Nghi Vu
Đất nước
Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau cùng chung sống, tồn tại và phát triển hơn
4000 năm lịch sử, trải dài hơn 1000km trên dải đất hình chữ S suốt trục hướng
Bắc Nam. Từng dân tộc khác nhau sẽ có những tập quán khác nhau về thờ cúng thần
linh, nhưng tập tục thờ cúng Gia tiên Ông bà Bố mẹ thì dân tộc nào cũng có và
có nhiều điểm chung; Cùng tồn tại với sự phát sinh phát triển của đời sống con
người thì những tập tục, tập quán cũng từ đó mà ra, tập quán văn minh được xã
hội chấp nhận thì được gọi là phong tục, tập quán xấu xã hội phần đa không chấp
nhận thì gọi là hủ tục; Phong tục tập quán lâu đời và phổ biến tới ngày nay
xuất phát từ vùng đất cổ đó là vùng đất Đền Hùng Phú thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh,
Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên kéo xuôi về Hà Tây, Sơn Tây, Hoà Bình dọc vùng
phía Tây của các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ... Dải đất cổ này cũng đa phần là người dân tộc Kinh sinh sống
(dân tộc người Kinh chiếm đa phần trong 54 các dân tộc Việt Nam)
Trong
phạm vi bài viết này, Tác giả sưu tầm, nghiên cứu và mạo muội ghi lại một vài
tập tục, một vài “luật bất thành văn” mà các Cụ xưa ở những vùng đất cổ này để
lại và hiện tại các con cháu, các gia đình vẫn đa phần làm theo các luật lệ mà các
bậc Tiền Nhân để lại !
1. Luật “nhất Đông”: Nghĩa là đứng ngoài nhìn vào (cũng tương ứng với người ngồi
xem tivi) thì bên phải bao giờ cũng là số 1; Nếu hướng nhìn vào là Bắc thì phải Đông-Trái Tây, ở bàn thờ người ta hay nói đông Bình (Bình hoa)-Tây quả (mâm quả). Luật này cũng đúng với nghi lễ
Ngoại giao hiện hành trên thế giới, đúng với nghi lễ thủ tục cho đám dạm ngõ,
đám hỏi ... các cuộc tiếp xúc giao lưu giữa hai họ nhà trai và nhà gái, đúng
với nghi thức thắp hương trên Ban thờ la từ Phải sang trái từ trong ra ngoài và
càng đúng với nghi lễ Phúng viếng khi Cha mẹ mất: con trai Trưởng đứng đâu hàng
bên phải linh cữu; bên trái là con gái... Luật này cũng hoàn toàn đúng với cách
sắp xếp vị trí khi quy hoạch mộ chí: Mộ trong cùng bên phải là Cụ có vị trí cao
nhất trong khu mộ, trên Bàn thờ (kể cả treo ảnh) thì bát nhang bên phải là Nam
bên trái là Nữ; Ngoài mộ cũng theo luật này ...!
2. Nét chung về bài trí Bàn thờ Gia tiên vùng
Đồng bằng Bắc và Trung bộ:
- Vị trí
Ban thờ thường đặt trang trọng nơi chính giữa (gian giữa) trong căn nhà , nơi
thường xuyên con cháu tụ tập ở đó.
- Bài
trí sắp xếp trên Ban thờ: Thường trong cùng là khám thờ, tiếp theo bên dưới là
Bài vị và bát hương thờ từng người, các Bài vị thờ và bát nhang đi kèm cũng sắp
xếp theo luật “nhất Đông” nghĩa là từ trong ra ngoài từng cặp (Nam Nữ) và từ
phải qua trái; Đủ là 8 bài vị và 8 bát nhang ( Kỵ :2, Cụ :2,Ông :2, Bố mẹ :2)
tiếp tới là các đồ thờ (Tam sự gồm đỉnh + 2 cây nến, Ngũ sự gồm đỉnh + 2cây nến
+2hạc — những thứ này không bắt buộc phải có; tiếp đến chính giữa thẳng vị trí
đặt đỉnh là Bát nhang công đồng (Bát nhang công đồng có kích thước to hơn bát
ngang thường, có bát nhang công đồng thì thôi bát nhang thờ bà Cô ông Mãnh ;
các Cụ cho rằng: Ngũ Đại mai thần chủ nghĩa là quá 5 đời các Cụ đã là Tiên là
Phật con cháu không bắt buộc thờ cúng ... Bát nhang công đồng này khi có việc
thắp hương để các Cụ và các vong linh không nơi thờ cúng nương tựa đi về chiêm
ngưỡng hưởng thụ lễ vật...Do vậy bát nhang này chỉ có ở bàn thờ có từ ngũ đại
trở lên; Tiếp đến là vị trí để đặt mâm lễ (Trầu rượu, hoa quả, đồ mã...) và mâm
bày cỗ mặn; Tiếp theo là phía cạnh mép Ban thờ ở phía trái có lọ để cắm hoa
tươi mỗi khi có việc, phía đối diện tức mép Ban thờ bên phải là lọ để đựng
những thẻ hương chưa dùng tới ...
Trên đây
là những bố trí, sắp xếp bài trí cơ bản cho một Ban thờ Gia tiên ... Ngoài ra
các gia đình có điều kiện còn trang trí thêm như Cửa võng, Hoành phi, Cuốn thư,
Đại tự, Câu đối ... (Nói thêm: Bài vị thờ là trên đó ghi rõ họ tên (huý) , ngày
tháng năm sinh, ngày kỵ (mất) tháng năm nào, nội dung tương tự bia ghi ngoài mộ
- Bài vị cổ, bia cổ ngày xưa của các vị làm vua làm quan còn ghi đầy đủ nơi
sinh, chức tước, công trạng ...)
3. Luật “hoá vàng”:
- Gia
đình thường có Ban thờ Gia tiên và Ban thờ Thổ Địa, Từ đường dòng họ có Ban thờ
Cụ Tổ, Bà Cô ông Mãnh ... Nguyên tắc chung là sau khi lễ xong thì Ban thờ nào
hoá riêng Bàn thờ đó, thứ tự tử cao xuống thấp ...
- Hoá
vàng bát nhang và Bài vị thờ: Khi quá 5 đời thì bát nhang vài Bài vị thờ này sẽ
được hoá hoặc “ngũ đại mai thần chủ” thần chủ được chôn đi. Ví dụ cụ thể là Bạn
đang đứng chủ thờ Bàn thờ gia tiên đến hàng Kỵ, khi Bạn chết đã xong lễ đoạn
tang và sang cát (Bốc mộ) lúc này con trai Bạn đang mặc nhiên là đứng chủ trì
Ban thờ Gia tiên gia đình Bạn cháu sẽ làm lễ Hoá vàng bát nhang và Bài vị Kỵ
ông, lập Bài vị và bốc bát nhang cho Bạn (Bố cháu) đặt vào hàng dưới ở vị trí
Bạn gọi là Bố (cháu gọi là ông đó) (lúc này trên Ban thờ hàng Kỵ chỉ còn bát
nhang và Bài vị Kỵ bà; đến lúc vợ Bạn tức Mẹ cháu chết thì cũng sau sang cát
(bốc mộ) cháu làm tương tự và bát nhang cùng bài vị thờ Mẹ đặt cạnh bát nhang
Bài vị thờ Bố phía bên trái. Cứ như vậy chu trình Hoá đi và kế tiếp đặt lên
...Nói tóm lại thông thường trên Ban thờ Gia tiên các Gia đình ở vùng Đồng bằng
Bắc và Trung bộ thì ngoài bát nhang Công đồng (không có Bài vị) thì chính tắc
luôn có 8 Bài vị (hoặc di ảnh) tương ứng 8 bát nhang thờ điều đó hoàn phù hợp
và logíc với bài khấn khi có việc khấn trước Gia tiên: Namôadiđàphật ! Kính lạy
hương linh các Cụ Cao (kỵ), Tằng (cụ), Tổ (ông), Khảo (bố); Cao, Tằng, Tổ, Tý
(tức là các Kỵ, Cụ, Bà, Mẹ) !!!
4. Văn khấn Gia tiên ngày giỗ tết, lễ tiết
hàng năm ...
Hiện nay
đa phần ít người biết chữ nho do vậy thường khấn Nôm, ngoài xã hội rất nhiều
các tài liệu viết về các bài khấn này, nhưng tựu trung một bài khấn cũng giống
như một bài văn phải có: Mở bài (mục đích về việc gì: Động thổ, cất nóc, cưới,
hỏi hay đám giỗ... Tuỳ việc mà kính trình cho chuẩn chỉ ...); Thân bài: Tử việc
tấu trình ở trên để phần này chi tiết, cụ thể hoá công việc cần sự chở che của
đất trời, thần phật hay phúc ấm của Tổ đường ...; Kết luận: là những lời thỉnh
nguyện cầu an, cầu phúc, cầu tài hay cầu duyên trước các đấng anh linh tối cao
... để cho mục đích của tín chủ được toại nguyện ! Văn khấn nôm là tâm thành ,
nghĩ gì tấu trình thế, ai cũng khấn được “ vô sư vô sách qủy thần bất trách”
...
Dưới đây
là ví dụ cho một bài khấn nôm cho một đám giỗ:
NAMÔADIĐÀPHẬT ! ( 3 lần)
Kính lạy
hương linh các cụ Cao, Tằng, Tổ, Khảo; Cao, Tằng, Tổ, Tỷ, Bá, Thúc, Huynh, Đệ, Cô, Dì,
Tỷ, Muội, Nam, Nữ, Tử, Tôn nội ngoại ...
Hôm nay
là ngày ... tháng ... năm ... Tại Làng ...Xã...Huyện...Tỉnh (tương tự với
Phường Quận...)
Là ngày
chính giỗ của Cụ: ... Sinh ngày tháng năm (ko có thì bỏ) mất ngày ... tháng ...
năm ... hiện mộ phần táng tại Thôn ... Xóm ... Xã ...Huyện ...Tỉnh ...
Tín chủ
con là (người chủ trì đám giỗ) cùng toàn gia con cháu Nội ngoại luôn nhớ và
khắc cốt ghi tâm công ơn trời bề gây cơ tạo nghiệp của Cụ ...Nay chúng con
thành tâm sửa biện nhang, đăng, hoa, trà, quả, thực, trầu, tửu và các lễ vật
bày trên trước án cáo yết Tôn thần, Tiến cúng hương linh Cụ ... Chúng con cũng
xin kính mời các Vong linh tiền chủ, hậu chủ trong khu đất này cùng về đây
chiêm ngưỡng Tôn thần thụ hưởng lễ vật ...
Kính
mong Cụ sống khôn chết thiêng linh thiêng giáng về linh sàng chứng giám lòng
thành thụ hưởng lễ vật phù hộ độ trì cho cháu con ... thường xuyên qua lại soi
xét cửa nhà, ban tài, tiếp lộc, điều lành mang tới, điều dữ xua đi, độ cho gia
phong quế hoè tươi tốt 4 mùa không hạn ách nào xâm, 8 tiết có điềm lành ứng báo
... Cháu con vui hưởng lộc Trời trẻ già nhuần ơn Phật Thánh.
Chúng
con xin dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám !
NAMÔADIĐÀPHẬT
!!!
(Giỗ lớn
như Chi Họ, Giỗ Tổ, Thanh minh, Thành Hoàng làng, Tế Rước ... sau NAMÔADIĐÀPHẬT
!(3lần) sẽ thêm:
- Kính
lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần,
- Kỉnh
lạy Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương,
- Ngài
Bản gia Táo quân,
- Ngài
Thổ công Thồ địa và các vị Thần linh cai quản trong khu vực này;
NHÂN NGÀY
GIỖ TỔ CÙNG NGẮM BÀN THỜ VIỆT.
Đặng Phương Mai
Trong
gia đình người Việt, bàn thờ có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh
và hầu như nhà nào cũng có.
Người
Việt ngoài thờ ông bà cha mẹ, còn thờ bà Cô, ông Mãnh, Thần Linh (ông Bếp, ông
Công, Táo Quân, Thổ Địa), thờ Phật. Có nhà thờ bên ngoại, nhà kinh doanh còn có
thêm bàn thờ dưới đất để thờ Thần Tài... Thờ nhiều như thế, vậy bao nhiêu bát
hương là đúng, là đủ? Gộp về một bát, ba bát, năm bát hay bảy bát, chín bát
theo số lẻ là số sinh sôi ?
Thời
chiến tranh chạy giặc giã, nhà giàu cuốn vội mấy chỉ vàng vào người, nhà nghèo
nhấc con vào thúng rồi gánh cùng với mấy cái niêu thủng. Có ai mang theo được
bát hương giường thờ. Việc thờ cúng tổ tiên cũng theo thế sự mà nhạt nhòa.
Người ta cắm hương vào một cốc gạo để thắp lên thờ ông bà.
Thời nay
hòa bình, thong thả và dư dả, người ta sắm sửa thờ cúng kỹ lưỡng hơn và có phần
đa lễ, đa sự, làm bối rối không ít người. Lập một bát xem ra thưa vắng, lập
tách ra thì ba bát, năm bát hay bao nhiêu? Không lẽ mỗi người quá cố một bát
nhang, vừa cảm giác nặng nề, vừa cảm giác như "khoe nhà có nhiều người
khuất núi".
Hỏi một
vài nhà có bàn thờ từ cổ xưa cha ông để lại (hầu hết chỉ có một bát hương to)
thì đều được nghe:
- Gia
cảnh đến đâu thì bày đến đó.
- Tổ
tiên để lại thế nào thì thờ thế ấy.
Thiết
nghĩ, bát hương là vật để cắm hương, không phải là nơi hương linh trú ngụ. Có
thời, ở ta còn rộ lên việc lập bát hương thờ bản mệnh của mình. Đó là ảnh hưởng
văn hóa người Tàu.
* Lại
nói về bát hương:
Có nhiều
loại nhưng quy về 2 kiểu dáng: Hình trụ và hình Quả Lựu.
- Bát
hương hình trụ tạo cảm giác bề thế, dáng hiện đại, dễ chuốt khi nặn, cho phép
in hay vẽ họa tiết dễ dàng.
- Bát
hương hình Quả Lựu cảm giác thanh nhã, cổ kính, khó nặn vuốt hơn, chỉ có thể vẽ
tay mà không in do không có mặt phẳng đều. Quả Lựu mang ý nghĩa cầu mong, chúc
tụng đông con nhiều cháu như những hạt Lựu bên trong. Dáng Quả Lựu là dáng bát
hương cổ.
Bát
hương cổ đặt trên đế gỗ mít. Theo người dân làng nghề Sơn Đồng thì đó là CHÂN
MÂY.
Bàn thờ
truyền thống cổ phải hội tụ được 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nghĩa là
phải có Tam sự hay Ngũ sự: Lư đỉnh đồng và đôi Hạc đồng (kim); Bàn thờ gỗ
(mộc); Nước (thủy); Hỏa (đèn, nến); Thổ (bát hương, bình hoa, ly nước gốm sứ).
Cuối năm
người ta hay bao sái bàn thờ, dịp đó đảo hoặc thay bát hương mới luôn (thường là trước 23 tháng chạp). Bát
hương cũ bỏ đi. Không giống Ông Bình Vôi khi đặc ruột không dùng nữa thì được
mang ra treo ở gốc cây đa, bát hương bỏ đi người ta mang thả trôi sông cho
"mát mẻ". Điều này rất sai vì vừa ô nhiễm dòng sông, vừa gây nguy
hiểm cho người nghề chài lưới. Có nhiều nơi người ta mang lên chùa, dồn lại,
xếp thành tháp rất đẹp.
Nhân
ngày giỗ tổ vua Hùng, ở nhà tự cách ly chống CôVy theo chỉ thị của Chính Phủ,
mình sưu tầm ảnh để mọi người ngắm bàn thờ truyền thống của người Việt, tản mạn
vài dòng để cùng suy nghĩ về số lượng bát hương tại gia.
(ảnh 16).
Lời bình
Thông
thường theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính bàn thờ Việt tuân thủ các điều
kiện sau: Một là tuân thủ ngũ đại mai thần chủ, hai là luật âm dương, ngũ hành
trong chất liệu các vật để trên bàn thờ, ba là số lượng bát nhang và cách bày
bát nhang, thông thường có ba bát nhang: bát nhang thờ Thần to và cao nhất đặt
ở giữa (chính diện trước lư hương), hoặc có thể đặt cao trên trang thờ phía trên bàn thờ gia tiên (như ảnh 16); Bên phải bát nhang thần là bát nhang gia
tiên nhỏ và kê thấp hơn bát nhang thần, bên trái bát nhang thần là bát nhang bà
cô, ông mãnh nhỏ hơn bát nhang gia tiên đặt tấp hơn bát nhang thần và gia tiên.
Trên bàn thờ có thể sắm thêm bộ tam sự hoặc ngũ sự (bằng đồng) đồng thời phải
có bình hoa và đĩa quả tuân thủ đông bình, tây quả (nếu hướng chính diện là
bắc). Ngoài ra đồ cúng phải tuân thủ lục cúng: nhang, đăng, hoa, trà, quả,
thực. Trước bát nhang thần phải đặt 5ly nước, gia tiên và ông mãnh đặt 3 ly. Những
gia đình có gia phả làm quan có sắc phong triều đình thêm bát bảo, chấp kích.
Bàn thờ họ có thêm đại tự, cuốn thư, câu đối, độc bình, ống quyển đựng gia phả,
chiêng, trống, giá bát bảo và vật dụng truyền thống của dòng họ phù hợp với nội
dung của đại tự và câu đối. Nếu có thờ phật thì phải tuân thủ hướng dẫn của
thầy chùa tựu chung bát nhang và hình ảnh phải cao hơn thần.
BÀN THỜ GIA TIÊN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Thiên “vi chính” sách Luận Ngữ có viết “sinh, sự chi dĩ lễ; Tử,
táng chi dĩ lễ; Tế, chi dĩ lễ” [1]có nghĩa lã: Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà
phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, khi cúng tế cũng phải
theo đúng lễ. Từ ngàn xưa, người dân Việt ta vẫn luôn coi trọng Hiếu Lễ, chẳng
thế mà cổ nhân đã đúc kết “tứ thời xuân tại thủ, bách hạnh hiếu vi tiên”(bốn
mùa xuân ở đầu, trăm đức hạnh thì hiếu là trước nhất). Việc Hiếu lễ thể hiện
việc cung dưỡng bố mẹ lúc tại thế và lại càng nghiêm cẩn hơn lúc họ đã khuất
“sự tử như sự sinh” vậy. Còn Sách Kinh Lễ lại nói rõ: “Anh Vũ năng ngôn bất li
phi điểu, tinh tinh năng ngôn bất li cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ tuy năng ngôn
bất diệc cầm thú chi tâm hồ. Phù duy cầm thú vô lễ cố phụ tử tụ ưu. Thị cố
thánh nhân tác, vi lễ dĩ giáo nhân, sử nhân dĩ hữu lễ, tri tự biệt ư cầm
thú”[2]có nghĩa là: Chim Anh vũ[3]biết nói cũng không vượt khỏi loài chim, con
Tinh tinh[4] tuy biết nói nhưng cũng vẫn là loài cầm thú. Nay người mà vô lễ
tuy biết nói mà chẳng cũng có tâm như cầm thú chăng?. Phàm cầm thú vô lễ nên
cha con sống thành bầy đàn tạp giao không trên dưới lễ nghĩa. Vì thế nên thánh
nhân đặt ra chuẩn mực làm ra lễ để dạy người. Khiến mọi người có lễ, biết tự
phân biệt mình với cầm thú. Quả thật vậy, phàm là người thì phải biết lễ và
hành theo lễ vậy. Sự tử như sự sinh, biết là vậy nhưng hiện nay có nhiều người
chưa hẳn đã hiểu thờ người đã khuất như thế nào cho đúng lễ. Với đạo lý uống
nước nhớ nguồn nên thờ cúng tổ tiên thành cẩn là xuất phát từ lòng hiếu kính
nhớ ân thâm nghĩa trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người ngay từ lúc
còn thơ bé:
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn đề cập đến vấn đề
này, vấn đề thờ cúng tiền nhân đã khuất, hay nói cụ thể hơn là những vấn đề
liên quan đến bàn thờ gia tiên.
Tài liệu nói đến vấn đề này cũng khá nhiều, có thâm viễn và cũng có
sơ sài máy móc thiếu hiểu biết. Người viết muốn mang cái sở độc, sở kiến, sở
văn của mình để tổng hợp lại và kiến giải thêm một số vấn đề xung quanh bàn thờ
gia tiên. Với hai phạm trù cụ thể là vật thể và phi vật thể.
Vấn đề là phải thờ phụng như thế nào và cách bài trí ra sao và tại
sao lại có quan niệm này.
Trước hết ta tìm hiểu về bàn thờ và những đồ vật bài trí thờ trên
bàn thờ:
Quan trọng nhất của bàn thờ là bát hương. Nó được ví như ngôi nhà
để các cụ trong gia đình đi về vậy. Bát hương trên bàn thờ có nhiều cách đặt và
thờ khác nhau, nhưng theo cổ lễ thì bát hương trên ban thờ thường ứng với các
số lẻ. Bát hương tối kỵ dùng màu vàng thờ gia tiên vì màu vàng là màu hoàng đế
chỉ dành thờ quân, thần hoặc các vị thời trước có tước vị trong hoàng tộc.
Trong bát hương nên dùng tro sạch đốt từ rơm rạ thơm phủ đầy lòng bát hương.
Quan trọng nhất trong bát hương là cốt bát hương: nó gồm một túi giấy nhỏ có
ghi tên tuổi, năm mất, nơi mất và những câu thần chú, chỉ ngũ sắc được thầy
pháp thụ lý vào và coi như sổ đỏ của người trần giới vậy.
Rồi đến thần chủ (cũng gọi là bài vị) trong nhà thờ đại tông cũng
như nhà thờ tư chi là “bách thế bất dao chi chủ” nghĩa là bất di bất dịch với
tính cách vĩnh cửu. Bài vị bao giờ cũng làm bằng gỗ bạch đàn trắng viết chữ lên
thì rất dễ trông, lại thơm được coi là tôn quý, thích hợp với việc thờ phụng.
Không có gỗ bạch đàn thì dùng gỗ cây đại hay cây táo, mít…ngày nay chẳng hiểu
được vì lí do gì những thứ này không đắt không quý mà chẳng bền hơn gỗ mít, gỗ
vàng tâm là hai thứ gỗ chuyên dùng làm đồ thờ (tượng Phật, Thần bao giờ cũng
tạc bằng gỗ mít, vàng tâm, bền hơn tất cả các thứ gỗ khác để sơn). Tại các nhà
thờ tư gia hay các bàn thờ mỗi gia đình ít khi có thờ thần chủ, chỉ những nhà
có quan tước khoa bảng, nề nếp hay những nhà hào trưởng giàu có mới thờ thần
chủ. Vì theo đúng cổ lễ thì thờ thần chủ phải theo lễ nghi phiền phức: phải làm
nhà trạm bên cạnh huyệt, mời quan đến đấy đề chủ trước khi hạ huyệt chôn cất.
Tục lệ chuộng việc mời quan to, nhất là có chân khoa bảng, đến đề chủ và một vị
quan kém phẩm trật đến phủng chủ, nghĩa là bưng thần chủ đặt lên linh xa. Phải
tổ chức đám rước quan cho nghi vệ, xếp đặt nơi hành lễ có quy củ, tiếp đãi quan
khách trọng thể, sau khi đã tiễn đưa quan về còn phải đem lễ vật và tiền tạ ơn.
Phần nhiều nhà, thờ gia tiên, có cỗ kỷ để trong cùng. Kỷ là cái ghế
ngồi, tượng trưng cho sự hiển hiện, ngự giám của người đã khuất, chiếc kỷ nhỏ,
cao độ 3 phân, dài 50 phân, rộng 25 phân. Đặt ba chiếc đài có nắp và trên nắp
có núm cầm lên trên chiếc kỷ nhỏ này. Khi mở nắp đài ra nắp kê xuống dưới, đài
đặt lên trên. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng dưới để khi đặt lên trên nắp đài,
đài sẽ ăn khớp với nắp. Ba đài này dùng đựng chén rượu nhỏ lúc cúng giỗ, còn
ngày thường đài được đậy nắp để tránh bụi bặm, kỷ và khám nhà thường dân cũng
như các đồ thờ cúng khác không được chạm vẽ rồng hay tứ linh mà chỉ chạm vẽ
hình tượng biến hóa con vật ấy.
Bàn thờ kê kỷ và bày cỗ cúng cũng không được sơn son mà chỉ sơn
then hay cánh gián thếp chỉ bạc, trừ hương án cao ở mặt tiền được sơn son thếp
bạc thếp vàng[5]
Những gia đình giàu sang thì đồ thờ bày rộng hết cả gian giữa:
trong cùng là bàn cao chừng một thước 20 phân trên để khám gian không thờ bài
vị thì trong khám để một cỗ ỷ trên bệ khám phía ngoài cánh cửa khám để hộp đựng
bằng sắc của tiền nhân.
Phía trước kê một sập tôn cao chừng 75 phân (cao hơn sập ngồi
thường), trên mặt sập phía trong để một khay đài, phía trước để hai mâm xà mặt
80 x 60 phân, một mâm để bày cỗ (đồ mặn), một mâm để xôi chè (đồ ngọt).
Trên mặt sập hai góc ngoài để hai bình sứ cao 60, 70 phân, cắm hoa.
Bên ngoài cùng là chiếc hương án cao gần ngang vai, ngắn hơn sập, đứng ngoài
trông thấy đủ rõ cả hai bình sứ.
Trên giữa hương án là bát hương công đồng, phía sau là chiếc mâm
bồng để bày ngũ quả hoặc chiếc tam sơn để nước và hoa.
Hai bên bát hương là hai chiếc đài lớn để cơi trầu và nậm rượu.
Phía ngoài đằng trước để bộ đồ tam sự hay ngũ sự, hay thất sự bằng đồng; tam sự
là một cái đỉnh và hai cây cắm nến, ngũ sự thì thêm hai cây để đĩa dầu thắp
đèn, thất sự thì thêm một ống hạp hương để đựng trầm với một ống cắm đôi đũa và
một dụng cụ đều bằng đồng để đốt trầm. Hai cây đèn bộ đồ thất sự để hai góc
trong trên hương án.
Giá đèn nến: thường bằng đồng hoặc gỗ, tốt nhất là đồng. Cây vàng
khối: là vàng mã có đủ 5 màu dành cho bàn thờ gia tiên nên dùng màu xanh, đỏ,
mua về bọc băng dính lại cẩn thận (băng dính trắng để thờ được lâu) và cây đặt
bên trái bát hương (tính theo hướng bàn thờ) phải cao hơn cây bên phải vì: Tả
Thanh Long - Hữu bạch Hổ - có câu ca rằng: Thà cho Long cao ngàn trượng chứ
không để hổ ngẩng cao đầu.
Lọ lộc bình: Thường thờ 1 lọ để cắm hoa vào ngày mùng 1 và rằm,
ngày thường để không, nên xưa gọi là Độc bình. Nay người hiện đại mua 2 lọ thờ
đối xứng là không đúng, 02 lọ mua chỉ để chơi trong nhà ko được đặt lên ban
thờ. Lọ lộc bình thường đặt bên tay trái - hướng đông - theo quan niệm: đông
bình tây quả.
Khay cốc đựng nước thờ: nước thanh tịnh được thay vào mỗi lần thắp
hương: nén nhang chén nước.
Lọ đựng hương: đặt bên phải bàn thờ, làm bằng gốm...
Tùy theo kinh tế của gia chủ mà có những vật thờ khác nhau nhưng
nhất thiết trên ban thờ phải đảm bảo 05 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Giá nến tượng trưng cho kim.
Bàn thờ, ngai hoặc giá nến, bài vị tượng trưng cho mộc
Rượu, chai nước, chén nước thờ tượng trưng cho thủy.
Ngọn đèn dầu hoặc nến thờ trên ban thờ và là hương khi thắp lên
tượng trưng cho hỏa.
Còn bát hương làm từ đất sét nung lên, hay sành sứ có nghĩa là thổ.
Kỷ, khám, hộp sắc, khay đài, mâm xà, hương án, hoành phi câu đối...
đều làm bằng gỗ vàng tâm hay gỗ mít. Hai thứ gỗ vàng tâm hay gỗ mít thích hợp
với sơn ta lại có hương thơm khá giống hương trầm.
Kích thước bàn thờ:
Bàn thờ không phải thích đặt kích thước bao nhiêu thì đặt mà phải
tùy vào gia chủ định chọn chữ gì để đặt cho bàn thờ nhà mình, nhưng phải theo
sách xưa là kích thước mặt bàn thờ và vị trí đáy bàn thờ xuống đến đất phải
theo kích thước Lỗ Ban. Trên thước Lỗ Ban có các kích thước rộng hẹp khác nhau
tương ứng với những cung chữ trên đó như: Linh, sinh khí, phúc, an ấm hay họa
hại, ngũ quỷ, lục sát...tất nhiên phải chọn cung cát như. Phúc lộc, gia đinh,
tài vượng, sinh khí, thiên y thì con cháu sẽ hưởng
Về vị trí đặt bàn thờ:
Với người Việt, trong mỗi khuôn viên bao giờ cũng có một ngôi nhà
chính dùng vào việc quan trọng nhất là thờ phụng, chính phía trong của gian
giữa bao giờ cũng được dành làm nơi thờ, đây là trung tâm của nội thất, chỗ
trang trọng nhất, các sinh hoạt khác có diễn ra ở gian bên cũng đều hướng về
đấy. Bàn thờ Tổ tiên của người Việt cũng đa phần hướng Nam, hàm ý con cháu tôn
vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần Thánh nhân nam diện nhi thính
thiên hạ (Bậc thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày),
và theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của Bát Nhã, tức là trí tuệ, hướng của sự
sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Tuy nhiên, cũng có quan điểm
đặt bàn thờ hướng tây vì cho rằng hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương,
nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa[6]. Nhưng trong thời
điểm hiện nay, cũng tùy theo vị trí ngôi nhà, tuổi gia chủ mà ta có thể đặt bàn
thờ theo những cách khác nhau và hướng khác nhau nhưng có nguyên tắc chung là:
Tả cầu tài - hữu bản mạnh tức là đặt bên trái để cầu tài và bên phải thờ bản
mạnh, hiểu rộng ra là đối với các tín chủ thờ đức thần tài thì nên đặt ban thời
bên trái tính theo hướng của ngôi nhà chứ không phải tính từ cửa đi vào. Cũng
từ quan điểm này thì bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải quay theo hướng nhà
mà gia chủ có thể tự đặt hoặc nhờ thầy phong thủy đặt.
Nhưng phải nhất nhất theo nhưng nguyên tắc chung:
Thứ nhất: Không được lộ thiên, tức là phía trên, phía sau bàn thờ
có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có ống thông gió.
Thứ nữa, bàn thờ tối kị để các vật nặng như đầu dư nhà hay các vật
sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của
nhà hàng xóm chĩa vào.
Phải tránh những nơi bẩn tạp như nhà tắm, nhà vệ sinh, hay giường
ngủ của vợ chồng. Nếu tầng dưới đặt bàn thờ thì tầng trên cũng không được đặt
bếp hoặc phòng ngủ, nhà tắm nhà vệ sinh.
Về chất liệu gỗ làm bàn thờ:
Như đã nói qua ở trên: Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng
Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm:
Theo tiền lệ của người Việt ta từ lâu năm, được các nghệ nhân ở
những làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc mà tiêu biểu
nhất là ở Hà Tây, Bắc Ninh cho rằng:
Như đã nói qua ở trên: Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng
Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm:
Theo như Nghệ nhân Nguyễn Huy Lương ở làng nghề cổ truyền Vũ Lăng -
Dân Hoà - Thanh Oai - Hà Nội kể lại truyền thuyết thì có những câu chuyện như
ông Đa - bà Mít mang ý nghĩa tâm linh, nhưng trên thực tế thì cũng phải căn cứ
vào tính chất gỗ của nó: gỗ Mít dễ tìm, và cây mít ở nước ta gần như vùng miền
nông thôn nào cũng có trồng tương đối lớn, bàn thờ ở quê gần như gia đình nào
cũng có, tất nhiên đa số dân ta vẫn khó khăn nên dùng những loại cây có sẵn lại
đủ lớn để dùng. Dễ chạm khắc, lại nhẹ dễ treo hay ít cong vênh và không bị mối
mọt. Mít và vàng tâm thì mùi thơm nhẹ, hương của nó cũng có phần nào đó gần mùi
trầm, mùi hương nên nó cũng phù hợp với việc dùng làm bàn thờ.
Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Đức Thuỷ - chủ cơ sở một làng nghề
truyền thống ở xóm Thượng - Sơn Đồng - Hoài Đức - Hà Nội cũng cho biết: theo
các cụ Nghệ nhân truyền lại xưa nay thì bàn thờ thường làm bằng các loại gỗ
mít, dổi, vàng tâm. Vàng tâm thì đựơc màu vàng đẹp, mùi hương nhẹ. Còn dổi thì
nhẹ nên dễ vận chuyển, dễ treo. Ưu điểm nhất vẫn là gỗ mít vì: thứ nhất gỗ mít
nhiều, dễ chạm khắc, lại ít bị cong vênh trong khi độ bền có thể đên trên dưới
200 năm. Gỗ mít lại có màu vàng sang, khi để lâu có màu sẫm đỏ, gỗ có mùi thơm
nhẹ, gỗ nhẹ lại mềm dẻo, có tính chất cơ lí khá ổn định, không mối mọt, ít cong
vênh mà mặt gỗ lại mịn…bàn thờ cổ và đúng thường được đóng bằng gỗ sạch nguyên
tấm, tránh ghép 2 mảnh làm 1 vì đây là điều tối kị..
Bên cạnh đó cũng có người làm bằng táu vì cho rằng nó có tính chắc
chắn, vĩnh viễn, hay là dùng gỗ gụ nhưng vẫn không phổ biến bằng gỗ các loại gỗ
dổi, vàng tâm và mít mà nhất là mít. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt
từ xưa đến nay.
Đại Đức Thích Tiến Thịnh (Trụ trì chùa Vũ Lăng - Dân Hòa- Thanh Oai
- Hà Nội) cũng đưa ra những quan điểm cơ lý của những thứ gỗ phổ dụng làm bàn
thờ là mít hay vàng tâm có tính bền, dẻo, gỗ lại có vân giống mây và màu vàng
linh thiêng, còn thêm sơn thiếp vàng là thể hiện ánh hào quang của Đức Phật,
mang tính trang nghiêm lộng lẫy. Khi nói về kích thước, Đại đức cho rằng việc
chọn kích thước thì tuỳ theo không gian cũng như ý thích của từng người, có thể
căn cứ vào thước lỗ ban cung cát hay không thì nó chỉ mang tính chất quan niệm
mà thôi, kể cả hoa văn trên bàn thờ có thể chạm khắc tứ linh, có quan niệm dòng
dõi quý tộc thì chạm trổ rồng, còn nhà dân thường thì chạm phượng thôi. Nhưng
đó chỉ là quan điểm, còn thực tế người ta vẫn làm theo ý thích là nhiều vì
nhiều nguyên nhân.
Còn Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên bộ
môn văn học Dân gian trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội), người đã nhiều năm
nghiên cứu về Văn hóa Dân gian lại kiến giải một cách sâu sắc và khoa học hơn:
ngoài những vấn đề về tính cơ lí của gỗ trên, nhà nghiên cứu còn cho biết thêm
về nguyên do mang tính chất phi vật thể.
“Cùng với vàng tâm, mít có màu vàng, là màu của nhà Phật, nên được
các nhà Phật dung tạc tượng, cũng như nhà phong thuỷ dùng cho những đồ vật linh
thiêng, trang nghiêm như bàn thờ. Tiếng Phạn Balamật, viết giản ước chữ Mật đọc
là Mít, cụ Lê Quý Đôn cũng đã từng nói đến vấn đề này trong một số tác phẩm của
mình. Cây mít vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, theo các nhà sư trong quá trính truyền
giáo, hay việc có thể dùng toàn phần cây mít như hạt làm tinh bột, múi chin
thay đường, quả non thay rau ăn chay được, than dùng làm mõ ống vì ít nứt,
tiếng vang ấm.
Bên cạnh đó cũng có người làm bằng táu vì cho rằng nó có tính chắc
chắn, vĩnh viễn, hay là dùng gỗ gụ nhưng vẫn không phổ biến bằng gỗ các loại gỗ
dổi, vàng tâm và mít mà nhất là mít. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt
từ xưa đến nay…”
Hiện nay, do nhu cầu thị trường cũng như khả năng tài chính mà vấn
đề chất liệu gỗ cũng như chất liệu màu sắc sơn son càng đơn giản, càng tiết
kiệm càng tốt. Chẳng hạn như gỗ dùng gỗ dổi hay gỗ xoan, hay tận dụng gỗ tấm
rời để ghép lại thành bàn thờ dù biết rằng đó là kiêng kị. Sơn có thể dùng sơn
ta, sơn kém chất lượng..
Đối với những ngôi nhà lớn bàn thờ thường xây rồi lát bằng gạch
hoặc ốp đá nhưng bàn thờ cổ và đúng thường được đóng bằng gỗ sạch nguyên tấm,
tránh ghép 2 mảnh làm 1 vì đây là điều tối kị..
Bàn thờ gia tiên hay bất kì bàn thờ nào cũng vậy tùy những điều
kiện và thời kì khác nhau thì giá trị vật chất của những vật thờ khác nhau
nhưng một bàn thờ đúng luôn phải tuân thủ những quy định trên. Đó là một bộ
phận trong không gian gia đình, nó tham gia vào nội thất với tính chất trang
nghiêm, tôn kính và thẩm mỹ. Mỗi gia đình tuỳ không gian cho phép, tuỳ tương
quan với tiện nghi sinh hoạt khác có thể làm những bàn thờ thích hợp và đồ tế
khí phù hợp, làm sao cái đẹp ở đây phải đảm bảo văn hóa cả chiều sâu tâm linh
và mặt bằng mỹ thuật.
Bàn thờ ấy luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có
nguồn” vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia
chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.
Th.s Hán Nôm Nguyễn Đức Bá
biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, NXB Văn Học
2. Ngữ Văn Hán Nôm, Tứ Thư, NXB KHXH, 2004
3. Ngữ Văn Hán Nôm, Ngũ Kinh, NXB KHXH, 2004
4. Đất lề quê thói, phong tục Việt Nam , Nhất Thanh
5. Lễ kinh tập thuyết, Trình Hạo chú
6. Phương Pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt, Minh Đường, NXBTĐ
7. Thọ mai gia lễ, Túy Lang Nguyễn Văn Toàn, NXBLĐ 2007
Bàn thờ mẫu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét