XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Người Việt hợp tác với giặc Minh (theo giặc làm phản)

tran chien (23)
Quân đội nhà Minh
Lê Tư
 “京路多從賊以叛 Kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản”
(Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản.) – Toàn Thư
Người hợp tác với quân Minh rất nhiều, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, đến nỗi Toàn Thư phải than thở số người sang Minh trình diện khiến cả nước hầu như trống rỗng. Dưới đây chỉ xem xét chi tiết vài nhân vật quan trọng có tác động mạnh mẽ đến quá trình xâm lăng, chiếm đóng và triệt thoái của quân đội Minh triều.
1. Bùi Bá Kỳ :
Bùi Bá Kỳ (? – ?) người làng Phù Nội, châu Hạ Hồng (nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
Theo “Cáo nạn biểu” do chính Bá Kỳ viết dâng lên vua Minh, cha ông Bá Kỳ đều làm quan hàng đại phu, mẹ là bà con gần với hoàng tộc Trần nên từ nhỏ đã được đưa vào cung phục dịch hoàng gia, chức quan đến ngũ phẩm. Sau đó ông được đưa ra làm tì tướng của Võ Tiết hầu Trần Khát Chân. Khi họ Hồ soán đoạt, giết hại nhiều người trung thành với vua cũ, trong đó có gia tộc Bùi Bá Kỳ. Bản thân ông bị truy sát gắt gao.
Toàn Thư ghi nhận vụ tàn sát vào năm Kiến Tân II (1399). Nguyên nhân do Trần Khát Chân cùng nhóm đồng mưu định giết Quý Ly trong dịp hội thề Đốn Sơn. Vì Khát Chân chần chừ, thích khách Phạm Ngưu Tất không thực hiện được ý đồ. Việc vỡ lỡ, Quý Ly giết các người liên quan cùng gia đình, tổng cộng hơn 370 nhân mạng.
“Cáo nạn biểu” lưu lại trong “Thơ văn Lý-Trần” rất ngắn gọn. Bài biểu ghi nhận bởi Minh Thực Lục chi tiết rõ ràng hơn. Có lẽ văn bản đến tay vua Minh đã được trau chuốt lại bởi các quan ở Kim Lăng. Bài biểu như sau:
Ngày 6 tháng 8 năm Vĩnh Lạc II (10/9/1404) : Bồi thần An Nam là Bùi Bá Kỳ đến cáo cấp, lời tâu rằng:
“Gia đình thần đời đời thờ họ Trần nước An Nam, cha ông thần là quan Đại phu, chết vì việc nước. Mẹ thần thuộc dòng thân cận tôn thất họ Trần; vì vậy lúc nhỏ thần được hầu hạ Quốc vương, tước ngũ phẩm; rồi được làm Tỳ tướng cho Vũ Tiết hầu Trần Khát Chân. Năm Hồng Vũ thứ 32 thay Khát Chân ra biển Đông Hải chống cự với giặc Nụy. Lúc này gian thần cha con Lê Quí Ly giết chúa soán ngôi, hãm hại trung thần diệt cả dòng họ có đến trăm mười người. Anh em vợ con thần đều bị giết hại; lại sai người đi bắt thần để xẻ thịt. Thần nghe việc biến bèn bỏ quân ngũ, chạy trốn vào rừng, sống nơi cùng tịch cùng Mường Mán, vượn khỉ. Lòng trung thành sáng chói, nhưng uất ức không có chỗ tố cáo. Mới đây nghe tin Hoàng thượng lên ngôi báu, mở mang sự cai trị ra muôn nơi, nên muốn được phơi bày gan ruột, cầu xin diệt nạn này. Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, đến được biên giới. Giả mạo cùng với lái buôn khiêng vác hàng hóa, tháng 4 năm nay đến phủ Tư Minh, Quảng Tây. Được quan ty đưa đón và may mắn được chiêm bái Hoàng thượng. Thần trình rằng gian thần Lê Quí Ly là con của cố Kinh lược Lê Quốc Kỳ. Y đã hưởng ân sủng dưới triều nhà Trần, con là Thương cũng được ban chức cao. Đắc chí với tham vọng, giết vua, đổi tên họ là Hồ Nhất Nguyên; con là Hồ Đê tiếm hiệu soán ngôi, không tôn trọng mệnh lệnh Thiên triều, ngược đãi con dân trăm họ, dân chúng hàm oan kêu trời khấn đất, trung thần nghĩa sĩ nhức óc đau lòng. Thần trong lòng khích động vì điều nghĩa, mạo muội tâu lên Thiên tử xin ban rộng lòng nhân, thương dân chúng vô tội, mang quân cứu dân phạt tội, nối dòng chính thống bị đứt, thần tình nguyện cầm cung nỏ đi dẫn đường biểu dương uy trời, những người trung nghĩa hưởng ứng họp lại diệt bọn giặc, quét sạch hung đồ, lập lại con cháu nhà Trần. [Được như vậy] ắt nơi phiên di xa xôi này rất đội ơn thánh đức, cung kính triều cống, vĩnh viễn làm phiên dậu bên ngoài. Thần bất tài, trộm bắt chước Thân Bao Tư chịu tội đáng chết để thỉnh cầu, kính xin bệ hạ thương xót”.
Thiên tử thương tình, mệnh quan ty cấp cho y phục và thực phẩm. (Minh Thực Lục I, 206-207)[1]
Bùi Bá Kỳ kêu cầu quân Minh sang phù Trần diệt Hồ để trả thù nước, thù chủ cũ lẫn thù nhà.
Sau đó chưa đến một tháng, gia nô cũ của Trần Tông, một hào trưởng vùng biên giới Chiêm Thành, xưng tên Trần Thiêm Bình (Minh Thực Lục : Trần Thiên Bình), mạo danh là cháu nội Trần Nghệ Tông đến Kim Lăng qua ngõ Lão Qua-Vân Nam cũng để xin binh phạt Hồ.
Khi sứ giả nhà Hồ đến Kim Lăng chúc mừng năm mới, vua Minh đã bố trí để Trần Thiêm Bình, Bùi Bá Kỳ đối chất với sứ đoàn. Theo Minh Thực Lục, cuộc gặp gỡ đầy kịch tính khiến Chu Đệ quyết định chinh thảo An Nam:
Ngày 25 tháng 12 năm Vĩnh Lạc II (25/1/1405): Sứ giả An Nam đến mừng Nguyên Đán. Thiên tử ra lệnh bộ Lễ đưa Trần Thiên Bình ra cho gặp. Sứ giả nhận ra cháu Vương cũ, nên kinh ngạc sụp xuống vái và khóc. Bùi Bá Kỳ lên tiếng trách vì đại nghĩa, sứ giả kinh hoảng không đáp được. Thiên tử nghe tin bèn bảo các quan hầu cận rằng:
“Hồ Đê nước An Nam trước kia tấu rằng họ Trần đã tuyệt tự, y là cháu ngoại quyền quản lý việc nước, xin được phong Vương. Trẫm vốn nghi, nên cho người hỏi Bồi thần và kỳ lão đều bảo rằng đúng như vậy. Trẫm nghĩ rằng họ Trần trước kia làm rể mà được nước, nay Đê là cháu ngoại kế nghiệp cũng hợp lý, bèn xuống chiếu phong chức. Ai ngờ chính y giết chúa soán ngôi, tiếm xưng danh hiệu, thay đổi triều đại, bạo ngược với người trong nước, đánh chiếm đất đai lân quốc, việc làm quỉ thần cũng không dung, thần dân đều bị lừa phỉnh. Đây là tội nhân của một nước, làm sao mà dung thứ được !” (Minh Thực Lục I, 210)[2]
Thiêm Bình cho rằng chỉ 5.000 quân Minh hộ tống là đủ để họ Hồ qui phục vì dân chúng sẽ tự động nổi lên. Khi vua Minh hỏi, Bá Kỳ trả lời không biết Thiêm Bình là ai và không cho rằng lời đó là phải. Vua Minh bỏ rơi Bá Kỳ. Dĩ nhiên, vị hoàng đế nào cũng thích dùng người hoàng tộc, dù là giả, làm chiêu bài, như vậy có lợi hơn.
Khi đội quân áp tải Thiêm Bình về làm vua Giao Chỉ bị thất bại (năm 1406), hoàng đế Minh mới dùng lại Bá Kỳ, cho theo quân đội viễn chinh về Nam, ban cấp đai mão.
Ngày 18 tháng 5 năm Vĩnh Lạc IV (4/6/1406) : Ban mũ và dây đai cho người An Nam đã quy phụ là Bùi Bá Kỳ. Mệnh theo đại quân Nam chinh (Minh Thực Lục I, 222).[3]
Qua thơ văn còn giữ được, ta thấy Bá Kỳ thành tâm trong việc mà ông nghĩ là vì đại nghĩa này.
上明帝詩 其一
孤臣忠孝效胥為, 跋涉山川上帝畿。 碎首王墀滂血淚, 仰祈聖主向無疵。
Thướng Minh đế thi (1) Kỳ 1
Cô thần trung hiếu hiệu Tư vi, Bạt thiệp sơn xuyên thượng đế kỳ. Toái thủ vương trì bàng huyết lệ, Ngưỡng kỳ thánh chúa hướng vô tỳ.
Thơ dâng Hoàng đế nhà Minh
Kỳ 1
Cô thần bắt chước lòng trung hiếu của Thân Bao Tư,
Trèo non lội suối đến chốn kinh đô nhà vua.
Dập nát đầu trước thềm, đầm đìa máu và nước mắt,
Ngước trông thánh chúa không bắt lỗi lầm.
(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần tập III)
上明帝詩 其二
陳事陵夷未可期, 含冤抱恨有天知。 南方臣子懷忠義, 誓國捐驅伐季犛。
Thướng Minh đế thi Kỳ 2
Trần sự lăng di vị khả kỳ, Hàm oan bão hận hữu thiên tri. Nam phương thần tử hoài trung nghĩa, Thệ quốc quyên khu phạt Quý Ly.
Thơ dâng Hoàng đế nhà Minh
Kỳ 2
Việc nhà Trần suy sụp biết ngày nào mới khôi phục được,
Ngậm oan ôm hận chỉ có trời biết.
Phận tôi con nước Nam mang lòng trung nghĩa,
Thề vì nước bỏ mình để đánh Quý Ly.
(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần tập III)
Theo Toàn Thư, sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly, người Minh ngờ Hữu Tham nghị Bùi Bá Kỳ có bụng khác nên đưa ông về Kim Lăng quản thúc.
Hữu Tham nghị là chức vụ đứng hàng thứ 7 trong Bố Chính ty.
Thực chất, nhà Minh có kế hoạch tái lập quận huyện tại Giao Chỉ, con cờ Bá Kỳ đã đi hết nước.
2. Mạc Thúy (? – 1412 ?):
Về những người đầu hàng, tích cực nhất là nhóm họ Mạc, đứng đầu là Mạc Thúy người làng Long Động, châu Nam Sách, phủ Lạng Giang (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Lê Quý Đôn, có lẽ đã nghiên cứu gia phả Mạc tộc, ghi rõ trong Đại Việt Thông Sử vai vế cháu nội của Mạc Thúy đối với Mạc Đĩnh Chi. Lê tiên sinh cũng xác nhận Mạc Thúy là cao tổ của Mạc Đăng Dung, người sáng lập triều Mạc năm 1527. (2)
Mạc Thúy là người An Nam khiến Minh Thực Lục tốn nhiều bút mực do có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chinh phục Giao Chỉ của thiên triều.
Trước tiên, hãy nhìn về Thúy từ phía Đại Ngu. Sau khi tường thuật việc quân Minh bày trận ở bờ bắc sông Cái (thượng nguồn sông Hồng), Toàn Thư ghi nhận sự kiện Mạc Thúy hàng Minh như sau:
Bọn Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn và Nguyễn Huân mạo nhận là họ Mạc đều là những kẻ bất đắc chí, đón hàng quân Minh, người Minh đều trao cho quan chức. Sau Thúy làm đến tham chính; Địch làm đến chỉ huy sứ; Viễn làm đến diêm vận sứ; Huân làm đến bố chính; (Thúy, Địch, Viễn là cháu Mạc Đĩnh Chi). (Toàn Thư II, 229).[4]
Minh thực lục trong mục ngày 24 tháng 11 năm 1406 ghi nhận việc Mạc Thúy đầu hàng và hành trạng tiếp theo chi tiết hơn nhiều:
…các ngụy quan như Thiêm phán Đặng Nguyên ; người châu Nam Sách, phủ Lạng Giang là Mạc Thúy, Mạc Viễn đến yết kiến. Bọn họ nói rằng:
“Giặc dựa vào Đông Đô, Tây Đô; cùng sự hiểm trở của các sông Tuyên, sông Thao, sông Đà, sông Phú lương. Đường huyết mạch từ phủ Tam Giang, qua bờ phía nam sông Đà, núi Tản Viên, đến phía nam sông Phú Lương, qua sông Ninh đi sang phía đông. Lại từ bờ bắc sông Phú Lương theo sông Hải Triều [sông Luộc], sông Hy, sông Ma Lao đến Bàn Than, núi Khốn Mai, dọc sông xây đồn. Ải Đa Bang cho xây thêm thành đất, đồn trại nối tiếp liên hoàn dài hơn 900 dặm; bắt hết dân các châu tại Giang Bắc trên 200 vạn, gồm nam phụ lão ấu vào, để trợ thanh thế. Phía nam sông Phú Lương đều đóng cọc gỗ; tập trung các thuyền bè trong vũng nước đằng sau cọc, các cửa sông cũng đóng cọc gỗ để đề phòng công kích. Giặc phòng bị nghiêm nhặt tại Đông Đô, thường bày voi trận, lính tráng dọc thành; rêu rao đông đến 700 vạn.” (Minh Thực Lục I, 241)[5]
Như vậy, Đặng Nguyên Nguyên và Mạc Thúy đã báo cáo cho người Minh kế hoạch phòng thủ của quân Hồ.[6] Riêng số lượng nhân lực phía Đại Ngu rõ ràng bị thổi phồng quá đáng.
Theo Minh Thực Lục, Quân Minh từ huyện Tân Phúc di chuyển đến bến sông thị trấn Cá Thiều (chợ Kẻ Chiêu), châu Tam Đái để đóng thuyền chuẩn bị cho chiến dịch công kích. Tướng Hồ Trần Đĩnh đánh quấy rối thu vài thắng lợi nhỏ khiến quân Minh phải ngừng lại để củng cố. Sau đó, cuộc tổng tấn công khai màn; giặc đánh thủng phòng tuyến quân Hồ nơi chỉ huy quân Tả Thần Dực Nguyễn Công Khôi trấn giữ, tạo điều kiện làm cầu phao vượt sông Cái. Kỳ lạ là quân Minh mới đến còn dò dẫm địa hình lại thực hiện được trận đánh hiệu quả vào vị trí quân Tả Thần Dực. Người Minh tiêu diệt toán quân này triệt để và chóng vánh đến mức các đạo quân Hồ bên trên và phía dưới dòng sông đều không nghe thấy tiếng động của chiến trận. Hẳn bàn tay Mạc Thúy có nhúng vào sự việc vì nếu không có thông tin trinh sát đầy đủ, chiến công như thế thật bất khả thi.
Giữa tháng 1 năm 1407, Trương Phụ và Mộc Thạnh tấn công thành Đa Bang. Có lẽ nhờ vào thông tin của Mạc Thúy mà kỵ binh Minh dưới quyền Du kích Tướng quân Chu Quảng đã có những tấm vải vẽ hình cọp để dọa voi Đại Ngu. Hỏa tiễn của Thần cơ Tướng quân La Văn cũng sẵn sàng với số lượng lớn. Quân kỵ, súng thần cơ và tên lửa khiến tượng binh Hồ dưới quyền tướng quân đạo Thiên Trường Nguyễn Tông Đỗ rối loạn tháo lùi. Quân Minh tràn vào Đa Bang, trấn thủ Lương Dân Hiến và Thái Bá Nhạc tử trận.
Người Minh tiến chiếm Đông đô.
Hạ tuần tháng 1 năm 1407, Hồ Nguyên Trừng phản công trên sông Lỗ nhưng không thành công phải lui về giữ cửa Muộn. Người các châu thuộc lộ Tam Giang như Tuyên Giang, Thao Giang cùng nhiều phủ huyện quanh đó đến gặp tướng Minh để xin hàng.
Nói về trận phản công này, ghi chép ngày 26 tháng 1 năm 1407 của Minh Thực Lục như sau: Tả Tham chính Chinh thảo An Nam Phong Thành hầu Lý Bân, Hữu Tham tướng Vân Dương bá Trần Húc mang quân đánh giặc họ Lê tại Tây Đô.
Giặc nghe tin thành Đa Bang bị chiếm, bèn đốt phá cung thất kho tàng tại đây, rồi chạy ra biển. Bọn giặc dựa vào vùng đất tại núi Thiên Kiện, đưa quân từ sông Sinh Quyết, Đàm Xá đánh vào quân ta. Quan Tổng binh Tân Thành hầu Trương Phụ sai Đô đốc Hoàng Trung mấy lần đánh bại giặc. Do vậy các huyện của hai châu Tuyên Giang, Thao Giang thuộc lộ Tam Giang lần lượt đến cửa quân xin hàng. (Minh Thực Lục I, 247)[7]
Toàn Thư ghi nhận giờ phút đen tối nhất của nhà Hồ vào tháng 2 năm Hưng Khánh I (1407): “Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản.”[8]
Phối hợp với chính sách tái lập nhà Trần của vua Minh, chính Mạc Thúy đã kích động phong trào quay lưng lại với họ Hồ tại trung châu. Khi đồng bằng sông Hồng trù phú, giàu nhân lực ngảnh mặt, thậm chí chống lại, vận mệnh triều Hồ xem như đã được định đoạt.
Riêng cánh quân phía đông bắc của Hồ Đỗ, Hồ Xạ cũng phải rút lui sau trận quyết chiến với Vương Hữu và Liễu Tông. Toàn Thư chỉ ghi việc Đỗ, Xạ rút bỏ Bình Than về hợp binh với Trừng ở cửa Muộn. Thực Lục lại miêu tả trận đánh tại vùng này như trận chiến có thành quả lớn nhất chiến dịch chinh Nam.
Ghi chép ngày 8 tháng 2 năm 1407: Ngày hôm nay, quan Tổng binh Chinh thảo An Nam Chinh Di Tướng quân Tân Thành hầu Trương Phụ điều động Thanh Viễn bá Vương Hữu, Tả Phó Tướng quân Tây Bình hầu Mộc Thạnh điều bọn Đô Chỉ huy Liễu Tông hợp binh dẹp giặc. Quan quân vượt sông Chú Giang tập kích quân giặc tại sách Trù Giang, lại làm khốn giặc tại Mai Sơn, sông Vạn Kiếp và núi Phả Lại; chém 37.390 thủ cấp, bắt Đoàn phó là Đinh Bộ Khúc giết đi, dư đảng giặc tan rã. Lúc này tướng giặc Hồ Đỗ tụ thuyền tại sông Bàn [Bình] Than; Trương Phụ nhân dịp người bản xứ châu Nam Sách là Đội chính Trần Phong đến xin hàng, bèn sai đi đánh Hồ Đỗ. Đỗ thua chạy đến sông cửa Muộn, tịch thu hết thuyền bè. Lại sai Trần Phong chiêu dụ dân chúng các xứ Lạng Giang và Đông Triều, nhân dân được yên nghiệp, do đó quận ấp châu Phong tiếp tục đầu hàng, sĩ phu dâng thư kết tội giặc họ Lê độc ác trăm cách. (Minh Thực Lục I, 247-248)[9]
Cánh quân được chỉ huy bởi hai phó tướng, tức không phải mũi nhọn chính nhưng hiệu quả giết chóc rất lớn. Thực Lục cho thấy quân Hồ phòng ngự chông chênh ở vùng đông bắc, đội lính địa phương dưới quyền Trần Phong ngả về người Minh khiến quân chính quy nhà Hồ bị bật gốc kéo theo sự sụp đổ của hệ thống cai trị.
Tuy vậy, quân Hồ vẫn còn sinh khí. Hạ tuần tháng 2 năm 1407, tướng chỉ huy quân Thần Đinh là Ngô Thành nương thủy triều đột kích đến Giao Thủy. Phụ, Thạnh chặn đánh từ hai bờ sông. Thành tử trận, được truy phong Kiêu vệ tướng quân.
Minh Thực Lục miêu tả trận này khá quyết liệt, cũng cho biết chiến công của người Minh có sự cộng tác đắc lực của Mạc Thúy. Đặc biệt tin tình báo về hoạt động quân Hồ nhiều khả năng do họ Mạc cung cấp. Người Minh ghi lại tên các tướng Hồ hi sinh mà sử Việt bỏ qua.
Ghi chép ngày 21 tháng 2 năm 1407: Ngày hôm nay, quan Tổng binh Chinh thảo An Nam Tân Thành hầu Trương Phụ, Tả Phó tướng Tây Bình hầu Mộc Thạnh đánh bại giặc họ Lê tại sông Mộc Hoàn.
Khởi đầu Phụ nhận được tin điệp báo cho biết thuyền giặc qua lại tại vùng sông Phú Lương, hạ lưu đất Giao Châu khoảng 20 dặm. Lại có tin Quí Ly và con là Trừng tụ tập thuyền bè tại sông Hoàng Giang, rồi đem quân đóng tại sông Mộc Hoàn. Thạnh cùng Tham tướng Phong Thành hầu Lý Bân suất quân bộ, kỵ, chiến thuyền từ sông Phú Lương đến đóng tại sông Lỗ. Giặc họ Lê dùng khoảng hơn 500 chiến thuyền đánh vào quân ta. Quân của Phụ thủy lục cùng tiến; bọn Đô đốc Liễu Thăng hăng hái đánh thuyền giặc tại Giao Thiển, khiến giặc đại bại. Tịch thu hơn 10 thuyền giặc, giết tướng giặc là Nguyễn Nhân Tử, Nguyễn Lỗi, Nguyễn Liệt, chém hơn một vạn đầu, bắt sống tướng giặc Hoàng Thế Cương, Đồng Văn Kiệt, Phùng Tông Thực, Mạc Thiết, Phạm Hài, Nguyễn Lợi hơn trăm tên, tất cả đều bị chém; riêng bọn giặc chết trôi không kể xiết. Lúc này người châu Nam Sách tên là Mạc Thúy, vốn giận giặc họ Lê, bèn mang lính địa phương vạn người đến theo, nhiều lần gắng sức lập công. (Minh Thực Lục I, 248-249)[10]
Ngày 10 tháng 3 năm 1407, Trương Phụ thông qua Mạc Thúy và bộ thuộc để công bố đức chính Thiên tử nhà Minh đến quan lại, binh lính, dân chúng Đại Ngu ở khắp các quận huyện. Người Minh yêu cầu quan lại trở về nhiệm sở, binh lính quay lại doanh trại và dân chúng ở yên với chức nghiệp của mình. Mạc Thúy còn có nhiệm vụ tìm kiếm người đức hạnh thuộc dòng dõi họ Trần để gửi về Kim Lăng nhận phong vương.
Ngày 17 tháng 4 năm 1407, Mạc Thúy, Doãn Bái và nhóm bô lão 1.120 người từ Bắc Giang và các phủ khác, từ An Việt và các huyện khác đến gặp chỉ huy quân Minh. Nguyên văn phát biểu của Mạc Thúy ghi nhận bởi Minh Thực Lục như sau:
“Được ơn cấp bảng dụ khắp trong nước, tuyên bố đức ý của thánh Thiên tử cho quan trở lại nguyên chức, lính trở lại nguyên đơn vị, dân trở về nghiệp cũ; hỏi tìm con cháu nhà Trần chọn một người hiền, tấu xin tước vương để làm chủ nước; lại chia người đi các nơi phủ dụ quan lại quân dân yên nghiệp như cũ. Duy con cháu nhà Trần trước đây bị giặc họ Lê tru diệt hết, không còn sót ai, không thể kế thừa. An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, sau đó bị chôn vùi vào tục Man Di, không được nghe dạy dỗ lễ nghĩa. Nay may mắn được Thánh triều tảo trừ hung nghiệt, quân dân già trẻ được chiêm ngưỡng áo khăn thịnh trị, hân hạnh không kể xiết; xin được duy trì trở lại quận huyện cũ, ngõ hầu sửa đổi tục man di, vĩnh viễn thấm nhuần thánh hóa.”
Thúy kính cẩn cùng các bậc kỳ lão soạn sẵn biểu văn, xin dâng lên triều đình để lòng kẻ dưới được đề đạt. Quan Tổng binh Tân Thành hầu Trương Phụ cho rằng cha con giặc họ Lê chỉ trong sớm tối bị tiêu diệt, các phủ huyện đều được bình định, cần có sự thống trị để phủ ngự dân này, nên ngay ngày hôm nay cho người ruổi về kinh đô tâu trình. (Minh Thực Lục I, 250-251)[11]
Minh Thực Lục chép về trận Hàm Tử ngày 4 tháng 5 năm 1407 chỉ đề cập đến đạo chủ lực cuối cùng của nhà Hồ bị tiêu diệt, không nhắc đến Mạc Thúy. Sau trận này, quân Hồ không còn khả năng tác chiến, họ bỏ chạy ngay khi người Minh xuất hiện truy đuổi hoàng tộc Hồ và nhóm quan tướng cao cấp.
Cuộc truy bức của quân Minh kết thúc vào giữa tháng 6 năm 1407. Minh Thực Lục ghi lại giây phút cuối cùng của triều đại Hồ như sau:
Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc V (17/6/1407): Ngày Ất Sửu, dân bản xứ An Nam là bọn Vũ Như Khanh bắt được ngụy Quốc vương nước Đại Ngu Lê Thương, ngụy Thái tử Lê Nhuế, con cháu giặc họ Lê, ngụy Lương Quốc vương Lê Kích, cùng tướng ngụy Trụ quốc Đông Sơn Hương hầu Hồ Đỗ tại núi Vọng Cao, cửa biển Vĩnh Áng.
An Nam được bình định. (Minh Thực Lục I, 254)[12]
Vũ Như Khanh (Toàn Thư gọi là Nguyễn Như Khanh) là bộ hạ của Mạc Thúy.
Theo Toàn Thư, tướng quốc Lê Quý Tì và con tên Nguyễn Cữu bị bắt ngay ngày quân Minh đến cửa biển Kỳ La (ngày 5 tháng 5 Vĩnh Lạc V tức 10/7/1407) bởi một cựu quan nhà Hồ đầu hàng giặc Minh là Nguyễn Đại.
Quý Ly và Trừng bị bắt vào 16 tháng 6 năm 1407 (ngày 11 tháng 5 năm Vĩnh Lạc V), trước Thương một ngày.
Đến tháng 1 năm Hưng Khánh II (1408), Mạc Thúy theo Trương Phụ đánh Diễn Châu (bắc Nghệ An). Vua Hậu Trần Giản Định và tướng Đặng Tất phải chạy vào Hóa châu.
Họ Mạc rất tích cực phục vụ Minh triều. Chúng ta thấy ông xuất hiện ở Kim Lăng khá sớm.
Ngày 17 tháng 5 năm Vĩnh Lạc VI (11/6/1408) : Bọn Thổ quan Tri phủ Lạng Giang đất Giao Chỉ tên là Mạc Thúy đến triều cống sản vật địa phương. Ban thưởng có sai biệt. (Minh Thực Lục I, 295)[13]
Trong lúc chờ đợi ân sủng của vua Minh, họ Mạc được quan tâm chu đáo.
Ngày 28 tháng 8 năm Vĩnh Lạc VI (17/9/1408) : Ngày Quý Mão, ban yến cho quốc vương Bột Nê (Brunei) Ma Na Nhược Gia Na và cùng với bọn sứ thần các xứ Vu Điền, Đông Dương, bọn Mạc Thúy tri phủ Lạng Giang, Giao Chỉ. (Minh Thực Lục I, 310)[14]
Thành Tổ Chu Đệ đáp lại rất ân cần. Ngoài quà thưởng bằng bạc, tiền giấy và lụa, Minh đế còn đặc biệt tặng nhóm bầy tôi mới một bài thơ do vua sáng tác. Vinh dự cho họ Mạc như thế là tột đỉnh theo quan niệm Trung Hoa.
Ngày 8 tháng 9 năm Vĩnh Lạc VI (27/9/1408): Ngày Quý Sửu, thăng Tri phủ Lạng Giang Mạc Thúy chức Hữu Tham chính ty Bố Chính Giao Chỉ, thưởng 50 lạng bạc, 500 quan tiền, lụa nõn các loại 5 tấm. Thăng Phó Thiên hộ vệ Trung Giao Châu Nguyễn Như Ngẫu chức Chỉ huy Thiêm sự, thưởng giống như Thúy. Thăng Tri châu phủ Lạng Giang Mạc Huân chức Hữu Tham nghị ty Bố chính; thăng Chỉ huy Thiêm sự vệ Tả Giao Châu Trần Nhữ Thạch chức Chỉ huy Đồng tri; cùng Tri phủ Tân An Mạc Viễn được thưởng so với Thúy giảm một phần năm.
Bọn Thúy đều là người Giao Chỉ, khi đại quân vào nước họ là người đầu tiên qui thuận, giúp dẹp giặc chiêu dụ dân chúng có thành tích. Tân Thành hầu Trương Phụ do tiện nghi trao chức, đến nay vào triều, luận công lao theo thứ tự mà thăng thưởng. Còn lại bọn Bùi Như Long gồm 24 người đều được phong chức Thiên hộ, Bách hộ, cùng ban sắc tưởng thưởng.
Thiên tử đích thân làm thơ tặng bọn Thúy. (Minh Thực Lục I, 310-311)[15]
Hữu Tham chính là chức vụ hàng thứ 5 thuộc ty Bố Chính. Ông tham dự tiệc tùng nhiều lần cùng với sứ thần các nước.
Ngày 10 tháng 10 năm Vĩnh Lạc VI (28/10/1408) : Ngày Giáp Thân, ban yến cho Hữu Tham chính Giao Chỉ Mạc Thúy, Tham nghị Mạc Huân; sứ thần các nước Chiêm Thành, Bảng Cát quốc, Lạt Cáp, Hỏa Châu; các nơi ở Vân Nam như Xa Lý, Lão Qua, cùng các xứ như Ngõa Lạt. (Minh Thực Lục I, 313-314)[16]
Ba năm sau, vua Minh sai sứ sang Giao Chỉ gia ân thêm cho các bầy tôi Giao Chỉ có thành tích đặc biệt.
Ngày 24 tháng 3 năm Vĩnh Lạc IX (16/4/1411): Hoàng thượng cho rằng bọn Thổ quan Giao Chỉ như Hữu Tham chính Mạc Thúy đều hết sức lập công, tiễu trừ bọn phản tặc, giữ vững lãnh thổ; nên sai người mang sắc đến ủy lạo, ban cho vải vóc và tiền.
Ban cho Mạc Thúy lụa nõn các loại sáu tấm, Hữu Tham nghị Mạc Huân lụa nõn các loại năm tấm, Tri phủ Tam Giang Đỗ Duy Trung, Tri phủ Giao Châu Đỗ Hy Vọng, Tri phủ Trấn Man Nguyễn Hy Cấp, Tri phủ Tân An Mạc Viễn, Tri phủ Thanh Hóa Lương Nhữ Hốt, Thổ quan Chỉ huy Trần Phong, Trần Nhữ Thạch, Đinh Trạch, Vũ Chính lụa nõn các loại bốn tấm. Đồng tri phủ Tuyên Hóa Lương Sĩ Vĩnh, Đồng tri phủ Thái Nguyên Ma Bá Hổ, Dương Cự Lãm lụa nõn các loại ba tấm. Mỗi người được ban thêm một bộ y phục kim ỷ, 1.000 quan bạc giấy. (Minh Thực Lục I, 346)[17]
Nhưng sự nghiệp phục vụ Đại Minh của Mạc Thúy không kéo dài được lâu. Theo Toàn Thư, ông mất trong cuộc hành quân đánh dẹp Nông Văn Lịch, thủ lĩnh nhóm người nói tiếng Thái ở Lạng Sơn, cộng đồng sắc tộc vốn có quan hệ thân hữu từ trước với vua Trần tại Thăng Long.
Ghi chép của Toàn Thư vào cuối năm Trùng Quang IV (1412) : Nông văn Lịch ở Lạng Sơn tụ tập quân lính chiếm giữ đất ấy, chẹn lấp đường đi lại của người Minh, giết bắt vô số. Tham chính Mạc Thúy từng đem quân tiến sâu vào đất ấy, bị trúng tên thuốc độc mà chết. (Toàn Thư II, 248)[18]
Như vậy, Mạc Thúy tử trận khoảng cuối năm 1411 hoặc đầu năm 1412.
Với hỗ trợ của quân Minh, Mạc Thúy trở nên kiêu hãnh và chủ quan. Vị thủ lĩnh miền duyên hải đủ khả năng giúp người Minh dành chiến thắng chớp nhoáng trên sông hay ven biển nhưng không có khả năng đó nơi địa bàn núi rừng. Minh Thực Lục có một dòng nhắc đến cái chết của Mạc Thúy nhân việc Mạc Tung thế tập chức Hữu Tham chính của cha.
Ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc XVI (31/8/1418) : Ngày Mậu Dần, mệnh con trai của Mạc Thúy là Tung tập ấm chức của cha; được ăn lộc nhưng không phải đảm trách công việc. Lúc này Thúy đánh giặc chết trận, nên ban ơn cho con. (Minh Thực Lục II, 56)[19]
Mạc Thúy đã nỗ lực hết sức, kể cả hi sinh mạng sống, để đi hết con đường đã chọn. Đền đáp của người Minh cũng thật vẹn tròn.
Họ Mạc là cự tộc vùng Nam Sách. Khi Mông Cổ nam xâm, hương (?) Bàng Hà thuộc vùng này hàng giặc khiến sau chiến tranh (năm 1289) vua Trần phải xử tội đồ toàn bộ quân dân sở tại. Trai tráng Bàng Hà chỉ được làm lính phục vụ trong trang trại các vương hầu hoặc làm nô tỳ. Tuy vậy, năm 1304 vẫn thấy Mạc Đĩnh Chi quê Bàng Hà đi thi Thái Học sinh, đậu Trạng nguyên và giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới đời Trần. Như thế, mệnh vua chỉ nghiêm khắc với thứ dân; với thế gia địa phương, triều đình tránh làm mất lòng họ. Khi người Minh sang, cháu nội Đĩnh Chi là Mạc Thúy dễ dàng huy động hàng vạn quân hỗ trợ Trương Phụ đánh phá nhà Hồ. Chính người của Mạc Thúy bắt sống vua Đại Ngu Hồ Hán Thương. Điều đó cho thấy thế lực họ Mạc, với xu hướng bất tuân chính quyền Tây Đô, không thể xem thường. Nguồn lực ven biển không chỉ phát sinh từ đồng bằng trù mật hay cá muối dồi dào, các luồng di dân Trung Hoa chắc chắn cũng tạo nên nền thương mại phồn thịnh. Hải Dương thời Trần là nguồn cung cấp danh sĩ do là nơi địa đầu tiếp thu văn hóa Tống, cũng là nơi dễ nổi loạn vì tiềm lực kinh tế phong phú của nó. Mạc Thúy dẫn quân truy sát tới cùng dòng tộc Hồ ông không ưa thích, ngang nhiên tuyên bố họ Trần bị tuyệt diệt để người Minh sáp nhập An Nam. Thái độ tự tin cho thấy Mạc Thúy có tài lực và hậu thuẫn, ông hiểu rõ rằng chính người Minh mới là địa chỉ ký thác tài sản tư nhân an toàn nhất. Ông đã chọn phương án tối ưu.
Ngoài bất mãn có thể có vì chính sách hạn điền hạn nô tiến hành bởi nhà Hồ, ở góc cạnh khác, dường như hành động này là phản ứng đề kháng cung cách cai trị mang chất “trại” của họ Hồ để ngả sang văn hóa Hán. Đương thời, văn hóa Minh hẳn khá gần gũi với văn hóa miền biển bắc bộ và bắc trung bộ, là những địa phương Hoa hóa sâu sau khi tiếp nhận các đợt di dân chạy trốn nhà Nguyên, đặc biệt là các di dân nho sĩ người Mân.
Hơn thế kỷ sau, hậu duệ Mạc Đăng Dung lại khuynh đảo một triều đại xuất thân từ Thanh Hóa. Lần này, họ Mạc không phục vụ ai mà tự lập làm hoàng đế. Tính chất “bắc hướng” của tộc Mạc thể hiện rõ ràng khi Đăng Dung trói mình quỳ lạy tướng Minh ở cửa ải đồng thời xác nhận chủ quyền Trung Hoa trên dải đất phên dậu, hành động tủi hổ chưa vị vua phương Nam nào đủ can đảm thực hiện.
Cuối thời Mạc, lúc thất thế trước quân đội Lê Trung Hưng, một lần nữa hoàng gia Mạc lại dựa vào phương Bắc từ đất Cao Bằng.
Chúng ta cần ghi nhận thái độ Toàn Thư thể hiện qua phản ánh hoạt động của Mạc Thúy. Các tác giả Toàn Thư cho rằng nhóm họ Mạc là những người bất đắc chí, tức bất mãn họ Hồ, nên đón hàng quân Minh. Sau đó sách ghi chép hoạt động hỗ trợ quân Minh của Thúy tại vùng Nhật Nam và Diễn Châu. Có vẻ Thúy làm hướng đạo cho người Minh truy đuổi tàn quân Hồ suốt bờ biển Hải Tây. Chính bộ hạ của ông bắt được Hồ Hán Thương và Thái tử Nhuế.
Lê Quý Đôn ghi chi tiết hoạt động hỗ trợ quân Minh rất đắc lực của Mạc Thúy qua Đại Việt thông sử, nhưng cũng cho là họ Mạc bất mãn nhà Hồ.
Hai tác phẩm quan trọng này đều không đề cập sự việc ầm ĩ là Thúy đã huy động hàng nghìn bô lão để xác nhận họ Trần tuyệt tự và yêu cầu nhà Minh lập lại quận huyện như xưa.
Thông tin từ Toàn Thư, Đại Việt thông sử không đủ để đánh giá đúng hành động của quan Tham chính họ Mạc.
3. Lương Nhữ Hốt :
Người Trạo Vịnh, Hoằng Hóa (Cổ Đằng), Thanh Hóa.
Vào năm 1411, sứ giả Minh đế đến Giao Chỉ ban thưởng Nhữ Hốt cùng nhiều quan viên khác. Đợt khen thưởng này, Nhữ Hốt được bốn tấm lụa hoa hai mặt, một bộ triều phục kim tuyến và 1.000 quan tiền giấy.
Ngày 29 tháng 9 năm Vĩnh Lạc XV (7/11/1417) : Tại Giao Chỉ, thăng Tri phủ Thanh Hóa Lương Nhữ Hốt chức Tả Tham chính ty Bố chính Giao Chỉ, vẫn tiếp tục trông coi phủ tại Thanh Hóa. Nhữ Hốt người đất Giao Chỉ, được biểu dương vì có công trong việc chiêu phủ tại Giao Chỉ. (Minh Thực Lục II, 46-47)[1]
Lương Nhữ Hốt là hàng thần mau mắn, chính ông tố cáo Lê Lợi có ý định nổi dậy với người Minh khiến vị thủ lĩnh kháng chiến phải gấp rút dựng cờ khởi nghĩa vào năm Vĩnh Lạc XVI (1418).
Ngày 3 tháng 5 năm Vĩnh Lạc XVII (27/5/1419) : Ngày Đinh Mùi, Thổ quan ty Bố Chính Giao Chỉ, bọn Tả Tham chính Lương Nhữ Hốt đốc suất các Thổ quan quận, huyện dưới quyền, cống đồ dùng vàng, bạc cùng sản vật địa phương. Ban cho tiền giấy cùng y phục lụa sa dệt kim có sai biệt. (Minh Thực Lục II, 65)[2]
Khoảng tháng 9 năm 1424, nghĩa quân Lê Lợi đánh đồn Đa Căng, Lương Nhữ Hốt giữ đồn không nổi phải bỏ chạy về Tây Đô.
Ngày 17 tháng 12 năm Hồng Hy I (25/1/1426): Thổ quan Tả Tham chính Ty Bố chính Giao Chỉ Lương Nhữ Hốt đến triều đình tiến cống đồ dùng vàng bạc, cùng sản phẩm địa phương. Thiên tử bảo Thượng thư Lữ Chấn rằng:
“Nhữ Hốt tuy là Thổ quan nhưng rất trung thành, lo chiêu dụ dân, ra sức đánh giặc; đã lập được nhiều công. Nay đến triều đình, đáng ban thưởng để tưởng lệ, phàm đồ tiến cống thì theo giá trị mà cho lại”. Vì thế ban cho Nhữ Hốt 200 đĩnh tiền giấy, bốn tấm gấm vóc, đám tùy tùng ban cho tiền giấy có sai biệt. Số đồ tiến cống được đổi trả 7.480 đĩnh bạc. (Minh Thực Lục II, 130)[3]
Vua Minh đặc biệt ân cần có lẽ vì tình hình Giao Chỉ chuyển biến xấu. Với hành động tôn vinh hết mức dưới đây, Thành tổ đã mua đứt lòng trung thành của họ Lương.
Ngày 26 tháng 1 năm Tuyên Đức I (5/3/1426) : Ban sắc mệnh cho viên Thổ quan Tham chính Lương Nhữ Hốt thuộc ty Bố chính Giao Chỉ, phong tặng ông bà, cùng cha mẹ vợ. Nhữ Hốt người đất Thanh Hóa, kính cẩn phụng sự triều đình, có công giết giặc, chiêu phủ; mấy lần được thăng đến chức Tham chính; nay đến triều đình, đặc cách ban cho để khen thưởng. (Minh Thực Lục II, 131)[4]
Năm 1427, sau khi thua trận Ninh Kiều – Tụy Động, Vương Thông muốn giải hòa để kéo quân về nước. Lương Nhữ Hốt đem chuyện tù binh Ô Mã Nhi chết đuối do bị quân Trần đục thuyền trên đường trao trả để thuyết phục Vương Thông tiếp tục chiến đấu. Hốt đã khiến binh đao kéo dài dù không thay đổi được hồi kết cục. Họ Lương chỉ xếp giáo qui hàng khi Vương Thông kéo quân về bắc. Ông bị Lê Lợi giết ngày 24 tháng 11 ta năm Thuận Thiên I (1428) cùng với Trần Phong và Trần An Vinh do vẫn ngấm ngầm giao thiệp với người Minh để khởi loạn.
2. Trần Phong (? – 1428):
Theo Minh Thực Lục, Trần Phong người châu Nam Sách (Hải Dương nay); theo Đại Việt Thông Sử, ông người xã Ma Lộng, huyện Chí Linh (Hải Dương nay). Như vậy, châu Nam Sách xưa bao gồm cả Ma Lộng.
Trần Phong đầu hàng quân Minh ngay từ đầu cuộc chiến. Tới tháng 2 năm 1407 đã thấy ông dẫn quân bản bộ phối hợp với Vương Hữu và Liễu Tông đánh phá đạo quân vùng Đông Bắc dưới quyền Hồ Đỗ. Sau khi đối đầu quân Minh thất lợi, bị thiệt hại nặng, Hồ Đỗ gom góp tàn quân trụ lại tại Bình Than. Trương Phụ ra lệnh Phong tấn công khiến Đỗ phải bỏ chạy về cửa Muộn.
Ghi chép ngày 19 tháng 11, Vĩnh Lạc V (18/12/1407): Ngày Kỷ Tỵ, viên quan Chỉ huy Đồng tri Hữu Vệ Giao Châu người địa phương tên là Trần Phong, cùng bọn Thiên hộ Nguyễn Chính, Bách hộ Tống Như Lộ tất cả 20 người đến kinh sư cống phương vật. Bèn ban 80 đĩnh tiền giấy, một bộ tơ gai; cùng ban cho bọn tùy tòng tiền, có sai biệt. (Minh Thực Lục I, 289)[5]
Tháng 4 năm 1411, vua Minh đã cử sứ sang Giao Chỉ thưởng tiền, lụa và triều phục cho người có công, tên Trần Phong được liệt kê trong danh sách võ tướng.
Ngày 20 tháng 2 năm Vĩnh Lạc XIII (31/3/1415), Minh Thực lục ghi nhận việc ban thưởng của vua Minh cho những quan tướng có công trong việc trấn áp Trần Quý Khoáng. Trần Phong cũng có tên trong danh sách lĩnh thưởng với chức danh là Chỉ huy Đồng tri Giao châu Hữu vệ.
Ngày 27 tháng 11 năm Vĩnh Lạc XX (10/12/1422), Minh Thực lục ghi nhận việc Trần Phong, với chức vụ Đô Chỉ Huy, dẫn đầu một đoàn gồm tám mươi ba người đến kinh đô dâng cống đồ vàng bạc cùng nhiều thứ khác. Vua Minh ban tặng quần áo lụa thêu kim tuyến, lụa, gấm, tiền giấy.
Ngày 1 tháng 7 năm Tuyên Đức I (11/8/1426), Minh Thực lục ghi nhận thất bại của Phương Chính, Lý An cùng các thuộc tướng, trong đó có Trần Phong tại Giao Chỉ. Tất cả được tha tội nhưng bị chuyển làm quân tiên phong để lập công. Theo Đại Việt thông sử, đây là trận đánh do thủy quân từ Đông Quan đến giải vây thành Nghệ An xảy ra vào ngày 15 tháng 4 ta năm Hồng Hy thứ I (1425). Phía quân nổi dậy là tướng Lê Ninh, Lê Thiệt dưới trướng Bình Định vương Lê Lợi.
Khi bị vây trong thành Đông Quan, Trần Phong cùng Lương Nhữ Hốt đã tác động Vương Thông bãi bỏ giảng hòa lần đầu tiên với Lê Lợi khiến cuộc kháng chiến kéo dài thêm một năm. Khi viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh bị đánh bại, Vương Thông về nước, Phong mới chịu đầu hàng.
Trần Phong bị Lê Lợi giết ngày 24 tháng 11 ta năm Thuận Thiên I (1428), cùng với Lương Nhữ Hốt và Trần An Vinh do âm mưu thông đồng với người Minh để làm loạn. Tuy nhiên, gia đình và bộ thuộc của Phong được miễn xá.
3. Nguyễn Huân :
Người Biến Khả (Chí Linh, Hải Dương). Ông đầu hàng quân Minh cùng lúc với Mạc Thúy dưới danh nghĩa là người họ Mạc.
Trong ghi chép việc ban thưởng của vua Minh ngày 27/9/1408 tại Kim Lăng, Minh Thực lục thể hiện Nguyễn Huân họ Mạc, được thăng từ Tri châu Lạng Giang lên chức Hữu Tham nghị.
Trong ghi chép ngày 28/10/1408 nói về đại yến ban cho sứ đoàn các nước, Minh Thực lục ghi rõ chức vụ Mạc Huân là Hữu Tham nghị Ty Bố chính Giao Chỉ, tức dưới Mạc Thúy một cấp.
Tháng 4 năm 1411, vua Minh sai sứ sang Giao Chỉ thưởng tiền, lụa và triều phục cho người có công, trong đó Huân đứng hàng thứ hai, sau Mạc Thúy. Huân xả thân phục vụ nhà Minh không ngại thủ đoạn. Nguyễn Liễu, người Lý Nhân (nay thuộc Hà Nam), nổi dậy chống Minh ở Lục Na (nay thuộc Bắc Giang), Vũ Lễ (nay thuộc Lạng Sơn). Nguyễn Huân vờ kết thông gia rồi gài bẫy giết Liễu vào năm Trùng Quang IV (1412).
Năm 1416, Nguyễn Huân lại sang Kim Lăng triều yết. Minh Thực lục ghi nhận sự kiện nguyên văn như sau:
Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc XIV (4/7/1416): Ngày Canh Ngọ, Hữu Tham nghị Mạc Huân thuộc ty Bố chính Giao Chỉ đưa các thổ quan tại các phủ Tam Giang, Phụng Hóa gồm 139 người đến triều cống ngựa cùng đồ dùng vàng bạc.
Hoàng thượng khen Huân có lòng thành ra qui thuận trước tiên, rồi chịu gian lao tham gia tòng chinh; đặc cách ban yến ủy lạo, thăng Huân chức ty Bố chính sứ; thăng Thổ quan Tri phủ Đỗ Kế Trung chức Hữu Tham chính, lại ban cho tỷ thư để tỏ sự ân sủng khác thường. Các quan còn lại được thăng chức một cấp, ban cho tơ lụa, tiền có phân biệt. (Minh Thực Lục II, 33)[6]
Minh Thành Tổ xây dựng kinh đô Bắc Kinh. Huân tỏ lễ bầy tôi bằng cách gửi 500 người sang Trung Hoa để phụ giúp. Vua Minh ban thưởng rồi cho về, không nhận người. Minh Thực Lục ghi lại như sau:
Ngày 13 tháng 7 năm Vĩnh Lạc XVI (14/8/1418): Ngày Tân Dậu, Hữu Tham chính sứ Giao Chỉ Mạc Huân, cùng Tri phủ Giao Châu Đỗ Hy Vọng tâu rằng:
“Giao Chỉ ở nơi hoang tịch, nhiều năm ngưỡng mộ sự giáo hóa của thánh nhân; được Hoàng thượng đối xử cùng chung một lòng nhân, cho đặt lại quận, huyện, để được giống như đất nội thuộc; phàm kẻ có một chút hay, đều được thu dùng. Tấm lòng biết ơn muốn được báo đáp, canh cánh ngày đêm. Nay được tin xây dựng thành Bắc Kinh; con dân bốn biển đều đến giúp sức, nhưng tấm lòng của kẻ hèn khuyển mã này cũng muốn mà không đến được để báo đáp. Nay kính cẩn đưa người làm trong nhà là bọn Đỗ Phiêu 500 người, sai Huyện thừa Lê Hiến dẫn đến, nguyện đến kinh khuyết góp một chút công nhỏ.”
Thiên tử đọc tờ tâu, gọi bọn Hiến đến ủy lạo, và phán rằng :
“Bọn người từ xa đến đây lo việc, bày tỏ đầy đủ lòng thành, nhưng việc xây dựng đã hoàn tất, không muốn làm mệt nhọc các ngươi thêm nữa.”
Mỗi người được thưởng 20 đĩnh tiền giấy rồi cho về. (Minh Thực Lục II, 55-56)[7]
Năm 1426, khi sang nước mẹ sát hạch định kỳ, ta thấy Huân đã lấy lại họ Nguyễn.
Ngày 16 tháng 10 năm Tuyên Đức I (15/11/1426): “Ngày Bính Tý, bọn Hữu Tham chính ty Bố chính Giao Chỉ Nguyễn Huân, Đồng tri phủ Bắc Giang Nguyễn Khả Lộng, Đồng tri phủ Giao Châu Lê Nguyên Khởi đến kinh đô để khảo mãn cùng cống đồ dùng vàng, bạc, sản vật địa phương. (Minh Thực Lục II, 150-151)[8]
Ngày 21 tháng 10 năm Tuyên Đức I (20/11/1426): Thăng Hữu Bố chính sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân làm Tả Bố chính sứ vì tại chức được chín năm và có công bắt giặc, cai trị dân chúng. (Minh Thực Lục II, 151)[9]
Với chức vụ này, Nguyễn Huân là thổ nhân đạt địa vị cao nhất trong hệ thống hành chính của nhà Minh tại Giao Chỉ.
Kèm theo chức vụ cao là quà tặng quý giá của thiên tử.
Ngày 23 tháng 10 năm Tuyên Đức I (22/11/1426): Ban cho bọn… Tả Bố chính sứ ty Bố chính Giao Chỉ Nguyễn Huân, Đồng tri phủ Bắc Giang Nguyễn Khả Lộng, Đồng tri phủ Giao Châu Lê Nguyên Khởi tiền giấy, gấm lụa hoa văn có phân biệt. (Minh Thực Lục II, 152)[10]
Hoàng đế Đại Minh ban ân sủng đặc biệt khi miễn nghĩa vụ sưu dịch cho toàn bộ gia tộc Nguyễn Huân.
Ngày 27 tháng 11 năm Tuyên Đức I (25/12/1426) : Thổ quan Giao Chỉ Tả Bố chính sứ Nguyễn Huân tâu rằng bọn người nhà là Phan Khuyển gồm 175 hộ thuộc phủ, châu, huyện tại Lạng Giang xin được miễn sưu dịch để lo phụng dưỡng.
Mệnh bộ Hộ gửi văn thư cho miễn. (Minh Thực Lục II, 153)[11]
Đó là phần dành cho người sống, Hoàng đế còn quan tâm đến cả tổ tiên và phu nhân của quan Tả Bố Chính sứ.
Ngày 1 tháng 12 năm Tuyên Đức I (29/12/1426) : Ban cho Tả Bố chính sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân cáo mệnh cùng sắc phong cho ông bà nội, cha mẹ, cùng vợ; lại có sắc dụ Huân như sau:
“Trước kia Hoàng tổ Thái Tôn Văn Hoàng đế lên ngôi, nghĩ rằng đất Giao Chỉ bị giặc họ Lê [Hồ] gây họa, giết vua, bạo ngược với dân, bèn mang quân điếu phạt. Khi đến nơi, kẻ trí cúi mình theo sự giáo hóa, người ngu thì vẫn còn nghi ngờ hai lòng. Ngươi, Nguyễn Huân, một lòng ngay thực, suy lự thuần lương, đạt thời cơ biết đạo trời; lòng thành hăng hái qui hướng triều đình, dốc tâm cần lao đảm nhiệm chức vụ, vỗ về người thuận theo, diệt trừ kẻ nghịch, giúp ích rất nhiều, trải qua năm tháng tấm lòng trung không suy hao.
Hoàng tổ ta xét công lao của người, mấy lần thăng chức; Trẫm nối dõi cơ đồ lớn, chỉ mong kế tục được sự nghiệp. Nay ngươi đến triều đình để được xét thành tích, nghĩ đến công lao của ngươi, đặc biệt ban ân sủng đến đời ông cũng được vinh hiển. Phàm đạo quân thần cốt ở sự thủy chung; Trẫm thể lòng Hoàng tổ để đãi ngươi, Ngươi hãy lấy tấm lòng thờ Hoàng tổ để thờ Trẫm, cung kính mãi mãi không biến tiết, hưởng vinh suốt đời. Nay ban đặc dụ khen thưởng.
Khâm tai !” (Minh Thực Lục II, 154)[12]
Ân sủng khác thường cho thấy tình hình Giao Chỉ rất căng thẳng. Những người như Huân vô cùng cần thiết cho nhà Minh trong thời điểm quyết định.
Thời gian Huân sang chầu, Lê Lợi đã hoàn toàn phong tỏa các đường tiến quân từ Vân Nam và Lưỡng Quảng sang Giao Chỉ (khoảng tháng 7 năm 1426). Nguyễn Huân không còn cơ hội mang vinh dự vua ban về quê nhà.
Chiếu chỉ vua Tuyên Đức ban cho Hoàng Phúc và Nguyễn Huân dưới đây cho thấy Huân bị kẹt lại đất Trung Hoa, không vào An Nam được. Vua Minh ghép Huân vào đạo viện binh dưới quyền Liễu Thăng. Phúc và Huân còn có nhiệm vụ trông chừng An Viễn hầu, được quyền mật tấu trực tiếp về việc quân.
Ngày 26 tháng 10 năm Tuyên Đức II (14/11/1427): Ngày Canh Thìn, sắc cho Thượng thư bộ Công Hoàng Phúc, Bố chính sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân rằng:
“Phúc, người là bề tôi thanh liêm, trung thành, chính trực, có lòng thương dân; Huân, trung kính thuần lương, kiên cường một tiết thờ vua, đều là bậc lão thành của tiền triều. Nay Giao Chỉ chưa yên, mang binh chinh tiễu, đặc mệnh hai ngươi tham tán Tổng binh quân cơ, đồng tâm hiệp lực vận trù quyết sách, hòa mục tướng soái, tưởng lệ quân sĩ, để việc bình định sớm thành, yên dân một phương. Việc đáng trần tấu, gửi mật thư cho ta. Hãy cố gắng đáp ứng sự ủy nhiệm.
Khâm thử !” (Minh Thực Lục II, 176)[13]
Toàn Thư có chép thổ quan Hữu Bố Chính sứ Nguyễn Đắc Huân theo đạo quân của Liễu Thăng đánh vào cửa Pha Lũy vào tháng 9 ta năm 1427 và sau đó tiến xuống Chi Lăng. Sau nhiều trận kịch chiến, đạo quân này bị Lê Lợi tiêu diệt hoàn toàn tại cánh đồng phía bắc thành Xương Giang. Hoàng Phúc bị bắt. Sau đó, không thấy tài liệu nào ghi lại hành trạng của Nguyễn Huân nữa.
Như vậy, vua Minh ban chiếu cho Hoàng Phúc và Nguyễn Huân sau khi đạo viện binh vượt qua biên giới.
4. Nguyễn Đại :
Toàn Thư ghi nhận vào ngày 5 tháng 5 năm Hưng Khánh I (1407): Quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La, châu Nhật Nam. Nguyễn Đại (Nguyễn Đại trước thờ họ Hồ, sau phản lại họ Hồ, đầu hàng quân Minh, đến đây dẫn người Minh sang xâm lược) bắt được Hữu Tướng quốc Quý Tỳ và con ông là Phán trung đô Nguyễn Cữu. (Toàn Thư II, 233)[14]
Toàn Thư ghi nhận vào tháng 7 năm Hưng Khánh I (1407): Trương Phụ cho là Nguyễn Đại có công trong việc bắt hai cha con họ Hồ, trao cho chức Giao Chỉ đô chỉ huy sứ. Đại kiêu căng ra mặt, làm nhiều việc trái phép, say mê tửu sắc, lại ngầm có chí làm phản. Phụ bèn giết đi. (Toàn Thư II, 236)[15]
Đây là nạn nhân tương tự Bùi Bá Kỳ. Hẳn Đại tin tưởng rằng người Minh sẽ lập con cháu họ Trần. Khi Thành tổ lộ rõ ý định đặt quận huyện tại Giao Chỉ thì Đại trở thành nguy cơ tiềm ẩn. Dĩ nhiên, ông phải bị đưa ra khỏi cuộc chơi với lý do thật chính đáng.
5. Đỗ Duy Trung (? – 1426):
Đỗ Duy Trung người xã Nhuệ Chiết, huyện Ma Khê, phủ Tam Giang (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Ông làm quan cho nhà Trần, Hồ và nhà Minh.
Theo ghi nhận của Minh Thực Lục, lộ Tam Giang đầu hàng vào tháng 1 năm 1407. Nhiều khả năng, Duy Trung đã hàng Minh trong thời điểm này hoặc trước đó không lâu, khi quân chủ lực Hồ chưa bị tiêu diệt. Trong chiếu cho phép con trai Đỗ Bá Nghi tập ấm chức vụ của cha, vua Minh khẳng định Duy Trung là một trong những người đầu tiên đến xin hàng.
Đỗ Duy Trung đóng vai trò quyết định trong việc cản trở hai vua Giản Định và Trùng Quang chiếm lĩnh trung châu năm 1409. Ông từ chối chiêu dụ của các vua hậu Trần, giữ vững Tam Giang, bảo đảm đường tiến của viện quân chỉ huy bởi Trương Phụ. Nhờ đó, Phụ vào An Nam an toàn, đuổi bắt được Giản Định, đẩy Trùng Quang lui về Nghệ An.
Ngày 16/4/1411, vua Minh sai trung sứ sang Giao Chỉ ban thưởng cho các thổ quan có công. Đỗ Duy Trung đứng hàng thứ ba sau Mạc Thúy và Mạc (Nguyễn) Huân. Ông được bốn súc lụa hoa, một bộ triều phục kim tuyến và 1.000 quan tiền giấy.
Ngày 6 tháng 5 năm Vĩnh Lạc XI (12/6/1413) : Ngày Ất Dậu, Giao Chỉ Thổ quan Tri phủ Tam Giang Đỗ Duy Trung sai cháu là Tất Liệt, Thổ quan Tri phủ Giao Châu Đỗ Hy Vọng sai con là Cừ dâng biểu cống ngựa, cùng sản vật địa phương; được ban ơn ủy lạo. (Minh Thực Lục I, 360)[16]
Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc XIV (4/7/1416), khi đến Nam Kinh triều cận, Đỗ Duy Trung được thăng chức Hữu Tham chính ty Bố chính Giao Chỉ, được Minh Thành Tổ ban bằng sắc.
Ngày 18 tháng 8 năm Vĩnh Lạc XX (3/9/1422) : Các Thổ quan Giao Chỉ Hữu Tham chính Đỗ Duy Trung coi giữ phủ Tam Giang, Tri phủ Phụng Hóa Trần Thùy, con cố Tri phủ Giao Châu Đỗ Hy Vọng tên Cự, Tri huyện Đương Đạo Lương Quốc Phụ thuộc phủ Tuyên Hóa; tất cả gồm 27 người đến triều cống đồ dùng vàng, bạc cùng sản vật địa phương.
Hoàng Thái tử mệnh bộ Lễ ban yến ủy lạo (Minh Thực Lục II, 92)[17]
Ngày 3 tháng 12 năm Tuyên Đức I (31/12/1426): Ngày Nhâm Tuất, sắc mệnh phong Đỗ Bá Nghi, con cố Tham chính Đỗ Duy Trung tại ty Bố chính Giao Chỉ, chức Tri phủ phủ Tam Giang.Sắc phong như sau:
“Trước kia lúc quốc gia mới bình định Giao Chỉ, cha ngươi là người đầu tiên qui thuận, ra sức đánh dẹp và khuất phục bọn phản loạn, lập thành tích nên được ông nội ta, Thái tông Hoàng đế, trao chức lớn; mệnh cai trị phủ Tam Giang, thanh danh hiển hách, tuy đã mất nhưng dân vẫn không quên. Nay đặc cách mệnh ngươi giữ phủ Tam Giang, khi sắc tới ngươi lập tức đến nhiệm sở coi sóc dân chúng, ra sức dẹp giặc. Để xứng đáng kế thừa, ngươi phải hết sức cần lao cẩn thận cố gắng làm tròn được trung hiếu.” (Minh Thực Lục II, 155)[18]
Toàn Thư cho rằng vua Lê giết bọn phản nghịch trong đó có người tên Trung vào ngày 24 tháng 11 ta năm Thuận Thiên I (1428). Như vậy tên Trung này không phải là Đỗ Duy Trung.
Qua Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho rằng Đỗ Duy Trung bị Lê Lợi giết cùng với Trần Phong và Lương Nhữ Hốt do âm mưu khởi loạn sau khi quân Minh về nước. Khá rõ là cụ Đôn đã căn cứ vào chi tiết do Toàn Thư cung cấp để viết truyện Đỗ Duy Trung.
Ở điểm này, Toàn Thư và Đại Việt Thông Sử không thể chính xác bằng Minh Thực Lục.
Trong 7 nhân vật kể trên có 5 người giữ văn chức, 2 người võ chức.
Theo tổ chức của nhà Minh, ban lãnh đạo các ty Bố chính bao gồm Bố chính sứ, Tả Hữu Bố chính sứ, Tả Hữu Tham chính ty Bố chính, Tả Hữu Tham nghị ty Bố chính.
Nguyễn Huân đạt chức cao nhất là Tả Bố chính sứ, quyền lực thứ 2 trong Ty Bố chính. Lương Nhữ Hốt đạt chức Tả Tham chính ty Bố chính Giao Chỉ, hàng thứ 4. Kế đến là Mạc Thúy và Đỗ Duy Trung với chức Hữu Tham chính ty Bố chính Giao Chỉ, hàng thứ 5. Bùi Bá Kỳ chức Hữu Tham nghị ty Bố chính Giao Chỉ, hàng thứ 7. (3)
Trần Phong ban đầu giữ chức Đô Chỉ huy Đồng tri Giao châu Hữu vệ, tức “phó tư lệnh” đạo quân bảo vệ cánh phải của thành Giao châu. Vào năm 1422, Minh Thực Lục ghi nhận ông đương chức Đô Chỉ huy tức chỉ huy cao nhất của Giao Châu Hữu vệ. Mỗi vệ có khoảng 5.000 quân.
Nguyễn Đại giữ chức Giao Chỉ đô chỉ huy sứ. Ngôi vị cao nhưng có thể chỉ là tham mưu trong bộ chỉ huy quân viễn chinh.
Nguyễn Huân, Mạc Thúy, Bùi Bá Kỳ, Trần Phong đều là người vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, cụ thể là vùng đất thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay.
Lương Nhữ Hốt là dân duyên hải đồng bằng sông Mã.
Đỗ Duy Trung xuất thân vùng rìa phía bắc trung châu.
Nguyễn Đại không được tài liệu nào ghi lại gốc tích.
Dễ nhận thấy các nhân vật xuất thân ven biển chiếm đa số quan chức cấp cao.
Các “tuấn kiệt” trên đây ủng hộ cuộc hành quân của nhà Minh, nhưng chia hẳn thành hai nhóm. Nhóm dựa vào Minh để tái lập nhà Trần như Bùi Bá Kỳ và có thể là Nguyễn Đại. Khi vua Minh thành lập ty Bố chính, dĩ nhiên hai vị phải được nhanh chóng loại khỏi sân khấu chính trị bằng mọi cách. Nhóm muốn Giao Chỉ sáp nhập vào đế quốc Minh như Mạc Thúy, Nguyễn Huân, Trần Phong, Đỗ Duy Trung và Lương Nhữ Hốt. Nhóm này sống chết với niềm tin của mình; ân sủng từ Thiên tử Đại Minh cũng xứng đáng với hi sinh của họ.
Có thể nói ý thức về vương quốc Đại Việt tách biệt khỏi các triều đại phương Bắc vào thế kỷ XV không mạnh mẽ lắm tại châu thổ Nhĩ hà. Cảm nhận về giới hạn Nam-Bắc xuất hiện trong thơ Nguyễn Trung Ngạn hay Phạm Sư Mạnh đã phai mờ theo quyền lực Thăng Long. Điều này cho thấy ảnh hưởng của di dân Tống chạy trốn nhà Nguyên tác động tiêu cực như thế nào. Văn hóa thâm nhập từ trung nguyên khiến một bộ phận cư dân vùng đất nay là bắc bộ và duyên hải bắc trung bộ càng thêm thấm nhuần văn minh Hán, đặc biệt về giáo huấn Tống Nho. Họ là tác nhân của tiến bộ xã hội nhưng tâm thức dễ dao động giữa thế giới người nói tiếng Việt và thế giới người viết chữ Hán.
Phải nói rõ ngộ nhận về công dụng của nho học chỉ có ở tầng lớp thư lại quan liêu. Các vua cuối Trần cũng như các vua Lê hiểu thấu đáo Nho giáo và chỉ dùng đạo nho-nho sĩ như công cụ cai trị. Tuy nhiên, nhà Nho cuồng chữ sẽ trở thành kẻ nguy hiểm cho định chế. Khi nho gia trường phái Văn Trinh đi quá gần Hoa Hán, Trần Nghệ Tông nói ngay họ không hiểu ý tứ sâu xa của việc lập pháp. Khi Ngô Sĩ Liên không tán đồng vua Đại Việt tế giao vì nước ta chỉ là phiên bang, Lê Thánh Tông xếp ngay họ Ngô vào hạng “mang lòng không vua”. Các đế phương Nam lịch sự nhún nhường chứ chưa bao giờ nghĩ mình thua kém hay phải lệ thuộc đế phương Bắc. Xu hướng tạo nên bởi Chu Văn An hay quan điểm cứng nhắc đến lầm lạc của Ngô Sĩ Liên có thể hiểu được nếu ta biết thầy Chu là người gốc Mân và Sĩ Liên có quê quán tại trung châu.
Hải Tây chỉ là rẻo đất chật hẹp ven biển bên cạnh vùng núi rộng lớn phía Tây nên ảnh hưởng Hoa Hạ nhòa nhạt hơn trên cộng đồng cư dân vùng đất chạy dài từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, đặc biệt từ trung du ngược đến miền cao. Hải Đông gắn liền với trung châu sông Hồng nên văn hóa mới du nhập dễ dàng lan tỏa xuyên qua địa hình thuận lợi trên cơ sở dân cư từng quen thuộc với văn minh Hán cả ngàn năm.
Thái độ nghiêng về Bắc của tầng lớp ưu tú tại đồng bằng sông Hồng đưa đến hậu quả nào? Thực sự, hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài.
Dưới đây, chúng ta xem xét hậu quả đầu tiên sau sự kiện nhà Hồ sụp đổ và “những người có chút tiếng tăm” ở đồng bằng nô nức hợp tác với người Minh. Chúng ta nói đến trận Bô Cô lừng lẫy của hoàng đế Hậu Trần Giản Định.
Toàn Thư ghi rằng (năm 1408): Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô. Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành, các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất chọn những người có tài đều trao cho quan chức.
Tháng 12, ngày 14, quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh ở Bô Cô hãn. (Toàn Thư II, 239)[19]
Mới vào tháng giêng ngày 30 cùng năm, Trương Phụ và Mạc Thúy đánh Diễn Châu khiến vua và Đặng Tất phải chạy vào Hóa Châu. Chỉ 10 tháng sau, quân Hậu Trần đã đủ sức đánh tan rã đạo viện binh đông đến 10 vạn của Mộc Thạnh, tiêu diệt bộ chỉ huy quân Minh tại Giao Chỉ. Quốc công dễ dàng huy động người và của suốt khu vực từ Thanh Hóa về nam đồng thời tạo ảnh hưởng mạnh mẽ lên khu vực trái độn Trường Yên. Nhưng chỉ đến thế thôi. Thái độ bàng quan của khu vực từ Bô Cô trở ra bắc đã tạo nên bi kịch lịch sử đau lòng. Mâu thuẫn ý kiến về thời gian và phương pháp bắc tiến giữa vua và tướng khiến bộ đầu não kháng chiến chia rẽ rồi tan vỡ : Giản Định giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Sử gia Phan Phu Tiên chê trách Tất như sau: Đặng Tất chỉ biết hành quân là gấp mà không biết cứu Đông Đô còn gấp hơn. Đông Đô có tầm hình thế cả nước. Chiếm được Đông Đô thì các lộ không đâu không hưởng ứng, hơn nữa hào kiệt trung châu đều ở cả đó. Bỏ nơi ấy mà không lo đánh chiếm, lại chia quân phân tán đi các xứ, vì thế hiệu lệnh không thống nhất, rốt cuộc đi đến sụp đổ là đáng lắm ! (Toàn Thư II, 240)[20]
Đặng Tất có hiểu tầm hình thế cả nước của Đông Đô không? Chắc chắn Quốc công hiểu rõ điều đó hơn thư sinh Phan Phu Tiên nhiều.
Ngô Sĩ Liên sâu sắc hơn, bình luận như sau: Vua tính kế quyết thắng nhưng Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song có lẽ Tất liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như [Đường] Thái Tông, mà quân thì từ xa đến, lương thực có thể không tiếp tế được, còn quân ở kinh lộ thì chưa tập hợp được, chẳng thà theo phép hơn địch 10 lần thì bao vây, hơn địch gấp 5 lần thì đánh là hơn. Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường sao không thể thừa thế chẻ tre mà đánh, huống chi thành Đông Quan. Kế ấy cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm mà vội giết Tất thôi. (Toàn Thư II, 240)[21]
Chúng ta phân tích từng ý kiến của Sĩ Liên về lý do khiến Đặng Tất chần chừ dưới đây:
– Giản Định không phải bậc anh hùng như Lý Thế Dân: Trần Ngỗi là con Thượng hoàng Nghệ tông. Ông mới được thổ hào Thiên Trường Trần Triệu Cơ tôn lên làm vua vào tháng 10 ta năm trước (1407). Kinh nghiệm làm vua, tức kiêm tổng chỉ huy quân đội chưa được bao lăm. Tướng quân lão luyện Đặng Tất dĩ nhiên phải rất cân nhắc trước quyết định quân sự của nhà vua. Đường Thái tông trưởng thành trong chiến trận, với nhóm tỳ tướng lừng danh phục vụ dưới trướng, vốn là người cầm quân lỗi lạc nhất trong thời ông. Ngược lại, khả năng của Giản Định thực tế không thể so sánh được với khả năng của các nhà quân sự chuyên nghiệp Đại Minh.
– Quân từ xa đến, tiếp tế lương thực có thể gián đoạn: quân Hậu Trần vốn được tuyển từ vùng Thanh Hóa trở vào, sử ghi rất rõ là từ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa. Họ dễ dàng tìm được sự ủng hộ về lương thực, trang bị từ đất nhà. Trái lại, giữa địa bàn đồng bằng xa lạ, quân Minh cố thủ trong hệ thống thành lũy kiên cố, đạo quân thiếu kinh nghiệm và vũ khí công thành chưa chắc hạ được cứ điểm nào trong thời gian ngắn. Nếu thất lợi, quân sẽ không dễ dàng phân tán dựa vào địa hình để bảo toàn sinh lực như khi chiến đấu ở các lộ phía nam. Lê Lợi về sau cũng hết sức tránh né việc đổ xương máu để công thành. Mặt khác, giáng đòn hủy diệt xuống đạo quân Mộc Thạnh đông đến 10 vạn người, tổn thất quân Hậu Trần hẳn không nhỏ, cũng không dễ khôi phục trong một sớm một chiều.
– Quân kinh lộ chưa tập hợp được : nhận xét này vô cùng quan trọng và theo thiển ý, là nguyên nhân chính khiến Đặng Tất quyết định không bao vây Mộc Thạnh tại Cổ Lộng. Nguyên văn của Sĩ Liên là “京路之兵未集 kinh lộ chi binh vị tập”. Toàn Thư hay dùng từ “kinh lộ” trong giai đoạn Hồ, Minh thuộc, sơ Lê. Nhiều trường hợp, có thể hiểu chung chung “kinh lộ” chỉ vùng Thăng long cũ và các lộ, tức các đơn vị hành chánh quan trọng chủ yếu nằm ở vùng đồng bằng hay duyên hải. Ở đây, quân các địa phương Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa đang chiến đấu dưới cờ Giản Định, “kinh lộ” chỉ có một cách hiểu là vùng Thăng Long và đồng bằng sông Hồng, không bao gồm chuỗi trấn miền núi. Khác với khu vực từ Ninh Bình trở vào, quân dân kinh lộ không nổi dậy qui mô lớn để ủng hộ kháng chiến. Chỉ có những cá nhân căm giận vì mất mát và áp bức đến tòng quân. Thời điểm quyết định đó, không thấy những “thủ lĩnh” mang cả một đạo quân hay một đơn vị hành chính đến quy thuận Hậu Trần như Đặng Nguyên Nguyên, Trần Phong, Nguyễn Nhật Kiên, Mạc Thúy từng quy thuận Đại Minh. Mùa thu năm sau (1409), Giản Định tiến đến Hạ Hồng, Trùng Quang chiếm Bình Than. Hào kiệt trung châu bấy giờ mới bắt đầu tỏ thái độ tích cực. Tiếc rằng, Trương Phụ đã kéo quân cứu viện sang, thế cờ không thay đổi được nữa. Giản Định bị bắt, Trùng Quang lui về Nghệ An. Hoàng Phúc tổ chức lại bộ máy cai trị từ Thanh Hóa trở ra.
Về sau, có các vị Lê Nhị, Lê Khang nổi dậy chiếm giữ Từ Liêm, Thanh Đàm (1410) nhưng nhanh chóng thất bại. Ngoài những đợt kháng cự mạnh mẽ của Giản Định và Quý Khoáng dùng binh lực lấy từ Thanh Hóa trở vào Nam và các cuộc khởi nghĩa tiến hành bởi phụ đạo miền núi, thủ lĩnh vùng trại; tại đồng bằng chúng ta có thể kể đến các vị Nguyễn Liễu ở Lý Nhân (1412), Trịnh Công Chứng và Lê Hanh ở Hạ Hồng, Phạm Thiện ở Tân Minh, Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang (1419), Phạm Ngọc ở Đồ Sơn (1420), Nguyễn Thuật ở Hoàng Giang (1420).
Minh Thực Lục cung cấp một danh mục khởi nghĩa nhỏ khác như Nguyễn Trinh ở Lục Na (1417), Trần Đại Quả ở châu Vũ Ninh (1419), Nguyễn Đặc ở Khoái Châu (1419), Ngô Cự Lai ở Thiện Thệ (1419), Trịnh Công Chứng ở Hạ Hồng (1419), Lê Điệt ở Kiến Xương, Đình Hà (1419), Đào Cường và Lê Hành ở Gia Lâm, Lạng Giang (1419, 1420), Đinh Tông Lão ở Kiến Bình (1419), Dương Cung (tên khác của Lê Ngã) ở Giáp Sơn (1421), Đinh Sĩ Nghiêm ở Lục Na (1424).
Chuỗi bạo động vùng trung châu bùng nổ vào khoảng năm 1419 và 1420 là thời điểm quân tinh nhuệ tại cơ quan đầu não đã bị điều vào Thanh Hóa, Nghệ An để đối phó với lực lượng của Phan Liêu, giặc áo đỏ và Lê Lợi.
Các cuộc vùng vẫy nêu trên đều không tạo ảnh hưởng rộng, bị khống chế hay trấn áp chỉ bởi những đơn vị đồn trú vốn được tổ chức bởi đa số binh lính tuyển mộ tại chỗ. Nguyên nhân thất bại rõ ràng do hoạt động đề kháng rời rạc, thiếu tổ chức, cũng do bản thân người thủ xướng không thuộc tầng lớp đủ năng lực xây dựng sách lược dài hạn và hợp lý để hấp dẫn số lượng lớn quần chúng. Bình dân đương thời có lẽ chỉ biết đến chủ trực tiếp của mình, kẻ ban phát nguồn sống cho gia đình họ. Nhiệt tình hợp tác với nhà Minh của giới ưu tú càng gây nhiễu tâm thức chống cự có thể phát sinh từ dân thường. Trừ phi bị bạc đãi hay lâm vào cảnh khổ sở đói rét, dân đen mới nảy ý định tìm lối thoát khác. Ở Giao châu, Trương Phụ từng tổ chức lực lượng thân tín gồm toàn thổ nhân gan dạ và lực lưỡng khiến Minh đế e ngại tới mức phải điều Phong Thành hầu Lý Bân sang thay chức. Như vậy, thiên tử đánh giá cao lòng trung thành với chủ Bắc của người bản xứ. Trong hoàn cảnh đó, thu hút nhân lực tham gia kháng chiến tại đồng bằng không phải dễ dàng.
Khu vực sông Hồng luôn là vấn đề đối với các lãnh tụ khởi nghĩa xuất thân từ Thanh Nghệ. Năm 1427, Lê Lợi sau khi càn quét trung du và châu thổ, dồn người Minh vào thành Đông Quan, đã ban dụ cho quân tướng Thanh Hóa, Nghệ An như sau:
Nhìn chung, các quân kinh lộ của ta, ngay cả quân Dực Thánh, tả hữu Thiên Trường, Thiên Võng ngày trước; hoặc các chỉ huy Nam ban Bắc ban; hay người thân tín của hoàng thất; dường như chưa thấy ai dốc lòng hết sức để lập công huân.[22]
Lê Lợi phàn nàn người kinh lộ dù đã theo, nhưng không dốc lòng với Ngài dẫu rất nhiều trong số đó thuộc dòng dõi quân tướng lừng danh. Lê Lợi rất tinh tế trong thuật dùng binh, Ngài đã mộ nhân lực từ các địa phương từng cung cấp trai tráng tinh nhuệ để tái lập chuỗi đơn vị tên tuổi ngày xưa, bao gồm cả chỉ huy xuất thân từ những gia đình chuyên binh nghiệp. Đáng tiếc, Lê Lợi được người, nhưng không được tinh thần xả thân của họ.
Quân kinh lộ đứng vị trí nào trong công cuộc kháng Minh? Bình Định vương nói rõ trong thư gửi Vương Thông như sau:
Ngày trước, binh không quá vài trăm. Nay, binh phụ tử Thanh Hóa không dưới hai vạn; quân gọi là mạnh mẽ dũng cảm ở Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa không dưới vài vạn; cùng với quân đồng tâm đồng sức ở các lộ Giao Châu không dưới mười vạn.[23]
Quân các lộ Giao Châu đứng cuối bảng với phẩm chất không hàm ý đe dọa quân Minh như binh phụ tử Thanh Hóa, binh tinh nhuệ dũng cảm Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa; nhưng Lê Lợi đã khéo nhắc Vương Thông đừng trông chờ gì ở họ như Trương Phụ ngày xưa vì khối nhân lực đông đảo đó đã ủng hộ Ngài.
Tình trạng tinh thần sĩ quan và binh lính kinh lộ vào thời điểm nghĩa quân đã chiếm ưu thế trên chiến trường không khiến Bình Định vương mất lòng tin, nhưng rõ rệt là không xứng với kỳ vọng của Ngài.
Còn bọn có tiếng tăm, “有名稱者 hữu danh xưng giả”, thì thế nào? Đó là những người Lê Lợi luôn dành chỗ bên trái trên cỗ xe riêng, Ngài cần ý kiến và nguồn lực của họ.
Họ ở đâu xa thẳm khiến khi mong ngóng Lê Lợi phải than thở “茫若望洋”mang nhược vọng dương”, mịt mờ như trông ra biển? Theo lời Mạc Thúy, đại biểu xuất sắc của nhóm này, thì những người đó đang vui mừng vì nhờ quân Minh mà thoát tục man di, được chiêm ngưỡng áo khăn thịnh trị. Họ hân hạnh không kể xiết vì các đầu mục Thanh Hóa quê mùa khó bì được với vị hoàng đế hào hoa ở Kim Lăng.
Tâm phúc của Lê Lợi vẫn là phiên thần xứ “trại”.
Triều đình nhà Lê sau 100 năm đã bị đồng bằng hóa, quyền lực rơi vào tay gia tộc Mạc vùng duyên hải có nguồn gốc Quảng Đông (1527). Họ Mạc từng hợp tác khăng khít với các dòng vua Mân như Lý, Trần hay với chính người Hán nhưng không thiện cảm với các thủ lĩnh vùng Trại như Hồ, Lê. Tuy nhiên, phân biệt kinh-trại nặng tính văn hóa đã biến mất, thay vào đó là sự khác biệt mang tính chính trị. Họ Mạc với thanh thế mạnh chỉ ở biển-đồng nhanh chóng đánh mất vùng từ Thanh Hóa trở vào nam. Lằn ranh chia cách hai tập đoàn Mạc-Lê trung hưng cũng trùng với lằn ranh kinh-trại cũ nhưng bây giờ hai chính thể được sử gia phân biệt theo quan niệm Nho giáo : Lê chính thống và Mạc nhuận triều.[1]
Máu của dân Lê và dân Mạc đang tuôn phí thì một gia tộc đất trại chạy vào Thuận Hóa để sinh tồn : họ Nguyễn Gia Miêu. Dòng họ này thay vì tự hào cội nguồn xứ Thanh lại hãnh diện vì phát tích từ Ô châu. Ô châu-Thuận Hóa đóng vai trò mấu chốt trong sự hình thành nước Việt Nam hiện đại. Định mệnh chọn quân Thuận Hóa trong việc bắt sống vua Chiêm Trà Toàn, mở đường cho cuộc di dân Việt sâu xuống phía Nam. Cũng từ Thuận Hóa, các chúa Nguyễn với trí tuệ rực sáng đã kiến tạo một nước Việt khác, dần tích lũy diện tích, tài nguyên và tầm nhìn văn hóa đến mức áp đảo vùng Đại Việt cổ xưa. Tiếc thay, khi máu Nam-Bắc ngừng rơi,[2] máu Trong-Ngoài[3] nhanh chóng thay thế và chảy liên tục thêm gần 50 năm nữa.
Những tưởng ranh giới nam-bắc tan nhòa trong lòng vương quốc đàng Ngoài; nhưng không, nhiều thế kỷ sau, Nguyễn Huệ lại đối diện với tình trạng Đặng Tất và Lê Lợi từng gặp phải ngày xưa khi quân Thanh nam hạ. Danh sĩ Bắc hà Ngô Thì Nhậm cho rằng thái độ dân đồng bằng thời Minh thuộc vẫn tốt hơn thái độ cựu dân nhà Lê trung hưng thời Lê-Trịnh sụp đổ. Hoàng Lê nhất thống chí qua lời Thì Nhậm ghi nhận như sau : Ngày nay, những người bề tôi trốn tránh của nhà Lê, đâu đâu cũng có, họ đều nghển cổ mà trông. Sĩ dân cả nước dành nhau mà đón chúng. Quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít, quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng… (4)
Để Ngô Văn Sở chấp nhận việc tạm rút lui, Thì Nhậm còn giải thích cặn kẽ hơn : Nay quân Thanh sang đây, tiếng tăm rất lớn. Những kẻ trong nước làm nội ứng cho chúng, phần nhiều là phao tin đồn nhảm, làm cho thanh thế của chúng to thêm, để cho lòng người sợ hãi lay động. Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà thuộc vào sổ quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy mà đánh, không khác gì xua bầy dê đi chọi cọp dữ, không thua sao được? Đến như việc đóng cửa thành mà cố thủ, thì lòng người đã không vững, ắt thế nào cũng sinh ra mối lo ở bên trong. Dẫu cho Tôn, Ngô sống lại, cũng phải bó tay, không làm được gì…(5)
Quân Tây Sơn phải lui về Tam Điệp, Ninh Bình, là vùng đệm giữa Kinh và Trại cũ. Đây cũng là nơi Giản Định từng tạm dừng quân, nhận thêm nhân sự mới, phân phong quan tước để chuẩn bị trận Bô Cô. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân an tâm ở vị trí đó, ngoài lý do địa hình phòng thủ thuận lợi hơn, hẳn cũng vì số lượng người địa phương sẵn lòng chỉ điểm cho quân Thanh ít hơn ở trung châu nhiều.
Hoàng Lê nhất thống chí chỉ là tiểu thuyết, các chi tiết lịch sử có thể bị thêm thắt, ví dụ như việc nhà Nho Ngô Thì Nhậm chỉ bảo việc quân cho đại tướng Tây Sơn. Nhưng không khí và tâm lý thời chiến tại vương quốc đàng Ngoài được miêu tả xác thực. Ngô Thì Du (1772 – 1840), tác giả hai đoạn văn trích dẫn bên trên là người Tả Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội), từng xiêu bạt khắp đàng Ngoài khi Tây Sơn tiến ra bắc. Về tình hình chính trị – xã hội đương thời, Thì Du là người phát ngôn đủ thẩm quyền.
Tài liệu Công giáo nói về thái độ dân trung châu cũng giống như thông tin do Ngô Thì Du cung cấp. Các vị tu sĩ đã chứng kiến cảnh dân làng vùng châu thổ đánh trống vui mừng khi binh lính Nam Hà tháo lui trước đà tiến của quân Thanh, sau đó họ tụ tập kéo nhau đi đánh phá đồn trại Tây Sơn chưa rút kịp. (6)
Sử gia Việt Nam không chú tâm nên cũng chưa phân tích tận cùng thái độ dễ dao động, nghiêng về phương bắc để kháng cự các cộng đồng Việt khác của một bộ phận cư dân đồng bằng sông Hồng thời tiền hiện đại. Nhìn thấu suốt việc này có vẻ dễ dàng hơn đối với sử gia phương Tây. K. W. Taylor ghi lại nhận xét lạnh lùng trong tác phẩm “A History of the Vietnamese”, Một quyển sử về người Việt Nam, như sau:
Cư dân đồng bằng sông Hồng có xu hướng ủng hộ chính quyền nhà Minh. Người vùng thấp ở các phủ Thanh Hóa, Nghệ An phía nam nói chung cũng hưởng ứng chính quyền này. Tuy nhiên, đặc tính dân cư vùng chân núi và cao nguyên các phủ miền nam là đề kháng sự cai trị bởi Minh triều. Nói cách khác, theo sự phân biệt đầu tiên được tường trình dưới thời Trần, nhiều người Kinh cảm thấy có giá trị khi họ là một phần của vương quốc phương bắc, riêng người Trại thì không. Vì thế, vào thập niên 1420, sau khi Chu Đệ băng hà, hoạt động kháng Minh tích cực trong nhóm người Trại tại các phủ phía nam phát triển nhanh chóng nhất, đặc biệt nơi các thung lũng thấp thuộc vùng ven núi nam sông Hồng và vùng phía tây bình nguyên duyên hải. Thời Trần, thuật ngữ Kinh – Trại biểu trưng hai xu hướng khác nhau trong lĩnh vực thực hành văn hóa và ngôn ngữ, điểm khác nhau mà thời hiện đại cảm nhận như sự khác biệt giữa người Việt và các nhóm người mệnh danh Mường. (7)
Theo Toàn Thư, sự phân biệt khu vực “trại” với các xứ khác đầu tiên xuất hiện vào năm 1010, ngay sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Nguyên văn Toàn Thư : “改十道為二十四路愛州驩州為寨 cải thập đạo vi nhị thập tứ lộ ái châu hoan châu vi trại”, Đổi 10 đạo thành 24 lộ, hai châu Hoan Ái thành trại. Như vậy, Hoan-Ái được xem như khu vực quân sự ngoài biên. Dân Hoan Ái không phải Man Lão, cũng không phải người sống ở “kinh” hay ở các “lộ” đồng bằng. Các thủ lĩnh theo truyền thống Lạc như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn chưa bao giờ có quan điểm tương tự. Qua “Chiếu dời đô”, người “kinh” đầu tiên Lý Công Uẩn, vốn quê Phúc Kiến, xác định giá trị của Ngài cũng là của triều đại mới, ở việc thừa kế truyền thống cai trị Hoa Hạ. Ngài mạnh dạn biến triều đình Mân-Việt của mình thành trung tâm đồng thời ngoại vi hóa thế lực giàu tính bản địa. (8)
Việc hủy bỏ tên gọi “đạo” thực tế xuất hiện từ triều đại trước. Năm 1002, Lê Hoàn đã có lệnh đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu. Vua Lê dù dùng nhiều người Hán hay gốc Hán trong bộ máy đồng thời chú tâm khai thác trung châu nhưng không có khái niệm kinh-trại. Dường như công việc cải tổ hệ thống hành chánh bị dang dở nên Lý Thái tổ phải tái thực hiện, tiện thể hạ thấp vai trò tiền triều bằng cách xếp loại quê quán và cộng đồng người của vua cũ vào diện “trại”.
Như vậy, những người sinh sống ở kinh thành mới và khu vực quanh đó có căn cước như thế nào?
Năm 866, sau khi đánh bại Nam Chiếu và chiếm lại Đại La, Cao Biền xây thành mới đồng thời làm 40 vạn căn nhà. (9) Dễ suy đoán số nhà cửa lớn lao được xây dựng dành cho người Hán hay trung thành với Hán đã bị xiêu tán trong 10 năm chiến tranh với Nam Chiếu. Cao Biền chủ ý lập khu dân cư quanh phủ thành như một hàng rào bảo vệ từ xa. Vành đai dân cư ủng hộ chính quyền phương Bắc phát huy tác dụng khi Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh quê Ái châu, chủ quan đóng quân trong thành sau khi đuổi Thứ sử Lý Tiến về xứ. Ông dễ dàng bị Kiều Công Tiễn, người ngưỡng mộ Nam Hán, tiếp cận và sát hại trước sự bất lực của bộ thuộc (937). Đó là chưa kể đến Khúc Thừa Mỹ, bị Nam Hán đánh bắt năm 930 mà sử ký không ghi nhận dân sở tại có phản ứng gì.
Ai đã đến cư trú trong các căn nhà do Cao Biền dựng lên? Trong trận quyết chiến giữa Đường và Nam Chiếu tại phủ Đô hộ vào năm 863, các tướng Đường như Sái Tập, Nguyên Duy Đức chống trả kịch liệt đến mức toàn thể gia đình, bộ thuộc đều chết. Nam Chiếu lần thứ hai chiếm phủ thành. Qua hai lần thành công, họ vừa bắt vừa giết gần 150.000 người. Với số lượng nạn nhân như vậy, dễ hiểu là không còn đủ nông dân để canh tác. Năm 865, Cao Biền tiến quân sang An Nam bắt gặp 50.000 người Man đang thu hoạch lúa trên vùng nay thuộc Bắc Ninh. Rõ ràng, Nam Chiếu có kế hoạch định cư lâu dài tại An Nam nên tiến hành tàn sát quy mô lớn để thay đổi thành phần dân cư. (10) Ruộng đất cung cấp lương thực cho phủ Đô hộ đã có chủ mới. Họ Cao đánh giết những người gặt lúa, phá tan viện binh rồi tiến chiếm châu trị. Riêng trận phá thành, Biền tiêu diệt 30.000 quân Man, sau đó bắt 17.000 thổ dân ủng hộ Nam Chiếu. Qua mười năm chiến loạn, tổn thất sinh mạng quân dân cả hai bên đều lớn. Như thế, có thể đoán rằng Cao Biền phải mời gọi không chỉ dân phủ Đô hộ cũ vốn đã bị tiêu hao nặng nề, mà còn gồm cả người Đường mới đến cư trú quanh châu thành. Quan hệ giữa nhóm “tân dân” với các triều đình phương Bắc đương nhiên bền chặt hơn quan hệ của nhóm “cựu dân” đã An Nam hóa ít nhiều.
Năm 939, Ngô Quyền rút kinh nghiệm Đình Nghệ, lập triều đình bên ngoài vùng đất thù địch Đại La. Việc định đô tại Cổ Loa cho thấy quê Đường Lâm của họ Ngô không thuộc Giao châu. Ông là vị đầu lĩnh gốc Phúc Lộc châu thống trị một vùng đang nghiêng ngửa giữa thế lực bản địa Hoan Ái và thế lực mang bóng dáng chủ cũ từ Hưng Vương Phủ. Vương quốc mới ra đời có vẻ là tập hợp nhiều lãnh thổ tự trị nhỏ hơn là một thể chế có hệ thống hành chánh đến từng địa phương. Sử cũ không thể hiện hành động phân bổ quan lại nào của Ngài. Có thể Ngô vương dựa vào đạo quân mạnh của mình để áp đặt phú thuế, sưu dịch lên các lãnh chúa tự quản sau này trở thành các sứ quân. Khi Dương Tam Kha vận hành chính quyền trung ương, ông muốn bắt Xương Ngập tại lãnh địa Trà Hương (nay thuộc Hải Dương) của Phạm Lệnh công nhưng ba lần đều thất bại. Sự việc cho thấy quyền lực Cổ Loa vô cùng giới hạn, đặc biệt đối với vùng duyên hải là vùng mà Xương Ngập cảm thấy an toàn khi ẩn nấp.
Theo thần phả thần tích còn lưu hành đến nay, hơn phân nửa số thổ hào khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng là người gốc Hán vào thời 12 sứ quân. Các vị hào trưởng đó gồm: Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu, Đỗ Cảnh Thạc và Trần Lãm. (11) (không kể thủ lĩnh chiếm cứ miền núi Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí, Kiều Thuận). Họ chính là nhóm người kiểm soát nguồn hàng hóa từ đầu nguồn theo sông Hồng, sông Thái Bình xuống cửa biển phục vụ hệ thống hải thương nhộn nhịp đương thời. Dưới quyền sứ quân đa số là thổ dân ở nhiều mức độ phát triển khác nhau, vẫn còn các cộng đồng hoang dã khiến Toàn thư nhắc đến họ bằng danh xưng “bộ lạc” khi Đinh Bộ Lĩnh bình định Đỗ Động giang (năm 967). Thời điểm đó, dân cư phía đông nam và nam sông Hồng hẳn rất thưa thớt vì người Lạc cổ chủ yếu sống dựa theo đồi gò ven chân núi và việc canh tác đất thấp trũng chưa thuận lợi do hệ thống đê chưa hình thành.
Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân, vẫn tránh định đô tại Đại La hay tại một địa điểm thuộc đồng bằng sông Hồng. Có thể nơi này dân cư vẫn chưa hồi phục đông đúc như trước, cũng có thể vua Đinh cảm thấy đó chẳng phải là không gian thân thiện.
Uy vũ của Tiên Hoàng tuy áp đảo các lãnh chúa nhưng khi Ngài băng, chưa chắc người con nào đó đương nhiên kế vị. Xét kỹ lá thư do Lê Hoàn giả danh Đinh Toàn gửi hoàng đế Tống, chúng ta thấy rõ điều kiện cần và đủ để được làm vua Đại Cồ Việt.
“Nhà thần sắp sụp đổ, chưa bỏ áo tang thì quân dân tuớng lại trong hạt, nguời già lão ở núi rừng cùng đến chỗ nằm rơm gối đất của thần, bảo thần tạm giữ việc quân lữ. Thần cố từ ba bốn lần, nhưng bọn họ thỉnh cầu nài ép càng khẩn thiết. Thần muốn đợi tâu bày, nhưng lại lo chậm trễ; nguời núi rừng hung ác, dân khe động tráo trở, nếu không chiều ý họ, sợ có khi tai biến xảy ra.” (Toàn Thư I, 223-224)[4]
Có hai nhân tố chính tác động đến việc lên ngôi của vua mới, một là “quản nội quân dân tướng lại 管内軍民將吏”, quân dân tướng lại trong hạt, hai là “phiên duệ kỳ điệt 番裔耆耊”, người già lão nơi biên viễn. Đứng đầu Hoa Lư thì chỉ cần sự ủng hộ của quân dân tướng lại, tức những người trực thuộc hệ thống hành chánh của tiểu vương quốc trung tâm, nhưng muốn làm vua Đại Cồ Việt thì phải thêm điều kiện đủ là sự đồng thuận của các thủ lĩnh bên ngoài khu vực đô thành. Tiếng nói của những tù trưởng nơi núi non 山, đồng ruộng 野, hang động 洞 và ao ngòi 壑 đủ mạnh để chủ động Hoa Lư phải cân nhắc hết sức nếu muốn làm điều gì trái ý họ. Đặc tính “hung ác”, “tráo trở”, sẵn sàng ép uổng cả nhà vua cho thấy họ là những chúa đất có tiềm lực quân sự. Điểm này khiến ta liên tưởng đến nhận xét của Tomé Pires vào đầu thế kỷ 16 về hòn đảo nay thuộc Philippines, Pires thấy Lữ Tống được quản lý bởi một nhóm trưởng lão chứ không có quốc vương. Tổ chức chính trị Đại Cồ Việt, dưới ảnh hưởng trung nguyên, chỉ vừa vượt qua giai đoạn thô sơ này và còn quãng đường rất xa mới đạt đến kiểu cấu trúc phong kiến tập quyền. Cách trình bày với vua Tống của Lê Hoàn cũng thật khéo, bằng cách nhấn mạnh ảnh hưởng của cừ súy địa phương trong việc suy tôn vua mới, Ngài đã hạn chế tác động từ hoàng đế Trung Hoa lên qui trình truyền ngôi tại nước Nam. Thời Đinh, có vẻ cộng đồng người tại trung lưu sông Hồng chưa đóng vai trò chính trị đáng kể nên không được đề cập riêng.
Người Quảng hay Mân đến Giao châu sinh sống là điều rất bình thường vào thế kỷ X. Vị vua thừa kế nhà Đinh là Lê Hoàn từng nói với sứ Tống Lý Nhược Chuyết rằng (996): “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi? ” (Toàn Thư II, 234).[5] Câu nói ít nhiều phản ánh sự luân chuyển con người, ý tưởng và hàng hóa giữa ba xứ tham gia buôn bán trên biển Đông, đồng thời cho thấy vua Lê có kiến thức nhất định về hoạt động phồn thịnh này.
Từ năm 991 đến năm 995, Toàn Thư ghi nhận Lê Đại Hành phân phong 8 trong số 9 hoàng tử về địa bàn châu thổ sông Hồng, đặc biệt ở vùng nay là Hưng yên, Hải phòng. Hành động đó cho thấy khu vực đồng bằng có sự phục hồi về dân số và kinh tế nên vấn đề an ninh hay thu thuế trở nên quan trọng hơn trước. Quan tâm tột độ của Lê Hoàn đối với trung nguyên hé lộ sự tái hình thành có thể vượt tầm kiểm soát của một cực chính trị khác đủ khả năng đương đầu với Hoa Lư.
Lý Thái tổ dời đô về Đại La, trong bản chất, là sự quay về không gian văn hóa của chính mình, (12) tránh xa phản ứng bất trắc của tập hợp bản xứ rất mạnh từ Hoan Ái. Cộng đồng “kinh” xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt chính là gia tộc Lý và nhóm công khanh người Mân, có thể cả Quảng, cùng gia đình họ. Vây quanh là lớp thổ hào quen thuộc với lối sống và cách cai trị kiểu Trung Hoa, họ có mối quan hệ thương mại cả bằng đường bộ lẫn đường biển với phía Bắc từ trước. Thổ hào không chỉ là người địa phương mà còn có thể là người Hoa bản địa hóa hay người lai. Nền tảng của cộng đồng “kinh” là thần dân cũ của đế quốc Đường tập trung ở trung lưu sông Hồng, họ từng sống bên trong hệ thống hành chánh phủ Đô hộ hàng trăm năm.
Số lượng ít ỏi của tầng lớp ưu tú thuần gốc Bắc có thể được phát hiện qua ghi nhận thú vị sau đây trong Toàn Thư vào năm 1042:
Tháng 9, nhuận, xuống chiếu kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết, ngay lúc bấy giờ thì không bị tội (Toàn Thư I, 277)[6]
Thông tin này tiết lộ nhiều điểm lạ so với quan niệm ngày nay:
– Đương thời, việc đàn ông con trai ban đêm lẻn vào nhà người khác để quan hệ tình dục với vợ gia chủ rất phổ biến, đến nỗi nhà vua phải ban chiếu chấn chỉnh.
– Hai kẻ vụng trộm dan díu nhau ngay trong nhà chủ nhân. Nghĩa là người phụ nữ tán đồng việc này đồng thời không cho đó là tội lỗi.
– Sự việc rất bình thường với đa số dân chúng vì hai kẻ có thể mệnh danh “gian phu dâm phụ” dưới mắt Nho giáo không bị kết án bởi dư luận. Triều đình cũng thoái thác phân xử, nhường quyền quyết định cho ông chồng bất hạnh.
– Gia chủ có quyền đánh chết kẻ trộm tình nhưng chỉ ngay tại chỗ. Nếu đương sự thoát ra khỏi nhà, phép vua khắc nghiệt sẽ mất hiệu lực.
Chiếu chỉ rõ ràng bênh vực nhà quyền quý hay giàu có người gốc Hán. Họ đủ điều kiện lấy nhiều vợ nhưng do khó mang theo phụ nữ trên hải trình nguy hiểm nên phải kết hôn với người địa phương. Các bà vợ vẫn duy trì hành vi nay chúng ta còn thấy ở vài dân tộc ít người vùng cao, ví dụ như tập quán “coong trình” của tộc Dao đỏ (13). Với dân lưu vong mới đến Giao Chỉ một hai đời, hoạt động kiểu “coong trình” thật khó chấp nhận.
Mặt khác, chiếu chỉ khéo léo tránh va chạm phong tục địa phương vì triều đình chẳng tỏ ý bắt tội ai, cũng chẳng phán xét gì, chỉ cho ông chồng khoảng thời gian và không gian rất hẹp để tự xử lý. Đối tượng xử lý lại không phải là người đàn bà. Dường như thời điểm đó, phụ nữ có quyền làm như thế vì theo quan niệm bản thổ, người chồng chưa có vai trò độc tôn. Cũng có thể những phu nhân “phóng đãng” xuất thân từ các gia tộc hào sĩ địa phương mà sự thuận thảo của họ rất quan trọng đối với chính quyền Thăng Long.
Luật pháp mềm dẻo không triệt tiêu tập tục bản địa vốn được tôn trọng bởi khối người áp đảo, ngược lại, sau nhiều thế hệ định cư, người gốc Bắc lại có hành vi như thổ dân. Nạn nhân nổi tiếng của chiếu chỉ là Thái Úy Quan nội hầu Tô Trung Từ đời Lý Huệ tông. Tô Trung Từ thuộc nhóm liên minh với họ Trần ở Hải ấp, ông là cậu của Trần Tự Khánh, chú vua Trần Thái tông. Năm 1211, do vào nhà công chúa Thiên Cực lúc đêm tối để tư thông, họ Tô bị chồng công chúa đánh chết. (14)
Nhóm dân “sống ở kinh đô” đầu thời Lý là một sắc tộc mới đang tượng hình, khác biệt với các cộng đồng chung quanh, chiếm thiểu số so với tổng dân số trên vùng lãnh thổ nay là bắc bộ và bắc trung bộ. Họ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ khác, dần hoàn chỉnh trong triều đình Lý vốn chủ đạo bởi vua quan nói tiếng Mân hoặc một thứ tiếng Hoa miền biển. Tiếng nói mới hẳn chịu tác động mạnh mẽ bởi tiếng nói của lớp lãnh đạo tại chỗ vốn bắt đầu ngừng sử dụng tiếng Hoa sau khi Ngô Quyền từ chối các Tiết độ sứ phương Bắc. Sự lan tỏa của ngôn ngữ này kèm theo văn hóa hỗn tạp nhưng tiên tiến đã chuyển hóa nhóm người bản địa hợp tác với ngoại tộc thành người “kinh”, đồng thời biến dân số bất khuất còn lại thành “dị tính”, “trại” hay tệ hơn, thành “mường mán”.
Sự khác biệt giữa dân ở “kinh” với dân “trại” có thể được phát hiện qua lịch sử chinh chiến của hai đời vua đầu triều Lý.
– Năm 1011: đem sáu quân đánh man Cử Long ở Ái châu (thuộc Thanh Hóa nay).
– Năm 1012: vua thân đi đánh Diễn châu (thuộc Nghệ An nay) vì người ở đấy không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân…Cuối năm này, bắt người Man và hơn 10.000 con ngựa tại châu Vị Long (thuộc Tuyên Quang nay)
– Năm 1013: vua thân đi đánh châu Vị Long do dân châu hùa theo người Man làm phản. Thủ lĩnh Hà Án Tuấn cùng bộ thuộc trốn vào rừng núi.
– Năm 1014: Dực Thánh vương chống người Man xâm nhập ở châu Bình Lâm (thuộc Tuyên Quang nay), chém hàng vạn người.
– Năm 1015: Vũ Đức vương và Dực Thánh vương đánh người Man ở Vị Long, Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên (thuộc Tuyên Quang nay); bắt được Hà Án Tuấn, chém bêu đầu ở chợ.
– Năm 1020: Khai Thiên vương và Đào Thạc Phụ đánh Chiêm ở trại Bố Chính, chém tướng giặc Bố Linh tại núi Long Tỵ (nay thuộc Quảng Bình).
– Năm 1022: Dực Thánh vương đánh Đại Nguyên Lịch, thâm nhập trấn Như Hồng thuộc Tống.
– Năm 1024: Khai Thiên vương đánh Phong Châu, Khai Quốc vương đánh châu Đô Kim.
– Năm 1025: lập trại Định Phiên ở phía nam Hoan Châu (khoảng Hà Tĩnh nay)
– Năm 1026: Khai Thiên vương đánh giặc ở Diễn Châu.
– Năm 1027: Khai Thiên vương đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh vương đánh châu Văn (nay thuộc Lạng Sơn).
– Năm 1028: vua mới Thái tông đánh phủ Trường Yên (Ninh Bình nay) do Khai Quốc Vương trấn trị làm phản.
– Năm 1029: đánh giáp Đãn Nãi ở châu Ái.
– Năm 1031: vua thân đi đánh châu Hoan.
– Năm 1033: vua thân đi đánh châu Định Nguyên, sau đó là châu Trệ Nguyên.
– Năm 1035: vua thân đi đánh châu Ái.
– Năm 1036: đặt hành dinh ở châu Hoan, đổi tên thành châu Nghệ An.
– Năm 1037: vua đánh đạo Lâm Tây, Khai Hoàng vương đánh Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên. Dựng hơn 50 kho tàng thuộc Nghệ An.
– Năm 1039: vua đi đánh Nùng Tồn Phúc.
– Năm 1041: cho Uy Minh hầu Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Đánh bắt được Nùng Trí Cao.
– Năm 1042: Khai Hoàng vương đánh châu Văn.
– Năm 1043: Khai Hoàng vương đánh châu Ái, Phụng Càn vương đánh châu Văn. Đào Xử Trung dẹp giặc biển Chiêm Thành.
– Năm 1044: vua thân chinh Chiêm Thành, chém vua Chiêm Sạ Đẩu tại trận. Trên đường về, Vua ban tiết việt và gia tước vương cho Trấn thủ Nghệ An Nhật Quang.
– Năm 1048: Phùng Trí Năng đánh Ai Lao, Quách Thịnh Dật đánh động Vật Ác của Nùng Trí Cao.
– Năm 1050: dẹp loạn ở Vật Dương.
– Năm 1051: Thánh tông lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Việt.
Ngoài ba lần đối phó Chiêm Thành, đối tượng của các cuộc chinh phạt từ năm 1010 đến 1052 là các bộ tộc nói tiếng Tai-Kadai phía Bắc và người trại phía Nam. Riêng vùng đồng bằng rất yên ả. Bản chất chiến tranh phía Bắc và phía Nam khác nhau. Nhà Lý buộc phải ngăn chặn sự xâm nhập của “người lạ” từ phương Bắc. Đối với phương Nam, nhiều khả năng chiến tranh mang tính chất trừng phạt việc từ chối nộp cống thuế. Dưới triều trước, thủ lĩnh Hoan Ái còn định thần phục vua Chiêm thay vì vua tiền Lê. Đến triều Trần, khi Thăng Long suy yếu, Toàn Thư ghi chép rõ dân Tân Bình Thuận Hóa ủng hộ quân Chiêm, dân Nghệ An thì ăn ở hai lòng. Dường như dân trại chọn ngả theo vị vua thu thuế nhẹ hơn và gần gũi hơn về mặt văn hóa.
Triều đình Lý cũng không hoàn toàn yên tâm với các xứ đang an bình. Năm 1043, khi Lý Thái Tông hỏi ý các quan về cách đối xử với Chiêm Thành vì xứ này đã 16 năm không tiến cống thì được tâu trình như sau: “Bọn thần cho rằng đó là vì đức của bệ hạ tuy có đến nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế? Vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn đức để vỗ về, chưa từng ra oai dùng võ để đánh phạt. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu”. (Toàn Thư I, 279)[7]
Nghĩa là hệ thống cai trị trên toàn vương quốc của nhà Lý vẫn chưa mang tính tập quyền. Bên ngoài bộ máy trực trị vẫn tồn tại các chư hầu cùng họ và khác họ. Việc nộp phú thuế như thế nào từ các khu tự trị hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh của tập đoàn trung ương. Cuộc xâm lược thành công Chiêm Thành năm 1044 dĩ nhiên đã ngăn ngừa hiệu quả manh động có thể có từ các chư hầu. Nhưng vì sao quan tướng nhà Lý đặt “hải nội dị tính chư hầu 海内異姓諸侯”, chư hầu khác họ trong nước, ngang với Chiêm Thành? Phải chăng văn hóa Đại Việt thời điểm đó do mới hình thành chỉ lan tỏa quanh Thăng Long và phủ Thiên Đức? Còn nhiều vùng ngay trong châu thổ vẫn theo truyền thống Đông Nam Á, được điều hành bởi các hào trưởng tự lập? Thời trung đại, “dị tính” có nghĩa gần như tương đương với “tộc người khác.”
Dân “kinh” thời Lý không thể đông hơn các cộng đồng mệnh danh “trại” hay “mường mán”. Họ chỉ là nhóm dân có văn hóa đặc thù, không là Hán nhưng đủ khác với cư dân xung quanh để chiến tranh bùng phát dai dẳng. Sự áp đảo về quân sự của triều đình trên các nhóm người ngoài vùng hạt nhân là sự áp đảo của một xã hội có tính tổ chức lên các cộng đồng riêng lẻ chưa có cơ cấu liên kết nhau sâu sắc. Tuy nhiên, có thể thấy chỉ đến đời thứ hai nhà Lý, triều đình đã cử Nhật Quang cai trị Nghệ An bên cạnh các thổ hào. Riêng châu Ái, nhà vua còn cử Khai Hoàng vương đánh dẹp vào năm 1043, nhưng đến năm 1105 khi Lý Thường Kiệt qua đời, đã thấy sử ghi việc Kiệt được Thánh tông phong chức Thái Bảo kèm tiết việt để thăm hỏi “lại dân” ở Thanh Hóa, Nghệ An. Như vậy, tầng lớp ưu tú nhà Lý bản địa hóa rất nhanh và các địa phương miền nam cũng mau chóng hòa hợp với trung châu. Trong vòng 100 năm, phân chia kinh-trại đã nhòa nhạt. Các trại, hay châu, Hoan và Ái đã trở các phủ Nghệ An và Thanh Hóa.
Tuy vậy, khi văn hóa miền biển lấn ngược chiều sông Cái, các nhà lãnh đạo duyên hải dù cảm thấy gần gũi với quý tộc trung lưu sông Hồng, lại thấy mình khác với người Thanh Nghệ. Điều này dễ hiểu, vì vùng duyên hải dưới quan sát của các tác giả Trung Hoa, thổ dân chỉ chiếm một nửa nhân khẩu. Năm 1256, nhân kỳ thi nho học, vua Trần chia làm Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên, Kinh Thái học sinh và Trại Thái học sinh. Tống nho đã thâm nhập đồng bằng sớm sủa hơn khu vực phía nam nhiều. Chính nhà Trần dung nạp di thần Tống để kháng cự Mông Cổ xa lạ đến từ thảo nguyên. Liên kết chặt chẽ với Hoa tộc cả về quân sự lẫn văn hóa khoét sâu sự ngăn cách giữa tầng lớp thượng lưu Mân-Hán và đa số bình dân địa phương, khoảng cách tưởng đã phai nhạt vào cuối đời Lý. Thời bình, vấn đề giữa các tộc người có thể là thứ yếu nhưng trước đe dọa đòi hỏi huy động tổng lực của vương quốc, ủng hộ từ đa số bị trị trở thành yếu tố quyết định sự tồn vong của triều đại. Tính chất mong manh của một vương triều ngoại tộc được vua Trần hóa giải bằng hai hành động vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Đại Việt: đuổi cá sấu trên sông Lô và họp hội nghị tại thềm điện Diên Hồng.
Về việc nhà vua sai Nguyễn Thuyên đuổi cá sấu, chúng ta dễ hào hứng với thông tin gợi mở rằng Thuyên viết bài văn bằng quốc ngữ, tức chữ Nôm, nên thường hiểu sai về mục đích của thao tác này. Nhằm tìm hiểu động cơ của triều đình, phải đặt sự kiện vào trong dòng chảy căng thẳng của thế cuộc đương thời:
– Mùa đông năm 1278, Trần Thái tông băng. Nguyên đế sai Sài Xuân sang sứ dụ vua vào chầu. Vua cự tuyệt. Sứ giả Đại Việt sang Nguyên bị bắt giữ.
– Năm 1279, người Nguyên đánh trận quyết định với nhà Tống ở Nhai Sơn, quan quân Tống gồm cả hoàng gia chết đuối hơn 100.000 người.
– Năm 1280, xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch. Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, Trần Nhật Duật thu phục được.
– Năm 1281, nhà Nguyên phong chức tước cho vài người thuộc sứ đoàn nhà Trần, cử Sài Xuân sang Đại Việt hành xử khiêu khích.
– Năm 1282, Lạng Châu báo tin Toa Đô chuẩn bị 50 vạn quân mượn đường nước ta đi đánh Chiêm Thành. Lúc ấy, có cá sấu đến sông Lô, vua sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông để xua đuổi. Mùa đông, vua họp vương hầu và trăm quan tại Bình Than, cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô tướng quân. Lấy Thái úy Trần Quang Khải làm Thượng tướng thái sư.
– Năm 1283, mùa thu, sứ giả Đại Việt thu được thông tin về đạo quân 50 vạn sắp vào cướp. Mùa đông, vua thân chỉ huy tập trận thủy bộ, cử Trần Hưng Đạo làm Quốc công Tiết Chế, bổ nhiệm nhiều tướng hiệu có năng lực.
– Năm 1284, mùa thu, Hưng Đạo vương duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, bố trí phòng thủ các điểm xung yếu. Mùa đông, vua sai Trần Phủ sang Nguyên xin hoãn binh. Trần Phủ báo tin Thoát Hoan sẽ tấn công với lý do mượn đường đánh Chiêm Thành. Thượng hoàng triệu tập bô lão ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi ý kiến. Tất cả đều quyết chiến. Chỉ vài ngày trước Tết Nguyên đán, Mông Cổ vi phạm biên cảnh.
Trước Nguyễn Thuyên (1229 – ?), Hàn Dũ (768 – 824) từng làm việc tương tự khi bị biếm truất làm thứ sử Triều Châu, miền đất đương thời hãy còn là biên địa của đế quốc Đường. Họ Hàn vốn mộ Nho bài Phật, khổ nỗi, dân địa phương chắc chẳng “mộ” cũng chẳng “bài” cả hai. Để thu phục tập đoàn mông muội đa thần giáo, Hàn Dũ đã tạo nên sự kiện đuổi cá sấu bằng “Ngạc ngư văn”, qua đó, ông hành xử như một thầy mo bản thổ. Liam C. Kelley nhận xét rằng hành động của Hàn Dũ là thủ thuật cai trị phổ biến trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Toàn Thư không nói rõ Nguyễn Thuyên làm bài văn bằng thứ chữ gì, nhưng ngay sau lời kể vua ban họ Hàn cho ông, tác giả sử ký xác nhận Thuyên giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Như vậy, có thể đoán rằng ông làm bài văn bằng chữ Nôm, đọc cho cá sấu nghe bằng loại tiếng Việt mà dân quanh vùng sông Lô nghe, hiểu được. Ở đây, vị vua gốc Phúc Kiến đã đóng vai “thầy mo” của các bộ tộc Lạc để dễ dàng huy động họ trong cuộc đại chiến sắp xảy ra. Vị phù thủy này vô cùng tế nhị vì đã không buộc cá sấu hay dân địa phương phải nghe tiếng nước ngoài. (15)
Hội nghị Diên Hồng mang dấu ấn cơ cấu Kuriltai của người Mông Cổ, chủ nhân trung nguyên lúc bấy giờ. Hội nghị trưởng lão tương tự vẫn thấy ở Afghanistan ngày nay dưới danh xưng Loya Jirga. Riêng Đại Việt, nơi hệ thống hành chánh phát triển hơn trên địa bàn chật hẹp, vua có thể trao đổi với lãnh đạo các phủ lộ để nắm tình hình địa phương nhưng vẫn triệu họp phụ lão, điều đó chứng tỏ hệ thống chính quyền không chặt chịa bao trùm toàn vương quốc. Nhiều khu vực vẫn tự chủ ở các mức độ khác nhau nên vua chỉ có thể trao đổi với thủ lĩnh địa phương thông qua cuộc họp này.
Hội nghị Bình Than dành cho tập đoàn cầm quyền bao gồm vương hầu người gốc Mân và trăm quan Hán hóa cao độ gắn kết với hoàng gia. Hành động đuổi cá sấu hay họp phụ lão là những nỗ lực tác động đến mọi ngóc ngách của khối dân bản địa. Hai thao tác chuẩn bị chiến tranh này cho thấy người Việt gốc vẫn chiếm đa số áp đảo mặc dù nhân số đồng bằng đã được bổ sung đáng kể bởi người Mân Quảng kinh dinh ven biển hoặc bởi di dân Tống.
Không còn báo cáo dân số thuở ban đầu, lúc nhà Lý phân chia kinh-trại. Li Tana tích hợp nhiều nguồn chứng minh một cách thuyết phục rằng dân cư thời Lý rất thưa thớt và chưa bao gồm dân số khu vực phía đông đồng bằng. Bà cũng đồng ý dân số tăng đột biến vào quãng thời gian 1200 – 1340. (16) Để suy đoán tương quan giữa dân số kinh và dân số các cộng đồng khác vào thời Lý, chúng ta thử xem xét tường trình Trương Phụ gửi về Kim Lăng năm 1408:
Chiêu an hơn 3.120.000 người, bắt được dân Man hơn 2.087.500 người (Minh Thực Lục I, 298)[8]
Sau khi Lý thái tổ chia Hoan Ái thành trại gần 400 năm (1010 – 1408), dân số nằm trong hệ thống hành chính trung ương, tức người chấp nhận văn hóa và sự cai trị từ Ty Bố Chính Giao Chỉ, chỉ chiếm 60% tổng dân số trên vùng đất nay là bắc bộ và bắc trung bộ (tỉ lệ khoảng 6/4). Con số “3.120.000 người” năm 1408 chắc chắn chủ yếu là dân “kinh lộ” và một ít dân “trại” vùng duyên hải Hải Tây mà người Minh trực tiếp thu thuế được. Dân số lên đến mức đó chỉ sau kỳ bùng nổ nhân khẩu tại đồng bằng xảy ra dưới thời Trần khi hệ thống đê điều toàn khu vực được xác lập và giống lúa Chiêm được phổ biến rộng rãi. Như vậy, có thể suy đoán tỉ lệ giữa dân số vùng trung lưu sông Cái với dân số các vùng Hoan Ái, vùng duyên hải, vùng đồi núi đầu thời Lý là con số rất khác tỉ lệ 6/4. Không đủ cơ sở để xác định tỉ lệ đó chừng 5/5, 4/6 hay 3/7…,(17) nhưng có thể xác định một điều : người nói các thứ tiếng Mường hay Tai-Kadai chưa trở thành dân tộc ít người vào thời điểm đó. Họ chỉ trở thành thiểu số khi nhiều thành viên trong số họ rời bỏ cộng đồng để hòa nhập vào người “kinh” hay “lộ”. Chính chiếu chỉ năm 1042 cho thấy các phụ nữ làm vợ hay thiếp của nhà quyền thế còn mang đậm tập quán của các bộ tộc sống cách biệt, bị ám ảnh bởi hôn nhân cận huyết. Dòng chảy nhân lực từ miền cao xuống còn thấy rõ vào cuối đời Trần qua bài thơ “Đề Tư Đồ Trần Nguyên Đán từ đường 題司徒陳元旦祠堂”, Đề thơ tại nhà thờ quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, của Trần Nghệ tông. Thượng hoàng cho biết đội khiêng kiệu cho Ngài là “山僮 sơn đồng”, nô lệ người miền núi. Đối sánh số “nhân dân” 3.120.000 với số 2.087.500 “man nhân”, có thể nói rằng người man là các cộng đồng văn hóa khác biệt trên lãnh thổ An Nam, do điều kiện địa lý và trình độ phát triển, họ còn thuộc về nhiều bộ tộc khác nhau, nói ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau, nhưng chưa thật sự trở thành thiểu số trên chính quê hương mình.
Cần chú ý khái niệm kinh-trại chỉ được nhắc đến trong chính sử khi quyền lực thuộc về các gia tộc gốc Mân. Đến thời Hồ – Lê, không thấy Toàn Thư nhắc lại khái niệm này. Các vua Hồ lập đô ở Thanh Hóa, biến khu vực nay là Thanh Hóa và bắc Nghệ An thành “tứ phụ”, tức vùng lõi. Bộ phận điều hành lộ Đông Đô được đặt tên Phủ Đô hộ, một hàm ý ngoại vi hóa vùng kinh thành xưa. Từ đó, người trung châu được gọi là dân “kinh lộ”, ý chỉ người thuộc các lộ đồng bằng bao gồm cả lộ Đông Đô.
Taylor có lý của ông khi cho rằng khái niệm kinh-trại sẽ phát triển thành Việt-Mường sau này. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu theo cách khác: Kinh gồm người Hán vùng duyên hải bản địa hóa và người địa phương Hán hóa chấp nhận sự lãnh đạo của nhóm gốc Bắc; Trại là người địa phương Hán hóa mức độ thấp, còn gần gũi với các tộc bản xứ. Thổ dân đóng vai trò tương đối thụ động trong tiến trình Hán hóa của nhóm kinh, ngược lại, người bản địa vùng trại chủ động tiến trình này. Dưới mắt kinh, dân trại phong hóa tầm thường. Dưới mắt trại, dân kinh quá ngả về Bắc không đủ tư cách làm chủ nước.
Xét riêng cộng đồng “kinh” hay “kinh lộ” thời Lý Trần, chúng ta thấy tầng lớp ưu tú chủ yếu là người Hán vùng ven biển đông nam hoặc người lai miêu duệ của họ; tầng lớp dưới là dân bản địa gốc Mường được bổ sung bởi tù binh nói tiếng Nam đảo hoặc tiếng Tai-Kadai. Dĩ nhiên có tầng lớp trung gian đến từ nhiều nguồn, họ có thể là thầy thợ người Bắc, hoặc thành viên các gia tộc lớn, hoặc người bình dân tiến thân bằng chiến công hay học vấn. Cơ cấu dân số như vậy đóng vai trò quyết định thái độ chính trị của khu vực. Nó giải thích vì sao những “người có chút ít tiếng tăm” nhanh chóng hợp tác với quân Minh, trái lại, “quân nhân đinh nam” lúc cùng đường lại sẵn lòng phục vụ vua Giản Định. Xu hướng chính trị này ảnh hưởng sâu đậm, bền bỉ và góp phần quan trọng định hình lịch sử Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam.
Chất Hán vùng kinh lộ thẩm thấu trong giới tinh hoa đến mức độ nào? Đến các đời vua đầu Trần, ảnh hưởng Hán thấy rõ là bộ máy vương quyền được tổ chức kiểu Trung Hoa. Triết học Nho, Lão và Thiền tông ảnh hưởng mạnh chủ yếu trong tầng lớp biết chữ. Tuy vậy, những gì có nguồn gốc ngoại lai sau một thời gian hoạt động ở An Nam đã trở nên rất khác.
Năm 1293, sứ thần Nguyên Mông Trần Phu nhận xét hoàng tộc Trần như sau:
Hạ tục kiêu phù thậm,
Trung Hoa lễ nhạc vô.
Húy hiềm ngoa thị Nguyễn,
Thác chế tiếm xưng cô.
Tế tự tông phường tuyệt,
Hôn nhân tộc thuộc ô.
(Phong tục của tầng lớp dưới[9] hết sức bạc nẽo nông nổi,
Ở đây không có lễ nhạc của nước [Trung-quốc] văn minh.
Kiêng tên, nên đã mạo nhận là họ “Nguyễn”,
Mượn cớ có tang để tiếm xưng là “cô”.
Trong nơi tông miếu, việc tế tự mất hẳn,
Người cùng họ hàng lấy nhau thật xấu xa.)(18)
Vị sứ giả người Hán đại diện vua Mông Cổ không tìm thấy văn minh Trung Hoa tại triều đình Đại Việt. Ông phân biệt Hoa – Di không dựa vào đặc điểm sinh học của cộng đồng người, mà dựa vào thực hành văn hóa của giới thống trị. Dưới mắt Trần Phu, sự “khác” với thượng quốc thể hiện tính thấp kém.
Hơn 80 năm sau, Trần Nguyên Đán lại thấy sự “khác” giữa hai vương quốc ở góc cạnh “văn vận”, ông cho rằng đó là do tầm vóc văn hóa Đại Việt đã vượt qua Trung nguyên. (19) Dù tự hào đến vậy, Nguyên Đán vô tình vẫn dùng tiêu chuẩn cân đo phương bắc. Hẳn vì ngoài hệ giá trị đã am tường, ông không còn biết hệ nào khác.
Cả Trần Phu lẫn Trần Nguyên Đán đều là văn nhân đại thần. Phát biểu của họ hình thành từ cơ sở tri thức và học vấn đỉnh cao của mỗi xứ nên có thể xem như ý kiến điển hình. Chính sự “khác” cảm thấy bởi cả hai bên là nền tảng để người phương Nam tạo nên, và người phương Bắc nhìn nhận, thực thể Đại Việt. Thực thể này theo cách hiểu của Trần Hưng Đạo trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” là tài sản thuộc họ Trần; công chúa Thiên Ninh cũng hiểu thiên hạ là “của tổ tông mình” nên không nhường họ khác. Tuy nhiên, sau mười năm giao chiến với quân Minh, Lê Lợi qua “Bình Ngô đại cáo” lại cho rằng thực thể đó thuộc về người Đại Việt dù nó bị cai trị bởi bất kỳ dòng tộc nào. Do vậy, Bình Định vương không chấp nhận quyền chọn chủ phương Bắc của nhóm ưu tú sinh sống bên trong cương vực nước Nam. Sau khi điểm lại tình hình lòng dân oán phản bởi chính sách triều Hồ, Ngài định danh nhóm hợp tác đồng thời định nghĩa việc họ làm nhân buổi rối ren một cách minh bạch:
“Ác đảng hoài gian cánh dĩ mại ngã quốc 惡黨懷奸竟以賣我國”, Bọn bất lương mưu cấu kết với giặc để bán nước ta.
Trong bối cảnh cái gọi là “dân tộc” theo định nghĩa phương Tây chưa hình thành, nhận xét của Lê Thái tổ cho thấy Ngài vươn trước thời đại mình rất xa.
Nguyên nhân gì khiến Lê Lợi tư duy mới mẻ như thế? Chúng ta sẽ có dịp quay lại với suy nghĩ của Ngài khi nghiên cứu các văn bản hành chính chấp bút bởi Thừa chỉ Nguyễn Trãi.
—————————————–
Tài liệu tham khảo, chú thích:
A. Các chi tiết lịch sử đều trích từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tái bản 2004). Dịch giả : Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long. Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Toàn Thư – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
B. Các ghi chép của người Minh đều trích từ bộ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010). Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Minh Thực lục – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
(1) Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần tập III, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1978), trang 669-670.
(2) Trần Quốc Vượng không đồng ý phả hệ này. Dựa vào Việt Kiệu Thư của Lý Văn Phượng, cụ Trần cho rằng họ Mạc vốn gốc người Đản Quảng Đông. Tuy nhiên, cụ không giải thích vì sao nếu là người Đản thì không phải hậu duệ Mạc Đĩnh Chi.
(3) Geoff Wade dịch sang tiếng Anh rất thuyết phục và rõ ràng các chức danh thuộc Ty Bố chính. Bố chính sứ, Tả Hữu Bố chính sứ, Tả Hữu Tham chính Ty Bố chính, Tả Hữu Tham nghị Ty Bố chính được dịch lần lượt là Administration Commisioner, Administration Comissioner of the Left/Right, Vice Administration Comissioner of the Left/Right, Assistant Administration Comissioner of the Left/Right. Tham khảo: Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu : an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Shingapore E-press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/1104, accessed July 02, 2016.
(4) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch, Nxb Trẻ (tái bản 2015), trang 429-430.
(5) Ngô gia văn phái, sđd, trang 430.
(6) Xem Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Quang Trung Nguyễn Huệ, Tạp chí Xưa&Nay – Nhà xuất bản Văn Hóa (in lại các bài đăng trong tập san Sử Địa do Nguyễn Nhã chủ biên và chủ bút – 2008), trang 59.
(7) Keith W. Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press (2013), trang 177. Nguyên văn: People in the Red River plain tended to support Ming government. People in the lowlands of the southern provinces of Thanh Hoa and Nghe An were generally responsive to the Ming government as well. But in the foothills and uplands of these southern provinces was an endemic resistance to Ming rule. In other words, following a distinction first reported during Tran times, many Kinh people perceived value in being part of the northern empire, but the Trai people did not. Thus, in the 1420s, after the death of Zhu Di, it was among the Trai population of the southern provinces that active resistance to Ming developed most rapidly, particularly in the lower valleys of the foothills south of Red River and west of coastal plains. The Tran terms Kinh and Trai represented different tendencies on a spectrum of cultural and linguistic practice that in modern time have been perceived as a difference between Vietnamese and various peoples collectively called Muong.
Lát cắt quá rạch ròi của Taylor về sự phân rẽ mang tính vùng miền trong lịch sử Việt Nam thu hút chỉ trích cay đắng từ nhiều người Việt. Tuy nhiên, cần bình tĩnh hơn để xem xét quan niệm đó. Thực tế suốt quãng thời gian cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, vào những thời điểm Đại Việt có chính quyền đủ mạnh, họ chống cả Hán lẫn Chiêm. Nhưng những lúc trung ương suy sụp, Từ Nghệ An vào nam ngả về Chiêm trong khi đồng bằng Bắc bộ có xu hướng quy phục Hán. Các cộng đồng Đại Việt không chỉ ngả về bên này hay bên kia, họ còn dựa vào sức mạnh bên ngoài để cướp và giết nhau không nương tay. Đó là sự thực vào đời Trần mạt, Hồ và Minh thuộc.
(8) Trái ngược với ý kiến của đa số học giả Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Bản Minoru Katakura hoài nghi về tính tập quyền dựa trên luật pháp của thiết chế chính trị triều Lý. Sakurai Yumio thậm chí cho rằng việc phân chia Đại Cồ Việt thành 24 lộ là sáng tạo của sử gia đời Lê. Năm 2013, Momoki Shiro đề xuất lập luận rằng chính quyền Lý ban đầu mang tính địa phương, sau đó mới dần phát triển sang các khu vực khác. Shiro chứng minh “lộ” là một đơn vị giám sát mang tính chất quân sự, tư pháp và tài chính bao trùm các đơn vị hành chính như phủ, châu; theo ông, việc phát triển quá mức quyền lực ra khỏi vùng trung tâm là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Lý suy yếu và sụp đổ.
(9) Con số này rất đáng ngờ. Đại Việt sử lược chép là 5 ngàn. Xem: Khuyết danh, Đại Việt sử lược, bản dịch Nguyễn Gia Tường 1972, Nxb TPHCM (1993), bản điện tử của nhóm Công Đệ – Lê Bắc, trang 20.
(10) Nam Chiếu đánh An Nam với sự ủng hộ của các thủ lĩnh bản địa như gia tộc họ Đỗ ở châu Ái, Lý Do Độc ở châu Phong. Đặc biệt có tù trưởng thân thiết với tướng Nam Chiếu Đoàn Tù Thiên tên Chu Cổ Đạo. Ông này cùng chết với Tù Thiên khi Cao Biền tái chiếm châu thành. Như vậy, đối tượng tàn sát của Nam Chiếu không thể là khối dân còn theo văn hóa Lạc rất gần gũi với các tộc nói tiếng Kra-Dai. Cuộc “thanh lọc sắc tộc” của họ chủ yếu nhắm vào binh lính, quan chức và các chủ đất ở hai châu Phong và Giao. Nếu quan lại, quân chính quy đa số là người Đường thì tập hợp chủ đất lớn nhỏ quanh phủ trị lại là các gia đình Hán-Việt. Nam Chiếu quét sạch 150.000 người thuộc Phong và Giao châu mở đường cho tộc Thái trồng trọt trên các mảnh đất vừa chiếm được như chúng ta đã thấy. Cuộc phản công kèm theo giết chóc quyết liệt không phân biệt quân dân của Cao Biền một lần nữa tạo nên khoảng trống nhân lực tại trung châu. Biền cất nhà và khai thông thủy lộ hẳn đều hướng đến việc khuyến khích cư dân phía Bắc đến định cư tại Giao Chỉ. Sức mạnh sa sút của phủ Đô hộ cũ phơi bày khi họ Khúc ở Hồng châu (nay thuộc Hải Dương), Lý Tiến từ Nam Hán (Quảng Đông nay), Dương Diên Nghệ từ châu Ái thay phiên nhau tiến chiếm phủ thành dễ dàng. Nhiều khả năng, một số binh lính và dân thường theo chân 3 nhà lãnh đạo trên đã ở lại sinh sống tại trung tâm đồng bằng đã trở thành thưa vắng khi đó. Ngoài nguồn nhân lực tự nhiên tràn xuống từ miền cao điền khuyết không gian trống trải, nguồn bổ sung nhân lực tinh hoa đáng kể có thể là người Mân khi vương quốc Mân sụp đổ vào năm 945 và người Quảng khi vương quốc Nam Hán bị sáp nhập vào đế quốc Tống năm 971. Tập họp các thành phần dân cư nêu trên là cơ sở để hình thành người “kinh” khi Lý Thái tổ dời đô ra Thăng Long.


Tài liệu tham khảo, chú thích:
A. Các chi tiết lịch sử đều trích từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tái bản 2004). Dịch giả : Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long. Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Toàn Thư – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
B. Các ghi chép của người Minh đều trích từ bộ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010). Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Minh Thực lục – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.

Chú thích:
(1) Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần tập III, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1978), trang 669-670.
(2) Trần Quốc Vượng không đồng ý phả hệ này. Dựa vào Việt Kiệu Thư của Lý Văn Phượng, cụ Trần cho rằng họ Mạc vốn gốc người Đản Quảng Đông. Tuy nhiên, cụ không giải thích vì sao nếu là người Đản thì không phải hậu duệ Mạc Đĩnh Chi.
(3) Geoff Wade dịch sang tiếng Anh rất thuyết phục và rõ ràng các chức danh thuộc Ty Bố chính. Bố chính sứ, Tả Hữu Bố chính sứ, Tả Hữu Tham chính Ty Bố chính, Tả Hữu Tham nghị Ty Bố chính được dịch lần lượt là Administration Commisioner, Administration Comissioner of the Left/Right, Vice Administration Comissioner of the Left/Right, Assistant Administration Comissioner of the Left/Right. Tham khảo: Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu : an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Shingapore E-press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/1104, accessed July 02, 2016.
(4) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch, Nxb Trẻ (tái bản 2015), trang 429-430.
(5) Ngô gia văn phái, sđd, trang 430.
(6) Xem Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Quang Trung Nguyễn Huệ, Tạp chí Xưa&Nay – Nhà xuất bản Văn Hóa (in lại các bài đăng trong tập san Sử Địa do Nguyễn Nhã chủ biên và chủ bút – 2008), trang 59.
(7) Keith W. Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press (2013), trang 177. Nguyên văn: People in the Red River plain tended to support Ming government. People in the lowlands of the southern provinces of Thanh Hoa and Nghe An were generally responsive to the Ming government as well. But in the foothills and uplands of these southern provinces was an endemic resistance to Ming rule. In other words, following a distinction first reported during Tran times, many Kinh people perceived value in being part of the northern empire, but the Trai people did not. Thus, in the 1420s, after the death of Zhu Di, it was among the Trai population of the southern provinces that active resistance to Ming developed most rapidly, particularly in the lower valleys of the foothills south of Red River and west of coastal plains. The Tran terms Kinh and Trai represented different tendencies on a spectrum of cultural and linguistic practice that in modern time have been perceived as a difference between Vietnamese and various peoples collectively called Muong.
Lát cắt quá rạch ròi của Taylor về sự phân rẽ mang tính vùng miền trong lịch sử Việt Nam thu hút chỉ trích cay đắng từ nhiều người Việt. Tuy nhiên, cần bình tĩnh hơn để xem xét quan niệm đó. Thực tế suốt quãng thời gian cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, vào những thời điểm Đại Việt có chính quyền đủ mạnh, họ chống cả Hán lẫn Chiêm. Nhưng những lúc trung ương suy sụp, Từ Nghệ An vào nam ngả về Chiêm trong khi đồng bằng Bắc bộ có xu hướng quy phục Hán. Các cộng đồng Đại Việt không chỉ ngả về bên này hay bên kia, họ còn dựa vào sức mạnh bên ngoài để cướp và giết nhau không nương tay. Đó là sự thực vào đời Trần mạt, Hồ và Minh thuộc.
(8) Trái ngược với ý kiến của đa số học giả Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Bản Minoru Katakura hoài nghi về tính tập quyền dựa trên luật pháp của thiết chế chính trị triều Lý. Sakurai Yumio thậm chí cho rằng việc phân chia Đại Cồ Việt thành 24 lộ là sáng tạo của sử gia đời Lê. Năm 2013, Momoki Shiro đề xuất lập luận rằng chính quyền Lý ban đầu mang tính địa phương, sau đó mới dần phát triển sang các khu vực khác. Shiro chứng minh “lộ” là một đơn vị giám sát mang tính chất quân sự, tư pháp và tài chính bao trùm các đơn vị hành chính như phủ, châu; theo ông, việc phát triển quá mức quyền lực ra khỏi vùng trung tâm là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Lý suy yếu và sụp đổ.
(9) Con số này rất đáng ngờ. Đại Việt sử lược chép là 5 ngàn. Xem: Khuyết danh, Đại Việt sử lược, bản dịch Nguyễn Gia Tường 1972, Nxb TPHCM (1993), bản điện tử của nhóm Công Đệ – Lê Bắc, trang 20.
(10) Nam Chiếu đánh An Nam với sự ủng hộ của các thủ lĩnh bản địa như gia tộc họ Đỗ ở châu Ái, Lý Do Độc ở châu Phong. Đặc biệt có tù trưởng thân thiết với tướng Nam Chiếu Đoàn Tù Thiên tên Chu Cổ Đạo. Ông này cùng chết với Tù Thiên khi Cao Biền tái chiếm châu thành. Như vậy, đối tượng tàn sát của Nam Chiếu không thể là khối dân còn theo văn hóa Lạc rất gần gũi với các tộc nói tiếng Kra-Dai. Cuộc “thanh lọc sắc tộc” của họ chủ yếu nhắm vào binh lính, quan chức và các chủ đất ở hai châu Phong và Giao. Nếu quan lại, quân chính quy đa số là người Đường thì tập hợp chủ đất lớn nhỏ quanh phủ trị lại là các gia đình Hán-Việt. Nam Chiếu quét sạch 150.000 người thuộc Phong và Giao châu mở đường cho tộc Thái trồng trọt trên các mảnh đất vừa chiếm được như chúng ta đã thấy. Cuộc phản công kèm theo giết chóc quyết liệt không phân biệt quân dân của Cao Biền một lần nữa tạo nên khoảng trống nhân lực tại trung châu. Biền cất nhà và khai thông thủy lộ hẳn đều hướng đến việc khuyến khích cư dân phía Bắc đến định cư tại Giao Chỉ. Sức mạnh sa sút của phủ Đô hộ cũ phơi bày khi họ Khúc ở Hồng châu (nay thuộc Hải Dương), Lý Tiến từ Nam Hán (Quảng Đông nay), Dương Diên Nghệ từ châu Ái thay phiên nhau tiến chiếm phủ thành dễ dàng. Nhiều khả năng, một số binh lính và dân thường theo chân 3 nhà lãnh đạo trên đã ở lại sinh sống tại trung tâm đồng bằng đã trở thành thưa vắng khi đó. Ngoài nguồn nhân lực tự nhiên tràn xuống từ miền cao điền khuyết không gian trống trải, nguồn bổ sung nhân lực tinh hoa đáng kể có thể là người Mân khi vương quốc Mân sụp đổ vào năm 945 và người Quảng khi vương quốc Nam Hán bị sáp nhập vào đế quốc Tống năm 971. Tập họp các thành phần dân cư nêu trên là cơ sở để hình thành người “kinh” khi Lý Thái tổ dời đô ra Thăng Long.
(11) Xem Nguyễn Danh Phiệt, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, Nxb Khoa học Xã hội (1990), trang 32-37.
(12) Xem Tạ Chí Đại Trường (2010), Có một nguyên nhân dời đô khác?, http://www.talawas.org/?p=23999.
(13) Theo tục “coong trình” của người Dao đỏ, phụ nữ có quyền ăn nằm với đàn ông nào họ thích. Hành động đó không bị xem là vi phạm đạo đức vì tộc Dao đỏ tin rằng sau khi qua đời phụ nữ cần có nhiều đàn ông đỡ đần để họ trải qua kiếp ma. Cũng có thể đó chỉ là phản ứng bản năng để cải tạo nòi giống của những người sống trong cộng đồng cách biệt, chịu nhiều hậu quả từ hôn nhân cận huyết.
(14) Khuyết danh, Đại Việt sử lược, bản dịch Nguyễn Gia Tường 1972, Nxb TPHCM (1993), bản điện tử của nhóm Công Đệ – Lê Bắc, trang 95.
(15) Nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn về cách đọc Hán Việt cho phép suy luận sự hình thành chữ Nôm như một hệ thống văn tự xảy ra sớm nhất là vào đầu thế kỷ XI. Thời điểm này gần như trùng hợp với khởi điểm hình thành thứ tiếng tiền thân tiếng Việt hiện đại giả thiết bởi John Duong Phan. Phan cho rằng ngôn ngữ mới ra đời là do cộng đồng người nói loại tiếng Hán địa phương (Annamese Middle Chinese) chuyển sang nói tiếng Tiền Việt Mường. Tác động của quá trình chuyển đổi khiến tiếng Tiền Việt Mường biến thành tiếng Tiền Việt Mường lai, có nhiều phương ngữ. Một trong số phương ngữ đó sẽ biến chuyển qua nhiều thế hệ để trở thành ngôn ngữ mới đặc sắc là tiếng Việt. Như vậy, theo lập luận của Phan, có thể nói rằng chủ thể ban đầu tạo ra tiếng Việt, kiêm tác giả chữ Nôm, là những người Hán bản địa hóa chứ không phải người Việt Hán hóa. Toàn bộ đoán định trên phù hợp với diễn tiến lịch sử khi Lý Công Uẩn cùng nhóm công khanh người Mân chiếm quyền cai trị Đại Cồ Việt (năm 1009). Trước đó, các “kỳ nhân” bản địa như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn hẳn không có ý định tự thay đổi tiếng nói của mình. Điều này có thể dẫn đến trở ngại là chính quyền trung ương, ngoài văn ngôn Hán, còn dùng một thứ ngôn ngữ giàu tính địa phương mà không phải bất kỳ cộng đồng nào trong khu vực Đại Cồ Việt đều hiểu. Nếu dưới thời đô hộ, tiếng và chữ Hán là bắt buộc thì thời đầu tự chủ, Đại Cồ Việt thiếu ngôn ngữ bản địa chính thức mang lại sự nhất thống. Phải khẳng định rằng tập đoàn họ Lý có ý thức mạnh mẽ về một vương quốc phương Nam tách biệt khỏi Trung Hoa, tương tự vương quốc Mân của tổ tiên họ. Lý Thái tổ che dấu gốc Phúc Kiến và dĩ nhiên không thể sử dụng bất kỳ loại tiếng Hán nào trong triều đình. Có thể nhu cầu dùng chuyển ngữ phi Hán đã khiến nhóm cầm quyền ngả sang tiếng Tiền Việt Mường. Thứ tiếng này phát triển chậm chạp dưới thời Lý để rồi có bước nhảy vọt khi họ Trần mang vùng ven biển Bắc bộ hòa nhập mạnh vào văn minh Đại Việt. Những tác giả Nôm đầu tiên được lịch sử ghi nhận đều là trí thức duyên hải. Tuy nhiên, ngôn ngữ mới chỉ thực sự mang tính phổ quát khi Hồ Quý Ly/Lê Lợi nối kết vùng trại vào không gian Thăng Long đồng thời gia tăng chất bản địa trong lòng văn hóa Đại Việt cũ.
(16) Xem Li Tana (2014), Towards an environmental history of the eastern Red River Delta, Vietnam, c. 900-1400, Journal of Southeast Asian Studies, 45, trang 315-337 doi : 10.1017/S0022463414000319
(17) Theo thống kê dân số tháng 4 năm 2009, tỉ lệ người kinh và người các tộc khác trong toàn vùng từ đèo Hải Vân trở ra là 81.56/18.44.
Tỉ lệ này chỉ để tham khảo vì khái niệm “kinh” hiện đại không trùng khớp khái niệm “kinh” thời Lý Trần hay thời Lê sơ, địa bàn từ Thừa Thiên – Huế đến biên giới Trung quốc hiện nay cũng không trùng khít với khu vực từ Thuận Hóa đến biên giới Tống Nguyên Minh thời đó.
(18) Trần Nghĩa, Một bức “ký họa” về xã hội nước ta thời Trần : Bài thơ “An Nam tức sự” của Trần Phu, Tạp chí Văn học 1 (1972), trang 112-113.
(19) Xem Trần Nguyên Đán, Đề Quan lỗ bạ thi tập hậu, Thơ văn Lý-Trần tập III, Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội 1978), trang 196.
____

[1]Nguyên văn: 安南陪臣裴伯耆來告急奏曰臣世事安南陳氏祖父皆為執政大夫死于國事臣母實陳氏近族故臣自少侍國王受爵五品後隸武節侯陳渴真為裨將洪武三十二年代渴真領兵出東海御倭奸臣黎季犛父子弒主篡位屠害忠臣滅族者以百十數臣兄弟妻子亦被收戮遣人捕臣欲加葅醢臣聞事變棄運遁逃轉入山林深居窮僻與蠻獠猿狖雜處耿耿忠誠鬱抑無告近聞皇上入登大寶統正萬方思欲瀝膽披肝請滅此賊履險乘危得至境上與商人負任抵冒而出今年四月始到思明官司接送幸覷天日臣切惟奸臣黎季犛乃故經略使黎國耆之子世事陳氏叨竊寵榮及其子蒼亦忝貴仕一旦得志遂成弒奪改姓名胡一元子曰胡僭號攺元不恭朝命肆虐下民百姓銜冤呼天叩地忠臣良士疾首痛心臣義激於中妄干天聽願廣一視之仁哀無辜之眾興吊伐之師隆繼絕之義臣得負弩矢前進導揚天威忠義之徒必當雲合嚮應禽滅此賊蕩除奸兇複立陳氏子孫使主此土則區區遠夷仰戴聖德恭修職貢永作外藩臣不才竊效申包胥為人敢以死罪請伏望陛下哀矜上憫之命有司給衣食 (Minh Thực Lục I, 549-550). Nhận xét: chữ Đê, tên tự xưng của Hồ Hán Thương trước vua nhà Minh không có chữ Hán chuẩn tương ứng.
[2]Nguyên văn: 安南賀正旦使者既至 上命禮部出陳天平示之使者識其故王孫也皆錯愕下拜者感泣者而裴伯耆亦責使者以大皆惶恐不能對 上聞之謂侍臣曰安南胡 云陳氏已絕敍為其甥權理國事請襲王封朕固疑之及下詢其陪臣父老皆曰然朕謂陳氏以壻得國今以甥繼之於理亦可乃下詔封之孰知其弒主篡位僭號改元暴虐國人攻奪隣境此天地鬼神所不容也而其臣民共為欺蔽是一國皆罪人也如何可(Minh Thực Lục I, 556-557)
[3]Nguyên văn : 賜安南歸附人裴伯耆冠帶 命隨大軍南征 (Minh Thực Lục I, 589)
[4] Nguyên văn : 莫迪莫邃莫遠及阮勛冒姓莫者皆不得志迎降於明明並授以官後邃至參政迪指揮使遠盐運使勛布政使 邃迪遠莫挺之之孫也 (Toàn Thư IV, 274)
[5]Nguyên văn: 偽僉判鄧原原諒江府南策州人莫邃莫遠等來見言賊恃偽東西都及宣江洮江沲江富良江以為固乃自三江府沲江南岸傘圓山循富良江南岸東下至寧江又于富良江北岸循海潮江希江麻牢江至盤灘困枚山緣江樹柵多邦隘增築土城城柵相連亘九百餘里盡發江北諸府州民二百餘萬守之驅老幼婦女以助聲勢又于富良江南岸緣江置樁盡取國中船艦列于樁諸江海口俱下桿木以防攻擊賊之東都守備亦嚴時列象陣步隊于城柵賊眾水陸號七百萬 (Minh Thực Lục I, 632-633). Nhận xét: bản dịch in thiếu chữ Nguyên trong tên Đặng Nguyên Nguyên.
[6]Lê Quí Đôn: Lúc ấy quân họ Hồ đóng giữ phía Bắc sông Phú Lương, tướng nhà Minh là Trương Phụ không biết hư thực thế nào, nên không dám qua sông. Thúy bèn từ phủ Nam Sách cùng với Tri châu Tam Đái là Đặng Nguyên, vẽ bản đồ địa hình (tờ 176b) xin làm hướng đạo, dẫn quân Trương Phụ qua sông đánh úp phá thành Đông Kinh; Thúy lại sai thủ hạ là bọn đầu mục Nguyễn Như Khanh bắt Hán Thương ở núi Cao Vọng. Người Minh thưởng công, phong cho Thúy chức Tham chính ở Ty Bố chính Giao Chỉ, phong cho Địch chức Chỉ huy sứ, cho Viễn chức Diêm thiết sứ. Sau Thúy dẫn quân vào Lạng Sơn đánh Nông Văn Lịch, bị trúng tên độc chết. (Đại Việt thông sử, Nxb Văn hóa – Thông tỉn 1976/2013, trang 247, 248)
[7]Nguyên văn: 征討安南左參政豐城侯李彬右參將雲南伯陳旭率師擊黎賊西都賊聞多邦城陷焚西都宮室倉庫逃入海賊黨有依天健山等處而以兵由生厥江潭舍江犯官軍者總兵官新城侯張輔遣都督黃中等屢敗之於是三江路宣江洮江等州縣次第詣軍門降 (Minh Thực Lục I, 645)
[8]Ngay sau đó Toàn Thư cho biết nhiều quân nhân, đinh nam ở Kinh lộ oán giận vì bị người Minh sai khiến đến ly tán gia đình nên lại đến gia nhập quân Hồ. Hai ghi chép tưởng như mâu thuẫn nhưng không phải. Điều này chỉ cho thấy tầng lớp tinh hoa ở đồng bằng sông Hồng ủng hộ người Minh khiến đông đảo bình dân lệ thuộc vào họ phải tuân phục ý chủ, nhưng vẫn tồn tại một số người tầng lớp dưới duy trì ý thức kháng cự. Đây chính là “manh lệ 氓隸” mà Lê Lợi nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo.
[9]Nguyên văn: 是日征討安南總兵官征夷將軍新城侯張輔調清遠伯王友左副將軍西平侯沐晟調都指揮柳琮等合兵討賊自注江濟軍襲籌江柵破之又攻困枚山萬劫江並賴山斬賊首三萬七千三百九十級獲偽團副丁部曲殺之餘黨潰散賊將胡杜聚船於盤灘江輔因南策州土人隊正陳封來降使擊杜敗之杜走悶海口盡得其船仍使封招撫諒江東潮等處人民使皆安業於是郡益聞風相繼降士民上書論黎賊過惡者日以百計 (Minh Thực Lục I, 646)
[10]Nguyên văn: 是日征討安南總兵官新城侯張輔左副將軍西平侯沐晟等敗黎賊於木丸江先是輔得諜報賊舟往來富良江距交州下流二十餘里又言季氂及其子澄等聚船於黃江等處遂領軍次木丸江晟及參將豐城侯李彬率步騎戰舡由富良江進次魯江黎賊以舡五百餘艘犯我軍輔等水陸並進都督柳升等奮擊賊舟膠淺遂大敗獲賊船十餘艘殺賊將阮仁子阮磊阮劣斬首萬餘級生擒賊將黃世岡彤文傑馮宗實莫鉄範鞋阮利等百餘人皆斬之溺死者不可勝計時南策州人莫邃等素憤黎賊率土兵萬人從征屢效勞績焉 (Minh Thực Lục I, 648-649)
[11]Nguyên văn: 伏蒙給榜遍諭國中宣布 聖天子德意令官複原職軍複原伍民複原業訪求陳氏子孫嫡而賢者一人為之奏請複其王爵以主國人謹分詣諸處宣布撫諭官吏軍民安業如故惟陳氏子孫向被黎賊殲夷已盡無有遺類莫可繼承安南本古中國之地其後淪棄溺于夷俗不聞禮義之教幸遇聖朝掃除兇孽軍民老稚得睹中華衣冠之晟不勝慶幸咸賴複古郡縣庶幾漸革夷風永沾聖化邃謹同耆老人等具表文一通請獻于朝以達下民之情總兵官新城侯張輔等亦以為黎民父子旦夕就誅而諸府縣皆已平定宜有所統以撫治其民即日遣人馳上奏之 (Minh Thực Lục I, 653-654)
[12]Nguyên văn: 乙丑安南土人武如卿等於永盎海口望高山獲偽大虞國王黎倉偽太子黎芮及黎賊子孫弟侄偽梁國王黎激等並賊將偽柱國東山鄉侯胡杜等安南平(Minh Thực Lục I, 661)
[13] Nguyên văn : 交址諒江府土官知府莫邃等來朝貢方物賜賚有差(Minh Thực Lục I, 748)
[14] Nguyên văn: 癸卯賜浡泥國王麻那惹加那乃及于闐東洋等處使臣交址諒江府知府莫邃等宴 (Minh Thực Lục I, 781)Nhận xét : chữ còn có thể phát âm là “nặc”
[15]Nguyên văn:癸丑陞交址諒江府知府莫邃為交址布政司右參政賞白金五十兩五百貫綵州中衛副千戶阮如偶陞指揮僉事如邃諒江府莫勛為布政司右參議州左衛指揮僉事陳汝石指揮同及新安府知府莫遠其賞皆視邃减之一
交址土人大軍及境先歸順賊撫民預有勞績總兵官新城侯張輔以使宜校職至是來朝…論以其功之餘裴如隆等二十四皆除各衛戶賜勑嘉奬上親製詩 (Minh Thực Lục I, 782-783)
[16] Nguyên văn:甲申賜交趾右參政莫邃參議莫勛占城國搒葛國剌哈火州雲南車里老撾及瓦剌等處使臣宴 (Minh Thực Lục I, 789)
[17]Nguyên văn:上以交址土官右參政莫邃等皆能竭力建功剿戮叛賊固守境土遣人齎敕往勞賜之彩幣莫邃六表裏右參議莫勛五表裏三江府知府杜維忠交州府知府杜希望鎮蠻府知府阮希伋新安府知府莫遠清化府知府梁汝笏土官指揮陳封陳汝石丁宅武正四表裏宣化府同知梁仕永太原府同知麻伯虎楊巨覽三表裏人各織金綺衣一襲鈔千貫 (Minh Thực Lục I, 877-878)
[18]Nguyên văn: 諒山農文歷聚兵據其地扼塞明人徃來之路殺獲無筭參政莫邃常領兵深入中毒箭死 (Toàn Thư IV, 285)
[19]Nguyên văn: 戊寅朔 命交址布政司右參政莫邃男嵩襲父職食祿而不任事時邃與賊戰死故推恩其子云 (Minh Thực Lục II, 378)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét