Bùi Minh Đức
Đọc lịch sử Trung Quốc, chúng ta
thấy Chu Nguyên Chương (1328-1398), vị vua khai sáng triều Minh, phải
xông pha trận mạc từ năm 1352 lúc mới 24 tuổi, ròng rã trong suốt
16 năm trời, mới dẹp tan được tất cả các chướng ngại để lên ngôi hoàng
đế vào năm 1368.
Trong thời gian tung hoành ngang dọc qua
các chiến trận, địch thủ tranh bá đồ vương lợi hại nhất của ông ta là
Trần Hữu Lượng, một nhân vật có thế mạnh, quân nhiều trong cuộc chiến
đương thời. Phải đợi đến năm 1364 sau khi đã diệt xong được đại đối thủ
Trần Hữu Lượng trong trận sống mái cuối cùng đến 36 ngày tại hồ Phiên
Dương, địa vị của Chu Nguyên Chương về mặt quân sự mới trở nên vững chắc
và từ đó ông mới có thể tiến lên xưng đế vào năm 1368.
Triều Minh kéo dài từ năm 1368 với Minh
Thái Tổ Chu Nguyên Chương và kết thúc năm 1644 với vị vua cuối cùng là
Sùng Trinh, cả thảy gồm 16 đời vua, trải dài suốt 276 năm trời
trong lịch sử Trung Quốc.
I. Cuộc tranh hùng giữa Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương
theo sử Tàu
Chu Nguyên Chương sinh năm 1328, quê ở
Hào Châu, nay là Phượng Dương Đông, tỉnh An Huy, xuất thân thuộc giới
bần nông. Sử sách Tàu viết rằng Chu tuổi trẻ nghèo khổ, học hành rất ít
nhưng là một con người tính toán, nhìn xa trông rộng. Cha mẹ mất sớm,
Chu phải đi ở cho người ta và đến 17 tuổi phải vào chùa Hoàng Giác gần
làng cạo đầu làm tiểu sống qua ngày rồi sau đó làm sư đi khất thực, đầu
đội mũ ni sờn, thân khoác áo cà sa rách, tay cầm bát sành đi xin ăn từ
làng nầy qua làng khác. Ông đi khắp miền An Huy, Hà Nam, kết giao được
với nhiều giáo đồ Bạch Liên giáo và tiếp thu được nhiều tư tưởng
chống nhà Nguyên. Đầu năm 1352, lúc mới 24 tuổi, Chu Nguyên Chương gia
nhập quân khởi nghĩa Hồng Cân dưới trướng của Quách Tử Hùng, lập được
nhiều công trạng nên được Quách Tử Hùng gả con gái nuôi là Mã Cô, sau
nầy trở thành đệ nhất hoàng hậu khi Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế
nhà Minh. Năm 1356, Quách Tử Hùng chết, ông trở thành thống soái cánh
quân của Quách Tử Hùng.
Cứ theo dã sử, ông là người xấu xí, mặt
lưỡi cày và đầy nốt ruồi. Tuy nhiên theo các bức họa vẽ ông ở trong
triều sau nầy thì tướng mạo cũng oai nghi với vẻ mặt đầy uy quyền. Chu
Nguyên Chương là người rất ẩn nhẫn, có chí lớn và rất biết nghe theo lời
cố vấn của các mưu sĩ. Ông có nhiều tướng tài như Từ Đạt, Thường Ngộ
Xuân. Ông cũng có nhiều người giỏi tham mưu như Chu Thăng, Lý Thiện
Trường và đặc biệt nhất là Lưu Cơ (tức Lưu Bá Ôn), người đã về với
ông năm 1360. Chu Nguyên Chương luôn biết lắng nghe theo lời của Lưu Cơ
về chiến lược và về tổ chức binh bị để tạo cho mình có được binh hùng
tướng mạnh. Chu Nguyên Chương gọi Lưu Bá Ôn là “Khổng Minh tái thế”. Chu
Nguyên Chương ngay lúc ban đầu đã nghe theo “kế hoạch lấy thiên hạ” của
Chu Thăng vỏn vẹn trong 9 chữ: “cao trúc trường, quảng tích lương, hoãn
xưng vương” tức xây dựng căn cứ địa vững chắc, tích trữ lương thực đầy
đủ, hoãn việc xưng vương, cố ý gầy dựng thanh thế ở phía nam bờ sông
Dương Tử, nghiêm cấm quân lính cướp bóc nên dân chúng đi theo rất nhiều.
Chu Nguyên Chương ban đầu phò tá Lưu
Phúc Thông nhưng dần dà trở nên hùng mạnh với một lực lượng quân đội
riêng của mình. Lưu Phúc Thông là người đã tôn phò Hàn Lâm Nhi lên làm
hoàng đế năm 1355 với đế hiệu là Tiểu Minh Vương, đóng đô ở Hào Châu,
lấy quốc hiệu là Tống. Hàn Lâm Nhi là con của Hàn Sơn Đồng, người đã tự
xưng là cháu tám đời vua Tống Huy Tông và là người đã khởi nghĩa năm
1340 thoạt kỳ thủy của phong trào kháng Nguyên.
Năm 1356, Chu Nguyên Chương chiếm được
Kim Lăng (tức Nam Kinh), đổi tên lại thành Ứng Thiên phủ để làm căn cứ
riêng của mình, nhưng vẫn tiếp tục thần phục Lưu Phúc Thông và Hàn Lâm
Nhi như lúc ban đầu và vẫn tự coi mình là thần tử nhà Tống. Tuy đã lấy
được Kim Lăng rồi nhưng dưới mắt của quân sư Lưu Cơ thì địch thủ lợi hại
nhất của Chu Nguyên Chương lại là Trần Hữu Lượng, một “người có tham
vọng to lớn” lại khống chế vùng thượng du sông Trường Giang chiếm hết
địa lợi sát nách của Chu Nguyên Chương phía tây nam, binh lực lại hùng
hậu với cả một đạo thủy quân to lớn, cần phải tiêu diệt trước.
Trương Sĩ Thành tuy cũng chiếm cứ vùng
đất sát nách lãnh địa của Chu Nguyên Chương phía đông nam nhưng lại là
người mà Lưu Cơ xét ra không có chí lớn, “tính tình lại khoan hậu rộng
lượng”, thích sống cuộc đời an nhàn, giàu sang nên chẳng đáng lo. Do đó,
Lưu Cơ bày mưu cho Chu Nguyên Chương phải tập trung tiêu diệt địch thủ
lợi hại nhất là Trần Hữu Lượng rồi sau mới đến Trương Sĩ Thành rồi tiến
lên Trung Nguyên ở phía bắc. Kế hoạch tiêu diệt Trần Hữu Lượng mà Lưu Cơ
đề ra là phải tạo thời cơ chiến đấu, dụ địch vào rọ mới mong tiêu diệt
được. Theo Lưu Huy, Mười đại hoàng đế Trung Quốc.
Lịch sử Trung Hoa ghi Trần Hữu Lượng là
người Miễn Dương, nay là Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc, “xuất thân từ một gia
đình làm nghề đánh cá” để mưu sinh. Ông từng làm một chức quan nhỏ trong
huyện, nhưng vì không hợp với cấp trên nên đã bỏ trốn đi theo quân khởi
nghĩa Từ Thọ Huy để chống lại triều Nguyên. Vì đánh trận tích cực nên
ông được thăng nguyên soái. Sau khi Bành Doanh Ngọc chết trận tại Hàng
Châu, Từ Thọ Huy dời đô về Hán Dương. Tại đây, Từ Thọ Huy và Thừa tướng
là Nghê Văn Tuấn không thuận nhau nên Nghê Văn Tuấn thoát ly khỏi Từ Thọ
Huy nhưng bị Trần Hữu Lượng dùng kế bắt được rồi giết đi. Sau đó, vào
năm 1360, Trần Hữu Lượng cũng dùng kế bắt sống Từ Thọ Huy rồi giết luôn.
Từ đó, Trần Hữu Lượng xưng đế tại Thái
Thạch, lấy quốc hiệu là Hán, tự xưng Hán Vương, lấy niên hiệu Đại Nghĩa,
kinh đô ở Giang Châu, khống chế các vùng Giang Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc,
Quảng Đông, Quảng Tây sau khi đoạt được thành Thái Bình của Chu Nguyên
Chương, giết được tướng giữ thành và người con nuôi của Chu Nguyên
Chương là Chu Văn Tốn. Sau khi xưng đế, Trần
Hữu Lượng liên lạc với Trương Sĩ Thành để cùng xua quân tấn công Ứng
Thiên phủ của Chu Nguyên Chương. Thanh thế quân Hán của Trần Hữu
Lượng rất to, cả quân bộ và quân thủy cùng tiến. Tuy nhiên, Chu Nguyên
Chương đã dùng người thân tín cũ của Trần Hữu Lượng để lập kế dụ địch
nên vì bất phòng, quân của Trần Hữu Lượng bị phục kích, thuyền bè bị mắc
cạn, quân chủ lực bị giết rất nhiều. Trương Sĩ Thành nghe tin Trần Hữu
Lượng thua trận nên đã án binh bất động, vì thế không thực hiện được
cuộc tấn công Chu Nguyên Chương bằng thế gọng kềm như đã dự định.
Năm 1361, Chu Nguyên Chương được Tiểu
Minh Vương Hàn Lâm Nhi phong cho làm Ngô quốc công nhưng cùng lúc, ngay
trong vương triều của Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi cũng có sự phân tranh
rồi lại bị quân Nguyên phản công, chiếm lại vùng Quan Lũng. Trương Sĩ
Thành chạy theo quân Nguyên, đem quân bao vây An Phong (nay là thành phố
Nam Xương, tỉnh Giang Tây) nơi có Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi ở. Trong
khi chống cự với Trương Sĩ Thành, Lưu Phúc Thông cũng bị tử trận tại nơi
đây. Vì không muốn thành Ứng Thiên phủ bị đe dọa nên Chu Nguyên Chương
đã đem quân giải vây An Phong và rước vua Tiểu Minh Vương về Từ Châu để
dễ bề khống chế (1363).
Trần Hữu Lượng nghe tin Chu Nguyên
Chương đến cứu An Phong bèn dẫn quân đến bao vây Hồng Đô của Chu Nguyên
Chương thay vì tiến quân đánh Ứng Thiên phủ chận đứng đường trở về căn
cứ của quân Chu Nguyên Chương.
Sau khi vây Hồng Đô trong tám mươi ngày
mà không hạ được thành và khi nghe tin có quân của Chu Nguyên Chương tới
giải cứu thì Trần Hữu Lượng mới rút lui khỏi Hồng Đô. Trần Hữu Lượng
dẫn binh rút lui, chiếm cứ hồ Phiên Dương và muốn quyết chiến với Chu
Nguyên Chương một trận thư hùng tại đấy để trả thù cái nhục thua trận ba
năm về trước. Quân Hán của Trần Hữu Lượng kết thuyền bè lại với nhau
chận mất dòng sông Trường Giang hơn mười mấy dặm.
Quân số của Trần Hữu Lượng có đến sáu
chục vạn người và hàng ngàn chiến thuyền to lớn. Quân của Chu Nguyên
Chương chỉ vỏn vẹn có hai mươi vạn người, thuyền chiến thì ít hơn nhiều
và chỉ là các thuyền nhỏ mà thôi. Hai bên chuẩn bị mở màn ngay trên hồ
Phiên Dương một trận đánh sống mái, một mất một còn, một trận đánh quyết
định cuối cùng trong cuộc tranh bá đồ vương. (Theo Mười đại mưu lược
gia Trung Quốc và Mười ðại hoàng đế Trung Quốc).
II. Trận thư hùng quyết định ở hồ Phiên Dương giữa Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương
Với cán cân lực lượng không cân bằng
giữa hai phe, Chu Nguyên Chương biết lắng nghe lời lẽ phân tích tình
hình của Lưu Cơ nên vững tâm chống lại, không hề nao núng. Là một người
nhẫn nại, quen chịu ẩn nhẫn, Chu Nguyên Chương đã đánh giá Trần Hữu
Lượng là “một người tính tình nóng nảy lại thêm cái bệnh đa nghi, nên vì
thế nội bộ luôn luôn tỏ vẻ sợ sệt, dè dặt.”
Phân tách thêm, Chu Nguyên Chương còn
cho là quân của Trần Hữu Lượng vừa bao vây Hồng Đô trong tám mươi ngày
mà không có kết quả ắt phải mệt mỏi, xuống tinh thần. Ngoài ra, lực
lượng thủy quân của Trần Hữu Lượng tuy đông đảo nhưng lại gồm toàn các
chiến thuyền to, tiến thoái không linh hoạt đã đành mà lại còn kết liên
thuyền bè lại với nhau, làm mất hẳn khả năng cơ động biến hóa. Do đó,
Chu Nguyên Chương phái binh khóa chặt cửa hồ Phiên Dương thông ra sông
Trường Giang, rồi lại cắt đứt đường vận lương ở hậu phương của quân Trần
Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương cũng quyết ý dùng hỏa công để chế phục
thủy quân của Trần Hữu Lượng bằng cách dùng hỏa pháo ném vào
thuyền địch. Chu Nguyên Chương còn tổ chức các đội cảm tử xông lên
thuyền địch để đốt thuyền, sẵn sàng cùng chịu hy sinh hủy diệt với
thuyền địch. Trận chiến xảy ra, mặt hồ Phiên Dương ánh lửa sáng rực, máu
loang đỏ nước. Chu Nguyên Chương đích thân xông ra trận, soái thuyền bị
cháy rồi bị phá nổ, suýt nữa thì bị bắt sống. Thấy chủ tướng gan dạ,
quân lính Chu Nguyên Chương đều hăng hái liều mình tiến lên tác chiến.
Hai bên đánh nhau liên tiếp trong ba mươi sáu ngày đêm, bất phân thắng
bại.
Thuyền của quân Chu Nguyên Chương
nhẹ hơn nên xoay trở dễ dàng, quần thảo quanh các thuyền lớn của Trần
Hữu Lượng và ném các hỏa pháo vào những thuyền đó. Do việc tiếp tế bị
gián đoạn, lương thực không đủ dùng nên sức chống trả của quân Trần Hữu
Lượng yếu dần. Trần Hữu Lượng quyết định dẫn một đoàn thuyền liều mình
vượt qua cửa hồ Phiên Dương để ra sông Trường Giang nhưng trong trận
nầy, ông ta bị một mũi tên lạc mà thác tại trận tiền. Năm đó là năm
1364. Trong thời gian ba mươi sáu ngày đêm đánh nhau trên mặt hồ, quân
của Chu Nguyên Chương bị chết gần một nửa nhưng quân của Trần Hữu Lượng
thì hoàn toàn bị tiêu diệt. Máu nhuộm đỏ nước hồ Phiên Dương. Các bộ
tướng của Trần Hữu Lượng bảo vệ con ông là thái tử Trần Lý thoát được,
chạy đến Vũ Xương, lên ngôi kế vị ông nhưng rồi về sau cũng phải đầu
hàng Chu Nguyên Chương vào năm 1366.
III. Nhân vật Trần Hữu Lượng trong sử Việt
Các bộ sách sử xưa của Việt Nam đều có
nhắc đến tên Trần Hữu Lượng, từ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) của Lê
Văn Hưu qua Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB) của Ngô Thì Sĩ cho đến
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM) của Quốc Sử Quán triều
Nguyễn. Trong ba tài liệu quan trọng nầy chỉ có ĐVSKTT là có ghi rõ:
Trần Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc. Trần Ích Tắc là một quốc thích
đời Trần nhưng đã đầu hàng quân Nguyên lúc quân Nguyên qua xâm lấn nước
ta năm 1286.
1 . Nhân vật Trần Ích Tắc
Về ngày sinh và ngày mất của Trần Ích
Tắc, chúng ta không thể đoan quyết nhưng chỉ biết ông sinh vào khoảng
những năm 125X (theo Ngô Tất Tố) và mất tại Ngạc Châu bên Tàu vào khoảng
năm 133X (cũng không rõ chính xác năm nào), thọ được 76 tuổi.(* )
* Theo An Nam chí lược của Lê Tắc thì Trần Ích Tắc mất năm 1329, thọ 76 tuổi, chôn ở núi Hạ Gia, đất Hán Dương. Nếu đúng như vậy thì Trần Ích Tắc sinh năm 1253. BBT.
Ông là con của Trần Cảnh tức Trần Thái
Tông, anh em ruột thịt với Trần Nhật Duật và đều cùng được phong vương
một lần, vào năm 1268. Ông được phong làm Chiêu Quốc Vương và Trần Nhật
Duật được phong làm Chiêu Văn Vương. Nhật Duật sinh năm 1255, lúc được
phong vương đã 13 tuổi và là em của ông. Vậy suy luận ra, ông phải sinh
trước năm 1255 tức từ 1250 cho đến 1254 và vì ông thọ được 76 tuổi, như
vậy ông mất vào giữa các năm 1327 đến 1330. Xét theo phổ hệ họ Trần thì
ông tổ là Trần Thừa (Thái Tổ) sinh ra được Trần Liễu (là anh) và Trần
Cảnh tức vua Thái Tông (là em).
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là con
của Trần Liễu và là anh em con bác ruột với Trần Ích Tắc nhưng lại cùng
có mẹ chung là Thuận Thiên công chúa vì Thuận Thiên lấy chồng là Trần
Liễu trước, sinh ra Trần Quốc Tuấn rồi về sau do sự sắp xếp của Trần Thủ
Độ, lại phải lấy em chồng là Trần Cảnh (tức vua Thái Tông) vì Lý Chiêu
Hoàng không có con với vua. Với vua Thái Tông Trần Cảnh, bà sinh ra Trần
Hoảng (tức vua Thánh Tông sau nầy), Trần Quang Khải, Trần Ích Tắc và
Trần Nhật Duật.
Theo Ngô Tất Tố (Việt Nam văn học: Văn
học đời Trần): Sử chép ông (Trần Ích Tắc) rất thông minh, ham học, mười
lăm tuổi đã thông kinh sử, giỏi văn chương cho đến các nghề, thuật lặt
vặt, nghề gì ông cũng tinh thạo. Chỗ của ông ở, về phía sau, có đắp một
tòa nhà học, họp các văn sĩ ở đó học tập. Cơm ăn áo mặc của những người
ấy do ông cấp cho cả. Các văn sĩ độ hai chục người nổi
tiếng với đời như Mạc Đỉnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, đều
là gia khách của ông. Theo sử, lúc trẻ tuổi ông vẫn tự phụ về tính thông
minh của mình và muốn cướp quyền con cả, tranh ngôi với người anh con
trưởng là Trần Hoảng (sau nầy là vua Thánh Tông). Bởi vậy có lần ông đã
viết thư sai người đem xuống Vân Đồn gởi các khách buôn đưa về Tàu, xin
vua nhà Nguyên đem quân sang Nam. Đến năm 1286, quân Nguyên sang lấn
nước ta và chiếm được thành Thăng Long thì ông cùng bọn Phạm Cự Địa, Lê
Diễn, Trịnh Long đều đem gia quyến theo hàng. Ông vẫn mong được làm vua
cả nước, mong được vua Tàu phong làm An Nam quốc vương. Sau khi quân
Nguyên bị ta đánh thua phải chạy về Tàu, ông cũng theo sang. Vua Nguyên
cho ông ra ở Ngạc Châu, phong cho làm tước vương, cấp cho năm trăm mẫu
ruộng ở vùng Hán Dương để ông chi dụng.
Qua năm 1293, bên ta và bên Nguyên đã
thật hòa nhau. Nhân Tôn sai Nguyễn Đại Phạp sang sứ để tỏ tình hiếu. Lúc
qua Ngạc Châu, Đại Phạp có vào ra mắt các viên Bình Chương. Khi ấy ông
đương lĩnh chức Bình Chương tỉnh Hồ Quảng nên cũng có mặt trong đám. Ông
thấy Đại Phạp tỏ vẻ không chịu kính trọng mình, nên hơi tức giận hỏi:
“Ngươi có phải là thằng thư đồng của Chiêu Đạo Vương hay không?”. Đại
Phạp đáp: “Việc đời thay đổi. Đại Phạp vốn là đứa thư đồng của Chiêu Đạo
Vương nhưng nay thì là sứ giả, cũng như quan Bình Chương xưa là con vua
mà nay là người hàng giặc vậy”. Ông có ý thẹn, từ đó những khi sứ giả
nước ta đi qua Ngạc Châu, ông đều không ra sảnh đường.
Tới năm 1294, người Nguyên lại định đánh
nước ta, họ đã sắp sửa thuyền bè lương thực, sai Lưu Quốc Kiệt và Diệc
Lý Cát Ngại đốc các đạo quân thủy bộ và bắt ông theo xuống Trường Sa
(nay thuộc tỉnh Hồ Nam) để cùng đi. Vì vua Nguyên chết nên việc đó lại
thôi, rồi ông về lại Ngạc Châu. Sau khi Thế Tổ nhà Nguyên qua đời, số
ruộng ở Hán Dương của ông liền bị Thánh Tôn nhà Nguyên lấy lại. Đến khi
Vũ Tôn nhà Nguyên lên ngôi, thương tình ông già, mới lại cấp ruộng như
cũ. Trong tờ “chế” của Vũ Tôn có mấy câu rằng: “Vớt kẻ đắm, cứu người
thiêu, theo quân vua từng một hai bận, ban lương ăn, tới nhà trọ. Ở trên
hồ gần ba chục năm. Thân đã trải thờ bốn triều, chí vẫn không sai tiết
cũ…”. Sau khi ông mất ở Ngạc Châu, vua Nguyên có ban năm chục quan tiền
làm ma và cho thụy là “Trung Mẫn”.
Sau khi thắng quân Nguyên, “những người
tôn thất như Minh Hiến hầu Trần Kiện, Văn Chiêu hầu Trần Lộng đều bị
tước bỏ họ nhà vua và đổi thành họ Mai. Riêng Ích Tắc chỉ gọi là “Ả
Trần, ý là nhu nhược như đàn bà” (ĐVSKTB, tr. 380).
Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ thì
Trần Ích Tắc không bị đổi họ nhưng bị vua đặt tên là “Át Trần” và người
đương thời hay gọi là “Át Trần và Mai Kiện” để chỉ các phản thần thời
ấy.
Phân tách tâm lý Trần Ích Tắc, một người
trong hoàng gia mà lại theo về với quân địch, ta thấy lý do có thể vì
ông là một người cực kỳ thông minh nhưng cũng là người kiêu ngạo, cho
mình là giỏi, ít chịu tùng phục người khác.
Cái tự ái, tự hào, tự mãn của ông đã che
mắt ông làm cho ông không thấy tầm quan trọng của tội phản quốc trong
hành động của mình. Điểm đặc biệt về “gene di truyền” nầy của ông có thể
áp dụng để giải thích Trần Hữu Lượng con ông: cũng thông minh không kém
cha và cũng có thể kiêu căng tự cho mình là giỏi, không chịu tùng phục
ai như cha. Và cũng như Trần Ích Tắc, Trần Hữu Lượng cũng muốn làm vua
và nuôi chí làm vua nên đã quyết định tranh bá đồ vương với Chu Nguyên
Chương sau nầy. Vì cho mình là thông minh hơn người, và vì ỷ vào lực
lượng hùng hậu của mình nên Trần Hữu Lượng đã quá chủ quan tự nhốt toàn
hạm đội và quân mình vào trong hồ Phiên Dương, quên cả mấu chốt là đường
vận lương nên phải thua dưới tay của Chu Nguyên Chương với quân số ít
hơn nhưng lại mưu cơ hơn ông. Giải thích cho sự hơn thua thành công
hay thất bại nầy của Trần Hữu Lượng, ta có thể vừa dựa trên cơ sở di
truyền cha con, vừa dựa trên cơ sở tâm lý học.
2 . Nhân vật Trần Hữu Lượng trong sử Việt Nam
Ba bộ sử lớn của Việt Nam còn lại ngày
nay đều có nhắc đến tên Trần Hữu Lượng. Ngoài ra, Việt sử tiêu án (VSTA)
của Ngô Thời Sĩ cũng có nhắc đến Trần Hữu Lượng. Chúng tôi sẽ sắp xếp
thứ tự thời gian theo lối biên niên và cùng nêu các đoạn nói về Trần Hữu
Lượng trong mỗi quyển với nhau như sau:
– Năm 1354: ĐVSKTT, trang 134 ghi: “Giáp
Ngọ, (Thiệu Phong) năm thứ 14 (1354), (Nguyên Chí Chính năm thứ 14).
Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu
việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu
Lượng là con Trần Ích Tắc).”
VSTA, trang 244 ghi: “Trần Hữu Lượng
khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là
con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”- Năm
1359: ĐVSKTT, trang 139 ghi: “Kỷ Hợi, (Đại Trị) năm thứ 2 (1359),
(Nguyên Chí Chính năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh sai sứ
sang thông hiếu. Bấy giờ vua Minh cầm cự với Trần Hữu Lượng chưa
phân được thua. Vua sai Lê Kính Phu sang sứ phương Bắc để dò xem hư
thực.”
ĐVSKTB, trang 452 ghi: “Kỷ Hợi, (Đại
Trị) năm thứ 2 (1359) (Nguyên Chí Chính năm thứ 19), nhà Minh sai sứ đến
thông hiếu. Khi ấy chúa nhà Minh chống nhau với Trần Hữu Lạng chưa phân
thắng bại. Vua sai Lê Kính Phu đi sứ sang Bắc để xem hư thực.”
KĐVSTGCM, trang 634 ghi: “Kỷ Hợi, năm
thứ 2 (1359) (Nguyên, năm Chí Chính thứ 19). Tháng giêng, mùa xuân. Sai
sứ sang nhà Nguyên. Khi bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn. Thái tổ nhà Minh
khởi binh ở Từ Châu, rồi chiếm giữ cả đất Kim Lăng, bọn Trần Hữu Lượng
và Trương Sĩ Thành cũng đều dấy binh nổi loạn, đánh phá tranh giành lẫn
nhau, được thua chưa ngã ngũ. Nhà vua sai Lê Kính Phu sang bên Nguyên,
chừng có ý để thăm dò hư thực.”
VSTA, trang 247 ghi: “Vua Minh Thái Tổ đánh nhau với Trần Hữu Lượng, sai sứ sang nước ta thông hiếu. Vua sai Lê Kính Phu đi sứ sang nước Tàu để xem tình hình hư thực thế nào.”
– Năm 1360: ĐVSKTT, trang 140 ghi: “Canh
Tý, (Đại Trị) năm thứ 3 (1360), (Nguyên Chí Chính năm thứ 20). Tháng 6,
nước Nguyên loạn. Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán,
đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ
biên giới phía Bắc là Hoàng Thạc cho chạy trạm tâu rằng Minh và Hán đánh
nhau ở Long Châu, Bằng Tường. Bọn Thạc nhân việc họ tranh nước với nhau
thu được hơn 300 người.”
ĐVSKTB, trang 452 ghi: “Canh Tý, (Đại
Trị) năm thứ 3 (1360), (Nguyên Chí Chính năm thứ 20), mùa hạ, tháng 6,
nước Nguyên loạn, Trần Hữu Lạng tiếm xưng đế đặt quốc hiệu là Hán, đổi
niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ ở biên
giới phía bắc là Hoàng Thạc cho trạm làm tờ tấu rằng: “Minh và Hán đánh
nhau ở Bằng Tường thuộc Long Châu. Bọn Thạc nhân chuyện họ tranh nhau
giành nước, thu về hơn 300 người.”
– Năm 1361: ĐVSKTT, trang 141 ghi: “Tân
Sửu, (Đại Trị) năm thứ 4 (1361), (Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Tháng 2,
Minh Thái Tổ đánh Giang Châu. Trần Hữu Lượng lui giữ Vũ Xương, sai
người sang ta xin quân (cứu viện). Vua không cho.”
ĐVSKTB, trang 453: “Tân Sửu, (Đại Trị)
năm thứ 4 (1361), (Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Tháng 2, Minh Thái Tổ
đánh Giang Châu, Trần Hữu Lạng lui về giữ Vũ Xương, sai người (sang ta)
xin quân, vua không cho.”
– Năm 1365: ĐVSKTT, trang 143 ghi: “Ất
Tỵ, (Đại Trị) năm thứ 8 (1365), (Nguyên Chí Chính năm thứ 25). Mùa đông,
tháng 11, xuống chiếu cho các quân Sơn Lão ở Lạng Giang trấn giữ biên
phòng, vì đất bắc có loạn, Minh Hán tranh nhau, đóng quân ở Nam Ninh,
Long Châu.”
ĐVSKTB, trang 457 ghi: “Ất Tỵ, (Đại Trị)
năm thứ 8 (1365), (Nguyên Chí Chính năm thứ 25), mùa đông, tháng 11,
ban chiếu cho các quân sơn liêu ở Lạng Giang trấn thủ biên phòng, vì đất
phía Bắc loạn. Minh Hán tranh giành nhau. Đặt đồn ở Nam Ninh, Long
Châu. Cho nên phải phòng bị nghiêm ngặt.”
– Năm 1366: ĐVSKTT, trang 144 ghi: “Bính
Ngọ, (Đại Trị) năm thứ 9 (1366), (Nguyên Chí Chính năm thứ 26). Năm ấy,
Hán mất nước.” Với lời chú thích: “Hán là quốc hiệu của Trần Hữu Lượng.
Lượng đánh nhau với Chu Nguyên Chương ở hồ Phiên Dương, bị chết trận.
Chu Nguyên Chương đến vây Vũ Xương, con của Lượng là Trần Lý đầu hàng.”
– Năm 1368: KĐVSTGCM, trang 641 và 642
ghi: “Mậu Thân năm thứ 11 (1368) (Minh, Thái Tổ, năm Hồng Vũ thứ nhất):
Tháng 4, mùa hạ. Sứ nhà Minh sang ta. Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà
Minh. Minh Thái Tổ đã đại định thiên hạ, lên ngôi vua ở Kim Lăng, sai
Tri phủ Hán Dương là Dịch Thế Dân đem tờ chiếu thư sang ta. Đại lược
nói: Chính sự nhà Nguyên không còn kỷ cương gì nữa. Thiên hạ nổi lên
tranh giành đến 15 năm. Các nơi xa gần, do đấy, tin tức không thông. Bản
triều gây dựng cơ nghiệp đế vương ở Giang Tả, quét sạch các hùng
trưởng, dẹp yên chốn Hoa Hạ, được quần thần và nhân dân suy tôn, đã lên
làm chủ Trung Quốc. Vậy đâu đấy đều nên ở yên, đừng sinh sự gì để chung
hưởng hạnh phúc thái bình.” Nhà vua liền sai Lễ Bộ Thị lang Đào Văn
Đích, sang Minh đáp lễ.”
VSTA, trang 249 ghi: “Thời bấy giờ sứ
nhà Minh là Ngưu Lượng mang ấn mới sang, đến nước ta, thì vua Dụ Tôn đã
mất, Lượng có thơ viếng. Cung Định Vương Chân ra đón tiếp và có thơ tiễn
(Ngưu) Lượng, có câu rằng: “Viên Tản sơn thanh lô thủy bích, Tùy phong
trực nhập ngũ vân phi”. (Ngưu) Lượng đoán rằng ngày sau tất lên ngôi
vua, quả đúng như lời.”
Xem qua các bản sử liệu, ta nhận thấy:
1/ Các bản sử liệu khi ghi chép các sự
kiện đều hao hao giống nhau, nhưng bản ĐVSKTT là đầy đủ nhất, ghi nhiều
sự kiện nhất và đó là bản xưa nhất, trên ván khắc năm 1697 còn sót lại.
Các bản khác phần lớn là chép lại ĐVSKTT, hầu như nguyên văn.
2/ Chỉ có bộ ĐVSKTT và quyển VSTA của
Ngô Thời Sĩ là có ghi “Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc”. Các bản khác
không thấy ghi. Điều nầy không có nghĩa là sự kiện nầy không có mà chỉ
là vì sử gia các bản kia có lẽ cho là không quan trọng nên đã bỏ qua như
họ đã bỏ qua các sự kiện khác có nêu lên trong bản ĐVSKTT.
IV. Phải chăng Trần Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc?
Khi nói về nhân vật Trần Hữu Lượng tranh
bá đồ vương với Chu Nguyên Chương bên Tàu, vài học giả nước ta đã tỏ ra
nghi ngờ nhân vật nầy chẳng phải có gốc gác Việt Nam, chẳng phải là con
của Trần Ích Tắc. Ngô Tất Tố trong quyển Việt Nam văn học: Văn học đời
Trần, trong phần kết luận của chương sách nói về Trần Ích Tắc đã viết:
“Theo Đại Việt sử ký bản kỷ thì Trần Hữu Lượng, người đã chiếm hết một
dãy Tràng Giang, tự làm Hoàng đế trong hồi cuối Nguyên, tức là con ông
nhưng không có gì làm bằng, nên ở Khâm định Việt sử đã bác bỏ chuyện
đó.” Đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật.
KÐVSTGCM không có chỗ nào nói rõ là “bác
bỏ” hoặc “không có căn cứ” hay “không có gì làm bằng” về chuyện đó cả.
Học giả Hoàng Xuân Hãn cũng đã có lần nêu ra câu nhận xét: “Không biết
Đại Nam thực lục đã căn cứ vào đâu mà nói Trần Hữu Lượng là con của Trần
Ích Tắc.” Nguyên văn câu nầy cũng đã được lặp lại đó đây như trong cuốn
Những bài dã sử Việt của Tạ Chí Đại Trường (tr 232, hàng cuối): “Không
biết Toàn Thư lấy tài liệu nào mà ghi Trần Hữu Lượng, người chống
Nguyên, lập triều Hán, tranh với Chu Nguyên Chương là con của Trần Ích
Tắc.”
Nguyễn Duy Chính trong bài viết về “Cuộc khởi nghĩa triều Nguyên” (Đọc Kim Dung) cũng có nêu ra nghi vấn nầy và ông cho biết:
1/ Phổ hệ của Trần Ích Tắc do sử gia Trần Quốc Vượng ở Hà Nội đưa ra không thấy có nói đến tên của Trần Hữu Lượng.
2/ Năm 1980, ông có đem chuyện nầy hỏi
sử gia chuyên môn về triều đại Nguyên-Minh người Mỹ, là TS John W.
Dardess, giáo sư sử học tại Đại học Lawrence, Kansas (Hoa Kỳ), thì ông
nầy cũng cho biết là chưa nghe nói đến.
Để trả lời các nghi vấn nêu trên, chúng tôi xin đưa ra vài lập luận của riêng mình.
- Xuyên qua các điều đã được ghi chép lại trong 3 cuốn sử nước ta về Trần Hữu Lượng, quả thật chỉ có ĐVSKTT, quyển sử xưa nhất của Việt Nam (từ năm 1697) là có ghi chú vào năm 1354: “Trần Hữu Lượng gởi thơ xin giao hiếu với nước ta, Hữu Lượng là con của Ích Tắc.” Ngoài ra, quyển VSTA của Ngô Thời Sĩ cũng có ghi: “Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh.” Tuy nhiên theo lối viết sử thời xưa, bổn phận của các sử gia hồi đó là chỉ ghi chép các sự kiện lại mà thôi. Khó lòng cho họ có thể ghi ra rõ ràng tất cả các lý do hoặc các bằng chứng theo như sự đòi hỏi của ngành sử học ngày nay. Ngoài ra, các quyển sử khác không có ghi chi tiết Trần Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc không phải là vì không có sự kiện đó mà chỉ vì có thể họ không cho đó là quan trọng cũng như đã có nhiều sự kiện chỉ có ghi trong ĐVSKTT mà không thấy có ghi trong các pho sử khác.
- Nguyễn Duy Chính nêu ra “không thấy có tên Trần Hữu Lượng trong phổ hệ của Trần Ích Tắc do Trần Quốc Vượng thiết lập.” Trước hết về phổ hệ của gia đình cha ông và bà con của Trần Ích Tắc, chúng tôi cũng đã đưa ra các liên hệ gia đình, ví dụ giữa Trần Cảnh và Trần Liễu, giữa Hưng Đạo Vương và Trần Ích Tắc chẳng hạn. Tuy nhiên chúng tôi không tin là có thể có người lập được danh sách con cái của Trần Ích Tắc cho đầy đủ, khó lòng mà có được tên tuổi của tất cả các người con của Trần Ích Tắc sinh ra ở bên Tàu vì Trần Ích Tắc đã qua Tàu vào thời kỳ đang trẻ, chỉ mới 31 đến 34 tuổi. Ông có thể lấy thêm thê thiếp và sinh thêm con cái lúc ở bên Tàu. Để định rõ hơn về số tuổi của Trần Hữu Lượng, chúng tôi theo lý luận sau: Theo Ngô Tất Tố, “năm sinh của Trần Ích Tắc là 125?.”
Năm sinh của Trần Ích Tắc chỉ có thể là
từ năm 1250 đến 1254 vì ông là anh của Trần Nhật Duật với năm sinh 1255.
Vì vậy, khi ra hàng giặc năm 1285 ông chỉ mới 31 đến 35 tuổi. Do đó
chúng tôi nghĩ là Trần Hữu Lượng nếu là con của Trần Ích Tắc thì không
thể nào sinh ra trước năm 1285 vì nếu như vậy thì khi khởi nghĩa năm
1354, ít nhất Trần Hữu Lượng cũng đã 69 tuổi đời rồi, một cái tuổi rất
già của thời đó và cũng là một tuổi khó lòng còn hùng tâm tráng chí để
tranh đua nơi chiến trận, nhất là phải đương đầu với một kẻ thù trẻ mạnh
như Chu Nguyên Chương (Chu Nguyên Chương sinh năm 1328, vào năm Trần
Hữu Lượng khởi nghĩa 1354 thì chỉ mới 26 tuổi).
Tuy nhiên cũng dùng cùng một lý luận,
nếu quả thật Trần Hữu Lượng do Trần Ích Tắc sinh ra thì khi khởi nghĩa
1354, tuổi Trần Hữu Lượng tối thiểu cũng phải từ 30 đến 34 tuổi. Lý luận
như sau: Trần Ích Tắc sinh năm 1250 đến 1254. Nếu lấy tuổi già 60
còn sinh con thì Trần Ích Tắc phải sinh Trần Hữu Lượng từ năm 1310
(1250+60 =1310) đến 1314 (1254+60 = 1314) và Trần Hữu Lượng lúc khởi
nghĩa năm 1354 là 44 tuổi (1354-1310 = 44) cho đến 40 tuổi (1354-1314 =
40). Nếu lấy tuổi “lão bạng sinh châu” là 70 tuổi tức đến 70 tuổi mà
Trần Ích Tắc còn có thể sinh con được thì Trần Hữu Lượng phải sanh năm
1320 1250+70=1320) đến năm 1324 (1254+70 = 1324).
Và như vậy, theo tính toán trên, lúc
khởi nghĩa năm 1354, ít nhất tuổi của Trần Hữu Lượng cũng phải từ 30 đến
34 tuổi nhưng chắc chắn Trần Hữu Lượng không thể là ông già 69 tuổi.
Năm khởi nghĩa đó, Trần Ích Tắc cũng đã qua đời từ 24 đến 28 năm về
trước nhưng Chu Nguyên Chương thì chỉ mới có 26 tuổi!
- Nếu chúng ta để ý đến tiểu sử của Trần Hữu Lượng do sử Tàu nêu lên như chúng tôi đã ghi ở trên thì “Trần Hữu Lượng xuất thân từ một gia đình làm nghề đánh cá để mưu sinh”. Mà họ Trần làm vua ở Việt Nam vào thời đó cũng “xuất thân từ một gia đình đánh cá”. Phải chăng khi qua Tàu, Trần Ích Tắc vẫn dạy cho con cái cháu chắc ghi nhớ rõ gốc gác của gia đình mình ở Việt Nam làm nghề đánh cá?
- Năm 1354 (theo ĐVSKTT), Trần Hữu Lượng gởi thư cho triều đình ta xin giao hảo lúc bắt đầu xuất chinh. Rồi lại vào năm 1361, sau khi chiến trận có bề căng thẳng, Trần Hữu Lượng lại gởi thư xin giúp quân, xin cứu viện. Nếu không nghĩ tình bà con cùng máu mủ thì không khi nào người ta lại có thể đến nhờ nhau dễ dàng như thế. Triều đình ta với vị vua họ Trần lúc đó, có thể vì tính toán lợi hại cho nước nhà mà không phiêu lưu giúp đỡ cứu viện như lời yêu cầu nhưng chắc chắn cả triều đình đã không lạ lùng gì về những thư giao hảo và thư cầu viện của “người bà con bên Tàu tên là Trần Hữu Lượng”.
Chỉ có trong nhà người Việt mình với
nhau mới xin người bà con nghèo giúp đỡ. Dọc theo chiều dài lịch sử, có
khi nào bên Tàu gởi thư xin triều đình ta giúp sức đâu? Tất phải có
nguyên nhân sâu sắc và thầm kín khác nên triều đình ta mới nhận được thư
yêu cầu đó. Ngoài ra, năm 1359, trong lúc nước người ta đang đại loạn,
đang đánh nhau mà triều đình ta lúc đó cũng phân vân, lo lắng và vì vậy
mới có chuyện “Vua sai Lê Kính Phu sang sứ phương Bắc để dò xem
hư thực”.
Nếu câu chuyện mưu bá đồ vương bên Tàu
không dính gì đến nước ta, tại sao triều đình ta lại muốn biết hư thực
ra sao đến thế? Triều đình ta muốn biết rõ tình hình có thể sẽ dính líu
đến nước ta, muốn biết rõ sự thật để tính toán trước, nên mới sai sứ qua
tìm hiểu. Ngôn ngữ ngoại giao ngày nay gọi là “fact finding mission”.
- Như ta đã biết, Trần Ích Tắc là người rất thông minh, kiêu ngạo và có ý chí muốn làm vua ngay từ khi mới 15 tuổi. Cái thông minh ấy, cái mộng làm vua ấy chắc chắn là Trần Hữu Lượng cũng đã được thừa hưởng theo nguyên tắc “gene di truyền” từ ông cha là Trần Ích Tắc, theo luật di truyền “cha nào con nấy”. Trần Hữu Lượng chắc chắn cũng là người khôn ngoan, ăn nói khéo , được quần chúng mến phục nên mới có thể kêu gọi, lôi kéo người khác theo, tạo thành một quân đội to lớn và một hạm đội hùng mạnh như vậy. Một người chỉ huy giỏi thường là một người được người ta phục, là một người có hùng tâm tráng chí, có cái mộng, có cái quyết tâm để ảnh hưởng trên những người đồng điệu khác. Trần Hữu Lượng đã là một nhà chỉ huy giỏi với tư cách của một nhà lãnh đạo cách mạng theo kiểu ngày nay. Chỉ tiếc là Trần Hữu Lượng không có được một ban tham mưu giỏi để giúp ý kiến trong chiến trận như Chu Nguyên Chương đã có cái may mắn được những mưu sư như Lưu Cơ về phò tá.
Chi tiết lý lịch về cuộc đời của Trần
Hữu Lượng chắc chắn đã bị triều đình nhà Minh thủ tiêu tận diệt vì Trần
Hữu Lượng là địch thủ chính của Chu Nguyên Chương, là người đã làm hao
tâm tổn trí rất nhiều cho vị vua khai sáng triều đình nhà Minh mà theo
quan niệm xưa, đó là một kẻ nghịch tặc phản loạn.
Do đó ngày nay khó lòng mà chúng ta có
thể có được đầy đủ tài liệu chắc chắn về lý lịch của Trần Hữu Lượng
nhưng theo tôi, qua các lý luận kể trên thì Trần Hữu Lượng là một người
có mang dòng máu Việt trong huyết quản.
V. Nhân vật Trần Hưũ Lương trong tiểu thuyết võ hiệp cuả Kim Dung
Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung
sinh năm 1924, là một tác giả ở Hồng Kông, đã viết rất thành công nhiều
quyển tiểu thuyết võ hiệp loại mới từ thập niên 1960. Các sách của Kim
Dung được rất nhiều người đọc đến nỗi hầu như có cả một ngành nghiên cứu
về Kim Dung mà họ đặt tên là ngành Kim Dung học. Ngành này chuyên đưa
ra các bài phân tách về cốt truyện, về các nhân vật, về các thế võ, về
các khía cạnh xã hội, văn học, triết lý cũng như về sử học v.v…
Nhiều nhà nghiên cứu về Kim Dung đã phân
tách và cho rằng, Kim Dung khi viết quyển sách nào cũng đã tham khảo
rất kỹ càng lịch sử Trung Quốc để gầy dựng nên cốt truyện, cấu trúc bố
cục, tạo nên các nhân vật phản ảnh thời kỳ lịch sử đó đúng theo từng chi
tiết của nhân vật thực. Trong quyển Đồ long đao, ông cũng đã lấy khung
cảnh thời cuối Nguyên để làm bối cảnh cho quyển truyện của mình và ông
đã tạo dựng một nhân vật Trần Hữu Lượng lồng trong câu chuyện đó. Nhân
vật Trần Hữu Lượng đã được Kim Dung mô tả là một người thông minh, nhiều
tham vọng nhưng rất mưu mô xảo quyệt.
Nếu phân tách kỹ nhân vật Trần Hữu Lượng
trong truyện Đồ long đao của Kim Dung, có lẽ ta sẽ tìm thấy thêm được
vài nét của con người thật Trần Hữu Lượng trong lịch sử Trung Hoa. Chắc
chắn Kim Dung đã phải nghiên cứu nhân vật sống nầy rất kỹ càng qua các
tài liệu của các pho sử Tàu để có thể đưa ra nhân vật hầu như kỳ bí Trần
Hữu Lượng trong tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên, cũng cần nói ra đây một
cảm nhận quan trọng của riêng chúng tôi là Kim Dung đã xây dựng nhân
vật Trần Hữu Lượng trong truyện Đồ long đao của ông với hình ảnh một
người tuy rất có tài nhưng tính cách không mấy quân tử, không mấy lương
thiện và rất mưu mô giảo hoạt. Phải chăng, ông cũng đã biết được nhân
vật có thật Trần Hữu Lượng không phải là một người Tàu chính tông mà là
một người khác xứ, mọt người mang dòng máu khác lạ trong huyết quản
và vì thế ông đã để lộ không ít thì nhiều một thái độ trịch thượng, một
mặc cảm xem nhẹ, coi thường mà người Tàu vẫn quen dành cho người khác xứ
với họ?
Tôi chắc rằng ông đã biết rõ gốc gác của nhân vật Trần Hữu Lượng.
B M Đ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697),
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 (4 tập).
2. Đại Việt sử ký tiền biên, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán
Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.
3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Trung tâm Khoa học
Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 1998.
4. Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sĩ, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hoá Á châu,
Saigon, 1960 (bản in lại của Văn Sử, San Jose, California, 1991).
T?p chí Nghin c?u v Pht tri?n, s? 1 (66). 2008 105
5. Biên niên lịch sử cổ trung đại, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã
hội, Hà Nội, 1987.
6. Việt Nam văn học: Văn học đời Trần, Ngô Tất Tố, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
7. Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt và Tào Đức Chương, Người dịch: Trần Ngọc Thuận,
Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 5/1997.
8. Mười đại hoàng đế Trung Quốc, Bản dịch, Nxb TP HCM, 1999.
9. Các hoàng đế Trung Hoa, Đặng Duy Phúc, Nxb Hà Nội, 1999.
10. Mười đại mưu lược gia Trung Quốc, Tang Du, Người dịch: Phong Đảo, Nxb Thanh niên
11. Đọc Kim Dung, Nguyễn Duy Chính, Nxb Trẻ, 2002.
12. Đồ long đao, tác giả Kim Dung (bản dịch tiếng Việt).
13. The Cambridge History of China, Vol. 7, The Ming Dynasty (1368-1644), Frederick W. Mote and
Denis Twitchett, Cambridge University Press, 1988, United Kingdom.
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, S. 1(66) (2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét