XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

ĐẤT VÀ CỎ

 Trích "Một trăm ngày trước tuổi hai mươi"

Hình ảnh Quèn Mu đi qua cái dốc này phía sau hai quả núi là thao trường

    Chúng tôi đào hào ở thao trường. Tuy nằm trong thung, nhưng đất đầy sỏi đá. Ngay lớp đất trên bề mặt đã cứng đơ. Không dùng cuốc. Chỉ có xẻng. Mà xẻng bộ binh chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Không dùng cuốc, vì khi hành quân, mang theo cuốc, cồng kềnh lắm. Xẻng nào sục vào đất đồi được? Nhưng cứ phải đào. Thổ nhưỡng ở đây không có nhiều tầng đất. Chỉ một lớp cứng đanh. Nước mưa khó thấm . Đình nói:’’ Đúng là đất, chó ăn đá, gà ăn sỏi’’. Ông Cự bảo: “Đất biên giới còn cằn cỗi hơn. Cho mẹ nó Trung Quốc, giữ làm gì!’’. Ông Đông nghiêm giọng:’’Các anh đã lên ải Chi Lăng chưa? Đúng, đất biên giới còn cằn hơn nơi đây. Nhưng đất đó, đã nhiều lần thấm máu tiền nhân. Và bây giờ, lính tráng vẫn căng mình giữ.  Nếu không giữ cái vùng đất cằn khô ấy, chúng ta không có mái nhà mà chui vào đâu’’. Hai bàn tay phồng rộp. Bắt chước mọi người, cầm cán xẻng nóng rẫy, tôi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, xoa cho đỡ rát. Nhưng chỉ được lúc đó. Tối về, hai bàn tay sưng mọng. Từng bọng nước nổi lên. Thằng Cần phải dùng kim băng, chọc vào cho vỡ. Rát như phải bỏng.

   Đào đến ngày thứ hai, chúng tôi phát hiện nhiều đầu đạn, cát-tút chìm sâu trong đất. Tôi nhặt chiếc cát-tút, lau sạch đất, cầm lên ngắm. Dù đã han  gỉ nhưng mầu đồng vẫn vàng sậm. Chắc lớp lính trước cũng luyện tập ở đây. Họ đã đi vào Nam chiến đấu. Có người nào còn sống không? Có ai còn nhớ nơi này, trở lại thăm không? Dẫu không có người yêu, dẫu trải qua nhiều thôn xóm, nhưng trong lòng những chàng trai trẻ ấy, chắc chắn, ai cũng nhớ sâu đậm về mảnh đất đầu tiên đón nhận mình khi mình khoác áo lính. Và đời lính, dẫu ngắn hay dài, nó cũng như tình yêu đầu đời. Biết đâu, nó còn sâu sắc hơn những mối tình thoảng qua ? Nhớ hay không còn tùy thái độ sống của từng người. Dẫu vùng đất cằn khô này, mình không thích, nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí những người Mường nơi đây. Tại sao họ bền bỉ sống mãi với nơi này? Họ không về thành phố, sống như mình, là họ dại chăng? Nếu họ cũng về thành phố như mình, thì đất này, ai sẽ sống ? Mình hãy thử làm người Mường, sống đất này, yêu đất này một thời gian xem. Đừng sống nông cạn. Đừng yêu hời hợt. Đừng có kiểu thân xác nơi đây mà hồn để nơi nào. Hãy tập sống chân thành. Anh sẽ yêu, sẽ nhớ thương từng tấc đất thao trường.

   Tưởng đào hào dễ. Lính tráng đào một đường thẳng, dài chừng 50 mét, sâu chỉ chừng 40-50 phân. Ông Ngũ đi kiểm tra, chửi rầm trời: “Ai dạy các anh đào hào thẳng thế này? Nếu một quả pháo nổ trong hào, các anh chết ngóm cả lũ khi chưa kịp bắn phát nào. Hiểu chưa ?  Đường hào thẳng thế này, khi bọn địch chiếm được, chúng bắn tan xác các anh ngay tức khắc. Các anh có chỗ nào ẩn nấp không? Có chỗ nào chui vào để bắn lại không?  Đào lại. Đào lại. Chữ chi. Chữ chi. Zic-zac. Zic-zac. Hiểu không hả lũ vịt giời ? Đào sâu xuống. Ít nhất là một mét. Có chỗ sâu mét sáu, mét bẩy. Hiểu không?  Còn hàm ếch nữa. Khoét sâu vào thân hào. Cách năm – bẩy mét lại có một ụ súng. Cho RPD, cho đại liên, cho B.40 làm giá. Nhớ chưa? Trời ơi! Tiên sư các ông lính công tử ! Tôi không dạy các ông bây giờ, ra chiến trường, địch sẽ dạy các ông! Mà lúc đó, các ông thành ma rồi, biết chưa ?’’Ông Ngũ gân cổ chửi. Cái cổ nhỏ xíu. Hai đường gân xanh nổi lên, đỡ lấy cái đầu hói. Trông rất tức cười. Giọng ông lại the thé nên lính không sợ. Khánh nhẹ nhàng:’’ Bọn em tưởng chỉ đào làm ví dụ cho vui !’’ –‘’ Vui vui cái gì? Đừng đùa với cái chết. Tôi nói với các ông, sinh mạng mình chỉ có một. Bản thân tôi đây, sáu năm lính trận. Tôi còn vác được cái gáo về, chỉ nhờ vào mỗi việc, chăm đào hào. Mấy thằng bạn tôi, lười. Chết ráo cả! Làm đi !’’-  Ông Ngũ quay đi, Cự nói:’’ Mẹ, mấy bố chỉ giỏi dọa. Hầm hào là lý thuyết hết. Ra chiến trường, có người có ta. Đồng đội che chở cho nhau chứ!’’ Ông Ngũ quay lại:’’ Này, anh đừng lý tưởng hóa hai chữ ‘’đồng đội’’ nhé! Lúc ấy, chết đến đít. Mặc ai nấy chạy. Rúc vào đâu cho kín cái đầu mình, kín cái mông mình là cầm chắc mạng sống. Ai che chở cho mình?  Cây à? Bọn địch cứ nhằm vào cây mà rện. Xác mình bay tung. Không có mỏm đá nào đâu. Chỉ có đất. Đất che chở cho mình. Che thân hình mình. Che nỗi khiếp sợ của mình. Một hốc nhỏ thôi. Rúc đầu vào đấy.  Hai tay ôm lấy thủ. Thầm khấn tổ tiên che chở cho mình. Lúc ấy, hốc đất là mẹ, là ông và ông vải. Lúc ấy, để hết cơn hoảng sợ, để có thêm sức lực, các ông hãy dí sát mũi vào đất. Hít một hơi thật dài. Đất sẽ cho các ông sự can đảm. Tôi nói thật ! Các ông hãy yêu đất. Mình đối xử với đất thế nào, đất sẽ  đối xử với mình như thế !’’ Giọng nghiêm túc của ông Ngũ không thấm vào bọn tân binh.  Khánh giễu cợt :’’ Triết lý nông dân’’. Thằng Tới tung cái xẻng lên, lưới xẻng cắm xuống đất, giọng đùa cợt:’’ Từ cát bụi sinh ra lại trở về cát bụi!’’ Thằng Sơn nghêu ngao:’’ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi! Cát bụi mệt nhoài.

           Thao trường đầy cỏ. Cỏ tranh, cỏ may, có gấu, có chân gà, cỏ mần trầu, cỏ  mật  v.v…Chúng tôi đi trên cỏ, ngồi trên cỏ, nằm trên cỏ, ngả mình trên cỏ nhìn trời xanh. Cỏ ôm lấy chúng tôi, đùa giỡn, vỗ về, an ủi chúng tôi. Bệ bắn là những ụ đất đầy cỏ, Chúng tôi kê AK lên cỏ. Lá cỏ cứa ram ráp vào má. Hơi ngứa ngứa, buồn buồn. Mong manh như lá cỏ mà cũng dày đặc như lá cỏ. Ngày mai vào chiến trường, cỏ sẽ che chở cho chúng tôi.

   Từ ngày có hơi người, hình như, cỏ mọc nhanh hơn. Những lá cỏ non nhọn hoắt, đâm vào da thịt, không đau mà dễ chịu. Sau một ngày bị lính tráng quần nát, cỏ nhầu đi. Nhưng sáng mai, gặp chúng tôi, cỏ lại tươi vui, hồi sinh, lại mượt mà, xanh mướt.

   Cũng có những ngày , chúng tôi dùng liềm phạt cỏ. Lá cỏ rụng xuống, héo dần, se lại. Nhưng từ những nắm cỏ se se ấy, chúng tôi ngửi thấy mùi thơm . Một mùi thơm với rất nhiều hương. Vừa nồng nàn vừa hoang dại; vừa có hương  của rừng  vừa có vị của đất trung du. Và tôi đã thèm, đã thử. Trong khoảnh khắc, hãy biến mình thành con dê, con bò, thử nhai cỏ xem sao.

   Có những lúc, chúng tôi phải cắt cỏ. Nhưng ít ngày sau, cỏ lại mọc lên. Tinh khôi. Thanh mảnh. Như chưa từng đau đớn. Có những ngày, vì công việc, chúng tôi phải cuốc cỏ lên. Những rễ, những mầm cỏ trắng ngà, bật tung, lộn ngược. Nhưng ít ngày sau, từ những rễ, những mầm bị cắt ấy, những ngọn cỏ lại bật ra, nhú lên. Tôi nhìn cái mầm nhỏ nhoi ấy mà lòng đầy cảm phục.

   Và có những chiều, chúng tôi phải đốt cỏ. Lửa cháy đùng đùng trên cỏ. Thân cỏ cháy, nổ lep bép. Và những đống than ân ỉ cháy trên cỏ. Nhưng chỉ sau một trận mưa, chính chỗ đất ấy, chính chỗ cỏ ấy, những ngọn xanh nhọn hoắt lại tua tủa mọc lên. Tôi thầm hỏi: cỏ ơi, mày là ai mà sức sống bền bỉ vậy ?

   Rồi những phút giải lao, bứt cọng cỏ may, đưa lên miệng ngậm, mắt nhìn xa xăm. Thằng lính trẻ mười tám tuổi trông như nhà hiền triết. Nếu lộn ngược số tuổi, chúng tôi như  những ông lão ngoài tám mươi.

   Đúng là chúng tôi già. Già nua. Già cỗi. Nhưng chúng tôi không thích nói chuyện tuổi già. Nó lừng khừng. Không hành động. Trong khi đó, trên vành mũ, hầu như đứa nào cũng viết đậm dòng chữ:’’ Một xanh cỏ - hai đỏ ngực’’.  Đấy là thái độ sống , thái độ chết của chúng tôi. Phải chăng, đời lính đơn giản thế ? Nói vậy thôi. Đỏ ngực cũng chẳng để làm gì. Đất nước này, dân tộc này, chiến tranh dài đằng đẵng. Nhà nào chẳng  có con em đi lính. Nhà nào  chẳng có nơi thờ liệt sỹ. Ai trở về chẳng có huân chương. Đeo làm gì cho nặng người, cho rách áo. Tự hào với ai ? Hãnh diện với ai? Bố tôi, có cái huy hiệu ‘’Chiến sỹ Điện Biên’’. Mấy khi ông đeo? Để trong tủ, mốc xanh. Tôi thấy thế, lại càng kính trọng ông hơn.

   Và sim. Sao nhiều sim thế ? Dẫu chúng tôi đến đây vào mùa thu, hoa sim vẫn còn rải rác. Cái mầu tím ma mị đã làm bồn chồn thương nhớ các thế hệ cha anh, từ kháng Pháp sang chống Mỹ, giờ lại làm xao xuyến thế hệ chúng tôi.  Và trái sim đã chín Càng vào sâu phía trong chân núi càng nhiều. Thằng Cần phát hiện ra điều này. Chiều chiều, sau khi tập xong, nó lại rủ tôi vào chân núi. Tha hồ chén sim. Có những lần, rúc vào bụi rậm, vớ được bụi sim, quả mọng như trái nhót. Chín rục. Thâm đen. Nhỏ dãi. Cho vào miệng. Vị ngọt tan ra, thấm vào lưỡi. Ngọt lịm cả thân hình nặng hơn bốn chục cân. Một cây sim cằn khô nhưng đã cho tôi tất cả vị ngọt lành thơm ngon nhất của nó. Giữa chúng tôi và những cây sim , nào có quen biết gì, nào có họ hàng gì, mà sao chúng đãi chúng tôi hào phóng thế?  Thiên nhiên là gì ? Đâu có phải bầu trời cao rộng, đâu có phải là những dãy núi điệp trùng, nó chỉ là một gốc sim cằn, lặng im ẩn mình bên chân núi. Nhưng đã bao ngày, mưa ngập thung và nắng cháy lá cành, nó lặng lẽ hút hương vị của đất, nở ra hoa thơm cho loài ong, kết thành trái ngọt cho con người. Cảm nhận điều bé nhỏ này, đất nước, quê hương tự thấm vào mình bằng dáng hình và hương thơm cụ thể nhất.

ĐOÀN TUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét