Nguyễn Hải Hoành
Đặc điểm của phát xít Nhật
Võ sĩ Nhật
Chủ nghĩa phát xít Nhật Bản có nguồn gốc
lịch sử lâu đời hơn rất nhiều so với phát xít Ý và Đức. Từ thế kỷ IX,
thế lực quân phiệt – một số ít dòng họ dựa trên sức mạnh của các võ sĩ (samurai)
– đã nắm quyền cai trị nước Nhật, triều đình chỉ còn là chính quyền
trên hình thức. Cuối thế kỷ XII, chính quyền hoàn toàn vào tay tập đoàn
quân phiệt gọi là Mạc Phủ do shogun (tướng quân) đứng đầu,
quyết định cả việc phong ai trong hoàng tộc làm Nhật Hoàng. Samurai nắm
hết các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống giới luật của họ – được gọi
là Võ Sĩ Đạo (Bushido) [1] – đã trở thành hệ thống đạo đức của
toàn dân Nhật, đề cao lòng dũng cảm, tự trọng đến cực đoan và trung
thành tuyệt đối với nhà vua. Không đâu trên thế giới có tục vì để giữ
danh dự mà mổ bụng tự sát như nước Nhật.
Đến năm 1867, Nhật Hoàng Meiji (Minh
Trị) mới phục hồi quyền lực cho triều đình, bãi bỏ chế độ samurai, lập
chế độ quân chủ lập hiến. Tuy vậy thế lực quân phiệt vẫn có ảnh hưởng
lớn trong đời sống; nghị viện có rất ít quyền lực; nhà vua đồng thời là
Thống soái Tối cao quân đội và trực tiếp chỉ định Thủ tướng. Dân Nhật
tin rằng đất nước họ là của thần thánh, dân tộc Nhật là hậu duệ của Nữ
thần Mặt trời Amaterasu, Nhật Hoàng không phải là người thường
mà là thần thánh, mọi người phải tuyệt đối trung thành với Nhật Hoàng,
coi nhà vua là biểu tượng của đất nước.
Trong Minh Trị Duy Tân, với khẩu hiệu “Phú quốc cường binh” “Thoát Á nhập Âu”,
Nhật đã phát triển mạnh công nghiệp nặng. Giai cấp tư sản Nhật ra đời
và nhanh chóng lớn mạnh, hình thành nhà nước phong kiến-tư bản, đối nội
thi hành sự thống trị độc tài chuyên chế, đối ngoại ra sức thôn tính các
nước xung quanh để biến Nhật thành một đế quốc hùng mạnh của châu Á.
Công nghiệp vũ khí và lực lượng quân đội nhanh chóng phát triển. Nhật
lần lượt đánh bại Trung Quốc và Nga trong các xung đột năm 1894 và
1904-1905, buộc Trung Quốc phải cắt bán đảo Liêu Đông và đảo Đài Loan,
Bành Hồ cho Nhật. Thế lực quân phiệt Nhật lấn áp dần phái dân sự, chính
sách xâm lược được tiến hành dưới chiêu bài tạo dựng một “Vành đai Đại
Đông Á phồn vinh”. Tháng 9. 1931, Nhật chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc
rộng 1 triệu km2 rồi lập “Mãn Châu Quốc”, dựng Phổ Nghi làm
bù nhìn đứng đầu. Đầu 1932, Nhật tấn công Thượng Hải. Ngày 7.7.1937,
Nhật gây ra vụ Lư Câu Kiều, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược
Trung Quốc. Tháng 11, Nhật chiếm Thượng Hải; tháng 12, chiếm Nam Kinh,
thủ đô Chính phủ Trung Quốc và gây ra vụ thảm sát 300 nghìn người Trung
Quốc ở đây. Tháng 8.1936, Chính phủ Nhật xác định Nam tiến tức “phát triển xuống vùng biển phía Nam” là “quốc sách cơ bản”, đầu tiên chúng chiếm đảo Hải Nam và Trường Sa (2. 1939).
Một sĩ quan Nhật chặt đầu người và cho chụp ảnh
Đối nội, bè lũ quân phiệt Nhật phản đối
lập Chính phủ dân sự, thời gian 1921-44 chúng gây ra ra 64 vụ bạo lực
chính trị, từ thập kỷ 30 chúng nắm hầu hết quyền lực. Nhật Hoàng Hirohito (Dụ Nhân, 1901-1989) lên ngôi từ 1926, lấy niên hiệu là Showa (Chiêu
Hoà). Hirohito không đấu tranh với cánh hữu quân phiệt mà còn a dua thi
hành chính sách của chúng. Năm 1932, các sĩ quan trẻ ám sát Thủ tướng
ôn hoà Tsuyoshi Inukai. Tháng 2.1936, chúng làm đảo chính lật đổ Chính
phủ Okada, tuy bất thành song chúng đã ám sát nhiều quan chức cấp cao ôn
hoà. Khắp nước Nhật bao trùm một không khí cuồng tín, hiếu chiến, không
một ai dám tỏ ý chống lại chính quyền hoặc nhà vua. Hãy so sánh: nước
Đức Hitler cũng phát xít hiếu chiến nhưng còn có không ít người chống
lại Hitler, chứng cớ là đã có hơn 5000 người Đức bị hành quyết vì định
ám sát hắn, trong đó có cả Thống chế Rommel, Tư lệnh quân đội Đức tại
Bắc Phi.
Chiến tranh Thái Bình Dương
Sau khi Đức gây chiến ở châu Âu và liên tiếp giành thắng lợi như chẻ tre, bè lũ quân phiệt Nhật càng nôn nóngNam tiến. Đầu năm 1940, Chính phủ Nhật tái xác định quốc sách Bắc thủ, Nam tiến,
coi tiến xuống phía Nam là mục tiêu chính, nhằm: – cắt đường viện trợ
của Mỹ cho Trung Quốc qua Đông Dương và Miến Điện, qua đó buộc Trung
Quốc đầu hàng, vì lúc này Nhật đang bị sa lầy ở Trung Quốc rộng mênh
mông; – chiếm tài nguyên Đông Nam Á để phục vụ kinh tế Nhật; – tranh thủ
khi Anh, Pháp đang bị Đức đánh cho tơi bời ở châu Âu, Nhật cướp các
thuộc địa của họ ở châu Á. Nhật phải “Bắc thủ” là do âm mưu “Bắc tiến”
từng bị Liên Xô đập tan ở Khalkhingôn (5.1939); và tháng 8.1939 Đức –
Liên Xô ký Hiệp ước không xâm phạm với nhau, Nhật biết không thể một
mình chọi với Liên Xô.
Lúc này Mỹ là cản trở chính cho việc Nam tiến của
Nhật, vì Hà Lan đã đầu hàng Đức; Anh đang bị máy bay Đức ném bom dữ dội
và đang lo bị Đức tấn công, không sức đâu để ý đến các thuộc địa của
mình ở châu Á. Mâu thuẫn Mỹ-Nhật ngày một gay gắt, trước hết là do Nhật
xâm lược Trung Quốc, các quyền lợi của Mỹ tại Trung Quốc bị xâm phạm.
Tính đến tháng 11.1939, Mỹ đã gửi 382 công hàm kháng nghị Nhật. Mỹ tăng
viện trợ cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch chống Nhật và không thừa nhận
Chính phủ Uông Tinh Vệ thân Nhật. Thứ hai, Mỹ chiếm Philippines làm
thuộc địa và quan tâm đến tài nguyên vùng Đông Nam Á, việc Nhật Nam tiến sẽ
đe doạ lợi ích của Mỹ. Ngoài việc kháng nghị, Mỹ còn tăng gấp đôi lực
lượng hải quân ở vùng này và tuyên bố Mỹ sẽ không để yên cho Nhật Nam tiến.
Thứ ba, Nhật lập quan hệ đồng minh với Đức, Ý là nhằm vào Mỹ, đồng thời
Nhật chuẩn bị phối hợp với Đức chiếm Singapore, thuộc địa của Anh, đồng
minh thân cận của Mỹ. Thứ tư, để đối phó với chính sách xâm lược của
Nhật, Mỹ ngày càng hạn chế xuất khẩu sang Nhật, gây khó khăn lớn cho
chính sách Nam tiến với hướng chính là Đông Dương và Indonesia.
Tháng 6.1940, Nhật ký Hiệp ước Hữu hảo với
Thái Lan, kích động Thái Lan mâu thuẫn với Pháp (cái gọi là nguy cơ
chiến tranh Xiêm-Pháp năm 1940). Đồng thời Nhật đòi chính quyền Pháp ở
Đông Dương cắt đường tiếp tế Trung Quốc của Mỹ qua biên giới Việt-Trung
(Hải Phòng-Lào Cai-Vân Nam) và yêu cầu Anh cắt đường tiếp tế Trung Quốc
qua Miến Điện và Hongkong. Tháng 7, Nhật quyết định đưa các thuộc địa
của Anh, Pháp, Hà Lan vào “phạm vi trật tự mới ở Đông Nam Á”.
Ngày 27.9.1940, Nhật, Đức, Ý ký hiệp
định Đồng Minh, lập Trục phát xít Âu-Á. Hitler có dự lễ ký ở Berlin.
Mussolini không đánh giá cao việc này. Điều 1 Hiệp định viết: Nhật thừa
nhận “sự lãnh đạo của Đức và Ý trong việc lập lại trật tự mới tại châu
Âu”. Điều 2, Đức và Ý thừa nhận vai trò tương ứng của Nhật tại châu Á. 3
nước thoả thuận sẽ giúp nhau nếu 1 trong 3 nước bị Mỹ tấn công. Hiệp
định có thời hạn 10 năm.
Tháng 11.1940, Tư lệnh Hạm đội Liên hợp,
đại tướng hải quân (đô đốc) Isoroku Yamamoto, nhân vật số ba ở Nhật
(sau Thiên Hoàng và Thủ tướng), cùng Bộ trưởng Hải quân bàn kế hoạch
đánh úp Trân Châu Cảng, một dự định tuyệt mật chỉ hai người này biết.
Ngày 13.4.1941, Nhật và Liên Xô ký Hiệp
ước Trung lập không xâm phạm lẫn nhau, nhờ đó Nhật rảnh tay đối phó với
Mỹ, Anh trong việc Nam tiến. 10 ngày sau khi Đức tấn công Liên
Xô, Chính phủ Nhật thông qua quyết định chiếm Đông Nam Á dù phải đánh
nhau với Mỹ. Nhưng để che mắt Mỹ, Nhật bày trò đàm phán bí mật với Mỹ.
Ngày 14.4, Nhật gửi thông điệp cho Pháp đòi chiếm 8 sân bay ở Đông
Dương. Ngày 14.7, Nhật đòi Pháp để Nhật dùng 8 sân bay ở Nam Việt Nam và
sử dụng cảng Sài Gòn và Cam ranh. Về sau, máy bay Nhật cất cánh từ Sài
Gòn đã tiêu diệt hạm đội Anh tại Singapore; từ sân bay Gia Lâm máy bay
Nhật thường xuyên sang ném bom Côn Minh cắt đường tiếp tế của Mỹ sang
Trung Quốc qua Miến Điện. Ngày 23.7, Nhật ký với chính quyền Pháp tại
Đông Dương hiệp định cho Nhật chiếm Việt Nam. Mỹ phản ứng bằng cách
ngừng đàm phán bí mật với Nhật và đóng băng tài sản Nhật, ngừng bán dầu
cho Nhật. Anh và Hà Lan cũng làm theo. Việc Mỹ cấm vận tuy không lập tức
gây khó khăn vì Nhật đã dự trữ dầu đủ dùng trong 2 năm, nhưng về lâu
dài là bất lợi; Nhật chỉ còn trông mong vào việc chiếm Indonesia, nước
sản xuất nhiều dầu mỏ. Vì vậy Nhật đã yêu cầu Indonesia (thuộc Hà Lan)
cắt đứt quan hệ với châu Âu để tham gia “Khối cộng đồng phồn vinh Đại
Đông Á ” do Nhật đưa ra.
Tháng 9.1941, Chính phủ Nhật thông qua
quyết định phát động chiến tranh Thái Bình Dương. Tháng 10, Bộ trưởng
Lục quân Hideki Tôjô, một trùm quân phiệt khét tiếng hiếu chiến từng là
Tư lệnh đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu, được Nhật Hoàng cử làm Thủ tướng
(thay Konoe từ chức) kiêm Bộ trưởng hai Bộ Lục quân và Nội vụ. Tôjô có
quyền như một shogun và được thăng từ Trung tướng lên Đại tướng.
Ngày 5.11, Nhật quyết định “phải chuẩn bị chiến tranh với Mỹ, Anh và Hà Lan nếu trước ngày 1.12.1941 các yêu cầu của Nhật không được đáp ứng.”
Đó là các yêu cầu Nhật nêu ra trong cuộc đàm phán với Mỹ từ 4.1941: –
để Nhật chiếm Trung Quốc và Đông Nam Á; – Mỹ và Anh không được tăng
cường lực lượng trong vùng châu Á – Thái Bình Dương; – Mỹ bán cho Nhật
các thứ hàng Nhật cần. Rõ ràng, Mỹ không thể đồng ý với các yêu cầu đó.
Vì vậy ngày 1.12, Nội các Nhật chính thức quyết định khai chiến với Mỹ,
Anh, Hà Lan. Thật ra, ngay từ ngày 26.11, một hạm đội hùng hậu đã bí mật
rời Nhật Bản tiến về Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, cách Nhật 6000km,
cách bờ biển phía Tây nước Mỹ 3000km). Lực lượng này gồm 6 tầu sân bay, 2
thiết giáp hạm, 3 tầu tuần dương, 11 tầu khu trục, 3 tầu ngầm cùng 423
máy bay hải quân, ngoài ra còn 27 tầu ngầm đi trước trinh sát./.
Trận đánh úp Trân Châu Cảng
Một tàu Mỹ chìm ở Trân Châu Cảng
7h50 Chủ Nhật 7.12.1941(theo giờ Hawaii,
hoặc 3h19 Thứ Bẩy 8.12 theo giờ Tokyo), 183 máy bay Nhật cất cánh từ
các tầu sân bay bắt đầu ném bom Trân Châu Cảng. Lúc này lính Mỹ trong
cảng đang ngủ say sau một tối Thứ Bẩy chơi bời vui vẻ. Cùng ngày, Nhật
tấn công Philippines, Hongkong, Malaysia, đảo Guam.
Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Đây
là cuộc chiến đặc biệt khó khăn đối với Mỹ, trong 1-2 năm đầu Mỹ thiệt
hại rất lớn, khác hẳn cuộc chiến Mỹ-Đức đang tiến hành ở châu Âu. Quân
Nhật cuồng tín liều chết kiểu Võ Sĩ Đạo và có chuẩn bị chiến đấu trước,
hơn hẳn Mỹ về trang bị vũ khí và kinh nghiệm tác chiến, và đánh ngay vào
các căn cứ quân sự của Mỹ. Bộ Chỉ huy quân Nhật lắm thủ đoạn ranh ma
xảo quyệt.
Để tránh bị mang tiếng là đánh trộm,
Nhật quy định thời điểm công kích Trân Châu cảng chỉ được bắt đầu 30
phút sau khi Đại Sứ Nhật tại Washington trao “Thông điệp cuối cùng” của
Nhật cho Chính phủ Mỹ. Nhưng thực tế là 20 phút sau khi trái bom đầu
tiên rơi xuống Trân Châu Cảng, Đại sứ Nhật tại Washington mới tươi cười
trao thông điệp cho Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Cordell Hull – tức là muộn
50 phút so với dự định của Nhật. Hull đã biết Trân Châu Cảng bị ném bom,
nhưng Tổng thống Roosevelt yêu cầu Hull giả vờ chưa biết gì, cứ tiếp
khách, nhận thông điệp và tiễn khách về.
Đoạn thứ 14 trong thông điệp của Nhật viết: “ … Trước
thái độ của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Đế Quốc cho rằng cho dù sau đây có
tiếp tục đàm phán cũng không thể đạt được thoả thuận. Nay xin thông báo
Chính phủ Mỹ biết và rất lấy làm tiếc.” Đọc xong Thông điệp, Hull
giận giữ nói: “Tôi làm việc 50 năm nay chưa bao giờ thấy có một Chính
phủ đê tiện như vậy và một văn bản xuyên tạc trắng trợn như thế.” Do tấn
công trước khi chính thức tuyên chiến, Chính phủ Nhật từ đó bị mang
tiếng xấu là “đánh trộm”. Khi biết chuyện này, đại tướng Yamamoto ngửa
mặt lên trời thở dài vì ý định để lại tiếng thơm cho đời sau của ông ta
thế là tan thành mây khói. Việc Nhật Bản đánh trộm đã gây nên một làn
sóng cực kỳ căm phẫn khắp nước Mỹ.
Thế nhưng tai hoạ vẫn chưa chấm dứt.
8h40, đợt tấn công thứ 2 của Nhật bắt đầu. 171 máy bay Nhật cất cánh từ
các tầu sân bay vượt 1 giờ 25 phút bay đến Trân Châu Cảng. Sau khi bắn
hạ hết các máy bay Mỹ lên ứng chiến, bom Nhật bắt đầu rơi xuống 3 sân
bay và các tầu chiến Mỹ. Do đã có chuẩn bị sau đợt công kích 1 nên lần
này pháo cao xạ Mỹ bắn lên dữ dội, hạ được 20 máy bay Nhật.
Trận kỳ tập Trân Châu Cảng diễn ra trong
có 1 giờ 45 phút. 96 tầu chiến các loại của Mỹ đỗ trong cảng cùng hàng
trăm máy bay hoàn toàn không kịp phản ứng. Phía Mỹ 4 thiết giáp hạm bị
đắm, 1 thiết giáp hạm, 3 tầu tuần dương và 3 tầu khu trục bị thương
nặng, 11 tầu các loại bị thương nhẹ, 260 máy bay bị phá hỏng, 63 bị
thương, chết 2334, mất tích 916, bị thương 1341 người – tóm lại hạm đội
Thái Bình Dương mất một nửa số tầu chiến và 70% máy bay. Rất may là
trước đó vài hôm các tầu sân bay Mỹ vừa được di chuyển đến nơi an toàn,
nếu không thiệt hại còn lớn nữa. Phía Nhật chỉ mất 32 máy bay và 133
người, 6 tầu ngầm.
Một điều trớ trêu là kẻ vạch kế hoạch
đánh úp Trân Châu Cảng – đại tướng hải quân Yamamoto trước đó lại chính
là người hăng hái nhất phản đối việc Nhật giao chiến với Mỹ. Yamamoto
từng học ở Mỹ rồi làm tham tán quân sự tại Mỹ nhiều năm, rất hiểu tiềm
lực công nghiệp hùng hậu của Mỹ. Năm 1940, Yamamoto từng trình lên Chính
phủ Nhật một bản ý kiến, trong có viết: “Giao chiến với Mỹ nghĩa là ta
tự tạo cho mình một kẻ địch mới rất hùng mạnh, sẽ làm nước ta thiệt hại
nặng; lẽ nào mục tiêu ta theo đuổi chỉ là kiếm một chút hư danh ư ?”
Yamamoto cũng phản đối việc ký hiệp ước đồng minh với Đức, Ý, với lý do
80% vật tư chiến lược Nhật nhập khẩu từ Anh và Mỹ, nếu Nhật đồng minh
với Đức thì sẽ mất nguồn vật tư đó. Nhưng sau khi Thiên Hoàng và Chính
phủ Nhật quyết định giao chiến với Mỹ thì với dòng máu Võ Sĩ Đạo “trung
hiếu” trên hết, Yamamoto lại rất nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương này.
Tuy vậy, Yamamoto cũng chỉ giới hạn mục tiêu là đánh tan hạm đội Thái
Bình Dương của Mỹ để ép Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến tranh với Nhật, chứ
không mong thắng Mỹ. Các sử gia Mỹ đánh giá Yamamoto là một trong mấy
tướng tài của Đại chiến II.
Thất bại cay đắng của Mỹ tại Trân Châu
cảng trước hết là do chính sách nuôi ong tay áo của Chính phủ Mỹ: trước
Đại chiến II, Mỹ luôn tìm cách để phát xít Đức và Nhật gây chiến với
Liên Xô, khiến cho hai bên đều thiệt hại, Mỹ “ngư ông đắc lợi”, “tọa sơn
quan hổ đấu”. Trước chiến tranh, Mỹ bán cho Nhật rất nhiều vật tư chiến
lược như vũ khí và dầu mỏ, sắt thép, hy vọng Nhật sẽ Bắc tiến chứ không
Nam tiến. Nhật đã lợi dụng sự ngây thơ chính trị này để giáng cho Mỹ
bài học nhớ đời. Thứ hai, sau Đại chiến I, đa số người Mỹ muốn theo “chủ
nghĩa cô lập (biệt lập)”, chủ trương không giúp đỡ các nước khác chống
xâm lược (trong ĐCI, TT Mỹ Wilson lúc đầu chủ trương trung lập, nhưng từ
2.1917 lại tuyên chiến với Đức và gửi hơn 1 triệu lính sang giúp châu
Âu đánh lại Đức, rồi đứng ra dàn xếp hòa bình ở hội nghị Versailles
khiến dân Mỹ bất bình cho là nước Mỹ tốn kém mà chẳng được lợi gì.).
Quốc hội Mỹ mạnh mẽ phản đối tăng chi phí quân sự, do đó Mỹ thiếu sự
chuẩn bị chiến tranh về tinh thần và vật chất. Trên vùng Thái Bình
Dương, Mỹ chỉ có 3 tầu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 22 tầu tuần dương và
54 tầu khu trục; trong lúc đó phía Nhật tương ứng có 10, 10, 38 và 113.
Các máy bay chiến đấu của Nhật đều có chất lượng trội hơn hẳn máy bay
Mỹ. Thứ ba, tư tưởng chủ quan khinh địch, bảo thủ về chiến lược chiến
thuật. Trong khi Yamamoto ra sức xây dựng binh chủng hàng không hải quân
thì Bộ Chỉ huy tối cao Mỹ vẫn sa đà với lý luận quân sự cũ rích của
Alfred Mahan (1840-1914), cho rằng thiết giáp hạm là lực lượng chính
quyết định việc giành quyền kiểm soát biển, mà chưa kịp thời chuyển sang
dựa vào tầu sân bay, luôn tuyên bố Trân Châu Cảng “nằm ngoài tầm bắn
của hạm đội Nhật”, cho rằng chiến tranh với Nhật sẽ là cuộc đại chiến
đấu pháo giữa các tầu chiến.
Thất bại vô cùng cay đắng này đã khiến
Tổng thống Roosevelt có một quyết định bất ngờ: không ngồi xe lăn mà để
con trai vực ra diễn thuyết 6 phút trước Thượng viện và Hạ viện.
Roosevelt nói ngay vào vấn đề: “Hôm qua, ngày 7 tháng 12, nước Mỹ đã
bị tấn công mạnh mẽ với chủ định từ trước. Ngày này sẽ mãi mãi là ngày
quốc xỉ của chúng ta ! …” cuối cùng ông nói: “Tôi yêu cầu Quốc
Hội tuyên bố : từ ngày Chủ Nhật mồng 7 tháng 12 năm 1941, bắt đầu từ
cuộc tấn công vô cớ và hèn nhát của Nhật Bản, giữa Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ
với Nhật Bản đã tồn tại trạng thái chiến tranh.” Hai viện nhanh chóng nhất trí thông qua yêu cầu của Tổng thống.
Thủ tướng Anh Churchill cả mừng khi nhận
được tin này. Thời gian qua ông ra sức kéo Mỹ vào cuộc chiến mà cũng
chỉ được Mỹ “Cho vay và cho thuê” (Lend-Lease) vũ khí và vật tư quân sự,
bây giờ Nhật đã giúp ông kéo được gã khổng lồ Mỹ trở thành đồng minh
của Anh. Ngay hôm ấy Anh cũng tuyên chiến với Nhật.
6 h sáng ngày 8.12, đại bản doanh Nhật phát thông cáo tin tuyên chiến ngắn có 3 phút. 11 h lại phát bản tin số 2: “Sáng
sớm hôm nay, hải quân Đế Quốc đã tiến hành một cuộc tập kích lớn bằng
máy bay vào hạm đội và binh chủng hàng không Mỹ tại Trân Châu cảng,
chiến quả huy hoàng.” Cả nước Nhật chìm trong không khí hân hoan chiến thắng. Những kẻ cuồng chiến tung hô “Đế Quốc muôn năm”. Riêng đại tướng Yamamoto thì bình thản nói với các tướng sĩ đến chúc mừng ông: “Chúng ta chẳng qua chỉ đánh thức được một gã khổng lồ đang ngủ say mà thôi !”
Thiệt hại ở Trân Châu Cảng
Trận đánh úp Trân Châu cảng do Yamamoto
vạch kế hoạch được coi là một trận thắng kinh điển trong lịch sử quân sự
thế giới. Tuy vậy, xét về mặt quân sự, Nhật cũng phạm những sai lầm
lớn. Do hạn chế thời gian tấn công trong 1 ngày và phạm vi ném bom rất
hẹp, vì vậy các mục tiêu chiến lược quan trọng (như tầu sân bay) của Mỹ
đều còn nguyên vẹn; Nhật đã bỏ qua cơ hội tuyệt hảo này để tấn công tiếp
các mục tiêu khác, do đó Mỹ nhanh chóng phục hồi tinh thần chiến đấu.
Trên đường về, hạm đội Nhật với lý do thời tiết xấu đã không tấn công
đảo Midway, mặc dù Yamamoto có hạ lệnh, do đó trong trận Midway tháng
6.1942, Nhật bị thiệt hại nặng.
Thực ra Trân Châu Cảng không phải là
trận mở màn Đại chiến II, mà trước đó gần 2 giờ, Nhật đã tấn công
Malaysia và đổ bộ miền Nam Thái Lan nhằm thực hiện mục tiêu chính là Nam Tiến, vì chỉ có chiếm Đông Nam Á, Nhật mới cướp được nguồn dầu mỏ, cao su v.v… phục vụ chiến tranh. Trở ngại Nam Tiến là
các căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng, Philippines và hạm đội Viễn Đông của
Anh đóng tại Singapore. Bởi vậy, Nhật đồng thời tấn công các mục tiêu
đó.
Philippines là nơi đóng Đại Bản doanh
của G. Marshall Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, có các đơn vị lục
quân và một hạm đội. Marshall rất chủ quan coi thường Nhật, ngay cả khi
biết Trân Châu Cảng bị ném bom. Trưa 8.12, khi 500 máy bay Nhật cất cánh
từ Đài Loan ập tới đây, Marshall mới ngã ngửa ra. Sân bay Clark bị ném
bom hơn 60 phút. 55 trong số 72 máy bay Mỹ tan xác; phía Nhật mất có 7.
Ngày 10, Nhật lại ném bom 2 giờ liền căn cứ hải quân Jami gần trụ sở của
Marshall. Trong 1 tuần, gần hết lực lượng không quân Mỹ ở Philippines
bị diệt, chỉ còn vài chiếc máy bay ném bom B-17 kịp sơ tán sang Úc, hạm
đội châu Á của Mỹ cũng rút đi. Vài tuần sau, Nhật đổ bộ Philippines,
ngày 2.1.1942 chiếm thủ đô Manila. Quân Mỹ rút về bán đảo Bataan cố thủ.
Ngày 9.4, sau 3 tháng chống cự, 75 nghìn lính Mỹ ở Bataan đầu hàng.
Ngày 7.5, Nhật chiếm Philippines.
Ngày 10.12.1941, máy bay Nhật cất cánh
từ Sài Gòn phát hiện và tấn công dữ dội hạm đội Viễn Đông của Anh có căn
cứ tại Singapore. 2 thiết giáp hạm Anh bị đánh chìm, 840 lính Anh thiệt
mạng, kể cả đô đốc Philip Tư lệnh hạm đội. Trong đó, thiết giáp hạm
“Hoàng tử xứ Wales” hiện đại nhất của Anh – kỳ hạm của hạm đội Viễn
Đông, từng được dùng để Churchill và Roosevelt ký Hiến chương Đại Tây
Dương nổi tiếng hồi tháng 8.1941 – bị đánh chìm là thất bại đau nhất của
hải quân Anh.
Tiếp đó, Nhật tiến xuống Indonesia. Tại
đây đã diễn ra các trận đánh ác liệt với quân Mỹ-Anh-Úc, kết quả Nhật
đều thắng. Ngày 1.3.1942, Nhật đổ bộ đảo Java, sau đó chiếm nốt các đảo
còn lại. Ngày 12.3, Tổng đốc Indonesia đầu hàng Nhật.
Mỹ ném bom Tokyo
Từ cuối 1941, cả nước Nhật say sưa mừng
chiến thắng. Đại tướng Yamamoto chỉ huy hạm đội Liên hợp được tôn vinh
là “Chiến Thần”, được Thiên Hoàng khen thưởng. Nhưng Yamamoto hiểu rõ
tiềm lực của Mỹ cực lớn, Nhật không thể nào thắng được; ông chủ trương
chỉ đánh sao cho Mỹ chịu giảng hoà, không cản trở Nhật chiếm Trung Quốc
và Đông Nam Á. Yamamoto lo nhất là máy bay Mỹ có thể ném bom Nhật để trả
thù trận Trân Châu Cảng. Nếu Mỹ ném bom Tokyo, người Nhật sẽ vô cùng
khiếp sợ, vì họ lo nhất về sự an toàn của Thiên Hoàng mà họ coi là đại
diện của đất nước.
Ngay sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống
Roosevelt đã thúc giục các cố vấn quân sự lập phương án ném bom Nhật
Bản để đánh dập khí thế hung hăng của địch. Trưởng ban tác chiến Hải
quân Mỹ King quyết tâm lập kế hoạch ném bom đất Nhật; ý đồ này được
Nimitz, Tư lệnh mới của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Arnold Tư lệnh
Hàng không của lục quân tán thành. Nimitz chủ trương “Phòng ngự trong
thế tấn công” để dần dần chiếm lại thế cân bằng. Khó khăn lớn nhất là Mỹ
không có căn cứ nào gần Nhật để máy bay Mỹ có thể từ đó ném bom đất
Nhật. Máy bay hải quân cất cánh từ tầu sân bay có bán kính tác chiến quá
ngắn, mà cho tầu sân bay đến gần Nhật sẽ vô cùng nguy hiểm. May sao một
sĩ quan hải quân có sáng kiến: dùng máy bay ném bom của lục quân cất
cánh từ tầu sân bay đi ném bom Nhật, sau đó không trở về tầu mà bay
thẳng đến đỗ xuống các sân bay của Trung Quốc, như vậy có thể giữ cho
tầu sân bay ở ngoài phạm vi tác chiến của máy bay Nhật.
Trung tá Jimmy Doolittle được giao thực
hiện nhiệm vụ này – ông là một phi công tài ba có học vị tiến sĩ hàng
không, đã ra quân nhưng lại tái ngũ. Doolittle tập họp được 80 phi công
tình nguyện, huấn luyện họ dùng máy bay ném bom B-25 đã cải tiến tập cất
cánh từ đường băng ngắn mà hẹp trên tầu sân bay. Việc này rất khó, vì
máy bay có trọng lượng cất cánh tới 13 tấn, do phải mang thêm thùng dầu
phụ và bom. Sau hơn 1 tháng tập luyện gian khổ, ngày 2.4.1942, một tàu
sân bay chở 16 chiếc B-25 có 6 tàu hộ tống lặng lẽ rời cảng Chicago tiến
về phía Tây. Đáng tiếc là khi gần tới vùng biển Nhật thì hạm đội bị
Nhật phát hiện. Để bảo đảm an toàn cho tàu sân bay, các máy bay phải cất
cánh sớm hơn, xa hơn và sẽ chỉ có thể ném bom vào ban ngày. Như vậy mức
độ nguy hiểm tăng lên rõ rệt, vì khi đó Nhật đã biết trước.
8 giờ sáng ngày 18.4, Doolittle nhận lệnh cất cánh. Anh nói với các đồng đội: “Bây
giờ ta còn cách Nhật 700 dặm, xa hơn hành trình dự định 200 dặm. Chúng
ta buộc phải ném bom ban ngày mà không có máy bay yểm trợ. Có ai sợ
không ? Nên nhớ là các phi công dự bị sẵn sàng trả giá 100 USD để được
bay thay chúng ta.” Tất cả đều hô lớn: “Có trả 1000 USD chúng tôi cũng không để ai thay thế ! Mau cất cánh đánh cho vỡ mặt bọn khốn kiếp ở Tokyo !”
Sau khi 16 chiếc B-25 đã cất cánh, hạm
đội lập tức quay mũi trở về căn cứ. Biên đội của Doolittle bay cực thấp
để tránh bị phát hiện. Sau 3 giờ bay, họ trông thấy đất liền. Trên đường
họ gặp một biên đội máy bay Nhật, nhưng vì bay rất thấp nên không bị
phát hiện. Thậm chí gặp cả máy bay chở Thủ tướng Nhật. Dân Nhật tưởng
đây là máy bay mình, ai nấy đều vẫy tay chào. Trong nửa phút, biên đội
Doolittle đã hoàn thành nhiệm vụ rải bom xuống các nhà máy thép, nhà máy
đóng tàu, bom rơi trúng cả 1 tàu tuần dương đang sửa chữa trên ụ. Họ
thấy rõ Hoàng cung Nhật, nhưng lệnh trên nghiêm cấm ném bom nơi này vì
sợ kích động tinh thần liều chết của người Nhật. Đồng thời 6 thành phố
khác cũng bị họ chia nhau ném bom. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, biên đội
Doolittle bay về phía Trung Quốc. Sau 13 giờ bay gian khổ, tối hôm ấy
khi dầu đã cạn, họ nhảy dù xuống vùng Triết Giang và Giang Tây. Sáng
ngày 20, Doolittle tìm thấy 4 chiến hữu, sau đó họ đề nghị quân đội Quốc
Dân Đảng Trung Quốc giúp tìm kiếm các bạn của họ.
Từ đó ngày 18 tháng 4 trở thành ngày hội
của không quân Mỹ. Trong 80 phi công bay trên 16 chiếc B-25 ném bom
Nhật, có 1 người chết khi nhảy dù, 2 người mất tích, 8 người bị Nhật bắt
(trong đó 3 bị hành quyết, 1 chết trong tù, 4 còn sống trở về sau chiến
tranh), 1 máy bay lạc sang Vladivostock (Liên Xô) bị giữ lại nhưng 13
tháng sau cả 5 người đều được về Mỹ. 64 người nhảy dù xuống Trung Quốc
an toàn, sau đó đều trở về Mỹ. Mới đầu Doolittle tin chắc khi về nước sẽ
bị đưa ra toà án binh vì tội không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không ngờ
anh lại được Quốc Hội tặng huân chương và thăng vượt cấp lên chuẩn
tướng rồi trung tướng. Ngày 18.4.1967, 55 người còn sống sót đã gặp mặt
nhau trên một tầu sân bay để kỷ niệm 25 năm chiến thắng vẻ vang này.
Trận ném bom ngày 18 tháng 4 đã làm rung
chuyển nước Nhật. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản bị ném bom ! Mặc
dù đài phát thanh Tokyo ngày nào cũng ra rả nói nước Nhật bất khả xâm
phạm, thế mà bây giờ chính người Nhật thấy máy bay Mỹ ném bom Tokyo, tâm
lý họ rất hoang mang. Mấy ngày sau, Nhật liên tiếp báo động nhầm. Chính
phủ Nhật lập tức họp, trừng trị các cấp chỉ huy bộ đội phòng không.
Nhật phải rút từ lực lượngNam Tiến 4 đại đội máy bay chiến đấu và 2 tầu sân bay lớn cùng một số tầu khác giữ lại bảo vệ trong nước. Kế hoạch Nam Tiến bị
tạm hoãn vì Nhật thấy sự đe doạ từ phía Đông mới là quan trọng. Do đó
Nhật vội vã tấn công đảo Midway và phải trả giá đắt cho sự vội vã đó.
Quân Nhật đã càn quét 2 tỉnh Triết Giang và Giang Tây, giết 250 nghìn
người Trung Quốc để trả thù việc họ giúp các phi công Mỹ nhảy dù.
Trận đấu tầu sân bay lớn nhất trong lịch sử
Sau vụ Tokyo bị Mỹ ném bom, Bộ Chỉ huy
Tối cao Nhật quyết định tăng cường phòng thủ nước Nhật, vì thế không đề
ra nhiệm vụ đánh chiếm Australia nữa, nhưng nhất thiết phải cắt được
tuyến tiếp viện từ Mỹ sang Australia, như vậy Mỹ sẽ không có điều kiện
phản công nữa. Muốn vậy Nhật phải đặt được một căn cứ không quân trên
đảo thuộc New Guinea để máy bay Nhật có thể thường xuyên quấy nhiễu
Australia.
Đầu tháng 5.1942, một hạm đội hùng mạnh
của Nhật do phó Đô đốc Shigeyoshi chỉ huy tiến xuống biển Coral ở phía
Bắc châu Úc với ý định chiếm các đảo vùng này nhằm cắt đứt tuyến liên
lạc giữa châu Úc với Mỹ. Trước hết Nhật cần chiếm được Tulagi thuộc quần
đảo Solomon và cảng Moresby ở bờ biển phía Đông New Guinea. Hạm đội
Nhật gồm 3 tầu sân bay, 6 tầu tuần dương và 7 tầu khu trục cùng 146 máy
bay trên tầu, ngoài ra còn hơn 90 máy bay trên đảo Rabaul hỗ trợ. Hồi ấy
hải quân Nhật có 10 tàu sân bay mà riêng hạm đội này đã có 3 tàu, gồm
hai tàu loại lớn là Shokaku và Zuikaku và một tàu loại nhẹ là tàu Shoho,
điều đó chứng tỏ hạm đội hành quân xuống biển Coral rất mạnh.
Biển Coral (Coral Sea) là một phần của Thái Bình Dương, rộng 4,8 triệu km2,
bao bọc bởi các đảo Solomon, New Hebrides (Vanuatu), New Caledonia, là
biển rộng nhất thế giới. Điểm độc đáo của biển này là các cấu tạo san hô
cực kỳ phát triển, do đó còn gọi là biển San hô.
Lần này, do nắm được mật mã của Nhật nên
quân đội Mỹ đã có chuẩn bị tốt chứ không bị bất ngờ như ở Trân Châu
cảng. Đó là nhờ chiến công hồi tháng 1.1942, một tàu khu trục Mỹ cùng 3
tàu săn tầu ngầm của hải quân Australia bắn chìm một tầu ngầm của Nhật ở
vùng biển nông gần châu Úc; sau đấy Mỹ vớt tầu này lên và lấy được cuốn
sổ mật mã trên tầu; nhờ đó tình báo Mỹ giải được các mật điện trao đổi
của địch và nắm được ý đồ của Nhật là muốn chiếm cảng Moresby.
Tướng Nimitz Tư lệnh mới của Hải quân Mỹ
ở Thái Bình Dương lập tức đưa một hạm đội hỗn hợp do đô đốc Fletcher
chỉ huy tiến vào biển Coral phục sẵn. Hạm đội gồm gồm 2 tầu sân bay
Lexington và Yorktown, 5 tầu tuần dương, 9 tầu khu trục cùng 143 máy
bay.
Ngày 3.5, Nhật chiếm Tulagi thuộc quần
đảo Solomon. Ngay hôm sau, máy bay Mỹ từ tầu sân bay Yorktown cất cánh
ném bom Tulagi, đánh chìm 1 tầu khu trục, phá huỷ 5 máy bay Nhật.
Ngày 7, máy bay Mỹ phát hiện và đánh chìm tầu sân bay Shoho cùng hơn 600 lính Nhật trên đường về Moresby.
Máy bay Nhật cũng đánh chìm 1 tầu tuần
dương và 1 tầu chở dầu của Mỹ. Đêm hôm đó, 27 máy bay Nhật đi tìm tầu
sân bay Mỹ để ném bom nhưng bất ngờ bị máy bay Mỹ tấn công, 9 máy bay
Nhật bị bắn hạ. Xảy ra một chuyện nực cười chưa từng có trong lịch sử:
vì trời tối, số máy bay Nhật còn lại đã nhầm lẫn xin hạ cánh xuống tầu
sân bay Mỹ, kết quả thêm 6 chiếc nữa tan xác bởi pháo cao xạ trên tầu
sân bay Mỹ bắn lên.
Sáng ngày 8.5, hạm đội hai bên cách nhau
175 hải lý và phát hiện nhau. Lập tức máy bay hai bên cất cánh tấn công
tầu sân bay của đối phương. Đây là trận đấu tầu sân bay lớn nhất trong
lịch sử thế giới.
Kết quả phía Nhật tầu sân bay Shoho và
một tầu khu trục bị đánh chìm, tầu sân bay Shokaku bị hỏng nặng, 77 máy
bay bị bắn rơi. Phía Mỹ tầu sân bay Lexington và một tầu khu trục bị
chìm, tầu sân bay Yorktown bị thương, 66 máy bay bị bắn hạ.
Có thể nói thiệt hại của 2 bên là tương
đương, thậm chí Mỹ thiệt hại nhiều hơn Nhật, nhưng đây là lần đầu tiên
hải quân Nhật bị thiệt hại nặng, bị hạm đội Mỹ ngăn không cho chiếm cảng
Moresby và các đảo Solomon, do đó Nhật không thực hiện được mục tiêu
quấy nhiễu Australia và cắt đường tiếp viện từ Mỹ sang châu Úc. Như vậy
về chiến lược là Mỹ thắng, Nhật thua. Trận chiến trên biển Coral đánh
dấu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đã chuyển sang giai đoạn cầm cự. Từ
đó tinh thần quân đội Mỹ và Đồng minh lên cao dần, kết quả họ đã giáng
cho hải quân Nhật một đòn nhớ đời tại đảo Midway.
Gọi là đảo Midway (“Giữa đường”) vì đảo
này nằm ở gần chính giữa hai bờ Đông và Tây của Thái Bình Dương, cách
Trân Châu cảng về phía Tây 1828 km./.
Nước Nhật đứng trước nguy cơ bị buộc phải đầu hàng
Sau những tổn thất lớn ban đầu và bị
Nhật chiếm mất nhiều cứ điểm quan trọng ở Thái Bình Dương, Mỹ đã ra sức
tăng cường lực lượng quân đội, tăng sản xuất vũ khí và cải tiến vũ khí.
Chi phí quân sự từ 4,5 tỷ USD năm 1941 tăng lên 20 tỷ năm 1942 và 38 tỷ
USD năm 1943, hơn hẳn Nhật (2,0; 3,0; 4,5 tỷ USD). Số lượng và chất
lượng các loại vũ khí Mỹ đều tăng vượt bậc. Năm 1944, Mỹ sản xuất được
hơn 35 nghìn máy bay, so với 11 nghìn của Nhật. Đặc biệt Mỹ thiết kế chế
tạo được một loạt máy bay tính năng tốt hơn máy bay Nhật, bay nhanh,
hỏa lực mạnh, chở nhiều bom.
Nhờ đó lực lượng Mỹ dần dần chiếm ưu thế
và từ cuối 1943 bắt đầu giành thế chủ động. Từ 1944, Mỹ phản công toàn
diện, chiếm lại quần đảo Marianna, các đảo Saipan, Guam, Tinian; máy bay
Mỹ từ Trung Quốc bay đến ném bom đất Nhật, phá huỷ các cơ sở sản xuất
và căn cứ quân sự khiến cho Nhật ngày càng thiếu vũ khí, trang bị. Sau
khi mất quần đảo Marianna, tinh thần chiến đấu của quân Nhật sa sút hẳn,
nhiều người đã nghĩ tới thất bại. Từ ngày máy bay Mỹ thường xuyên ném
bom đất Nhật, mọi hoạt động kinh tế, sản xuất công nghiệp bị thiệt hại
ngày càng nặng, sản xuất vũ khí giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới
hiệu suất chiến đấu của lính Nhật.
Trước tình hình thiếu máy bay tàu chiến,
Bộ Thống soái Nhật quyết định áp dụng chiến thuật đánh bom tự sát bằng
máy bay, tầu ngầm bỏ túi và ngư lôi người lái. Chiến thuật mới này đã
gây khó khăn và thiệt hại lớn cho Mỹ, nhưng cũng rất bất lợi cho Nhật vì
mất gần hết phi công giỏi, trong khi Nhật đang thiếu phi công và việc
đào tạo 1 phi công lâu hơn việc chế tạo 1 máy bay. Trong trận Mỹ tấn
công đảo Okinawa, 193 máy bay cảm tử Kamikaze Nhật tấn công hạm đội Mỹ,
có 169 chiếc bị pháo phòng không và máy bay Mỹ bắn rơi, chỉ còn vài chục
chiếc lao trúng mục tiêu. Tổng cộng đã có hơn 2200 phi công Kamikaze
chết, đây là một thiệt hại không thể bù đắp nổi. Sau đó máy bay Nhật
không còn có thể cất cánh được nữa, máy bay Mỹ càng tự do khống chế bầu
trời, tự do bắn phá, ném bom bất cứ mục tiêu nào.
Ngày ngày hàng nghìn máy bay Mỹ tung
hoành trên bầu trời Nhật, ném bom rải thảm xuống các đô thị. Mỹ chủ yếu
dùng bom cháy, để gây tâm lý sợ hãi vì hầu hết nhà dân Nhật đều là nhà
gỗ rất dễ bắt lửa và cháy lan ra xung quanh. Mỹ hay ném bom ban đêm, lửa
cháy sáng rực trời gây hiệu quả tâm lý sợ hãi trong dân Nhật, vả lại
ban đêm khó cứu chữa, sáng ra chỉ còn lại cảnh hoang tàn trông cực kỳ
thảm thương.
Hầu như toàn bộ các nhà máy quân sự đều
trúng bom, 64 đô thị Nhật biến thành đống tro tàn. Riêng cuộc ném bom
rải thảm Tokyo hai ngày 9 và 10 tháng 3.1945 đã làm 100 nghìn người chết
cháy. Máy bay ném bom kiểu mới của Mỹ là pháo đài bay B-29 bay rất cao,
máy bay Nhật (lúc đó đã bị diệt gần hết) và pháo cao xạ Nhật không với
tới, từ độ cao an toàn ấy máy bay Mỹ tha hồ yên tâm rải bom xuống mà
Nhật không làm gì được.
Ngày 7 tháng 5 năm 1945, nước Đức phát
xít đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Châu Âu im tiếng súng. Thất bại
thảm hại của nước Đức phát xít báo trước nước Nhật quân phiệt cũng sẽ
nhanh chóng hứng chịu kết cục nhục nhã như vậy. Nhưng phát xít Nhật vẫn
điên cuồng chống trả Đồng Minh. Mặt trận châu Á-Thái Bình Dương vẫn ầm
vang tiếng súng.
Tháng 6, Nội các Nhật họp, phái chủ chiến chiếm đa số quyết tâm “Bản thổ quyết chiến”, “chiến đấu đến người Nhật cuối cùng”. Thiên Hoàng Hirohito im lặng trước quyết định đó.
Lúc này đảo Okinawa cách đất liền 350
dặm đã bị Mỹ chiếm. Trên đất Nhật, 2,25 triệu lục quân và 1,25 triệu hải
quân chủ yếu lo cố thủ trước tin Mỹ sắp đổ bộ vào Nhật. Ngoài ra còn
khoảng 3,5 triệu quân Nhật đóng ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và một
số đảo trên Thái Bình Dương. Nghĩa là lực lượng Nhật vẫn còn rất mạnh,
Bộ Chỉ huy Tối cao Đồng minh không thể coi thường.
Ngày 16 tháng 7 năm 1945, Mỹ thử thành
công bom nguyên tử. Hôm sau, Truman, Churchill và Stalin hội đàm tại
Potsdam gần Berlin để bàn về tương lai nước Đức.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ J.
C. Gore và Bộ trưởng Lục quân H. L. Stimson dự thảo Tuyên ngôn Potsdam
về vấn đề ép Nhật đầu hàng vô điều kiện để chuẩn bị trình nguyên thủ Mỹ,
Anh, Trung Quốc ký (về sau Liên Xô cũng ký Tuyên ngôn này).
Ngay từ tháng 5, Gore đã kiến nghị với
Tổng thống Truman là chỉ cần Tuyên ngôn này đưa ra tiền đề Nhật có thể
giữ lại chế độ Thiên Hoàng, thì chắc chắn Nhật sẽ chấp nhận đầu hàng
ngay. Thế nhưng hồi ấy dư luận Mỹ và đa số quan chức trong Chính phủ Mỹ
đều đòi đưa Thiên Hoàng ra xét xử tội ác chiến tranh, phản đối giữ lại
chế độ Thiên Hoàng. Stimson đành đề nghị Truman dùng hình thức phi chính
thức để truyền đạt cho phía Nhật biết ý định nói trên của Mỹ.
Ngày 26 tháng 7, Tuyên ngôn Potsdam
chính thức công bố. Máy bay Mỹ thả xuống khắp đất Nhật hàng triệu tờ
truyền đơn in Tuyên ngôn này bằng tiếng Nhật. Điều 13 của Tuyên ngôn
viết: “Chính phủ Nhật phải tuyên bố toàn bộ quân đội Nhật lập tức đầu hàng vô điều kiện”, “Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự huỷ diệt nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật”.
Sakomizu, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật nhớ lại tình hình lúc ấy:
Nhà đương cục phía ta thận trọng
nghiên cứu từng câu từng chữ của Tuyên ngôn này, và tôi xin nói thẳng ra
là lúc ấy đã đi đến kết luận ta chỉ có thể dùng nó để làm cơ sở chấm
dứt chiến tranh, ngoài ra không còn cách nào khác. Bộ trưởng ngoại giao
ĐH còn bàn chuyện phải chăng hội nghị Chính phủ nên thừa nhận như vậy…
Thế nhưng Bộ trưởng Lục quân lại chủ trương “Ta đang nhờ Liên
Xô làm trung gian để điều đình (với Mỹ), nay đang chờ trả lời, do đó nên
chờ bao giờ có hồi âm thì hãy quyết định làm gì.” Thế là mọi người quyết định chờ đợi, nói cách khác, trước khi có hồi âm thì ta không tỏ thái độ gì về bản Truyên ngôn này. (“Sự thật của việc ngừng chiến”, 1989. Viết tắt Sđd1)
Nhật nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình với Mỹ
Quả thật, từ đầu tháng 7, Chính phủ Nhật
đã nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình để hoà giải với Mỹ, dựa trên cơ
sở Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô (ký 13.4.1941) đến 3.1946 mới hết hạn.
Về chuyện này, Thiên Hoàng Hirohito nhớ lại:
Sở dĩ phải chọn Liên Xô làm trung
gian là vì các nước khác đều yếu, nếu có đứng ra điều đình thì cũng bị
Mỹ, Anh áp chế, do đó dẫn đến việc đầu hàng vô điều kiện bất lợi. Liên
Xô vừa có thực lực lại có tình nghĩa ký hiệp ước trung lập với ta. Tóm
lại có 2 lý do như vậy… Thế nhưng rất khó nhận định Liên Xô là một nước
có thành ý, bởi thế trước tiên phải thăm dò thực hư. Chúng tôi quyết
định triển khai cuộc hội đàm Koki Hirota (cựu Bộ trưởng ngoại giao) với
Yakov A. Malik (Đại sứ Liên Xô tại Nhật) với nội dung: chỉ cần họ chịu
xuất khẩu dầu mỏ cho ta thì cho dù ta phải biếu đảo Nam Kurin và Mãn
châu cho họ cũng được…
Thế nhưng cho tới thượng tuần tháng
7, phía Liên Xô vẫn bặt vô âm tín. Mà tôi thì cần phải làm xong các việc
liên quan trước khi hội nghị Potsdam bắt đầu, nếu để chậm trễ thì sẽ
rất bị động. Thế là tôi bàn với Suzuki (Thủ tướng Nhật), quyết định chấm
dứt cuộc hội đàm Hirota-Malik mà trực tiếp giao thiệp với Chính phủ
Liên Xô.
Việc này liên quan đến chuyện cử ai
đi Moscow. Về đại thể đã kết luận Konoe (cựu Thủ tướng) là thích hợp,
nhưng sợ Konoe không nhận, nên tôi quyết định trực tiếp gặp ông ta nói
chuyện… Đầu tháng 7 tôi gọi Konoe đến và nói với ông ta là nhiệm vụ này
khó khăn đấy, nhưng đề nghị ông nhất định phải gắng hết sức mà làm.
Konoe nói dù phải chết cũng làm và nhận quyết định ấy. (“Tự bạch của Thiên Hoàng Showa”, 1995. Sđd2)
Nhưng rồi việc cử người đi Liên Xô bị
đình lại vì ngày 9. 7, các đại thần Arita và Kido đề nghị nhà vua nên
trực tiếp giảng hoà với Mỹ, Anh.
Tuy vậy Thiên Hoàng Hirohito vẫn cố chấp
nhờ Liên Xô môi giới điều đình, vì thế cho tới ngày 26 tháng 7, Bộ
trưởng Lục quân Anami đã mượn cớ nhà vua có chủ trương như vậy để cố ý
trì hoãn việc chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam. Thật ra, sau khi thấy Đức
đầu hàng và Liên Xô tập kết quân đội sang Viễn Đông, Anami cho rằng việc
nhờ Liên Xô làm môi giới đàm phán với Mỹ, Anh cũng là một thượng sách
để tránh chạm trán với Liên Xô.
Dưới sức ép của nhà vua và quân đội, Thủ tướng Suzuki đã không trả lời yêu cầu của Tuyên ngôn Potsdam./.
Ba vật thiêng của Hoàng tộc Nhật Bản
Theo giáo sư Komori ở đại học Tokyo, lý
do chủ yếu nhất của việc trì hoãn chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam là Thiên
Hoàng Hirohito chỉ lo làm sao “giữ được thể chế Thiên Hoàng” (“quốc
thể”) và giữ được “3 vật thiêng” của Hoàng tộc. 3 vật thiêng đó là: một
tấm Gương Bát Xích (vật tượng trưng cho tinh thần của Hoàng tộc, được
thờ ở đền Ise), một thanh Thảo Thế Kiếm (tức gươm trừ cỏ, còn gọi Thiên
Tùng Vân Kiếm) và một viên Ngọc Bát Xích Quỳnh Câu thờ ở 2 ngôi đền
khác. Đây là 3 vật báu có tính thần thoại của Nữ thần Mặt Trời
Amaterasu, tổ tiên dân tộc Nhật Bản. Thiên Hoàng lo các vật thiêng này
bị phá mất, vì hôm 24 tháng 7, bom Mỹ suýt rơi trúng đền Ise. Cố vấn của
nhà vua là Koichi Kido nhớ lại ông đã “tấu” lên Thiên Hoàng như sau:
Hiện nay phía quân đội đề xuất “bản thổ quyết chiến”,
kêu gọi đánh một trận quyết chiến thật lớn để xoay chuyển tình hình,
nhưng theo kinh nghiệm thời gian qua, mọi người khó có thể tin vào chủ
trương này. Nếu trận này thất bại, kẻ địch sẽ nhảy dù xuống khắp nước,
Bộ Thống soái tối cao sẽ bị bắt làm tù binh. Cho nên vấn đề cần thận
trọng xem xét hiện nay là làm gì để giữ gìn chu toàn 3 vật báu. Nếu
không, sẽ để mất biểu tượng Hoàng tộc 2600 năm nay, cuối cùng thể chế
Thiên Hoàng cũng khó có thể giữ được. Cho nên thần tin rằng việc hoà
giải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. (“Nhật ký của Kido”, 1966. Sđd3)
Ngày 31. 7, nhà vua nói với Kido:
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, cuối
cùng Trẫm cho rằng vẫn cứ nên chuyển các vật thiêng về bên cạnh Trẫm. Có
điều, khi ta động đến các báu vật ấy tất sẽ ảnh hưởng đến lòng người.
Cho nên Trẫm nghĩ là cứ nên thận trọng thì hơn. Ngày nào Trẫm cũng nghĩ
đến việc nếu chỉ dựa vào chủ ý của một mình Trẫm mà động đến các vật
thiêng ấy thì hậu quả sẽ ra sao ? Cho nên Trẫm đang nghĩ, nên chuẩn bị
thế nào về tinh thần để có thể làm tốt việc di chuyển các vật ấy đến
Shinsu (một vùng núi thuộc huyện Nagano). Việc này mong ngươi bàn kỹ với
Chánh văn phòng Hoàng cung. Cũng nên bàn với Chính phủ rồi hãy quyết
định. Trầm nghĩ: nếu có gì bất trắc thì Trẫm đành kiên trì bảo vệ và
cùng sống cùng chết với các vật thiêng ấy. (Sđd3)
Quyết định tối hậu của Truman
Đến lúc này, một tuần đã qua mà không
thấy phía Nhật có phản ứng gì về Tuyên ngôn Potsdam, Tổng thống (TT)
Truman vô cùng đau đầu. Ông muốn Nhật đầu hàng nhưng lại do dự chưa dám
đổ quân lên đất Nhật, cho dù lúc này hàng nghìn tầu chiến và cả triệu
lính Mỹ đã sẵn sàng.
Truman biết rõ đánh từ biển lên đất liền
sẽ bị thương vong cực nhiều và chưa biết bao giờ mới thắng nổi 3,5
triệu quân Nhật cố thủ trong các công sự ngầm trên 4 đảo chính của nước
này, chưa kể cùng từng ấy quân Nhật đóng ở các nước châu Á và các đảo
Thái Bình Dương. Truman nhớ lại những sự thật tàn nhẫn: trận đổ bộ đảo
Iwo Jima nhỏ tý đầu năm nay, quân số Mỹ gấp 3 Nhật, thế mà cũng mất gần
40 ngày mới chiếm được đảo, 21 nghìn lính Nhật đánh đến chết gần hết,
chỉ còn lại 1038 thương binh; Mỹ thương vong 31 nghìn người. Trận đảo
Okinawa vừa rồi, với ưu thế tuyệt đối 183 nghìn lính, 1500 tầu chiến mà
cũng mất 2 tháng Mỹ mới chiếm được; máy bay tự sát của Nhật lao vào tầu
chiến Mỹ, lính Nhật đánh đến chết không hàng; Mỹ thương vong 48 nghìn
quân.
Phương án “Chiến dịch Coronet” tấn công
chính quốc Nhật Bản do Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ dự thảo ước tính thương
vong phía Mỹ sẽ là 1,2 triệu người. Truman biết rằng nhân dân Mỹ không
bao giờ cho phép hy sinh con em họ nhiều như vậy. Cuối cùng TT Mỹ đành
chọn cách dùng bom nguyên tử để Mỹ không cần đổ bộ lên đất Nhật mà vẫn
buộc Nhật phải đầu hàng. Khi bom nguyên tử gây thương vong lớn đe dọa sự
tồn vong của dân tộc Nhật, vua Nhật không thể không quyết định đầu hàng
đẻ cứu quân đội và dân chúng nước này, cũng như cứu chính nhà vua cùng
Hoàng tộc.
8h15 sáng ngày 6 tháng 8, chiếc máy bay ném bom kiểu B-29 có tên Enola Gay từ
độ cao 10 nghìn mét thả một quả bom Urani 235 xuống Hiroshima, nơi có
trụ sở Bộ Tư lệnh miền Nam và nhiều nhà máy quân sự Nhật. Đây là một
trong số ít đô thị chưa bị Mỹ ném bom (nghe nói đó là Mỹ cố ý làm thế để
khi ném bom nguyên tử mới theo dõi được chính xác kết quả), dân chúng
nơi này khá chủ quan chưa thực sự coi trọng việc trú ẩn, vì thế thương
vong nặng nề. Bầu không khí thành phố bị đốt nóng đến 70000C. Hơn 200 nghìn dân bị chết.
TT Truman ra tuyên bố nói Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Thủ tướng Suzuki nhớ lại:
Sự việc đã đến nước này, tôi đành
quyết định: không còn cách nào khác, chỉ còn cách duy nhất là chấm dứt
chiến tranh. Sau khi nghe tin thảm hoạ ở Hiroshima, cuối cùng Bệ Hạ thở
dài nói: nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này
thì sẽ chỉ gia tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc bi thảm
trong lịch sử văn minh của nhân loại. Tôi và mọi người đau khổ nhận thấy
tâm trạng của Bệ Hạ vô cùng nặng nề….. Thế nhưng Chính phủ vẫn ra lệnh
tổng động viên các nhà khoa học quân đội, đốc thúc họ đến Hiroshima điều
tra thực địa, xác nhận bom nguyên tử là thật hay giả. Ngày 8 tháng 8,
sự thật đã rõ: đúng là bom nguyên tử thật. Do đó ai nấy càng lo sợ uy
lực của nó. (“Tự truyện của Suzuki”, 1966. Sđd4)
Khi biết tin ấy, Thiên Hoàng thở dài : “Nếu
cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ
làm tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc đau lòng trong lịch sử
văn minh của loài người.” (Sđd4) Thực ra, nhà vua chỉ lo cho số
phận của mấy triệu lính Nhật còn lại lúc ấy chứ đâu có nghĩ gì đến sinh
mạng dân chúng! Chính phủ Nhật thì chưa tin Mỹ có bom nguyên tử. Sáng
hôm sau họ cử các nhà khoa học đến Hiroshima khảo sát.
Trên thực tế, sự xuất hiện bom
nguyên tử hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của mọi người. Có người nghi ngờ
đó là trò lừa bịp của Mỹ, đề nghị trước tiên nên đến điều tra tại chỗ
rồi hãy nói…… Tối ngày 8, tiến sĩ Niko nước mắt ròng ròng báo cáo tôi: “Rất tiếc, đúng là bom nguyên tử”…. Nhận được báo cáo, Thủ tướng Suzuki chỉ thị tôi sáng mai họp ngay Nội các, ông sẽ tự nói ra ý định chấm dứt chiến tranh. (Sđd1)
Nhưng phái chủ chiến lại nêu ý kiến: Mỹ chỉ có một quả bom nguyên tử thôi, không có gì đáng sợ cả !
6 giờ sáng hôm sau, lại có tin Liên Xô
đã tuyên chiến chống Nhật. 11 giờ 2 phút, quả bom nguyên tử thứ 2 (bom
Plutoni) rơi xuống Nagasaki. Khoảng 120 nghìn người chết. Tổng cộng hơn
300 nghìn dân Nhật bỏ mạng chỉ vì Chính phủ chần chừ chưa tiếp thu Tuyên
ngôn Potsdam với lý do “chưa dự kiến đầy đủ” tình hình.
Việc Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử và Liên
Xô tham chiến chống Nhật đều được giải thích bằng lý do “Nhật từ chối
tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam”. Chính phủ Nhật đã chần chừ, chậm trễ. Tất
cả chỉ vì họ muốn giữ bằng được chế độ Thiên Hoàng họ coi là thiếng
liêng bất khả xâm phạm ! Điều 1 Hiến pháp Minh Trị 1889 viết: “Đế quốc
Đại Nhật Bản là một khối thống nhất do Thiên Hoàng cai trị”. Điều 3:
“Thiên Hoàng thiêng liêng bất khả xâm phạm”, và điều 4: “Thiên Hoàng là
nguyên thủ đất nước, nắm toàn bộ quyền thống trị”. Vì thế mà họ chỉ lo
giữ “quốc thể” (thể chế Thiên Hoàng)./.
Chiến tranh kết thúc
Sau Nagasaki, người Nhật thấp thỏm chờ
xem trái bom thứ 3 sẽ rơi xuống đâu. Tình hình vô cùng nguy cấp buộc
Nhật phải trả lời ngay có chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam hay không. Ngày
9, nhà vua dự “Ngự tiền Hội nghị” của Hội đồng Tối cao Chỉ đạo Chiến
tranh. Sakomizu kể lại :
“Đêm khuya ngày 9, “Ngự tiền hội
nghị” họp trong một gian hầm tránh bom rộng 45 m2 sâu dưới đất 10 mét.
Mọi người yên vị chờ nhà vua. Đức Vua mặt đỏ gay nặng nề bước vào. Một
ấn tượng sâu sắc cho đến nay tôi vẫn chưa quên được là có mấy sợi tóc rủ
xuống trán Đức Vua. Cuộc họp do Thủ tướng chủ trì. Trước tiên tôi đọc
Tuyên ngôn Potsdam. Vì các điều kiện nêu trong Tuyên ngôn này chứa những
nội dung Nhật Bản rất khó chịu đựng nổi, cho nên người nghe ai nấy đều
rất xấu hổ.”(Sđd1)
Phái bộ Nhật xin hàng trên tàu chiến Mỹ
Sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Togo phát
biểu nên tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam. Thủ tướng, Bộ trưởng Hải quân
Yonai và Viện trưởng Viện Cơ mật Hiranuma cũng đồng ý như vậy. Một số bộ
trưởng cho biết tình hình kinh tế rất gay go, không còn sức để kháng cự
nữa. Phái chủ chiến gồm Bộ trưởng Lục quân Anami, Tổng Tham mưu trưởng
(TTMT) Lục quân Umezu và TTMT Hải quân Toyoda nói nếu địch tấn công lên
đất Nhật thì nhất định địch sẽ thiệt hại vô cùng lớn, qua đó Nhật có thể
chuyển bại thành thắng, họ chủ trương “bản thổ quyết chiến”, “hy sinh
cả trăm triệu dân”. Họ chỉ đồng ý đầu hàng nếu Đồng minh bảo đảm 4 điều
kiện : – giữ chính thể quân chủ, – Nhật tự giải tán quân đội, – Nhật tự
xét xử tội phạm chiến tranh, – hạn chế số lượng quân Đồng minh chiếm
đóng Nhật.
Số người phái chủ hàng và chủ chiến
trong Hội đồng Tối cao Chỉ đạo chiến tranh ngang nhau, đều là 3, do đó
Thủ tướng Suzuki đề nghị Hoàng thượng quyết định.
“Đức Vua nói: “Thế thì Trẫm phát biểu
ý kiến của Trẫm vậy”. Tiếp đó Ngài nói: “Ý kiến của Trẫm là tán thành ý
kiến của Bộ trưởng Ngoại giao”. Xin các vị hãy tưởng tượng xem quang
cảnh lúc ấy thế nào? Địa điểm là sâu 10 mét dưới đất, và là trước mặt
Đức Vua. Nếu nói về sự yên tĩnh thì không nơi nào yên lặng hơn nơi này…
Khi Đức Vua nói xong, tôi thấy tức thở trong ngực, nước mắt trào ra rơi
xuống giấy tờ để trước mặt. Đại tướng Umezu ngồi cạnh tôi cũng vậy. Hình
như vào lúc ấy tôi nghe thấy tiếng nước mắt của mọi người tí tách rơi
xuống. Phút tiếp sau là tiếng thút thít. Sau nữa là tiếng khóc to, tiếng
gào lên. Tôi nhìn Đức Vua qua làn nước mắt, phát hiện thấy mới đầu Ngài
dùng ngón tay cái đeo găng trắng muốt liên tục lau mắt cặp kính của
Ngài, nhưng cuối cùng Đức Vua cũng bắt đầu dùng hai tay lau má. Đức Vua
cũng khóc rồi!
Nước Nhật Bản lập quốc đã 2600 năm,
hôm nay đón ngày chiến bại đầu tiên của mình. Hôm ấy cũng là ngày đầu
tiên Thiên Hoàng Nhật Bản khóc.” (Sđd1)
Sau đó Thiên Hoàng trình bày lý do tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam: phía Nhật căn bản chưa chuẩn bị xong “bản thổ quyết chiến”, nếu cứ mù quáng quyết chiến thì “tất sẽ dẫn đến sự vong quốc diệt chủng của dân tộc”, Trẫm “vẫn còn muốn truyền lại cho con cháu đời sau cái gọi là quốc gia Nhật Bản”!
Vua Hirohito nhớ lại: “Khi ấy lý do
thứ nhất tôi hạ quyết tâm (chấp nhận Tuyên ngôn) là: nếu cứ thế này thì
dân tộc Nhật sẽ diệt vong, tôi chẳng thể bảo vệ được các thần dân trung
thành của mình. Lý do thứ hai là để giữ gìn quốc thể (thể chế đất nước)…
Nếu địch đổ bộ lên gần vịnh Ise thì đền Ise sẽ bị địch kiểm soát, như
vậy sẽ không kịp di chuyển các vật thiêng. Nếu quả như thế thì sẽ càng
khó hộ trì quốc thể. Cho nên lúc ấy tôi cảm thấy dù phải hy sinh thân
mình, tôi cũng quyết giảng hoà (với địch)” (Sđd2)
“Thiên Hoàng trình bày Thánh Dụ của
Ngài về tình hình hiện nay. Đó thật là những triết lý sâu sắc, những chỉ
thị sáng suốt đưa ra từ một nhận thức nhìn xa trông rộng. Qua chỉ dụ
của Thánh thượng, chúng tôi cảm thấy Đức Vua nắm tình hình chiến cuộc
chính xác biết bao! Tất cả mọi người yên lặng nghiêm chỉnh lắng nghe.” (Sđd4)
Thánh thượng đã quyết thì chẳng ai dám
chống lại. 7 giờ sáng ngày 10 tháng 8, Thủ tướng Suzuki gửi điện báo cho
các nước thành viên LHQ, nói rõ ý định chuẩn bị tiếp thu Tuyên ngôn
Potsdam. Trong bức điện đầu tiên do Bộ Ngoại giao Nhật dự thảo có đưa ra
một điều kiện: “Dưới tiền đề không bao gồm điều kiện đòi thay đổi địa vị pháp lý quốc gia của Thiên Hoàng được thông cảm”. Chủ
tịch Viện Cơ mật phản đối điều này với lý do đại quyền thống trị của
Thiên Hoàng là đại quyền của thần thánh, vượt trên quốc pháp. Kết quả,
trong bức điện phát đi đã giữ nguyên câu đó.
Ngày 10.8, CP Nhật gửi điện cho CP Thuỵ
Điển và Thuỵ Sĩ, nhờ chuyển tới CP Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc nội
dung: Nhật sẵn sàng chấp nhận tất cả các điều khoản trong Thông cáo
Potsdam; nếu Hoàng gia cùng chủ quyền quốc gia Nhật không bị bất kỳ tổn
hại nào, Nhật sẽ lập tức vô điều kiện chấp nhận Thông cáo đó.
Sáng ngày 10, nhận được bức điện nói
trên, TT Truman bàn với Byrnes, Stimson, Forrestal (Bộ trưởng Ngoại
giao, Lục quân, Hải quân) về vấn đề có nên giữ lại chế độ quân chủ Nhật
hay không. Stimson cho rằng giữ lại Nhật Hoàng sẽ có lợi cho việc giải
giáp quân đội Nhật đang đóng phân tán khắp nơi trên Thái Bình dương. 2
giờ chiều, Truman đọc trước Quốc hội bức điện phúc đáp Nhật do Byrnes
thảo với nội dung chính là: sự cai trị của Nhật hoàng và Chính phủ Nhật
sẽ lệ thuộc vào (nguyên văn subject to) Tư lệnh Tối cao quân đội Đồng
minh; hình thức chính quyền cuối cùng của Nhật sẽ do nhân dân Nhật quyết
định.
Nhận được phúc đáp đó, Thủ tướng Nhật
cho rằng có thể chấp nhận điều kiện này, vì chế độ quân chủ vẫn được bảo
lưu. Nhưng phái chủ chiến quyết không chấp nhận.
Ngày 13 tháng 8, điện trả lời chính thức của LHQ gửi đến Tokyo. Theo Thủ tướng Suzuki, nội dung bức điện này như sau:
“Thứ nhất, nói rõ quyền cai trị quốc
gia của Thiên Hoàng và Chính phủ ta phải đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư
lệnh Tối cao LHQ. Thứ hai, sau khi chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam, sẽ lập
tức ra lệnh nói về các công việc Thiên Hoàng và Chính phủ ta phải làm.
Thứ ba, nói rõ hình thái chính trị cuối cùng của Nhật Bản phải được
quyết định căn cứ theo ý chí tự do biểu đạt của quốc dân Nhật Bản.” (Sđd4)
Trong bức điện có câu: Thiên Hoàng và
Chính phủ Nhật Bản là “subject to” Bộ Tư Lệnh LHQ. Từ tiếng Anh này đã
gây ra sự chống đối của quân đội Nhật và nổ ra một cuộc bàn cãi sôi sục
về vấn đề “giữ quốc thể”.
Bộ Ngoại giao Nhật dịch “subject to” là
“đặt dưới sự kiểm soát của …”, và cho rằng Nhật có thể tiếp thu. Bên
quân đội dịch là “lệ thuộc vào …”, do đó họ nói như thế là mất quốc thể,
vì vậy họ càng kiên quyết không đầu hàng. Thiên Hoàng nhớ lại:
“Trong quá trình xảy ra bất đồng như
vậy, Mỹ bắt đầu cho máy bay rải truyền đơn báo cho toàn thể quốc dân
Nhật biết là Nhật đang xin chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam… Nếu những
truyền đơn ấy rơi vào tay quân đội thì tất nhiên sẽ nổ ra đảo chính… Bởi
vậy 8h30 ngày 14, tôi ra lệnh Thủ tướng triệu tập họp ngay.” (Sđd2)
“11h trưa ngày 14, Hội đồng Tối cao
và Chính phủ bắt đầu họp liên tịch. Hai phái chủ hàng và chủ chiến lại
cãi nhau. Cuối cùng vua Hirohito nói: “Trẫm đã xem xét điện văn của Đồng
minh, rút ra kết luận là các điều kiện họ đưa ra đã hoàn toàn thừa nhận
lập trường trong công hàm của ta. Trẫm cho rằng có thể chấp nhận bức
điện này… mong Nội các lập tức dự thảo Chiếu thư chấm dứt chiến tranh…
Thời vận nay đã như thế rồi, ta không còn sức để chống lại nữa. Tiếp tục
chiến tranh chỉ dẫn đến sự huỷ diệt dân tộc… Đúng là Trẫm sẽ vô cùng
đau lòng khi nhìn thấy quân đội trung thành với Trẫm bị tước vũ khí…
Nhưng bây giờ ta cần nhẫn nhịn cái không thể nhẫn nhịn được. Cho nên
Trẫm dự định toàn bộ tiếp nhận các điều kiện của đối phương.”
Nói đến đây, Đức Vua ngừng lại. Tôi
ngẩng đầu nhìn, ôi, thật đau lòng ! Thì ra, Đức Vua đang khóc… Tất cả
mọi người cũng không thể chịu đựng được nữa, họ oà lên khóc hu hu, thậm
chí có người khóc tru tréo, kêu trời gọi đất…” (Sđd3)
Theo truyền thống Võ Sĩ Đạo, đàn ông
Nhật “không bao giờ thất sắc khi Thái sơn sụp đổ ngay trước mặt”, thế mà
các vị samurai cấp cao nhất ấy lại khóc hu hu. Bộ trưởng Lục quân quỳ
xuống bò về phía nhà vua nói to: “Xin Đức Vua không đầu hàng!”
Bây giờ Thiên Hoàng đã hai lần quyết định, chẳng ai dám chống lại Thánh ý. Hai nhà Hán học giỏi nhất được mời đến để thảo“Chiếu Thư chấm dứt chiến tranh” cho
Thiên Hoàng ký. Nửa đêm 14, Chiếu Thư viết bằng chữ Hán-Nhật dự thảo
xong trình lên Hội đồng Tối cao. Bộ trưởng Lục quân đòi sửa đi sửa lại
từng chữ sao cho “giữ được quốc thể”. Câu viết về “3 vật thiêng” cũng bị
xoá, vì sợ phía Mỹ biết sẽ đi tìm kiếm. Cuối cùng Thiên Hoàng đọc Chiếu
Thư ghi âm vào đĩa để hôm sau phát trên đài phát thanh.
Khi Bộ trưởng Lục quân Anami về cơ quan bộ truyền đạt Thánh chỉ, nhiều sĩ quan doạ “Thà chết chứ không đầu hàng”. Anami rút súng lục ra đặt lên bàn hét lớn: “Thánh chỉ đã hạ, ai không phục tùng thì hãy giết tôi trước!”. Hai sĩ quan lập tức nổ súng tự sát. Anami cũng quyên sinh.
Theo ấn định, ngày 15.8 đài phát thanh
Tokyo sẽ phát đi lời Thiên Hoàng đọc Chiếu thư gửi toàn thể thần dân ghi
trên đĩa. Suốt đêm trước, 30 sĩ quan trẻ trong đội cảm tử của “Trung đoàn Thần phong (Kamikaze) Quốc gia” do
một đại uý chỉ huy đi xe tải từ cảng Yokohama đến Tokyo, sát khí đằng
đằng tuyên bố sẽ giết hết lũ “phản nghịch” quốc gia, tức phái chủ hoà.
Trước tiên chúng đi tìm Thủ tướng Suzuki. Lúc nửa đêm, chúng bắn súng
máy vào Phủ Thủ tướng. Lính bảo vệ ở đây trốn sạch. Biết Suzuki không có
mặt, chúng phóng hoả đốt toà nhà rồi kéo đến nhà riêng Thủ tướng. Do
được báo trước, Suzuki đang ngủ vội kéo cả gia đình lên xe, chạy được
một quãng thì gặp xe của đội Thần phong. Suzuki vội bảo mọi người cúi
rạp xuống, nhờ đó mới thoát chết.
Dù Bộ trưởng Lục quân ra sức khuyên mọi
người kiềm chế không được chống lại Thánh chỉ, nhưng lũ sĩ quan trẻ
không nghe. Con rể cựu Thủ tướng Tojo cùng em trai Bộ trưởng Lục quân và
các sĩ quan trẻ chủ trương dùng vũ lực diệt phái chủ hàng và buộc Nhật
Hoàng tiếp thu yêu cầu đánh đến cùng. Chúng kéo đến Hoàng cung để tìm và
huỷ đĩa ghi âm lời nhà vua đọc Chiếu thư đầu hàng, nhưng muốn vào thì
phải được tướng Mori chỉ huy sư đoàn cận vệ Hoàng gia cho phép. 1 giờ
sáng, chúng đến nhà riêng Mori, nhưng cũng nhận được lời khuyên không
được chống lại Hoàng thượng. Lập tức chúng bắn chết Mori và chặt đầu em
trai ông này, rồi tự viết “Mệnh lệnh số 584 của sư đoàn cận vệ” và
đóng dấu của sư đoàn trưởng. Sau khi phân phát lệnh đó đi các nơi, quân
đảo chính xông vào Hoàng cung sục tìm đĩa ghi âm Chiếu thư, nhưng vì
Hoàng cung quá rộng nên không tìm được.
5 giờ sáng, Đại tướng Tanaka đến sư đoàn
cận vệ giải quyết vụ rắc rối và được biết, chính Liên đội 2 của sư đoàn
này chiếm Hoàng cung. Ông ra lệnh bắt giam viên thiếu tá ký “Mệnh lệnh
584” và gọi điện cho đại tá chỉ huy Liên đội 2 ra lệnh rút hết quân ra
khỏi Hoàng cung, và tuyên bố ông tiếp quản chỉ huy sư đoàn cận vệ Hoàng
gia.
Cuộc đảo chính kết thúc với thất bại
thảm hại vào lúc toàn thể dân chúng Nhật túm tụm bên loa truyền thanh
hoặc rađiô để lần đầu tiên trong đời được nghe tiếng nói của Thiên
Hoàng. 11 giờ 30 ngày 15, đĩa ghi âm lời Thiên Hoàng đọc Chiếu thư được
đưa đến đài phát thanh canh gác vô cùng cẩn mật. Đúng 12 giờ trưa, đài
phát thanh phát quốc ca Nhật Bản. Tiếp đó, giọng Thiên Hoàng Hirohito
vang lên :
“Sau khi xem xét xu thế lớn của thế
giới và hiện trạng của Đế quốc (tức Nhật bản), Trẫm muốn dùng biện pháp
bất thường để thu dọn thời cuộc. Nay Trẫm báo để các thần dân trung
lương của Trẫm biết : Trẫm đã ra lệnh cho Chính phủ Đế quốc thông báo
cho 4 nước Mỹ, Anh, Trung, Xô, tiếp thu Thông cáo chung của họ …”
Nói cách khác, tức là chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, nhưng vì giữ sĩ diện, Chiếu Thư không hề dùng chữ “thua trận”, “đầu hàng”. Chiếu Thư còn trơ trẽn nói: trước đây Trẫm không định xâm lược nước khác; Nhật tuyên chiến với Mỹ, Anh là do nhu cầu“tự tồn và an ninh của Đông Á”, …“nhưng
chiến cục không chuyển biến tốt, xu thế lớn trên thế giới bất lợi cho
ta; cộng thêm địch mới đây sử dụng loại bom tàn nhẫn giết người vô tội,
không thể lường được thiệt hại. Nếu tiếp tục giao chiến, cuối cùng sẽ
dẫn đến sự diệt vong dân tộc ta, phá hoại nền văn minh nhân loại.” Nghĩa
là Nhật ngừng chiến không phải do thua mà chỉ là để tránh thảm hoạ dân
chúng bị bom nguyên tử giết hại. Chiếu thư cũng lờ đi việc Nhật xâm lược
Trung Quốc và bị Liên Xô đánh cho tơi bời ở Mãn Châu… Tóm lại, chính
quyền Nhật vẫn còn vô cùng ngoan cố.
Trước tình hình đó, ngày 19.8, MacArthur Tư lệnh quân đội Đồng minh đã giao cho Nhật 3 văn bản để ký, đó là :
- Bố cáo của Thiên hoàng về việc chấm dứt chiến tranh,
- Văn kiện đầu hàng,
- Quân lệnh số Một về việc hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Nhận được Chiếu thư nói trên của Thiên
Hoàng, quân đội Nhật trên tất cả các mặt trận trong và ngoài nước đã
nghiêm chỉnh ngừng chiến và sau đó nộp vũ khí khi quân đội Đồng Minh tới
giải giáp. Nước Nhật thành lập Chính phủ mới do Hoàng thân Higashikuni
làm Thủ tướng và cử Bộ trưởng Ngoại giao cùng Tổng Tham trưởng quân đội
dẫn đầu phái đoàn Nhật đến ký văn bản đầu hàng không điều kiện ngày 2.9
trên chiến hạm Missouri của Mỹ neo đậu trong vịnh Tokyo. Chiến tranh
Thái Bình Dương chấm dứt từ đó, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho
nhiều dân tộc châu Á giành lại độc lập từ tay các đế quốc phương Tây.
Một kỷ nguyên mới bắt đầu bừng sáng ở phương Đông – kỷ nguyên tan rã,
sụp đổ của chế độ thực dân trên toàn
Nguyễn Hải Hoành
tổng thuật từ các tư liệu nước ngoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét