng người của Nghệ tông, cả Ngạc lẫn Đán đều biết điều gì sẽ xảy ra và cả hai đều tuyệt vọng. Dường như Nguyên Đán cố nấn ná những giây phút sau cùng mong Thượng hoàng tỉnh ngộ nhưng thất bại. Với cá tính nho nhã, dị ứng bạo lực, Ông không phải là con người thích hợp trong thời điểm gian nan. Trần Ngạc hiểu rất rõ điểm này.

Nguyễn Trãi qua Băng Hồ di sự lục thể hiện lòng kính trọng, trìu mến rất mực đối với ông ngoại. Dưới mắt cháu, người ông là nhân cách lớn : lo đời, thương dân, biết thời thế.

Sau đó hơn nửa thế kỷ, Ngô Sĩ Liên phê phán Nguyên Đán rất nặng lời, cho rằng Ông biết trước vận nước truân chuyên, không tính cách vượt qua lại đem con gửi gắm cho họ Hồ để mưu lợi. Sĩ Liên kết luận Nguyên Đán là người không giữ được lòng nhân.

Sau đó năm thế kỷ, sử quan triều Nguyễn phê bình càng nghiệt ngã, chê bai Nguyên Đán là người nói suông, lo hão, bỏ mặc triều đại sụp đổ, không giữ được lòng trung.

Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780), nho thần phủ chúa Trịnh, thống trách Nguyên Đán một cách văn vẻ. Ông cho rằng Nguyên Đán vui chơi Thanh Hư, quên lãng Thiên Trường; tính lợi nhà mình, bỏ mặc nhà vua; chú trọng toàn thân, trối trăn nhòa nhạt.

Phan Huy Chú (1782 – 1840), nhà nho thận trọng, ý kiến nhẹ nhàng hơn, thông cảm Nguyên Đán gặp đời suy, công lao không rõ rệt, nhưng biết phận lui về nên cũng đáng là người hiền.

Người thân như con rể hay cháu ngoại ngưỡng mộ và ca ngợi cụ Trần. Người dòng vua như Nghệ tông hay Trang Định có khoảng cách, nghi ngại hoặc bất bình do khác biệt quan niệm xử lý việc nước.

Bởi nhu cầu giáo dục nhằm đào tạo con người công cụ nên chính sử công kích Nguyên Đán. Thực ra Ông không bất trung, bất nhân, nhưng bất lực. Người muốn thành công trong việc duy trì họ Trần cầm quyền phải đủ can đảm giết không chỉ Quý Ly mà cả Nghệ tông, như Nghệ tông từng giết Nhật Lễ. Đại sự đòi hỏi cá tính chính trị tàn độc như vậy chắc chắn không dành cho tướng công Băng Hồ. Phẩm bình mang tính đạo đức Nho giáo xơ cứng, cận quân thượng, bất cận nhân tình.

Bình luận từ nhà nho kiêm tác gia Ngô Thì Sỹ chất văn thì rõ, chất sử hàm hồ. Nhà nho “hàng thần lơ láo” Phan Huy Chú nếm đủ mùi cay đắng lại tỏ ra kinh lịch việc đời.

Nguyên Đán sống như một người cầm bút, một lãnh đạo hành chính và chính sách có tâm. Ông đã làm hết khả năng trên cương vị được giao. Yêu cầu Ông phải xoay trời chuyển đất là phi thực tế. Còn việc mưu tìm đường sống cho hậu duệ khi biết trước thảm họa thì phụ mẫu nào đành lảng tránh ? Quan Tư đồ không trọn đạo làm anh hùng, nhưng với đạo làm người hẳn không có gì hổ thẹn.

Tài liệu tham khảo

Bản chữ Hán thơ văn Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Trần Nghệ tông, Trần Dụ tông, Trần Ngạc được lấy từ quyển Thơ văn Lý-Trần tập III của Viện Văn học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội 1978).

Các chi tiết lịch sử đều trích từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tái bản 2004). Dịch giả : Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long. Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Toàn Thư – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.

(1) Để rõ hơn thông tin về biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á trong giai đoạn này, tham khảo Brendan M. Buckley et al (2010). Climate as a contributing factor in the demise of Angkor, Cambodia. http://www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.0910827107.

(2) Whitmore, J.K. (2006) bàn rất chi tiết bối cảnh phát sinh tầng lớp trí thức nho học qua bài viết The Rise of the Coast : Trade, State and Culture in Early Đại Việt. Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), trang 103 – 122.

(3) Xem Trần Quốc Vượng, Trong Cõi, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (2014), trang 312.

(4) Xem Li Tana (2014), Towards an environmental history of the eastern Red River Delta, Vietnam, c. 900-1400. Journal of Southeast Asian Studies, 45 (3), trang 325, 333, 334, 336.

(5) Xem Đinh Khắc Thuần, Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình nhà Lê. Tạp chí Hán Nôm (2002), số 4 (53), trang 22.

(6) Xem Nguyễn Đình Thảng – Nguyễn Tuấn Thịnh, Bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Đào Sư Tích, Thông báo Hán Nôm học 1995 (tr.338-345) http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=131, truy cập ngày 30/6/2016.

(7) Xem Nguyễn Danh Phiệt, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1990), trang 33, 34.

(8) Trần Quốc Vượng, Nguyễn Dương Bình liệt kê các học giả, tùy góc độ chuyên môn của mình, có quan điểm Mường-Việt đồng tông trong bài viết Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt. (http://khoalichsu.edu.vn/bainghiencuu….). Theo ông, sự phân hóa diễn ra suốt thời Bắc thuộc và hoàn tất vào thế kỷ X.

Ý tưởng trong đoạn văn này lại dựa vào quan điểm của nhà ngôn ngữ học John Duong Phan, cho rằng phân hóa ngôn ngữ chỉ diễn ra mạnh mẽ vào thế kỷ X, khi người Việt lập quốc, và kéo dài nhiều thế hệ. Xem Re-Imagining “Annam”: A New Analysis of Sino-Viet-Muong Liguistic Contact, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010, trang 3 – 24.

(9) Lấy ý từ suy nghĩ của Liam C. Kelly trong bài viết ngày 23/11/2013 trên trang blog của ông, Modern Indonesian and Medieval Việt. Chúng tôi thấy sự chuyển đổi của người Indonesian và người Việt cùng thời giống nhau, tức không hòa huyết với kẻ thống trị. Trái lại, chuyển đổi từ Lạc Việt sang Đại Việt có lẽ xảy ra cùng với sự hòa huyết Lạc – Hán ở mức độ nhất định, đặc biệt trong tầng lớp ưu tú. Hai lần chuyển đổi lớn khiến người Việt rơi rụng ký ức lịch sử rất nhiều. Người Đại Việt không còn trò chuyện được với anh em Lạc Việt cư trú kề bên. Người Việt Nam không đọc được thư tịch do người Đại Việt ghi chép.


(10) Xem John K. Whitmore, Religion and Ritual in the Royal Courts of Dai Viet, ARI Working Paper Series No. 128 (2009), trang 10-11. NUS.

(11) Xem Trần Quang Đức, Ngàn Năm Áo Mũ, Nhà xuất bản Thế Giới – Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (2013), trang 103, 104, 105.

(12) Xem Lê Tắc, An Nam Chí Lược bản dịch (1961), Viện Đại học Huế, trang 16.

(13) Xem Hồ Bạch Thảo (dịch), Minh Thực Lục, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, Nhà xuất bản Hà Nội (2010), trang 252.

(14) Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1976), trang 312.

(15) Trương Hán Siêu, Thơ văn Lý – Trần tập II, quyển thượng, Viện Văn học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1988), trang 740.

(16)Dương Huyễn Chi, Lạc Dương già lam ký, Đại chánh tạng, tập 51, kinh số 2092, trang 1000, tờ b. http://www.cbeta.org/result/normal/T51… truy cập ngày 21/12/2015.

(17) Lão Tử, Đạo Đức kinh, Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, dịch và chú giải, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – Hà Nội (tái bản 2015), trang 207-208.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét