XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Nhận thức của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về lịch sử Việt Nam

Vietnam Borderless Histories. Published August 29th 2006 by University of Wisconsin Press.
Vietnam Borderless Histories. Published August 29th 2006 by University of Wisconsin Press.
“Một so sánh về nhận thức của hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về lịch sử Việt Nam” [“Lê Văn Hưu and Ngô Sĩ Liên – A Comparative of their Perception of Vietnamese History”] là tựa đề tiểu luận của Yu Insun, nguyên giáo sư ban Sử Á châu tại Đại học Quốc gia Hán Thành [Seoul National University].
Tiểu luận này đã được tình bày tại Hội nghị “Vietnam: Beyond the Frontiers” do Viện Quốc tế, Đại học California tại Los Angeles tổ chức trong hai ngày 11-12, 2001.
Nghiên cứu này của giáo sư Insun đã đăng lại [p. 47-71] trong cuốn “Viet Nam: Borderless Histories” do Nhung Tuyet Tran và Anthony Reid là chủ biên và University of Wisconsin Press phát hành năm 2006. Bạn đọc có thể tham khảo nguyên bản Anh ngữ tại đây.
Dưới đây bản lược dịch và nhận định về tiểu luận của Insun đã đăng trên Tạp chí Truyền Thông Communications, số 41 & 42, Thu Đông 2011, trang 156-168.
Cho tới giữa thập niên 80 thế kỷ XX, Hà Nội vẫn coi quốc sử như một côngcụ phục vụ các chính sách của Nhà nước. Giới sử gia ngoại quốc đặt lại vấn đề: sử quan ngày trước, trong thời phong kiến, nhận thức quốc sử ra sao? Đã có một số sử gia ngoại quốc lưu ý tới vấn đề đó. Trong công trình nghiên cứu này, Yu Insun trả lời câu hỏi trên bằng cách so sánh quan điểm sử học của hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên, theo thứ tự là sử quan đời Trần và sử quan đời Lê, tác giả bộ Đại Việt Sử Ký và bộ Sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, (gọi tắt là Toàn Thư). 
Theo bộ sử Đại Việt Toàn Thư, vua Trần Thánh Tông, trị vì từ năm 1258 tới 1278, chỉ thị cho Lê Văn Hưu tham khảo sách sử và soạn thành bộ Đại Việt Sử Ký, gồm 30 quyển, dựa theo phương pháp viết sử của Tư Mã Quang, tác giả bộ sử Tư Trị Thông Giám của Trung Quốc. Nội dung bộ sử của Lê Văn Hưu, bắt đầu từ Triệu Đà, trị vì vào khoảng cuối thế kỷ III và chấm dứt vào cuối đời nhà Lý (1225). Ngày nay giới sử học trong và cả ngoài Việt Nam chỉ tìm thấy bộ Toàn Thư gồm 15 cuốn.
Bộ Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, lấy bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, Trung Quốc, làm mẫu mực, là một bộ sử biên niên, khởi từ đời Hồng Bàng, khoảng ba ngàn năm trước công nguyên, kéo dài tới cuối nhà Lê vào năm 1428. Năm 1428,vua Lê Thánh Tông xuống chiếu chỉ thị cho các sử thần thâu thập sử liệu gửi về tàng trữ tại Đông Các. Ngô Sĩ Liên được chỉ định tham dự vụ thâu thập sử liệu nói trên, nhưng ông có tang thân phụ, phải về quê cư tang. Hết tang, ông trở lại viện Đông Các thời việc thâu thập sử liệu đã hoàn tất. Ngô Sĩ Liên, sử dụng những sử liệu do ông thu thập được, trong số đó có bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, đối chiếu sử liệu Việt Nam với sử liệu Trung Quốc, viết thành bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, gồm có Ngoại Kỷ, Bản Kỷ và Lê Thái Tổ Kỷ, dâng lên vua Lê Thánh Tông năm 1479. Số sử liệu tàng trữ tại viện Đông Các đã thất lạc, chỉ còn bộ Toàn Thư truyền lại tới ngày nay. Sau đó, sử quan dưới triều Lê ghi chép việc nước viết thành bộ Đại Việt Sử Ký Tục Biên.
Hai bộ sử Đại Việt Sử Ký và Toàn Thư, tạm đủ cho việc đối chiếu quan điểm sử học của hai sử quan Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên. Trong Đại Việt Sử Ký, Lê Văn Hưu viết ra 30 lời bàn. Trong Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên để lại 170 lời bàn. Trong số đó, cho tới hết triều nhà Lý, sử quan Ngô Sĩ Liên viết 83 lời bàn: tức là có 56 lời bàn nhiều hơn tổng số lới bàn của Lê Văn Hưu. Có nhiều lời bàn, cả hai sử quan cùng bàn về một sử kiện. Đối chiếu lời bàn của hai sử quan trong những trường hợp này giúp người đọc dễ bề so sánh quan điểm sử học của hai nhà viết sử. Tác giả bộ Đại Việt Sử Ký Tục Biên không ghi thêm lời bàn.
Lê Văn Hưu
Chế độ truyền ngôi vua cho con để làm Thái Thượng Hoàng bắt đầu từ năm 1258 dưới triều vua Trần Thái Tông gây thêm mối căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Hơn nữa tục nhà Trần cho các hoàng tử công chúa thành hôn với nhau, nhắm mục đích củng cố vương quyền, cùng sự việc nho giả không được trọng dụng trong triều đình, đều đi ngược lại với tục lệ Trung Quốc. Thế nên việc vua Trần sai Lê Văn Hưu viết Đại Việt Sử Ký 大 史 có thể coi như triều đình nhà Trần muốn chứng tỏ quyền bình đẳng và sự độc lập giữa nước Đại Việt với triều đình nhà Nguyên khi đó đang đô hộ Trung Quốc.Lê Văn Hưu người Thanh Hóa, sinh năm 1230, mất năm 1322, thọ 93 tuổi. Ông đậu tiến sĩ năm 1247. Sau khi phục vụ trong nhiều chức vụ trong triều, ông được bổ nhiệm làm Chưởng Sử Quán, kiêm binh bộ thượng thư. Nhiều sử gia nghiên cứu về Lê Văn Hưu đặt câu hỏi: có những sử kiện quan trọng nào đã xẩy ra từ năm năm 1230 khi Lê Văn Hưu ra đời tới năm 1272 khi ông hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký? Hiển nhiên sử kiện quan trọng nhất là thời kỳ quân Nguyên xâm lăng nước Đại Việt năm 1257, tiếp theo là cuộc chiến thắng của Trần Hưng Đạo đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi. Triều đình nhà Nguyên phải phong cho vua Trần Thánh Tông, năm 1261 làm An Nam Vương, từ đó việc bang giao giữa Nhà Nguyên với nhà Trần mới trở lại bình thường. Tuy nhiên nhà Trần luôn luôn phải đề phòng nạn xâm lăng của nhà Nguyên. Năm 1271, nhân dịp đăng quang vua Nguyên đòi vua Trần sang chầu. Năm sau vua Nguyên lại gửi ba sứ thần sang Đại Việt tìm cột đồng do Mã Viện trồng để đánh dấu biên thùy Hoa-Việt sau khi thắng quân Hai Bà Trưng năm 42 Tây lịch.
Việc Lê Văn Hưu chọn Triệu Đà 佗 làm khởi điểm cho việc dựng nước Đại Việt là bằng chứng sự bình dằng giữa hai nước Hoa-Việt. Điều đó căn cứ trên truyền thuyết lịch sử dưới đây. Năm 196 trước Tây lịch. Sau khi thống nhất được đất nước, Hán Cao Tổ 漢 リ 祖 sai sứ là Lục Giả x ネ sang Nam Việt phong vương cho Vũ Vương Triệu Đà. Gặp sứ giả nhà Hán, Triệu Đà hỏi: “Ta với Cao Tổ ai lớn hơn ai?” Lục Giả trả lời Hán Cao Tổ trị vì một nước lớn hơn ắt là lớn hơn.” Triệu Đà hỏi tiếp: “Nếu ta sinh ra tại Trung Quốc, liệu ta có lớn bằng Cao Tổ không?”
Sau khi Lữ Hậu 呂后 tiếm ngôi nhà Hán, việc bang giao giữa Nam Việt và nhà Hán trở nên căng thẳng hơn. Năm 183 trước Tây lịch, Triệu Đà tự xưng là Vũ Đế ngang hàng với các Hoàng Đế nhà Hán. Sau khi Hán Văn Đế 漢 文 帝 lên ngôi, một mặt Triệu Đà sai sứ sang triều cống nhà Hán, để duy trì hoà bình giữa hai nước, một mặt vẫn tự coi là ngang hàng với hoàng đế nhà Hán.
Suốt thời gian Lê Văn Hưu làm quan trong triều nhà Trần, nước Đại Việt luôn luôn bị nạn xâm lăng của Bắc Triều đe dọa, nên chắc chắn là ông thấu hiểu tầm quan trọng của việc duy trì nền độc lập, cùng việc tranh đấu để tránh những mối nhục trong việc bang giao. Triệu Đà là vị vua khéo léo giữ được độc lập cho đất nước mà không hy sinh sự đồng đẳng giữa hai nước Nam Việt và Trung Quốc nên không bị mất mặt trên đường ngoại giao. Đó là những lý do khiến Lê Văn Hưu coi Triệu Đà như người sáng lập ra nước Việt Nam. Dĩ nhiên Lê Văn Hưu cũng biết đến những vị lãnh đạo khai quốc khác trước Triệu Đà, nhưng hình ảnh những vị khai quốc đó mờ nhạt trước hình ảnh Triệu Đà vì những vị lãnh đạo khai quốc trước Triệu Đà đều bằng lòng với danh hiệu vương 王 do triều đình Trung Quốc phong cho, và không dám nghĩ tới việc xưng đế 帝. Bình về Triệu Đà, Lê Văn Hưu viết cái lớn lao của người trị nước không phải là cái lớn lao của diện tích đất nước người đó mà là cái đức 德 của người đó. Lời đó là lời Lê Văn Hưu bác bỏ lời Lục Giả so sánh Triệu Đà với Hán Cao Tổ trên đây. Trong lời Lê Văn Hưu, chữ đức không chỉ trọn vẹn là chữ đức của đạo nho. Chứ đức này là chữ đức của một vị đế, biết hạ mình để giữ nước, như lời Lão Tử Đạo Đức Kinh. Lê Văn Hưu đã đoan kết là hai vị vua đầu nhà Trần, Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông đều đã theo đúng gương Triệu Đà, một mặt giữ viện toàn được đất nước, mặt khác mềm mỏng giữ được bình đẳng ngoại giao với triều nhà Nguyên.
Lê Văn Hưu căn cứ trên mức bình đẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam để ghi làm năm khởi đầu nền độc lập của nước Việt Nam đối với Trung Quốc.
Ông không chọn năm 939, năm Ngô Quyền xưng vương, một năm sau khi đánh bại quân Nam Hán; mà ông chọn năm 966, năm Đinh Bộ Lĩnh xưng đế sau khi dẹp xong loạn mười Hai Xứ Quân, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt kinh đô tại Hoa Lư. Ông công nhận công lao Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán, nhưng ông chỉ trí Ngô Quyền không xưng đế, không chọn quốc hiệu, không đặt kinh đô, do đó Ngô Quyền không hoàn tất sự nghiệp dựng nước cho người Việt. Đinh Bộ Lĩnh, theo Lê Văn Hưu mới chính là người Trời sai xuống, dẹp tan loạn xứ quân, tiếp tục truyền thống dựng nước của Triệu Vũ Đế.
Đặt cao nền độc lập của người Lạc Việt, Lê Văn Hưu kết tội những ai đã làm mất nền tự chủ của nước nhà. Ông nghiêm khắc chỉ trích tể tướng Lữ Gia 呂 嘉. Vào cuối năm 113 trước Tây lịch. Dưới triều vua Triệu Ai Vương 哀 王, vua nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quí 安 國 少 季, sang Nam Việt. Sứ nhà Hán nguyên là tình nhân của hoàng hậu Cù Thị 樛 氏, bà hoàng này vốn chỉ là tỳ thiếp của Triệu Minh Vương, nên cùng dỗ dành Ai vương đem nước Nam Việt về dâng nhà Hán. Lữ Gia biết mưu này, can ngăn không được, nên cùng mấy đại thần đem cấm binh vào giết sứ giả nhà Hán, Cù Thị và Ai vương, tôn Kiến Đức建 德, con trưởng của Minh Vương, mẹ là người Nam Việt lên làm vua. Nhà Hán nhân truyện này dấy quân xâm chiếm Nam Việt. Lữ Gia không chống nổi, và Nam Việt trở thành quân huyện nhà Hán. Việc Lê Văn Hưu kết tội Lữ Gia không giữ nổi nước chứng tỏ lòng ông thiết tha với nền tự chủ của Nam Việt.
Tiếp theo, Lê Văn Hưu chỉ trích những nhà lãnh đạo quần chúng, nổi dậy chống Trung Quốc, nhưng không đạt được tự chủ cho đất nước. Đó là trường hợp Lý Bí 李 チ (còn đọc là Lý Bôn) dưới triều vua Lương Vũ Đế 梁 武 帝, năm 541 thống lĩnh người nghĩa dũng nổi lên đánh đuổi thái thú Giao Châu là Tiêu Tư 蕭 諮 về Trung Quốc rồi chiếm giữ thành Long Biên 龍 編. Theo truyền thống truyền lại từ Triệu Đà, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau đó vua nhà Lương sai tướng Trần Bá Tiên s 8 先 mang quân sang tái chiếm Giao Châu. Lý Bí thua, phải chạy trốn vào ẩn trong vùng núi, rồi sau đó bị bệnh chết. Lê Văn Hưu chỉ trích Lý Bí khá nặng. Ông coi Lý Bý chỉ là một viên tướng trung bình, nhưng đồng thời ông tiếc cho Lý Bí, trong tay có cả năm chục ngàn quân, đã để lỡ dịp giành lại tự chủ cho người Nam Việt, chỉ vì tài cầm quân của Lý Bí không bằng tài cầm quân của Trần Bá Tiên.
Theo Yu Insun, Lê Văn Hưu thay đổi quan điểm về sử học của ông khi bàn về Hai Bà Trưng. Dẫu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chống triều đình Trung Quốc, chấm dứt bằng một chiến bại, nhưng tinh thần chiến đấu giành tự chủ cho đất nước đã ăn sâu vào lòng toàn dân. Điều đó chính là điều đã giúp người dân nước Đại Việt thành công trong việc đánh đuổi quân Nguyên.
Vốn là một nhà Nho, Lê Văn Hưu tất tin tưởng rằng người phụ nữ đã đứng lên giành tự chủ cho đất nước, tất nhiên người trai đất Đại Việt phải bảo vệ đất nước hữu hiệu hơn nữa.
Lê Văn Hưu đề cao việc bảo tồn nền tự chủ của đất nước khi ông so sánh vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn 李 公, vị vua khởi nghiệp nhà Lý, và trị từ 1010 tới 1028 với vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê tên là Lê Hoàn ホ 桓 làm quan Thập Đạo Tướng Quân nhà Đinh.
Nhân khi vua nhà Đinh còn nhỏ tuổi, và lại có quân nhà Tống sang xâm, quân sĩ tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức Đại Hành Hoàng Đế 大L 皇帝. Người đời sau ca tụng Lê Đại Hành có công phá Tống bình Chiêm, dẹp yên được loạn nước. Dưới mắt Lê Văn Hưu, Lý Công Uẩn không hơn Lê Hoàn vì công dựng nước nhưng vì Lý Công Uẩn có đức dầy hơn Lê Hoàn lập ra triều nhà Lý lâu dải hơn, bởi khi đất nước lâm nguy, ngưòi lãnh đạo không những cần có tài mà còn cần có cả đức mới giữ được nước lâu dài.
Lê Văn Hưu cho là nhà Tiền Lê không tồn tại lâu dài vì Lê Hoàn đã không sớm chọn thái tử, khiến khi khi Lê Hoàn vừa băng hà thời đã xẩy ra việc tranh giành ngôi vua giữa các hoàng tử kéo dài bẩy tháng. Để cuối cùng người con út là Long Đĩnh フ cướp ngôi của anh là vua Lê Trung Tông ホ 中 宗 mới lên ngôi được ba ngày. Long Đĩnh là một ông vua vô cùng bạo ngược, và theo Lê Văn Hưu thì chính Long Đĩnh là người làm đổ ngôi nhà Tiền Lê.
Đằng khác Lê Văn Hưu chỉ trích triều Lý không sớm chọn thái tử, nên khó tránh được nạn nội loạn, bởi theo tục nhà Lý, tới khi lâm bệnh nặng, vua cha mới chọn người có tài năng đảm lược làm người kế vị. Nhà Trần lấy đó làm gương, nên vua cha sớm chọn thái tử, nhường ngôi cho thái tử và lên ngôi thái thượng hoàng.
Lê Văn Hưu chỉ trích vua Đinh Bộ Lĩnh phong cho năm bà vợ lên ngôi hoàng hậu. Sau đó, Lê Hoàn cũng như nhiều vua nhà Lý phong chức hoàng hậu cho nhiều bà vợ. Sụ kiện này chứng tỏ nhà vua muốn củng cố sức mạnh của triều đình bằng cách liên kết với gia đình các hoàng hậu. Tuy nhiên cũng vì vậy mà cơ đồ triều chính bị đe dọa bởi nội loạn trong thời kỳ tuyển chọn người kế vị hay chính trong ngày truyền ngôi.
Lê Văn Hưu còn chỉ trích Lý Công Uẩn chỉ phong vương cho cha, trong khi vua Thái Tổ nhà Tống phong đế cho thân phụ. Sử gia còn hiểu là việc phong vương cho cha là do đức vô kỷ của Lý Công Uẩn. Đồng thời ông chỉ trích Lý Công Uẩn đã sao lãng truyền thống vun đắp tự chủ từ Triệu Đà truyền xuống.
Cũng vì chủ ý đề cao việc duy trì nền tự chủ của đất nước, nên Lê Văn Hưu kết tội mọi hành động của các vị vua chúa sao lãng việt đề cao nền tự chủ. Đó là trường hợp Ngô Xương Văn, con trai của Ngô Quyền. Lê Văn Hưu ngợi khen Ngô Xương Văn 吳 昌 文về việc ông tha thứ cho Dương Tam Kha 楊 三 哥 cậu ruột ông về tội cướp ngôi vua của cháu, nhưng ông chỉ trích Ngô Xương Văn về việc mời Ngô Xương Ngập 吳 昌 岌 về cùng coi việc nước, khiến từ đó xẩy ra việc Ngô Xương Ngập tranh quyền, thế lực nhà Ngô mỗi ngày một kém và đất nước lâm vào nạn mười hai xứ quân. Lê Văn Hưu chỉ trích vua Lý Thái Tông 李 太 宗 trong việc dẹp giặc Nùng, đã cương quyết xử tử Nùng Tồn Phúc 儂 存 福 nhưng đã vì lòng từ bi tha cho Nùng Trí Cao 儂 智 リ và còn gia phong cho y chức Thái Bảo, và chỉ một năm sau Trí Cao lại làm loạn, và xin phụ thuộc vào Trung Quốc. Lời chỉ trích của Lê Văn Hưu chứng tỏ mối lo ngại của ông nhân vụ tạo phản của Trí Cao mà mở đường cho Trung Quốc xâm lăng Nam Việt. Lê Văn Hưu cũng chỉ trích vụ vua Lý Anh Tông 李 宗 bình Chiêm Thành, lập một vua mới cho Chiêm Thành. Chỉ ít lâu sau, vị vua này bị một hoàng thân cướp ngôi. Vua Anh Tông phong vương cho hoàng thân phản loạn đó. Chính vị vua thứ hai này chỉ it năm sau mang quân xâm phạm đất nước nhà Lý.
Ngoài mối quan tâm về nền tự chủ và hoà bình của đất nước, Lê Văn Hưu còn nặng lòng về việc tham gia triều chính của nho giả. Ông chỉ trích vua Lý Thái Tổ, sau khi di đô về Thăng Long đã không xây cất Thái Miếu cho xứng đáng, như vậy là không tròn chữ hiếu của đạo Nho. Ông còn chỉ trích việc vua Lý Thái Tổ cho xây cất quá nhiều chùa chiền, làm hao tài sản quốc gia phí phạm công lực của nhân dân. Chắc chắn là Lê Văn Hưu phải biết là vua Lý Thái Tổ thủa trẻ đã được nhà sư Phật Giáo chùa Cổ Pháp tên là Lý Khánh Vân 李 慶 文 nhận làm con nuôi, dậy dỗ thành người, nhưng phải chăng vì lợi ích quốc gia ông đã thẳng thắn chỉ trích lòng mộ đạo Phật của nhà vua.
Đằng khác, người đọc sử ghi nhận rằng ngay từ đầu nhà Trần đã có những kỳ thi kén người tài theo học đạo Nho ra giúp nước. Nhưng trên thực tế, số nho giả trong triều không nhiều, và không được giữ những địa vị then chốt.
Cho tới khi quân nhà Nguyên xâm lấn dất Đại Việt, vì nhu cầu ngoại giao, địa vị nho gia trong triều nhà Trần mới được nâng cao và dần dần tăng tiến thành một lực lượng chống đối ảnh hưởng Phật Giáo ở trong triều. Yu Insun cho rằng việc Lê Văn Hưu chỉ trích vua Lý Thái Tổ trên đây chỉ là một đường lối khéo léo của sử gia để gián tiếp chỉ trích phe thân Phật Giáo trong đời Trần.
Ngô Sĩ Liên 
Ngô Sĩ Liên người trấn Sơn Nam 山 南, có người nói ông từng theo phò Lê Lợi ホ 利 trong cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Minh. Ngô Sĩ Liên đậu tiến sĩ năm 1442, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông giữ chức Đô Ngự Sử dưới triều vua Lê Nhân Tông. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông làm Quốc Tử Giám Ty Nghiệp, và tham dư vào việc soạn thảo bộ quốc sử. Năm sinh năm mất của ông không được sách sử ghi chép rõ, nhưng nhiều người tin rằng ông mất năm 99 tuổi. Với tuổi thọ đó, cuộc đời Ngô Sĩ Liên trải dài qua nhiều thăng trầm của lịch sử: cuộc suy thoái của nhà Trần và nhà Hồ; tiếp theo là hai mươi năm đô hộ dưới triều nhà Minh với chính sách tàn khốc tiêu diệt văn hóa Việt Nam; nhưng quan trọng hơn cả là cuộc chiến đấu giành tự chủ cho đất nước của Lê Lợi. Từ khi Lê Lợi dựng nên nhà Lê, ảnh hưởng Khổng Giáo trong triều lớn mạnh cùng số quan gia nho học ngưòi vùng châu thổ sông Nhị và thắng thế ảnh hưởng Phật Giáo của nhóm Phật Tử được trọng dụng người vùng Thanh Hóa trong việc triều chính, và ảnh hưởng Khổng giáo trở thành độc tôn dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong sinh hoạt tinh thần đó Ngô Sĩ Liên đã trước tác bộ sử Toàn Thư.
Nhiều sử gia ngày nay tự hỏi lý do nào đã khiến Ngô Sĩ Liên trước tác bộ sử Toàn Thư, trong khi ông đã từng là một thành viên trong công cuộc sưu tập bộ quốc sử tàng trữ tại viện Đông Các? Có thể trả lời là việc soạn thảo bộ quốc sử là một công cuộc gồm nhiều nho giả, thế nên người tham dự khó bề bày tỏ những lời phê phán bình luận. Bởi vậy, theo sử gia Wolter(1), Ngô Sĩ Liên đã đơn độc trước tác bộ sử Toàn Thư với chủ đích là đề cao Khổng Giáo như một cơ động giúp cho người nước Đại Việt có một học thuyết căn bản để duy trì nền tự chủ trong thời gian đất nước gặp cơn nguy biến và theo Yu Insun, thì hành động này giúp Ngô Sĩ Liên đứng được ra ngoài vụ tranh chấp ảnh hưởng giữa Nho Giả vùng châu thổ sông Nhị với Phật Tử được trọng dụng vùng Thanh Hóa. Trong toàn bộ Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên viết ra tổng cộng 170 lời bàn, trong số đó có 86 lời bàn về sử kiện xẩy ra dưới triều nhà Lý; 72 lời bàn về sử kiện xẩy ra dưới đời nhà Trần và nhà Hồ cùng hai chục năm tranh đấu chiến thắng quân xâm lược nhà Minh, phần còn lại là lời bàn về sử kiện dưới triều vua Lê Thái Tổ.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Khổng Học, nhất là Tân Khổng Học ảnh hưởng mãnh liệt trên việc trước tác của Ngô Sĩ Liên, lời bàn của ông đều đặt trên đạo lý gia tộc và tương quan giữa vua và dân. Ông tin tưởng chắc chắn rằng đó là hai điểm quan trọng trong việc trị nước an dân. Năm 1320, khi vua Trần Anh Tông (tri vì từ 1293-1314) băng hà, ông trích sách Mạnh Tử(2):
天 下 之 本 在 國 Thiên hạ chi bổn tại quốc 國 之 本 在 家 quốc chi bổn tại gia 家 之 本 在 ? gia chi bổn tại thân
Nghĩa là: gốc của thiên hạ là nhà nước, gốc của nước là nhà, gốc của nhà là thân. Rồi Ngô Sĩ Liên thêm: “thân có tu, nhà mới tề, nước mới trị, điều ấy là khuôn vàng thước ngọc từ đời Nghiêu Thuấn, và đến ngày nay vẫn thật đúng như vậy.” Do đó ông chỉ trích bất kỳ ai vi phạm nguyên tắc này.
Ngô Sĩ Liên hết lời ca tụng vua Trần Anh Tông, vì nhà vua dốc lòng tu thân, thờ phụng cha mẹ, giữ vẹn niềm hòa hảo với họ hàng, và nhất là thờ kính tổ tiên. Thế nên, theo Ngô Sĩ Liên, triều vua Trần Anh Tông là một triều thịnh trị, nhân dân sống đời an lạc. Tuy nhiên, ông vẫn còn chỉ trích vua Trần Anh Tông hãy còn một điều thiếu sót trong lễ quốc táng Thượng Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngô Sĩ Liên cực lục chỉ trích việc làm loạn luân nhân để củng cố cho ngôi nhà Trần được bền vững. Đó là sự việc Thái Sư Thống Quốc Hành Quân Chinh Thảo Sự Trần Thủ Độ cưỡng ép vua Trần Thái Tông, giáng Chiêu Thánh Hoàng Hậu, người đã lấy vua Trần Thái Tông được 12 năm, xuống làm công chúa, rồi đem chị bà Chiêu Thánh, tức vợ Trần Liễu lên làm Hoàng Hậu, bởi vì Hoàng Hậu Chiêu Thánh không có con nối dõi và bà chị đã có thai được ba tháng. Việc phi luân này đã được lập lại dưới Triều vua Trần Dụ Tông (trị vì từ 1341 tới 1369). Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên còn trách vua Trần Thái Tông đã hứa gả công chúa cho Trung Thành Vương, rồi cuối cùng lại gả cho một hoàng thân khác.
Ngô Sĩ Liên tin tưởng là ngôi vua sẽ truyền cho người con trưởng của vua cha. Nếu Hoàng Hậu không có con nối dõi, con một thứ phi có thể được phong làm Thái Tử. Trong trường hợp Hoàng Hậu sau đó sinh Hoàng Nam, Thái Tử con bà thứ phi phải từ chức nhường ngôi cho Hoàng Nam con bà Hoàng Hậu. Thế nên Ngô Sĩ Liên thương tiếc Hoàng Thân Trần Quốc Chấn bị sát hại dưới triều vua Trần Minh Tông (trị vì từ 1314 tới 1329) chỉ vì hoàng thân đã can ngăn việc lập một Hoàng Nam con một bà thứ phi lên làm Thái Tử, không đợi Hoàng Hậu sinh Hoàng Nam. Ngô Sĩ Liên cũng tin tưởng là Hoàng Nam em có thể được nối ngôi vua khi Hoàng Nam anh không đủ khả năng nối ngôi. Thế nên Ngô Sĩ Liên chỉ trích vua Đinh Bộ Lĩnh lập con bà thứ phi là Hạng Lang làm thái tử thay vì truyền ngôi cho con trưởng con bà Hoàng Hậu là Hạng Liễn vốn là người văn võ toàn tài.
Trong trường hợp Hoàng Đế không có Hoàng Nam nối ngôi, thời phải lập một ngưòi cháu trai, như trường hợp vua Lý Nhân Tông nhưòng ngôi cho cháu. Ông cực lực chống lại việc nhường ngôi cho một công chúa như việc vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Công Chúa Lý Chiêu Hoàng. Theo Ngô Sĩ Liên thì vua Lý Huệ Tông đã không noi gương vua Lý Nhân Tông nên đã mở cửa cho Trần Thủ Độ lật đổ ngôi nhà Lý và lập ra nhà Trần.
Nhà Trần cũng theo gương nhà Lý không nhất thiết truyền ngôi vua cho Hoàng Nam con cả của vua. Để tránh việc tranh giành ngôi vua, nhà Trần đặt ra tục lập ngôi Thái Thượng Hoàng. Dầu thấu hiểu tục lệ nhà Trần như vậy, Ngô Sĩ Liên cũng bàn là không nên lập vua mới khi vua cha hãy còn sống, để một nước một lúc có hai vua.
Ngô Sĩ Liên chủ trương đàn bà góa không được tái giá để giữ tiết với chồng cũ, theo đúng lệ tam tòng của Nho Giáo. Tục này phải được bắt đầu từ trong hoàng tộc, để làm gương cho tứ dân. Chủ trương đó nhằm tránh những vụ thoán ngôi vua như vụ Lê Hoàn lấy bà Dương Hậu lập ra nhà Tiền Lê, vụ Trần Thủ Độ lấy vương Hậu Linh Từ lập ra nhà Trần. Đi xa hơn, Ngô Sĩ Liên ca ngợi việc các vương hậu nước Chàm phải chịu thiêu sống để giữ vẹn đức tam tòng.
Người đọc sử tự hỏi rằng, vốn là một nho giả chân chính, phải chăng Ngô Sĩ Liên nhiệt liệt cổ động cho việc gái hóa phải chết theo chồng là để duy trì chữ Trung của đạo nho theo câu tục trai trung một chúa, gái trinh một chồng. Cũng trong dòng tư duy này, sử còn chép truyện năm 1285, khi quân nhà Trần phá quân Nguyên, chủ tướng quân Trung Quốc là Toa Đô bị trúng tên chết. Khi các tướng thắng trận đưa đầu Toa Đô về nộp vua Trần Nhân Tông, vua thấy người dũng kiệt hết lòng với chúa mới than rằng: “Làm bầy tôi nên như người này!” rồi cởi áo bào đắp vào thủ cấp Toa Đô, sai làm lễ mai táng theo quân cách.
Với chủ trương trai trung một chúa, Ngô Sĩ Liên cực lưc bài bác những mưu đồ thoán nghịch của Lê Hoan, Trần Thủ Độ và nhất là Hồ Qúy Ly, cả ba cùng là những tặc thần lập mưu giết vua để cướp ngôi vua. Theo Ngô Sĩ Liên, Lê Hoan đáng tội chết chém, Trần Thủ Độ không đáng so sánh với loài chó lợn và Hồ Qúy Ly bi trời phạt khiến giặc Nam không giết nổi thời giặc Bắc không tha.
Theo Yu Insun thời Ngô Sĩ Liên nặng lời chỉ trích Lê Hoàn, Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly thí vua cướp ngôi báu, không chỉ riêng bởi Ngô Sĩ Liên là một tân nho giả mà còn phản ánh nội tình triều nhà Lê, ngày đó, khi vua Lê Nhân Tôn bị người anh là Nghi Dân 宜 民, trước kia đã được phong làm Thái Tử, sau vì mẹ phải tội cho nên bị phế bỏ. Năm 1459 Nghi Dân đồng mưu với Lê Đắc Ninh 黎 得 寧, Phạm Ban 范 般 v.v… nửa đêm trèo vào thành giết vua Lê Nhân Tôn và hoàng thái hậu, tự xưng làm vua rồi sai sứ sang Trung Quốc cầu phong.
Mối quan tâm của Ngô Sĩ Liên là sự an nguy của đất nước trước sự đe dọa của kẻ thù phương Bắc, dẫu rằng nhà Minh sau khi bị đuổi ra khỏi bờ cõi không còn là một mối đe dọa nặng nề như quân nhà Nguyên dưới đời Trần.
Thế nên, theo Yu Insun, từ khi vua Lê Lợi chiến thắng quân Minh sau hai mươi năm đô hộ, mối lo chính của Ngô Sĩ Liên là sự bất ổn của tình hình quốc nôi khơi ngòi cho việc xâm lăng của ngoại bang. Đó là lý do khiến Ngô Sĩ Liên đặt bản văn Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vào trong bộ sử Toàn Thư.
Bản Bình Ngô Đại Cáo xác quyết Đại Việt là một nước có văn hiến riêng, bờ cõi phân chia rõ ràng, phong tục khác hẳn Trung Quốc. Khác với Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên khẳng định là nước Đại Việt có một lịch sử dài không thua lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ vua Thần Nông. Theo tục truyền Kinh Dương Vương, vị vua đầu tiên của đất Nam Việt là anh khác mẹ của Đế Nghi, vị vua đầu tiên của người phương Bắc. Thật thế, Đế Minh, cha của Đế Nghi và Kinh Dương Vương là cháu ba đời vua Thần Nông, có ý lập Kinh Dương Vương lên nối ngôi, nhưng Kinh Dương Vương từ chối nhường ngôi cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, còn mình làm vua phương Nam.
Ngô Sĩ Liên lo lắng cho mối an nguy nước Đại Việt phản ánh trong lời bàn của ông về những vụ xâm lăng của quân Mông Cổ từ phương Bắc, qua những vụ xâm phạm bờ cõi miền Nam của quân Chiêm. Ngô Sĩ Liên ca tụng thượng hoàng Trần Nhân Tông, không những có tài điều binh khiển tướng đánh đuổi được quân Nguyên, mà còn triệu tập Hôi Nghị Diên Hồng, đoàn kết toàn dân thành một khối quyết tâm bảo vệ đất nước. Ngược lại ông chê trách triều nhà Trần bỏ ngỏ biên giới miền Nam mở đường cho quân Chiêm Thành sang quấy phá Đại Việt. Ông chê trách Thượng Hoàn Dụ Tông quen sống trong cảnh đất nước thịnh vương bình an mà trở thành quá phóng túng, chỉ nghĩ tới chuyện mua vui. Ông cũng chê trách vua Trần Nghệ Tông quá mải mê với văn học mà sao lãng việc binh đến độ để quân Chiêm Thành vào cướp phá thành Thăng Long vào mùa thu năm 1371.
Nhân danh một nhà Tân Nho, Ngô Sĩ Liên bài bác ảnh hưởng Phật Giáo trong hai triều nhà Lý và nhà Trần. Ông quan niệm việc vua Lý Thái Tổ khi vừa đăng quang liền cho xây chùa tô tượng Phật khắp nơi trong nước là một điều quá đáng, dầu ông không quên là vua Lý Thái Tổ là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân, và nhờ vậy mà thành nhân. Ngô Sĩ Liên ca tụng vua Trần Nhân Tông là một vị minh quân từng chiến thắng quân Nguyên xâm phạm đất Đại Việt, nhưng ông coi việc vua Trần Nhân Tôn, sau khi thoái vị làm Thái Thượng Hoàng, trở thành đệ nhất tổ giòng Thiền Trúc Lâm, là một hành động chứng tỏ vua Trần Nhân Tôn không giữ vẹn chữ Trung Dung của đạo Nho.
Hơn nữa,vẫn nhân danh là một nho sĩ, Ngô Sĩ Liên còn phê bình việc thay đổi niên hiệu của vua Lý Thái Tổ năm 1034. Năm ấy hai nhà sư Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu, thi thể cháy kết thành thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo đó giữ ở chùa Trường Thánh để thờ, nhân dịp đó vua đổi niên hiệu là Thụy Thông; sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn(3):
Thuyết nhà Phật gọi là xá lị tức là khi tự thiêu mình, tinh khí tụ lại kết thành một thứ lửa không cháy được, cho nên gọi là bảo. Tương truyền là người nào học Phật thành thì xác hồn làm bảo như thế. Vì rằng người sãi đoạn tuyệt tính dục thì tinh khí kết thành ra thứ ấy. Người đời cho là không thường, thấy mà cho là lạ, có biết đâu là tinh khí dương tụ lại mà thành thôi. Vua cũng mê hoặc mà đổi niên hiệu. Từ đấy về sau những người hiếu danh, cạo đầu làm sãi, nhẫn nại chịu chết như loại Trí Không này nhiều lắm.
Xuống tới đời Hoàng đế Lý Nhân Tôn, năm 1096, thái sư Lê Văn Thịnh làm phản, Vua Lý Nhân Tôn tha tội chết, an trí tại Thao Giang. Nguyên bấy giờ vua ngự thuyền xem đánh cá tại hồ Dâm Đàm. Chợt có mây mù, trong đám mù có tiếng thuyền bơi tới, vua lấy giáo ném. Bỗng chốc mây mù tan, trong thuyền ngự có con hổ. Có người than: Nguy lắm rồi! Có người đánh cá tên Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì hổ biến ra thành thái sư Lê Văn Thịnh. Lê Văn Thịnh vốn có tà pháp làm ra vậy để tính truyện cướp ngôi. Vua thưởng cho Mục Thuận, và cắt đất cho lập ấp. Ngô Sĩ Liên có lời bàn về truyện này(4):
Người làm tôi định cướp ngôi giết vua mà được miễn tội chết! Thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin Phật Giáo. Mùa thu tháng 7 ngày 25, Ỷ Lan hoàng thái hậu băng hà, hỏa táng; dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, lại bắt người thị nữ chôn theo.
Ngô Sĩ Liên có lời bàn về việc này(5):
Hoả táng là theo Phật Giáo, chôn theo là tục nhà Tần. Nhân Tôn Hoàng Đế làm cả hai việc ấy, hoặc giả theo lời của Thái Hậu chăng?
Theo Yu Insun, lời bàn của Ngô Sĩ Liên, đặt câu hỏi về lời di chú của Ỷ Lan hoàng thái hậu, là bởi Ngô Sĩ Liên có ý bài bác vua Lý Nhân Tông vì chính nhà vua, theo tục lệ Phật Giáo, ban lệnh thi hành việc hỏa táng và việc chôn theo thị nữ của hoàng thái hậu.
So Sánh hai Sử Gia
Yu Insun cho rằng quan điểm sử học của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là sản phẩm của thời đại của mỗi người. Với Lê Văn Hưu, sử kiện đáng chú ý nhất là những thành tích kháng Nguyên giữ nước của triều nhà Trần. Với Ngô Sĩ Liên, một sử thần của triều nhà Lê, Khổng Học lúc đó đã trở thành một nền quốc học, thế nên giáo lý cũng như tập tục Khổng Giáo là những mối quan tâm hàng đầu. Đằng khác, Ngô Sĩ Liên đã từng sống qua hai chục năm dưới sự đô hộ của quân Minh, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của nền an ninh quốc nội trong việc ngăn chặn người phương Bắc xâm lấn đất nước vả duy trì nền tự chủ của nước Đại Việt.
Khác biệt giữa quan điểm sử học của hai sử thần thấy rõ qua sự khác biệt giữa những lời bàn trên cùng một sử kiện. Lời bàn của Lê Văn Hưu chú trọng tới nền an nguy của đất nước và sự bình đẳng giữa nước Nam với nước Bắc.
Ngô Sĩ Liên chỉ bàn về hai vấn đề này trong bốn sự kiện. Đằng khác, Ngô Sĩ Liên dành 11 lời bàn về giáo lý Khổng Học, Lê Văn Hưu chỉ nói tới vấn đề liên quan tới Khổng Hoc trong 5 lời bàn. Sự khác biệt giữa hai sử thần còn rõ rệt hơn nữa qua những lời bàn cùng về những sử kiện dưới triều vua Ngô Quyền và vua Đinh Bộ Lĩnh.
Lê Văn Hưu tin chắc rằng Ngô Quyền không hoàn toàn tạo dựng được nền tự chủ cho đất nước như Triệu Đà đã đặt được trước khi quân của Hán Vũ Đế sang xâm lấn, bởi chiến thắng của Ngô Quyền đã khiến nhà Hán phải bỏ mộng xâm lược, nhưng ông tiếc cho Ngô Quyền không nhân dịp đó xưng đế như Triệu Đà. Ngược lại Lê Văn Hưu ca tụng Ngô Quyền ngoài tài thống lĩnh quân đội còn giỏi tổ chức việc nội trị, tạo nên nề nếp cho đời sống nhân dân. Ông kết luận rằng với một công nghiệp như vậy, Ngô Quyền xứng đáng là một Hoàng Đế của nước Nam Việt. Lê Văn Hưu chủ xướng là Đinh Bộ Linh đã giành được nền tự chủ hoàn toàn cho đất nước, không kém gì Triệu Đà đời trước. Đinh Bộ Lĩnh đã tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu mới, sửa sang giềng mối triều chính. Ngược lại, Ngô Sĩ Liên coi nhẹ công nghiệp của Đinh Tiên Hoàng, vì ông chủ trương là Ngô Quyền đã giành được hoàn toàn nền tự chủ cho Nam Việt. Ngược lai ông chỉ trích Đinh Bộ Lĩnh và con cả là hoàng tử Đinh Liễn là không hành xử theo đúng tập tục Khổng Học. Đinh Bộ Lĩnh đã vượt qua truyền thống truyền ngôi của các triều đại Trung Quốc đặt trên nền tảng Khổng Học: nhà vua đã bỏ con trưởng Đinh Liễn và lập con út là Hạng Lang lên nối ngôi. Đinh Liễn đã tùng theo cha chinh chiến nhiều năm trong việc dẹp loạn 12 xứ quân, nên tức giận lập mưu giết Hạng Lang, nên cũng không giữ tròn đạo làm tôi theo Khổng Học, đồng thời gây ra mối loạn trong nhà để người phương Bắc có cơ hội nhòm ngó bờ cõi. Người đọc sử có thể hiểu rằng lời Ngô Sĩ Liên chỉ trích cha con Đinh Bộ Lĩnh phản ảnh ý ông muốn ám chỉ trích việc tranh giành ngôi báu trong triều nhà Lê lúc bấy giờ.
Ảnh hưởng Khổng Giáo từ triều nhà Lê không những chỉ mỗi ngày một lớn mạnh trong việc triều chính mà còn thấm nhập từ từ vào trong mọi hoạt động trong dân gian, truyền qua đời nhà Nguyễn, cho tới khi người Pháp bỏ thi Hương hồi đầu thế kỷ XX mới suy giảm. Nhiều nhà sử học ngày nay cho rằng điểm triều đình các nhà Đinh, Lê, Lý và Trần tôn trọng Phật Giáo hơn Khổng Giáo là một truyền thống của người Việt Nam khác với truyền thống của người Trung Quốc lấy Khổng Giáo làm quốc giáo. Chính nhờ điểm khác biệt đó mà dân Việt Nam đã không bị Trung Quốc đồng hóa.

(1) Wolter, “What Else May Ngô Sĩ Liên Mean” in “Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese”, University of Hawai Press 2001. Edited by Reid Anthony. (2) Đoàn Trung Còn, Tứ Thơ Mạnh Tử, NXB Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.12. (3) Ngô Sĩ Liên, Toàn Thư, Tập 1, bản dịch của Cao Huy Gịu, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967, tr. 210. (4) Ngô Sĩ Liên, ibid. tr. 242. (5) Ngô Sĩ Liên, ibid. tr. 248.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét