Trích (một trăm ngày trước tuổi hai mươi)
Buổi sáng, chúng tôi đi bộ lên trung đoàn.
Đường đi vòng vèo đền 5-6 cây số, qua những bản Mường nghèo nàn, yên tĩnh. Đến
nơi, xếp hàng vào nhận. Tiêu chuẩn mỗi anh: một mũ cối, một ba lô, một bộ quân
hàm hai sao cấp bậc binh nhì, hai bộ
quần áo dài, hai bộ đồ lót, một đôi giầy vải, một khăn mặt và một chiếu cá
nhân. Anh em thắc mắc, phát giầy sao
không có tất? Không ai giải thích.
Buổi tối, sinh hoạt Atiểu đội. A trưởng
Thụ, đeo quân hàm hạ sỹ, khích lệ mọi
người diện quân phục cho oách. Nhưng khi tập hợp, tiểu đội tôi còn mỗi năm
người. Tôi, ba sinh viên là Đình, Tới, Khánh, công nhân có anh Cự, nông dân có
Cần. Còn lại bẩy người kia đã trốn mất. Có đứa, vừa nhận quân trang, đi thẳng
ra bến xe. Có đứa, dông ngay ra đường quốc lộ, vẫy xe tải về thành phố. Cũng có
đứa, tụt tạt vào nhà dân hay đơn vị khác, chờ đến tối, mới lên đường. Lèo tèo
vài người. Hát không hát được. Kiểm điểm không biết nhằm vào ai. Tâm trạng A
trưởng bực bội. Đành giải tán. Nhiều tiểu đội khác cũng tương tự.
Phải đến ngót một tuần, những người trốn về
mới lò dò lên. Tôi và Đình được lệnh dẫn anh em lên nhà đại đội. Trong nhà, anh
Đông và anh Ngũ ngồi sau bàn. Anh Ngũ vừa được bổ sung về làm chính trị viên.
Anh này đi bộ đội hơn sáu năm từ hồi chống Mỹ, mới là trung sỹ. Nét mặt hai anh
sát khí đằng đằng. Trong sân, lính tráng nằm ngồi ngả ngốn. Anh Đông và anh Ngũ thay nhau gọi.
- Nguyễn
Công Trình !
- Dạ, có
tôi !
- Tại
sao đồng chí đảo ngũ ?
- Dạ, em
muốn về nhà, diện quân phục, đi khoe với cô giáo và các bạn cùng lớp thôi ạ.
- Cô
giáo cậu chưa nhìn thấy bộ đội bao giờ chắc ?
- Dạ,
chồng cô giáo cũng là bộ đội. Nhưng khi đi học, em luôn là học sinh cá biệt.
Giờ em mặc quân phục vào cho cô giáo và bạn bè lác mắt ra !
- Cậu
thích lác mắt hả ? Kỷ luật: Xuống giúp anh nuôi ba ngày ! Chuyên nhóm lò ! Người khác: Phan Chí Thắng !
- Dạ, có
tôi !
- Tại
sao đồng chí đảo ngũ ?
- Dạ,
thưa hai thủ trưởng, bố em là họa sỹ. Mẹ em bảo, ông toàn vẽ phong cảnh, không
vẽ chân dung con trai mình. Thế là em
phải đứng làm mẫu cho bố em vẽ em ạ.
- Đứng
hay ngồi.
- Dạ,
đứng ạ.
- Đứng
thế nào ?
- Dạ, em
đội mũ, đeo ba lô, mặc quân phục, đeo sao và tiết đàng hoàng, đứng trong phòng,
từ sáng đến chiều, có hôm lại từ chiều đến tối, nóng hết cả người.
- Đứng
bao lâu ?
- Dạ,
đứng năm ngày ạ.
- Bảo bố
cậu, tại sao không ra tiệm ảnh, chụp nhoáy một phát là xong ?
- Dạ,
cái đấy em không biết ạ. Nhưng khi em đi, bố em vẽ vẫn chưa xong !
- Nói
thế có nghĩa là cậu định đảo ngũ nữa chứ gì?
- Dạ,
không ạ. Ý em là…
- Thôi,
không nói lý sự nhiều. Kỷ luật: Dọn chuồng lợn bốn ngày ! Người tiếp theo :
Nguyễn Văn Lợi !
- Dạ, có
tôi !
- Tại
sao anh đảo ngũ ?
- Dạ, em
không đảo ngũ. Em chỉ trốn về mấy ngày thôi ạ. Bây giờ em có mặt ở đây rồi. Các
thủ trưởng nhìn rõ em đi ạ.
- Chúng tôi nhớ cái mặt anh rồi. Anh về nhà có giấy phép gì không ?
- Chẳng ai hỏi em giấy phép gì cả. Em nghĩ, bộ
quân phục có giá trị hơn mọi loại giấy tờ.
- Ngụy
biện ! Vừa mới nhận quân phục, anh đã lợi dụng uy tín của quân đội. Kỷ luật :
Ra cuốc đồi ba ngày liền ! Người khác …
Của đáng tội, quân phục của chúng tôi chẳng
ra sao. Cúc áo người ta đơm kiểu gì, có
cái chưa cài đã tuột. Có cái, khi giặt, chỉ cần vò nhẹ, cúc cũng bay luôn. Đến
nỗi, sáng thứ hai hàng tuần, có tiết mục chào cờ, hát quốc ca, chẳng đứa nào có
cái áo cài đủ năm cái cúc. Quần thì bằng loại vải gì không biết, vừa mềm vừa
nhàu, mới mặc đã xù lông. Trông rất chán. Đã thế, quần nào cũng vừa dài vừa
rộng. Áo quá cỡ còn có thể giắt trong quần, vai áo rộng cũng còn có thể coi
được, chứ quần thì… Trừ mấy anh cao lớn mặc vừa, đa số lính tráng đều có vấn đề
với cái quần. Nhưng lính đâu có chịu lùng thùng như thế. Anh chàng Cự khéo tay bèn sửa lại quần. Trước khi đi lính,
Cự cũng là một thợ may có tiếng ở Khâm Thiên. Trong làng, có em Châm, thợ may
số một. Châm là gái một con, da trắng nõn, hai má lúc nào cũng ửng hồng. Hàm
răng đều như hạt ngô, khi cười, lấp lánh cái răng vàng, mắt lúng liếng, quyến
rũ chết người. Cự sửa vừa nhanh vừa khéo. Anh em ùn ùn kéo đến. Chân Cự đạp máy
xoành xoạch suốt đêm. Quần sửa lại, vừa tăm tắp. Có thằng thích quá, mặc đi ngủ
không chịu thay.
Nhưng buổi sáng, đơn vị tập trung ra thao
trường. Anh Ngũ đi kiểm tra. Nhìn ống quần lính tráng bị bó hẹp lại, Ngũ điên
tiết. Anh gọi tất cả những ai sửa quần, bước lên, đứng thành hàng ngang. Rồi
anh cầm dao găm, rạch hết những đường chỉ, cảnh cáo. Nhưng lính tráng cũng cùn.
Cứ mặc nguyên quần bị xé đến đầu gối, đi ra thao trường, đi vào bếp ăn, đi về
nhà dân. Hai vạt quần dính cỏ, bết bùn, quạt phành phạch, lính tráng cũng cứ
mặc kệ. Anh Ngũ càng điên.
- Tại
sao đồng chí không thay quần khác ?
- Thủ
trưởng nói thế nào ấy chứ. Bọn em có nhõn hai cái, thủ trưởng xé cả, lấy gì
thay ?
Đấy là quần dài, còn quần lót cũng lắm
chuyện. Chúng tôi là lính tráng, quân đội lại phát quần lót toàn mầu trắng. Vải
mỏng trong suốt. Chiều chiều, Tới và Khánh, hai gã sinh viên, cứ đứng bên giếng
tắm, giội nước ào ào. Chim cò hai đứa đều dài ngoằng, thỗn thện, hằn một vệt
đen sì trên nền vải trắng ướt đẫm. Bọn tôi nhìn còn xấu hổ. Bà cụ già, chủ nhà,
lưng cõng cháu, cúi quét sân, cứ phải quay mặt. Chị Ban, vợ anh Rét, đi làm đồng về, vừa bước vào
nhà, đã vội chạy ra. Mãi đến tối mịt mới dám quay lại. Mà hai gã này cũng vô ý.
Tắm đã chậm, lại còn vừa nói chuyện vừa hát ông ổng. Gã Khánh giọng như con gái. Gã Tới, giọng như vịt đực, không bao giờ hát đúng nốt nhạc nào. Anh Rét tức
lắm.’’ Tao tưởng tụi nó là sinh viên, học thức cao nên sống cũng phải khác
chứ!’’ – ‘’Nhà trường chỉ dạy tụi nó kiến thức thôi. Còn cách sống, chúng nó
phải tự học chứ!’’ –‘’ Sao anh không góp ý thẳng với tụi nó ?’’-‘’ Anh
nghĩ, hai thằng này cũng lớn tuổi. Tụi
nó vặc lại thì sao? ‘’Nghĩ cũng tội. Nhà anh Rét không có nhà tắm. Khi tắm ở
giếng xong, lúc thay quần, phải đi luồn ra vườn sắn sau nhà. Quần đã trắng, lại
còn thắt bằng dải rút. Cái này mới cơ
khổ. Nhiều khi tắm xong, cởi mãi không được vì dây bị thắt nút. Sợ nhất là khi
đi vệ sinh. Phân ra đến đít rồi mà dải rút vẫn chưa cởi được. Nhiều phen oan
uổng đến phát rồ. Buổi trưa, Đình trầm ngâm: “Ngày mình đi bộ đội, bọn con gái
trong lớp, mối đứa tặng mình một món quà. Nhưng chẳng đứa nào tặng cho sợi dây
chun”. Biết được những zic –zắc này, Đình thường rủ tôi và Thành ra hồ tắm.
Đình còn dạy bọn tôi luyện về đường tiêu hóa. Nghĩa là, mỗi khi tập ở thao trường
xong, bọn tôi lại đi vào chân núi, tìm chỗ khuất sau các bụi rậm, mặc sức đại
tiện. Vừa mầu mỡ cho đất, vừa làm xanh cho rừng.
Chúng ta hay thích nói về những điều đao to
búa lớn, thích làm những điều vĩ đại. Nhưng những việc cỏn con như may một cái
áo, đơm cúc cho đàng hoàng, hoặc may quần đùi, nghĩ đến cuộc sống và tâm lý
người lính một chút thôi, cũng không ai để ý. Vậy, có ai hỏi ngược lại, chúng
tôi nghĩ gì về ngành hậu cần xa vời, về cấp chỉ huy trực tiếp của mình ? Ai có
biết đâu rằng, những việc bé nhỏ ấy, là khởi đầu cho những mâu thuẫn không đáng
có, là nguyên nhân cho những tiêu cực, bất mãn của lính tráng?
ĐOÀN TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét