XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Về quan hệ của Đại Việt và Chân Lạp thế kỷ XI-XVI

10291296_694684290595509_1229078855579740918_n
Nguyễn Tiến Dũng
(Giảng viên Khoa Văn hóa học – ĐHVH Hà Nội)
Nếu như dưới thời Bắc thuộc, mối liên hệ giữa Đại Việt và Chân Lạp được mở đầu bằng các hoạt động liê minh quân sự và các hoạt động tiến cống của Chân Lạp với chính quyền An Nam đô hộ phủ thì từ thế kỷ XI, quan hệ hai nước bước sang thời kỳ mới với nhiều diễn biến đa dạng, phức tạp. Vào thời Lý, trogn quan hệ hai nước, nhiều hoạt động chính trị-bang giao đã diễn ra. Chân Lạp liên tục cử các phái bộ đến chính quyền Thăng Long (24 lần). Nhưng, giữa các lần “tiến cống” là 9 cuộc xung đột quân sự tại Nghệ An-vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt. Dưới thời nhà Trần và Lê sơ, chính sử không ghi chép nhiều về quan hệ hai nước, nhưng chắc hẳn quan hệ của hai nước vẫn được tiếp tục duy trì mặc dù mức độ và cường độ không được đều đặn và thường xuyên như thời kỳ trước đó. 
        1. Quan hệ hai nước trước thế kỷ XI
 Trong tiến trình lịch sử, nếu như quan hệ của Đại Việt với Chân Lạp[1] thế kỷ XI – XVI là mối quan hệ có tính truyền thống và diễn ra đa dạng, phức tạp dưới nhiều hình thức, đó là các hoạt động bang giao, “triều cống”, các hoạt động giao thương, xung đột quân sự… thì quan hệ hai nước trong các thế kỷ VII – X được coi là giai đoạn bản lề và đẩy đà cho giai đoạn tiếp sau.
Theo các nguồn thư tịch cổ Việt Nam, tuy không nhiều và khá tản mạn, chúng ta thấy rằng Chân Lạp là quốc gia được viết đến từ rất sớm. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng: “Chân Lạp: Tên nước, ở về phía Nam Lâm Ấp. Theo Đường thư Chân Lạp cũng còn gọi là Cát Miệt (Khmer). Chân Lạp vốn xưa là thuộc quốc của Phù Nam, sau năm Thần Long (705-706) đời Đường, chia làm hai: nửa về phía Bắc có nhiều đồi núi, gọi là Lục Chân Lạp, tức nay là Cao Miên; nửa ở phía Nam liền biển, nhiều hồ, nhiều chằm, nên gọi là Thủy Chân Lạp”[2].
Nếu như ghi chép của bộ chính sử Việt Nam cung cấp những thông tin quan trọng về Chân Lạp cũng như sự chia tách giữa hai khu vực thì các nguồn thư tịch cổ Trung Hoa cũng cho biết thêm nhiều thông tin cụ thể về vương quốc này. Theo sách Thông chí của Trịnh Tiều (người đời Tống), “Chân Lạp thông hiếu với Trung Quốc từ đời Tùy (581-617). Nước này nằm ở phía Tây Nam nước Lâm Ấp vốn là một nước phiên thuộc của Phù Nam. Cách quận lỵ Nhật Nam 60 ngày đi thuyền. Phía Nam giáp Xa Cừ. Phía Tây giáp nước Châu Giang. Vua nước ấy, họ là Sát Lợi, tên là Chất Đa Tư Na. Từ đời ông tổ của vị vua này, thế nước đã dần dần cường thịnh. Đến đời Chất Đa Tư Na bèn thôn tính nước Phù Nam. Khi Chất Đa Tư Na chết, con ông là Y Xa Na Tiên lên thay. Ở kinh thành Y Xa Na, dưới thành có hai vạn nhà ở, trong thành có một tòa nhà lớn. Đó là chỗ vua coi chầu. Vua đứng đầu 30 thành lớn. Mỗi thành có vài ngàn nhà, và đều có các bộ súy (người chỉ huy một thành). Quan chức của nước ấy cũng giống như ở nước Lâm Ấp. Vua của họ ba ngày ra coi chầu một lần”[3].
Như vậy, những thông tin mà hai bộ cổ sử của Việt Nam và Trung Quốc cung cấp là rất có giá trị. Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được thời gian thành lập quốc gia Chân Lạp (vào cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII) cũng như thời gian chia tách thành hai bộ phận của quốc gia này (vào đầu thế kỷ thứ VIII) mà còn thấy được đặc tính phát triển của chúng. Có thể thấy, sau khi chinh phục được Phù Nam, xã hội Chân Lạp dường như đã hướng mạnh đến sự thiết lập một quốc gia thống nhất.
Nếu như trong các thế kỷ VII-X, tiến trình lịch sử của Chân Lạp là quá trình hình thành quốc gia, sự chia tách đất nước, rồi tái thống nhất và phát triển đến đỉnh cao của nền văn minh Angkor huy hoàng; thì Việt Nam thời kỳ này là quá trình đấu tranh chống ách đô hộ của nhà Đường, từ năm 622, nhà Đường gọi nước ta là An Nam đặt dưới sự quản chế của đô hộ phủ phương Bắc. Về sự thay đổi tên gọi nước ta thời kỳ này, trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: “Bài thông luận của sử thần họ Ngô[4]: Xét lúc đầu đời Đ­ường chia thiên hạ ra làm 15 đạo, lấy đất 9 quận của nhà Hán làm đạo Lĩnh Nam, còn đất An Nam đặt làm phủ đô hộ, đều thuộc vào đạo Lĩnh Nam thống trị. Đến năm Vũ Đức thứ 5 [622] gọi là Giao Châu. Từ đời Điều Lộ[5] trở về sau không gọi là Giao Châu mà gọi là An Nam.”[6].
Trải qua một thời kỳ quan hệ giữa hai nước diễn ra một cách tự nhiên, đến thế kỷ VIII, lần đầu tiên Mai Thúc Loan cùng những người tham gia khởi nghĩa đã liên kết với Chân Lạp để chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Sử cũ chép: “Sơ niên, hiệu Khai Nguyên (713-714), của Huyền Tông, soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập hợp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An Nam. Vua Huyền Tông ra lời chiếu sai quan Tả Giám Môn Vệ tướng quân là Dương Tư Miễn và quan đô hộ là Nguyên Sở Khanh qua đánh, cứ noi theo con đường cũ của Mã Viện đi tới phá quân của Loan, thâu những xác chết đắp thành gò lớn rồi kéo về”[7].
Trong bối cảnh và điều kiện thời bấy giờ, một cuộc khởi nghĩa có số quân tham gia lên đến 30 vạn chắc chắn phải là cuộc khởi nghĩa có quy mô rất lớn. Cuộc khởi nghĩa đó thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ của cộng đồng cư dân Việt chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Tuy nhiên, số liệu 30 vạn quân tham gia khởi nghĩa là vấn đề cần kiểm chứng. Phần lớn những bộ thư tịch cổ của Việt Nam về sau này như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt sử cương mục tiết yếu,… đều chép dựa theo Đường thư của Trung Quốc. Trong khi đó, các tác giả của bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục có những ghi chép nghi ngờ về số lượng của nghĩa quân[8].
Khởi nghĩa của Mai Hắc Đế tuy chưa giành được thắng lợi cuối cùng nhưng đã góp phần quan trọng làm rung chuyển chế độ cai trị của nhà Đường và trở thành một mốc son trong tiến trình đấu tranh của dân tộc Việt trong suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc. Với tài năng và nhãn quan chính trị xa rộng, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa không chỉ phát huy sức mạnh nội sinh, đoàn kết, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt mà còn tận dụng sức mạnh ngoại sinh, liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp nhằm hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đấu tranh lật đổ ách cai trị của nhà Đường.
Bước sang thế kỷ IX, mối liên hệ giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì, tuy rằng thời bấy giờ nước ta vẫn chịu sự áp chế của nhà Đường, và sứ đoàn của Chân Lạp đến Giao Châu là để tiến cống chính quyền đô hộ phủ. Sử cũ đã ghi lại: “Trương Châu – Nguyên trước làm An Nam Kinh lược phán quan, đến đời vua Hiến Tông, năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), đổi làm chức Đô hộ Kinh lược sứ… Các nước Chiêm Thành, Chân Lạp đều lo tiến cống. Chiêu chết, Liễu Tử Hậu làm văn tế”[9]. Việc tiến cống của Chiêm Thành cũng như Chân Lạp không chỉ cho thấy sự thuần phục của họ đối với chính quyền An Nam đô hộ phủ, mà nó còn cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam thời kỳ này – vùng đất mà các chính thể phương Bắc luôn coi là cửa ngõ bang giao và thông thương vô cùng cần thiết với các quốc gia phương Nam.
Không những coi Việt Nam thời kỳ này có vị trí tối quan trọng trong lộ trình hải thương khu vực, mà chính quyền phương Bắc còn coi nước ta có vị trí trọng yếu về quân sự, là địa bàn để các chính thể này toan tính các nước cờ chính trị,  quân sự đối với các quốc gia phía Nam trong đó có Chân Lạp. Trong An Nam chí lược, Lê Tắc viết: “Đời Đường, năm Hội Xương thứ 5 (845), tiết mục nói về cách tuyển cử: “An Nam đưa vào thi tiến sĩ không được quá tám người, minh kinh không được quá mười người”. Xét theo phép đời nhà Đường, chức vụ của các quan phiên trấn: Đô hộ An Nam và Phong Châu có nhiệm vụ đề phòng đường bộ, đừng cho người Lĩnh Nam vào Chân Lạp mua khí giới và ngựa.”[10].
Sự triều cống và thuần phục của Chiêm Thành cũng như Chân Lạp tiếp tục được duy trì trong thời gian sau này, sự cũ cho thấy rõ điều đó: “Mậu Dần, (858), Đường Đại Trung năm thứ 12, bấy giờ đói kém loạn lạc liên tiếp, 6 năm không nộp thượng cung (thượng cung là tiền, lụa nộp sang kinh sư để cho vua (Trung Quốc) chi dùng, trong quân không có khao thưởng. Thức bắt đầu sửa sang việc thuế khóa, khao thưởng quân lính. Chiêm Thành, Chân Lạp đều thông sứ lại”[11]. Về sự kiện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụccho biết thêm: “Năm Mậu Dần (858), Giao Châu bấy giờ luôn đói kém và loạn lạc, đến nỗi hàng 6 năm không có thuế nộp lên trên, trong quân lính không có khi nào khao thưởng. Vương Thức mới sửa lễ cống, khao các quân sĩ. Từ đấy, các nước Chiêm Thành, Chân Lạp đều sai sứ đi lại và trả lại những dân đó cướp đi từ trước[12].
Như vậy, dưới thời Bắc thuộc, quan hệ của hai nước chỉ thuần túy là hoạt động hưởng ứng quân sự của Chân Lạp với khởi nghĩa Mai Thúc Loan, hay các hoạt động triều cống của Chân Lạp đến chính quyền đô hộ phủ phương Bắc. Tuy nhiên, chính các hoạt động tưởng chừng như thuần túy đó lại cung cấp những thông tin quan trọng, nó không chỉ phần nào cho thấy vị trí quan trọng Việt Nam trong khu vực thời bấy giờ mà còn có vai trò làm nền và tạo đà cho quan hệ Đại Việt và Chân trong các giai đoạn tiếp theo.
2. Quan hệ Đại Việt – Chân Lạp thế kỷ XI – XVI
            Như đã trình bày ở trên, nếu như quan hệ hai nước dưới thời Bắc thuộc diễn ra thuần túy dưới hình thức liên minh quân sự hoặc các hoạt động tiến cống, thì sau khi Việt Nam giành được độc lập, quan hệ hai nước diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức.
Trong đó, hoạt động thương mại đã diễn ra từ khá sớm, tuy đây có thể chỉ là hoạt động buôn bán phi quan phương. Chính sử đã chép: “Tháng giêng năm đầu Đại Trung Tường Phù (1008). Tháng 9, Giao Châu Vương tâu nói có hai người lái buôn Chân Lạp, bị Giao Châu sảnh trục xuất, trốn đến xin nhập tịch làm dân bản châu. Chân Tông nói: “Người phương xa vì cùng đường phải chạy đến quy phụ, xuống chiếu cấp y phục, tiền bạc và khiến sứ dẫn về nước”[13]. Phải chăng chính vì các hoạt động “thương mại ngoài luồng” mà các lái buôn Chân Lạp đã bị chính quyền Hoa Lư ngăn cấm và trục xuất?
            Điều đáng lưu ý là, các hoạt động giao thương giữa Chân Lạp và Đại Việt không phải là mối quan hệ một chiều. Nếu như nguồn thư tịch cổ Việt Nam phản ánh các hoạt động buôn bán “phi quan phương” của người Chân Lạp thì nguồn tư liệu văn bia của Chân Lạp cung cấp thông tin về các hoạt động thương mại tích cực của thương nhân người Việt ở quốc gia này. Nội dung của một tấm bia dựng năm 987 đã cho thấy điều đó, “trong một bia ký từ Ban That (có thể là Băn Thắt) được dựng dưới thời vua Jayavarman VI (1080-1107) đã chỉ ra rằng thuyền mui (barges – hay có thể là xà lan)[14] đã hoạt động phổ biến ở lưu vực sông Mekong. Thương nhân người Việt được chép trong tấm bia Phum Mien (năm 987) có thể đã sử dụng con đường sông Mekong để đến Chân Lạp, họ khởi hành từ Nghệ An xuyên qua Hà Trại, xuôi xuống hạ lưu sông Mekong”[15].
            Trong mối quan hệ đa dạng, đa chiều của Đại Việt với các quốc gia trong khu vực thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ XI-XIV), nếu như quan hệ với Trung Quốc luôn là mối quan hệ có tính truyền thống nhất; quan hệ với Champa nổi trội về phương diện chính trị, văn hóa; quan hệ với Java, Xiêm, Tam Phật Tề… lại tập trung về giao thương[16]. Vậy thì, quan hệ của Đại Việt và Chân Lạp diễn ra chủ yếu trên phương diện nào?
Nếu chỉ khảo sát các bộ chính sử, chúng ta có thể thấy rằng quan hệ của Chân Lạp và Đại Việt thời kỳ này chỉ là quan hệ chính trị một cách thuần túy thông qua việc các phái đoàn triều cống của Chân Lạp tới Đại Việt. Có thể thấy được điều này, qua những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư: “Nhâm Tý, (Thuận Thiên) năm thứ 3 (1012), (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 5), nước Chân Lạp đến cống”[17]; “Giáp Dần, (Thuận Thiên) năm thứ 5 (1014), (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 7), nước Chân Lạp sang cống”[18]; “Canh Thân, (Thuận Thiên) năm thứ 11 (1020), (Tống Thiên Hy năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, nước Chân Lạp đến cống”[19]; “Ất Sửu, (Thuận Thiên) năm thứ 16 (1025), (Tống Thiên Thánh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, nước Chân Lạp sang cống”[20]; “Bính Dần, (Thuận Thiên) năm thứ 17 (1026), (Tống Thiên Thánh năm thứ 4). Mùa đông, tháng 11, nước Chân Lạp sang cống”[21]; “Quý Dậu, (Thiên Thành) năm thứ 6 (1033), (Tống Minh Đạo năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, nước Chân Lạp sang cống”[22]; “Kỷ Mão, (Thông Thụy) năm thứ 6 (1039), tháng 12, nước Chân Lạp sang cống”[23]; “Bính Thân, (Long Thụy Thái Bình) năm thứ 3 (1056), (Tống Gia Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, nước Chân Lạp sang cống”[24]
            Có thể thấy rằng, dưới thời Lý, trong vòng 183 năm (từ năm 1012 đến năm 1195), Chân Lạp cử phái đoàn đến Đại Việt triều cống 24 lần, trong khi đó đến Trung Quốc 5 lần[25]. Như vậy, cứ hơn bảy năm (7,5), Chân Lạp lại đến tiến cống triều đình Đại Việt một lần. Điều đáng lưu ý là, có bốn lần phái đoàn của Chân Lạp đến tiến cống trong vòng hai năm liên tiếp, đó là vào các năm 1025-1026; 1056-1057; 1134-1135; và 1194-1195; còn khoảng thời gian lâu nhất giữa hai lần triều cống là 39 năm (từ năm 1153 đến năm 1191). Số lượng thống kê trên càng trở nên đáng chú ý hơn nếu đặt số lần triều cống của Chân Lạp trong sự đối sánh với số lần tiến cống của Champa đến Đại Việt dưới thời Lý. Chỉ tính riêng dưới thời Lý, Champa tiến cống Đại Việt 22 lần[26], như vậy có nghĩa là số lần tiến cống của Chân Lạp đến triều đình nhà Lý còn nhiều hơn cả số lần tiến cống của Champa – một quốc gia có nhiều mối quan hệ mật thiết cả trên phương diện chính trị, văn hóa với Đại Việt thời kỳ này. Tuy nhiên, một đặc điểm mà chúng tôi cần nhấn mạnh thêm là, ghi chép rất chung chung về mối quan hệ bang giao – triều cống của Đại Việt với nhiều quốc gia trong khu vực thời kỳ này[27], trong đó có Chân Lạp là điều dễ nhận thấy khi khảo sát nguồn chính sử của Việt Nam. Và sử cũ chỉ chép là có phái đoàn của Chân Lạp đến cống, nhưng do ai dẫn đầu, cống phẩm là gì và số lượng bao nhiêu thì không được ghi chép cụ thể. Điều này thật sự tạo nên rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong việc phác dựng lại một cách chân thực và chi tiết hơn nữa về quan hệ chính trị – bang giao giữa hai nước dưới thời Lý.
            Sự khó khăn trong việc khai thác nguồn chính sử ít ỏi trong nước, buộc chúng tôi phải tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ và áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, trong đó, nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc là nguồn bổ trợ quan trọng. Và khi đi sâu phân tích và liên kết các sự kiện một cách có hệ thống, chúng tôi thấy rằng chắc hẳn số lượng cống phẩm của Chân Lạp đến chính quyền Thăng Long phải hậu hĩnh và phong phú. Chính vì thế mà các phái bộ Chân Lạp mới được vương triều Lý đón tiếp trọng thị. Toàn thư viết: “Mậu Tuất, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 9 (1118), (Tống Trùng Hòa năm thứ 1). Tháng 2, sứ nước Chân Lạp sang chầu. Đặt lễ yến tiệc mùa Xuân và mở hội khánh thành bảy bảo tháp. Bấy giờ xuống chiếu cho Hữu ty bày nghi trượng ở điện Linh Quang, dẫn sứ giả đến xem”[28]. Nhận định này càng được thấy rõ hơn khi chúng ta đặt sự tiến cống của Chân Lạp đối với Đại Việt trong tương quan so sánh với sự tiến cống của quốc gia này đến nhà Tống (Trung Quốc) hay mối quan hệ bang giao với Champa. Sách Văn hiến thông khảo của tác giả Mã Đoan Lâm (1245-1322) đã chép lại rằng: “Nước ấy (Chân Lạp – TG chú) xưa cùng với Chiêm Thành là láng giềng hòa hảo, tuế cống vàng nghìn lạng. Ngày rằm tháng năm, năm thứ tư niên hiệu Thuần Hy (năm 1177 – TG chú), chúa Chiêm Thành đem binh thuyền đánh úp kinh đô nước ấy. Nước ấy thề phải báo thù. Năm Kỷ Mùi niên hiệu Khánh Nguyên (năm 1199 – TG chú), cử đại quân xâm nhập Chiêm Thành, lại lập người Chân Lạp làm chúa Chiêm Thành. Nay cũng là thuộc quốc của Chân Lạp”[29]; “Năm thứ sáu niên hiệu Khánh Nguyên, phủ Khánh Nguyên nói vua nước ấy lên ngôi. Năm thứ hai mươi sai sứ dâng biểu cống voi tốt hai con cùng sản vật địa phương. Chiếu ban xuống báo đáp họ ưu hậu và dụ rằng nước ấy vốn phải vượt đường biển xa xôi, từ nay về sau miễn phải vào cống nộp”[30]. Còn theo sách Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát: “Nước này (Chân Lạp – TG chú) vốn giao hiếu với nước Chiêm Thành hàng năm cống vàng”[31].
            Không những vậy, với cách nhìn đối sánh khi đặt Đại Việt, Champa và Chân Lạp trong những mối tương tác chính trị phức tạp thời bấy giờ, chúng ta không chỉ phần nào có thể liên tưởng đến số lượng, quy mô của cống phẩm mà còn thấy được một phần nguyên nhân mà chính quyền Chân Lạp cử phái đoàn đến triều đình nhà Lý. Điều này đúng như nhìn nhận của học giả D.G.E. Hall qua tham khảo, phân tích các tài liệu bia ký và thư tịch cổ về Khmer: “Việc chinh phục Champa là thành tựu quân sự lớn nhất của triều đình Jayavarman (tức năm 1199 – TG chú). Đức vua rất kiên trì và thận trọng trong việc chuẩn bị hành động báo thù, thậm chí đã cử sứ thần đem quà đi thăm vua Đại Việt nhằm bảo đảm sự trung lập của Đại Việt[32]. Sự kiện chính trị – quân sự này tương ứng với ghi chép của chính sử Việt Nam về các lần triều cống của Chân Lạp đến chính quyền Thăng Long vào các năm 1191, 1194 và 1195; phải chăng để tranh thủ được sự trung lập của Đại Việt chắc hẳn cống phẩm của Chân Lạp mang sang tiến cống phải rất có giá trị?
Bên cạnh đó, phải chăng chính tính cách phóng khoáng và thái độ cởi mở của triều Lý khiến không chỉ giới quý tộc Trung Quốc, Champa mà ngay cả giới quý tộc Chân Lạp cũng coi Đại Việt là địa điểm lưu trú lý tưởng, là môi trường thuận lợi để phát triển các hoạt động kinh tế. Có thể thấy được sự kiện đó nhiều lần qua các bộ chính sử. Đối với Chân Lạp, vào năm: “Giáp Thìn, (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 5 (1124), (Tống Tuyên Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, tháng 4, người nước Chân Lạp là Kim Đinh A Truyền cùng 4 người gia đồng sang quy phụ”[33]. Qua nghiên cứu của mình, học giả H. Maspero cũng đã cung cấp những chi tiết rất rõ ràng về sự kiện này: “Thực vậy, vào năm 1023 và 1024, nước Đại Việt không ngừng cho trú ngụ những toán người Cao Miên hay người Chăm tìm cách ẩn náu trên lãnh thổ của mình”[34]. Chúng ta sẽ thấy số lần triều cống của Chân Lạp đến vương triều Lý qua bảng thống kê dưới đây. 
Bảng thống các phái đoàn triều cống của Chân Lạp đến Đại Việt dưới thời Lý[35]
STT Năm Thời gian Người dẫn đầu Cống phẩm Số lượng
1 1012 Tháng chạp ? Sang cống ?
2 1014 ? ? Sang cống ?
3 1020 ? ? Sang cống ?
4 1025 ? ? Sang cống ?
5 1026 ? ? Sang cống ?
6 1033 ? ? Sang cống ?
7 1039 Mùa đông, tháng chạp ? Sang cống ?
8 1056 ? ? Sang cống ?
9 1057 Mùa thu, tháng 8 ? Sang cống ?
10 1069 ? ? Sang cống ?
11 1072 ? ? Sang cống ?
12 1086 Tháng 2 Hai người Bà la môn Sang cống ?
13 1088 Tháng chạp ? Sang cống ?
14 1095 ? ? Sang cống ?
15 1118 ? ? Sang cống ?
16 1120 ? ? Sang cống ?
17 1123 ? ? Sang cống ?
18 1126 ? ? Sang cống ?
19 1134 Mùa xuân, tháng 2 ? Sang cống ?
20 1135 ? ? Sang cống ?
21 1153 Mùa xuân, tháng 3 ? Sang cống ?
22 1191 ? ? Sang cống ?
23 1194 Mùa đông ? Sang cống ?
24 1195 ? ? Sang cống ?
           Tuy nhiên, quan hệ của Chân Lạp với Đại Việt thời Lý không chỉ có quan hệ chính trị – bang giao thông qua các hoạt động triều cống. Thực tế lịch sử cho thấy, Chân Lạp đã từng là nước chủ động đem quân sang tấn công phần lãnh thổ cực Nam của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Điều đáng chú ý là, nếu như trong cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ của nhà Đường, vào đầu thế kỷ thứ VIII, người Chân Lạp mang quân sang liên minh, hưởng ứng, thì trong cuộc kháng chiến chống Tống, Chân Lạp cùng với Champa liên kết với chính quyền phương Bắc, hòng tạo nên một mũi giáp công từ phía Nam. Về sự kiện này, nhiều bộ thư tịch của nước ta đều ghi rõ. Trong đó, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho biết cụ thể và chi tiết thêm: “Năm thứ 5 [1076], tháng 3[36], nhà Tống sai Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, hợp với quân Chiêm Thành, Chân Lạp xâm lược nước ta. V­ương An Thạch nhà Tống nghe tin châu Khâm, châu Liêm bị hạ, đã không vui, lại được đem tờ lộ bố[37] của ta nói: “Nhà Tống đặt ra phép thanh miêu[38] và miễn dịch[39] làm cho nhân dân khốn cùng, nay ta đem quân để cứu vớt”, Vư­ơng An Thạch lại càng thêm giận, mới sai Thiên chư­ơng đãi chế là Triệu Tiết làm Chiêu thảo sứ đem quân tiến đánh ta. Triệu Tiết nói: “Quách Quỳ thạo việc ngoài biên, xin để Quỳ làm chánh sứ, Tiết xin làm phó”. Vua Tống nghe theo, sai thống lĩnh 9 tư­­ớng quân hợp với hai n­ước Chiêm Thành, Chân Lạp xâm l­­ược nư­ớc ta. Vua sai Lý Th­ường Kiệt đón đánh quân Tống ở sông Như­ Nguyệt[40], phá tan, quân Tống chết hơn 1000 người. Quách Quỳ rút lui, lại lấy các châu Quảng Nguyên của ta”[41].
Sự tấn công của Chân Lạp vào phần lãnh thổ phía Nam của Đại Việt luôn nằm xen kẽ với các lần triều cống của nước này đến chính quyền Thăng Long, điều này cho thấy mối quan hệ phức tạp, cũng như tính chất liên minh lỏng lẻo của các thực thể chính trị trên bán đảo Đông Dương thời kỳ này. Chỉ không lâu sau khi triều cống Đại Việt năm 1126, đến năm 1128, Chân Lạp đã đem quân xâm phạm vùng đất Nghệ An. Về sự kiện này,Việt Sử lược ghi chép lại rằng: “Năm Mậu Thân, hiệu Đại Thuận năm đầu (1128), Chân Lạp đến cướp ở châu Nghệ An. Tháng 2, Chân Lạp đến cướp ở Nghệ An, vua sai Thái phó Nguyễn (Lý) Bình Công đánh dẹp, bắt được tướng của nó rồi về”[42].
 Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết cụ thể hơn về cuộc tấn công năm 1128, chỉ trong một năm, Chân Lạp đã hai lần đem quân sang tấn công vùng biên viễn phia Nam của nhà Lý: “Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ 1 (1128), (Tống Kiến Viêm năm thứ 2). Ngày Giáp Dần, tháng 1, hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Cống Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh… Ngày Quý Hợi, Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính…Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư”[43]; “Ngày Mậu Thìn (1128), vua ngự đến hai cung Thái Thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công Bình đánh được người Chân Lạp…Tháng 3 (1128), Lý Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người”[44]. “(Tháng 8, năm 1128) Người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia[45] ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa và Dương ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được… Châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ nước ấy. Vua không trả lời”[46]. Chỉ trong vòng khoảng 7 tháng, Chân Lạp đã hai lần mang quân sang xâm lấn Đại Việt với số lượng khá lớn – lần một là hơn 2 vạn người, lần hai là 700 chiến thuyền, điều này vừa cho thấy tiềm lực quân sự của quốc gia này, đồng thời vừa cho phép chúng ta liên tưởng rằng, chắc hẳn giao thông thủy bộ của hai nước phải rất thuận lợi cho nên họ mới nhanh chóng lưu chuyển một lượng quân lớn như vậy. Bên cạnh đấy, một chi tiết cũng rất đáng chú ý là, chỉ không lâu sau cuộc xung đột quân sự năm 1128, Chân Lạp lại sai sứ giả dâng quốc thư lên chính quyền Thăng Long và xin nhà Lý sai sứ giả sang nước họ. Hành động sai sứ giả dâng quốc thư và xin Đại Việt cử sứ giả sang nước mình của Chân Lạp được coi là hành động xin nghị hòa và tái thiết lập quan hệ bang giao. Đây là hành động thường thấy ở mọi cuộc chiến, tuy nhiên, tiếp cận vấn đề ở góc độ khác thì cần thấy được rằng, chính sự “im lặng” và không trả lời của người đứng đầu của chính quyền Thăng Long dường như vừa cho thấy thái độ “giận giữ” nhưng đồng thời cũng cho thấy vị thế bề trên của một “thiên triều”.
Đối với Chân Lạp thời kỳ này, theo nhiều nhà nghiên cứu, vị vua Surayavarman II (cq: 1130 – 1150) là một trong những vị vua hùng mạnh nhất trong lịch sử Khmer. Theo quan điểm của Coedès: “Việc vua lên cầm quyền trùng hợp với sự qua đời của Jaya Indravarman II của Champa và Kyanzitha của Pagan. Sự hiểu biết tốt hơn về mối quan hệ giữa các nước này có thể sẽ cho thấy  một mối liên hệ nhân quả giữa việc biến mất của hai nhà vua hùng mạnh và việc chiếm quyền của một nhà vua người Khmer đầy tham vọng, có khả năng đánh cả sang Đông và sang Tây”[47]. Việc đánh sang phía Đông của nhà vua Surayavarnman phải chăng bên cạnh mục tiêu chính là vương quốc Champa còn là vùng lãnh thổ Nghệ An của Đại Việt. Có thể thấy rõ điều này, vì chỉ trong 20 năm cầm quyền của ông vua này, theo chính sử Việt Nam, Chân Lạp đã 4 lần tấn công sang Đại Việt vào các năm 1132; 1137; 1149 và 1150.
Chúng ta có thể thấy các đợt tấn công của Chân Lạp trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Nhâm Tý, Thiên Thuận năm thứ 5 (1132), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 2). Tháng 8, Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An… Xuống chiếu cho Thái úy Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành, phá tan… Tháng 9, Lệnh hỏa đầu ở đô Phụng vệ là Đinh Ngưu dâng voi trắng. Lệnh thư gia châu Nghệ An là Trần Lưu dâng ba người Chiêm Thành. Trước đây, bọn người này thường ẩn nấp ở chỗ hiểm yếu, bắt người châu Nghệ An đem bán cho nước Chân Lạp, Lưu đặt phục binh ở chỗ ấy, bắt được đem dâng”[48].
 Sự tấn công của Chân Lạp sang lãnh thổ Đại Việt dưới thời vua Surayavarman II và các đời vua kế tục còn tiếp tục vào các năm 1137, 1149, 1150, 1216 và 1218[49].
Như vậy, chỉ trong 142 năm, Chân Lạp đã 9 lần đem quân sang tấn công Nghệ An – vùng biên viễn phía Nam của vương triều Lý, cứ trung binh gần 16 năm, Chân Lạp lại đem quân sang cướp phá một lần, đây có thể coi là mật độ rất dày đặc. Trong đó, có năm Chân Lạp đem quân đến tấn công hai lần (1128) hoặc đem quân đến trong hai năm liên tiếp (năm 1149 và 1150), khoảng thời gian lâu nhất giữa hai cuộc tấn công là 66 năm (từ năm 1150 đến 1216), và có những lần có quy mô khá lớn (đó là hai lần trong năm 1128). Điều đáng chú ý là, chỉ tính riêng dưới thời Lý, Chân Lạp là nước kéo quân sang cướp phá Đại Việt nhiều nhất, trong tương quan so sánh với 1 lần xâm lược của nhà Tống (năm 1076 và 1077) và 7 lần tấn công của Champa[50]. Trong đó có 4 lần Chân Lạp liên quân với Champa vào các năm 1076; 1132; 1216 và 1218 cũng như có 1 lần liên quân với cả nhà Tống và Champa (năm 1076). Điều đáng chú ý hơn là, cả trong 9 lần đem quân đến Đại Việt của Chân Lạp, quân đội nước này chỉ cướp phá Nghệ An – vùng biên viễn phía Nam của Tổ quốc ta.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Chân Lạp lại chỉ tấn công vào vùng đất này mà không phải là nhiều vùng lãnh thổ khác nhau của quốc gia Đại Việt? Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề nữa cần phải đặt ra là, vậy thì dưới thời Lý, quan hệ giữa Chân Lạp với Đại Việt chỉ diễn ra trên các phương diện chính trị – bang giao và xung đột quân sự hay còn có những hoạt động khác? Sự ghi chép ít ỏi trong các bộ chính sử không thể hiện rõ vấn đề này. Hiện nay, với những thành tựu nghiên cứu mới cùng sự trưởng thành của nhiều ngành khoa học, các học giả trong và ngoài nước ngày càng chứng minh vai trò quan trọng của vùng đất Nghệ – Tĩnh trong hệ thống thương mại Biển Đông giai đoạn sớm, đặc biệt là các thế kỷ XI-XIV[51]. Việc Chân Lạp liên tục cử các phái đoàn đến triều cống Đại Việt, xen kẽ với các cuộc cướp phá của quốc gia này đối với vùng đất Nghệ An là những sự kiện liên quan mật thiết với nhau. Nếu như dưới thời Bắc thuộc, “những khó khăn trong giao thông của vịnh Bắc Bộ (do những tảng đá nằm dọc ven biển vịnh Bắc bộ cản trở trước khi được được Thái thú Cao Biền khắc phục – TG chú) tạo điều kiện để miền Trung Việt Nam, phần lãnh thổ thuộc Nghệ Tĩnh ngày nay, có vị trí quan trọng trong tuyến giao thương đường biển của khu vực”[52]. Sau khi Đại Việt giành được độc lập (năm 938), vị trí đấy tiếp tục được củng cố, “Miền Trung Việt Nam là cửa ngõ cho các hoạt động giao thương đường thủy trong khu vực, nơi mà hầu hết thương nhân, khách hành hương và các đoàn triều cống đặt chân tới trước khi theo đường sông đến Giao Chỉ (Việt, Giao Châu)”[53].
Quan điểm này cũng được nhà nghiên cứu Nhật Bản Momoki Shiro chia sẻ: “Khi nghiên cứu về ngoại thương và tuyến buôn bán giữa Đại Việt với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, cũng nên tập trung vào vùng lãnh thổ cực Nam của Đại Việt tức là hai tỉnh Diễn Châu (thuộc Đông Bắc của tỉnh Nghệ An hiện nay) và Nghệ An (gọi là Hoan Châu cho đến tận đầu thời Lý, bao gồm phần còn lại của Nghệ An và Hà Tĩnh). Ngày nay, vùng Nghệ – Tĩnh được ghi nhận là khu vực nóng nực, khí hậu mùa hè khô hanh, lụt lội thường xuyên diễn ra vào mùa Thu khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhưng, trong thời kỳ Đại Việt, đây vốn là một khu vực buôn bán giàu có nơi người Hoa, người Chăm, người Khmer thường tụ hội về. Tuyến buôn bán trong thế kỷ VIII của nhà Đường băng qua dãy Trường Sơn đến Lục Chân Lạp (vị trí cai trị của vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan ngày nay) đều được bắt đầu từ Nghệ -Tĩnh”[54]. Chắc hẳn, Chân Lạp cần một con đường thông ra biển từ phía Bắc để giao lưu với các quốc gia khu vực.
Dưới cách nhìn của chính quyền Thăng Long thời kỳ này, vùng đất Nghệ – Tĩnh, vùng biên viễn phía Nam của Tổ quốc giữ vị trí rất quan trọng về chính trị và quân sự. Không phải ngẫu nhiên mà chính sử Việt Nam cho biết là triều Lý đã cử 6 trong số 7 tri châu đến vùng đất này. Điều đặc biệt hơn là, năm 1037, triều đình đã “xuống chiếu cho châu Nghệ An dựng các kho ở các châu Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong, 50 cơ sở”[55]. Đáng tiếc là, chính sử không ghi rõ chi tiết, cụ thể 50 kho mà chính quyền nhà Lý xây dựng là 50 kho gì, đó có thể là kho phục vụ cho mục đích quân sự nhưng phải chăng đó cũng có thể là 50 kho hàng phục vụ cho các hoạt động giao thương?
Theo cách nhìn nhận của Li Tana thì, “miền Trung Việt Nam đồng thời đóng vai trò cầu nối giữa Campuchia và Nam Trung Hoa. Điều này giúp chúng ta giải thích tại sao các vị vua Khmer thường gửi cống phẩm đến Đại Việt (19 lần) nhiều hơn đến nhà Tống (5 lần)”[56]. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên (xin xem bảng thống kê), khi thống kê các phái đoàn triều cống của Chân Lạp đến triều Lý qua hai bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư Việt sử lược, chúng tôi thấy rằng sứ đoàn Chân Lạp đến Đại Việt 24 lần thay vì 19 lần như số liệu mà hai nhà nghiên cứu Li Tana và Momoki Shiro đã đưa ra. Còn theo như nghiên cứu của D.G.E. Hall, “kể từ sau Jayavarman, Suyavarman II là vua Campuchia đã lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (tức nhà Tống: 960-1279, TG chú). Phái bộ sứ thần đầu tiên của vua đã được tiếp đón vào năm 1116. Phái bộ thứ hai đến vào năm 1120. Tám năm sau đó, khi phái bộ thứ ba đến, hoàng đế đã phong tước hiệu cao cho “vua Chân Lạp”. Từ năm 1136 đến 1146 đã có các cuộc thảo luận về những khó khăn trong thương mại và những khó khăn đó đã được giải quyết một cách hòa bình”[57]. Nếu như phái đoàn của Chân Lạp đến nhà Tống chỉ có 5 lần, thì có nghĩa là số lần mà sứ đoàn của nước này đến Đại Việt trong khoảng thời gian này gấp gần 5 lần. Vậy một câu hỏi được đặt ra là, tại sao các sứ bộ Chân Lạp lại đến triều cống Đại Việt nhiều hơn đến nhà Tống nhiều như vậy và những khó khăn trong thương mại được giải quyết hòa bình như thế nào? Ở một chừng mực nào đấy, những giả thuyết và kiến giải của nhà nghiên cứu Li Tana không hẳn là không có lý. Phải chăng chính các hoạt động chính trị – bang giao có mối liên hệ cực kỳ mật thiết với các hoạt động ngoại thương, và “sứ bộ các nước láng giềng đến Đại Việt được đề cập trên đây phải là nguồn lợi thiết yếu và để đảm bảo cho sự liên tục của nó, những nỗ lực đáng kể được tăng cường nhằm quản lý các vùng biên viễn và các mạng lưới buôn bán mà chúng vốn là một bộ phận”[58].
Không những vậy, khi trở lại với 9 lần Chân Lạp đem quân đến tấn công Nghệ An, chúng ta thấy rằng bên cạnh mục tiêu cướp phá nguồn tài nguyên tương đối phong phú của vùng đất này, giới cầm quyền Chân Lạp còn khát khao muốn nắm giữ một vùng hải cảng quan trọng, một cửa ngõ thiết yếu để quốc gia này dự nhập vào mạng lưới thương mại Biển Đông giai đoạn sớm. Đồng thời, nguồn chính sử Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chép một sự kiện rất đáng chú ý vào năm 1132, đó là việc viên quan Trần Lưu bắt giữ ba người Champa, những người mà đã trước đó đã bắt người Nghệ An đem bán cho Chân Lạp. Sự giao dịch, mua bán người lén lút của Champa và Chân Lạp cho thấy hoạt động thương mại ngoài luồng của hai quốc gia này trên lãnh thổ Đại Việt. Sự kiện này trở nên có ý nghĩa, khi đặt nó trong bối cảnh các hoạt động buôn bán nô lệ ở vùng biển Giao Châu trong suốt các thế kỷ XI-XIV, mà theo như quan điểm của Li Tana cũng như Momoki Shiro, Đại Việt đã tham gia mạng lưới buôn bán này, ít nhất là với vai trò của một địa điểm trung gian[59]. Và như vậy, phải chăng ngay tại Nghệ An có thể đã từng hình thành các hoạt động buôn bán, trao đổi nô lệ?
Nếu như dưới thời Lý, chính sử có ghi chép về quan hệ chính trị – bang giao, cũng như các cuộc xung đột của Chân Lạp với Đại Việt, thì sang thời Trần, bộ chính sử Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư không ghi chép một chút nào về quan hệ chính trị – bang giao của Đại Việt và Chân Lạp dưới triều đại này. Sự khan hiếm của các nguồn sử liệu, tạo nên khoảng trống về nhận thức trong quan hệ Đại Việt và Chân Lạp trong hai thế kỷ XIII-XIV. Cũng có một điểm tương đồng khá thú vị là, trái với các bộ chính sử khác của Trung Quốc, Nguyên sử – bộ chính sử của nhà Nguyên (1279-1368) cũng không có một ghi chép nào về các phái đoàn của Chân Lạp thượng tiến vương triều này. Thêm một câu hỏi nữa được đặt ra là, phải chăng trong hai thế kỷ này, Chân Lạp không hề thiết lập quan hệ bang giao – triều cống với cả Đại Việt và Trung Quốc? Nếu đặt Chân Lạp vào bối cảnh chính trị khu vực, cũng như các hoạt động thương mại khá nhộn nhịp ở Biển Đông thì thật khó có thể coi đây là vấn đề có tính sát thực. Điều này trở nên có ý nghĩa hơn, khi khảo sát lại các bộ thư tịch cổ Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng chính Nguyên sử mặc dù không ghi lại sự tiến cống của Chân Lạp đến quốc gia của họ, nhưng lại chép một sự kiện đó là: “Tháng 12 (năm 1282 – TG chú), sứ giả đi chiêu dụ Chân Lạp là Tốc Lỗ Man xin đi chiêu dụ vua Chiêm, bèn lại cùng bọn Thiên Hựu và Giả Hựu đến phủ dụ”[60]. Sự kiện này phản ánh việc sứ giả nhà Nguyên đi chiêu dụ vua Chiêm Thành, nhưng điều cần nhấn mạnh là, trước đó không lâu chính vị sứ giả đó đã đi chiêu dụ Chân Lạp, điều này có nghĩa là dù tiếp cận dưới góc độ nào thì rõ ràng là vẫn có những tiếp xúc mang tầm quốc gia giữa triều đình nhà Nguyên và Chân Lạp thời kỳ này. Đồng thời, chính cuốn sáchChân Lạp phong thổ ký cùng với tác giả của nó Chu Đạt Quan – người đã tham gia phái bộ của Chân Lạp trong các năm 1296-1297, tự thân sự kiện này cũng cho thấy hoạt động chính trị – bang giao của nhà Nguyên với Chân Lạp vào cuối thế kỷ XIII.
Vấn đề được hé lộ thêm chút ít nữa khi chúng ta thấy rằng, vào nửa cuối thế kỷ XIV, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì một số cửa biển vùng Nghệ – Tĩnh bị cạn nên không thuận tiện cho thuyền bè neo đậu nữa. Vì thế, các thương thuyền phần nhiều tụ tập về Vân Đồn. Điều tất yếu dẫn đến là, các cửa biển này không còn là cửa ngõ thông thương lý tưởng cho Chân Lạp, khiến cho giới cầm quyền nước này không coi vùng đất Nghệ – Tĩnh là địa bàn hướng biển chiến lược của mình. Do vậy, trong suốt thế kỷ XIII và nửa đầu thế kỷ XIV, không có một ghi chép nào về quốc gia này? Điều này không hẳn không có lý, tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở các bài nghiên cứu trước[61], khi khảo sát lại Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, tại quyển III, phần Khu vũ ngữ(phần này Lê Quý Đôn sưu tập một cách rộng rãi và phong phú những sử liệu của Trung Quốc nói về các châu, quận, sông núi, sản vật, phong tục của Việt Nam qua các thời), tại điều 77, ông đã chép lại một sự kiện rất đáng chú ý: “Đời nhà Trần, thuyền buôn thông dương các nước; như vóc đoạn của các nước Tây Dương; vải hoa, trân châu, cánh trả, kim la (thanh la) của Trà Và; gấm, chim ưng, cá sấu, da tê, ngà voi, trầm hương, bạch đàn của Miên, Lào, không thiếu thứ gì; đều là những thứ đời sau ít có”[62]. Điều này cho thấy là, mặc dù chính sử không ghi chép chi tiết, cụ thể về quan hệ bang giao – triều cống giữa Đại Việt và Chân Lạp dưới thời Trần; nhưng cùng với Java, Lào và các quốc gia Tây Dương[63] thì hoạt động giao thương mang tính quốc gia giữa Đại Việt và các nước vẫn diễn ra. Bên cạnh đấy, sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết rằng “dâng vật quý (tiến cống) để xin buôn bán” là hoạt động thường thấy của các nước đến Đại Việt dưới thời Lý và cả thời Trần. Do vậy, quan hệ thương mại và quan hệ chính trị – ngoại giao có mối liên hệ mật thiết với nhau, điều này khiến chúng ta ít nhiều có những liên hệ gợi mở đến quan hệ bang giao – triều cống của Đại Việt và Chân Lạp thời nhà Trần. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta cần phải có thêm những chuyên khảo mang tính liên ngành và chuyên sâu hơn nữa!
Dưới thời Lê sơ trong hai thế kỷ XV-XVI, thư tịch cổ Việt Nam cũng không ghi chép nhiều về Chân Lạp, phần Khu vũ ngữ, điều 96, sách Vân đài loại ngữ của nhà sử học Lê Quý Đôn tiếp tục cho biết: “Dư đồ nước ta: Đông nam ra tận biển, chính Đông giáp Khâm Châu, Liêm Châu; chính Bắc liền với Quảng Tây; chính Tây liền với Vân Nam; Tây (bắc) giáp với Vân (Nam), Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây); Tây Nam một bên giáp Ai Lao;chính Nam cắt một nửa nước Chiêm Thành, nắm vững núi non, ràng buộc sông biển, thực là một nước có đủ tứ tái… Phía Tây nam là hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An, sản xuất gỗ lim, gỗ sến, gỗ táu, quế, trầm, đàn hương, tức hương, cau, da tê, ngà voi, vàng, bạc, đồng, sắt. Phía Tây trấn Nghệ An, thông sang các nước Bồn Man, Lão Qua, Cao Miên. Dân các nước ấy đem trâu bò sang bán cho ta[64]. Khó khăn cho chúng tôi khi sử dụng sách Vân Đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn đó là, tập đại thành này của tác giả là công trình mang tính tổng hợp và phần viết về lịch sử không thuần túy theo thể biên niên. Chính vì thể, khi sử dụng chúng tôi phải tiến hành thao tác kiểm chứng sự kiện hết sức cẩn trọng để giám định khoảng thời gian mà sự kiện diễn ra. Cùng thuộc phần Khu vũ ngữ, nếu như sự kiện lịch sử tại điều 97 cho biết rõ mốc thời gian là dưới thời Trần, thì tại điều 96 sách chỉ chép chung chung như chúng tôi đã dẫn ở trên. Sở dĩ ghi chép trên chúng tôi xác định dưới thời Lê là vì: Thứ nhất, sự kiện đề cập đến việc cắt một nửa nước Chiêm Thành, sự kiện này tương thích với cuộc hành quân của nhà vua Lê Thánh Tông xuống phía Nam năm 1471, điều này dẫn đến việc sụp đổ vương quốc Chiêm Thành và các bộ phận nhỏ còn lại hình thành hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá. Thứ hai,tên gọi của trấn Thanh Hoa cũng hé lộ cho chúng ta biết về mốc thời gian, vì dưới thời Lê, năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1428), chia nước làm 5 đạo, Thanh Hoá thuộc Hải Tây đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466) đặt tên là Thừa Tuyên Thanh Hóa; đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469) đổi là Thừa Tuyên Thanh Hoa, tên Thanh Hoa có từ đây. Thời Hồng Thuận (Lê Tương Dực 1509 – 1516), Thừa Tuyên Thanh Hoa lại đổi là trấn Thanh Hoa[65]. Tiếp cận dưới nhiều góc độ có thể thấy ghi chép trong Vân đài loại ngữ không chỉ cho biết về dư đồ nước ta cũng như nhiều sản vật của hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An thời kỳ này, mà còn cho biết thông tin quan trọng về việc Cao Miên (tức Chân Lạp) mang trâu bò sang buôn bán tại khu vực Nghệ An của Đại Việt. Dù buôn bán ở cấp độ nào, nhà nước hay địa phương thì rõ ràng là hoạt động giao thương giữ hai nước vẫn tiếp tục diễn ra thời kỳ này.
Bên cạnh đấy, sách Dư địa chí của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cũng hé lộ thêm chút ít về quan hệ bang giao – triều cống của Đại Việt và Chân Lạp: “Nước Chiêm, nước Xiêm, nước Chân Lạp mặc nhung phục,cống đồi mồi, voi trắng, voi chỉ và kiến chín tấc[66]. Cũng giống như tác phẩm Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Dư địa chí là một quyển sách có giá trị về mặt địa lý học lịch sử, cho nên các sự kiện không được ghi chép theo thể biên niên, khiến việc xác định niên đại gặp nhiều khó khăn. Dù chưa xác định được thật chính xác niên đại của sự kiên trên có diễn ra vào thời Lê hay không, nhưng dù sự kiện trên diễn ra vào thời Lý, thời Trần hay một triều đại nào trước thời Lê thì cũng là  một nguồn tư liệu bổ trợ quan trọng, làm sáng rõ thêm lượng “cống phẩm” khá phong phú mà Chân Lạp và các nước mang đến và dâng lên chính quyền Thăng Long. Đặt trong bối cảnh mà Đại Việt sử ký toàn thư cũng như các bộ chính sử khác không ghi một chút nào về các loại cống phẩm của Chân Lạp dâng lên triều đình Đại Việt thì rõ ràng là nguồn tư liệu trong Dư địa chí càng trở nên có giá trị!
            Không những vậy, Dư địa chí còn cho biết thêm về sự giao lưu văn hóa của Đại Việt với nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Chân Lạp thời kỳ này: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô (tức nhà Minh), Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước… “Vô” là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô là tiếng lưỡi, phải dịch mới hiểu; tiếng Lào là tiếng họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp là tiếng hầu, như tiếng chim quẹt, đều không được bắt chước để làm loạn tiếng nước nhà…”[67]. Ghi chép của Nguyễn Trãi cho chúng ta biết về sắc lệnh nghiêm khắc của nhà Lê đối với vấn đề bảo vệ nền văn hóa chính thống của quốc gia Đại Việt; tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề theo cách khác có thể thấy rằng, đằng sau sắc lệnh nghiêm khắc đó là ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm của văn hóa ngoại lai đối với văn hóa Đại Việt. Phải chăng chính sự đe dọa lớn lao của văn hóa ngoại lai đối với tính truyền thống của văn hóa bản địa, buộc nhà nước phải đưa ra đạo chỉ nghiêm khắc nhằm kiềm tỏa sự giao thoa mạnh mẽ đó?
3. Một số nhận xét
Nhìn lại tiến trình lịch sử hai nước, đối với Chân Lạp, từ nửa sau thế kỷ thứ VI vương quốc này đã dần thay thế, chinh phục Phù Nam. Sang đầu thế kỷ thứ VIII, vì nhiều nguyên nhân, Chân Lạp đã chia tách thành hai phần lãnh thổ: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Đến đầu thế kỷ thứ IX, một cuộc vận động, thống nhất dân tộc đã diễn ra mạnh mẽ, quốc gia này bước sang một kỷ nguyên phát triển mới với nền văn minh Angkor huy hoàng. Chân Lạp trở thành một đế chế cường thịnh, có cương vực lãnh thổ rộng lớn. Với Đại Việt, sau hơn một nghìn năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc thống trị, dân tộc Việt đã nhận diện lại chính mình đồng thời phục hưng được nền độc lập dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài đồng thời là nhân tố căn bản để dân tộc Đại Việt sáng tạo nên nền văn minh Lý – Trần với nhiều thành tựu rực rỡ. Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Minh, triều đại Lê được thiết lập và mau chóng bước vào giai đoạn phát triển cường thịnh. Những biến chuyển giữa các thời đại lịch sử cũng như sự thịnh, suy của các triều đại là những nhân tố tác động trực tiếp đến nội dung và tính chất quan hệ hai nước Chân Lạp – Đại Việt trong các thế kỷ XI – XVI.
Nếu như dưới thời Bắc thuộc, quan hệ hai nước chỉ thuần túy là sự hưởng ứng của Chân Lạp với cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, hay các lần triều cống của quốc gia này đối với chính quyền An Nam đô hộ phủ; thì bước sang thế kỷ X, đặc biệt là thế kỷ XI, trong ánh hào quang của kỷ nguyên độc lập, Đại Việt đã vươn lên trở thành cường quốc trong khu vực đồng thời mau chóng xây dựng cho mình nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội vững mạnh, mang đậm sắc thái dân tộc. Trong bối cảnh đó, quan hệ hai nước bước sang thời kỳ mới với nhiều diễn biến đa dạng, phức tạp. 
Như vậy, căn cứ theo các nguồn thư tịch cổ Việt Nam, nhìn lại diễn tiến quan hệ hai nước trong các thế kỷ XI – XVI, nếu không tính các hoạt động thương mại (cả quan phương và phi quan phương) vào cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ XI (dưới thời Đinh, Tiền Lê) thì xét trên cấp độ quốc gia, quan hệ dưới thời Lý là đậm đặc nhất. Vào thời Lý, trong quan hệ hai nước, nhiều hoạt động chính trị – bang giao đã diễn ra. Chân Lạp liên tục cử các phái bộ đến chính quyền Thăng Long (24 lần). Nhưng, giữa các lần “tiến cống” là 9  cuộc xung đột quân sự tại Nghệ An – vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt. Mặc dù chính sử không có nhiều thông tin về các sự kiện đó nhưng bằng những thành tựu nghiên cứu mới và sự trưởng thành của nghiên cứu liên ngành, chúng ta thấy quan hệ giữa hai nước đã không chỉ diễn ra với các hoạt động bang giao, triều cống cũng như các xung đột quân sự. Điều chắc chắn là, hai nước đã tiến hành nhiều hoạt động giao thương thông qua một số cảng khẩu trong đó đặc biệt là vùng biên viễn Nghệ – Tĩnh.
Sang thời Trần, chính sử không ghi chép một chút nào về quan hệ chính trị – ngoại giao của Đại Việt và Chân Lạp, tuy nhiên, qua những ghi chép dù không nhiều của Lê Quý Đôn, chúng ta vẫn thấy các hoạt động giao thương giữa hai nước được diễn ra. Đến thời , khi liên kết những ghi chép của Lê Quý Đôn, đặc biệt của Nguyễn Trãi, dù những ghi chép đó vẫn cần phải kiểm định thêm, nhưng chúng ta thấy rằng xét trên nhiều phương diện dường như dưới triều đại này, quan hệ hai nước lại diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức nhất.
Trong quan hệ của Đại Việt và Chân Lạp, vùng Nghệ An giữ vị trí quan trọng và là nhân tố hằng xuyên trải dài qua các triều đại Lý, Trần và Lê sơ. Theo cách nhìn trục dọc về quan hệ hai nước: thời Lý: quan hệ chính trị – bang giao kèm với các cuộc xung đột quân sự; thời Trần: quan hệ thương mại cấp nhà nước; thời Lê: quan hệ bang giao – triều cống (tuy nhiên vẫn cần kiểm định tính chính xác của niên đại), quan hệ thương mại (chưa xác định được cấp nhà nước hay địa phương), giao lưu văn hóa. Tiếp cận vấn đề theo cách thông thường thì thấy rằng dường như trong các thế kỷ XI-XVI thì quan hệ Đại Việt và Chân Lạp dưới thời Trần mức độ và cường độ có phần mờ nhạt nhất. Tuy nhiên, suy xét một cách cẩn trọng thì thấy rằng hàm chứa trong đó nhiều yếu tố mang tính nghịch lý. Đó là dưới thời Lý – Trần, quan hệ chính trị có mối liên hệ mật thiết với quan hệ thương mại. Trong nhiều trường hợp, các nước đến triều cống chính quyền Thăng Long nhằm mục đích xin buôn bán thì trong khi đó, dưới thời Lý, Chân Lạp đến triều cống Đại Việt nhưng chính sử không thấy chép các hoạt động giao thương; còn dưới thời Trần, chính sử không ghi chép về quan hệ chính trị – bang giao nhưng cho biết các hoạt động thương mại mang cấp nhà nước vẫn diễn ra. Phải chăng quan hệ chính trị – bang giao và quan hệ thương mại giữa hai nước luôn song hành cùng nhau dưới thời Lý – Trần, và ở một chừng mực nào đó ở thời Lê?
Sự thiếu hụt các nguồn sử liệu khiến việc nhận thức chi tiết, cụ thể  hơn nữa về quan hệ Chân Lạp – Đại Việt dưới thời Trần, Hồ, Lê sơ và thời Nam – Bắc triều gặp khá nhiều khó khăn nên điều cần thiết là phải khai thác triệt để hơn nữa các nguồn tư liệu bản địa, khu vực cũng như thông tin khoa học liên ngành để tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu.
 —
Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11 (2010), tr. 39-56
—-
Chú thích:
[1] Trong bài viết này, chúng tôi dùng thuật ngữ Chân Lạp và Đại Việt để chỉ chung cho phần lãnh thổ thuộc Campuchia và Việt Nam ngày nay. Trong suốt các thế kỷ XI-XVI, quốc hiệu Đại Việt và Chân Lạp có một thời gian ngắn bị gián đoạn: Trong đó, đối với Việt Nam, quốc hiệu Đại Việt được khởi đặt năm 1054 dưới thời vua Lý Thánh Tông kéo dài đến đầu thế kỷ XIX, tuy nhiên quốc hiệu này có thời gian bị gián đoạn đó là dưới thời Hồ (1400-1407) có quốc hiệu là Đại Ngu và trong những năm 1407-1428 là dưới kỷ thuộc Minh. Còn đối với Campuchia, tên Chân Lạp xuất hiện trong chính sử Việt Nam và Trung Quốc vào khoảng thế ky thứ VI và thứ VII, bị gián đoạn trong thời kỳ họ đánh chiếm và cai trị Chiêm Thành (từ năm 1199 đến đầu thế kỷ XII), thời kỳ mà chính sử Trung Quốc gọi họ là Chiêm Lạp và phải đến khi nhà Nguyên thành lập (năm 1279) mới gọi lại là Chân Lạp.
[2] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo Dục, Đà Nẵng, 2007, tr. 193. Về sự chia tách của Chân Lạp có thể tham khảo thêm các bộ thư tịch cổ của Trung Quốc như Tùy thư, Văn hiến thông khảo, Thông chí, Chư phiên chí, Thái bình hoàn vũ ký.
[3] Trịnh Tiều, Thông chí, quyển thứ 198, tập 18, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2008, tr. 304.
[4] Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ có những đoạn thông luận không rõ của chính Ngô Thì Sĩ hay của một ngư­ời nào viết, hiện ch­ưa khảo đ­ược.
[5] Niên hiệu của vua Đư­ờng Cao Tông ở Trung Quốc (năm 679).
[6] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Quyển 1, Phần Dư địa chí, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 34 – 35. Về sự kiện này, sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn cũng chép: “Nhà Đường lên làm vua (Trung Quốc), năm Vũ Đức thứ năm (622), vua Cao Tổ) đặt ra An Nam đô hộ phủ, tên An Nam bắt đầu có từ đấy, gồm có 17 châu, phủ”, Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 173. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn thì các châu phủ đó cụ thể gồm các châu: Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Phú Lộc, Nham Châu, Trường Châu, Thang Châu, Doanh Châu, Lung Châu, Lương Châu, Hoàn Châu, Chiêm Châu, Giáp Châu, Sơn Châu, Diễn Châu, Lâm Châu, Ảnh Châu. Cũng cần phải thấy thêm rằng, trong lịch sử, Việt Nam và Campuchia là những quốc gia láng giềng có nhiều mối liên hệ mật thiết. Trong quan hệ giao lưu và thế ứng đối, tương tác quyền lực khu vực, giữa hai nước có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như giá trị văn hóa. Với kiến thức uyên thâm, cộng với sự trải nghiệm phong phú từ thực tế, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn đã có những nhận định cụ thể, chính xác về điều kiện tự nhiên giữa Chân Lạp với vùng Nghệ An: “Ven biên giới Nghệ An, cách Chiêm Thành mấy trăm dặm. Từ Chiêm Thành đến Chân Lạp, đường đi mất nửa tháng. Xem Chân Lạp phong thổ ký, thì thấy Chân Lạp, với Nghệ An, phong tục không khác mấy. Nước Chân Lạp nửa năm có mưa, nửa năm tuyệt không có hạt mưa nào. Từ tháng 4 đến tháng 9, ngày nào cũng vậy, qua giờ Ngọ là mưa. Sau đó từ tháng 10 đến tháng 3, tuyệt không mưa một giọt nào. Những nhà trồng trọt chỉ định rõ: bao giờ lúa chín, thì lúc ấy nước tràn đến nơi nào, tùy địa lợi mà gieo trồng. Nay, vùng phía trên trấn Nghệ An, năm nào tháng 5 cũng mưa nhiều, tháng 6 nước ngập, đến đầu mùa Đông mưa mới tạnh, nước mới lui”, Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Sđd, tr. 429.
[7] Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002, tr. 117 – 118. Về sự kiện này, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục số quân Mai Thúc Loan dưới sự lãnh đạo lên đến 40 vạn, sách chép: “Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên (713-741), An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn. Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ 10 vạn quân, cùng với Quang Sở Khách tiến quân theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý, sập đến đánh. Thúc Loan hoang mang nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chọn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (Kình quán), để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về”, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Đà Nẵng, 2007,  tr. 177.
[8] Về số lượng nghĩa quân tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã chép: “Lời cẩn ánKhoảng năm Khai Nguyên (713-714) nhà Đường, An Nam đô hộ phủ vẫn còn ở Giao Châu, thống trị 12 châu, 59 huyện, đều đặt các quan thú, tể để quản trị. Việc đánh thuế tô, điệu và bắt lính đều tuân theo lệnh nhà Đường. Lúc Mai Thúc Loan khởi lên, thì phủ đô hộ với các châu Phong, Ái, Lục, Diễn chưa nghe thấy có đâu là thuộc về Mai Thúc Loan đóng giữ, như vậy Mai Thúc Loan làm thế nào mà chiêu tập được người 32 châu, có số quân đến 40 vạn? Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. Bấy giờ Đường Huyền Tông thích lập công ở biên giới, bọn Tư Húc và Sở Khách thì lợi dụng xứ này ở nơi hiểm trở xa xôi, nên mới thổi phồng thanh thế bên địch để cầu lấy công cán và phong thưởng đó thôi. Nếu không phải thế thì sao giáp binh và đất đai như thế, mà quân nhà Đường mới thoạt kéo đến đó vội kinh hãi tan rã ngay? Sử cũ cũng chép Thúc Loan ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân có 30 vạn có lẽ cũng cứ dựa qua vào Đường thư, chứ chưa xét đến sự thực”, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, 177 – 178.
[9] Lê Tắc, An Nam chí lược, Sđd, tr. 196.
[10] Lê Tắc, An Nam chí lược, Sđd, tr. 228.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 195.
[12] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tr. 192.
[13] Lê Tắc, An Nam chí lược, Sđd, tr. 233 – 234.
[14] Về thuyền bè và mái chèo của Chân Lạp, Trong Chân Lạp phong thổ ký, Chu Đạt Quan, một thành viên của đoàn sứ bộ nhà Nguyên đến Chân Lạp vào cuối thế kỷ XIII, cho biết: “Thuyền lớn làm bằng gỗ cứng. Thợ không có cưa, chỉ dùng búa bổ, xẻ thành từng tấm ván, đã tốn gỗ lại tốn công, rất tồi. Phàm muốn gỗ thành từng khúc, cũng chỉ lấy đục đứt đi. Làm nhà cũng như vậy. Thuyền cũng dùng đinh sắt, lấy lá giao che, lại lấy cây cau bổ ra thành phiến mà nẹp lên trên. Thứ thuyền đó gọi là Tân nã, dùng chèo. Dầu quét làm bằng dầu cá hòa với đá vôi. Thuyền nhỏ lấy gỗ nhỏ đục thành máng, đem lửa đốt, dùng gỗ chống rộng ra, bụng lớn, hai đầu nhọn, không có buồm, có thể chở được vài người, chỉ dùng chèo gọi là Bì lan”, Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, (GS.Hà Văn Tấn dịch, GS. Phan Huy Lê giới thiệu, ThS. Nguyễn Ngọc Phúc chú thích), Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2006, tr.53-54.
[15] Louis Finot, L’ inscription de Ban That, BEFEO 12 (1912): 2 và George Coedès, Inscription du Cambodge, Vol. 6, Hanoi, 1937 – 1942; Paris, 1951 – 1966, pp. 183 – 186; Dẫn theo Kenneth R. Hall, Maritime trade and state development in Early Southest Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985, p. 173.
[16] Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng, Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI –  XIV), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7-2007, tr. 34. Về quan  hệ của Đại Việt với Trung Quốc thời kỳ này, xin xem thêm: Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 1963, tr. 224 – 226, 288 – 291; Nguyễn Hữu Tâm, Bác dịch trường: Quan hệ buôn bán biên giới Lý – Tống thế kỷ XI – XIII, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI – XVII, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007, tr. Tr. 138 – 148; Li Tana, A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, Journal of Southeast Asian studies, vol 37 (1), United Kingdom, 2006, pp. 83 – 102… Về quan hệ của Đại Việt và Champa, xin xem thêm: Nguyễn Thị Phương Chi, Quan hệ giữa Đại Việt với Champa thời Trần (thế kỷ  XIII- XIV), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8- 2007, tr. 37-44. Về quan hệ của Đại Việt với Java, xin xem thêm: Nguyễn Tiến Dũng, Quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thế kỷ XI – XIV, Tạp chí Nghiên cứu ĐôngNam Á, số 7-2009, tr. 23-31.
[17] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 243.
[18] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 244.
[19] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 246.
[20] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 247.
[21] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 247.
[22] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 255.
[23] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 261.
[24] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 271.
[25] Dưới thời Lý, theo thống kê của Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, in trongĐông Á và Đông Nam Á – Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr. 317 và Li Tana, A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, đã dẫn, p. 85, số lần tiến cống của Chân Lạp là 19 lần. Tuy nhiên, khi thống kê lại trong Đại Việt sử ký toàn thư Việt sử lược, chúng tôi thấy rằng Chân Lạp đến triều cống Đại Việt là 24 lần. Xin xem cụ thể bảng thống kê dưới đây.
[26] Về số lần tiến cống của Champa đến vương triều Lý, xin xem cụ thể bảng thống kê của Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng, Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI –  XIV), đã dẫn, tr. 29.
[27] Khi khảo sát chính sử Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi nhận thấy bộ thư tịch cổ này ghi chép rất vắn tắt cống phẩm mà Champa tiến cống Đại Việt cũng như những sản vật mà phái đoàn của Đại Việt mang đi sứ nhà Tống. Có thể liệt kê các sản vật mà Champa thượng tiến nhà Lý đó là: sư tử, voi trắng, hoa bằng vàng, trân châu, dâng con gái và sản vật địa phương; và những món quà mà sứ đoàn Đại Việt đi sứ nhà Tống là voi nhà, dê (trắng, đen), vàng, bạc, sừng tê…
[28] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 289.
[29] Mã Đoan Lâm, Văn hiến thông khảo, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đã dẫn, tr. 303.
[30] Mã Đoan Lâm, Văn hiến thông khảo, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đã dẫn, tr. 304.
[31] Tiệu Nhữ Quát, Chư phiên chí, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đã dẫn, tr. 307.
[32] D. G. E, Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 194.
[33] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 293.
[34] H. Maspero, La frontiere de l’Annam et du Cambodge, BEFEO, XVIII, 3, tr. 34, Dẫn theo G. Coedes, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr. 287.
[35] Bảng thống kê dẫn từ Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng, Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý,  Trần (thế kỷ XI –  XIV), đã dẫn, tr. 33. Đây là số liệu thống kê từ Đại Việt sử ký toàn thư.Tuy nhiên, trong bài viết trên, số liệu thống kê mới chỉ đề cập đến 13 phái đoàn Chân Lạp đến cống nạp; còn trong bài viết này các năm 1057; 1069; 1086; 1088; 1095; 1134; 1153; 1194; 1195; chúng tôi còn bổ sung thêm số liệu từ Việt Sử lược. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng sự tiến cống của Chân Lạp những năm 1012; 1014; 1025; 1039; 1118; 1120; 1123; 1191; được cả hai bộ thư tịch cổ trên cùng ghi chép lại.
[36] Việt sử thông giám c­ương mục chép việc này vào tháng 12, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1, tức năm 1076.
[37] Lộ bố: Tờ bố cáo cho dân chúng.
[38] Thanh miêu:  Phép cho dân vay tiền lúa non lấy lãi nhẹ.
[39] Miễn dịch: Cho dân nộp tiền để khỏi dao dịch.
[40] Sông Như Nguyệt ngày nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đây là một khúc của sông Cầu.
[41] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Quyển 2, Phần Bang giao chí, Sđd, tr. 645. Về sự kiện này, Sách Việt sử thông giám cương mục viết: “Năm thứ 5 (tức năm 1076 – TG), nhà Tống sai Quách Quỳ cầm đầu chín t­ướng hợp lực với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lư­ợc, ông (tức Lý Thường Kiệt – TG chú) đón đánh ở sông Như­ Nguyệt phá tan được”. Hay như sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Bính Thìn, (Thái Ninh) năm thứ 5 (1076), (Từ tháng 4 về sau là niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ xứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, họp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta”, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 278.
[42] Việt Sử lược, GS.Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2005, tr. 140.
[43] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 299.
[44] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 300.
[45] Đỗ Gia: tên hương thời Lý, nay là huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
[46] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 301.
[47] G. Coedes, Les Etats Hindouises d’Indochine et d’Indonesie, Dẫn theo D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á,Sđd, tr. 190.
[48] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 306.
[49] Về các cuộc tấn công này, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép cụ thể:  “Đinh Tỵ, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 5 (1137), Mùa xuân, tháng giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng cướp châu ấy. Xuống chiếu cho Thái úy Lý Công Bình đem quân đi đánh. Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên. Công Bình đánh bại người Chân Lạp”; “Năm Đinh Mão, hiệu Đại Định năm thứ 9 (1149), mùa thu, tháng 9, Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An”; “Mậu Dần, Kiến Gia năm thứ 8 (1218), (Tống Gia Định năm thứ 11). Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7500 hộ, thực phong là 1500 hộ”; “Bính Tý, Kiến Gia năm thứ 6 (1216), (Tống Gia Định năm thứ 9). Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được”, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, sđd, tr. 145, 318, 318.
“Canh Ngọ, Đại Định năm thứ 11 (1150), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 20). Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ”
[50] Dưới thời Lý, Champa xâm lược Đại Việt vào các năm 1020, 1043, 1132, 1137, 1150, 1166, 1177, 1216 và 1218.
[51] Về vị trí quan trọng của Nghệ – Tĩnh trong mạng lưới hải thương châu Á, xin tham khảo: John K. Whitmore, The Rise of Coast: Trade, state, and Culture in Early Đại Việt, Journal of Southeast Asian studies, vol 37(1), United Kingdom, 2006, p. 110;  Li Tana, A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, đã dẫn, p. 84 – 85; Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, đã dẫn, tr. 317-318; Nguyễn Văn Kim – Nguyễn Mạnh Dũng, Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt – Thực tế lịch sử và nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8, 2007, tr. 21-37, số 9 – 2007, tr. 42-54; Hoàng Anh Tuấn, Vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại Biển Đông thời Cổ Trung đại, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 – 10, 2009, tr. 3-16; Hồ Trung Dũng, Vị trí của Nghệ Tĩnh trong hệ thống thương mại khu vực thời Lý-Trần (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV), Khóa luận tốt nghiệp Đại học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN, 2008… Trong Khóa luận, Hồ Trung Dũng đã khảo sát khá kỹ lưỡng vị trí của Nghệ-Tĩnh trong hệ thống hải thương khu vực trong cách nhìn đối sánh và tương tác thương mại của vùng đất này. Trong đó có những hoạt động giao thương của Nghệ Tĩnh đối với Chân Lạp.
[52] Li Tana, A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, đã dẫn, tr. 84.
[53] Li Tana, A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, đã dẫn, tr. 85.
[54] Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở Biển Đông thế kỷ X – XV, đã dẫn, tr. 317.
[55] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr. 258.
[56] Li Tana, A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, đã dẫn, p. 85.
[57] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 191.
[58] Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, đã dẫn, tr. 320.
[59] Xin xem thêm: Li Tana, A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, đã dẫn, pp. 86-88; Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, đã dẫn, tr. 320.
[60] Nguyên sử, quyển 3, phần Nam Man, Chiêm Thành truyện, Tài liệu viết tay, tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN, Mã sách LS-TL 0036, tr. 14.
[61] Xin xem cụ thể: Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng, Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý,  Trần (thế kỷ XI –  XIV), đã dẫn, tr. 23-37; Nguyễn Tiến Dũng, Quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thế kỷ XI – XIV, đã dẫn, tr. 23-31.
[62] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Sđd, tr. 156.
[63] Khái niệm Tây Dương thời kỳ này phổ biến là chỉ các nước thuộc Ấn Độ Dương ngày nay.
[64] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Sđd, tr. 155-156.
[65] Về tên gọi của tỉnh Thanh Hóa trong lịch sử, xin tham khảo thêm: http: // www. Thanhoa.gov.vn/web/guest/gtc/lichsu/lsht.
[66] Dư địa chí, in trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr. 216.
[67] Dư địa chí, sđd, tr. 222-223.
                                                                Nguồn bài đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét