XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Sử ký — Ngô Thái Bá thế gia

simaqian2.jpg

                                                                                                   Tạ Linh Vận dịch

Lời giới thiệu từ người dịch:
Ngô Thái Bá thế gia là thiên đầu tiên trong các thiên Thế gia của Sử ký. Tư mã Thiên đặt thiên này làm đầu dựa trên truyền thuyết Ngô Thái Bá, người sáng lập nước Ngô, là con trưởng của Châu Thái Vương, tức Cổ Công Đản Phụ, tức người sáng lập nhà Châu tại Châu nguyên, Kỳ sơn. Thiên Thế gia này có thể được chia làm bốn phần chính: Phần thứ nhất là huyền thoại về nguồn gốc của gia tộc cai trị đất Ngô; phần thứ hai về thời điểm Ngô trở thành vương quốc, và sự du nhập ảnh hưởng văn hóa Hoa hạ dưới triều Thọ Mộng, điển hình là chuyến tham quan các nước vùng Trung nguyên của Quý Trát, tức Diên lăng Quý Tử; phần thứ ba về sự tranh chấp vương vị giữa dòng trưởng và dòng thứ ba sau khi Quý Trát từ chối ngôi vua; phần cuối về thời kỳ vàng son nhất, và tiếp đó là sự sụp đổ của nước Ngô dưới hai triều đại: Ngô Vương Hạp Lư và Ngô Vương Phù Sai.
Ngô là phần đất phía nam sông Trường giang, giữa Thái hồ và biển. Đến nay, thổ ngữ vùng Thượng hải vẫn được gọi là tiếng Ngô. Lịch sử của Ngô từ giai đoạn sơ khai đến khi thành lập hệ thống thống trị thế nào vẫn rất mờ mịt. Khoảng cách từ khi Ngô bị Việt diệt đến khi Tư mã Đàm và Tư mã Thiên viết Sử ký đến gần 400 năm, cách xa thời điểm Ngô Thái Bá giả định đã trốn đến Ngô cả ngàn năm. Không ai rõ hai vị ấy đã dựa lên nguồn tài liệu nào, khả năng là dựa theo lời truyền miệng. Nếu là truyện truyền miệng, thì là truyện khá phổ biến, hoặc đã trở thành phổ biến, vì vào đời Đông Hán, Triệu Diệp viết lại Ngô Việt Xuân thu, nội dung không khác Ngô Thái Bá thế gia, trừ tên gọi một hai vị vua ở thời kỳ đầu. Khoảng cách từ Kỳ sơn đến Thái hồ xa đến 2.000 km, chưa kể đó là thời kỳ đường xá, phương tiện giao thông không có, và giữa hai nơi nhiều núi non, rừng rú, sông đầm, mãnh thú chướng ngại, nếu đông người thì quá trình chậm, chồng chất thêm khó khăn về lương thực, bệnh tật, ít người thì liệu được bao nhiêu cơ may sống sót; đến nơi khác ngôn ngữ, tập tục với người bản địa, hội nhập chưa chắc đã dễ nói gì đến được người ta đội lên đầu tôn làm vua; chưa nói Thái Bá và Trọng Ung phải đi xa đến như thế chỉ để tránh Quý Lịch là điều phi lý. Kinh trong Kinh man là địa phận Giang lăng, tức Dĩnh – kinh đô nước Sở xưa, Giang lăng cách xa Thái hồ đến cả ngàn km. Khả năng Thái Bá và Trọng Ung đã trốn đến Ngô gần như không tưởng.
king-of-wu-state-sword
Về phía khảo cổ, năm 1954, người ta đào được huyệt của Nghi Hầu Thỉ tại Đan đồ, người này được xác nhận cũng chính là Châu Chương, người theo Sử ký là chắt của Trọng Ung. Điều này đã mở ra một số giả định khác về nguồn gốc gia đình cai trị nước Ngô, gồm: Châu Chương, có thể là con cháu của Trọng Ung, được phong ở Đan đồ vào đời Võ Vương, nơi này ở gần Ngô nên bị đời sau ngộ nhận thành tổ tiên gia tộc cai trị Ngô; hoặc con cháu Châu Chương bị ‘man di hóa’ và đã dời đến Cô tô?

IMG.396.jpg

Ngô Thái [1] và em là Trọng Ung đều là con của Châu Thái Vương, và là anh của Vương Quý Lịch. Vì Quý Lịch hiền, lại có người con với thánh tài là Xương, nên Thái Vương muốn lập Quý Lịch làm đích nhằm truyền ngôi cho Xương. Thế rồi Thái Trọng Ung hai người cùng nhau trốn đến vùng người Kinh man, xăm trổ thân thể và cắt ngắn tóc tỏ ra thân thể hết còn hữu dụng để lánh Quý Lịch[2]. Quý Lịch rốt cuộc nối ngôi Châu, tức Vương Quý, rồi đến Xương tức Văn Vương. Thái chạy đến vùng Kinh man, tự xưng là Câu Ngô. Được người ở đấy mến nghĩa, theo quy phục đến hơn ngàn nhà, tôn làm Ngô Thái .

27178

Thái chết, không con, em là Trọng Ung kế vị, tức Ngô Trọng Ung. Trọng Ung chết, con là Quý Giản kế vị. Quý Giản chết, con là Thúc Đạt kế vị. Thúc Đạt chết, con là Châu Chương kế vị. Lúc ấy, Châu Võ Vương đánh đổ nhà Ân, cho tìm kiếm con cháu của Thái Trọng Ung, tìm ra Châu Chương. Vì Châu Chương đã là chủ đất Ngô, nhân tiện phong cho Châu Chương ở đấy; lại phong cho em Châu Chương tại đất cũ nhà Hạ ở mặt bắc lãnh thổ nhà Châu, tức Ngu Trọng, đứng trong hàng chư hầu[3].

Châu Chương chết, con là Hùng Toại lên thay; Hùng Toại chết, con là Kha Tương lên thay; Kha Tương chết, con là Cường Cưu Di lên thay; Cường Cưu Di chết, con là Dư Kiều Nghi Ngô lên thay; Dư Kiều Nghi Ngô chết, con là Kha Lô lên thay; Kha Lô chết, con là Châu Diêu lên thay; Châu Diêu chết, con là Khuất Vũ lên thay; Khuất Vũ chết, con là Di Ngô lên thay; Di Ngô chết, con là Cầm Xử lên thay; Cầm Xử chết, con là Chuyển lên thay; Chuyển chết, con là Pha Cao lên thay; Pha Cao chết, con là Cú Ti lên thay – nhằm vào lúc Tấn Hiến Công diệt nước Ngu, để mở  đường đánh Quắc; Cú Ti chết, con là Khứ Tề lên thay; Khứ Tề chết, con là Thọ Mộng  lên thay. Thọ Mộng lên ngôi thì Ngô bắt đầu lớn mạnh, xưng vương.

Từ khi Thái lập ra nước Ngô, được 5 đời thì Võ Vương diệt Ân, phong con cháu Thái hai người làm chư hầu: một là Ngu, tại Trung thổ; một là Ngô, ở nơi man di. Được 12 đời thì Tấn diệt Ngu ở Trung thổ. Ngu ở Trung thổ bị diệt được 2 đời thì Ngô ở man di hưng thịnh. Tổng cộng từ Thái đến Thọ Mộng gồm 19 đời.

Ngô Vương Thọ Mộng năm thứ 2, Đại phu nước Sở là Thân Công Vu Thần vì oán Sở Tướng quốc Tử Phản nên bỏ Sở trốn sang Tấn, rồi từ Tấn đi sứ sang Ngô, huấn luyện người Ngô cách dùng binh khí và chiến xa, còn sai con mình làm Hành nhân cho Ngô. Ngô từ đó bắt đầu có liên lạc với các nước Trung nguyên. Thế rồi Ngô đánh Sở. Năm thứ 16, Sở Cung Vương đánh Ngô, tiến đến Hành sơn.

Năm thứ 25, Ngô Vương Thọ Mộng chết. Thọ Mộng có 4 con trai, trưởng là Chư Phàn, kế là Dư Tế, rồi đến Dư Mạt, rồi đến Quý Trát. Quý Trát hiền năng, Thọ Mộng muốn lập làm người kế vị, nhưng Quý Trát nhường mãi không chịu nhận, bèn lập con trưởng là Chư Phàn tạm thay trị nước.

Ngô Vương Chư Phàn năm thứ nhất, Chư Phàn sau khi mãn tang, nhường ngôi cho Quý Trát. Quý Trát từ chối, nói rằng: “Khi Tào Tuyên Công khứ thế, cả chư hầu lẫn người Tào đều cho vua Tào hiện nay là bất nghĩa và muốn lập Tử Tang. Tử Tang bỏ trốn, nhờ thế vua Tào hiện nay mới trở thành vua; còn Tử Tang được người quân tử khen là ‘biết thủ tiết’. Nhà vua đã ở vị đích tự, sao còn ai dám mạo muội phá lệ! Làm vua không hợp với cái tiết của Trát. Trát tuy bất tài, nguyện noi theo cái nghĩa của Tử Tang.” Ngô vẫn cố lập Quý Trát, Quý Trát bèn trốn ra ở nơi đồng hoang cày cấy qua ngày, việc ấy mới thôi. Mùa thu, Ngô đánh Sở, nhưng bị quân Sở đánh bại. Năm thứ 4, Tấn Bình Công lên ngôi.

Năm thứ 13, Ngô Vương Chư Phàn chết. Để di mệnh truyền ngôi cho Dư Tế, muốn anh em theo thứ tự truyền tiếp cho nhau để đến lượt Quý Trát mới thôi, thực thi ý định của Thọ Mộng. Hơn thế, Quý Trát trọng tiết nghĩa, anh em ai cũng muốn truyền nước cho, theo cách ấy thì lần lượt đến phiên Quý Trát. Quý Trát được phong ở Diên lăng, nên có hiệu là Diên lăng Quý Tử.

Ngô Vương Dư Tế năm thứ 3, Tướng quốc nước Tề là Khánh Phong phạm tội, từ Tề chạy sang Ngô. Ngô cấp Khánh Phong huyện Chu phương để ăn lộc, còn gả con gái cho Phong làm vợ, Phong giàu có còn hơn cả  khi ở Tề.

Năm thứ 4, Ngô sai Quý Trát đi thăm viếng Lỗ[4]. Quý Trát xin mục kiến Châu nhạc. Khi được trình diễn điệu Châu nam, Thiệu nam, Quý Trát nói: “Hay quá! Như nền móng mới lập, tuy chưa hoàn mỹ, nhưng giọng điệu nồng ấm không giận dữ.” Đến các ca khúc đất Bội, Dong, Vệ, Quý Trát nói: “Hay quá! Sâu sắc quá! Tuy âu lo mà không tuyệt vọng. Ta nghe đức độ của Vệ Khang Thúc, Vệ Võ Công vốn là thế này; đây chẳng đúng là phong cách đất Vệ đấy ư?” Đến ca khúc đất nhà Châu, Quý Trát nói: “Hay quá! Trầm tư mà không sợ hãi, như sự nhà Châu đông thiên đấy chăng?” Đến ca khúc đất Trịnh, Quý Trát nói: “Phức tạp quá! Dân chẳng kham được, nước này rồi sẽ mất trước tiên chăng?” Đến ca khúc đất Tề, Quý Trát nói: “Hay quá! Phong thái mới mênh mông, đồ sộ làm sao! Rào chắn bể đông chẳng là Thái Công đấy ư? Giới hạn nước ấy thế nào vẫn chưa lường được.” Đến ca khúc đất Bân, Quý Trát nói: “Hay quá! Thảnh thơi lắm thay, đạt ý mà không phóng túng, như sự Châu Công sang đông chăng?” Đến ca khúc đất Tần, Quý Trát nói: “Đó chính là âm thanh nhà Hạ. Đã Hạ thì phải lớn, và lớn đến cực cùng, có phải là từ đất cũ nhà Châu đấy chăng?” Đến ca khúc đất Ngụy, Quý Trát nói: “Hay quá! Bềnh bồng lơ lửng, lớn mà du dương, đơn giản mà biến hóa, nếu được đức trợ phần, ắt trở thành minh chủ.” Đến ca khúc đất Đường, Quý Trát nói: “Ý nghĩa sâu sắc lắm thay, chẳng phải phong thái Đào Đường để lại đấy ư? Nếu không, suy nghĩ gì mà thâm thúy thế? Nếu chẳng phải hậu sinh của bậc đại đức, còn ai làm được như thế!” Đến ca khúc đất Trần, Quý Trát nói: “Nước không chủ, sao giữ được dài lâu?” Từ ca khúc đất Cối trở xuống, Quý Trát chẳng đánh giá gì nữa. Đến ca khúc Tiểu nhã, Quý Trát nói: “Hay quá! Châu toàn mà không giả dối, ai oán mà không hiện ngôn, chẳng là về đức nhà Châu đang suy đấy ư? Nhưng vẫn có dân cũ của Tiên vương sót lại” Đến ca khúc Đại nhã, Quý Trát nói: “Bao quát thay, rộn ràng thay, chiết khúc mà thẳng thắn, chẳng là về đức độ Văn Vương đấy ư?” Đến bài Tụng, Quý Trát nói: “Tuyệt quá! Kéo mà không căng, uốn mà không gảy, gần mà không ngợp, xa mà không nhạt, biến hóa mà không lộng, trùng lập mà không nhàm, bi thương mà không sầu ám, vui sướng mà không bừa bãi, hiệu lực mà không khô khan, bao quát mà không tẻ nhạt, rộng rãi mà không hoang phí, bao gồm mà không tham lam, tĩnh mà không ứ đọng, động mà không phân tán. Ngũ thanh hài hòa, bát phong bình ổn, nhịp có tiết độ, điệu có trật thứ. Phải đồng hàng với hạng chí đức.” Xem điệu múa Tượng sócNam dược, Quý Trát nói: “Đẹp lắm! nhưng còn điều đáng ăn năn.” Xem điệu Đại võ, Quý Trát nói: “Đẹp lắm! Nhà Châu khi cực thịnh, chẳng tựa như thế chăng?” Xem điệu Thiều hộ, Quý Trát nói: “À, thánh nhân vĩ đại! Cứ băn khoăn đức mình không toàn mỹ, là điều nan trải của thánh nhân vậy!” Xem điệu Đại Hạ, Quý Trát nói: “Đẹp lắm! Cần kiệm nhưng không khoe đó là phẩm hạnh! Nếu chẳng phải Vũ thì còn ai sánh được?” Xem điệu Chiêu sao, Quý Trát nói: “Chí đức là đây! Vĩ đại quá, như trời chẳng gì không bao trùm, như đất chẳng gì không nâng đỡ, đức đã thậm thịnh, chẳng thể thêm thắt gì hơn. Xin thôi tại đây, nếu còn nhạc gì khác tôi cũng không dám xem.”

Quý Trát rời Lỗ, làm sứ giả đến Tề. Khuyên Yến Bình Trọng rằng: “Ông hãy mau mau hoàn trả trị ấp và quyền hành. Hết ấp hết quyền, mới thoát được họa. Chính sự nước Tề sẽ phải có chủ; khi chưa có chủ, họa hoạn sẽ mãi chưa thôi.” Vì thế, Yến Tử thông qua Trần Hoàn Tử giao trả quyền chính và trị ấp, nhờ đó tránh được cái họa Loan, Cao.

Rời Tề, Quý Trát đi sứ sang Trịnh. Gặp Tử Sản, hai người đối đãi nhau như bạn cũ. Quý Trát bảo Tử Sản rằng: “Chính sách nước Trịnh quá ư hoang phí, họa rồi sẽ đến, chính sự ắt vào tay ông. Ông nắm chính sự, làm cho thận trọng hợp lễ. Bằng không, nước Trịnh sẽ sụp đổ.” Rời Trịnh, Quý Trát đến Vệ, nói với Cừ Viện, Sử Cẩu, Sử Thu, Công tử Kinh, Công thúc Phát, Công tử Triêu rằng: “Nước Vệ còn nhiều vị quân tử, chưa gì phải lo.”

Từ Vệ đến Tấn, Quý Trát khi sắp nghỉ đêm ở ấp Thích, nghe tiếng chuông, mới nói rằng: “Lạ lùng quá! Cái ta nghe, hùng hồn nhưng ít đức, ắt sẽ sắp nảy sinh sự tru lục. Phu tử[5] vì mang tội với vua mình mới phải ở đây, kinh hãi cuống cuồng sợ còn chưa đủ lại có thể còn hưởng thụ ư? Phu tử mà ở nơi này, tựa như én xây tổ nơi màn trướng. Nhà vua đang nằm trong hòm mà có thể thụ hưởng được ư?” Rồi bèn bỏ đi. Tôn Văn Tử nghe thấy, từ đó đến trọn đời không nghe đàn hát.

Đến Tấn, Quý Trát nói với Triệu Văn Tử, Hàn Tuyên Tử, Ngụy Hiến Tử rằng: “Nước Tấn rồi sẽ vào tay gia tộc ba ông!” Lúc sắp đi, Quý Trát bảo Thúc Hướng rằng: “Đức ngài tôi ơi, phải gắng gõi thôi. Vua trên hoang đàn, tôi dưới đa tài, các Đại phu ai cũng lắm của, chính sự rồi sẽ lọt vào tay ba gia tộc.  Ngài chính trực, nhưng phải liệu cách nào tránh họa.”

Quý Trát khi bắt đầu lên đường đi sứ, đi ngang đất của vua Từ. Vua Từ mê thanh kiếm của Quý Trát, nhưng không dám ngỏ lời. Quý Trát biết rõ tâm địa, nhưng vì còn phải đi sứ sang các nước khác, nên chưa tặng. Trên đường về đến đất Từ, thì vua Từ đã chết, thế là Quý Trát cởi bảo kiếm treo lên cành cây nơi mộ vua Từ rồi đi. Tùy tòng hỏi: “Vua Từ đã mất, còn tặng mà làm gì?” Quý Tử đáp: “Không phải thế. Từ đầu lòng ta đã hứa tặng, há vì ông ta đã chết mà ta bội với lòng mình ư?”

Quy Trat treo guom

Năm thứ 7, Công tử Vi nước Sở giết Sở Vương Giáp Ngao rồi lên thay, tức Sở Linh Vương. Năm thứ 10, Sở Linh Vương họp chư hầu để đánh đất Chu phương của Ngô để giết Khánh Phong. Ngô cũng đánh Sở, chiếm 3 ấp rồi lui. Năm thứ 11, Sở đánh Ngô, tiến đến Vu lâu. Năm thứ 12, Sở lại đánh Ngô, đóng ở Kiền khê. Quân Sở thua trận rút chạy.

Năm thứ 17, Ngô Vương Dư Tế chết, em là Dư Mạt lên ngôi.

Ngô Vương Dư Mạt năm thứ 2, Công tử Khí Tật nước Sở giết vua là Linh Vương và lên thay.

Năm thứ 4, Ngô Vương Dư Mạt chết, muốn truyền ngôi cho em là Quý Trát. Quý Trát không nhận, bỏ trốn. Quốc nhân nước Ngô nói: “Tiên vương có mệnh truyền, anh mất thì em lên thay, để Quý Tử có lượt. Quý Tử nếu như tránh ngôi, thì con cháu của vua Dư Mạt nên lên thay. Vua Dư Mạt vừa mất, con trai nhà vua đáng kế vị.” Bèn tôn con trai của Dư Mạt là Liêu lên làm vua.

Ngô Vương Liêu năm thứ 2, Công tử Quang đánh Sở, đã thất trận còn để mất vương chu[6]. Quang sợ, định mưu tập kích, đoạt lại chiến thuyền rồi quay về.

Năm thứ 5, vong thần nước Sở là Ngũ Tử Tư trốn đến Ngô, được Công tử Quang nuôi làm khách. Công tử Quang là con trai của Ngô Vương Chư Phàn, thường cho rằng cha mình anh em bốn người truyền ngôi cho nhau là để Quý Trát có phiên.  Quý Trát không nhận, mà Chư Phàn là anh cả, thì theo lẽ phải đến lượt Quang. Bèn ngấm ngầm chiêu nạp hiền sĩ để lén đánh Ngô Vương Liêu.

Năm thứ 8, Ngô sai Công tử Quang đánh Sở. Công tử Quang đánh bại quân Sở, cho đón mẹ của cố Thái tử Kiến nước Sở ở Cư sào rồi rút về. Nhân đấy bắc phạt, đánh bại quân Trần và Thái. Năm thứ 9, Công tử Quang đánh Sở, hạ Cư sào và Chung ly. Vốn là, xử nữ nhà Ti lương thuộc biên ấp nước Sở tranh dành dâu với gái thuộc biên ấp nước Ngô, gia quyến hai nhà nổi giận giết nhau, ấp trưởng hai bên hay tin cũng nổi giận, đánh nhau, biên ấp nước Ngô bị diệt. Ngô Vương nổi giận, bèn đánh Sở, chiếm hai thành rồi lui.

newsmedia_2518-1

Ngũ Tử Tư khi mới trốn sang Ngô, thuyết phục Ngô Vương Liêu đánh Sở kiếm lợi. Công tử Quang nói: “Cha anh của Tư bị Sở tru lục, nên muốn báo thù đấy thôi. Chẳng thấy lợi lộc ở đâu.” Thế là Ngũ Viên biết Quang nuôi chí khác. Bèn tìm được dũng sĩ là Chuyên Chư, đem giới thiệu với Quang. Quang mừng lắm, nuôi Ngũ Tử Tư làm khách. Tử Tư lui ra ở ngoài đồng làm việc cày cấy, đợi kết quả Chuyên Chư hành sự.

Năm thứ 12, mùa đông, Sở Bình Vương chết. Năm thứ 13, mùa xuân, Ngô muốn tấn công nhân khi Sở đang có tang, phái hai Công tử Cái Dư và Chúc Dong cầm quân đánh Sở tại đất Lục và đất Tiềm. Và sai Quý Trát đến Tấn để theo dõi động tĩnh của các nước chư hầu. Sở cất quân chặn đường về của quân Ngô,  quân Ngô không thể rút lui. Thế là Công tử Quang nói: “Cơ hội này chẳng thể để mất.” Và báo với Chuyên Chư rằng: “Nếu không ra tay thì sẽ chẳng lọt vào tay! Ta là con dòng đích, đáng ra được nối ngôi; ta muốn làm điều đó thành sự đã rồi. Quý Tử dẫu có quay về cũng chẳng phế được ta.” Chuyên Chư nói: “Ngô Vương Liêu khả sát. Hắn mẹ già con thơ, còn hai Công tử cầm quân đánh Sở thì bị chặn đứt đường về. Đây là lúc họ bên ngoài đang khốn với Sở, bên trong chẳng còn tôi thần nào cốt ngạnh, thì còn làm gì được ta.” Quang nói: “Sinh mệnh ta, cũng là sinh mệnh ngươi.” Tháng 4 ngày bính tí, Quang mai phục tráng sĩ trong quật thất và mời Ngô Vương Liêu đến dự tiệc rượu. Ngô Vương Liêu dàn quân đầy đường rồi mới xuất hành từ vương cung đến nhà Quang. Suốt từ cổng lên đến bờ thềm, toàn người thân cận của Ngô Vương, ai nấy hoặc đeo, hoặc vác kiếm nhọn. Công tử Quang vờ đau chân, lui vào quật thất, sai Chuyên Chư giấu chủy thủ trong con cá nướng mang dâng, rồi rút chủy thủ đâm Ngô Vương Liêu, Chuyên Chư bị kiếm đâm thấu ngực, nhưng vẫn giết được Ngô Vương Liêu. Công tử Quang thế là được tôn làm vương, tức Ngô Vương Hạp Lư. Hạp Lư bèn phong con trai của Chuyên Chư làm khanh.

1-15061610220ou

Quý Tử về đến kinh sư, nói: “Nếu như Tiên quân vẫn được thờ cúng, dân chúng vẫn được chăm lo, xã tắc được phụng thờ, thì vẫn là vua của ta. Ta sao dám oán? Khóc kẻ chết, thờ kẻ sống, để đợi trời báo mệnh. Nếu loạn chẳng do ta sinh ra, tuân phục người nào giữ ngôi là đạo của tổ tiên vậy.” Bèn đến mộ Ngô Vương Liêu phục mệnh và khóc.  Quý Trát sau đó quay về giữ chức cũ đợi lệnh. Hai Công tử Chúc Dong và Cái Dư bị bao vây ở Sở, hay tin Công tử Quang giết Ngô Vương Liêu đoạt ngôi, bèn đem quân hàng Sở, được Sở phong ở đất Thư.

Ngô Vương Hạp Lư năm thứ nhất, Hạp Lư thăng Ngũ Tử Tư làm Hành nhân để cùng bàn tính việc nước. Sở giết Bá Châu Lê, cháu nội Châu Lê là Bá Phĩ trốn sang Ngô, được Ngô dùng làm Đại phu.

Năm thứ 3, Ngô Vương Hạp Lư cùng Ngũ Tử Tư và Bá Phĩ đánh hạ đất Thư, giết hai Công tử lưu vong người Ngô. Quang mưu tính tiến quân vào Dĩnh, Tướng quân Tôn Võ nói: “Dân đang mệt mỏi, việc ấy chưa được, hãy đợi đã.” Năm thứ 4, Ngô đánh Sở, chiếm đất Lục và đất Tiềm. Năm thứ 5, Ngô tấn công Việt, đánh bại Việt. Năm thứ 6, Sở phái Tử Thường, Nang Ngõa đánh Ngô, bị Ngô đón chặn, đánh quân Sở đại bại ở Dự chương, chiếm đất Cư sào của Sở rồi rút về.

002

Năm thứ 9, Ngô Vương Hạp Lư bảo Ngũ Tử Tư và Tôn Võ rằng: “Trước đây ông nói Dĩnh chưa thể chiếm còn nay thì thế nào?” Hai người đáp: “Tướng Sở Tử Thường tham tàn, bị cả Đường lẫn Thái oán ghét. Nhà vua nếu nhất quyết dốc sức đánh Sở, phải có Đường, Thái hỗ trợ mới xong.” Hạp Lư nghe lời, khởi hết binh đội trong nước cùng Đường, Thái đánh Sở, tiến quân đến sông Hán thủy. Sở cũng cất quân chống cự, kéo đến sát bên bờ sông giàn trận. Em của Ngô Vương Hạp Lư là Phù Khái muốn đánh, Hạp Lư không cho, Phù Khái nói: “Nhà vua đã giao phó quân cho thần, binh sự trọng nhất ở lợi thế, còn chần chừ gì nữa?” Bèn dẫn bộ ngũ của mình 5.000 người đánh thẳng vào trận Sở, quân Sở thua to bỏ chạy. Ngô Vương bèn tung quân đuổi theo. Gần đến Dĩnh, giao chiến 5 lần, quân Sở thua cả 5. Sở Chiêu Vương bỏ Dĩnh trốn đến Vân. Em trai Vân Công muốn giết Chiêu Vương, Chiêu Vương bèn cùng Vân Công chạy đến Tùy. Quân Ngô thế rồi tiến vào Dĩnh. Tử Tư cùng Bá Phĩ lấy roi quật thây Sở Bình Vương báo thù cha.

Năm thứ 10 mùa xuân, Việt nghe Ngô Vương đang ở Dĩnh, nước bỏ trống, bèn đánh Ngô. Ngô điều một cánh quân đánh Việt. Sở cấp báo với Tần, Tần điều quân đánh Ngô cứu Sở, quân Ngô thua trận. Em của Hạp Lư là Phù Khái thấy Tần, Việt cùng nhau đánh bại Ngô, còn Ngô Vương cứ mãi ở Sở không về, Phù Khái bèn trốn về Ngô tự lập làm Ngô Vương. Hạp Lư được tin, dẫn quân về đánh Phù Khái. Phù Khái thua trận trốn sang Sở. Sở Chiêu Vương đến tháng 9 mới về lại được Dĩnh, bèn phong Phù Khái đất Đường khê, lập ra họ Đường khê. Năm thứ 11, Ngô Vương phái Thái tử Phù Sai đánh Sở, chiếm đất Phiên. Sở sợ bèn bỏ Dĩnh dời đô đến đất Nhược.

Năm thứ 15, Khổng Tử coi việc nước Lỗ.

Năm thứ 19, mùa hạ, Ngô đánh Việt, Việt Vương Câu Tiễn đón đánh ở Tuy lý. Việt sai tử sĩ ra khiêu chiến, họ xếp thành ba hàng giáp đến gần quân Ngô, gào to, rồi đâm cổ tự sát. Quân Ngô ngây mình đứng xem, Việt nhân dịp tấn công, truy đánh quân Ngô đến Cô tô, Ngô Vương Hạp Lư bị thương ở chân, quân Ngô phải lui về 7 dặm. Ngô Vương lâm bệnh từ vết thương mà chết. Hạp Lư truyền lệnh lập Phù Sai kế vị, bảo Phù Sai rằng: “Mày lại quên việc Câu Tiễn giết cha mày ư?” Đáp rằng: “Không dám.” Ba năm sau, Phù Sai báo thù Việt.

Ngô Vương Phù Sai năm thứ nhất, dùng Đại phu Bá Phĩ làm Thái tể, luyện cung tên tập đánh trận, đăm đăm nuôi chí báo thù. Năm thứ 2, Ngô Vương khởi hết tinh binh đánh Việt, đánh bại Việt ở Phu tiêu, báo cái thù ở Cô tô. Việt Vương Câu Tiễn bèn đem 5.000 giáp binh đóng đồn ở Cối kê, và sai Đại phu Chủng nhờ Thái tể Phĩ xin cho mình dâng nước làm bề tôi. Ngô Vương muốn nhận lời, Ngũ Tử Tư can rằng: “Ngày xưa, nhà Hữu qua giết Châm Quán, đánh Châm Tầm, diệt dòng dõi nhà Hạ là Đế Tương. Vợ Đế Tương là Hậu Mân đang có thai, trốn đến nước Hữu nhưng và sinh ra Thiếu Khang. Thiếu Khang trở thành Mục chính của Hữu nhưng. Hữu qua lại muốn giết Thiếu Khang, Thiếu Khang trốn đến Hữu ngu. Hữu ngu nhớ ân nhà Hạ, gả hai con gái làm vợ và tặng đất Luân làm thái ấp cho Thiếu Khang. Đất tuy chỉ một thành, quân tuy chỉ một lữ, thế nhưng sau này dần dần thu thập tàn dân nhà Hạ, phủ dụ các quan chức. Sai người hiểu dụ, thế rồi diệt nhà Hữu qua, khôi phục cơ nghiệp Đại Vũ, nối tục tế tự nhà Hạ cùng trời đất, chẳng mất mát thứ gì từng có. Hiện nay, Ngô chẳng mạnh bằng Hữu qua, Câu Tiễn lại già giặn hơn Thiếu Khang. Nếu không nhân cơ hội này tiêu diệt, lại khoan dung, há rồi sẽ chẳng sinh họa ư? Hơn nữa, Câu Tiễn là người chịu được khổ cực, nay nếu không diệt, sau ắt hối.” Ngô Vương không nghe, mà nghe lời Thái tể Phĩ, cuối cùng hòa giải với Việt, cùng nhau ăn thề rồi bãi binh rút về.

Năm thứ 7, Ngô Vương Phù Sai nghe tin Tề Cảnh Công chết, các đại thần tranh giành quyền sủng, vua mới còn yếu hèn, bèn cất quân đánh Tề. Tử Tư can rằng: “Việt Vương Câu Tiễn ăn không hai món, mặc không hai lớp, điếu người chết chăm người đau, hẳn rồi sẽ gây họa cho Ngô. Nay Việt là căn bệnh tim gan mà nhà vua không lưu ý, chỉ lo về Tề, chẳng là xằng bậy lắm sao!” Ngô Vương không nghe, bèn đánh Tề, đánh bại quân Tề ở Ngải lăng. Đến đất Tăng, cho mời Lỗ Ai Công đến gặp và đòi cỗ bách lao, Quý Khang Tử sai Tử Cống dùng Châu lễ biện thuyết với Thái tể Phĩ, việc ấy mới thôi. Phù Sai nhân tiện ở lại đánh chiếm đất đai ở phía nam Tề và Lỗ. Năm thứ 9, Ngô giúp Chu đánh Lỗ. Đến nơi, ăn thề với Lỗ rồi rút về. Năm thứ 10, Ngô nhân dịp đánh Tề rút về. Năm thứ 11, Ngô lại đánh Tề.

Việt Vương Câu Tiễn dẫn tả hữu vào chầu vua Ngô, dâng biếu quà cáp hậu hĩnh, Ngô Vương mừng lắm. Riêng Tử Tư lo lắng, nói: “Ngô  thế là vứt đi rồi.” Bèn can rằng: “Việt mới là căn bệnh tim gan; nay dù được đắc chí với Tề, cũng như ruộng đầy sỏi đá, có cũng chẳng dùng được. Hơn nữa, bài cáo của Bàn Canh có câu: ‘Con gì đã ngã, đừng để sống sót,’ nhà Thương nhờ cách ấy hưng thịnh.” Ngô Vương không nghe, sai Tử Tư đến Tề. Tử Tư gửi gắm con trai mình với nhà họ Bào ở Tề, rồi về báo cáo. Ngô Vương biết được, cả giận, ban Tử Tư thanh kiếm Chúc lũ để tự sát. Trước khi tự sát, Tử Tư nói: “Hãy trồng trên một cây tử để rồi có thể dùng làm quan tài. Móc mắt ta treo trên cổng thành phía đông để chứng kiến Việt diệt Ngô.”

Họ Bào giết Tề Điệu Công, Ngô Vương hay tin, khóc ở quân môn 3 ngày, rồi theo đường biển tiến quân đánh Tề. Bị Tề đánh bại, Ngô Vương đành rút quân.

Năm thứ 13, Ngô mời vua Lỗ và vua Vệ đến hội nghị ở Thác cao.

Năm thứ 14, mùa xuân. Ngô Vương họp chư hầu ở Hoàng trì, muốn làm ở Trung quốc để bảo hộ nhà Châu. Tháng 6 ngày mậu tí, Việt Vương Câu Tiễn đánh Ngô. Ngày ất dậu, 5.000 quân Việt giao chiến với Ngô. Ngày bính tuất, Việt bắt sống Thái tử Hữu của Ngô. Ngày đinh hợi, Việt tiến vào đô thành nước Ngô. Người Ngô báo tin bại trận với Ngô Vương Phù Sai, Phù Sai ém nhẹm tin ấy. Có người tiết lộ ra ngoài, Ngô Vương nổi giận, chém đầu 7 người ngay dưới trướng. Tháng 7 ngày tân sửu, Ngô Vương tranh vị trí đứng đầu minh hội với Tấn Định Công. Ngô Vương nói: “Đối với nhà Châu, ta là trưởng.” Tấn Định Công nói: “Đối với họ Cơ, ta là .” Triệu Ưởng tức giận, muốn khởi chiến với Ngô, Ngô đành để Tấn Định Công đứng đầu. Ngô Vương xong hội thề, từ biệt Tấn, muốn đánh Tống. Thái tể Phĩ nói: “Có thắng cũng chẳng ở đó được.” Bèn dẫn quân về nước. Trong nước đã mất Thái tử, bỏ trống, Ngô Vương thì chu du quốc ngoại đã lâu, binh sĩ ai cũng mỏi mệt, thế rồi bèn sai sứ giả mang nhiều của cải xin hòa giải với Việt.

250px-wuwangfuchaimao

Năm thứ 15, Điền Thường nước Tề giết Tề Giản Công.

Năm thứ 18, Việt càng hùng mạnh. Việt Vương Câu Tiễn dẫn quân đến đánh, phá quân Ngô ở Lạp trạch. Sở diệt Trần.

Năm thứ 20, Việt Vương Câu Tiễn lại đánh Ngô. Năm thứ 21, Việt vây kinh thành nước Ngô. Năm thứ 23, tháng 11, ngày đinh mão, Việt đánh bại Ngô. Việt Vương Câu Tiễn muốn chuyển Ngô Vương Phù Sai đến Dũng đông, cho ăn lộc một trăm hộ. Ngô Vương nói: “Tôi già rồi, chẳng thể thờ nhà vua được nữa. Ta hối không nghe lời Tử Tư, để mình rơi vào hoàn cảnh này.” Bèn đâm cổ tự sát. Việt Vương diệt Ngô, giết Thái tể Phĩ, cho rằng Phĩ bất trung, rồi lui về Việt.

Thái sử công nói: Khổng Tử nói rằng: “Thái Bá có thể gọi là bậc chí đức. Ba lần nhường thiên hạ, nhưng chẳng được ai biết đến mà khen.” Ta đọc văn cổ Xuân thu, mới biết nước Ngu ở Trung quốc và Câu ngô ở Kinh man là anh em. Lòng dạ của Diên lăng Quý Tử mộ nghĩa khôn cùng, thấy được những điều tinh tế vào hiểu rõ thanh trọc. Than ôi, quả là một nhà quân tử lãm tường uyên bác vậy!



[1] Theo Vi Chiêu đoán, “Sau này được Châu Võ Vương phong làm Ngô , nên gọi là Ngô Thái .” Người khác giải thích rằng: Quốc ngữ chép: “Tại hội nghị Hoàng trì, sứ giả của Tấn Định Công nói với Ngô Vương Phù Sai rằng: ‘Cầm Mệnh khuê là chịu mệnh vua, nên là Ngô chứ không phải Ngô Vương.’ Thế thì tước vị của Ngô vốn là . (Mệnh khuê là phù hiệu làm từ ngọc khuê được trạm trỗ tinh xảo, do Thiên tử đời cổ cấp cho chư hầu — nd). Tuy nhiên, theo Phạm Ninh, gọi là , vì là con cả, cũng như Trọng Ung và Quý Lịch đều có tự ghép với tên, nên là tự, và cũng là tước, còn tên là gì thì sử sách đã đánh mất.

[2] Theo Ứng Thiệu, “[Người vùng này] vì thường lặn lội nơi sông nước, nên cắt tóc ngắm, xăm trỗ lên mình hoa văn tựa thuồng luồng để tránh bị chúng cắn hại.”

[3] Tức Ngô thuộc hàng “nước ngoài”, không đứng trong số chư hầu nhà Châu như Ngu.

[4] Theo Tả truyện, Quý Trát đi chuyến này mục đích để giới thiệu vua Ngô với các nước chư hầu. Mặt khác, vì Quý Trát không đến Sở, đây cũng có thể là chuyến công cán nhằm tăng cường liên minh chống Sở.

[5] Chỉ chủ nhân ấp Thích, tức Tôn Văn Tử Lâm Phủ.

[6] Chiến thuyền lớn. 
Nguồn bài đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét